Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 09, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
ĐÔI NÉT VỀ IRAN
NGUYỄN ƯỚC

Danh xưng Iran thường làm người nghe nhớ tới ít nhất sáu đặc điểm. Iran là nước có trữ lượng dầu đứng hàng thứ tư thế giới. Iran có vị trí địa lý tạo thành thế chính trị bị o ép giữa đế quốc Liên Sô và đế quốc Anh với các thuộc địa trải rộng từ Ấn độ tới Trung Đông. Iran từng là một đế quốc với nhiều thời kỳ thịnh suy suốt ba ngàn năm. Trong 20 nước trên thế giới ngày nay lấy đạo Hồi làm quốc giáo thì Iran là nước đặc trưng nhất. Thứ năm, Cộng hoà Hồi giáo Iran, quốc hiệu ngày nay của Ba Tư (Persia), là một trong ba nước mà năm 2002, trước sự ngạc nhiên của công luận thế giới, tổng thống Hoa Kỳ George Bush đã nghiêm trọng xếp vào Trục Ma Quỷ, cùng với Bắc Hàn và Iraq, như một triển vọng cho thấy Iran sẽ gặp may ít rủi nhiều một khi nó trực diện đối đầu với Mỹ. Thứ sáu, cùng với Bắc Hàn, Iran đang là đối tượng trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về việc tinh chế Uranium, bị nghi ngờ là nhằm phát triển vũ khí hạt nhân.

Địa lý và Tài nguyên

Iran có diện tích rộng gấp năm lần Việt Nam với dân số khoảng 68 triệu người, gồm 51% người Ba tư, một nửa còn lại là người gốc Thổ, Azerbaijan, Kurd, Gitak và Mazandarini... Người gốc Ả Rập chỉ chiếm 3%. Iran tọa lạc ở đông nam châu Á, giữa biển Caspian và Vịnh Ba Tư, chung đường biên giới với Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và đế quốc Liên Sô cũ với các bang Azerbaijan, Turkmenistan và Armenia. Như thế, Iran là vùng đất chiến lược giữa Trung Đông và Trung Á. Đất đai chủ yếu gồm các thảo nguyên hoang mạc nội địa và cao nguyên, bao quanh bởi một vòng đai với những ngọn núi cao từ hai ngàn tới năm ngàn rưỡi thước. Gần một nửa mặt đất Iran cao hơn mặt biển, bị chia manh xẻ mún thành các thung lũng vừa hẹp vừa sâu và một ít khu vực có đồng cỏ.

Do điều kiện thổ nhưỡng như thế nên khí hậu các vùng ở Iran rất khác nhau. Mưa hàng năm có biên độ từ 86cm ở vùng duyên hải biển Caspian tới dưới 17cm ở miền nam và vùng nội địa. Miền bắc thời tiết rất thấp trong khi miền nam ấm hơn. Khắp Iran, mùa hè nóng, trừ những vùng cao. Vùng núi và sa mạc chiếm gần 70% lãnh thổ gần như không dân cư. Vì ảnh hưởng của địa lý và khí hậu đó nên hầu hết người Iran sống ở vùng bắc và tây bắc, tập trung đông nhất ở miệt gần biển Caspian, thủ đô Teheran với dân số hơn 7 triệu người và các tỉnh mạn đông với mạn tây Azerbaijan. Công cuộc hiện đại hoá và kỹ nghệ hoá tạo thành những cuộc di dân đem hơn một nửa dân số đến sống tại các khu vực thành thị.

Tại Iran, hệ phái Hồi giáo Shiite thu hút 95% dân số, hệ phái Sunny 4%, còn lại 1% thì theo các tôn giáo khác. Ngôn ngữ chính của người Iran là tiếng Ba tư. Ngoài ra có ngôn ngữ sắc tộc như Azari, Kurd, A rập. Tỉ lệ người biết đọc biết viết là 72.1%.

Theo tài liệi CIA The World Factbook: năm 2005, tổng sản lượng quốc gia của Iran là 561.6 tỉ Mỹ kim, lợi tức đầu người - per capita GDP (PPP) là 8.300 MK, tỉ lệ tăng trưởng GDP 6.1% (so với VN 232.2 tỉ và 2.800 MK, tỉ lệ tăng trưởng GDP 8.4%). Tài nguyên thiên nhiên của Iran gồm dầu, khí đốt thiên nhiên, than đá, chì, sắt...Bên cạnh đó, nông nghiệp Iran với các sản phẩm như gạo, lúa mì, bông, gỗ...Iran xuất khẩu được 38.8 tỉ MK trong đó dầu chiếm 85%; nhập khẩu nguyên liệu kỹ nghệ, quân cụ, thiết bị kỹ thuật...Bạn hàng chính của Iran là Nhật, Trung Quốc, Ý, Nam Phi, Đài Loan, Nam Hàn, Pháp.

Về mặt thể chế chính trị, hiện nay Iran theo chế độ dân chủ thần quyền: Hành pháp đứng đầu là Tổng thống do dân bầu; bên cạnh là Quốc hội cũng do dân cử và một hệ thống tư pháp; nhưng trên tất cả là Thượng Hội Đồng gồm các tăng lữ bầu một Ayatollah lên làm Lãnh đạo Tối cao của quốc gia.

Quá khứ huy hoàng hết thịnh lại suy.

Thuở trước, thế giới biết tới Iran với tên Ba Tư, một nước mà sức mạnh của nó thường tràn ra ngoài biên giới và lãnh thổ của nó suốt trong nhiều thế kỷ, thường bao gồm phần đất của nhiều nước khác trong thế giới cổ đại. Rồi sau đó, dù từng bị xâm chiếm bởi người A Rập, người Thổ Nhĩ Kỳ, quân Mông Cổ cùng nhiều cường quốc khác - và thường bị mắc kẹt trong những bang giao giữa các cường quốc lớn hơn nó - Ba Tư vẫn luôn luôn tái khẳng định bản sắc dân tộc. Sau mỗi thời kỳ xáo trộn, Ba Tư lại xuất hiện như một thực thể văn hoá và chính trị cá biệt.

Những khám phá đầu tiên của ngành khảo cổ cung cấp kiến thức về thời tiền sử, xác nhận người Ba tư có mặt trên vùng đất này từ thời đồ đá cũ khoảng 100.000 năm trước. Tại đó, cách đây từ 18 cho tới 14 ngàn năm, đã có những nền văn hoá lưu cư. Người ta còn đào được những di chỉ cho thấy cách đây khoảng tám ngàn năm, đời sống nông nghiệp tại Ba Tư đã rất phức tạp và bắt đầu có khuynh hướng tập trung vào đô thị.

Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử dài dằng dặc, người Ba Tư sống dưới nhiều triều đại kế tiếp nhau. Thời kỳ vĩ đại nhất và đầu tiên là triều đại Archaemenia Ba Tư từ năm 539 tới năm 330 trước Công Nguyên, trong đó có Đại đế Cyrus. Ông là vị vua đã làm sụp đổ đế quốc Babylon, mở đầu một đế quốc Ba Tư hùng mạnh và được Kinh thánh Cựu Ước của Thiên Chúa giáo ghi lại là người cho phép dân Do Thái từ chốn lưu đày ở Babylon trở về xây dựng lại thành thánh Giêrusalem. Đế quốc của ông trải rộng từ sông Nil Ai Cập tới vùng Kush thuộc Ấn và lên tới cực điểm vào năm 525. Sau đó Ba Tư rơi vào tay Đại đế Alexander từ năm 331 tới năm 302 trước CN. Khoảng hai trăm năm sau, lại xuất hiện một đế quốc Ba Tư rồi lại suy, cho tới năm 224 sau CN thì trổi dậy một đế quốc Ba Tư mới.

Vào thế kỷ 7, Hồi giáo xuất hiện và trở thành một sức mạnh chính trị lẫn quân sự rồi chinh phục Ba Tư vào năm 637. Chính sách của nhà cầm quyền Hồi giáo lúc ấy đối với thần dân các nước mới bị chinh phục là cho người cải giáo được miễn thuế thân và hưởng chế độ thuế khoá đặc biệt nên hầu hết dân chúng đổi sang đạo Hồi. Từ đó, Ba Tư trở thành một nước Hồi giáo. Quân Mông Cổ với vó ngựa tiến như vũ bảo đã xâm chiếm rồi cai trị Ba Tư từ thế kỷ 12. Sau đó, sang thế kỷ 18, Ba Tư rơi vào tay Thổ Nhĩ Kỳ.

Zoroaster và Bái Hoả giáo.

Ngoài những đóng góp lớn về văn học nghệ thuật cho thế giới, một nhân vật Ba Tư cổ đại là người khai sáng một trong mười tôn giáo lớn của nhân loại mà lý thuyết của nó ảnh hưởng sâu đậm lên giáo lý của nhiều tôn giáo xuất hiện về sau. Đó là Zoroaster, còn gọi là Zarathustra, với Bái Hỏa giáo mà cách đây 40 năm, Kim Dung đã tiểu thuyết hóa ảnh hưởng của nó tại Trung Hoa qua hình ảnh Minh giáo trong bộ truyện võ hiệp Cô Gái Đồ Long.

Zoroaster là một tiên tri người Ba Tư, sống cách đây 3.781 năm. Ông thành lập một tôn giáo mang tên ông rồi trở thành quốc giáo của Ba Tư trong suốt ba ngàn năm, lan sang cả Ấn Độ và Trung Hoa. Bái Hoả giáo thờ một thượng đế duy nhất “của chân lý, tư duy và minh triết” qua hình ảnh ngọn lửa tiêu biểu cho sức mạnh thiêng liêng của vũ trụ. Có thể nói đây là tôn giáo độc thần đầu tiên của loài người với cuốn thánh thư là Avesta, một hệ thống tăng lữ qui củ và các tín đồ được tổ chức chặt chẽ. Thế rồi trước sức bành trướng vũ bão của Hồi giáo tại Ba Tư, Bái Hỏa giáo mất gần hết tín đồ; hiện nay chỉ tồn tại trong vùng của người Parsee gần Bombay, Ấn Độ và một nhóm nhỏ tại Iran.

Thực dân Anh và Nga xâu xé Iran.

Sau thời gian thống trị của Thổ nhĩ kỳ thì tới Triều đại Qajar của người Ba tư từ năm 1795. Lịch sử hiện đại của Ba Tư bắt đầu từ năm 1906 với sự triệu tập quốc hội đầu tiên và ban hành hiến pháp. Cũng trong thập niên đầu thế kỷ 20 ấy, Ba Tư trở thành đối tượng của ba thành tố hỗ tương tác động. Ba Tư án ngữ con đường thông ra đại dương của thuộc địa Anh Ấn (nay là Afghanistan và Pakistan) và của Nga vốn là nước liên tục tìm kiếm một hải cảng không bị đóng băng. Sau Thế Chiến I, vị trí địa lý chính trị ấy lại càng quan trọng hơn khi Iraq trở thành nước ủy trị của Anh. Sự phát hiện trữ lượng dầu hoả, khí đốt thiên nhiên của Ba Tư lại khiến nó lâm vào tình cảnh khốn đốn hơn. Thành tố thứ ba là đại đa số dân chúng Ba Tư gắn chặt vào hệ phái Hồi giáo Shiite khiến dễ dàng hợp nhất một dân tộc không thuần chủng.

Suốt hai chục năm đầu thế kỷ, hai thành tố đầu khống chế các biến cố quan trọng và khích động thành tố thứ ba. Năm 1901, dầu hoả được dành độc quyền cho các công ti của Anh mà về sau biến thành Công Ty Dầu Anh-Ba tư (nay vẫn là BP). Tình trạng kiểm soát đó trở thành chính thức theo một hiệp định ký chỉ giữa Anh và Nga năm 1907, tự ý chia Iran thành ba miền: bắc dưới ảnh hưởng của Nga, nam dưới ảnh hưởng của Anh và miền trung thì trung lập. Việc cướp đoạt dầu hoả và sự phân chia lộng hành đó làm phát sinh lòng uất hận của người Ba Tư đối với phương tây, khơi động tình tự yêu nước và kích thích những phản đối bằng bạo động của một xã hội Hồi giáo cổ truyền.

Từ năm 1905, xuất hiện phong trào hiến pháp nhằm thành lập quôác hội lập hiến, chia sẻ quyền hành của một triều đình bất lực và thu hồi đặc quyền dầu hỏa của nước ngoài nhưng không gây được ảnh hưởng đáng kể lên chính sách đối ngoại của Ba Tư. Vào năm 1911 sự hiện hiện quân sự của nước ngoài bắt đầu gia tăng và suốt Thế chiến I, Nga cùng Anh lại chia nhau chiếm đóng Iran để bảo vệ nguồn dầu hoả cho họ.

Vương triều mới và tây phương hóa.

Năm 1921, Reza Khan, một tướng lãnh của Lữ đoàn Cô-dắc Ba Tư dẫn đầu một nhóm sĩ quan lên nắm chính quyền. Năm 1925, ông trở thành vua mới của Ba Tư với đế hiệu Reza Shah Pahlavi và cai trị gần 16 năm. Dưới triều ông, Ba Tư thu hồi chủ quyền lãnh thổ và bắt đầu công cuộc hiện đại hóa; chính quyền trung ương tái khẳng định quyền hành đối với các tỉnh và các bộ tộc. Nhà vua đổi quốc hiệu từ Ba Tư thành Iran (có nghĩa là cao nhã, quí phái) như một biểu tượng cho nỗ lực cải cách cái xã hội cổ truyền của đất nước và chủ yếu củng cố sức mạnh của Iran nhằm chống lại sự xâm lấn của nước ngoài.

Thế nhưng trong khi xây dựng một chính quyền tập trung và hữu hiệu hơn cùng ra sức giáo dục dân chúng thì ông vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của cả ngoài nước lẫn trong nước. Ông bị các cường quốc nghi ngờ đồng thời bị các cộng đồng cổ truyền, mà ông thường đả phá, chống đối mạnh mẽ. Chương trình cải cách điền địa của ông chỉ làm nông dân mất đất và tăng thêm đất đai cho các địa chủ trong đó ông là người có nhiều đất nhất. Khi Thế Chiến II xảy ra, ông nhất quyết giữ lập trường trung lập, nhưng rồi càng ngày càng thân Đức Quốc xã nên quân Đồng Minh chiếm đóng Iran, và ông bị buộc phải nhường ngôi cho con là Muhammad Reza Pahlavi.

Trong thời thế chiến, Iran là đường tiếp liệu huyết mạch quân cụ của Đồng Minh cho Liên Sô. Sau chiến tranh là bắt đầu cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa khối phương tây dẫn đầu là Mỹ và khối cộng sản dẫn đầu là Liên Sô. Quân đội Liên Sô đóng ở miền bắc Iran chẳng những không chịu rút quân mà còn tiếp tay cho những cuộc bạo loạn của cộng sản địa phương nhằm dựng lên các chính thể thân cộng tại những khu vực phía bắc của Azerbaijan và Kurdistan rồi nhập vào Liên bang Sô viết. Chính phủ Iran phản ứng - với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc và Hoa kỳ - khiến Liên Sô phải rút quân vào năm 1946.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, vua Pahlavi đứng về phía Mỹ nhưng phong trào quốc gia của người Iran ngày càng lớn mạnh, tình cảm chống phương tây ngày càng dâng cao khiến ông không thể hoàn toàn nắm vững quyền hành. Năm 1951, cao trào của dân chúng lên tới cực điểm, Pahlavi bị buộc phải lưu vong, nhường chính quyền cho phong trào cách mạng quần chúng do Mussadeq lãnh đạo. Chính quyền mới quốc hữu hóa kỹ nghệ dầu. Nhưng chỉ hai năm sau, năm 1953, CIA Mỹ dàn dựng một cuộc đảo chính cung đình, đưa Pahlavi về lại ngôi vị hoàng đế và rồi đưa tới hiệp ước năm 1954 về dầu lửa: trên danh nghĩa dầu thuộc quyền sở hữu của quốc gia nhưng trong thực tế nó bị các tập đoàn công ti ngoại quốc quản trị, kiểm soát và khai thác.

Chuyển từ quân chủ sang thần quyền

Sự thể ấy khiến dân Iran ngày càng thêm bất mãn. Từ năm 1956 tới 1961 thường xảy ra các cuộc chống đối và đình công, khiến nhà vua phải tiến hành “Cuộc Cách Mạng Trắng” trong thập niên 1960, gồm một chuỗi những cải cách xã hội và kinh tế. Cốt lõi của cuộc “cách mạng” này là chương trình cải cách ruộng đất được guồng máy tuyên truyền quảng cáo là một dự án thành công nhất thế giới. Thực tế, chế độ quân chủ của Pahlavi vốn xem giới địa chủ là cột trụ của mình nên qui định rất cao số tiền bồi hoàn cho họ - do nông dân trả dần - và như thế, họ lại tập trung được vốn và đầu tư vào kỹ nghệ.

Bất chấp những cải cách căn bản ấy, tới năm 1963 lại nổ ra những cuộc biểu tình ở mức độ rộng lớn chưa từng có. Trước tình trạng bất ổn ngày càng tăng, nhà vua quyết khẳng định quyền hành bằng những phương pháp tàn bạo. Với chính sách ngoại giao tinh khôn, ông một mặt nghiêng hơn về phía Mỹ, một mặt ký hiệp ước với Liên Sô để đánh giật ngược vào lưng phe đối lập. Nỗ lực hiện đại hóa của ông tuy có tác dụng làm tiêu hao những giá trị của một xã hội Hồi giáo nhưng bên cạnh đó, nó đưa tới việc xây dựng tràn lan các kỹ nghệ nhỏ kém hiệu năng và do các công ti nước ngoài làm chủ khiến dân chúng càng phẩn uất thêm.

