By Dan Gardner
TH: T.Giang – SCDRC dịch
Franklin Delano Roosevelt đã biết được một số điều về tâm lý sợ hãi. Vào thời gian ông tuyên thệ nhậm chức để trở thành vị Tổng thống thứ 32 của nước Mỹ thì nỗi sợ hãi đang giống như một màn sương mù dày đặc và xám xịt lởn vởn khắp Washington. Đó là thời điểm tồi tệ nhất của cuộc Đại Khủng hoảng. Các ngân hàng lần lượt đổ sập như một hiệu ứng domino và hơn một nửa số ngành sản xuất công nghiệp của nước Mỹ đã biến mất. Giá nông sản sụt giảm nghiêm trọng, cứ bốn công nhân thì có một người thất nghiệp, và 2 triệu người dân Mỹ lâm vào tình cảnh mất nhà cửa.
Đó là thời điểm mà vận mệnh của cả nước Mỹ được giao phó vào một người đàn ông bị liệt nửa người, người đã suýt nữa thiệt mạng trong một vụ ám sát một tháng trước đó. Bà Roosevelt đã dùng từ “kinh hãi” để nói về diễn văn nhậm chức của chồng mình.
Trong bức thông điệp đầu tiên trên cương vị Tổng thống, Roosevelt đã nói rất thẳng thắn về tâm lý của nước Mỹ trong những ngày này:
-“Tôi chắc chắn rằng những đồng sự của tôi trông chờ trong lễ nhậm chức của mình, tôi sẽ thể hiện một thái độ vô tư, và đưa ra một quyết định trên cơ sở sức ép từ tình trạng hiện nay của đất nước chúng ta…” “…Rõ ràng đây là thời điểm để nói vê sự thật, về toàn bộ sự thật, một cách thẳng thắn và dũng cảm. Chúng ta cũng không cần phải lưỡng lự khi dũng cảm đối mặt với những điều kiện hiện tại của đất nước chúng ta. Quốc gia vĩ đại này sẽ phải tiếp tục chịu đựng như đã từng chịu đựng, sẽ hồi sinh và sẽ thịnh vượng. Do đó, trước tiên, hãy cho phép tôi được khẳng định niềm tin chắc chắn rằng điều duy nhất mà chúng ta phải sợ hãi chính là bản thân nỗi sợ hãi – những nỗi khiếp sợ không tên, vô cớ và không chính đáng đã làm tê liệt những nỗ lực cần thiết để điều chỉnh kịp thời tình hình”.
Tất nhiên Roosevelt biết rằng có rất nhiều những thứ khác để phải lo sợ chứ không riêng gì bản thân nỗi sợ hãi. Nhưng ông cũng biết rằng vấn đề nghiêm trọng của nước Mỹ là “nỗi sợ hãi không rõ nguyên nhân” sẽ khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều bằng cách làm xói mòn niềm tin và nền dân chủ tự do và gắn chặt con người ta vào những giấc mơ điên rồ. Cuộc Đại Khủng hoảng có thể làm tổn hại tới nước Mỹ. Nhưng nỗi sợ hãi thậm chí còn có thể hủy hoại cả đất nước này.
Đây là một sự hiểu thấu mang tính lịch sử còn hơn cả bản thân nước Mỹ. Những lời của Roosevelt là từ Henry David Thoreau. Về phần mình, Thoreau lại chịu ảnh hưởng của Michel de Montaigne, người từ hơn 350 năm trước đã viết rằng: “Thứ mà tôi sợ nhất chính là nỗi sợ hãi”.
Nỗi sợ hãi có thể là một cảm giác mang tính suy diễn. Khi chúng ta lo lắng về một mối nguy hiểm, chúng ta sẽ dành nhiều sự chú ý hơn tới nó và phản ứng tại những nơi được cho là có mối nguy hiểm đó. Nỗi sợ hãi giúp chúng ta sống sót và phát triển. Không hề là phóng đại khi nói rằng loài người chúng ta mắc nợ (hay biết ơn) nỗi sợ hãi, một món nợ liên quan tới sự tồn tại của chúng ta. Nhưng “nỗi sợ hãi không rõ nguyên nhân” thì lại là chuyện khác. Nỗi sợ hãi không rõ nguyên nhân ấy có thể hủy hoại nước Mỹ trong cuộc Đại Khủng hoảng. Nó đã giết chết 1595 người bằng cách thuyết phục họ chuyển từ đi lại bằng máy bay sang đi ôtô sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 09. Và ngày nay, càng ngày càng có nhiều sự hiện hữu của các nỗi sợ hãi không rõ nguyên nhân tại tất cả các nước phương Tây, điều này khiến chúng ta càng lúc càng đưa ra những quyết định ngớ ngẩn hơn khi giải quyết những nguy cơ mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày.
Mối nguy hiểm và nỗi sợ hãi là những chủ đề nóng của các nhà xã hội học, những người đã đi tới một nhận thức chung rằng chúng ta, những người đang sống trong các quốc gia hiện đại đang trở nên lo lắng nhiều hơn so với các thế hệ trước chúng ta. Một số người nói rằng chúng ta đang sống trong một nền văn hóa của nỗi sợ hãi: chủ nghĩa khủng bố, tin tặc, ma túy, cúm gia cầm, các sinh vật đột biến gen, thực phẩm ô nhiễm. Có cảm giác rằng những mối đe dọa mới nảy nở như những loại nấm độc. Biến đổi khí hậu, trừ sâu, bệnh SARS, cúm gia cầm, và các bệnh liên quan đến các loại thực phẩm thịt. Danh sách này càng lúc càng dài. Mở một tờ báo, xem mục tin chiều, vào bất cứ ngày nào, người ta cũng có cảm giác đây là cơ hội để cho một ai đó – một nhà báo, nhà hoạt động, nhà cố vấn, một nhà lãnh đạo, hay một chính trị gia – cảnh báo về một “hội chứng” của một cái gì đó đang đe dọa bạn và những người thân yêu của bạn.
Thường thường, những nỗi lo sợ kiểu này sẽ bùng lên thành những nỗi kinh hoàng. Gần đây, những nỗi lo sợ thường bắt đầu hình thành từ các công viên hay các phòng chat Internet. Trong những năm đầu thập kỷ 90 nỗi sợ hãi có nguồn gốc từ những cảm xúc mạnh mẽ trên đường. Một thập kỷ trước, đó là bệnh mụn giộp, những tà giáo, bệnh bò điên, những vụ nổ xả súng tại trường học, hoạt động buôn bán cocain. Tất cả những mối nguy cơ này như thể đã chạy đua để vươn lên dẫn đầu trong danh sách những mối quan tâm của xã hội, rồi lại tụt xuống nhanh như khi chúng được đẩy lên cao. Tuy nhiên, có một số “đợt sóng” như vậy tràn lên và chiếm ưu thế không chỉ thời điểm hiện tại mà cả sau này. Một số khác thì trượt dần xuống mức chỉ còn là những mối phiền toái nho nhỏ, và không bao giờ người ta nghe nói tới chúng nữa. Bệnh mụn giộp chẳng hạn.
Đây chỉ là “nguyên vật liệu” cho những tin tức hàng ngày. Các tác giả, những nhà hoạt động, các cố vấn, và những nhà tương lai học lúc nào cũng cảnh báo chúng ta về những mối đe dọa kỳ lạ khiến cho viễn cảnh về hạt nhân của một cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trở nên kỳ cục. Gen di truyền thì mở rộng thành những vũ khí sinh học, công nghệ tự tái tạo nano thì biến mọi thứ trở thành “những vật nhớp nháp xám xịt”, số mệnh về mặt vật lý đã tạo ra một hố đen, hút hành tinh và tất cả chúng ta vào đó. Sự tưởng tượng về siêu virus thiên niên kỷ đã bị phá bỏ nhưng không thể ngăn chặn được sự lan turyền của những lý thuyết về sự hủy diệt, tới mức dường như ở đâu chúng ta cũng có thể nghe được những phát biểu kiểu như loài người sẽ thật may mắn nếu có thể sống sót đến thế kỷ tiếp theo.
Ulrich Beck không bi quan như vậy, nhà xã hội học người Đức, Giáo sư của trường Kinh tế London đã phát biểu trên tờ The Guardian rằng ông chỉ đơn giản không chắc chắn rằng loài người sẽ có thể sống sót “qua thế kỷ 21 mà không có một sai sót nào đó để phải trở lại thời kỳ dã man”. Quan điểm của Beck đã tính đến nhiều điều hơn hầu hết những người khác bởi ông là một trong những người đầu tiên nhận ra rằng các quốc gia hiện đại đang trở thành những quốc gia của những con người sợ sệt và lo lắng. Quay trở lại năm 1986, Beck là người đã nghĩ ra thuật ngữ “xã hội hiểm nguy” (Risk society) để mô tả những đất nước mà tại đó, những mối lo ngại về nguy hiểm được đẩy lên cao – đặc biệt là những mối đe dọa gây ra bởi công nghệ hiện đại – và ở những nơi đó người ta sợ hãi như chưa bao giờ sợ hãi đến vậy.
Nhưng tại sao chúng ta lại phải khiếp sợ tới mức như vậy? Đó thực sự là một câu hỏi hóc búa. Tất nhiên, chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa có thực. Sự biến đổi khí hậu, cúm gia cầm, bệnh ung thư vú, nạn bắt cóc trẻ em… cũng vậy, và kể cả tất cả những thứ khác khiến chúng ta phải siết chặt tay nhau trong những nỗ lực mang tính tập thể. Tuy nhiên loài người đã luôn phải đối mặt với những nguy cơ, không nguy cơ này thì nguy cơ khác. Vậy tại sao chúng ta ngày nay lại tỏ ra lo lắng hơn các thế hệ trước?
Ulrich Beck cho rằng câu trả lời rất rõ ràng: Loài người đang tỏ ra e sợ hơn bất cứ thời gian nào trước đây trong quá khứ bởi chúng ta hiện đang ở trong nguy hiểm hơn lúc nào hết. Công nghệ đang bỏ xa khả năng kiểm soát của chúng đối với chính nó. Môi trường đang suy thoái. Sức ép xã hội ngày càng tăng. Nỗi ám ảnh về những biến cố khủng khiếp như những trận đại hồng thủy, và con người cảm nhận được sự nguy hiểm – giống như loài cừu, ngửi thấy mùi của những con sói đang đến gần.
Rất nhiều người chia sẻ quan điểm đối với Beck. Săm soi về tương lai và tưởng tượng ra tất cả những diễn biến theo hướng sai lệch một cách đáng sợ đã trở thành một cái gì đó kiểu như trò chơi của giới trí thức. Tham vọng ngày càng lớn của họ đã biến những tưởng tượng đen tối ấy trở thành những cuốn sách bán chạy nhất. Nếu những nhà ảo tưởng bi quan này bớt nghĩ về tương lai và nghĩ nhiều hơn về quá khứ thì họ sẽ nhận ra rằng mọi thứ luôn luôn có thể bị làm sai lệch đi, và nếu như cho rằng những hiểm họa tiềm tàng mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay, bằng cách này hay cách khác, đã trở nên khủng khiếp hơn những nguy hiểm trong quá khứ thì đó là một cách suy nghĩ vừa ngu dốt vừa kiêu ngạo. Một chút quan tâm dành cho lịch sử cũng sẽ hé lộ rằng luôn luôn có những người kêu khóc: “Sao tôi bất hạnh thế này?” và gần như không ai trong số những người này thay đổi để có thêm nhiều cơ hội nhìn về tương lai hơn là giống như ba con chuột mù được nuôi dưỡng trong những chiếc lồng kính của sự nổi tiếng.
Tại nước Anh, một bé gái được sinh ra vào năm 1900 có thể có tuổi thọ trung bình là 46 năm. Chắt của “bé gái” ấy, sinh năm 1980 có thể sẽ sống tới năm 74 tuổi. Và con của người này (sẽ phải gọi “bé gái” sinh năm 1900 là… kị) sẽ có thể trải qua tám thập kỷ trên hành tinh này.
Câu chuyện này cũng đúng với tất cả các nước phương Tây khác. Tại Mỹ, vào năm 1930, tuổi thọ của người dân là 59 tuổi. Bảy thập kỷ sau, con số này tăng lên 78. Tại Canada, số liệu về tuổi thọ gần đây cho thấy người dân có thể sống tới trên 80 tuổi.
Đối với lịch sử nhân loại, hành động sinh con là một trong những hành động nguy hiểm nhất của một người phụ nữ. Đó vẫn là một việc làm đầy rủi ro tại các nước đang phát triển. Tại những nước này, để 100.000 đứa trẻ được sinh ra thì có 440 sản phụ bị thiệt mạng trong khi sinh con. Nhưng ở các nước phát triển, tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 20, và chúng ta đã không còn nghĩ rằng việc sinh ra và chết đi là sự song hành cố hữu.
Giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ trong độ tuổi tập đi vẫn còn nhức nhối cách đây chưa lâu nhưng ngày hôm nay, tỉ lệ những đứa trẻ được sinh ra sẽ có thể sống để thổi 5 ngọn nến trên chiếc bánh sinh nhật đã tăng lên một cách ngoạn mục. Tại nước Anh vào năm 1900, 14% các em bé và trẻ nhỏ bị chết. Tới năm 1997, con số này đã giảm xuống còn 0,58%. Kể từ riêng năm 1970, tỉ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi tại Mỹ đã giảm tới hơn 2/3. Tại Đức, tỉ lệ này còn giảm tới 3/4.
Và chúng ta không chỉ sống lâu hơn. Chúng ta còn có chất lượng sống tốt hơn. Trong các nghiên cứu khắp châu Âu và nước Mỹ, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng càng ngày càng có ít người bị mắc các bệnh kinh niên như tim mạch, ung thư phổi, hay chứng viêm khớp. Độ tuổi của những người mắc phải bệnh này đã lùi lại thêm 10 đến 25 năm so với thời kỳ trước đây, và những tác hại của bệnh cũng đã không còn nguy hiểm như trước kia. Con người hiện tại cũng ít bị tàn tật hơn so với tất cả những thời kỳ đã qua trong lịch sử. Chúng ta cũng trở nên cao lớn hơn. Một người đàn ông Mỹ hiện tại cao hơn gần 8cm và nặng hơn khoảng 20kg so với cụ kị của anh ta một thế kỷ trước. Điều này gây khó khăn cho những người sử dụng lại những quân nhu trong quân đội từ thời kỳ Nội chiến ở Mỹ, về số đo các bộ quân trang, hay để vừa những căn lều bạt trong quân đội. Chúng ta thậm chí còn ngày càng thông minh hơn, chỉ số IQ đã tăng đều trong mấy chục năm trở lại đây.
Robert Fogel, người đã giành được giải Nobel, giảng viên trường Đại học Chicago phát biểu trên tờ New York Times rằng người dân ở các nước phát triển đều đã trải qua “một dạng thức tiến hóa độc nhất vô nhị, không chỉ đối với nhân loại ngày nay, mà còn là điều chưa từng xảy ra trong suốt khoảng 7000 thế hệ loài người đã từng sinh sống trên trái đất này”. Ngày nay, những cơ may đó vẫn còn hiện hữu và hứa hẹn thêm nhiều cơ may khác. Tất cả những điều này được tóm tắt trong nhan đề một cuốn sách của Fogel: The Escape From Hunger and Premature Death, 1700 – 2100.
Các xu hướng chính trị cũng khá tích cực, bất chấp những gì chúng ta đọc được trên các phương tiện truyền thông. Năm 1950, đã có 22 quốc gia có được nền dân chủ hoàn toàn. Vào thời điểm kết thúc thế kỷ, con số đó là 120, và gần 2/3 người dân trên toàn thế giới có thể tự do đi bầu cử với những lá phiếu có giá trị và ý nghĩa. Vậy là không phải những cuộc đổ máu hay cảnh hoan lạc đang lan rộng quanh chúng ta như nhiều người đã phát biểu. Monty Marshall, trường Đại học George Mandison phát biểu trên tờ New York Times vào năm 2005: “Kể từ năm 1960, những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia, và các cuộc nội chiến đã giảm đi rất nhiều”. Sau đó, cũng trong năm 2005, Trung tâm An ninh con người thuộc Đại học British Columbia đã công bố một nghiên cứu quan trọng khẳng định lại một lần nữa và mở rộng hơn kết luận đáng mừng này.
Hầu như ai cũng biết rằng những người may mắn được sống tại các nước phương Tây là những người giàu có, thịnh vượng nhất trong lịch sử loài người. Chúng ta có một chút cảm giác tội lỗi khi nói tới điều đó bởi chúng ta biết rằng có rất nhiều người khác không có được may mắn như thế. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng cuộc sống tại các nước đang phát triển cũng đã có những bước cải thiện quan trọng.
Trong hai thập kỷ sau năm 1980, tỉ lệ suy dinh dưỡng của người dân ở các nước đang phát triển đã giảm từ 28% xuống còn 17%. Đây vẫn là một con số chưa cao, tuy nhiên rõ ràng đã có một sự cải thiện lớn.
Chỉ số Phát triển Con người của Liên hợp quốc (HDI) cũng cho thấy xu hướng tích cực này. Đây có lẽ là cách thức tính toán tốt nhất đối với cư dân của một quốc gia bởi nó kết hợp các dữ liệu quan trọng về thu nhập, sức khỏe và tình trạng mù chữ. Đứng dưới cùng của danh sách HDI của 177 quốc gia là Niger. Tuy vậy, HDI của Niger vào năm 2003 cũng đã cao hơn 17% so với số liệu của nước này vào năm 1975. Có thể nhận thấy xu hướng cải thiện này ở hầu hết các nước nghèo khác. Ở Mali là tăng 31%, Chad là 22%… Nhiều người muốn chỉ rõ rằng sự thiếu kiểm soát dân số ở các nước nghèo là nguyên nhân tiềm tàng cho một tương lai u ám, tối tăm. Nhưng điều mà họ không bao giờ chú ý tới là dân số ở những nước đó không phải là tăng vọt bởi các bà mẹ sinh nhiều con hơn trước kia, mà đó là bởi có rất ít những đứa trẻ sinh ra bị chết như trong quá khứ. Đây là điều mà trừ những người theo thuyết Malthus cực đoan nhất, còn lại tất cả mọi người đều coi đây là những thông tin tốt lành.
Đặt tất cả những con số này cạnh nhanh, chúng sẽ bổ sung cho điều gì? Chúng sẽ bổ nghĩa cho câu nói: Chúng ta đang là những người khỏe mạnh nhất, giàu có nhất, và trường thọ nhất trong lịch sử loài người. Và chúng ta lại đang càng ngày càng lo sợ. Đó là một trong những nghịch lý của htời đại chúng ta.
Chúng ta nghĩ và hành động nhiều tới mức như thế nào với những mối nguy hiểm chẳng hề có giá trị. Trong một nghiên cứu vào năm 1990, các nhà nghiên cứu George Loewenstein và Jane Mather đã so sánh các mức độ lo lắng của con người về chín mối nguy hiểm (trong đó có bệnh AIDS, tội phạm, và tự sát ở tuổi vị thành niên) với những giới hạn khách quan của những mối nguy hiểm này. Trong một số trường hợp, những mối lo ngại tăng lên và giảm bớt khi những mối nguy hiểm cũng tăng lên và giảm bớt khi những mối nguy hiểm cũng tăng và giảm. Trong trường hợp khác, có thể có một “sự dao động điên rồ” về mức độ lo ngại mà tuyệt đối không liên quan gì tới những mối nguy hiểm thực sự. Các nhà nghiên cứu đã kết luận một cách lịch sự: “Không có một mối quan hệ chung có thể áp dụng một cách linh hoạt giữa nhận thức và những nguy hiểm thực sự”.
Có vô số những ảo ảnh về sự bối rối và nhầm lẫn của chúng ta liên quan tới những mối đe dọa. Yếu tố rủi ro lớn nhất duy nhất đối với bệnh ung thư vú là độ tuổi, phụ nữ càng cao tuổi thì nguy cơ càng cao. Nhưng khi các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Oxford tiến hành một cuộc khảo sát vào năm 2007 và phỏng vấn các phụ nữ Anh về thời điểm có thể dễ mắc bệnh ung thư vú nhất thì có tới hơn một nửa đã nói rằng: “Tuổi tác không phải là vấn đề”. 1/5 số phụ nữ được hỏi cho rằng nguy cơ sẽ là cao nhất khi người phụ nữ bước vào “những năm 50 của cuộc đời mình”’; 9,3% nghĩ rằng đó là ở “những năm 40”; và 1,3% trả lời là “khi ngoài 70 tuổi”; chỉ có 0,7% phụ nữ chọn đúng câu trả lời: “80 tuổi trở lên”. Bênh ung thư vú đã trở thành một mối lo đáng kể và là trọng tâm của những cuộc thảo luận, chí ít cũng phải từ đầu những năm 1990. Tuy nhiên cuộc điều tra đã cho thấy rằng phần lớn phụ nữ vẫn không biết gì về yếu tố nguy cơ quan trọng nhất. Tại sao lại như vậy?
Ở châu Âu, nơi có số điện thoại di động nhiều hơn dân số, và việc mua bán vẫn tiếp tục tăng cao, tuy nhiên một cuộc điều tra lại phát hiện ra rằng có hơn 50% người dân châu Âu tin vào một tuyên bố mơ hồ rằng: điện thoại di động có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Đó còn là một nghịch lý sâu sắc giữa thói quen hút thuốc lá của người châu Âu với thái độ ác cảm của họ nhằm vào thực phẩm biến đổi gen.
Ở châu Âu và cả những nơi khác, người ta run sợ trước cảnh tượng của một phản ứng hạt nhân nhưng lại nhún vai khi nghĩ về việc sẽ bị một tia X chạy qua người, mặc dù tia X đó sẽ ảnh hưởng tới họ đúng bằng mức phóng xạ mà họ kinh hãi khi nó bị rò rỉ từ một nhà máy hạt nhân. Thật lạ, họ vẫn trả hàng nghìn đôla để được bay tới một nơi xa xôi nào đó, nằm dài trên bãi biển, dưới bức xạ phát ra từ mặt trời bất chấp một thực tế rằng số nạn nhân thiệt mạng được thống kê tổng cộng từ vụ rò rỉ phóng xạ Charnobyl (9000 người) thực sự chỉ là một con số khiêm tốn nếu so với số người Mỹ bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư da mỗi năm (hơn 1 triệu người) và số người bị chết vì bệnh này (hơn 10.000 người).
Một trong số các nguyên nhân khiến cho những chất chứa steroid và các dạng doping bị cấm trong thi đấu thể thao là vì người ta tin rằng nó vô cùng nguy hiểm. Nhưng trong nhiều trường hợp, những môn thể thao mà các vận động viên tranh tài còn nguy hiểm hơn việc sử dụng doping rất nhiều. Chỉ cần lấy ví dụ một môn thể thao – trượt tuyết lao dốc đòi hỏi những vận động viên tranh tài phải phóng nhanh xuống một ngọn đồi, thực hiện những cú nhảy rất mạnh, bay qua không trung, vặn người, xoay người, vừa bổ nhào xuống vừa xoay tròn, và phải đáp xuống đất an toàn. Chỉ một lỗi nhỏ nhất cũng có thể khiến vận động viên bị tiếp đất bằng đầu và phải chịu chấn thương vô cùng nghiêm trọng, thậm chí có thể gãy cổ. Nhưng môn thể thao này lại không bị cấm, nó vẫn được tổ chức. Tại Olympic 2006, một vận động viên Canada đã bị gãy cổ mà chỉ vài tháng trước đó, người ta còn đi thăm cô với một tấm kim loại để cố định cột sống của mình. Cô đã trở lại với những con dốc để thêm một lần nữa đối mặt với nguy cơ bị liệt và cái chết. Một nhà khoa học nghiên cứu về các chất doping đã phát biểu trên tờ Financial Times: “Tôi thà để các con tôi sử dụng các chất đồng vị steroid và hormone tăng trưởng còn hơn để chúng chơi bóng bầu dục. Tôi không hề biết về bất cứ trường hợp bại liệt toàn thân nào bị gây ra bởi hormone tăng trưởng”.
Một thực tế tương tự như vậy cũng đúng với môn bóng bầu dục tại Mỹ, một trò chơi được yêu thích nhưng đôi khi nó làm gãy cổ những thiếu niên, và thường biến những ngôi sao của Giải vô địch quốc gia trở nên tàn tạ, suy kiệt, hay tàn phế khi mới ở vào tuổi trung niên.
Những khẩu súng ngắn thật đáng sợ, nhưng còn việc lái xe đi làm thì sao? Đó chỉ là một hành động nhàm chán trong cuộc sống thường nhật. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi biết rằng những vụ giết người bằng súng ngắn vẫn đập vào mắt mọi người trên những tít báo và là vấn đề nóng hổi trong các cuộc tranh cử, nhưng khi những vụ tai nạn giao thông lại bị gạt sang một bên như thể chúng chẳng hơn gì một âm thanh nền không mấy dễ chịu trong cuộc sống hiện đại này.
Nhưng hết ở quốc gia này tới quốc gia khác – bao gồm cả nước Mỹ – những chiếc ôtô đã giết chết nhiều người hơn hẳn so với những khẩu súng ngắn. Tại Canada, trung bình cứ có 1 người chết vì súng ngắn thì lại có 26 người tử nạn trong các vụ tai nạn ôtô. Và nếu như bạn không phải là một người buôn bán ma túy, hay là bạn của một người buôn bán ma túy, và bạn không phí thời giờ lang thang tại những nơi những kẻ buôn bán ma túy và đồng bọn thường hay lảng vảng thì “cơ hội” để bạn bị giết bởi một khẩu súng ngắn sẽ giảm xuống tới mức tối thiểu – không giống như nguy cơ bị chết trong một vụ tai nạn xe hơi – mối nguy hiểm luôn rình rập với bất cứ ai trên đường.
Và còn đó là những đứa trẻ. Thời gian học đường là thời kỳ những đứa trẻ sẽ phải gặp cả những khó khăn và những cơ hội. Đó là một phần của quá trình trưởng thành. Nhưng giờ thì không như vậy nữa. Ở trường học, những cánh cửa đã được dựng lên để bảo vệ bọn trẻ khỏi những kẻ điên cuồng với khẩu súng ngắn trên tay. Thêm vào đó, ngay từ ngày đầu tiên đến lớp, bọn trẻ đã được dạy rằng tất cả người lạ đều có thể gây nguy hiểm cho chúng. Trong khi đó, ở sân chơi, những trò leo trèo bị dỡ bỏ, trò đuổi bắt thì bị cấm vì người ta sợ rằng chúng có thể bị bong gân hay chảy máu mũi. Ở nhà, bọn trẻ lại bị cấm không cho ra ngoài chơi chứ không được tự do như chính bố mẹ hay ông bà chúng. Bởi bố mẹ chúng tin rằng tất cả những bụi rậm đều có những tên lưu manh ẩn nấp – mà chẳng có số liệu nào có thể thuyết phục họ nghĩ theo cách khác. Tuổi thơ của những đứa trẻ đang bắt đầu giống với những bản án tù giam khi những đứa trẻ phải sống hầu hết thời gian trong ngày sau những cánh cửa khóa chặt và sống với sự hoảng sợ. Mọi hoạt động của chúng đều bị lên kế hoạch từ trước, bị giám sát và điều khiển. Tuy nhiên, kết quả của tình trạng này có phải là chúng sẽ an toàn hơn? Có lẽ là không. Bệnh béo phì, bệnh tiểu đường và các vấn đề về sức khỏe khác đã lan rộng trong những đứa trẻ một phần là do chúng phải ngồi trong nhà quá nhiều. Đây mới chính là những mối nguy hiểm lớn hơn nhiều so với bóng ma sợ hãi ám ảnh trong trí tưởng tượng của cha mẹ chúng.
Và tất nhiên, trong số đó có nỗi sợ hãi chủ nghĩa khủng bố. Đó là điều đáng căm ghét trong thời đại của chúng ta. Kể từ những ngày 11-9 khủng khiếp ấy, chủ nghĩa khủng bố đã hoàn toàn chi phối những chương trình nghị sự của chính phủ Mỹ, và trên quy mô rộng lớn hơn là chi phối cả những cuộc thảo luận về trật tự quốc tế. Tổng thống George W. Bush đã nói rằng sự sống còn của nước Mỹ đang bị đe dọa. Thủ tướng Anh Tony Blair thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng toàn bộ thế giới phương Tây đang phải đối mặt với một mối nguy hiểm “thực sự và liên quan tới sự tồn tại của cả loài người”.
Theo số liệu trung bình, trong thế kỷ trước, cứ gần 20 vụ tấn công khủng bố xảy ra thì có hơn một trăm người bị giết chết. Thậm chí kể cả trong vụ tấn công ngày 11 tháng 09 – được coi là vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất từ trước tới nay, số người thiệt mạng cũng chỉ bằng 1/5 con số nạn nhân Mỹ bị giết chết trong các vụ án thông thường. Và cảnh tượng về ngày tận thế đã được nói tới quá nhiều trên các phương tiện truyền thông, lần duy nhất các phần tử khủng bố giành được và sử dụng thành công một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt là vụ tấn công liều lĩnh bằng khí gas tại Tokyo. Thủ phạm, những kẻ theo giáo phái Aum là những kẻ giàu có và có được sự phục vụ của cả các nhà khoa học. Mục tiêu hệ thống tàu điện ngầm đông đúc là cái đích lý tưởng cho một vụ tấn công bằng khí độc. Và 12 người đã chết.
Hãy so sánh điều này với con số tổn thất gây ra bởi những nỗi ám ảnh ít đáng sợ hơn nhiều của bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh tim hay các bệnh tật khác. Theo số liệu trung bình, mỗi năm có 36.000 người Mỹ bị chết vì bệnh cúm và các bệnh khác có liên quan. Chứng béo phì thì giết chết khoảng 100.000 người mỗi năm. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch, hàng năm có tới “hàng trăm nghìn” người chết, chỉ đơn giản bởi họ không được tiếp cận với “những dịch vụ phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe tốt nhất”.
Đây là những nguy cơ không mới, và cũng rất rõ ràng, chúng cũng không quá phức tạp hay ít người biết tới. Chúng ta đã đạt được những bước tiến lớn trong việc cải thiện sức khỏe con người nhưng chúng ta còn có thể làm được nhiều hơn thế nếu có thể liên kết được những bước cải thiện này với những chiến lược đã được chứng minh rằng có chi phí không cao trong khi lợi ích thu về là không hề nhỏ. Trong thực tế, chúng ta vẫn chưa thực hiện được sự kết hợp này. Thay vào đó, chúng ta dành những khoản tiền khổng lồ để đối phó với nguy cơ chủ nghĩa khủng bố – một nguy cơ mà, bằng bất kỳ phép tính nào, cũng chỉ giống như một con gián đặt cạnh con voi, nếu so sánh với những nguy cơ từ bệnh tật. Như một hậu quả trực tiếp cho sự đầu tư nguồn lực không thích đáng này, đã có không biết bao nhiêu mạng sống bị tước đoạt.
Đó là những gì đã xảy ra khi những nhận thức của chúng ta về các mối nguy cơ đã vượt quá mức phù hợp. Và điều đó đã gây ra những hậu quả chết người.
Vì vậy, một điều quan trọng là chúng ta cần hiểu rằng tại sao chúng ta lại thường nhìn nhận sai về các mối nguy hiểm như vậy? Tại sao chúng ta lại lo sợ trước sự gia tăng về số lượng của các nguy cơ tương đối nhỏ? Tại sao chúng ta lại thường nhún vai coi thường, bỏ qua những mối đe dọa lớn hơn? Tại sao chúng ta lại sống trong một “nền văn hóa của nỗi lo sợ” như vậy?
Một phần của câu trả lời nằm trong chính những mối quan tâm. Những nỗi sợ bán ra tiền và kiếm được tiền. Có vô số những công ty và các hãng tư vấn đã làm ăn trên cơ sở trấn an tâm lý lo lắng sợ hãi từ bất cứ những gì người ta có thể sợ và muốn làm ăn, họ chỉ cần biết rõ về chúng. Người ta càng sợ thì họ càng làm ăn phát đạt. Những công ty bán đồ báo động trong nhà đã dọa dẫm các quý bà có tuổi và các bà mẹ trẻ bằng cách cho chiếu những đoạn quảng cáo khiến họ khiếp sợ. Các công ty phần mềm thì đe dọa các bậc phụ huynh bằng cách cường điệu hóa về những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng. Các công ty tư vấn an ninh xoáy vào những cảnh tượng về nỗi kinh hoàng và cái chết đồng thời nhấn mạnh rằng những điều đó có thể tránh được bằng cách dành nhiều chi phí hơn nữa cho các hãng tư vấn an ninh. Nỗi sợ hãi đã trở thành một công cụ marketing tuyệt vời. Đó là bởi chúng ta không thể bật ti vi hay mở một trang báo mà không bắt gặp những thông điệp đại loại như vậy.
Tất nhiên, các công ty tư nhân và các hãng tư vấn không phải là những người duy nhất kinh doanh nỗi sợ hãi.
Đó còn là những chính trị gia, những người luôn nói về những mối đe dọa, công kích các đối thủ của họ là nhu nhược hay bất tài, và hứa hẹn rằng họ sẽ “giết chết con sói nguy hiểm ở ngay trước cửa” nếu như chúng ta bỏ phiếu lựa chọn họ.
Đó là những người quan liêu, cố gắng để giành dược một ngân sách lớn hơn. Những nhà khoa học được chính phủ tài trợ là những người biết được một quy luật rằng: “Không có vấn đề gì thì sẽ chẳng có kinh phí”.
Đó là những nhà hoạt động và các tổ chức phi chính phủ, những người biết rằng họ chỉ trở nên có sức thuyết phục nếu như hình ảnh của họ trên các phương tiện truyền thông là nổi bật, và cách chắc chắn nhất để có được điều đó là kể những câu chuyện khủng khiếp và khiến cho những nhà báo trở nên giống như những kẻ trục lợi từ những xác chết.
Tới lượt mình, các kênh truyền thông cũng biết về giá trị của nỗi sợ hãi. Giới truyền thông cũng vì lợi nhuận, họ thường đổ xô vào những thông tin mang tính thị trường, đồng nghĩa với sự cạnh tranh về nghe nhìn trở nên rất khốc liệt. Như một xu thế không thể tránh khỏi và ngày càng tăng, nhằm bảo vệ thị phần đang ngày càng thu nhỏ lại, giới truyền thông đã chuyển qua thu hút khán giả dựa vào tâm lý sợ hãi bằng cách tung ra một lời cảnh báo nguy hiểm tới tính mạng – “Một câu chuyện mà bạn không thể bỏ qua” – một cách quá tuyệt vời để thu hút sự chú ý của ai đó.
Nhưng chừng đó khía cạnh vẫn chưa đủ cho một lời giải thích thỏa đáng. Vậy còn những mối nguy hiểm nghiêm trọng mà chúng ta không chú ý tới thì sao? Vẫn có những khoản tiền được dành ra để đối phó với những mối đe dọa ấy, nhưng chúng ta vẫn không chịu hành động. Giới truyền thông thỉnh thoảng lại dội một gáo nước lạnh vào tâm lý hoang mang và những nỗi sợ không rõ nguyên nhân, trong khi các đoàn thể, những nhà hoạt động, và các chính trị gia đôi khi lại thấy hứng thú trong việc hạ thấp tầm quan trọng của những vấn đề thực sự. Như chính phủ Anh đã cố gắng – và đã thất bại vào đầu những năm 1990 khi càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa bệnh bò điên ở gia súc và biến thể của bệnh Creutzfedt-Jakob (thoái hóa não) ở người. Mối liên hệ này là có thật. Tuy nhiên chính phủ lại khăng khăng rằng không có mối liên hệ nào cả. Thậm chí, một Bộ trưởng trong nội các lại còn đi xa hơn bằng cách tổ chức hẳn một cuộc họp báo, sau đó cho đứa con gái 4 tuổi của mình ăn một chiếc bánh hamburger làm từ thịt bò Anh.
Rõ ràng, ở đây không chỉ có vấn đề tư lợi và các chiêu tiếp thị. Văn hóa cũng là một yếu tố. Liệu rằng chúng ta có sợ hãi trước một nguy cơ gì đó, hay tảng lờ những nguy cơ khác vì nó không gây ra sự quan ngại? Điều đó thường phụ thuộc vào các giá trị văn hóa của chúng ta. Trường hợp cần sa ở trên là một ví dụ tuyệt vời. Thời kỳ suy thoái đã đẩy các nghệ sĩ nhạc jazz vào tình cảnh khó khăn, thậm chí còn hình thành nên một nền văn hóa chống những người yêu nhạc jazz. Ngày nay, những khách du lịch trẻ thường mặc những chiếc áo phông với biểu tượng những chiếc lá nổi tiếng nhưng không hề nhằm thể hiện tình yêu của những người này dành cho nghề làm vườn, mà đó là một thông điệp về bản sắc văn hóa. Một số người muốn rằng sẽ có một thái độ mạnh mẽ, dứt khoát bác bỏ bất cứ phát ngôn nào cho rằng cần sa cũng chẳng thể gây hại cho con người hơn kiểu áo cài chéo mặc bó sát. Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn ngược lại. Với những người có quan điểm bảo thủ xã hội thường xem biểu tượng những chiếc lá tượng trưng cho chủ nghĩa tự do vô chính phủ, họ sẽ coi bất cứ bằng chứng nào cho thấy cần sa có hại là những dấu hiệu chứng minh đúng đắn và xác thực. Trong khi đó, họ sẽ xem nhẹ hay đơn giản hơn là lờ đi những bằng chứng cho thấy điều ngược lại.
Các nhà tâm lý học gọi điều này là thành kiến cố hữu. Tất cả chúng ta đều có xu hướng làm như vậy. Một khi đã tin vào điều gì đó, chúng ta sẽ bị che mắt trước những gì chúng ta nhìn thấy theo một định kiến đảm bảo rằng niềm tin của chúng ta đã được “chứng minh” là đúng. Các nhà tâm lý học cũng khám phá ra rằng con người có một yếu điểm bởi cái gọi là trạng thái phân cực, đó là khi người ta chia sẻ, đồng tình với nhau về một niềm tin với nhau trong một nhóm nào đó, họ sẽ càng tin rằng niềm tin đó là đúng, và sẽ trở nên cực đoan hơn trong quan điểm của mình. Hãy đặt các yếu tố thành kiến, trạng thái phân cực theo nhóm, và yếu tố văn hóa cạnh nhau, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu tại sao người ta có thể có những quan điểm hoàn toàn khác về những gì được cho là nguy hiểm, và những gì không đáng để bận tâm.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những gì mà những nhà tâm lý có thể làm được trong việc nhận thức về các mối nguy hiểm. Họ có thể làm được hơn thế rất nhiều. Điểm bắt đầu thực sự để hiểu ra tại sao chúng ta lo sợ, và tại sao có lúc chúng ta lại không sợ, chính là từ bộ não của từng cá nhân mỗi người.
Bốn thập kỷ trước, các nhà khoa học biết được rất ít về cơ chế con người nhận thức các mối nguy hiểm, cách chúng ta đánh giá những nguy cơ nào là đáng sợ, và cái nào không đáng sợ, quyết định sẽ phải làm gì với những nguy cơ ấy. Tuy nhiên, vào những năm 1960, những người tiên phong như Paul Slovic, hiện là Giáo sư tại trường Đại học Oregon, đã đặt nền móng để khám phá những điều này. Họ đã đưa ra những phát hiện gây sửng sốt trong suốt những thập kỷ tiếp theo, và một nhánh khoa học mới đã phát triển. Phạm vi của ngành khoa học mới này rất rộng lớn, bao hàm nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm 2002, một trong những nhân vật hàng đầu của lĩnh vực nghiên cứu này, Daniel Kahneman đã giành được giải Nobel Kinh tế, mặc dù ông là một nhà tâm lý học, và thậm chí chưa bao giờ tham gia một lớp học về kinh tế nào.
Những gì mà những nhà tâm lý học phát hiện ra đã chứng minh một quan điểm xuất hiện từ rất lâu là đúng. Bộ não của tất cả chúng ta không phải chỉ có một mà có tới hai hệ thống tư duy. Người ta gọi chúng là Hệ thống Một và Hệ thống Hai. Người Hy Lạp cổ đại, những người tiếp cận điều này sớm hơn các nhà khoa học, đã nhân cách hóa hai hệ thống này như là hiện thân của các vị Thần Rượu và Thần Mặt Trời. Và bây giờ thì chúng ta biết rõ hơn, đó là Cảm giác và Lý trí.
Hệ thống Hai là Lý trí. Hệ thống này vận hành một cách chậm chạp. Nó phân tích các bằng chứng, tính toán và xem xét. Khi Lý trí hình thành nên một quyết định nào đó, thì sẽ rất dễ để giải thích và diễn tả bằng lời.
Hệ thống Một – Cảm giác – lại hoàn toàn khác. Không giống Lý trí, nó hoạt động không có nhận thức tỉnh táo và nhanh như một tia chớp. Cảm giác là nguồn gốc của những quyết định đột xuất, bất thần mà chúng ta trải nghiệm như một linh cảm hay trực giác, hoặc các mối xúc cảm như băn khoăn, lo lắng, hay sợ hãi. Một quyết định là kết quả của Cảm giác thường rất khó xác định, hay thậm chí là không thể giải thích bằng lời. Bạn sẽ không biết vì sao bạn lại có cảm giác là bạn phải làm như vậy, bạn chỉ thực hiện hành động mà thôi.
Hệ thống Một làm việc rất nhanh, vì nó sử dụng những cơ chế gắn liền các dấu hiệu và tự động quyết định. Khi nói bạn chuẩn bị đi dạo vào giữa trưa tại Los Angeles. Bạn có thể nghĩ rằng: “Liệu có nguy hiểm gì không? Liệu mình có an toàn không nhỉ?” Ngay lập tức, não bộ của bạn sẽ tìm kiếm để nêu ra được những ví dụ về các trường hợp người khác bị tấn công, bị cướp, hay bị giết trong các hoàn cảnh tương tự. Nếu như một, hay nhiều hơn một các ví dụ này được tìm ra, Hệ thống Một sẽ ra tín hiệu cảnh báo: Khả năng nguy hiểm cao đấy! Cẩn thận! Và bạn sẽ phải cẩn thận. Thực sự, bạn sẽ không biết lý do, vì hoạt động của Hệ thống Một là mang tính vô thức. Bạn sẽ chỉ nhận thấy một cảm giác không dễ chịu rằng việc đi dạo là nguy hiểm – một cảm giác mà bạn sẽ rất khó lý giải cho ai đó hiểu.
Những gì Hệ thống Một xử lý là một sự áp dụng một quy luật đơn giản của dấu hiệu: Nếu có thể hồi tưởng lại một cách dễ dàng những ví dụ về một tình huống nào đó, thì điều đó chắc chắn là phổ biến, dễ xảy ra. Các nhà tâm lý học gọi đây là khám phá thường trực.
Hiển nhiên là, Hệ thống Một vừa thông minh lại vừa sai lầm. Nó thông minh vì những quy tắc đơn giản của dấu hiệu sẽ cho phép đánh giá một tình trạng và đáp lại bằng một quyết định ngay lập tức – đây chính xác là điều bạn cần khi bạn nhìn thấy một cái bóng thấp thoáng phía sau ngõ hẻm mà chẳng cần phải biết những số liệu mới nhất về các vụ án. Nhưng Hệ thống Một cũng sai lầm bởi cũng chính những quy tắc này có thể tạo ra những kết luận không hợp lý.
Có thể bạn vừa xem bản tin buổi tối và nhìn thấy một tin gây sốc về một ai đó giống bạn, bị tấn công vào giữa trưa tại một nơi hoang vắng. Những vụ án như vậy có thể đã xảy ra ở một thành phố khác. Chúng có thể rất khác so với các vụ án trước đây, thậm chí là kỳ quái. Tính chất đặc biệt có thể khiến chúng xuất hiện tràn ngập trên các bản tin tối khắp cả nước. Và có thể rằng, nếu như bạn nghĩ về nó ít hơn – nếu như bạn để Hệ thống Hai can thiệp vào suy nghĩ này – bạn sẽ đồng ý rằng ví dụ này thực sự chẳng nói lên gì nhiều về nguy cơ bạn có thể bị tấn công, mà theo các số liệu, khả năng này thậm chí còn nhỏ tới mức không ngờ. Nhưng những điều này chẳng có nghĩa lý gì. Tất cả những gì mà Hệ thống Một biết tới là ví dụ đó đã được gợi nhớ đến một cách dễ dàng. Chỉ dựa trên duy nhất điều này. Hệ thống Một đã kết luận rằng mức độ nguy hiểm là rất cao, nó lập tức đánh tín hiệu báo động. Và bạn cảm thấy lo sợ, trong khi thực sự không nên như vậy.
Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng Quy luật Điển hình này là quy luật duy nhất mà Hệ thống Một thể hiện trong rất nhiều quy luật và cơ chế tự động quyết định. Những cơ chế này thường vận hành một cách nhẹ nhàng, trơn tru và hiệu quả. Tuy nhiên đôi khi chúng tạo ra những kết quả không hợp lý chút nào.
Hãy xem xét các thuật ngữ 1% và một trong một trăm. Đây là những thuật ngữ có cùng ý nghĩa. Nhưng theo như phát hiện của Paul Slovic, Hệ thống Một sẽ định hướng con người ta tới việc nhận thức mối nguy hiểm ở mức độ cao hơn nhiều nếu như chúng được diễn đạt bằng cụm “một trong một trăm” so với khi được nói thành “một phần trăm”.
Vấn đề là ở chỗ Hệ thống Một không được tạo ra dành cho thế giới mà chúng ta đang sống. Trong hầu hết lịch sử loài người, và theo những gì đã xảy ra trong quá khứ, tổ tiên của chúng ta đã sống theo những bộ lạc du cư nhỏ, sinh tồn bằng săn bắn và hái lượm. Chính thời kỳ dài đó đã hình thành và tạo khuôn cho Hệ thống Một. Trên cơ sở những sự rèn dũa ấy. Hệ thống Một đã hoạt động khá tốt trong môi trường thời kỳ này.
Hãy thử tưởng tượng một người săn bắn thời kỳ Đồ Đá bỗng buồn ngủ khi theo rình những con chim lặn Gavia sặc sỡ trong ánh lửa trại vào một buổi tối. Và khi mở mắt tỉnh dậy vào buổi sáng, anh ta thấy mình đang nằm trên vỉa hè tại Quảng trường Thời Đại. Khi ấy, Hệ thống Một, kinh hãi, bối rối sẽ cố gắng vật lộn để cảm nhận về thế giới xung quanh. Nó sẽ hoạt động rất mạnh trong bất cứ trường hợp nào. Và những lỗi mắc phải là đều không thể tránh khỏi.
Nhưng những rắc rối thực sự sẽ bắt đầu khi người tị nạn đến từ thời tiền sử này gặp phải những nhà buôn của nỗi sợ hãi.
Dan Gardner
TH: T.Giang – SCDRC
* * *
Xem bài cùng một tác giả: click vào đây
Xem trang Kiến thức, tài liệu: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net