Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
TRẦN CAO DUYÊN
LÊ NGỌC TRÁC

 

 

Ruộng muối Sa-Huỳnh

 

Hơn 15 năm đầu thế kỷ 21, trên chuyên mục "Hôn nhân - Gia đình" của Báo Thanh Niên, bạn đọc thường xuyên bắt gặp những bài viết với bút danh Trần Cao Duyên. Những câu chuyện, tiểu phẩm thể hiện cuộc sống thường ngày chung quanh thật gần gũi với chúng ta, hấp dẫn bạn đọc. Đọc xong những bài viết của Trần Cao Duyên, nhiều người phải bật cười. Có lúc, phải cười mỉm, lúc phải cười bò, cười nôn một cách sảng khoái... Nào là câu chuyện đàn ông ghen, chuyện anh chàng mê thơ bị vợ bỏ đi ngoại tình, chuyện anh chàng tán gái bằng những bài hát boléro, tiếng gọi nơi quán nhậu hai cha con mê nhậu gặp nhau tại quán rượu, người con gái có bằng đại học kết hôn với một ngư phủ ít học. Cô nàng ngồi nhà lên mạng tìm hiểu thời tiết, ngư trường, dùng điện thoại chỉ đạo chồng đánh bắt hải sản tận khơi xa, chuyện vợ chồng sinh con gái một bề... Đằng sau những câu chữ đậm nét khôi hài, gây cười, những bài viết của Trần Cao Duyên hướng đến những điều tử tế tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

 

Nhưng thật sự thơ mới đưa Trần Cao Duyên lên một tầm cao mới trong sự nghiệp sáng tác của anh. Đến hôm nay anh đã xuất bản được 2 tập thơ, gồm: "Hoa hút mật" (2004), "Với đảo mùa xuân" (2010) và 1 tập tùy bút tản văn: "Hát nữa đi hương" (2013). Trần Cao Duyên có những bài thơ tạo được độ rung lớn, thấm đẫm vào hồn người đọc. Chúng tôi những người quê Quảng Ngãi, khi sống xa quê đều thốt lên câu thơ của Trần Cao Duyên: "Ngút ngát xa rồi Quảng Ngãi ơi!" với nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi.

 

"Ngút ngát xa rồi Quảng Ngãi ơi

Không thu mà lá rụng tơi bời

Không mưa mà ướt lời tương biệt

Không chiều mà tím bóng mây trôi

 

Gửi lại hai mùa phượng thiết tha

Cho em - ảo ảnh - biết đâu là

Chút nắng khơi xanh ngày tháng cũ

Chút đời gợi biếc mắt phôi pha

 

Trà giang từ dạo ấy trăng non

Chia ly bóng nguyệt vẫn chưa tròn

Chợt nhận ra mình như Cổ Lũy

Bên trời bên nước vẫn cô thôn".

(Tâm tình với Quảng).

 

"Tâm tình với Quảng" Trần Cao Duyên viết trên nền thơ cũ, lời thơ dung dị, ý thơ chân thật. Đọc xong bài thơ, có lẽ chúng ta bỏ quên khái niệm về thơ cũ - thơ mới, thơ hiện đại - hậu hiện đại, trong lòng chỉ cảm thấy một sự đồng cảm, đồng điệu và chợt nghe lòng rung lên trước tiếng lòng của nhà thơ.

 

Qua thơ, bạn đọc nhận ra Trần Cao Duyên gắn bó với quê hương và cuộc sống xung quanh. Anh viết về vẻ đẹp đời sống cần lao. Có lẽ, từ ngàn xưa đến ngàn sau vẻ đẹp của người lao động thật sinh động và đầy ắp ước mơ về hạnh phúc, một hạnh phúc bình dị đẹp vô ngần.

 

"Những ô vuông lung linh hắt nắng lên trời

Nơi hạt muối hóa thân thành biển mặn

Trưa Sa Huỳnh mênh mông màu nắng

Nồng nàn hạt muối em trao

 

Chiều nay em gánh muối về đâu

Gánh cả chói chang một trời lửa hạ

Trong hạt muối kết tinh từ biển cả

Có giọt mồ hôi em thơm ngát tuổi trăng tròn

 

Chợt thèm lát gừng cay trong vị muối

Muối Sa Huỳnh mặn lắm... đừng quên."

("Hạt muối Sa Huỳnh")

 

Trần Cao Duyên sinh ra và lớn lên sông gắn bó với quê hương Đức Phổ - Quảng Ngãi. Trong thơ anh bàng bạc hơi thở đất trời, con người, cuộc sống của quê hương Quảng Ngãi. Và, Sa Huỳnh - Quảng Ngãi là mạch nguồn cảm xúc trong thơ Trần Cao Duyên. Anh viết về vùng biển Sa Huỳnh với những câu thơ đẹp. Biển trong thơ anh không dữ dội, nghiệt ngã mà êm đềm, hình ảnh cuộc sống một làng chài nghèo thơ mộng và đầy ắp yêu thương:

 

"Có thể nào quên được hỡi em

Khoảng trời ấy với miền quê cát ấy

Cánh diều trắng, buồm nâu, chiều gió dậy

Con thuyền và bến bãi, biển và trăng.

 

Người yêu ơi em có ngại ngùng chăng

Khi anh dắt em về nơi gió cát

Nơi e ấp những loài hoa mộc mạc

Bình dị sắc màu hoa không muốn gọi tên.

 

Triền cát dài bên vách núi chênh vênh

Và gió biển như chàng trai phóng khoáng

Chiếc vỏ ốc nhỏ nhoi nằm trên cạn

Đâu biết giữa lòng cát ẩn một tình yêu

 

Quê cát hừng lên trong ráng đỏ trời chiều

In dáng mẹ áo nâu vành nón trắng

Người đi biển rất đơn sơ bình lặng

Giữa chập chùng sóng đánh ngút ngàn xa

 

Đêm bâng khuâng trong vắt dải Ngân Hà

Đi bên biển ngỡ bên bờ huyền thoại

Điều mà cát bồi hồi chưa thể nói

Anh vẫn thầm cảm nhận trong tim

 

Nước triều lên dào dạt mãi bao đêm

Rồi để lại trên bờ từng ngấn sóng

Có chăng em những năm dài tháng rộng

Với quê cát ngọt ngào mình gởi nhớ trong nhau

 

Một bến đời - bến đợi - bến xôn xao

(Xin đừng hỏi đợi ai và ai đợi)

Khi cơn gió bờ dương thì thầm trao gửi

Và hàng dừa xóa tóc mộng mơ chi

 

Quê cát với anh nồng mặn lắm từ khi

Biết xếp giấy thả thuyền ra trước ngõ

Biết đuổi bắt con còng trên bãi gió

Biết cầm chèo bơi lội biết ra khơi

 

Ơi bãi cát, cây sào và tấm lưới giăng phơi

Con tàu lớn, những đêm vui mùa cá

Có nhớ người xưa chiếc lưỡi câu bằng đá

Cuộc sống vẫn tươi ròng trên mỗi nét hoa văn

 

Cát ngập ngừng êm ả dưới bàn chân

Người đi trước mồ hôi hòa mỗi hạt

Để có Sa Huỳnh - có một miền quê cát

Miền êm đềm sóng vỗ gọi người xa..."

("Quê cát")

 

Ngày xưa, cách đây 80 năm, "Quê hương" - Đông Yên - cái làng chài bé nhỏ nằm cuối dòng sông Trà Bồng - Quảng Ngãi, qua thơ của Tế Hanh đã đi vào văn học sử. Hôm nay, qua thơ của Trần Cao Duyên, chúng tôi tin rằng "Làng cát" - miền biển - Sa Huỳnh sẽ được những người yêu thơ biết đến "Miền êm đềm sóng vỗ gọi người xa".

 

Lê Ngọc Trác

Phố biển La Gi, tháng 6/2015

 

* * *

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh