Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 10, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
LÝ SƠN, NƠI XÁC NHẬN CHỦ QUYỀN HOÀNG SA.
TRƯƠNG THÂN

 

1/ Vị trí địa lý tự nhiên:

 

Lý sơn còn gọi là Cù lao Ré, một cụm đảo ở về phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách cảng Sa Kỳ khoảng 30km (18 hải lý), cách bờ biển đất liền khoảng 25km (15 hải lý); diện tích chừng 10km2, dân số trên dưới 21.000 người. Có 2 đảo chính:

 

Đảo lớn với 5 hòn núi lớn, nhỏ lần lượt có tên: Thái Lới, Giếng Tiền, Hòn Vung, Hòn Sỏi, Hòn Tai; nhờ đó mà đảo này có mạch nước ngầm, đào (khoang) sâu 3- 4m là đến mạch nước ngọt cung cấp nước sinh hoạt ăn uống, tưới tiêu hoa màu khi nắng hạn cho dân địa phương.

 

 

Núi Thái Lới đảo Lý Sơn.

 

Đảo bé cách độ 7- 8km về phía bắc đảo lớn, cấu tạo bởi các gò đá ong và bãi cát bồi, không có mạch nước ngọt nên trước đây không người thường trú; ngày nay có ghe máy qua lại, người từ đảo lớn đã qua khai phá lập nghiệp (Khoảng 116 hộ với 516 người).

 

Ngoài ra còn có đảo nhỏ Mù Cu ở phía đông đảo lớn, chỉ là một cồn cát, chen chúc rất nhiều tảng đá đen, hòa lẫn đám cây mù cu như một rừng cây cổ thụ tuyệt đẹp (nay gọi là thủy tùng, hầu như nhà nào cũng có chậu kiểng này) chịu mặn; ngày xưa vào mùa Xuân, mùa Hạ nắng ấm lũ chim nhàn trắng xóa từng đàn bay về đây làm tổ, kêu nhau ríu rít nghe thật vui tai. Đảo Mù Cu nằm ngay trên dãy san hô cách đảo lớn khoảng 1km, tạo thành bờ chắn ngăn chận sóng lớn không xâm nhập vào đảo lớn, giữa Mù Cu và đảo lớn tạo thành một cái vịnh, ghe ra vào neo đậu an toàn. Vịnh Mù Cu đã và đang sữa chữa, cải tạo thành cảng sâu để tàu công suất lớn có thể vào trú khi có bão dông. Ngày nay đảo Mù Cu đã thay đổi nhiều không còn cảnh đẹp hoang sơ như xưa, các loài chim cũng không thấy về đây, vì rừng cây Mù Cu đã bị phá hủy không còn nơi làm tổ.

 

Nói về vị trí địa lý của Lý Sơn, bên ngoài cửa biển Sa Kỳ có một tảng đá ngầm lớn nhấp nhô gọi là Bàn Than, khi ẩn khi hiện luôn bị sóng vỗ bạc đầu. Để nhắc nhở thủy trình khi ghe tàu ra vào cửa biển này, dân địa phương thường hát ru:

 

“Trực nhìn ngó thấy Bàn than

Ba hòn Lao Ré nằm ngang Sa Kỳ”

 

Lý Sơn hình thành do dung nham núi lửa phun trào, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo như: Hang Câu, Suối Chình, Chùa Hang, Chùa Đục, Cổng Tò Vò,…Trên đỉnh các ngọn núi là những miệng núi lửa với khung cảnh tuyệt vời. Chính nham thạch phun ra và tắt lịm đã tạo ra vùng đồng bằng ở phía nam và giữa các ngọn núi một lớp đất bazan màu mỡ, thich hợp cho nhiều loại cây trồng, nhất là tỏi rất thơm ngon, đến nỗi người ta gọi Lý Sơn là “vương quốc tỏi”. Đồng thời nó tạo nên rạng san hô, đá ngầm là điều kiện tốt cho các loại thủy mộc và hải sản sinh sống. Dân Lý Sơn thường ca ngợi một số địa danh qua câu:

 

 “Lý sơn phong cảnh tuyệt vời

Hang câu, Chùa đục, Suối Chình, Mù Cu”

 

 

(Chùa Đục)

 

2/ Quá trình lập đảo và thay đổi địa danh hành chánh:

 

Cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 ngư dân Việt vùng An Vĩnh, Sa Kỳ thuộc huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh đã vâng lịnh triều đình chúa Nguyễn, lập đội hùng binh Hoàng Sa, giong thuyền ra biển khơi, khai thác hải sản quý hiếm và tìm kiếm báu vật do các tàu buôn phương Tây qua đây găp nạn, bỏ lại quanh vùng đảo Hoàng Sa, cách Lý Sơn khoảng 150 hải lý về phía đông. Sau 6 tháng hết lương thực, trở về nộp sản lượng cho triều đình ở thành Phú Xuân, nếu vượt mức được khen thưởng và ban tặng phẩm vật. Trong số các hùng binh thay phiên làm nhiệm vụ còn sống sót trở về truyền lại, dân làng vùng này nghe đảo Lao Ré gần đất liền nhiều tài nguyên phong phú, bèn rủ nhau vượt biển đến khai khẩn lập làng, lập nghiệp trên đảo này.

 

Lúc đầu có 7 vị Tiền hiền thuộc các họ: Phạm Văn, Phạm Quang, Võ Văn, Lê, Nguyễn, Võ Xuân, Đặng lập làng An vĩnh ở phía tây đảo lớn (gần bờ đất liền); sau đó 8 vị tiền hiền khác thuộc các họ: Nguyễn, Dương, Trương, Trần, Võ, Lê, Nguyễn đình, Nguyễn văn; tiếp tục ra đảo lập nên làng An hải ở phía đông đảo lớn (xa bờ đất liền hơn). Chính 15 vị Tiền hiền này đã tạo ra các thế hệ hậu duệ, tiếp nối tham gia đội hùng binh Hoàng sa kiêm quản đội Bắc hải (xuất phát từ Bình Thuận, có chức năng tương tự tại các đảo Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc), làm thêm công việc đo đạt thủy trình, cắm cột mốc chủ quyền tại các đảo này như: Hội nghĩa hầu Võ Văn Khiết (1803), cai đội trưởng Phạm Quang Ảnh (1815), Thuyền trưởng Võ Văn Hùng (1834), chánh thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật (1836), thủy sư suất đội Phạm Văn Biện (1837),… Họ tộc nào ở Lý Sơn cũng có thân nhân vào đội hùng binh Vạn lý Trường Sa, điển hình như: Đặng Văn Siểm, Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Văn Mạnh, Dương Văn Ánh, Trần Văn Kham, Trương Phúc Sỹ, Trương Văn Tài,… Đến nay con cháu của họ khoảng gần 14- 15 thế hệ thông minh, nhiều sức khỏe, đóng góp nhân lực vào việc phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biên cương tổ quốc.

 

Trong thời gian đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải làm nhiêm vụ, chỉ có phương tiện đi lại bằng thuyền buồm mê nan tre, dễ gặp nạn khi thiên tai bão táp, lại thường xuyên chiến đấu chống nạn cướp bóc của bọn Tàu Ô. Đã ra đi coi như thập tử nhất sinh vì ít người trở lại, do vậy khi xuống thuyền mỗi hùng binh đều mang theo cho cá nhân mình đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây và thẻ bài (có ghi sẵn họ tên, nơi ở) để có bề nào đồng đội bó xác, làm nghi lễ “tiễn đưa” thi hài xuống biển và cầu nguyện được tấp vào bờ để ai đó bắt gặp biết được người hy sinh vì nước mà chôn cất; thế nhưng hiếm khi đến được quê nhà, bằng chứng mộ những hùng binh ở Lý sơn đều là mộ gió (1), người dân nơi đây vẫn còn truyền khẩu:

 

“Hoàng sa lắm đảo nhiều cồn

Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”.

 

Hoặc:   

 

”Hoàng sa trời nước mênh mông

Người đi thì có mà không thấy về”

      

Vợ con ở nhà trông đợi chờ mong:

 

“Mảng mùa tu hú kêu thanh

Cá chuồn đã mãn sao anh chẳng về”.

 

Năm 1954, sau khi quân viễn chinh Pháp rút khỏi Việt Nam, chính phủ VNCH quản lý các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cù lao Ré,… thuộc hải phận phía Nam Việt Nam; trên các đảo này đều có hải quân đồn trú bảo vệ. Cù lao Ré được đổi tên thành đảo Lý Sơn dưới quyền điều hành của một phái viên hành chánh thuộc tỉnh, vẫn 2 xã được đổi tên thành xã Vĩnh Long và xã Hải Yến; mấy năm sau cải tổ lại, phái viên hành chánh Lý Sơn thuộc quận Bình Sơn, tên xã được đổi lại là xã Bình Vĩnh và xã Bình Yến cho phù hợp chữ đầu của tên quận.

 

Sau 1975 khi thống nhất đất nước trong thời kỳ bao cấp, nhà nước gom đất của dân vào hợp tác xã nông nghiệp, kết quả sản lượng không cao do nhân lực yếu kém. Sau một thời gian đổi mới, đất sản xuất phân chia (không phải trả lại) cho hộ gia đình có diện tích theo số lượng nhân khẩu và khoáng sản phẩm; từ đó năng suất dần dần tăng lên, nhân dân phấn khởi xâm canh, tăng vụ… Năm 1992, chính phủ quyết định thành lập huyện đảo Lý Sơn trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi, một lần nữa lại đổi tên 2 xã thành xã Lý Vĩnh và xã Lý Hải.

 

Sau hiệp định Paris 1973, Mỹ lần lượt rút quân, không còn trợ giúp VNCH, anh bạn ”Núi liền núi, sông liền sông” Trung quốc lập tức đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, đến năm 1978 tiếp tục lấn chiếm biên giới phía bắc nước ta, năm 1988 lại xâm chiếm đảo, bãi đá ngầm của quần đảo Trường Sa và tuyên bố các đảo này thuộc chủ quyền Trung quốc. Nhận thấy anh bạn “Răng hở, môi lạnh” có ý đồ xâm chiếm toàn bộ biển Đông, chính phủ lại tiếp tục đổi tên 2 xã của Lý Sơn trở lại như thời mới lập đảo đó là xã An Vĩnh và xã An Hải; đồng thời lập thêm một xã mới trên đảo bé lấy tên là xã An Bình nhằm đủ điều kiện phản bác tuyên bố của Trung quốc và cho thế giới thấy được Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Viêt nam không thể tranh cải.

 

 

(Tượng đài đội hùng binh Hoàng Sa)

      

Như vậy hiện nay huyện đảo Lý Sơn có 3 xã là An Vĩnh, An Hải và An Bình. Trung tâm huyện nằm ở phía đông xã An Vĩnh gần Hòn Vung, nơi đây có xây tượng đài đội hùng binh Hoàng Sa hướng nhìn về phương Bắc như muốn nói rằng: ngư dân Lý Sơn quyết bám biển, lấy lại chủ quyền biển đảo Hoàng Sa.

 

3/ Kết luận:

 

Qua quá trình lập làng, bảo vệ biên giới hải phận của ngư dân Lý Sơn đã trình bày ở trên, rõ ràng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam; nó phản ảnh tinh thần chiến đấu kiên cường của cả dân tộc.   

 

Để tưởng nhớ công ơn to lớn ấy của tiền nhân, hằng năm vào ngày 16 tháng 3 nhân dân cùng chính quyền huyện Lý Sơn vẫn tiếp tục tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, khơi lại hình ảnh ông cha mình đã ra đi gian khổ, nhằm tạo điều kiện để con cháu biết, tiếp nối truyền thống đấu tranh bảo vệ tổ quốc, tôn tạo quốc gia mình ngày càng giàu mạnh

 

 

(Lễ khao lề tế lính Hoàng Sa)

 

 Như bài thơ tôi đã viết sau đây:

 

LÝ SƠN BẢO VỆ BIỂN ĐẢO

 

Lý sơn biển đảo quê ta

Hằng năm 16 tháng 3 khao lề (2)

Đi buôn, đi bán nhớ về

Dự lễ, tế lính Hoàng Sa oai hùng

Ngày xưa vâng lịnh triều đình

Thanh niên trai tráng nhiệt tình tham gia

Hùng binh bảo vệ Hoàng Sa

Ra đi bằng chiếc thuyền nan chềnh chồng (3)

“Hoàng sa trời nước mênh mông

Người đi thì có mà không thấy về”

Trường Sa gió lộng tứ bề

Lý Sơn khao lề tế lính Hoàng Sa

Noi gương thuở trước Ông cha

Quyết tâm trấn giữ ngôi nhà Tổ tiên

Nước có mạnh, nhà mới yên!

Xứng danh con cháu “Tiền hiền” (4) Lý Sơn.

 

SG, ngày 20-10-2014

Trương Thân

 

Chú thích:

 

1. Mộ gió: mộ chôn người mất ở xa không có xác mà chỉ là hình nộm, hay hình nhân nắn bằng đất sét, cầu hồn nhập vào rồi chôn.

 

2. 16/3 âm lịch.

 

3. Chềnh chồng: lắc lư, tròng trành làm đồ vật ngả chồng lên nhau.

 

4. Tiền hiền: dòng họ đầu tiên đến lập làng trên đảo.

 

*  *  *

 

Xem các bài cùng tác giả: click vào đây

Xem trang QN: Đất nước, con người: click tại đây

Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh