Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 20, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
CHIẾN LƯỢC AN NINH BIỂN CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA HOA-KỲ (Phần 1)
Webmaster
Các bài liên quan:
    LÀM THẾ NÀO ĐỂ SHINZO ABE VÀ NARENDRA MODI CÓ THỂ CỨU VÃN ẤN ĐỘ DƯƠNG - THÁI BÌNH DƯƠNG?
    CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH Ở CHÂU Á
    VAI TRÒ LỤC QUÂN MỸ TRONG SỰ ỔN ĐỊNH THÁI BÌNH DƯƠNG
    CHIẾN LƯỢC AN NINH BIỂN CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA HOA-KỲ (Phần 3)
    CHIẾN LƯỢC AN NINH BIỂN CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA HOA-KỲ (Phần 2)

 

CHIẾN LƯỢC AN NINH BIỂN CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG: ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG MỤC TIÊU AN NINH QUỐC GIA CỦA MỸ TRONG

MỘT MÔI TRƯỜNG ĐANG THAY ĐỔI.                            

Bộ Quốc phòng Mỹ – 21/08/2015

TLTKĐB – 28, 29, 30/8/2015

 

Phần I:

 

Phù hợp với Mục 1259 trong Đạo luật phê chuẩn ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2015 Carl Levin và Howard P. “Buck” McKeon, Luật Công 113-291, báo cáo này vạch ra chiến lược của Bộ Quốc phòng liên quan đến an ninh biển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhận thấy tầm quan trọng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương (TBD) và lĩnh vực biển của nó đối với an ninh của Mỹ, Bộ Quốc phòng chú trọng bảo vệ quyền tự do trên biển, ngăn chặn xung đột và hăm dọa thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế. Như vẫn làm vậy trên khắp thế giới, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục các hoạt động bay qua, đi qua và tác chiến ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép, ủng hộ những mục tiêu này và để duy trì hòa bình và an ninh mà khu vực châu Á – TBD có được trong 70 năm qua.

 

 

Tàu ngầm lớp Seawolf của Hải quân Mỹ. Photo: USN

 

Nhận thấy sự phức tạp ngày một gia tăng trong lĩnh vực biển ở châu Á – TBD, báo cáo này vạch ra bốn tuyến nỗ lực mà Bộ Quốc phòng đang sử dụng để duy trì an ninh ở khu vực có ý nghĩa sống còn này. Thứ nhất, chúng ta đang tăng cường khả năng quân sự của mình để đảm bảo Mỹ có thể ngăn chặn thành công xung đột, sự hăm dọa và đối phó một cách quyết đoán khi cần thiết. Thứ hai, chúng ta đang cộng tác với các đồng minh và đối tác của mình từ Đông Bắc Á tới Ấn Độ Dương để xây dựng cho họ năng lực đối phó với những thách thức tiềm tàng trong vùng biển của họ và khắp cả khu vực. Thứ ba, chúng ta đang tạo lực đòn bẩy cho ngoại giao quân sự để xây dựng sự công khai minh bạch lớn hơn, giảm bớt nguy cơ tính toán sai lầm hay xung đột và thúc đẩy quy tắc qua lại chung trên biển. Cuối cùng, chúng ta đang làm việc để củng cố các thể chế an ninh khu vực và khuyến khích phát triển một cấu trúc an ninh khu vực mở và hiệu quả. Cùng với các đồng sự liên ngành và các đồng minh, đối tác khu vực của chúng ta, Bộ Quốc phòng chú trọng vào việc đảm bảo rằng biển châu Á vẫn mở cửa, tự do và an toàn trong những thập kỷ tới.

 

GIỚI THIỆU

 

Mỹ có những lợi ích kinh tế và an ninh lâu dài ở khu vực châu Á – TBD. Và bởi khu vực này, trải dài từ Ấn Độ Dương, qua biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và biển Hoa Đông tới tận TBD – chủ yếu là biển, nên chúng ta dành một vị trí đặc biệt quan trọng cho việc duy trì hòa bình và an ninh trên biển.

 

Vì vậy, Bộ Quốc phòng có ba mục tiêu về biển ở khu vực châu Á – TBD: bảo vệ quyền tự do trên biển; ngăn chặn xung đột và hăm dọa; và thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế.

 

Tại sao chúng ta phải bảo vệ quyền tự do trên biển

 

Xuyên suốt chiều dài lịch sử của mình, Mỹ đã ủng hộ quyền tự do trên biển vì những lý do kinh tế và an ninh.

 

Biển châu Á là một tuyến đường cao tốc có ý nghĩa sống còn đối với thương mại toàn cầu, và nó sẽ là một phần thiết yếu trong tăng trưởng kinh tế được trông đợi của khu vực này. Mỹ muốn đảm bảo tiến bộ kinh tế liên tục của khu vực châu Á – TBD. Không nói quá khi đề cập đến tầm quan trọng của các tuyến đường biển ở khu vực châu Á – TBD đối với thương mại toàn cầu. 8 trong số 10 cảng container nhộn nhịp nhất trên thế giới nằm ở khu vực châu Á – TBD, và gần 30% thương mại hàng hải thế giới đi qua biển Nam Trung Hoa hằng năm, trong đó có khoảng 1200 tỷ USD thương mại bằng đường thủy là tới Mỹ. Khoảng 2/3 lượng dầu vận chuyển bằng đường thủy của thế giới đi qua Ấn Độ Dương sang TBD, và trong năm 2014, hơn 15 triệu thùng dầu được vận chuyển qua Eo biển Malacca mỗi ngày.

 

Tuy nhiên, quyền tự do trên biển không chỉ bao gồm quyền tự do đi lại qua các tuyến đường thủy quốc tế đơn thuần của tàu thương mại. Trong khi không phải là một thuật ngữ được định nghĩa theo luật pháp quốc tế, Bộ Quốc phòng sử dụng “quyền tự do trên biển” có nghĩa là tất cả các quyền, quyền tự do, và sử dụng hợp pháp biển và vùng trời, kể cả đối với tàu và máy bay quân sự, được công nhận theo luật pháp quốc tế. Quyền tự do trên biển do đó cũng là điều thiết yếu để đảm bảo khả năng tiếp cận trong trường xảy ra một cuộc khủng hoảng. Xung đột và thảm họa có thể đe dọa lợi ích của Mỹ và lợi ích của các đồng minh và đối tác khu vực của chúng ta. Do đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cam kết bảo đảm quyền tiếp cận biển tự do và mở để bảo vệ trật tự kinh tế ổn định đã phục vụ rất tốt tất cả các quốc gia châu Á – TBD trong thời gian dài và để duy trì khả năng phản ứng của quân đội Mỹ khi cần thiết.

 

Tại sao chúng ta phải ngăn ngừa xung đột và sự hăm dọa

 

Trong 70 năm qua, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á – TBD đã đóng một vai trò sống còn trong việc củng cố hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Sự hiện diện này đã hỗ trợ cho sự thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế to lớn trên khắp khu vực và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy các nguồn lực và thương mại lưu thông trên khắp các tuyến đường thủy quan trọng của châu Á. Việc Mỹ tiếp tục ngăn chặn và phòng ngừa xung đột trong khu vực trọng yếu này nằm trong lợi ích của tất cả các quốc gia, chứ không chỉ riêng những nước trong khu vực châu Á – TBD.

 

Khi môi trường an ninh biển tiếp tục phát triển, nhiệm vụ này đang trở nên đầy thách thức hơn. Nhưng không nên nghi ngờ rằng Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện và khả năng quân sự cần thiết để bảo vệ lợi ích của chúng ta và lợi ích của các đồng minh và đối tác của chúng ta chống lại các mối đe dọa tiềm tàng trong lĩnh vực hàng hải.

 

Tại sao chúng ta phải thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế

 

Tuân thủ một hệ thống dựa trên các quy tắc là điều thiết yếu để thúc đẩy hơn nữa hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á – TBD. Hệ thống này đem lại nền tảng cho việc sử dụng chung các tuyến đường và các nguồn tài nguyên biển, và đảm bảo hoạt động an toàn trong lĩnh vực hàng hải. Đây là lý do tại sao Mỹ hoạt động phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (Công ước Luật Biển) – mặc dù Thượng viện Mỹ vẫn chưa đưa ra sự cố vấn và chấp thuận, công ước phản ánh luật pháp quốc tế theo tập quán liên quan đến việc sử dụng truyền thống đại dương.

 

Bộ Quốc phòng, kết hợp với các đối tác liên ngành, các thể chế khu vực, các đồng minh và đối tác trong khu vực, đang làm việc để đảm bảo rằng pháp trị – chứ không phải sự hăm dọa và vũ lực – sẽ quyết định tương lai của biển châu Á.

 

BỐI CẢNH CHIẾN LƯỢC

 

Trong hàng thập kỷ, khu vực châu Á – TBD vẫn không có các cuộc xung đột lớn, cho phép các quốc gia tiếp tục hưởng những lợi ích của lĩnh vực hàng hải. Tuy nhiên, môi trường an ninh đang thay đổi, có khả năng thách thức sự ổn định liên tục của khu vực. Công cuộc hiện đại hóa kinh tế và quân sự nhanh chóng, kết hợp với nhu cầu nguồn lực ngày càng tăng, càng làm gia tăng nguy cơ xung đột xung quanh những tranh chấp lãnh thổ lâu đời. Ngoài ra, những mối đe dọa phi truyền thống như phổ biến vũ khí hạt nhân, buôn người và các hoạt động buôn lậu khác, cướp biển và thiên tai tiếp tục đặt ra những thách thức đáng kể về an ninh. Mặt khác, chúng ta cũng đã chứng kiến một số xu hướng tích cực trong những năm gần đây, bao gồm giải pháp hòa bình cho một số tranh chấp trên biển trong khu vực.

 

[1] Những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và trên biển cạnh tranh nhau

 

Có nhiều tranh chấp trên biển và lãnh thổ phức tạp trong khu vực châu Á – TBD. Sụ hiện diện của các nguồn cả có giá trị và sự tồn tại tiềm năng của nguồn tài nguyên dầu lửa lớn dưới biển Hoa Đông và Biển Nam Trung Hoa làm trầm trọng thêm những tuyên bố chủ quyền phức tạp này. Một báo cáo của Liên hợp quốc ước tính rằng chỉ riêng biển Nam Trung Hoa chiếm hơn 10% sản lượng cả toàn cầu. Mặc dù số liệu khác nhau đáng kể. Cục quản lý thông tin năng lượng ước tính có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối dự trữ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đã được chứng minh là có và có khả năng có ở biển Nam Trung Hoa và đâu đó trong khoảng 1 –> 2 nghìn tỷ feet khối dự trữ khí đốt tự nhiên và 200 triệu thùng dầu ở biển Hoa Đông. Các bên yêu sách chủ quyền thường xuyên xung đột về quyền đánh bắt cá, và những nỗ lực trước đây liên quan đến các thỏa thuận phát triển chung đã chùn bước trong những năm gần đây.

 

Mặc dù Mỹ không đưa ra lập trường về các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh nhau đối với các cấu trúc địa hình trong khu vực, nhưng tất cả các yêu sách như vậy phải dựa trên phần đất liền (mà trong trường hợp các đảo có nghĩa là những vùng đất được hình thành một cách tự nhiên nổi bật trên mặt nước khi thủy triều dâng), và tất cả các yêu sách chủ quyền trên biển phải xuất phát từ vùng đất liền đó phù hợp với luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Luật Biển. Mỹ có một lợi ích to lớn trong việc đảm bảo tất cả các bên yêu sách chủ quyền tìm cách đối phó và giải quyết các vấn đề của họ một cách hòa bình, không có xung đột hay hăm dọa. Chúng ta cũng khuyến khích và hỗ trợ cố gắng của các bên yêu sách chủ quyền nhằm theo đuổi những nỗ lực mang tính ngoại giao và những nỗ lực hòa bình khác để giải quyết các vấn đề chủ quyền.

 

Ở biển Hoa Đông, chúng ta tiếp tục thừa nhận quyền quản lý hành chính quần đảo Senkaku của Nhật Bản và phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm tìm cách phá hoại điều đó. Trên biển Nam Trung Hoa, chúng ta thúc giục tất cả các bên theo đuổi biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp của họ, trong đó bao gồm giải pháp ngoại giao cũng như dàn xếp tranh chấp quan bên thứ ba, chẳng hạn Philippines đệ trình yêu sách của họ lên trọng tài theo các thủ tục giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật Biển. Chúng ta cũng thúc giục tất cả các bên phải có hành động để thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Nam Trung Hoa (DOC) và tiến hành các bước hướng tới ký kết sớm Bộ Quy tắc ứgn xử của các bên ở biển Nam Trung Hoa (COC) có ý nghĩa, văn kiện sẽ đem lại quy tắc qua lại trên biển được nhất trí nhằm giảm bớt căng thẳng giữa các nước yêu sách chủ quyền.

 

Biển Nam Trung Hoa

 

Các cuộc tranh chấp lãnh thổ và trên biển ở biển Nam Trung Hoa xoay quanh 3 vấn đề chủ yếu: (1) các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cạnh tranh nhau giữa các bên tuyên bố chủ quyền, (2) các tuyên bố chủ quyền trên biển cạnh tranh nhau giữa các bên tuyên bố chủ quyền, và (3) các tuyên bố chủ quyền quá mức trên biển được khẳng định bởi một số bên tuyên bố chủ quyền. Đối với các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cạnh tranh nhau, có 6 bên tuyên bố chủ quyền đối với các cấu trúc địa hình ở biển Nam Trung Hoa: Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

 

Có 3 tranh chấp chủ yếu về chủ quyền lãnh thổ. Thứ nhất là tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, quần đảo mà Trung Quốc đã chiếm đóng kể từ năm 1974. Thứ hai là tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan và Philippines về bãi cạn Scarborough. Thứ ba là tranh chấp giữa nhiều bên tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, quần đảo gồm hơn 200 cấu trúc địa lý. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các cấu trúc địa hình của quần đảo Trường Sa, trong khi đó Brunei, Malaysia và Philippines chỉ tuyên bố chủ quyền đối với các cấu trúc địa hình nhất định trong nhóm đảo này. Việt Nam và Malaysia vẫn chưa phân định hoàn toàn các tuyên bố chủ quyền trên biển ở biển Nam Trung Hoa.

 

Đối với các tuyên bố chủ quyền trên biển cạnh tranh nhau, các bên tuyên bố chủ quyền đòi cả chủ quyền, quyền chủ quyền liên quan đến các nguồn tài nguyên, và các tuyên bố về quyền tài phán đối với những khu vực biển bên trong biển Nam Trung Hoa. Một vài trong số các bên tuyên bố chủ quyền này đã làm rõ bản chất và quy mô của các bên tuyên bố chủ quyền trên biển của họ, nhưng các bên khác thì không. Chẳng hạn, mặc dù Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) được tuyên bố của Indonesia mở rộng vào trong biển Nam Trugn Hoa, nhưng Chính phủ Indonesia hiện tại không thừa nhận cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc (chồng lấn với EEZ đó) và cũng không tự coi mình là một bên tuyên bố chủ quyền trong bất kỳ tranh chấp trên biển nào có liên quan đến biển Nam Trung Hoa.

 

Đối với các tuyên bố chủ quyền quá mức trên biển, một số bên tuyên bố chủ quyền bên trong khu vực này đã khẳng định các tuyên bố chủ quyền trên biển dọc theo đường bờ biển của họ và xung quanh các cấu trúc địa hình mà không phù hợp với luật pháp quốc tế. Chẳng hạn, Malaysia tìm cách hạn chế các hoạt động quân sự của nước ngoài bên trong EEZ của nước này, và Việt Nam tìm cách yêu cầu các tàu chiến nước ngoài phải khai báo trước khi thực hiện quyền qua lại không gây hại qua vùng lãnh hải của họ. Nhiều nước đã vẽ các đường cơ sở ven biển (những đường mà từ đó xác định quy mô của những quyền lợi trên biển) không phù hợp với luật quốc tế, trong đó có Việt Nam và TQ, và Mỹ cũng đã nêu lên các mối quan ngại đối với các điều khoản trong Luật lãnh hải và Vùng tiếp giáp của Đài Loan về đường cơ sở và quyền qua lại không gây hại trong vùng lãnh hải. Mặc dù chúng ta hoan nghênh những nỗ lực của Philippines và Việt Nam đưa ra các tuyên bố chủ quyền trên biển phù hợp với Công ước Luật Biển, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Phù hợp với Chính sách Tự do Hàng hải lâu đời của Mỹ, Mỹ khuyến khích tất cả các bên tuyên bố chủ quyền đưa ra các tuyên bố chủ quyền trên biển tuân thủ luật pháp quốc tế và thách thức các tuyên bố chủ quyền quá mức trên biển thông qua phản kháng ngoại giao và các hoạt động tác chiến của Mỹ.

 

 

Hàng không Mẫu hạm USS George Washington (CVN-73) và

những chiến hạm trực thuộc đang hải hành trên Đại Tây Dương

 

Trung Quốc đã không xác định rõ ràng quy mô các tuyên bố chủ quyền trên biển của nước này ở biển Nam Trung Hoa. Vào tháng 5/2009, Trung Quốc đã gửi 2 công hàm tới Tổng thư ký Liên hợp quốc phản đối các hồ sơ đệ trình của Việt Nam và Malaysia (chung) và Việt Nam (riêng)  lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa. Những công hàm này, trong số những thứ khác, gồm có một tấm bản đồ vẽ 9 đường đứt đoạn bao quanh các vùng biển, đảo và những cấu trúc khác trên biển Nam Trung Hoa và tạo thành một không gian biển rộng gần 2 triệu km2. Các công hàm năm 2009 cũng bao gồm một sự khẳng định của Trung Quốc rằng nước này có “chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Nam Trung Hoa và các vùng biển liền kề và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan cũng như đáy biển và tầng đất bên dưới”. Các hành động và giọng điệu của Trung Quốc đã không làm rõ đúng bản chất tuyên bố chủ quyền trên biển của nước này, kể cả việc liệu TQ có tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các khu vực biển nằm trong “đường 9 đoạn” cũng như tất cả các cấu trúc địa hình nằm trong đó hay không.

 

Biển Hoa Đông

 

Kể từ sau khi lấy lại quyền kiểm soát Okinawa và quần đảo Ryukyu từ Mỹ vào năm 1972, Nhật Bản đã quản lý quần đào Senkaku. Tháng 4/2012, Thị trưởng Tokyo đã công bố các kế hoạch mua 3 trong 5 hòn đảo từ các chủ sở hữu tư nhân người Nhật, thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản mua 3 hòn đảo vào tháng 9/2012 trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn việc kích động một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, Trung Quốc đã lý giải hành động này là một nỗ lực nhằm làm thay đổi nguyên trạng và phản đối động thái này, nhen nhóm lại những căng thẳng giữa các nước láng giềng.

 

Đối với việc phân định ranh giới trên biển ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đã lớn tiếng tuyên bố chủ quyền đối với một thềm lục địa mở rộng kéo dài vượt quá đường cách đều giữa Trung Quốc và Nhật Bản (nghĩa là, trong một khu vực rộng hơn 200 hải lý tính từ Trung Quốc nhưng lại nằm trong phạm vi 200 hải lý của Nhật Bản). Biên giới trên biển chưa được giải quyết tiếp tục gây ra những căng thẳng về quyền tiếp cận nguồn cá và dầu lửa trong khu vực đó.

 

Thông qua một sự hiện diện quân sự và thực thi pháp luật lâu dài và tuyên bố vào tháng 11/2013 về một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới trên biển Hoa Đông, ADIZ mà Mỹ kh6ong công nhận, Trung Quốc tiếp tục tiến hành những hành động dường như được thiết kế nhằm thách thức quyền quản lý hành chính của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku. Trung Quốc đã cử các tàu thực thi pháp luật trên biển (MLE) (và ít thường xuyên hơn là máy bay chiến đấu) thường xuyên tuần tra quần đảo Senkaku, kể cả trong khu vực 12 hải lý từ quần đảo này. Nhật Bản đã phản ứng, cử Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản gia tăng tuần tra nhằm hỗ trợ quyền quản lý hành chính của họ đối với quần đảo này.

 

Như Tổng thống Obama đã lưu ý tại Tokyo vào năm 2014 và nhắc lại hồi đầu năm 2015 trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Abe: “cam kết theo hiệp ước của chúng ta đối với an ninh của Nhật Bản là tuyệt đối và Điều 5 bao trùm tất cả các vùng lãnh thổ thuộc quyền quản lý hành chính của Nhật Bản, kể cả quần đảo Senkaku” – một luận điểm mà các bộ trưởng Carter và Kerry cũng đã tái khẳng định với những người đồng cấp Nhật Bản của họ vào ngày thứ Hai, 27/4/2015, trong hội nghị “2 + 2” tại New York. Chúng ta sẽ tiếp tục phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào tìm cách làm xói mòn quyền quản lý hành chính của Nhật Bản.

 

Ấn Độ Dương

 

Trong sự tương phản mạnh mẽ với biển Nam Trung Hoa và biển Hoa Đông, khu vực Ấn Độ Dương vẫn tương đối không có căng thẳng do các tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp trên biển gây ra trong những năm gần đây. Mặc dù có một vài tranh chấp trên biển trong khu vực này, nhưng chúng tương đối ổn định hoặc đã được giải quyết thông qua các tòa án và trọng tài quốc tế. Ấn Độ có dính líu tới 2 tranh chấp trên biển với các nước láng giềng: Pakistan và Bangladesh. Tranh chấp biên giới trên biển chủ yếu hiện tại của Ấn Độ là với Pakistan, xuất phát từ một sự bất đồng về nơi biên giới đất liền chạm đường bờ biển khi New Delhi và Islamabad duy trì các tuyên bố chủ quyền khác nhau đối với khu vực Sir Creek. Pakistan tuyên bố chủ quyền toàn bộ khu vực cửa sông này với đường biên giới được vẽ dọc theo bờ Đông, trong khi Ấn Độ tin rằng đường biên giới phải được vẽ tại điểm giữa sông như được phân định ranh giới trong một tấm bản đồ năm 1925. Mặc dù tranh chấp vẫn đang diễn ra, nhưgn những căng thẳng giữa hai nước về vấn đề biên giới Sir Creek và biên giới chưa được phân định trên biển đã trở nên bớt gay gắt hơn nhiều so với những căng thẳng về các đường biên giới tranh chấp trên đất liền khác của họ.

 

Ấn Độ và Bangladesh cũng có các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh nhau đối với một phần của Vịnh Bengal. Tuy nhiên, vào năm 2009, cả hai quốc gia đã nhất trí đệ trình các tuyên bố chủ quyền xung đột nhau của họ lên trọng tài quốc tế. Tháng 7/2014, phán quyết của tòa án nhìn chung ủng hộ lập trường của Dhaka, trao cho Bangladesh quyền chủ quyền đối với gần 7500 dặm vuông, hay khoảng ¾ diện tích biển của Vịnh Bengal, từ đó trao cho Bangladesh các quyền thăm dò trữ lượng rất lớn dầu mỏ và khí đốt mà trước đây do Ấn Độ nắm giữ. Cả Ấn Độ và Bangladesh đều đã công khai ủng hộ tòa trọng tài. Trong một tuyên bố chung với Dhaka, New Delhi đã cam kết tuân thủ phán quyết này, bày tỏ sự hài lòng rằng sự dàn xếp biên giới trên biển này sẽ tăng cường thiện chí và sự hiểu biết lẫn nhau, chấm dứt vấn đề biên giới trên biển, và mở đường cho sự hợp tác trong việc khai thác bền vững các nguồn tài nguyên biển của Vịnh Bengal.

 

Phần III

[2] Hiện đại hóa quân đội và lực lượng thực thi pháp luật trên biển (MLE)

 

Việc hiện đại hóa quân đội nhanh chóng trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã làm gia tăng một cách đáng kể khả năng xảy ra những tính toán sai lầm hay xung đột nguy hiểm trong lĩnh vực biển. Nhiều nước cũng đang tăng cường đáng kể các khả năng của lực lượng thực thi pháp luật trên biển của mình. Những phương tiện này đã trở nên ngày càng có liên quan khi các nước, đặc biệt là Trung Quốc, đang sử dụng chúng để khẳng định chủ quyền đối với các khu vực tranh chấp.

 

Trung Quốc đang hiện đại hóa mọi mặt năng lực quân sự và thực thi pháp luật có liên quan đến biển, bao gồm hạm đội tàu nổi của hải quân, tàu ngầm, máy bay chiến đấu, tên lửa, các khả năng radar, và cảnh sát biển. Nước này đang phát triển các công nghệ có trình độ cao dùng để ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài vào một cuộc xung đột và được thiết kế để chống lại công nghệ quân sự của Mỹ. Mặc dù việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Đài Loan vẫn là động lực thúc đẩy chính cho đầu tư của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cũng đang chú trọng vào việc chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ ở biển Nam Trung Hoa và biển Hoa Đông. Trung Quốc nhận thấy Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) cần phải có khả năng hỗ trợ “các sứ mệnh lịch sử mới” và những nhiệm vụ tác chiến của Trung Quốc bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất bằng các phương tiện hải quân đa nhiệm vụ, tầm xa, bền vững, được trang bị những khả năng phòng vệ vững chắc. Mặc dù số lượng chỉ là một thành phần tạo nên khả năng tổng thể, nhưng từ năm 2013 đến năm 2014, Trung Quốc đã hạ thủy nhiều tàu hải quân hơn bất cứ nước nào khác. PLAN giờ đây sở hữu số lượng tàu lớn nhất ở châu Á, với hơn 300 tàu nổi, tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu tuần tra.

 

Trung Quốc cũng đang tiến hành công cuộc hiện đại hóa MLE lớn nhất ở châu Á, cải thiện hạm đội của mình cả về số lượng lẫn chất lượng, hạm đội được thiết kế nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền trên biển của nước này ở biển Nam Trung Hoa và biển Hoa Đông. Hạm đội MLE của Trung Quốc, bao gồm chủ yếu các tàu thuộc lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc mới được thành lập, có khả năng tăng thêm 25% về quy mô và lớn hơn hạm đội của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền khác gộp lại.

 

Các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương khác cũng đang tăng cường các khả năng trên biển của họ. Nhật Bản đang cải thiện các khả năng răn đe của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) và tổ chức lại quân đội và các phương tiện MLE tới các khu vực gần quần đảo Senkaku, quần đảo mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Nhật Bản lên kế hoạch mua sắm và tổ chức lại các phương tiện tình báo, giám sát và do thám (ISR) tới khu vực này; nâng cấp tàu tuần tra trên biển, radar của lực lượng mặt đất và các đơn vị tên lửa; và phát triển khả năng tân công đổ bộ bên trong một lực lượng đặc nhiệm JSDF chung. Nội các Nhật Bản đã phê chuẩn một sự gia tăng khiêm tốn ngân sách của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản, một phần là để tài trợ cho một đơn vị tuần tra lâu dài ở Senkaku.

 

Ở Đông Nam Á, Việt Nam đang theo đuổi một chương trình hiện đại hóa trên biển đầy tham vọng, nổi bật là việc mua 6 tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo, các khinh hạm và tàu hộ tống nhỏ đang diễn ra, và việc nước này có khả năng mua các tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển tầm xa. Năm 2014, Nhật Bản tuyên bố rằng họ sẽ cung cấp cho Việt Nam 6 tàu giám sát bảo vệ bờ biển đã qua sử dụng, và Hà Nội đang mở rộng sức mạnh thực thi pháp luật của Cảnh sát biển Việt Nam. Philippines cũng đang hiện đại hóa các lực lượng biển của họ – một số tài của họ có từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai – kể cả thông qua việc nước này mau hai tàu tuần duyên thuộc chương trình bán trang thiết bị quân sự dư thừa của Lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ năm 2011 và năm 2013.

 

(Còn tiếp)

 

Xem tiếp phần 2: click vào đây.

 

*  *  *

 

Xem bài liên hệ cùng chủ đề, click vào đây
Xem bài trang Kiến thức, tài liệu, click vào đây

Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh