TÔN NỮ CÒN BUỒN
Sáng tác: Trầm Tử Thiêng
Ca sĩ: Như Quỳnh
* * *
TÌNH SỬ MỸ KHÊ
Nguyên Thu
Tại kinh đô Huế, vị vua thứ 12 của nhà Nguyễn, vua Khải Định trị vì từ năm 1916 đến 1925. Khi vua cha mất, Vĩnh Thuỵ chỉ mới 12 tuổi và đang học ở Pháp. Vĩnh Thụy về nước năm 1932 lúc 19 tuổi chính thức cai trị đất nước, lấy niên hiệu Bảo Đại, vị vua thứ 13 và cũng là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Vốn từ nhỏ đã ở bên Pháp, Bảo Đại đã thổi một luồng sinh khí mới trong chốn triều đình cũng như ngoài dân gian. Giai đoạn này Tây học đã lan truyền và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi đất Thần Kinh cổ kính đã bao phen giật mình xao động với những mối tình yêu đương rất lãng mạn.
Lúc bấy giờ quan Thượng Thư bộ Hộ từ triều vua Khải Định có hai người con gái xinh đẹp. Cô chị hai mươi tuổi, quan Thượng gả cho người con trai cả của một vị quan đương triều thuộc hoàng tộc. Con rể của ông, Bửu công tử có vai bậc ngang với vua Khải Định, không màng lợi danh, chỉ thích cầm kỳ thi hoạ, lại đa tình lãng mạn, nên đã làm khổ con gái của ông không ít. Người con gái thứ hai thua chị năm tuổi và cũng đã qua tuổi cập kê. Lần này quan Thượng suy nghĩ chín chắn, không dám nhắm vào các công tử thơ văn lưu loát vì e ngại đứa em sẽ khổ như chị.
Sông Hương
Từ ngày chị xuất giá, căn nhà trở nên vắng lặng, tiểu thư Hương Bình thiếu người trò chuyện tâm sự. Nàng 17 tuổi, dáng người nhanh nhẹn, mái tóc đen buông dài che tấm lưng thon yêu kiều. Nàng có đôi mắt bồ câu long lanh, trong sáng, dịu dàng thật đáng yêu. Chân nàng như chân sáo, ưa nhảy nhót, thích sống động chứ không khoan thai, ẻo lả như chị của nàng. Như thường lệ, sáng nay tiểu thư Hương Bình vào thư phòng của cha để lau chùi bàn ghế và sắp dọn những giấy tờ mà cha nàng đêm đêm bận rộn làm việc. Lẫn lộn trong đống giấy tờ ngổn ngang, bỗng nhiên nàng bắt gặp một bài thơ với nét chữ mềm mại, lả lướt. Nàng cầm bài thơ lên đọc và nhận ra đây là bài thơ của Trương Quang Công tử - đồ đệ của cha nàng. Thỉnh thoảng nàng được nghe cha nhắc nhở thơ văn bay bướm của chàng, nàng thoáng đem lòng thương nhớ vu vơ dù chưa một lần gặp mặt.
Tiểu thư Hương Bình chưa một lần biết đến tình yêu. Cuộc sống của nàng kín cổng cao tường, nhân duyên là do cha định đoạt. Nàng tự hỏi những rung động vu vơ kia phải chăng là tình yêu! Nàng băn khoăn suy nghĩ, hình dáng, nét mặt, phong cách của chàng thế nào? Phải chăng đây là hậu duệ của ngài Trương Đăng Quế lẫy lừng thuở xưa! Người đã được trọng dụng tín cẩn qua bốn đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, và Tự Đức; người đã được vua Thiệu Trị trọng nể, gả công chúa vào làm dâu nhà ông!
Chiều lại, quan Thượng đi làm về. Một lúc sau người hầu vào báo tin có công tử Trương Quang xin diện kiến quan Thượng. Tiểu thư Hương Bình giật mình nhìn ra cửa. Chàng đó sao, dáng thư sinh cao, trắng trẻo, thông minh. Người hầu đưa chàng vào thư phòng ngồi chờ quan Thượng và đi sửa soạn pha trà mời khách. Tiểu thư Hương Bình nhanh nhẹn đón khay trà từ tay người hầu “Để ta”. Tiến đến bộ tràng kỹ, nàng đưa mắt tinh nghịch nhìn công tử Trương Quang. Bắt gặp tia mắt long lanh với làn môi thoáng nụ cười của tiểu thư xinh đẹp, chàng công tử hơi khựng người và vội lảng nhìn chỗ khác. Nàng nhẹ nhàng rót trà mời chàng cũng vừa lúc quan Thượng đi vào…
Và kể từ đó, thỉnh thoảng công tử Trương Quang lại đến viếng thăm cha nàng. Qua vài lần gặp gỡ, giữa hai người tuy chưa dám cùng nhau trò chuyện, nhưng quả là “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Nhưng đến một hôm, quan Thượng đi làm về với vẻ mặt tươi vui hơn mọi ngày. Trong giờ cơm, ông vui vẻ nói chuyện với vợ và con gái.
- Một quan võ trẻ tuổi trong triều đình đã để ý đến Hương Bình. Ta cũng rất thích người này. Nay mai hai bên sẽ bàn bạc về chuyện xuất giá của con.
- Thưa cha, con… Tiểu thư Hương Bình ngập ngừng.
Nàng lặng người suy nghĩ “ta phải làm gì đây, ta đã yêu công tử Trương Quang rồi mà”. Chiều hôm đó, công tử Trương Quang đến thăm quan Thượng lần cuối trước khi trở lại quê nhà. Khi đưa chàng ra cổng, nàng nói vội “5 giờ sáng mai chàng chờ em trước cổng”. Chàng công tử sửng sốt muốn hỏi, nàng chỉ nhẹ lắc đầu. Thế rồi tiểu thư Hương Bình biệt tích!
Cầu Trường Tiền
Thời gian đầu cả nhà quan Thượng nhốn nháo tìm nàng. Nhưng rồi, một năm, hai năm, mười năm tiểu thư Hương Bình vẫn bặt tăm. Quan Thượng đau buồn nghĩ ngợi suốt đời ông chỉ là một vị quan thanh liêm mà sao hai người con gái của ông không may mắn. Người con gái đầu đã khổ sở vì người chồng tài hoa “cầm kỳ thi hoạ”, đa tình lãng mạn, đã dan díu với không biết bao nhiêu nàng hầu. Đã thế mà còn tiêu xài xa hoa! Con rể của ông có lần đã mua một chiếc xe hơi chỉ để lấy bộ máy gắn vào chiếc ca-nô để cùng đua với ngài Vĩnh Thuỵ (vai thấp hơn con rể của ông một bậc và trẻ hơn hai chục tuổi nên lúc nào hai người cũng xưng hô với nhau là chú cháu). Cuộc đua đã làm dậy sóng dòng Hương Giang êm đềm trong những năm sau 1932, lúc Bảo Đại mới về nước. Thương nhớ con và không còn đủ sức chờ đợi ngày trở lại của người con gái nhỏ, vợ chồng quan Thượng lần lượt qua đời.
Năm 1956, nàng Tôn Nữ vừa 30 tuổi, cùng chồng và 4 con từ Sài Gòn thuyên chuyển ra Quảng Ngãi. Từ một nơi đô hội đến một tỉnh lỵ nhỏ bé của miền Trung, quả thật là thời gian đầu nàng không tránh khỏi bỡ ngỡ. Nhưng ngày ngày bận rộn với công việc nội trợ; lo cho hai đứa con lớn đến trường tiểu học; và chăm sóc hai đứa con còn nhỏ… nàng cũng vơi buồn và quen dần với đời sống nơi tỉnh lẻ. Dần dần, nàng có những bạn mới, nàng bắt đầu tìm hiểu những danh lam thắng cảnh để những ngày chồng nghỉ làm việc, nàng cùng chồng đưa các con đi chơi. Nàng đã viếng thăm núi Thiên Bút, núi Thiên Ấn, bãi biển Mỹ Khê… Đi nhiều nơi nhưng bãi biển Mỹ Khê là nơi nàng và các con ưa thích nhất. Những lần đến đây tắm biển, nàng say sưa nhìn các con tung tăng đùa nghịch với làn nước trong xanh, với bãi cát trắng mịn. Khi mệt nàng cùng các con nằm dài bên rặng dương xanh thẳm, thơ mộng sau bãi cát dọc theo bờ biển.
Bãi biển Mỹ-Khê, Quảng-Ngãi
Một ngày kia, sau khi tắm biển mệt nhoài, trời nắng gắt, nàng giục giã chồng con ra về. Xe đang ngon trớn bỗng chạy chậm lại, cà rịch cà tang rồi tắt máy. Xe sửa khá lâu mà máy vẫn chưa nổ, các con đòi uống nước. Nàng đưa mắt nhìn quanh tìm xem có ngôi nhà nào gần đường. Bỗng mắt nàng dừng lại một ngôi nhà ngói với cửa gỗ đen chạm trỗ, hàng rào chè tàu được cắt xén thẳng tắp. Trong vườn những cây cau cao vút. Hình ảnh quen thuộc của vườn ông bà ngoại nàng ở Nam Phổ hiện lên trong tâm trí nàng. Đã nói đến Nam Phổ là phải nói đến cau. Nơi đây là nơi sản xuất cau ngon và đẹp của thành phố Huế. Đến mùa cau các cô gái leo cây nhanh nhẹn để hái cau. Các cô gái hái cau nhiều đến nỗi trong dân gian không ai là không biết câu “Con gái Nam Phổ ở lổ trèo cau”. Mới nghe, người ta có cảm tưởng lạ lùng khi hình dung một cô thiếu nữ không mặc quần leo hái cau. Tại sao? Sợ rách quần ư? Không phải, điều này có nghĩa là vùng này hầu hết con gái đều biết trèo cau, kể cả mấy đứa bé gái chưa biết mặc quần cũng rứa.
Nàng đi vào cổng của ngôi nhà mà nàng cho là rất quen thuộc. Dáo dác nhìn quanh, nàng thấy một lão ông với vóc dáng cao ráo, gương mặt còn phương phi, trắng hồng; dù da chưa nhăn nhưng râu tóc bạc phơ, đang tỉa cây. Nàng tiến thẳng đến chào:
- Thưa bác
- Chào cô! Cô cần chi!
- Dạ thưa bác, xe của cháu bị hư, chờ sửa lâu quá mấy đứa con của cháu bị khát nước, cháu xin bác cho một ít nước uống.
- Ui chào! Tưởng chuyện chi! Cô cho sắp nhỏ vô nhà cho mát, chờ tui đi lấy bình nước.
Vườn cau nhà dượng
Nàng đưa mắt nhìn quanh gian phòng, từ bộ tràng kỹ, bộ bàn ghế, đến bàn thờ bằng gỗ đen chạm trỗ trông rất quen thuộc. Nàng nhìn những khung ảnh trên bàn thờ… bỗng mắt nàng mở lớn, chạy gần lại nhìn sát vào tấm hình một người đàn bà rất giống mẹ nàng. Mẹ nàng mất lúc 49 tuổi. Hình ảnh người này trông trẻ hơn mẹ rất nhiều. Có lẽ người này đã mất trước mẹ nàng. Càng nhìn nàng càng thấy mình không thể lầm được vì dì nàng giống mẹ nàng như khuôn đúc. Đang sửng sốt nhìn bức hình thì ông lão đã trở lại với bình nước trên tay. Nàng lắp bắp, chỉ bức ảnh và hỏi ông:
- Thưa bác! Bức hình này là của ai mà sao bác lại thờ?
- Đó là vợ tôi. Bà qua đời sau khi sinh đứa con thứ năm.
- Thưa bác có phải bác gái là con của cụ Thượng ở Nam Phổ không?
- Ủa! Cô là ai mà tại răng lại biết?
- Thưa dượng, đây là dì ruột của con. Người đã mất tích khi chưa tới tuồi 20. Ông bà ngoại và mẹ con tìm kiếm mãi không ra; cứ tưởng dì con gặp nạn qua đời. Ông bà ngoại và mẹ con qua đời từ lâu, không còn ai để chia sẻ niềm vui này với con - Nàng sụt sùi khóc.
Dượng nàng kể lại, lúc xưa vì biết quan Thượng sẽ không chấp thuận mối tình của ông bà nên bà đã khăn gói theo ông về làm dâu xứ Quảng. Dòng họ Trương Quang của ông rất vui mừng có được nàng dâu xinh đẹp nhu mì con nhà quyền quí của đất Thần Kinh. Đã nhiều lần ông muốn đưa bà về Huế tạ tội nhưng bà nhất quyết không chịu. Bà cho rằng chẳng thà cha mẹ không biết bà đi đâu còn hơn là cha mẹ buồn rầu khi biết bà “bỏ nhà theo trai”. Để đỡ nhớ nhà, bà đã tạo dựng căn nhà gần giống nhà của cha mẹ ở làng Nam Phổ.
Những ngày sau đó nàng Tôn Nữ cảm thấy thật gần gũi với đất Quảng. Nàng đã có những ngày sum họp với dượng và năm người em con của dì dượng. Nàng còn có cơ hội làm ăn chung với người con trai đầu của dì dượng. Thế là nàng không còn bị lẻ loi nơi xứ lạ. Quảng Ngãi càng ngày càng trở nên thân thương gần gũi với gia đình nàng. Đôi lúc nàng suy nghĩ, có lẽ dì nàng linh thiêng đã làm xe nàng bị hư gần nhà bà, để nàng gặp lại người thân và cũng để cho bà được ấm lòng nơi thế giới bên kia. Bây giờ, dượng cũng đã ra đi, ngay người con trai đầu của dì dượng, trẻ tuổi hơn nàng, cũng từ giã cõi tạm khi chưa được xem là thọ.
Mỹ Khê ngày nay
* * *
Theo lời mẹ kể, người con gái say sưa viết lại chuyện tình ly kỳ của bà dì và ông dượng Trương Quang ở Mỹ Khê. Bà dì của nàng ngày xưa đã có mối tình thơ mộng với người bà đã yêu từ lúc chưa gặp gỡ. Nàng hết sức khâm phục lòng can đảm và sư quyết tâm theo đuổi, giữ vững mối tình mà bà đã chọn. Bất giác nàng mơ ước có được mối tình si và chung thuỷ với người tình cho đến cuối đời như bà. Trời mùa Đông lạnh lẽo làm căn phòng vốn đã yên lặng tĩnh mịch lại càng thêm lạnh giá. Lòng buồn mênh mang, nàng khẽ nhắm mắt thả hồn theo không gian vắng lặng, theo khúc ca “Tôn Nữ Còn Buồn” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, và lắng nghe nỗi cô đơn đang gặm nhắm tâm hồn.
“Yêu thương ai mà thương nhớ không phai
Mưa tuôn cách trở mịt mùng
Lệ rơi in nhạt môi hồng em gái miền Trung...”.
Nguyên Thu
California, Cuối Đông 2015
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Văn: click vào đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net