Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn học
ẢO VÀ THỰC VỀ LÁ DIÊU BÔNG, HOA THẠCH-THẢO
TRƯƠNG QUANG
MÙA THU CHẾT
MÙA THU CÒN ĐÓ

Mở speakers ON, click vào tam giác bên trái để nghe âm-thanh.
Muốn nghe bài khác, click vào hai gạch đứng song song (
góc trái)

để OFF file audio đó rồi click vào tam giác để nghe bài khác.

Bản số 1: MÙA THU CHẾT

Sáng tác: Phạm Duy phổ từ thơ Pháp

Ca sĩ: Ý Lan

Bản số 2: MÙA THU CÒN ĐÓ

Sáng tác: Châu Kỳ

Ca sĩ: Julie Quang (Thu âm trước 1975)

(Xem lời ca trong phần phụ chú, ở cuối trang nầy)

 

ẢO VÀ THỰC VỀ LÁ DIÊU BÔNG, HOA THẠCH-THẢO

Trương Quang                                    

 

Trong văn chương lãng mạn (littérature romantique) thường có lá hoa tô điểm cho những chuyện tình buồn. Có khi là “lá diêu bông” huyễn hoặc để thách cưới của mối tình si mê đơn phương ở tuổi vị thành niên. Có khi là “hoa thạch thảo” đặt lên phần mộ giai nhân vắn số, từ đó thế nhân chiêm ngưỡng rồi đồng hóa thạch thảo với những loài hoa khác. Tôi chạnh lòng trước tình nước, tình người, tình hoa lá, bèn gõ ra vài chuyện liên hệ để san sẻ cùng bạn đọc.

 

I. LÁ DIÊU BÔNG:

 

 

Chân dung nhà thơ Hoàng Cầm

 

1. Hoàng Cầm và môi trường nảy sinh ra “lá diêu bông”.

 

Cậu Bùi Tằng Việt chào đời ngày 22-2-1922 tại thôn Phúc-Tằng, xã Tăng-Tiến huyện Việt-Yên, tỉnh Bắc-Giang, được bố mẹ lấy tên xã và huyện đặt tên cho cậu từ lúc nằm nôi, quả thật đã kết chặt trái tim Tằng Việt với quê nhà. Bố ông là thầy khóa dạy Nho học và bốc thuốc Bắc trị bệnh khá mát tay. Bùi Tằng Việt lấy bút hiệu Hoàng Cầm, là tên vị thuốc đắng, trừ phong giải độc trong tủ thuốc Đông-y của bố; phải chăng nó đã vận vào cuộc đời chiến sĩ giải trừ văn hóa độc hại, ông chấp nhận bị trù dập đắng cay! Lắm người lầm tưởng Hoàng Cầm là họ và tên, ở bài nầy viết gọn hơn nữa là HC- cũng vì giản tiện thôi-.

 

Năm 1930 mới lên 8 học trường làng, Hoàng Cầm "phải lòng" chị Vinh, người láng giềng mơn mởn dậy thì "long lanh mắt ướt", nhiều khi cậu chểnh mãng học hành để đến quanh quẩn bên chị. Cuối Thu năm 1934, chị Vinh đi thơ thẩn giữa cây cỏ trên cánh đồng sau nhà, cậu Hoàng Cầm lẽo đẽo bám theo, cậu hỏi chị muốn tìm thứ gì? Chị trả lời:

 

- Đứa nào tìm được “lá diêu bông”, từ nay ta gọi là chồng.

 

Từ đó, cậu Hoàng Cầm lên trọ học tại thị xã Phủ-Lạng-Thương (tỉnh Bắc-Giang) mỗi thứ Bảy và Chúa nhật cậu Hoàng Cầm cũng cuốc bộ hoặc hoặc đi xe đạp về nhà để được gần gũi chị Vinh và đi tìm “lá diêu bông”. Năm Hoàng Cầm lên 12 tuổi, chị Vinh đột ngột theo chồng về Phủ-Lý, khiến cậu buồn nản chán chường. Hoàng Cầm hồi tưởng những đêm trăng sáng, chị Vinh tập họp đám thiếu nhi sau sân ga Tiên-Du - nơi gia đình chị có sạp bán bánh kẹo và nước chè - để tập hát quan họ, hát ví theo giọng hát du dương ngân vang của chị. Chị Vinh biết cậu Việt si mê mình, có lúc chị ôm vai cậu là cậu sà vào lòng ấm êm của chị; nhưng chưa bao giờ cậu dám quàng tay ôm trọn thân thể rạo rực nhựa sống của chị. Một lần, cậu Việt nắn nót viết lá thư tình bộc bạch lòng mình, dúi vào tay chị Vinh, chị thờ ơ bỏ luôn vào túi áo. Nhìn thái độ dửng dưng của chị, cậu ngầm hiểu: ”Em còn bé lắm, chả biết gì”. Dù thế nào, cậu Hoàng Cầm không thể rời khỏi hình bóng người thanh nữ lớn hơn mình 8 tuổi, mải miết đi tìm “lá diêu bông” làm sính lễ, mấy lần đem lá đến chị đều phủ nhận.

 

Cho đến năm 1959, trong giấc ngủ mộng mị, HC nghe từ tiềm thức vọng lên câu thơ “Váy Đình bảng buông chùng cửa võng” và những câu nối tiếp như từ thần thức theo nhau ra. Ông lặng lẽ ghi lại trong đêm bên cạnh vợ con vẫn ngon giấc. Bài thơ dưới đây được mọi người tán thưởng mà không ai biết lá diêu bông là lá gì?

 

LÁ DIÊU BÔNG

 

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng

Chị thẩn thơ đi tìm

Đồng chiều, cuống rạ.

Chị bảo: Đứa nào tìm được lá diêu bông,

Từ nay ta gọi là chồng.

Hai ngày em tìm thấy lá,

Chị chau mày: Đâu phải lá diêu bông.

Mùa Đông sau em tìm thấy lá,

Chị lắc đầu

Trông nắng vãng bên sông.

 Ngày cưới chị, em tìm thấy lá,

Xòe tay phủ mặt chị không nhìn. (*)

Từ thuở ấy, em cầm chiếc lá

Đi đầu non cuối bể,

Gió quê vi vút gọi:

Diêu bông hời...ới diêu bông !..

 

* Ở một dị bản có câu này khá hay:

 

“Ngày cưới chị em tìm thấy lá,

Chị cười xe chỉ ấm trôn kim".

 

Cũng theo lời tự thuật của Hoàng Cầm, năm ông 18 tuổi (1940) sau khi đậu Tú Tài theo học chế Pháp, ông diện bộ cánh Âu phục đi ăn đám cưới ở xã Song-Hồ, Bắc-Ninh, trong lúc chờ tàu về Bắc-Giang, bỗng có người nhà quê bán nước lá vối gọi: "Cậu Việt ơi!". Nhìn nhận ra là chị Vinh, chị cho biết đã lấy lẽ ông Quản được 1 con, nay ông Quản ruồng bỏ nên không mặt mũi nào về quê cũ. Đến cuối năm 1954, lúc Hoàng Cầm đang là Sĩ quan Tuyên huấn của Vệ quốc quân, một người đàn bà tiều tụy đã quá tuổi xuân xanh tại Lò Đúc Hà-Nội, cứ mãi nhìn theo ông. Nhận ra nhau là cậu Việt và chị Vinh, thì bỗng chị lấy cớ bỏ chạy lẩn vào đám đông. Hoàng Cầm thương cảm ngẩn ngơ, gởi theo gió nụ hôn và tên gọi lá diêu bông.

 

“Gió quê vi vút gọi

Diêu bông hời...ới diêu bông!”...

 

Lời tự sự của Hoàng Cầm viết tháng 9/2004, ông nói thêm mối tình với chị Nghĩa, cũng lớn hơn ông 8 tuổi, lần nầy chị Nghĩa quyến rũ ông và chạy theo ông (khác với khi ông từng mê đắm chạy theo chị Vinh). Người gõ bài nầy nghĩ rằng: chuyện chị Nghĩa say mê Hoàng Cầm là cách bù đắp cho lòng tự ái của nhà thơ bị thương tổn vì chị Vinh, đồng thời Hoàng Cầm muốn pha loãng "ẩn dụ Lá diêu bông" dưới mắt nhà cầm quyền Cộng sản đương thời .

 

Khi còn theo bậc trung học ở Bắc-Ninh, Hoàng Cầm đã viết truyện ngắn và các dịch phẩm Hận ngày Xanh (Graziella của Lamartine), Bông sen trắng (của Anderson), Nghìn lẻ một đêm (tập truyện của Ba-Tư). Tác phẩm để đời của Hoàng Cầm là Kịch thơ như: Hận Nam-quan, Tiếng hát Trương Chi, Kiều Loan; Kich nói như: Ông cụ Liên, Đêm Lào-Cai, Tiếng hát Quan-họ, tập thơ Hoàng Cầm như: Bên kia sông Đuống, Về Kinh-Bắc, và 2 tập thơ chọn loc được Giải thưởng năm 2007 là 99 tình khúc (1955) và Lá diêu bông (1993).

 

Trong thi kịch Kiều Loan, diễn viên Tuyết Khanh thủ vai Kiều Loan, trở thành người vợ đầu tiên của Hoàng Cầm, trong đoàn kịch Đông-phương của ông, từng lưu diễn tại các tỉnh trung châu Bắc Việt do Việt-Minh kiểm soát. Năm 1955, Tuyết Khanh di cư vào Nam Việt, vài năm sau ông kết hợp với người bạn đời thứ hai là Lê Hoàng Yến.

 

Hoàng Cầm còn những bút danh khác là Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Việt, Bằng Phi.

 

Hoàng Cầm qua đời ngày 6-5-2010 tại Hà-Nội, hưởng dương 88 tuổi, sau 30 năm sống lặng lẽ và kham khổ như một tù nhân của vụ án Nhân văn Giai phẩm.

 

2. Tiếng vang của bài thơ Lá diêu bông:

 

a. Trên dòng thơ nhạc:

 

Nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) đã phổ nhạc bài thơ Lá diêu bông khoảng giữa thập niên 1980, ông  thêm vào 2 câu thơ lục bát ở cuối bài hát:

 

Em đi trăm núi nghìn sông,

Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ!

 

Rõ ràng Phạm Duy nói thay cho nhiều người đã biết sự thật không có lá diêu bông, nó là hư, là ảo tưởng do Hoàng Cầm phịa ra cho một chuyện tình ngang trái hàm ý ẩn dụ.

 

 

Chân dung Phạm Duy (ảnh chụp tháng 11/2008)

 

Những người viết nhạc khác như Nguyễn Tiến, Trần Thiết Hùng, Vinh Sử đã phổ nhạc hay lấy cảm hứng từ bài thơ Lá diêu bông. Đáng lưu ý là nhạc sĩ Trần Tiến đã biến chế ý thơ Lá diêu bông thành nhạc bản "Sao em nỡ vội lấy chồng" mang làn điệu ca dao:

 

Bướm vàng đã đậu cây mù u rồi.

Lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn

 

Tuy vậy, lời ca vẫn bám chặt nguyên tác:

 

Em đố ai tìm được lá diêu bông.

Em xin lấy làm chồng

Diêu bông hỡi diêu bông...

Sao em nỡ vội lấy chồng (nhấn mạnh vài lần).

 

Biết bao giấy bút trên văn-đàn tán tụng chuyện tình vô vọng như đôi đũa lệch được thăng hoa bằng lá diêu bông hư ảo? Trong thực tại "đồng chiều cuống rạ" có lá hoa trinh nữ, nếu bị đụng chạm là 2 hàng lá xòe lập tức xếp vào cuống như chiếc quạt đang mở bỗng xếp lại, nên người dân quê gọi tên "lá mắc cỡ", có hoa tròn tím nhạt thường được thiếu nữ đeo làm "hoa tai". Lá hoa trinh nữ có chuyện tình vương giả thơ mộng; ấy vậy mà lá mắc cỡ hiển nhiên lại không hấp dẫn bằng lá diêu bông giả tưởng?! Chỉ một nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (ca sĩ Nhật Trường) viết nhạc khúc về lá hoa trinh nữ; chứng tỏ trong văn nghệ: cái ảo hơn cái thật, cái bất cập hơn cái hoàn mãn. Phải chăng bài thơ Lá diêu bông được yêu quí vì nó ứng hợp với lời nói đầu môi:

 

Đời chỉ đẹp khi tình còn dang dở

Tình mất vui khi trót vẹn câu thề.

 

b. Một ẩn dụ chính trị:

 

Năm 1959 bài thơ lá diêu bông ra đời sau khi Hoàng Cầm đã chứng kiến  từ năm 1956 cảnh tàn bạo hồ đồ trong Cải cách ruộng đất, tiếp đến chủ trương độc quyền thao túng văn hóa, trù dập văn nghệ sĩ chân chính mà Hoàng Cầm là một trong hàng loạt nạn nhân. Qua bối cảnh đó, lời thơ Lá diêu bông diễn tả mơ hồ về cái đích không tưởng sẽ dẫn đến thất vọng, là chỉ dấu phản ảnh về đương thời có mang hàm ý ẩn dụ.

 

Năm 1984 Hội Văn hóa VN vùng Bắc Mỹ ấn hành tập "Hoàng Cầm ca" của Phạm Duy, tiện dịp nầy ông đến trình diễn ca nhạc tại thành phố Hartford CT, nên ông và tôi tái ngộ. Cùng thoải mái trong tình cố tri, tôi và Phạm Duy được dịp cùng bàn luận và hiệp ý về ẩn dụ mà Hoàng Cầm ký gởi vào lời thơ Lá diêu bông:

 

- Chị Vinh là hiện thân của đảng CS VN đương nảy nở, có sức lôi cuốn bằng lừa phỉnh người non trẻ nông cạn (là cậu Việt, tên cuả Hoàng Cầm)

 

- Lá diêu bông là chủ nghĩa CS, một ảo tưởng, không bao giờ tìm đến được trên cõi đời nầy

 

- Cậu Việt là dân Việt-Nam chưa đủ lớn khôn nên bị lừa gạt bằng chiếc bánh vẽ lá diêu bông.

 

Nhạc sĩ Phạm Duy quen biết với thi văn sĩ Hoàng Cầm khi hai ông sinh hoạt bên nhau ở đoàn Văn công trong kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 (trước khi PD di cư vào Nam vào cuối thập kỷ). Nhà văn Hoàng Hải Thủy, tức Công tử Hà-Đông, cũng có nhận định nêu trên như chúng tôi về ẩn dụ của Hoàng Cầm đã ký thác vào bài thơ Lá diêu bông.

 

Xin dẩn chứng thêm về bài thơ Tiếng hát Trương Chi của Hoàng Cầm có ẩn ý chính trị, cũng là một trong những bài thơ văn mang ẩn dụ của ông:

 

Mỵ Nương tượng trung cho dân chúng, luôn tìm cách đi tìm tiếng hát của Tự-Do:

 

Ta mở cửa, ta vượt qua đường đá

Ta chạy ra sông

Đi bốn phương trời

Tìm tiếng hát...ta đi cùng thiên hạ.

 

Bạo chúa, cha Mỵ Nương biểu hiệu cho uy quyền của Đảng CS độc tài:

 

Khóa kín cả lầu, lấp cả sông.

Để không còn tiếng hát...

 

Tiếng hát tượng trưng cho tiếng gọi của Tự Do, hạch tội bạo quyền:

 

Nào người quả phụ trắng khăn tang,

Nào đứa em mồ côi khát sữa,

Nào ai sống nhục chết oan,

Nào ai tan lìa đôi lứa

Nghe tiếng hát nầy...

 

Nhà thơ Hoàng Cầm suốt đời yêu nước, yêu dân tộc, yêu tự do. Ông dấn thân 9 năm vào kháng chiến chống Pháp, làm trưởng đoàn Văn công phục vụ khắp các mặt trận Việt Bắc, là lúc Hoàng Cầm cho ra đời các bài thơ xuất sắc như Đêm liên hoan, Bên kia sông Đuống, Con đường, Cót thóc, về Kinh Bắc, Mưa Thuận-Thành (Năm 1944, khi Thế chiến II rất quyết liệt, Nhật lật đổ Pháp tại VN, thì Hoàng Cầm đưa gia đình về quê gốc ở xã Song-Hồ huyện Thuận-Thành tỉnh Bắc-Ninh - tức Kinh Bắc - là không và thời gian của 2 bài thơ nầy).

 

Về Hà-Nội, Hoàng Cầm được cử làm Trưởng đoàn Kịch nghệ của Tổng cục Chính trị; tháng 4/1957 Hoàng Cầm thành lập Hội nhà văn VN, ông đươc bầu vào Ban chấp hành. Trong buổi hội thảo về con đường Văn-nghệ, ông phát biểu thẳng thắn "Đảng không nên nhúng tay vào chuyên môn của nghệ thuật". Hoàng Cầm và Trần Dần đấu tranh không ngừng cho cởi trói Văn-nghệ nhưng không kết quả nên Hoàng Cầm từ chức (1958) xin xuất ngũ và về hưu non năm 48 tuổi.

 

Từ năm 1956 nhóm Nhăn văn Giai phẩm (NVGP) hình thành qua các đặc san Nhăn văn và Giai phẩm Xuân, Hạ, Thu với những cây bút nổi tiếng như: Hoàng Cầm, Thụy An Lưu thị Yến, Trần Dần, Trần Thiếu Bảo, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Văn Cao, Phùng Quán, Trần Duy, Hữu Loan, Tử Phác, Nguyễn Văn Tý...và các Giáo sư Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh...Họ phản kháng Đảng CS can thiệp thô bạo vào Văn hóa Nghệ thuật, bút chiến với Tố Hữu là Ủy viên trương ương đảng, trưởng ban Tuyên huấn, Longue marche (gọi né tên Trường Chinh, nguyên Tổng bí thư, chỉ đạo đánh NVGP), Nguyễn Đình Thi, Hoài Thanh... Hoàng Cầm là chủ lực, một kiện tướng chống văn hóa nô dịch. Tòa án đảng CS phạt 50 năm tù giam cho 5 văn nghệ sĩ NVGP. Hoàng Cầm bị kỷ luật tại ngoại (vì có công với kháng chiến), ông bị đàn áp và trù dập cho đến mãn đời.

 

II. HOA THẠCH-THẢO

 

 

1. Thơ, Nhạc về hoa Thạch thảo và Mùa Thu chết:

 

Thường lúc buồn tênh, bỗng nhiên mấy câu hát vu vơ không đầu không cuối phát ra từ miệng chúng ta, không biết đã nhớ từ đâu, cứ hát lên tưởng như ngẫu hứng:

 

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo.

Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi!

Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo.

Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em...

 

Hoa thạch thảo là hoa gì? Chỉ gặp lại mùi hương thạch thảo là người tại thế cứ chờ đợi trong vô vọng người đã ra đi vào cõi thiên thu! Đó là một giai thoại về "hoa đồng cỏ nội", có xuất xứ từ sự thật đáng thương và đáng kính:

 

Nhà đại văn hào Pháp Victor Hugo (Feb 26-1802- May 22-1885) có cô con gái yêu quí tên Léopoldine. Cô nầy và chồng chết đuối trên sông Seine vào buổi trưa mùa Thu năm 1843 ngày 4 tháng 9, ở đoạn  sông Seine trước khi chảy ra cảng Le Havre ở miền Tây Bắc thủ đô Paris. Phần mộ Léopoldine dựng ngay trên bờ sông Seine nơi cô chết đắm, tại Villequier thuộc khu bờ biến Normandie, miền Tây Bắc nước Pháp. Đáng thương là Léopoldine chết lúc chưa tròn 20 tuổi, đang mang thai 4 tháng. Thân phụ của cô là Victor Hugo đáng kính, chỉ biết tin con chết khi tình cờ đọc tin trên báo lúc đang ngồi trong quán cà-phê.

 

Nhà thơ Guillaume Apollinaire (1880-1918) làm bài tuyệt cú Lời vĩnh biệt sau khi thăm mộ Léopoldine đặt lên mộ cành hoa thạch thảo vào mùa Thu, ngày 16-9-1913:

    

L' Adieu

 

J' ai cueilli ce brin de bruyère

L' automne est morte souviens-t' en

Nous ne nous verrons plus sur terre.

Odeur du temps brin de bruyère

Et souviens-toi que je t' attends.

 

Thi sĩ Bùi Giáng (1925-1988) dịch:

(câu thứ 3 ở nguyên tác ra hai câu 3 & 4)

     

Lời vĩnh biệt

 

Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo,

Em nhớ cho mùa Thu đã chết rồi.

Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa,

Mộng trùng lai không có ở trên đời.

Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi

Và nhớ nhé! ta đợi chờ em đó...

 

(Trích từ "Đi vào cõi thơ Bùi Giáng", Ca dao xuất bản, Sài-Gòn).

 

Nhạc sĩ Phạm Duy, vào năm 1965 phổ nhạc bài L'Adieu dựa vào bản dịch Lời vĩnh biệt của Bùi Giáng; nhạc phẩm ấy mang dư âm thời gian với tựa đề "Mùa Thu chết".

 

Em ngắt đi một cụm hoa thạch thảo,

Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi.

Em nhớ cho mùa Thu đã chết, em nhớ cho.

Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa

Trong cõi đời nầy, trên cõi đời nầy!

Từ nay mãi mãi không thấy nhau,

Từ nay mãi mãi không thấy nhau.

 

Em ngắt đi một cụm hoa thạch thảo,

Em nhớ cho mùa Thu đã chết rồi.

Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo.

Em nhớ cho rẳng ta vẫn chờ em,

Vẫn chờ em.

Vẫn chờ,

vẫn chờ… đợi em.

 

(Lời ca trên đây có những điệp khúc lặp lại, làm ray rứt lòng người).

 

Tác giả thơ và nhạc trích dẫn trên có nhãn quan sai khác nhau về cây thạch thảo: Bùi Giáng dịch đúng nguyên tác là "hái nhành lá" (cueili ce brin de bruyère), còn Phạm Duy phóng tác nhạc là "ngắt cụm hoa". Vậy thạch thảo là cây gì? thân thảo hay thân mộc? Hoa thạch thảo là có thực hiển nhiên (khác với lá diêu bông là ảo), nên cần phân biệt rành mạch, tránh lầm lẫn với các cây hoa thường gặp trong thi văn.

 

2. Ngộ nhận các hoa khác là thạch thảo:

 

Như tên gọi, thạch thảo là cây thân thảo sinh trưởng nơi đồi nương, vì được mến yêu qua thi nhạc nên nhiều nơi đem trồng thành cây kiểng, từ đó người đời dễ lầm lẫn với mấy cây hoa kiểng khác. Ngành Thực vật học phân biệt rành mạch từng loại cây hoa:

 

- Nhận lầm nhiều nhất là Cúc cánh mối (Asther amellus) vì cánh hoa mỏng tênh như cánh mối, thuộc họ Cúc (Asteraceae), chính là hoa Oeil de Christ (Mắt Thiên chúa, trong Pháp ngữ), tức hoa European-michaelmas-daisy (Cúc thánh Misen Âu-châu, trong Anh ngữ). Ở miền Bắc VN, Cúc cánh mối được khiên cưỡng mang tên Cúc thạch thảo, đầu mối cho sự ngộ nhận. Cúc cánh mối thân thảo cao ngang tầm đầu gối, sống lưu niên nhờ bộ rễ lan rộng dưới đất, hoa hình lưỡi màu tím lam.

 

- Một lầm lẫn khác bắt nguồn từ huyền thoại: Ami và Edible là đôi uyên ương trẻ đẹp thường du ngoạn trong rừng, Ami hái nấm còn Edible săn muông thú. Edible trườn người ra vách núi hái hoa thạch thảo cho Ami, bị sẩy chân rớt xuống hố vực sâu thẳm, chỉ kịp nói với lên "Đừng quên tôi"! (Forget me not).

 

Câu chuyện thương tâm ấy được đặt tên cho một loài hoa tại chỗ là Forget me not, sau đó được trồng khắp nơi, vùng nói tiếng Anh vẫn gọi là hoa "Forget me not", vùng nói tiếng Pháp gọi là hoa "Ne m' oubliez pas", riêng VN cứ vẫn gọi lầm là hoa Thạch thảo. Hoa Forget me not chính là hoa "Lưu ly" ở VN. {Có đến 50 loại hoa Lưu ly, phần đông Lưu ly có hoa tím với 5 cánh dày đặc, giây bám vào thân cây khác, bò lan um tùm, kết trái dạng hạt đậu nhỏ, khi vỏ nứt rơi ra nhiều hạt nhỏ rụng xuống nẩy mầm cây con}.

 

 

Trong hình là các loại hoa: Lan chuông, Cúc cánh mối, Lưu ly và Linh lan

 

- Lầm lẫn hoa thạch thảo với hoa Muguet de Mai (Pháp), tức là hoa Linh lan (VN) và được gọi nhiều tên theo tiếng Anh là Our Lady' s tear (Nước mắt của Mẹ), hay May Lily (Huệ tháng 5), hay May bells (Chuông tháng 5), hay Lily constancy (Huệ chung thủy). Hoa Linh lan được bán trên đường phố nước Pháp vào ngày 1 tháng 5 như tục lệ cổ truyền. Từ năm 1982 nước Phần-Lan (Finland) ở Bắc Âu công nhận hoa Linh Lan là quốc hoa. Trong nhiều loại hoa Linh Lan, quen thuộc nhất là hoa Lan chuông (Convallarias majalis L) ở miền ôn đới Bắc bán cầu tại Âu, Á, Bắc Mỹ. Tuy là thân thảo nhưng lan chuông sống lâu năm nhờ bộ rễ ngầm lớn gọi là "thân rễ", mỗi cây có 2 lá dài đến 1 foot, nở 5- 10 hoa trắng hình chuông ở ngọn vào mùa Xuân, thoang thoảng tỏa hương thơm.

 

Tóm lại: các loại hoa Cúc cánh mối (Aster amellus), hoa Lưu ly (Forget me not, Myosotis), hoa Linh lan hay Lan chuông (Convallaria majalis L) thường bị ngộ nhận là hoa thạch thảo, sự lầm lẫn nầy là không phù hợp với cảnh trí của bài thơ Lời vĩnh biệt.

 

3. Hoa Thạch thảo còn lại, mùa Thu qua đi mất biệt:

 

 

Cuối Thu năm 1913, nhà thơ Alpollinaire thăm mộ cô hồng nhan bạc mệnh Léopoldine (con của văn hào Victor Hugo), hái nhành hoa thạch thảo đặt lên mộ và cảm tác nên bài đoản thi L'Adieu tuyệt cú. Đến nay, đã hơn 100 mùa Thu chết qua đi, hoa thạch thảo lưu niên vẫn còn lại trên đời: Thời gian trôi biền biệt, không gian ở lại với hoa thạch thảo.

 

Thạch thảo là tên Việt, tên Pháp là Bruyère, tên Anh là Heather, tên Tàu là Thạch nam hay Hồng phương bách. Trong Tân tự điển Pháp-Việt có ghi vắn tắt La bruyère = loại thạch thảo có hoa hồng nhỏ, mọc chỗ đất hoang (Thanh Nghị, Thời thế xuất bản, 1961).

 

Tìm trong Word Encyclopedia giải thích Heather=evergreen shrub native to Europe and Asia. It has small bell-shaped flowers of pink, lavender or white. Family Ericaceae; species Culluna vulgaris. See also Erica. (Oxford, 2001).

 

Rõ ràng Thạch thảo thuộc dòng họ Đỗ-quyên (Ericaceae), có loài thuộc chi Calluna, ngoài ra là chi Erica. Loài Cullina vulgaris là loài Thạch thảo thực sự (true Heather) có thân thảo, có hoa hình chuông màu tím hay hồng nhạt hoặc màu hoa oải-hương (lavender, xanh nhạt pha đỏ): đúng là hoa thạch thảo tôi muốn tìm trong thơ và nhạc.

 

Chi Erica gồm nhiều loại khác nhau, từ cây nhỏ mọc từng bụi đến cây lớn ở vùng Đia-trung-hải, có rễ cứng được dùng làm ống điếu.

 

Tác giả Emily Bronte yêu thích hoa thạch thảo, có dịp là bà đưa cây hoa nầy vào truyện và thơ của mình. Đọc truyện Đỉnh gió hú (Wuthering height), Emily Bronte đưa ta đến những đồng hoang (moorland) mọc đầy thạch thảo (heathery), từ đó bầy chiền-chiện và gà nước (moorlark & moorhen) vụt bay lên khi có khuấy động.

 

Trở về với Bùi Giáng và Phạm Duy khi dịch thơ và phổ nhạc không cần biết đến tông chi hoa thạch thảo làm gì; chủ đích của tác giả là cảm kích người đọc, làm rung động đến tầng sâu lắng của tâm hồn, đến lúc tình cờ bất giác mình hát cho mình nghe:  

 

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo

Em nhớ cho mùa Thu đã chết rồi...

Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi

Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó!

 

Đầu Thu năm 2015               

TRƯƠNG QUANG.

 

*  *  *

 

Phụ chú của webmaster:

 

1. Bài L’Adieu (của Guillaume Apollinaire) có nghĩa là “Lời vĩnh biệt”, Phạm Duy đã lấy một ý trong bài thơ (L’Automne est morte souviens-t’en, Em nhớ cho mùa Thu đã chết rồi) để đặt tựa cho bản nhạc là “Mùa Thu chết”.

 

2. Các bản dịch sáng tác của Guillaume Apollinaire:

 

Hoàng Nguyên Chương dịch nghĩa và 2 bài dịch thơ như sau:

 

Anh đã hái nhành hoa thạch thảo
Mùa Thu chết rồi, em nhớ cho
(Dẫu) chúng ta không còn gặp trên đời
(Vẫn còn đây) hương thời gian thạch thảo
Và em nhớ cho, anh vẫn chờ em.

 

Bản dịch thơ 1

 

Vĩnh biệt
 

Anh đã hái một nhành hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Dẫu chúng ta không còn gặp trên đời
Vẫn còn đây hương thời gian thạch thảo
Em nhớ cho lòng anh luôn chờ đợi.

 

Bản dịch thơ 2

 

Vĩnh biệt
 

Hái nhành thạch thảo ưu tư
Xin em hãy nhớ mùa Thu chết rồi
Dẫu không gặp nữa trên đời
Hương thời gian vẫn là lời của hoa

Em ơi hãy hiểu giùm ta
Trái tim còn đợi thiết tha những ngày…

 

Bản dịch của Hoàng Hưng:

 

Chùm thạch thảo này anh đã ngắt

Mùa Thu chết rồi xin em nhớ cho.

Mình sẽ chẳng gặp nhau trên cõi thế

Hương thời gian đây chùm thạch thảo

Xin nhớ rằng anh vẫn đợi chờ.

 

Bản dịch của Lữ Huy Nguyên:

 

Hái nhành thạch thảo trên tay

Mùa Thu đã chết, có hay hỡi người?

Gặp nhau chi nữa trên đời

Hương thời gian mãi thơm vùi nhánh cây

Nhớ rằng ai vẫn chờ ai.

 

Bản dịch của Lê Trọng Bổng:

 

Nhánh thanh hao này tay anh vừa hái

Nhớ chăng ai mùa thu đã chết rồi

Ta sẽ không còn gặp nhau nữa trên đời

Hương thời gian nhánh thanh hao vương lại

Hãy nhớ rằng ai vẫn đợi chờ ai.

 

Bản dịch của Trần Đông Phong:

 

Có 1 người thích

Tôi đã ngắt nhành hoa

thạch thảo này.

Mùa Thu chết em nên

nhớ chuyện nay.

Chúng ta sẽ không còn

gặp nhau nữa

trên chính trái đất này.

Hương thời gian

Nhành hoa thạch thảo đây

Và em hãy

nhớ rằng tôi vẫn đợi em.

 

3. Một nhạc phẩm ra đời sau khi bản nhạc “Mùa Thu chết” do Phạm Duy phổ thơ của Guillaume Apollinaire được phổ biến, đó là bản “Mùa Thu còn đó” của Châu Kỳ. Nội dung lời ca như sau:

 

MÙA THU CÒN ĐÓ

 

Cảm xúc vì nghe mùa Thu chết, tôi viết bài này thương tiếc bởi mùa Thu (Châu Kỳ)”

 

Mùa Thu ơi! Nghe nói rằng em đã chết

Mùa Thu ơi! Em còn đó hay chết rồi

Em còn đó, em còn đó hay chết rồi…

Thu! Em hãy nói, em hãy nói, nói đôi lời

Rằng mùa Thu vẫn sống dài trên sông núi

Hồ Thu xưa, trăng nhìn nước vẫn sáng ngời…

Xin đừng nói, xin đừng nói Thu chết rồi

Không! Thu vẫn sống, em vẫn sống, sống đời đời…

Lạc vào vườn Thu nghe lá vàng rơi xao xác

Lạc vào vườn Thu thương nai buồn đang ngơ ngác

Dáng Thu xưa vẫn chưa mờ, vẫn chưa mờ

nói sao vừa, nói sao vừa

nỗi mong chờ, đến bao giờ

Này Thu ơi, thương bóng hình em năm đó...

Dù Thu đi, trăng và gió vẫn ngóng chờ

Xin đừng nói, xin đừng nói Thu chết rồi!

Không, Thu vẫn sống

đem hình bóng cho cuộc đời… 

 

Châu Kỳ

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây

Xem bài trên trang Văn học: click tại đây

Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh