Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn học
GIAI THOẠI QUANH BÀI THƠ “PHONG KIỀU DẠ BẠC” & . . .
XUÂN THỚI
Các bài liên quan:
    ... TẢN MẠN VỀ BÀI PHONG KIỀU DẠ BẠC CỦA TRƯƠNG KẾ

 

NGHĨ VỀ GIAI THOẠI QUANH BÀI THƠ “PHONG KIỀU DẠ BẠC” & THƠ SƯ CHÙA HÀN SAN.

 

Bài thơ tứ tuyệt “Phong kiều dạ bac” của thi sĩ Trương Kế thời nhà Đường bên Tàu (khoảng năm 756 sau công nguyên, đời vua Chí Đức) và giai thoại liên quan qua lại với bài thơ của sư chùa Hàn San. Cả hai bài thơ đều được một số người yêu thơ xếp vào danh mục “Những áng thơ hay” và truyền tụng đến nay đã hơn một ngàn năm. Nhưng cũng có những điều cần suy nghĩ lại, ngoại trừ phần truyền thuyết giống như hiện tượng được dân gian gọi là “thần giao cách cảm” (Tái cảm từ tiếng chuông và ánh lửa).

 

Truyền thuyết giai thoại như tác giả đồng hương Thế Đại Nguyễn Thái Đệ kể trong bài “Đầu năm tản mạn về bài Đường thi bất hủ Phong kiều dạ bạc của Trương Kế” đăng trên trang mạng www.nuiansongtra.net (xem bài nầy, click vào đây), cũng có một số tác giả khác kể giống như vậy. Đặc biệt, một nhà văn (NV) Việt Nam thời tiền chiến (hình như Tế Xuyên); vào đầu thập niên 60 thế kỷ XX, trên tạp chí “Thời nay, thế giới dưới mắt người Việt” xuất bản tại Sài Gòn, phổ biến trong bài viết một truyền thuyết có phần khác hơn, có cả cách giải thích của tài liệu ông đọc được, cũng như so sánh và nhận định của chính ông.

 

Về bài thơ của Trương Kế, câu thứ 2, theo tài liệu nhà văn nầy đọc được viết: “Cách giang do xứ vị sầu miên”, mà không phải và không thể thể là “Giang phong ngư hỏa đối sầu miên”. Nghĩa là trước khi nghe tiếng chuông chùa Hàn San để có được tứ thơ trở lại tiếp tục hoàn chỉnh bài thơ, thì hai câu đầu cám cảnh, Trương Kế  đã viết:

 

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Cách giang do xứ vị sầu miên” . Tài liệu kể (theo nhà văn nầy).

 

Một lần nhà thơ Trương Kế đi chơi bằng thuyền trên sông “Cách giang”, lại nhằm vào đêm thượng tuần, trăng thượng huyền đã lặn, núi che khuất (nguyệt lạc), chỉ còn ánh sáng phản chiếu lờ mờ của mây trời, là một màu buồn. Trong một khung trời đầy sương mù (sương mãn thiên) ấy, trên sông lúc đó còn điểm tiếng chim Quạ kêu (Ô đề). Xem như toàn cảnh là một không gian buồn ảo não. Buồn đến không còn là buồn nữa mà biến thành nổi sầu bất tận (sầu miên), khiến tâm hồn thi sĩ cũng không thể có được cảm hứng nào khác nữa, kể cả tìm ý để hoàn thành bài thơ theo cảm xúc ban đầu, mà chỉ “tức cảnh sinh tình” viết thành câu thứ 2 nói lên cái não nuột ấy mà thôi.

 

Tài liệu cũng có nhận định giống ông, rằng với không gian mà câu 1 thể hiện đó, thì câu “Giang phong ngư hỏa đối sầu miên” không thích hợp được, mặc dù niêm luật có chỉnh. Vì một mặt sông bị sương phủ khắp như thế (mãn thiên), lại không có ánh sáng của trăng thì không thể nhìn thấy cây Phong đứng bên bờ để cùng sầu với “ngư hỏa”. Cây Phong có thể đứng yên ủ rủ một dáng sầu, chứ ánh lửa không thể là một hình ảnh buồn được, mà thường người ta nghĩ ánh lửa là sự ấm áp, vui tươi mà thôi, vì luôn bập bùng sống động. Cây Phong cũng là loại cây nhiều người cảm nhạn như biểu tương của nỗi buồn vào mùa thu nên Nguyễn Du xử dụng trong truyện Kiều “Rừng Phong thu đã nhóm màu quan san”, mà có người thắc mắc màu quan san là màu gì, không có tên trong các sắc màu. Rồi cuộc dạo chơi của Trương Kế có vào những ngày Thu hay không.

 

Còn nếu có ai đó sửa câu thơ của Trương Kế thành “Giang phong…”, thì giang phong là gió trên sông chứ cũng không thể là cây Phong, vì chỉ có gió trên sông lộng mới làm chập chờn ánh lửa chài, một trạng thái buồn. Tạm xem như hai thực thể đối nhau mà thôi. Đối ở đây là đối kháng chứ cũng không phải đối ý, đối nghĩa như trong luật thơ Đường (đêm mờ ảo, gió se lạnh và làm cho ngọn lửa hắc hiu).

 

Giai thoại là nhà thơ đi chơi trên sông là sông nào, phải có tên đó là tính súc tích trong văn học, nhất là quan niệm của các nhà làm văn học Tàu cổ. Hơn nữa trên đất nước Tàu rộng lớn có rất nhiều con sông, và sông cũng từng gắn liền với huyền thoai chẳng những trong lãnh vực thi ca, mà cả trong lịch sử xã hội đời thường.

 

Truyền thuyết giai thoại mà đoạn đầu bài viết nầy gọi là có phần giống như “Thần giao cách cảm” giữa Trương Kế và Nhà sư chùa Hàn San. Trong bài, nhà văn nầy kể:

 

Nhà sư tác giả bài thơ liên quan, là một trong hai nhà sư uyên bác chùa Hàn San lúc bấy giờ, và cũng là một người mang tâm hồn thi nhân. Trước giờ “công phu”, từ trên lầu chuông nhà chùa, ông nhìn ra bốn bề. Đêm đầu tháng không còn vầng trăng non (nguyệt mông lung), mà chỉ có (hay còn) một thứ ánh sáng lờ mờ bao phủ mọi vật. Trên mặt sân đất không bằng phẳng của nhà chùa, đó đây đọng lỗ chỗ những vũng nước nhỏ sau cơn mưa chiều. Cái ánh sáng lờ mờ đó cũng chỉ đủ biến mặt nước đọng kia thành một màu mà nhà sư người thơ nhìn thấy như màu bạc với những hình thù không trọn vẹn, phụ thuộc vào vũng nước, nơi thì như nửa “câu liêm”, nơi thì như nửa cánh cung.

 

Cái không gian tỉnh mịch với quang cảnh mờ ảo có cảm tưởng như huyền bí đó, nhập vào hồn người, khiến nhà sư cũng là nhà thơ cảm xúc xuất thần viết nên hai câu thơ mở đầu, rồi cũng làm cho tâm trí ngài không còn thanh thoát; mạch thơ cũng bị nghẽn lại.

 

Sơ tam sơ tứ nguyệt mung lung

Bán tự ngân câu bán tự cung

 

Chỉ đến khi bất ngờ nhìn thấy ánh lửa thuyền chài trên sông, nhà sư mới sực nhớ đêm đã khuya, vội vã khai chuông đảnh lễ “công phu” (Ngư dân chỉ hành nghề đánh bắt khi đêm về khuya. Lễ công phu giờ Dậu, 5-7 giờ tối). Tiếng chuông ngân vang trên sông nước cũng đánh thức hồn thơ thi nhân, tạo cảm hứng trở lại để Trương Kề viết tiếp hai câu kết, hoàn thành bài thơ như lưu truyền.

 

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền

 

Về phía nhà sư, lễ xong, lòng nhớ lại ánh lửa trên sông đã kéo mình trở lại với thực tại để hoàn thành đạo hạnh. Bấy giờ, xong công quả, ông viết tiếp hai câu kết bài thơ để thành đầy đầy đủ.

 

Đến nay đã hơn nửa thế kỷ, người viết bài nầy không còn nhớ chính xác hai câu thơ thứ 3 & 4 bài thơ của nhà sư mà bài nhà văn nọ kể, chỉ mang máng đại ý trong đó nhà sư nói lên sự bất ngờ khi thấy ánh lửa bập bùng trên sông nước ý thơ mới trở về (không chắc lắm, theo đó câu 3: Hốt kiến hỏa chài lưu giang thủy…). Không chắc nhưng niêm luật chuẩn tương đương câu “Giang phong…”. Và nếu tài liệu nhà văn đọc được là đúng, có vẻ câu thơ kia còn có lý hơn câu “Nhất phiến Ngọc hồ phân lưỡng đoạn”, câu nầy không liền mạch ý và cảnh toàn bài.

 

Lâu nay còn truyền tụng hai câu cuối trong bài thơ sư chùa Hàn San là của một đệ tử nhà sư, hay của một tiểu đồng hầu hạ công tử nào đó chứ không phải của nhà sư hay công tử:

 

“Nhất phiến Ngọc hồ phân lưỡng đoạn

Bán trầm thủy để bán phù không”

(Người viết sẽ xin lạm bàn sau).

Người viết bài nầy đã từng đọc được những bản dịch thơ “Phong kiều dạ bạc” của nhiều thi sĩ dân tộc, trong đó có bài nay ngộ nhận của thi sĩ Tản Đà, tất cả đều có chung một cảm nhận giống nhau. Đến khi đọc bài viết khác lạ của Nhà văn, khiến kiến thức về giai thoại văn học sử cổ của mình bị ảnh hưởng. Nhưng vì không đủ trình độ cũng như thiếu điều kiện; nhất là một thời gian dài đời sống bị xã hội cuốn hút vào vòng xoáy bất ổn, không tìm hiểu cặn kẽ được. Nay nhân tác giả Thái Đệ tản mạn đến, người viết bài nầy mạo muội nhắc lại để mong các nhà am tường lịch sử văn học nước Tàu xưa bổ sung.

 

Thân ái chào tác giả đồng hương Thế Đại.

Xin có lời cảm ơn trước nhà nghiên cứu nào vui lòng.

 

*  *  *

 

LẠM BÀN VỀ HAI CÂU THƠ

 

Nhất phiến Ngọc hồ phân lưỡng đoạn

Bán trầm thủy để bán phù không”.

 

Về tác giả:

 

Theo người viết, tác giả hai câu thơ trên phải là nhà sư, và cũng chỉ là nhà sư mà thôi; không thể là bất cứ một người nào khác. Bởi những:

 

- Với nhà sư và lại là nhà sư Á đông xưa, cái lễ giáo “QUÂN, SƯ, PHỤ” được đề cao một cách tuyệt đối. Từ đó, có khoảng cách rõ ràng và nhất định giữa Thầy và đệ tử, cho nên ở bất cứ trường hợp nào đệ tử cũng phải ý tứ không thể bạo ngôn. Hơn nữa việc ở đây lại nằm trong lãnh vực lý trí, là sự thông minh, lanh lợi của mỗi con người. Ai dám chắc vị sư nào cũng sẵn sàng dẹp bỏ tự ái để chịu thua một kẻ đệ tử. Tu là sửa chứ đâu phải vào nơi tu hành là diệt ngay được cái “Tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố” phàm tục. Nghĩa là chưa thể quả quyết hai câu thơ là của Chú Tiểu.

 

- Với công tử lãng du. Cái thành phần mà “Sau chân theo một vài thằng con con” (Kiều) đó, chỉ là kẻ hầu người hạ, thì chắc gì có đủ hiểu biết, để góp ý cho chủ. Rồi là thuở lạc hậu xa xưa còn mang nặng tâm lý “Trưởng giả học làm sang”, chủ có nghe cho hay không. Một mâu thuẫn rõ ràng nữa là không thể có khách du nào lại đi ngoạn cảnh trong đêm không trăng sao. Cũng vậy, hai câu thơ cũng không thể xác định của tiểu đồng làm thay cho chủ. Từ đó, phải nhận ra rằng cả hai câu trước cũng không phải của công tử.

 

Về hai câu thơ.

 

So với cảnh trí và chủ đích của toàn bài thì hai câu thơ chẵng những không liền mạch, mà còn mâu thuẩn vô cùng:

 

- Trong chùa thì làm gì có hồ (ngọc hồ). Nếu có, chỉ là “ao sen” kiểng. Mà ao sen kiểng trong chùa thì không thể lớn và sen được bảo dưỡng làm kiểng còn đâu mặt nước trống (nhất phiến) để soi và chia hình ảnh vầng trăng thành “lưỡng đoạn” để “Bán trầm thủy để bán phù không”.

 

- Cái mâu thuẩn rõ nhất là ngay câu đầu đã “Sơ tam sơ tứ”, là mồng ba mồng bốn và “nguyệt mông lung” rồi, lấy gì để “phân lưỡng đoạn” ở đây.

 

Người viết bài nầy nghĩ, nếu là có giai thoại đối đáp trong văn chương, thì giai thoại của hai anh em nhà họ Đoàn Việt Nam xưa. Đoàn Luân và Đoàn Thị Điểm mới chắc chắn là có thật và quả người Việt không thua kém thông minh.

 

- Đoàn Luân:  “Đối kiếng họa mi, nhất Điểm phiên thành lưỡng Điểm

 

- Đoàn Thị Điểm: “Lâm trì ngoạn nguyệt chích Luân chuyển tác song Luân

 

“Lời quê chắp nhặt dong dài”, rất mong không làm phiền người đọc.

 

Xuân Thới  

VN, tháng 2/2015

      

Nguyên văn hai bài thơ lưu truyền:

 

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên 

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên 

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự 

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền 
(Trương Kế) 

 

Sơ tam sơ tứ nguyệt mung lung

Bán tự ngân câu bán tự cung

Nhất phiến Ngọc hồ phân lưỡng đoạn          

Bán trầm thủy để bán phù khoong

(Sư chùa Hàn San).

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây

Xem thêm trang Văn học: click vào đây

Về trang chính: www.nuiansongtra.net

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh