Tạp chí Politique Internationale (Pháp) – số 144/2014
CVĐQT số 3/2015
Dù cuối tháng 4/2014 mới được thừa nhận, thất bại của các cuộc đàm phán Israel – Palestine do Mỹ điều khiển từ mùa Hè 2013 đã được báo trước. Và mỗi khi tiến trình hòa bình rơi vào bế tắc, một trong ba nước lại đổ trách nhiệm cho cuộc tranh luận khá mờ nhạt, những chỉ trích ôn hòa và mỗi nước dường như không làm trầm trọng hóa tình hình. Cần phải nói rằng trước đó người ta không mong đợi gì nhiều.
Như thường lệ, nhiều quan sát viên nhận định rằng nguyên nhân khiến đàm phán bế tắc là do chính sách thực dân hóa mà Israel theo đuổi. Nhưng thật ra những dự án mới của Israel được thông báo trong đàm phán chủ yếu liên quan tới các khu vực dù sao cũng sẽ thuộc về Israel theo như mọi kế hoạch hòa bình được đề ra.
Thực tế là cả ba tác nhân chính này đều đã có những sáng kiến tồi tệ: Israel không chỉ thúc đẩy chính sách thực dân hóa mà còn nhấn mạnh việc công nhận tính chất Do Thái của nhà nước Israel (có nguy cơ gây cảm giác họ sẽ đưa ra một đòi hỏi mới); ngày 23/4, Palestine đã ký một thỏa thuận cấp chính phủ giữa Fatah và Hamas (dù biết rõ rằng đàm phán với Hamas là điều không thể đối với Israel); cuối cùng, trong suốt tiến trình đàm phán, Mỹ đã áp dụng một chiến lược không rõ ràng cho tất cả các bên, chẳng hạn tập trung thảo luận vấn đề an ninh của thung lũng Jordan (dù đây là một vấn đề tương đối thứ yếu).
5. suy nghĩ về tiến trình hòa bình
Một lần nữa, những bình luận sau khi các cuộc đàm phán năm 2013 – 2014 bị gián đoạn đã làm nảy sinh một vài suy nghĩ cần được tháo gỡ:
“Giải pháp hiển hiên đơn giản là Israel phải rút khỏi các khu vực chiếm đóng”
Đang tồn tại một cuộc tranh luận pháp lý về bản chất sự hiện diện của Isreal ở khu vực Bờ Tây. Cuộc tranh luận này không che lấp thực tế có một sự nhất trí lớn về việc Palestine đã phát triển một thực thể dân tộc riêng và xứng đáng có một nhà nước. Nhưng những người cho rằng giải đó là “hiển nhiên” đã xem nhẹ nhiều yếu tố. Israel đã bị chỉ trích gay gắt vì đã hành động “đơn phương” (tức không đàm phán) khi rút khỏi dải Gaza – điều này không thực sự khuyến khích Israel nhanh chóng rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng khác. Việc Israel rút khỏi Nam Liban và dải Gaza được nối tiếp bằng nhiều năm tấn công bằng rocket và tên lửa với quy mô ngày càng lớn và tiếp diễn cho tới nay. Do vậy, hành động rút khỏi khu vực Bờ Tây không đi kèm những đảm bảo an ninh mạnh mẽ là việc không thể chấp nhận đối với Israel. Cuối cùng, xung đột Israel – Palestine không thể chỉ được tóm gọn ở một khía cạnh lãnh thổ. Đó còn là – và có lẽ đặc biệt là – một cuộc xung đột mang tính pháp lý về những vấn đề lịch sử mà hai bên không tìm được tiếng nói chung. Chẳng hạn: Palestine nhấn mạnh “quyền hồi hương” (đối với các gia đình đã chạy trốn khỏi đất nước năm 1948 – 1949); song quyền này không được Israel thừa nhận và thậm chí bị bác bỏ bởi những nhân vật thực dụng, như bà Tzipi Livni (phụ trách việc theo dõi tiến trình hòa bình trong chính phủ hiện tại).
“Sự công nhận của quốc tế về một nhà nước Palestine là một lựa chọn thay thế cho các cuộc đàm phán và buộc Israel thỏa hiệp”
Năm 2011, Chủ tịch Chính quyền dân tộc Palestine Mahmoud Abbas đã quyết định thăm dò một con đường mới tiến tới sự ra đời của một nhà nước Palestine khi thông báo rằng ông sẽ tìm cách để Palestine trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc. Tiến trình này đưa đến việc Palestine được công nhận là “nhà nước phi thành viên” trong năm sau đó. Cuộc biểu quyết năm 2012 tại Liên hợp quốc về việc trao quy chế “nhà nước phi thành viên” cho Palestine cũng củng cố việc quốc tế công nhận quyền có nhà nước riêng của người Palestine (cho dù, về khía cạnh pháp lý, vấn đề tồn tại mọt nhà nước Palestine vẫn còn mơ hồ: lãnh thổ chưa được xác định và chủ quyền hạn chế). Sẽ ra sao nếu như việc Palestine trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc không khiến Israel rút khỏi khu vực Bờ Tây? Chưa kể một chiến lược như vậy có thể phản tác dụng: thực vậy, đáp trả lại việc nâng quy chế quan sát viên “phi nhà nước” lên thành quy chế quan sát viên “nhà nước” cho Palestine tại Liên hợp quốc, Israel đã khẳng định rằng khu vực nổi tiếng “East – 1” nối Đông Jerusalem với khu định cư Maale Adumim – sẽ được đô thị hóa, điều này có nguy cơ cản trở nhà nước Palestine biến biển Đông Jerusalem thành thủ đô. Các biện pháp trả đũa của Israel và Quốc hội Mỹ còn gây ra những hậu quả kinh tế nặng nề hơn (ngừng chuyển khoản tiền thuế thu hộ cho Palestine, ngừng viện trợ Palestine), vào thời điểm mà phần lớn người dân Palestine nhận định rằng thất nghiệp và nghèo đói là những vấn đề cần được ưu tiên. Ông Abbas đã mạo hiểm đánh đổi số phận của người dân vì những lợi ích chính trị hạn chế. Tóm lại, bất cứ sáng kiến mới nào của Chính quyền Palestine trong lĩnh vực này, như gia nhập các thể chế quốc tế nhằm lên án Israel, chỉ có thể khiến Israel trở nên cứng rắn hơn.
Cuối cùng, cho dù đưa ra một định nghĩa hào phóng về cái gọi là một “nhà nước”, thì hiển nhiên việc Chính quyền Palestine không có bất kỳ hành động kiểm soát nào đối với dải Gaza khiến việc yêu cầu công nhận nhà nước Palestine của họ trở nên ít có sức thuyết phục. Vấn đề còn lại là liệu việc thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia có cho phép đảm bảo sự đoàn kết chính trị của các lãnh thổ hay không.
“Nếu chỉ Mỹ (và châu Âu) thực sự gây sức ép đối với Israel…”
Một trong những lập luận phổ biến nhất về tiến trình hòa bình cho rằng những sức ép của Mỹ (và châu Âu) có thể khiến Israel phải nhượng bộ. Đặc biệt, có đề xuất rằng Washington cần sử dụng sự trợ giúp quân sự của họ (hiện khoảng 3 tỷ USD mỗi năm) như một phương tiện gây sức ép. Nhưng ít có khả năng Mỹ thực sự có ý định xóa bỏ sự trợ giúp này bởi nó mang lại nguồn lợi lớn cho nền công nghiệp Mỹ, hơn nữa, nó có nguy cơ làm tổn hại tới sự hợp tác song phương quý giá giữa Tel-Aviv và Washington trong các lĩnh vực an ninh, mà trước hết phải kể đến cuộc chiến chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Vả lại, do không phải là kết quả duy nhất của hoạt động tích cực của nhóm vận động hành lang thân Israel, sự ủng hộ dành cho Isreal vẫn giành được sự ủng hộ cao của công luận nước Mỹ vì các lý do chính trị, văn hóa và tôn giáo. Sự ủng hộ này thậm chí ít khi ở mức cao như vậy. Clinton, Bush (con) và Obama là những nhân vật kiên quyết ủng hộ Israel hơn một số tổng thống tiền nhiệm (như Nixon, Ford và Bush cha). Cuối cùng, người ta có thể nhận ra rằng việc gây sức ép đối với Israel có thể phản tác dụng: Nhà nước Do Thái, như chúng ta đã đề cập, đã phản ứng quyết liệt trước cuộc bỏ phiếu năm 2012 tại Liên hợp quốc về việc nâng quy chế cho Palestine lên thành “nhà nước phi thành viên”. Và quyết định năm 2013 của EU từ chối bất cứ sự hợp tác nào với các doanh nghiệp Israel hoạt động trong các lãnh thổ chiếm đóng đã không có hiệu quả chính trị thực sự.
Trước sức ép đó Israel có thể sẽ nhượng bộ ít hơn nếu như nước này cho rằng những lợi ích cơ bản nhất của họ đang bị đe dọa. Bất chấp những khó khăn kinh tế hiện tại (các bất bình đẳng xã hội, tình trạng nghèo đói, chi phí nhà ở gia tăng…), Israel cũng sẽ không rơi vào tình trạng như cách đây 20 – 30 năm. Chắc chắn nước này nhận định rằng việc Mỹ từ bỏ viện trợ là một cái giá đáng phải trả. Do vậy, việc đề cập tới giải pháp được áp dụng năm 1991 không còn ý nghĩa (khi đó Washington đã buộc Israel phải phong tỏa các khu định cư bằng cách giữ lại các khoản đảm bảo cho vay trị giá 10 tỷ USD mà Israel cần để tiếp nhận dòng người nhập cư từ Liên bang Xôviết trước đây). Thời điểm hiện tại đã khác và những thách thức đã được hạn chế hơn.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: Một giải pháp nhưv ậy đã đánh giá cao sức mạnh của các thế lực bên ngoài. Mỹ có vai trò tích cực, thậm chí không thể thiếu trong việc tìm kiếm hòa bình. Song cần phải ghi nhớ rằng ba thỏa thuận hòa bình được ký kết trong vòng 35 năm trở lại đây (Camp David – 1, Oslo – 1, và hiệp ước Israel – Jordan) bắt nguồn từ những sáng kiến của chính các bên chứ không phải từ Mỹ… Thế lực bên ngoài có thể đóng góp vào hòa bình, khuyến khích các bên, đảm bảo một thỏa thuận, nhưng nó không thể áp đặt một sự thỏa hiệp.
“Việc theo đuổi chính sách thực dân hóa là một trở ngại chính cho hòa bình”
Thật khó phủ nhận được rằng chính sách của Israel nhằm phát triển các khu định cư tại các lãnh thổ chiếm đóng là một trở ngại cho một giải pháp dài hạn. Nhưng vấn đề không nằm ở việc phân định các biên giới (thực vậy, phần lớn người định cư sống ở những khu vực giáp ranh Đường đình chiến (Đường Xanh) – đường phân định ranh giới sau Hiệp định đình chiến 1949 giữa Israel và một số nước láng giềng Arập, vốn là những khu vực thuận lợi cho các hoạt động trao đổi), lẫn việc tiếp nhận các thường dân sau khi họ rời khỏi các khu định cư. Xét về mặt này, chính sách hiện tại của Israel nhằm “hợp pháp hóa” các khu định cư “tự phát” gặp trở ngại trong trường hợp nó liên quan tới các khu định cư nằm ở giữa khu Bờ Tây bởi chúng không thuận lợi cho các hoạt động trao đổi lãnh thổ.
Nhưng biến chính sách thực dân hóa trở thành trở ngại chính cho hòa bình là một sai lầm. Trong giai đoạn 1967 – 1977, hầu như không có một khu định cư nào, và hòa bình không phải là điều dễ đạt được ở giai đoạn này. Như đã được nhắc lại ở trên, hòa bình ở Trung Đông không chỉ là vấn đề lãnh thổ. Những tranh chấp trước năm 1967 – quy chế của Jerusalem và các Vùng đất thánh, “quyền hồi hương” – cũng là những vấn đề hết sức quan trọng. Một nhân vật chính trị ở Israel thậm chí đã gợi ý rằng chính sách khu định cư đôi khi đã là một động lực cho người Palestine và thúc đẩy họ đàm phán bởi họ lo sợ phải chứng kiến một tình trạng ngày càng không thể đảo ngược ở thực địa. Ngược lại, cánh tay sắt được Chính quyền Obama khởi đầu thực hiện năm 2009 – yêu cầu phong tỏa toàn bộ các khu định cư – đã chỉ dẫn đến việc người Palestine trở lại với lập trường này, và do vậy càng khiến tình hình trở nên bế tắc. Một số khác lại nhận định rằng chính sách đó là một dạng “bẫy” mà các thủ tướng Israel tạo ra cho các đồng minh bảo thủ nhất của họ – cái bẫy đó, trái lại, lại mở rộng phạm vi hoạt động cho các thủ tướng này khi họ quyết định chấp nhận những nhượng bộ cho người Palestine.
“Có những hướng đi thay thế cho giải pháp ‘hai nhà nước’”
Ý kiến – cho rằng giải pháp “hai nhà nước” không phải là sự lựa chọn duy nhất có thể thực hiện được – có lẽ là sự ảo tưởng nguy hiểm nhất. Đáng tiếc là ý kiến đó lại đang trở nên phổ biến ở cả các lực lượng chính trị khác nhau của Israel (cánh tả và cánh hữu) lẫn ở một số giới chính trị Palestine. Tất nhiên, những người tán thành giải pháp này không có cùng cách hiểu về nó. Phần lớn người Israel ủng hộ giải pháp này hiểu nó như sự sáp nhập toàn bộ hay một phần khu vực Bờ Tây. Một số nhà bình luận người Palestine (và cả trong số một vài giới chính trị cánh tả của Israel) lại mong muốn thiết lập một nhà nước hai quốc gia kéo dài từ Địa Trung Hải tới thung lũng Jordan. Cả hai đề xuất này đều phi thực tế. Sáp nhập hoàn toàn khu vực Bờ Tây song không trao tư cách công dân cho người Palestine sẽ kéo theo tình trạng phân biệt chủng tộc và một cuộc nổi dậy lan rộng. Sáp nhập một phần khu vực này sẽ gây ra các hành động bạo lực trong các lãnh thổ chiếm đóng và sẽ khiến Israel bị quốc tế cô lập. Còn phương án một nhà nước hai quốc gia – giả định rằng đề xuất này đáng tin cậy về mặt chính trị cho dù đó là điều không chắc chắn, nó sẽ phá vỡ giấc mộng của Chủ nghĩa Do Thái song không vì thế mà đáp ứng được những khát vọng dân tộc của phần lớn người Palestine. Và nếu một nhà nước như vậy bao gồm cả dải Gaza, thì theo ước tính, người Do Thái sẽ chỉ chiếm thiểu số ở đó ngay từ năm 2015 hay 2020. Không cần chỉ rõ rằng những đề xuất như vậy là không thể chấp nhận đối với phần lớn người Do Thái ở Israel.
Trên thực tế, không có lựa chọn thay thế mang tính bền vững nào cho giải pháp hai nhà nước. Giả định – cho rằng giải pháp này không còn tính khả thi – có lợi cho các nhà tư tưởng và những người theo chủ nghĩa cực đoan.
Ngược lại, trong bối cảnh này, khả năng sáng tạo vẫn có thể phát huy, song không vì thế mà người ta đưa ra được một giải pháp kỳ diệu. Chẳng hạn, người ta có thể nghĩ đến việc xây dựng một nhà nước hai quốc gia ở Bờ Tây cùng tồn tại với Israel, song giải pháp này có lẽ không làm hài lòng tất cả các bên; hay một liên bang tập hợp một nhà nước Palestine và Jordan (ý tưởng này đã được Mỹ khuyến khích trong những năm 1980) – nhưng chắc chắn Jordan sẽ không được quan tâm cho lắm.
Nghịch lý hòa bình: gần hơn, song vẫn cách xa
Hòa bình ở Trung Đông, dưới góc độ nào đó, giống như một ảo ảnh trên sa mạc: Mỗi khi hòa bình có vẻ đến gần hơn, thì thực tế nó lại vẫn cách xa.
Có nhiều lý do để hy vọng
Trước tiên, việc tỏ ra có một sự lạc quan nào đó là hoàn toàn chính đáng khi người ta lùi lại để chiêm ngưỡng những thành tựu cảu hai thập kỷ qua. Không một nước Arập nào muốn công khai bước vào cuộc chiến chống Israel. Cho dù những người bài xích nghĩ gì, giờ đây giải pháp “hai nhà nước” đã nhận được sự đồng thuận của quốc tế và khu vực. Nguyên tắc của nó đã được ba trong số các bên bảo thủ nhất thông qua: Liên đoàn Arập – AL (với Sáng kiến hòa bình năm 2002), Đảng Cộng hòa ở Mỹ (với bài phát biểu tại Rose Garden – Vườn Hồng – của George Bush năm 2002), và Đảng Likud của Israel (với bài phát biểu của Benyamin Netanyahu tại trường Đại học Bar Ilan năm 2009). Phần lớn các cuộc thăm dò ý kiến cho rằng giải pháp này được đa số người Israel và Palestine ủng hộ. Tình hình tại thực địa tương đối lắng xuống: hoạt động tình báo Israel được cải thiện, hàng rào an ninh được xây dựng, các lực lượng an ninh Palestine hiệu quả hơn và một sự hợp tác ngày càng tốt hơn giữa các cơ quan tình báo đã làm giảm đáng kể số lượng các hành động khủng bố. Những nỗ lực của giới lãnh đạo Palestine (đặc biệt của cực Thủ tướng Salam Fayyad, người đã nỗ lực rất nhiều nhằm giúp nền kinh tế của nhà nước Palestine đứng vững) và mặt khác, viện trợ quốc tế đã cải thiện tình hình thể chế và kinh tế của khu vực Bờ Tây.
Vấn đề lãnh thổ hoàn toàn có thể dẫn đến một thỏa hiệp chấp nhận được đối với tất cả các bên. Phần lớn các bên (kể cả Liên đoàn Arập) đã chấp nhận những nguyên tắc của việc Israel sáp nhập một phần nhỏ khu vực Bờ Tây và tiến hành trao đổi lãnh thổ. Giờ đây, không chính xác khi nói rằng chính việc gia tăng số người định cư và các công trình xây dựng ở khu vực Bờ Tây đã khiến “giải pháp hai nhà nước” không thể thực hiện được. Thực vậy, 80% đến 85% trong số 350.000 người định cư (ở ngoài khu vực Đông Jerusalem) sinh sống trên một lãnh thổ có diện tích (theo ước tính) tương đương 5% đến 10% khu vực Bờ Tây và nhìn chúng rất gần Đường Xanh (Đường đình chiến năm 1949), ngoại trừ khu định cư Ariel. Các khu vực được đô thị hóa của các khu định cư ở khu vực Bờ Tây chiếm chưa đầy 3% diện tích toàn thổ. Do vậy, một giải pháp dựa trên các hoạt động trao đổi lãnh thổ nhằm sáp nhập vào Israel các khu vực hiện có khoảng 75% người định cư sinh sống là hoàn toàn có tính thực tế (cho dù phải di tản khoảng 80.000 người định cư). Từ năm 1992, không một khu định cư “hợp pháp” này được xây mới, và việc di dân về phía khu vực Bờ Tây đã bị hạn chế; dân số người Isreal ở khu vực Bờ Tây gia tăng theo chiều dọc, chứ không phải theo chiều ngang (có nghĩa là sự gia tăng theo tỷ lệ sinh đẻ của người định cư hơn là do có thêm những người di cư mới đến). Một tiền lệ đã được tạo ra với việc rút quân khỏi Gaza và phá hủy đồng thời bốn khu định cư “tự phát” ở khu vực Bờ Tây. Cuối cùng, những năm gần đây một số nhà chức trách Palestine đã gợi ý rằng họ có thể chấp nhận một sự giải thích rất chặt chẽ về “quyền hồi hương” mà việc áp dụng nó sẽ chỉ mang tính tượng trưng.
Những trở ngại rất lớn…
Nhưng đằng sau cách nhìn lạc quan này, những trở ngại cho việc ký kết một thỏa thuận ối cùng vẫn còn rất lớn.
Một số trở ngại mang tính bối cảnh. Ở đây, người ta muốn nói về bức tranh an ninh dưới con mắt cả người dân Israel: bất ổn gia tăng trong thế giới Arập tro bối cảnh mối đe dọa hạt nhân Iran; những quan tâm nội tại của các chế độ Ai Cập, Jordan và Liban khiến người dân Israel trở nên ít sẵn sàng hơn để ủng hộ việc thực thi một thỏa thuận cuối cùng; cuộc nội chiến tang tóc ở Syria… Quan điểm cho rằng một nền hòa bình bền vững trong hu vực phụ thuộc vào việc giải quyết vấn đề Palestine, cũng không làm cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Trên thực tế, có thể đảo ngược định đề này: sự ổn định trong khu vực hiển nhiên là một điều kiện cho một nền hòa bình bền vững giữa Israel và Palestine.
Sự thiếu tính hợp pháp của ban lãnh đạo Palestine lại là một vấn đề khác: nhiệm kỳ của tổng thống đã kết thúc năm 2009 và nhiệm kỳ của Hội đồng lập pháp cũng đã hết hạn năm 2010! Vấn đề tính chính đáng của chính quyền hiện tại này vẫn được đặt ra bất chấp thỏa thuận liên minh giữa Fatah và Hamas hồi cuối tháng 4/2014. Các cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào cuối năm 2014 sẽ làm thay đổi tình hình. Nhưng một Chính quyền Palestine, được sự ủng hộ của một phong trào (Hamas) thề tiêu diệt nhà nước Israel, không thể được Chính phủ Israel coi là một đối tác tin cậy…
Ngoài ra, còn có những trở ngại mang tính cơ cấu. Quy chế thực sự của Jerusalem và các Vùng đất thánh là một trở ngại, như đã được chứng kiến trong các cuộc đàm phán chính thức và không chính thức diễn ra từ năm 1993. Và không thực tế lắm khi nghĩ rằng Palestine có thể từ bỏ “quyền hồi hương” chỉ để đổi lại việc Israel công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai. Người ta có thể tính đến một “quyền hồi hương hạn chế” để đổi lấy một “quyền cư trú hạn chế” của một số người Israel ở khu vực Bờ Tây; nhưng phần lớn người định cư có liên quan sẽ không chịu phục tùng Chính quyền Palestine. Vả lại, Israel chắc chắn sẽ đòi hỏi người Palestine phải công khai công nhận “tính chất Do Thái” của nhà nước Israel như một điều kiện tiên quyết để đổi lấy sự chấp nhận quyền hồi hương – cho dù là hạn chế. Cuối cùng, những trở ngại về nguyên tắc này cũng bao gồm vấn đề về sự hiện diện của Israel ở thung lũng Jordan vì các lý do an ninh (cho dù Chính quyền Palestine dường như sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ về vấn đề này).
Ngay cả tính chất của hệ thống chính trị Israel, vốn tạo thuận lợi cho sự ra đời các liên minh mong manh, cũng là một trở ngại mang tính cơ cấu: một thủ tướng Israel khó có thể tự do hành động trong các cuộc đàm phán.
Cuối cùng là một loạt trở ngại về mặt dân số và văn hóa. Dòng người nhập cư từ Nga và tỷ lệ sinh đẻ tăng cao ở người Do Thái theo đạo Chính thống (người Haredim) đã thúc đẩy cái mà người ta gọi là “hữu khuynh hóa” xã hội Israel. Những người sùng đạo (người Chính thống giáo và người Haredim) giờ đây chiếm khoảng 2/3 người định cư, tức gấp 2 lần khi Thỏa thuận Oslo – 1 được ký kết. Và số người định cư sống bên ngoài các khu định cư đã tăng lên, khiến việc Israel rút khỏi các khu vực chiếm đóng gặp khó khăn hơn. Ngoài việc mở rộng các khu định cư “hợp pháp” (khoảng 130 khu), những khu di dân nhỏ “bất hợp pháp” (khoảng 100 khu) – chủ yếu được người Chính thống giáo xây dựng trên các gò đồi – đã tăng nhanh tại dải trung tâm lãnh thổ. Năm 2002, một tiền lệ nguy hiểm đã được tạo ra với việc hợp pháp hóa ba trong số các khu định cư này. Làm sao tin được rằng việc di tản 80.000 người định cư do ý thức hệ lại có thể được thực hiện dễ dàng?
Bất chấp một thập kỷ cùng tồn tại ít nhiều trong hòa bình, xã hội Israel và Palestine vẫn bị định hình trong những hành động tố cáo lẫn nhau và không thông cảm với nhau. Nhiều người Israel tỏ ra vô cảm trước cảnh người Palestine bị làm nhục tại các trạm kiểm soát và sự oán hận bắt nguồn từ việc phá hủy nhà ở của những gia đình kẻ khủng bố. Phần lớn người Palestine thờ ơ trước nỗi đau của người Israel mỗi khi một tù nhân Palestine mà Israel phóng thích được chào đón như một vị anh hùng (dù đó là thủ phạm của một vụ khủng bố nhằm vào dân thường) và họ không hiểu vì sao Chính phủ của ông Netanyahu yêu cầu họ công nhận tính chất Do Thái của nhà nước Israel.
Có thể nói rằng con đường dẫn đến một thỏa thuận hòa bình giống như một cấp số nhân, giai đoạn tiếp theo phải vượt qua là một cấp cao hơn giai đoạn trước. Năm 2012, ông Martin Indyk, “nhà hòa giải” Mỹ, đã nói rằng “những nhượng bộ tối đa mà Chính phủ Isreal sẵn sằng thực hiện đã vượt quá những gì mà Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas cho là những tham số tối thiểu của một nhà nước Palestine”. Năm 2014, sau thất bại của cuộc đàm phán hòa bình Israel – Palestine, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel Martin Indyk đã nhận định rằng các bên có mặt “không cảm thấy phải thực hiện khẩn cấp những “thỏa hiệp đau đớn” cần thiết cho hòa bình.
Những xu hướng tiêu cực
Nhưng tiến trình hoa bình thực sự có tầm quan trọng như thế nào? Những người, đặc biệt ở Israel, cho rằng không cần thực hiện khẩn cấp các thỏa hiệp đã nhấn mạnh đến việc cùng tồn tại hòa bình giữa hai dân tộc và sự ưu tiên mà người Palestine dành cho các vấn đề kinh tế và xã hội. Đó là điều mà người ta có thể gọi là sự “nghịch lý của bức tường”: việc Israel xây dựng bức tường ngăn cách này đã cho phép thực hiện một điều kiện cần thiết cho hòa bình – hầu như không còn xảy ra các vụ mưu sát có chuẩn bị ở khu vực Bờ Tây, nhưng nó cũng khiến vấn đề Palestine trở nên lu mờ hơn và do vậy ít cấp thiết hơn dưới con mắt của người dân Israel. Họ nhấn mạnh rằng các cuộc nổi dậy Arập – ngoài việc làm cho khả năng giải quyết xung đột trở nên khó khăn hơn – đã đẩy vấn đề Palestine xuống hàng thứ hai trong số những vấn đề cần giải quyết của khu vực, bất chấp những dự báo ở nơi này hay nơi khác về một “mùa Xuân Palestine” chưa từng được thực hiện.
Tuy nhiên, còn tồn tại một sự ảo tưởng khác: Thời gian không có lợi cho việc giải quyết một cách hòa bình vấn đề Palestine. Vấn đề đầu tiên: việc Israel theo đuổi chính sách thực dân hóa, cùng những âm mưu lớn trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng (đường sá, sông ngòi…) đã đe dọa sự liên tục lãnh thổ của một nhà nước Palestine tương lai, cũng như khả năng chia cắt Jerusalem. Do vậy, những người đưa ra các sáng kiến hòa bình phải tỏ ra luôn có nhiều khả năng sáng tạo bằng việc gia tăng số cầu và đường hầm nối liền phần này với phầnkia của một khu vực…
Vấn đề thứ hai mang lại một bản chất khác. Hiện tượng nhập cư và đặc biệt là tỷ lệ sinh đẻ cao đã làm cho số người Do Thái theo đạo Chính thống (người Haredim) và người định cư tiếp tục gia tăng. Năm 2014, người Haredim chiếm khoảng 10% dân số Israel. Tỷ lệ này có thể tăng gấp đôi vào năm 2030. Số người định cư sinh sống ở khu vực Bờ Tây có thể lên tới 450.000 người vào năm 2020 (theo ước tính, gần 40% trong số đó là người Haredim). Như vậy, người định cư ở khu vực Bờ Tây và Đông Jerusalem có thể chiếm gần 30% dân số địa phương vào cuối những năm 2040.
Giờ đây, 21% người Do Thái tuyên bố họ “sùng đạo hơn trước” (trong khi chỉ có 14% khẳng định ngược lại). Tỷ lệ này tăng lên 41% ở các tín đồ Hồi giáo. Những người Israel tuyên bố “sùng đạo” từ nay chiếm đa số (54% năm 2009 so với 49% năm 1999). Bản thân sự gia tăng tỷ lệ người Haredim ở khu vực Bờ Tây không phải là một trở ngại cho việc giải quyết vấn đề Palestine: Phần lớn trong số họ không phải là những người đấu tranh, và như chúng ta thấy, họ sinh sống ở những khu định cư giáp với Đường Xanh và các thủ lĩnh của họ xa rời ý thức hệ của những người định cư. Vấn đề mang tính khái quát hơn là: Làm sao lại không tin rằng tầm quan trọng ngày càng tăng của vai trò tôn giáo trong các xã hội ở Trung Đông sẽ không làm cho việc giải quyết cuộc xung đột Israel – Palestine một cách ôn hòa và hợp lý trở nên khó khăn hơn? Bởi vì, những tủi nhục mà người dân Palestine phải hứng chịu được các phong trào thánh chiến khai thác và, đồng thời, chủ nghĩa bài Do Thái phát triển.
Nếu người dân Palestine cho rằng hành động chiếm đóng của Israel sẽ không chấm dứt, họ sẽ có thể nổi dậy. Về phía Israel, ngay cả lực lượng thế tục cũng sẽ phản đối một kế hoạch hòa bình nếu như họ nhận thấy kế hoạch đó có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra nội chiến… Khó khăn ngày càng nhiều thêm bởi thế hệ các nhà lãnh đạo Palestine đặt cược vào nền hòa bình, ít ra là về mặt lý thuyết, chẳng bao lâu nữa sẽ vắng bóng. Bất chấp việc một số nhân vật Israel lạc quan cho rằng thế hệ lãnh đạo tương lai của Palestine sẽ ủng hộ sự thỏa hiệp nhiều hơn so với các nhà lãnh đạo lịch sử của Tổ chức giải phóng Palestine – PLO (được thành lập năm 1964, trước khi Palestine bị chiếm đóng, lý do ra đời của tổ chức này là nhằm chinh phục toàn bộ vùng đất Palestine lịch sử), thì điều đó cũng không hoàn toàn chắc chắn xảy ra.
Cuối cùng, cũng tồn tại một mối nguy hiểm đối với chính dự án Sionist (xây dựng ở Palestine một nhà nước Do Thái). Nhiều người Israel cho rằng tiến trình thực dân hóa sẽ hủy hoại xã hội Israel: tốn kém tiền bạc, gây chia rẽ dân tộc, nuôi dưỡng tình trạng bạo lực, và làm xấu đi hình ảnh đất nước… Thậm chí, một số người còn nói tới một “sự phân rã” nhà nước Isreal. Không đến mức đó – vả lại, người ta có thể nhận định rằng Israel là một xã hội đa dạng hơn, bao dung hơn và dân chủ hơn so với 30 năm về trước, song điều chắc chắn là tính chính đáng và nền an ninh của Israel sẽ không được cải thiện bởi sự kéo dài nguyên trạng.
Thái độ nào cho châu Âu?
Châu Âu thường tỏ ra vụng về khi thể hiện thái độ của họ về tiến trình hòa bình Israel – Palestine. Châu Âu hứa hẹn một quan hệ đối tác ưu tiên với Israel nếu một thỏa thuận hòa bình được ký kết (Israel hiện chỉ là một nước đối tác của EU), nhưng họ đã đánh giá cao khả năng gây ảnh hưởng của mình đến tiến trình này. Nhiều người châu Âu cho rằng sự ủng hộ chính trị mà EU từ lâu đã dành cho sự nghiệp của người Palestine, cũng như sự trợ giúp tài chính của EU dành cho Chính quyền Palestine khiến họ xứng đáng có “một ghế ở bàn đàm phán”. Song đó là một động thái đánh giá thấp vai trò của Mỹ, nước duy nhất có thể làm trung gian hòa giải, cho dù người ta nhìn nhận như thế nào về việc Mỹ xích lại gần Israel. Thực vậy, sự xích lại này giúp Mỹ có vai trò đáng tin cậy hơn so với hai tác nhân chính – Israel và Palestine, kể cả vì Palestine nhận định rằng Mỹ có khả năng gây sức ép với Israel. Thiện chí của nhiều người châu Âu đối với sự nghiệp của người Palestine thực sự không phải là một át chủ bài, bởi nó tạo ra sự ngờ vực của Israel đối với châu Âu. Nếu châu Âu muốn có sức ảnh hưởng lớn hơn đối với tiến trình hòa bình này, thì họ cần dành ưu tiên cho việc có được niềm tin chắc chắn của giới tinh hoa Israel, chứ không phải nhằm “cân bằng” vị thế với Mỹ. Điều đó không ngăn cản EU tiếp tục thể hiện sự cứng rắn đối với một số nguyên tắc.
Từ lập luận này, một chính sách châu Âu hợp lý có thể là:
+ Xác định sự khác biệt giữa các hoạt động kinh tế của EU ở Israel với các hoạt động kinh tế ở các lãnh thổ chiếm đóng (chẳng hạn qua nhãn mác chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của các hàng hóa nhập khẩu);
+ Thể hiện một thái độ mềm dẻo trong việc thực thi quyết định năm 2013 về việc không hợp tác với các tổ chức của Israel hoạt động ở phía Đông của Đường Xanh (một số tổ chức đang tiến hành những hoạt động rất hạn chế ở đó);
+ Không để việc củng cố quan hệ giữa EU và Israel phụ thuộc vào chính sách nhập cư của Israel;
+ Tiếp tục ủng hộ sự tăng cường các thể chế và hoạt động kinh tế của Palestine, đồng thời thận trọng hơn trong việc sử dụng các nguồn vốn châu Âu và sự quản trị tốt;
+ Kiểm soát việc sử dụng nguồn viện trợ mà EU cấp cho các tổ chức phi chính phủ của Israel và Palestine, nhằm đảm bảo rằng không khoản tài trợ nào bị lọt vào tay các tổ chức chủ trương thực hiện các chiến dịch tẩy chay hàng hóa, ngăn chặn đầu tư, trừng phạt kinh tế;
+ Tránh định kiến về thời hạn cụ thể của một thỏa thuận cuối cùng, như đôi khi họ vẫn làm (chẳng hạn, qua những tuyên bố như “nếu Jerusalem không trở thành thủ đô tương lai của hai nhà nước, một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine sẽ không thể được ký kết”).
+ Tiếp tục cô lập Hamas chừng nào tổ chức này còn chưa công khai lên án chủ nghĩa khủng bố, song EU cũng sẵn sàng đối thoại, thậm chí đóng vai trò trung gian hòa giải nếu Hamas đưa ra tín hiệu rằng họ dự định thay đổi đường lối của họ về vấn đề này;
+ Chú trọng vấn đề Israel – Palestine trong mối quan hệ của EU với Iran (ngoại trừ vấn đề hạt nhân), đồng thời trừng phạt bất cứ sự ủng hộ nào của Iran dành cho các nhóm cực đoan hoạt động trong các vùng lãnh thổ của Palestine;
+ Đồng thời, phản đối luận điểm của Israel, theo đó cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran đã khiến cho tiến trình hòa bình bị đẩy xuống hàng thứ yếu; thực vậy, một sự giải quyết khởi đầu vấn đề Palestine sẽ góp phần làm ấm lại các mối quan hệ Isreal – Arập – điều mà Israel cần nếu như cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran trở nên nghiêm trọng hơn, và vô hiệu hóa lập trường chống Israel của Cộng hòa Hồi giáo Iran;
+ Khẳng định khả năng EU sẵn sàng trợ giúp Israel và Palestine nhiều hơn nếu hai bên đạt được những tiến bộ trên con đường hòa bình, cũng như góp phần mạnh mẽ, trên mọi phương diện, vào sự thành công của việc thực thi một thỏa thuận cuối cùng.
Và bây giờ?
Từ cuối tháng 4/2014, các cuộc đàm phán chính thức bị hoãn. Tuy nhiên, Mỹ có thể toan tính khởi động lại tiến trình đó, có lẽ không phải do nước này được hưởng lợi từ nó. Barack Obama không thể tự hào nhiều về những thành công lớn trong chính sách của ông ở Trung Đông, và hẳn sẽ ngạc nhiên nếu Obama né tránh đưa ra bất kỳ sáng kiến mới nào liên quan tới tiến trình hòa bình từ nay đến khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Những hoạt động mà Mỹ thực hiện hay khởi xướng năm 2013 – 2014 – xác định một thỏa thuận khung (không được công bố), một kế hoạch cho những dàn xếp an ninh trong tương lai và một kế hoạch phát triển kinh tế cho nhà nước Palestine – có lẽ sẽ không bị rơi vào quên lãng.
Dù sao đi nữa, điều quan trọng là phải duy trì tiến trình hòa bình công khai, bởi việc tuyên bố về một tiến trình khép kín sẽ chỉ có thể nuôi dương thái độ hoài nghi và sự thất vọng. Từ nay, một bước đi thận trọng, trong bối cảnh tăm tối, có lẽ sẽ thích hợp hơn. Như cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đã từng nói, “các cuộc đàm phán cũng giống như những cây nấm: Bóng tối hợp với chúng hơn”. Về cơ bản, sự lựa chọn của Mỹ nhằm đi thẳng tới một thỏa thuận cuối cùng sẽ phải được tranh luận lại. Một thỏa thuận mới tạm thời, phỏng theo thỏa thuận được ký kết năm 1998 tại Wye River (hoàn toàn chưa được thực thi), từ nay có thể là một mục tiêu thích hợp hơn. Một lựa chọn khác, thích ứng với lựa chọn trước, có thể nhằm xác định các đường biên giới tạm thời cho các nhà nước Palestine tương lai.
Tuy nhiên, cũng giống như các vấn đề khác nảy sinh sau thời hậu chiến, trong đó có những thách thức về lãnh thổ – chẳng hạn vấn đề Kashmir và Đài Loan, giờ đây lập trường của hai bên dường như cách nhau quá xa, và sự nguyên trạng có vẻ như “khá được bảo vệ” để một giải pháp dài hạn hơn có thể đạt được trong những điều kiện hiện nay. Đó không phải là việc tỏ ra bi quan, mà là chứng tỏ óc thực tế, đồng thời nhận định rằng một cú sốc có lẽ là cần thiết để động lực cho một nền hòa bình bền vững được bắt đầu. Chỉ mong sao cú sốc đó được khởi đầu bằng sự khôn ngoan chứ không phải bằng bạo lực…
Tạp chí Politique Internationale (Pháp) – số 144/2014
CVĐQT số 3/2015
* * *
Xem bài liên hệ cùng chủ đề, click vào đây
Xem bài trang Kiến thức, tài liệu, click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net