Cách đây chưa lâu, một buổi sáng Chúa Nhật, tôi được ông bạn già ghé thăm. Vừa vào đến cửa, bạn lấy trong túi nylon ra một xấp giấy in, đưa tôi và thân tình nói lớn:
- Nè, đọc cái nầy đi.
Tôi đưa tay nhận lấy, có hơi ngạc nhiên hỏi lại:
- Độ nầy viết văn nữa à. Truyện ngắn, Tham luận hay Bình luận, Ký sự gì đây?
Ông bạn liền bảo:
- Không, của người khác đấy. Vui lắm.
Lúc bấy giờ việc tiếp bạn cần thiết hơn nên thuận tay tôi để vào gầm bàn phòng khách, tiếp tục chuyện trò. Khách ra về tâm trí lại vướng mắc công việc dở dang nên chưa đọc ngay.
Đến chiều, ăn cơm tối xong, trong khi ngồi uống nước nhìn thấy xấp bài, tôi mới trực nhớ, liền lợi dụng khoảng thời gian chưa làm gì mở ra đọc. Thì ra một bài viết khá dài (hơn 10 trang giấy A4, chữ nhỏ), tựa đề “ĐỤNG VÀO CÕI THƠ” tên tác giả Phan Xuân Sinh (PXS) (Bài nầy có đăng trên website có đường link kế đây: http://www.luanhoan.net/Bai Moi Trong Ngay/html/bm 8-6-05.htm - webmaster ghi chú). Một bài viêt khá công phu và đúng bài bản. Có lời phi lộ mở đầu, có kết luận thách thức xã hội, và còn so sánh với một huyền thoại xa xưa nữa.
Đọc bài viết thấy tác giả có ý tưởng hơi lạ, tôi liền điện thoại hỏi ông bạn bài lấy từ đâu ra để in, và biết gì về tác giả? Chẳng hạn địa chỉ, số điện thoại. Ông bạn trả lời do một người bạn gởi qua điện thư, cũng không có được một thông tin nào.
Đúng là bài viết có những suy nghĩ và lập luận vui vui, nên tôi quyết định cần trao đổi với tác giả. Và nếu có thể, sẽ đăng trên một trang mạng hay tờ báo nào đó để rộng đường công luận.
Nhưng muốn thực hiện chu đáo, cũng cần phải biết thêm về tác giả; tôi nhờ đến Google, thế là biết được PXS chẳng những từng là một chủ báo hay phóng viên gì đó (phụ trách), mà còn là một tác giả thơ, văn, và phê bình văn học nữa. Đăng trên trang mạng cá nhân hẳn hoi.
Vì đã đọc qua đến hai lần một cảm nhận lạ, nên trước tiên tôi kết luận tổng thể tác giả là một người viết nhưng vì một lý do riêng tư nào đó, thiếu chân thật, hoặc cũng có thể để nói lên cái chủ quan có tính toán của mình.
Thiếu chân thật ngay trong lời phi lộ đầu bài - lời tác giả - PXS cho rằng những việc kể trong bài chỉ là do “tác giả tưởng tượng ra”. Nếu đúng như thế, quả tác giả có một trí tưởng tượng siêu việt, vì những việc mà tác giả tưởng tượng để viết trong bài quá chi ly, đầy đủ chi tiết như một việc có thật. Tác giả còn cho rằng “để người đọc mua vui trong chốc lát” (nt) cũng như “không hề có ý châm chích ai” (nt). Tôi nghĩ việc làm của tác giả sẽ không thể thành “mua vui…”, vì không hay ho gì đó và cũng chưa có tiền lệ trên văn đàn của những người chân chính. Còn “không hề có ý châm chích ai” (nt), có lẽ đúng, vì toàn bài viết thể hiện một ý chính: hẹp hòi và tác giả cố tìm mọi cách đánh giá thấp người làm thơ hôm nay mà thôi (hạ mục vô nhơn). Thái độ đó, cũng có thể hiểu hạ người xuống để có khi mình sẽ cao hơn. Cho nên, khi vẽ ra cái sai của người khác, tác giả đã dùng tất cả những từ ngữ như để trút hết cái hậm hực của mình đối với họ. Từ cái hậm hực quá đỗi đó, khiến không còn giữ được bình tĩnh dẫn đến tự mình mâu thuẩn mình, hay rõ hơn thành tiền hậu bất nhất, quyết đoán một cách thiếu cẩn trọng, hồ đồ.
Sau đây, sẽ lần lượt điểm qua những nhận xét đó:
PXS quả quyết tất cả những người làm thơ đều có chung một mong muốn: “Cái đích mọi người phải đạt tới là sự nổi tiếng” (trang 1). Là một người cầm bút, PXS không thể không biết những bài Ca dao tồn tại và được dân tộc trân trọng hàng nghìn năm cũng phải có tác giả. Thì tại sao tác phẩm đã nổi tiếng, những tác giả Ca dao đó lại không công khai tên mình ra để được hưởng sự nổi tiếng với tác phẩm của mình. Gần đây hơn, những bài thơ ký tên TTKH không ai chê dở, mà còn có nhận định là những bài thơ góp một phần vào việc hình thành nền thơ mới nước nhà. Thơ tồn tại trên văn đàn đến giờ gần một trăm năm và nổi tiếng ngay từ khi báo đăng. Tất nhiên tác giả làm ra thơ cũng phải là người nổi tiếng. Thế tại sao đến hôm nay tác giả đích thực cũng không xuất hiện để hưởng cái vinh quang đó, mà vẫn còn như huyền thoại. Từng có những đồn đoán là thơ của Thâm Tâm viết về cuộc tình dang dở của mình và một thiếu nữ tên Khánh. Thâm Tâm lúc còn sống cũng không lên tiếng kể cả Khánh cũng chẳng ai biết bà có thừa nhân sự thật như thế hay không và bà hiện thế nào,.
Cho nên cái sự mong muốn nổi tiếng mà tác gỉa quả quyết đó, chẳng qua có thể hiểu “suy bụng ta ra bụng người” (tục ngữ) mà thôi.
Dòng cuối trang 1, PXS hạ bút “Đó (thơ) là tâm huyết của họ gởi gấm trong đó”. Mà đã là gởi gấm tâm huyết hay tâm sự thì cái đích của người làm thơ là được giải bày để giải tỏa một ấm ức tâm lý nào đó chứ đâu phải mong muốn nổi tiếng! Và, nhận định như thế không tự mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất là gì!
Cũng trong trang nầy PXS còn nhận định: “Có một điều lạ là những nhà thơ nổi tiếng thì họ rất khiêm cung, nhún nhường. Bước đi của họ thong thả mực thước, không gây ồn ào. Họ thận trọng từng lời từng chữ trong thơ cũng như trong giao tiếp, được văn giới nể nang và kính trọng. Còn một số ít, cũng may là số nầy không nhiều, họ xô đẩy chen lấn, cố ngoi lên bằng con đường tắt không phải bằng tài năng mà bằng thủ đoạn”(trang 1). Chưa phải là một nhà phê bình văn học nói chung, thơ ca nói riêng, mà PXS đã điểm mặt gần như tất cả người làm thơ, và điểm với một thái độ xưa nay chưa xảy ra. Phải chăng để tỏ ra PXS có kiến thức hơn, có nghệ thuật hơn! Còn cái “Một nhà thơ nào đó thấy được cảnh dầu sôi lửa bỏng nầy…”, phải chăng chỉ có ánh mắt ganh tỵ và hẹp hòi của Phan Xuân Sinh mới nhìn thấy cảnh nầy để tự ý PXS “đụng vào” chứ có ai buộc phải đụng đâu. Và xưa nay trên thi đàn làm gì có cảnh dầu sôi lửa bỏng như thế.
Một lố bịch không ngượng ngùng khi PXS viết “Tôi cũng chập chững làm thơ, nhưng tôi thấy làm thơ quá khó, ngồi cả buổi chẳng rặn ra được chữ nào, có khi làm được năm bảy câu ngày mai xem lại thấy chẳng giống ai, chẳng ra cái gì nên đành phải xé bỏ” (trang 1). PXS dùng mình để mỉa mai người khác ư? Hay cũng là một nghệ thuật đánh bóng tên mình? Trong khi đầy dẫy ở trang cá nhân của mình, PXS hãnh diện phổ biến những tác phẩm mình biên soạn. Và tỏ ra vinh dự trong những lần ra mắt thơ, nhất là được người nọ, người kia dự. Trong đó có Nhà nghiên cứu, nhà Huế học. Và mai kia nếu có công trình “Huế Mậu Thân học” ông nầy chẳng những là nhà nghiên cứu mà còn là nhà hành động máu xương đầu Xuân năm 1968 nữa!
Đoạn trên PXS bắt đầu chê bai và chỉ trích một số người làm thơ, nhưng đoạn nầy thì: “Chính vì điểm đó, các nhà thơ dù hay, dù dở cũng được tâng bốc lên tận mây xanh. Họ cảm thấy rằng trong thiên hạ không có ai qua mặt được mình, thơ của mình đã đạt tới đỉnh cao của nền văn học” (trang 2). Như vậy, nếu có người làm thơ nào đó tự tôn tự đại là do PXS tao nên chứ không phải do họ cần “sự nổi tiếng”. Và nếu PXS cứ tiếp tục và công khai hành động như thế, tránh sao người đọc không nghĩ PXS đã đánh rơi cái “Luân lý giáo khoa thư” mà mình đã từng được dạy dỗ.
Nếu quả thực PXS đã “tưởng tượng” ra như kể trên và “Đọc thơ mà không khen sẽ bị tác giả phản ứng ngay lập tức” (trang 2) thì đúng là PXS có trí tưởng tượng vượt cà thời gian và không gian, vì tôi chưa nghe tình trạng nầy xảy ra trên thi đàn, kể cả Nho học và Tây học, ngót một đời người đọc sách báo.
Đến đây lý ra tôi không cần trao đổi với người viết nữa, vì chân tướng đã rõ qua xác định của chính PXS “Tôi chỉ biết mỗi một điều là đọc thơ ai tôi đều khen tới tấp, khen không ngớt hơi. Tôi không thực lòng, nhận xét ba phải?” (trang 2). Như thế thì viết một bài dài như thế nầy để làm gì, góp gì cho văn học nước nhà. Nếu kết luận chỉ vì đố kỵ, hơn thua liệu có quá đáng cho một người biết cầm bút như PXS hay không đây!
Vào trang cá nhân của PXS, được biết tác giả có viết nhiều thể loại, nhưng ở đây lại đưa ra một suy nghĩ không giấu được cái ấu trỉ và hẹp hòi của mình, vì những nhà phê bình văn học nổi tiếng xưa nay cũng không nghĩ như PXS nói chi đến muốn thực hiện. Trong khi PXS chỉ có một vài bài chưa đủ đếm trên đầu ngón tay, và về một vài tác gỉa mà thôi: “…Cho đến bây giờ tôi cũng không biết thước nào đo để tiện sắp theo thứ bậc” (trang 2). Cái suy nghĩ sau đây nếu gọi PXS hồ đồ có quá đáng không “Thường các thứ bậc nầy đều do chính tác giả vỗ ngực tự nhận, họ tự đánh giá và tự phong cho họ ngang hàng với ai” (nt). Đây là tưởng tượng hay là không tưởng xin dành cho công luận. Và nếu có như thế, người làm thơ PXS đã vỗ ngực tự nhận mình vào thứa bậc nào trong quá khứ và rồi tương vị lai nữa?!
Chỗ tiếp theo, thì cũng có thể tin PXS “tưởng tượng ra mọi tình huống”. Và cũng vì tưởng tượng quá khiến cái tưởng trượng của mình nó thành không tưởng. Rồi cái không tưởng nó đưa người vẽ ra tình huống vào kém cỏi. Đó là đoạn PXS tưởng tượng về một nhà văn nói về luật thơ Đường và thơ Cổ phong. Có thể nghĩ, nếu nhà văn PXS tưởng tương ra, và chính PXS nữa hồi đi học có chăm chỉ một chút, không đến nỗi nay quên chương trình văn học lớp Đệ tứ hay lớp 9 bây giờ. Lúc đó các thầy dạy về thơ luật Đường và Cổ phong rất đầy đủ, rõ ràng. Sách tham khảo của các tác giả Dương Quảng Hàm, Hà Như Chi, Phạm Văn Diêu…đến nay vẫn còn trong các tủ sách gia đình và một số đã được tái bản. Còn đã được gọi là nhà văn mà cố tình trí trá thơ luật Đường và Cổ phong, thì qủa ông ta cũng còn là nhà “không tưởng” vậy. Riêng PXS, tưởng tượng ra tình huống nầy phải chăng trong sâu thẳm cũng có hàm ý nói cho bàng dân thiên hạ biết nếu là ta, ta sẽ không phản ứng như ông nhà văn kia, vì ta biết thế nào là thơ luật Đường, thế nà là thơ Cổ phong (trang 3).
PXS quả là người nhìn xa trông rộng, biết dọn đường một cách có kỹ thuật. Khi cuối trang 3, “tưởng tượng” ra tình huống một người bạn muốn nhờ PXS trung gian để một nhà thơ đã lừng danh nào đó (cũng là bạn của PXS!) viết lời giới thiệu cho tập thơ mình dự tính in. Rồi cật vấn, rồi đánh giá để kết luận:
“… nghĩa là thơ hay hoặc thơ dở không cần chính tài năng của mình, mà chỉ dựa vào lời người giới thiệu, nhất là người đó là một nhân vật nổi tiếng”.
Để đến trang 4, PXS đề cao mình rất có logic “Một người bạn khuyên tôi không nên viết lời giới thiệu hay lời bạt cho bất cứ tập thơ nào, dù người đó có thân thiết cách mấy cũng đừng dại dột làm điều nầy”. Chỗ nầy người vô tư mấy khi đọc bài viết cũng dễ dàng thấy được cái đích bằng mọi cách để đạt tới sự nổi tiếng chỉ là của PXS mà thôi! Tôi tiếc phải chi PXS “tưởng tượng” thêm một tình huống khác, nằm trong tư cách của mình (phụ trách báo), tên PXS sẽ được dễ dàng bóng loáng mà không ai xéo xiêng được. Đó là tạo tình huống có một nhà thơ lớn gởi tặng một tập thơ tái bản, vì sau khi xuất bản đã được công chúng biết tiếng, đánh giá là một trong những tập thơ hay trên thi đàn; nay tuyệt bản. Tác giả còn muốn có lời giới thiệu sách (chỉ sách thôi) của PXS để thông tri, liệu PXS có cần đắn đo để viết lời nhận xét hay không?
Lại một “tưởng tượng” thành không tưởng và vô tình tự tố cáo cái kém cỏi của mình. Đoạn PXS kể về thơ phổ nhạc (trang 4): Là người viết, người làm thơ, liệu không có cảm hứng PXS có ý để viết để làm thơ được không (tôi nói bài viết giá trị, bài thơ hay). Và liệu một bài thơ ưng ý (theo tác giả) mà một nhạc sĩ chỉ vì sợ mích lòng phổ không có cảm hứng, phổ như một thợ nhạc, bản nhạc sẽ không có hồn làm bài thơ không còn hồn theo, có nên không! TG bài thơ không nghĩ đến hay PXS không “tưởng tượng” ra tình huống nầy!
Tôi may mắn có lần được tiếp xúc một nhạc sĩ từng phổ một vài bài thơ cũ thành những bản nhạc để đời. Ông cho biết, cũng có những bài thơ rất hay, mình thích nhưng không cách gì phổ nhạc được vì không có cảm hứng để thực hiện.
Tôi được biết trong làng báo người Việt ở Hoa Kỳ hiện nay, tác giả Hoàng Dược Thảo là người nổi tiếng công kích người khác, công kích đích danh người ở mọi từng lớp và mọi lãnh vực. Đến nỗi nhiều người đọc tỏ ra chán ngấy, nhưng các cơ sở có nhu cầu quảng cáo lại ưu ái vận dụng, vì họ biết tuy vậy, cũng có số người đọc hiếu kỳ thường muốn xem những bài “tỉnh không ra tỉnh, mê không ra mê” đó, thế là cái món quảng cáo của họ cũng được theo về nhà (Báo chí Hoa Kỳ không bán, người làm báo sống chủ yếu nhờ Quảng cáo).
Hơn mười trang giấy chữ nhỏ, PXS chỉ làm mỗi một việc “tưởng tượng” (hay huyễn) ra những tình huống mà phần nhiều như không tưởng để chỉ trích người làm thơ (mà mình là một!). PXS sẽ được gì đây! Có làm thành sự nổi tiếng của mình không hay rồi chuốt lấy những ê chề như “Tin Paris trên “NET” xin đăng lên để đọc giả biết rõ những kẻ nằm vùng trong lãnh vực văn hóa”. Không biết đùa hay thật, tiếp thêm: “Phan Xuân Sinh: Thi sởi Việt Gian" vừa "cù lần" lại vừa "đĩ điếm" (Trích từ bài "Khi tình đang ru đời" ra mắt tại VN http://khoavietnam.vnweblogs.com/post/4380/5269)
Hoàng Dược Thảo công kích để chuyển tải quảng cáo. PXS thì sao?
Có một chuyện mà chắc chắn người đọc nào cũng phải cho rằng PXS bịa đặt chứ không còn là tưởng tượng nữa. Bìa đặt một cách hàm hồ, không ngại cả đến cái lố bịch của mình, rõ hơn “gian mà thếu ngoan”. Còn không ngại gán ghép cái thói quý trọng phụ nữ hơn nam giới hay dân gian thường gọi “nịnh đầm” của những người được bạn bè quý trọng cái tư cách đứng đắn của họ. Đó là hai vị cầm chịch tờ nguyệt san Văn: Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao.
Đoạn giữa trang 6, PXS thuật chuyện một anh bạn nhà văn của PXS …“kể cho tôi nghe một trường hợp thật tức cười…”, có liên quan đến báo “Nguyệt san Văn” trước năm 1975 ở Sài Gòn. Anh nhà văn nầy đúng là bạn của PXS, bạn thân nữa là cái chắc (hay chính PXS!). Vì dựng lên một chuyện có liên quan đến một tờ tạp chí lớn lúc bấy giờ để gọi là có chứng cứ, mà không biết chút gì về lai lịch tờ báo đó cả.
“Văn”, ngay từ đầu, không phải là “Nguyệt san” mà là “Bán nguyệt san”, mỗi tháng ra hai kỳ, ngày 1 và 15. Số đầu tiên, số 1, phát hành ngày 01-01-1964, do ông Nguyễn Đình Vượng làm chủ bút và ông Trần Phong Giao làm thư ký tòa soạn. Về sau, năm 1973, ông Trần Phong Giao đi khỏi Văn, tiếp tục Mai Thảo và Nguyễn Xuân Hoàng thay thế. Cũng từ đây, “Văn” không còn là “Bán nguyệt san” mà chuyển thành “Giai phẩm” cho đến năm 1975 tất cả báo chí phía Nam đồng loạt bị buộc đóng cửa. Tôi nghĩ, trong các tủ sách gia đình của người đọc miền Nam trước kia, chắc chắn cho đến nay vẫn còn những bộ sưu tập tờ báo nầy. PXS không nên liều lĩnh xem như đã hết chứng tích.
Được biết PXS hiện định cư ở Hoa Ký, và không hiểu PXS đã xuất cảnh trong “diện” nào; có trong chương trình HO hay không. Mà những người đi trong chương trình HO là những người ít nhất cũng bị giam không án tòa ba (03) năm trong những trại tù nhưng được “nhân đạo hóa” tên gọi thành trại “học tập cải tạo”. Một sự trí trá để thỏa mãn lòng hận thù, nên dù vậy, hầu như người bị giam nay vẫn gọi mình bị tù chứ không phải đi “học tập cải tạo”. Nhưng trong đoạn PXS chê ông nhà thơ “…lớn tuổi thuộc hàng trưởng thượng” với nôi dung “Thơ của ông bán chẳng được bao nhiêu, và mọi người không chú ý tới thơ nhưng lại chú ý tới ngày giờ của ông làm bài thơ đó ghi cuối bài thơ. Sỡ dĩ có chuyện nầy bởi vì tất cả những bài thơ ông làm đều ở trong các trại cải tạo, ra ngoài nhớ để viết lại đã là điều khó khăn, đằng nầy ông ghi cả ngày tháng làm bài thơ đó ở trại cải tạo nào thì thật trí óc vô cùng vĩ đại, (mà quả thật chẳng cần thiết như vậy)”.
Một bất nhất nữa. Cuối trang 2, đầu trang 3 PXS viết: “Kiểm lại văn nghiệp của họ thì chẳng có chi gọi là ghê gớm, đọc thơ của họ thấy thấp thoáng kiểu thơ thời xa xưa, từ ý cho đến thể thơ cũ mềm, không mang hơi hám nào mới lạ”. Thế rồi cuối trang 9 cũng PXS: “Làm thế nào cho thơ hay mới khó, Còn chuyện thơ mới, thơ cũ chúng ta không nên đố kỵ quá như vậy”!
Quan điểm về người làm thơ trong “ĐỤNG VÀO CÕI THƠ” của PXS còn nhiều điều cần bàn để tác giả sáng thêm, nhưng những nhận xét của tôi trên đây, tôi nghĩ cũng đủ tiêu biểu rồi. Duy có việc nếu muốn trở thành nhà văn, nhà thơ; cao hơn là nhà phê bình văn học, Phan Xuân Sinh nên đi học lại từ ngữ tiếng Việt, vì đã là người viết tức người có kiến thức, rồi viết về người làm văn học là viết về người trí thức, không thể cẩu thả hồ đồ được.
Đúng: “Ngày xưa, các văn nhân thi sĩ họ tương kính nhau”. Nếu có bắt bẻ nhau cũng tế nhị hay nói như hôm nay “có văn hóa”, chứ không thể kém cõi như PXS bảo họ “thuần phục nhau”. PXS hiểu thế hai chữ “thuần phục”.
PXS chưa là nhà phê bình văn học, sao không học người thưởng ngoạn bây giờ như PXS đã biết và nêu “Người thưởng ngoạn thơ bây giờ cũng dễ dãi, thơ nào hay thì đọc chơi, thơ nào tệ quá thì coi như mất năm bảy phút phù du. Chứ không bực bội, phẩn nộ như ngày trước” (trang 10). Nhắc lại, không ai buộc PXS phải “ĐỤNG VÀO CÕI THƠ”, và ngày trước là ngày nào và ai là người “bực bội, phẫn nộ”.
Nhân đây, tôi xin kể vài mẩu chuyện đã xảy ra trên văn đàn, cũng là để cho PXS tìm hiểu.
Chuyện thứ nhất về một câu nói để đời của một nhà thơ lớn thực sự. Đó là thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phát (1906 - 1969), giảng sư Văn khoa Đại học Sài Gòn trước năm 1975. Ông nói: “Trong một tập thơ ít nhất sẽ có một bài thơ hay, trong một bài thơ hay có một câu thơ hay và trong một câu thơ hay có một chữ thơ hay”. Như thế nghĩa là một nhà thơ lớn thực sự nhưng không hẹp hòi như PXS. Vì biết đâu trong số “…tác phẩm nhiều hơn sung rụng” (trang 4) đó lại không có một tập thơ hay, hay chí ít một chữ thơ hay.
Chuyện thứ hai, về hai tác phầm và một tác giả. Đó là sách “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan và sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh & Hoài Chân (chủ yếu Hoài Thanh). Cả hai là những tác phẩm phê bình văn học thường được gọi văn học “tiền chiến”. Một tác giả là nhà thơ, nhà văn Nguyễn Vỹ, cũng thường gọi Vỹ Phổ Thông (PT) vì ông chủ trương tạp chí Phổ Thông. Khác với Nguyễn Vỹ cựu “Chánh Thanh tra Học chánh Trung nguyên Trung phần” thời Đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam (cả hai đều là người Quảng Ngãi).
Trong sách “Nhà văn hiện đại” nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan nhận định Nguyễn Vỹ (PT) thời bắt đầu vào làng văn ở Hà Nội, thập niên 30 thế kỷ XX, với một nhận xét tuy chính xác nhưng lời lẽ rất nặng nề, Nguyễn Vỹ không hề oán giận và dường như trong âm thầm còn cảm ơn để về sau có một văn tài đích thực, và sự nghiệp văn học để đời.
Sách “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh phê bình Nguyễn Vỹ (PT) cũng với lời lẽ nặng nề nhưng là thứ nặng nề ít văn hóa, không cần thiết với văn chương, kể cả lôi đời tư nhà thơ 2 chữ “Sương rơi” ra chế giễu. Kết quả, Nguyễn Vỹ (PT) phản biện bằng một bài viết để xem thường tác giả. Còn người đọc sách nhận định Hoài Thanh đưa ra những việc không thích hợp cho một tác phẩm.
Điều quan trọng sách Vũ Ngọc Phan cho đến hôm nay luôn được xem là sách quý. Ngày tác giả qua đời, chính phủ tiến hành tổ chức tang lễ theo nghi thức cấp Nhà nước đầu tiên cho một người làm văn hóa. Sách Hoài Thanh thỉnh thoảng mới được nhắc đến. Tác giả còn bị nhà thơ hậu sinh Xuân Sách “tặng” mấy câu để đời. Nhà văn Nhật Tuấn chú giải và ghi lại trong “Chân dung hay chân tướng nhà văn”:
HOÀI THANH
Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
Nửa đời sau lại vị người ngồi trên
Thi nhân còn một chút duyên
Lại vò cho nát lại lèn cho đau
Bình thơ tới thuở bạc đầu
Vẫn chưa thế tất nỗi câu nhân tình
Giật mình mình lại thương mình
Tàn canh, tỉnh rượu bóng hình cũng tan
Nguyễn Vỹ (PT) về sau khi đã có sự nghiệp văn chương, đứng vào hàng ngũ văn nhân nước nhà, ông có phần quá đề cao cái ta (le moi) của mình. Điển hình sách “Tuấn chàng trai nước Việt”, nên có lần nhà văn Vũ Bằng một bạn văn cũng là chủ bút báo “Con ong” viết bài châm chích, nhưng cũng rất lịch sự. Phổ Thông sẵn có chuyên mục “Mình ơi…” một chuyên mục như “Bách khoa kiến thức”, Nguyễn Vỹ cũng trả lời bằng một bài vừa dí dỏm vừa phàn biện với nhan đề “Mình ơi ong cũng có ong điên” đúng phong cách “người làm văn hóa”.
Cũng ở Hoa Kỳ, tôi được biết, vì có một số người quá tự cao tự phụ, khoe khoang về mình một cách quá lộ liễu, không khác gì “múa gậy vườn hoang”; mà thực chất họ chẳng là gì cả. Khiến một dạo trên báo chí đầy dẫy những bài như chuyện kể với nhan đề “Đẻ bên kho đạn” (nổ quá). Quả thật họ không biết thế nào là sỉ diện. Không xác định được chỗ mình đang đướng!
Cuối cùng.
Kiến thức là vô hạn, tri thức chỉ hữu hạn. Dân gian bình dân ta còn có những câu “Ăn xem nồi, ngồi xem hướng”, người Pháp có câu “trước khi nói uốn lưỡi bảy lần”. Và “Hữu xạ tự nhiên hương”. PXS nên nhớ điều đó. Ca dao Việt Nam còn có những câu mang đậm tính triết lý, PXS cũng cần phải học hỏi:
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.
Vân vân…
Đấy! Phan Xuân Sinh.
Chào.
Xuân Thới
Việt Nam, tháng 01/2015
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com