Trên bề mặt, Iran nhờ hiện đại hoá nhanh chóng nên dù sao cũng có sự tăng trưởng nhất định về kinh tế, tiến bộ về văn hoá giáo dục, có một số quyền tự do về báo chí, tư tưởng, ổn định về ngoại giao quốc tế và đạt được vai trò lãnh đạo trong khu vực nhờ chính sách ngoại giao năng động. Thành quả của Iran được đánh dấu bằng lễ đăng quang của nhà vua năm 1967 và lễ kỷ niệm 2.500 năm Đế quốc Ba Tư vào năm 1971. Thế nhưng suốt thập niên 1970, sóng ngầm vẫn âm ỉ chuyển động ở bên dưới; có tới khoảng 50.000 người đối lập bị bắt giam, tra tấn và đày ải trong các nhà giam. Các lãnh tụ đối lập bị trục xuất ra nước ngoài, trong đó điển hình là Đạo trưởng Ruhollad Khomeini.

Khomeini, sinh năm 1902, là một lãnh tụ tôn giáo và chính trị nổi tiếng của Iran. Ông đạt tới tước hiệu Ayatollah. Trong tiếng Ba tư, Ayatollah có nghĩa là dấu hiệu của thượng đế. Tước hiệu ấy chỉ có trong hệ phái Shiite - người phái Sunny không công nhận - dành cho đạo trưởng trên 40 tuổi, đạt được trình độ cao cấp nhất trong giáo dục của Shiite và được chính thức công nhận là người có thẩm quyền cắt nghĩa kinh sách Hồi giáo. Ông không chấp nhận lối sống mới mà ông cho là sa đọa, căm thù sâu sắc chính sách thân phương tây, khinh ghét nhà vua Pahlavi và ông chủ trương thành lập một nước Iran Hồi giáo. Năm 1964, ông bị trục xuất qua Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Tới năm 1978, ông sang sống lưu vong ở Paris, Pháp.

Suốt hai năm 1978-1979, nổ ra liên tiếp những cuộc biểu tình của quần chúng chống đối chính quyền và đòi hỏi phải để cho Khomeini hồi hương. Cuối cùng, vương triều sụp đổ, nhà vua phải đi lưu vong, để lại chính quyền cho thủ tướng xử lý.

Bảo căn với Cực đoan.

Vua Pahlevi và gia quyến rời Iran ngày 16.1.1979. Từ Paris, Đạo trưởng Ayatollah Ruhollad Khomeini trở về chấp chính ngày 1 tháng 2 trong khi quân đội vẫn ủng hộ thủ tướng và đụng độ với các phần tử cách mạng. Khomeini thành lập Cộng hoà Hồi giáo Iran, làm Lãnh tụ Tối cao và suốt đời của quốc gia, và tuyên bố cuộc Cách mạng Hồi giáo với Iran là một nước thần quyền, nghĩa là, một nước có hệ thống chính quyền trong đó vị thần linh [thượng đế] của tôn giáo được thừa nhận là nhà cai trị tối thượng và luật lệ tôn giáo được dùng làm luật lệ của quốc gia; trong thực tế, đó là việc quay trở lại tuân giữ các nguyên tắc bất di dịch và truyền thống lâu đời của Hồi giáo, quyền lực tối thượng được đặt trong tay hàng tăng lữ. Thực hiện chủ trương đó, Khomeini bổ nhiệm tân thủ tướng và chỉ trong hai ngày, quân đội phải đầu hàng cách mạng.

Chính phủ mới bắt đầu chương trình quốc hữu hóa các công ti bảo hiểm, ngân hàng, các cơ sở kỹ nghệ bất kể chủ nhân là người trong nước hoặc người nước ngoài. Sản lượng dầu sụt giảm vì tình hình chính trị bất ổn. Bất chấp những phản kháng của phía đối lập, Khomeini đẩy mạnh chương trình phục hưng Hồi giáo. Ông thúc giục phụ nữ đeo mạng che mặt, cấm uống ruợu, cấm những nơi nam nữ tắm chung, cấm âm nhạc trên đài phát thanh và đài truyền hình và tuyên bố âm nhạc “không khác gì thuốc phiện”. Khắp đất nước Iran đâu đâu cũng thấy treo hình của Khomeini.

Chiếm đóng Sứ quán Hoa kỳ.

Ngày 4.11.1979, các chiến sĩ sinh viên Cách mạng Hồi giáo chiếm Toà đại sứ Hoa kỳ ở thủ đô Teheran, bắt 66 nhân viên làm con tin và tạo thành một cuộc khủng hoảng quốc tế. Khomeini từ chối mọi lời thỉnh cầu, kể cả cuộc bỏ phiếu nhất trí của Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu phóng thích lập tức các con tin. Thái độ thù nghịch của Iran đối với Mỹ lại gia tăng mạnh thêm khi chính quyền của TT Jimmy Carter tẩy chay hàng hóa Iran, trục xuất sinh viên Iran đang du học Mỹ, chấm dứt quan hệ ngoại giao, và sau cùng, cho lính đổ bộ vào tháng 4.1980 để giải thoát con tin, nhưng thất bại.

Khi sắp kỷ niệm một năm ngày chiếm đóng Toà đại sứ Mỹ, Khomeini và những người theo ông vẫn cương quyết giữ các điều kiện ban đầu: Mỹ phải cam đoan không can thiệp vào các vấn đề của Iran; hủy bỏ những đòi hỏi bồi thường thiệt hại của Mỹ đối với Iran; giải toả 8 tỉ Mỹ kim của Iran mà Mỹ phong toả; công khai xin lỗi nhân dân Iran; và sau cùng, trao lại những tài sản của hoàng gia trước đây. Hầu hết các điều kiện ấy được Mỹ đáp ứng; tới ngày 20.1.1980, 52 con tin Mỹ được phóng thích (trước đó đã thả rải rác một ít), chấm dứt cuộc chiếm đóng kéo dài 444 ngày. Cuộc bắt giữ này khiến Carter lâm vào thế yếu trong cuộc tranh cử tổng thống năm đó và thất cử.

Vụ Iran-Contra.

Năm 1985, Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ bắt đầu tập trung chú ý vào vụ Trung tá Oliver North tiến hành bán vũ khí cho Cộng hoà Hồi giáo Iran qua Israel. Các vũ khí ấy được chuyển đến tay quân khủng bố ở Liban để đổi lấy việc thả các con tin phương tây đang bị bắt giữ ở Beirut và Lebanon. Tiền do vũ khí mang lại sẽ được dùng cho những công tác của Mỹ đang hỗ trợ tổ chức Contra ở Nicaragua tiểu trừ quân du kích cộng sản. Hành động này bất hợp pháp, không được quốc hội cho phép và đi ngược lại chính sách công khai của chính quyền Reagan. Năm 1986, thượng nghị viện Mỹ khởi sự điều tra, khám phá nhiều chi tiết nhưng không thể chứng minh rằng TT Reagan hoặc phó TT Bush có can dự hay không. Cuối cùng, trung tá North và bạn đồng sự là John Poindexter bị kết tội lừa dối quốc hội, nhưng sau đó, cả hai kháng án và lời buộc tội ấy bị đảo ngược. Vụ này tạo khủng hoảng trong dư luận quần chúng Mỹ về việc tín nhiệm chính quyền, suýt làm Reagan và Bush bị bất tín nhiệm như Nixon trong vụ Watergate và suýt thất cử nhiệm kỳ hai.

Chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988).

Tính từ sau Thế chiến II thì đây là một trong những cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ, tốn tiền nhất (350 tỉ MK) và đổ máu nhất (trên 500.000 người chết, một triệu người bị thương). Lý do chiến tranh là vì thủy lộ Shatt-al-Arab, chỗ hợp lưu của hai con sông Euphrates và Tigris, làm thành lối ra độc nhất của Iraq với Vịnh Ba Tư.

Theo Thỏa ước Alger năm 1975, Iran được dành cho khoảng 518 cây số dọc thủy lộ đổi lại Iran phải thôi hỗ trợ dân Kurd nổi loạn tại Iraq. Nhân cơ hội tình hình Iran năm 1979 xáo trộn vì chính trị và cách mạng, qua năm 1980, Saddam Hussein của Iraq xua quân xâm lấn Iran. Saddam không chỉ đòi hỏi xét lại đường ranh giữa hai nước mà còn buộc Iran phải trả lại 3 hòn đảo ở eo biển Hormuz mà Iran chiếm giữ từ năm 1971 và phải cho các sắc tộc thiểu số ở Iran được quyền tự trị.

Vào tháng 9.1980, nhờ ưu thế quân bị, Iraq đạt được kết quả lúc đầu ở vùng Abdan nhưng Iran kháng cự mãnh liệt và tới tháng 5.1982 thì phản công, chiếm lại cảng Khorramshahr. Từ năm 1984 tới năm 1986 quân đội Iran thậm chí còn chiếm được vài vùng lãnh thổ Iraq. Đôi bên đều xem đây là thánh chiến trong đó mọi binh sĩ tử trận đều được lên thiên đàng ngay vì họ tử vì đạo, trong khi theo kinh điển, các tín đồ Hồi giáo bình thường phải chờ tới ngày tận thế mới được phán xét công và tội. Iran còn thậm chí đưa hàng ngàn trẻ em đi bộ qua các bãi mìn để phá mìn, vì các trẻ nhỏ ấy nếu có tử trận cũng sẽ được lên thiên đàng ngay. Chiến tranh ngày càng tiêu hao và cuối cùng, mệt mỏi vì chiến cuộc kéo dài, cả hai chấp nhận ngưng bắn theo một nghị quyết của LHQ. Trên thực tế, lúc ấy Saddam Hussein cần sự ủng hộ của Iran trong khi tiến hành xâm lăng Kuwait nên tuyên bố chấp nhận trở lại Thỏa ước Alger, trao trả tù binh và rút hết lính Iraq trên đất Iran về.

Tám năm chiến tranh mỗi bên không mất cũng như không được thêm một tấc đất nào nhưng bù lại chính quyền đôi bên đều có lợi trong việc củng cố chế độ độc tài của mình, duy trì đội ngũ quân đội và hợp pháp hóa những hành động khủng bố tàn khốc các phần tử đối lập và các nhóm thiểu số.

Cực đoan đưa tới mâu thuẫn.

Chiến tranh gây ra những thiệt hại kinh tế lớn lao nhưng hệ thống thần quyền của Iran vẫn viện cớ tình trạng khẩn cấp của quốc gia để tiếp tục chính sách toàn trị hà khắc. Thí dụ việc áp dụng luật lệ nghiêm khắc của Hồi giáo khiến mỗi năm có hàng ngàn người bị hành quyết vì những tội như phê bình chính quyền cũng như có khuynh hướng “quỉ dữ Satan”, báo chí bị kiểm duyệt tối đa, dân chúng không được sinh hoạt chính trị, v.v...Trong khi đó, đối với Hồi giáo, các cải cách kinh tế, giáo dục và luật pháp thì toàn diện và tương đối có hệ thống nhưng các cải cách kinh tế thì chỉ gắn bó với Hồi giáo một cách hình thức hơn là thực chất: thí dụ, theo Thiên kinh Koran thì cấm ngân hàng tính lãi suất nhưng thay vào đó, người ta tính tiền hoa hồng cao gấp bội. Kinh tế thay vì tiến triển nhờ cải cách toàn diện lại lâm vào tình trạng hổn loạn và suy sụp.

Vấn đề quan trọng hơn hết là sự dị biệt về bản chất và cứu cánh của chính trị và tôn giáo. Chính trị với những qui luật cá biệt của nó đòi hỏi phải có chính khách chuyên nghiệp và quyền biến, khác xa tính cách cực đoan và cứng nhắc của giới tăng lữ. Tôn giáo đặt trên đức tin tuyệt đối và giới luật triệt để trong khi chính trị là một khoa học với những thủ thuật vận dụng tùy giai đoan. Thêm nữa, trong khi tôn giáo thường bất bao dung, ưu đãi tín đồ theo hệ phái của mình thì đối tượng của chính trị là toàn thể quốc dân. Bên cạnh đó, pháp chế và việc hành xử luật pháp quốc gia không nhất thiết phải rập khuôn với giới luật cứng nhắc của một tôn giáo dù nó được chọn làm quốc giáo.

Ngày nay, người ta không thể phát triển xứ sở như một ốc đảo cô lập với thế giới bên ngoài và các trào lưu tư tưởng mới. Dân chúng Iran dù sao đi nữa cũng đã từng sống mấy chục năm dưới một vương triều với các chương trình hiện đại hoá, tây phương hoá và được hưởng ít nhiều một số dân quyền cơ bản. Có thể ban đầu, vì nhiệt tình ái quốc và lòng thù hận phương tây, thanh niên nam nữ cùng trí thức chấp nhận thần quyền nhưng rồi họ cảm thấy tù túng ngột ngạt và muốn được sống trong một xã hội phóng khoáng và thời thượng hơn, đặc biệt nữ giới muốn nữ quyền được tôn trọng. Như thế, càng ngày càng gia tăng những xung khắc giữa thần quyền và thế quyền, giữa trí thức và tăng lữ, giữa các chính khách và các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như giữa các tôn giáo và giữa các thế hệ.

Vi phạm trầm trọng quyền con người.

Việc lãnh đạo đất nước thiếu bao dung, không uyển chuyển vì bên trên chính phủ của tổng thống dân cử là một Thượng Hội Đồng gồm các tăng lữõ ưu tuyển; họ bầu Khomeini làm nguyên thủ quốc gia, có uy quyền tối thượng, kể cả việc xem xét chính quyền có vi hiến hoặc vi phạm sách thánh Koran và kinh điển Hồi giáo (Sharia) hay không, cũng như có quyền bất tín nhiệm các nhân vật tham chính.

Từ năm 1979 tới nay, các tổ chức như Hội Ân Xá Quốc Tế, Hội Quan Sát Nhân Quyền, và đặc biệt Quốc hội Hoa kỳ đã nghiêm khắc tố cáo chế độ thần quyền của Iran vi phạm trầm trọng hầu hết các quyền của con người, như:

- khủng bố đối lập
- giam giữ những phần tử chống đối và tra tấn cho tới chết mà không xét xử
- kỳ thị nam nữ, tôn giáo, sắc tộc
- đốt phá toà soạn, bắt giam ký giả
- hạn chế cực độ các quyền tư do đi lại, báo chí, lập hội, tín ngưỡng
- không để cho nhân viên của Cao ủy Nhân quyền LHQ vào quan sát
- khủng bố và sát hại ký giả nước ngoài, v.v...

Giải Nobel Hoà bình 2003 được trao cho Shirin Ebadi, một nữ luật sư tại Teheran như một bằng chứng cho sự đấu tranh nhân quyền của dân chúng và sự đàn áp của chính quyền thần quyền Iran.

Không những nghiêm khắc với dân chúng trong nước, Ayatollah Khomeini còn quyết liệt đối với người nước ngoài nào dám đụng chạm tới Hồi giáo. Năm 1989, Khomeini ra thánh lệnh với giải thưởng 2.8 triệu MK cho kẻ nào hạ sát Salman Rushdie, một văn hào được giải Nobel văn chương, vì đã dám viết cuốn “Vần Thơ Của Quỉ” trong đó có những đoạn xúc phạm tới Hồi giáo. Mười bốn năm sau, 2003, Rusdhie không những đã không được xóa án mà còn bị Vệ Binh Cách Mạng của Iran, qua Ayatollah Hassan Saneii, tăng giá cái đầu của ông lên 3 triệu MK.

Tới năm 1988, tổng thống Rafsanjani, một chính khách uyển chuyển và thựïc dụng, thuyết phục được Khomeini tiến hành ôn hoà cẩn trọng hơn và nới rộng chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Tuy thế, giới lãnh đạo tôn giáo bảo thủ vẫn còn ảnh hưởng cực lớn, nhất là trong guồng máy cảnh sát và tòa án. Họ tiếp tục ủng hộ các tổ chức khủng bố như Hamas và Hezbollah - vốn vẫn được thế giới Hồi giáo xem là những tố chức giúp giải phóng Palestine - cũng như ủng hộ các khuynh hướng Hồi giáo bảo căn khác.

Trong khi đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng nghèo đói tổng quát trong dân chúng đang lan tràn, đưa tới hàng loạt những cuộc biểu tình năm 1992 khiến nhà nước không thể tiếp tục kềm chặt dân chúng theo luật lệ của Hồi giáo của phía bảo thủ và áp dụng chính sách đàn áp nghiêm khắc như lúc mới bắt đầu cuộc Cách mạng Hồi giáo.

Lại nhìn về phương tây.

Khomeini qua đời năm 1989, Thượng Hội Đồng bầu con trai của ông là Khomenei, sinh năm 1939, lên kế vị chức Lãnh tụ Tối cao và suốt đời. Tới đầu năm 1991, cuộc Cách mạng Hồi giáo có vẻ giảm rất nhiều tính hiếu chiến. Nhằm khôi phục nền kinh tế trì trệ, tổng thống Rafsanjani áp dụng những biện pháp tản bớt hệ thống tập trung quyền hành và đưa Iran vào cơ chế kinh tế thị trường. Tìm kiếm mối quan hệ hữu hảo hơn với phương tây và hi vọng vào tiền đầu tư của nước ngoài, Iran bắt đầu lại hướng mặt về cộng đồng châu Âu.

Cuộc bầu cử tổng thống ngày 23.5.1997 đưa Mohammad Khatami lên làm vị tổng thống thứ năm của Cộng hoà Hồi giáo Iran. Khatami cũng là một đạo trưởng, sinh năm 1943, học tại Qom, Isfahan và Teheran. Ông có vợ và hai con. Trước 1979, ông hoạt động tích cực trong phong trào chống đối và lật đổ vua Pahlavi. Sau ngày cách mạng, ông làm trưởng Trung tâm Hồi giáo tại Đức rồi đắc cử vào quốc hội năm 1980. Từ năm 1982 tới năm 1992, ông làm bộ trưởng văn hoá; trong cuộc chiến tranh với Iraq, ông chỉ huy một số đồn bót. Năm 1992, ông được chỉ định làm cố vấn văn hoá cho tổng thống. Chiến thắng của ông với 70% tổng số phiếu làm kinh ngạc những phần tử tăng lữ bảo thủ. Ông hết lòng ủng hộ sự tự do về chính trị lẫn xã hội và nỗ lực khai thông mối quan hệ thân thiện hơn với phương tây; thế nhưng cuộc hành trình của ông nhằm giải toả những luật lệ khắc nghiệt của giới tăng lữ bảo thủ đang lãnh đạo xứ sở đặt ông vào vị thế thù nghịch với Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Khomenei. Khatami từng tượng trưng niềm hi vọng đổi mới của Iran; hình của ông thường được thanh niên nam nữ quí trọng để trong ví và mang theo bên mình.

Những thay đổi chấn động trong môi trường đã tác động mạnh mẽ lên quốc hội Iran. Trong cuộc bầu cử nghị sĩ tháng 2.2000, các ứng cử viên cải cách chiếm đa số ghế của một quốc hội vốn bị các tăng lữ bảo thủ khống chế từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Quốc hội Iran mới với các nghị sĩ cải cách mạnh mẽ chống đỡ cho tổng thống Khatami và những nổ lực tái cấu trúc quốc gia thành một “nước dân chủ Hồi giáo và đa nguyên”. Khatami uyển chuyển đi dây ở giữa các nhóm sinh viên và thành phần trí thức cấp tiến đang áp lực ông phải tiến tới nền tự do một cách táo bạo hơn, và giới quân sự Iran cùng giới tăng lữ bảo thủ trong đó có cả Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Khomenei, người ngày càng tỏ ra thiếu kiên nhẫn trước những biện pháp tự do hoá của tổng thống Khatami.

Trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội tháng 6.2001, nhân dân Iran lại biểu lộ sự nồng nhiệt ủng hộ Khatami. Ông tái đắc cử tổng thống với 77% số phiếu, đồng thời phía cải cách lại thêm lần nữa chiếm đa số trong quốc hội. Ông lập tân nội các với 20 tổng bộ trưởng có lập trường ôn hoà khiến thất vọng các thành phần cấp tiến muốn ông cải tiến mạnh bạo hơn. Kể từ năm 2002, lại bắt đầu và ngày càng gia tăng những đụng chạm giữa thành phần cải cách và thành phần bảo thủ.

Iran trong thế trận mới của Mỹ.

Cuộc đấu tranh giữa phía thần quyền và phía dân quyền ở Iran chưa ngã ngũ thì xảy ra biến cố 11.9 tại New York. Iran hợp tác với quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố, bắt giữ và chuyển giao cho Hoa Kỳ những thành phần tình nghi thuộc tổ chức al-Qaeda đồng thời giúp đỡ Afghanistan phục hồi hoà bình sau khi tả tơi vì cuộc chiến. Sự việc đang diễn ra thuận lợi thì tới tháng 1.2002, George Bush, tổng thống Hoa kỳ lại bất thần cáo giác và nêu đích danh Iran là thành phần của “Trục Ma quỉ” chung với Bắc Hàn và Iraq. Rõ ràng vị tổng thống bá đạo và hiếu chiến của Mỹ đã cố tình không đếm xỉa tới những nỗ lực của chính quyền Iran và làm trầm trọng thêm ác cảm chống Mỹ của nhân dân Iran.

Trong cuộc chiến Mỹ-Iraq, Iran cũng như các nước Hồi giáo khác không ủng hộ việc động binh của Mỹ nhưng cũng không phản đối quyết liệt vì Saddam Hussein vốn là cựu thù của Iran, các nhân vật đối lập Iraq thường được Iran tạm dung suốt hơn hai mươi năm nay và 65% dân Iraq cùng hệ phái Shiite với dân Iran. Thế nhưng, khi tiếng súng trên chiến trường tạm lắng thì phe diều hâu trong Lầu Năm Góc lại chĩa mũi dùi về phía Iran. Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld cáo giác Iran đã can thiệp vào chiến tranh Iraq bằng cách để cho hàng trăm chiến binh Hồi giáo Shiite đặt căn cứ tại Iran, vượt biên giới sang tham chiến ở Iraq. Dĩ nhiên Iran phản bác. Ngoại trưởng Kharrazi của Iran còn mạnh dạn tuyên bố rằng nước ông không lo ngại chút nào việc Mỹ có thể lấy Iran làm đối tượng động binh sắp tới. Chính thủ tướng Anh Tony Blair cũng thừa nhận rằng không có việc Iran xen vào các vấn đề Iraq.

Như để châm thêm dầu vào lửa, Do Thái tuyên bố Iran phải chịu trách nhiệm về cuộc đánh bom cảm tử vào một ga xe lửa của Israel vào giữa tháng 4.2003, làm chết và bị thương hơn 12 người Do thái. Tình báo Israel tố cáo rằng chính Vệ Binh Cách Mạng của Iran đã huấn luyện và tài trợ cho người Palestin đánh vụ bom tự sát đó. Trong khi thủ tướng Sharon của Israel kêu gọi phải hành động nhằm làm “thay đổi chế độ” tại Iran vì theo ông: “Bảy mươi phần trăm nhân dân Iran đang thật sự sẵn sàng chấp nhận thay đổi chế độ.

Trước đây họ đã nếm mùi tự do và văn hoá Tây phương, nay họ đang khao khát những cái đó”, thì Hoa kỳ lại kết án Iran là nước vi phạm nhân quyền từ hơn 20 năm nay, đang sở hữu vũ khí tàn sát tập thể và đang xây dựng nhà máy nguyên tử tại miền nam Iran với một chương trình bí mật sản xuất bom nguyên tử. Để làm dịu tình hình, Pháp phải nhập cuộc, thúc giục Iran chấp nhận các thanh tra của LHQ vào Iran kiểm tra.

Quan hệ Iran và Hoa kỳ căng thẳng trở lại nhưng người ta cho rằng Mỹ sẽ không dám đánh Iran vì Iran là nước Hồi giáo hàng đầu ở Trung Đông, có tới 70 triệu dân và sẵn sàng quyết tử. Các nhà bình luận chính trị quốc tế cho rằng Mỹ chỉ hăm dọa cốt để ép cho Iran chấm dứt việc che chở các tổ chức khủng bố, chấp nhận sách lược mới của Mỹ tại Trung Đông và nhất là không ủng hộ những mưu toan nhằm thành lập một chế độ thần quyền của người Hồi giáo Shiite tại Iraq.

Nhưng dù với ý đồ nào đi nữa, lập trường của Mỹ vẫn gây ra nhiều tác hại cho Iran. Nó khích động tình cảm chống Mỹ tại Iran lên cao hơn, giúp cho phía thần quyền Hồi giáo bảo thủ chiếm thế thượng phong, gây sức ép lên phía dân quyền, và như vậy, khiến Iran sẽ bất ổn hơn, gặp khó khăn nội bộ hơn trên con đường hiện đại hoá, cải cách tiến tới dân chủ đa nguyên và đón nhận đầu tư của phương Tây. Trong khi đưa cao chiêu bài dân chủ hoá các nước Hồi giáo thì chính Hoa Kỳ lại tạo trở ngại cho nỗ lực dân chủ của nhân dân và các thành phần tiến bộ tại Iran.

Thực tế từ hai năm nay đã chứng minh tính xác thực của lập luận trên. Tình trạng này càng sa lầy của Hoa Kỳ tại Iraq đã góp phần tạo thành một giai đoạn bất ổn mới tại Iran. Một bên Mỹ cần đối tượng để đổ lỗi phần nào cho thất bại của họ tại Iraq. Mỹ cho rằng Iran đang phát triển vũ khí nguyên tử và là nơi cho các phần tử al-Qaeda ẩn náu.

Thần quyền Iran cũng đang cần có kẻ thù ngoại bang để có lý do bảo vệ cho sự độc tôn của họ và trấn áp các cá nhân, các phong trào đòi cải tổ hoặc đấu tranh cho tự do dân chủ. Vào tháng 6.2003, các Vệ binh Hồi giáo có trang vũ trang sách nhiễu các sinh viên tổ chức và tham gia các cuộc biểu tình đòi hỏi dân chủ tại thủ đô Teheran và các thành phố khác. Trong cuộc bầu cử ngày 20.2.2004, những người bảo thủ khống chế Thượng Hội Đồng đã loại trừ 2.400 ứng cử viên chủ trương cải cách. Ngày 22.5.2005, Thượng Hội Đồng lấy 6 ứng cử viên trong số 1.014 người ứng cử chức vụ tổng thống.

Thị trưởng Teheran, Mahmoud Ahmadinejad, một người thuộc phe bảo thủ tôn giáo tranh cử như một người cải cách kinh tế đã đánh bại cựu tổng thống Hashemi Rafsannaji trong vòng bầu cử chung kết ngày 24 tháng Sáu. Từ đó, việc vi phạm quyền con người ngày càng diễn ra tồi tệ hơn trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc.

Tháng 9 năm 2005, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế thông qua một nghị quyết đòi hỏi Iran phải tường trình cho Hội đồng Bảo an LHQ về việc không thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế mục đích hòa bình của chương trình hạt nhân của mình. Phía Iran tuyên bố việc họ làm giàu Uranium chỉ nhằm mục đích hòa bình là cung cấp năng lượng chứ không phải để phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, sự kiện Iran không chịu ngưng việc làm giàu Uranium theo đúng thời hạn của Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra là tháng 8 vừa qua khiến Hội đồng đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt Iran. Nhất là sau vụ Bắc Hàn thử bom hạt nhân đầu tháng 10.2006 và lời tuyên bố ủng hộ Bắc hàn của tổng thống Iran. Người ta sợ rằng việc Iran có bom hạt nhân sẽ là một thành tố tạo nên cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân của các nước tại Trung Đông, và chỉ có trời mới biết điều gì sẽ xảy ra nếu chẳng may bom hạt nhân nằm trong tay các phần tử cực đoan quá khích thích tự xưng là Hồi giáo bảo căn.

Thay lời kết

Trọng tâm của bài này là về vấn đề vi phạm nhân quyền tại Iran cùng những nguyên ủy và hệ lụy của nó. Một số báo chí Anh Mỹ cho rằng cuộc xung đột hiện nay giữa phương tây và Hồi giáo có tính cách tôn giáo và văn hoá.

Thật ra những nhân tố đưa tới cuộc xung khắc và thành kiến ấy có nguồn gốc từ lòng yêu nước rồi bị khắc sâu thêm bởi dị biệt văn hoá và khích động thêm bởi cực đoan tôn giáo. Tất cả đều có nguyên ủy của chúng trong quá trình lịch sử: suốt mấy thế kỷ vừa qua, các nước phương tây xử dụng chiêu bài khai-hóa văn-minh để cướp bóc tài nguyên của thuộc địa, cùng với những khuynh đảo chính trường các nước nhỏ nhằm tạo thế đối cực trong cuộc Chiến Tranh Lạnh của Âu Mỹ.

Và thêm nữa, hiện nay Hoa Kỳ đang tự cho mình có sứ mạng dân chủ hoá thế giới, mà thực chất chỉ là sắp xếp lại trật tự thế giới vì quyền lợi ưu tiên của Mỹ.

Iran là một chứng minhï điển hình cho luận cứ ấy. Iran cũng chứng tỏ rằng trong thời đại này, việc áp dụng chế độ thần quyền chẳng những không thích hợp mà còn cô lập xứ sở, làm hại tới dân quyền và tác hại cho sự đoàn kết của nhân dân và gây bất ổn cho quốc gia cùng tạo lý do can thiệp cho các thế lực ngoại lai.

Một điều đáng buồn hơn nữa là lúc Iran đang vật vã trong cuộc tranh đấu giữa thần quyền cực đoan và dân chủ đa nguyên thì những hăm dọa của tổng thống Bush và Lầu Năm Góc lại khiến phía dân quyền của Iran lâm vào một tình cảnh khắc nghiệt, phải đấu tranh khôn khéo hơn, cam go hơn và chịu nhiều tổn thất hơn.

NGUYỄN ƯỚC.



Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh