Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
NHẬN DIỆN BANG ĐẢO HẠ-UY-DI & TRẬN KHÔNG TẬP TRÂN CHÂU CẢNG
TRƯƠNG QUANG
Các bài liên quan:
    TRẬN HẢI CHIẾN MIDWAY
    BÀI HỌC TỪ TRẬN TRÂN CHÂU CẢNG CHO NƯỚC MỸ NGÀY NAY
    CUỘC PHỤC KÍCH ĐÔ ĐỐC ISOROKU YAMAMOTO.
    HÌNH ẢNH CỦA THIẾT GIÁP HẠM USS MISSOURI BB-63
    HÌNH ẢNH BUỔI LỄ KÝ VĂN KIỆN ĐẦU HÀNG ĐỒNG MINH CỦA NHẬT TRONG THẾ CHIẾN THỨ 2

         

"Thế gian thùy thị chân nam tử?

Uổng cá bình sinh độc sử thư!" (Cao Chu Thần)

{Không đi khắp bốn phương trời

Vùi đầu áng sách uổng đời làm trai!}. (Trúc khê dịch).

 

Hai câu thơ phoáng khoáng của tiên sinh nhắc tôi nhớ rằng “nhân sinh hữu hạn”, nên dành thời gian còn lại đi đó đây cho thân tâm an lạc, mở cửa kiến thức giữa thực tại thiên nhiên; chớ nên miệt mài với sách báo và trang mạng @ còng trong không gian ảo. Để cho 12 ngày du khảo Hạ-uy-di được như ý muốn, chúng tôi phải lập ra chương trình tham quan nơi nào, ăn ở và thuê xe di chuyển nơi đâu…in ra từ Internet. Điểm hội tụ của gia đình chúng tôi là phi trường Dallas: Tôi và hiền nội từ Hartford CT ở miền Đông đến; các con tôi ở miền Bắc là Huy+Chi và 2 bé từ Chicago IL, Cảnh + Thảo và 2 bé từ Minneapolis MN cùng đến. Chuyến bay American Airline cất cánh lúc 12:15 PM ngày 23-7-2014 vựơt trên biển Tây Thái-bình-dương và đáp xuống Maui International Airport lúc 3:30 PM giờ địa phương. Hạ-uy-di cách Los Angeles 3 múi giờ về Tây (đi sau 3 giờ), không đổi giờ theo mùa như trong nội địa.

 

 

Gia đình đeo vòng hoa

 

a. Quần đảo HẠ-UY-DI, tiểu bang mới và đẹp của Hoa Kỳ.

 

Nhìn chung về địa lý và nhân văn:

 

Hawaii, phiên âm Việt ngữ là Hạ-uy-di, là dãy đảo trải dài trên 1,500 miles theo hướng Tây-bắc Thái-bình-dương (Pacific ocean), cách xa San Francisco 2,500 miles (=3,350 km), có tổng diện tích 6,450 square miles (= 16,705 km2). Dân số 1,221,537 người cư trú trên 8 đảo lớn là Hawaii’s Big island (4,028 SqM #175,700 dân), Maui (727 SqM # 117,700 dân), Oahu (597 SqM # 953,350 dân cư trù mật tại Honolulu), Kauai (562 SqM # 65,700 dân), Molokai (260 SqM # 7,450 dân) Lanai (140 SqM # 3200 dân), Niihau (69 SqM # 130 dân), Kahoolawe (44 SqM, không có người ở).

 

Hạ-uy-di là quần đảo quan trọng nhất trong chuỗi đảo Polynesia do hỏa diệm sơn và san hô tạo thành, người bản địa Polynesians có chung truyền thống văn hóa, phần đông có chung ngôn ngữ và có nhân dáng vặm vỡ như nhau. Từ 1500 năm trước, sắc dân Polynesians sinh sống theo bộ tộc, đến thế kỷ 18 thì triều đại dòng vua Kamehameha trị vì quần đảo Hạ-uy-di. Năm 1893, nữ hoàng Lilioukalini có ý định bãi bỏ Hiến pháp nên các thương gia Âu Mỹ lật đổ và sát nhập thành địa hạt (territory) của Hiệp chủng quốc Hoa-kỳ. Chờ đợi 66 năm sau mới được chính thức thừa nhận là tiểu bang thứ 50 Hoa-kỳ do đạo luật ngày 21-8-1959 qua cuộc trưng cầu dân ý tại Ha-uy-di, được lưỡng viện Quốc hội đồng thuận và Tổng thống Dwight D. Eishenhower ban hành.

 

  

Kinh tế Hạ-uy-di căn bản là canh nông và du lịch. Nông phẩm xuất cảng là chuối, dứa (trái thơm), hạt dẻ (nut) và cà phê. Vườn chuối bạt ngàn ở đảo Maui, có nhiều buồng chuối dài 15 nãi “khách cứ ăn mệt nghỉ, miễn mang đi”. Nông trại cà phê tại Kona mountain bên triền núi Mauna loa ở đảo Big Island là nơi sản xuất cà phê Kona ngon nhất thế giới với tên Kona fancy, Kona peaberry giá từ $40 đến $60 USD/pound. Cà phê Kona chính gốc quá đắt nên phát sinh thương hiệu Kona blend có chừng 10% Kona trộn với 90% cà phê có nguồn gốc khác. Cũng trên vùng đất phún xuất thạch (lava), chúng tôi tiếp cận với Ngỗng Nene “Hawaii goose” là cầm thú biểu tượng của quần đảo nầy.Thảo mộc trù phú tươi tốt của Hạ-uy-di là nhờ vào khí hậu cận nhiệt đới mưa thuận gió hòa, nên hội đủ loại cây, loại hoa trên mặt địa cầu. Hoa trúc đào, hoàng anh, bông giấy… nhiều màu rực rỡ bên đường. Thảo mộc biểu tượng của Ha-uy-di là hoa bụt vàng (yellow hibiscus, rất nhiều ở đảo Maui), hoa phong lan (orchid, đa dạng ở đảo Big island) và cây Kukini (núi nào cũng có).

 

 

Dừa và hoa sứ ở hotel Honolulu

 

Du khách thường trằm trồ những cây chà-là (date-palm) dày đặc trái chín, vô số cây dừa mang buồng quả tròn bóng như bầu sữa mẹ (phải vặt bỏ quả ở nơi đông người đề phòng quả rụng). Hoa sứ trắng nhụy vàng rải đều trên đám lá xanh mướt, cho ai tưởng nhớ “hoa sứ nhà nàng!”. Lạ mắt nhất là tàng cây tra tròn như ô dù bên phố Waikiki, 3 màu chen nhau trên một tờ lá điểm hoa vàng lốm đốm như chiếc dù hoa vừa chạm đất của chiến sĩ nhảy dù.

 

Dân số Hạ-uy-di chỉ một triệu vài trăm ngàn người, phân bổ không đồng đều trên 7 đảo với  tổng diện tích bằng nửa nước Việt-nam, cứ tính ra mật độ là thưa dân nhất Đông Á. Phương tiện giao thông giữa các đảo là hàng trăm hải thuyền và đường hàng không có 12 phi trường trên 4 đảo lớn. Ước chừng 1/3 cư dân là người bản địa Polynesians: da đỏ nhạt, rắn chắc, chuyên nghề trồng trọt, đánh bắt cá. Chừng 1/3 cư dân là người Đông Á như Nhật, Tàu, Thái, Việt, Hàn: da vàng bánh mật, từ tốn và chăm chỉ, thích ứng với nông trại và cửa hàng. Chừng 1/3 cư dân là người Âu Mỹ: da trắng hồng, lịch lãm và năng động, chuyên về dịch vụ du lịch, kỹ thuật, cơ khí. Họa hoằn mới thấy bóng dáng người da đen Phi châu hay gốc Spanish. Phương châm sinh họat của tiểu bang Hạ-uy-di là mãi mãi giao hảo ngay thẳng, trung chính trong cuộc sống (Sate motto: the life in the land is perpetuated in Rightenous).

 

 

Bãi tắm biển Waikiki lúc 4:30 PM

 

Nhìn vào đường phố cũng thấy rõ cách cư xử ấy: xe chay vi vút như thoi đưa mà không một tiếng còi, không tranh đường vượt qua mặt, luôn luôn nhường khách bộ hành; không ai cãi cọ tranh hơn; không người hành khất; tuyệt nhiên “không cầm nhầm” bất cứ vật gì của ai. Tôi cảm nhận rằng Tạo hóa ưu đãi Hạ-uy-di có sự hài hòa giữa cõi vô cùng là Trời cao + biển rộng + núi lửa với cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp, từ đó phát sinh tính an vui hòa thuận trong dân chúng, xứng đáng cho Hạ-uy-di mang danh là ĐảoThiên Đường (Paradise island).

 

Đảo MAUI nhiều thắng cảnh:

 

Chúng tôi lưu trú tại Royal Lahaina Resort là nơi thuận tiện khiêu vũ với sóng biển rồi vào hồ bơi xả nước ngọt, đến bữa điểm tâm tự chọn món ăn trong khách sạn, tiếp sau là trọn ngày rong chơi. Theo xa lộ 30 chạy dọc bờ biển Tây-bắc đảo Maui, bỏ qua những bãi tắm đông người, dừng lại Nakalete Point xem cá voi xanh là nơi “cá Ông” xuất hiện hàng đàn vào mùa Xuân. Theo xa lộ 37 chạy xuyên giữa đảo, xe chậm rãi leo dốc theo Skyline trail uốn lượn nhịp nhàng dẩn lên Hakeakala national park. Giữa dốc núi có Poli poli Spring state park, từ đó phóng tầm mắt xuống đồn điền mía xanh lục giữa xóm làng, tiếp liền biển thẳm nối chân trời xanh lơ. Lên trên cao độ 8,000 feet, xe như bềnh bồng giữa tầng mây trắng, chung quanh trơ trụi không một sinh vật nào tồn tại. Tới đỉnh điểm 10,023 feet, chúng tôi dựa vững vào lan can nhà lưu niệm mới dám nhìn xuống lũng sâu trơn nhẵn, dấu tích dòng chảy dung nham giữa núi cao đá đen sắc nhọn. Chỉ nơi nầy, lần đầu chúng tôi thấy được loài hoa quí hiếm Silver words, lá ngời lên màu sáng bạc như rừng gươm chỉ thiên, hoa vàng kết quanh chóp đầu, đứng thi gan cùng sỏi đá giữa trời nắng gió.

 

 

Đỉnh cao 10,023 f=3,055 meters

 

 

Vườn Silver Words ở đính núi đá

 

Từ sáng sớm, chúng tôi ăn điểm tâm và lấy thực phẩm togo tại nhà hàng Ba-Lẹ để đi thăm Vaianapanapa state park. Chạy theo xa lộ 311 xuyên giữa đảo Maui tiếp đến xa lộ 36 dọc bờ biển Bắc, lượn theo vách núi cheo leo, nhiều nơi đục xuyên núi có lưới sắt bao trùm vách đá phòng ngừa đá rơi. Dừng lại giây lát tại Kaumahina state wayside rợp bóng mát cây bàng, nhìn trai gái đùa nhảy với sóng biển. Cho đến 5 giờ chiều mới đến thắng cảnh Vaianapanapa, ngắm nhìn vài thác cao đổ xuống mấy tầng hồ có nhiều du khách bơi lội. Nước ngọt từ hồ đổ xuống vực biển mặn dậy sóng cồn vỗ ì ầm vào vách núi sừng sững. Không còn thì giờ đến thăm 2 thắng cảnh ở xa nhà bảo tàng công viên 5 và 10 miles. Lịch trình cần ghé thăm Kipahulu valley trù phú về nông sản, mua trái cây ngay tại nương rẫy.

 

 

Quán giải khát nước dừa bên đường

 

Vòng về chạy theo đường 34 dọc bờ biển Nam Maui, có đoạn trài đá lên xuống ziczac, bên phải là núi đất khô cằn, bên tả là biển sâu choáng ngợp, nếu tài xế lơ đãng thì cả 3 xe lao xuống vực.  Cũng may, đường quanh đảo Maui không có giao lộ nên không đèn xanh đỏ, tài xế khỏi phân tâm. Đèn giao thông dày đặc ở các khu phố phía Bắc và trung tâm Maui.

 

Đảo BIG ISLAND; sự tương phản của núi lửa với cà phê và hoa lan

 

Từ phi trường Kahana của đảo Maui, phi cơ nội địa đưa chúng tôi xuống sân bay Kohaha trong nội địa ở Bắc đảo Big island, nơi con tôi là Vinh+Hằng và 2 cháu chờ đón. Con cháu tôi đã đến đây tuần trước nơi Kona international airport ở phía Tây đảo nầy. Hawaii’s Big island lớn gấp đôi các đảo trong tiểu bang Hawaii cọng lại. Có 6 núi lửa tạo thành đảo Big island là Mauna loa (13,679 feet), Mauna kea (13,769 feet), Kohala, Hualahai đều đã tắt từ lâu, Kilauea còn bốc khói. Du khách thăm Hawaii Volcanoes national park biết thêm núi lửa thứ 6 là Kinalea đã phun lửa lần chót năm 1979, dung nham của nó cắt ngang xa lộ, bồi đắp lấn ra biển 100 mét, rộng chừng 50 héc-ta, ban đêm còn thấy đỉnh Kilanea đỏ hồng.

 

Phía Đông đảo Big island mưa nhiều đến 150 inches/năm, tạo nên thảm thực vật phồn mậu, canh nông thuận lợi. Ngược lại phía Tây bị núi cao ngăn chận mây, lượng mưa chỉ đến 10 inches/ năm khiến cho cảnh vật khô cằn trơ trụi, xám đen sỏi đá.

 

 

 

Thắng cảnh và du lịch phần nhiều ở phía Đông của Big island. Từ Royal Kona resort chúng tôi đến thăm vài ba nơi:

 

- Thác nước Rainbow falls nằm gần Hillo international airport,lấy tên là Rainbow do cầu vồng thường xuất hiện trên thác, nơi có hồ nước nóng Boiling pots.  

 

- Thác Umauma falls gồm một thác ở giữa với hai thác kèm hai bên, là thác đẹp nhất ở bờ biển Bắc Đảo Big island.

 

- Thác Akaka falls cao 442 feet, là thác cao nhất được mang tên cho công viên Akaka state park.

 

- Dựa vào núi cao bên thác nước gần thành phố Hilo, nên ngành du lịch đã thiết lập 2 trạm cáp treo Skyline Akaka falls và Umauma falls Zipline.

 

Du khách có được cảm giác mạo hiểm và sảng khoái lúc chiêm ngưỡng cảnh trí tuyệt đẹp từ trên cao, khi trượt theo giây cáp treo.

 

Giải đất lava của NÚI LỬA ở đảo Big island là cái nôi sinh trưởng hoa phong lan, cung cấp sắc màu diễm lệ cho Đại hội HOA LAN hàng năm; cũng là cội nguồn của CÀ PHÊ KONA thơm ngon nhất thế giới.

 

Đảo OAHU (Aloha state) có Honolulu và Trân-châu-cảng lừng danh:

 

 

Bờ biển nham thạch, là 1/3 bờ biển ở Hawaii

 

Rời Honolulu international airport, chúng tôi đến ngay hotel Park shore bên bãi biển Waikiki đã giữ chỗ trước, vì mấy điều thuận lợi:

 

- có thể đi bát phố thăm Royal Hawaiian center và Aloha tower.

 

- đi bộ đến Diamond Head beach park ngắm cây đa khổng lồ, tàng lá che mát đến vài mẫu tây

 

- hơn hết là tắm biển Waikiki bất cứ giờ nào rãnh rỗi.

 

 

Kualoa beach nhìn ra đảo núi Chinaman’s hat

 

Trọn ngày 30-7-2014, chúng tôi lấy Hwy 91 đến Hwy 83 chạy dọc bờ biến Bắc Oahu, nghỉ thư giãn tại Kualoa beach park khoáng đãng, nhìn đảo núi Chinaman’s Hat giống như chiếc nón ông nhà quê Ba Tàu trời đặt trên biển. Ghé thăm Temple valley, nơi nghĩa trang có hàng trăm dãy mộ bia thẳng tắp khắc chữ Nhật, chữ Tàu, số ít chữ Việt, chứng tỏ người Á-đông có mặt tại Hawaii đã lâu đời.

 

 

Chùa Nhật Byodo-In ở Temple valley

 

Cuối nghĩa trang thênh thang đến ngôi chùa Byodo-In tráng lệ theo kiến trúc Nhật-bản. Tiếng chuông ngân nga từ tháp Đai hồng chung, dường như cá vàng và thiên nga bơi trong hồ cũng trầm tư theo du khách. Đích đến của chúng tôi là Polynesian Cultural center.

 

 

Bến xe bus đón rước du khách đến nơi nầy

 

 

Polynesians biểu diễn ca vũ lưu động trên hồ

 

Đây là khu vực tập trung nhà cửa thôn làng Polynesia; sông hồ là nơi biểu diễn ca vũ nhạc trên sàn thuyền của dân các đảo Fuji, Samoa, Tonga,Tahiti, Aotearoa và Hawaii. Buổi dạ tiệc khá linh đình, heo quay taị chỗ, trong khi sân khấu tiếp diễn Văn nghệ tổng hợp, thực khách được choàng vòng hoa và mời rượu.

 

b) Nhận diện TRÂN-CHÂU CẢNG và trận không tập năm 1941.

 

Thấy gì ở Trân-châu-cảng hôm nay:

 

Trân-châu-cảng là từ dịch đúng nghĩa chữ PEAL HARBOR, do căn nguyên dân Hawaii mò được ngọc trai (pearl) trong vịnh biển nầy. Trân-châu-cảng (TCC) nằm phía Nam đảo Oahu, kề bên thủ phủ Honolulu, đúng giữa hải lộ từ Mỹ đi Nhật. Mỹ không ngừng xây dựng TCC từ đầu thế kỷ 20 thành quân cảng hệ trọng như ngày nay. Ngày 7-12-1941, liên tiếp hai không đoàn của Hoàng gia Nhật bất ngờ tấn công TCC, bỗng dưng gây tổn thất trầm trọng cho hải và không lực Mỹ, do đó Mỹ bắt đầu tham gia vào Đệ nhị thế chiến cùng với Đồng minh đánh trả đũa, buộc Nhật đầu hàng ngày 2-9-1945.

 

 

Phi cơ Nhật đột ngột tấn công, TCC bao trùm khói lửa

 

Trân-châu-cảng sớm hồi phục và phát triển lớn mạnh, đồng thời ghi nhớ mãi ngày lịch sử đau thương bằng những bảo tàng viện và đài kỷ niệm dựng ngay trên chứng tích cũ:

 

- Chiến hạm lịch sử USS Missouri bỏ neo ngay lối vào Pearl Harbor historic sites để nhớ ngày 2-9-1945 Nhật đầu hàng, do Ngoại trưởng Mamouru Shigetmitsu ký với Tướng Douglas Mac Arthur, Tổng tư lệnh Thái bình dương, trên boong chiến hạm Missouri trong biển Tokyo, Nhật. Chiến hạm Missouri có bề ngang 108 feet 8 inches vừa qua lọt kênh đào Panama rộng 110 feet, có vận tốc 40miles/giờ. Đầu chiến hạm Missouri thiết trí 6 khẩu đại pháo 16 inches, nặng 230,000 pounds/khẩu, quả đạn dựng cao ngang đầu người. Trên pháo tháp có 6 bệ phóng hỏa tiễn Tomahawk để phóng 16 hỏa tiễn có tầm xa 1,000 miles (Trận Gulf War chỉ xài chơi 6 Tomahawk!).

 

 

6 hải pháo lớn nhất trước đầu USS Missouri

 

 

- Tòa kỷ niệm chiến hạm USS Arizona trắng tinh trong vịnh biển xanh, ngay trên xác tàu chìm, còn thấy chân vịt nhô lên trên thân tàu cắt làm đôi duới nước, bị đánh đắm vào phút đầu của trận không kích. Chúng tôi đọc danh sách 1,177 thủy thủ tử nạn theo USS Arizona, cũng là mồ chôn 900 chiến sĩ hải quân chuyên viên về thủy đạo, san hô và thủy sản.

 

 

Tòa kỷ niệm chiến hạm Arizona

 

- Tiềm thủy đỉnh USS Bowfin hạ thủy ngày 7-12-1942 tại Portsmouth Naval shipyard ở Kittery, Maine, trở thành bất khiển dụng trong trận không kích, hiện là tàu ngầm nổi lên cho khách tham quan. Chúng tôi có dịp đi suốt thân tàu ngầm USS Bowfin, tìm hiểu cơ chế điều hành và sinh hoạt của thủy thủ trong chuyến hải hành dưới mặt biển.

 

 

Trong thân tàu ngầm USS Bowfin

 

- Đài kỷ niệm chiến hạm USS Oklahoma để tưởng nhớ 429 thủy thủ chết theo tàu khi chiến hạm USS Oklahoma bị phóng pháo cơ Nhật đánh lật úp.

 

- Đài kỷ niệm chiến hạm USS Utah dựng trên xác tàu để tưởng nhớ 58 thủy thủ hy sinh.

 

- Pacific Aviation Museum Pearl Harbor trên bộ, là nhà kỷ niệm lớn rộng trưng bày các loại phi cơ Nhật đã dùng trong trận không tập và các loại phi cơ Mỹ nằm ở phi cảng lúc ấy.

 

 

Khu trục cơ của Nhật tấn công TCC

 

Huy & Chi - con tôi - có hẹn với anh bạn học hào hoa ở Chicago hai mươi năm trước, nay trở thành Đại úy Linh mục Tuyên úy Nguyễn Ngọc Châu Phòng, dùng bữa với chúng tôi tại nhà hàng “Phở #1 Honolulu”, có Linh mục Bảo (ở Boston, MA) cùng đến. Từ duyên hội ngộ, Đại úy Nguyễn Ngọc Châu Phòng mời chúng tôi vào doanh sở Bộ Tư lệnh Thái-bình-dương để thăm giáo đường do ông quản nhiệm và nhìn qua vài ba căn cứ hải và không quân Mỹ tại đây. Chúng tôi thấy Honolulu international airport nằm bên phi trường quân sự Pearl Harbor, phi cơ lên xuống dập dìu như chim hải âu bay lượn trên bầu trời TCC. Được biết hiện nay Đô đốc Samuel J. Locklear III nắm quyền Tổng tư lệnh Thái-bình-dương (cả Thủy Lục Không quân) đặt tổng hành dinh tại TCC bao gồm Đệ thất hạm đội và Đệ tam hạm đội (United Pacific Fleet). Đệ thất hạm đội - từng phái Hàng không mẫu hạm làm nơi xuất phát phi vụ yểm trợ VNCH - là hạm đội Mỹ lớn nhất có 60 chiến hạm, 350 phi cơ các loại, 60,000 hải quân vả thủy quân lục chiến.

 

Nhìn lại trận không tậpTrân-châu-cảng dẫn đến mặt trận Thái-bình-dương

 

Trận không tập Trân-châu-cảng:

 

Đô đốc Isoroku Yamamoto của Nhật dùng chiến thuật “xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị” đánh phủ đầu quân lực Mỹ trú đóng tại TCC nhằm chận trước quân Mỹ phá hỏng chiến lược của Nhật chiếm cứ toàn vùng Đông-nam Á, đồng thời giữ an toàn con đường tiếp liệu qua Thái-bình-dương của Nhật. Ông tập hợp 31 chiến hạm Nhật đến phía Bắc đảo Oahu 230 miles, tung ra 183 phi cơ cất cánh từ 6 hàng không mẫu hạm hướng đến TCC lúc 7:50 sáng chúa nhật ngày 27-12-1941 (đài radar Opana phía Bắc đảo Oahu phát hiện thì đã muộn). Thừa lúc thủy quân & không quân Mỹ đi lễ nhà thờ hay dạo phố, bất thình lình phi cơ Nhật nhào xuống đánh bom tất cả tàu thủy và tàu bay tại TCC. Mở màn, tốp phi cơ bay sát mặt biển  để radar không thể phát hiện, đột ngột phóng ngư lôi xuống Battleship Row đậu tại Ford island, đánh chìm các chiến hạm Arizona, West Virginia, Oklahoma, California…

 

 

8 chiến hạm tại Battleship row bị tấn công

 

Phóng pháo cơ phá hủy các kho tiếp liệu và các dãy phi cơ đậu trên sân bay để ngăn  chận phi cơ Mỹ bay lên nghênh chiến. 8:10 chiến hạm Arizona trúng bom đứt làm hai chìm ngay, mười phút sau nhiều chiếc khác bốc cháy trong số 85 tàu chiến đủ cỡ hiện có tại TCC.

 

 

Phi cơ Nhật đợt 1, đánh chìm chiến hạm USS Oklahoma

 

Trong vài mươi phút ngắn ngủi, từ TCC êm đẹp trở thành vùng trời lửa khói, tiếng nổ và gầm rú kinh khiếp, xác người nhấp nhô trên mặt biển phủ đầy dầu nhớt. Đợt không kích đầu chấm dứt, sau 30 phút tiếp đến đợt 2 của 167 phóng pháo cơ và chiến đấu cơ Zero tấn công trên toàn đảo Oahu. Chiến hạm USS Nevada bị hư hại, đang cố thoát theo sông đào ra biển, trở thành mục tiêu tấn kích. USS Nevada bị chìm mang theo 60 thủy thủ. Lần nầy, phi cơ Nhật bị đánh trả từ mặt đất bằng bất cứ loại súng nào của chiến binh Mỹ có trong tay, tuy không hiệu quả mấy, cũng có đôi ba phi cơ Nhật bốc cháy.

 

 

Khu trục hạm Shaw phát nổ, cầu đứt đoạn

 

 

Phi cơ Mỹ hư hỏng, bỏ lại Hickam field, TCC

 

Nhật không kích TCC đã sát hại 2,390 nhân mạng gồm 2,005 thủy thủ + 233 không quân + 109 hải quân + 49 thường dân. Trong 8 chiến hạm hạng nặng đậu tại Battleship row thì 5 chiếc bị đánh chìm. Kể chung có 21 chiến thuyền bị đánh chìm và thiệt hại nặng không còn sử dụng. Không lực Nhật đã phá hủy 164 phi cơ Mỹ, làm hư hỏng 159 chiếc khác, 1 phi công Mỹ đầu tiên bị bắt. Tuy vậy cũng may là không có Hàng không mẫu hạm nào của Mỹ taị TCC lúc Nhật tấn công nên chủ lực vô sự, các cầu tàu và kho dầu không thiệt hại mấy.

 

Phía Nhật mất 55 phi công và 29 chiến đấu cơ, phần lớn do hải quân Mỹ bắn trả, 6 chiếc tàu ngầm nhỏ (loại 2 người) mất tích, 1 bị Mỹ bắt.

 

 

Phi cơ phóng ngư lôi Nhật trục lên từ đáy biển

 

Trận chiến Thái-bình-dương

 

1941: Sau trận đột kích Trân-châu-cảng, Nhật nhanh chóng chiếm cứ Thái-lan, bán đảo Mã-lai, Manila, Hong-kong, các đảo Gilbert, Wake và Guam.

 

1942: Phi-luật-tân, Miến-điện và Singapore thất thủ. Nhật xâm chiếm New Guinea và chiến thắng trên biển Java, chấm dứt sự kháng cự của Hòa-lan ở Đông Ấn. Nhật chiếm đảo Aleutian, Attu và Kiska (thuộc Mỹ). Chiến dịch Guadalcanal khởi đầu, kéo dài một tháng.

 

1943: Hải quân Mỹ chiếm cứ Guadalcanal. Chiến dịch đảo Solomon bảo vệ đường tiếp liệu cho Úc. Nhật tháo lui khỏi Aleutians. Quân Đồng minh mở chiến dịch mãnh liệt tái chiếm New Guinea. Các trận đánh chiếm Marshall, đảo Caroline và tái chiếm Gilberts đều gặp phải sức kháng cự dũng cảm của quân Nhật phòng vệ.

 

1944: Lần đầu pháo đài bay B-29 của Mỹ dội bom trên lãnh thổ Nhật bản. Quân Mỹ lấy Đài-loan và Marianas; tái chiếm Guam và Manila. Chiến lược bành trướng vào Ấn của Nhật bi triệt tiêu. Nhật bắt đầu sử dụng phi cơ cảm tử Thần phong (Kamikazi) tấn kích trong trận vịnh Leyte (phía đông Phi-luật-tân).

 

1945: Quân Đồng minh làm chủ nước Phi-luật-tân và Miến điện; đánh chiếm các đảo phía Nam của Nhật là Iwo Jima và Okinawa (Xung-thằng). Quân phòng thủ của Tưởng Giới Thạch lấy lại các thành phố quan trọng phía Nam Trung quốc, quân Nhật ở Việt-nam bị cô lập. Bom lửa tàn phá Tokyo và các thành phố Nhật. Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống 2 thành phố Nhật là Hiroshima và Nagasaki. Quân Nga-sô thừa dịp chiếm Mãn-châu. Nhật chấp nhận đầu hàng ngày 14-8-1945 trên boong chiến hạm Missouri của Mỹ.

 

Mặt trận Thái-bình-dương khai diễn khi cơ xưởng quốc phòng Mỹ tăng tốc và tái phối trí TCC sau 6 tháng bị đánh úp. Quan trọng nhất là trận Midway ngày 4-7-1942 nơi quân Nhật mất 4 hàng không mẫu hạm, 228 phi cơ và 3,000 chiến sĩ; từ đó hạm đội Nhật không thể hồi phục. Trận ngoài biển Phi-luật-tân ngày 19 & 20-6-1944 có Hàng không mẫu hạm lớn nhất Marianas Turkey Shoot của Mỹ lâm trận, đánh chìm 3 hàng không mẫu hạm và bắn hạ 600 phi cơ Nhật. Trận vịnh biển Leyte từ ngày 23 đến 26-10-1944 là trận hải chiến lớn nhất làm kiệt quệ quân lực Hoàng gia Nhật vì mất 26 chiến hạm và 2 phi đoàn.

 

Nhật đã “gieo gió” đột nhiên không kích Trân-châu-cảng, thì phải “gặt bão” thua trận do bom nguyên tử, âu cũng là lý lẽ có vay có trả cả vốn lẫn lời quá tàn bạo của chiến tranh./.

 

Tết Ất Mùi, 19-2-2015

TRƯƠNG QUANG

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây

Xem trang Kiến thức tài liệu: click tại đây

Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh