Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
XUẤT XỨ MỘT SỐ CA DAO.
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Các bài liên quan:
    CA DAO VỀ PHAN BÁ VÀNH
    BÀN VỀ MỘT BÀI CA DAO
Giọt lệ cho ngàn sau: (Nhạc: Từ Công Phụng, độc tấu Hắc tiêu: Đặng Nho.

TÌM VỀ XUẤT XỨ CỦA MỘT SỐ CÂU CA DAO.
Đào Đức Nhuận.

Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?


Hai câu lục bát mô tả một hình ảnh tuyệt đẹp: Cô thôn nữ tát nước bên đường trong một đêm trăng đã vô tình múc cả ánh trăng vàng mà tưới vào ruộng lúa. Và cũng tình tứ biết bao! Người ta đã trách cô nàng sao vô tình đến thế, sao nhẫn tâm đến thế nỡ lòng nào múc ánh trăng đẹp làm vậy mà đổ đi cho đành!

Có một dạo, dễ thường đã hơn 40 năm, người ta đã từng bàn tán về 2 câu lục bát này. Có người cho đây là 2 câu thơ của thi sĩ Bàng Bá Lân và chính thi sĩ Bàng Bá Lân cũng đã xác nhận 2 câu thơ nầy là của mình. Có ngươì lại bảo rằng nhà thơ Bàng Bá Lân đã mượn 2 câu ca dao này để đem vào thơ của mình như xưa kia các nhà thơ Nôm đã từng làm. Tôi không được rõ về sau câu chuyện ngã ngũ như thế nào.

Tuy nhiên, theo chỗ tôi được biết, thì từ năm 1949, 2 câu lục bát này đã được phổ biến như ca dao và ông Trọng Toàn, một tác giả người Nam, đã sao lục câu ca dao này trong tác phẩm Hương Hoa Đất Nước của ông, một tập sưu khảo về ca dao rất có giá trị. Tôi nghĩ dù có là của Bàng Bá Lân hay là của một nhà thơ dân gian nào đó thì 2 câu lục bát nói trên cũng đã biến thành ca dao rồi, và nó nghiễm nhiên thuộc về tài sản chung trong kho tàng ca dao của dân tộc. Và đó là vinh dự lớn cho ai là tác giả của nó! Tôi chỉ muốn nhân việc tranh cãi về xuất xứ của một câu ca dao để thử tìm về xuất xứ của một số câu ca dao khác nữa.

Ngoài một số rất lớn những câu ca dao không rõ xuất xứ, có một số rất nhỏ ta có thể truy tìm được xuất xứ.

A. NHỮNG CÂU CÓ XUẤT XỨ TỪ TRUYỆN NÔM:

Số câu ca dao có xuất xứ thuộc loại này tương đối nhiều. Như chúng ta có thể cảm nhận, trong các tác phẩm Nôm của ta, từ các tác phẩm có tính cách bác học như Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu v.v...đến các tác phẩm có tính cách bình dân không rõ tác giả như Thoại Khanh Châu Tuấn, Tống Trân Cúc Hoa, Quan Âm Thị Kính v.v... ta đều thấy xuất hiện đây đó trong tác phẩm những câu mà ngày nay ta được biết là ca dao. Loại ca dao này có thể nằm trong 2 trường hợp:

Hoặc là tác giả truyện Nôm mượn ca dao để đem vào truyện.
Hoặc là câu thơ từ trong truyện Nôm trở thành ca dao.

Ảnh hưởng qua lại giữa ca dao và thơ truyện Nôm là một quá trình lâu dài và tất yếu. Ảnh hưởng nầy được phát sinh từ hoàn cảnh của một xã hội nông nghiệp ít thay đổi trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Sĩ và nông là 2 giai tằng của xã hội, tuy có vẻ phân biệt “nhất sĩ nhì nông”, tuy nhiên, trên thực tế, Sĩ là một thành phần bất khả phân ly của Nông như trong lời tựa của tác phẩm Thoại Nông Lục - một sưu tập thi ca của nhiều tác giả viết về nông trang, Học Bộ Thượng Thư Cao Xuân Dục (1842-1923) đã từng viết:

-“Sĩ là do nông mà ra, sĩ và nông có quan hệ đầu và cuối (thủy chung). Người ta lúc nhỏ đi học, đó là nông mà sĩ; lúc lớn đi làm quan, đó là sĩ mà nông; lúc già về hưu, lại nông mà sĩ...” (trích Từ Trong Di Sản).

