CHIẾN TRANH TIỀN TỆ LẦN THỨ III (2010 ĐẾN NAY)
CHAPTER 6: CURRENCY WAR III (2010– )
By James Rickards
(Chương 6 trong cuốn “Currency wars: The Making Of The Next Global Crisis” của James Rickards.
Hình bìa cuốn sách
“The purpose... is not to push the dollar down. This should not be regarded as some sort of chapter in a currency war.” Janet Yellen, Vice Chair of the Federal Reserve, commenting on quantitative easing, November 16, 2010
“Quantitative easing also works through exchange rates... The Fed could engage in much more aggressive quantitative easing... to further lower... the dollar.” Christina D. Romer, former Chair of the Council of Economic Advisers, commenting on quantitative easing, February 27, 2011
Ba đồng tiền mạnh nhất hiện nay – đôla Mỹ, Euro và Nhân dân tệ – do ba nền kinh tế lớn nhất thế giới phát hành (Hoa Kỳ, EU và CHND Trung Hoa) – chính là các thế lực siêu cường trong một cuộc chiến tranh tiền tệ mới. Đây là Chiến tranh tiền tệ lần thứ III, bắt đầu từ năm 2010 như hệ lụy của đợt suy thoái 2007 và đến nay người ta mới quan tâm đến mọi khía cạnh và hậu quả của cuộc chiến này.
Chẳng ai phủ nhận tầm quan trọng của các loại tiền tệ mạnh khác trong hệ thống tài chính toàn cầu, bao gồm đồng Yen Nhật, Bảng Anh, Francs Thụy Sỹ, và các tiền tệ còn lại trong nhóm BRICS: Real Brazil, Ruble Nga, Rupee Ấn Độ, và Rand Nam Phi. Tầm quan trọng của các loại tiền tệ này phát sinh từ quy mô của các nền kinh tế, sản lượng thương mại và khối lượng giao dịch tài chính quốc gia tương ứng. Xét theo các tiêu chí này thì các đồng đôla của Australia, New Zealand, Canada, Singapore, Hong Kong và Đài Loan (Tân Đài tệ) cũng như đồng Krone Na Uy, Won Hàn Quốc và Dirham UAE cũng đều là các tiền tệ khá quan trọng. Nhưng tổng GDP của Hoa Kỳ, EU và TQ – gần 60% GDP toàn cầu – đã tạo thành một tâm điểm kinh tế theo đó mọi nền kinh tế khác và các loại tiền tệ khác phần nào đều trở thành thứ yếu.
Mọi cuộc chiến tranh đều có các mặt trận chính và những sự kiện phụ vừa lãng mạn vừa đẫm máu. Thế chiến thứ Hai từng là cuộc xung đột quân sự vĩ đại nhất và lan rộng nhất trong lịch sử. Quan điểm của nước Mỹ đối với Thế chiến thứ Hai được phân chia rõ ràng thành hai mảng: châu Âu và Thái Bình Dương, trong khi quan điểm của người Nhật khi đó lại là một đế quốc trải dài từ Myanmar cho đến Trân Châu Cảng. Và dường như người Anh đồng loạt tham chiến tại khắp mọi nơi.
Các cuộc chiến tranh tiền tệ cũng vậy. Các mặt trận chính hiện nay là đôla – Nhân dân tệ giữa hai bờ Thái Bình Dương, đôla – Euro giữa hai bờ Đại Tây Dương và Euro – Nhân dân tệ trên lục địa Á – Âu, Các cuộc chiến tiền tệ này là có thật, còn cách phân chia theo bản đồ địa lý chỉ là phép ẩn dụ. Thực ra các cuộc chiến tiền tệ đang đồng thời diễn ra trên toàn cầu tại tất cả các trung tâm tài chính lớn, 24 giờ mỗi ngày, và các bên tham chiến là các ngân hàng, thương nhân, chính trị gia và các hệ thống tự động – còn số phận của các nền kinh tế và những công dân sẽ lệ thuộc vào kết cục của cuộc chiến.
Các bên tham chiến ngày nay không bị giới hạn trong phạm vi các quốc gia phát hành tiền tệ và ngân hàng trung ương của mỗi nước. Sự tham gia còn dành cho các định chế đa quốc gia và toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements), Liên hiệp quốc, và các tổ chức tư nhân như các quỹ đầu tư dự phòng, các công ty toàn cầu và doanh nghiệp gia đình “siêu giàu có”. Cho dù là người đầu cơ, người đầu tư mạo hiểm hoặc người thao túng giá cả thị trường thì các tổ chức tư nhân này vẫn gây ảnh hưởng rất nhiều đến vận mệnh của các loại tiền tệ – nhiều không kém gì chính phủ của quốc gia đã phát hành ra tiền tệ đó. Để thấy được toàn cảnh trận chiến toàn cầu, chứ không chỉ diễn ra giữa các quốc gia đơn lẻ, bạn chỉ cần tìm hiểu câu chuyện mà người ta thường kể về quỹ đầu tư mạo hiểm của George Soros – nó đã “phá sập ngân hàng trung ương Anh” năm 1992 trong một vụ cá cuộc tiền tệ khổng lồ. Ngày nay, có rất nhiều quỹ đầu tư sử dụng đòn bẩy lên đến nhiều nghìn tỷ đôla, vượt xa trí tưởng tượng của Soros cách đây 20 năm.
Các trận chiến tiền tệ xuyên Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và lục địa Á – Âu trong Chiến tranh tiền tệ lần thứ III đã bùng phát từ một số diễn biến quan trọng tại Brazil, Nga, Trung Đông và khắp châu Á. Tuy nhiên, cuộc chiến lần này lại không nhắm đến số phận của đồng Real hay Ruble, mà định đoạt các giá trị tương quan giữa đồng Euro, đôla và Nhân dân tệ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh của các quốc gia phát hành 3 loại tiền nói trên cũng như tác động đến các đối tác thương mại của họ.
Thế giới lại bùng nổ chiến tranh tiền tệ sau gần 100 năm. Hiện chưa thể biết kết cục lần này có thê thảm như Chiến tranh tiền tệ lần thứ I hay người ta lại phải vật lộn để “hạ cánh an toàn” như Chiến tranh tiền tệ lần thứ II. Nhưng rõ ràng – xét đến sự tăng trưởng của các nền kinh tế quốc gia từ thập niên 1980, việc in tiền và sử dụng đòn bẩy thông qua các công cụ phái sinh – cuộc chiến lần này sẽ thực sự đạt quy mô toàn cầu và là cuộc chiến lớn nhất từ trước đến nay. Chiến tranh tiền tệ lần thứ III sẽ có sự tham gia của các “tay chơi” công và tư. Sự mở rộng phạm vi, vùng miền địa lý và thành phần tham chiến sẽ gia tăng rủi ro đổ vỡ theo hàm lũy thừa. Rủi ro ngày nay không chỉ là sự phá giá của một loại tiền tệ này so với một tiền tệ khác hay là tình trạng tăng giá vàn. Rủi ro ở đây là sự sụp đổ của bản thân các hệ thống tiền tệ mất niềm tin vào các loại tiền giấy và người ta ồ ạt chuyển đổi sang các tài sản hữu hình khác. Với các rủi ro quá khủng khiếp như thế này, Chiến tranh tiền tệ lần thứ III có thể là cuộc chiến tranh tiền tệ sau cùng – hoặc, như diễn giải của Woodrow Wilson, là cuộc chiến để kết thúc tất cả các cuộc chiến tranh tiền tệ.
Mặt trận Thái Bình Dương
Cuộc giằng co giữa TQ và Hoa Kỳ, giữa đồng Nhân dân tệ và đồng đôla Mỹ, hiện đang là tâm điểm của nền tài chính thế giới và cũng là mặt trận then chốt trong cuộc Chiến tranh tiền tệ thứ III. Sự tranh đấu này xuất phát từ sự trỗi dậy của TQ cách đây hơn một phần tư thế kỷ: trước đó chế độ chính trị của đất nước này đã tạo nên một sự ngăn cách, biệt lập về kinh tế, nhiều bất ổn xã hội và chủ thuyết đàn áp thị trường tự do.
Thần kỳ kinh tế TQ hiện đại đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 1 năm 1975 với kế hoạch Bốn Hiện Đại Hóa do Thủ tướng Chu Ân Lai khởi xướng ban hành, làm cách mạng trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và công nghệ. Tuy nhiên việc thực thi đã bị trì hoãn vì cái chết của vị Thủ tướng này vào tháng 1/1976, rồi sau đó Tổng bí thư Đảng Cộng sản Mao Trạch Đông cũng qua đời vào tháng 9 cùng năm và tháng sau là sự kiện truy bắt nhóm Tứ Nhân Bang (bao gồm cả vợ của Mao, sau khoảng thời gian ngắn kiểm soát được chính quyền).
Người kế nhiệm đã được Mao dàn xếp là Hoa Quốc Phong. Hoa tiếp tục thực thi tầm nhìn của Chu Ân Lai và đoạn tuyệt dứt khoát với những người theo chủ thuyết Mao tại Đại hội Đảng Cộng sản tháng 12/1978. Hoa Quốc Phong còn được yểm trợ trong vấn đề này bởi một nhân vật mới được phục chức và chẳng bao lâu đã nắm quyền kiểm soát lớn trong đảng: Đặng Tiểu Bình. Sang năm sau thì thay đổi thực sự diễn ra với nhiều chương trình thử nghiệm và thí điểm nhằm gia tăng tính tự quyết tại các nông trại và nhà máy. Năm 1979, TQ đã có một quyết định bước ngoặt để xây dựng bốn Đặc khu Kinh tế trong đó có các điều kiện làm việc thuận lợi, giảm bớt sự hạn chế và giảm thuế thu nhập nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và dệt may. Đây chính là các dấu hiệu báo trước một chương trình phát triển kinh tế lớn hơn được tung ra vào năm 1984 và liên quan đến hầu hết các thành phố duyên hải lớn ở phía đông TQ. Mặc dù TQ tăng trưởng nhanh xét theo tỷ lệ phần trăm từ giữa thập niên 1980, nhưng nền móng căn bản của kinh tế TQ khi đó hãy còn thấp và cả tiền tệ lẫn quan hệ thương mại song phương của quốc gia này với các nước lớn khác như Hoa Kỳ và Đức đều chưa phải là chuyện đáng quan ngại.
Cuộc chiến tranh tiền tệ ngày nay có đặc trưng đáng chú ý là những cáo buộc đối với sự định giá thấp đồng tiền của TQ, nhưng cần nhớ rằng đến năm 1983 thì đồng tiền này nhìn chung vẫn được định giá cao theo tỷ giá 2,8 NDT bằng một đôla. Tuy nhiên, vào thời điểm đó hoạt động xuất khẩu chỉ đóng góp một tỷ lệ nhỏ cho GDP TQ và các nhà lãnh đạo vẫn tập trung nhiều hơn vào nhập khẩu giá rẻ để phát triển hạ tầng. Khi xuất khẩu phát triển mạnh hơn, TQ liên tiếp tiến hành 6 lần phá giá tiền tệ trong vòng 10 năm và như vậy đến năm 1993 thì đồng NDT đã trở nên rẻ hơn với tỷ giá 5,32 so với đôla. Kế đến, vào ngày 1/1/1994, TQ tuyên bố cải cách hệ thống tỷ giá hối đoái và ồ ạt phá giá đồng NDT xuống mức 8,7 NDT/ đôla. Cú sốc này khiến Bộ Ngân khố Hoa Kỳ gán cho TQ cái nhãn là “kẻ thao túng thị trường tiền tệ” theo đạo luật Thương mại 1988, và cơ quan này phải sàng lọc ra các quốc gia áp dụng tỷ giá nói trên nhằm giành lợi thế bất công trong thương mại quốc tế. Đây là lần sau cùng Bộ Ngân khố Hoa Kỳ gán cái nhãn “thao túng tiền tệ” cho TQ bất chấp nhiều sự đe dọa úp mở đối với động thái này. Sau đó thì hàng loạt các đợt xác định lại tỷ giá đã được tiến hành và đến năm 1997 thì tỷ giá NDT/ đôla Mỹ đã được chốt tại mức 8,28 và không thay đổi cho đến tận năm 2004.
Hồi cuối thập niên 1980, TQ phải gánh chịu một đợt lạm phát lớn. Cơn lạm phát này thúc đẩy sự bất mãn trong dân chúng và xuất hiện nhiều phản ứng gay gắt với chương trình cải cách và mở cửa nền kinh tế của Đặng. Trong một diễn biến khác, một phong trào phản kháng được lãnh đạo bởi sinh viên và tầng lớp trí thức cũng góp phần làm cho hệ thống chính trị càng bất ổn hơn. Hai trường phái tự do và bảo thủ đối đầu nhau bằng bạo lực và hậu quả là thảm kịch Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Hàng trăm người chết. Kinh tế TQ giảm tốc độ phát triển từ năm 1989, phần nào do các nỗ lực kiềm chế lạm phát và một phần khác là do phản ứng của quốc tế đối với vụ thảm sát Thiên An Môn. Tuy nhiên, giảm tốc chỉ là tạm thời.
Trong thập niên 1990, TQ sau cùng cũng xóa bỏ chế độ bao cấp “bát cơm sắt” – được hiểu là chính sách an sinh xã hội trong quá khứ từng bảo đảm lương thực và một số tiện ích xã hội khác cho nhân dân, nhưng đổi lại thì đất nước phải tăng trưởng chậm và thiếu năng lực. Bắt đầu xuất hiện một mô hình tương tự như kinh tế thị trường, nghĩa là người lao động TQ có cơ hội tốt hơn để làm việc cho bản thân mình nhưng không nhận được cam kết hỗ trợ nếu anh ta thất bại. Yếu tố then chốt trong khế ước xã hội mới này là hàng triệu việc làm được tạo ra dành cho những người lao động mới đang tìm việc. Ký ức chưa phai về Thiên An Môn và tình hình đất nước hỗn loạn kéo dài hàng thế kỷ giúp các nhà lãnh đạo TQ hiểu rằng sự sống còn của Đảng Cộng sản và sự ổn định chính trị phụ thuộc vào vấn đề tạo ra công ăn việc làm; tất cả các chính sách khác đều chỉ là phụ trợ. Cách thức “chắc ăn” nhất để tạo ra nhiều việc làm trong thời gian nhanh nhất là: xây dựng TQ thành một nước xuất khẩu hùng mạnh. Bình ổn tiền tệ là phương tiện cho cứu cánh đó. Đối với ĐCS.TQ, giữ vững tỷ giá đôla – Nhân dân tệ là một “công sự kinh tế” nhằm không để diễn ra một sự kiện Thiên An Môn nào khác.
Đến năm 1992, các thế lực phản động tại TQ một lần nữa phản đối công cuộc cải cách và bắt đầu gây áp lực để xóa bỏ các Đặc khu Kinh tế và những chương trình khác mà Đặng Tiểu Bình đã đề ra. Đáp lại động thái này, Đặng Tiểu Bình dù già yếu thấy rõ và đã chính thức nghỉ hưu vẫn có một chuyến đi nổi tiếng: với tư cách cá nhân, ông thăm các thành phố công nhiệp lớn tại miền Nam, kể cả Thượng Hải, nhằm tạo sự ủng hộ đối với công cuộc cải cách kinh tế và “giải giáp” các nhóm phản động dưới góc độ chính trị. Chuyến đi thăm miền Nam năm 1992 đã đánh dấu cho lần cất cánh thứ hai của nền kinh tế TQ, theo đó GDP thực tế đã gần tăng gấp đôi trong giai đoạn 1992 – 2000. Tuy nhiên, sự phát triển ngoạn mục này chẳng có bất cứ tác động nào đến quan hệ kinh tế Trung – Mỹ trong thập niên 1990 bởi vì Hoa Kỳ vẫn tiếp tục phản ứng lại vụ thảm sát Thiên An Môn. Các phản ứng từ phía Hoa Kỳ bao gồm sự trừng phạt kinh tế và sự thờ ơ của các doanh nghiệp Mỹ đối với việc đầu tư trực tiếp tại TQ. Căng thẳng leo thang với hàng loạt động thái ngớ ngẩn và tính toán sai lầm, bao gồm vụ NATO bắn tên lửa hành trình vào tòa đại sứ quán TQ tại Belgrade năm 1999. Các quan hệ kinh tế vẫn cứ bất lợi như trên cho tới sự kiện tháng 4/2001: một máy bay chiến đấu của TQ va chạm với một máy bay trinh sát Hoa Kỳ khiến phi công TQ tử nạn còn máy bay của Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống lãnh thổ TQ. Phi hành đoàn Hoa Kỳ bị tạm giam.
Thật nực cười, vụ tấn công của al-Qaeda ngày 11/9/2001 và kéo theo sau đó là sự yểm trợ chắc chắn của TQ trong cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu (do nước Mỹ lãnh đạo) lại làm tan băng và khôi phục quan hệ Trung – Mỹ. Không tính đến 21 năm tăng trưởng mạnh về kinh tế của TQ, khởi đầu từ năm 1976, chỉ đến năm 2002 thì hai quốc gia này mới bắt đầu đẩy nahnh các hiệp ước thương mại song phương và tiến hành đầu tư liên tập.
Có thêm một dấu ấn nữa cũng trong năm 2002: chủ tịch Fed Alan Greenspan bắt đầu thử nghiệm các mức lãi suất siêu thấp. Greenspan đã giảm lãi suất từ mùa hè năm 2000 sau khi bong bóng công nghệ nổ tung. Việc giảm lãi suất liên ngân hàng qua đêm (fed funds rate) hơn 4,75% trong giai đoạn từ tháng 7/2000 đến tháng 7/2002 có thể được xem là giải pháp bình thường, mang tính chu kỳ nhằm giúp nền kinh tế thoát khỏi vết sa lầy. Những gì xảy ra sau đó là một giai đoạn 2 năm rất bất thường: lãi suất liên ngân hàng không bao giờ vượt quá 1,8% và đã xuống 1% vào tháng 12/2003. Cuối tháng 10/2004, lãi suất này thực sự ở mức 1,76%, gần như bằng mức đã quy định từ tháng 7/2002.
Thoạt đầu, chính sách lãi suất thấp như trên đã được biện minh rằng: để đáp trả lại các thách thức sau vụ nổ bong bóng công nghệ 2000, đợt suy thoái 2001, vụ khủng bố 11/9 và nỗi lo của Greenspan về tình trạng giảm phát. Nhưng căn bản nó phải phát xuất từ nỗi sợ hãi giảm phát nên Greenspan mới quyết định giữ lãi suất thấp trong khoảng thời gian dài hơn nhiều so với khoảng thời gian cần thiết nhằm chống lại đợt suy thoái nhẹ. TQ đang xuất khẩu giảm phát ra toàn thế giới phần nào thông qua một nguồng cung ổn định: nhân công giá rẻ. Chính sách lãi suất thấp của Greenspan, ít nhiều nhằm mục đích xử lý các ảnh hưởng do nạn giảm phát của TQ tại Hoa Kỳ, đã tạo ra mầm mống cho cuộc chiến tranh tiền tệ quy mô lớn bùng phát trong một thập niên sau đó.
Chính sách giữ lãi suất thấp của Greenspan không phải là công cụ chỉ nhằm đối phó với tiềm năng giảm phát; mà còn là một dạng “thuốc tiêm chích” dành cho phố Wall. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (Federal Open Market Committee), cơ quan chịu trách nhiệm thiết lập lãi suất mục tiêu đối với các khoản vay liên ngân hàng ngắn hạn, đã hành động như nơi “làm thuốc” cho các con nghiện giao dịch tại phố Wall. Các mức lãi suất thấp có nghĩa là mọi loại giao dịch đáng ngờ hoặc phải có rủi ro đã bắt đầu trông hấp dẫn hẳn lên, bởi vì những người đi vay dưới chuẩn có vẻ như đủ khả năng thanh toán các chi phí tài chính. Các mức lãi suất thấp còn mở màn cho các định chế đầu tư đi tìm kiếm lợi nhuận – những tổ chức muốn kiếm chác nhiều hơn mức lợi nhuận từ những chứng khoán của chính phủ không có rủi ro hoặc các trái phiếu được xếp hạng cao. Cả hai thị trường (i) tín dụng tiêu dùng cư trú dưới chuẩn và (ii) bất động sản thương mại đều bùng nổ xét từ góc độ khởi phát tín dụng, luồng giao dịch, chứng khoán hóa và định giá tài sản căn bản vì chính sách lãi suất thấp của Greenspan. Bong bóng bất động sản khổng lồ trong giai đoạn 2002 – 2007 đã được hình thành.
Tháng 9/2002, ngay sau khi bắt đầu chính sách lãi suất thấp, Greenspan lại có được một đồng minh nữa là Ben Bernanke – người được bổ nhiệm làm thành viên mới trong Ban Thống đốc của FED. Bernanke sợ hãi nạn giảm phát còn nhiều hơn cả Greenspan. Chỉ 2 tháng sau khi được bổ nhiệm, Bernanke đã mau mắn trình bày năng lực chống giảm phát của mình bằng một diễn văn trước Câu lạc bộ của các nhà Kinh tế học Quốc gia (National Economists Club) tại Washington, D.C. Diễn văn này, có tiêu đề “Giảm phát: hãy chắc chắn rằng điều này không diễn ra tại đây”, nhận được sự quan tâm rộng rãi khi đó bởi vì có tham chiếu đến ý tưởng của Milton Friedman về việc nếu cần thì dùng trực thăng thả những gói tiền mới in xuống đất để ngăn ngừa giảm phát, và Bernanke đã có biệt danh là “Ben Trực thăng”.
Diễn văn năm 2002 của Bernanke đã trở thành bản vẽ thiết kế cho các cuộc giải cứu năm 2008 và chính sách nới lỏng định lượng năm 2009. Bernanke đã thẳng thắn phát biểu về cách thức mà Fed có thể in tiền để “tiền tệ hóa” (monetize) các khoản thâm hụt của chính phủ, cho dù sự thâm hụt là do giảm thuế hoặc vì gia tăng chi tiêu công, như sau:
Việc cắt giảm thuế nói chung…được hậu thuẫn bởi một chương trình, bán (chứng khoán chính phủ) ra thị trường tự do…hẳn sẽ là phương pháp kích thích tiêu dùng hiệu quả…Một chương trình cắt giảm thuế được tài trợ bằng tiền, về căn bản, cũng tương tự như ý tưởng nổi tiếng của Milton Friedman: “dùng trực thăng thả tiền xuống đất”…
Đương nhiên…chính phủ thậm chí có thể…thu lại các tài sản thực hoặc tài sản tài chính. Nếu…sau đó Fed mua lại toàn bộ các khoản nợ của Bộ Ngân khố bằng một lượng tiền mới được in, thì tổng thể kế hoạch này, xét từ góc độ kinh tế, cũng tương đương như việc trực tiếp xử lý các tài sản tư trên thị trường tự do.
Bernanke đã trình bày phương pháp để Bộ Ngân khố có thể vay nợ rồi mua lại các cổ phiếu tư nhân và Fed có thể tài trợ cho khoản vay đó bằng cách in tiền. Về căn bản thì điều này thực sự đã diễn ra khi Bộ Ngân khố mua lại AIG, GM, Citibank và giải cứu Goldman Sachs, và còn một số sự việc khác. Bernanke từng nói đến điều này từ vài năm trước.
Bernanke “nhập cuộc” vào Fed, và Greenspan đã có một “người bạn tâm giao”, một người kế nhiệm hoàn hảo cho công cuộc chống giảm phát. Giai đoạn 2002–2011 là khoảng thời gian mà Greenspan – Bernanke luôn luôn sợ giảm phát. Quan điểm của họ cho rằng giảm phát là kẻ thù và Trung Quốc là một nguồn gốc quan trọng của kẻ thù này, bởi vì TQ chẳng quan tâm gì đến an toàn và ô nhiễm nên có giá nhân công rẻ và chi phí sản xuất thấp.
Mặc dù là một “thần kỳ kinh tế” nhưng thực ra TQ đã tiến hành thâm hụt thương mại với thế giới cho đến tận năm 2004. Điều này không có gì lạ đối với một nền kinh tế đang phát triển trong giai đoạn đầu, khi mà các nỗ lực để xuất khẩu thành công phải bị hạn chế bởi nhu cầu nhập khẩu để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghiệp, nguyên vật liệu thô và công nghệ phục vụ xuất khẩu. Trung Quốc đã có thặng dư thương mại và song phương với HK; tuy nhiên điều này ban đầu chẳng đáng quan ngại. Năm 1997 thâm hụt thương mại của Mỹ với TQ còn dưới 50 tỷ USD. Sau đó khoản thâm hụt thương mại ngày càng tăng và trong vòng 3 năm từ 2003 đến 2006 đã tăng từ 124 tỷ USD lên 234 tỷ USD. Giai đoạn 2003 đánh dấu sự quan ngại sâu sắc về quan hệ thương mại song phương Hoa Kỳ – TQ và vai trò của yếu tố tỷ giá đôla/ NDT trong mối tương quan này. Năm 2006, Thượng nghị sỹ Charles E. Schumer của New York đã gọi sự thâm hụt thương mại của nước Mỹ là “một vết cắt làm chảy máu nơi cổ tay của nền kinh tế quốc gia” và xác định chính TQ là một tác giả chính gây ra vết thương nguy hiểm này.
Tình trạng giảm phát trong nội bộ đất nước TQ được “xuất khẩu” sang HK thông qua tỷ giá hối đoái và sau cùng cũng khiến cho HK giảm phát. Đầu tiên, TQ quyết định neo tỷ giá NDT và đôla. Đồng NDT không được tự do mua bán trên các thị trường tiền tệ quốc tế như đôla, Euro, Bảng, đồng Yen và các loại tiền tự do chuyển đổi khác. Việc sử dụng đồng NDT và tính khả dụng của tiền tệ này để thanh toán các giao dịch được Ngân hàng Nhân dân TQ (PBOC) kiểm soát chặt. Đây chính là ngân hàng trung ương của TQ.
Khi một nhà xuất khẩu của TQ giao hàng ra nước ngoài và thu về đồng đôla Mỹ hoặc Euro, anh ta phải nộp số ngoại tệ này cho Ngân hàng Nhân dân TQ để đổi lấy NDT, theo tỷ giá do chính Ngân hàng này ấn định. Khi nhà xuất khẩu này cần tiền đôla Mỹ hoặc Euro để mua nguyên vật liệu hay nhập khẩu các thứ khác từ nước ngoài, anh ta có thể mua lại ngoại tệ từ PBOC nhưng chỉ với số lượng vừa đủ chứ không được mua nhiều hơn; ngân hàng trung ương vẫn giữ phần ngoại tệ dôi dư.
Quá trình thu hút lượng đô la thặng dư vào nền kinh tế TQ, đặc biệt là sau năm 2002, đã mang đến một số hậu quả bất ngờ. Vấn đề đầu tiên là Ngân hàng Trung ương PBOC không những chỉ giữ lại lượng đôla thặng dư, mà còn đi mua thêm đôla bằng tiền NDT mới in thêm. Điều này có nghĩa là khi Fed phát hành đôla và những tờ tiền này đi vào TQ để thanh toán các giao dịch thương mại thì PBOC cho in NDT để nuốt hết phần thặng dư. Thực ra TQ chỉ “nhờ” Fed xây dựng giùm họ chính sách tiền tệ, và khi Fed in thêm tiền thì PBOC cũng in thêm nhằm giữ vững tỷ giá đã được neo.
Vấn đề thứ hai là: làm gì với số đôla thu được, Ngân hàng Trung ương PBOC cần đầu tư số tiền này vào đâu đó, và nhất thiết phải đạt được mức lợi nhuận hợp lý. Các ngân hàng trung ương, theo lối truyền thống, đều “cực kỳ bảo trọng” trong các chính sách đầu tư, ưu tiên những chứng khoán của chính phủ, có tính thanh khoản cao, được Bộ Ngân khố Hoa Kỳ phát hành. PBOC cũng không phải là ngoại lệ. Kết quả là TQ giành được khối lượng lớn các khoản nợ của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ khi thặng dư thương mại của TQ với Hoa Kỳ được giữ nguyên và còn tăng cao hơn. Đầu năm 2011, Reuters ước tính tổng các loại ngoại tệ mà TQ dự trữ được lên đến 2,85 nghìn tỷ đôla Mỹ, với khoảng 950 tỷ USD đã đầu tư vào nợ công của Hoa Kỳ dưới một số hình thức. Hoa Kỳ và TQ “dính chùm” vào nhau trong quan hệ tài chính tiền tệ lên đến con số nghìn tỷ đôla. Về thực chất thì mối ràng buộc này là một thùng thuốc súng tiền tệ, một trong hai bên đều có thể kích hoạt cho phát nổ nếu vòng xoáy của chiến tranh tiền tệ đã đi ra ngoài tầm kiểm soát.
Hoa Kỳ khăng khăng đòi TQ tăng giá trị của đồng NDT để giảm bớt các khoản thâm hụt thương mại (hiện vẫn đang leo thang) của Hoa Kỳ với TQ và trì hoãn tốc đọ tích lũy các tài sản được định giá bằng đôla của PBOC. Các yêu cầu này được đáp ứng rất ít. Từ năm 2004 đến giữa năm 2005, đồng NDT vẫn được neo cứng tại tỷ giá $8,28 NDT/ đôla, tương đương tỷ giá từ năm 1997. Bất thình lình, trong 2 ngày cuối tháng 7/2005, đồng NDT tăng giá lên 8,11 – nghĩa là tăng gần 3%. Sau lần định giá bất ngờ đó, đồng NDT bắt đầu được tái định giá chậm chạp trong hơn 3 năm tiếp theo và sau cùng đạt mức tỷ giá 6,82 vào trung tuần tháng 7/2008.
Từ đó ngân hàng PBOC lại một lần nữa “rà thắng” và giữ tỷ giá NDT ổn định tại mức 6,83 trong 2 năm nữa. Tháng 6/2010 là thời điểm bắt đầu vòng tái định giá thứ hai. Tháng 8/2011 thì tỷ giá NDT/ đôla Mỹ mới chậm rãi nhưng ổn định dịch chuyển về mức 6,40. Quá trình xác định lại tỷ giá hối đoái nói trên thường luôn luôn trục trặc và gay gắt. Các cuộc thi hùng biện và đấu tranh chính trị giữa TQ và Hoa Kỳ trong giai đoạn 2004 – 2011 về tỷ giá hối đoái đã là chủ đề then chốt trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, bất chấp hàng loạt các vấn đề song phương quan trọng khác, bao gồm vấn đề Iran và Triều Tiên.
Có ý tưởng tư duy thật thú vị rằng cách thức dẫn đến những mất cân bằng (Hoa Kỳ thâm hụt thương mại với TQ còn TQ tích lũy được các khoản nợ công khổng lồ của HK) có thể phát xuất từ hệ thống Bretton Woods. Việc TQ thu gom các khoản nợ công của HK cũng sẽ có thể đi đến chỗ mất cân bằng và họ vẫn luôn luôn muốn cầm nắm một lượng chứng khoán của Bộ Ngân khố nhằm đa dạng hóa và đảm bảo thanh khoản – các lý do phục vụ công tác quản lý. Nhưng tại một thời điểm nào đó, TQ sẽ có thể cần chuyển đổi một phần chứng khoán đó thành tiền mặt để mua vàng mà Hoa Kỳ dự trữ, điều này là được phép theo hệ thống Bretton Woods. Một lượng nhỏ chứng khoán của Bộ Ngân khố sẽ được mua lại, ví dụ là $100 tỷ USD chứng khoán, nếu tiến hành vào đầu năm 2008 với giá vàng khi đó vào khoảng $1000 USD/ounce, sẽ tương đương với 100 triệu ounce vàng hoặc 2.840 tấn. Khối lượng này tức là 35% tổng lượng cung vàng chính thức của Hoa Kỳ. Thật ra, nếu hoàn trả lại toàn bộ giá trị chứng khoán của chính phủ cho TQ thì nước Mỹ hoàn toàn cạn kiệt lượng cung vàng. Hoa Kỳ không còn một ounce vàng nào cả trong khi TQ tự hào là chủ sở hữu của hơn 9000 tấn vàng. Bạn có thể tưởng tượng các tàu hải quân TQ cập cảng New York và các đoàn xe quân sự Hoa Kỳ được vũ trang “tận răng” sẽ di chuyển trên đại lộ Palisades Interstate từ West Point để tiếp đón. Vàng được chất lên các boong tàu TQ và sau đó vận chuyển về một kho dự trữ mới được xây dựng tại Thượng Hải. Không nghi ngờ gì nữa, cảnh tượng này sẽ gây “sốc” cho người dân Mỹ, chưa nói đến chuyện xa xôi hơn. Nước Mỹ, trên thực tế, đã thâm hụt thương mại đủ lớn để làm cạn kệt lượng vàng dự trữ theo các quy định cũ của “cuộc chơi”. Ý tưởng của chế độ Bản vị vàng không phải để hút cạn các quốc gia có vàng, mà để buộc họ ổn định nền tài chính lâu dài trước khi không còn vàng nữa. Khi không còn chế độ Bản vị vàng và sự điều chỉnh theo thời gian thực, người Mỹ dường như không ý thức được hệ thống tài chính của đất nước mình đã thực sự xuống cấp tệ hại cỡ nào.
Tình huống giả định như trên có thể quá cực đoan trong bối cảnh hiện nay, nhưng đó đúng là những gì mà hầu hết các hệ thống tiền tệ trên thế giới đều thực hiện cho tới thời điểm cách đây 40 năm. Năm 1950, Hoa Kỳ có lượng dự trữ vàng chính thức là hơn 20.000 tấn. Do liên tục thâm hụt thương mại trên quy mô lớn (với châu Âu và Nhật Bản chứ không phải với TQ), nên lượng vàng dự trữ của Hoa Kỳ đã giảm sút và chỉ còn hơn 9000 tấn khi Tổng thống Nixon tuyên bố “đóng cửa quầy giao dịch vàng” năm 1971 (tức chính phủ không bán vàng ra nữa). Vậy là 11.000 tấn vàng trong vòng 21 năm (từ 1950 đến 1971) đã từ Mỹ chảy vào một vài quốc gia xuất khẩu mạnh. Cũng trong giai đoạn này, lượng vàng dự trữ của Đức tăng từ zero lên hơn 3600 tấn. Kho vàng của Italy phát triển từ 227 tấn lên hơn 2500 tấn. Tương tự như vậy, vàng của nước Pháp tăng từ 588 tấn lên hơn 3100 tấn, Hà Lan từ 280 tấn lên gần 1700 tấn. Không phải tất cả lượng vàng dự trữ tăng lên của các quốc gia này đều đến từ Hoa Kỳ. Một đất nước mạnh về lượng vàng dự trữ khác là Anh cũng bị giảm sút từ 2500 tấn trong năm 1950 xuống chỉ còn 690 tấn năm 1971. Nhưng nói chung, vàng của Hoa Kỳ đã chuyển dịch sang các nước đối tác thương mại, phần nào tuân theo những tính toán cân bằng tự động trong hệ thống Bretton Woods.
Trong “thời buổi của vàng” này (thập niên 1950 và 1960), TQ đã chưa trỗi dậy để trở thành một cường quốc xuất khẩu. Chỉ từ đầu thế kỷ 21 thì TQ mới trở nên hùng mạnh và lúc này việc thanh toán lại được thực hiện bằng các chứng chỉ/ giấy ghi nhận nợ (IOU: viết tắt của I Own You) hoặc các thao tác tương đương thông qua hệ thống điện tử. Điều này có nghĩa là TQ đã không thu về được lượng vàng chính thức từ những thành công trong hoạt động xuất khẩu. Và nó cũng có nghĩa là không còn cơ chế giám sát khả năng in tiền, vay tiền và chi tiêu quá mức của HK. Việc say sưa đi vay tiền và chi tiêu vung vít còn được cổ vũ bởi các mức lãi suất siêu thấp bởi Greenspan và Bernanke. Thiếu đi một chế độ Bản vị vàng hoặc sự giới hạn tiền tệ nào đó để “đạp phanh”, TQ và HK cùng lao vào một cuộc Chiến tranh tiền tệ lần thứ III, không có la bàn và bản đồ để định hướng xử lý các chứng từ ghi nợ – đến nay đã đạt quy mô lớn chưa từng có.
Lời cáo buộc chủ yếu mà Hoa Kỳ nhằm vào TQ là: TQ thao túng tiền tệ của họ nhằm giữ được giá xuất khẩu của TQ rẻ hơn dành cho người mua nước ngoài. Cáo buộc này được liên tục thảo luận trong báo giới nhưng chưa bao giờ được Nhà Trắng chính thức đưa ra kể từ năm 1994. Nhưng bản thân guồng máy xuất khẩu của TQ cũng không phải là mục đích – nó chỉ là phương tiện để đạt mục đích mà thôi. Mục đích thực của TQ cũng rất quen thuộc với các chính trị gia trên toàn cầu – công ăn việc làm. Các nhà máy ven biển, công xưởng lắp ráp và trung tâm vận tải của TQ là nơi đón nhận các đợt “biển người” tràn về từ các tỉnh nông thôn miền Trung và miền Nam TQ. Hàng chục triệu người mà hầu hết là người lao động trẻ đang tìm kiếm việc làm ổn định chỉ để nhận được tiền lương bằng một phần mười so với mức lương của công việc tương đương tại Hoa Kỳ.
Những người lao động mới đến này đều sống trong các khu trọ tập thể rất đông đúc, làm việc 70 giờ mỗi tuần, đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, ăn mỳ và cơm, có rất ít tiện nghi và giải trí. Khoản tiền ít ỏi mà những người lao động dành dụm được sẽ được chuyển về quê nhà để giúp đỡ cha mẹ già hoặc người thân khác trong gia đình họ – những người ở nông thôn không được hưởng an sinh xã hội. Từ góc nhìn của nông thôn TQ, đời sống và làm việc như trên là “giấc mộng Trung Hoa”, một giấc mơ trong thế kỷ 21 làm đối trọng với “Giấc mơ Mỹ” hồi thế kỷ 20. “Giấc mơ Mỹ” dù sao vẫn khá hơn: có nhà, có xe hơi và các trường học tốt cùng với việc làm ổn định. Tất nhiên, những người lao động từ nông thôn TQ mới đến thành thị chỉ cần được nhìn thấy xe hơi Mercedes, Cadillac và các căn hộ sang trọng của giới “đại gia mới nổi” để biết rằng trên đời này còn có những thứ tốt đẹp hơn các khu trọ tập thể và xe buýt.
Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản TQ là những người biết rõ nhất điều gì sẽ xảy ra nếu không tạo ra công ăn việc làm như thế này. Tìm hiểu lịch sử TQ chính là tìm hiểu những sụp đổ mang tính chu kỳ. Cụ thể, trong vòng 140 năm từ năm 1839 đến 1979, TQ thường xuyên biến động hỗn loạn. Khởi đầu là Chiến tranh Nha phiến (1839–1860) và tiếp theo là phong trào khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1850–1864), Nghĩa Hòa Đoàn (1899–1901), sự sụp đổ của nhà Thanh năm 1912, các quân phiệt và phe phái đấu tranh nhau trong thập niên 1920, cuộc nội chiến giữa những người theo chủ nghĩa Quốc gia và những người Cộng sản vào đầu thập niên 1930, sự xâm lược của Nhật Bản và Thế chiến thứ Hai (1931–1945), Cộng sản giành chính quyền năm 1949, Đại Nhảy Vọt (1958–1961), Cách mạng Văn hóa (1966–1976), và sau cùng là cái chế của Mao và sự sụp đổ của Tứ Nhân Bang năm 1976. Trên đây không những là các cột mốc đáng chú ý trong lịch sử mà còn liên quan đến những giai đoạn mà TQ tham gia chiến tranh, có nội chiến, nạn đói trên diện rộng, cưỡng hiếp tập thể, khủng bố, di cư, tham nhũng, ám sát, quốc hữu hóa, tử hình chính trị và không có bất cứ trung tâm quyền lực chính trị hay nhà nước pháp quyền nào cả. Cuối thập niên 1970, nền văn hóa và văn minh TQ đã kiệt quệ xét từ góc độ chính trị, đạo đức, và vật chất. Nhân dân và Đảng Cộng sản không muốn gì hơn là sự ổn định và tăng trưởng kinh tế. Tự do dân chủ và các quyền công dân có thể tạm gác lại, tính sau.
Đó là lý do tại sao sự kiện Thiên An Môn năm 1989 đã là vấn đề rắc rối đối với các lãnh đạo TQ bởi vì sự đàn áp dã man tại quảng trường này khiến Tây phương phải kinh hoàng. Tây phương cho rằng, dường như Thiên An Môn lại khiến TQ sa vào một giai đoạn đầy biến động chỉ sau 10 năm phát triển ổn định. Lãnh đạo Đảng Cộng sản TQ đã hiểu rằng khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc từ thế kỷ 19 đã bùng phát chỉ vì một sinh viên bất mãn rồi lan rộng ra hơn một nửa đất nước khiến 20 triệu người chết. Lịch sử TQ minh chứng rằng mạng lưới xã hội không đòi hỏi phải có Internet mà sự lan tỏa vẫn diễn ra mạnh mẽ thông qua lời truyền miệng và báo chữ to (tiếng TQ gọi là dazibao). Giới lãnh đạo TQ cũng hiểu rằng những người phản kháng tại Thiên An Môn không chỉ là những người nhiệt tình với dân chủ mà họ còn là các sinh viên, công nhân đang bất mãn vì giá lương thực quá cao và số lượng việc làm tăng quá chậm – nguyên nhân là những người xây dựng chính sách của TQ đã vội vàng đè nén nền kinh tế để chống lạm phát khi nó bắt đầu lên cao trong đầu thập niên 1980.
Đương nhiên, Hoa Kỳ cũng quan tâm đến việc tạo việc làm. Đợt suy thoái 2001 được cho là suy thoái nhẹ nếu xét theo các số liệu thống kê GDP và sản lượng công nghiệp, nhưng số lượng người thất nghiệp đã tăng vọt, từ 5,6 triệu hồi cuối năm 2000 đã lên hơn 8,2 triệu vào cuối năm 2001. Mặc dù có hồi phục “kỹ thuật” trong năm 2002, nhưng số thất nghiệp vẫn tăng thêm và cuối năm 2002 đã có 8,6 tirệu người không có việc làm. Sau đó, số lượng này giảm chậm và vẫn còn 7,2 triệu người thất nghiệp tính đến cuối năm 2005. Khi đợt suy thoái 2007 bắt đầu, nước Mỹ vẫn còn rất nhiều người thất nghiệp, và đội quân thất nghiệp này đã có tổng số là 15,6 triệu người tính đến tháng 10/2009. Nếu tính bao gồm luôn cả những người có công việc bán thời gian nhưng vẫn đang tìm việc toàn thời gian và những người không chính thức thất nghiệp nhưng mong muốn tìm việc thì tổng số thất nghiệp và chưa tận dụng hết khả năng lao động tại Mỹ là hơn 25 triệu tính đến cuối năm 2009. Mỗi con người trong số 25 triệu người này đều có danh tính cụ thể và gia đình của riêng họ. Các nhà kinh tế học chỉ thống kê tình trạng thất nghiệp theo tỷ lệ phần trăm, ví dụ 6% thất nghiệp vào cuối năm 2002 và 9,9% tính đến cuối năm 2009, nhưng tính đến cả những người bị ảnh hưởng vì nạn thất nghiệp – nhiều hơn con số 25 triệu người – thì mới thấy rõ chiều sâu của vấn nạn. Hoa Kỳ rất cần tạo ra việc làm.
Trong ngắn hạn, bi kịch này được che đậy bởi các chính sách nới lỏng tiền tệ của Greenspan – Bernanke và sự thanh thản khi người ta chi tiêu bằng thẻ tín dụng, giá nhà tăng cao hơn, giá cổ phiếu tăng hơn và được vay các khoản lớn đề mua nhà mà không cần bất cứ khoản đặt cọc nào. Mặc dù vẫn có lời phàn nàn về việc TQ thao túng tiền tệ và người Mỹ mất việc làm trong năm 2004 và 2005, nhưng chẳng mấy ai quan tâm bởi vì sự thịnh vượng vẫn thể hiện rõ ràng trong giai đoạn này, do lãi suất thấp. Sự thịnh vượng nói trên, xét cho cùng, là không bền vững. Khi cuộc vui bất chợt kết thúc năm 2007 và Hoa Kỳ chao đảo trong cơn hoảng loạn năm 2008, thì người ta đã nhận diện ra những người làm chính sách của TQ.
Bây giờ thì các chính khách Hoa Kỳ đã công khai phê phán việc neo tỷ giá NDT – đôla và quy trách nhiệm cho TQ vì đã gây ra tình trạng mất việc làm tại Hoa Kỳ. Thượng nghị sĩ Charles Schumer dẫn đầu phong trào công kích này khi ông là người lớn tiếng nhất. Một nhóm các Thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng, trong đó có Schumer đã viết thư trình Tổng thống Bush tại Nhà Trắng năm 2008 đề đạt, “Lợi thế bất công bằng về giá cả của các doanh nghiệp TQ – có được từ sự định giá thấp đồng NDT – đã buộc rất nhiều công ty Mỹ phải tuyên bố phá sản hoặc thậm chí rời bỏ lĩnh vực kinh doanh, gây tác hại đến đội ngũ người lao động, nhiều gia đình và tầng lớp trung lưu của chúng ta”. Thượng nghị sĩ Schumer và những người đồng tình với ông đã không nản lòng khi chỉ có một số ít ỏi các bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa việc làm và tỷ giá hối đoái. Dường như một công nhân điển hình trong ngành sản xuất đồ gỗ tại tiểu bang Bắc Carolina sẽ không thể chấp nhận làm việc với mức lương tháng là 118 đôla Mỹ – đây là mức lương của công nhân TQ làm công việc tương tự. Thậm chí nếu đồng NDT tăng giá gấp đôi, thì mức lương tháng của công nhân làm đồ gỗ TQ cũng chỉ là 236 đôla Mỹ – quá thấp khiến công nhân Mỹ không thể cạnh tranh được. Tuy không chứng minh được rõ ràng nhưng điều đó không quá quan trọng đối với “nhóm mị dân đôla” này. Quan điểm của họ vẫn là: hiển nhiên phải cáo buộc các chính sách tiền tệ của TQ và hiện TQ phải đáp ứng các yêu cầu về việc tái định giá tiền tệ.
Chính quyền Tổng thống George W. Bush đã nhận thức rõ các điệp khúc phàn nàn đổ lỗi cho TQ nhưng vẫn phải điều chỉnh cho vấn đề tiền tệ hài hòa với tầm quan trọng của các quan hệ nhiều mặt khác với TQ. TQ là khách hàng mua dầu mỏ xuất khẩu lớn nhất của Iran và do đó có vị thế ảnh hưởng đến Iran trong việc nước này đối đầu với Hoa Kỳ về lĩnh vực phát triển vũ khí hạt nhân. TQ còn là chiếc phao kinh tế không thể thiếu đối với chế độ hoàn toàn đóng kín tại Triều Tiên, hai nước này có đường biên giới chung và do đó vị thế của TQ có thể giúp Hoa Kỳ đạt được các mục tiêu chiến lược tại bán đảo Triều Tiên. Các doanh nghiệp lớn của Mỹ nhìn vào thị trường TQ với ánh mắt ghen tỵ và họ tìm cách xâm nhập trực tiếp thị trường này thông qua hoạt động mở rộng, thâu tóm hoặc liên doanh với các đối tác Trung Quốc – mọi hình thức trên đều phải được sự chấp thuận của chính phủ TQ. TQ từng “mất mặt” hồi 2005 khi Tập đoàn Quốc gia về Khai thác dầu khí ngoài khơi TQ (China National Offshore Oil Corporation – CNOOC) phải rút lui khỏi cuộc đấu thầu mua lại công ty dầu Unocal Oil của Hoa Kỳ sau khi Hạ viện Hoa Kỳ biểu quyết với tỷ lệ phiếu 398 – 15 để yêu cầu Tổng thống Bush xem xét lại cuộc đấu thầu này, dưới góc độ an ninh quốc gia. Sự rút lui như thế này rất dễ dẫn đến các hành động trả đũa và từ đó không cho phép các doanh nghiệp Hoa Kỳ thâu tóm các công ty tại TQ. Nói ngắn gọn, trong mọi cuộc đối đầu với TQ thì nước Mỹ đều trong hoàn cảnh “có thể được rất nhiều mà cũng có thể mất rất nhiều”, và dường như phương pháp hiệu quả vẫn là tiếp tục đối thoại cấp cao.
Tổng thống Bush chỉ rõ yêu cầu phải kiểm soát được tình hình căng thẳng tiền tệ giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc bằng việc khai mạc Đối thoại Chiên lược Kinh tế Mỹ – Trung 2006. Các phiên họp này được chính quyền Obama tiếp tục thực hiện sau đó, mở rộng hình thức và đổi tên thành Đối thoại Chiến lược & Kinh tế (Strategic and Economic Dialogue – S&ED) nhằm thể hiện sự quan tâm của Ngoại trưởng Mỹ và Quốc vụ viện TQ đối với chính sách ngoại giao. Sự vào cuộc của các quan chức ngoại giao và kinh tế rõ ràng đã thừa nhận mối tương thuộc địa chính trị và tài chính giữa các chính sách quốc gia trong thế kỷ 21 này.
Đối thoại Chiến lược và Kinh tế chỉ là một trong nhiều diễn đàn song phương và đa phương được thiết kế nhằm góp phần giải quyết nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh tiền tệ mới. Đối thoại giúp đôi bên chặn đứng sự leo thang của các căng thẳng từ cáo buộc thao túng tiền tệ, nhưng chẳng giúp giải quyết được vấn đề. Hàng loạt phiên họp thượng đỉnh song phương giữa Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào và TT Mỹ Obama đã được tiến hành, nhưng kể cả S & ED lẫn các phiên họp đều không mang lại bất cứ bước tiến đáng kể nào.
Hoa Kỳ hiện đang dùng nhóm G20 như một “vũ đài” chính nhằm trói buộc TQ theo hướng tái định giá tiền tệ, bởi vì Hoa Kỳ có năng lực kêu gọi đồng minh tham gia vào nỗ lực chung và cũng bởi Trung Quốc tôn trọng quan điểm quốc tế nhiều hơn quan điểm của riêng nước Mỹ. Một số bước tiến quan trọng gần đây trong việc tái định giá đồng NDT có xu hướng diễn ra trước các phiên họp của G20 nhiều hơn chứ chẳng mấy liên quan đến Đối thoại Chiến lược và Kinh tế S&ED. Ví dụ, một thay đổi tuy nhỏ nhưng đáng chú ý trong công cuộc tái định giá NDT, từ mức 6,83 trong ngày 15 tháng 6/2010 lên mức 6,79 vào ngày 25 tháng 6/2010, đã diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại Toronto. Một lần tăng giá NDT khác, từ giá 6,69 vào ngày 1 tháng 11/2010 lên mức 6,62 vào ngày 11 tháng 11/2010, cũng trùng hợp với thời gian Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại Seoul. Điều này cho thấy Trung Quốc quan tâm đến nhóm G20 theo những cách thức khác so với khi họ đến với các diễn đàn khác.
Đến mùa xuân năm 2011, mặt trận Thái Bình Dương giữa HK – TQ trong cuộc chiến tranh tiền tệ đã im tiếng súng. Tuy nhiên, các vấn đề then chốt vẫn còn đó. Nạn thất nghiệp gây sức ép cho cả TQ và Hoa Kỳ có nghĩa là sự căng thẳng vẫn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Sự thay đổi người trong giới lãnh đạo TQ năm 2012 và một cuộc bầu cử Tổng thống cũng trong năm 2012 tại HK đã tạo ra nỗi ám ảnh: các nguồn lực chính trị trong nước có thể trở thành chất xúc tác cho những đối đầu tiếp theo trên trường quốc tế.
Mặt trận Đại Tây Dương
Mặt trận Đại Tây Dương, mối quan hệ giữa đồng đôla và đồng Euro, có thể được nhận thức đúng đắn hơn nếu hiểu đây là sự tương thuộc nhau chứ không phải đối đầu nhau. Nguyên nhân phát xuất từ mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu trên các thị trường vốn và hệ thống ngân hàng – mối quan hệ này đạt quy mô và mức độ gắn kết lẫn nhau cao hơn bất cứ quan hệ tài chính giữa 2 nhóm nào khác trên thế giới. Sự tương thuộc này có thể được minh chứng sống động nhất ngay sau vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers hồi tháng 9/2008. Mặc dù hồ sơ phá sản được thông qua tại Tòa án Liên bang Hoa Kỳ sau thất bại trong nỗ lực giải cứu của Bộ Ngân khố nước này, nhưng trong số các nạn nhân tài chính lớn nhất và các bên chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất lại là các quỹ đầu tư phòng vệ của Liên minh châu Âu – các tổ chức này đã thực hiện các giao dịch hoán đổi qua quầy (OTC swaps) hoặc có các tài khoản thanh toán bù trừ tại các chi nhánh của Lehman tại London. Thất bại xuyên Đại Tây Dương này, từng được báo giới đăng tải nhiều vào thời điểm diễn ra, còn bị khuếch đại thêm vào tháng 12/2010 khi Fed phải tiết lộ đến từng chi tiết về các vụ cho vay khẩn cấp và chiến dịch giải cứu châu Âu trong giai đoạn Hỗn loạn 2008, theo yêu cầu của đạo luật mới Dodd-Frank.
Tỷ giá Euro-đôla vào đầu năm 2011 hầu như không đổi so với tỷ giá đã thiết lập từ năm 2007. Một Euro khi đó tương đương 1,30 đôla Mỹ (tháng 1/2007) và vẫn giữ nguyên như vậy trong 4 năm tiếp theo, nhưng đừng hiểu nhầm đây là sự ổn định. Thực ra, quan hệ tiền tệ Euro-đôla là mối quan hệ rất dễ biến động, khi đồng Euro từng tương đương 1,59 đôla hồi tháng 7/2008 và chỉ còn mức giá 1,10 đôla trong tháng 6/2010.
Tốt nhất nên hiểu rằng Euro và đôla đều là hai hành khách trên cùng một chuyến tàu. Trong một thời điểm nhất định, người khách này ngồi ở boong trên còn vị khách kia nằm boong dưới. Họ có thể hoán đổi chỗ cho nhau, tùy ý muốn đôi bên. Nhưng suy cho cùng hai vị hành khách này dịch chuyển cùng tốc độ và đến cùng một bến cảng. Sự dao động tỷ giá hàng ngày chỉ cho thấy các yếu tố kỹ thuật, quan hệ cung cầu trong ngắn hạn, sự sợ hãi vỡ nợ hoặc sự tan rã của đồng Euro và ngay sau đó được khắc phục bởi các gói giải cứu sớm nhất. Trong toàn bộ hành trình, cặp đôi Euro-đôla luôn luôn đồng hành chứ chưa khi nào chia tách nhau khỏi phạm vi con tàu chung.
Vậy mà Hoa Kỳ luôn luôn tất bật trên mặt trận Đại Tây Dương trong cuộc chiến tranh tiền tệ lần này, không phải để cố sức củng cố sức mạnh vượt trội cho đồng Euro mà nhằm đảm bảo rằng nó không sụp đổ. Bản thân đồng Euro là một sự sáng tạo tiền tệ thần kỳ. Các thành viên trong Liên minh châu Âu đã phát minh ra tiền tệ này sau 30 năm thảo luận và 10 năm nghiên cứu hoạch định về mặt kỹ thuật chuyên sâu. Đồng Euro là thành tựu đỉnh cao của một dự án cho Liên minh châu Âu tiến hành sau Thế chiến thứ Hai và nhằm mục đích gìn giữ hòa bình.
Từ sau khi kết thúc giai đoạn Phục hưng hồi giữa thế kỷ 16, châu Âu đã khốn đốn trong vòng hơn 400 năm với rất nhiều trận chiến diễn ra trong phong trào Cải cách Kháng Cách, chống Cải cách, cuộc chiến 30 năm, cách mạng Anh, các cuộc chiến tranh của vua Louis XIV, cuộc chiến Bảy năm, cách mạng Pháp, các cuộc chiến tranh của Napoléon, chiến tranh Pháp – Phổ, Thế chiến thứ Nhất, Thế chiến thứ Hai và sự thảm sát người Do Thái (the Holocaust), Bức màn Sắt và nỗi khiếp sợ vũ khí hạt nhân trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Cuối thế kỷ 20, châu Âu đã bi quan cao độ vì những tuyên bố của chủ nghĩa quốc gia dân tộc và tiềm năng từ các loại vũ khí hiện đại. Sự chia cắt về sắc tộc, quốc gia và tôn giáo vẫn còn đó. Cần phải có một lực lượng thống nhất – đó là lực lượng ràng buộc được nhiều nền kinh tế khiến chúng gần gũi với nhau sao cho người ta ít nhất cũng phải suy nghĩ kỹ trước khi muốn tiến hành chiến tranh, hoặc tốt hơn là không thể xảy ra chiến tranh.
Phát xuất từ 6 quốc gia tham gia vào Cộng đồng Than đá và Thép năm 1951, châu Âu đã liên tục có nhiều bước tiến dưới nhiều hình thức khác nhau: các hiệp ước thương mại, thị trường chung và các hệ thống tiền tệ chung. Hiệp ước Maastricht năm 1992, được đặt tên theo một thành phố của Hà Lan nơi hiệp ước này được thương lượng và ký kết, tạo nên một dạng thức cho một thực thể chính trị là Liên minh châu Âu, và sau cùng dẫn đến việc tạo ra đồng tiền chung Euro năm 1999. Một ngân hàng trung ương mới được thành lập trong Liên minh châu Âu đã phát hành đồng Euro và đến năm 2011 thì có tổng cộng 17 quốc gia thành viên trong Liên minh này đã sử dụng nó.
Ngay từ ngày đầu, các nhà phân tích đã cảnh báo rằng một loại tiền tệ duy nhất, chỉ được cung cấp bởi một ngân hàng trung ương duy nhất sẽ không đủ khả năng đáp ứng được nhiều chính sách tài chính đa dạng của các quốc gia thành viên có sử dụng Euro. Các quốc gia trong quá khứ từng tiêu xài hoang phí và bị vỡ nợ hoặc đã định giá thấp đồng tiền riêng của mình, chẳng hạn như Hy Lạp hoặc Tây Ban Nha, sẽ trở thành các đối tác gây khó xử trong một liên minh có các thành viên hùng mạnh về tài chính, ví dụ như nước Đức.
Phải mất thêm 10 năm nữa thì tất cả những khiếm khuyết trong kế hoạch tổng thể này mới hoàn toàn lộ diện, mặc dù đó là những trục trặc đã có ngay từ buổi ban đầu. Sự kết hợp độc hại giữa nhiều yếu tố bao gồm: những cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng bị mua chuộc, các “nghệ sĩ” tại phố Wall với mưu đồ sử dụng các công cụ phái sinh và bỏ chạy sau khi gây “tai nạn”, các quan chức Liên minh châu Âu tại Brussels luôn luôn mù quáng đã để cho một số quốc gia (như Hy Lạp) bị thâm hụt ngân sách và nhiều nước được vay mượn với hạn mức vượt xa hơn rất nhiều so với giới hạn theo Hiệp ước Masstricht, trong khi họ che giấu các chi phí thực tế trong báo cáo thu chi ngân sách năm tài chính và các hạng mục ngoại bảng. Trong khi đó thì các nhà đâu tư vẫn vui vẻ thâu tóm các khoản nợ công lên đến nhiều tỷ Euro từ các chính phủ như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland và một số quốc gia châu Âu khác, với mức lãi suất chỉ nhỉnh hơn một chút so với lãi suất trong các hệ thống tín dũng vững vàng khác, chẳng hạn như tại Đức. Cơ sở của hiện tượng này là việc các cơ quan thẩm định thiếu năng lực đã cho kết quả đánh giá cao, khiến người ta hiểu sai về các báo cáo tài chính của nhiều quốc gia và lối tư duy ảo tưởng của chính các nhà đầu tư khi cứ tin rằng đế chế đồng Euro sẽ không bao giờ sụp đổ.
Con đường dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu năm 2010 phần nào được hình thành từ các hiệp ước thân thiện mới được ký kết giữa các ngân hàng, những người đi vay và các quan chức quan liêu. Các nâng hàng sẽ mua lại trái phiếu chính phủ của các nước thuộc Liên minh châu Âu và ghi vào sổ sách các khoản lợi nhuận được đảm bảo bằng niềm tin rằng chẳng có chính phủ nào được phép sụp đổ. Các chính phủ thì mặc sức phát hành trái phiếu để tài trợ cho những khoản chi tiêu không bền vững mà phần lớn chỉ đem lại lợi ích cho các tổ chức công. Lợi ích của các quan chức quan liêu tại Brussels có lẽ là thứ tinh vi hơn cả. Nếu cuộc khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu tự nó được giải quyết, mọi người sẽ tán dương sự thành công của dự án đồng Euro. Nếu một số chính phủ nước thành viên trong Liên minh châu Âu bị vỡ nợ công, giải pháp của các quan chức quan liêu này sẽ là tích hợp nhiều hơn (chứ không loại bớt ra khỏi liên minh) và Brussels sẽ giám sát nhiều hơn (chứ không phải nới lỏng sự giám sát). Khi nhắm mắt làm ngơ trước sự khinh suất của các bên, Brussels đã tạo cho mình một vị thế “không thể mua chuộc”. Nếu đồng Euro thành công thì họ được ca ngợi và nếu đồng Euro chịu sức ép thì họ có thêm quyền lực. Chẳng bao lâu thì sức ép đã đủ lớn.
Các ngân hàng của Liên minh châu Âu không những “ăn cho hết” các khoản nợ công bằng đồng Euro mà còn nhận thêm những khoản nợ được phát hành bởi Fannie Mae và gánh luôn cả “một nồi lẩu từ A đến Z” chứa đầy các sản phẩm lừa đảo được Phố Wall thiết kế nên, chẳng hạn như các công cụ nợ có đảm bảo (collateralized debt obligations – CDOs). Các khoản nợ này được khởi phát từ các ngân hàng địa phương thiếu kinh nghiệm trên khắp nước Mỹ và được “tái đóng gói” thành nhiều tỷ đôla bởi một số đơn vị dạng như Lehman Brothers trước khi chúng vỡ tan tành. Các ngân hàng của Liên minh châu Âu thực sự là mối liên kết yếu nhất trong hệ thống tài chính toàn cầu, thậm chí chúng còn yếu hơn cả Citigroup, Goldman Sachs và những “biểu tượng” trong các cuộc giải cứu tài chính của nước Mỹ.
Đến năm 2010 thì nền tài chính của Liên minh châu Âu đã là một mạng lưới phức tạp với nhiều khoản nợ chồng chéo nhau. Trong số nợ 236 tỷ USD của Hy Lạp, có 15 tỷ nợ người Anh, 75 tỷ nợ Pháp và 45 tỷ nợ Đức. Trong số nợ 867 tỷ USD của Ireland có 60 tỷ nợ người Pháp, 188 tỷ nợ Anh và 184 tỷ nợ Đức. Trong số nợ 1,1 nghìn tỷ USD của Tây Ban Nha, có 114 tỷ nợ người Anh, 220 tỷ nợ Pháp và 238 tỷ nợ Đức. Mô hình tương tự cũng xuất hiện tại nhiều quốc gia thành viên trong hệ thống đồng Euro đang là con nợ lớn khác: Italy, Bồ Đào Nha… Mẹ đẻ của các khoản nợ qua lại trong nội bộ Liên minh châu Âu là món nợ trị giá 511 tỷ USD mà Italy đã đi vay từ Pháp.
Trong khi mỗi khoản nợ công thường được hình thành thông qua việc đi vay từ nhiều định chế khác nhau, bao gồm vay từ các quỹ hưu trí và quỹ hiến tặng, nhưng phần lớn vẫn là nợ vay từ các ngân hàng nước ngoài. Đó là lý do mà Fed đã âm thầm giải cứu châu Âu trong năm 2008 và Fed tranh đấu quyết liệt để bảo mật các chi tiết liên quan cho tới khi tổ chức này buộc phải công khai theo đạo luật Dodd-Frank được ban hành năm 2010. D(ó cũn glà lý do các chủ sở hữu trái phiếu của Fannie Mae và Freddie Mac không chịu bất cứ tổn thất nào khi hai công ty này được giải cứu bởi chính những người đóng thuế cho nước Mỹ hồi năm 2008. Đó còn là lý do các chính phủ hàng đầu trong Liên minh châu (Đức và Pháp) đã mau mắn tập hợp lại để yểm trợ cho các chính phủ đi vay khác như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha khi cơn khủng hoảng đồng Euro đi vào giai đoạn quyết định trong năm 2010. Sự khốc liệt phía sau cả ba cuộc giải cứu nói trên là việc hệ thống ngân hàng của Liên minh châu Âu đã vỡ nợ. Trợ cấp cho những người hưởng lương hưu tại Hy Lạp và giúp đỡ các ngân hàng Ireland chỉ là một phần che chắn nho nhỏ để người ta khỏi nhìn thấy cảnh cả một dinh thự lớn và mục nát đang sụp đổ.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu không chỉ diễn biến trong phạm vi châu lục này. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đã yểm trợ cho việc giải cứu Liên minh châu Âu, vì nhiều lý do khác nhau nhưng suy cho cùng cũng vì tư lợi. Châu Âu chính là thị trường xuất khẩu lớn của Hoa Kỳ. Một đồng Euro mạnh sẽ giúp Liên minh châu Âu tiếp tục ham muốn mua được máy móc thiết bị, máy bay, dược phẩm, phần mềm, nông sản, dịch vụ giáo dục cũng như nhiều hàng hóa dịch vụ khác của Hoa Kỳ. Sự sụp đổ của đồng Euro cũng có nghĩa là sự đổ vỡ trong thương mại giữa hai gã khổng lồ về sản ượng đầu ra của thế giới này. Sự sụp đổ của Liên minh châu Âu có thể làm suy tàn các ngân hàng của liên minh này và cả đồng Euro, khi các nhà đầu tư ngay lập tức rút lui khỏi các khoản vay nợ được đính giá bằng đồng Euro và tháo chạy khỏi các ngân hàng thuộc Liên minh. Các hệ lụy sẽ vô cùng lớn: Liên minh châu Âu vỡ nợ công và không thể thanh toán được cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ. Nhưng châu Âu đã là một châu lục “quá lớn đến mức không thể sụp đổ”. Các cuộc giải cứu, các công cụ hoán đổi và hỗ trợ cho những tổ chức như Fannie Mae đều là những bộ phận cấu thành trong một nỗ lực đa chiều, nhiều năm nhằm củng cố giá trị của đồng Euro.
Trung Quốc cũng có lợi ích khi tham gia chống đỡ cho đồng Euro, nhưng các nỗ lực của quốc gia này lại phát xuất từ vấn đề chính trị. Châu Âu cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc (tương tự như đối với Hoa Kỳ), và xét đến chừng mực này thì lợi ích của Trung Quốc cũng giống như lợi ích của Hoa Kỳ. Nhưng khác với các ngân hàng Mỹ, các ngân hàng Trung QUốc lại không gắn kết quả mật thiết với các ngân hàng châu Âu, do đó Trung Quốc có thể ung dung hơn khi quyết định sẽ hỗ trợ như thế nào và khi nào. Cuộc khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu đã mang đến cho Trung Quốc cơ hội đa dạng hóa các nguồn dự trữ và danh mục đầu tư. Họ chuyển hướng từ đôla sang Euro để tiếp nhận được các hệ thống công nghệ tiên tiến hàng đầu (Hoa Kỳ đã từ chối cung cấp các công nghệ này) và tranh thủ phát triển các yếu tố nền tảng để có thể tham gia vào cuộc chuyển giao công nghệ về đất nước Trung Quốc.
Đức hoan nghênh sự yểm trợ đồng Euro từ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Là một nhà xuất khẩu mạnh, lẽ ra Đức phải mong đợi một đồng Euro yếu vì các nguyên nhân tương tự việc Hoa Kỳ thích một đồng đôla yếu và Trung Quốc muốn đồng NDT cũng yếu: như vậy mới có lợi thế trong các cuộc chiến tranh tiền tệ. Đồng nội tệ giá rẻ sẽ thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, Đức không chỉ là nhà xuất khẩu ra khỏi Liên minh châu Âu mà quốc gia này còn xuất khẩu mạnh vào các nước ngay trong Liên minh này. Đối với hoạt động xuất khẩu trong khu vực châu Âu, ví dụ xuấ tkhẩu từ Đức vào Tây Ban Nha, thì tương quan tiền tệ sẽ không phải là vấn đề: cả nhà xuất khẩu lẫn nhà nhập khẩu đều sử dụng chung đồng Euro. Nếu đồng Euro sụp đổ hoặc các thành viên trong liên minh rút khỏi hệ thống tiền tệ chung này để quay lại với những đồng tiền riêng đã có, nay còn được định giá thấp, thì Đức có thể mất nhiều thị trường xuất khẩu.
Theo lối tư duy phổ biến thì người ta cho rằng Đức đã khốn khổ khi phải yểm trợ Hy Lạp, Ireland và các liên kết yếu khác trong chuỗi tiền tệ Euro. Thực ra, Đức cũng chẳng còn lựa chọn nào khá hơn. Những phí tổn khi đồng Euro sụp đổ còn lớn hơn nhiều so với gánh nặng giải cứu các thành viên trong khu vực. Vậy nên Đức hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Sự tồn tại của đồng Euro giúp cho Đức có vị thế thống trị trong nội bộ châu Âu, trong khi một đồng Euro phần nào yếu hơn trên thị trường quốc tế lại cho phép Đức giành thị phần trong các khu vực khác của thế giới. Tình thế thuận lợi nhất cho nước Đức là một đồng Euro vừa đủ yếu sao cho Đức đẩy mạnh được xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưgn cũng không quá yếu đến mức sụp đổ. Đức đã thành công trong việc tìm ra tình thế này trong năm 2010 bất chấp các biến động xoay quanh đồng Euro.
Khi các lợi ích riêng của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đức đều cùng chiều nhau thì đến nay không còn nghi ngờ gì về sự sống sót của đồng Euro. Có thể tạm gác lại việc các ngân hàng đang chất đống những loại tài sản mục rữa, việc các quốc gia “đóng vai phụ” trong liên minh vẫn thực hiện nhiều chính sách tài chính không bền vững và việc nhân dân Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang đối mặt với khó khăn trong cuộc sống khi các dây chuyền lắp ráp tại Seattle và Thượng Hải vẫn chạy đều. Đến giờ này thì điều cốt lõi nhất vẫn được giữ vững.
Mặt trận liên lục địa Á – Âu
Nếu quan hệ giữa đồng Euro và đồng đôla có thể được mô tà là sự tương thuộc qua lại thì quan hệ giữa đồng Euro và đồng Nhân dân tệ đơn giản là sự phụ thuộc. Trung Quốc trỗi dậy nhanh chóng để trở thành một Đấng Cứu Thế tiềm năng đối với một số nền kinh tế phụ, ít quan trọng trong Liên minh châu Âu (chẳng hạn Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha) dựa trên việc Trung Quốc sẵn lòng mua một số trái phiếu chính phủ trong giai đoạn diễn ra khủng hoảng nợ công châu Âu. Tuy nhiên, các ý đồ của Trung Quốc đối với châu Âu và đồng Euro đều dựa trên sự tư lợi và toan tính lạnh lùng.
Trung Quốc có lợi ích sống còn từ một đồng Euro mạnh. Liên minh châu Âu đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Nếu sự biến động trong Liên minh châu Âu khiến cho một số quốc gia như Hy Lạp hoặc Ireland phải từ bỏ đồng Euro, thì các nước này có thể quay lại sử dụng các loại tiền tệ riêng của mình với mức tỷ giá thấp tương đối so với Nhân dân tệ. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu. Lợi ích của TQ trong việc hỗ trợ cho đồng Euro cũng nhiều bằng hoặc nhiều hơn cả lợi ích từ việc neo chặt tỷ giá Nhân dân tệ với đôla.
Các động cơ của Trung Quốc tại châu Âu bao gồm: đa dạng hóa nguồn dự trữ với việc cầm nắm Euro nhiều hơn, được tôn trọng hoặc thân thiện hơn với một số quốc gia trong Liên minh châu Âu sau khi đã trực tiếp yểm trợ các nước này bằng cách mua trái phiếu, và đánh đổi thêm một số lợi ích khác liên quan đến việc mua trái phiếu nói trên. Những cái đổi chác được ở đây có nhiều dạng thức, bao gồm hoạt động đầu tư trực tiếp vào một số cơ sở hạ tầng nhạy cảm như cảng và nhà máy điện, tiếp cận được các công nghệ nhạy cảm của Liên minh châu Âu và khả năng mua được các hệ thống vũ khí tối tân mà thông thường chỉ dành riêng cho các đồng minh NATO và các thân hữu như Israel. Tất cả các lợi ích của Trung Quốc trong việc củng cố cho đồng Euro không phải đều trái chiều với lợi ích của Đức, mặc dù Đức và Trung Quốc cạnh tranh nhau khốc liệt về xuất khẩu trên thế giới.
Bằng cách thu mua trái phiếu chính phủ của các quốc gia không đóng vai trò quan trọng về kinh tế trong Liên minh châu Âu, Trung QUốc đã giúp Đức gánh chịu phí tổn trong công cuộc giải cứu liên minh này. Khi yểm trợ cho sức mạnh của đồng Euro, Trung Quốc đã giúp cho Đức tránh được các tổn thất nếu đồng Euro sụp đổ, bao gồm cả thảm họa cho các ngân hàng Đức. Đây là tình huống “không thể thua” dành cho Trung Quốc và còn gìn giữ được mạn sườn Liên lục địa Á – Âu trong khi Trung Quốc bận đối đầu trực diện với Hoa Kỳ. Mặt trận chủ đạo của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh tiền tệ này là Hoa Kỳ, và Trung Quốc đến nay vẫn tránh đụng độ tại mặt trận Á – Âu. Có thể có cả hai nguyên nhân: sự suy yếu của Liên minh châu Âu và sự khôn khéo của Trung Quốc.
Giống như Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng hỗ trợ cho đồng Euro vì các lý do tương tự: thảm họa khi đồng Euro sụp đổ sẽ làm suy yếu giá trị tương đối của Euro so với đôla và gây ảnh hưởng xấu cho hoạt động xuất khẩu của Hoa Kỳ hiện đang cạnh tranh với Liên minh châu Âu tại các thị trường Trung Đông, Mỹ Latinh và Nam Á. Trung Quốc và Hoa Kỳ không những muốn đồng Euro sống sót; hai nước này còn muốn đồng Euro lấy lại sức mạnh tương đối so với đồng đôla và NDT để họ thuận lợi hơn trong xuất khẩu. Châu Âu, Trung Quốc và Hoa Kỳ đều thống nhất với nhau trong các nỗ lực để giữ vững đồng Euro, bất chấp sự khác biệt về động cơ của từng bên và những mâu thuẫn trong thái độ đối với các lĩnh vực khác.
Sự thống nhất về mục đích nói trên cũng hầu như có nghĩa là đồng Euro sau cùng sẽ loay hoay thoát khỏi được cơn khủng hoảng này và vẫn còn nguyên giá trị trong một tương lai được thấy trước, bất chấp việc có thể tái cấu trúc trái phiếu và những kế hoạch khắc nghiệt. Hiện vẫn chưa thể biết động thái nhất quán này có thể tiếp diễn hay không và Trung Quốc sẽ tiếp tục tấn công vào châu Âu một cách tinh tế hay không. Nếu đồng Euro thực sự sụp đổ, Trung Quốc có thể cùng lúc gánh chịu những tổn thất lớn từ việc nắm giữ trái phiếu, việc tái định giá đồng NDT và các thua lỗ trong xuất khẩu. Trung Quốc vẫn có thể đối đầu với châu Âu về hàng loạt vấn đề khác, nhưng hiện nay mặt trận tiền tệ phía tây TQ đã im ắng.
Các cuộc giao tranh nhỏ trên toàn cầu
Ngoài ba mặt trận lớn của cuộc chiến tranh tiền tệ – Thái Bình Dương (đôla – NDT), Đại Tây Dương (Euro – đôla) và Liên lục địa Á – Âu (Euro – NDT) – còn có vô số các mặt trận, sự kiện phụ và những giao tranh nhỏ khác đang diễn ra trên toàn thế giới. Đáng chú ý nhất trong số này là “chiến trường Brazil”.
Đến tận năm 1994, Brazil vẫn còn duy trì chính sách neo tỷ giá giữa đồng Real của họ với đồng đôla Mỹ. Tuy nhiên, các hệ lụy lan ra toàn cầu từ sau “Khủng hoảng Tequila” tại Mexico hồi tháng 12/1994 đã gây áp lực lên đồng Real và buộc Brazil phải bảo vệ đồng nội tệ của mình. Kết quả là một “Kế hoạch Real”, theo đó Brazil tiến hành hàng loạt các động thái định giá thấp đồng Real so với đôla, dưới sự quản lý. Tiền Real đã giảm giá khoảng 30% trong giai đoạn 1995 – 1997.
Sau khi đã thành công trong việc quản lý giá trị tương đối giữa đôla so với Real tại một mức độ ổn định hơn, Brazil một lần nữa lại trở thành nạn nhân của sự lây lan khủng hoảng. Lần này, cuộc khủng hoảng không phải xuất phát từ khu vực Mỹ Latin mà đến từ Đông Á. Cơn khủng hoảng tài chính mới đã bùng nổ năm 1997 và lan tràn khắp thế giới: từ Thái Lan đến Indonesia, Hàn Quốc, Nga và sau cùng dừng lại ở Brazil, nơi mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dàn xếp một “bức tường lửa tiền tệ” với các quỹ khẩn cấp khi Fed điên cuồng cắt giảm các mức lãi suất tại Hoa Kỳ nhằm đảm bảo thanh khoản cần thiết cho toàn cầu. Sau khi gánh chịu cơn bão tài chính và theo lời xúi giục của IMF, Brazil đã bắt đầu thả nổi tiền tệ và có một tài khoản vốn cởi mở hơn, để rồi họ phải trải qua các đợt khủng hoảng cán cân thanh toán theo chu kỳ và lại phải nhờ IMF hỗ trợ trong năm 2002.
Vận mệnh của Brazil đã sáng sủa hơn với cuộc bầu cử 2002 và chiến thắng của tân Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, thường được biết với cái tên Lula. Dưới sự lãnh đạo của ông từ năm 2003 đến 2010, Brazil đã mở rộng năng lực xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, đạt nhiều thành tựu đáng kể về công nghệ và sản xuất căn bản. Máy bay Embraer đã trở thành sản phẩm có đẳng cấp thế giới và đưa Brazil bay vọt lên vị trí là nhà sản xuất máy bay lớn thứ 3 toàn cầu. Thị trường nội địa khổng lồ của quốc gia này cũng trở thành nơi thu hút các dòng vốn toàn cầu nhằm kiếm lợi nhuận cao hơn, nhất là sau sự giảm sút về tỷ suất lợi nhuận tại các thị trường Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu kể từ đợt hỗn loạin 2008.
Giai đoạn 2009 – 2010, tỷ giá đồng Real so với đôla Mỹ dịch chuyển từ khoảng 2,4 lên 1,69. Việc tái định giá tiền Real so với đôla tăng hơn 40% chỉ trong vòng 2 năm đã gây khốn đốn cho ngành xuất khẩu Brazil. Cán cân thương mại song phương Brazil – Hoa Kỳ cũng biến đổi: từ thặng dư khoảng 15 tỷ đôla thành thâm hụt 6 tỷ đôla cũng trong 2 năm đó. Chính sự việc này đã khiến Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega đưa ra tuyên bố hồi cuối tháng 9/2010 rằng một cuộc chiến tranh tiền tệ toàn cầu đã bắt đầu.
Bởi vì Trung Quốc vẫn neo chặt tỷ giá NDT – đôla, cho nên việc tái định giá tiền Real tăng 40% so với đôla cũng có nghĩa là Real được tái định giá tăng thêm 40% so với NDT. Nền xuất khẩu của Brazil đã chịu tổn thất không những từ Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ cao, mà còn từ Trung Quốc trong những lĩnh vực lắp ráp theo dây chuyền và dệt may. Brazil phản kích bằng sự can thiệp tiền tệ từ ngân hàng trung ương, tăng khoản dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng địa phương nào đang bán khống đôla đầu cơ giá xuống, và một số dạng thức kiểm soát vốn khác.
Cuối năm 2010, người kế nhiệm của Tổng thống Lula là Dilma Rousseff đã long trọng tuyên bố bà sẽ thúc đẩy nhóm G20 và IMF xây dựng nên các đạo luật để nhận diện được những kẻ thao túng tiền tệ – có lẽ cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ – nhằm giải tỏa áp lực đẩy giá lên dành cho đồng Real. Các nỗ lực của Brazil nhằm kìm chế giá đồng Real đã thành công trong ngắn hạn cũng vào cuối năm 2010 nhưng ngay sau đó lại làm phát sinh vấn đề mới – đó là tình trạng lạm phát. Brazil đã nhập khẩu lạm phát từ Hoa Kỳ khi cố gắng kìm chế tỷ giá Real/đôla vì e ngại trước hành động in tiền ồ ạt của Fed.
Brazil hiện đang lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” giống như Trung Quốc, họ buộc phải chọn lựa giữa lạm phát và việc tái định giá tiền tệ. Khi Hoa Kỳ in thêm đôla và một quốc gia khác lại cố gắng neo chặt tỷ giá đồng nội tệ của họ với đôla, thì quốc gia này sau cùng cũng buộc phải in thêm tiền (vậy mới giữ được tỷ giá), và do đó dẫn đến lạm phát trong nước. Hậu quả là các nhà đầu tư, những ai kiếm tìm lợi nhuận cao nhờ “dòng tiền nóng” (nguyên văn hot money: tièn được các nhà đầu cho dịch chuyển thật nhanh, từ hình thức này sang hình thức khác, để tận dụng các biến động tỷ giá hoặc thu lợi nhuận từ đầu tư ngắn hạn) từ Hoa Kỳ đã đổ dồn về Brazil. Tình hình bi đát đến mức một báo cáo nghiên cứu của Nomura Global Economics hồi đầu năm 2011 đã khẳng định rằng Brazil là kẻ thua nhiều nhất trong các cuộc chiến tranh tiền tệ. Điều này đúng, nếu xét đến tình trạng tăng giá của đồng Real. Tới tháng 4/2011, Brazil đã “tung cờ trắng đầu hàng trong cuộc chiến tranh tiền tệ”, theo một phân tích trên tờ Wall Street Journal. Brazil dường như đã xuôi tay mặc cho đồng Real tăng giá sau khi nhiều cách kiểm soát tiền tệ, đánh thuế lên các hoạt động đầu tư nước ngoài và nhiều biện pháp khác nhằm chặn đứng tăng giá tiền tệ đều thất bại.
Thiếu dự trữ và không có thặng dư thương mại như Trung Quốc, Brazil không thể neo tỷ giá Real/đôla theo cách đơn giản là mua vào tất cả số đôla khi chúng vừa đến cửa khẩu. Brazil mắc kẹt giữa việc định giá tiền tệ và nạn lạm phát. Cũng trong trường hợp của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, tuy những lý do là khác nhau, Brazil ngày càng mong đợi nhóm G20 hỗ trợ họ trong các cuộc chiến tranh tiền tệ.
Brazil là trường hợp đặc biệt bởi vì yếu tố địa lý, nhân khẩu và quy mô kinh tế, nhưng quốc gia này không thể là quốc gia duy nhất bị kẹt giữa nhiều làn đạn đan xen nhau trong cuộc chiến tranh tiền tệ giữa đồng đôla, Euro và NDT. Các quốc gia khác cũng đang triển khai hoặc có tính toán đến việc kiểm soát vốn nhằm chặn đứng các “dòng tiền nóng” đổ về mình, nhất là đồng đôla Mỹ, trong đó bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Nam Phi, Đài Loan và Thái Lan. Mỗi quốc gia trong số này đều lo sợ rằng đồng nội tệ của họ sẽ bị tăng giá và hoạt động xuất khẩu củ họ sẽ chịu hậu quả xấu từ các chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed và dòng lũ đôla từ khắp thế giới tràn về đất nước mình để kiếm lợi nhuận cao và tăng trưởng nhanh hơn.
Những cách kiểm soát vốn xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau, tùy chọn lựa của các ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính từng đất nước. Năm 2010, Indonesia và Đài Loan đã cắt giảm hoạt động đầu tư ngắn hạn, buộc các nhà đầu tư “tiền nóng” phải đầu tư trong thời hạn dài hơn. Hàn Quốc và Thái Lan lại áp đặt các loại thuế thu nhập đánh vào lợi nhuận từ trái phiếu nội địa của các nhà đầu tư nước ngoài – đây là một cách nhằm làm nản lòng những ai muốn đầu tư “nóng” và giảm áp lực tăng giá các loại nội tệ. Trường hợp của Thái Lan mới thật mỉa mai, bởi vì Thái Lan chính là nơi xuất phát cơn khủng hoảng tài chính 1997 – 1998. Lần đó, các nhà đầu tư đã cố gắng rút tiền khỏi Thái Lan và quốc gia này cố nâng cao giá trị nội tệ. Đến năm 2011 thì các nhà đầu tư lại thi nhau đẩy tiền vào Thái Lan còn chính phủ thì hạ thấp giá trị nội tệ. Thái Lan và Hoa Kỳ là hai ví dụ minh họa rõ nét hơn cả, cho thấy sự thay đổi về sức mạnh tài chính giữa các thị trường mới nổi và các thị trường đã phát triển trong vòng 10 năm qua.
Các quốc gia có nền kinh tế nhỏ như trên, hầu hết là những nước châu Á đang gắng sức giữ giá trị nội tệ của mình ở mức thấp, sẽ không thể phát hành được một loại tiền tệ dự trữ được chấp nhận rộng rãi. Và tất cả những quốc gia này cũng không thể đạt quy mô kinh tế tương đương với quy mô của Hoa Kỳ, Trung Quốc hoặc Liên minh châu Âu nếu xét đến khả năng thực hiện một cuộc chiến tranh tiền tệ bằng cách trực tiếp can thiệp vào thị trường. Các quốc gia này cần tạo nên một diễn đàn đa phương nhằm giải quyết các áp lực gây ra bởi Chiến tranh tiền tệ lần thứ III. Trong khi theo truyền thống thì Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF sẽ lập ra một diễn đàn dạng này, mọi nền kinh tế có hoạt động thương mại lớn, bất chấp có phải là thành viên G20 hay không, đang nôn nóng muốn nhận được sự định hướng hoặc các quy định từ nhóm G20 để chặn đứng tình trạng leo thang chiến tranh tiền tệ và có thể gây ra những tổn thất không thể bù đắp được cho từng nền kinh tế đơn lẻ và cho cả thế giới.
James Rickards
TH: T. Giang – SCDRC
CHAPTER 6: CURRENCY WAR III (2010– )
By James Rickards
Book cover
“The purpose... is not to push the dollar down. This should not be regarded as some sort of chapter in a currency war.” Janet Yellen, Vice Chair of the Federal Reserve, commenting on quantitative easing, November 16, 2010
“Quantitative easing also works through exchange rates... The Fed could engage in much more aggressive quantitative easing... to further lower... the dollar.” Christina D. Romer, former Chair of the Council of Economic Advisers, commenting on quantitative easing, February 27, 2011
Three supercurrencies - the dollar, the euro and the yuan - issued by the three largest economies in the world—the United States, the European Union and the People’s Republic of China - are the superpowers in a new currency war, Currency War III, which began in 2010 as a consequence of the 2007 depression and whose dimensions and consequences are just now coming into focus.
No one denies the importance of other major currencies in the global financial system, including Japanese yen, UK pounds sterling, Swiss francs, and those of the remaining BRICs: Brazilian real, Russian ruble, Indian rupee and South African rand. These currencies derive their importance from the size of the economies that issue them and the volume of trade and financial transactions in which those countries engage. By these measures, the indigenous dollars issued by Australia, New Zealand, Canada, Singapore, Hong Kong and Taiwan, as well as the Norwegian krone, South Korean won and UAE dirham, all have pride of place. But the combined GDP of the United States, European Union and China—almost 60 percent of global GDP—creates a center of gravity to which all other economies and currencies are peripheral in some way.
Every war has its main fronts and its romantic and often bloody sideshows. World War II was the greatest and most expansive military conflict in history. The U.S. perspective on World War II is neatly divided into Europe and the Pacific, while a Japanese perspective would encompass an imperial empire stretching from Burma to an overextended attack at Pearl Harbor. The English, it seems, fought everywhere at once.
So it is with currency wars. The main battle lines being drawn are a dollar-yuan theater across thePacific, a dollar-euro theater across the Atlantic and a euro-yuan theater in the Eurasian landmass. These battles are real but the geographic designations are metaphorical. The fact is, currency wars are fought globally in all major financial centers at once, twenty-four hours per day, by bankers, traders, politicians and automated systems—and the fate of economies and their affected citizens hang in the balance.
Participation in currency wars today is no longer confined to the national issuers of currency and their central banks. Involvement extends to multilateral and global institutions such as the IMF, World Bank, Bank for International Settlements and United Nations, as well as private entities such as hedge funds, global corporations and private family offices of the superrich. Whether as speculators, hedgers or manipulators these private institutions have as much influence over the fate of currencies as the nations that issue them. To see that the battle lines are global, not neatly confined to nationstates, one need only consider the oft-told story of the hedge fund run by George Soros that “broke the Bank of England” in 1992 on a massive currency bet. Today there are many more hedge funds with many more trillions of dollars in leverage than Soros would have imagined twenty years ago.
Battles in the Pacific, Atlantic and Eurasian theaters of Currency War III have commenced with important sideshows playing out in Brazil, Russia, the Middle East and throughout Asia. CWIII will not be fought over the fate of the real or the ruble, however; it will be fought over the relative values of the euro, the dollar and the yuan, and this will affect the destinies of the countries that issue them as well as their trading partners.
The world is now entering its third currency war in less than one hundred years. Whether it ends tragically as in CWI or is managed to a soft landing as in CWII remains to be seen. What is clear is that—considering the growth since the 1980s of national economies, money printing and leverage through derivatives—this currency war will be truly global and fought on a more massive scale than ever. Currency War III will include both official and private players. This expansion in size, geography and participation exponentially increases the risk of collapse. Today the risk is not just of devaluation of one currency against another or a rise in the price of gold. Today the risk is the collapse of the monetary system itself—a loss of confidence in paper currencies and a massive flight to hard assets. Given these risks of catastrophic failure, Currency War III may be the last currency war—or, to paraphrase Woodrow Wilson, the war to end all currency wars.
The Pacific Theater
The struggle between China and the United States, between the yuan and the dollar, is the centerpiece of global finance today and the main front in Currency War III. The evolution of this struggle begins with the emergence of China from a quarter century of economic isolation, social chaos and the doctrinaire suppression of free markets by the communist regime.
The modern Chinese economic miracle began in January 1975 with the Four Modernizations plan announced by Premier Zhou Enlai, which affected agriculture, industry, defense and technology. Implementation was delayed, however, due to disruptions caused by Zhou’s death in January 1976, followed by the death of Communist Party chairman Mao Zedong in September of that year and the arrest one month later of the radical Gang of Four, including Madame Mao, after a brief reign.
Mao’s designated successor, Hua Guofeng, carried forward Zhou’s vision and made a definitive break with the Maoist past at a National Party Congress in December 1978. Hua was aided in this by the recently rehabilitated and soon to be dominant Deng Xiaoping. Real change began the next year, followed by a period of experimentation and pilot programs aimed at increasing autonomy in decision making on farms and in factories. In 1979, China took the landmark decision to create four special economic zones offering favorable work rules, reduced regulation and tax benefits designed to attract foreign investment, especially in manufacturing, assembly and textile industries. They were the precursors of a much larger program of economic development zones launched in 1984 involving most of the large coastal cities in eastern China. Although China grew rapidly in percentage terms in the mid-1980s, it was working from a low base and neither its currency nor its bilateral trade relations with major countries such as the United States and Germany gave much cause for concern.
Today’s currency war is marked by claims of Chinese undervaluation, yet as late as 1983 the yuan was massively overvalued at a rate of 2.8 yuan to one dollar. However, this was at a time when exports were a relatively small part of Chinese GDP and the leadership was more focused on cheap imports to develop infrastructure. As the export sector grew, China engaged in a series of six devaluations over ten years so that, by 1993, the yuan had been cheapened to a level of 5.32 yuan to the dollar. Then, on January 1, 1994, China announced a reformed system of foreign exchange and massively devalued the yuan to 8.7 to the dollar. That shock caused the U.S. Treasury to label China a currency “manipulator” pursuant to the 1988 Trade Act, which requires the Treasury to single out countries that are using exchange rates to gain unfair advantage in international trade. That was the last time Treasury used the manipulator label against China despite veiled threats to do so ever since. A series of mild revaluations followed in response so that, by 1997, the yuan was pegged at 8.28 to the dollar, where it remained practically unchanged until 2004.
In the late 1980s, China suffered a significant bout of inflation, which prompted popular discontent and a conservative backlash led by old-guard communists against the economic reform and opening programs of Deng. Separately, a liberal protest movement, led by students and intellectuals seeking democratic reform, also contributed to political upheaval. These conservative and liberal movements collided violently and tragically in the Tiananmen Square massacre of June 4, 1989, when People’s Liberation Army troops, acting on orders from the Communist Party leadership, used live fire and tanks to clear human rights and prodemocracy protestors from the square in the center of Beijing adjacent to the old imperial Forbidden City. Hundreds were killed. There was a slowdown of the Chinese economy after 1989, partly as a result of efforts to curb inflation and partly as a foreign reaction to the Tiananmen Square massacre. This pause proved temporary, however.
In the 1990s, China finally broke the “iron rice bowl,” the welfare policy that had previouslyguaranteed the Chinese people food and some social services at the cost of slow growth and inefficiency. Something resembling a market economy began to appear, which meant that Chinese workers had the opportunity to do better for themselves but had no guaranteed support if they failed. The key to this new social contract was the steady creation of millions of jobs for the new job seekers. With memories of Tiananmen fresh in their minds and the historical memory of over a century of chaos, the leadership knew the survival of the Communist Party and the continuation of political stability depended on job creation; everything else in Chinese policy would be subordinate to that goal. The surest way to rapid, massive job creation was to become an export powerhouse. The currency peg was the means to this end. For the Communist Party of China, the dollar-yuan peg was an economic bulwark against another Tiananmen Square.
By 1992, reactionary elements in China opposed to reform again began to push for a dismantling of Deng’s special economic zones and other programs. In response, a visibly ailing and officially retired Deng Xiaoping made his famous New Year’s Southern Tour, a personal visit to major industrial cities, including Shanghai, which generated support for continued economic development and which politically disarmed the reactionaries. The 1992 Southern Tour marked a second-stage takeoff in Chinese economic growth, with real GDP more than doubling from 1992 to 2000. However, the effect of this spectacular growth in the 1990s on U.S.-China economic relations was muted by the continuing U.S response to the Tiananmen Square massacre, which included economic sanctions and a general cooling of direct foreign investment by U.S. firms in China. A series of blunders and miscalculations, including the firing of a NATO cruise missile at the Chinese embassy in Belgrade in 1999, served to increase tensions. Economic relations were kept in an adversarial state by the April 2001 collision of a Chinese jet fighter with a U.S. reconnaissance plane, killing the Chinese pilot and causing the emergency landing of the U.S. plane on Chinese territory and temporary imprisonment of the crew.
Ironically, it was the al-Qaeda attacks on September 11, 2001, and China’s resulting firm support for the U.S.-led global war on terror that finally broke the ice and helped U.S.-China relations get back on track. Despite almost twenty-five years of significant economic progress by China, beginning in 1976, it was only in 2002 that U.S.-China bilateral trade and investment codependence kicked into high gear.
That year, 2002, also marked the beginning of Fed chairman Alan Greenspan’s experiment with sustained ultralow interest rates. Greenspan had started to cut rates in the summer of 2000 following the tech bubble collapse. The resulting decline of over 4.75 percent in the fed funds rate from July 2000 to July 2002 could be viewed as a normal cyclical easing designed to help the economy out of a rut. What happened next was an extraordinary period of over two additional years during which the effective fed funds rate never rose above 1.8 percent and dropped below 1.0 percent in December 2003. As late as October 2004, the effective fed funds rate was 1.76 percent, almost exactly where it had been in July 2002.
This low rate policy was justified initially as a response to the challenges of the 2000 tech bubble collapse, the 2001 recession, the 9/11 attacks and Greenspan’s fears of deflation. Yet it was primarily fear of deflation that caused Greenspan to keep rates low for far longer than would ordinarily be justified by a mild recession. China was now exporting its deflation to the world, partly through a steady supply of cheap labor. Greenspan’s low rate policy, partly intended to offset the effects of Chinese deflation in the United States, sowed the seeds of the full-scale currency war that emerged later in the decade.
Greenspan’s low rates were not only a policy response to potential deflation; they were also a kind of intravenous drug to Wall Street. The Federal Open Market Committee, the body that sets the fed funds target rate, was now acting like a meth lab for hyperactive deal junkies on the Street. Lower rates meant that all types of dubious or risky deals could begin to look attractive, because marginalborrowers would ostensibly be able to afford the financing costs. Low rates also set off a search for yield by institutional investors who needed higher returns than were being offered in risk-free government securities or highly rated bonds. The subprime residential loan market and the commercial real estate market both exploded in terms of loan originations, deal flow, securitizations and underlying asset prices due to Greenspan’s low rate policies. The great real estate bubble of 2002 to 2007 was under way.
In September 2002, just as the low rate policy was taking off, Greenspan gained an ally, Ben Bernanke, appointed as a new member of the Fed Board of Governors. Bernanke’s deeply rooted fear of deflation was even greater than Greenspan’s. Bernanke would quickly establish his deflationfighting credentials with a speech to the National Economists Club in Washington, D.C., just two months after being sworn in as a Fed governor. The speech, entitled “Deflation: Making Sure ‘It’ Doesn’t Happen Here,” was widely noted at the time for its reference to Milton Friedman’s idea of dropping freshly printed money from helicopters to prevent deflation if necessary, and earned Bernanke the sobriquet “Helicopter Ben.”
Bernanke’s 2002 speech was the blueprint for the 2008 bailouts and the 2009 policy of quantitative easing. Bernanke spoke plainly about how the Fed could print money to monetize government deficits, whether they arose from tax cuts or spending increases, saying:
A broad-based tax cut... accommodated by a program of open market purchases... would almost certainly be an effective stimulant to consumption... A money-financed tax cut is essentially equivalent to Milton Friedman’s famous “helicopter drop” of money...
Of course... the government could... even acquire existing real or financial assets. If... the Fed then purchased an equal amount of Treasury debt with newly created money, the whole operation would be the economic equivalent of direct open market operations in private assets.
Bernanke was explaining how the Treasury could issue debt to buy private stock and the Fed could finance that debt by printing money. This is essentially what happened when the Treasury took over AIG, GM and Citibank and bailed out Goldman Sachs, among others. It had all been spelled out by Bernanke years earlier.
With Bernanke on the board, Greenspan had the perfect soul mate, and in time the perfect successor, in his antideflationary crusade. The Greenspan-Bernanke fear of deflation is the one constant of the entire 2002–2011 period. In their view, deflation was the enemy and China, because of low wages and its low production costs—from ignoring safety and pollution—was an important source.
Despite its economic miracle, China ran trade deficits with the world as late as 2004. This is not unusual in the early stages of a developing economy, when efforts at export success must be tempered by the need to import infrastructure components, industrial equipment, raw materials and technology with which to launch exports. China did run a bilateral trade surplus with the United States; however, this was not initially cause for concern. In 1997 the U.S. trade deficit with China was less than $50 billion. Then the deficit grew steadily, and in the space of three years, from 2003 to 2006, it exploded from $124 billion to $234 billion. This period, beginning in 2003, marks the intensification of concern about the U.S.-China bilateral trade relationship and the role of the dollar-yuan exchange rate in that relationship. In 2006, Senator Charles E. Schumer of New York called the U.S. trade deficit “a slow bleeding at the wrists for the U.S. economy” and pointed to China as a leading contributor.
China’s internal deflation is exported to the United States through the currency exchange rate and ends up threatening deflation in the United States. This begins with the Chinese policy decision to peg the exchange rate between the yuan and the dollar. The yuan does not trade freely on internationalcurrency markets in the same way that dollars, euros, sterling, yen and other convertible currencies do. The use of the yuan and its availability to settle transactions are tightly controlled by the People’s Bank of China, or PBOC, the country’s central bank.
When a Chinese exporter ships goods abroad and earns dollars or euros, it must hand over those currencies to the People’s Bank of China in exchange for yuan at a rate fixed by the bank. When an exporter needs some dollars or euros to buy foreign materials or other imports, it can get them, but the PBOC makes only enough dollars or euros available to pay for the imports and no more; the rest is kept by the bank.
The process of absorbing all the surplus dollars entering the Chinese economy, especially after 2002, produced a number of unintended consequences. The first problem was that the PBOC did not just take the surplus dollars, but rather purchased them with newly printed yuan. This meant that as the Fed printed dollars and those dollars ended up in China to purchase goods, the PBOC had to print yuan to soak up the surplus. In effect, China had outsourced its monetary policy to the Fed, and as the Fed printed more, the PBOC also printed more in order to maintain the pegged exchange rate.
The second problem was what to do with the newly acquired dollars. The PBOC needed to invest its reserves somewhere, and it needed to earn a reasonable rate of return. Central banks are traditionally ultraconservative in their investment policies, and the PBOC is no exception, preferring highly liquid government securities issued by the United States Treasury. As a result, the Chinese acquired massive quantities of U.S. Treasury obligations as their trade surplus with the United States persisted and grew. By early 2011, Reuters estimated that total Chinese foreign reserves in all currencies were approximately $2.85 trillion, with about $950 billion of that invested in U.S. government obligations of one kind or another. The United States and China were locked in a trillion-dollar financial embrace, essentially a monetary powder keg that could be detonated by either side if the currency wars spiraled out of control.
The United States desperately urged China to increase the value of the yuan in order to reduce the growing U.S. trade deficits with China and slow the massive accumulation of dollar-denominated assets by the PBOC. These pleas met with very limited success. From 2004 through mid-2005 the yuan remained pegged at about 8.28 yuan to one dollar, about where it had been since 1997. Suddenly, over the course of two days in late July 2005, the yuan increased in value from 8.28 to 8.11 to the dollar, an increase of almost 3 percent. From that sudden upward revaluation, the yuan began a long, gradual revaluation over the next three years, eventually reaching the level of about 6.82 to one dollar in mid-July 2008.
Then the PBOC again slammed on the brakes and held the yuan steady around the 6.83 level for the next two years. In June 2010, a second round of revaluation commenced, which by August 2011 brought the yuan slowly but steadily above 6.40 yuan to the dollar. This rise in the dollar value of the yuan was hardly smooth and was never without acrimony. The rhetorical and political battles between China and the United States from 2004 to 2011 on the subject of exchange rates dominated U.S.-Chinese economic relations despite a host of other important bilateral issues, including Iran and North Korea.
It is intriguing to think about how imbalances such as the U.S. bilateral trade deficit with China and China’s massive accumulation of U.S. government debt would have evolved under the Bretton Woods system. China’s accumulation of U.S. debt would have begun the same way and there would always have been a desire to hold some amount of U.S. Treasury securities for diversification and liquiditymanagement reasons. But at some point, China would have asked to cash in some of its Treasury securities for U.S. gold held in reserves, as was allowed under Bretton Woods. A relatively small redemption, say, $100 billion of Treasury notes, done in early 2008 when gold was about $1,000 per ounce, would have equaled 100 million ounces of gold, or about 2,840 metric tons. This amounts to 35percent of the entire official gold supply of the United States. Indeed, a full redemption of all U.S. government securities by China would have wiped out the U.S. gold supply completely and left the United States with no gold and China the proud owner of over 9,000 metric tons. One can imagine Chinese naval vessels arriving in New York Harbor and a heavily armed U.S. Army convoy moving south down the Palisades Interstate Parkway from West Point to meet the vessels and load the gold on board for shipment to newly constructed vaults in Shanghai. No doubt such a scene would have been shocking to the American people, yet that imagined shock proves a larger point. America has, in fact, run trade deficits large enough to wipe out its gold hoard under the old rules of the game. Still, the idea of the gold standard was not to deplete nations of gold, but rather to force them to get their financial house in order long before the gold disappeared. In the absence of a gold standard and the real-time adjustments it causes, the American people seem unaware of how badly U.S. finances haveactually deteriorated.
While this example may seem extreme, it is exactly how most of the world monetary system worked until forty years ago. In 1950, the United States had official gold reserves of over 20,000 metric tons. Due to persistent large trade deficits, at the time with Europe and Japan rather than China, U.S. gold reserves had dropped to just over 9,000 metric tons when Nixon closed the gold window in 1971. That drop of 11,000 metric tons in the twenty-one years from 1950 to 1971 went mostly to a small number of export powerhouses. Over the same period, German gold reserves rose from zero to over 3,600 metric tons. Italy’s gold hoard went from 227 metric tons to over 2,500 metric tons. France went from 588 metric tons to over 3,100 metric tons. The Netherlands, another rising gold power, went from 280 metric tons to almost 1,700 metric tons. Not all of these expanding gold reserves came from the United States. Another gold power, the United Kingdom, saw its gold reserves drop from over 2,500 metric tons in 1950 to only 690 metric tons by 1971. But in general, U.S. gold was moving from the United States to its trading partners as part of the automatic rebalancing contemplated by the Bretton Woods system.
China’s rise to export powerhouse status did not take place in this golden age of the 1950s and 1960s. It took place largely in the early twenty-first century, when claims were settled in paper IOUs or their electronic equivalents. This meant that China did not receive any official gold for its export success. It also meant that there was no effective check on the ability of the United States to print money, borrow and keep spending beyond its means. This borrowing and spending binge was encouraged by the ultralow interest rate policies of Greenspan and Bernanke. Absent a gold standard or some other monetary constraint to apply the brakes, China and the United States hurtled toward CWIII with no compass and no map for navigating paper claims of an unprecedented magnitude.
The principal accusation leveled by the United States against China, discussed repeatedly in the press but never formally alleged by the White House since 1994, is that China manipulates its currency in order to keep Chinese exports cheap for foreign buyers. But China’s export machine is not an end in itself—it is a means to an end. The real end of Chinese policy is one familiar to politicians everywhere - jobs. China’s coastal factories, assembly plants and transportation hubs are at the receiving end of a river of humanity that flows from China’s central and southern rural provinces, carrying tens of millions of mostly younger workers in search of steady work at wages only one-tenth of what a comparable job would pay in the U.S.
These newly arrived workers live in crowded dormitories, work seventy-hour weeks, take public transportation, eat noodles and rice and have few if any amenities or leisure pursuits. The little they manage to save is remitted back to the village or farm they came from to support aging parents or other relatives with no social safety net. Yet from the perspective of the rural Chinese, this life is the Chinese Dream, a twenty-first-century counterpart to the more expansive twentieth-century American Dream of a home, car and good schools that came along with a steady job in midcentury America. Ofcourse, those rural immigrants to the cities just need to look around to see the Mercedes, Cadillacs and high-rise luxury apartments of China’s new rich to know there is something beyond the dormitory and the city bus.
No one knows better than the Chinese Communist Party leadership what would happen if those jobs were not available. The study of Chinese history is the study of periodic collapse. In particular, the 140-year period from 1839 to 1979 was one of almost constant turmoil. It began with the Opium Wars (1839–1860) and continued through the Taiping Rebellion (1850–1864), the Boxer Rebellion (1899– 1901), the fall of the Qing Dynasty in 1912, the warlord and gangster period of the 1920s, civil war between nationalists and communists in the early 1930s, Japanese invasion and World War II (1931– 1945), the communist takeover in 1949, the Great Leap Forward (1958–1961), the Cultural Revolution (1966–1976), and finally the death of Mao and the downfall of the Gang of Four in 1976. These events were not just noteworthy points in a chronological history but involved continuing episodes of external war, civil war, widespread famine, mass rape, terror, mass refugee migrations, corruption, assassination, confiscation, political executions and the absence of any effective political center or rule of law. By the late 1970s, Chinese culture and civilization were politically, morally and physically exhausted, and the people, along with the Communist Party, wanted nothing more than stability and economic growth. Liberal democracy and civil rights could wait.
This is why the Tiananmen Square demonstrations in 1989 were as troubling to the Chinese leaders as their violent suppression was shocking to the West. From their perspective, Tiananmen seemed to put China on the edge of chaos again after just ten years of growth and stability. The Chinese Communist Party leadership understood that the nineteenth-century Taiping Rebellion had begun with a single disappointed student and soon embroiled the southern half of the empire in a civil war resulting in twenty million deaths. Chinese history is proof that a social network does not require the Internet but spreads just as powerfully by word of mouth and by what the Chinese call dazibao, or bigcharacter posters. The Chinese leaders also understood that the Tiananmen protests were fueled not just by prodemocracy sentiments but by student and worker resentment at higher food prices and slower job growth as China’s policy makers hastened to tamp down the economy to fight the inflation that had begun to take off in the late 1980s.
Of course, the United States also cared about job creation. The 2001 recession had been mild in statistical terms with regard to GDP and industrial output, but the number of unemployed in America spiked up sharply, from 5.6 million people at the end of 2000 to over 8.2 million at the end of 2001. Despite a technical recovery in 2002, the number of unemployed continued to grow and reached over 8.6 million people at the end of 2002. From there, it declined very slowly so that there were still over 7.2 million unemployed at the end of 2005. When the recession of 2007 began, America was still working off this high base of unemployed, and the total number skyrocketed to over 15.6 million unemployed by October 2009. Including those employed part-time but seeking longer hours and those not officially unemployed but desiring a job, the total number of unemployed and underemployed Americans at the end of 2009 stood at over 25 million men and women. Every one of those 25 million Americans has a face, a name and a family. In our statistical age, economists prefer to present this phenomenon in percentage terms, such as 6.0 percent unemployment for year-end 2002 and 9.9 percent for 2009, but reciting the actual numbers of affected persons—more than 25 million—helps to bring home the depths of the employment problem. America desperately needed to create jobs.
For a while, this human tragedy was masked by the easy money policies of Greenspan and Bernanke and the resulting euphoria of credit card spending, rising home prices, rising stock prices and large nodown-payment mortgages for all comers. Although there were some complaints about Chinese currency manipulation and lost American jobs in 2004 and 2005, these complaints were muted by the highly visible but ultimately nonsustainable prosperity of those years resulting from the easy money.When the music stopped abruptly in 2007 and the United States careened into the Panic of 2008, there was no longer a place for Chinese policy makers to hide.
Now U.S. politicians, led most noisily by Senator Charles Schumer, publicly attacked the pegging of the yuan-dollar exchange rate and blamed the Chinese for lost jobs in the U.S. A bipartisan group of U.S. senators, including Schumer, wrote a letter to the Bush White House in 2008, stating, “The unfair price advantage that the undervalued [Chinese currency] gives Chinese firms has forced many American companies to declare bankruptcy or even go out of business, harming our workers, families and middle class.” Senator Schumer and his ilk were undaunted by the fact that there is scant evidence to support this linkage between jobs and exchange rates. It seems unlikely that the typical North Carolina furniture maker would be willing to work for the $118 per month made by his Chinese counterpart. Even if the yuan doubled in value, the Chinese furniture maker would earn only the equivalent of $236 per month—still not high enough to make his U.S. counterpart competitive. None of this mattered to the dollar demagogues. In their view, the Chinese currency was clearly to blame and now the Chinese must respond to their demands for revaluation.
The administration of President George W. Bush was well aware of this chorus of complaints but was also attuned to the importance of close relations with China on a number of other issues. China was the largest purchaser of Iranian oil exports and was therefore in a position to influence Iran in its confrontation with the U.S. over nuclear weapons development. China was an indispensible economic lifeline to the hermetically sealed regime of North Korea, with which it shared a common border, and so was also in a position to help the United States achieve its strategic goals on the Korean peninsula. Large U.S. corporations eyed the Chinese market enviously and were looking for direct market access through expansion, acquisitions or joint ventures with Chinese partners, all of which required Chinese government approvals. China had suffered a loss of face in 2005 when the China National Offshore Oil Corporation withdrew its takeover bid for U.S.-based Unocal Oil after the U.S. House of Representatives voted 398–15 to call on President Bush to review the bid on national security grounds. Such rejections could easily result in tit-for-tat denial of U.S. acquisitions in China. In short, America had as much to lose as to gain from any confrontation with China, and a continuing high-level expert dialogue seemed like a more fruitful approach.
President Bush addressed the need to keep U.S.-Chinese currency tensions under control by launching the China-U.S. Strategic Economic Dialogue in 2006. These meetings were continued by the Obama administration in expanded form and renamed the Strategic and Economic Dialogue (S&ED) to reflect the inclusion of the U.S. secretary of state and a Chinese state councilor with responsibility for foreign policy. The inclusion of foreign policy officials along with economic officials was a clear recognition of the interconnectedness of the geopolitical and financial aspects of national policy in the twenty-first century.
The Strategic and Economic Dialogue was one of several bilateral and multilateral forums designed in part to deal with the advent of a new currency war. It has helped to avoid an escalation in tensions over the currency manipulation charges, but has done nothing to make the issue go away. A series of bilateral summits between President Hu of China and President Obama of the United States were also convened, but neither the S&ED nor the bilateral summits have produced major progress.
The United States has now chosen the G20 as the main arena to push China in the direction of revaluation, both because of the possibility of attracting allies to join the effort and because the Chinese are more deferential to global opinion than to U.S. opinion alone. Recent significant progress on yuan revaluation has tended to occur not in conjunction with S&ED meetings but rather in advance of G20 meetings. For example, a small but still noteworthy revaluation of the yuan from 6.83 on June 15, 2010, to 6.79 on June 25, 2010, occurred immediately in advance of the G20 leaders’ summit in Toronto. Another rally in the yuan from 6.69 on November 1, 2010, to 6.62 on November 11, 2010,coincided with the G20 leaders’ summit in Seoul. This demonstrates that the Chinese are attentive to the G20 in ways that they may not be when it comes to other forums.
By the spring of 2011 the U.S.-China Pacific theater in the currency war was quiet. However, the core issues were still unresolved. Employment stress in both China and the United States meant that tensions could erupt at any time. A leadership change in China in 2012 and a presidential election in the United States the same year raised the specter of domestic political forces being a catalyst for further international confrontation.
The Atlantic Theater
The Atlantic theater, the relationship between the dollar and the euro, is better understood as one of codependence rather than confrontation. This is because of the much larger scale and degree of interconnectedness between U.S. and European capital markets and banking systems compared to any other pair of financial relationships in the world. This interdependence was never on more vivid display than in the immediate aftermath of the bankruptcy of the Lehman Brothers investment bank in September 2008. Although the bankruptcy was filed in U.S. federal courts after a failed bailout attempt led by the U.S. Treasury, some of the largest financial victims and worst-affected parties were European hedge funds that had done over-the-counter swaps business or maintained clearing accounts at Lehman’s London affiliates. This transatlantic fiasco, heavily reported at the time, was amplified in December 2010 when the Fed, in response to disclosures required by the new Dodd-Frank Act, released extensive details of its emergency lending and bailout operations to Europe during the Panic of 2008.
The euro-dollar exchange rate in early 2011 was almost exactly where it was in 2007. The euro was worth $1.30 in early January 2007 and traded right around $1.30 four years later, but this equivalence should not be mistaken for stability. In fact the euro-dollar relationship has been highly volatile, with the euro trading as high as $1.59 in July 2008 and as low as $1.10 in June 2010.
The euro and dollar are best understood as two passengers on the same ship. At any given time, one passenger may be on a higher deck and the other on a lower one. They can change places at will and move higher or lower relative to each other, but at the end of the day they are on the same vessel moving at the same speed heading for the same destination. The day-to-day fluctuations reflect technical factors, short-term supply and demand requirements, fears of default or disintegration of the euro followed quickly by relief at the latest rescue or bailout package. Through it all, the euro-dollar pair travel on, never separated by more than the dimensions of the vessel on which they both sail.
The United States nevertheless has its hands full on the currency war’s Atlantic front, not in trying to strengthen the euro excessively but rather in making sure it does not fall apart altogether. The euro itself is a kind of miracle of modern monetary creation, having been invented by the members of the European Union after thirty years of discussion and ten years of intensive technical study and planning. It was the capstone of a European project begun after World War II and intended to preserve the peace.
Beginning at the end of the Renaissance in the mid-sixteenth century, Europe had been racked for over four hundred years by the battles waged during the Reformation, the Counter-Reformation, the Thirty Years’ War, the English Revolution, the wars of Louis XIV, the Seven Years’ War, the French Revolution, the Napoleonic Wars, the Franco-Prussian War, World War I, World War II, the Holocaust, the dropping of the Iron Curtain and the nuclear terror of the Cold War. By the late twentieth century, Europe was highly cynical about nationalist claims and the potential for military advantage. The old ethnic, national and religious divides were still there. What was needed was a unifying force—something that would tie economies so closely together that war would be unthinkable, if not impossible.
Starting with the six-nation Coal and Steel Community in 1951, Europe progressed through various forms of free trade areas, common markets and monetary systems. The Maastricht Treaty of 1992, named after the city in the Netherlands where it was negotiated and signed, provided for the formation of a political entity, the European Union, and ultimately led to the creation of the euro in 1999. The euro was to be issued by the new European Central Bank. By 2011, the euro was used by seventeen member states.
Yet from the start, analysts warned that a single currency backed by a single central bank was incompatible with the diverse fiscal policies of the member countries adopting the euro. Countries that had historically been profligate and had defaulted on debt or devalued their currencies, such as Greece or Spain, would be awkward partners in a union that included fiscally prudent countries like Germany.
It took ten years for all the flaws in this grand scheme to be fully revealed, although they were there from the start. A toxic combination of venal government ministers, Wall Street hit-and-run derivatives scam artists and willfully blind European Union officials in Brussels allowed countries such as Greece to run deficits and borrow at levels far in excess of Maastricht Treaty limits while burying the true costs in out years and off-balance-sheet contracts. Meanwhile investors happily snapped up billions of euros in sovereign debt from the likes of Greece, Portugal, Spain, Ireland and other eurozone member states at interest rates only slightly higher than solid credits such as Germany. This was done on the basis of high ratings from incompetent ratings agencies, misleading financial statements from government ministries and wishful thinking by investors that a euro sovereign would never default.
The path to the 2010 European sovereign debt crisis was partly the fruit of a new entente among banks, borrowers and bureaucrats. The banks would buy the European sovereign bonds and book the related profits secure in the belief that no sovereign would be allowed to fail. The sovereigns happily issued the bonds in order to finance nonsustainable spending that largely benefitted public unions. The interests of the bureaucrats in Brussels were perhaps most insidious of all. If the European sovereign debt crisis resolved itself, everyone would praise the success of the euro project. If some European sovereign debt failed, the bureaucrats’ solution would be more, not less, integration and more, not less, oversight from Brussels. By turning a blind eye to the recklessness, Brussels had constructed a no-lose situation. If the euro succeeded they won praise and if the euro came under stress they won power. The stress came soon enough.
The European banks gorged not only on euro sovereign debt but also on debt issued by Fannie Mae and the full alphabet soup of fraudulent Wall Street structured products such as collateralized debt obligations, or CDOs. These debts were originated by inexperienced local bankers around the United States and repackaged in the billions of dollars by the likes of Lehman Brothers before they went bust. The European banks were the true weak links in the global financial system, weaker even than Citigroup, Goldman Sachs and the other bailed-out icons of American finance.
By 2010, European sovereign finance was a complex web composed of cross-holdings of debt. Of the $236 billion of Greek debt, $15 billion was owed to UK entities, $75 billion was owed to French entities and $45 billion was owed to German entities. Of the $867 billion of Irish debt, $60 billion was owed to French entities, $188 billion was owed to UK entities and $184 billion was owed to German entities. Of the $1.1 trillion of Spanish debt, $114 billion was owed to UK entities, $220 billion was owed to French entities and $238 billion was owed to German entities. The same pattern prevailed in Italy, Portugal and the other heavily indebted members of the euro system. The mother of all interEuropean debts was the $511 billion that Italy owed to France.
While this sovereign debt was owed to a variety of institutions, including pension funds and endowments, the vast majority was owed to other countries’ banks. This was the reason for the Fed’s secret bailout of Europe in 2008 and why the Fed fought so hard to keep the details confidential until some of it was forced into the open by the Dodd-Frank legislation of 2010. This was the reason Fannie Mae and Freddie Mac bondholders never took any losses when those companies were bailed out by the U.S. taxpayers in 2008. This was why the leading states, Germany and France, rallied quickly to prop up sovereign borrowers in the periphery such as Greece, Ireland and Portugal when the euro sovereigncrisis reached a critical stage in 2010. The impetus behind all three bailouts was that the European banking system was insolvent. Subsidizing Greek pensioners and Irish banks was a small price to pay to avoid watching the whole rotten edifice collapse.
However, in the European sovereign debt crisis, Europe was not alone. Both the United States and China supported the European bailouts for different but ultimately self-interested reasons. Europe is a massive export market for the United States. A strong euro keeps up the European appetite for U.S. machines, aircraft, pharmaceuticals, software, agricultural produce, education and the variety of goods and services the United States has to offer. A collapse of the euro would mean a collapse in trade between the two giants of global output. A collapse of a European sovereign could take down the European banks and the euro with it, as investors instantaneously developed a revulsion for all debt denominated in euros and fled from European banks. The consequences of a European sovereign debt default for U.S. exporters to Europe would be too great; here was an entire continent that was too big too fail. The U.S. bailouts, swap lines and support for issuers like Fannie Mae were all part of a multifaceted, multiyear effort to prop up the value of the euro.
China also had an interest in propping up the euro, but its efforts came with a political agenda. Europe is a huge export market for China as well as the United States, and to that extent China’s interests are the same as the United States. But China’s banks are not nearly as entwined with Europe’s as are America’s, which gives China more degrees of freedom in terms of deciding how and when to help. The European sovereign debt crisis offered China the chance to diversify its reserves and investment portfolios away from dollars and toward euros, to acquire leading-edge technology systems that had been denied it by the United States and to develop platforms from which it could engage in large-scale technology transfer back to China.
Germany welcomed the U.S. and Chinese support for the euro. As an export powerhouse, Germany might have been expected to favor a weak euro for the same reason that the United States favors a weak dollar and China favors a weak yuan: to gain an edge in the currency wars with a cheap currency that promotes exports. Germany, however, was not only an external exporter; it was an internal exporter within the European Union. For those eurozone exports, there was no currency consideration since both the exporter and the importer, for instance Germany and Spain, used the euro. If the euro were to collapse or members broke away from the euro and reverted to their old currencies at devalued levels, those markets might be lost.
Conventional wisdom had it that Germany anguished over support for Greece and Ireland and the other weak links in the euro chain. In fact, Germany had no attractive alternatives. The costs of a euro collapse far outweighed the costs of regional bailouts. Germany actually benefitted from the European sovereign debt crisis. The continued existence of the euro gave Germany a dominant position inside Europe while a somewhat weaker euro internationally enabled it to gain market share in the rest of the world. The sweet spot for Germany was a euro that was weak enough to help exports to the United States and China but not so weak as to collapse. Germany was successful in finding that sweet spot during 2010 despite the sturm und drang surrounding the euro itself.
With the self-interests of the United States, China and Germany all pointing in the same direction, there would be no doubt for now about the survival of the euro. That the banks were flush with rotten assets, that the periphery nations were running nonsustainable fiscal policies and that the people of Greece, Ireland, Portugal and Spain were facing austerity in order to keep the assembly lines moving in Seattle and Shanghai were all matters that could wait for another day. For now, the center held.
The Eurasian Theater
If the relationship between the euro and the dollar can be described as codependent, the relationship between the euro and the yuan is simply dependent. China is fast emerging as a potential savior of certain peripheral European economies such as Greece, Portugal and Spain based on Chinese willingness to buy some of their sovereign bonds in the midst of the European sovereign debt crisis. However, Chinese intentions toward Europe and the euro are based on self-interest and cold calculation.
China has a vital interest in a strong euro. The European Union surpasses the United States as China’s largest trading partner. If European turmoil were to result in countries such as Greece or Ireland leaving the euro, those countries would return to their former currencies at greatly devalued rates relative to the yuan. This would badly hurt China’s exports to parts of Europe. China’s interest in supporting the euro is as great or greater than its interest in maintaining the yuan peg against the dollar.
China’s motives in Europe include diversifying its reserve position to include more euros, winning respect or friendship among the European countries that it assists directly with bond purchases, and gaining a quid pro quo in connection with such purchases. This quid pro quo can take many forms, including direct foreign investment in sensitive infrastructure such as ports and power generation, access to sensitive European technology and the ability to purchase advanced weapons systems normally reserved for NATO allies and friends such as Israel. China’s interests in supporting the euro are not at all adverse to those of Germany, even though Germany and China compete fiercely for export business around the world.
By buying sovereign bonds from peripheral European states, China helps Germany to bear the costs of the European bailouts. By helping to prop up the euro, China helps Germany avoid the losses it would suffer if the euro collapsed, including catastrophic damage to German banks. It is a no-lose situation for China and one that secures its Eurasian flank while it fights the United States head-on. China’s main front in the currency wars is the United States, and it has so far avoided a conflagration on the Eurasian front. This is due both to European weakness and Chinese finesse.
The United States likewise supports the euro, and for the same reasons as China: a catastrophic collapse of the euro would weaken its value relative to the dollar and hurt U.S. exports that compete with European exports in markets of the Middle East, Latin America and South Asia. China and the United States not only want the euro to survive; they also want to see it gain strength relative to the dollar and yuan in order to help their own exports. Europe, China and the United States are united in their efforts to avoid a euro collapse despite their mixed motives and adversarial postures in other arenas.
This much unity of purpose probably means that the euro will muddle through the current crisis and remain intact for the foreseeable future, despite potential bond restructurings and austerity plans. Whether this balancing act can be continued and whether China’s charm offensive in Europe will be maintained remains to be seen. If the euro actually does collapse, China could suffer massive losses on its bond positions, a revaluation of the yuan and lost exports all at the same time. China may yet come into confrontation with Europe on a number of issues, but for now it is all quiet on China’s western front.
Global Skirmishes
Apart from the big three theaters in the currency war—the Pacific (dollar-yuan), the Atlantic (eurodollar) and the Eurasian (euro-yuan) —there are numerous other fronts, sideshows and skirmishes going on around the world. The most prominent of these peripheral actions in the currency war is Brazil.
As late as 1994, Brazil maintained a peg of its currency, the real, to the U.S. dollar. However, the global contagion resulting from the Mexican “Tequila Crisis” of December 1994 put pressure on the real and forced Brazil to defend its currency. The result was the Real Plan, by which Brazil engaged in a series of managed devaluations of the real against the dollar. The real was devalued about 30% from 1995 to 1997.
After this success in managing the dollar value of the real to a more sustainable level, Brazil once again became the victim of contagion. This time the crisis did not arise in Latin America but from East Asia. This new financial crisis broke out in 1997 and spread around the world from Thailand to Indonesia, South Korea, and Russia and finally came to rest in Brazil, where the IMF arranged a monetary firewall with emergency funding as the Fed frantically cut U.S. interest rates to provide needed global liquidity. In the aftermath of that financial storm, and under IMF prompting, Brazil moved to a free-floating currency and a more open capital account, but it still experienced periodic balance-of-payments crises and required IMF assistance again in 2002.
Brazil’s fortunes took a decided turn for the better with the 2002 election to the presidency of Luiz Inácio Lula da Silva, known as Lula. Under his leadership from 2003 through 2010, Brazil underwent a vast expansion of its natural resource export capacity along with significant advances in its technology and manufacturing base. Its Embraer aircraft became world-class and catapulted Brazil to the position of the world’s third largest aircraft producer. Its huge internal market also became a magnet for global capital flows seeking higher returns, especially after the collapse of yields in U.S. and European markets following the Panic of 2008.
Over the course of 2009 and 2010, the real rallied from fewer than 2.4 reais to the dollar to 1.69 reais to the dollar. This 40 percent upward revaluation of the real against the dollar in just two years was enormously painful to the Brazilian export sector. Brazil’s bilateral trade with the United States went from an approximately $15 billion surplus to a $6 billion deficit over the same two-year period. This collapse in the trade surplus with the United States was what prompted Brazilian finance minister Guido Mantega to declare in late September 2010 that a global currency war had begun.
Because of the yuan-dollar peg maintained by China, a 40 percent revaluation of the real against the dollar also meant a 40 percent revaluation against the yuan. Brazil’s exports suffered not only at the high end against U.S. technology but also at the low end against Chinese assembly and textiles. Brazil fought back with currency intervention by its central bank, increases in reserve requirements on any local banks taking short positions in dollars, and other forms of capital controls.
In late 2010, Lula’s successor as president, Dilma Rousseff, vowed to press the G20 and the IMF for rules that would identify currency manipulators—presumably both China and the United States—in order to relieve the upward pressure on the real. Brazil’s efforts to restrain the appreciation of the real met with some short-term success in late 2010 but immediately gave rise to another problem— inflation. Brazil was now importing inflation from the United States as it tried to hold the real steady against the dollar in the face of massive money printing by the Fed.
Brazil was now experiencing the same dilemma as China, having to choose between inflation and revaluation. When the United States is printing dollars and another country is trying to peg itscurrency to the dollar, that country ends up printing local currency to maintain the peg, which causes local inflation. As a consequence, investors chasing high returns around the world, the so-called hot money, poured into Brazil from the United States. The situation had deteriorated to the point that a Nomura Global Economics research report in early 2011 declared Brazil the biggest loser in the currency wars. This was true up to a point, based on the appreciation of the real. By April 2011, Brazil was “waving the white flag in the currency war,” in the words of a Wall Street Journal analysis. Brazil appeared resigned to a higher value for the real after currency controls, taxes on foreign investments and other measures had failed to stop its appreciation.
Lacking the reserves and surpluses of the Chinese, Brazil was unable to maintain a peg against the dollar by simply buying all the dollars that arrived on its doorstep. Brazil was stuck between the rock of currency appreciation and the hard place of inflation. As was the case with the United States and the Europeans, albeit for different reasons, Brazil increasingly looked to the G20 for help in the currency wars.
Brazil is an important case because of its geographic, demographic and economic scale, but it is by no means the only country caught in the cross fire of a currency war among the dollar, euro and yuan. Other countries implementing or considering capital controls to stem inflows of hot money, especially dollars, include India, Indonesia, South Korea, Malaysia, Singapore, South Africa, Taiwan and Thailand. In every case, the fear is that their currencies will become overvalued and their exports will suffer as the result of the Fed’s easy money policies and the resulting flood of dollars sloshing around the world in search of high yields and more rapid growth.
These capital controls took various forms depending on the preferences of the central banks and finance ministries imposing them. In 2010, Indonesia and Taiwan curtailed the issuance of short-term investment paper, which forced hot money investors to invest for longer periods of time. South Korea and Thailand imposed withholding taxes on interest paid on government debt to foreign investors as a way to discourage such investment and to reduce upward pressure on their currencies. The case of Thailand was ironic because Thailand was the country where the 1997–1998 financial panic began. In that panic, investors were trying to get their money out of Thailand and the country was trying to prop up its currency. In 2011 investors were trying to get their money into Thailand and the country was trying to hold down its currency. There could be no clearer example of the shift in financial power between emerging markets such as Thailand and developed markets such as the United States over the past ten years.
None of these peripheral, mostly Asian, countries trying to hold down the value of their currencies is the issuer of a widely accepted reserve currency, and none has the sheer economic scale of the United States, China or the eurozone when it comes to the ability to fight a currency war by direct market intervention. These countries too would need a multilateral forum within which to resolve the stresses caused by Currency War III. While the IMF has traditionally provided such a forum, increasingly all of the large trading economies, whether G20 members or not, are looking to the G20 for guidance or new rules of the game to keep the currency wars from escalating and causing irreparable harm to themselves and the world.
James Rickards.
James G. Rickards is an American lawyer. He is a regular commentator on finance, and is the author of The New York Times bestseller Currency Wars: The Making of the Next Global Crisis, published in 2011, and The Death of Money: The Coming Collapse of the International Monetary System, published in 2014.
Rickards graduated from Lower Cape May Regional High School in Cape May, New Jersey, in 1969. He graduated from The Johns Hopkins University in 1973 with a B.A. degree with honors and in 1974, from the Paul H. Nitze School of Advanced International Studies in Washington, D.C. with an M.A. in international economics. He received his Juris Doctor from the University of Pennsylvania Law School and an LL.M in taxation from New York University School of Law.
As general counsel for the hedge fund Long-Term Capital Management (LTCM), he was the principal negotiator in the 1998 bailout of LTCM by the Federal Reserve Bank of New York.
Rickards worked on Wall Street for 35 years. Rickards was the senior managing director for market intelligence at Omnis, Inc., a consulting firm. On March 24, 2009, Rickards presented his view at a symposium at Johns Hopkins, that the U.S. dollar is vulnerable to attack from foreign governments through accumulation of gold and establishment of a new global currency. On September 10, 2009, Rickards testified before the U.S. House of Representatives about the risks of financial modeling, VaR, and the 2008 financial crisis.
Publications: Rickards' first book, Currency Wars, was published on November 10, 2011, by Portfolio, an imprint of Penguin Group.[10] In it, Rickards argues that currency wars are not just an economic or monetary concern, but a national security concern. He maintains that the United States is facing serious threats to its national security, from clandestine gold purchases by China to the hidden agendas of sovereign wealth funds and that greater than any single threat is the very real danger of the collapse of the dollar itself. Rickards explains that the Federal Reserve is involved in what he calls "the greatest gamble in the history of finance," via a sustained effort to stimulate the economy by printing money on a trillion-dollar scale.
Rickard's second book, The Death of Money, was released on April 8, 2014. His website is JamesRickardsProject.com
* * *
Xem bài liên hệ cùng chủ đề: click vào đây
Xem trang Kiến thức, Tài liệu: click vào đây
Read related story: please click here
More in English topic: please click here
Về trang chính: www.nuiansongtra.net