Chính phủ Hà Nội gọi Bắc Hàn bằng tên chính thức là Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và gọi Nam Hàn (Cộng hoà Triều Tiên) là Hàn Quốc. Lê Quí Đôn trong Kiến Văn Tiểu Lục kể rằng người Cao Ly (phiên âm hán việt chữ Korea) được một hoàng đế Trung Hoa ban quốc hiệu Triều Tiên vì trong một buổi chầu ngoại giao, sứ thần của Cao Ly là người tới triều cung đầu tiên. Nếu sự tích ấy có thật, không biết ngày nay người Cao Ly có cau mày khi bị gọi là Triều Tiên, như người Việt cảm thấy khó chịu khi bị gọi là An Nam hoặc người Cambodia phản đối khi bị gọi là Cao Miên.
Trên thế giới hiếm thấy có hai dân tộc có quá trình lịch sử và văn hoá với rất nhiều nét giống nhau như Cao Ly và Việt Nam. Cả hai đều thuần chủng và đồng văn, nghĩa là cùng chia xẻ những giá trị văn hóa, đạo lý của Nho Phật Lão và gần như cùng cách ăn cách mặc...
Nếu dân Việt xem Trung Hoa là họa phương bắc, dân Cao Ly xem nó là họa phương tây. Cả hai sống sát nách Trung Hoa, không tín nhiệm “dân Tàu” như bạn hữu, cũng chẳng đối đầu như kẻ thù, và từ mấy ngàn năm nay, đã kiên cường anh dũng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập và bản sắc của mình. Sang giữa thế kỷ 20, nhân dân hai nước đều là nạn nhân của thế đối cực trong Chiến Tranh Lạnh.
Vài con số địa lý
Bắc Hàn là tên gọi miền Bắc tính từ vĩ tuyến 38 của Triều Tiên, một bán đảo dài 966 cây số, kéo từ Mãn Châu và cuối miền viễn đông của Nga, tới biển Nhật Bản và Hoàng Hải. Diện tích 120.540 cây số vuông (bằng 1/3 VN và so với Nam Hàn 98.480 c.s.v.). Dân số 22.912.177 người (so với VN 83,5 triệu và NH 48,6 triệu). Bắc Hàn có chung biên giới với Trung Hoa dọc sông Áp lục và sông Tumen, với Nga dọc sông Tumen.
Đất đai Bắc Hàn gồm nhiều rặng núi không cao, nhiều đồi núi có rừng cùng các thung lũng hẹp, sâu và các thảo nguyên nhỏ. Đất cằn cỗi nhất ở vùng núi phía bắc và vùng biển phiá đông. Khí hậu ấm, mùa hè nắng, mùa đông lạnh. Hai tháng 7 và 8 ấm nhất, nhiệt độ trung bình 29.5 độ C. Mùa mưa vào tháng 6 và 7. Tháng giêng lạnh nhất, thường dưới không độ. Tuyết rơi nhẹ nhưng phải nhiều ngày mới tan. Tài nguyên gồm than đá, chì, tungsten, kẽm, đá hoa cương, đồng, vàng, thủy điện... Sản phẩm kỹ nghệ gồm vật dụng quân đội, thủy điện, hoá chất, luyện quặng, dệt, sản xuất thực phẩm... Bạn hàng chính là Nhật, Nam Hàn, Trung Quốc, Đức, Nga.
Dân tộc và Văn hoá
Cao Ly là một trong những dân tộc thuần chủng nhất trên thế giới, không có người thiểu số và thổ ngữ. Người Cao Ly cho rằng họ là dân bản địa, xuất hiện tại bán đảo Triều Tiên từ nửa triệu năm trước nhưng theo các nhà khảo cổ, nguồn gốc của họ không mấy rõ ràng. Người ta chỉ có thể lần tìm dấu vết dân cư ở bán đảo Triều Tiên tới Thời Đại Tiền Đồ Đá cách đây 11 ngàn năm khi người thuộc giống Mông Mãn lai Thổ Nhĩ Kỳ từ Trung Hoa di dân tới bán đảo. Cách đây 8.000 năm xuất hiện một số cộng đồng đông người, định cư và canh tác dọc sông Hàn, gần thủ đô Hán Thành (Seoul) và thủ đô Bình Nhưỡng (Pyongyang) cùng núi Phú Sơn (Pusan).
Người Cao Ly cùng nói một thứ tiếng nhưng giọng biến tấu tùy địa phương. Họ cũng dùng chung một quốc ngữ được lập thành từ thế kỷ 15 bằng cách giản lược chữ Hán kết hợp với lối viết hangul. Suốt mấy ngàn năm, người Triều Tiên chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa nhưng họ tự hào là đã dung hợp thành một nền văn hóa riêng, cao hơn văn hóa Nhật Bản, vì qua bán đảo Triều Tiên, văn minh Trung Hoa được chuyền sang Nhật. Tôn giáo truyền thống của người Triều Tiên là đạo Phật và đạo Thờ Trời Đất (Chondogyo); về sau có thêm Kitô giáo.
Từ thế kỷ 14 tới tk 16, Khổng giáo dần dà thay thế Phật giáo, giữ ưu thế về tổ chức xã hội, chuẩn mực luân lý, phong tục tập quán, nhưng về tâm linh, người Cao Ly theo tam giáo hoà đồng Khổng, Phật và đôi nét tư tưởng Lão Trang. Từ khi cộng sản nắm quyền, ở Bắc Hàn không còn sinh hoạt tôn giáo. Tại Bắc Hàn có một nhóm nhỏ người Hoa và một ít người Nhật. Hiện nay, có những cộng đồng đông người Triều Tiên ở nhiều nơi trên thế giới như Nhật, Mãn châu, Nga, Mỹ, Úc, Canada...
Quan hệ với Trung Hoa và Nhật Bản.
Theo truyền thuyết, Choson là triều đại đầu tiên với nền văn minh sớm sủa nhất ở bán đảo, do Tangun thành lập cách đây 4.336 năm. Kế đó, Triều Tiên lệ thuộc nhà Thương (1766-1122 trước Công Nguyên), thần phục nhà Chu (1122-255 TCN) nhưng tới đầu đời Hán khoảng thế kỷ thứ 2 TCN, họ phản li, làm thành một quốc gia độc lập và đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi hàng hoá, sản phẩm với Nhật. Năm 106, Cao Ly hai lần thắng quân của Hán Võ đế nhưng rồi nước nhỏ, sức yếu, rốt cuộc phải đầu hàng. Tuy thế, họ chỉ thần phục Trung Hoa ngoài mặt.
Tới giữa thế kỷ 7, cuối đời Đường Cao Tông, lại có chiến tranh Trung Hoa Triều Tiên khiến vua Đường phải thân chinh. Đại tướng Cáp Tô Văn trong truyện Tiết Nhơn Quý Chinh Đông chính là Kim Yusin. Từ đó, Triều Tiên phải triều cống Trung Hoa, cắt mọi quan hệ quốc tế cho tới sau chiến tranh Trung Nhật (1894-95) mới được hoàn toàn độc lập.
Cùng với Trung Hoa, Nhật Bản cũng làm điêu đứng Triều Tiên. Hải tặc Nhật thường vào cướp phá dọc bờ biển. Tới thế kỷ 16, Nhật chiếm bán đảo tới sông Áp Lục, Triều Tiên phải cầu viện Tống Thần Tông mang quân tới đánh đuổi. Sang đầu đời Thanh, Cao Ly đổi tên nước ra Hàn Quốc, nhưng tới cuối thế kỷ 19, vì nhà Thanh khiếp nhược, Nhật lại chiếm Triều Tiên; phải mất 5 năm, quân Thanh mới đánh đuổi được. Năm năm sau, nhân lúc triều đình Hàn Quốc chia rẽ vì chính sách bế quan toả cảng và tranh chấp giữa hai phái canh tân và thủ cựu, Nhật lại đem quân đánh bán đảo, dùng Triều Tiên làm bàn đạp tấn công Trung Hoa.
Mãi tới năm 1899 Nhật mới rút về theo hiệp ước Mã Quan ký với nhà Thanh. Tới năm 1910, Nhật lại chiếm hẳn bán đảo Triều Tiên với Mãn Châu. Suốt 35 năm chiếm đóng và biến bán đảo Triều Tiên làm điểm đầu cầu cho chủ nghĩa Đại Đông Á cùng căn cứ quân sự cho 2 cuộc thế chiến, người Nhật áp đặt một chế độ đô hộ tàn khốc nhưng không bao giờ dập tắt nổi các phong trào yêu nước và kháng chiến của người Cao Ly.
Bị theo Chủ nghĩa Cộng sản
Khi Nhật thua cuộc Thế Chiến Hai năm 1945, theo hiệp định Yalta, Mỹ và Liên Sô đồng thuận chia bán đảo Triều Tiên làm hai, theo vĩ tuyến 38, để giải giới quân Nhật: Mỹ phụ trách phía nam còn Liên Sô phía bắc. Ý định của Mỹ lúc ấy là muốn giúp phục hồi một nước Triều Tiên toàn vẹn và độc lập, còn Liên Sô chỉ muốn biến vĩ tuyến 38 thành một ranh giới quốc tế.
Từ năm 1945 tới 1947, Liên Sô nhiều lần không chịu thương thuyết với Mỹ để lập nước Triều Tiên thống nhất với sự tham dự tích cực của các khuynh hướng chính trị khác nhau. Thất vọng về mưu tính của Liên Sô, Mỹ đem vấn đề Triều Tiên thống nhất và độc lập ra trước Đại Hội Đồng LHQ ngày 17.9.1947.
Đúng hai tháng sau, dù Liên Sô phản đối, LHQ vẫn ra nghị quyết lập Ủy Ban Lâm Thời LHQ Về Triều Tiên nhằm tạo điều kiện thành lập một nước Triều Tiên thống nhất. Tuy thế, khi tiến hành công tác, Ủy Ban bị chính quyền phía bắc vĩ tuyến 38 cấm không cho vào miền bắc. Các quan sát viên LHQ chỉ có thể theo dõi cuộc bầu cử được tổ chức ở phía nam vĩ tuyến 38 vào tháng 5.1948. Tới ngày 15.8.1948, với sự tán đồng của LHQ, miền nam thành lập nước Cộng hoà Triều Tiên; 25 ngày sau, Liên Sô thành lập ở miền bắc nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên với “chủ tịch vĩ đại” Kim Nhật Thành, lúc ấy mới 38 tuổi. Như vậy, việc Bắc Triều Tiên trở thành một nước CS là nằm ngoài ý nguyện của nhân dân Cao Ly.
Tới tháng 12 cùng năm, Ủy Ban LHQ Về Triều Tiên công nhận chính phủ Nam Hàn là hợp pháp và duy nhất. Quân Mỹ bắt đầu rút khỏi miền nam vào tháng 6.1949, chỉ để lại Ban Cố Vấn Quân sự gồm 500 sĩ quan và viên chức. Năm sau, Ủy Ban LHQ về Triều Tiên giải tán, chuyển công tác qua Ủy Ban Hiệp Nhất và Phục Hồi Triều Tiên, được thành lập vào tháng 10.1950, nhưng Bắc Hàn không công nhận UB này lẫn thẩm quyền của LHQ về vấn đề Triều tiên.
Chiến tranh Triều tiên
Thấy lực lượng Hoa Kỳ rút khỏi Nam Hàn và hi vọng thống nhất Triều Tiên với một chế độ duy nhất, ngày 25.6.1950, được sự đồng ý của Stalin, Kim Nhật Thành bất thần xua quân tràn qua vĩ tuyến 38, “giải phóng” Nam Hàn. Mấy ngày sau, Hội Đồng Bảo An LHQ lên án cuộc tấn công, đòi hỏi Bắc Hàn rút quân ngay tức khắc. Bắc Hàn lại càng đánh chiếm mạnh hơn.
Chẳng bao lâu, LHQ thành lập một bộ tư lệnh đa quốc gia dưới quyền tổng chỉ huy của Mỹ, gồm quân của 16 nước hội viên, trong đó có Hoa Kỳ, để cứu Nam Hàn. Lúc này, Nga không thể dùng quyền phủ quyết vì trước đó họ đã tẩy chay HĐBA/LHQ.
Quân Bắc Hàn chiếm Seoul, dồn quân LHQ xuống góc tận cùng phía nam bán đảo, gần Phú Sơn. Ngày 15.9.1950, để cứu vãn, tướng Mỹ McArthur ra lệnh đổ bộ bên kia vĩ tuyến 38, đuổi quân Bắc Hàn tới sát sông Áp Lục biên giới với Trung Quốc. Sự thành công của cuộc tổng phản công ấy thúc giục Mao Trạch Đông gởi hàng triệu lính chí nguyện tham chiến. Quân Trung Cộng đẩy lùi quân đồng minh và tái chiếm Seoul, sau đó bị quân LHQ chiếm lại.
Hoà đàm bắt đầu từ tháng 7.1951 nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn cho tới ngày 27.7.1953 mới ký được hiệp ước đình chiến tại Bàn Môn Điếm, lập Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến gồm thành viên 10 nước, mỗi bên chỉ định năm. Tiếp đó là hội nghị Genève gồm đại diện của Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Cộng, Nam Bắc Hàn và UBKSĐC. Sau 7 tuần điều đình, hội nghị kết thúc với Hiệp định Genève tháng 4.1954, lấy lại vĩ tuyến 38 làm biên giới hai nước nam bắc và vùng phi quân sự. Quân LHQ rút khỏi Nam Hàn, chỉ có Mỹ để lại 37.000 đóng gần vùng phi quân sự và duy trì cho tới nay.
Cuộc chiến Triều Tiên kéo dài 3 năm 1 tháng làm chết và bị thương 3 triệu người Cao Ly (khoảng 10% dân số lúc ấy), một triệu lính chí nguyện Trung Cộng, 54.000 lính Mỹ, cả ngàn lính đồng minh và hàng triệu người không nhà cửa. Bắc Hàn không đạt được thắng lợi nào ngoài việc giúp khẳng định ý đồ bành trướng của Nga Hoa, biến châu Á thành đấu trường thứ hai của chủ nghĩa CS bên cạnh đấu trường chính là châu Âu, và làm căng thẳng thêm thế đối cực trong Chiến Tranh Lạnh. Nó còn ảnh hưởng lên cục diện Đông Nam Á khiến Mỹ can dự tích cực và biến Nam Việt Nam thành tiền đồn của thế giới không CS.
Suốt thời hậu chiến, cả hai chính phủ nam bắc Hàn nhiều lần bày tỏ ý muốn thống nhất bán đảo Triều Tiên nhưng không đạt được tiến bộ nào; cả hai không nói chuyện trực tiếp với nhau cho tới năm 1971.
Hiếu chiến và Xâm nhập Nam Hàn
Bắc Hàn lại bắt đầu gia tăng bạo lực chống Nam Hàn và lực lượng Mỹ tại vùng phi quân sự kể từ tháng 10.1961 và mạnh mẽ thêm vào mùa hè năm sau. Tháng 1.1968, một toán 31 biệt kích xâm nhập NH, mưu sát TT Pak Chung Hee. Bắc Hàn bắt giữ tàu tuần tiểu Pueblo với 82 thủy thủ Mỹ suốt 11 tháng. Tháng 4.1969, Bắc Hàn tấn công và diệt chiếc máy bay EC-121 đang bay trên vùng biển quốc tế, làm chết phi hành đoàn 31 người.
Từ năm 1970, mức xâm nhập của Bắc Hàn vào Nam Hàn bắt đầu giảm thấy rõ rồi ngừng hẳn nhờ các cuộc thương thuyết của hai Hội Chữ Thập Đỏ Nam Bắc. Việc Bắc Hàn dùng vũ lực chống chống Nam Hàn chỉ nhằm hai mục tiêu: phá hoại quá trình phát triển kinh tế của Nam Hàn và dọn đường thống nhất bán đảo dưới sự cai trị của CS. Tuy thế, từ đó đến nay, hai Hội CTĐ vẫn tiếp tục thương thuyết, khi liên tục khi gián đọan tùy thời tiết chính trị, về vấn đề đoàn tụ gia đình của hai miền.
Độc tài, Độc tôn và Khủng bố nhân dân.
Nếu tại VN, chế độ độc tài của ĐCS có tính tập đoàn thì tại Bắc Hàn, nó có tính độc tôn cá nhân. Kim Nhật Thành, sinh năm 1912, là chủ tịch đảng Lao Động Triều Tiên, chủ tịch nước và thủ tướng Bắc Hàn từ năm 1948. Tháng 12.1972, Hội đồng Nhân dân Tối cao ban hành Hiến pháp mới thay cho bản năm 1948. Hiến pháp mới có đủ các điều khoản tam quyền phân lập, nhưng cũng giống các chế độ CS khác, nó chỉ là mảnh giấy lộn. Lồng trong mọi cấp hành pháp, lập pháp và tư pháp là hệ thống đảng với quyền lực tối hậu.
Tuy Bắc Hàn là một quốc gia “kín đáo” nhưng người ta vẫn thấy rõ Kim Nhật Thành với sự phong thần phong thánh của guồng máy tuyên truyền và trấn áp, một mình lãnh đạo Đảng CS, cùng với các thuộc hạ lâu đời nắm chặt guồng máy chính quyền và kinh tế. Bộ luật Hình sự của Bắc Hàn qui định không dưới 47 tội có thể bị xử tử. Theo cuốn “Hồ sơ đen về chủ nghĩa cộng sản” thì có thể tổng kết ở Bắc Hàn có 100.000 người chết vì thanh trừng, 1.5 triệu người chết vì tập trung cải tạo, 1.3 triệu dân miền bắc chết vì chiến tranh Triều Tiên.
Năm 1994, Kim Nhật Thành từ trần. Vị trí độc tôn ấy được truyền cho con trai của ông là Kim Chính Nhật. Từ đó, người con ấy trở thành “lãnh tụ kính yêu” của ĐCS và hệ thống tuyên truyền Bắc Hàn. Theo dư luận, Kim Chính Nhật vốn nắm ngành đặc vụ, là người hiếu sắc, thích trò chơi điện tử, phim XXX, sống cách biệt và xa hoa. Ông được tán tụng là “người thông minh nhất, thi sĩ tài hoa nhất, phi công tài giỏi nhất và nhà thiện xạ tài tình nhất...”. Ông bị cả vùng châu Á coi là một nhà độc tài kém thông minh, lắm lúc cư xử như một tên hề, nhưng tại Bắc Hàn, tên ông được đặt cho một loài hoa mà ngày sinh nhật thứ 61 của ông, 16.2.2003, được đem ra triển lãm 30.000 đoá. Lâu nay có lời đồn kẻ sẽ kế nhiệm ông là cậu quí tử Kim Jong Chul, năm nay 21 tuổi.
Vào trung tuần tháng 4.2003, Ủy Ban Bảo Vệ Nhân Quyền của LHQ đã lần đầu tiên thông qua nghị quyết cáo buộc Bắc Hàn là thường xuyên vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống và nghiêm trọng, đồng thời lên án Bắc Hàn về sự hạn chế nghiêm nhặt và tác động lên mọi khía cạnh của quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, ý kiến và ngôn luận. Ủy Ban bày tỏ sự quan ngại về tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng và kêu gọi Bình Nhưỡng cho phép các cơ quan nhân đạo của LHQ được tự do vào nước này để cứu trợ. Bản nghị quyết do Liên hiệp Châu Âu và Mỹ bảo trợ, được thông qua êm thắm dù Syria và Trung Quốc ủng hộ Bắc Hàn còn Nam Hàn thì không tham gia bỏ phiếu.
Kinh tế từ ỷ lại tới bệ rạc.
Thời Nhật chiếm đóng (1910-1945), vì nhu cầu quân sự, Nhật xây dựng tại Triều Tiên nhiều nhà máy kỹ nghệ và hệ thống giao thông; hầu hết ở miền Bắc trong vùng được phân chia cho CS. Thuở đó, kỹ nghệ ở miền bắc phát triển tới độ có đông đảo người miền nam di dân ra bắc. Rồi những cơ ngơi ấy bị tan nát vì cuộc chiến Triều Tiên. Năm 1945, khoảng 2 triệu người miền bắc ồ ạt di cư vào miền nam, và sau đó, chỉ có những nhóm người vượt tuyến lác đác.
Kể từ 1945, Liên Sô viện trợ kinh tế và quân sự để Bắc Hàn có khả năng phát động chiến tranh 1950. Chiến tranh chấm dứt, Liên Sô dẫn đầu viện trợ tái thiết, tuy thế, quân Trung Cộng vẫn còn ở lại cho tới năm 1958 nên gây được ảnh hưởng ngày càng mạnh. Kể từ hiệp định hỗ tương với Liên Sô và Trung Quốc, Bắc Hàn nhận được đều đặn viện trợ của hai nước CS đàn anh cho tới khoảng đầu thập niên 1990. Bắc Hàn đạt tới đỉnh cao kinh tế năm 1960 rồi sau đó suy thoái dần, đặc biệt từ năm 1970, vì dành quá nhiều ngân sách cho quốc phòng và các kỹ nghệ liên quan phòng thủ quân sự.
Năm 1958, Bắc Hàn hoàn thành cuộc cải cách ruộng đất, tập thể hóa nông nghiệp nhưng mỗi gia đình được giữ một mảnh vườn nhỏ đủ để trồng rau và nuôi một ít gia súc, gà vịt. Nông sản chính là trồng lúa và bắp, chỉ đủ phân phối ở mức rất thấp, theo chế độ tem phiếu suốt gần sáu mươi năm nay. Từ năm 1991, Liên Sô tan rã và Trung Cộng đang trên đường đổi mới nên viện trợ cho Bắc Hàn gần như không còn nữa khiến kinh tế Bắc Hàn rơi vào tình trạng ngày càng kiệt quệ.
Từ năm 1995, Bắc Hàn lâm nạn đói trầm trọng, chết khoảng từ 2 tới 3 triệu người. Hai năm 1997 và 1998 bị bão lụt rồi hạn hán nặng nề khiến mùa màng thất bát. Nông cơ thiếu dầu và phụ tùng, chỉ canh tác được 10% ruộng lúa, và số người sống nhờ trợ cấp ngày càng tăng. Tới mùa thu năm 1999 thì nạn đói bắt đầu giảm dần nhờ cứu trợ của Nam Hàn và quốc tế, tuy thế, tỉ lệ trẻ em bị còi vẫn còn 45%. Trung Quốc cung cấp 60% thực phẩm, 80% năng lượng.
Đầu năm 2004, TQ làm áp lực đòi nợ, ngưng cung cấp nhiên liệu trong mấy tuần lễ khiến hầu hết Bắc Hàn mất điện, dân rét cóng. Tới tháng 7.2002, Bắc Hàn bắt đầu một chuỗi cải cách kinh tế tận căn bản nhằm chấn chỉnh thảm trạng kinh tế bệ rạc của mình và tiến vào nền kinh tế thị trường.
Mức tăng trưởng kinh tế hiện nay là 1%. Tiền kiếm được từ xuất khẩu là 1.2 tỉ $US. Tổng sản lượng 40 tỉ $US, lợi tức đầu người 1.700$US (so với Nam Hàn 925.1 tỉ và 19, 200 $US/người và Việt Nam 227,2 tỉ và 2,700 $US/người). Trong khi dân đói và nợ nước ngoài 12 tỉ $US (1996), Bắc Hàn vẫn dùng 1/3 tổng sản lượng để nuôi 1 triệu lính.
Tập đoàn buôn lậu quốc tế
Vì kinh tế lụn bại, tiền thu được từ xuất khẩu hợp pháp quá thấp, Bắc Hàn triển khai một mạng lưới buôn lậu quốc tế, câu kết với các băng đảng tội phạm trong vùng đông Á. Tháng 3.2004, hải quân Tây Ban Nha bắt được mấy kiện hàng tên lửa trên một chiếc tàu buôn của BH đang trên đường tới Yemen. Tháng 4, Úc bắt được tàu Phong Su của Bắc Hàn ở ngoài khơi Sidney với 50 ký bạch phiến, trị giá 40 triệu $US. Tháng 6 năm ngoái, một tàu Bắc Hàn chuyển cho tàu Sun Chi Fa của băng đảng Đài Loan 80 kilô bạch phiến, sau khi đã giao trót lọt 5, 6 chuyến. Nhà nước Bắc Hàn đang thật sự điều hành một tập đoàn tội phạm. Trong năm 2001, ước lượng Bắc Hàn bán được từ 500 triệu tới 1 tỉ $US bạch phiến, amphetamine, morphine, 560 triệu $US phi đạn, ngoài ra còn rượu, thú vật hiếm quí, đô la giả... Mạng lưới ấy còn vươn tới Nga, Bắc Âu, Trung Đông và Phi châu.
Không ai biết được thu hoạch ma túy của Bắc Hàn là bao nhiêu vì theo lời khai của Kim Dok Hong, đào tị năm 1997, và Park Dung Hak, đào tị năm 2000, thì chính Kim Nhật Thành năm 1993, đã ra lệnh cho một số nông trường tập thể “hãy sản xuất thuốc phiện nhiều hơn để đổi lấy thực phẩm”. Thuốc phiện thu hoạch được chuyển tới các nhà máy chính phủ, chế biến thành bạch phiến. Từ năm 1999 đến 2001, 1/3 tổng số amphetamine tịch thu được ở Nhật có nguồn cung cấp từ Bắc Hàn. Theo lời của một viên chức Hán Thành là “Bắc Hàn có khả năng bán lậu bất cứ thứ gì cho bất cứ ai ở bất cứ đâu”.
Bên cạnh đó, Bắc Hàn bị Hoa Kỳ tình nghi đứng đầu trong việc làm các tờ giấy bạc 100 và 50 MK giả, y như thật, với các máy móc mà chỉ có cấp chính phủ mới mua nổi. Bắc Hàn còn dùng hệ thống ngân hàng của các nước đang phát triển, trong đó có VN, để rửa tiền.
Căng thẳng hạt nhân.
Năm 1992, lúc Kim Nhật Thành còn sống, Bắc Hàn đã lập Bản Tuyên Bố Chung với Nam Hàn cam kết giữ gìn bán đảo Triều Tiên là nơi không có vũ khí hạt nhân. Hai năm sau, tin tình báo cho biết Bắc Hàn đang có kế hoạch sản xuất vũ khí hạt nhân nên LHQ đòi được thanh tra các khu vực nguyên tử của Bắc Hàn. Tới tháng 6.1994, cuộc thương thuyết về khả năng nguyên tử của Bắc Hàn kết thúc bằng một hiệp ước dự tính xây dựng cho Bắc Hàn hai nhà máy nguyên tử chạy bằng nước nhẹ để phát điện, trong thời gian chờ đợi, Hoa Kỳ sẽ cung cấp dầu cho Bắc Hàn.
Thế rồi tới tháng 9.1998, Bắc Hàn phóng thí nghiệm tên lửa Taepo Dong 1, bay vòng qua Nhật Bản và tuyên bố đó chỉ là vệ tinh khoa học. Thế giới và Nhật rúng động vì cho rằng đó là dấu hiệu Bắc Hàn tham gia cuộc đua vũ khí hạt nhân. Năm 1999, Bắc Hàn đồng ý cho Mỹ tiến hành điều tra tại Kumchangri, khu vực nghi ngờ đang triển khai nguyên tử mà Bắc Hàn nói là nơi chỉ dành cho “mục đích quân sự nhạy cảm”. Bù lại, Mỹ gia tăng viện trợ thực phẩm bằng một chương trình chở khoai tây.
Trong 6 tháng cuối năm 1998 đầu 1999, Bắc và Nam Hàn lại đả kích nhau kịch liệt vì Nam Hàn bắn một chiếc tàu của Bắc Hàn và đánh đắm 2 chiếc khác khi chúng xâm phạm lãnh hải của Nam Hàn. Cuối mùa hè năm 1999, có dấu hiệu cho thấy Bắc Hàn sắp thí nghiệm thêm lần nữa loại tên lửa từng bắn vòng cầu qua Nhật. Tuy thế, căng thẳng giữa Nam và Bắc Hàn giảm thật nhanh khi có cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa nguyên thủ hai miền: TT Kim Đại Trọng của Nam Hàn gặp CT Kim Chính Nhật của Bắc Hàn tại Bình Nhưỡng vào tháng 6.2000. Cả hai cùng ký một thoả ước tuy mơ hồ nhưng đầy hy vọng về một tương lai thống nhất và hoà bình.
Thế rồi tiến trình hoà giải ấy tan vỡ khi TT Mỹ George Bush gọi đích danh Bắc Hàn là một nước trong “Trục ma quỷ”, cùng với Iran và Iraq. Tới tháng 6.2002, xảy ra cuộc nổ súng giữa tàu tuần tiểu Bắc Hàn và hải quân Nam Hàn tại vùng biển Nam Hàn làm chết 3 lính Nam Hàn và 30 lính Bắc Hàn. Qua tháng 8, Nam Bắc Hàn lại gặp gỡ nhau để tiến hành chương trình xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Sang tháng 9, Bình Nhưỡng đón tiếp thủ tướng Nhật Koizumi để bắt đầu cải tiến bang giao Nhật Bắc Hàn.
Trong khi long trọng đón tiếp, Kim Chính Nhật lại công khai xin lỗi về việc trong hai thập niên 1970 và 1980, Bắc Hàn bắt cóc 12 công dân Nhật, mang họ về Bắc Hàn và dùng họ để huấn luyện các điệp viên Bắc Hàn xâm nhập Nhật Bản. Koizumi vẫn hứa sẽ viện trợ hào phóng cho Bắc Hàn nhưng nỗ lực quan hệ bình thường ấy bị bế tắc vì sự phẫn nộ của quần chúng Nhật.
Vào tháng 9.2002, Kim Chính Nhật làm thế giới ngạc nhiên khi tuyên bố chương trình xây dựng một đặc khu thương mại, theo kiểu của Trung Quốc, tại biên giới phía bắc với Trung Hoa do doanh gia người Tàu là Dương Bân phụ trách, nhằm thu hút đầu tư của Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn và các nước phương tây. Chỉ một tháng sau, Dương Bân bị nhà cầm quyền Bắc Kinh bắt giam với lời cáo buộc là trốn thuế.
Có bom nguyên tử trong tay.
Tháng 10.2002, sau chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng, James Kelly, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ, báo cáo rằng Bắc Hàn đang theo đuổi một kế hoạch hạt nhân bí mật; thế là quan hệ giữa HK và BH tưởng đã êm thắm bỗng sôi động trở lại suốt 6 tháng nay. Sau đó, Mỹ ngưng chương trình cung cấp dầu cho Bắc Hàn. Tới tháng 12, Bắc Hàn trục xuất các thanh tra nguyên tử LHQ. Đầu năm 2003, Bắc Hàn rút khỏi Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân và qua tháng 2, họ cho chạy lại nhà máy hạt nhân Yongbyon. Tới đầu tháng 4, trong khi đang xảy ra cuộc chiến Iraq, thông tấn xã Bắc Hàn đưa tin rằng Bình Nhưỡng đang tái xử lý các thanh nguyên liệu hạt nhân - bước cần thiết để sản xuất plutanium dùng chế tạo vũ khí nguyên tử.
Đối với dư luận thế giới, thái độ ấy cực kỳ khiêu khích Hoa Kỳ vì nó cho thấy chế độ Bắc Hàn có đủ các yếu tố về vi phạm nhân quyền và sở hữu vũ khí tàn sát tập thể mà Mỹ đang nêu ra làm lý do tấn công Iraq. Thế nhưng ngay lúc đó Mỹ lại cho rằng vấn đề Bắc Hàn chỉ có tính khu vực và phải do các nước trong vùng như Nam Bắc Hàn, Trung Quốc, Nhật, Nga... giải quyết đa phương. Bắc Hàn nằng nặc đòi chỉ thương thuyết song phương với Mỹ. Cuối cùng, Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn thương thuyết tại Bắc Kinh với trung gian của Trung Quốc như một loại hoà đàm ba bên.
Ngày 24.4.2003, mới bắt đầu hoà đàm, Bắc Hàn đã đòi hỏi Hoa Kỳ phải ký với họ một hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau. Cuộc thảo luận chưa ngã ngũ, Bắc Hàn lại cho biết họ đang sở hữu một hai trái bom nguyên tử và họ đã tái chế biến tất cả 8.000 thanh nhiên liệu hạch tâm đủ để chế tạo từ 6 tới 8 trái bom nữa; nếu Hoa Kỳ không đáp ứng yêu cầu thì họ sẽ cho thí nghiệm, xuất khẩu hoặc sản xuất thêm nữa. Lời công bố và đe dọa của Bắc Hàn làm tình hình sôi động hẳn và cuộc hoà đàm dự trù ba ngày bị bỏ dỡ nửa chừng.
Ngày 22.4.2004, một vụ nổ lớn tại nhà ga xe lửa Ryongchon mà người ta tình nghi có liên quan tới việc chế tạo vũ khí, làm chết 161 người, bị thương hơn 1,300 người và phá hủy ít nhất 8,100 ngôi nhà. Tới ngày 10.2.2005, Bắc Hàn tuyên bố đã sản xuất vũ khí nguyên tử. Từ đó đến nay, hội nghị đa phương của 6 quốc gia để giải quyết vấn đề nguyên tử của Bắc Hàn vẫn không đạt kết quả cụ thể. Bắc Hàn đòi phải có hòa đàm tay đôi với Hoa Kỳ. Nó còn ra điều kiện chỉ dàn xếp vấn đề vũ khí nguyên tử để đổi lấy viện trợ của quốc tế. Người ta lo ngại việc Bắc Hàn có bom nguyên tử sẽ gây trở ngại cho việc phát triển kinh tế và gây ra sự chay đua về quân sự của các nước trong vùng. Đồng thời khó có thể kiểm soát việc Bắc Hàn chuyển nhượng kỹ thuật nguyên tử cho các nước không đủ bản lĩnh tự chế khả năng quân sự của mình.
Tháng Bảy vừa qua, Bắc Hàn thử phi đạo tầm xa. Và trong tuần lễ đầu tháng 10.2006, Bắc Hàn tuyên bố đã thử thành công bom nguyên tử.
NGUYỄN ƯỚC.