Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 15, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Phiếm luận
NỖI OAN CHÚ KÊ
TRẦN THANH THANH

Tán láo chuyện gà: NỖI OAN CHÚ KÊ
Trần Thanh Thanh

Gà là con vật cầm tinh thứ mười trong thập nhị chi còn gọi là Địa chi hay nôm na là một giáp, gồm mười hai con, do các ông Lốc Cốc Tử từ cái đời nảo, đời nao tận bên Tàu đặt ra để rồi từ đó, rờ mu rùa, gieo quẻ, nhắm mắt nói về vận số một con người.

Bắt đầu từ con chuột lắc xắc nhỏ nhất, đứng kề con trâu béo ị vụng về rồi sau đó mới đến lượt con cọp hung dữ, dẫn theo bà dì mèo lúc nào cũng vờ vịt lim dim ngủ. Hở ra một cái là ăn vụng như điên. Tiếp đến hai cái anh rồng, rắn. Lúc thì vẽ giống nhau. Lúc thì thêm mấy cái móng để anh rồng ra vẻ ta đây là bậc đế vương, mà chẳng làm nên tích sự gì. Suốt gần ba phần tư thế kỷ, dân Việt hai miền cứ chết chóc, đói khổ liên miên. Thêm hai anh ngựa và dê thì lúc nào cũng cà ngơ, cà ngáo.

Trong lục súc tranh công truyện, phải dành cái câu “ngẩn ngơ như ốc mượn hồn” cho hai anh chàng mới đúng. Tiếp theo anh dê là anh khỉ, anh khỉ khọn. Tính tình rất… khỉ. Ấy vậy mà ông Tổ Các Mác lấy cái thuyết tiến hoá “Đạt-Quên” (Darwin) làm biện chứng pháp duy vật cho chủ Nghĩa Cọng Sản, treo hình con khỉ khọn lên làm Ông Tổ loài người.

Ba con vật sau chót là gà, chó và heo thì gà là con vật có dáng vẻ dễ thương, hiền lành đáng yêu và có công với loài người nhiều nhất, so với anh chó, hỗn như... chó và anh heo, ngu như... heo!

Tại sao gà lại có công hơn chó và heo? Ta sẽ luận công sau.

Mười hai con vật đó nói theo tiếng Hán (rộng) Nôm (dài) thì là: Tý, Sửu, Dần, Mẹo (mấy anh Bắc thì cứ là Mão, không chịu Mẹo như thiên hạ. Đã Mão thì phải nói luôn Dần là Hổ cho tiện việc sổ sách. Chẳng bao giờ nghe nói: tý, sửu, hổ, mão cả!) rồi Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Lấy mười hai con giáp này ghép vô Thập can chi còn gọi là Thiên chi: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí. Cứ năm can ghép vô một chi, tán rộng ra sáu mươi năm, một con vật mới trở lại “tua” một lần.

Ối thôi! Bối xồm xồm! Nói bảy ngày, bảy đêm không hết.

Đó là chưa kể tới mấy cái cung, cái quẻ, nhức đầu nhức óc, tầu hỏa nhập ma như càn, khảm, cấn, chấn, ly, khôn, đoài.

Dần dần về sau, các đệ tử của cái Đạo “Thầy bói, nói mò” phịa thêm ra đủ thứ cái trên đời, sắp xếp thành hệ thống Bát quái, Can, Chi, Âm, dương, Ngũ hành. Hình như xuất phát từ môn phái Võ Đang(?) Các ông Đạo sĩ phái này lấy cái đồ hình Bát quái, chính giữa có hai hình Nhật Nguyệt làm biểu tượng.

Đến nay thì sách vở viết về khoa Bói toán, Tử vi, Mệnh số đầy dẫy. E rằng cả một thư viện mang tên Clinton của ông cựu tổng thống có máu 35 vừa mới khánh thành ở Little Rock (Arkansas) chứa cũng không hết.

Được cái, nghề bói toán rất rộng vòng tay mở. Ai thất nghiệp, ai buồn tình không biết phải làm gì, cứ vớ vài cuốn về đọc qua loa là có thể hành nghề thầy bói được rồi. Cứ theo tâm lý, nói quàng, nói xiên, tràng giang đại hải, cuối cùng kết lại một câu vô thưởng vô phạt cho vừa ý thân chủ là ăn tiền.

Cái mẹo vặt hầu hết các ông bà thầy bói thường hay áp dụng là đầu tiên phải hù khách, đa số là các bà, các cô ưa đi coi về chuyện tình duyên, và cầu gia đạo lắm, tức là cạo da đầu! Sau đó thì:

- Nói vậy chứ Bà (Cô) đã có tôi đây! Bà đã gặp được may rồi. Tôi sẽ có cách giúp Bà để xở ra! Nhưng… -Cái nhưng, nói lửng lơ để khách nóng ruột hỏi dồn, đến lúc cá cắn câu rồi thì cứ từ từ mà moi-

Hồi xưa còn có ông Lốc Cốc Tử nào đó ở Sè Goòng đăng báo xưng mình là “bờ rồ phét xưa” rồi nói tiếng Tây “Chiromangso” nữa chớ! Hóa ra ông ta là thầy bói chuyên bói bài Tarot “Chỉ rõ mạng số”.

Cũng còn may, trên thế giới chưa có nước nào ban hành luật đánh thuế “nói dóc”, “nói phét”, “nổ”, nên cứ tha hồ mà khoác lác, kẽo mai này không có dịp.

Bài viết này chỉ muốn lượm lặt vài chứng cứ để minh oan cho “chú kê” tục gọi là con gà mà thôi. Tội nghiệp cho con gà biết bao! Nó chỉ có biết cất tiếng gáy mà không có miệng lưỡi, ngôn từ để cãi lại cái miệng thế gian, nên đành chịu mang tiếng oan, như cái oan Thị Kính. Nhưng Thị Kính còn có đoạn kết giải oan, chứ con gà xưa, nay, đã có ai chịu đứng ra làm “thầy cãi” để minh oan cho nó?

Tại con gà.

Năm 1958, người kể chuyện này, đi thi Trung Học đệ nhất cấp, phần ngoại ngữ, phải dịch một bài tiếng Việt ra tiếng Anh. Đầu đề là “Tại con gà”. Tóm tắt bài dịch đó như sau:

Thuở nọ, có một anh chàng làm chủ cho một nhà kia (thay vì nói làm đầy tớ như hồi cái nẫm thì không có tính đấu tranh giai cấp cao trong xã hội Xã hội chủ nghĩa nước Việt mến yêu của ta) mỗi sáng phải dắt trâu ra đồng ăn cỏ. Bà đầy tớ khi nghe tiếng gà gáy là xuống bếp đánh thức ông chủ dậy để lùa trâu ra đồng. Ông chủ hay mê ngủ, mỗi lần bị đánh thức là hay càu nhàu và thù con gà vì nó gáy. Một hôm bà đầy tớ đi vắng, ông chủ bèn vặn cổ con gà “cho mày hết gáy”, cho mày hết gáy.

Nhưng, từ ngày con gà bị vặn cổ, bà đầy tớ thức giấc lúc nào là đánh thức ông chủ dậy lúc ấy. Có hôm trăng còn treo ở đầu núi cũng phải ráng mà lùa trâu ra đồng.

Lúc đó ông chủ lại càng khổ hơn xưa. Đã không biết lỗi của mình mà lại cứ lẩm bẩm đổ tội: “Tại con gà”.

Nhân chuyện dịch, lại nhớ thêm chuyện chữ “tại”. Hầu hết học sinh đều dịch: Tại con gà: Because the cock. Because thầy dạy là: Bởi vì, bởi rằng, tại, bị… Chưa bao giờ thấy cái chữ: Because of. Ấy vậy mà khi đọc bài giải đáp trong báo, lại thấy quí thầy ở “Thầy Gòn” dịch cái đầu đề là Because of the cock.

Mấy anh nhóc học trò như tôi, vò đầu, bức tóc rũa thầm:
- Cũng tại con gà!

Rõ ràng sự việc nêu trên, con gà đâu có lỗi gì mà ông chủ với anh học trò lại cùng hùa nhau cả vú lấp miệng em là -“Tại con gà!”

Trong quân trường.

Ở trong quân trường, vác cây Garant nặng như cái búa tạ, ngày tối đi ắc ê ở vũ đình trường, mệt thở không ra hơi, mà hết mấy ông huấn luyện viên, tới mấy ông huynh trưởng, bi thảm hoá, xấu xí hoá hình ảnh con gà để đổ trút lên đầu mấy anh tân khoá sinh:

- Anh là cái thứ gà chết!

- Gà mắc nước! Gà nuốt dây thun!

Thậm chí tệ hại hơn nữa là: Gà nuốt cơ bẩm!

Ối trời ôi! Cơ bẩm là cái bộ phận nạp đạn, móc vỏ đạn to bằng ba ngón tay khép lại, nặng xêm xêm cũng nửa ký lô, bị cái lò xo hoàn lực kẹp cứng ngắt, mấy tuần đầu dùng tay kéo lui không nổi, phải dùng chân mang “bốt đờ sô” đạp xuống, nó mới chịu thụt ra. Đến lúc nạp được kẹp đạn vào buồng đạn muốn trả cái cơ bẩm về vị trí cũ, anh nào cũng phải bị ít nhất vài lần cái cơ bẩm đó quạp ngón tay cái, bầm tím đau cả tuần chưa êm.

Vậy thì cái mỏ gà chút xíu làm sao nuốt được cái cơ bẩm?

Thế mà mấy ông huấn luyện viên cứ mắng sa sả:

- Các anh là cái thứ gà nuốt cơ bẩm!

Thưa quí Ngài!

Một lần nữa, con gà, thân chủ của tôi lại bị vu khống và lăng mạ!

Sau lũy tre làng.

Ở thôn quê, con gà là nhân vật, không phải, xin nói lại cho đúng chữ, là con vật số một trên cả con heo, con trâu, con bò, con chó. Gà gần gũi thân thiết với người hơn bất cứ gia cầm nào. Ngỗng, ngan, vịt, bồ câu chỉ là thứ yếu.

Ngày Tư, ngày Tết là phải có gà. Ơn thầy, nghĩa Họ đều phải có gà đi trước.

Thế mà mấy bà làm lẽ (vợ nhỏ, vợ bé) hay bị chồng thờ ơ trong việc “trả bài” cứ lôi con gà ra hành tội.
Hãy nghe một bà rền rĩ tả oán nó mới thê thảm làm sao:

- Người ta đi ở có công.
Thân tôi làm lẽ, càng trông càng buồn.
Tối tối chị giữ lấy buồng,
Chị cho manh chiếu nằm suông chuồng bò.
Mong chồng, chồng chẳng xuống cho.
Đến khi chồng xuống, gà đã o o gáy dồn!
Cha mẹ con gà kia mày đã gáy dồn.
Mày làm tao mất vía kinh hồn về nỗi chồng con.

Một bà khác còn ác hơn nữa, tội nghiệp cho con gà!

- Tính rằng đêm bảy ngày ba.
Mỗi đêm có sáu, gà đà sang canh.
Chém cha con gà trống nó đậu trên cành.
Giá biết như vậy, bà đã làm gỏi, nấu canh ăn rồi.

Trai cày nghèo đi cưới vợ

Con gà là một vị cứu tinh của trai làng nghèo khó. Nghèo quá, làm gì có đủ các món “linh tinh” thách cưới nhà gái như:

- Thầy mẹ em tham bạc, tham tiền. Tham con lợn béo…

hoặc thách phải có voi, có trâu, có bò. Toàn là những con vật bốn chân to lớn, đắt tiền. Đâu chịu những con vật hai chân nhỏ nhít tầm thường như gà, như vịt. Đào đâu ra mấy món đó để dẫn cưới, đành phải miệng lưỡi mánh mung:

- Cưới nàng anh toan dẫn voi.
Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn.
Dẫn trâu sợ họ máu hàn.
Dẫn bò sợ họ nhà nàng co gân.
Miễn là có thú bốn chân.
Dẫn con chuột béo mời dân, mời làng
- Chàng dẫn thế, em lấy làm sang.
Nỡ nào em lại phá ngang như là...

Nhưng may thay, không phải cha mẹ cô gái nào cũng “vô tư” thách giá cao như thế. Khi đã yêu nhau ra rít rồi thì “dù rằng cau sáu bửa ba, em đây cau sáu, chẻ ra làm mười” dể dãi cho anh, chỉ cần:

- Cưới em có cánh con gà.
Có dăm sợi bún, có và hạt xôi.
Cưới em còn nữa anh ơi.
Có một dĩa đậu, hai môi rau cần.
Có xa dịch lại cho gần.
Nhà em thách cưới có ngần ấy thôi.
Hay là nặng lắm anh ôi.
Để em bớt lại một môi rau cần!

Tội thì thôi! Nhưng cũng có cô bị cha mẹ tham lam thách cưới “đỉnh cao” quá, thành ra “ê sắc ế” chồng, cuối cùng phải gả cho trai cày nghèo mạt rệp, đành ngậm bồ hòn than thân, trách phận:

- Thầy mẹ em tham bạc tham tiền.
Tham con lợn béo cầm duyên em già.
Để đến nay, anh cưới em chỉ có nửa con gà.
Dăm ba sợi bún một và hạt xôi.

Nửa con gà! Cũng còn may. Chị bạn hàng xóm ở trên lấy chồng chỉ có mỗi cái cánh gà thì đã chết thằng Tây đen nào đâu?

Lại còn có cô “mót” lấy chồng quá, lấy con gà ra làm cớ so sánh để chổng phao câu lên mà gào với cha mẹ:

- Con gà rừng tốt mã khoe lông.
Chẳng cho đi chọi, nhốt lồng làm chi!
Thầy mẹ ơi! Con đã đến thì
Mười bảy, mười tám chẳng cho đi lấy chồng.
Bây giờ người có con đông
Thấy chúng, thấy bạn cực lòng con thay!

Sau lũy tre làng, ngoài những chuyện “buồn như chấu cắn” ấy, trong đêm thanh vắng, người ta còn nghe những tiếng than ai oán não nề, con gà vô tội của tôi cũng bị lôi vào cuộc.

Nàng thì:

- Đêm đêm khêu ngọn đèn loan
Nhớ chàng quân tử thở than mấy lời.
Mong chàng chẳng thấy chàng ôi!
Thiếp tôi trằn trọc vội dời chân ra.
Nhác trông lên trăng đã xế tà.
Đêm hôm khuya khoắt con gà đã gáy sang canh.
Mong anh mà chẳng thấy anh
Thiếp tôi buồn bã khêu quanh ngọn đèn.

Chàng thì:

- Đêm khuya nghe vạc cầm canh
Nghe chuông gióng sáu, nghe anh khuyên nàng.
Anh khuyên, nàng đã hồ nghe.
Trách con gà trống te te gáy dồn.

Ai khổ, ai than, mặc! Chỉ có ông thầy Bói, thầy Pháp là sướng rên củ tỉ mà thôi. Gà béo, gà thiến gì cũng đem dâng nạp cho thầy hết:

- Chập chập rồi lại chong chong
Có con gà sống cũng mang hầu thầy.

- Chập chập rồi lại chung cheng
Có con gà béo để riêng cho thầy.
Đơm xôi thì đơm cho đầy
Đơm mà vơi đĩa thì thầy không ưa.

- Chập chập thôi lại chung chiêng
Con gà trống thiến để riêng cho thầy.
Đơm xôi thì đơm cho đầy
Đơm vơi thì thánh nhà thầy mất thiêng!

Công trạng của gà.

Theo truyện “Chúng tôi có mặt” của nhà văn Võ Hồng, thì gà (do Trời sai xuống) giữ một nhiệm vụ rất cao cả:

Thuở Tây Lũng tam canh trống thúc, gà gáy đầu ba tiếng:

- Thiên nhật tác thì! Thì giờ bắt đầu phải cho đúng.

- Quốc tộ tác xương! Mong ngôi vua thuận trị lâu bền.

- Nhân gian tác lạc! Cõi người bắt đầu yên vui.

Nhà nông nơi nơi đều trông cậy vào tiếng gà gáy để biết giờ giấc ra đồng. Con gà chỉ biết làm bổn phận. Làm đúng chức năng. Nào có lòng riêng tư với ai. Vậy mà thế gian cứ “trăm dâu đổ đầu tằm”, cho là tại con gà phá đám cái việc của họ.

Khi có việc, lại cầu cứu đến gà.

Phi tửu bất thành lễ. Phải thêm: Phi kê bất thành lễ mới đủ bộ.

Trong các cuộc lễ bái không rượu, không gà là không thành lễ.

Cúng Tam sanh mà thiếu gà cũng không xong. Ngày xưa mỗi lần xuất quân ra trận đều dùng máu gà, máu dê tế cờ để mong “mã đáo công thành”.

Câu chuyện “tiếng gà gáy” cứu chủ sau đây chắc có nhiều người còn nhớ:

Mạnh Thường Quân người nước Tề, theo lời mời của vua Tần là Tần Chiêu Vương, đem theo mấy môn khách sang thăm. Để làm quà, Mạnh Thường Quân tặng cho vua Tần cái áo lông chồn trắng rất quí.

Qua mấy lần tiếp xúc, vua Tần thấy Mạnh Thường Quân là người có tài trí muốn dùng, nhưng Thường Quân chối từ. Vua Tần muốn giết đi để trừ hậu hoạn nhưng không nỡ, bèn bí mật ra lệnh giam lỏng ở nhà khách, không cho về. Em trai vua Tần là Kinh Tương Quân biết chuyện, lẻn đến báo tin cho biết. Mạnh Thường Quân lo sợ nhưng không biết phải trốn về nước bằng cách nào. Kinh Tương Quân mách kế là phải đến cầu xin nàng Yến Phi là ái phi của vua Tần nói hộ cho thì được. Yến Phi đòi có áo lông chồn trắng mới nói giúp. Áo lông đã biếu rồi làm sao đòi lại được?

Một môn khách của Mạnh Thường Quân giả làm chó chui vào kho vua Tần lấy lại áo đem dâng cho Yến Phi. Nhờ Yến Phi òn ĩ, vua Tần xiêu lòng tha cho Mạnh Thường Quân về nước.

Sợ vua Tần nghĩ lại, đổi ý, đêm đó thầy trò Mạnh Thường Quân chạy sút quần, suốt đêm mới đến cửa ải Hàm Cốc nơi biên giới. Trời chưa sáng, cửa thành còn đóng. Sợ quan binh Tần đuổi theo, có một môn khách giả làm tiếng gà gáy, gáy lên vài tiếng giống như thật. Lập tức gà chung quanh đồng gáy lên một lượt. Quân giữ thành tưởng trời đã sáng, bèn mở cửa thành. Mạnh Thường Quân và tùy tùng vừa ra khỏi ải thì thấy quân binh Tần đã đuổi đến nơi, nhưng không bắt kịp.

Ngày nay, dân Tàu có thành ngữ “kê minh, cẩu đạo” là lấy từ điển tích trên, nhưng ý nghĩa lại chỉ những quân vô lại, chuyên làm chuyện bậy.

Người Việt mình ngày nay còn mấy ai biết đến việc dùng chân gà giò và đầu gà luộc để bói quẻ đầu năm thấy được việc hung hay cát cho gia đạo (Bạn nào muốn biết cách xem, xin viết thư về cho Trần Thanh Thanh. Hoàn toàn miễn phí).

Cái mỏ gà tuy nhỏ mà luôn đi trước để mổ thức ăn.
Cái đuôi trâu tuy lớn mà luôn ở sau đít, che “cái miệng thế gian”.

Hai hình ảnh “nhạy cảm” này là một triết lý “đấu tranh” để chúng ta soi rọi bản thân trong suốt cuộc đời phù du.

Gà nhà bôi mặt đá nhau.

Con gà có cái ngu là bị con người lợi dụng đem đi bôi mặt cho lem luốc không nhận ra nòi giống, đá nhau cho chí chết. Con người đứng xem, vỗ tay và thu lợi.

Nhưng trách gà ngu, liệu con người có khôn gì hơn?
Hay còn ngu hơn!

Con người không bị bôi mặt, chỉ cho mặc mỗi chiếc áo màu đỏ, đã răm rắp theo lời ngoại bang, cầm súng, cầm dao đi giết người anh em suốt ba mươi năm không gớm tay. Đày đọa người cùng giống trong đáy cùng địa ngục, sắc mặt không hề thay đổi.

Truy đuổi hằng triệu anh em ra biển, lên non cho đến chết mà lương tâm không một chút lay động. Đã hơn ba mươi năm qua rồi, liệu những con gà mặc áo đỏ có nhận ra được điều mình ngu không? Thực tế đã có câu trả lời.

Nhân chuyện gà bôi mặt đá nhau lại nhớ chuyện xưa. Câu chuyện Lạn Tương Như và Liêm Pha đời nay. Ôn lại một chút chuyện xưa để liên hệ chuyện nay. Cái vòng lịch sử lẩn quẩn.

Liêm Pha là đại tướng nước Triệu. Có công lớn trong việc đánh đuổi giặc Tần, giữ gìn bờ cõi toàn vẹn lãnh thổ. Lạn Tương Như là quan văn, đồng liêu với Liêm Pha trong triều, giúp vua, lo việc trị quốc an dân.

Vua Tần có lòng tham muốn chiếm đoạt “ngọc bích họ Hoà” có giá trị liên thành của Triệu, bèn giả cách đổi đất để lấy ngọc. Vua Triệu biết rõ tâm địa của Tần nhưng không biết cách làm sao từ chối được để tránh cảnh binh đao. Nếu không dâng ngọc thì Tần có cớ để gây chiến. Còn đem dâng thì sẽ mất ngọc, sẽ không được tấc đất nào lại còn mang nhục. Vua Triệu cần người có đảm lược đi làm sứ giả. Đám văn võ trong triều không một ai dám đứng ra, cả Liêm Pha cũng ngồi im. Lúc ấy chỉ có Lạn Tương Như khẳng khái tình nguyện mang ngọc đi sang Tần đổi đất và hứa chắc rằng “nếu không đổi được đất thì quyết mang ngọc nguyên vẹn về và sẽ không làm nhục mệnh vua”.

Khi Lạn Tương Như ra đi, ai cũng cầm chắc sẽ chết và ngọc sẽ mất.

Nhưng Tương Như đã dũng cảm dùng mưu trí uy hiếp vua Tần và mang ngọc trở về Triệu an toàn (Câu truyện rất dài và thú vị. Không tiện chép hết ra đây).

Từ đó, vua Triệu có lòng quí mến vá kính trọng Tương Như. Liêm Pha đem lòng đố kỵ, tìm cách làm nhục Tương Như ngoài phố nhiều lần. Như cho gia nhân mình chận đánh người nhà Tương Như. Rình xem Tương Như đi ngõ nào thì Liêm Pha cho xe ngựa chận đường để gây sự v.v… Mỗi lần như thế Tương Như quay xe đi ngõ khác để tránh mặt. Môn khách Tương Như tức giận trước thái độ hèn nhát của chủ, bèn bỏ đi gần hết. Có kẻ không chịu được hỏi Tương Như:

- Ngài với Liêm Pha cùng vai vế quyền cao chức trọng trong triều, sao Ngài lại sợ Liêm Pha một phép vậy?

Tương Như trả lời:

- Ta nào có sợ gì Liêm Pha! Ta chỉ nhường nhịn để giữ hòa khí đó thôi. Sang Tần, uy hiếp vua Tần, không cho Tần đoạt ngọc, ta còn không sợ huống hồ là Liêm Pha. Nay nếu ta chống chọi cùng Liêm Pha, hai hổ ắc phải chết một. Đó là mắc kế ly gián của Tần. Ta nhịn chuyện nhỏ cá nhân để giữ việc lớn cho nước đó.

Có người đem những lời này mách lại với Liêm Pha. Liêm Pha nghe xong tỉnh ngộ, đổ mồ hôi, vội vàng lấy gai quấn mình, quì trước phủ Lạn Tương Như xin tạ tội.

Vua Tần biết chuyện, than rằng Triệu có hai hào kiệt như vậy ta khó lòng mà mưu chiếm. Đó là chuyện xưa.

Chuyện nay, xảy ra ở một nước phương Nam.

Nước này triền miên bị ngoại bang xâm lăng. Hết giặc “ghẻ hòm, khạc nhổ” đô hộ một ngàn năm, đến bọn “Bạch quỉ Hồng mao” bắt làm nô lệ một trăm năm. Dân tình khổ sở trăm chiều, không sao nói hết.

May nhờ có một anh họ Võ xuất thân là thầy giáo, cầm mã tấu đánh giặc lâu ngày lên tới chức đại tướng đã đánh đuổi được giặc Hồng mao ra khỏi bờ cõi. Tiếng tăm vang dậy bốn phương. Hai anh em nhà họ Lê cũng là “đồng chí” (ngày xưa gọi là đồng liêu tức cùng làm quan một triều) nhưng xuất thân từ trường dạy thiến heo và cạo mũ cao su không danh giá bằng nghề dạy học, mới đem lòng ghen ghét.

Người anh tuy đẻ trước lại đặt tên Lê Em. Còn người em lại tên Lê Anh. Thiệt là ngược ngạo. Hai anh em thay nhau tiếm quyền vua trong triều, mặc sức tự tung, tự tác. Từ ngày vua bị hai anh em nhà họ Lê và bọn tay chân gài bẫy cho hiếp gái tơ xong rồi thủ tiêu để giữ hình tượng “cha già dân tộc”, đành ngậm miệng ăn tiền.

Đại tướng họ Võ bị thất sủng, mất hết quyền hành. Tệ hại hơn nữa, họ Lê còn làm nhục họ Võ bằng cách phong cho cái chức “canh chừng đàn bà đẻ” nói theo tiếng Hán (g) rộng lòi nho là “Ủy ban kế hoạch sinh đẻ”.

Họ Võ cũng bắt chước Lạn Tương Như và Hàn Tín nhịn nhục và chịu lòn trôn tên thiến heo giữa chợ cho an thân.

Chưa hết, họ Lê còn cho mấy đại thi hào văn nô như họ Tố, họ Xuân…đặt vè bôi bác đại tướng khắp chốn thị thành. Đâu đâu cũng nghe con trẻ hát:

- Ngày xưa đại tướng cầm quân.
Bây giờ đại tướng cầm quần chúng em!

Hay:

- Ngày xưa đại tướng đánh đồn.
Bây giờ đại tướng bịt L. chị em!

Ngoài bản thân đại tướng ra, tay chân bộ hạ của đại tướng cũng đều bị “bắt bỏ bót ba bốn chục năm” cả. Đến nay thì mười người chết bảy còn ba. Một hai ông chạy thoát được ra ngoài cõi, viết sách tố cáo tội ác anh em nhà họ Lê, gọi những ngày tháng khủng khiếp đó là “Đêm giữa ban ngày”.

Đại tướng họ Võ nín thở qua sông, không dám hó hé gì cả. Đại tướng rất hận đời, tâm trạng giống như con hổ trong sở thú của Thế Lữ. Và ngửa mặt lên trời thề một câu rằng:

- Mai mốt tụi bây già hay chết rồi thì biết tay tao!

Quả nhiên, đại tướng đã đợi được ngày ấy. Lê Em đã ngõm củ tỏi từ lâu. Lê Anh lên thay. Thời gian hơn bốn chục năm qua, Lê Anh cũng đã già, về vườn sắp đi bán muối.

Đây đúng là thời điểm Võ đại tướng ra tay. Họ Võ cũng đã gần chín chục, mắt mũi kèm nhèm nên viết một bức thư chữ được, chữ mất, gọi là vụ án “siêu nghiêm trọng”, trình lên đức vua mới lên ngôi vài năm nay, khẩn cầu xin xét lại để minh oan.

Nhà vua triệu tập quần thần lại thương nghị. Đám quần thần hết hai phần ba là Trương Tam, Lý Tứ của họ Lê. Khi đọc xong bức thư kêu oan của đại tướng theo kiểu gỡ rối tơ lòng của Bà Tùng Long, mọi người đều bưng miệng cười ầm lên và bảo với đức vua:

- Cái vụ này xưa rồi Diễm! Xin bệ hạ hãy ném nó vào sọt rác là hết chuyện.

Đức vua nghe theo và thủ khẩu như bình. Không trả lời, trả vốn.

Đại tướng từ ngày gửi “bức thư tâm tình” đi tới giờ, ngày ngày ra đứng đầu ngõ há miệng ra chờ, như chờ sung rụng.

Đại tướng đâu biết rằng, bây giờ là thời đại tin học bùng nổ, cái gì cũng dùng “đi gi tồ”. Đại tướng không biết cách xử dụng “rờ (và) móc còng trôn” điều khiển từ xa thì làm sao mà tiếp cận được.

E rằng đến ngày đại tướng đi bán muối ở vùng năm, hết hai chục gánh muối rồi, chưa chắc đã nhận được thư hồi âm chớ nói chi cái chuyện gỡ rối tơ lòng.

Chuyện trên đây là gà cùng mặc áo đỏ cả đấy. Còn cái thứ “gà nuốt cơ bẩm” mặc áo xanh thì khỏi phải bàn ở đây. Vì đám gà ấy bị hành hạ trong tù chết gần sạch hết. Giống như bị dịch. Có gì mà nói.

Đầu ngựa, chân dê: anh hùng ngoẻo!
Khỉ đi, gà lại: thấy thái bình!

Hai câu trên là diễn nôm câu sấm của Trạng Trình nguyên văn như sau:

- Mã đề, Dương cước anh hùng tận,
- Thân, Dậu niên lai kiến thái bình.

Tính từ năm 1945 đến nay, đã mấy lần ngựa, dê, khỉ, gà lần lượt nối đuôi nhau đi qua, rồi đi lại bắt chóng mặt mà hai câu sấm của Trạng Trình không thấy ứng nghiệm?

Thế hệ thứ nhất theo chân nhau về nơi cát bụi gần hết. Thế hệ thứ hai, kẻ thoát ra ngoài rọ, kẻ còn kẹt trong rọ, sau cơn phong ba bão tố, còn sót lại thì đã tóc bạc, răng rụng, lưng còng, tay run, mắt mờ như ngọn đèn trước gió không biết tắt lúc nào. Thế hệ thứ ba đến nay đã ngoài ba chục, coi như đã nửa đời người.

Sao vẫn chưa thấy ánh bình minh thái bình về trên đất nước?

Nếu nói lấy được như những cái lưỡi gỗ hiện nay, nước nhà đã “độc lập tự do hạnh phúc” thì tại sao “một bộ phận không nhỏ” hơn hai triệu người vẫn không thể về, vẫn không chịu về lại quê hương mình. Ở nơi đó có mồ mả ông bà, có cha mẹ anh em xóm làng ngày mong, tháng đợi. Ở đó có lũy tre xanh, con đường đất đỏ. Dòng sông uốn khúc lặng lờ. Có con diều bay, có em bé chăn trâu thổi sáo. Có tiếng chó sủa trăng, có tiếng gà eo óc gáy khuya.

Ở quê hương đó có nhiều thứ để nhớ, để thương, để nôn nả quay về mà những quê hương tạm dung không bao giờ tìm thấy được. Nơi quê hương tạm dung chỉ tìm thấy được không khí tự do là đáng giá nhất, quí báu nhất mà thôi.

Những thứ “phồn vinh giả tạo” của tư bản chỉ là phù phiếm nhất thời. Khi xuôi tay nằm xuống, hột nút áo còn bị lặt lại, thì nhà lầu cao, xe hơi mới có ích gì!

Bảo rằng “khúc ruột ngàn dặm”, “một bộ phận không thể tách rời” bỏ nước ra đi chỉ vì theo ôm chân đế quốc, ham bơ thừa sữa cặn, vinh hoa phú quí.

Đó chỉ là lý của những kẻ “mũ ni che tai”, những con ngựa bịt giàm, tự bưng tai, bưng mắt, nói lấy được để chống chế cho cái chủ nghĩa vô nhân của mình mang tự đẩu, tự đâu về tròng lên đầu, lên cổ dân tộc.

Cứ nhìn lại lịch sử bốn ngàn năm nước Việt, từ thời Bắc thuộc đến thời thực dân Pháp cho chí những giai đoạn Trịnh Nguyễn Nam Bắc phân tranh đã có một ai bỏ nước ra đi không? Mặc dù phải lên rừng tìm ngà voi, xuống biển mò ngọc trai để triều cống quân Tầu. Mặc dù làm phu phen đồn điền cao su rừng thiêng nước độc để lấy cao su cho thực dân mang về Pháp. Người dân đói khổ trăm bề. Người chết rừng, kẻ chết biển, xương chất bằng non. Nhưng có trang sử nào viết một dòng về người Việt bỏ nước ra đi? Không! Không có một chữ nào trong sử cả.

Thế đủ biết, dù cảnh ngộ nào, người Việt cũng quyết bám lấy quê hương mình. Một quê hương đói khổ vô cùng tận. Vậy tại sao khi chũ nghĩa Cọng Sản tới đâu người ta bỏ chạy đến đó?

Không riêng gì Việt Nam, cả Trung Hoa, cả Liên Xô, cả khối Đông Âu, tới các chư hầu nhỏ như Bắc Hàn, Cu ba người dân cũng lũ lượt liều chết ra đi. Gạt nước mắt mà đi, bỏ lại sau lưng tất cả quá khứ, hiện tại và cả tương lai của con cháu!

Bác Hồ và các đồng chí của Bác bảo rằng “đem độc lập tự do hạnh phúc” đến cho dân. Đáng lẽ dân phải vui mừng, quì hai gối, chống hai tay, cúi đầu mà hả hê sung sướng đón nhận cái thiên đường đó chớ, sao lại vừa nghe nói là đã bỏ của chạy lấy người. Chạy tìm một cửa sống trong mười cửa chết.

Điều đó giải thích sao đây?
Chỉ một lời đơn giản:

Chủ nghĩa Cọng Sản ác hơn hổ đói, độc hơn mãng xà.

Chủ nghĩa Cọng Sản còn hung tợn và tàn ác gấp ngàn lần giặc Tầu và thực dân Pháp.

Loài người có nhân tính không thể sống chung với loài thú dữ.

Những năm ngựa và dê vừa qua, những kẻ tự xưng là anh hùng năm xưa đã rủ nhau đi theo Bác hết trơn hết trọi rồi, đã ứng nghiệm vế đầu:

- Mã đề (đầu năm ngựa) dương cước (cuối năm dê) anh hùng tận.

Còn vế thứ hai: Thân Dậu niên lai kiến thái bình? Hãy chờ xem!

- Tình hình gà nhà bôi mặt đấu đá nhau trong nước đang đến hồi “căng lắm”. Vụ Tổng cục 2 chưa ngã ngũ mèo nào cắn mĩu nào!

- Tham nhũng kết đảng với nhau như Mafia, ngày càng lộng hành như những cái râu bạch tuộc, luồn sâu vô tận các cơ quan từ địa phương đến trung ương. Chặt cái này mọc cái khác. Nhưng không ai dám đụng đến “phần mềm” trung tâm.

- Tình hình thế giới đang hồi thuận lợi cho Việt nam.

Năm con khỉ vừa qua đã giàn dựng xong sân khấu. Con gà năm nay sẽ nhảy ra đứng dưới ánh đèn rực rỡ, trước hàng ngàn máy quay phim của thế giới, ngẩng cao cổ gáy vang lên ba hồi khúc ca khải hoàn:

- Đời có thế mà thôi.i.i!

Tuổi sửu và tuổi dậu.

Theo phép bói toán, Dậu được cho là màu trắng (bạch) thuộc Kim, ứng về mùa Thu và phương Tây. Sửu, màu đen (hắc) thuộc Thủy, ứng về mùa Đông và phương Bắc.

Người viết chỉ xin trích từ sách Tử vi của Lốc cốc Tử tiên sinh ra hai cái tuổi Sửu và Dậu để bàn phiếm chơi thôi.

Tại sao mười hai con giáp lại chỉ chọn có con trâu, con gà?

Ấy, bởi rằng thì là, người viết muốn ám chỉ riêng hai hạng người Việt lưu vong trên cái xứ nhiều cờ và hoa này.

Từ cái ngày thiên đường Cọng Sản được thiết lập trên Miền Nam của nước Việt thân yêu, thì hàng triệu người sợ té vãi trong quần, bỏ của chạy lấy người, tứ tán khắp nơi trên quả địa cầu để cầu lấy mạng sống.

Khi được yên ổn trên cái đất cờ hoa này, đột nhiên nhiều người lại đổi tên và đổi luôn cả tuổi của mình. Nhiều nhất là hai tuổi Sửu và Dậu. Năm vừa qua, Ủy ban điều tra của tổ chức Hội đồng Hương Khánh Hòa Nha Trang trong kế hoạch “làm lại căn cước người Việt lưu vong” chỉ mới tìm hiểu sơ sơ có sáu chục ngàn người Việt ở Houston và Dallas đã phát hiện ra có sự “lạ kỳ” là trong số sáu mươi ngàn đã có bốn mươi chín ngàn mấy trăm lẻ người đã khai lại tuổi mình là tuổi Sửu. Số còn lại mang song tuổi vừa Sửu vừa Dậu. Phỏng vấn người tuổi Sửu:

- Vì sao lại đổi tuổi như vậy?

- Đi cày mổi ngày hai, ba “giốp” thì không tuổi con trâu là tuổi gì bây giờ?

- A! Hiểu rồi! Té ra là đi cày như trâu!

- Còn gì phải nói nữa Tám!

Phỏng vấn người tuổi Dậu:

- Thưa Thiếu Tá, xin cho biết vì sao Thiếu Tá lại đổi sang tuổi Dậu? Trước, Thiếu Tá tuổi Tuất cơ mà?

- Trước khi trả lời anh, tôi xin đính chính cho anh “nắm”, tôi bây giờ là Trung Tá và đã có cử nhân Anh Văn, đang giữ chức “cao sờ lờ” cho một trường Trung Học danh tiếng. Còn cái chuyện tuổi Dậu là do anh em yêu mến tặng cho. Họ tung hê tôi là gáy như gà gáy. Dậu là gà. Gà mà không gáy thì là gà nuốt giây thun, còn hỏi làm gì? Phải không nào?

- Ủa Thiếu Tá, xin lỗi, Trung Tá mới qua có hai năm mà đã...

- Thế mới đáng gọi là tuổi Dậu chứ!

Hèn chi, khi áo gấm về làng, anh nào, chị nấy đều “gáy” mình là bác sĩ, kỹ sư, giám đốc…hết ráo. Mấy anh Vẹm răng hô, mã tấu mắc hợm dài dài vì hay ưa cái mẻ bên ngoài.

Để kết thúc bài này, người viết xin nhắc các bạn nào ham coi tử vi, bói toán hãy nhớ một điều:

Năm Dậu chỉ có Quí Dậu, Đinh Dậu, Tân Dậu, Ất Dậu và Kỷ Dậu mà thôi, không có Mậu Dậu. Bạn nào nói tuổi mình là Mậu Dậu thì thân ắt phải bại mà danh ắt phải liệt.

Mậu Dậu đọc âm theo tiếng Hán có nghĩa là trớt móng heo, đi tàu suốt để về vùng năm hùn vốn bán muối với Bác.

Trần Thanh Thanh.
Mùa Tạ Ơn, 2004.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh