CHIẾN LƯỢC AN NINH BIỂN CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG: ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG MỤC TIÊU AN NINH QUỐC GIA CỦA MỸ TRONG
MỘT MÔI TRƯỜNG ĐANG THAY ĐỔI.
Bộ Quốc phòng Mỹ – 21/08/2015
TLTKĐB – 28, 29, 30/8/2015
(Tiếp theo)
[3] Những thách thức trên biển
Mặc dù nhiều bên tuyên bố chủ quyền đang sử dụng các khả năng quân sự và thực thi pháp luật trên biển theo cách thức có trách nhiệm, nhưng các hành động khiêu khích gần đây đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực này và dấy lên các mối quan ngại. Những hành động như việc sử dụng các tàu MLE để hăm dọa các bên tuyên bố chủ quyền đối thủ, những hành vi không an toàn trên không và trên biển, cải tạo đất nhằm mở rộng các cấu trúc tranh chấp và xây dựng các đảo nhân tạo sẽ cản trở những nỗ lực nhằm quản lý và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và trên biển một cách hòa bình.
Mở rộng sử dụng các phương tiện phi quân sự để hăm dọa các đối thủ
Một số quốc gia đã mở rộng việc sử dụng các phương tiện phi quân sự để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền trên biển của họ tại biển Hoa Đông và biển Nam Trung Hoa. Đáng chú ý nhất là Trung Quốc đang sử dụng một loạt đều đặn các bước đi nhỏ, tăng dần để tăng cường sự kiểm soát hiệu quả của nước này đối với các khu vực tranh chấp và tránh sự leo thang lên thành xung đột quân sự. Cụ thể, Trung Quốc đang tăng cường triển khai lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) để thực thi các tuyên bố chủ quyền của mình đối với các cấu trúc trên biển Hoa Đông và biển Nam Trung Hoa. Trung Quốc thích sử dụng các tàu thực thi pháp luật trên biển, do chính phủ quản lý, trong các tranh chấp này, và cho các tàu thuộc PLAN hoạt động xa hơn đường chân trời để chúng có thể sẵn sàng phản ứng trước sự leo thang. Trung Quốc đã triển khai mô hình này trong các tranh chấp với các bên có tuyên bố chủ quyền đối địch về bãi cạn Scarborough, Bãi Second Thomas (Bãi Cỏ Mây), cũm bãi cạn Nam Luconia và các hoạt động khoan dầu của CNOOC – 981 phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Kể từ năm 2012, CCG đã duy trì một sự hiện diện liên tục trong các khu vực bao gồm xung quanh quần đảo Senkaku tại biển Hoa Đông và bãi cạn Scarborough tại biển Nam Trung Hoa. Tương tự, Trung Quốc đã sử dụng các tàu thực thi pháp luật trên biển để giới hạn và gây áp lực lên quyền tiếp cận của Philippines đối với Bãi Second Thomas, nơi Philippines duy trì sự hiện diện thông qua một tàu hải quân bị mắc cạn, tàu Sierra Madre. Tuy Trung Quốc không phải là bên có tuyên bố chủ quyền duy nhất sử dụng các phương tiện phi quân sự để thực hiện các hành động gây lo ngại hoặc nguy hiểm chống lại các bên có tuyên bố chủ quyền đối địch – ví dụ, vào năm 2013, các thành viên trong Lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines đã khiến một ngư dân Đài Loan thiệt mạng tại vùng biển mà cả Philippines và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền – nhưng cho tới nay Trung Quốc là bên tích cực nhất.
Các hành động không an toàn trên không và trên biển
Các nỗ lực ngày càng lớn của các bên có tuyên bố chủ quyền để khẳng định tuyên bố của họ đã dẫn tới một sự gia tăng các vụ việc trên không và trên biển trong những năm gần đây, bao gồm một sự gia tăng chưa từng thấy hoạt động không an toàn của các cơ quan hàng hải Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Nam Trung Hoa. Máy bay và tàu quân sự của Mỹ thường xuyên là mục tiêu của cách hành xử không an toàn và không chuyên nghiệp này, đe dọa các mục tiêu của Mỹ là bảo vệ quyền tự do trên biển và thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế. Cách lý giải mở rộng của Trung Quốc về quyền tài phán vượt ra ngoài các vùng lãnh hải và không phận tạo ra bất đồng với các lực lượng Mỹ và các đồng minh hiệp ước của Mỹ hoạt động tại các vùng biển và không phận quốc tế trong khu vực và làm dấy lên nguy cơ về khủng hoảng do thiếu thận trọng.
Đã có một số các vụ việc gây lo ngại diễn ra trong những năm gần đây. Ví dụ, vào tháng 8/2014, máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc đã bay ngay phía dưới máy bay Poseidon P-8A của Mỹ đang hoạt động tại biển Nam Trung Hoa, các đảo Hải Nam khoảng 117 hải lý về phía Đông. Máy bay J-11 cũng thực hiện một màn nhào lộn trước máy bay P-8A và bay vượt qua mũi máy bay này để phô trương dàn vũ khí, làm gia tăng hơn nữa khả năng va chạm. Tuy nhiên, kể từ tháng 8/2014, ngoại giao quân sự Mỹ – Trung đã thu được các kết quả tích cực, bao gồm cả việc giảm các hành động ngăn chặn không an toàn. Chúng ta cũng đã chứng kiến PLAN thực thi các tiêu chuẩn quốc tế đã được nhất trí đối với các cuộc chạm trán trên biển, ví dụ như Bộ quy tắc về các vụ đụng độ bất ngờ trên biển (CUES), được ký kết vào tháng 4/2014.
Chiến đấu cơ tàng hình F-35
Cải tảo đất trên các cấu trúc tranh chấp
Một trong những diễn biến đáng chú ý nhất gần đây tại biển Nam Trung Hoa là việc Trung Quốc mở rộng các cấu trúc tranh chấp và xây dựng đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa, sử dụng các hoạt động cải tạo đất trên quy mô lớn. Cho dù hoạt động cải tạo đất – nạo vét các vật liệu dưới đáy biển đề bồi đắp đất – không phải là một diễn biến mới tại biển Nam Trung Hoa, chiến dịch cải tạo đất gần đây của Trung Quốc vượt xa đáng kể nỗ lực của các bên khác về quy mô, tốc độ và bản chất.
Trong những năm 1970 và 1980, Philippines và Malaysia đã thực hiện các dự án cải tạo đất có giới hạn trên các cấu trúc tranh chấp, với Việt Nam và sau đó là Đài Loan khởi xướng các nỗ lực. Vào thời điểm đó, Philippines đã xây dựng một sân bay trên Đảo Thitu (Đảo Thị Tứ), với khoảng 14 mẫu Anh đất được cải tạo để mở rộng đường băng. Malaysia xây dựng một sân bay tại Đá Swallow (Đá Hoa Lau) trong những năm 1980, cũng sử dụng một diện tích tương đối nhỏ đất được cải tạo. Trong giai đoạn 2009 – 2014, Việt Nam là bên tuyên bố chủ quyền tích cực nhất về cả hai mặt nâng cấp tiền đồn lẫn cải tạo đất. Nước này đã cải tạo khoảng 60 mẫu Anh đất tại 7 trong số các tiền đồn của mình và xây dựng ít nhất 4 cấu trúc mới như là một phần trong các nỗ lực mở rộng của nước này. Kể từ tháng 8/2013, Đài Loan đã cải tạo khoảng 8 mẫu Anh đất gần đường băng trên Đảo Itu Aba (Đảo Ba Đình), tiền đồn duy nhất của Đài Loan.
Các nỗ lực gần đây của Trung Quốc liên quan tới cải tạo đất trên nhiều loại cấu trúc khác nhau tại biển Nam Trung Hoa. Ít nhất một số trong những cấu trúc này không phải là những vùng đất được hình thành một cách tự nhiên nổi lên trên mặt nước khi thủy triều dâng và qua đó, theo luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước Luật Biển, không thể tạo ra bất cứ khu vực hàng hải nào (ví dụ như lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế). Các đảo nhân tạo được xây dựng trên các cấu trúc như vậy cùng lắm chỉ có thể tạo ra các khu vực an toàn rộng 500m, mà phải được thiết lập theo đúng các yêu cầu được ghi rõ trong Công ước Luật Biển. Cho dù các nỗ lực cải tạo đất được Trung Quốc xúc tiến tại quần đảo Trường Sa đang diễn ra trước một phán quyết được chờ đợi bởi tòa án trọng tài trong vụ kiện phân xử giữa Philippines và Trung Quốc theo Công ước Luật Biển, chúng ít có khả năng củng cố các quyền trên biển mà các cấu trúc đó sẽ được hưởng theo Công ước. Kể từ khi các nỗ lực cải tạo đất của Trung Quốc bắt đầu vào tháng 12/2013, Trung Quốc đã cải tạo đất tại 7 trong số 8 tiền đồn của nước này ở quần đảo Trường Sa, và cho tới tháng 6/2015, đã cải tạo hơn 2900 mẫu Anh đất. Khi đem ra so sánh, Việt Nam đã cải tạo tổng cộng khoảng 80 mẫu Anh. Tổng diện tích đất Trung Quốc đã cải tạo trong 20 tháng nhiều gấp 17 lần tổng diện tích đất được cải tạo trong 40 năm của tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền khác cộng lại, chiếm khoảng 95% toàn bộ diện tích đất được cải tạo tại quần đảo Trường Sa.
Tất cả các bên tuyên bố chủ quyền, ngoại trừ Brunei, đều duy trì các tiền đồn tại biển Nam Trung Hoa. Họ sử dụng những tiền đồn này để thiết lập sự hiện diện tại các vùng nước xung quanh, khẳng định các đòi hỏi chủ quyền của họ và giám sát hoạt động của các bên tuyên bố chủ quyền đối địch. Tất cả các bên tuyên bố chủ quyền này đều tham gia các hoạt động liên quan tới xây dựng. Nâng cấp tiền đồn có nhiều hình thức khác nhau nhưng nhìn chung bao gồm cải tạo đất, mở rộng và xây dựng nhà, và đặt vũ khí phòng thủ. Tại tất cả các địa điểm cải tạo của mình, Trung Quốc hoặc đã chuyển từ các hoạt động cải tạo đất sang phát triển cơ sở hạ tầng hoặc tổ chức hỗ trợ xây dựng cho phát triển cơ sở hạ tầng. Do phát triển cơ sở hạ tầng vẫn đang trong những giai đoạn đầu, vẫn chưa rõ Trung Quốc cuối cùng sẽ xây dựng cái gì trên những tiền đồn được mở rộng này. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tuyên bố công khai rằng các tiền đồn sẽ có một yếu tố quân sự, và cũng sẽ được sử dụng cho hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trên biển, ngăn chặn và giảm nhẹ thảm họa, nghiên cứu khoa học trên biển, quan sát khí tượng, bảo tồn môi trường sinh thái, an toàn hàng hải và sản xuất ngư nghiệp. Tại các địa điểm cải tạo hiện đang trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đã đào các con kênh sâu và xây dựng các khu vực cập bến mới để cho phép các tàu lớn hơn tiếp cận các tiền đồn. Trung Quốc cũng đang hoàn thành việc xây dựng một đường băng tại Fiery Cross (Đá Chữ Thập), gia nhập các bên tuyên bố hcủ quyền khác có tiền đồn – như Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam – những bên có một đường băng trên ít nhất một trong số các cấu trúc họ chiếm giữ, và có thể đang xây dựng thêm những đường băng khác. Tuy các bên có tuyên bố chủ quyền khác đã cải tạo đất trên các cấu trúc tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa, các nỗ lực mới nhất của Trung Quốc khác rất nhiều so với các nỗ lực trước đó cả về quy mô và tác động. Cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc dường như đang xây dựng sẽ tạo điều kiện cho nước này thiết lập một sự hiện diện có thể triển khai sức mạnh mạnh mẽ hơn ở biển Nam Trung Hoa. Hoạt động xây dựng và cải tạo đất mới nhất của Trung Quốc cũng sẽ cho phép nước này neo đậu các tàu lớn hơn tại các tiền đồn; mở rộng việc thực thi pháp luật và sự hiện diện của hải quân nước này sâu hơn vào phía Nam biển Nam Trung Hoa; và có khả năng cho máy bay hoạt động – có thể như một đường băng chuyển hướng cho máy bay đóng trên tàu sân bay – có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc thực hiện các hoạt động được duy trì với tàu sân bay trong khu vực. Hoạt động cải tạo đất đang diễn ra cũng sẽ hỗ trợ khả năng duy trì các lần triển khai lâu hơn của các tàu thực thi pháp luật trên biển tại biển Nam Trung Hoa. Những nâng cấp tinh vi hơn về quân sự có thể có trên các cấu trúc này sẽ là một bước đi gây bất ổn hơn nữa. Bằng cách thực hiện những hành động này, Trung Quốc đang đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tự nhiên trong khu vực, qua đó làm phức tạp các sáng kiến ngoại giao mà có thể làm giảm căng thẳng.
[4] Giải pháp cho tranh chấp
Bất chấp những hành động gây bất ổn gần đây ở khu vực biển châu Á, các bên tuyên bố chủ quyền đã tham gia một số bước đi tích cực. Bộ Quốc phòng tin rằng giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên biển là điều cần thiết, và nhiều nước đang sử dụng và tuân thủ nhiều cơ chế pháp lý quốc tế khác nhau hiện có. Ấn Độ và Bangladesh đã đạt được thỏa thuận về tranh chấp giữa hai nước tại Vịnh Bengal, và một số bên tuyên bố chủ quyền tại biển Nam Trung Hoa đã sử dụng Tòa án công lý quốc tế, các tòa án trọng tài đặc biệt theo Công ước Luật Biển và Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS) để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp trên biển của họ. Ví dụ, năm 2008 Malaysia và Singapore đã sử dụng Tòa án công lý quốc tế (ICJ) để giải quyết một tranh chấp trên đất liền và trên biển về các đảo và bãi đá ở ngoài khơi. Các bên tuyên bố chủ quyền cũng đã ký kết một số thỏa thuận phân định ranh giới trên biển song phương, trong đó có thỏa thuận song phương vào năm 2014 giữa Philippines và Indonesia về các EEZ chồng lấn tại biển Mindanao, biển Celebes và biển Philippines.
Vào tháng 1/2013, Philippines đã yêu cầu thành lập một tòa án trọng tài theo Công ước Luật Biển giải quyết một số vấn đề pháp lý nảy sinh đối với việc diễn giải và áp dụng Công ước. Tòa án trọng tài, trong số những vấn đề khác, tìm cách làm rõ những quyền trên biển của một vài cấu trúc nhất định ở biển Nam Trung Hoa theo Công ước và xác định xem liệu yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc có phù hợp với Công ước hay không. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công khai bác bỏ việc đệ trình này và từ chối tham gia. Vào tháng 6/2015, tòa án trọng tài đã tổ chức một phiên điều trần về vấn đề quyền tài phán. Nếu tòa án ra phán quyết rằng vụ kiện có thể tiếp tục với lý do về quyền tài phán và khả năng thụ lý đơn kiện, tòa án trọng tài sẽ tiếp tục xác định tính chính đáng trong các tuyên bố chủ quyền của Philippines. Việc Trung Quốc phản ứng như thế nào đối với một phán quyết tiềm tàng từ tòa án trọng tài sẽ phản ánh thái độ của Trung Quốc đối với luật biển quốc tế.
Phóng pháo cơ Northrop Grumman B-2 Spirit giá hàng tỷ Đô la
CHIẾN LƯỢC AN NINH BIỂN NHẰM ĐẠT ĐƯỢC CÁC MỤC TIÊU CỦA MỸ
Nhiều trong số các vấn đề đã được đề cập ở trên có khả năng đẩy sự ổn định phải rất khó khăn mới đạt được của khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào nguy hiểm. Các tranh chấp lãnh thổ và trên biển vẫn tiếp diễn, kết hợp với quá trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng, đã dẫn đến sự phát triển của một môi trường biển bị tranh giành nhiều hơn và đầy rủi ro tiềm tàng. Mặc dù nhiều quốc gia đang theo đuổi những nỗ lực giảm thiểu rủi ro và giải quyết các tranh chấp của họ một cách hòa bình, khả năng tính toán sai lầm và bất ổn định vẫn còn cao. Do đó, các đồng minh và đối tác của Mỹ đang tìm kiếm sự lãnh đạo và can dự từ Mỹ. Bộ Quốc phòng sẽ không ngồi yên trước những thách thức này và đang tăng cường các nỗ lực của chúng ta để bảo vệ quyền tự do trên biển, ngăn chặn xung đột và sự hăm dọa, thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế.
Do đó Bộ Quốc phòng, phối hợp với các đối tác liên ngành của chúng ta, đang sử dụng một chiến lược an ninh biển toàn diện tập trung vào 4 tuyến nỗ lực: tăng cường các khả năng quân sự của Mỹ trong lĩnh vực hàng hải; xây dựng khả năng trên biển của các đồng mih và đối tác của chúng ta; tạo lực đòn bẩy cho ngoại giao quân sự để giảm thiểu rủi ro và xây dựng tính công khai minh bạch; và tăng cường sự phát triển của một cấu trúc an ninh khu vực mở hiệu quả.
CÁC TUYẾN NỖ LỰC CỦA BỘ QUỐC PHÒNG
Trước hết, chúng ta đang tăng cường khả năng quân sự của chúng ta để đảm bảo Mỹ có thể ngăn chặn thành công xung đột và sự hăm dọa, và phản ứng dứt khoát khi cần thiết. Bộ Quốc phòng đang đầu tư vào những khả năng lợi thế, triển khai lên tuyến đầu các khả năng trên biển tốt nhất của chúng ta, và phân bổ những khả năng này một cách rộng rãi hơn trên toàn khu vực. Nỗ lực này cũng liên quan đến việc tăng cường tư thế lực lượng và sự hiện diện lâu dài của chúng ta trong khu vực, điều sẽ cho phép chúng ta duy trì một nhịp độ huấn luyện, di chuyển và tác chiến cao hơn. Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động bay qua, cho tàu thuyền qua lại và hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế, như các lực lượng Mỹ vẫn làm trên toàn thế giới.
Thứ hai, chúng ta đang cộng tác với các đồng minh và đối tác của chúng ta từ Đông Bắc Á cho đến Ấn Độ Dương để xây dựng khả năng trên biển của họ. Chúng ta đang xây dựng khả năng phối hợp tác chiến lớn hơn, cập nhật các bài diễn tập phối hợp của chúng ta, phát triển thêm nhiều hoạt động tích hợp, và hợp tác phát triển nhận thức về lĩnh vực hàng hải và các khả năng an ninh trên biển của các đối tác, điều sẽ đảm bảo một khả năng tập thể mạnh mẽ từ sử dụng các năng lực trên biển của chúng ta một cách hiệu quả nhất.
Thứ ba, chúng ta đang tạo lực đòn bẩy cho ngoại giao quân sự để xây dựng tính công khai minh bạch lớn hơn, giảm nguy cơ tính toán sai lầm hay xung đột, và thúc đẩy các quy tắc qua lại chung trên biển. Điều này bao gồm các nỗ lực song phương của chúng ta với Trung Quốc cũng như các sáng kiến đa phương nhằm phát triển các cơ chế giải quyết khủng hoảng mạnh mẽ hơn trong khu vực. Ngoài sự can dự của chúng ta với các đối tác khu vực, chúng ta cũng tiếp tục khuyến khích các nước phát triển các biện pháp xây dựng lòng tin với nhau và theo đuổi các nỗ lực ngoại giao nhằm giả quyết các tuyên bố chủ quyền tranh chấp.
Cuối cùng, chúng ta đang làm việc để tăng cường các thể chế an ninh khu vực và khuyến khích phát triển một cấu trúc an ninh khu vực mở và hiệu quả. Nhiều trong số những thách thức trên biển phổ biến nhất mà chúng ta phải đối mặt đòi hỏi có một phản ứng đa phương phối hợp. Như vậy, Bộ Quốc phòng đang tăng cường sự can dự của chúng ta vào các thể chế tại ASEAN như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF), cũng như thông qua các diễn đàn rộng hơn như Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS) và Hội nghị Hải quân Ấn Độ Dương (IONS), trong đó cung cấp những nền tảng để thảo luận thẳng thắn và minh bạch về các mối quan ngại trên biển.
[1] Tăng cường khả năng quân sự của Mỹ ở khu vực biển châu Á
Đầu tư và khả năng
Trong hàng thập kỷ, Mỹ đã đứng bên các đồng minh và đối tác của mình để giúp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong thời kỳ này, quân đội Mỹ đã có được và phụ thuộc vào khả năng triển khai sức mạnh và duy trì tự do hành động trong lĩnh vực hàng hải. Chúng ta ngày càng chứng kiến các nước phát triển những công nghệ mới dường như được thiết kế để chống lại những thế mạnh này. Bộ Quốc phòng do đó đang làm việc để duy trì các khả năng cần thiết để ngăn chặn xung đột và trấn an các đồng minh và đối tác, trong khi bảo vệ khả năng phản ứng dứt khoát của chúng ta khi cần thiết. Điều này bao gồm việc đầu tư vào những khả năng và khái niệm mới mà sẽ cho phép các lực lượng Mỹ hoạt động tự do ngay cả trong các môi trường bị tranh chấp. Bộ Quốc hpòng đang tăng cường các khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ từ trên biển, trên không và dưới mặt nước. Là một phần trong nỗ lực này, chúng ta đang tirển khai một số tàu nổi tối tân của chúng ta tới khu vực này, bao gồm vào năm 2015 thay thế tàu sân bay USS George Washington bằng tàu USS Ronald Reagan mới hơn; phái tàu tấn công đổ bộ phục vụ tác chiến trên không mới nhất của chúng ta, tàu USS America, tới khu vực này vào năm 2020; triển khai thêm 2 tàu khu trục gắn hệ thống Aegis tới Nhật Bản; và phiên chế cả 3 tàu khu trục tàng hình lớp mới nhất của chúng ta, tàu DDG-1000, cho hạm đội Thái Bình Dương.
Chúng ta đang bổ sung cho các khả năng trên mặt biển này bằng một số phương tiện trên không mạnh nhất của mình, bao gồm máy bay chiến đấu F-22, các máy bay ném bom chiến lược B-2 và B-52 liên tục được triển khai, bổ sung máy bay cánh quạt nghiêng cho Lực lượng Thủy quân Lục chiến và Các lực lượng đặc nhiệm, và trong năm 2017, sẽ lần đầu tiên đưa máy bay F-35 tới đóng quân ở tiền tiêu tại Iwakuni, Nhật Bản. Bộ Quốc phòng cũng sẽ mua 395 máy bay F-35 trong vòng vài năm tới, phần nhiều trong số đó sẽ được triển khai tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đối với môi trường dưới mặt biển, Bộ Quốc phòng đang bố trí thêm một tàu ngầm tấn công ở Guam và tài trợ thêm hai tầu ngầm lớp Virginia, và Modune trọng tải Virginia, một khoang kín được gắn thêm vào các tàu ngầm tấn công mới của chúng ta sẽ làm tăng đáng kể sức chứa vũ khí và tải trọng khác. Những khả năng này sẽ giúp bảo vệ và tăng tính linh hoạt cho các lợi thế của chúng ta trên biển, trên không và dưới mặt nước.
Để hỗ trợ những phương tiện này, Bộ Quốc phòng đang đầu tư vào một chương trình hiện đại hóa vũ khí toàn diện, bao gồm những kế hoạch cho các tên lửa mới hoặc được nâng cấp phóng từ đất liền, trên biển và trên không có liên quan đến lĩnh vực hàng hải. Bộ Quốc phòng đang mua các loại đạn dược có độ chính xác tiên tiến sẽ cho phép các lực lượng của chúng ta tấn công kẻ thù từ các khoảng cách xa hơn, chẳng hạn như Tên lửa hành trình không đối đất tầm xa (JASSM-ER) mới, và một tên lửa hành trình chống tàu tầm xa mới sẽ cải thiện khả năng của máy bay Mỹ tấn công các tàu chiến nổi trong không phận được bảo vệ. Và chúng ta đang tìm kiếm các cách thức mới để sử dụng những hệ thống vũ khí hiện có, bao gồm tăng cường các khả năng sẵn có trong kho dự trữ tên lửa hành trình Tomahawk hiện nay của chúng ta.
Bên cạnh việc tăng cường các khả năng triển khai sức mạnh của chúng ta, Bộ Quốc phòng cũng đang đầu tư vào các khả năng linh hoạt sẽ cho phép chúng ta phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn trước một loạt rộng hơn các thách thức tiềm tàng trên biển. Việc triển khai luân phiên các tàu chiến ven biển (LCS) ở Singapore đã đem lại cho Hải quân Mỹ một phương tiện linh hoạt, mau lẹ có thể hoạt động hiệu quả trong các vùng ven bờ đầy thách thức của khu vực này. Bộ Quốc phòng hiện đang chỉ đạo việc triển khai đã qua chứng minh khái niệm lần hai các LCS tới khu vực này, một sự triển khai mà sẽ không chỉ bao gồm các chuyến cập cảng và can dự với 7 nước Đông Nam Á khác nhau, mà còn tham gia một trong những cuộc diễn tập giao chiến lớn nhất và phức tạp nhất của chúng ta tại Hàn Quốc, cuộc tập trận Đại bàng non. Ngoài ra, chúng ta sẽ triển khai tàu đổ bộ cơ động (MLP) tới khu vực này, điều sẽ cho phép thực hiện hiệu quả hơn một loạt nhiệm vụ, từ các nỗ lực chống cướp biển cho tới các hoạt động của lực lượng đặc nhiệm và các sứ mệnh cứu trợ thảm họa.
Cuối cùng, Bộ Quốc phòng đang đầu tư vào các khả năng hỗ trợ quan trọng, bao gồm các phương tiện ISR bền bỉ và hoạt động sâu hơn sẽ đem lại cho chúng ta khả năng nhận biết tình huống lớn hơn và cảnh báo sớm hơn về các cuộc khủng hoảng tiềm tàng trong lĩnh vực hàng hải. Hải quân Mỹ đang mua 24 máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không E-2D Hawkeye trang bị cho tàu sân bay, và như được tuyên bố trong bản đệ trình ngân sách gần đây nhất lên Tổng thống, đầu tư 9,9 tỷ USD trong vòng 4 năm tới để mua 47 chiếc máy bay do thám trên biển P-8A Poseidon cuối cùng, phần nhiều trong số đó sẽ được triển khai tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng cũng đang đầu tư đáng kể để phát triển hệ thống máy bay không người lái MQ-4C Triton sẽ đem lại khả năng nhận biết tình huống trên khu vực rộng cho các chỉ huy tác chiến của chúng ta. Lần triển khai MQ-4C đầu tiên sẽ diễn ra trong Khu vực chịu trách nhiệm (AOR) của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (UAPACOM) trong năm tài khóa 2017. Những khả năng được tăng cường này đã tạo ra một sự khác biệt trong việc cải thiện khả năng phản ứng của Bộ Quốc phòng trước các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực biển châu Á.
Vào tháng 3/2011, khi một trận động đất và sóng thần tàn phá nhiều vùng của Nhật Bản và gây thiệt hại cho nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, quân đội Mỹ đã có thể triển khai các khả năng tân tiến, bao gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan và máy bay không người lái Global Hawk đến để đánh giá thiệt hại. Tương tự, khi chiếc máy bay số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia biến mất vào tháng 3/2014, Hải quân Mỹ đã cử một máy bay P-8A Poseidon mới trình làng cùng một máy bay P-3C Orion để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Tốc độ di chuyển của chiếc P-8A tới khu vực tìm kiếm cao hơn rất nhiều và mức độ đốt nhiên liệu dự kiến của nó thấp hơn nhiều, một chiếc P-8A thứ hai đã được bổ sung vào cuộc tìm kiếm thay thế cho chiếc P-3C, khiến có thêm thời gian cho việc chủ động tìm kiếm. Và vào tháng 12/2014, khi chiếc máy bay số hiệu 8501 của AirAisa đâm xuống biển Java, Hải quân Mỹ đã có thể nhanh chóng điều động chiếc LCS USS Fort Worth tới giúp tìm kiếm các mảnh vỡ.
Về lâu dài, Bộ Quốc phòng cũng đang phát triển một loạt các ý tưởng và khả năng đổi mới – được biết đến như là yếu tố làm cân bằng thứ 3 – để thúc đẩy sự chi phối quân sự của Mỹ trong thế kỷ 21 và đảm bảo Mỹ có thể ngăn chặn đối thủ và chiếm ưu thế trong xung đột, kể cả ở khu vực biển châu Á. Để làm cân bằng những cải tiến trong các loại vũ khí chống tiếp cận và ngăn chặn xâm nhập khu vực (A2/AD) mà chúng ta thấy đang được phổ biến trong khu vực biển châu Á và xa hơn nữa, Bộ Quốc phòng sẽ xác định, phát triển và tạo ra đột phá trong các công nghệ và hệ thống có lợi thế – đặc biệt trong các lĩnh vực chế tạo robot, các hệ thống tự vận hành, kỹ thuật thu nhỏ, dữ liệu lớn, và gia công bổ sung – và sẽ đưa tất cả những kỹ thuật này vào mô hình hoạt động và tổ chức đổi mới nhằm đảm bảo quyền tự do tiếp cận các lực lượng Mỹ trong môi trường A2/AD cạnh tranh.
(còn tiếp)
Xem phần 1: click vào đây
Xem tiếp phần 3: click vào đây.
Đề tài liên hệ:
NHỮNG KHÍA CẠNH QUÂN SỰ TRONG CHIẾN LƯỢC “XOAY TRỤC” CỦA MỸ SANG CHÂU Á: click vào đây
* * *
Xem bài liên hệ cùng chủ đề, click vào đây
Xem bài trang Kiến thức, tài liệu, click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net