Theo y học cổ truyền đường kinh túc thiếu âm Thận có 27 huyệt, Dũng tuyền là huyệt số 1 tức huyệt tỉnh của đường kinh này. Được coi là một trong tam tài huyệt:
1. Bách hội (thiên), gọi là Thiên tài.
2. Đản trung (nhân), gọi là Nhân tài.
3. Dũng tuyền (địa), gọi là Địa tài.
Vị trí huyệt Dũng tuyền
Dũng có nghĩa là vọt ra, tràn lên; còn Tuyền là suối, là nguồn. Dũng tuyền ý muốn nói huyệt nằm dưới lòng bàn chân như một dòng suối, đồng thời lại là nơi tàng chứa chân dương ở phía dưới của tạng thận. Thận chủ thủy nên nơi đây tựa như một "nguồn nước chảy vọt ra, tràn đầy sức sống".
Công dụng huyệt: Đặc trị hư hỏa và giáng khí nghịch.
Chủ trị: Ho, đau họng, nhức đầu, hoa mắt, huyết áp cao, bí tiểu, trẻ em kinh giật.
Vị trí huyệt: Chỗ lõm giữa 2 khối cơ gan chân trong và gan chân ngoài. Lấy huyệt trong chỗ lõm trong gan bàn chân, ở điểm tiếp nối 2/5 trước và 3/5 sau từ đoạn đầu ngón chân 2 đến bờ sau gót chân.
Theo võ thuật cổ truyền thì khi điểm trúng huyệt Dũng tuyền sẽ tổn thương đến khí tại Đan điền, khí không thể thăng lên được, phá khinh công.
Thủ thuật: Mỗi ngày cần day ấn 2 lần: Buổi tối trước khi đi ngủ và sáng sớm khi vừa tỉnh giấc, dùng hai tay xát nhẹ hai gan bàn chân chừng vài phút cho nóng lên hoặc dùng dầu nóng hay rượu thuốc võ xoa cho nóng lên rồi dùng 2 ngón tay cái day ấn trên 2 huyệt Dũng tuyền, day từ nhẹ đến mạnh và thuận theo chiều kim đồng hồ trong vòng 5 – 10 phút. Nếu cùng lúc day ấn hai huyệt bằng hai tay khó thao tác thì ta làm từng bên một vậy. Kết quả điều trị các bệnh trên thật tuyệt vời.
Ngâm chân nước nóng, đắp thuốc huyệt Dũng tuyền, mang vớ khi đi ngủ là những liệu pháp dân gian ứng dụng cơ chế này. Các bạn nên thực hành phương pháp này vì không những có giá trị chữa bệnh cao mà còn có tác dụng phòng bệnh rất tốt cho mọi người.
Để có trọn niềm tin vào việc áp dụng huyệt Dũng tuyền trị bệnh, chúng tôi xin được trình bày thêm về Hư hỏa và Đan điền.
* Hư hỏa:
“Dương thường hữu dư, âm thường bất túc” nghĩa là phần dương trong cơ thể con người thường dư mà phần âm thường bị thiếu. Thiếu âm nên dương bốc lên gọi là “Hư hỏa”, còn gọi là “Âm hư hỏa vượng” gây ra các chứng bệnh như: Ho, đau họng, nhức đầu, hoa mắt, huyết áp cao, bí tiểu, trẻ em kinh giật.
Khi âm dương quân bình thì con người khỏe mạnh. Nếu do “Hư hỏa” gây bệnh thì ngoài việc uống thuốc bổ âm để dẫn hỏa quy nguyên, ta day ấn huyệt Dũng tuyền như hướng dẫn trên để trị liệu.
Ngoài ra, cần gìn giữ tinh thần an lạc vì “thần tĩnh tức âm sinh” một vai trò quan trọng trong cuộc sống. Luyện tập thể dục, võ dưỡng sinh, Dịch cân kinh với nguyên tắc “thượng hư hạ thực” thường bao gồm các động tác như xuống tấn, thót bụng, buông lỏng phần vai, tập trung khí lực tại Đan điền… đều nhằm làm cho khí trầm Đan điền, chính là “dẫn hỏa quy nguyên” nên là những cách trị liệu rất tốt đối với các chứng “Hư hỏa”.
* Đan điền
Đan điền là thuật ngữ trong y học, võ thuật, dưỡng sinh dùng để chỉ một vài trung tâm khí lực hay là các huyệt đạo trên cơ thể con người. Có ba bộ vị được gọi là Đan điền:
1. Thượng Đan điền: Trùng với huyệt Ấn đường, còn gọi là “Đan điền thần”.
Vị trí: Ở điểm giữa hai đầu trong lông mày.
2. Trung Đan điền: Trùng với huyệt Đản trung, còn gọi là “Đan điền khí”.
Vị trí: Ở điểm gặp nhau của đường dọc giữa xương ức với đường ngang qua 2 núm vú (nam) hoặc đường ngang qua bờ trên khớp ức sườn 5 (nữ).
3. Hạ Đan điền: Trùng với huyệt Khí hải, con gọi là “Đan điền tinh”.
Vị trí: Dưới rốn 1,5 thốn, trên đường dọc giữa bụng.
Khi Đan điền được chủ động kích hoạt, bộ vị của nó hoàn toàn nằm ở giữa và phía trên bụng dưới./.
Lương y - Võ sư NGUYỄN TẤN XUÂN
(GĐ Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng Võ thuật M.C)
* * *
mmm