Nhà văn hóa thầm lặng Thinh Quang hiện đang sinh sống với con cháu tại thành phố San Gabriel, thuộc quận hạt Los Angeles, miền Nam California.
Ông tên là Trần Dũ Khiêm, sinh năm 1923 tại phố cổ Thu Xà, một vùng đất khá nổi tiếng của Quảng Ngãi vào những năm cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, thuộc miền Đông huyện Tư Nghĩa. Phía Đông Bắc phố cổ Thu Xà là thắng cảnh xưa của Quảng Ngãi: Cổ Lũy cô thôn.
Vào mấy năm cuối của thập kỷ 30 và mấy năm đầu của thập kỷ 40 thế kỷ trước, vùng đất Thu Xà này đã là cái nôi của những sinh hoạt văn chương khá hấp dẫn. Nhà thơ Bích Khê (Lê Quang Lương, 1916-1946) cho xuất bản tập thơ Tinh Huyết (1939), tạo một tiếng vang lớn trong nền thi ca Việt Nam đương thời; nhà thơ Mộng Đài (Trần Dũ Lương, 1920-2004) cho xuất bản 2 tập thơ Chiều Xóm Vạn (1941) và Lỡ Làng (1942).
Trước đó khoảng mươi năm, vào những năm đầu của thập niên 20, 2 anh em dòng họ Nguyễn Đức mới định cư tại Cổ Lũy cô thôn mới đến đời thứ 3, là nhà báo, nhà thơ Bút Trà (Nguyễn Đức Nhuận, 1900-1982) đã cùng em là nhà báo, nhà thơ Hồng Tiêu (Nguyễn Đức Huy, 1902-1985) đã rời quê nhà Cổ Lũy, Quảng Ngãi vào Sài Gòn để theo đuổi nghề báo. Sau này, nhà thơ Bút Trà đã cho xuất bản 3 tập thơ: Tiếng Bom Sa-Diện (1961), Tâm Sự Ngàn Thu (1962) và Nét Son (1969).
Nhà thơ Hồng Tiêu làm nhiều thơ nhưng không xuất bản. Ông là phu quân của Bà Tùng Long, nữ sĩ nổi tiếng bậc nhất của nền tiểu thuyết Miền Nam trước năm 1975 và là thân phụ của nhà thơ Trạch Gầm hiện hoạt động tại quận Cam, Nam California và nhà văn Nguyễn Đức Lập hiện sinh sống tại thành phố Houston, tiểu bang Texas.
Chịu ảnh hưởng của những sinh hoạt thơ ca ở quê nhà thuở ấy, lại được sự khuyến khích của 2 nhà thơ đàn anh là Bích Khê và Mộng Đài, chàng thanh niên Trần Dũ Khiêm đã sớm bước chân vào làng thơ với bút danh Thinh Quang và được biết ngay với bài thơ Hoa Thơ, gồm 75 câu thơ 5 chữ, đã được đăng trên báo tại Hà Nội từ năm 1940, lúc đó chàng mới 17 tuổi.
Đã có nhiều tác giả viết về Hoa Thơ, bàn về Hoa Thơ. Chẳng hạn, nhà văn Phong Vũ, chủ nhiệm kiêm chủ bút nguyệt san Viễn Xứ với bài "Sông Vực Hoa Thơ", nhà thơ Phương Đình Lương Thế Lịch tác giả của thi phẩm Đậm Đà Tình Quê với bài "40 năm đọc lại Hoa Thơ", nhà thơ Đỗ Vĩnh Khanh tác giả của thi phẩm Nỗi Buồn Dặm Cát với bài "Tiếng thơ của Thinh Quang", nhà văn Nguyễn Liệu tác giả của tập hồi ký Đời Tôi và tập truyện ngắn Em Không Khóc với bài "Thơ Thinh Quang"...Ở đây chúng tôi muốn nhắc đến một khía cạnh khác của Hoa Thơ. Đó là hình ảnh của quê hương Quảng Ngãi hiện diện trong Hoa Thơ. Quê ông có dòng sông Vực, còn gọi là sông Vực Hồng hay dòng Hồng Giang. Bên kia dòng sông Vực về phía Nam là Long Phụng nổi tiếng với Chùa Ông Rau; nhìn về hướng Tây Bắc phía bên kia con sông Trà Khúc là đệ nhất danh thắng của Quảng Ngãi: Thiên Ấn niêm hà. Những hình ảnh thân thương đó đã được ông đưa vào những dòng thơ trữ tình đầy quyến rũ:
...Xuân chiều nghe bỡ ngỡ
Thuyền lặng ngắm mây mờ
Bên kia trời Thiên Ấn
Khuất sau lũy tre xanh
Bên đây trời Long Phụng
Ẩn hiện khóm mây vàng.
Phượng màu lông sắc tía
Điểm điểm cánh mơ giăng.
Nhìn ra ngoài bể cả
Sóng nước dậy tung tăng
Mặt trời lên - rựng đỏ
Nhuộm thân gái Hồng Giang
Tắm nước lịm mơ màng...
Đoạn kết của bài thơ thật lãng mạn, cái lãng mạn ngông của một chàng trai trẻ mới 17 tuổi ngỡ mình là Lý Bạch, một bậc thi thánh của nền thi ca đời Đường, đang cùng bạn dạo thuyền trên dòng dông Vực quê hương mơ về sóng nước Động Đình Hồ, một cảnh đẹp của nước Tàu ngày xưa mà "cầm bút trổ Hoa Thơ":
...Ngự thuyền chơi sông Vực
Cúi hái mảnh trăng mờ
Về chơi bờ sông Vực
Mơ cảnh Động Đình Hồ
Đôi ta chừ - Lý Bạch
Cầm bút trổ Hoa Thơ.
Nhiều năm về sau, tận tụy và đam mê với nghề ký giả, nhất là ký giả thể thao cho báo chí Việt lẫn Pháp tại Hà Nội và Sài Gòn, ông hầu như quên mất nàng thơ. Thực ra, thỉnh thoảng ông có làm một vài bài, đăng rải rác đâu đó trên các trang báo văn chương, nhưng có lẽ vì quá bận rộn với công việc săn tin, viết bài, lại còn phải dành nhiều thì giờ tìm tòi tự học, nên chính ông cũng không nghĩ đến việc lưu giữ những bài thơ đã được đăng báo.
Từ năm 1970, đứng ra chủ trương và điều hành tuần báo Trường Sơn ở Đà Nẵng và tờ nhật báo Dân Luận ở Sài Gòn, một mình phải cáng đáng nhiều tiết mục của báo, ông hầu như không còn nghĩ đến việc làm thơ nữa. Kịp đến khi vì vận nước phải bỏ nước mà ra đi và đến định cư tại miền đông bắc Hoa Kỳ (1978), mang tâm trạng buồn bã nhớ nước, nhớ nhà, nàng thơ trong ông lại sống dậy. Ông lại nghĩ đến việc làm thơ để giải bày niềm tâm sự. Có một điều đặc biệt, có lẽ tuổi tác mỗi ngày một lớn, lại thường xuyên tiếp xúc với thơ Đường khi làm công việc dịch thơ Đường cho mấy tờ báo do ông chủ trương, những bài thơ sau này của ông phần nhiều làm theo hình thức thơ cổ điển và cũng chỉ thường được sáng tác vào mỗi dịp Xuân về.
Những ngày đầu tiên đặt chân lên vùng đất miền đông bắc Hoa Kỳ, thành phố Philadelphia, ông làm bài thơ Quê Mới, gởi về cho đường huynh của ông là nhà thơ Mộng Đài đang còn bị kẹt tại Việt Nam. Ông ngỡ ngàng trước cảnh nguy nga tráng lệ của vùng đất mới đang còn mang hình ảnh của một mùa Giáng sinh đầy màu sắc quyến rũ vừa qua:
Này Mosulu - đương đầu sóng cả,
Nọ City Hall - cao vút trời xa...
Tựa cửa nhìn hệt cánh thiên nga,
Lơ lửng liệng thua gì yến tước.
Lấp lánh đèn chăng pha tuyết ngọc
Chập chờn sao mọc nở đầu cây...
Và trong một khoảnh khắc mơ hồ, ông bàng hoàng như người đang sống trong mơ. Là thực chăng? Là mộng chăng?
Chừng ta đây sống thực cảnh này,
Hay ảo giác đặt bày trong mộng ảo?
Rồi đây, cũng giống như nhiều nhà thơ lưu vong khác, trong thơ ông xuất hiện những nỗi buồn thương của một kiếp sống lạc loài:
Xuân tiếp nối nở đầy hoa xứ lạ
Từng mảng mây ghép lại nét thơ vàng.
Không cánh én nên khung trời bỡ ngỡ
Kiếp lạc loài còn nặng gánh phong sương...
Sống nơi đất khách quê người, ông có cảm nghĩ như thời gian trôi qua sao mà nhanh quá! Cứ ngỡ như "mới đó" mà "cái già" đã đuổi theo sau:
Còn mùa Xuân nữa lục tuần a!
Chóng quá thời gian cứ đuổi già!
Ray rứt vì nỗi xa quê, xót xa vì nhớ nước như mỗi ngày mỗi bào mòn sức sống:
Tóc mới đơm xanh đà điểm bạc,
Mặt vừa thẳng nếp đã se da!
Dù cho "cái già sồng sộc nó thì theo sau", thế nhưng, trong ông vẫn vững một niềm tin rằng, đến cái ngày "trăm tuổi" vẫn còn xa lắm. Và quả nhiên, đó là một niềm tin mãnh liệt đã tạo cho ông một sức sống dẻo dai, yêu đời:
Trối kệ phó cho con Tạo xét
Đếm ngày ba vạn hãy còn xa...
Bước chân hồ hải của một kẻ lưu vong dù đã từng vượt hàng vạn dặm từ miền đông bắc Hoa Kỳ về miền tây nam Hoa Kỳ, vậy mà đã nhiều năm xa xứ rồi vẫn chưa một lần được trở về quê:
Từ nay lạc nẻo quan san
Gót chân hồ hải gặm mòn lối đi.
Đường quê lắm nỗi ê chề,
Một con giáp trọn nẻo về vẫn chưa!
Nhớ lại những ngày đầu tiên vừa đặt chân lên vùng đất mới đã nghe đâu đó rộn ràng những khúc ca Hẹn Một Ngày Về của Lê Hữu Mục, Em Vẫn Mơ Một Ngày Về của Nguyệt Ánh... Rồi những lời kêu gọi "quang phục quê hương" râm ran đâu đó bỗng khiến nhà thơ thấy hồn mình mang nỗi hờn vong quốc không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai.
Vào một thuở thật xa, bên nước Thục ở tận bên Tàu có một ông vua mất nước mang tên Đỗ Vũ đã biến thành con chim từ quy, còn gọi là chim đỗ quyên hay đỗ vũ, người Việt mình gọi là con chim cuốc vẫn đêm đêm ra rả điệu thương xuân (Nhớ nước đau lòng con quốc quốc - Bà Huyện Thanh Quan). Cũng vào một cái thuở xa taht65 là xa, có chàng thích khách Kinh Kha mang "giùm" mối hận mất nước của Thái tử Đan để đem thân sang Tần tìm kế giết vua Tần giành lại giang sơn cho thái tử nước Yên. Nhà thơ Thinh Quang đã một lần nào đó mang tâm trạng của vua Đỗ Vũ mơ về đất Thục rơi vào tay quân thù mà thấy lòng cay đắng và bỗng nhiên ông nghĩ rằng mình có thể làm gã Kinh Kha một mình ôm con chủy thủ sang Tần trả thù kẻ đã cướp mất Miền Nam thân yêu của ông để thấy lòng mình bừng dậy một niềm tin:
Đêm trừ tịch gọi hồn con Đỗ Vũ
Đốt đèn lên soi sáng dấu sang Tần
Nghe vẳng vọng một mùa Xuân vạn thuở
Luyện bút thần tô đậm chí kinh luân!
Từ cái "giấc mơ chung" của nhiều người, ông vẫn mãi nuôi tinh thần "tang bồng hồ thỉ" của một thuở nào xa:
Rượu đào nung nấu chí hồng
Can tương vẫn cái tang bồng dọc ngang
Dù biết mình sức đã mòn, hơi đã cạn, ông vẫn hăm hở nhắc đến chí kinh luân của một đấng nam nhi gặp thời quốc biến bằng những câu thơ mang khí hào hùng của một Nguyễn Công Trứ thuở xa xưa:
Luyện bút thần tô đậm chí kinh luân!
Nho gia ngày xưa vẫn thường nhớ đến câu "thi dĩ ngôn chí" (thơ nói lên cái chí) mỗi khi cất bút làm thơ; ngày nay, nhà thơ Thinh Quang cũng muốn mượn thơ để nói lên cái chí của mình. Ông đã viết bài thơ Kinh Luân Chí với những câu thơ thật sảng khoái, đầy ý chí quật cường của một kẻ nam nhi:
...Mượn tuyết trắng viết câu chính khí
Lấy mây Tần ghi lại ý hoài hương...
Dẫu chưa tày Lã Thượng
Để được vết bồ luân
Thì ít ra còn nợ tang bồng
Chí hồ thỉ há cam lòng phủi sạch!
Khí tiết đó há chôn vùi ngõ hẹp
Mũi Can Tương còn đẹp nước can trường...
Cầm bút xông lên
Nghiên tràn ánh thép
Chí kinh luân vụt chớp đả lôi đình
Bạc đầu lòng vẫn còn xanh!
Thế nhưng...Ngày xưa, Nguyễn Trung Trực (1839-1868) người anh hùng kháng Pháp đất Kiên Giang sống ngay trên quê hương Việt Nam của mình mà còn phải than "Anh hùng nhược ngộ vô dung địa"; huống hồ giờ đây, nhà thơ thân yêu của chúng ta dù có được đất dung thân thì cũng chỉ là "đất khách quê người", nỗi đau mất nước làm sao nguôi?
Ông đã mượn 2 câu thơ cuối trong bài thơ tứ tuyệt tương truyền Nguyễn Trung Trực đã khẩu chiếm trước giờ bị thực dân Pháp hành hình vào ngày 27-10-1868 tại chợ Rạch Giá để mở đầu cho bài thơ Kinh Luân Chí của ông:
...Anh hùng nhược ngộ vô dung địa
Bảo hận thâm cừu bất đái thiên
Nhà thơ Đông Hồ đã dịch như sau:
...Anh hùng gặp phải hồi không đất
Thù hận chan chan chẳng đội trời.
Chí kinh luân bắt đầu bằng một nỗi bi hận khôn cùng!
Ngoài thơ sáng tác, Thinh Quang còn là một dịch giả thơ chữ Hán.
Như ta đã biết, năm 17 tuổi, nhà thơ Thinh Quang đã có thơ đăng trên trang văn chương của báo chí Hà Nội và bài Hoa Thơ đã được nhà thơ cùng quê là Bích Khê hết lời khen ngợi. Đó là một hiện tượng lạ, nhưng không phải là lạ lắm. Bởi lẽ, năm 13 tuổi nhà thơ Nguyễn Bính đã đoạt giải nhất về sáng tác thơ cho hội hát Trống quân ở địa phương. Năm 17 tuổi, nhà thơ Chế Lan Viên đã có hẳn một tác phẩm được xuất bản, đó là thi phẩm Điêu Tàn gồm nhiều bài thơ khóc than cho thân phận của dân Chàm! Và ngay cả trên quê hương ông, bậc đàn anh của ông là nhà thơ Bích Khê cũng đã có thơ đăng báo từ năm 15 tuổi!
Thế nhưng, năm 20 tuổi, nhà thơ Thinh Quang đã có hẳn một tập thơ dịch từ thơ Đường, quả là một hiện tượng lạ. Rất lạ! Bởi lẽ, khi Thinh Quang chào đời năm 1923, thì trước đó 5 năm, nhà Nguyễn đã bỏ hẳn khoa cử Nho giáo với khoa thi cuối cùng được tổ chức vào năm 1918. Khi Thinh Quang bắt đầu cắp sách đến trường, không còn trường dạy chữ Nho nào nữa. Vậy, ông đã học chữ Tàu ở đâu để có thể có đủ khả năng dịch thơ Đường ra thơ Việt? Có 2 nguồn: Đó là học từ gia đình. Dòng họ ông là người Minh Hương đã sang lập nghiệp tại Việt Nam mới mấy đời nên vẫn còn giữ nếp giáo dục của người Trung Hoa. Hơn thế nữa, Thu Xà nơi ông sinh trưởng được xem như một phố Tàu thu nhỏ nên nơi đây đã có truyền thống dạy chữ Tàu cho con cháu của họ. Ông đã tiếp thu được hai nguồn giáo dục này nên ông có một căn bản chữ Hán vững chắc. Thêm vào đó, quê hương Thu Xà của ông và vùng phụ cận lúc bấy giờ được xem như là cái nôi của sinh hoạt thi ca đã chứng kiến sự xuất hiện nhiều nhà thơ như ở trên chúng ta đã nhắc đến.
Theo ký giả thời danh Tế Xuyên (Hoàng Văn Tiếp) thì, "Mùa Hè năm 1943, anh Thinh Quang về tăng cường cho bộ Biên tập của nhật báo Dân Báo và tuần báo Thanh Niên Đông Pháp do cụ Trần Văn Hanh - Giám đốc Tín Đức Thư Xã đứng làm quản nhiệm...
Một hôm, anh trao cho tôi tập bản thảo "Đường Thi Tuyển Dịch" bảo tôi đọc và viết cho lời tựa." (1)
Chúng ta không được đọc tác phẩm "Đường Thi Tuyển Dịch" của Thinh Quang vì tác phẩm này đã không được xuất bản. Tuy nhiên, chúng ta có thể biết được phần nào giá trị của tác phẩm qua lời giới thiệu của nhà văn Tế Xuyên Hoàng Văn Tiếp khi ông được Thinh Quang trao cho tác phẩm nêu trên và nhờ ông viết lời Tựa:
"Đọc xong tập bản thảo này, có hai phần rõ rệt, một phần anh tuyển dịch và phần hai là phần "mượn ý". Phần thứ hai này, tôi nắm bắt ngay được ý anh, không muốn "phỏng dịch" mà chỉ muốn mượn ý của người xưa.
"...tôi thích đọc lối thơ mượn ý của Thinh Quang, tuy không diễn đạt được trọn vẹn ý của các nhà thơ đời Đường, song lại có phần phóng khoáng hơn, thi vị hơn."
Để chứng minh cho nghệ thuật dịch thơ Đường của Thinh Quang, Tế Xuyên đã viết tiếp:
"...đọc xong tập bản thảo này tôi không khỏi ngạc nhiên về kỹ thuật dùng "chữ" của anh quả thật khéo léo, thật "thơ" và thật tài tình như trong bài thơ "mượn ý" Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ có mấy đoạn:
Dòng sông nươc khúc rừng thơm ngát
Bàng bạc trăng vàng trắng toát sông
Hay anh đã lấy ý của 4 câu cùng trong bài Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ này:
Thử thời tương vọng bất tương văn
Nguyện trục nguyệt hoa lưu hiếu quân
Hồng nhạn trường phi quang bất độ
Ngư long tiềm dược thủy thành vân
Chuyển qua ý anh:
Mong mãi sao mà tin vẫn biệt
Thôi đành theo nguyệt đến bên nhau
Nhạn bay khuôn ngọc còn trơ khấc
Cá với rồng ơi! Nước chảy đâu?
Nơi phần tuyển dịch, trong bài Đối Tửu có hai câu:
Tạc lai chu nhan tử
Kim nhật bạch phát thôi
Đọc hai câu chuyển dịch bên dưới:
Mặt ngày nào đó còn choai
Mà nay thôi đã tóc phơ bạc rồi!
Tôi đã nhận thấy ngay quả trong thơ dịch của anh có nhiều từ độc đáo như "trắng toát bông", "khuôn ngọc còn trơ khấc", "Mặt ngày nào đó còn choai..." toàn những từ thật Việt, thật bình dị và thật thơ..." (2)
Trên đây là một số ý kiến của Tế Xuyên về tác phẩm "Đường Thi Tuyển Dịch" của Thinh Quang. Dưới đây chúng tôi thử tìm hiểu thêm về nghệ thuật dịch thơ Tàu sang thơ Việt của Thinh Quang.
Trong những áng thơ Đường được nhà thơ Thinh Quang chọn dịch phải kể đến 2 bài khá nổi tiếng của Bạch Cư Dị, một trong ba ngôi sao Bắc đẩu của nền thi ca đời Đường của Tàu: Lý Bạch (701-762), Đỗ Phủ (712-770) và Bạch Cư Dị (772-846). Đó là các bài Tỳ Bà Hành và Trường Hận Ca.
Tỳ Bà Hành là một bài thơ viết theo thể thơ 7 chữ dài 88 câu mô tả lại một cách đầy xúc động cuộc gặp gỡ giữa tác giả Bạch Cư Dị, một vị quan Tư Mã đất Giang Châu với một nàng kỹ nữ đang chơi đàn tỳ bà trên sông Tầm Dương vào một đêm trăng thu buồn man mác để sau đó nàng kể về thân thế của nàng cho ông nghe và ông đã ghi lại cuộc gặp gỡ kỳ thú đó qua bài thơ Tỳ Bà Hành.
Bản Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị đã được dịch sang thơ Việt ngay từ thế kỷ thứ 19 dưới hình thức song thất lục bát cũng gồm 88 câu (22 khổ thơ song thất lục bát). Đã từ lâu người ta ngỡ dịch giả là Phan Huy Vịnh (1800-1870), nhưng ngày nay, căn cứ theo gia phả của dòng họ Phan Huy ở huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, người ta đã xác nhận dịch giả của bản Tỳ Bà Hành chính là Phan Huy Thực (1778-1848). Phan Huy Thực là thân phụ của Phan Huy Vịnh.
Cũng giống như Phan Huy Thực, nhà thơ Thinh Quang đã dịch Tỳ Bà Hành thành 22 khổ thơ song thất lục bát gồm 88 câu.
Bản dịch của Phan Huy Thực đã được đánh giá là một tuyệt phẩm về dịch thuật. Phần lớn những người Việt Nam yêu thơ cổ điển đều đã đọc hoặc đã thuộc nằm lòng bản dịch của Phan Huy Thực. Giá như Thinh Quang dịch bài thơ này theo thể thơ của nguyên tác (7 chữ) hay dịch theo thể thơ lục bát (6-8) có thể ông đã thành công hơn. Đằng này ông lại dịch theo thể song thất lục bát trùng với bản dịch của Phan Huy Thực nên ông đã phải tránh mọi trùng hợp dễ gây hiểu lầm cho độc giả, nên ông đã dịch nhiều câu có phần gượng ép. Nếu xét toàn bộ bản dịch, bản dịch của Thinh Quang không thể so sánh với bản dịch hiện hành của Phan Huy Thực ; tuy nhiên, trong 8 câu thơ cuối cùng, bản dịch của Thinh Quang có thể so sánh ngang ngửa với bản dịch của Phan Huy Thực.
Sau đây chúng ta ghi lại 8 câu nguyên tác, bản dịch nghĩa và bản dịch thơ của hai dịch giả Phan Huy Thực và Thinh Quang để thấy được giá trị đích thực của đoạn thơ dịch này của nhà thơ Thinh Quang:
Nguyên tác (phiên âm) của Bạch Cư Dị:
Mạc từ cánh tọa đàn nhất khúc
Vị quân phiên tác Tỳ bà hành
Cảm ngã thử ngôn lương cửu lập
Khước tọa xúc huyền huyền chuyển cấp
Thê thê bất tự hướng tiền thanh
Mãn toạ trùng văn giai yểm khấp
Toạ trung khấp hạ thùy tối đa
Giang Châu tư mã thanh sam thấp.
Dịch nghĩa:
Xin ngồi lại đàn một khúc
Tôi sẽ vì nàng làm bài Tỳ Bà Hành
Cảm động vì lời tôi nói, nàng đứng một lúc lâu
Rồi ngồi xuống gảy đàn, tiếng bỗng chuyển thành cấp xúc
Buồn thảm không giống như tiếng đàn vừa rồi
Hết những người trong tiệc nghe lại đều che mặt khóc
Trong những người ấy ai là người khóc nhiều nhất
Tư mã Giang Châu ướt đẫm vạt áo xanh.
Bản dịch của Phan Huy Thực:
Hãy ngồi lại gảy chơi khúc nữa,
Sẽ vì nàng soạn sửa bài ca.
Tần ngần dường cảm lời ta,
Dén ngồi bắt ngón đàn đà kíp dây.
Nghe não nuột khác tay đàn trước,
Khắp tiệc hoa tuôn nước lệ rơi.
Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang châu Tư Mã đượm mùi áo xanh.
Bản dịch của Thinh Quang:
Hượm nán lại! Đàn thêm khúc nữa
Ta vì nàng gọt dũa lời ca
Dường như thấu nỗi lòng ta
Thẫn thờ lướt ngón tay ngà nỉ non...
Nghe tiếng nhạc mà lòng não nuột
Giữa tiệc hoa từng giọt châu rơi
Trong ta mưa gió đầy trời
Giang Châu Tư Mã ngậm ngùi áo lam!...
Khi dịch Tỳ Bà Hành, ông đã chuyển 88 câu thơ 7 chữ của Bạch Cư Dị thành 88 câu thơ song thất lục bát thì trong bài Trường Hận Ca cũng của Bạch Cư Dị, ông đã phỏng dịch từ 120 câu thơ 7 chữ thành 144 câu thơ lục bát.
Trường Hận Ca là một tuyệt tác của Bạch Cư Dị mô tả mối hận tình giữa một vị vua đa tình là Đường Minh Hoàng (685-762) với một trang tuyệt thế giai nhân cũng đa tình không kém là nàng Dương Quý Phi (719-756).
Chính nhờ phương pháp phỏng dịch này, ông đã có thể giữ được hồn thơ lục bát bay bổng nương theo ý của tác giả một cách thật uyển chuyển. Ta thử đọc đoạn thơ dưới đây để thấy tài dịch thơ lục bát đầy phóng khoáng của nhà thơ Thinh Quang.
Đây là mấy câu nguyên tác của Bạch Cư Dị:
Tịch điện huỳnh phi tứ tiễu nhiên
Cô đăng khiêu tận vị thành miên
Trì trì chung cổ sơ trường dạ
Cảnh cảnh tinh hà dục thự thiên
Uyên ương ngoã lãnh sương hoa trọng
Phỉ thuỷ khâm hàn thuỳ dữ cộng
Du du sinh tử biệt kinh niên
Hồn phách bất tằng lai nhập mộng...
Dịch nghĩa:
...Trước điện, buổi tối, cái đóm bay, cảnh tình lặng ngắt
Ngọn đèn vò võ khêu đã hết bấc, giấc mộng vẫn chưa thành
Tiếng trống cầm canh chầm chậm của đêm mới bắt đầu dài
Ánh sao lấp lánh trên sông Ngân lúc trời sắp sáng
Lớp sương nặng phủ trên mái ngói uyên ương giá ngắt
Tấm chăn cánh trả, lạnh như tiền, chung đắp cùng ai?
Kẻ khuất người còn xa nhau đã hơn năm trời đằng đẵng
Hồn phách chưa từng gặp nhau trong giấc chiêm bao...
Từ 10 câu thơ 7 chữ, Thinh Quang đã dịch thành 14 câu thơ lục bát thật êm ái:
Mái tiên cung điện nguy nga,
Sân đêm đom đóm lân la gợi sầu.
Đèn khêu nhường thể cạn dầu,
Mà sao giấc ngủ vẫn hầu như không?
Trống canh từng tiếng điểm thùng,
Mà sao nay lại chập chùng dài ghê!
Sông Ngân lấp lánh ánh thề,
Trông như rựng sáng mà chưa sáng trời.
Ngói kia mái lạnh sương rơi,
Chăn ta đắp - có ai người nằm bên?
Âm dương sống thác đôi đàng,
Phách hồn đâu chẳng thấy nàng về đây?
Đoạn kết 8 câu thơ 7 chữ của Trường Hận Ca cũng đã được Thinh Quang dịch sang 8 câu thơ lục bát mô tả trọn vẹn ý tứ của nguyên tác với một điệu thơ đầy xúc động:
Nguyên tác: (phiên âm)
Lâm biệt ân cần trung ký từ
Từ trung hữu thệ lưỡng tâm tri:
Thất nguyệt thất nhật Trường Sinh điện
Dạ bán vô nhân tư ngữ thì
"Tại thiên nguyệt tác tỷ dực điểu
Tại địa nguyện vi liên lý chi"
Thiên trường địa cửu hữu thì tận
Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ
Dịch nghĩa:
Lúc sắp từ biệt còn ân cần nhắc gửi mấy lời
Trong đó có lời thề riêng, chỉ hai tấm lòng được biết
Đó là đêm mồng bảy tháng bày, tại điện Trường Sinh
Nửa đêm, người vắng, thề riêng với nhau:
"Ở trên trời nguyện làm chim liền cánh,
Ở dưới đất nguyện làm cây liền cành"
Trời đất dài lâu cũng có lúc hết
Hận này đằng dặc, không thuở nào cùng!
Bản dịch thơ của Thinh Quang:
Ân cần săn đón dặn dò
Lời thề buổi ấy bao giờ cũng xinh
Nửa đêm Trùng Thất tâm tình
Tỉ tê sân Điện Trường Sinh vắng người!
"Rằng không liền cánh trên trời,
Xin cây liền nhánh suốt đời bên nhau."
Còn trời, còn đất dài lâu
Thì còn hận mãi mối sầu khó nguôi!
Có khi, ông dịch thoát ý một vài câu trong nguyên tác mà vẫn giữ được ý chính của toàn bài. Chẳng hạn, ông đã dịch bài thơ Thạc Nhân (người đẹp) trong Kinh Thi - một trong 5 bộ kinh sách gối đầu giường của sĩ tử ngày xưa (kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ, kinh Dịch, kinh Xuân Thu) và đã được Khổng Tử (551-479 trước Tây lịch) san định - theo cách thức như thế. Bài thơ đó như sau:
Hà thủy dương dương,
Bắc lưu quát quát.
Thi cô hoát hoát,
Triên vĩ bát bát.
Gia thảm kiết kiết,
Thứ khương nghiệt nghiệt.
Thứ sĩ hữu khiết.
(Nước sông Hoàng Hà mênh mông lai láng,
Trôi chảy đi về phương bắc.
Đặt cái lờ cá xuống nghe lóc xóc,
Cá triên cá vĩ rất dồi dào.
Cỏ lau đã lên dài,
Các cô đưa dâu trang sức lộng lẫy, rườm rà.
Các quan đưa dâu rất là dũng tráng)
Thinh Quang đã dịch thành thơ lục bát như sau:
Mênh mông nước cuộn đầy ngay
Tràn lan phương Bắc láng lai Hoàng Hà
Lưới giăng bủa khắp gần xa
Cá triên nhảy, cá vĩ hòa nhịp vui
Cỏ lau mọc khắp lưng đồi
Bao nhiêu thứ thiếp, lắm người hầu trai.
Cũng có khi ông dịch thật sát ý từng câu, từng chữ như khi ông dịch 4 câu đầu trong bài Giai Nhân Ca của Lý Diên Niên, một danh ca đồng thời là một thi nhân thời Hán Vũ Đế (thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch):
Bắc phương hữu giai nhân
Tuyệt thế nhi độc lập
Nhất cố khuynh nhân thành
Tái cố khuynh nhân quốc...
(Phương Bắc có người đẹp,
Đẹp tuyệt thế mà còn đơn chiếc,
Quay nhìn một lần làm nghiêng thành,
Quay nhìn lần hai thì nghiêng nước...)
Nhà thơ Thinh Quang đã dịch:
Có người đẹp tại Bắc phương
Thế gian tuyệt đỉnh còn đương một mình
Mắt kia một liếc khuynh thành
Hai lần mắt liếc nước đành đảo điên...
Song song với dịch thơ Hán, thơ Đường, ông còn dịch cả Kinh Thi, một bộ sách gồm cả ca dao, dân ca và nhã nhạc cung đình thời nhà Chu (khoảng 1200 năm trước Ty lịch). Có khi ông dịch theo thể thơ lục bát tức thể thơ căn bản của ca dao Việt Nam như bài sau đây trong thiên Chu Nam của Kinh Thi:
Sâm si hạnh thái
Tả hữu lưu chi
Yểu điệu thục nữ
Ngụ mi cầu chi.
(Rau hạnh cộng dài cộng ngắn không đều nhau
Phải thuận theo dòng nước sang bên tả bên hữu mà hái
Người thục nữ u nhàn ấy
Khi thức khi ngủ đều lo cầu cho được nàng)
Bản dịch thơ của Thinh Quang:
Thấp cao rau hạnh, đầu kia
Lướt theo dòng nước phân chia đôi bờ
Có nàng đẹp tợ bài thơ
Khiến chàng thức ngủ vẫn mơ đến nàng.
Có khi ông dịch ra thơ năm chữ như trong bài sau đây cũng trong thiên Chu Nam của Kinh Thi:
Cầu chi bất đắc
Ngụ my tư bặc
Du tai! Du tai
Triển, chuyển, phản, trắc.
(Nếu mà không được
Thì khi thức khi ngủ đều tưởng nhớ
Tưởng nhớ xa xôi thay! Tưởng nhớ xa xôi thay!
Vua cứ lăn qua trở lại mãi nằm không yên giấc)
Bản dịch thơ của Thinh Quang:
Tìm em không gặp được
Thức ngủ suốt đêm thâu
Nhớ em nằm trằn trọc
Dằn vặt mãi thương đau...
Có nhiều bài thơ dịch mang cả tâm trạng của dịch giả và nhờ vậy bài thơ dịch lột tả được ý của tác giả mà trong bản dịch còn mang tính tự nhiên không bị gò bó.
Hồi Hương Ngẫu Thư (Ngẫu hứng viết nhân lúc trở về quê) là một bài thơ nổi tiếng của Hạ Tri Chương (659-744). Bài thơ nguyên tác như sau:
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai?
(Xa nhà từ lúc trẻ, đến khi già mới trở về,
Giọng nói của quê hương không đổi nhưng tóc mai đã thưa thớt.
Bọn trẻ nhỏ (trong làng) nhìn thấy nhưng không biết là ai
Bèn cười hỏi: Ông ở đâu đến đây vậy?)
Bài thơ đã được Thinh Quang phỏng dịch thật tuyệt vời.
Rời nhà từ thuở bé thơ
Khi về tóc đã bạc phơ mái đầu.
Trẻ thơ thấy lạ chẳng chào
Ông ơi, cho biết chốn nào lại chơi?
Chỉ với 4 câu 28 chữ, bài thơ dịch chẳng những lột tả được tâm trạng của tác giả mà nó còn mang cả một trời tâm sự của dịch giả. Tuy ông xa quê lúc tuổi đã lớn, thế nhưng đã gần 40 năm rồi, ông chưa một lần được trở về thăm quê. Cái quê hương Thu Xà mà ông vẫn gọi một cách thân thương là "Phố nhỏ của một thời vang bóng" đã được ông mô tả một cách cặn kẽ, nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần trong những bài viết của ông, thế mà với ông bây giờ đã là dĩ vãng! Cái ước vọng "hồi hương" bây giờ đã không thể nào thành sự thực nữa rồi! Chỉ ao ước có một ngày nào đó được đứng ở đầu con đường vào khu phố "Thu Xà ngày xưa" của ông để được nghe một chàng trai trẻ nào đó hỏi "Ông già ở đâu đến đây vậy?". Chỉ ao ước có vậy thôi mà cũng không thể thành hiện thực. Tội nghiệp làm sao!
Cái ước vọng "hồi hương" đã không thành, nay chỉ còn nỗi nhớ cố hương. Tĩnh Dạ Tư (nỗi nhớ trong đêm vắng) của Lý Bạch cũng đã mô tả trọn vẹn tình cảm của nhà thơ Thinh Quang đối với quê hương Việt Nam:
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương.
(Đầu giường, ánh trăng rọi sáng,
Tưởng là sương trên mặt đất
Ngẩng đầu ngắm trăng sáng
Cúi đầu nhớ quê cũ).
Thinh Quang đã dịch thành bài thơ lục bát như sau:
Trăng soi vằng vặc trước giường,
Ngỡ rằng trên đất màn sương phủ đầy.
Ngẩng đầu nhìn bóng trăng say,
Mà khi cúi xuống đắng cay tình nhà.
Như chúng ta đã thấy, mỗi bài thơ dịch của ông đều mang chút tình riêng của ông trong đó. Vào khoảng cuối tháng 11 năm 2007, nhân dịp ra mắt tác phẩm "Thinh Quang, Nhà Văn Hóa Thầm Lặng" tại San Jose, nhà văn Nguyễn Liệu có tổ chức một đêm uống rượu ngâm thơ mà ông gọi là "Đêm Tắm Rượu" tại tư gia với sự có mặt của một số văn nghệ sĩ Nam Bắc California trong đó có Thinh Quang. Nhân dịp này, Thinh Quang có dịch bài thơ "Nguyệt hạ độc chước" (bài số 2) để tặng riêng Nguyễn Liệu:
Nguyên tác bài thơ như sau:
Thiên nhược bất ái tửu,
Tửu tinh bất tại thiên.
Địa nhược bất ái tửu,
Địa ưng vô tửu tuyền.
Thiên địa ký ái tửu,
Ái tửu bất quý thiên.
Dĩ văn thanh tỷ thánh,
Phục đạo trọc như hiền.
Hiền thánh ký dĩ ẩm,
Hà tất cầu thần tiên.
Tam bôi thông đại đạo,
Nhất đấu hợp tự nhiên.
Đản đắc túy trung thú,
Vật vi tỉnh giả truyền.
Dịch nghĩa
Nếu trời mà không thích rượu,
Thì sao rượu không có ở trên trời.
Nếu đất mà không thích rượu,
Thì suối rượu hẳn phải không có ở dưới đất.
Trời đất kia đã thích rượu,
Thì ta thích rượu là không hổ thẹn với trời.
Đã nghe nói rằng người uống rượu mà trong thì được ví với bậc thánh.
Lại nghe nói rằng người uống rượu mà đục thì giống như bậc hiền.
Các bậc thánh hiền đều đã uống rượu,
Thì ta hà tất phải cầu thần tiên?
Uống ba chén thì thông hiểu đạo lớn,
Uống một đấu thì hợp với tự nhiên.
Chỉ mong có được cái thú trong lúc say,
Chứ không muốn để lại tiếng tăm là người tỉnh.
Thinh Quang đã dịch bài thơ này thật tuyệt:
Rằng Trời không thích rượu
Sao rượu ở trên trời?
Rằng Đất không thích rượu
Suối rượu nào đâu đây?
Đất trời cùng thích rượu cay
Thì ta cũng uống cho say thẹn gì!
Rằng: Nghe "Trong" là Thánh
Lại bảo: "Đục" là Hiền
Thánh Hiền đều uống rượu
Lọ phải cầu Thần Tiên!
Ba chung thông đại Đạo
Một đấu hợp tự nhiên
Miễn sao được thú là tiên
Tỉnh say phó mặc bạn hiền khen chê!
Quả là đúng ý nghĩa của một "đêm tắm rượu"!
Khoảng giữa năm 2013 hiền thê của ông từ trần để lại trong lòng ông một nỗi buồn dằng dặc, tưởng khó có lúc nào quên. Ông mượn bài thơ Tống hữu nhân (Tiễn bạn) của Lý Bạch để nói lên nỗi buồn cách biệt của mình với lời đề từ trên đầu bài thơ dịch một câu thật ngắn nhưng đã nói hết nỗi lòng của ông "Đọc thơ Lý Bạch, tưởng nhớ hiền nội". Ông không dám nghĩ người vợ thân yêu của ông đã phải xa ông vĩnh viễn mà ông chỉ dám nghĩ rằng, giống như người bạn của Lý Bạch, chỉ là tạm biệt chứ không phải là vĩnh biệt:
Thanh sơn hoành bắc quách,
Bạch thuỷ nhiễu đông thành.
Thử địa nhất vi biệt,
Cô bồng vạn lý chinh.
Phù vân du tử ý,
Lạc nhật cố nhân tình.
Huy thủ tự tư khứ,
Tiêu tiêu ban mã minh.
(Núi xanh nằm chắn ngang vòng thành ngoài ở phía bắc,
Nước trắng lượn quanh khu thành trong ở phía đông.
Nơi đây một khi đã chia tay nhau,
Thì như cỏ bồng lẻ loi trôi xa muôn dặm.
Ý nghĩ của khách đi buồn như áng mây nổi,
Tình bạn cũ sầu như bóng chiều tà.
Vẫy tay tiễn, thôi từ nay bạn lên đường,
Tiếng ngựa xa bầy kêu rền rĩ nghe càng thêm xót xa).
Bản dịch thơ của Thinh Quang:
Rặng núi xanh xanh
Hoành ngang ải Bắc
Dòng sông trong vắt
Uốn lượn Đông thành
Một đi giã biệt đất lành
Lẻ loi muôn dặm cỏ bồng ruổi rong
Ý Du tử: Một tuồng mây nổi
Tình cố nhân: Sóng gội chiều hôm
Ra đi bạn vẫy tay buồn
Thoảng nghe tiếng ngựa lìa đàn hí vang!
Trên đây chúng tôi đã giới thiệu một số thi ca sáng tác và một số thơ dịch từ thơ chữ Hán của nhà thơ Thinh Quang.
Với bài Hoa Thơ được sáng tác thời tuổi trẻ và bài thơ Kinh Luân Chí được sáng tác lúc về già, Thinh Quang xứng đáng được gọi là một Nhà Thơ với tất cả ý nghĩa trang trọng của nó. Và với những bài thơ dịch từ thơ chữ Hán nêu trên, Thinh Quang cũng xứng đáng là một dịch giả tài hoa như lời nhận xét sau đây của ký giả Tế Xuyên: "Anh Vũ Hoàng Chương, cũng như các cụ Minh Tải, Ưu Thiên Bùi Kỷ đều có cùng với tôi một nhận xét chung là anh có lối dịch khá độc đáo, thật bạo mà không phản lại ý của tác giả..." (3).
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
* Tất cả các bản dịch xuôi trong bài đều được lấy ra từ các trang web văn học.
Chú thích
(1) (2) (3): Trích "Đọc thơ Thinh Quang" của Tế Xuyên từ tác phẩm "Thinh Quang, Nhà văn hóa thầm lặng"
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Thơ: click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.net