Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
BÁ ĐẠO VÀ VƯƠNG ĐẠO.
LÊ VĂN CÔNG
Các bài liên quan:
    ĐẲNG CẤP CỦA MỘT DÂN TỘC (Dương Hoài Linh)‏
    VẾT ROI (Minh Diện)
    BÀN VỀ (LẠM DỤNG) DANH XƯNG (Nguyễn Văn Tuấn)
    BẰNG GIẢ BẰNG DỎM (Phương "N")

 

Ghi chú: Đây là bài được sửa đổi chút ít nội dung của bài đăng lần trước, vào lúc 10:57:40 PM, Jun 16, 2014. (Webmaster chú)

 

Anh và tôi cùng học trung học Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi. Tôi học trước anh một năm, thuộc lớp Tú tài 1967, còn anh thuộc lớp Tú tài Mậu thân 1968. Thực ra, hồi đó tôi không có mối giao tình nào đặc biệt với anh, chỉ để ý cái tên có vẻ là lạ, khi nghe anh bạn ở chung nhà trọ, học cùng lớp với anh, ca tụng anh là học sinh xuất sắc nhất lớp.

 

Rồi sau đó vào đại học, anh học Y, tôi học Dược, cùng ở đại học xá Minh Mạng. Tôi ở lầu ba, còn anh ở tầng trệt. Thỉnh thoảng xuống chơi, tôi dần dà thân với anh, nhất là sau khi cả hai chúng tôi cùng thi đậu vào trường Quân y. Sau này, khi toàn thể sinh viên Quân y được sắp xếp vào ở nội trú, thì tôi và anh lại được ở cùng phòng, trong trường Quân y.

 

Một lần,anh kể cho tôi nghe về chuyện một người bạn cùng làng với anh. Anh này học Văn khoa và đang làm việc cho Việt Tấn Xã. Bằng một giọng bất bình, anh nói với tôi rằng tuy anh ta là bạn cùng làng, nhưng anh nhất quyết từ nay, không thèm nhìn mặt hắn nữa. Tôi hỏi tại sao? Anh nói anh không thể nào chấp nhận làm bạn với một kẻ bất hiếu. Anh chua chát:

 

-“Anh ta nói với tôi, anh không về quê khi mẹ từ trần, vì quá bận việc”.

 

Tôi hiểu, với anh, lòng hiếu kính đối với Cha Mẹ là cái đạo lý tối thiểu nơi một con người, cho nên anh hoàn toàn bị sốc trước cách hành xử của của một anh bạn đồng hương.

 

Từ câu chuỵện này, cộng với một số cách anh hành xử trong nhiếu tình huống khác nhau, tôi có một cái nhìn khá đặc biệt về anh. Tôi thấy anh rõ ràng là biểu tượng của một tâm hồn lương thiện hiếm thấy, và tôi nghĩ rằng bản thân anh, chắc cũng chẳng bao giờ bận tâm, tự hỏi về tính chất đạo đức của mỗi hành vi, dù là của bản thân anh hay của người khác. Anh chỉ cần phản ứng theo cái thiên lương bẩm sinh nơi con người anh, một cách tự nhiên như nước chảy mây trôi, và cái thiên lương ấy sẽ đưa sự việc về đúng chỗ của nó, hoàn toàn phù hợp với quy luật đạo đức.

 

Tôi nhớ nhà triết học vĩ đại người Đức, Immanuel Kant, đã viết trong tác phẩm “Phê bình lý trí thuần lý” (Critique de la raison pure): “Có hai điều luôn câu thúc tâm hồn tôi: bầu trời đầy sao trên đầu tôi, và ý thức đạo đức trong tim tôi”.

 

Như vậy, ý thức đạo đức là một một cái gì đó rất cao cả, mà sự hiện diện của nó nơi mỗi tâm hồn con người mang tính chất bẩm sinh, theo kiểu nói của Immanuel Kant, đó là một ân phước của Thượng Đế. Không phải người nào trong tim cũng có được cái ý thức đạo đức như Kant mô tả, tức là cái mà ta gọi là “thiên lương”. Nhưng đối với anh, thì tôi lại tin, một cách chắc chắn, là anh có được cái thiên lương ấy. Và như vậy, tôi tin anh sẽ không bao giờ sa ngã trên đường đời, để có thể dễ dàng chấp nhận bất kỳ hành vi nào đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức mà anh tin tưởng.

 

Do học trình của Đại học Y khoa là bảy năm, còn Dược khoa chỉ có năm năm, nên khi tôi tốt nghiệp Dược sĩ và đi nhận công tác ở đơn vị, thì anh là sinh viên Y khoa cuối năm thứ 4, và vẫn còn lưu lại trường Quân y.

 

Sau ngày 30-04-1975, lịch sử được lật sang trang mới. Vì chưa tốt nghiệp bác sĩ, anh phải trở lại tiếp tục học ở trường Đại học Y khoa, nay đổi thành trường Đại học Y Dược TPHCM.

 

Nhờ có quá trình học tập xuất sắc, anh tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại giảng dạy ở trường đại học Y Dược, đồng thời là bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức bệnh viện Bình Dân.

 

Quá trình học tập của anh được coi là rất suôn sẻ. Anh đạt được các học vị Bác sĩ đa khoa, Cử nhân Anh văn, Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ chuyên khoa II, Tiến sĩ y khoa, tương đối dễ dàng. Sau đó lại được nhà trường cử đi tu nghiệp ở Pháp một năm. Về nước một năm, anh được phong hàm Phó Giáo sư.

 

Ngược lại đường công danh của anh, thì lại có phần trắc trở, bởi cái bản tính cương quyết đấu tranh không khoan nhượng, lúc nào cũng hiện diện nơi anh.

 

Bản chất thiện lương không bao giờ cho phép anh thoả hiệp với cái sai, cái xấu và cái ác. Anh đấu tranh với chúng một cách thẳng thắn, trực diện, không kiêng dè. Chính vì vậy, anh đã gây ra những cái nhìn ác cảm, thậm chí thù địch, từ những nơi anh đang làm việc, đặc biệt từ cấp trên của anh. Một người bạn chung của chúng tôi, tiết lộ rằng mình biết có một âm mưu thủ tiêu anh bằng acid sulfuric đậm đặc, mà kẻ âm mưu chính là sếp trực tiếp của anh.

 

Thú thực, là đối với câu chuyện này, tôi cảm thấy bán tín bán nghi, vì nó có vẻ hình sự quá. Song chuyện sau này do anh kể, thì tôi tin là sự thật.

 

Ban lãnh đạo, hội đồng khoa trường đại học nơi anh đang dạy, và đảm nhiệm chức vụ chủ nhiệm bộ môn, vô cùng bực bội, về những phát biểu của anh, với tư cách là một thành viên của hội đồng khoa. Họ cho rằng đó là sự chống đối công khai và thù địch. Trong những lần họp hội đồng khoa, đối với những chủ trương chính sách sai lầm, vụ lợi cá nhân hay vì lợi ích nhóm, anh đều chống đối một cách triệt để. Mà khi anh chống đối, thì anh nêu ra những luận cứ hết sức sắc sảo, khiến cho người đưa ra chủ trương, dù là cấp lãnh đạo cao nhất, cũng không thể chống đỡ. Và chủ trương có thể mang lại nhiều lợi lộc cá nhân cho ban lãnh đạo đó, đành phải xếp lại.

 

Thế là có một cuộc họp ban lãnh đạo thu hẹp, để tìm cách đối phó với anh. Không thể kỷ luật anh vì ở bất cứ phương diện nào, anh cũng đều tỏ ra gương mẫu. Cũng không thể chèn ép hay vu cáo anh về mặt chính trị để loại trừ anh vì nhân thân của anh quá tốt, cũng như uy tín xã hội của anh khá cao. Anh được bầu làm chủ tịch hội GMHS cấp thành phố, và là phó chủ tịch hội GMHS quốc gia. Đồng thới , anh cũng là thành viên hội đồng Ghép tạng quốc gia, được thưởng huân chương lao động hạng nhất cho tập thể, nhờ tham gia ca mổ tiếng, tách rời hai bé song sinh Việt Đức. Như vậy, không thể triệt hạ anh bằng phương thức thông thường được.

 

Để khỏi phải nghe những lời chỉ trích của anh, gây ra nhiều cản ngại cho các mưu đồ, thì phải tìm cách nào cho anh thôi giữ chức chủ nhiệm bộ môn một cách êm thắm. Không giữ chức vụ này thì không được tham dự các cuộc họp hội đồng khoa. Chỉ cần anh không được dự họp thì hội đồng khoa sẽ khỏi bị chất vấn và phải huỷ bỏ nhiều dự án mang lại lợi lộc riêng tư như vậy.

 

Để đạt được mục đích này, người ta đã nghĩ ra một “diệu kế”.

 

Vậy là, đề án sáp nhập bộ môn Giải phẩu và bộ môn GMHS thành một bộ môn duy nhất mang tên là bộ môn Ngoại, được hình thành và phê duyệt khẩn trương. Anh vẫn phụ trách bộ môn GMHS, nhưng không còn là chủ nhiệm bộ môn, mà trở thành phó chủ nhiệm bộ môn Ngoại. Làm sao mà một phó giáo sư chuyên khoa GMHS, lại có thể tranh giành được chức chủ nhiệm bộ môn Ngoại, đang do đương kim giáo sư hiệu trưởng phụ trách?

 

Và thế là anh đương nhiên trở thành cấp phó, khỏi đi họp, hay nói cách khác là không được tham dự các cuộc họp hội đồng khoa. Tất nhiên không được phát biểu về các vấn đề liên quan đến hoạt động của trường.

 

Các cuộc họp hội đồng khoa sau đó vô cùng êm ả, tiếng nhất trí vang vọng khắp nơi.

 

Anh bất mãn, làm đơn khiếu kiện, nhưng tất cả đơn từ của anh đều bị trả lại, vì cấp trên cho rằng việc để nguyên hai bộ môn hay sáp nhập làm một, là chuyện nội bộ của trường, và hội đồng khoa có đủ thẩm quyền quyết định. Về phương diện này, cấp trên của anh có lý, và anh đã bị triệt buộc bởi một “diệu kế”.

 

Một lần anh kể lại chuyện này với tôi, và ngỏ ý muốn tôi đưa lên báo giáo dục TPHCM do Tạ Văn Doanh đang làm Tổng biên tập. Tôi nghĩ rằng có thể thuyết phục TVD cùng đi tìm sự công bằng cho anh, nhưng suy đi tính lại, tôi thấy tương quan lực lượng về phía mình rất yếu. Cũng giống như cấp sở mà đi chống lại cấp bộ vậy. Tôi giải thích cho anh hiểu, và anh đã vô cùng thất vọng.

 

Đây chính là khoảng thời gian mà anh tỏ ra trầm cảm nặng. Trong các cuộc họp mặt bạn bè, anh chỉ đến, chào hỏi mọi người, ngồi vào bàn, lặng lẽ ăn uống. Ai hỏi gì trả lời nấy, không hề góp ý, không tỏ ra sôi nổi về bất cứ một vấn đề gì. Dương Minh Chính hỏi tôi, sao dạo này thấy anh có vẻ rất kỳ lạ. Tôi thì biết rõ nguyên nhân, nhưng không tiện nói ra. Cùng lúc anh bị lâm một cơn bệnh nặng, khi vợ anh đang ở Pháp. Chúng tôi rất quan ngại và lo lắng cho anh.

 

Cũng thời gian đó, bên cạnh việc loại anh tra khỏi ban lãnh đạo hội đồng khoa của trường, người ta còn phao tin anh bị hâm hâm, sắp bị tâm thần, thường xuyên cư xử với ban lãnh đạo nhà trường và sinh viên không thích đáng. Tất nhiên tôi rất hoài nghi về những luận cứ đó, nên muốn check lại thông tin, bằng cách tìm hiểu qua các nhân viên của tôi.

 

Nguyên công ty tôi cũng có một số nhân viên là bác sĩ, từng theo học anh ở trường đại học Y khoa, đều là những bác sĩ tốt nghiệp đại học Y Dược TPHCM từ 1995 đến 2000. Đó là các bác sĩ Huy, Hiếu, Long, Lập và Minh. Các cậu bác sĩ trẻ này, khi đề cập đến anh, đều  tỏ ra quý trọng.

 

Bác sĩ Long kể lại:

 

-“Hồi đó, hầu như sinh viên Y khoa tụi em, bất cứ ai cũng bắt buộc phải học môn của Thầy. Giáo trình của Thầy rất khó, nên tụi em thường bị Thầy mắng. Nhưng bọn em thì lại hay nói về Thầy như thế này: ”Thầy của tụi mình, tuy miệng lưỡi gươm đao, nhưng lại có tấm lòng đậu hủ”.

 

Tôi hỏi lại bác sĩ Long:

 

- Nghĩa là sao?

 

- Dạ, đậu hủ tức là một món ăn mềm mại thơm ngon. Tức là khi tụi em sai, Thầy mắng rất dữ, tưởng chừng như sẽ đánh rớt hết cả lũ tụi em, lại còn dọa sẽ cho lưu ban ít nhất 50%, nhưng cuối cùng thì lại tha hết. Tụi em hay nói: ”Thầy đúng là người “khẩu xà tâm phật”, trong khi quanh ta có biết bao nhiêu kẻ “khẩu phật tâm xà”. Hầu như môn của Thầy không ai bị lưu ban.

 

Em có thằng bạn đồng khóa là bác sĩ Hải, làm luận văn Thạc sĩ Y khoa ngành GMHS. Để được trình luận văn trước hội đồng xét tốt nghiệp, Hải phải vượt qua cuộc thi vấn đáp với Thầy, vì Thầy là chủ nhiệm bộ môn. Hôm đó, bác sĩ Hải, bạn em, vào thi vấn đáp, Thầy hỏi một số câu về chuyên môn, anh ta đều trả lời trôi chảy. Sau cùng Thày nói:

 

- Tôi còn một câu hỏi cuối cùng. Nếu anh trả lời được thì coi như đậu. Ngược lại, nếu anh không thể trả lời, thì vui lòng về nhà ôn tập lại, luận văn tốt nghiệp của anh sẽ được gác lại đến kỳ sau.

 

Bác sĩ Hải rất hồi hộp, chỉ còn biết lí nhí:

 

- Dạ!

 

- Anh biết là trong lịch sử, có những trào lưu tư tưởng làm đảo lộn cục diện thế giới. Anh là một sinh viên xuất sắc của tôi, vậy chắc anh phải quan tâm đến một trào lưu tư tưởng nào đó, đang tác động lên dòng chảy của thế giới đương đại? Hãy cho tôi biết tên trào lưu tư tưởng mà anh quan tâm, và hãy giải thích vắn tắt.

 

Bác sĩ Hải suy nghĩ hồi lâu, ngần ngừ một lúc rồi đáp:

 

- Dạ, quả thật câu hỏi của thày quá khó. Em không trả lời được.

 

Giáo sư có vẻ trầm ngâm:

 

- Vậy anh có biết, trong lịch sử, có một thời kỳ gọi là Thời Trục (Époque Axial). Đó là thời kỳ khoảng 500 năm trước Công nguyên. Lúc  ấy đột nhiện xuất hiện ba trào lưu tư tưởng lớn, tại ba nơi rất cách xa nhau, trên trái đất này. Một ở Hy Lạp với Socrate, Platon, Aristotle. Một ở Ấn Độ, với Thích Ca, Kasapa, Ananda. Một ở Trung Quốc với Khổng Tử, Lão tử, Trang Tử. Tôi hỏi anh, có khi nào anh tự hỏi, vì sao mà hơn hai ngàn năm trăm năm trước, lại có sự đồng thời xuất hiện những trào lưu tư tưởng lớn như vậy, mà mãi đến bây giờ, khi con người đang tự hào là văn minh, hiện đại, chúng ta vẫn không thể nào hiểu cho thấu đáo các trào lưu tư tưởng ấy?

 

Bác sĩ Hải cảm thấy mướt mồ hôi, đầu óc lùng bùng, rối tinh với những khái niệm xa lạ mà vị giáo sư vừa truyền đạt và đặt vấn đề. Lâu nay, luôn tập trung vào chuyên môn, anh hầu như chẳng biết gì về các lĩnh vực học thuật khác. Đành gãi đầu, lí nhí:

 

- Dạ, đúng là Thày vừa cho em thấy, là mình quá dốt về các lĩnh vực tư tưởng.

 

Giáo sư có vẻ thất vọng hoàn toàn:

 

- Vậy anh có thể ra về. Làm bác sĩ mà chỉ biết về y học thì không phải là bác sĩ.

 

Bác sĩ Hải, ra khỏi phòng giáo sư với vẻ mặt buồn thiu. Vậy là cái bằng Thạc sĩ phải treo lại đến kỳ xét tốt nghiệp năm sau. Anh suy nghĩ miên man. Thoạt tiên anh trách giáo sư làm khó mình, đã ra một câu hỏi quá ác. Nhưng rồi anh cũng cảm thấy là giáo sư có lý phần nào. Lâu nay anh vẫn cảm thấy lờ mờ rằng kiến thức nơi bản thân mình có phần bất cập, vẫn thiếu một cái gì đó mà anh không nghĩ ra. Là bác sĩ, đối tượng chăm sóc của anh chính là con người. Nhưng con người, đâu chỉ đơn thuần là cơ thể, mà là một tổng thể bao gồm tất cả mọi khía cạnh liên quan, trong đó tư tưởng là một khía cạnh cụ thể. “Làm bác sĩ mà chỉ biết về y học thì không phải là bác sĩ”, câu nói của giáo sư, rõ ràng phần nào đã thức tỉnh anh.

 

Anh cố ngồi nán lại, chờ giáo sư vấn đáp với các bạn khác xong, sẽ vào gặp và…năn nỉ, xin được thi lại. Nhưng kìa, giáo sư đã ôm cặp ra khỏi cửa. Bác sĩ Hải tiến lại, chưa kịp nói gì, thì giáo sư đã hỏi:

 

- Ủa, sao anh chưa về nhà, còn ở đây làm gì?

 

Bác sĩ Hải ấp úng:

 

- Thưa thày…

 

Giáo sư ngắt lời:

 

- Anh về đi. Về chuẩn bị tinh thần để thứ năm tuần sau ra hội đồng xét duyệt luận văn Thạc sĩ. Anh không đủ tư cách…để tôi… đánh rớt.

 

Báo hại bác sĩ Hải, bạn em, phải một phen đứng tim. Tính cách của Thày là như vậy đấy.”

 

Từ câu chuyện kể của bác sĩ Long, tôi rút ra kết luận: quả tình là anh có hâm hâm thật, nhưng đó là cái hâm hâm đầy trí tuệ. Giống như Diogène, nhà hiền triết thời cổ đại, luôn xách đèn đi giữa ban ngày. Khi người ta hỏi ông đang làm gì? Ông bảo “tôi đang đi tìm người”.

 

Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó có người bảo rằng anh điên. Vâng, anh cần phải điên. Cái điên của Tôn Tẩn. Để đối phó với Bàng Quyên, tức là cái bọn lừa thầy phản bạn, đang lúc nhúc xung quanh anh.

 

*  *   *

 

Một buổi sáng thứ bảy, sau chầu điểm tâm cà phê tại Rosa với mấy người bạn, anh nói với tôi:

 

- Sáng mai Chúa nhật, lúc 8 giờ tôi sẽ đến nhà anh, tôi có một việc quan trọng cần tham khảo ý kiến anh.

 

Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn phản ứng bình thường:

 

- Rất hân hạnh được đón tiếp.

 

Sáng hôm sau, anh đến thật. Tôi có một chai rượu nhân sâm tươi Hàn quốc ngâm với whisky và một chai rượu vang. Sáng hôm ấy, tôi hỏi anh thích uống thứ nào, anh bảo thích cả hai thứ. Thế là chúng tôi cùng ngồi nhâm nhi cả hai thứ rượu.

 

Anh nói:

 

- Sở dĩ tôi muốn gặp anh sáng nay, là vì tôi muốn nhờ anh một việc. Tôi biết anh có mối quen biết với một số giáo sư y khoa đầu ngành ở Hà Nội. Có đúng vậy không?

 

- Để tôi xem. Có, nhưng không nhiều. Một ông là nguyên viện trưởng viện Tim, hiện là chủ tịch hội Tim mạch. Một ông nữa là đương kim viện trưởng viện Tim. Một ông là nguyên giám đốc bệnh viện E, nay là chủ tịch hội Cơ xương khớp. Một ông nữa nguyên là giám đốc viện K, nay là chủ tịch hội Ung thư quốc gia. Tiếng là quen biết vậy, nhưng thực ra chỉ là mối quan hệ công việc trong thời tôi làm Giám đốc công ty dược phẩm Novartis, khu vực miền bắc. Tuy nhiên nếu anh cần hỗ trợ vấn đề gì về mặt khoa học, tôi sẽ giới thiệu với các ông này. Các vị giáo sư này, theo nhận xét của tôi, nói chung là tử tế, và rất đường hoàng.

 

- Mấy ông này đang nằm trong hội đồng chức danh nhà nước, ngành y. Tôi muốn nhờ anh ra Hà Nội bắt liên lạc với mấy ông đó, toàn bộ chi phí cho chuyến đi Hà Nội của anh, cùng các chi phí khác, tôi sẽ bỏ ra.

 

Cái này thì rất đáng ngạc nhiên đây:

 

- Nhưng như vậy để làm gì?

 

Anh cười buồn:

 

- Để chạy! Cái vụ xin phong học hàm giáo sư của tôi đó. Tôi đủ điều kiện đã lâu. Người ta phó giáo sư năm bảy năm đã được phong giáo sư, còn tôi thì đã mười bảy năm rồi. Các điều kiện cần hội đủ như số lượng bài nghiên cứu đăng báo khoa học, tác phẩm xuất bản, bằng cử nhân Anh Văn tôi đều có đủ. Thậm chí điều kiện khó nhất là đã hướng dẫn thành công một số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ nhất định, tôi đều vượt yêu cầu rất xa.

 

- Xin lỗi, tôi hơi tò mò một chút. Không rõ là theo quy chế, thì một phó giáo sư tiến sĩ phải hướng dẫn thành công bao nhiêu thạc sĩ và tiến sĩ, thì được coi là đạt chuẩn để được phong hàm giáo sư?

 

 - Từ một tiến sĩ, để trở thành phó giáo sư, ngoài các điều kiện như tác phẩm xuất bản, tác phẩm khoa học đăng trên tạp chí khoa học, bằng tiếng Anh, thì điều kiện vế quá trình huấn luyện là đã hướng dẫn thành công ít nhất 6 thạc sĩ. Còn từ một phó giáo sư, muốn được phong giáo sư, thì ngoài các điều kện khác, quá trình huấn luyện yêu cầu là ít nhất phải hướng dẫn thành công 2 nghiên cứu sinh tiến sĩ..

 

- Vậy anh đã hướng dẫn thành công bao nhiêu thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ?

 

- Tôi đã hướng dẫn thành công 49 thạc sĩ8 nghiên sứu sinh tiến sĩ Y khoa. Nếu bình thường, tôi xứng đáng được phong giáo sư đến 4 lần. Vậy mà cả 4 lần nộp hồ sơ đề nghị phong học hàm giáo sư của tôi, đều bị ngâm và loại đến “bốn lần”. Suy đi nghĩ lại, tôi chắc là tại mình không biết “chạy”

 

Anh đã khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

 

Nỗi ngạc nhiên đầu tiên chính là thành tích hàn lâm phi thường của anh. Lâu nay, là bạn bè, tôi chỉ nhìn anh như một người rất bình thường. Nhưng cái con người bình thường, với vẻ ngoài hơi lụ khụ đó, đã đào tạo cho đất nước đến 49 thạc sĩ và 8 tiến sĩ y khoa thứ thiệt. Tôi nhấn mạnh chữ “thứ thiệt” vì hôm qua báo Vietnam Net đưa tin một ông phó giáo sư tiến sĩ ở đại học y khoa Thái Nguyên vừa ra giá cho một anh buôn gỗ, sẽ lo cho anh này một tấm bằng tiến sĩ y khoa với giá chỉ có 200 triệu đồng, tương đương với 6 lượng vàng.

 

Nỗi ngạc nhiên kế tiếp là dành cho cái cơ chế quyền lực quái đản, đã dồn ép người ta đến tận chân tường. Mỗi năm đều có một đợt phong học hàm. Và suốt hơn 10 năm qua, người ta đã cố tình chèn ép để gạt bỏ tên anh vì những lý do vớ vẩn, chỉ vì anh không biết ”chạy”.

 

Nhưng điều tôi ngạc nhiên nhất, chính là sự bất lực và đầu hàng của anh, điều tôi chưa bao giờ thấy, trong suốt thời gian chúng tôi là bạn. Quả thật là theo phép biện chứng của Marx, không có gì mà không thay đổi. Anh bạn của tôi, với ý thức đạo đức bẩm sinh, phải chăng cuối cùng cũng đành quy phục dòng chảy kinh tế thị trường, của thứ chủ nghĩa tư bản man rợ?

 

Còn về việc chạy học vị hay học hàm, thì tôi tin chắc, đã có những trường hợp như vậy. Ngày ở Hà Nội, tôi đã một lần tiếp cận với vấn đề này. Công ty dược phẩm Novartis của tôi có một cố vấn lớn tuổi là bác sĩ Tấn. Công việc của ông là liên hệ với bộ Y tế về vấn đề đăng ký thuốc mới, phiên dịch các dossier thuốc từ Thụy Sĩ gửi qua. Bác sĩ Tấn là cựu vụ trưởng một vụ thuộc bộ Y tế đã về hưu, lại thường khoe rằng mình là bạn thân của bộ trưởng y tế ĐNP. Về điểm này, tôi biết ông nói thật. Tôi còn giữ một tấm hình chụp chung giữa chúng tôi và ông bộ trưởng nổi tiếng đó.

 

Một lần bác sĩ Tấn nói chuyện với tôi:

 

- Sao anh không làm một cái Tiến sĩ Dược, để tăng thêm uy thế của mình trong công ty, và nâng cao vị thế xã hội?

 

Tôi tỏ ra ngạc nhiên:

 

- Chú chỉ nói đùa. Sao lại có chuyện ”làm một cái Tiến sĩ”. Cháu làm gì có khả năng đó.

 

- Chỉ cần anh chịu tốn tiền, thì chuyện đó là hoàn toàn có thể.

 

Tôi hỏi bác sĩ Tấn:

 

- Sao lại có chuyện đơn giản như vậy, chú?

 

- Hoàn toàn không đơn giản như anh nghĩ. Anh biết rồi đó, hệ thống xét học vị, học hàm của ta làm rất chặc chẽ. Nhưng vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn. Tôi quen với một nhóm, họ sẽ giúp anh qua được tất cả các khâu kiểm tra, và anh sẽ trở thành Tiến sĩ thứ thiệt sau thời gian quy định.

 

- Tóm lại, cần hai yêu tố: thời gian và tiền bạc. Vậy chi phí khoảng chừng bao nhiêu, chú?

 

- Một trăm triệu.

 

- Chà, một trăm triệu. Hơn hai chục cây vàng SJC.

 

- Nhưng không mắc đâu. Anh biết rồi đó, muốn trở thành Tiến sĩ, anh phải đi ít nhất là năm bước: đăng ký đề tài, triển khai nghiên cứu, soạn luận án tốt nghiệp, trình luận án tốt nghiệp, bảo vệ luận án tốt nghiệp trước hội đồng. Chưa kể các khâu đăng báo những bài viết với đề tài nghiên cứu khoa học. Rồi chứng minh trình độ tiếng Anh. Tiền sẽ giúp anh vượt qua nhiều cửa ải.

 

Thì ra, đã có những con đường trở thành Tiến sĩ bằng những bước gian lận nối tiếp nhau, nên thành quả cũng như danh xưng trở thành một trò đánh đố cho xã hội. Song ở một phương diện khác, bằng cấp dù gian dối, nhưng “hợp pháp”, sẽ là chìa khoá cho người ta mở nhiều cánh cửa danh vọng, địa vị và tiền tài khác nhau. Đây là khoản đầu tư dễ có lãi nhất.

 

Có lẽ nhờ những “con đường tơ lụa” như vậy, mà ngay ở TPHCM này, có nhiều dược tá học chuyên tu để trở thành dược trung, sau đó học tại chức để trở thành dược sĩ đại học, rồi cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ dược khoa một cách hoành tráng. Năm trước, một người  bạn khác, một tiến sĩ y khoa, kể lại, đã bỏ tiền mời mấy vị giáo sư trong Hội đồng đi du lịch Malaysia trọn gói, kèm theo mấy phong bì USD dày cộm, để cho con đường trở thành phó giáo sư của mình được suôn sẻ.

 

Còn trường hợp của anh là hoàn toàn khác. Anh là tiến sĩ, phó giáo sư thứ thiệt, nhưng vì không biết chạy, đã bị bịt kín con đường tiến thân. Nhưng việc anh buông súng trước những tiêu cực đời thường, đối với tôi mới là điều đáng nói, và là một chuyện bất thường. Nên tôi cố thuyết phục anh:

 

- Thực ra tôi nghĩ cũng có khả năng làm được việc anh nhờ. Nhưng liệu có cần thiết không? Vì tôi thấy, cái nền giáo dục này, đã bị băng hoại một phần vì sự gian dối. Tôi đã từng viết nhiều bài trên báo Giáo dục TPHCM, đề cập đến cái bệnh sính học vị, học hàm bất chấp thực lực. Nếu coi giáo dục là một lĩnh vực quan trọng của đất nước, giống như nền kinh tế, thì đây chính là một nền kinh tế mà bạc giả lưu hành tràn lan, khiến cho không ai có thể phân biệt nổi đâu là bạc giả, đâu là bạc thật.

 

Anh nhìn tôi, có vẻ không hiểu cái mối quan hệ giữa chuyện kinh tế và giáo dục.

 

Tôi cố gắng giải thích:

 

- Anh cứ hình dung đi. Bằng cấp bên giáo dục, cũng giống như những tờ giấy bạc bên kinh tế. Bằng cấp cao nhất tương ứng với mệnh giá cao nhất của tờ giấy bạc. Bên kinh tế, người ta dùng những tờ giấy bạc mệnh giá khác nhau để thanh toán. Bên giáo dục, người ta cũng sử dụng con người có bằng cấp khác nhau vào những công việc thích hợp. Nếu trong nền kinh tế có nhiều bạc giả lưu hành, thì còn ai yên tâm để làm ăn mua bán? Theo ước tính, số tiền mặt đang lưu hành trên thị trường Việt Nam khoảng chừng ba triệu tỷ đồng. Chỉ cần mười phần trăm trong đó là bạc giả, tức là nếu có khoảng ba trăm ngàn tỷ tiền giả lưu hành, thì nền kinh tế sẽ rối ren ra sao? Trong khi đó, bên giáo dục, hiện nay, chúng ta đang có 24 ngàn tiến sĩ, trong khi cách đây 15 năm, số tiến sĩ chỉ mới có vài ngàn. Ai dám chắc là trong số 24 ngàn tiến sĩ này, không có khoảng vài chục phần trăm là tiến sĩ dỏm? Trong khi đó, hệ thống thi cử ở ta tổ chức rất buồn cười. Một cử nhân chính quy phải thi đầu vào cạnh tranh vất vả, học bở hơi tai, nỗ lực tối đa để lấy được tấm bằng. Trong khi đó, một anh tại chức chỉ nộp hồ sơ ghi danh, đi học vào giờ rảnh buổi tối, thi tốt nghiệp sau những bàn nhậu với Thày và cũng tốt nghiệp cử nhân hợp pháp. Ngay cả trường hợp của anh. Nếu anh được phong giáo sư, một cách tự nhiên, thì anh là giáo sư thật. Còn nếu nhờ chạy, mà anh được phong, thì anh sẽ bước vào hàng ngũ những giáo sư dỏm.

 

 

Hình minh họa.

(Ghi chú: Tấm hình nầy và các tấm hình phía dưới

chỉ là hình minh họa do webmaster đưa vào bài,

không phải hình có sẵn trong bài do tác giả gởi đến)

 

Anh trầm ngâm:

 

- Nhưng anh quên một điều là nếu mình ngồi im, thì đến một lúc, cái đám mạo hóa đó, nó sẽ ngồi lên đầu mình. Hiện nay, ngành GMHS ở phía nam mình, chưa có người nào được phong giáo sư. Là tôi ưu tư vì cái thế quá yếu ớt của ngành chuyên môn mà suốt đời mình đã gắn bó với nó, đặc biệt là ở phía nam. Tôi rất đau lòng về điều này. Tôi đã cố hết sức để đi đường ngay nẻo thẳng, tức là con đường chính giáo. Nhưng tôi đã hoàn toàn thất bại. “Phi bá đạo một lần không xong”.

      

Tôi cảm thấy thông cảm và ái ngại cho anh. Có lẽ những quyền lợi vật chất mà học hàm giáo sư mang lại cho anh, không chắc gì đã có đủ khả năng quyến rũ để có thể đưa anh đến tình trạng tha hóa. Nhưng bên cạnh đó, là một cái quyền mà anh rất tha thiết: quyền làm việc đúng chuyên môn của mình để phát triển một chuyên khoa quan trọng của y học, mà anh là một trong những con chịm đầu đàn. Quy chế về hưu của công chức bình thường là 60 tuổi, nhưng nếu là giáo sư thì tuổi về hưu là 70. Nếu được phong giáo sư, anh sẽ kéo dài thời gian công tác của anh. Đối với một người ham mê nghiên cứu như anh, thì thời gian là cực kỳ quý báu cho việc hoàn thành các công trình nghiên cứu dài hạn.

 

Tôi trêu anh:

 

- Tôi coi phim “Đường đua trong bóng tối” trên VTV1, thấy một phương thức rất hiệu quả mà kẻ chạy chức chạy quyền hay dùng, là đem dâng vợ cho người có quyền để đạt mục đích. Mà anh thì hay nói với tôi: ”nhất là vợ dại trong nhà…”. Nếu tôi là anh, tôi sẽ không ngần ngại chọn bà vợ nào dại nhất ra làm quà dâng sếp, để chạy cho kỳ được cái học hàm giáo sư. Thế là nhất cử lưỡng tiện, vừa trở thành giáo sư, lại vừa thoát được của nợ.

      

Anh cười nhăn nhó:

 

- Anh đừng có trêu chọc tôi nữa. Thực ra tôi cũng rất áy náy nếu phải dấn thân vào con đường ma giáo. Cái gì mình cũng chịu đựng được, nhưng có một cái mình không chịu nổi. Đó là khi mình tự khinh mình.

  

 

Tôi thấy cần tranh thủ những giây phút trở về với bản chất “thiên lương” đích thực của anh:

 

- Thực ra, tôi e rằng vấn đề không chỉ có vậy. Tự trọng hay tự khinh chỉ là một thái độ, mang tính cá nhân, liệu có tác động gì đến xã hội? Vấn đề ở chỗ anh sẽ bước qua lằn ranh đỏ, là ý thức đạo đức mà bao năm anh kiên trì. Để rồi sẽ không bao giờ quay lại được. Anh sẽ tha hoá và trở thành một ông giáo sư biết cách kiếm tiền cũng như tiến thân…bằng phương pháp ma đạo. Có khi anh sẽ trở thành thành viên của hội đồng chức danh nhà nước, cũng chưa biết chừng. Mấy năm trước, tôi có viết một bài báo lên án một tay phó giáo sư tiến sĩ là đương kim hiệu trưởng trường đại học DL Hà Nội, đăng trên báo Giáo Dục TPHCM. Tay này đã chôm toàn bộ cái luận án tiến sĩ của một nghiên cứu sinh ở trường National University of Singapore (NUS), ký tên mình để đệ nạp trong hồ sơ xin phong giáo sư. Sự việc phát giác, anh ta bị hội đồng Chức danh nhà nước tước luôn học hàm phó giáo sư. Anh không sợ có một ngày nào đó sẽ lâm vào trường hợp tương tự hay sao?

 

- Sợ cái gì chứ. Tay hiệu trưởng ấy là một tên ăn cắp, không có một chút lương thiện trí năng. Còn tôi là một người lao động chân thực. Tôi thức khuya dậy sớm để hoàn thành các công trình. Tất cả các công trình nghiên cứu của tôi đều là thứ thật, hàng thiệt giá đúng.

 

Anh dùng cách nói của Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung.

 

- Nhưng nếu có ai đó tố cáo anh chạy học hàm, là anh sẽ tiêu tùng luôn đấy nhé!

 

Anh trừng mắt nhìn tôi:

 

- Nếu có ai tố cáo thì đích thị chỉ là anh. Vì tôi chỉ nói chuyện này với anh.

 

Rồi anh lại tỏ vẻ trầm ngâm:

            

- Nhưng mà, suy cho cùng thì tôi thấy anh cũng có lý. Thú thực, sở dĩ có buổi nói chuyện hôm nay với anh, là bởi vì tôi cảm thấy lòng mình dao động, không yên ổn khi muốn làm một điều mà từ trước đến giờ mình chưa bao giờ làm, và trong thâm tâm, cũng không chấp nhận. Mặc dù hết sức bức xúc vì người ta đã đẩy tôi vào nhiều tình huống dở khóc dở cười, nhưng đâu có phải vì vậy mà mình có thể dễ dàng chấp nhận những cái không tốt, thậm chí là xấu xa. Thôi đành vậy, tôi sẽ nghe lời anh, cố gắng kiên nhẫn một lần này. Nếu thất bại nữa, tôi nhất định sẽ đi vào con đường ma giáo. Tôi mà đã ma giáo thì sẽ quậy tưng lên cho anh xem.

 

Tôi mỉm cười hình dung ra viễn cảnh cả cái nền giáo dục của chúng ta bị anh quậy tưng lên…Chắc lúc bấy giờ acid sulfuric đâm đặc lại có cơ tăng giá.

 

Nhưng tôi thấy cần thiết phải cảnh báo anh:

 

- Anh không được suy nghĩ một cách tiêu cực. Tôi không muốn anh nhúng vào vụ chạy học hàm. Vừa phi pháp, vừa tốn tiền, lại vừa đánh mất cái thiên lương ở anh mà tôi vô cùng quý trọng. Tôi nghĩ anh hoàn toàn có thể chọn một hình thức đấu tranh vừa xứng tầm với anh, mà hy vọng vào kết quả không phải là không có.

 

- Hình thức đấu tranh gì?

 

 

Tôi rót cho anh một ly rượu sâm:

 

- Anh còn nhớ giáo sư Tôn Thất Bách, con trai của giáo sư Tôn Thất Tùng không? Hồi sinh tiền, tuy đã là hiệu trưởng đại học Y khoa Hà Nội, nhưng ông chưa hề làm luận án tiến sĩ. Một lần, trong cuộc họp, ông nói một câu nửa đùa, nửa thật: ”Trong phòng này, chỉ có một mình tôi là bác sĩ”. Ý ông muốn nói tất cả những người còn lại đều là tiến sĩ hết.

 

Đó là sự thật. Nhưng câu nói lại có hàm ý: chỉ có tôi xứng đáng là bác sĩ, là một thày thuốc chính hiệu. Vì ông đã được phong danh hiệu giáo sư, không phải bởi Hội đồng chức danh nhà nước VN, mà là bởi Hàn Lâm Viện Pháp quốc, đồng thời trở thành Viện sĩ Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris. Điều tôi muốn nói ở đây là anh phải tỏ thái độ bất cần, nhưng phải có cách tự chứng tỏ. Như anh nói, anh có đủ điều kiện để được phong giáo sư tới bốn lần. Vậy anh chỉ cần làm một động tác rất nhẹ nhàng. Là gởi cho mỗi thành viên hội đồng chức danh nhà nước - tất cả hội đồng, chứ không riêng ngành Y - một bảng so sánh. Anh đã biết hầu hết các vị giáo sư xung quanh anh ở trong nam này, ai có công trình gì, đã hướng dẫn thành công bao nhiêu nghiên cứu sinh tiến sĩ, đã trở thành giáo sư năm nào. Bảng so sánh đó sẽ lay động những người có lương tri trong Hội đồng chức danh NN - số này khá đông – và họ sẽ bàn bạc, trao đổi, nhận ra sự vô lý của họ.

 

Anh có vẻ vui:

 

- Ý kiến hay. Tôi sẽ nghiên cứu thêm về ý kiến này.

 

Tôi khích lệ anh:

 

- Anh nên nhớ, những thành viên của Hội đồng chức danh nhà nước có lương tâm trong sáng không phải ít đâu. Như các ông PGK, NNA, NBĐ, NLV. Đó là những người đã từng du học ở Pháp về. Họ đã thấm nhuần tư tưởng công bằng và bình đằng từ Voltaire, Jean Jacque Roosseau, Montesquieux. Tôi nghĩ anh sẽ gặp đồng minh.

 

 

Bẵng đi gần hai tháng, tôi không gặp anh, nên không biết anh có áp dụng đề xuất đã bàn bạc hay không. Một buổi sáng, tôi nhận được cú điện thoại từ Hà Nội, cho biết PGS-TS NVC đã có quyết định phong học hàm Giáo sư, lễ tấn phong sẽ được tổ chức vào sáng ngày 20/11 tới.

 

Tôi nhắn tin chúc mừng anh. Anh gọi điện hỏi lại: “Sao anh biết?”. Tôi chỉ cười.

 

Sau khi dự buổi tấn phong được tổ chức hoành tráng tại Quốc Tử Giám Hà Nội, anh bay vào TPHCM và nhắn tin cho chúng tôi: ”Mời các anh Dương Minh Chính, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Quốc Chiến, Lê Văn Công, Lê Quốc Ân, Tạ Vĩnh Ảnh, Hoàng Thọ Vĩnh, Đặng Nhứt, Lê Quang Huyền, Đỗ Thanh Sửu, Tư Thắng, Phạm Văn Dũng, Tạ Văn Doanh, Hàng Chức Nguyên…uống càfé, lúc 7 giờ 30 thứ bảy tại café HOA HỒNG. NVC kính mời và trả tiền. OK?”

 

Tôi nhắn lại cho anh:

 

-”OK. Hoan hô tân giáo sư vương đạo.”

 

Lê Văn Công

 

Trích: “Chân dung một người bạn

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com 

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh