(WHAT RUSSIA WANTS? FROM COLD WAR TO HOT WAR)
The Economist
Feb 14th 2015
Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine là phần của một cuộc đối đầu rộng lớn và nguy hiểm với phương Tây.
Những chiếc bút nằm trên bàn tại Minsk, thủ đô của Belarus, để các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, Nga và Ukraine ký kết một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài một năm do Nga kích động và được tiến hành bởi những người được nước này ủy nhiệm. Nhưng vào ngày 12/2, sau những cuộc đàm phán thâu đêm suốt sáng, chúng đã được cất đi. Petro Poroshenko, Tổng thống Ukraine nói: “Không có tin tốt nào cả”. Thay vào đó là một ngừng bắn từ ngày 15/2. Một thỏa thuận mang tính thăm dò nhằm rút vũ khí hạng nặng đã đạt được.
Tuy nhiên, Nga dường như chắc chắn có khả năng để ngỏ đường biên giới của nước này với Ukraine và duy trì dòng chảy vũ khí và người dân. Việc bao vây Debaltseve, một trung tâm vận tải chiến lược do các lực lượng của Ukraine nắm giữ, vẫn tiếp tục. Nga đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự bên phía biên giới của nước này. Crimea thậm chí đã không được đề cập đến.
Trong khi đó Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã tuyên bố nó sẽ cho Ukraine vay 17,5 tỷ USD để hỗ trợ cho nền kinh tế của nước này. Nhưng ông Putin dường như đang dựa vào một chiến thuật quen thuộc của Nga là làm kiệt sức những người đồng cấp đang tiến hành đàm phán của ông và lùi một bước để tiến hai bước. Ông đang hy vọng ở thời gian và sức chịu đựng để mang lại sự sụp đổ và chia rẽ của Ukraine và một sự phục hồi trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh.
Gần 1/4 thế kỷ sau sự sụp đổ của Liên bang Xôviết, phương Tây đối mặt với một mối đe dọa từ phương Đông lớn hơn so với tại bất cứ thời điểm nào trong Chiến tranh Lạnh. Thậm chí trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, các nhà lãnh đạo Xôviết đạ bị Bộ Chính trị và những ký ức về Chiến tranh thế giới thứ hai kiềm chế. Hiện giờ, theo nhà tuyên truyền hàng đầu của Nga Dmitry Kiselev, thậm chí một quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân “sẽ được đưa ra bởi cá nhân ông Putin, người có được sự ủng hộ chắc chắn của người dân Nga”. Dù là lời lừa gạt hay không, điều này phản ánh nhận thức của giới tinh hoa Nga về phương Tây như là một mối đe dọa đối với chính sự tồn tại của nhà nước Nga.
Theo quan điểm này, Nga đã không phát động cuộc chiến tranh tại Ukraine mà là đáp trả sự gây hấn của phương Tây. Cuộc nổi loạn tại Maidan và việc hất cẳng Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã được các cơ quan đặc vụ Mỹ sắp đặt nhằm đưa NATO tiến gần hơn tới các biên giới của Nga. Một khi ông Yanukovych ra đi, các phái viên của Mỹ đã cung cấp cho chính phủ lâm thời của Ukraine 25 tỷ USD để đặt các tuyến phòng thủ tên lựa dọc biên giới của Nga, nhằm thay đổi cán cân sức mạnh hạt nhân hướng sang Mỹ. Nga không có lựa chọn nào khác ngoài hành động.
Nga – Hoa: tình hữu nghị không dễ dàng
(Russia – China: an uneasy friendship. Photo: David Parkins)
Ông Putin đã nói rằng ngay cả nếu không có Ukraine, Mỹ hẳn cũng đã tìm một vài cái cớ khác để kiềm chế Nga. Do đó, Ukraine không phải nguyên nhân của cuộc xung đột giữa Nga với phương Tây, mà là hậu quả của nó. Mục đích của ông Putin không phải là xây dựng lại đế chế Xôviết – ông biết điều này là không thể – mà là bảo vệ chủ quyền của Nga. Thông qua đây ông muốn nói lên các giá trị của nó, mà quan trọng nhất trong đó là một sự độc quyền về quyền lực nhà nước.
Nằm phía sau cuộc đối đầu của Nga với phương Tây là một sự xung đột các quan điểm. Ở một bên là nhân quyền, một bộ máy hành chính quan liêu có trách nhiệm và các cuộc bầu cử dân chủ; bên kia là một nhà nước không bị gò bó mà có thể hy sinh các lợi ích của công dân mình để kéo dài vận mệnh của nó hoặc thỏa mãn lòng tham của những người cai trị nó. Cả dưới thời chủ nghĩa cộng sản lẫn trước đó, nhà nước Nga đều có được những thuộc tính tôn giáo. Chính nhà nước thánh thần này đang bị đe dọa.
Ông Putin ngồi tại vị trí cao nhất của nhà nước này. Một phó chánh văn phòng đã phát biểu gần đây: “Không có Putin – không có nước Nga”. Các đồng nghiệp Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) trước đây của ông là những người bảo vệ, bầy tôi trung thành và linh mục của nhà nước này, và được hưởng các tài sản của nó. Cái họ có không phải là một công việc, mà là một giới tinh hoa và khuynh hướng kế truyền. Việc tước đoạt các tài sản của một công ty tư nhân để làm lợi cho một công ty nhà nước bởi vậy không phải là một hành vi tham nhũng.
Khi hàng nghìn người Ukraine đổ xuống đường yêu cầu một lối sống phương Tây – châu Âu. Điện Kremlin đã xem đây là một mối đe dọa đối với mô hình cai trị của nó. Alexander Prokhanov, một nhà văn theo đường lối dân tộc chủ nghĩa ủng hộ cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine, so sánh nền văn minh của châu Âu với một thỏi nam châm thu hút Ukraine và Nga. Việc gây mất ổn định Ukraine không đủ để chống lại lực hút đó: chính thỏi nam châm phải được làm cho vô hiệu.
Nga cảm thấy bị đe dọa không phải bởi cá nhân bất cứ quốc gia châu Âu nào, mà bởi Liên minh châu Âu (EU) và NATO, các bên nhà nước này xem là theo đường lối chủ nghĩa bành trướng. Nó xem các tổ chức này “bị chiếm giữ” bởi Mỹ, nước tìm cách lợi dụng các giá trị của phương Tây để giành ảnh hưởng đối với phần còn lại của thế giới. Như ông Putin đã phát biểu gần đây, Mỹ “muốn đóng băng trật tự được thiết lập sau khi Xôviết sụp đổ và vẫn là một lãnh đạo tuyệt đối, cho rằng nước này có thể làm bất cứ điều gì nó thích, trong khi các nước khác chỉ có thể làm điều phục vụ cho các lợi ích của nước lãnh đạo đó. Có thể có một số người muốn sống trong một quốc gia nửa chiếm đóng, nhưng chúng tôi thì không muốn thế”.
Nga đã bắt đầu lập luận rằng nước này không phải đang chiến đấu chống lại Ukraine, mà là chống lại Mỹ tại Ukraine. Quân đội Ukraine chỉ là một đội quân lê dương của NATO, và binh lính Mỹ đang sát hại những người được ủy nhiệm của Nga tại Donbas. Chủ nghĩa chống Mỹ không chỉ là lý do gây chiến và trụ cột chính của quyền lực nhà nước, mà còn là một hệ tư tưởng mà Nga đang cố gắng xuất khẩu sang châu Âu, như nước này từng xuất khẩu chủ nghĩa cộng sản.
Chủ nghĩa chống phương Tây không khoác lên mình lớp quần áo chủ nghĩa cộng sản, mà là lớp quần áo đế quốc và thậm chí giáo quyền. Ông Putin đã nói vào năm 2013: “Chúng ta nhìn thấy bao nhiêu quốc gia châu Âu – Đại Tây Dương trên thực tế đang quay lưng khỏi những gốc rễ của họ, bao gồm cả những giá trị Cơ Đốc giáo của họ”. Trái lại, Nga “luôn là một nền văn minh nhà nước được gắn bó với nhau bởi những người dân Nga, ngôn ngữ Nga, văn hóa Nga và giáo hội chính thống của Nga”. Lực lượng nổi loạn tại Donbas đang chiến đấu chống lại không chỉ quân đội Ukraine, mà còn chống lại một lối sống phương Tây đồi bại nhằm bảo vệ thế giới quan khác biệt của Nga.
Những hy vọng không đúng chỗ
Nhiều người ở phương Tây đánh đồng hồi kết của chủ nghĩa cộng sản với sự kết thúc Chiến tranh Lạnh. Trên thực tế, vào lúc Liên Xô tan rã, chủ nghĩa Marx-Lenin đã chết từ lâu. Stalin đã thay thế những lý tưởng về chủ nghĩa quốc tế, bình đẳng và công bằng xã hội mà những người Bolshevik đã tuyên bố vào năm 1917 bằng chủ nghĩa đế quốc và sự chi phối của nhà nước đối với tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Cuộc cách mạng của Mikhail Gorbachev không ở chỗ làm suy yếu chủ nghĩa Marx mà ở chỗ tuyên bố uy thế của các giá trị chung của nhân loại đối với nhà nước này, mở cửa nước Nga cho phương Tây.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quân chủ đã đoàn kết chống lại ông Gorbachev. Chủ nghĩa chống Mỹ đa đưa những người theo chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa dân tộc trong Đảng Cộng sản xích lại gần nhau hơn. Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ họ đã đoàn kết chống lại Boris Yeltsin và những nỗ lực của ông nhằm khiến Nga trở nên “bình thường”, mà theo ý ông là một nền dân chủ thị trường tự do kiểu phương Tây.
Tình hữu nghị Nga – Hoa
Vào năm 1993, khi các thành viên của liên minh này bị các lực lượng thân Yeltsin đuổi khỏi tòa nhà quốc hội mà trước đó họ đã chiếm giữ tại Moskva, họ dường như đã bị đánh bại. Tuy nhiên chủ nghĩa dân tộc đã tái nổi lên. Những người chống lại Yeltsin và những tư tưởng của ông đã tích cực tham gia vụ sáp nhập Crimea và dính líu vào cuộc chiến tranh tại phía Đông Nam Ukraine. Alexander Borodai, “thủ tướng” đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, người đã chiến đấu với các lực lượng chống lại Yeltsin, hoan nghênh ông Putin như là nhà lãnh đạo của phong trào theo đường lối dân tộc chủ nghĩa tại Nga hiện nay.
Tuy nhiên trong một vài năm sau khi ông Putin lên nắm quyền, ông đã xây dựng các quan hệ thân thiết với NATO. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông, việc nâng cao mức sống đã giúp đạt được sự chấp nhận đối với sự độc quyền về quyền lực nhà nước của ông và việc ông dựa vào những người thuộc KGB trước đây; hiện giờ khi mà nền kinh tế đang suy thoái, mối đe dọa của chiến tranh là cần thiết để hợp pháp hóa sự cai trị của ông. Ông đã tạo ra liên minh của ông với những người theo chủ nghĩa dân tộc chính thống chỉ trong các cuộc phản kháng đường phố đông đảo của những người theo chủ nghĩa tự do bị phương Tây hóa năm 2012, khi ông quay trở lại Điện Kremlin. Thay vì dùng hơi cay, ông đã sử dụng những tư tưởng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, đế quốc chủ nghĩa, lên đến tột bậc trong vụ sáp nhập Crimea và việc chinh phục từ từ phía Đông Nam Ukraine.
Quyền lực cứng và mềm
Phương pháp được ưa thích của ông Putin là “chiến tranh pha tạp đa hình thái”: một sự pha trộn quyền lực cứng và mềm. Là một sự kết hợp các công cụ, một số mang tính quân sự và một số phi quân sự, được bố trí để gây bất ngờ, làm rối ren và suy yếu một đối thủ, chiến tranh pha tạp đa hình thái rất mơ hồ về cả nguồn gốc lẫn mục đích, khiến các tổ chức đa quốc gia chẳng hạn như NATO và EU khó đưa ra một phản ứng đáp trả. Tuy nhiên không có khả năng áp dụng quyền lực ứng, kiểu quyền lực mềm của Nga hầu như không đạt được kết quả gì. Theo Tổng thư ký mới của NATO, cựu thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg, Nga “đã đầu tư rất nhiều vào quốc phòng. Nước này đã cho thấy nó có thể triển khai các lực lượng trong một thời gian rất nắn… đặc biệt là, nó đã cho thấy một sự sẵn lòng sử dụng vũ lực”.
Ông Putin đã rút ra hai bài học từ cuộc chiến tranh nhanh gọn của ông tại Gruzia vào năm 2008. Bài học đầu tiên là Nga có thể triển khai quyền lực cứng tại những nước từng thuộc Liên Xô và nằm ngoài NATO mà hầu như không có rủi ro nào về việc phương Tây đáp trả bằng vũ lực. Bài học thứ hai, sau một chiến dịch cẩu thả, là các lực lượng vũ trang của Nga cần phải được cải tổ. Hiện đại hóa quân đội đã trở thành một sứ mệnh cá nhân nhằm khắc phục “những sự bẽ mặt” do một phương Tây “quá tự phụ” giáng lên Nga kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Theo HIS Jane’s, một cơ quan tư vấn về quốc phòng, vào năm tới chi tiêu quốc phòng của Nga sẽ tăng gấp ba về mặt danh nghĩa kể từ năm 2007, và nó sẽ đi được nửa chặng đường của một chương trình kéo dài 10 năm trị giá 20 nghìn tỷ ruble (300 tỷ USD) nhằm hiện đại hóa vũ khí. Các loại tên lửa, máy bay ném bom và tầu ngầm mới đang được chuẩn bị sẵn sàng để triển khai trong vài năm tới. Chi tiêu vào quốc phòng và an ninh được dự kiến sẽ tăng 30% vào năm nay và ngốn hết hơn 1/3 ngân sách liên bang.
Cũng như khoản tiền chi cho các máy bay chiến đấu, trực thăng, xe thiết giáp và hệ thống phòng không, khoảng 1/3 ngân sách đã được dành riêng để xem xét lại toàn bộ các lực lượng hạt nhân của Nga. Một học thuyết quân sự sửa đổi được ông Putin ký vào tháng 12/2014 đã xác định “sự tăng cường các năng lực tấn công của NATO trực tiếp tại các biên giới của Nga, và các biện pháp được thực hiện nhằm triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa” tại Trung Âu là những mối đe dọa lớn nhất mà Nga đối mặt.
Về bản chất, đó có thể không phải là lý do cho sự lo sợ ở phương Tây. Học thuyết hạt nhân của Nga hầu như đã không thay đổi gì từ năm 2010, khi ngưỡng sử dụng trước tiên đã được nâng lên một cách không đáng kể cho những tình huống mà trong đó “chính sự tồn tại của nhà nước đang bị đe dọa”. Điều đó có thể phản ánh lòng tin ngày càng tăng đối với các lực lượng thông thường của Nga. Nhưng ông Putin thích nói rằng không ai nên tìm cách quấy rầy Nga khi nướ cnày sở hữu một trong những kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Ông Kiselev thậm chí còn diễn đạt thẳng thừng hơn: “Trong những năm của chủ nghĩa lãng mạn (tức là tình trạng hòa hoãn), Liên Xô đã cam kết không sử dụng các vũ khí hạt nhân trước. Học thuyết hiện đại của Nga không như vậy. Những ảo tưởng đã tan biến”.
Ông Putin vẫn tỏ ra trung thành với một chiến lược mà ông đã tạo ra vào năm 2000: đe dọa một cuộc tấn công hạt nhân có giới hạn nhằm buộc một đối thủ (tức là Mỹ và các đồng minh NATO của nước này) phải rút khỏi một cuộc xung đột mà trong đó Nga có một lợi ích quan trọng, chẳng hạn như tại Gruzia hay Ukraine. Gần như tất cả các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của nước này trong thập niên vừa qua đã mô phỏng các cuộc tấn công hạt nhân có giới hạn, bao gồm cả cuộc tấn công vào Vacsava.
Ông Putin cũng đang tổ chức lại các lực lượng vũ trang của ông, với việc lục quân tuyển 60.000 binh lính hợp đồng mỗi năm. Các binh lính chuyên nghiệp hiện chiếm 30% lực lượng này. Các lính nghĩa vụ có thể làm tăng thêm những con số này, nhưng đối với kiểu các cuộc chiến tranh phức tạp, có giới hạn mà ông Putin muốn có khả năng giành chiến thắng, họ khá vô dụng. Các binh lính hợp đồng thường vẫn kém xa các lực lượng đặc biệt chẳng hạn như GRU Spetsnaz (“những người mặc quân phục xanh” đã tiến vào Crimea mà không có phù hiệu quân đội riêng) và các lực lượng không vận VDV tinh nhuệ, nhưng họ đang cố gắng bắt kịp.
Các lực lượng lục quân trên thực địa
Miền Đông Nam Ukraine cho thấy cách lục quân kiểu mới hoạt động. Các đơn vị Spetsnaz trước tiên đã huấn luyện lực lượng nổi loạn đòi ly khai do Điện Kremlin hậu thuẫn về chiến thuật và cách điều khiển các vũ khí phức tạp của Nga. Nhưng khi Chính phủ Ukraine bắt đầu tấn tới vào đầu mùa Hè năm ngoái, Nga đã để các lực lượng chính quy gần biên giới để đem lại một sự đáp trả được sắp đặt một cách cẩn trọng (và vẫn còn tương đối mang tính giấu giếm).
Thật khó để nói có bao nhiêu binh lính Nga đã được thấy hoạt động tại Ukraine, vì các loại phương tiện và quân phục của họ đã không có ký hiệu nhận dạng. Nhưng khoảng 4000 binh lính đã được cử tới để giải vây cho Luhansk và Donetsk đồng thời đe dọa thành phố ven biển Mariupol – đủ để thuyết phục ông Poroshenko rút các binh lính của ông về. Từ tháng 11 một sự tăng viện mới cho các lực lượng Nga đã được tiến hành. Tình báo quân sự Ukraine tính toán có thể có 9000 lính Nga trên đất nước của họ (NATO chưa đưa ra ước tính nào). 50.000 binh lính khác đang đóng tại biên giới phía Nga.
Bất chấp tuyên bố của ông Putin vào năm ngoái rằng ông thể “chiếm Kiev trong vòng 2 tuần” nếu ông muốn, một cuộc xâm lược toàn diện và sự chiếm đóng sau đó là ngoài tầm của nước Nga. Nhưng một tiểu nhà nước do Nga kiểm soát, Novorossiya, tương tự như Abkhazia và Transdniestria, dù ít dù nhiều đã có thể bền vững về kinh tế. Và nó sẽ chấm dứt những hy vọng của Ukraine về việc lúc nào đó giành lại chủ quyền đối với lãnh thổ nước này không theo những điều kiện của Nga, mà không nghi ngờ gì bao gồm cả việc nằm ngoài EU và NATO. Hẳn không phải là ộmt kết quả tồi đối với ông Putin, và trong tầm tay với quyền lực cứng mà ông kiểm soát.
Nỗi sợ hãi lớn đối với NATO là ông Putin dùng cuộc chiến tranh pha tạp đa hình thái của ông để chống lại một nước thành viên. Đặc biệt chịu rủi ro là các quốc gia Baltic – Latvia, Estonia và Litva – hai trong số các nước này có các nhóm thiểu số nói tiếng Nga chiếm số lượng lớn. Vào tháng 1 Anders Fogh Rasmussen, tổng thư ký trước đây của NATO, đã nói có một “khả năng cao” là ông Putin sẽ thử thách Điều 5 của NATO, điều khoản xem một cuộc tấn công vào bất cứ thành viên nào là một tấn công vào tất cả các thành viên – mặc dù “ông sẽ bị đánh bại” nếu ông làm như vậy.
Một kiểu khiêu khích đã được thiết lập bao gồm một sự gia tăng lớn về số lượng các cuộc chạm trán liên quan đến việc sử dụng các máy bay và tàu chiến của Nga, và các cuộc tập trận đột xuất bởi các lực lượng Nga gần các biên giới phía Bắc và phía Đông của NATO. Vào năm ngoái các máy bay của NATO đã tiến hành hơn 400 vụ cản trở các máy bay của Nga. Hơn 150 vụ được thực hiện bởi sứ mệnh cảnh vệ vùng trời Baltic được tăng cường của liên minh này – nhiều gấp 4 lần so với năm 2013. Trong 9 tháng đầu năm 2014, 68 vụ nhận dạng và ngăn chặn “nóng” đã diễn ra chỉ riêng dọc biên giới Litva. Latvia đã ghi nhận hơn 150 vụ máy bay Nga bay vào không phận của nước này.
Cũng đã có ít nhất 2 vụ suýt va chạm giữa các máy bay quân sự của Nga và máy bay dân dụng của Thụy Điển. Đây là một điều rất nguy hiểm: Các phi công Nga không gửi các kế hoạch bay. Họ bay với các hệ thống thu phát tín hiệu bị tắt đi, khiến họ không bị radar dân sự phát hiện. Vào ngày 28/1, hai máy bay ném bom của Nga, có khả năng được trang bị vũ khí hạt nah6n đã bay xuôi về kênh đào Anh, gây náo loạn cho hàng không thương mại. Những hành vi như vậy nhằm thử thách các hệ thống phòng không của phương Tây, và được chứng kiến lần cuối trong Chiến tranh Lạnh. Ông Stoltenberg gọi nó là “đầy rủi ro và phi lý”.
Từ năm 2013, khi Nga tái khởi động các cuộc tập trận quân sự đột xuất quy mô lớn, ít nhất có 8 cuộc đã được tổ chức. Vào tháng 12, Điện Kremlin đã ra lệnh tổ chức một cuộc tại Kalingrad, một vùng lãnh thổ tách rời khỏi đất mẹ tiếp giáp Latvia và Ba Lan, 2 thành viên NATO. Nó đã huy động 9000 binh lính, hơn 55 tàu thủy và mọi loại máy bay quân sự. Tướng Philip Breedlove, chỉ huy cao nhất của NATO đã nói: “KIểu hành vi này có thể được sử dụng để che giấu mục đích. Nó ngụy trang cho điều gì? Nó đang tác động đến chúng ta nhằm mục đích gì?”
Một vấn đề lớn đối với NATO là hầu hết điều Nga có thể cố gắng thực hiện sẽ nằm dưới tầm rađa của hệ thống phòng thủ chung truyền thống. Theo ông Stoltenberg, việc quyết định xem liệu liệu một cuộc tấn công theo Điều 5 đã diễn ra hay chưa có nghĩa là vừa nhận biết điều đang diễn ra vừa biết được ai đứng đằng sau nó. Ông nói: “Chúng ta cần nhiều tin tức tình báo hơn và nhận thức tình hình tốt hơn”; nhưng cũng nói thêm rằng các đồng minh NATO chấp thuận rằng nếu việc gửi đến những người mặc quân phục xanh có thể bị quy cho là “một quốc gia đi xâm lược, đó là một hành động thuộc Điều 5 và khi đó tất cả các thành viên của NATO sẽ cùng chống đỡ”.
Mặc dù giọng điệu của Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ từng là các nước đồng minh và những người thắng cuộc trong Chiến tranh thế giới thứ hai và cảm thấy một sự tôn trọng nhất định dành cho đối phương. Bộ Chính trị không hề có cảm giác thấp kém hơn. Trái lại, ông Putin và các thành viên KGB của ông đã bước ra khỏi Chiến tranh Lạnh với tư cách là những kẻ thất bại. Điều khiến ông Stoltenberg lo lắng nhiều về nước Nga mới, đầy giận dữ của Putin là nó khó đối phó hơn so với Liên Xô trước đây. Với tư cách là một người Na Uy, vốn quen với việc chia sẻ đường biên giới Bắc Cực với Nga, ông nói rằng “ngay cả trong thời kỳ lạnh lẽo nhất của Chiến tranh Lạnh chúng ta cũng đã có khả năng có một cuộc đối thoại thực tế với họ về nhiều vấn đề an ninh”. Nga đã có “một sự quan tâm đến sự ổn định” vào lúc đó, “nhưng hiện giờ thì không”.
Can thiệp và làm sai lệch
Sự gây mất ổn định cũng đang được thực hiện theo các cách ít mang tính quân sự hơn. Việc vận dụng sức mạnh hay giành được ảnh hưởng ở nước ngoài – thông qua các chính đảng chống chính quyền, các nhóm thiểu số bất mãn, các chi nhánh truyền thông, các nhà hoạt động môi trường, những người ủng hộ kinh doanh, “các nhóm chuyên gia cố vấn” tuyên truyền và những người khác – đã trở thành phần của chiến lược chiến tranh pha tạp đa hình thái của Điện Kremlin. Sự làm sai lệch “quyền lực mềm” này được Moskva xem là một yếu tố bổ sung quan trọng cho sự can dự quân sự.
Chắc chắn là Nga không đơn độc trong việc lạm dụng quyền lực mềm. Cơ quan viện trợ của Chính phủ Mỹ, USAID, đã gieo những dòng trạng thái (tweets) tại Cuba và Trung Đông nhằm nuôi dưỡng sự bất đồng ý kiến. Và ông Putin đã nói bóng gió rằng Nga cần phải chiến đấu theo cách này vì Mỹ và các nước khác hiện đang làm vậy, thông qua “cái giống như là các tổ chức phi chính phủ (NGO)”, CNN và các nhóm nhân quyền.
Ở trong nước, truyền thông Nga, hầu như bị nhà nước kiểm soát, ồ ạt phát đi những lời dối trá và các thuyết âm mưu. Ở nước ngoài, kênh dẫn chính cho thế giới quan của Điện Kremlin là RT, một kênh truyền hình được thành lập năm 2005 nhằm xúc tiến một quan điểm tích cực về Nga mà hiện giờ tập trung vào việc khiến cho phương Tây trông có vẻ xấu xa. Nó sử dụng những tiếng nói phương Tây: những người cực tả chống chủ nghĩa toàn cầu, những người cực hữu theo nghĩa dân tộc và những cá nhân bị tan vỡ ảo tưởng. Nó đưa tin bằng tiếng Anh, tiếng Arập và tiếng Tây Ban Nha và đang lên kế hoạch cho các kênh tiếng Đức và tiếng Pháp. Nó tuyên bố sẽ tiếp cận 700 triệu người trên toàn thế giới và 2,7 triệu phòng khách sạn. Mặc dù nó không hoàn toàn là một trò hề, nhưng nó đã phát sóng một loạt câu chuyện dối trá, chẳng hạn như câu chuyện suy đoán rằng Mỹ đứng sau dịch bệnh Ebola ở Tây Phi.
Điện Kremlin cũng là một người dùng mạng Internet và truyền thông xã hội sành sỏi. Nó tuyển dụng hàng trăm “kẻ khiêu khích” để rình rập các mục bình luận và các trang Twitter của phương Tây. Mục đích phần nhiều không phải để thúc đẩy các quan điểm của Điện Kremlin, mà nhằm bôi nhọ các nhân vật chống đối, các chính phủ và thể chế nước ngoài, và nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi và sự rối loạn. Các khoản tiền khổng lồ đã được ném vào các quan hệ công chúng và các công ty vận động hành lang nhằm cải thiện hình ảnh của nước Nga ở nước ngoài – trong số đó Ketchum, có trụ sở tại New York, đã giúp đưa một bài viết của ông Putin trên tờ The New York Times. Và nước này có thể dựa vào một số đối tác công ty của nó để vận động hành lang chống lại các chính sách gây tổn hại cho ngành kinh doanh của Nga.
Việc phương Tây sẵn lòng bao che cho khoản tiền của Nga, một phần trong đó có được một cách không chính đáng, đang làm mất tinh thần phe chống đối của Nga đồng thời khiến phương Tây trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Điện Kremlin. Khoản tiền của Nga cũng đã có một tác động gây hại hơn đối với khu vực trong nước. Nga sử dụng quyền lực mềm ở vùng Baltic một phần là thông qua “chính sách đồng bào” của nước này, cái đem lại sự hỗ trợ tài chính cho các dân tộc thiểu số nói tiếng Nga ở nước ngoài.
Tuy nhiên, chiến lược xảo quyệt nhất của ông Putin là gây mất ổn định EU thông qua các chính đảng ngoài rìa. Đường hướng tư tưởng của Nga rất dễ thay đổi: nước này ủng hộ cả các nhóm cực tả lẫn cực hữu. Như Peter Pomerantsev và Micheal Weiss đã nói trong “Mối đe dọa của sự thiếu thực tế”, một bài viết về quyền lực mềm của Nga: “Mục đích là nhằm làm trầm trọng thêm những sự chia rẽ ở phương Tây và làm tăng sự ủng hộ Điện Kremlin”.
Hoạt động chính trị bị phá vỡ
Các nhóm cực hữu bị cám dỗ bởi ý kiến cho rằng Moskva là một đối trọng với EU, và bởi những chính sách về luật pháp và trật tự của nước này. Lập trường của nó về đồng tính luyến ái và sự thúc đẩy các giá trị đạo đức “truyền thống” hấp dẫn những người bảo thủ về tôn giáo. Phái cực tả thích nói về việc chiến đấu chống lại quyền bá chủ của Mỹ. Tuy nhiên, các đồng minh đáng ngạc nhiên nhất của Nga có lẽ là những thành viên đảng Xanh châu Âu. Họ chống lại việc làm nứt vỡ thủy lực để khai thác khí đá phiến và năng lượng hạt nhân – giống như Moskva,v ì cả hai hứa hẹn sẽ làm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nguyên liệu hóa thạch của Nga. Ông Rasmussen đã cáo buộc Nga là thao túng thông tin “tinh vi” nhằm gây khó khăn cho việc khai thác khí đá phiến tại châu Âu, mặc dù không đưa ra bằng chứng cụ thể.
Timeline picture credits: Reuters, Ria Novosti
Có bằng chứng chi tiết tại Bulgaria, nước này vào năm 2012 đã hủy một giấy phép cấp cho Chevron để thăm dò khí đá phiến sau các cuộc biểu tình phản đối khai thác bằng phương pháp nứt vỡ thủy lực. Một số người đã nhìn thấy sự nhúng tay của Nga trong những cuộc phản kháng này, có lẽ là nhằm trừng phạt chính phủ thân châu Âu này vào thời điểm đó, chính phủ đã tìm cách làm giảm sự phụ thuộc của nước này vào năng lược của Nga (Gazprom, người khổng lồ khí đốt thuộc quyền kiểm soát nhà nước của Nga, cung cấp 90% khí đốt của Bulgaria).
Trước đây, Bulgaria từng được mong đợi sẽ vận chuyển dầu lửa của Nga thông qua đường ống Dòng chảy phương Nam đã được lên kế hoạch của nó, và quốc hội nước này đã thông qua một dự luật miễn trừ cho dự án này các luật lệ rắc rối của EU. Phần lớn dự luật này được Gazprom soạn thảo, và hợp đồng xây dựng đã được trao cho một công ty thuộc sở hữu của Gennady Timchenko, một đầu sỏ chính trị hiện đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Gazprom đã đề nghị bỏ vốn cho đường ống dẫn này và tài trợ cho một đội bóng đá của Bulgaria. Bộ trưởng Năng lượng nước này sau đó đã tuyên bố rằng ông từng được một đại diện của Nga đưa hối lộ nhằm dàn xếp ổn thỏa việc thông qua dự án này. Mặc dù sự phản đối của châu Âu có nghĩa là nó hiện đã bị loại bỏ, tình tiết này cho thấy các phương pháp Moskva sử dụng để bảo vệ các lợi ích kinh tế của nước này.
Trong toàn bộ vấn đề này ông Putin rõ ràng là đang hành động không chỉ vì lợi ích của Nga, mà còn vì lợi ích của chính ông. Ông Borodai, nhà tư tưởng phe nổi loạn tại Donestk nói rằng nếu cần thiết những người Nga tình nguyện hôm nay đang chiến đấu tại Donbas ngày mai sẽ bảo vệ tổng thống của họ trên những đường phố của Moskva. Tuy nhiên, mặc dù ông Putin có thể tin rằng ông đang lợi dụng những người theo chủ nghĩa dân tộc, những người theo chủ nghĩa dân tộc lại tin rằng họ đang lợi dụng ông để củng cố quyền lực của họ. Điều mà họ mong muốn đạt được, dù có ông Putin hay không, là Nga tập hợp lại phía sau nhà nước dân tộc chủ nghĩa và nhà lãnh đạo của họ để đấu với chủ nghĩa tự do của phương Tây. Đây không phải là một cuộc xung đột có thể được giải quyết tại Minsk.
The Economist
* * *
Xem bài liên hệ với chủ đề: click vào đây
Xem bài nầy bằng Anh ngữ: click vào đây
Xem bài trang Kiến thức, tài liệu: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net