By Charles W. Kegley, Jr. & Gregory A. Raymond
Lưu Ngọc Trâm dịch
Nguyễn Đắc Thành hiệu đính
The Global Future: A Brief Introduction to World Politics
(Chapter 8), (Boston, MA: Wadsworth, 2010).
“Muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh” (Si vis pacem, para bellum; If you want peace, prepare for war!) Attrinbutet to Flavius Vegetius Renatus.
Flavius Vegetius Renatus là một văn sĩ (writer) và là một chiến lược gia quân sự (military strategist ) của La Mã, sống vào thế kỷ thứ 4. (Lived: around 390).
HKMH Mỹ và phi cơ hộ tống
Vào ngày 30 tháng 9 năm 1862, Bá tước Otto von Bismarck, Thủ tướng nước Phổ đã báo cáo trước Ủy ban ngân sách Quốc hội về yêu cầu tăng cường lực lượng quân đội quốc gia. Đây là một nhiệm vụ khó khăn đối với vị Thủ tướng cao lớn, vai rộng và nghiêm khắc này. Nhiều đại biểu Quốc hội trước đó đã chống lại việc tăng thuế cho dù là để tài trợ cho việc cải cách quân đội.
Phổ là một trong 38 quốc gia của người Đức nằm trải khắp Trung Âu vào giữa thế kỷ 19. Với những người theo chủ nghĩa dân tộc Đức, việc dân tộc Đức bị phân thành các quốc gia vừa và nhỏ khiến các quốc gia này nằm dưới sự kiểm soát của các láng giềng hùng mạnh. Rất nhiều người Đức ủng hộ sự hợp nhất nhưng cũng nghi ngờ tham vọng của nước Phổ trong việc dẫn dắt một nước Đức thống nhất.
Áo và Pháp cũng lo lắng như vậy. Một nước Đức thống nhất dưới sự dẫn dắt của Phổ sẽ là mối đe dọa an ninh lớn. Với lao động có kỹ thuật và trình độ dân trí, cùng với những ngành công nghiệp điện, hóa chất, và thép hàng đầu, nước Đức thống nhất sẽ tạo nên một cường quốc kinh tế và quân sự. Do vậy, các nhà lãnh đạo chính trị của Vienna và Paris mong muốn dân tộc Đức bị phân thành hàng chục các quốc gia vô hại.
Bismarck nhận ra những rào cản đối với tham vọng của Phổ và lo sợ rằng sẽ không thể vượt qua những rào cản này nếu không có một đôi quân hiện đại. Ông nói với Ủy ban ngân sách Quốc hội “Vị trí của Phổ ở Đức sẽ không được xác định bởi chủ nghĩa tự do mà bởi sức mạnh của mình.” Phổ cần tăng cường sức mạnh quân sự. (Vị trí đó) “không được quyết định bằng các diễn văn hay quyết định đa số được thảo luận trong ngày hôm nay, mà bằng súng đạn và máu”, ông nhấn mạnh.
Trong thập kỷ tiếp theo, chính sách súng đạn và máu của Bismarck đã dẫn đến cuộc chiến với Đan Mạch (1864), Áo (1866) và Pháp (1870-1871). Được biết đến dưới cái tên chung Chiến tranh Thống nhất nước Đức, Phổ đã giành thắng lợi nhờ vào khả năng phi thường của Bismarck trong việc cô lập đối thủ và đội quân hiện đại, tinh nhuệ, linh hoạt và đầy sức mạnh của nước Phổ. Các cuộc chiến này đã biến những vùng lãnh thổ bị chia tách của Đức trở thành một quốc gia tập quyền hùng mạnh. Trước các cuộc chiến Phổ là nước nhỏ nhất trong các cường quốc của châu Âu; sau đó nó gần như nắm quyền bá chủ trên khắp Châu Âu.
Sự tài tình của Bismarck chính là ở năng lực xem xét nhiều hướng hành động, khám phá tất cả sự hoán vị của chúng và triển khai cùng lúc trên nhiều mặt trận. Không có bước đi nào đơn lẻ. Mỗi nước cờ đều tạo cho ông một lợi thế triển khai ở một hướng khác. Ông quả quyết rằng “Một người không thể chơi cờ nếu như ngay từ đầu mười sáu trong số sáu mươi tư ô bàn cờ đã bị loại (out of bounds)” Là một người kiên trì ủng hộ lợi ích của Phổ đồng thời là một bậc thầy về mưu lược, ông có thể thấy được những cơ hội từ các “thế cờ” ngoại giao khác nhau trên bàn cờ ngoại giao. Để khai thác những thế cờ này, ông sẵn sàng làm những chuyện không trung thực và có khi là tàn nhẫn. Ông đã từng thú nhận “Nếu không phải tôi, thì đã không có ba cuộc chiến tranh lớn, 80.000 người đã không phải chết và các bậc cha mẹ, các anh chị em, các quả phụ đã không phải than khóc. Nhưng tôi phải đối mặt với Chúa về điều này.”
Như Karl von Clausewitz, một đại tướng của Phổ đã từng chống lại Napoleon hơn nửa thế kỷ trước, Bismarck coi chiến tranh là sự nối dài của chính sách đối ngoại bằng phương tiên khác, một công cụ chính trị để giúp đạt được mục tiêu khi mà ngoại giao thất bại trong việc giải quyết bế tắc. Với Bismarck xung đột là điều bình thường, và chiến tranh là một cách thức để giải quyết xung đột bằng cách ép buộc đối thủ phải làm theo ý chí của mình. Thắng lợi phụ thuộc vào sức mạnh quân sự. Điều này như Frederick Đại Đế, vị Vua Phổ ở thế kỷ 18 đã nhận xét: “Ngoại giao mà không có sức mạnh quân sự giống như âm nhạc mà không có các nhạc cụ.”
Chương này xem xét vai trò của sức mạnh trong chính trị thế giới. Chương mở đầu bằng việc phân tích khái niệm không rõ ràng về “sức mạnh”. Sau khi xem xét những khó khăn trong việc đo lường sức mạnh tiềm năng của một quốc gia, chúng ta sẽ đánh giá nỗ lực của các quốc gia để tạo nên sức mạnh quân sự bằng cách xem xét xu hướng của chi tiêu quân sự, buôn bán vũ khí và công nghệ vũ khí. Cuối cùng chương sẽ thảo luận cách thức mà các quốc gia sử dụng nguồn lực quân sự và kinh tế để gây ảnh hưởng đến các chủ thể quốc tế khác.
Quyền lực trong chính trị thế giới
Xuyên suốt lịch sử, rất nhiều lãnh đạo quốc gia đã coi việc thu nạp quyền lực như mục tiêu chính yếu. Trong mắt họ, an ninh là kết quả của quyền lực, vì vậy gia tăng quyền lực là lợi ích quốc gia. Tuy vậy, “quyền lực” là một khái niệm không rõ ràng. Mỗi người sẽ dùng nó với các định nghĩa khác nhau. Hầu hết các học giả định nghĩa quyền lực theo ý nghĩa tương tác, như là khả năng của một quốc gia khiến một quốc gia khác tiếp tục một phương hướng hành động, thay đổi hành động đó hay ngăn cản quốc gia đó hành động. Nói cách khác, một quốc gia hùng mạnh có khả năng kiểm soát các quốc gia khác. Bằng cách sử dụng quyền lực, quốc gia có thể làm giảm xác suất để xảy ra những điều quốc gia đó không mong muốn và tăng xác suất của một kết quả mà nó muốn.
Các thành tố của quyền lực quốc gia
Nếu định nghĩa quyền lực về mặt kiểm soát, câu hỏi đặt là ra chúng ta dùng cách nào để đo lường khả năng của một chủ thể quốc tế buộc một chủ thể khác làm những điều mà đáng ra nó sẽ không làm. Như David Baldwin (1989) chỉ ra, “vấn đề đo lường quyền lực chính trị cũng giống việc đo lường sức mua trong nền kinh tế mà không có tiền tệ.” Thiếu vắng đơn vị hạch toán chuẩn, rất khó để đưa ra một bảng xếp hạng chính xác quyền lực của các quốc gia, qua đó có thể dự đoán quốc gia nào có thể thắng thế trong một cuộc xung đột chính trị. Theo lẽ thường, các nước lớn hơn thì sẽ có nhiều quyền lực hơn các nước nhỏ.Nhưng quy mô lớn nhỏ không thôi chưa đủ để quyết định kết cục của các xung đột chính trị. Pháp và sau đó là Mỹ đã không thể áp đặt đối với Việt Nam. Tương tự như vậy, Liên Xô không thể kiểm soát Afghanistan. Thực sự thì lịch sử có đầy các ví dụ cho việc các quốc gia nhỏ chiến thắng trong cuộc chiến tranh hoặc bảo vệ sự độc lập trước các quốc gia lớn mạnh hơn nhiều.
Vì thiếu thước đo thống nhất để đánh giá tiềm năng quyền lực, [1] các học giả cũng như các nhà hoạch định chính sách cố gắng xếp hạng các quốc gia dựa theo sự kết hợp về các nguồn lực và năng lực được cho là cần thiết để gây ảnh hưởng tới các quốc gia khác. Giống như các đầu bếp khi đến vòng chung kết họ đều có danh sách nguyên liệu riêng. Thường thì sự tổng hợp về địa lý, dân số, kinh tế và các yếu tố vật chất khác sẽ được kết hợp với các yếu tố phi vật chất như khả năng lãnh đạo và tinh thần quốc gia. Cho dù công thức có thể khác nhau thì kết quả vẫn thường như nhau: Quyền lực tương đồng với những năng lực làm gia tăng khả năng tham chiến của một quốc gia.
Quan điểm truyền thống coi trọng sức mạnh quân sự bắt nguồn từ việc coi vũ lực là phương cách cuối cùng để giải quyết các xung đột quốc tế nghiêm trọng. Như đã được đề cập trong các chương trước, môi trường hỗn loạn của chính trị thế giới buộc các quốc gia phải tự thân bảo vệ mình. Không có định chế có quyền lực cao hơn nào bảo vệ cho lợi ích của các quốc gia. Trong hoàn cảnh đó, sức mạnh quân sự được xem như nguồn chủ yếu của an ninh quốc gia và ảnh hưởng quốc tế.
Sức mạnh quân sự có lúc thì hiệu quả trong việc kiểm soát các hành vi của bạn lẫn kẻ thù, có lúc lại không. Quyền lực phải gắn với tình huống cụ thể: Những năng lực cho phép một chủ thể tác động đến một số quốc gia trong một vấn đề có thể vô dụng trong việc gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong một vấn đề khác. Vì vậy, quyền lực chung của một quốc gia được định nghĩa theo các loại chủ thể mà quốc gia này có thể kiểm soát hay những vấn đề mà quốc gia này có tầm ảnh hưởng. Như đã được bàn ở chương 4, một cường quốc là một quốc gia có khả năng áp đặt kiểm soát trên một diện rộng các mục tiêu và với một phạm vi lớn các vấn đề, do cường quốc này nắm giữ một loạt các phần thưởng và các hành động trừng phạt.
Toàn cầu hóa và sự thay đổi đặc điểm của quyền lực quốc gia
Theo quan điểm hiện thực, năng lực quân sự là trung tâm của khái niệm quyền lực và an ninh, nhưng một số nhà lý luận theo chủ nghĩa tự do cho rằng ngày nay nguồn của quyền lực quốc gia dựa nhiều vào các yếu tố thông tin, công nghệ và năng lực cạnh tranh thương mại hơn là sức mạnh quân sự (Nye 1990). Từ khi kết thúc Thế Chiến II, một số quốc gia đã tăng cường quyền lực tương đối của mình bằng cách đầu tư nguồn lực vào lĩnh vực dân sự hơn là vào công nghệ quân sự. Trong khi Hoa Kỳ dùng phần lớn ngân sách nghiên cứu và phát triển vào các chương trình quân sự, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu đầu tư chủ yếu vào việc phát triển công nghệ mới cho hàng tiêu dùng. Nếu chúng ta sống trong một thế giới dựa vào giáo dục và nguồn vốn con người, mà ở đó các ý tưởng sáng tạo, thiết kế sản phẩm, tài chính và tiếp thị sẽ dần trở thành nguồn chính của sự giàu có và quyền lực như nhà khoa học chính trị Richard Rosecrance (1999) nhận xét, thì Mỹ sẽ không theo kịp các đối thủ của nó, mặc dù chi tiêu quân sự của nước này chiếm một nửa của thế giới.
Những chỉ trích đối với quan điểm hiện thực đề cao việc liên tục chuẩn bị chiến tranh, khẳng định rằng chi tiêu quân sự dẫn đến chi phí cơ hội [2] cao (xem Tranh luận: Liệu chi tiêu quân sự cao có làm giảm an ninh con người?). Theo quan niệm này, chi tiêu quân sự lấn át đầu tư công và tư nhân. Nếu chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ giữ nguyên ở mức năm 1990 thì lợi tức hòa bình có được do Chiến tranh Lạnh kết thúc lẽ ra đã lớn hơn con số 700 tỉ đô trong vòng mười lăm năm và đã có thể được dùng cho các mục đích khác. Ngoài việc bỏ qua các cơ hội kinh tế khác, chi tiêu quân sự còn phát sinh những phí tổn trực tiếp bởi các thiết bị đắt tiền sẽ nhanh chóng lỗi thời trước những bước tiến công nghệ nhanh chóng. Điều này lại dẫn đến nhu cầu về vũ khí mới tối tân hơn và ngày càng tốn kém hơn.
Cuối cùng, các nhà chỉ trích quan điểm hiện thực cho rằng các nguồn lực phi vật chất của quyền lực quốc gia được cân nhắc ngày càng nhiều hơn trong tính toán liên quan đến quốc phòng. Có lúc các nhà lãnh đạo chính trị có thể đạt mục tiêu bằng cách kiểm soát chương trình nghị sự và quyết định về khuôn khổ tranh luận, chứ không phải dựa vào việc dụ dỗ và đe dọa để cưỡng chế người dân. Khả năng khiến người khác chấp nhận các giá trị của bạn, xem các mục tiêu của bạn là hợp pháp dường như có liên quan đến các nguồn lực sức mạnh vô hình như sức hấp dẫn của lý tưởng quốc gia và sự quyến rũ của nền văn hóa. Những nguồn lực vô hình này tạo thành quyền lực mềm, đối lập với quyền lực cứng thường được gắn với nguồn lực hữu hình như sức mạnh kinh tế và quân sự (Nye 2004). Quyền lực mềm là “năng lực đạt được mục tiêu bằng việc cảm hóa, thuyết phục hơn là ép buộc… bằng cách thuyết phục những người khác đi theo hay khiến họ đồng ý với các chuẩn mực và thể chế để đưa đến các hành vi mong muốn” (Keohane và Nye 2001b). Nếu quyền lực mềm có sự quan trọng tương đối trong thời đại thông tin như hiện nay thì sự chênh lệch về lực lượng quân sự sẽ không chuyển thành quyền lực tiềm năng như trước đây. Tất nhiên năng lực quân sự vẫn quan trọng. “Có thể là một sai lầm khi cho rằng ảnh hưởng chính trị tỷ lệ thuận với sức mạnh quân sự, nhưng sẽ còn sai lầm hơn nếu phủ nhận mối liên hệ giữa chúng” (Majeed 1991).
TRANH LUẬN: Liệu chi tiêu quân sự cao có làm giảm an ninh con người?
Trong chính trị luôn phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về cách sử dụng ngân quỹ công. Một trong những sự lựa chọn đó là “súng hay bơ” - ngân sách quốc gia nên được phân bổ như thế nào cho phòng bị quân sự và các chương trình phúc lợi xã hội. Mục tiêu đầu tiên đề cao an ninh quốc gia; mục tiêu sau đề cao an ninh con người. Theo đuổi mục tiêu nào đều bao hàm từ bỏ việc thực hiện mục tiêu kia.
Sự đánh đổi giữa súng và bơ là một vấn đề lớn của mỗi quốc gia.Và mỗi nhà lãnh đạo có cách thức riêng để xử lý sự đánh đổi này. Để mô tả những khác biệt này, người ta có thể phân nhóm các quốc gia căn cứ vào chi tiêu quân sự trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Sơ đồ bên dưới cho thấy có sự cách biệt lớn. Nhiều quốc gia dành tỷ lệ lớn trong GDP để phòng thủ và các quốc gia lựa chọn chi tiêu của cải để nâng cao an ninh con người. Thực tế thì một số quốc gia tương đối giàu có (Kuwait, Israel và Brunei) lại chi rất nhiều cho quốc phòng trong khi các nước thu nhập cao (Nhật Bản, Áo và Luxemburg) lại có gánh nặng quốc phòng thấp. Tương tự như vậy một số nước rất nghèo (Sierra Leone, Mozambique và Chad) có gánh nặng quốc phòng cao trong khi các nước khác (Bhutan và Zaire) lại không như vậy. Cho nên, rất khó để khái quát mối liên hệ chính xác giữa gánh nặng quốc phòng của một quốc gia với mức sống của người dân, phát triển con người hay trình độ phát triển của nước đó.
Cựu Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã từng nhìn nhận “Vấn đề trong chi tiêu quốc phòng là nên chi đến mức nào để không phá hủy từ bên trong những thứ bạn cố gắng bảo vệ từ bên ngoài.” Một nước nên chi bao nhiêu cho an ninh quốc gia? Một số học giả thì cho rằng không có cái giá nào là quá cao. Tuy nhiên, một số khác lại lập luận rằng mức chi tiêu quân sự cao sẽ làm giảm khả năng quốc gia chu cấp cho người dân. Quan điểm này được đưa ra bởi Oscar Arias, người đạt giải Nobel Hòa bình năm 1987 và là cựu Tổng thống của Costa Rica. Ông cho rằng “Các nhà lãnh đạo thế giới phải chấm dứt việc coi đầu tư quân sự cũng đóng góp vào sự thịnh vượng quốc gia. Một sự thật đáng buồn là một nửa số chính phủ trên thế giới đầu tư vào quốc phòng nhiều hơn là vào các chương trình y tế. Nếu mỗi năm chúng ta chuyển 40 tỉ đôla chi tiêu quốc phòng sang các chương trình xóa đói giảm nghèo thì trong vòng mười năm tất cả dân số thế giới sẽ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản – giáo dục, chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh môi trường. Thêm 40 tỉ đôla mỗi năm trong vòng 10 năm sẽ mang lại cho mỗi người trên khắp hành tinh này mức thu nhập trên ngưỡng nghèo đói ở đất nước họ.”
Nước Mỹ có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới là minh chứng rõ cho luận điểm của Tiến sĩ Arias rằng mức chi phí quốc phòng cao làm giảm mức chi cho các chương trình y tế và xã hội. Bảng dưới đây cho thấy Mỹ xếp hạng thế nào về nhiều chỉ số phi quân sự của an ninh con người:
Xếp hạng của Mỹ trên thế giới
Các chỉ số xã hội
Chi tiêu công về giáo dục trên đầu người: 14
Chỉ số phát triển con người: 10
Điều kiện chăm sóc trẻ em: 17
Điều kiện môi trường: 18
Tổng dân số bị giam giữ trên 100.000 dân: 1
Các chỉ số về sức khỏe
Chi tiêu công cho y tế (% GDP): 35
Tuổi thọ bình quân: 40
Chỉ số sức khỏe và an toàn của trẻ em: 21
Tỉ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi: 15
Số bác sĩ trên mỗi người: 27
Bảng xếp hạng này (HDR 2008, 294 – 297; Economist 2007) đặt ra câu hỏi về chi phí thực sự của an ninh quốc gia. Ai thực sự trả tiền cho quốc phòng? Nếu bạn là nguyên thủ của một quốc gia liệu bạn sẽ ưu tiên ngân sách vào an ninh quốc gia hay vào an ninh con người cho người dân? Làm thế nào để dung hòa nhu cầu quốc phòng với nhu cầu phúc lợi chung? Sẽ rất khó lựa chọn bởi vì đòi hỏi sự đánh đổi giữa những giá trị cạnh tranh nhau.
Sự theo đuổi năng lực quân sự
Cách một người tiêu tiền thể hiện giá trị của họ. Tương tự như vậy, cách chính phủ phân bổ ngân sách cho thấy ưu tiên của họ. Xem xét các ngân sách quốc gia cho thấy một xu hướng nhất quán: cho dù các nguồn của quyền lực chính trị thế giới có thể thay đổi thì các quốc gia vẫn tiếp tục tìm kiếm an ninh bằng cách tiêu tốn một phần đáng kể tài sản quốc gia vào vũ khí.
Xu hướng trong chi tiêu quân sự
Các loại vũ khí mà chính phủ tin rằng cần thiết cho an ninh quốc gia luôn luôn đắt đỏ. Ví dụ như việc chi tiêu quân sự thế giới đầu năm 2007 đạt 1.204 tỉ đô la, vượt 1,9 triệu đô la cho mỗi phút (WDI 2007, 267). Nếu tính bằng đồng đô la không đổi, được điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu quân sự thế giới đã tăng lên so trước đây: gấp ba lần mức chi tiêu quân sự năm 1960, gấp đôi toàn năm 1970 và cao hơn cả mức kỷ lục của năm 1980 trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. So với giữa những năm 1930 thì chi tiêu quân sự thế giới đã tăng lên 17 lần, với một tỷ lệ tăng cao hơn mức tăng của dân số thế giới, mức tăng sản lượng kinh tế toàn cầu hay chi tiêu dành cho cho y tế công.
Biểu đồ 8.1 Thay đổi mức chi tiêu quân sự từ năm 1960 của Bắc bán cầu và Nam bán cầu
Chi tiêu quân sự toàn cầu từ năm 1960 có sự biến động, với đỉnh kỷ lục là năm 1987, sau đó chi tiêu giảm cho đến khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố vào New York và Washington năm 2001. Biểu đồ cho thấy chi tiêu quốc phòng của các nước phương Nam đạt đỉnh vào giai đoạn 1982 – 1986, sau đó sụt giảm rồi tăng trở lại kể từ năm 1993 và chiếm 15% tổng chi phí thế giới.
Biểu đồ 8.2 Trị giá hợp đồng vũ khí cho các nước phương Bắc và các nước phương Nam, 1999-2006 Buôn bán vũ khí toàn cầu đã dẫn đến sự phổ biến rộng rãi phương tiện và năng lực quân sự từ các nước Bắc bán cầu sang Nam bán cầu. Trong năm 2004, các hợp đồng mua bán vũ khí của các nước đang phát triển chiếm ba phần tư tổng số hợp đồng mua bán vũ khí toàn cầu.
Nguồn: Grimmett (2007, 38)
Các con số tổng hợp này không nói lên toàn bộ câu chuyện bởi vì tổng chi tiêu thế giới cho vũ khí che đậy các xu hướng chi tiêu rất khác nhau của từng nhóm nước cụ thể. Trong lịch sử thì các quốc gia giàu đã và đang chi nhiều tiền nhất cho việc mua vũ khí và xu hướng này vẫn tiếp tục. Trong năm 2007 các nước phương Bắc đã chi 1.000 tỉ đô cho quốc phòng, ngược lại các nước phương Nam chỉ chi 204 tỉ đô. Như vậy các quốc gia phát triển chiếm khoảng 85% toàn chi tiêu quân sự thế giới. Thế nhưng nếu đo lường theo các yếu tố khác thì khác biệt sẽ không quá lớn. Các nước phương Bắc chi trung bình 2% GNP cho quốc phòng, trong khi đó các nước phương Nam chi khoảng 2,5%. Tuy mức chi tiêu quân sự của hai nhóm nước này vẫn còn cách biệt, nhưng theo thời gian nó đang thu hẹp và hội tụ tại một điểm. Bảng số liệu 8.1 cho thấy chi tiêu quân sự của các nước phương Nam trong năm 1961 chiếm khoảng 7% toàn thế giới, đến 2005 con số này đã tăng gấp đôi (SIPRI 2006, 326-327). Nói ngắn gọn thì các quốc gia nghèo đang bắt chước thói quen chi tiêu quân sự tốn kém của các quốc gia giàu nhất.
Xu hướng trong buôn bán vũ khí
Trong suốt cuộc Chiến tranh Lạnh, rất nhiều quốc gia dùng việc mua vũ khí để tăng cường an ninh. Dù vậy sau Chiến tranh Lạnh việc mua bán vũ khí vẫn không giảm. Tổng giá trị của tất cả hợp đồng chuyển giao vũ khí toàn cầu từ 1991 đến 2006 vượt mức 485 tỉ đô (Grimmett 2007, 4) mà đa phần là xuất đến các nước đang phát triển, chủ yếu là ở châu Á và Trung Đông (xem Bảng số liệu 8.2). Từ năm 2003 đến năm 2006, các loại vũ khí được chuyển giao bởi các nhà cung cấp lớn tới các nước đang phát triển gồm 2.612 xe tăng và pháo tự hành, 2.854 khẩu pháo, 774 máy bay chiến đấu siêu thanh, 4.565 tên lửa đất-đối-không và các hệ thống công nghệ vũ khí tiên tiến khác (Grimmett 2007, 72).
Bên cạnh việc xem xét các quốc gia nhập khẩu vũ khí, cũng cần quan sát hoạt động của các quốc gia cung cấp vũ khí. Đến cuối Chiến tranh Lạnh có hơn 60 quốc gia bán vũ khí ra nước ngoài (Sivard 1991, 11), trong đó Mỹ thống lĩnh thị trường xuất khẩu vũ khí. Bước vào thế kỷ XXI, Mỹ đã chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các hợp đồng bán vũ khí trên toàn thế giới, với tổng trị giá của những hợp đồng bán vũ khí vượt 61 tỉ đô. Lợi ích kinh tế là một lý do quan trọng cho việc mua bán này, bởi Mỹ dùng việc xuất vũ khí để bù đắp cho cán cân thương mại thâm hụt thường xuyên của mình. Để giữ vững thị phần trong buôn bán vũ khí, “một phần tư viện trợ nước ngoài của Mỹ dành cho các nước tiếp nhận các vũ khí, trang thiết bị và vật dụng do Mỹ sản xuất (Harper’s, tháng 10 năm 2005, [11]).” Bởi buôn bán vũ khí là một ngành kinh doanh khổng lồ nên các nhà sản xuất vũ khí đã hình thành một hệ thống vận động hành lang mạnh mẽ ở trong nước. Một tổ hợp công nghiệp quân sự được tổ chức chặt chẽ có ảnh hưởng to lớn tới các kế hoạch ngân sách quốc phòng và các thỏa thuận mua bán vũ khí ở Mỹ cũng như ở nhiều các quốc gia phương Bắc khác (Mount, Maier và Freeman 2003; Fallows 2002).
Ngoài lợi nhuận kinh tế, các quốc gia còn bán vũ khí với nhiều mục đích chính trị khác nhau, trong đó bao gồm mục đích ủng hộ các chính phủ thân cận và để lôi kéo đồng minh mới. Điều này được chứng minh qua chính sách xuất vũ khí của Mỹ trước và trong cuộc chiến tranh vùng vịnh Ba Tư 1990. Từ năm 1994 đến 2001, Mỹ đã chuyển 56% của 101 tỉ đôla tiền bán vũ khí cho các quốc gia Trung Đông bị cuộc xung đột tàn phá (Grimmett 2002, 53, 5), và được cho là nhằm mục đích củng cố đồng minh và duy trì cân bằng sức mạnh quân sự tại khu vực dễ bùng nổ này. Tuy nhiên việc trang bị vũ khí cho các quốc gia khác có hoàn thành các mục tiêu chính trị được đề ra hay không vẫn còn là một câu hỏi ngỏ. Như ví dụ trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã tìm cách duy trì hòa bình bằng cách cung cấp vũ khí cho các đối tác chính trị quan trọng. Từ năm 1983 đến 1987 Mỹ đã cung cấp vũ khí cho 59 các nước kém phát triển và Liên Xô cung cấp cho 42 nước (Klare 1990, 12). Tuy nhiên nhiều quốc gia nhận vũ khí lại đang vướng vào chiến tranh với các nước láng giềng hay các cuộc nổi dậy trong nước. Trong số 20 nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất năm 1988, hơn một nửa số quốc gia đó “có chính phủ bị cho là thường xuyên sử dụng bạo lực” (Sivard 1991, 17). Theo cách này, một số nhà quan sát cho rằng chương trình xuất vũ khí của Mỹ ảnh hưởng tiêu cực tới chính sách hiện tại của Mỹ về thúc đẩy dân chủ vì gần một phần ba trong số quốc gia tiếp nhận vũ khí của Mỹ trong những năm gần đây không phải là các nền dân chủ (Blanton và Kegley 1997, 94-95).
Một rắc rối khác là việc các quốc gia cung cấp vũ khí không kiểm soát được việc sử dụng các thiết bị quân sự mà họ sẽ cung cấp. Bạn bè có thể trở thành kẻ thù; và việc cung cấp vũ khí cho các quốc gia khác có thể phản tác dụng như Mỹ đã từng gặp phải khi vũ khí bán cho Iraq lại được Saddam Hussein dùng để chống lại lực lượng Mỹ trong cuộc chiến tranh Vùng vịnh Ba Tư (Timmerman 1991) hay khi các hỏa tiễn Stinger mà Mỹ cung cấp cho lực lượng Mujahideen để chống lại sự xâm lược của Liên Xô năm 1979 ở Afghanistan đã rơi vào tay của quân khủng bố sau này chống lại Mỹ. Tương tự như vậy vào năm 1982, Vương quốc Anh phát hiện đã chuyển thiết bị quân sự cho Argentina chỉ tám ngày trước khi Argentina tấn công vào quần đảo Falkland do Anh kiểm soát (Sivard 1982). Dù vậy, các nhà cung cấp vẫn muốn bán hàng cho bất kỳ người mua nào; và họ tiếp tục bán vũ khí cho cả hai bên trong các cuộc xung đột quốc tế.
Xu hướng về công nghệ vũ khí
Mong muốn phổ biến trang bị các loại vũ khí đã dẫn tới một thế giới đầy “chất nổ”. Hình ảnh này càng rõ ràng hơn nếu ta xem xét không chỉ xu hướng chi tiêu quốc phòng và buôn bán vũ khí mà còn khả năng hủy diệt của các vũ khí hiện đại.
Vũ khí hạt nhân.
Nghiên cứu và phát triển về công nghệ đã mở rộng rõ rệt khả năng hủy diệt của các kho vũ khí quốc gia. Trái “bom tấn” lớn nhất trong Thế Chiến II có sức công phá của hàng chục tấn TNT. Trái bom nguyên tử đã san phẳng thành phố Hiroshima có sức mạnh của hơn mười lăm ngàn tấn thuốc nổ TNT. Chưa đầy 20 năm sau, Liên Xô cũ đã tạo được một trái bom nguyên tử với lực công phá của hơn 57 triệu tấn TNT. Kể từ năm 1945, hơn 130.000 đầu đạn hạt nhân đã được chế tạo, trong đó Mỹ chiếm 55%, Liên Xô chiếm 43%, các nước còn lại là 2%. Hầu hết số đầu đạn này đã được tháo dỡ kể từ năm 1986, tuy nhiên hơn 11.530 đầu đạn vẫn còn được triển khai trên toàn cầu vào năm 2007 với sức công phá tương đương hơn 1,3 triệu quả bom Hiroshima (SIPRI 2007, 515).
Đầu năm 2008, có chín thành viên “chính thức” của câu lạc bộ hạt nhân – Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Bắc Triều Tiên. Thêm vào đó, Iran và hơn 20 quốc gia cùng các tổ chức khủng bố khác cũng được cho là đang tìm kiếm năng lực phát triển vũ khí hạt nhân. Các rào cản ngăn ngừa phổ biến vũ khí4 hạt nhân đều mỏng manh. Đầu tiên, kỹ thuật chuyên môn về phát triển vũ khí đã được phát tán rộng rãi cùng với việc toàn cầu hóa đào tạo khoa học chuyên ngành tiên tiến. Thứ hai, các công cụ kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn ngừa việc chuyển giao công nghệ vì mục đích quân sự đều không có hiệu quả. Cuối cùng, các nguyên vật liệu cần thiết cho việc chế biến vũ khí hạt nhân đều dễ kiếm, chủ yếu do việc sử dụng rộng rãi công nghệ hạt nhân vào sản xuất điện năng. Tính đến năm 2006 có 443 lò phản ứng hạt nhân hoạt động tại hơn 38 quốc gia trên thế giới; 26 lò phản ứng mới đang được xây dựng và 35 lò được dự kiến xây dựng (SIPRI 2006, 690). Các nước có thể tái xử lý chất thải uranium và plutonium do các nhà máy điện sản xuất ra vào việc bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân. Một ước lượng gần đây cho thấy các lò phản ứng thương mại có thể sản xuất đủ plutonium cho khoảng 40.000 vũ khí hạt nhân.
Vũ khí hạt nhân được biết đến như một biểu tượng của địa vị và quyền lực. Từ niềm tin phổ biến theo quan điểm hiện thực rằng sức mạnh quân sự sẽ đem đến vị thế chính trị, một số quốc gia cho rằng Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) 5 là đạo đức giả bởi vì nó cấp chứng nhận cho các nước đã phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân trong khi ngăn cản tất cả các nước còn lại. Brajesh Mishra, một nhà cố vấn an ninh quốc gia cho Ấn Độ là người đầu tiên phát biểu vào năm 1991 cho rằng các nước được phép phát triển năng lực hạt nhân cho mục đích răn đe, tạo ảnh hưởng và uy tín khi ông này biện minh việc Ấn Độ có vũ khí hạt nhân bằng cách khẳng định “Ấn Độ cần nhận được sự tôn trọng và tôn kính tương tự như với Trung Quốc từ Mỹ và các nước khác.”
Nghịch lý là, những lập luận kiểu này đã từng được đưa ra bởi một số thành viên đầu tiên gia nhập câu lạc bộ hạt nhân. Ví dụ như 50 năm về trước, cựu Tổng thống Pháp Charles de Gaulle quả quyết rằng thiếu năng lực hạt nhân độc lập Pháp không thể “nắm giữ vận mệnh riêng của mình”. Ông Aneurin Bevan người Anh cũng bày tỏ mối quan ngại của Anh quốc rằng thiếu đi bom hạt nhân nước Anh sẽ trình diễn “không mặc gì trước trong các phòng diễn của thế giới.” Cũng theo tinh thần này, Matthew Bunn, biên tập của tờ Arms Control Today giải thích “Hầu như không có khả năng loại trừ vũ khí hạt nhân khỏi mặt đất.” “Vị thần đã ra khỏi chai từ lâu và hầu như không có cơ hội để nhốt lại nữa.” (Trích dẫn từ Kegley và Wittkopf 2004, 471).
Vũ khí sinh học và hóa học.
Mặc cho Công ước Vũ khí sinh học năm 1972 cấm việc phát triển, sản xuất và dự trữ vũ khí hóa học, nhiều người vẫn lo sợ một số quốc gia và tổ chức khủng bố vẫn cố gắng “vũ khí hóa” các loại vi khuẩn, virus và độc tố. Tương tự như vậy, dù Nghị định thư Geneva 1925 đã cấm việc sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh và Công ước Vũ khí hóa học (CWC) được ký bởi bốn phần năm các nước trên thế giới yêu cầu phá hủy các kho tác nhân thần kinh, máu, chất gây phồng rộp da và chất gây ngạt, hơn chục quốc gia bị nghi ngờ là sản xuất vũ khí hóa học. Theo trường phái hiện thực việc hai bên Iran và Iraq sử dụng khí độc trong chiến tranh để chống lại nhau trong những năm 1980 và việc Iraq dùng vũ khí hóa học năm 1989 trong cuộc chiến với người Kurd đã chứng tỏ sự yếu kém của các rào cản pháp lý.
Bởi vì vũ khí hóa học và sinh học gây chết người, có thể sản xuất với giá thành tương đối rẻ và có thể dễ dàng sản xuất, vận chuyển và phân phối, việc các quốc gia và chủ thể phi quốc gia sở hữu chúng là điều không thể tránh khỏi. Một mặt, các quốc gia yếu có thể dùng những loại vũ khí này để ngăn chặn các cường quốc bằng việc đe dọa gây thiệt hại đáng kể đến những ai dám tấn công mình. Mặt khác các nhóm cực đoan hoạt động ngoài sự kiểm soát của các quốc gia yếu sẽ coi các vũ khí hủy diệt hàng loạt này như một cách hiệu quả để thúc đẩy khủng bố toàn cầu.
Từ quan điểm của bên sử dụng, vũ khí sinh học có ít nhược điểm hơn vũ khí hóa học do các loại vũ khí hóa học bị tác động bởi gió, nhiệt độ và các điều kiện môi trường khác. Ví dụ như việc các tác nhân gây bệnh rất dễ lây lan và có thời gian ủ bệnh dài. Kết quả là cuộc tấn công sẽ không cần phải nhằm vào khu dân cư lớn mới có thể gây thương vong hàng loạt và thủ phạm sẽ có thời gian lẩn trốn trước khi bị các nhà chức trách phát hiện ra. Dù sự nguy hiểm của việc phổ biến vũ khí hạt nhân được biết đến rộng rãi, ít ai quan tâm đến hậu quả của việc phát triển và phổ biến vũ khí sinh học hiện đại (Preston 2007).
Hệ thống vận chuyển vũ khí.
Sự phát triển công nghệ vũ khí là rất nhanh và phi thường. Đặc biệt nguy hiểm là sự tinh xảo trong công nghệ tên lửa đạn đạo cho phép các quốc gia đưa vũ khí từ cách xa 11.000 dặm tới bán kính 100 feet xung
quanh mục tiêu chỉ trong vòng chưa đến 30 phút. Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đã trang bị cho tên lửa đạn đạo bằng bệ phóng đa đầu đạn phân hướng (MIRVs),6 cho phép một tên lửa duy nhất có thể phóng ra nhiều đầu đạn cùng một lúc vào các mục tiêu khác nhau. Một tên lửa U.S MX (Peacekeeper) được trang bị MIRV có thể mang mười đầu đạn hạt nhân – đủ để san phẳng một thành phố và tất cả mọi thứ trong vòng bán kính 50 dặm.
Các cải tiến về công nghệ còn dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng về tốc độ, độ chính xác, tầm ảnh hưởng và hiệu quả của các loại vũ khí. Bom thông minh7 đã được sử dụng trong các cuộc chiến tranh ở Kosovo, Afghanistan và Iraq gần đây. Thêm vào đó là các máy bay điều khiển từ xa như máy bay không người lái Predator được sử dụng cho mục đích giám sát, bảo vệ lực lượng và hỗ trợ trên không. Được kết nối thông qua vệ tinh đến phi công ở cách xa vùng chiến đến hàng ngàn dặm, Predator được trang bị hai tên lửa Hellfire có thể tấn công cả các mục tiêu trên mặt đất. Các máy bay mới hơn như Reaper, mang theo nhiều bom đạn [ordinance] hơn và Northrop-Grumman đang phát triển một loại máy bay ném bom tự động có thể điều khiển từ tàu sân bay. Hạn chế lớn nhất của các hệ thống này là điểm yếu về trinh sát quân sự và phải dựa vào hệ thống liên lạc vệ tinh. Ngày 11 tháng 1 năm 2007, Trung Quốc đã dùng một tên lửa đạn đạo tầm trung phá hủy một trong các vệ tinh thăm dò thời tiết với quỹ đạo cao 530 dặm so với bề mặt Trái đất, qua đó chứng minh rằng không chỉ có Mỹ mới có thể kiểm soát không gian.
Các nhà chiến lược quân sự hy vọng các cuộc chiến trong tương lai sẽ có nhiều các công nghệ vũ khí tân tiến hơn. Họ nhìn thấy sự phát triển của chùm tia năng lượng và vũ khí âm thanh có thể đánh gục đối thủ mà không gây chết người; hay loại bom xung điện từ chỉ gọn trong một va li, có khả năng vô hiệu hóa hệ thống máy tính và thông tin liên lạc của toàn thành phố; bom logic có thể gây nhiễu và làm lệch hướng các phương tiện trong hệ thống hàng không và đường sắt của đối thủ. Cuối cùng là việc trong vòng thập kỷ tới robot sẽ bắt đầu thay thế binh lính cho các nhiệm vụ cụ thể như trước đó robot cũng đã được dùng cho xử lý bom. Các thành tựu công nghệ vũ khí này dường như giúp cho việc phân loại truyền thống về hệ thống vũ khí cũng như khiến các công thức trước đây về thước đo quyền lực trở nên lỗi thời.
Từ nhiều thập kỷ nay, có vành đai phòng hỏa8 đã phân biệt ranh giới giữa chiến tranh thông thường với chiến tranh hạt nhân. Từ này xuất phát nghĩa từ làn ranh của các vùng đất trống mà các nhân viên cứu hỏa tạo nên để tránh cho cháy rừng vượt ngoài tầm kiểm soát. Trên phương diện vũ khí thì nó là làn ranh tâm lý ngăn cản không cho một chiến tranh thông thường khốc liệt nhất leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân. Do sự phát triển của công nghệ vũ khí thông thường và hạt nhân, nguy cơ vành đai phòng hỏa sẽ bị phá vỡ từ cả hai hướng – từ các thế hệ vũ khí thông thường “gần giống hạt nhân” với khả năng sát thương tương tự cuộc tấn công hạt nhân hạn chế và từ các thế hệ vũ khí hạt nhân “gần giống vũ khí thường” với khả năng phá hủy tương đương với các vũ khí thông thường mạnh nhất. Khi vành đai phòng hỏa bị phá vỡ, nhiều người lo ngại rằng các giới hạn đối với việc tiến hành một cuộc chiến tranh hiện đại sẽ biến mất.
Nhìn tổng thể, cảm giác bất an đang bao trùm nhiều nơi trên thế giới. Nỗi lo về sự hủy diệt của vũ khí hạt nhân không biến mất cùng với sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh. Cũng không hề có các biện pháp hiệu quả để kiểm soát sự phổ biến vũ khí hóa học và sinh học. Thế kỷ XXI không phải là thời kỳ của hòa bình và thịnh vượng như nhiều người mong đợi. Thay vào đó, rất nhiều nhà lãnh đạo quốc gia nghe theo lời khuyên của đại tướng La Mã Flavius Vegetius Ranetus: “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh.” Các nhà chủ nghĩa hiện thực khăng khăng rằng an ninh đến từ năng lực quân sự. Thế nhưng có sức mạnh quân sự không có nghĩa là sức mạnh đó được sử dụng một cách thông minh. Chúng ta sẽ chuyển sang xem xét làm thế nào để sử dụng sức mạnh quân sự như một công cụ chính sách cho quốc gia. Đầu tiên ta xem xét vũ khí hạt nhân.
Chiến lược quân sự trong thời đại hạt nhân
Vụ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản ngày 6 tháng 8 năm 1945 là sự kiện quan trọng đánh dấu sự phân chia giai đoạn trước và sau Thế Chiến II trong chính trị quốc tế. Sau một ánh chớp chói lòa, thế giới chuyển từ hệ thống “cân bằng quyền lực” sang “cân bằng sợ hãi”. Trong các thập kỷ tiếp theo, các nhà hoạch định chính sách ở các nước có vũ khí hạt nhân phải giải quyết hai vấn đề chính sách chính: (1) có nên sử dụng vũ khí hạt nhân không và (2) làm thế nào để ngăn các nước khác dùng vũ khí hạt nhân. Việc tìm giải pháp cho những vấn đề trên có ý nghĩa rất quyết định bởi vì những hậu quả khủng khiếp tức thời cũng như dài hạn của chiến tranh hạt nhân tổng lực đối với bất cứ ai.
Nói một cách ngắn gọn, sự sống mà chúng ta thấy trên thế giới này sẽ kết thúc. Hành tinh trái đất sẽ là nơi không thể sinh sống được do hậu quả của mùa đông hạt nhân, [9] kèm theo hậu quả khủng khiếp: “Khói do lửa từ cuộc chiến này tạo ra đủ để che khuất mặt trời và làm nhiễu bầu khí quyển trên diện rộng… [giảm] nhiệt độ trung bình của Trái đất… [che khuất] bầu trời từ đó ngăn cản sự quang hợp của cây xanh” (Sagan và Turco 1993, 369). Có ước tính rằng chỉ cần hai mươi bốn tên lửa Trident II trên một tàu ngầm của Mỹ, mỗi tên lửa mang trung bình sáu đầu đạn hạt nhân loại 455 kiloton W88 là đủ để gây ra mùa đông hạt nhân – đủ để nhân loại diệt vong.
Mặc dù vũ khí hủy diệt trên diện rộng đã tồn tại từ thời Thế Chiến II, chính sách (postures) của các cường quốc hạt nhân đối với vũ khí hạt nhân đã thay đổi cùng với sự phát triển của công nghệ, nhu cầu quốc phòng, năng lực và hoàn cảnh quóc tế. Để dễ phân tích, ta có thể xem xét các chính sách này trong ba giai đoạn: ép buộc, răn đe và đánh phủ đầu. Giai đoạn đầu tiên bắt đầu cuối Thế Chiến I và kết thúc sau khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Ưu thế hạt nhân thống trị của Mỹ là đặc điểm chính của giai đoạn này. Giai đoạn hai bắt đầu từ năm 1962 đến năm 1991 khi Liên Xô tan rã. Sự lớn mạnh về năng lực quân sự của Liên Xô là đặc điểm chính của giai đoạn này, đồng nghĩa với việc Mỹ không còn là nước duy nhất có khả năng tiêu diệt một quốc gia khác mà không phải lo đến sự hủy diệt của chính nước mình. Giai đoạn ba bắt đầu từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hình thành cùng với việc các siêu cường điều chỉnh các học thuyết chiến lược của mình cho phù hợp với các nguy cơ toàn cầu mới.
Ép buộc
Các quốc gia sở hữu ưu thế vượt trội về quân sự thường coi vũ khí như một công cụ cho thương lượng ngoại giao. Mỹ, nước đầu tiên và trong nhiều năm có sức mạnh hạt nhân tuyệt đối, thực hiện chủ thuyết chiến lược về đường lối ép buộc [10] (Schelling 1966) khi nó có ưu thế tuyệt đối so với Liên Xô. Sức mạnh quân sự không nhất thiết phải mang ra sử dụng, một quốc gia có thể gây ảnh hưởng đơn giản bằng cách “chứng minh sức mạnh vũ lực và đề cao khả năng hay ý định sử dụng vũ lực” (Majeed 1991). Chủ thuyết ép buộc của Mỹ đã dùng vũ khí hạt nhân như một công cụ để tạo ảnh hưởng chính trị, dùng nó không phải để gây chiến mà để buộc đối phương tuân thủ cho dù đối phương không hề muốn.
Mỹ tạo lợi thế trong đàm phán bằng cách cho đối phương biết rằng cuối cùng nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Chiến lược này đặc biệt nổi lên trong nhiệm kỳ của Eisenhower khi Ngoại trưởng John Foster Dulles thi hành chính sách “bên miệng hố chiến tranh”, [11] cố tình đe dọa các đối thủ của Mỹ về sự hủy diệt hạt nhân làm cho các nước này phải tuân theo yêu cầu của Mỹ khi đối mặt với bờ vực chiến tranh. Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” là một phần của học thuyết chiến lược của Mỹ “trả đũa khủng khiếp”. [12] Để kiềm chế chủ nghĩa cộng sản và sự bành trướng của Liên Xô, nó sử dụng chiến lược nhằm vào các mục tiêu giá trị, [13] đó là việc vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ nhắm đến các mục tiêu quan trọng nhất với Liên Xô – dân số và các trung tâm công nghiệp. Một số nhà phân tích lại cho rằng sẽ hiệu quả hơn nếu áp dụng chiến lược nhằm vào mục tiêu quân sự, [14] tập trung vào các kho quân sự mà không đụng đến sinh mạng dân thường.
Đòn trả thù khủng khiếp làm tăng thêm nỗi lo cho điện Kremlin là nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra thì Liên Xô sẽ bị hủy diệt trong khi Mỹ thì vẫn tồn tại. Chính vì vậy để tăng cường năng lực hạt nhân các nhà lãnh đạo Liên Xô đã tập trung vào các chương trình vũ trụ và phóng thành công vệ tinh đầu tiên (Sputnik), qua đó chứng minh khả năng phóng vũ khí hạt nhân của Moscow vượt qua đại lục Á – Âu. Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev phát biểu hồi tháng bảy năm 1957: “Nếu sống giữa bầy chó thì phải luôn nhớ mang theo gậy.” Cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc có bước ngoặt mời, lần đầu tiên Mỹ đứng trước nguy cơ bị tấn công hạt nhân.
Răn đe
Khi ưu thế chiến lược của Mỹ dần biến mất, các nhà hoạch định chính sách bắt đầu đặt câu hỏi về sự hữu ích của vũ khí hủy diệt hàng loạt như là một công cụ thương lượng chính trị. Họ bàng hoàng về khả năng hủy diệt có thể xảy ra nếu chiến lược ép buộc khơi mào cho cuộc chiến hạt nhân. Cuộc khủng hoảng tên lửa gần như là tự sát ở Cuba năm 1962 đưa đến sự thay đổi trong tư duy chiến lược của Mỹ, chuyển chính sách chiến lược từ ép buộc thành răn đe. [15]
Trong khi chính sách ép buộc bao hàm việc đe dọa tấn công mang tính cưỡng ép nhằm thuyết phục đối thủ từ bỏ một hành động mà không kháng cự, chiến lược răn đe ngăn cản đối thủ không tiến hành một hành động chống lại nước mình (răn đe trực tiếp) hay chống lại nước đồng minh của mình (răn đe mở rộng). Các nhà chiến lược luôn phân định rõ hai phương cách răn đe. Đầu tiên là răn đe bằng cách cự tuyệt, dựa trên giả định rằng có thể thuyết phục đối thủ từ bỏ tấn công nếu cho đối thủ thấy những nỗ lực đó là không có kết quả. Phương cách thứ hai là răn đe bằng trừng phạt, dựa trên giả thiết rằng nước răn đe có khả năng trừng phạt đối thủ phải trả giá rất cao nếu đối thủ tấn công. Phương cách thứ hai là cơ sở lý thuyết của cách mà Mỹ và Liên Xô răn đe lẫn nhau. Các thành tố chính của chiến lược răn đe dựa trên đe dọa trừng phạt bao gồm: (1) năng lực – sở hữu nguồn lực quân sự để sẵn sàng trả đũa quân sự; (2) độ khả tín – làm đối thủ tin rằng mục tiêu của cuộc tấn công sẽ được tiến hành ngay sau lời đe dọa; và (3) thông tin giao tiếp – có phương tiện để truyền đạt một thông điệp rõ ràng tới bên gây hấn rằng bên răn đe có khả năng và sẵn sàng phản công. Những người ủng hộ chính sách răn đe bằng trừng phạt lập luận rằng chính sách này “sẽ thành công nếu bên bị thách thức biết đến, tự đánh giá được và tin vào cái giá của lời đe dọa” (Harknett 1994).
Nghịch lý là, sự chuyển đổi từ chiến lược ép buộc sang răn đe đã khuyến khích thay vì ngăn cản cuộc chạy đua vũ trang Mỹ – Liên Xô. Chiến lược răn đe, dựa vào năng lực chắc chắn có thể gây thương tổn cho đối thủ, cần đến năng lực đánh trả lần hai, [16] nghĩa là năng lực để một nước có thể chịu được lần tấn công đầu tiên của đối thủ, sau đó vẫn còn khả năng thực hiện phản công. Để đảm bảo cho năng lực đánh trả lần hai và sự nhận thức của đối phương về năng lực này, chính sách răn đe đòi hỏi việc tìm kiếm không giới hạn năng lực phản công vượt trội. Người ta phải xây dựng tất cả các hệ thống có thể được xây dựng bởi như Tổng thống Kennedy giải thích năm 1961 “chỉ khi quân đội có sức mạnh chắc chắn thì chúng ta mới chắc chắn không phải sử dụng tới nó.” Cả hai siêu cường đều dốc sức triển khai bộ ba [17] tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất (ICBMs), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBMs), và máy bay ném bom tầm xa với niềm tin rằng cả ba sẽ không thể bị tiêu diệt cùng một lúc trong lần tấn công đầu tiên.
Các nhà làm chính sách đưa ra cụm từ sự hủy diệt lẫn nhau chắc chắn (MAD) [18] để mô tả cho sự cân bằng chiến lược giữa Mỹ và Liên Xô sau khủng hoảng hạt nhân ở Cuba. Cho dù bên nào tấn công trước thì bên còn lại cũng có khả năng hủy diệt kẻ tấn công. Nếu như vậy thì việc khởi động một cuộc chiến tranh hạt nhân là không khôn ngoan; Tổn thất kinh khủng vượt quá bất cứ lợi ích nào có được. Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev cảnh báo: “Nhấn nút khởi động cũng đồng nghĩa với tự sát.” Theo lời của cựu Thủ tướng Anh Wiston Churchill thì sự an toàn là “con của nỗi khiếp sợ và là anh em song sinh của sự hủy diệt.”
Khi quan hệ Mỹ – Xô tiến triển, tư duy chiến lược của Mỹ phát triển theo hai quan điểm đối nghịch. Dù nhiều chiến lược gia tiếp tục cổ vũ cho khuyến nghị chính sách về MAD, một số khác trong thập kỷ 1980 cổ vũ cho quan điểm được gọi là lý thuyết sử dụng hạt nhân (NUTS). [19] Quan điểm này cho rằng vũ khí hạt nhân không chỉ đóng vai trò răn đe mà còn có thể được sử dụng trong chiến tranh. Những người ủng hộ quan điểm này lập luận rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân không nhất thiết dẫn tới leo thang chiến tranh hạt nhân toàn diện mà chỉ là một chiến tranh hạt nhân “giới hạn”. Bằng cách phát triển vũ khí hạt nhân có thể sử dụng được, họ cho rằng Mỹ có thể làm cho mối đe đọa về vũ khí hạt nhân hiện hữu hơn. Mặt khác, những người ủng hộ MAD lại cho rằng mục đích duy nhất của vũ khí hạt nhân là để răn đe. Những người này cho rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân dù chỉ ở mức độ rất hạn chế cũng có thể leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân không kiểm soát được.
Sự thay đổi tư duy chiến lược tiếp theo diễn ra vào năm 1983, khi Tổng thống Mỹ Reagan đề xuất xây dựng một lá chắn phòng thủ không gian để chống lại tên lửa đạn đạo. Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI) [20] hay “Chiến tranh giữa các vì sao” như cách gọi của những nhà phân tích, đề xuất phát triển lá chắn phòng thủ chống lại tên lửa đạn đạo của Liên Xô, sử dụng vũ khí dùng tia laze trên quỹ đạo trái đất để phá hủy các tên lửa bắn đi dù với bất kỳ lý do gì như sợ hãi, tức giận hay chỉ là vô ý. Mục tiêu, như Tổng thống Reagan xác định, là khiến cho vũ khí hạt nhân trở nên “vô dụng và lỗi thời”. Chính vì vậy Sáng kiến phòng thủ chiến lược SDI chuyển đổi chiến lược hạt nhân của Mỹ ra khỏi sự hủy diệt lẫn nhau chắc chắn, điều mà Tổng thống Reagan gọi là “không thể chấp nhận về mặt đạo đức”. Thế nhưng dù đã chi hơn 150 tỉ đô cho đến năm 2008, Mỹ vẫn còn xa mới đạt được phòng thủ tên lửa đạn đạo tin cậy. Nhưng với việc thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và Iran, Mỹ lại tiếp tục xây dựng một hệ thống đánh chặn không phải bằng laze không gian mà là hệ thống đánh chặn trên mặt đất.
Đánh phủ đầu
Sự kết thúc Chiến tranh Lạnh không đồng nghĩa với việc chấm dứt các kế hoạch chiến lược. Những mối nguy hiểm mới nổi lên buộc các nhà chiến lược phải nghĩ đến một chiến lược mới là đánh phủ đầu. [21] “Chúng ta đang đối mặt với một mối nguy chưa từng có”, Tổng thống George W. Bush khẳng định điều này trong bài phát biểu tại lễ phát bằng của trường West Point ngày 1 tháng 6 năm 2002. Một mặt, công nghệ hiện đại cho phép mạng lưới khủng bố chìm gây nên các cuộc tấn công thảm khốc chống lại Mỹ. Mặt khác, các mạng lưới khủng bố này không thể bị răn đe bởi sự đe dọa trừng phạt do không có dân số và lãnh thổ xác định. Ông kêu gọi “Chúng ta phải mang chiến tranh đến với kẻ thù và đối mặt với những nguy cơ tệ nhất trước cả khi nó hình thành.”
Lời kêu gọi của Bush cho việc đánh phủ đầu bọn khủng bố và các quốc gia nuôi dưỡng chúng được nhắc lại trong bản báo cáo của ông ngày 17 tháng 9 năm 2002 về Chiến lược An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ (The National Security Strategy of the United States of America (NSS), và được khẳng định một lần nữa trong tài liệu tiếp theo được công bố vào tháng 3 năm 2006. Dưa trên lập luận rằng “các quốc gia không thể phải chịu một cuộc tấn công trước khi quốc gia đó có thể tự vệ hợp pháp trước các lực lượng là mối nguy hiểm tiềm tàng,” Bản báo cáo cho rằng việc các tổ chức khủng bố và các quốc gia thù nghịch sở hữu vũ khí hủy diệt là lý do thuyết phục để Mỹ tiến hành hành động tự vệ trước các mối nguy đó. Đánh phủ đầu chứ không phải là răn đe là cần thiết cho an ninh quốc gia.
Cho dù theo luật quốc tế một quốc gia có quyền hợp pháp để bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công có thể xảy ra, những nhà phân tích cho rằng ẩn dấu dưới ngôn ngữ của đánh phủ đầu quân sự là một chính sách quả quyết hơn về chiến tranh phòng ngừa. [22] Nói ngắn gọn thì một cuộc tấn công quân sự phủ đầu bao hàm việc sử dụng vũ lực để dập tắt hoặc giảm thiểu nguy cơ một cuộc tấn công của đối thủ. Một cuộc tấn công phòng ngừa bao hàm việc dùng vũ lực để phòng ngừa bất cứ cuộc tấn công nào trong tương lai, ngay cả khi không có lý do để tin rằng cuộc tấn công đó có thể xảy ra. Trong khi đánh phủ đầu dựa trên bằng chứng tin cậy về một mối đe dọa có thực và có thể xảy ra sớm, cơ sở của chiến tranh phòng ngừa chỉ dưa trên sự nghi ngờ mới chớm, phòng ngừa một mối đe dọa (Kegley và Raymond 2007).
Để mô tả sự khác biệt giữa những hành động quân sự dựa trên động cơ đánh phủ đầu hay phòng ngừa, chúng ta hãy so sánh ngắn gọn hai ví dụ lịch sử cụ thể. Cuộc chiến 6 ngày giữa Israel và một liên minh gồm Ai Cập, Syria, Jordan và Iraq là ví dụ cho việc đánh phủ đầu. Căng thẳng giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập đã gia tăng trong suốt mùa xuân 1967 và đạt tới đỉnh điểm vào tháng 5 khi Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser thi hành một loạt các bước đi làm tăng thêm sự lo ngại ở Tel Aviv về một cuộc tấn công có thể xảy ra. Bên cạnh việc huy động quân đội của mình và củng cố quan hệ quân sự với Syria, Jordan và Iraq, Nasser yêu cầu các Lực lượng khẩn cấp của Liên Hợp Quốc rời khỏi Sinai, lực lượng đã được triển khai từ sau Chiến tranh Suez năm 1956 như là một vùng đệm giữa Ai Cập và Israel. Tiếp đó, ông tuyên bố việc phong tỏa Eo biển Tiran, tuyến hàng hải quan trọng của Israel ra biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Ông tuyên bố rằng mục tiêu của bất kỳ cuộc chiến tranh tương lai nào với Israel cũng là để hủy diệt quốc gia Do thái này. Cho rằng cuộc chiến dường như chắc chắn sẽ diễn ra và khả năng tồn tại bị đe dọa nếu Ai Cập tấn công trước, người Do Thái đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 5 tháng 6 và đã giúp nước này giành được thắng lợi quyết định.
Trong khi Chiến tranh 6 ngày minh họa cho đánh phủ đầu, cuộc tấn công của Israel tháng 6 năm 1981 vào lò phản ứng hạt nhân Osiraq của Iraq mô tả hành động quân sự phòng ngừa. Israel nhìn nhận, với loại lò phản ứng Baghdad đã có, nhiên liệu đã mua có thể được sử dụng sản xuất vũ khí hạt nhân, và việc chấm dứt các cuộc thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế là những bằng chứng gián tiếp rằng Iraq đang phát triển năng lực hạt nhân quân sự. Do thái độ thù địch mãnh liệt mà các nhà lãnh đạo Iraq đối với Israel cũng như việc các khu tập trung dân cư và kho vũ khí hạt nhân của Israel dễ bị tổn thương trước đòn tấn công đầu tiên, các nhà lãnh đạo Israel cho rằng không thể ngăn cản được Saddam Husein; các lò phản ứng của Iraq phải bị phá hủy trước khi chúng hoạt động. Trái ngược với năm 1967 khi các nhà lãnh đạo Israel thấy được nguy cơ trực tiếp từ Ai Cập, cuộc tấn công năm 1981 diễn ra vì có khả năng vào một thời điểm nào đó trong tương lai Iraq có thể là một mối nguy hạt nhân. Israel lý giải rằng tốt hơn là thực hiện các hành động phòng ngừa ngay lập tức để tránh nguy cơ phải chiến đấu với các điều kiện kém thuận lợi hơn trong tương lai.
Các nhà lãnh đạo quốc gia luôn cảm thấy cần gây nên một cuộc tấn công nhanh và quyết đoán khi đứng trước một mối nguy cơ đang hình thành, đặc biệt là khi họ tin rằng không hành động hôm nay đồng nghĩa với phá hủy tương lai. Xuyên suốt lịch sử, rất nhiều người ủng hộ quan điểm về “chính trị quyền lực” đồng ý coi chiến tranh phòng ngừa như là một chiến lược thiết yếu trong môi trường chính trị thế giới hỗn loạn và lộn xộn. Đại diện kinh điển cho quan điểm này, nhà triết học chính trị người Floren thế kỷ 16 Niccolò Machiavelli (1950, 10-11) khẳng định các nhà lãnh đạo chính trị phải luôn phòng ngừa trước những nguy hiểm có thể xảy ra: “Nếu phòng ngừa trước thì các mối nguy này có thể dễ dàng hóa giải. Nhưng nếu đợi cho đến khi nó thực sự xảy ra, thì sẽ không kịp chạy chữa và bệnh đã trở thành nan y.” Tương tự vậy, Hồng y Richelieu (1961, 80), Thủ tướng Pháp dưới thời vua Louis XIII lập luận rằng “Một bác sĩ biết cách phòng bệnh đáng quý hơn một bác sĩ chỉ chữa bệnh, cũng như vậy… dự đoán tương lai quan trọng hơn là chỉ đắm mình vào hiện tại, bởi cũng như bệnh tật, tốt hơn là tấn công kẻ thù trước thay vì chờ đợi.”
Tuy nhiên, các nhà chỉ trích cho rằng dùng lực lượng quân sự vào mục đích phủ đầu sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Nhắc đến thất bại của Mỹ trong việc đánh giá chính xác các chương trình vũ khí của Iraq, họ lập luận rằng thông tin tình báo không đáng tin cậy về mục đích và khả năng của đối phương có thể dẫn tới một cuộc chiến phủ đầu. Dự đoán hành động tương lai của một quốc gia khác là rất khó bởi rất khó đoán biết ý định của các nhà lãnh đạo, thông tin về mục tiêu dài hạn sẽ được giữ bí mật và các dấu hiệu của việc định hướng chính sách có thể bị nhiễu bởi các điều kiện xung quanh. Các nhà chỉ trích tiếp tục nhận định nếu chỉ từ mối nghi ngờ đối thủ mà trở thành lý do chính đáng cho hành động phủ đầu quân sự thì các nhà lãnh đạo hiếu chiến sẽ luôn có một cái cớ sẵn sàng và đơn giản để tấn công kẻ thù tiềm tàng. Nhưng tấn công kiểu này đưa đến nguy cơ cao của “dương tính giả” (dự đoán sai về sự gây hấn trong tương lai của các quốc gia khác). Tình thế nan giải lớn về chính sách mà các nhà lãnh đạo chính trị phải đối mặt khi đưa ra quyết định đánh phủ đầu liên quan tới tỉ lệ “dương tính giả” và “âm tính giả”. Làm cách nào các nhà lãnh đạo tránh gây ra các cuộc tấn công phủ đầu với các quốc gia không hề có kế hoạch xâm lược trong khi bỏ qua các quốc gia đang thật sự chuẩn bị gây hấn?
Chiến lược tự vệ trước do vậy lại đặt ra câu hỏi muôn thuở rằng với điều kiện nào, với mục đích gì thì việc dùng lực lượng quân sự là chính đáng. Chiến lược phòng ngừa trước có thể bảo đảm điều gì khi mà các đối thủ không tên, giấu mặt luôn sẵn sàng tấn công tự sát bừa bãi chống lại thường dân? Vũ lực có thể được sử dụng như thế nào để tác động tới sự suy xét của đối thủ về hoạch định chiến lược? Những điều kiện gì ảnh hưởng đến sự thành công của ngoại giao cưỡng bức?
Giới hạn của ngoại giao cưỡng bức
Kể từ khi kết thúc Thế Chiến II, các nhà chiến lược đã tranh luận về ưu thế của hai cách tiếp cận đối với việc sử dụng lực lượng quân sự (Gacek 1994). Cách đầu tiên là áp dụng vũ lực dứt khoát, sử dụng mọi phương tiện để có thể giành được chiến thắng nhanh chóng và chắc chắn bất cứ khi nào cảm thấy lợi ích cốt lõi bị đe dọa. Chiến dịch Bão táp Sa mạc, kế hoạch của Mỹ để giải phóng Kuwait khỏi sự kiểm soát của Iraq năm 1991 chứng minh cho cách tiếp cận này. Nó tập trung vào cái mà sau đó Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Colin Powell gọi là “học thuyết của lực lượng bất khả chiến bại.” Powell ủng hộ việc dùng tất cả các nguồn lực có thể để áp đảo Iraq trong một chiến dịch lớn, nhanh và mạnh mẽ.
Hướng tiếp cận thứ hai cho rằng chỉ nên hạn chế sử dụng vũ lực khi cần thiết tùy vào các mục tiêu chính trị. Thay vì dốc toàn lực hay không làm gì cả, những người theo trường phái này khuyên nên mở rộng các lựa chọn chính sách bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự theo một cách linh hoạt và phù hợp với mối đe dọa đang phải đối mặt. Họ khẳng định quyền lực và ngoại giao phải song hành khi đối mặt với những thách thức an ninh quan trọng nhưng không đòi hỏi chiến tranh toàn diện.
Chiến lược ngoại giao cưỡng bức [23] minh họa cho cách tiếp cận thứ hai này trong việc sử dụng vũ lực. Nó sử dụng đe dọa hay vũ lực hạn chế để thuyết phục đối phương thay đổi hành vi. Mục đích cuối cùng là để thay đổi sự tính toán chi phí và lợi ích của quốc gia mục tiêu và thuyết phục quốc gia đó rằng đáp ứng nhu cầu của bên kia sẽ tốt hơn là bất chấp nó. Điều này có thể thực hiện bằng việc đưa ra một tối hậu thư [24] sẵn sàng leo thang xung đột nghiêm trọng và ngay lập tức hay bằng cách đưa ra lời cảnh báo và ngày càng gia tăng áp lực lên mục tiêu (Craig và George 1990).
Ngoại giao cưỡng bức dựa vào đe dọa và sử dụng vũ lực để cảnh cáo nhằm tránh đổ máu và các chi phí liên quan đến một chiến dịch quân sự tổng lực. Tuy nhiên, các nỗ lực thuyết phục bằng sức mạnh vẫn bao hàm nguy cơ chiến tranh. Bảng 8.3 cho thấy tần suất hàng năm của xung đột quốc tế có bao hàm các nỗ lực cưỡng bức từ năm 1918 đến 2008. Hầu hết các xung đột là do các cường quốc bắt đầu trước và khoảng một phần ba trong số đó đã dẫn đến chiến tranh (www.CIDCM.umd.edu/ICB).
Sử dụng sức mạnh quân đội để thuyết phục
Có nhiều cách để phối hợp sử dụng đe dọa và lực lượng vũ trang. Một phương pháp liên quan đến đe dọa sử dụng lực lượng quân sự, từ phương pháp truyền thống “ngoại giao pháo hạm” (đe dọa kẻ thù bằng việc phô trương lực lượng hải quân) cho đến “ngoại giao tomahawk” (đe dọa kẻ thù bằng tên lửa hành trình). Một biện pháp khác cần đến là can thiệp quân sự. [25] Các quốc gia có thể can thiệp bằng cách trực tiếp xâm lược một quốc gia khác hay gián tiếp thông qua tuyên truyền (propaganda). Các quốc gia có thể hành động một mình hay liên minh với các quốc gia khác. Can thiệp quân sự bao gồm “các hoạt động được thực hiện công khai bởi lực lượng quân sự thường trực của một nước ở nước ngoài mà có thể dẫn tới việc tham chiến ngay lập tức” (Tillema 1994). Tổng kết lại, từ năm 1945 đến 2001 có gần 1.000 hành động đơn lẻ nhằm can thiệp quân sự đã được khởi xướng, gây ra 2,4 triệu trường hợp tử vong (Tileman 2006). Ước tính này còn chưa bao gồm một số không rõ các chiến dịch ngầm. [26]
Can thiệp quân sự thường làm gia tăng căng thẳng các xung đột quốc tế và dẫn đến chiến tranh. Như đã đề cập ở chương trước, từ năm 1816 đến 2008, trong 213 cuộc nội chiến diễn ra thì có 49 trường hợp có sự can thiệp quân sự của bên thứ ba, kết cục là 23 phần trăm các cuộc nội chiến đã bị “quốc tế hóa”. Những con số thống kê này làm dấy lên câu hỏi quan trọng về việc sử dụng can thiệp quân sự cho ngoại giao cưỡng bức. Liệu việc can thiệp có mang lại hiệu quả tích cực hay làm cho tình hình tệ hơn? Nó có thể giúp giải quyết các vấn đề an ninh nhanh hơn hay khiến nước khởi xướng can thiệp đó sa lầy?
Các nhà làm chính sách ngày nay còn bất đồng về việc sử dụng cưỡng bức quân sự một cách hợp lý. Nghiên cứu về ngoại giao cưỡng bức cho thấy rằng sự thành công của nó phụ thuộc vào bối cảnh của từng tình huống cụ thể. Các điều kiện sau đây được cho là giúp ích cho việc sử dụng hiệu quả ngoại giao cưỡng chế (Art 2005; Pape 1996; George 1991):
· Nước sử dụng biện pháp ép buộc phải xác định rõ mục tiêu. Các yêu cầu của cường quốc sử dụng ngoại giao cưỡng ép phải được nước mục tiêu hiểu rõ. Ngăn quốc gia mục tiêu không làm điều gì đó thì dễ hơn là yêu cầu quốc gia đó làm một điều mà nó không muốn làm.
· Sự bất đối xứng của động cơ thiên về nước sử dụng ngoại giao ép buộc. Ưu thế quân sự không đủ để đảm bảo thành công. Cường quốc sử dụng ngoại giao ép buộc phải dễ bị kích thích hành động bởi những mối nguy hiểm hơn là quốc gia mục tiêu. Nhân tố thời gian là rất quan trọng. Việc cưỡng bức quân sự dường như chỉ có hiệu quả khi nó diễn ra trước khi quốc gia mục tiêu quyết định dứt khoát về vấn đề nó đang phải đối mặt, và khi có sự bất đồng giữa các phe phái trong chính phủ của quốc gia mục tiêu. Sẽ khó hơn rất nhiều cho cường quốc áp đặt đảo ngược một việc gì đó mà quốc gia mục tiêu đã quyết định.
· Đối phương cảm thấy nguy cơ của sự leo thang xung đột và tin vào sự khẩn cấp của việc tuân thủ. Cường quốc áp đặt phải tạo ra trong tâm trí kẻ thù ý thức cấp bách phải tuân theo yêu cầu. Hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nhận thức của đối phương: (1) Cường quốc áp đặt có uy tín với những thành công sử dụng sức mạnh quân sự trong quá khứ và (2) khả năng của cường quốc đó gia tăng áp lực đến một mức mà quốc gia mục tiêu không chịu được. Sự ép buộc thường sẽ thất bại nếu quốc gia mục tiêu có khả năng hấp thụ sự trừng phạt mà bên cưỡng bức đưa ra.
· Sự ủng hộ đầy đủ trong nước và quốc tế với nước sử dụng. Ngoài việc có sự ủng hộ chính trị tại quê nhà, cường quốc thực hiện ép buộc cũng cần có sự ủng hộ từ các quốc gia chủ chốt và các tổ chức quốc tế.
· Rõ ràng trong các điều khoản về giải quyết vấn đề. Cường quốc ép buộc cần phải đưa ra rõ điều kiện cụ thể để chấm dứt khủng hoảng, cũng như đưa ra sự đảm bảo về việc không đưa ra các yêu cầu mới khi quốc gia mục tiêu đã chấp nhận. Đưa ra sự khích lệ tích cực với nước mục tiêu để hạ thấp chi phí cho việc tuân thủ. Việc tưởng thưởng như vậy tăng thêm cơ hội thành công nếu được thực hiện sau chứ không phải trước khi thể hiện đe dọa sử dụng vũ lực. Ngoại giao cưỡng bức sẽ hiệu quả hơn khi nước mục tiêu hiểu rằng đối thủ đang muốn thay đổi chính sách chứ không phải là thay đổi chế độ.
Mặc dù các điều kiện này có thể cải thiện khả năng thành công của ngoại giao cưỡng bức, nó không hẳn đảm bảo cho một kết quả thuận lợi. Trong lịch sử thì ngoại giao cưỡng bức có tỉ lệ thành công là 32 phần trăm (Art 2003, 387). Các nhà lãnh đạo quốc gia dựa vào chính sách ngoại giao ép buộc cũng bắt đầu một tiến trình mà họ không có một sự kiểm soát hoàn toàn.
Vì những sự không chắc chắn của việc sử dụng sức mạnh quân sự, các quốc gia thường sử dụng các phương pháp phi quân sự để thay đổi hành vi của đối thủ.
Triệu hồi đại sứ và chấm dứt giao lưu văn hóa hay trao đổi khoa học là một vài dấu hiệu để các quốc gia cho thấy sự không hài lòng. Trừng phạt kinh tế cũng là một biện pháp nổi trội trong lĩnh vực ngoại giao ép buộc. Trừng phạt kinh tế được coi là một đối sách phù hợp với các mối đe dọa lợi ích an ninh ít quan trọng hơn (Haass 1997).
Trừng phạt kinh tế
Khi các thành viên Ả Rập thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) áp dụng một lệnh cấm vận nhập dầu vào Mỹ và Hà Lan hồi năm 1973, mục đích của họ là để thay đổi chính sách của các quốc gia này đối với xung đột Ả Rập – Israel. Khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc quyết định hồi tháng tám năm 1990 là tổ chức này sẽ chấm dứt hoạt động thương mại với Iraq, mục đích của Liên Hợp Quốc là muốn Iraq rút quân ngay lập tức và vô điều kiện ra khỏi Kuwait. Cả hai đều là ví dụ của việc sử dụng trừng phạt kinh tế [27] - hành động có mục đích nhằm trừng phạt quốc gia mục tiêu bằng cách áp dụng lệnh hạn chế thương mại và tài chính trong các quan hệ kinh tế bình thường.
Dùng các biện pháp trừng phạt kinh tế là cách tiếp cận ngày càng phổ biến để khiến một quốc gia từ bỏ các hành động không được chấp nhận. Các biện pháp này bao gồm một loạt các công cụ: ngăn cản nguồn viện trợ nước ngoài, áp đặt thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với nước mục tiêu, tẩy chay sản phẩm, đưa ra một lệnh cấm vận về việc bán hàng với nước mục tiêu và đóng băng tài sản các nước này đang gửi tại các ngân hàng địa phương. Từ Thế Chiến I đến năm 1990, 120 lệnh trừng phạt kinh tế đã được áp dụng, 104 trong số đó được ban hành kể từ Thế Chiến II (Hufbauer, Schott, Elliott 1990). Từ giữa những năm 1990 “nhiều lệnh trừng phạt kinh tế với nhiều loại hình được thực hiện bởi nhiều quốc gia khác nhau và tổ chức quốc tế hơn bao giờ hết” (Allen 2005).
Nguyên nhân cho việc áp dụng các biện pháp trừng phạt như là công cụ để tạo ảnh hưởng xuất phát từ việc các biện pháp này tránh sử dụng tới sức mạnh quân sự. Cưỡng bức quân sự rất dễ bị phản tác dụng, làm cạn kiệt ngân sách quốc gia, gây ra những tổn thất không đáng có và gây ra chỉ trích mạnh mẽ ở trong nước và trên thế giới. Nếu so sánh thì trừng phạt kinh tế có vẻ ít nguy hiểm và ít tốn kém hơn.
Một lý do khác của việc trừng phạt kinh tế được sử dụng ngày càng nhiều đó là các nền kinh tế ngày nay ngày càng hội nhập thông qua thương mại, làm tăng sự phụ thuộc của một quốc gia vào các nước khác vì chính sự thịnh vượng của mình. Điều này khiến cho việc trừng phạt bằng cách đe dọa quốc gia mục tiêu bị mất đi thị trường xuất khẩu trở nên hiệu quả hơn so với trước đây khi các quốc gia vẫn có thể chịu đựng được lệnh cấm vận đối với buôn bán các sản phẩm của nước mình. Tương tự như vậy, các quốc gia phụ thuộc vào việc nhập khẩu cung ứng năng lượng từ nước ngoài cũng dễ bị ảnh hưởng bởi trừng phạt kinh tế do gián đoạn nguồn cung khiến nền kinh tế bị đình trệ.
Nghiên cứu về hiệu quả của các trừng phạt kinh tế chỉ ra rằng trừng phạt tài chính đối với tài sản và đầu tư sẽ có tỉ lệ thành công cao hơn trừng phạt thương mại (Cortwright và Lopez 1995). Hình thức thứ hai (trừng phạt thương mại) gây áp lực với một nước bằng cách ngăn chặn nhập khẩu sẽ hiệu quả hơn khi (1) ở nước mục tiêu, nhu cầu không co dãn đối với hàng hóa đó, (2) nước mục tiêu đang thiếu nguồn cung mặt hàng đó, (3) không có sản phẩm thay thế rẻ tiền cho mặt hàng đó và (4) việc trừng phạt nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía. Tuy nhiên, trừng phạt kinh tế càng gây ra nhiều tổn thất lợi ích kinh tế cho quốc gia áp dụng bao nhiêu (ví dụ như việc mất doanh số bán hàng) thì càng khó để quốc gia đó áp dụng biện pháp này lâu dài và triệt để để đưa đến thành công (Xem Áp dụng: Ai đang trừng phạt ai?).
Áp dụng: Ai trừng phạt ai?
Trừng phạt kinh tế thường hứa hẹn nhiều hơn những gì nó có thể tạo ra vì chính quyền nước mục tiêu có thể có các biện pháp ứng phó nhằm đẩy lùi sự ảnh hưởng. Madeleine Albright từng là Ngoại trưởng Mỹ từ 1997 đến 2001. Trong đoạn trích sau, bà mô tả những ảnh hưởng trong nước ép buộc có thể làm suy yếu hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia mục tiêu:
Khi tôi còn là Ngoại trưởng, Tổng thống Clinton đã ra một đặc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Sudan do chính phủ nước này bị cho là vi phạm nhân quyền, đánh bom các trường học, cung cấp viện trợ và dung dưỡng khủng bố. Điều này dường như có vẻ đơn giản và tôi cũng ủng hộ nó; nhưng dường như chuyện không đơn giản như vậy, lý do là vì sản phẩm nhựa cây. Cao su Ả Rập có nguồn gốc từ cây keo là một chất nhũ hóa tự nhiên được sử dụng trong các sản phẩm như kẹo thanh, cola, mỹ phẩm và pháo hoa. Hai nhà máy sản xuất hàng đầu của Mỹ đặt ở New Jersey, trong khi đó 80% nguồn cung cấp toàn cầu là từ Sudan. Tôi ngay lập tức nhận được một cú điện thoại của Nghị sĩ Robert Menendez từ New Jersey yêu cầu không áp dụng biện pháp trừng phạt đối với cao su Ả Rập. Tôi hỏi ông “Làm sao ông có thể yêu cầu một lệnh miễn xử phạt đối với Sudan khi ông kịch liệt phản đối bất kỳ ngoại lệ nào đối với lệnh cấm vận Cuba.” Ông trả lời: “Công ăn việc làm.” Bất chấp sự phản đối của tôi, Menendez giành được quyền miễn xử phạt với cao su Ả Rập. Năm 2007, chính quyền Bush công bố kế hoạch tìm kiếm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Sudan do tội ác diệt chủng ở Darfur. Đại sứ Sudan ở Washington phản ứng bằng cách tổ chức một cuộc họp báo. Đứng giữa các màn hình hiển thị các sản phẩm nước giải khát, ông cảnh báo rằng nước ông sẽ trả đũa lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc bằng cách ngăn chặn lô hàng cao su Ả Rập đến Mỹ – đe dọa bằng cách đánh chúng ta bằng cây gậy mà chúng ta định dùng để trừng phạt Sudan. Đó là vấn đề của lệnh trừng phạt: đôi khi không rõ ai đang trừng phạt ai (Albright 2008, 96 – 97).
Chính sách đối ngoại theo Albright “không giống như tập tennis nơi bạn đập bóng vào một hàng rào bê tông và bóng bị trả thẳng lại. Nó giống như thi đấu tại Wimbledon hơn, nơi mà đối thủ có những thủ thuật riêng mình.” Như vậy, bà kết luận “việc sử dụng cấm vận kinh tế với tập hợp các quy tắc cứng nhắc không thuận lợi hơn việc sử dụng lực lượng quân sự. Mỗi tình huống có các hoàn cảnh riêng biệt.”
Năm mục tiêu chính sách chính mà các quốc gia thường theo đuổi khi áp dụng trừng phạt kinh tế để gây áp lực với quốc gia mục tiêu:
· Tuân thủ (“buộc quốc gia mục tiêu thay đổi hành vi của mình để phù hợp với mong muốn của bên khởi xướng lệnh trừng phạt”) như trong trường hợp lệnh cấm vận thương mại của Mỹ với Libya năm 1982 được đưa ra để buộc nước này chấm dứt việc hỗ trợ cho khủng bố.
· Lật đổ (“để loại bỏ các nhà lãnh đạo của nước mục tiêu…hay để lật đổ chế độ”) như trường hợp lệnh cấm vận thương mại của Mỹ với Haiti năm 1993 – 1994 hay nỗ lực của Mỹ để lật đổ Saddam Hussein ở Iraq hồi năm 2002.
· Răn đe (“để ngăn cản quốc gia mục tiêu lặp lại các hành động tranh chấp trong tương lai) như trong trường hợp lệnh cấm vận ngũ cốc Liên Xô của Mỹ.
· Biểu tượng quốc tế (“để gửi thông điệp cho các thành viên khác trong cộng đồng thế giới”) như trường hợp trừng phạt của Anh với Rhodesia khi nước này đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 1965.
· Biểu tượng trong nước (“dùng hành động dứt khoát để tăng cường sự ủng hộ trong nước hay để ngăn chặn sự chỉ trích quốc tế với chính sách đối ngoại của mình qua hành động quyết đoán”) như trong trường hợp lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran sau khi Iran bắt giữ các nhà ngoại giao Mỹ năm 1979 (Lindsay 1986).
Cho dù được sử dụng vào nhiều mục đích, rất hiếm khi việc các nhà hoạch định chính sách ủng hộ sử dụng trừng phạt kinh tế lại không gây nên sự chỉ trích. Các nhà phê bình luôn cho rằng việc trừng phạt là không hiệu quả khi nó luôn dễ dàng bị vượt qua. Tệ hơn, nó còn có thể bị phản tác dụng, gây ra các cuộc biểu tình ủng hộ cho chính quyền nước mục tiêu và làm tổn thương các nhóm không có quyền hơn là giới tinh hoa cầm quyền (Pape 1997). Thực tế là, trừng phạt kinh tế có một lịch sử không nhất quán. Có những lúc nó đã thành công như trong trường hợp Libya khi sau mười năm chịu áp lực quốc tế, nhà độc tài Muammar Qaddafi đã phải giao cho các cường quốc châu Âu xét xử các nghi phạm người Libya bị cho là đánh bom chuyến bay Pan Am số 103 của Scotland năm 1988 khiến 280 hành khách thiệt mạng. Nhưng dù có một số trường hợp thành công, thực tế lịch sử đều cho thấy sự nghi ngờ về khả năng thành công của các biện pháp trừng phạt cho dù được thực hiện bởi quốc gia có quyền lực kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ. Từ 1970 đến 1990, “chỉ có 5 trong 39 trừng phạt đơn phương của Mỹ [đạt được] thành công” (Elliott 1998, 58). Dễ thấy nhất trong nhiều thất bại của Mỹ khi áp dụng ép buộc kinh tế là trường hợp trừng phạt Cuba. Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt sau khi chính quyền Castro lên cầm quyền không lâu từ năm 1959 và trở thành đồng minh với Liên Xô. Để đáp trả, Washington đã cấm tất cả hoạt động thương mại với Cuba và ép buộc các nước khác làm điều tương tự với hy vọng lật đổ chính quyền Castro. Mục tiêu này có vẻ đã không thành công bởi chính quyền này vẫn tồn tại ngay cả sau khi Fidel Castro thôi nắm quyền do bệnh tật sau gần nửa thế kỷ tại vị.
Cuba thường được viện dẫn như ví dụ tốt nhất cho các rào cản cố hữu đối với trừng phạt thành công. Những thất bại tiếp theo của Mỹ bao gồm sự bất lực trong việc áp dụng cấm vận một phần trong việc bán ngũ cốc cho Liên Xô khi nước này can thiệp vào Afghanistan năm 1979 cũng như sự bất lực của Reagan trong việc thi hành trừng phạt năm 1981 để ngăn Ba Lan và Liên Xô xây đường ống dẫn dầu xuyên Siberia để đưa năng lượng của Liên Xô đến với thị trường châu Âu. Những ví dụ này cho thấy rằng các trừng phạt hiếm khi gây ra ảnh hưởng lớn đến việc thay đổi chính sách của nước mục tiêu. Theo một khảo sát thống kê, các biện pháp trừng phạt chỉ có khoảng một phần ba là có hiệu quả và chỉ tác động đến khoảng 2,5 phần trăm đối với GNP của nước mục tiêu trong vòng ba năm (Hufbauer, Schott, và Elliott 1990). Hơn nữa các biện pháp trừng phạt cũng ít khi có hiệu quả trong việc ngăn ngừa chiến tranh. Một nghiên cứu khoảng 200 trường hợp cho thấy rằng khi lệnh trừng phạt áp dụng đối với một chính phủ thì nguy cơ xung đột quân sự thực sự xảy ra giữa hai nước “tăng lên gấp sáu lần so với khi không áp dụng các biện pháp trừng phạt” (Foreign Policy, tháng bảy/ tháng tám 2007, 19). Thay vì đạt được các mục tiêu về chính sách đối ngoại như việc tuân thủ, lật đổ, hay răn đe, thì trừng phạt kinh tế chủ yếu chỉ đóng chức năng biểu tượng quan trọng khi công bố hành vi không chấp nhận được của các quốc gia khác.
Hạn chế của trừng phạt kinh tế như là một công cụ ngoại giao cưỡng bức có thể thấy qua nỗ lực bất thành trong việc lật đổ nhà độc tài Iraq Saddam Hussein sau chiến tranh Vùng vịnh Ba Tư năm 1991. Bất chấp lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, Hussein vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu ra chợ đen thông qua các doanh nghiệp mượn danh và mua vũ khí từ các nhà sản xuất nước ngoài trong khi dân thường Iraq phải chịu ảnh hưởng của cấm vận. Điều này đã khiến Liên Hợp Quốc bắt đầu thử nghiệm các chương trình trừng phạt “thông minh” (Cortright và Lopez 2002) nhắm đến mục tiêu là giới tinh hoa thuộc chính phủ chứ không phải dân thường vô tội.
Rất khó để lựa chọn giữa sử dụng lực lượng quân sự và trừng phạt kinh tế khi các nhà lãnh đạo phải đối mặt với các tình huống cần đến các biện pháp cưỡng chế. Biện pháp trừng phạt kinh tế có thể vẫn sẽ được lựa chọn nhiều vì nó cho phép các nhà lãnh đạo thực hiện việc cưỡng bức mà không phải chịu các chi phí và rủi ro của việc cưỡng bức quân sự. Chính vì vậy các biện pháp trừng phạt vẫn sẽ là công cụ chính cho nghệ thuật lãnh đạo đất nước trong tương lai.
Xây dựng an ninh thế giới
Từ thời xưa, việc chuẩn bị chiến tranh thường được xem như điều kiện tiên quyết để bảo đảm an ninh.
Việc kêu gọi một chính sách “hòa bình thông qua sức mạnh” là dễ hiểu trong một thế giới mà các quốc gia phải tự chịu trách nhiệm cho sự tự vệ của mình. Cựu tổng thống Dwight Eisenhower đã từng nói “cho đến khi trong quan hệ quốc tế không còn tồn tại chiến tranh thì việc không chuẩn bị cho nó là một tội ác cũng gần như là chiến tranh.”
Nỗi lo sợ về sự dễ tổn thương trong một môi trường hỗn loạn và tự thân vận động đã khiến các nhà hoạch định quốc phòng phải đưa ra những giả định xấu nhất về năng lực và ý định của các quốc gia khác. Cho dù nước láng giềng chỉ tích lũy năng lực quân sự với mục đích tự vệ, điều này cũng có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ. Nhà triết học chính trị thế kỷ XVIII Jean-Jacques Rousseau đã nhận xét “các quốc gia luôn cảm thấy mình yếu nếu gặp một quốc gia mạnh hơn”. “Nhu cầu an ninh và tự bảo vệ đòi hỏi một quốc gia phải trở nên mạnh hơn nước láng giềng. Quốc gia đó có thể tăng cường, nuôi dưỡng và thực thi quyền lực của mình, qua đó tạo bất lợi cho các nước láng giềng... Một quốc gia trở nên nhỏ hay lớn, mạnh hay yếu tùy thuộc vào việc nước láng giềng phát triển hay thu hẹp, trở nên cường thịnh hơn hay suy tàn.
Rousseau nhắc chúng ta rằng quyền lực quốc gia là tương đối. Những nỗ lực của một quốc gia để đạt được an ninh tuyệt đối cũng đồng nghĩa với tạo ra tình trạng mất an ninh tuyệt đối của các quốc gia khác, kết quả là các nước khác sẽ liên tục đưa ra các đối sách dẫn đến việc suy giảm an ninh cho tất cả. Các học giả gọi nó là thế lưỡng nan an ninh, trạng thái mà một nước tăng cường khả năng quân sự dẫn đến việc các quốc gia khác cũng tăng cường tiềm lực quốc phòng tương ứng, kết quả là hai bên không hề an ninh hơn trước khi bắt đầu trang bị vũ khí (Snyder 1984; Jevis 1976). “An ninh dựa trên sức mạnh chỉ là ảo tưởng.” Nhà lý luận người Pháp Raymond Aron kết luận khi quan sát Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. “Nếu một bên cảm thấy an toàn trước một cuộc tấn công, thì bên kia sẽ cảm thấy số phận của mình sẽ do bên kia quyết định.”
Việc liệu chuẩn bị chiến tranh sẽ đem lại mối đe dọa hay sự đảm bảo đã đặt ra một câu hỏi khó chịu về an ninh quốc gia. Câu hỏi này thách thức các phương pháp tiếp cận an ninh quốc gia hiện tại trong suốt lịch sử thế giới. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng các câu hỏi như vậy là có lý. Theo cách suy nghĩ của họ an ninh quốc gia phải được định nghĩa rộng hơn bao gồm các mối đe dọa phi quân sự, các mối đe dọa xuyên quốc gia, các mối nguy về môi trường, kinh tế và bệnh dịch mà có thể gây nguy hiểm cho tương lai toàn cầu. Vấn đề đặt ra là liệu cách suy nghĩ mới này về an ninh có được chấp nhận rộng rãi hay phương pháp tiếp cận cũ vẫn tiếp tục được các nhà hoạch định chính sách tại các thủ đô trên thế giới sử dụng. Chương tiếp theo nghiên cứu việc những cách sử dụng vũ lực, liên minh và cân bằng quyền lực mà các nhà lãnh đạo, tin rằng chính trị hiện thực là con đường an toàn nhất đến với hòa bình, theo đuổi.
Tóm tắt
Trong chính trị thế giới, quyền lực chỉ năng lực của một chủ thể quốc tế trong việc kiểm soát hành vi của một chủ thể khác, khiến các chủ thể tiếp tục làm gì đó, thay đổi những điều đang thực hiện hay ngăn cản các chủ thể làm gì đó.
Cho dù các học giả đều đồng ý rằng các quốc gia có khả năng không tương xứng trong việc gây ảnh hưởng tới quốc gia khác, có rất ít sự đồng thuận về cách cân đo các yếu tố khác nhau của quyền lực quốc gia. Tác động của quyền lực còn dựa vào tình huống thương lượng giữa hai nước và đặc biệt dựa vào cách các nhà lãnh đạo nhận thức quyền lực.
Các nhà lãnh đạo luôn có xu hướng cho rằng an ninh là kết quả của quyền lực còn quyền lực là kết quả của năng lực quân sự.
Khi các quốc gia càng bỏ ra nhiều tiền vào vũ khí thì năng lực khởi động chiến tranh ngày càng trở nên phổ biến. Các quốc gia ít có khả năng chi trả cho một lượng lớn các loại vũ khí sẽ sẵn sàng hy sinh nhiều điều để có được nó như là việc giảm chất lượng sống của người dân cũng như lùi các chương trình phúc lợi xã hội, các chương trình phát triển kinh tế.
Sự phát triển công nghệ vũ khí làm tăng khả năng hủy diệt của vũ khí cũng như tăng phạm vi và độ chính xác của chúng.
Mặc dù bề ngoài các quốc gia trang bị vũ khí cho mục đích phòng thủ, các quốc gia láng giềng lại coi điều này như một mối đe dọa. Khi các nước khác có năng lực vũ khí ngang với lượng mà một quốc gia đó mới tăng lên, tất cả sẽ phải trả chi phí cao hơn mà vẫn không đạt được mức độ an ninh cao hơn trước khi vòng luẩn quẩn xảy ra.
Các quốc gia có ưu thế quân sự hơn các đối thủ khác thường có xu hướng coi vũ khí như là công cụ cho để cưỡng chế trong đàm phán. Cả việc áp đặt và ngăn chặn đều dùng đến đe dọa về sử dụng lực lượng quân sự. Việc ngăn chặn cần đến ba thành tố: (1) năng lực – sở hữu nguồn lực quân sự có khả năng thực hiện trả thù; (2) mức độ khả tín – các quốc gia khác phải tin rằng quốc gia này sẵn sàng thực hiện các đe dọa của mình; và (3) thông tin liên lạc – khả năng truyền đến đối thủ thông điệp rõ ràng về khả năng và ý định của nước đe dọa.
Các cuộc tấn công quân sự phủ đầu sẽ dẫn tới việc sử dụng vũ lực để đáp trả các mối đe dọa; các cuộc tấn công phòng ngừa có mục tiêu nhằm vào các mối đe dọa có thể xảy ra trong tương lai.
Sự phụ thuộc lẫn nhau trên tầm quốc tế đã làm tăng lên cơ hội sử dụng công cụ kinh tế với mục đích cưỡng chế cho dù chúng thường không đạt được mục tiêu của mình. Tuy nhiên, trừng phạt kinh tế có chức năng quan trọng mang tính biểu tượng, đưa ra một chính sách thay thế cho việc sử dụng lực lượng quân sự là một cách để công bố những hành vi không chấp nhận được của các quốc gia khác.
Dù cho các chính sách an ninh trong thế kỷ 21 vẫn sẽ tập trung vào việc đe dọa quân sự, một số học giả cho rằng các mối đe dọa an ninh phi truyền thống sẽ được coi trọng hơn, bao gồm biến đổi khí hậu toàn cầu, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên hữu hạn của Trái đất và vấn đề dịch bệnh.
Bài đọc gợi ý
Arreguín-Toft, Ivan.How the Weak Win Wars: A Theory of Asymmetric Conflict.Cambridge: Cambridge University Press, 2005.
Caldwell, Dan, and Robert E. Williams.Seeking Security in an Insecure World. Lanham,MD.: Rowman & Littlefield, 2006.
Mandel, Robert.The Meaning of Military Victory. Boulder, CO: Lynne Rienner, 2006.
Morgan, Patrick.International Security: Problems and Solutions. Washington, D.C.: CQPress, 2006.
Preston, Thomas.From Lambs to Lions: Future Security Relationships in a World of Biologicaland Nuclear Weapons. Landham, MD: Rowman & Littlefield, 2007.
Chú thích:
1. Tiềm năng Quyền lực (power potential): năng lực hay nguồn lực tương đối mà một quốc gia nắm giữ, được coi là cần thiết để thiết lập ảnh hưởng của quốc gia đó tới các quốc gia khác.
2. Chi phí cơ hội (opportunity cost): một khái niệm trong những lý thuyết về ra quyết định, theo đó khi sử dụng nguồn lực cho mục đích này thì sẽ không còn cơ hội sử dụng cho một mục đích khác. Do vậy, mọi lựa chọn đều bao hàm chi phí của một cơ hội mất đi.
3. Tổ hợp công nghiệp – quân sự (Military-industrial complex): một khái niệm được TT Mỹ Eisenhower đưa ra mô tả liên minh giữa các nhà sản xuất vũ khí, bộ máy quân sự quan liêu và các quan chức cao cấp trong chính phủ thúc đẩy chi tiêu quốc phòng vì lợi nhuận và quyền lực của liên minh này.
4. Phổ biến vũ khí (proliferation): việc lan rộng năng lực quân sự tới các quốc gia trong hệ thống.
5. Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT): một thỏa thuận quốc tế nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân bằng cách cấm các hoạt động bán, mua lại và sản xuất vũ khí hạt nhân.
6. Bệ phóng đa đầu đạn phân hướng (MIRVs): một công nghệ mới cho phép tải nhiều đầu đạn trên một hỏa tiễn duy nhất.
7. Bom thông minh (smart bomb): công nghệ vũ khí định hướng chính xác cho phép một quả bom tự tìm mục tiêu và phát nổ tại thời điểm gây nhiều thương vong nhất.
8. Vành đai phòng hỏa (firebreak): vành đai tâm lý phân định chiến tranh thường và chiến tranh hạt nhân.
9. Mùa Đông hạt nhân (nuclear winter): sự đóng băng dự kiến xảy ra với khí hậu Trái đất từ hậu quả của khói và bụi do sử dụng vũ khí hạt nhân, ngăn ánh sáng mặt trời và hủy hoại cây cối cũng như sinh vật sống sau vụ nổ.
[10] Ép buộc (compellence): đe dọa sử dụng vũ lực nhằm làm cho kẻ thù phải nhượng bộ trái với mong muốn của họ.
[11] Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship): chấp nhận trả giá lớn trong thương lượng với kẻ thù để ép buộc sự nhượng bộ của kẻ thù.
[12] Trả đũa khủng khiếp (massive retaliation): một chính sách đáp trả một hành vi hiếu chiến với khả năng gây tổn thương lớn nhất có thể, kể cả việc sử dụng vũ khí hạt nhất.
[13] Chiến lược nhằm vào các mục tiêu giá trị (countervalue targeting strategy): nhắm mục tiêu vũ khí hạt nhân vào nguồn lực phi quân sự đáng giá nhất của kẻ thù, chẳng hạn như con người và các khu công nghiệp ở một thành phố (đôi khi được gọi là nhắm vào mục tiêu thành thị).
[14] Chiến lược nhằm vào mục tiêu quân sự (counterforce targeting strategy): tập trung vũ khí hạt nhân nhắm vào cơ sở quân sự của đối thủ.
[15] Răn đe (deterrence): chiến lược được thiết kế để ngăn cản đối thủ làm những điều đáng ra nó sẽ làm.
[16] Năng lực đánh trả lần hai (second strike capability): năng lực của một quốc gia để đánh trả lại sau khi chịu cuộc tấn công đầu tiên bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
[17] Bộ ba (triad) sự kết hợp của ICBMs, SLBMs và máy bay ném bom tầm xa trong một lực lượng hạt nhân đánh trả lần hai.
[18] Sự hủy diệt lẫn nhau chắc chắn (Mutual assured destruction): hệ thống răn đe trong đó cả hai bên đều có khả năng tồn tại sau cuộc tấn công đầu tiên và thực hiện cuộc tấn công trả đũa có sức hủy diệt.
[19] Lý thuyết sử dụng hạt nhân (NUTS): tư tưởng chiến lược cho rằng những răn đe dễ trở thành hiện thực hơn nếu vũ khí hạt nhân được thiết kể để có thể sử dụng dễ dàng.
[20] Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI) một kế hoạch được chính quyền Reagan đưa ra để triển khai một hệ thống chống tên lửa đạn đạo sử dụng tia laze trên không gian nhằm phá hủy tên lửa của đối phương. Dù vậy trong suốt những năm còn lại của Chiến tranh Lạnh Mỹ vẫn không thể xây dựng được hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo có độ tin cậy.
[21] Đánh phủ đầu (preemption): cuộc chiến được thực hiện để loại trừ khả năng đối thủ có được năng lực để tấn công trong tương lai.
[22] Chiến tranh phòng ngừa (preventive war): chiến tranh thực hiện để loại trừ việc có thể bị kẻ thù tấn công trong tương lai.
23. Ngoại giao cưỡng buộc (coercive diplomacy): việc sử dụng đe dọa hay một phần lực lượng quân sự để khiến đối thù thay đổi chính sách đối nội hay đối ngoại.
24. Tối hậu thư (ultimatum): một yêu cầu kèm theo một thời hạn phải thực hiện và một sự đe dọanhay trừng phạt nếu phản kháng.
25. Can thiệp quân sự (military intervention): việc một hay nhiều quốc gia công khai hay bí mật sử dụng lực lượng ra ngoài biên giới của mình để ảnh hưởng đến chính phủ và các chính sách của nước mục tiêu.
26. Chiến dịch ngầm (covert operations) các hoạt động ngầm được thực hiện bởi một quốc gia bên ngoài biên giới của mình một cách bí mật để đạt được mục tiêu chính trị hay quân sự cụ thể.
27. Trừng phạt kinh tế (economic sanctions): việc sử dụng các biện pháp trừng phạt thương mại, tiền tệ chẳng hạn như lệnh cấm vận nhằm gây tổn hại cho nền kinh tế của quốc gia kẻ thù từ đó ảnh hưởng đến chính sách của nước này.
About authors:
Charles W. Kegley, Jr. is the Vice Chair of the Board of Trustees of the Carnegie Council for Ethics in International Affairs and the Distinguished Pearce Professor of International Relations Emeritus at the University of South Carolina. A graduate of American University and Syracuse University, and a Pew
Faculty Fellow at Harvard University, Kegley served as a past president of the International Studies Association (1993–1994), and has held faculty appointments at Georgetown University, the University of Texas, the People’s University of China, and the Graduate Institute of International Studies, Geneva. A recipient of the Distinguished Scholar Award in Foreign Policy from the International Studies Association, Kegley’s most recent of four dozen published books is World Politics: Trend and Transformation (coauthored with Shannon L. Blanton).
Charles W. Kegley, Jr. is founding partner of Kegley International, Inc. and Distinguished Pearce Professor of International Relations Emeritus at the University of South Carolina, where he served as chairman of the Department of Government and International Studies 1981–85 and as co-director (with Lawrence S. Eagleburger) of the Byrnes International Center from 1985–88.
He has held faculty appointments at Georgetown University, the University of Texas, the People's University of China, Rutgers University, the Institut Universitaire de Hautes Etudes Internationales in Geneva, and was a Pew Faculty Fellow at Harvard University. He served as president of the International Studies Association 1993–94.
Writing and publishing extensively, his books include The Global Future 4th Edition (2012), World Politics: Trend and Transformation 14th Edition (2012), and After Iraq: The Imperiled American Imperium (2007).
Selected Publications:
- American Foreign Policy with Infotrac: Pattern and Process (with Eugene R. Wittkopf and James M. Scott, 2003)
- World Politics: Trend and Transformation (with James R. Wittkopf, 1992, 1994, 2003)
- Exorcising the Ghost of Westphalia: Building World Order in the New Millenium (with Gregory A. Raymond, 2002)
- From War to Peace: Fateful Decisions in International Politics (with Gregory A. Raymond, 2002)
- How Nations Make Peace (with Gregory A. Raymond, 1998)
- The New Global Terrorism: Characteristics, Causes, Controls (Editor, 1990)
Gregory A. Raymond holds the Frank and Bethine Church Chair of Public Affairs at Boise State University. A graduate of Park College and the University of South Carolina, and a Pew Faculty Fellow at Harvard University, he was selected as the Idaho Professor of the Year (1994) by the Carnegie Foundation
for the Advancement of Teaching. Raymond has been awarded nine teaching excellence awards from various faculty, student, and alumni organizations at Boise State University. The recipient of the university’s outstanding researcher award, he has published numerous books and journal articles on foreign policy and world politics, and has lectured on international issues at universities and research institutes in 22 countries. He has been supported by travel and research grants from the United States Institute of Peace, the U.S. Department of State, the American Political Science Association, the Idaho Humanities Council, and the Idaho Higher Education Research Council.
Gregory A. Raymond received his Ph.D. in International Studies from the University of South Carolina and was a Pew Faculty Fellow in International Affairs at Harvard University. While at Boise State, he has served as the Director of the Survey Research Center (1986-1989), Chairman of the Political Science Department (1990-1996), Director of the Honors College (1997-2007), and has held the Frank and Bethine Church Chair of Public Affairs at Boise State University (since 2007). Selected as the Idaho Professor of the Year in 1994 by the Carnegie Foundation in Washington, DC, Dr. Raymond has received Boise State’s Outstanding Researcher Award as well as 8 awards for teaching excellence. He has published 17 books and over 100 articles, reviews, and essays on foreign policy and world politics. In addition, he has lectured at universities and research institutes in 22 countries. His work has been supported by grants from the American Political Science Association, the United States Institute of Peace, the United States Department of State, and other government agencies.
Together, Kegley and Raymond have coauthored The Multipolar Challenge (2008), After Iraq: The Imperiled American Imperium (2007), From War to Peace: Fateful Decisions in International Politics (2002), Exorcising the Ghost of Westphalia: Building International Peace in the New Millennium (2002), How Nations Make Peace (1999), A Multipolar Peace? Great-Power Politics in the Twenty-First Century
(1994), and When Trust Breaks Down: Alliance Norms and World Politics (1990). They have also coedited
International Events and the Comparative Analysis of Foreign Policy (1975) and coauthored over two dozen articles in such scholarly journals as the International Studies Quarterly, the Journal of Conflict Resolution, the Journal of Politics, the Journal of Peace Research, International Interactions, and the
Harvard International Review.
* * *
Xem bài liên hệ cùng chủ đề: click vào đây
Xem trang Kiến thức, Tài liệu: click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.net