I. Tại sao là năm con MÈO?
Một năm sắp qua có tên là năm Mậu-Dần. Năm tiếp đến có tên là năm Kỹ-Mão. Đó là tên gọi và theo thông-lệ thì năm Mão được gán cho tên con mèo.
Cách đo đếm thời-gian theo chu-kỳ vòng tròn thể-hiện tính nhất-quán trong ý-niệm vạn hữu tuần-hoàn của Đông-phương. Trước đây 4000 năm, người Trung-hoa đặt ra 10 Thiên-can là : Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỹ, Canh, Tân, Nhâm, Quí - được phép nối liên-tục với 12 Địa chi là: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi để tính thời-gian. Năm Kỹ-Mão gồm chu-kỳ chỉ Thiên-can và chữ Mão chỉ Địa-chi.
Mỗi năm có tên gọi riêng, đủ 60 năm là giáp một vòng (một lục-thập hoa-giáp) lại tiếp đến 60 năm theo đúng tên gọi và thứ-tự của lục thập hoa-giáp trước, và cứ thế liên-tục. Đo đếm về tháng, ngày và giờ cũng đều theo thể-thức ấy.
Để cho mọi người dễ nhớ, người xưa gán tên một con thú vào mỗi địa chi như Tý là chuột, Sửu là trâu, Dần là cọp, Mão là mèo v. v..., đó là một giả-định, không có liên-hệ gì về tự dạng, về âm thanh giữa tên Địa-chi và tên con thú được gán cho. Nhưng nhiều người thường xem là có sự tương-liên về tinh-khí giữa tên con vật của năm sinh ( tuổi con gì ?) với chính người ấy, điều mà lý-số và huyền-học không thể đề-cập đến.
Địa chi đã có tên con thú trên mặt đất, nhưng không thấy đặt tên Thiên can cho một hiện-tượng trên trời. Giả dụ như đưa các hiện tượng thiên-nhiên như: đêm, ngày, gió, mưa, sấm, nắng v.v... gán cho Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ... thì người đời rất dễ phân-biệt tuổi Kỹ-Mão và tuổi Ất Mão, một cách nôm-na là con mèo ban đêm hay con mèo gặp mưa... việc tán dốc luận bàn thêm lý thú.
Người xưa rất chí lý trong việc đặt định sự việc có liên-quan đến vận mệnh con người, chủ yếu là năm tháng ngày giờ sinh. Xin dẫn chứng như căn-cứ vào năm sinh, mỗi người có một mạng tương-ứng với ngũ-hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Mỗi hành lại ở một trong 6 môi-trường khác nhau dựa vào thực-tế, như mạng Thổ có: Tuổi Kỹ-Mão và Canh-Thìn (1939 -1940) mạng Thành-đầu Thổ, tuổi Bính-Tuất & Đinh- Hợi (1946 -1947) mạng Ốc-thượng Thổ, tuổi Canh-Tý & Tân-Sửu (1960 -1961) mạng Bích-thượng Thổ, tuổi Mậu-Thân & Kỹ-Dậu (1968 -1969) mạng Đại-trạch Thổ, tuổi Bính-Thìn & Đinh-Tỵ (1976 -1977) mạng Sa-trung Thổ, tuổi Canh-Ngọ & Tân-Mùi (1990 -1991) mạng Lộ-bàng Thổ.
Xem vậy, có thể đoán rằng: Thiên can không thấy gán cho một sự kiện trong thực tế có thể là do thất-truyền hoặc do người đời đã giản lược đi. Do đó người bình-dân chỉ nói tuổi con Mèo (chỉ địa chi Mão) mà không biết con mèo trong bối cảnh nào (vì không sự-kiện chỉ Thiên can) đưa đến sự hiểu lầm rằng chu-kỳ Âm-lịch chỉ có 12 năm. Sự thật chu-kỳ Âm-lịch là 60 năm nên người nào sống đủ một chu-kỳ trở lên mới được xem là không yểu-mệnh.
Trong bài về 12 con giáp, các em bé đọc thuộc tên năm và con thú của năm, có câu:
Tuổi Mẹo là con mèo ngao,
Hay quáu hay quào, ăn vụng qua tinh...
và một câu ca-dao luận đoán về tuổi Mẹo rất “ba phải”:
Tuổi Mẹo đã khéo lại khôn,
Làm ăn mạnh giỏi, vợ chồng so le.
Theo nhận biết của tôi về số người tuổi Mão có đến 90% là nhặm lẹ, ăn nói bặt-thiệp, đàn bà giỏi nữ-công, đàn ông có kỹ-xão. Còn vợ chồng so-le có thể là chênh-lệch về tuổi, về tầm vóc, đáng ngại nhất là như đũa lẽ đôi... nó bao-hàm quá, nên không thể xác-định được.
Người Việt-nam gán con mèo cho năm Mão hay Mẹo, còn người Tàu gán con thỏ cho năm nay, đó là sự sai khác duy-nhất trong những nhà làm lịch của hai nước.
2- Ẩn-dụ về con Mèo:
Quí đồng-hương nay đã trên 60 tuổi, hẵn còn thuộc lòng hai cuốn sách Quốc-văn giáo-khoa thư và Luân-lý giáo-khoa thư của các soạn giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng đình Phúc và Đỗ Thận. Đó là sách Việt ngữ lớp Sơ-đẳng (cours élémentaire), sau đó thế-hệ này dùng Pháp-ngữ trong trường học và trường thi, nhưng ảnh-hưởng của 2 sách quốc-văn trên sâu-đậm mãi đến ngày nay, không nền văn-hóa ngoại-lai nào lấn át nỗi. Sách được quí trọng đến thế không những vì lối văn gọn-gàng súc-tích mà vì những gương hiếu hạnh, những chuyện ngụ-ngôn chỉ vẽ cho con người cách xử thế khôn ngoan.
Riêng trong Quốc-văn giáo-khoa thư có những chuyện ngụ-ngôn về con chó, con rùa, con cọp, con gà trống...Nói về con mèo, có hai bài mang tính ẩn-dụ.
Một là:
Bài thơ cổ:
Con mèo.
Cũng thì nanh vuốt, kém chi đâu?
Chưa biết mèo nào cắn mĩu nào.
Gióng lịnh-tì, hưu, tài nhảy nhót,
Ra oai hùng, hổ, tiếng bào hao.
Ngắm xem biết mẹo trèo từ thấp,
Khúm-núm thu hình thoắt nhảy cao.
Chỉ quyết phen này vồ lấy cống,
Rồi lên đài các sẽ nghêu-ngao.
Rõ ràng nghĩa đen mô tả được những đặc-tính vừa dễ thương khúm-núm vừa nhanh-nhẹn, hung-bạo gào thét (bào hao) như loài dã-thú tì, hươu, gấu (hùng), cọp.
Cái hàm-ý là động-viên người ở đời phải biết tranh đua, phải có cơ-trí (biết mẹo trèo từ thấp, thu hình thoắt nhảy cao) và khi cần phải dương-oai nữa. Bấy giờ, thầy giáo dạy bài này, tác-động mạnh vào đám học trò sắp đến kỳ thi Yếu-lược phải “vồ lấy Cống” thì mới được hưởng phần thảnh-thơi đài-các (Cống là Cống-sinh, tức Cử-nhân đời trước; có nghĩa đen là chuột cống).
Bài hai là:
Chuyện con mèo và con chuột.
Con chuột ở trong hang, nhác thấy con mèo đi qua, bèn ló đầu ra trách móc bác mèo sao độc ác, nỡ giết hại lũ chuột bé bỏng này. Mèo nhẹ nhàng đến gần, dùng lời nhỏ nhẹ hứa từ rày không dám động đến họ hàng nhà chuột nữa, để giử âm-đức cho nhà mèo. Mèo dịu dàng bảo: “Chú ra đây chơi với tôi,tôi đã có lòng thương mến chú”.
Chuột nghe bùi tai, liền chạy ra tỏ lòng kết giao với mèo. Nào ngờ chuột vừa ra khỏi hang, mèo vồ lấy cắn chết ăn thịt. Đời nào mèo lại tha bắt chuột ! Một câu kết-luận sắc gọn như trên, còn mạnh hơn bài thuyết giảng dài dòng. Túi khôn của kẻ yếu ”dĩ đào vi thượng sách” được trẻ con hát lên về chuyện con mèo đạo-đức giả, không bắt được chú chuột đã trốn chạy. Chú chuột ranh-mãnh có lời nhắn lại bác mèo, như cú móc hông, còn giả đạo-đức hơn cả bác mèo:
Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.
3- Chuyện con Mèo tam thể:
Lúc ấy, nhà tôi có nuôi một con mèo tam thể. Lông nó mềm mượt như nhung, phân thành từng mãng da beo có 3 màu: trắng, nâu và vàng lợt như trong bức tranh lập-thể. Thường đêm tôi ngồi học bài, nó cuộn tròn thân hình mềm-mại của nó quanh chân tôi và dí cả cái mũi ươn-ướt vào bàn chân.
Lại có những khuya, chú mèo tam thể rên-rỉ lê-thê kêu gọi bạn tình trên mái tôle, tiếp sau đó là trận cắn xé nhau giữa những chú mèo, tiếng gầm thét như xé ruột và tiếng nhảy sầm-sập trên mái nhà làm tôi rờn-rợn sợ. Cho đến một hôm, tôi được xem cô Thi diễn vở kịch ”Người điên”, cô hát một câu lạnh buốt như chuyện Liêu-trai, tôi không quên được:
Có con mèo trắng ôm thân mốc,
Thảm-thiết gào trăng xé gió khuya.
Từ đó, cái hình dung loáng-thoáng rờn-rợn ma quái về con mèo tam thể cứ tăng dần trong tôi, tôi cảm-nhận một điều gì bí hiểm che đậy sau vẻ đẹp dịu-dàng của nó. Nó có tài bắt chuột. Một con chuột đương bò trên xà nhà, con tam thể phóng mắt trừng lên, con chuột như bị thôi-miên, bủn-rủn rơi phịch xuống đất, nó chỉ nguẩy đuôi đến ngoạm cổ chuột. Dù no nê mấy, con tam thể vẫn có thói ăn vụng.
Trước sân nhà tôi có chuồng bồ-câu đứng trên đầu một cây cột lớn, giống như kiểu Chùa Một cột. Khoảng giữa cây cột có cắm chông nhọn chĩa xuống tua-tủa để mèo không thể leo lên bắt chim. Một đêm khuya trăng mờ, tôi chợt thấy con tam thể từ cành cây mít chênh-chếch trên chuồng bồ câu, nó nhảy phóng qua chuồng chim như một ngọn lao vút đi với cái đuôi thẳng đuộc. Tôi chỉ mới kịp la lớn thì nó đã cắn cổ một con bồ câu thả xuống đất, tức thì nó tuột đến ngang hàng chông ở cột chuồng, rồi nhẹ nhàng nhảy xuống tha con chim chạy biến mất dạng.
Bấy giờ mới vỡ lẽ, chính con tam thể mưu trí này là thủ- phạm đã giết biệt-tích bao nhiêu gà vịt con, mà bấy nay cứ đổ ngờ cho chuột cống. Bà nội tôi nhứt quyết phải tống khứ con meo này, nhưng thương nó đẹp nên cho người bà con mang vào Nha-trang nuôi tiếp; khốn nỗi xe đò từ chối nguây-nguẩy vì sợ chở mèo thì xui lắm. Tôi bèn chở nó sau xe đạp, đi bỏ nơi nghĩa-địa rất xa nhà. Vài hôm sau lại thấy con mèo tam thể đã trở về nhà. Được vài tháng sau, con tam thể lại xé lồng bắt mất con chim cườm mồi của người chú họ tôi treo ở cây gạo ngoài vườn. Chú tức giận điên lên, vì con chim này gáy rất dài hơi, đã quyến-rũ nhiều chim cườm sa vào bẫy sập. Lần này thì nó đã tới số. Người chú họ của tôi đã cho con tam thể và một cục đá vào bao cát, rồi mang quăng xuống sông. Nhà tôi không còn nuôi mèo nữa.
4- Hắc miêu và quĩ nhập tràng:
Ở cực Đông của Thôn Vĩnh-bình, xã Phổ-ninh, cách thị-trấn Đức-phổ chừng một dặm đường chim bay về hướng Đông Bắc, có cây da cán dù đã đứng đó từ đời thuở nào. Cây da (cây đa) đứng riêng biệt, vượt cao trên lũy tre làng, tàn lá xanh đen xoè rộng như cái dù chiếm vài mẫu đất. Dưới gốc da là bình vôi ông táo và một đống gạch vụn của một cái miễu nhỏ đổ nát, bên cạnh hương lộ vắng người.
Tương truyền rằng trước đây chừng 100 năm, cây da cán dù là hang ổ của con mèo đen tuyền rất lớn, hàng đêm nó lùng sục bắt gà trong làng tha về ổ. Hôm nọ, ở xóm bên có người thanh-niên cường-tráng, vừa đi làm về đến nhà, bỗng lăn đùng ra chết tươi. Người chết vừa đặt lên giường thì con hắc miêu ở cây da cán dù từ nóc nhà nhảy xuống, nó nhảy ngang qua xác chết. Người thanh-niên nằm chết bật đứng dậy, đôi mắt trắng dã vô hồn, lù-lù đi ra cửa và chạy theo con mèo hoang, loạng-choạng hướng về phía cây da cán dù. Mọi người hốt-hoảng chạy rạt ra xa, ai cũng sợ con quĩ nhập-tràng nơi xác chết đuổi theo chụp được thì mình chết ngay. Con mèo đen nhảy phóc lên cay da, xác chết cũng nhảy chồm lên bám vào cành da nằm ngang là-đà trên hương lộ, thân xác buông thỏng đu đưa.
Người ta bảo rằng loài mèo đen có điện-lực cực mạnh được yêu ma lợi dụng mới nên chuyện quái-gở.Phải rước một pháp-sư cao tay ấn, tay cầm thiền- trượng, lưng dắt roi dâu và dẫn cả mấy con chó vàng đi theo, mới đem được xác chết xuống rồi đưa về an táng.
Một đêm mùa Hè năm 1961, vì có việc cấp-bách, tôi phải chạy tắt theo hương lộ dưới cây da cán dù. Qua ánh đèn pha của xe gắn máy, tôi nhác thấy một bóng trắng chập-chờn đong đưa dưới cành da. Tôi sởn tóc gáy, lạnh toát người, có lẽ thần trí vẫn tĩnh thức điều-khiển tay tôi kéo hết gas, chạy thục mạng về đến nhà. Hôm sau mới biết được con quĩ nhập-tràng dọa tôi đêm qua chính là con diều giấy của lũ trẻ vướng vào cành da, mà chúng không dám thu lại.
Tôi được biết rằng người ở thôn Trường-sanh thuộc xã Phổ-minh lên quốc lộ 1 thường đi vòng đường Gò-hội rất xa, chỉ vì ngại đi ngã cây da cán dù. Còn ngã qua Truông Chổi là ngắn nhất, họ lại càng không đi ban đêm, vì sợ cái sa Ông xã Yến. Truông Chổi là đường mòn đi qua bãi cát rộng mênh-mông, rồi xuyên qua cánh rừng, tiếp đến con sông nhỏ có cái sa chắn xiên theo dòng nước để chận bắt cá lớn.
Thường mỗi sáng ông chủ sa (ông Xã Yến) ra mang cá về, chỉ thấy hàng đống đầu cá máu me bê-bết còn lại trên đăng. Ai cũng kháo nhau về con quĩ có răng nanh đỏ, từ trong cánh rừng đi ra, ngồi xỏa tóc trên bờ sa ăn cá mỗi đêm.
Cho đến một đêm, bầy chó săn chúng tôi gầm thét, quần thảo cắn xé với mấy con rái cá tại sa này, thì mới vỡ lẽ rằng đầu cá do loại rái ăn, còn bỏ lại. Con rái giống như con mèo mướp thật lớn, mình cũng dài, da xám mun và cũng khịt-khịt hung tợn nhu mèo. Có thể nói con rái là loài mèo dưới nước.
5- Chuyện tếu Mèo Chuột.
Một khóa-sinh lạc đệ đến nhận chân dạy học tại tư thất cho con quan phủ Vĩnh-tường. Vào lúc giữa trưa gió Nồm hây-hây, anh đồ đi tản bộ, nom thấy tiểu-thư con quan phủ vén quần váy, lội ra bìa hồ hái hoa sen! Váy cô vén cao quá gối, nước hồ lặng im soi bóng của kín của cô như con trai há miệng hớp nước. Anh đồ sinh hứng, bèn mô tả cảnh trông thấy trong 2 câu thơ dán ngay lên vách, cố ý muốn trêu ghẹo con gái quan phủ:
Phong tiền lạn mạn hoa sinh sắc
Thủy diện vi man, bạng thổ thần.
Tiểu thơ trở vào, đọc được câu thơ nét mực chưa khô, cô vừa thẹn vừa sợ lịnh nghiêm-đường quở trách. Cô bèn viết bài thơ nôm sau đây nhằm chế-diễu lại anh đồ và sai đầy tớ dán bài hát nói này đối-diện với vách có 2 câu thơ chữ Hán của anh đồ:
Thầy đồ là người tài bộ
Quảy cầm thư giáo thọ phủ Vĩnh-tường.
Trước nha môn thiết một học đường
Dạy dăm đứa chi, hồ, giả, dã.
Nhơn lúc thầy đồ nhàn hạ
Ra hồ sen ngắm ả hái hoa.
Ả hớ hênh ả để đồ ra,
Đồ nọ thấy, ngâm nga tức khắc:
”Phong tiền lạn mạn hoa sinh sắc
Thủy diện vi man, bạng thổ thần”.
Đồ ngâm rồi, đồ đứng tần ngần.
Đồ nọ tưởng đồ kia thêm thắc mắc!
Suốt năm canh đồ nằm khôn nhắp.
Những mơ màng đồ nọ thấy đồ kia ...
Đồ đâu gặp gỡ làm chi!?
Thơ đề, thơ họa đã đưa anh đồ đến gần cô gái lớn quan phủ, như lửa gần rơm, như mèo gặp mỡ. Phòng ngủ của chị em con quan phủ cách biệt với hành lang trong tư thất bằng bức vách ván lụa, ngay phía trước thư phòng của anh đồ.
Anh đồ mưu tính với cô chị, vào lúc trăng đứng đầu anh khoét vách đưa ”của” anh qua lỗ khoét, bên kia con ”ngao” cô đón lấy. (Nếu ai không tin, cứ hỏi ngay ông Clinton và cô Lewinsky hiện nay).
Không đợi được, trăng chưa giữa trời, anh đồ đã khoét vách sột soạt, rồi đưa “đoản côn” của anh sang. Cô chị chưa vào giường, cô em nghe tiếng động biết là chuột đục vách, trong tối nhá-nhem cô thấy đầu chuột râu ria lúc lắc chui qua lỗ hỗng. Cô bật lửa dí vào đầu chuột cháy rụi hết râu. Anh đồ rút chạy về phòng rên ư-ử. Đến nửa đêm, cô chị vẫn không thấy gì ngoài lỗ vách đã khoét.
Cô bèn ngâm thơ ướm lời:
Nguyệt đáo trung thiên vị kiến kiều.
Anh đồ đáp lại:
Anh-hùng ngộ nạn hỏa lôi thiêu.
Cô em lên tiếng:
Dạ gan tróc đắc xuyên tường thử.
Quan phủ nghe vậy, liền quở trách:
Đẳng nữ hà vi bất dưỡng miêu?
Bốn câu thơ liên vận của bốn người như một vở hài kịch.
Xin tạm dịch là:
Trăng đã lên cao, chưa thấy cầu.
Anh-hùng bị lửa, rụi còn đâu
Khoảng đêm nã chuột xuyên qua vách
Gái lớn làm chi chẳng nhốt mèo?
Có mỗi một con chuột nhắt còn gây lộn xộn, có thể đưa đến thân bại danh liệt. Nếu lại rước thêm mèo vào, thì tránh sao khỏi chuyện mèo chuột rục rịch chí-choé suốt đêm? hở quan phủ, bậc “dân chi phụ-mẫu”!
TRƯƠNG QUANG
Hartford, 20-11-1998.