CUỘC ĐỔ BỘ SẮP ĐẾN (COMING SWARM)
By Paul Scharre
February 18-2015
Lời mở đầu: Đây là loạt 6 bài viết mang tên The Coming Swarm (Cuộc đổ bộ sắp đến) về công nghệ rô-bốt (robotics) và tự động hóa (automation) trong quân sự. Loạt bài là một phần của dự án “Vượt ra khỏi Sáng kiến Bù đắp” (Beyond Offset Initiative) [1], hợp tác thực hiện bởi trang mạng War on The Rocks và Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới (CNAS, Center for New American Security). Giới thiệu loạt bài này để giúp bạn đọc tìm hiểu sâu hơn về công nghệ rô-bốt, cũng như tác động và hàm ý của công nghệ này tới các cuộc chiến tranh trong tương lai. Loạt bài này được đặt dưới góc nhìn của Hoa Kỳ, vốn đang là cường quốc hàng đầu thế giới về công nghệ rô-bốt và các ứng dụng của nó đối với quân sự nói chung.
* * *
1. CÔNG NGHỆ RÔ-BỐT TRONG QUÂN SỰ: TỰ VẬN HÀNH LÀ GÌ?
(Between a Roomba and a Terminator: What is Autonomy?)
By Paul Scharre
Lê Thanh Danh dịch
Nguyễn Thế Phương hiệu đính
War on The Rocks
February 18-2015.
Các lãnh đạo của Bộ Quốc Phòng đã tuyên bố rằng công nghệ rô-bốt và các hệ thống mang tính tự động hóa sẽ là một bộ phận then chốt trong “Chiến lược bù đắp” (Offset Strategy) mới nhằm duy trì sự thống trị về quân sự của Hoa Kỳ (HK). Thế nhưng, tự vận hành hay tự hành (autonomy) là gì? Các hệ thống không người lái đã từng đóng vai trò quan trọng tại Iraq và Afghanistan, từ hỗ trợ tuần tra giám sát trên không đến phá gỡ bom mìn. Nhìn chung, những hệ thống này được vận hành bằng cách điều khiển từ xa, và sự tự động hóa chỉ được giới hạn trong một số chức năng như cất cánh và hạ cánh. Một số lượng lớn các văn bản đề cập tới lộ trình và tầm nhìn của Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả một tương lai mà trong đó các phương tiện không người lái có mức độ tự hành lớn hơn, chuyển đổi dần theo thời gian thành các hệ thống rô-bốt thực thụ. Tuy nhiên, tác động của viễn cảnh kể trên tới cách thức tiến hành chiến tranh của quân đội vẫn còn rất mơ hồ.
Một rô bốt “tự hành hoàn toàn” (fully autonomous) có nghĩa là gì? Để đạt đến “khả năng tự hành hoàn toàn” thì trí tuệ của máy móc phải đạt tới mức nào, và đến khi nào mới đạt được trình độ như thế? Người lính bằng xương bằng thịt sẽ có vai trò gì trong tương lai này khi các rô-bốt được giải phóng khỏi sự kiểm soát của con người?
Sự rối rắm về khái niệm “tự hành” khiến việc tìm đáp án cho những câu hỏi trên trở nên khó khăn. Cụm từ “tự hành” được sử dụng bởi nhiều nhóm khác nhau với những cách thức khác nhau, làm cho việc bàn luận về đích đến cuối cùng của các hệ thống rô-bốt trở nên đặc biệt thách thức. Thuật ngữ “rô-bốt tự hành” (autonomous robot) vừa có thể là một rô-bốt Roomba [2] đối với người này, lại vừa có thể là một “Kẻ hủy diệt” [3] đối với người khác. Những cây bút hay những diễn giả về chủ đề này thường bàn nhiều về “các mức độ của khả năng tự hành” (levels of autonomy), tuy nhiên các mức độ đó của họ lại hiếm khi thống nhất với nhau. Điều này đã dẫn đến việc Ủy ban Khoa học Quốc phòng (Defense Science Board, Hoa Kỳ) quyết định giải thích khái niệm “các mức độ” của khả năng tự hành trong một bản báo cáo mới đây.
Nhằm góp phần làm rõ hơn vấn đề này, tôi (Paul Scharre) sẽ làm sáng tỏ về cách thức chúng ta sử dụng cụm từ trên, vì sao nó trở nên rắc rối, và làm cách nào để chúng ta có thể nhận thức chính xác hơn. Tôi không thể thay đổi được thực tế rằng “tự hành” mang rất nhiều ý nghĩa, và tôi cũng sẽ không cố gắng gò bó tất cả các cách sử dụng khái niệm “tự hành” thành một bảng biểu khác về “các mức độ tự hành”. Tuy nhiên, tôi có thể bổ sung một chút nào đó sự chính xác cần thiết cho cuộc tranh luận.
“Tự vận hành” là gì?
Về cơ bản, tự hành là khả năng một cỗ máy thực hiện một nhiệm vụ mà không cần điều lệnh của con người. Vì vậy, “hệ thống tự hành” (autonomous system) là một cỗ máy, phần cứng hoặc phần mềm, mà khi được kích hoạt sẽ tự thực hiện một số nhiệm vụ hoặc tự hoạt động. Rô-bốt là một hệ thống không người điều khiển (uninhabited system) có khả năng tự vận hành ở một mức độ nhất định. Một cách khái quát, nó có khả năng cảm nhận và phản ứng với môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, những hệ thống tự hành không chỉ giới hạn đối với các phương tiện không người điều khiển. Trên thực tế, các chức năng tự hành, hoặc tự động hóa hiện nay đều được tích hợp lên nhiều hệ thống có người điều khiển. Nhiều xe hơi đã được trang bị những loại thắng chống khóa, hệ thống điều khiển độ ma sát và thăng bằng, tay lái điện, dây an toàn tự thắt khẩn cấp và đệm khí. Các loại xe cao cấp hơn còn có thể được trang bị hệ thống lái xe thông minh, giữ làn đường tự động, tránh va đập và tự đậu xe. Đối với các loại chiến đấu cơ, hệ thống tự động phòng tránh va chạm mặt đất (auto-GCAS) có thể chiếm quyền điều khiển máy bay trong trường hợp viên phi công bị mất phương hướng và sắp lao xuống đất. Các máy bay thương mại hiện đại lại có mức độ tự động hóa cao trong từng giai đoạn của chuyến bay. Gia tăng mức độ tự động hóa hay khả năng tự hành có thể mang lại nhiều lợi ích, như tăng độ an toàn và độ tin cậy, cải thiện thời gian phản ứng và năng lực, giảm gánh nặng về nhân lực để tiết kiệm chi phí, và khả năng thực hiện các chiến dịch khi thông tin liên lạc bị gián đoạn hay trong môi trường khắc nghiệt.
Phân tích mức độ tự hành của một hệ thống có ý nghĩa quan trọng để hiểu được các thách thức và cơ hội đi kèm trong việc gia tăng mức độ tự hành. Có một khoảng cách lớn hiển nhiên giữa một máy Roomba và một “Kẻ huỷ diệt”. Thay vì tìm kiếm trong vô vọng một bộ khung thống nhất về “các cấp độ tự vận hành”, sẽ hiệu quả hơn nếu ta nhìn nhận khả năng tự hành theo 3 trục hoặc phương diện khác nhau. Những phương diện này là độc lập, và tự hành không chỉ tồn tại trên một phương diện, mà là đồng thời trên cả ba phương diện đó.
Ba phương diện của tính tự vận hành
Việc tìm hiểu tính tự vận hành trở nên khó khăn là vì ta thường sử dụng cùng một từ để diễn đạt cả ba khái niệm hoàn toàn khác nhau, bao gồm:
- Mối quan hệ chỉ huy và kiểm soát giữa con người và máy móc (The human-machine command and control relationship)
- Mức độ phức tạp của một cỗ máy (The complexity of the machine)
- Loại chức năng được tự động hóa (The type of decision being automated)
Đây đều là các yếu tố quan trọng đối với các hệ thống tự hành. Tuy nhiên, chúng đều là các phạm trù khác nhau.
Mối quan hệ chỉ huy và kiểm soát giữa con người và máy móc
Máy móc thực hiện một chức năng trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó dừng lại và chờ con người nhập lệnh để tiếp tục hoạt động, thường được gọi là “bán tự hành” (semiautonomous, hay còn có một thuật ngữ khác là “human in the loop”. Các loại máy móc có khả năng tự thực hiện hoàn chỉnh một chức năng, mà con người chỉ có vai trò quan sát nhưng có thể can thiệp nếu máy móc hỏng hóc hay gặp trục trặc, thì được gọi là “tự hành có giám sát” (human-supervised autonomous, hay “human on the loop”). Những loại máy có khả năng tự thực hiện hoàn chỉnh một chức năng và con người không thể can thiệp được gọi là “tự hành hoàn toàn” (fully autonomous, hay “human out of the loop”). Theo cách hiểu này, “tự hành” không nói về trí thông minh của máy móc, mà về mối quan hệ giữa máy móc và người điều khiển.
Mức độ phức tạp của một cỗ máy
“Tự hành” cũng có một cách hiểu hoàn toàn khác đề cập tới mức độ phức tạp của hệ thống. Bất kể mối quan hệ chỉ huy và kiểm soát giữa người và máy móc có như thế nào đi chăng nữa, những từ như “tự động” (automatic), “tự động hóa” (automated), và “tự hành” thường được sử dụng để chỉ các mức độ phức tạp của máy móc. Khái niệm “tự động” được dùng để chỉ các hệ thống có khả năng đáp lại tác động của môi trường một cách đơn giản và máy móc. Điển hình của các hệ thống này có thể kể đến các dây bẫy, mìn, máy nướng bánh và các máy điều nhiệt thế hệ cũ. Khái niệm “tự động hóa” thường được dùng để chỉ các hệ thống phức tạp hơn, hoạt động có tính quy luật, như các mẫu xe hơi tự lái và các máy điều nhiệt hiện đại có khả năng lập trình. Đôi khi, khái niệm “tự hành” cũng được sử dụng cho các loại máy móc có khả năng tự định hướng, tự học hoặc tự thực hiện các hành vi nổi bật mà ta không thể đoán trước được thông qua dữ liệu lập trình của máy. Điển hình có thể kể đến loại rô-bốt có khả năng tự học cách đi đứng hoặc máy điều nhiệt Nest cũng có khả năng “tự học”.
Một số khác sử dụng khái niệm “tự hành” để chỉ những thực thể có trí thông minh (intelligence) và tự do ý chí (free will). Tuy nhiên, những khái niệm này cũng không giúp làm rõ thêm vấn đề. Trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) là một khái niệm đa nghĩa, được sử dụng cho một loạt các phạm trù, từ trí tuệ gần giống như con người hay trí tuệ siêu đẳng hơn con người trong một lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như phần mềm chơi cờ vua (Deep Blue), trò chơi đố vui Jeopardy, hoặc lập trình kế hoạch sửa chữa tàu điện ngầm, đến các hệ thống trong tương lai có trí thông minh như con người hoặc siêu đẳng hơn con người trên mọi phương diện. Thế nhưng, vấn đề trí thông minh nói chung liệu có dẫn đến tự do ý chí, hay thậm chí liệu con người có tự do ý chí hay không, vẫn còn nhiều tranh cãi.
Điều thật sự tạo ra thách thức ở đây chính là việc không tồn tại ranh giới nào rõ ràng giữa các cấp độ phức tạp, từ “tự động” đến “tự động hóa” đến “tự hành” và đến “trí thông minh”, và mỗi người lại có một cách gọi tên khác nhau cho một hệ thống bất kỳ.
Loại chức năng được tự động hóa
Việc gọi một loại máy móc nào đó là “tự hành” hoặc “bán tự hành” sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu không xác định được nhiệm vụ hay chức năng mà nó được giao. Các quyết định khác nhau mà máy móc cần phải đưa ra thể hiện mức độ phức tạp và rủi ro khác nhau. Một quả mìn và một cái máy nướng bánh có mức rủi ro không hề giống nhau, mặc dù chúng đều loại bỏ yếu tố điều khiển của con người một khi được kích hoạt và đều sử dụng các hệ thống công tắc đơn giản. Tuy nhiên, nhiệm vụ được tự động hóa của mỗi vật lại rất khác nhau. Bất kỳ cỗ máy nào cũng có thể vừa có những nhiệm vụ được con người kiểm soát hoàn toàn, lại vừa có những nhiệm vụ khác tự hành hoàn toàn. Ví dụ, một “xe tự hành” có thể tự lái suốt quãng đường từ A tới B, nhưng người lái vẫn tự mình lựa chọn điểm đến cuối cùng. Như vậy, khái niệm tự hành chỉ áp dụng với một số chức năng nhất định.
“Tự hành hoàn toàn” là một cụm từ vô nghĩa
Từ góc độ này, câu hỏi khi nào chúng ta đạt được “tự hành hoàn toàn” là một vấn đề vô nghĩa. Khái niệm tự hành không tồn tại riêng rẽ trong bất kỳ một phạm trù nào. Viễn cảnh con người đối đầu với máy móc là một mô tuýp phổ biến của khoa học viễn tưởng. Một bộ khung lý thuyết tốt hơn cần xác định nhiệm vụ nào được thực hiện bởi con người và nhiệm vụ nào sẽ được thực hiện bởi máy móc. Một văn bản hướng dẫn gần đây của một số quốc gia NATO về tự hành cũng đã đưa ra kết luận tương tự khi đề xuất về một bộ khung xoay quanh “những chức năng tự hành” (autonomous functions) của các hệ thống, thay vì xác định toàn bộ một phương tiện hay một hệ thống là có khả năng “tự hành”.
Quan trọng hơn, ba phương diện về sự tự hành này lại độc lập với nhau. Trí tuệ hay mức độ phức tạp của máy móc là một khái niệm tách biệt khỏi các nhiệm vụ mà nó thực hiện. Việc một cỗ máy có trí thông minh, được gia tăng hoặc lập trình phức tạp hơn để thực hiện một nhiệm vụ, không nhất thiết đồng nghĩa rằng sẽ có nhiều nhiệm vụ hơn được chuyển quyền kiểm soát từ con người sang máy móc. Tương tự, mối quan hệ chỉ huy và kiểm soát giữa con người và máy móc là một vấn đề khác hoàn toàn với mức độ phức tạp của một hệ thống hay các nhiệm vụ mà nó thực hiện. Một máy điều nhiệt có thể tự hoạt động mà không cần sự giám sát hay can thiệp của con người khi bạn rời khỏi nhà, nhưng nó vẫn chỉ có thể thực hiện một nhóm nhất định các chức năng mà thôi.
Thay vì mãi tư duy về “tự hành hoàn toàn”, chúng ta nên tập trung vào sự tự hành tùy theo nhiệm vụ (tùy nhiệm – operationally-relevant autonomy): một sự tự hành “vừa đủ” để hoàn thành công việc được giao. Tùy vào từng nhiệm vụ, môi trường và quá trình liên lạc, các chức năng đạt đến mức độ tự hành tùy nhiệm sẽ trở nên rất khác biệt trong từng hoàn cảnh khác nhau.
Trong lĩnh vực hàng không, tự hành tùy nhiệm có thể hiểu là khả năng tự cất cánh, hạ cánh, bay từ điểm này đến điểm kia của một máy bay dựa trên mệnh lệnh của con người, được giám sát và đưa ra quyết định bởi con người, nhưng không thông qua điều khiển vật lý trực tiếp bằng cần gạt và tay lái. Trong trường hợp đó, xét với các máy bay được tự động hóa cao như Global Hawk hay MQ-1C Gray Eagle, khả năng tự hành tùy nhiệm ngày nay đã được hiện thực hóa. Trong các môi trường mà thông tin liên lạc bị vô hiệu hóa, khả năng tự hành hiện nay là vừa đủ để các máy bay hoàn thành những nhiệm vụ tuần tra trinh sát, làm nhiễu hoặc không kích các mục tiêu cố định đã được lập trình từ trước (mặc dù các nhiệm vụ không kích đòi hỏi sự can dự của con người).
Đối với các phương tiện trên bộ, tự hành tùy nhiệm có thể mang ý nghĩa gần như khả năng một phương tiện tự lái theo mệnh lệnh của con người mà không cần điều khiển vật lý trực tiếp. Hiện nay, khả năng tự hành tùy nhiệm được áp dụng đối với các chiến dịch hành quân theo công nghệ dẫn đường – nối đuôi (leader-follower), hoặc các chiến dịch được con người giám sát. Tuy nhiên, tự hành tuỳ nhiệm vẫn chưa được ứng dụng vào định hướng trong trường hợp liên lạc bị cắt đứt, trong các môi trường phức tạp với nhiều người và chướng ngại vật. Trong khi đó, môi trường dưới lòng biển tuy khó liên lạc hơn nhưng lại có ít chướng ngại vật hơn nên khả năng tự hành tùy nhiệm nay đã được hiện thực hóa. Các phương tiện không người lái dưới lòng biển đã có thể thực hiện một số nhiệm vụ mà không cần sự giám sát của con người.
“Tự hành” không phải là một đích đến ta cần đạt được trong tương lai. Tự hành là một đặc tính sẽ được tích hợp ngày một nhiều vào các chức năng khác nhau trên các hệ thống quân sự, giống như việc xuất hiện ngày một nhiều các chức năng tự hành của xe hơi như: tự động giữ làn đường, tránh va đập, tự đậu xe… Theo đó, con người vẫn cần thiết trong nhiều nhiệm vụ quân sự, cụ thể là các nhiệm vụ yêu cầu sử dụng sức mạnh. Sẽ không có hệ thống nào trở nên “tự hành hoàn toàn” theo kiểu có thể tự thực hiện tất cả những nhiệm vụ quân sự tồn tại trên đời. Thậm chí, một hệ thống hoạt động trong một môi trường không có thông tin liên lạc vẫn bị ràng buộc bởi những gì mà nó được cho phép thực hiện. Con người sẽ vẫn đặt ra những thông số cho hoạt động, thực hiện các hệ thống và lựa chọn các nhiệm vụ mà các hệ thống này phải thực hiện.
Vậy nên, nếu sau này có ai đó nói với bạn rằng “cỗ máy này có khả năng tự hành”, hãy hỏi thêm rằng, chính xác thì cỗ máy đó tự hành như thế nào?
2. RÔ-BỐT THAM CHIẾN: ƯU THẾ CỦA SỐ LƯỢNG
(Robots at war and the quality of quantity)
February 26-2015.
Photo credit: asuscreative
Bộ Quốc phòng HK đã phát động tìm kiếm một “chiến lược bù đắp lần thứ ba”, một cách tiếp cận mới với mục tiêu duy trì sự siêu việt về công nghệ kỹ thuật quân sự của HK, nhằm chống lại các đối thủ tiềm năng. Tuy nhiên, vì một số lý do, chiến lược lần này có phần khác biệt so với hai lần trước đó. Ngay cả cách sử dụng thuật ngữ “bù đắp” cũng chưa hẳn đã chính xác. Hai chiến lược đầu tiên nhắm đến việc “bù đắp” cho quân đội HK trước lợi thế về số lượng vũ khí quy ước của Liên Xô tại châu Âu, đầu tiên là bằng vũ khí hạt nhân và sau đó là các vũ khí được cung cấp thông tin với độ chính xác cao (information-enabled precision-strike weapons). Nhưng trong lần này có thể chính HK sẽ mang lợi thế số lượng vào trận chiến.
Các hệ thống không người lái và tự hành có khả năng sẽ đảo ngược xu thế tăng giá thành – giảm số lượng (vũ khí – ND), vốn đã tồn tại suốt hằng thập kỷ nay, cho phép quân đội Hoa Kỳ điều động một lượng khí tài lớn hơn với một mức giá phải chăng. Hệ quả là, thay vì “bù đắp” để đối phó với giả định ban đầu về lợi thế liên quan tới số lượng vũ khí của đối phương, Hoa Kỳ thậm chí có thể đáp trả với công nghệ tiên tiến hơn và số lượng khủng khiếp hơn.
Giá trị của số lượng
Hoa Kỳ đã sản xuất số lượng vũ khí áp đảo so với các đối thủ của mình trong Thế chiến thứ hai. Tính đến năm 1944, Hoa Kỳ và Phe Đồng minh đã sản xuất được hơn 51.000 xe tăng trong một năm (so với Đức chỉ có 17.800) và hơn 167.000 máy bay trong một năm (trong khi tổng số máy bay toàn bộ Phe Trục sản xuất chỉ là 68.000). Mặc dù chất lượng của nhiều loại xe tăng và máy bay của Đức vượt trội hơn, điều này cũng không đủ bù đắp cho nước Đức trước các đợt tấn công không ngừng nghỉ của phe Đồng Minh. Trong tác phẩm “Sự Hưng thịnh và suy vong của các Cường quốc” (The Rise and Fall of Great Powers), Paul Kennedy có viết:
…cho tới những năm 1943-1944, nước Mỹ có thể đóng một tàu chiến mỗi ngày và lắp ráp một máy bay mỗi 5 phút!…Dẫu cho Wehrmacht (Quân đội Đức, ND) có tổ chức các cuộc phản công chiến thuật đầy thiện chiến trên cả hai mặt trận Đông và Tây cho đến tận những tháng cuối cùng của cuộc chiến, mọi thứ đã được xác định từ đầu rằng họ sẽ bị áp đảo hoàn toàn bởi hỏa lực khổng lồ của phe Đồng Minh.
Chiến lược này đã thay đổi trong Chiến tranh Lạnh. Hoa Kỳ ngay lập tức bắt đầu phụ thuộc vào kho vũ khí hạt nhân để đối phó với kho vũ khí quy ước đang ngày một “phình to” của Liên Xô tại châu Âu. Đây là “chiến lược bù đắp” lần thứ nhất. Đến những năm 1970, Liên Xô đã đạt được đến mức áp đảo ba-chọi-một (3<->1) khi đối đầu với các lực lượng vũ khí quy ước của NATO và gần như ngang bằng về số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Để đáp lại thách thức này, quân đội Hoa Kỳ đã áp dụng “chiến lược bù đắp” lần thứ hai, chống lại các lợi thế về mặt số lượng của Liên Xô bằng cách tận dụng sự ưu việt về chất lượng của vũ khí Hoa Kỳ, như: khả năng tàng hình, các hệ thống cảm biến tiên tiến, hệ thống chỉ huy và kiểm soát, vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao.
Toàn bộ hiệu quả của những vũ khí này đã được mục sở thị vào năm 1991, khi Hoa Kỳ đối đầu với lực lượng của Saddam Hussein vốn được trang bị vũ khí của Liên Xô. Tỉ lệ thương vong giữa hai phe trong Chiến tranh vùng Vịnh chênh lệch khủng khiếp khi phải đến 30 binh lính Iraq thiệt mạng thì mới có 1 binh sĩ Mỹ tử trận. Trước lực lượng không quân có độ chính xác cao của Hoa Kỳ, quân đội Iraq bị áp đảo đến mức Tòa Bạch Ốc cuối cùng buộc phải kết thúc cuộc chiến sớm hơn dự kiến. Những hình ảnh về “đường cao tốc tử thần” được truyền thông đăng tải tạo nên hình ảnh các lực lượng Hoa Kỳ đang “trừng phạt kẻ bại trận một cách tàn độc và không cần thiết”, theo lời của Chỉ huy Không quân trong Cuộc chiến Vùng Vịnh, tướng Chuck Horner. Vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao, cộng với những thiết bị cảm ứng giúp xác định mục tiêu và các mạng lưới giúp kết nối các thiết bị cảm ứng và người bắn, tất cả đã giúp lực lượng quân đội Hoa Kỳ, được trang bị đầy đủ thông tin cần thiết, đập tan quân đội Iraq chỉ được trang bị các khí tài không có thiết bị dẫn đường.
Điều gì sẽ xảy ra khi các quốc gia khác cũng có vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao?
Quá trình phổ biến các loại vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao đến các quốc gia đối địch đang làm thay đổi cán cân, khiến yếu tố số lượng lại được mang ra cân nhắc. Quân đội HK trong các cuộc chiến tranh tương lai có thể sẽ phải đương đầu với kẻ thù được trang bị vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao. Cùng lúc đó, mức giá đang gia tăng cao hơn bao giờ hết của các hệ thống vũ khí đang đẩy số lượng vũ khí của quân đội suy giảm ngày một nhiều hơn, khiến cho các quốc gia đối địch khó có thể tìm thấy được một mục tiêu khả dĩ để có thể tấn công bằng hỏa tiễn. Các hệ thống vũ khí của HK có thể vượt trội về chất lượng, nhưng lại không phải là “bất khả xâm phạm”. Nếu kẻ địch phóng hỏa tiễn liên tiếp, hệ thống phòng thủ của các tàu chiến và sân bay quân sự HK có thể sẽ bị áp đảo. Kể cả khi các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn, về mặt lý thuyết, có thể ngăn chặn hỏa tiễn của đối phương, thì sự chênh lệch về mức giá giữa hỏa tiễn tấn công và hỏa tiễn đánh chặn vẫn tạo ra lợi thế nghiêng về kẻ tấn công. Điều này đồng nghĩa rằng đối thủ của HK chỉ cần mua thật nhiều hỏa tiễn để có thể đè bẹp hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ.
Bầy đàn
Các hệ thống không người lái đã tạo ra một mô thức khác, với khả năng thu giảm các hệ thống đa nhiệm tốn kém để trở thành một số lượng lớn các hệ thống khí tài nhỏ hơn, với giá thành thấp hơn. Những hệ thống không người lái có thể được sản xuất với số lượng lớn là vì chúng có khả năng chịu đựng những rủi ro lớn hơn (vì không hy sinh mạng người, ND), với giá thấp hơn và có thể chịu đựng hao mòn – hoặc chấp nhận rủi ro bị tiêu hao. Kết hợp với khả năng tự hành tùy mục tiêu tác chiến (mission-level autonomy) và công nghệ kiểm soát đa thiết bị (multi-vehicle control), công nghệ rô-bốt số lượng lớn có giá thành thấp có thể được điều khiển ở quy mô khổng lồ chỉ bởi một số lượng nhỏ người điều khiển.
Sử dụng một số lượng lớn các phương tiện không người lái có các lợi thế tiềm năng như:
Hỏa lực có thể được phân tán, khiến cho đối phương phải đối phó với nhiều mục tiêu hơn, buộc kẻ thù phải tiêu phí nhiều đạn dược hơn.
“Tuổi thọ” của hệ thống khí tài được thay thế bằng sự áp đảo về số lượng hay còn được gọi bằng thuật ngữ “bầy đàn dẻo dai” (swarm resiliency). Các đơn vị khí tài đơn lẻ không nhất thiết cần phải sống sót trong một cuộc chiến nếu như vẫn còn một số lượng lớn các đơn vị vũ khí khác. Sự áp đảo về số lượng tạo nên sức kháng cự hiệu quả trước các đợt tấn công.
Lợi thế về số lượng cũng cho phép một sự “tiêu hao chấp nhận được” (graceful degradation) về sức tấn công khi một đơn vị khí tài đơn lẻ bị tiêu diệt. Điều này trái ngược hoàn toàn với sự mất mát vô cùng lớn về sức tấn công khi một khí tài to lớn hơn và tốn kém hơn bị tiêu diệt.
Các đợt tấn công ồ ạt có thể làm “bội thực” hệ thống phòng thủ của kẻ địch. Hầu hết các hệ thống phòng thủ chỉ có thể đương đầu với một số lượng nhất định các cuộc tấn công trong cùng một lúc. Các hệ thống hỏa tiễn có thể bị quá tải. Các loại súng chỉ có thể nhắm bắn một lần theo một hướng duy nhất. Ngay cả các hệ thống hỏa lực liên hoàn hoặc bán-liên-hoàn, có mức chi phí thấp cho mỗi lần bắn, như súng laser năng lượng cao, cũng chỉ có thể bắn hạ một lần một mục tiêu. Những vũ khí này cũng cần một vài giây nhắm bắn rồi mới có thể triệu hạ mục tiêu của mình. Các đợt tấn công bằng đạn đạo có hệ thống dẫn đường, hoặc các phương tiện không người lái, có thể áp đảo hệ thống phòng ngự của kẻ địch bằng cách đánh vào các “lỗ hổng” trên và tiêu diệt mục tiêu.
Những lợi thế này có thể được diễn giải thành những cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn trong phong cách sử dụng các hệ thống không người lái. Một số cách tiệp cận mới được đề cập dưới đây:
Hệ thống “Mồi phóng từ trên không cỡ nhỏ” (Miniature air-launched decoy, MALD) và “Mồi phóng, gây nhiễu từ trên không cỡ nhỏ” (Miniature air-lauched decoy-jammer, MALD-J) là các phương tiện bay giám sát không có cấu tạo như các loại đạn dược thông thường, nhưng cũng không phải là máy bay. Những hệ thống này mở ra tiềm năng cho các loại phương tiện bay giám sát không người lái cỡ nhỏ, hoặc các loại rô-bốt bay cơ động. MALD có chức năng như một “chim mồi” trên không nhằm đánh lạc hướng các hệ thống ra-đa của đối phương. Còn MALD-J lại có tác dụng làm nhiễu các hệ thống ra-đa. Các phương tiện bay không người lái tương tự trong tương lai, được phóng đi từ máy bay, tàu chiến hay tàu ngầm, đều có thể lấp kín lãnh thổ của đối phương với số lượng áp đảo bằng các hệ thống chi phí thấp và hoàn toàn có thể chấp nhận rủi ro bị tiêu tiệt. Giống như “những nhóm lính dù nhỏ” đột kích vào vùng kiểm soát của quân địch trong Ngày Phán xét (D-Day, ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy trong Thế chiến thứ hai, ND), chiến thuật này có thể làm cho quân địch bối rối và trở nên rối loạn.
Sử dụng các loại vũ khí tấn công điện tử có thể tạo ra một dạng bão điện tử gây nhiễu, tạo ra mồi bẫy và các loại vi sóng năng lượng cao. Các phương tiện bay kích cỡ nhỏ có thể tự vận hành, bay trinh sát trên những tuyến đường nhằm tìm kiếm các hệ thống hỏa tiễn di động, và một khi đã tìm thấy, truyền lại dữ liệu toạ độ cho người điều khiển để tấn công mục tiêu.
Những máy bay như vậy có kích thước nhỏ và cần phương tiện để có thể đưa chúng vào chiến trường. Đó có thể là tàu ngầm neo đậu ngoài khơi bờ biển của kẻ thù, các tàu hỏa tiễn không người lái có thể xâm nhập bờ biển trước khi phóng “hàng”, các máy bay ném bom cỡ lớn hoặc máy bay chở hàng, hay thậm chí là những chiếc kén đặt dưới lòng biển được nhắc tới trong chương trình Hydra của Defense Advanced Research Projects Agency (DARPA).
Một cách tiếp cận tương tự có thể giúp Lục quân mở rộng sức mạnh tấn công trên đất liền. Lục quân Hoa Kỳ sở hữu hàng ngàn phương tiện chiến đấu trên bộ, ví dụ như HMMWVs (The High Mobility Multipurpose Wheeled Vehicle, hay được biết đến rộng rãi với cái tên Humvees, ND) và thiết giáp bọc thép chở quân M113 vốn sẽ không được sử dụng trong các cuộc chiến tranh trong tương lai do chúng không được trang bị các loại giáp nhằm bảo vệ người lính. Tuy nhiên, với chi phí rất thấp, khi đơn hàng chỉ khoảng vài chục ngàn đô-la một hệ thống, những phương tiện kể trên có thể được biến đổi để trở thành một hệ thống rô-bốt. Khi không có người điều khiển hay sử dụng, vấn đề thiếu giáp trụ không còn là mối bận tâm lớn.
Công việc này có thể thực hiện được thông qua sử dụng các gói kỹ thuật rô-bốt tuỳ chỉnh (robotic appliqué kits) – các bộ cảm biến hay hệ thống chỉ huy có khả năng chuyển đổi các phương tiện hiện có thành các hệ thống điều khiển từ xa hay tự vận hành. Các gói kỹ thuật này đã từng được sử dụng để chuyển đổi các phương tiện xây dựng trở thành những chiếc xe Bobcats (một loại phương tiện gỡ mìn điều khiển từ xa, ND) và xe ủi có khả năng chống các loại thiết bị nổ tự tạo.
Nếu được áp dụng trên các phương tiện hiện hành, các gói kỹ thuật rô-bốt tuỳ chỉnh có thể giúp cho Lục quân tạo ra được một lực lượng rô-bốt trên bộ khổng lồ với chi phí cực kỳ thấp. Một lực lượng thuần số lượng như vậy, và khả năng được tận dụng trong các nhiệm vụ tự sát hay tự hi sinh, sẽ biến đổi cách thức tiếp cận của Lục quân tới chiến tranh điều khiển học.
Các phương tiện không người lái trên bộ có thể trở thành một lực lượng tiên phong, cho phép rô-bốt đóng vai trò như là một phần của “các hoạt động tiếp cận mục tiêu” (movements to contact). Các phương tiện rô-bốt được sử dụng để dụ dỗ, thọc sườn, bao vây kẻ địch, hay áp dụng các chiến thuật nghi binh. Các phương tiện không người lái cũng có thể được thả dù bên trong lãnh thổ của kẻ địch để thực hiện các nhiệm vụ tự sát. Khi trinh sát tìm kiếm mục tiêu, chúng có thể được điều khiển bởi con người khi đối đầu trực diện với kẻ thù, hay gửi các thông số về toạ độ để quân đội tiến hành không kích hay hỗ trợ hoả lực.
Đó chỉ là một số khả năng mà việc sở hữu một lượng lớn các loại vũ khí không người lái có thể mang lại. Các khả năng này gia tăng chi phí về phía kẻ thù và tạo ra nhiều khái niệm tác chiến mới. Vẫn cần thiết phải tiến hành các thử nghiệm, cả trong môi trường giả lập tác chiến, lẫn trong chiến trường thật sự, để có thể nắm chắc hơn nữa cách thức mà các bên có thể triển khai một số lượng lớn các hệ thống rô-bốt chi phí thấp.
Và cũng tồn tại các vấn đề khác cần phải giải quyết. Các hệ thống rô-bốt vẫn cần được bảo trì, mặc dù có các biện pháp để có thể tối thiểu hoá gánh nặng này. Thiết kế theo dạng module cho phép dễ dàng thay thế các bộ phận bị hư hỏng, cho phép người bảo trì có thể tìm kiếm bộ phận thay thế tại các hệ thống tương tự. Và các hệ thống không người lái có thể được “lưu kho” trong suốt thời bình, với chỉ một số lượng nhỏ được sử dụng trong huấn luyện, giống như hỏa tiễn vậy. Trong một số trường hợp khi các hệ thống không người lái chỉ cần sử dụng trong thời chiến mà không cần trong thời bình, các đơn vị phối hợp giữa Vệ binh Quốc gia và lực lượng dự bị có thể là một sự lựa chọn bảo trì tiết kiệm chi phí về mặt nhân lực.
Một mô hình mới trong việc phân tích các lợi thế về chất lượng
Việc chế tạo một lượng lớn các hệ thống chi phí thấp không phải là để chiếm lĩnh trận địa với chất lượng vũ khí thua kém đối thủ. Thay vào đó, mục tiêu là nhằm chuyển ưu thế chất lượng – từ một đơn vị vũ khí đơn lẻ sang một nhóm lớn (hay bầy đàn, the swarm) các loại vũ khí chi phí thấp hơn. Về mặt tổng thể, nhóm vũ khí hay bầy đàn này hiệu quả hơn các lực lượng quân sự đối địch. Sau cùng thì mục đích tối thượng của tác chiến là tiêu diệt kẻ thù. Các hệ thống không người lái có thể mở ra tiềm năng lớn: tạo ra hoả lực tập trung trong một tập hợp lớn các đơn vị vũ khí mà về mặt từng đơn vị cấu thành có thể không tinh vi, nhưng lại có số lượng áp đảo. Các đơn vị nhỏ này cũng có thể có tính năng kém hơn, nhưng nếu kết hợp lại với nhau thì lại tạo nên sức mạnh áp đảo.
Khả năng phân tán như đã nói ở trên sẽ không thể được áp dụng trong mọi trường hợp. Các phương tiện chiến đấu to lớn (và đắt tiền) sẽ vẫn cần thiết trong một số tình huống. Tuy nhiên, các hệ thống tinh vi và mắc tiền chắc chắn vẫn sẽ được giao dịch với số lượng nhỏ, và bất cứ khi nào có thể được, các hệ thống vũ khí tinh vi này nên được kết hợp với các hệ thống vũ khí có chi phí thấp và số lượng lớn. Cả hai cách tiếp cận rẻ-và-nhiều hay mắc-nhưng-ít đều không phải lúc nào cũng có thể áp dụng được, và các lực lượng quân sự Hoa Kỳ nên cân nhắc kết hợp cả hai yếu tố trên nhằm tận dụng được những khả năng phù hợp – với một số lượng vũ khí phù hợp – trong các cuộc xung đột tương lai.
3. CÁC ĐÀN ROBOT: TƯƠNG LAI CỦA CHIẾN TRANH
(Unlease the Swarm: The Future of Warfare)
March 23-2015.
Image: Adapted from D. Dibenski (public domain) and Reilly Butler (CC)
Liệu các “bầy đàn” khí tài chi phí thấp và có khả năng thay thế sẽ thay đổi cách thức quân đội tác chiến? Tháng 11-2014, Trợ lý Bộ trưởng Bộ quốc phòng HK ông Frank Kendall đã yêu cầu Ủy ban Khoa học Quân sự tiến hành nghiên cứu một ý tưởng mang tính căn bản: “sử dụng một số lượng lớn các vật thể đơn giản, chi phí thấp, so với việc sử dụng một số lượng nhỏ các vật thể có cấu tạo tinh vi (đa năng)”. Quan điểm này hoàn toàn đi ngược lại xu hướng giảm số lượng, tăng giá thành và mức độ tinh vi của khí tài, vốn đã kéo dài hàng thập kỷ qua trong hoạt động mua sắm quân sự. Vì chi phí tăng, cho dù ngân sách quốc phòng vẫn tăng, số lượng các hệ thống tác chiến trong kho vũ khí của quân đội HK vẫn liên tục suy giảm.
Ví dụ, từ năm 2001 đến năm 2008, “ngân sách sàn” (không tính chi phí chiến tranh) của Hải quân và Không quân Hoa Kỳ tăng lần lượt là 22% và 27%, tính luôn cả lạm phát. Thế nhưng, số lượng tàu chiến vẫn giảm 10% và số lượng máy bay cũng giảm đi 20%. Hệ quả là số lượng khí tài của Hoa Kỳ đã bị giảm sút nhiều hơn bao giờ hết, gia tăng đòi hỏi lên số lượng ít ỏi các hệ thống khí tài còn lại. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn buộc chi phí sản xuất tiếp tục tăng và số lượng khí tài có khả năng tiếp nhận suy giảm sâu hơn nữa. Hơn 30 năm trước, Norm Augustine đã cảnh báo:
“Đến năm 2054, toàn bộ ngân sách quốc phòng sẽ chỉ đủ để mua một HKMH chiến thuật. Không quân và Hải quân sẽ phải chia sẻ chiếc HKMH này mỗi bên ba ngày rưỡi một tuần. Thủy quân Lục chiến sẽ được sử dụng chiếc hàng không mẫu hạm này trong một ngày dư ra vào những năm nhuận”.
Nhưng chúng ta có thể không phải chờ đến năm 2054, khi quân đội Hoa Kỳ chỉ còn đúng một hàng không mẫu hạm tác chiến, thì “Luật của Augustine” mới trở thành hiện thực.
Ngày một có nhiều người đồng tình với Kendall, kêu gọi thay đổi mô hình: từ “ít và tinh vi” sang “nhiều và rẻ”. Trong bài viết của T.X. Hammers, đăng hồi tháng 7-2014 trên trang WOTR (War On The Rock), “nhỏ, nhiều và thông minh” sẽ chiến thắng “ít và tinh vi” trong chiến tranh tương lai. Thứ trưởng Quốc phòng Bob Work vào tháng 1 năm 2014 từng viết:
“Việc thu nhỏ các hệ thống rô-bốt sẽ cho phép triển khai nhanh chóng một số lượng khổng lồ các hệ thống khí tài – áp đảo hệ thống phòng ngự của địch. Điều này cũng cho phép sử dụng cách thức tấn công kiểu “bầy đàn”, cho phép mở ra nhiều cách tiếp cận hơn trong chiến tranh.”
Sử dụng số lượng lớn để áp đảo đối thủ mang lại một số lợi ích cơ bản. Tuy nhiên, “tấn công kiểu bầy đàn” không chỉ đơn giản là tấn công dồn dập. Sức mạnh của “tấn công bầy đàn” vượt trên cả việc áp đảo kẻ thù đơn thuần bằng số lượng. Trong tự nhiên, hành vi bầy đàn cho phép cả những loài động vật không có trí thông minh, như kiến hay ong, thực hiện những hành vi tập thể phức tạp, hay còn gọi là “trí thông minh bầy đàn”. Tương tự, các hành vi hợp tác mang tính tự hành giữa các hệ thống rô-bốt đơn lẻ sẽ không chỉ giúp tạo ra một số lượng lớn hơn khí tài tham gia vào chiến trường, mà còn tạo ra một sự phối hợp, trí tuệ và tốc độ vượt trội hơn.
Bầy đàn là gì?
Một bầy đàn bao gồm các yếu tố khác nhau, phối hợp và điều chỉnh các hành động của mỗi cá thể, tạo thành một tập thể kết dính và sống động. Một bầy sói khác với một nhóm các con sói. Một đàn kiến có thể xây tổ và đi gây chiến, nhưng một số lượng lớn các cá thể kiến không có sự phối hợp sẽ không thể làm được cả hai điều trên. Để khai thác toàn bộ tiềm năng của cuộc cách mạng công nghệ rô-bốt, cần phát triển các hệ thống rô-bốt có khả năng phối hợp hành động với nhau và với người điều khiển. Điều này sẽ làm tăng khả năng phối hợp hỏa lực và phối hợp điều động tác chiến trên chiến trường.
Hoạt động bầy đàn trong tự nhiên có thể dẫn tới các hiện tượng phức tạp
Các bầy đàn trong tự nhiên là các thực thể sống động hoàn chỉnh, hoạt động theo các quy luật đơn giản. Ong, kiến và mối không có trí tuệ cá thể. Thế nhưng, các bầy đàn của những loài vật này có thể thực hiện những hành vi tinh vi đến không ngờ. Tập hợp lại, chúng có thể tìm kiếm thức ăn và xác định đoạn đường tối ưu để mang thức ăn về tổ, với hiệu suất và hiệu quả cao. Ong thậm chí còn có thể “biểu quyết” các địa điểm làm tổ mới, cùng nhau quyết định các địa điểm tối ưu. Kiến có thể cùng nhau tiêu diệt và di chuyển những con mồi vô cùng lớn bằng cách hợp tác cùng nhau. Mối có thể xây dựng nên các cấu trúc khổng lồ. Kiến thậm chí có thể sử dụng chính cơ thể của chúng để cùng xây nên các kiến trúc bắc cầu hay gần như nổi trên mặt nước.
Các hành vi mang tính tập thể này xuất hiện dựa trên các quy luật đơn giản tồn tại ở cấp độ cá thể, tổng hợp thành hành vi mang tính phức tạp. Một bầy kiến, qua thời gian, có thể tập trung vào một con đường tối ưu dẫn từ nguồn thức ăn về tổ. Đây là do mỗi cá thể kiến đều để lại một dấu vết mùi hương khi chúng di chuyển về tổ. Một số con kiến sẽ quay trở về tổ sớm hơn nhờ sử dụng đoạn đường nhanh hơn, khiến dấu vết chúng để lại có mùi rõ ràng hơn các đoạn đường khác. Điều này thu hút nhiều con kiến khác sử dụng cùng một đoạn đường đó. Không có một con kiến nào “biết được” đâu là con đường nhanh nhất, nhưng cùng nhau cả đàn kiến có thể tìm ra được đoạn đường tối ưu nhất.
Những điểm khác biệt quan trọng giữa “bầy đàn rô-bốt” và “bầy đàn động vật”
Giống như kiến, mối và ong, các quy luật đơn giản chi phối hành vi của rô-bốt có thể tổng hợp lại thành hành vi bầy đàn, phục vụ cho việc phối hợp trinh sát, tìm kiếm (với động vật là tìm kiếm thức ăn, ND), di chuyển (thành bầy, ND), xây dựng… Các bầy đàn rô-bốt khác với các bầy đàn trong tự nhiên ở một số điểm quan trọng đáng chú ý. Các bầy đàn rô-bốt có thể bao gồm cả các nhân tố bất đồng nhất – một tập thể gồm các loại rô-bốt khác nhau, cùng phối hợp hoàn thành một nhiệm vụ. Ví dụ, dự án “swarmanoid” [4] (tạm dịch: bầy đàn giả người, ND) là một bầy đàn bất đồng nhất gồm các “rô-bốt mắt, rô-bốt tay và rô-bốt chân” hoạt động cùng nhau để giải quyết vấn đề.
Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa bầy đàn động vật và rô bốt đó là: Bầy đàn rô-bốt là sản phẩm thiết kế/lập trình, trong khi hành vi bầy đàn trong tự nhiên là kết quả của sự tiến hóa. Các bầy đàn trong tự nhiên không có bộ điều khiển trung tâm, hay “thiết lập hình ảnh hoạt động chung”. Trong khi đó, các bầy đàn rô-bốt hoạt động tuyệt đối dựa trên sự chỉ dẫn của con người để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể.
Khái niệm tấn công quân sự kiểu bầy đàn hầu như vẫn chưa được tìm hiểu
Việc các hệ thống rô-bốt ngày một gia tăng tính tự hành mở ra tiềm năng cho các hành vi bầy đàn, với một người có thể kiểm soát một số lượng lớn các hệ thống rô-bốt phối hợp cùng nhau. Chẳng hạn, Văn phòng Nghiên cứu Hải quân năm ngoái đã cho thử nghiệm một tập hợp nhiều tàu nhỏ trên sông James, giả lập nhiệm vụ hộ tống một tàu VIP khi di chuyển qua một eo biển. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Trường Hải quân Sau đại học hiện đang nghiên cứu khả năng chiến đấu giữa các bầy đàn với nhau, xây dựng một mô hình đối đầu “50 chọi 50” trên không.
Những bước phát triển này đã dấy lên nhiều câu hỏi quan trọng, như: Làm sao để chiến đấu với một bầy đàn? Làm sao để kiểm soát một bầy đàn? Điểm yếu và nơi dễ bị tổn thương của bầy đàn là gì? Các nhà nghiên cứu chỉ mới bắt đầu tìm ra một phần các câu trả lời. Tuy nhiên, ở một tầm mức cao hơn, việc tìm hiểu về lịch sử phát triển của xung đột có thể giúp chúng ta nhìn ra được vai trò của các bầy đàn trong chiến tranh.
Từ cận chiến đến số đông, từ cơ động đến bầy đàn
Vào năm 2005, John Arquilla và David Ronfeldt đã “trình làng” một bản chuyên khảo đột phá mang tên “Bầy đàn và Tương lai của Xung đột”. Văn bản này đã tổng hòa toàn bộ bốn hình thức thức chiến đấu tiêu biểu trong lịch sử là: cận chiến, số đông, cơ động và bầy đàn.
Ronfeldt và Arquilla cho rằng, qua thời gian, khi các tổ chức quân sự dần tiếp nhận các hệ thống thông tin, huấn luyện và tổ chức tốt hơn, chúng sẽ có khả năng chiến đấu với hình thức ngày một tinh vi hơn, hình thành những cách thức chiến đấu tiên tiến hơn, với bước tiến hóa sau tối ưu hơn bước tiến hóa trước. Hai tác giả cho rằng, các lực lượng quân đội ngày nay chủ yếu tiến hành hình thức chiến tranh cơ động (manuever warfare) [5]. Thế nhưng, tấn công kiểu bày đàn sẽ là bước tiến hóa tiếp theo.
Từ cận chiến đến số đông
Trong thời cổ đại, các chiến binh tấn công cận chiến. Các cá nhân chiến đấu không có sự phối hợp đồng bộ với nhau. Bước tiến mang tính học thuyết đầu tiên chính là sự phát minh ra các đội hình sử dụng số đông như đội hình Phalanx của người Hy Lạp. Bước tiến này cho phép một số lượng lớn các cá nhân cùng chiến đấu trong các hàng ngũ có tổ chức, hợp lại thành một tập thể kết dính, hỗ trợ lẫn nhau.
Các đội hình số đông có lợi thế về sự đồng bộ hóa trong hành động của các chiến binh trên chiến trường. Đây là một bước tiến vượt trội hơn hình thức cận chiến. Tuy nhiên, tấn công theo số đông đòi hỏi phải có mức độ tổ chức và huấn luyện rất lớn. Hình thức chiến đấu này cũng đòi hỏi các cá nhân phải có khả năng liên lạc tốt với nhau để có thể hành động một cách đồng loạt.
Từ số đông đến cơ động
Bước tiến hóa tiếp theo trong tổ chức chiến đấu là hình thức chiến tranh cơ động. Không những tận dụng các lợi thế của cách tác chiến số đông, hình thức này hướng đến việc điều khiển các đơn vị tác chiến theo hình thức số đông trên một phạm vi rộng, điều khiển các đơn vị này hiệp đồng hỗ trợ lẫn nhau. Đây là một bước tiến vượt trội hơn hình thức tác chiến số đông. Nó cho phép các đội hình riêng biệt di chuyển một cách độc lập để đánh vào chỗ yếu của đối phương, buộc đối phương phải rơi vào vị thế bất lợi. Chiến tranh cơ động đòi hỏi các nhân tố tham gia phải có tính cơ động và khả năng liên lạc hiệu quả hơn hình thức chiến tranh số đông.
Từ cơ động đến bầy đàn
Arquilla và Ronfeldt đặt giả thuyết rằng, chiến tranh cơ động không phải là đích đến cuối cùng của cách thức tác chiến, mà chỉ là một bước tiến khác dẫn đến hình thức tấn công bầy đàn vượt trội hơn. Trong cách thức tấn công bầy đàn, số lượng lớn các cá thể đơn lẻ hoặc các nhóm nhỏ sẽ phối hợp hành động như một chỉnh thể đồng nhất.
Vì thế, chiến tranh bầy đàn sẽ kết hợp bản chất độc lập trong cận chiến, sự cơ động, cùng với mức độ tổ chức và hiệp đồng cao, cho phép một số lượng lớn các cá thể có thể cùng nhau tác chiến. Vì số lượng các cá thể được điều khiển và tác chiến cùng một lúc là quá lớn, chiến tranh bầy đàn đòi hỏi sự tổ chức và thông tin khác với chiến tranh cơ động.
Thách thức của chiến tranh bầy đàn
Cả bốn loại hình chiến tranh – cận chiến, số đông, cơ động và bầy đàn – tăng dần về mức độ tinh vị trong cấu trúc chỉ huy-kiểm soát và tổ chức xã hội - thông tin. Các ví dụ của cả bốn dạng thức chiến đấu, bao gồm cả chiến đấu kiểu bầy đàn, có thể được tìm thấy từ cổ chí kim. Nhưng việc sử dụng rộng rãi các hình thức chiến đấu cao cấp hơn chỉ xuất hiện khi đã có các phát kiến lớn về mặt xã hội và thông tin, như khả năng viết lại các mệnh lệnh, cờ hiệu, hay thông tin vô tuyến, cho phép chiến tranh số đông hoặc cơ động có thể được tiến hành một cách đồng bộ.
Chiến thuật bầy đàn có thể tìm thấy trong thời kỳ của Thành Cát Tư Hãn. Tuy nhiên, chiến thuật này vẫn chưa đạt đến vai trò trung tâm trong các xung đột quân sự. Các hình mẫu của chiến thuật bầy đàn có thể được nhìn thấy trong các tổ chức có mức độ phân tán rất cao như tại các cuộc biểu tình hay bạo loạn. Vào năm 2011, những người tham gia bạo loạn tại Luân Đôn đã có thể liên lạc với nhau, thông qua mạng lưới Blackberry, thông tin về vị trí các chốt chặn của cảnh sát. Họ đã có thể nhanh chóng phân tán để tránh các chốt chặn này, sau đó tái hợp lại ở các khu vực mới để tiếp tục hôi của. Lực lượng cảnh sát đã gặp phải rất nhiều khó khăn để kiểm soát cuộc bạo loạn, vì những người tham gia bạo loạn có thông tin “thực địa” tốt hơn cảnh sát rất nhiều. Hơn nữa, vì tập hợp những người tham gia bạo loạn là một kiểu tổ chức cực kỳ phân tán, họ có thể nhanh chóng phản ứng trước các thay đổi về tình thế. Thành viên của cuộc bạo loạn không cần chờ xin phép để thay đổi hành vi của mình. Các cá nhân có thể đơn giản tự điều chỉnh hành động dựa trên các thông tin mà họ mới nhận được.
Ví dụ này cũng chỉ ra nhiều thách thức đối với chiến thuật bầy đàn. Để triển khai chiến thuật bầy đàn một cách hiệu quả, cần có một dòng chảy thông tin xuyên suốt giữa các nhân tố riêng lẻ. Bằng không, trận chiến sẽ nhanh chóng tiêu giảm thành các cuộc cận chiến đơn lẻ. Các cá thể không những phải được kết nối tốt với nhau và có khả năng lan tỏa thông tin, mà còn phải có khả năng xử lý thông tin thật nhanh. Điều này cũng phụ thuộc vào khả năng chấp nhận hy sinh các cá thể, vì một khi bị cô lập, chúng có khả năng bị áp đảo bởi các nhân tố lớn hơn và đông hơn. Cuối cùng, các tổ chức quân sự đứng trước thử thách vô cùng lớn, khi phải giao phó quyền điều khiển chiến trường cho các nhân tố tham gia chiến đấu trực tiếp. Vì vậy, chiến thuật bầy đàn vừa thể hiện ý chí tuyệt đối của người chỉ huy, vừa phân tán quyền điều khiển chiến trường. Điều này sẽ mang lại sự vượt trội trong tốc độ phản ứng trước các hành động của quân địch và các sự kiện trên thực địa chiến trường.
Ưu thế hoạt động của bầy đàn robot
Các yêu cầu về khả năng xử lý thông tin và liên lạc của hoạt động bầy đàn, cũng như khả năng chấp nhận hy sinh các cá thể, khiến cho chiến thuật bầy đàn trở nên khó áp dụng đối với con người. Tuy nhiên, nó lại trở nên hoàn hảo đối với các hệ thống công nghệ rô-bốt. Thực tế, cùng với việc quân đội triển khai một số lượng lớn các hệ thống rô-bốt chi phí thấp, nếu phải điều khiển từ xa riêng từng hệ thống khí tài như hiện nay, chi phí cho nhân sự sẽ cao ngoài sức tưởng tượng. Điều này cũng đồng thời làm giảm tốc độ của chiến dịch. Để có thể kiểm soát một số lượng lớn các hệ thống rô-bốt, các rô-bốt cần có khả năng tự hành và hợp tác với nhau, hoạt động dưới sự chỉ huy của con người tùy theo nhiệm vụ. Khả năng hợp tác và tự hành cũng sẽ mở ra nhiều ưu thế trên chiến trường, đặc biệt là trong khái niệm phối hợp, trí thông minh và tốc độ của các hệ thống rô-bốt. Chẳng hạn như:
Phối hợp tấn công và phòng thủ (Coordinated attack and defense):
Các bầy đàn có thể được sử dụng để phối hợp tấn công, áp đảo hàng phòng ngự của kẻ địch từ nhiều phía cùng một lúc. Điều này cũng tương tự với tổ chức phối hợp phòng thủ. Các “đàn” tàu nhỏ có thể bảo vệ các tàu mặt nước khỏi tàu tấn công tốc độ cao của địch, tự di chuyển để đối phó với các mối đe dọa mới phát hiện. Chiến thuật phòng vệ chống-bầy-đàn, sử dụng các máy bay không người lái, có thể xác định và hủy diệt các đợt tấn công từ các bầy đàn máy bay không người lái hoặc tàu nhỏ khác.
Mạng lưới tự hồi phục cơ động (Dynamic self-healing networks):
Hành vi bầy đàn có thể cho phép các hệ thống rô-bốt hành động như một mạng lưới tự hồi phục cơ động. Yếu tố này có thể được sử dụng nhằm nhiều mục đích, chẳng hạn như: duy trì mức độ giám sát trên một khu vực, các mạng lưới liên lạc có khả năng tự phục hồi bền bỉ, các bãi mìn thông minh, hoặc các tuyến đường hậu cần có khả năng tự thích ứng.
Cảm biến và tấn công rải rác (Distributed sensing and attack):
Các bầy đàn có thể thực hiện chức năng cảm biến và tấn công rải rác. Được phân tán trên một phạm vi rộng, các hệ thống khí tài có thể hoạt động như một phổ cảm biến với mức độ tin cậy vượt trội. Ngược lại, về mặt lý thuyết, chúng cũng có thể thực hiện một đợt tấn công điện tử phân tán – tập trung, đồng bộ hóa các tín hiện điện từ của mình lại với nhau và tập trung làm nhiễu một đối tượng nhất định.
Đánh lạc hướng (Deception):
Các bầy đàn rô-bốt phối hợp với nhau có thể được sử dụng trong các chiến dịch đánh lạc hướng quy mô lớn, làm mồi nhử hoặc làm giả sự điều động để đánh lừa các lực lượng đối địch. Việc các cá thể đơn lẻ đồng loạt di chuyển ồ ạt sẽ khiến đối phương nhầm tưởng rằng một phương tiện lớn hơn, hoặc thậm chí là toàn bộ đội quân, sẽ chuẩn bị di chuyển qua cùng một khu vực.
Trí tuệ bầy đàn (Swarm Intelligence):
Các hệ thống rô-bốt có khả năng khai thác “trí tuệ bầy đàn” thông qua cơ chế bầu chọn phân tán. Điều này giúp tăng khả năng nhận diện các mục tiêu, độ chính xác về mặt địa lý, và chống bị đánh lừa.
Chiến thuật bầy đàn có tiềm năng vô cùng lớn trong việc phối hợp hành động trên chiến trường, vượt trên cả ưu thế áp đảo đối phương đơn thuần bằng số lượng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình chiến tranh tuyệt nhiên không chỉ phụ thuộc vào một sự ra đời của một công nghệ mới, mà là sự kết hợp giữa công nghệ với học thuyết mới, cách tổ chức mới, và các khái niệm tác chiến mới. Các khái niệm về chiến thuật bầy đàn phần lớn vẫn chưa được khám phá. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đang bắt đầu thực hiện các cuộc thử nghiệm để tìm ra cách ứng dụng, điều khiển và chiến đấu với các bầy đàn. Vì đa số các công nghệ tạo nên các bầy đàn rô-bốt sẽ đến từ khu vực thương mại và sẽ sớm trở nên phổ biến, không được để cho quá trình nghiên cứu mô hình này chậm trễ một giây phút nào nữa. Quân đội Hoa Kỳ nên đầu tư vào một chương trình táo bạo hơn trong thử nghiệm và nỗ lực phát triển công nghệ, kết nối nhà phát triển với các binh sĩ, tiến đến khai thác sức mạnh của bầy đàn.
Chú thích:
[1] Ở đây nói đến Chiến thuật Bù đắp – Offset Strategy – Một thuật ngữ trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hàm ý rằng nếu Mỹ sở hữu một loạt các đột phá trong công nghệ thì nước này sẽ duy trì được lợi thế của mình trước các kẻ thù tiềm năng. Mỹ đã từng có chiến thuật tương tự để đối phó với Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh. Chiến thuật này được cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chính thức tuyên bố khởi động vào tháng 11-2014, lấy lợi thế công nghệ “bù đắp lại” phần sức mạnh bị mất đi do quá trình cắt giảm chi tiêu quốc phòng, số lượng quân đội của Mỹ. Xem thêm tại: http://breakingdefense.com/2014/11/hagel-launches-offset-strategy-lists-key-technologies/
[2] Roomba: Rô bốt máy hút bụi thông minh, có khả năng tự lau chùi sàn nhà mà không cần người điều khiển, thông tin chi tiết xem http://www.irobot.com/For-the-Home/Vacuum-Cleaning/Roomba.aspx
[3] Kẻ hủy diệt: Nhân vật trong loạt phim viễn tưởng “Terminator” của điện ảnh Mỹ, công chiếu lần đầu tiên vào năm 1984. Kẻ hủy diệt (Terminator) là một rô-bốt sát thủ có trí tuệ nhân tạo, có khả năng tự vận hành và tác chiến như con người.
[4] Dự án Swarmanoid thuộc chương trình Các Công nghệ Tương lai và Đang phát triển (FET-OPEN) được tài trợ bởi Ủy ban Châu Âu. Xem thêm tại http://www.swarmanoid.org/
[5] Hình thức chiến tranh đánh vào các điểm trọng yếu của kẻ địch, quyết định thành bại của toàn bộ cuộc chiến, xem thêm tại http://www.military.com/NewContent/0,13190,NI_WAR_0104,00.html
Paul Scharre
Lê Thanh Danh dịch
Nguyễn Thế Phương hiệu đính
Chân dung tác giả
Paul Scharre là nghiên cứu viên và Giám đốc Sáng kiến 20YY Warfare (20YY Warfare Initiative) tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới (CNAS). Ông cũng là tác giả của báo cáo mới đây của CNAS, Robotics on the Battlefield Part II: The Coming Swarm. Ông là cựu quân nhân của Trung đoàn Biệt kích số 75 từng phục vụ tại Afghanistan và Iraq.
Xem tiếp Phần 2: click vào đây (Chưa xong)
* * *
Xem bài liên hệ với chủ đề: click vào đây
Xem bài nầy bằng Anh ngữ: click vào đây
Xem bài trang Kiến thức, tài liệu: click vào đây
Trở về trang chính: http:// www.nuiansongtra.net