Xem thế đủ biết kẻ Sĩ của ta luôn luôn gắn bó với những sinh hoạt cuả nông trang, và các tác giả thơ truyện Nôm là thành phần tài hoa của giới Sĩ, dĩ nhiên cũng thường xuyên gắn bó với các sinh hoạt cuả nông trang, đặc biệt là trong lãnh vực dân ca. Thực vậy, khi còn là bạch diện thư sinh, hay ngay cả khi đã đỗ đạt nhưng chưa xuất chính, họ vẫn thường tham gia vào các hội hát địa phương như hát quan họ, hát trống quân, hát phường vải, hò giã gạo, hò tát nước v.v...Như ta đã biết, Nguyễn Du, con quan Tể Tướng Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm (1708-1775) đã từng tham gia vào các cuộc hát phường vải ở làng Trường Lưu thuộc Hà Tĩnh và đã để lại một giai thoại văn chương kỳ thú với bài văn tế Trường Lưu Nhị Nữ thật hóm hỉnh. Vậy là, trong những sinh hoạt mang tính chất dân gian như vậy, họ vừa tham gia vào việc sáng tạo ca dao vừa học hỏi từ ca dao những lời hay ý đẹp. Cũng chính Nguyễn Du (1765-1819), tác giả của truyện Kim Vân Kiều bất hủ, đã xác nhận việc học hỏi của mình qua ca dao như sau:

Thôn ca sơ học tang ma ngữ,
Dã khốc thời văn chiến phạt thanh.
(Thanh Minh Ngẫu Hứng)

Dịch nghĩa:

Nghe khúc hát thôn quê mới học được lời nói trong nghề trồng dâu gai,
Thỉnh thoảng nghe tiếng khóc ở đồng nội như là nghe tiếng của chiến tranh.

“Thôn ca” tức là ca dao được dân chúng của mỗi địa phương hát lên theo cách điệu của địa phương mình mà ta vẫn gọi là dân ca vậy.

Ở đây tôi chỉ nêu lên những câu giống nhau hoặc gần giống nhau giữa câu ca dao và câu thơ trong truyện theo ảnh hưởng qua lại giữa ca dao và thơ truyện Nôm chứ không bàn đến ảnh hưởng từ phía nào (vì đây là công việc không thể nào thực hiện được!).

Và sau đây là một ít câu tiêu biểu được rút ra từ 2 tác phẩm nổi tiếng: Truyện Kiều và truyện Lục Vân Tiên.

Ca dao:

Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai...
(TNPD, trang 504)

Kiều:

Đó là các câu 269-270 trong truyện Kiều.

Ca dao:

Nghề chơi cũng lắm công phu,
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều.
(TNPD, trang 262 - TCBDVN I, trang 271)

Kiều:

Đó là các câu 1201-1202 trong truyện Kiều.

Ca dao:

Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều.
(TNPD, trang 111)

Kiều:

Đó là các câu 2363-2364 trong truyện Kiều.

Ca dao:

Ông trăng khuyết, ông trăng lại tròn ,
Gái tơ quá lứa thì mất giòn em chả có xinh.
Vẳng tai nghe lời nói hữu tình,
Cái con chim lồng khôn lẽ cất mình bay cao.
Gớm ghê thay cái số bông huê đào,
Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi.
Chàng Thúc Sinh quen thói bốc dời,
Trăm nghìn đổ một trận cười như không.
Chường vô chăn gối loan phòng,
Thiếp tôi ra tựa cái bóng đèn chong canh dài.
Vả thiếp tôi nay phận gái nữ hài,
Thấy chàng quân tải dáng tài trai anh hùng...
(TNPD, trang 546)

Kiều:

* Thoạt trông nàng đã biết tình,
Chim lồng khôn lẽ cất mình bay cao.
Chém cha cái số hoa đào,
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi (2151-2154)

* Thúc Sinh quen thói bốc rời
Trăm nghìn đổ một trận cười như không (1303-1304)

* Nguời vào chung gối loan phòng
Nàng ra tựa bóng đèn giong canh dài (1871-1872)

Ca Dao:

Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai.
Khi về nhắn liễu Chương Đài,
Cành xuân đã bẻ cho ai một cành.
Có yêu anh thì bẻ quách cho anh.
(TCBD I, trang 462, TNPD II, trang 541)

Kiều:

Nhớ lời nguyện ước ba sinh
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai
Khi về hỏi liễu Chương Đài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay (1259-1262)

Ca Dao:

Thương thay chín chữ cù lao
Tam niên nhũ bộ biết bao nhiêu tình.
(HHĐN, trang 92)

Lục Vân Tiên:

Thương thay chín chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình (585-586).

Ca Dao:

Ai cho sen muống một bồn,
Ai từng chanh khế sánh cùng lựu lê.
(Tchang chang 495, TNPDI, trang 17)

Lục Vân Tiên:

Ai cho sen muống một bồn
Ai từng chanh khế sánh phồn lựu lê (1029-1030)

Ca Dao:

Người đời như cánh phù du
Sớm còn tối mất, công phu nhẹ nhàng.
(TNPD, trang 263)

Người đời khác thể phù du,
Sớm còn tối mất công phu lỡ làng.
(HHĐN, trang 74)

Lục Vân Tiên:

Người đời như bóng phù du
Sớm còn tối mất công phu lỡ làng (1301-1302)

Ca Dao:

Lênh đênh một chiếc thuyền tình
Mười hai bến nước biết gửi mình vào đâu?
(HHĐN, trang 180)

Lục Vân Tiên:

Linh đinh một chiếc thuyền tình
Mười hai bến nước biết mình vào đâu (1583-1584)

B. NHỮNG CÂU CÓ XUẤT XỨ TỪ THI CA HIỆN ĐẠI:

Trong vài thập kỷ đầu của thế kỷ 20, nhiều tác phẩm sưu tập tục ngữ ca dao xuất hiện, chẳng hạn như: Thanh Hóa Quan Phong của Vương Duy Trinh (1903), Đaị Nam Quốc Túy của Ngô Giáp Đậu (1908), Việt Nam Phong Sử của Tiểu Cao Nguyễn Văn Mai (1914)... Có lẽ những tác phẩm này đã gợi hứng cho một số nhà thơ nổi danh đương thời như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939), Ưng Bình Thúc Dạ Thị (1887-1961), Á Nam Trần Tuấn Khải (1895-1983)... để họ sáng tác những bài thơ theo phong cách ca dao, dân ca và một số trong những bài thơ đó đã được quảng đại quần chúng lưu hành trong các dịp hát hò rồi dần dần người ta không còn nhớ đến tác giả nữa và những câu thơ, những bài thơ được đại chúng lưu truyền đó đã nghiễm nhiên trở thành ca dao. Các nhà sưu tập ca dao lớp sau lại đã sưu tập những câu ca dao mới này vào tác phẩm sưu tập tục ngữ ca dao của mình như Nguyễn Văn Ngọc với Tục Ngữ Phong Dao (1928), Trọng Toàn với Hương Hoa Đất Nước (1949), Nguyễn Tấn Long và Phan Canh với Thi Ca Bình Dân Việt Nam (1970)...

Chính sự thâm nhập của một số câu thơ, bài thơ của các tác giả hiện đại vào kho tàng ca dao của đại chúng, đôi khi đã gây ra những cuộc tranh cãi trên báo chí thật hào hứng như trường hợp 2 câu mà tôi đã trích dẫn ở đầu bài. Trước cuộc tranh luận này (xảy ra tại Sài Gòn), thì tại Hà Nội, sau khi Tản Đà qua đời (1939), một cuộc tranh luận tương tự cũng đã xảy ra trên tạp trí Tri Tân giữa 2 nhà văn Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm và Nguyễn Tiến Lãng về 2 câu:

Chồng người xe ngựa người yêu,
Chồng em khố đũi em chiều, em thương.

Theo Hoa Bằng thì đây là 2 câu ca dao mà Tản Đà đã mượn cho vào bài “phong dao” của mình. Ngược lại, Nguyễn Tiến Lãng thì lại cho đây là 2 câu thơ của Tản Đà. Quả thực đây là 2 câu trong một khúc “phong dao” của Tản Đà tiên sinh được đăng trong tác phẩm Khối Tình Con I, xuất bản từ năm 1916. Khúc “phong dao” đó như sau:

Chồng người xe ngựa người yêu,
Chồng em khố đũi em chiều em thương
Phận hèn kém phấn thua hương,
Phong lưu kia cũng như nhường, mặc ai.

Sau đây là một số câu khác nữa của Tản Đà thuộc loại “phong dao” (theo cách gọi của Tản Đà) đăng trong thi phẩm Khối Tình Con xuất bản năm 1916 và đã được đại chúng hóa thành ca dao:

* Ai xui em lấy học trò
Thấy nghiên, thấy bút những lo mà gầy
(HHĐN I, trang 150)

Ai xui em lấy học trò
Thấy nghiên, thấy bút những lo mà gầy
Người ta đi lấy ông Tây
Có tiền, có bạc cho thầy mẹ tiêu !
(Tản Đà, Khối Tình Con I)

* Người ta có vợ có chồng
Em như con sáo trong lồng kêu mai
(HHĐN I, trang 187)

Người ta có vợ có chồng
Em như con sáo trong lồng kêu mai
Má đào gìn giữ cho ai
Răng đen đen quá, cho hoài luống công
(Tản Đà, Khối Tình Con I)

* Chàng đi những nhớ cùng thương
Gánh tình thì nặng, con đường thì xa.
(HHĐN I, trang 213)

Gió đưa thầy khóa sang sông
Để em trông thấy trong lòng vấn vương
Chàng đi những nhớ cùng thương,
Gánh tình thời nặng, con đường thời xa.
(Tản Đà, Khối Tình Con I)

Á Nam Trần Tuấn Khải cũng là một nhà thơ có nhiều thơ mà ngày nay đã trở thành ca dao. Có một điểm đặc biệt là những bài thơ có phong cách ca dao của Á Nam Trần Tuấn Khải trong thi phẩm Duyên Nợ Phù Sinh I, xuất bản lần đầu năm 1921, thì chỉ trải qua khoảng 7, 8 năm lưu hành trong quảng đại quần-chúng, chúng đã nghiễm nhiên trở thành những bài ca dao được nhiều người sử dụng dưới nhiều hình thức dân ca khác nhau, và rồi nhà sưu tập ca dao Nguyễn Văn Ngọc đã sưu tập vào tác phẩm Tục Ngữ Phong Dao của ông vào năm 1928.

Sau đây là mấy bài thơ làm theo phong cách ca dao của Á Nam Trần Tuấn Khải đăng trong thi phẩm Duyên Nợ Phù Sinh in năm 1921 và đã được sưu tập trong các tuyển tập ca dao như sau:

* Rủ nhau xuống bể mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi ! chua ngọt đã từng
Non xanh nước biếc ta đừng quên nhau
(TNPD II, trang 557 - HHĐN I, trang 246)

* Anh đi anh nhớ non Côi
Nhớ sông Vị Thủy, nhớ người tình chung
Quản bao non nước ngại ngùng
Lấy ai san sẻ gánh gồng đường xa
(TNPD II, trang 389)

* Ai làm cho bướm lìa hoa
Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng
Ai đi muôn dặm non sông
Để ai chứa chất sầu đong vơi đầy
(TCBD I, trang 495)

Bướm kia sao nỡ lìa hoa
Chim xanh sao nỡ bay qua vườn hồng
Ai đi muôn dặm non sông
Để ai thương chứa sầu đông một mình
(Trần Tuấn Khải, Duyên Nợ Phù Sinh)

* Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai mong?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non!
(TCBD IV, trang 43)

Đây là bài thơ làm theo điệu hò mái đẩy (còn gọi là hò mái nhì), một điệu hò chèo thuyền rất thịnh hành ở vùng Quảng Trị, Thừa Thiên. Tác giả của khúc hò nổi tiếng này là Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1887-1961). Bài này đã được sáng tác rất sớm, có lẽ cùng thời với cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân (1916), do đó, sau này có một số tác giả đã lầm tưởng đây là câu hò của vua Duy Tân dùng làm mật lệnh để liên lạc vơí lãnh tụ khởi nghĩa là Trần Cao Vân.

Bài hò trên ghi đúng nguyên tác như sau:

Trước bến Văn Lâu
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu,
Ai sầu ai thảm,
Ai thương ai cảm,
Ai nhớ ai mong?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

Bài ca dao sau đây cũng nguyên là khúc hò mái nhì của Ưng Bình Thúc Gịa Thị:

* Một vũng nước trong, năm bảy dòng nước đục,
Một trăm người tục, một chục ngươi thanh
Biết ai tâm sự cho mình,
Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân.
(HHĐN I, trang 258)

C. NHỮNG CÂU CÓ NGUỒN GỐC TỪ CỔ THI:

Đây là những câu ca dao tương đối dễ nhận diện vì nó có ý nghĩa tương đối gần với những câu cổ văn hoặc những bài cổ thi. Dịch giả có thể dịch sát nguyên tác, cũng có thể dịch lấy ý; đôi khi chỉ dịch một câu hoặc mấy câu trong một bài.

Sau đây là một số thí dụ:

Ca Dao:

* Sa chân bước xuống ruộng dưa,
Dẫu ngay cho chết cũng ngờ rằng gian.
(TNPD I , trang 300)

Câu ca dao trên đây gần tương tự với 2 câu lục bát 133-134 trong truyện Quan Âm Thị Kính, một truyện Nôm khuyết danh gồm 788 câu thơ lục bát rất phổ biến trong dân gian ngày xưa:
Ngán thay chữa dép ruộng dưa
Dẫu ngay đến chết cũng ngờ rằng gian (câu 133-134).

Câu ca dao này được phóng tác từ câu đầu của 2 câu chữ Hán như sau:

Qua điền bất nạp lý,
Lý hạ bất chỉnh quan.

Dịch nghĩa:

Đi ngang ruộng dưa đừng cúi sửa giày,
Đi dưới cây mận đừng đưa tay sửa mũ.

Đây là câu trong bài Quân Tử Hạnh của Ngụy Vũ Đế thời Đông Châu Liệt Quốc khuyên răn người đời cách xử thế đừng nên có những hành vi có thể tạo nên sự nghi ngờ nơi người khác.

Ca Dao:

* Giàu sơn lâm lắm kẻ tìm đến,
Khó giữa chợ chẳng ma nào nhìn.
(TNPD I trang 158)

* Khó khăn ở chợ leo teo
Ông cô bà cậu chẳng điều hỏi sao.
Giàu sang ở bên nước Lào
Hùm tha, rắn cắn tìm vào cho mau.
(TNPD II trang 494)

Khó khăn ở quán ở lều,
Bà cô, ông cậu chẳng điều hỏi sao.
. . . . .

* Khó giưã chợ không ai màng tới,
Giàu rừng sâu nhiều kẻ vãng lai.
Anh thấy em xấu dạng hữu tài,
Anh kiếm lời trăng gió vắn dài gạt em!

* Nghèo hèn giữa chợ ai chơi,
Giàu trong hang núi có người đến thăm

Những câu ca dao trên đây đây được phỏng dịch từ 2 câu chữ Hán như sau:

Bần cư náo thị vô nhân vấn,
Phú tại thâm sơn hữu khách tầm.

Dịch nghĩa:

Nhà nghèo sống ở chỗ chợ ồn ào không ai hỏi đến,
Giàu sang thì dù có sống ở tận rừng sâu cũng có khách tìm đến.

Ca Dao:

* Giàu sang nhiều kẻ tới nhà
Khó khăn nên nỗi ruột rà xa nhau.

Câu ca dao trên đây được dịch tù 2 câu thơ chữ Hán dưới đây:

Phú quý đa nhân hội,
Bần cùng thân thích ly.

Ca Dao:

* Đường dài hay sức ngựa,
Nước loạn biết tôi ngay.
(TNPD I, 127)

Câu trên “Đường dài hay sức ngựa” là được dịch thẳng từ câu ngạn ngữ Trung Hoa:
Trường đồ tri mã lực.

Câu dưới “Nước loạn biết tôi ngay” lại được dịch từ vế sau của 2 câu cổ thi:

Gia bần tri hiếu tử,
Quốc loạn thức trung thần.

Dịch nghĩa:

Nhà nghèo mới biết được con nào là con hiếu thảo,
Nước có loạn mới biết được ai là kẻ tôi trung.

Ca dao:

* Dạy con từ thuở còn thơ,
Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về
(TNPD I, trang 111)

* Dạy con dạy thuở còn thơ,
Dạy vợ dạy thuở ban sơ mới về.
(HHĐN I, trang 60)

* Dạy con từ thuở hài đề,
Dạy vợ từ thuở mới về làm dâu
(TNCD, trang 97)

Những câu ca dao trên đây được dịch từ 2 câu:

Giáo phụ sơ lai,
Giáo tử anh hài

Dịch nghĩa:

Dạy vợ lúc mới về,
dạy con lúc còn thơ.

Hai câu trên được trích trong sách Minh Đao Gia Huấn (Sách dạy trong gia đình của ông Minh Đạo). Minh Đạo tức ông Trình Hiệu, một danh nho đời nhà Tống. Sách này được xem như sách giáo khoa của nền giáo dục Nho giáo ở nước ta thời xưa.

Ca dao:

Ăn lắm thì hết biết ngon,
Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ.
(TNPD I, trang 28)

Câu ca dao trên được dịch từ cổ văn:

Đa ngật vô tư vị,
Đa thoại bất trị tiền.

Dịch nghĩa:

Ăn nhiều không còn thấy ngon miệng,
Nói nhiều thì lời nói không còn đáng giá.

Ca dao:

Chổi cùn cắp nách khăng khăng,
Có ai hỏi đến thì văng ngàn vàng.

Câu ca dao trên đây được thoát dịch từ câu cổ văn:

Gia hữu tệ trửu
Thưởng chi thiên kim

Dịch nghĩa:

Trong nhà có chiếc chổi cùn,
(Giá có ai) khen đến thì (lại bảo) giá nó đáng ngàn vàng!
Ca Dao:

Ở đời Kiệt Trụ sướng sao
Có rừng nem béo, có ao rượu đầy!
Ở đời Nghiêu Thuấn khổ thay,
Giếng đào mà uống, ruộng cày mà ăn.
(TNPD II, trang 549).

Đây là bài ca dao thuộc thể phản ngữ, tức là nói trái lại ý mình muốn nói.

Người xưa cho rằng Kiệt - tên vua cuối cùng của nhà Hạ, và Trụ - tên vua cuối cùng của nhà Thương, là 2 tên vua tàn ác và hoang dâm vào bậc nhất của lịch sử Trung Hoa cổ đại. Theo sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, vua Trụ lấy rượu chứa thành ao, lấy thịt treo thành rừng rồi bắt bọn con trai con gái trần truồng nô đùa trong ao rượu, vừa nô đùa vừa ăn thịt uống rượu thâu đêm suốt sáng tạo cảnh dâm dật người đời hiếm thấy. Nghiêu Thuấn là 2 vì vua thuộc truyền thuyết Trung Hoa sống vào khoảng 2.400 năm trước Công nguyên. Đây được xem là thời đại hoàng kim của nhân loại. Dưới đời Nghiêu Thuấn thiên hạ được bình trị, người ra đường thấy của rơi không thèm nhặt, đêm ngủ nhà không cần đóng cửa cài then. Để ca tụng cảnh đời thịnh trị đó, người đương thời đã có câu ca rằng:

Nhật xuất nhi tác,
Nhật nhập nhi tức
Quật tỉnh nhi ẩm,
Canh điền nhi thực
Đế lực ư ngã hà hữu tai!

Dịch nghĩa:

Mặt trời mọc thì đi làm,
Mặt trời lặn về nghỉ.
Đào giếng lấy mà uống,
Cày ruộng lấy mà ăn
Quyền lực nhà vua làm gì được ta.

Có nghĩa là người ta được sống một cuộc sống ung dung tự tại, chẳng cần nhờ vả vào ai và cũng chẳng có ai quấy phá đến mình.

Ca Dao:

Ruộng người cày, ngựa người nuôi,
Con người mắng mỏ, vợ người yêu đương.
(TNCDDCVN, trang 456)

Trang Tử, một nhà hiền triết lừng danh của Trung Hoa vào thời Chiến Quốc (thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên).

Ông có câu chuyện kể rằng:

Một hôm dạo chơi, Trang Tử gặp một người đàn bà cầm quạt đang quạt một nấm mồ vừa mới đắp nằm ở vệ đường. Lấy làm lạ, tiên sinh bèn hỏi nguyên do, người đàn bà thưa rằng trước khi chết chồng nàng có trối lại rằng nếu nàng muốn bước đi bước nữa thì nàng nên chờ cho đến khi nào nấm mồ thật khô hãy tái giá. Thế nên nàng phải quạt cho nấm mồ chóng khô chứ chờ cho nó khô thì không biết đến bao giờ. Trang Tử dùng phép tiên quạt hộ, nấm mồ khắc khô ngay. Người đàn bà hí hửng rời ngôi mộ chồng để đến với người yêu đang chờ nàng ở đâu đó. Trang Tử đem chuyện này kể cho vợ nghe. Vợ ông mạt sát người đàn bà quạt mồ một cách thậm tệ và thề rằng, nếu Trang Tử chẳng may chết trước, bà sẽ thủ tiết thờ chồng suốt đời. Mấy hôm sau, Trang Tử lâm bệnh rồi từ trần. Trước khi nhắm mắt, ông dặn vợ nên quàn xác ông đủ 100 ngày cho môn sinh của ông đến viếng rồi hãy chôn. Vợ ông vâng lời quàn xác ông ở nhà sau. Một hôm có một chàng trai thật điển trai đến xưng là học trò của Trang Tử, nghe tin thầy chết xin đến chịu tang. Vợ Trang Tử hí hửng thù tiếp chàng trai trẻ. Được dăm hôm thì 2 người không còn giữ kẽ nữa mà cùng nhau âu yếm lả lơi ngay trước quan tài của Trang Tử. Trong lúc đang say sưa âu yếm, bỗng chàng trai ôm bụng kêu la thảm thiết. Vợ Trang Tử hoảng hốt hỏi tại sao và hỏi cách chữa trị. Chàng trai bảo rằng thỉnh thoảng mình cũng bị như thế này và mỗi lần lên cơn phải lấy sọ người mới chết đem mài lấy nước uống mới linh nghiệm. Vợ Trang Tử mê mẩn chiều lòng người tình, bèn lấy búa đập quan tài của Trang Tử để ấy sọ. Khi nắp quan tài vừa mở, Trang Tử ngồi bật dậy. Vợ Trang Tử nhìn lại cũng chẳng thấy hình bóng chàng trai trẻ đâu nữa. Thì ra Trang Tử đã hóa phép ra chàng trai trẻ để thử lòng vợ. Vợ ông thẹn quá uất lên mà chết. Trang Tử chẳng chút buồn rầu, ngồi bên xác vợ, tay gõ vào chiếc chậu sành mà ca rằng:

Kham ta phù thế sự
Hữu như hoa khai tạ.
Thê tử ngã tất mai,
Ngã tử thê tất giá.
Ngã nhược tiên tử thì
Nhất trường đại tiếu họa:
Điền bị tha nhân canh,
Mã bị tha nhân khóa.
Thê bị tha nhân luyến,
Tử bị tha nhân mạ
Dĩ thử đồng thương tình
Tương khan lệ bất hạ
Thế nhân tiếu ngã bất bi thương
Ngã tiếu thế nhân không đoạn trường
Thế sự nhược hoàn khốc đắc chuyển
Ngã diệc thiên sầu lệ vạn hàng

Do việc Trang Tử gõ vào chậu sành mà hát khúc ca trên nên khúc ca nay được gọi là Trang Tử Cổ Bồn Ca. Tại nước ta, không biết từ lúc nào và cũng không biết ai là dịch giả, đã xuất hiện một bản dịch “Bài hát cổ bồn của Trang Tử” với một bút pháp đa tình khá điêu luyện mà 2 câu ca dao trên đây đã được trích ra từ bản dịch này:

Này thế sự có vui đâu tá
Nở rồi tàn hoa nọ khác chi
Vợ mà thác ấy ta vì
Ta mà thác ấy vợ đi lấy chồng
Quá ra nữa ta riêng thác trước
Thực lắm trò nhem nhuốc khó coi
Ruộng người cày, ngựa người nuôi
Con người mắng mỏ, vợ người yêu đương
Nghĩ nông nỗi tấm thương nhường thế
Nhìn nhau xem hạ lệ hay không
Đời cười ta tính khí ngông
Tự coi đạo vợ, nghĩa chồng như chơi
Ta lại dám cười đời ít biết
Chỉ một niềm thảm thiết xót xa
Ví bằng thế sự xảy ra
Khóc mà lại được đây ta khóc rồi.

Cũng từ sự tích kể trên, ta còn có câu ca dao sau đây:

Thương thay những kẻ quạt mồ,
Hại thay những kẻ lấy vồ đập săng!
(TNPD I, trang 341)

Lại có bản chép:

Nực cười cho kẻ quạt mồ
Ghê thay cho gái lấy vồ đập săng!

Ca Dao:

Cày đồng đương buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
(HHĐN, trang70, TCBD I, trang 387)

Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.
(TNPD I, trang16, TCBD II, trang 453)

Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.
(TNCDDCVN, trang 229)

Theo các tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc trong Tục Ngữ Phong Dao, Nguyễn Tấn Long - Phan Canh trong Thi Ca Bình Dân Việt Nam, Trọng Toàn trong Hương Hoa Đất Nước và Linh mục Thanh Lãng trong Văn Chương Bình Dân, 4 câu lục bát trên được sao lục thành 2 câu ca dao khác nhau. Vũ Ngọc Phan trong Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam đã sao lục thành một bài ca dao duy nhất. Bài ca dao này nguyên là bản dịch từ một bài Đường Thi của Lý Thân (780-846) đời nhà Đường bên Trung Hoa.

Nguyên tác của bài thơ được phiên âm như sau:

Sừ hoà nhật đương ngọ,
Hãn trích hoà hạ thổ.
Thùy niệm bàn trung xan,
Lạp lạp giai tân khổ !

Dịch nghĩa:

Xới lúa giữa trời trưa nắng gắt,
Mồ hôi nhỏ xuống thấm đất dưới chân cây lúa.
Nào đã mấy ai nghĩ đến bữa ăn trên mâm,
Mỗi hạt cơm mang bao nỗi niềm đắng cay!

Không biết ai là dịch giả và cũng không biết bản dịch xuất hiện tự bao giờ, nhưng nó đã được lưu truyền trong dân chúng khá lâu và đã được tác giả Ngô Giáp Đậu sưu tầm và cho khắc in bằng chữ Nôm từ năm 1908 trong tác phẩm Đại Nam Quốc Túy.

Để nói lên cái thú nhàn dật của người xưa, cổ thi có bài như sau:

Xuân du phương thảo địa,
Hạ thưởng lục hà trì,
Thu ẩm hoàng hoa tửu,
Đông ngâm bạch tuyết thi.

Dịch nghĩa:

Mùa Xuân dạo chơi trên đất cỏ thơm,
Mùa Hạ hưởng cái thú tắm mát ở ao sen xanh,
Mùa Thu uống rượu cúc (hoàng hoa tửu)
Mùa Đông ngâm câu thơ tuyết trắng.

Các nhà nghệ sĩ dân gian của vùng đất quan họ Bắc Ninh đã phỏng theo ý cuả bài thơ này để tạo nên những khúc dân ca quan họ trữ tình.

Hoặc là phóng dịch không cần lấy hết ý:

... Câu thơ Nôm có bốn chữ bài,
Bề trong phương thảo, bề ngoài xem thơ.
Xem trong thơ thưởng lộc hà trì,
Xuân du phương thảo, Đông thì ca ngâm.

Hoặc đổi ý của nguyên tác: lục hà trì nghĩa là “ao sen xanh” thì đổi thành “sông Lục Hà”:

Mùa Xuân chơi hội thong dong,
Mùa Hè tắm mát ở sông Lục Hà.
Mùa Thu uống rượu hoàng hoa,
Mùa Đông ngâm thơ bạch tuyết, bốn ta chơi bời...

Ở trên là một số ca dao có xuất xứ từ cổ thi Trung Hoa. Sau đây là một số câu ca dao có xuất xứ từ cổ thi Việt Nam:

Ca Dao:

Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không
(TCBD I, trang 601)

Câu ca dao trên đây được tách ra từ bản dịch bài thi kệ “Hữu Không” của Thiền Sư Từ Đạo Hạnh ( ? - 1117) sống dưới thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127).

Nguyên tác:

Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.

Dịch nghĩa:

Bảo là “có” thì từ hạt cát, mảy bụi đều có.
Cho là “không” thì hết thảy đều không.
“Có” với “không” như ánh trăng dưới nước
Đừng có bám hẳn vào cái “có” (và cũng) đừng cho cái “không” là không.
(Theo Thơ Văn Lý Trần I, trang 345)

Tương truyền Thiền Sư Huyền Quang (1254-1334) đồng thời là một thi sĩ nổi tiếng thời nhà Trần (1225-1400) đã dịch bài này ra thơ Nôm như sau:

Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Vừng trăng vằng vặc in sông,
Chắc chi có có, không không mơ màng.

Cũng theo tương truyền thì Thiền sư Huyền Quang, tên thật là Lý Đạo Tái, thuở còn hàn vi thường bị những người thân thích hất hủi, xóm giềng khinh khi. Đến khi ông thi đỗ Trạng Nguyên thiên hạ lại tranh nhau gọi gả con gái cho ông. Oâng buồn bã về thế thái nhân tình, bèn chua chát thốt ra câu:

Khó hèn thì chẳng ai nhìn,
Đến khi đỗ Trạng chín nghìn nhân duyên.
(TCBD I, trang 409)

Có bản chép:

Lúc nghèo thì chẳng ai nhìn,
Đến khi đỗ Trạng chín nghìn anh em.
(TNPD, trang 209)

Ca dao:

Gởi con cho bác quạ già
Biết rằng bác quạ thương là chẳng thương.
(HHĐN II, trang 248)

Lại có dị bản:

Đem con mà gửi quạ già
Biết đâu quạ để con ta được toàn?

Chuyện kể rằng, Trần Nguyên Đán (1325-1390) hiệu Băng Hồ, giữ một vai trò quan trọng dưới triều Trần Nghệ Tông (1370-1372). Về sau thấy Trần Nghệ Tông quá tin dùng Hồ Quý Ly, can ngăn gần xa không được, năm 1385, ông xin về trí sĩ ở Côn Sơn (Hải Dương). Thời gian nầy, Thượng hòang Nghệ Tông giao cả quyền chính vào một tay Hồ Quý Ly và giao cả con là hoàng đế Thuận Tông cho Quý Ly phò tá. Năm 1390, nghe tin Trần Nguyên Đán ốm nặng, Nghệ Tông về Côn Sơn để thăm và hỏi tiên sinh về cách xoay chuyển tình thế. Băng Hồ tiên sinh chỉ đọc hai câu thơ:

Nhân ngôn ký tử dữ lão nha
Bất thức lão nha liên ái phủ?

Câu ca dao trên là được dịch từ 2 câu thơ này vậy.

Quả như lời tiên tri của Băng Hồ, về sau Hồ Quý Ly giết Thuận Tông, truất ngôi của Thiếu Đế rồi lên làm vua lập ra nhà Hồ (1400-1407)
* * *
Trong hiện tại, chúng ta đã có thể sưu tầm hàng ngàn câu ca dao, thậm chí cả hàng vạn câu. Tuy nhiên, truy tầm cho ra xuất xứ của từng câu ca dao trong số ca dao đã sưu tầm được là một điều chúng ta không thể nào thực hiện được. Có nhiều lý do.

Trước hết, ca dao có thể xuất hiện cả hàng ngàn năm trước đây, thế mà mãi đến cuối thế kỷ thứ 18 chúng ta mới có tác phẩm đầu tiên sưu tập ca dao, tục ngữ. Đó là tác phẩm Nam Phong Giải Trào do Trần Danh Án (1754-1794) khởi thảo.

Hơn thế nữa, ngôn ngữ nói chung, ca dao nói riêng, cũng có đời sống riêng của nó. Có những câu chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn rồi mất đi, ngược lại cũng có những câu có một đời sống khá lâu. Có những câu từ lúc sinh ra cho đến ngày nay vẫn giữ nguyên hoặc gần y nguyên với lúc mới xuất hiện, thì ngược lại, cũng có nhiều câu thay hình đổi dạng qua không gian (tức qua từng địa phương) và qua thời gian. Do đó, cho đến ngày nay, có nhiều câu chúng ta sưu tầm thì cũng có thể nó không còn mang diện mạo của lúc nó mới ra đời. Kể từ ngày tục ngữ ca dao được sưu tầm và in thành sách, tục ngữ ca dao đã có thể ít bị thay đổi diện mạo, và nó có cái may mắn có đời sống dài hơn, có thể nói là trường thọ.

Trong số những câu không bị thay đổi diện mạo, có nhiều câu chúng ta đã có thể truy tầm được xuất xứ như tôi vừa mới giới thiệu ở trên. Và cũng qua những câu vừa mới giới thiệu ở trên, chúng ta có thể đi đến kết luận: giới Nho sĩ của ta ngày xưa, và giới thi sĩ sau này, đã có những đóng góp tích cực vào quá trình hình thành những câu ca dao có nội dung mang tính chất bác học, đặc biệt là những câu ca dao hoặc được dịch từ cổ thi hoặc sử dụng những điển tích mắc mỏ.

ĐÀO ĐỨC NHUẬN


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh