Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn học
MÍT NGON ANH ĐÁNH CẢ XƠ!
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

                                                                      

Mít ngon anh đánh cả xơ,

Chị đẹp, em đẹp muốn sờ cả hai! (Ca dao)

 

Ca dao Việt Nam có câu:

 

Nước chảy hòn đá lăn cù

Con chị có chết thì bù con em!

 

Điều kiện thật rõ ràng: Cô chị lỡ có bề nào thì sẽ bù cho cô em để đỡ trống vắng chứ không thể đòi hỏi một lần cả hai chị em được!

 

Thế nhưng, ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh lại có một câu ca dao có ý khác:

 

Mít non anh đánh cả xơ

Chị đẹp, em đẹp muốn sờ cả hai!

 

Cái anh chàng này không chịu thiệt như anh chàng trên kia. Anh muốn được cả hai mà không đợi điều kiện nào cả?

 

Câu ca dao trên đây có liên quan đến nữ sĩ Cao Ngọc Anh trong một giai thoại văn chương được lưu truyền trong giới sĩ phu Bắc Hà vào những năm đầu thế kỷ XX.

 

Nữ sĩ Cao Ngọc Anh (có tài liệu ghi là Cao Thị Ngọc Anh, còn có bút hiệu là Sầm Phố) nhũ danh Cao Thị Hòa, sinh năm 1878 tại làng Thịnh Mỹ, tổng Cao Xá, nay là xã Diễn Thịnh, thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục (1842-1923), một nhà văn hóa nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Bào huynh là Phó bảng Cao Xuân Tiếu (1865-1939), từng giữ chức  Thượng thư, Tổng tài Quốc sử quán. Bà được cha và anh kèm cặp học chữ Nho và chữ quốc ngữ từ thuở nhỏ. Vì có tài thơ văn, nên lúc thiếu thời khi chưa xuất giá, bà vẫn thường cùng Phó bảng Cao Xuân Tiếu xướng họa thơ ca. Đôi khi bà còn được thân phụ cho tham dự vào các hội bình thơ của các nhà thơ danh vọng ở đất Thần kinh. Năm 19 tuổi, vâng lời thân phụ, bà về làm kế thất Án sát Nguyễn Duy Nhiếp, con trai của Cần chánh Đại học sĩ Nguyễn Trọng Hợp. Sau bảy năm "hương lửa đang nồng" chồng bà từ trần. Bà ở vậy nuôi 3 con và tâm hồn bà dường như lúc nào cũng dành cho người chồng kính yêu quá cố:

 

Trên đời có kẻ buồn khôn xiết

Ôm mối tương tư đến bạc đầu!

 

Góa chồng ở tuổi 26 với sắc đẹp não nùng và tài thơ thiên phú, khiến cho nhiều khách đa tình rắp tâm theo đuổi trong đó có cả người anh rể của bà, Tế tửu Đặng Văn Thụy.

 

Đặng Văn Thụy (1858-1936) tự là Mã Phong, hiệu Mộng Lương, người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn châu, tỉnh Nghệ An, kết duyên cùng bà Cao Thị Bích là chị ruột của bà Cao Ngọc Anh. Đặng Văn Thụy thi đỗ đến Đình nguyên Hoàng giáp khoa Giáp Thìn, Thành Thái thứ 16 (1904), làm quan đến Tế tửu Quốc tử giám từ năm 1908, tương đương với Viện trưởng viện Đại học ngày nay, danh tiếng lừng lẫy một thời.  

 

Giai thoại kể rằng, trong số những đấng mày râu theo đuổi góa phụ tài hoa Cao Ngọc Anh có cả quan Tế tửu Quốc tử giám Đặng Văn Thụy. Quan Tế xa gần đánh tiếng với vợ để xin "dì nó" về chung sống. Thực ra, trong xã hội nông nghiệp Việt Nam ngày xưa, việc hai chị em lấy chung một chồng không phải là trường hợp hiếm hoi và vẫn được xem là "chuyện bình thường" nên không mấy ai đàm tiếu. Vậy nên, nể tình chồng, bà Bích đem "mộng ước" của đấng phu quân tỉ tê cùng cô em gái. Bà Cao Ngọc Anh không phản đối chị mà chỉ mỉm cười rồi âm thầm "phản công" bằng một bài thơ gởi cho ông anh rể.

 

Số là dân gian ở quê hương Thanh Nghệ của bà vẫn truyền tụng câu ca dao:

 

Mít ngon anh đánh cả xơ,

Chị đẹp, em đẹp muốn sờ cả hai!

 

Câu ca dao này quả là phù hợp với trường hợp của bà hiện tại. Câu ca dao chế diễu khéo các đấng mày râu ham của lạ bỗng dưng biến thành nguồn cảm hứng cho nữ sĩ Cao Ngọc Anh làm bài thơ trả đũa ông anh rể:

 

Anh Tế nhà ta khéo ỡm ờ,

Phong tình quen thói lại lơ mơ.

Rượu ngon uống hết không chừa cặn,

Mít ngọt quen mùi chén cả xơ.

Duyên chị trước đà xe chỉ thắm

Tình em nay muốn chắp dây tơ.

Cho hay quân tử là như thế,

Chị cũng ưa mà em cũng ưa.

 

Biết cô em vợ làm bài thơ này để chỉ trích mình, ông anh rể cạch luôn không còn dám léng phéng buông lời ong bướm nữa. 

 

Lại có giai thoại kể rằng, sau khi chồng mất, ngoài ông anh rể Đặng Văn Thụy, cũng còn nhiều người khác rắp ranh "bắn sẻ" nhưng bà vẫn luôn tìm cách cự tuyệt. Thế nhưng các khách đa tình đâu chịu để bà yên. Họ vẫn tìm cách này hay cách khác, gởi thơ đến bà để tán tỉnh. Một hôm, nhân nhà có giỗ, quy tụ gần như đông đủ đám tao nhân mặc khách “tai to mặt lớn” lúc bấy giờ, bà hẹn mọi người tùy vào phương tiện cá nhân hãy làm một chuyến du hành gặp nhau tại cầu Hàm Rồng Thanh Hóa để ngoạn cảnh và ngày giờ đã được ấn định.

 

Hàm Rồng hay Long Hàm là tên một dãy núi dài khoảng 2 km nằm sát phía nam sông Mã, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 4 km. Núi này nằm uốn khúc như hình một con rồng, dưới chân núi sát bờ sông có 2 lớp đá chồng lên nhau tưởng tượng như hàm con rồng nên đặt tên nơi này là Long Hàm (hàm rồng) và núi cũng mang tên này luôn. Trên núi có 2 động nổi tiếng, đó là động Long Quang và động Tiên Sơn là 2 danh thắng của đất Thanh Hóa, từ ngàn xưa đã có nhiều tao nhân mặc khách đến đây ngâm vịnh và đề thơ. Ngay chân núi Long Hàm, năm 1904, người Pháp đã cho xây cây cầu sắt vừa dùng làm đường hỏa xa, vừa dùng làm đường bộ, đặt tên là cầu Hàm Rồng và cầu Hàm Rồng lập tức trở thành một thắng cảnh của tỉnh Thanh!

 

Sau khi mọi người đã tề tựu đông đủ nơi điểm hẹn bên chân cầu Hàm Rồng, bà Cao Ngọc Anh yêu cầu các quý tao nhân mặc khách làm thơ vịnh cầu. Các quý ông có vẻ hớn hở, chắc mẩm phen này được dịp trổ tài "nhả ngọc phun châu" trước mặt giai nhân thi sĩ. Thế nhưng các quý ông lại nằng nặc đòi bà ra bài xướng để các quý ông trổ tài "họa vận" mới thấy được hết cái tài khéo của mình - các quý ông nghĩ vậy! Không chút lưỡng lự, bà ung dung đọc:

 

Hàm Rồng nô nức tiếng đồn om,

Rải rác nhà tranh ở mấy chòm.

Hỏi đá chờ ai ngồi nhấp nhổm,

Thương cầu vì nước đứng lom khom...

Sóng như chào khách chờn vờn nhảy,

Nguyệt cũng yêu ta lấp ló dòm.

Cửa động rêu phong mờ nét chữ,

Ai người mến cảnh chút trông nom...

 

Vừa nghe người đẹp đọc xong bài thơ "xướng" (có tài liệu ghi đề của bài thơ là Vịnh cảnh Hàm Rồng), các quý ông cảm thấy sống lưng của mình như có gai. Trời đang nắng đẹp mà các quý ông cảm thấy một luồng khí lạnh như đang chạy rần rần trong người. Ái chà! Các quý ông lẩm nhẩm "om-chòm-khom-dòm-nom". Vận gì mà "oái oăm" thế này! Vả lại 2 câu kết của bài thơ như toát lên cả một nhân cách đáng trân trọng của nàng góa phụ nửa chừng xuân. Sau một hồi cười nói giã lã, thấy mặt trời cũng đã nghiêng về phía Tây, các quý ông nói lời xin lỗi với chủ nhân, rồi lần lượt rủ nhau cáo từ. Từ đó về sau các quý ông "cạch" không dám bén mảng trêu ghẹo nàng góa phụ tài sắc vẹn toàn ấy nữa!

 

Năm 1953, con cháu của bà thu thập một số thơ vừa chữ Hán vừa chữ quốc ngữ của bà và cho xuất bản, lấy tên là Khuê Sầu Thi Thảo. Phần lớn thơ chữ Hán đều được bà dịch ra quốc ngữ. Trong tập thơ này có lời giới thiệu của học giả Trần Trọng Kim (1883-1953): "Xem những bài thơ Hán văn và Việt văn của bà, tôi lại nhớ đến Bà Huyện Thanh Quan thuở xưa, cùng một giọng điệu, cùng một khẩu khí, nhưng thơ của bà thi sĩ họ Cao lại đầy đủ, văn từ sung thiệm, ý tứ bóng bẩy và nhẹ nhàng, đọc lên ai nghe cũng thích".

 

Thi bá Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961), người cùng thời với bà cũng đã có thơ khen ngợi tài thơ và nhân cách tuyệt vời của bà:

 

Bút lan, sử chép danh từ mẫu

Đào quận, đời ghi bậc kiệt thần.

 

Cùng năm 1953 này, bà theo con trai vào Nam sinh sống tại Đà Lạt, sau đó về ở hẳn Sài Gòn. Thuở ấy, Hội thơ Quỳnh Dao được thành lập ở Sài Gòn, qui tụ nhiều nữ sĩ tài danh ở Miền Nam như Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, Hồng Thiên, Mai Oanh, Thu Nga, Vân Nương, Đinh Thị Việt Liên, Đào Vân Khanh, Trùng Quang ...bà được mời tham dự với tư cách Hội viên Danh dự. Năm đó bà đã ngoài 75 tuổi.

 

Bà mất tại Sài Gòn ngày 14-10-1970, hưởng đại thọ 92 tuổi.

 

ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

Bài liên hệ đến đề tài:

 

Những tài hoa bộc phát (Bursts of Brillance): 

http://www.nuiansongtra.com/index.php?c=article&p=6853

 

*  *  *

 

Xem các bài cùng tác giả: click vào đây

Xem bài trên trang Văn học: click tại đây

Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh