NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
Tảu giặc khói mù cả biển đông
Dao ai cắt ruột chẳng đau lòng
Đọc thơ Cần Giuộc vò trăm mối
Viết truyện Vân Tiên gởi núi sông
Lời thép há kiêng phường mãi quốc
Nghiên son nào ngán súng thần công
Dù đui mà rõ đường vinh nhục.
Còn mắt mà như đã lọt tròng
Kha Tiệm Ly
Bài họa 1:
1- THANH DANH ĐỒ CHIỂU
Thanh danh Đình Chiểu tỏa vừng đông
Yêu nước thương dân trọn một lòng
Bút thép kiên cường vang bốn cõi
Chân thơ rạng rỡ trải non sông
Mắt mù nghĩa khí hồn dân tộc
Gương sáng tình nhà đấng chí công
Khử bọn gian tà quân cướp nước
Thuyền nan dậy sóng giặc vào tròng.
Đức Hạnh
Bài họa 2:
ẤM ỨC LÒNG
Hiu hắt buồn thương ngọn gió đông
Xót xa tình nước nghĩa non sông
Vì dân Đồ Chiểu thơ xua giặc
Hám đất chệch Tàu ý lập công
Ngửa mặt nhìn trời kêu chẳng thấu
Gục đầu nhắm mắt tự lưng tròng
Con tim quăn thắt dao đâu cắt
Ngậm miệng làm thinh ấm ức lòng
Vệ Trà
Bài họa 3:
CỤ ĐỒ CHIỂU
Cũng đành ba tỉnh đất miền Đông,
Cùng với trăm dân nguyện vững lòng.
Chẳng đội chung trời, cao nghĩa khí!
Quyết gìn bốn cõi, vẹn non sông.
Bút thô tải đạo vang truyền thống;
Gậy gộc đuổi thù lập chiến công.
Trung dũng một đời danh Đồ Chiểu
Giữa tâm, đôi mắt sáng nguyên tròng.
Lương Lương Hòa
Bài họa 4:
HỌC GƯƠNG CỤ CHIỂU
Học gương Cụ Chiểu, giữ non sông
Dùng bút xua thù khỏi phía Đông !
Chớ cậy binh nhiều mà chiếm đảo
Đừng xem dân ít cứ giương tròng!
Văn minh sớm ngộ trong tâm khảm
Đạo nghĩa mau khai tự tấm lòng!
Hảo đón vầng dương tình hữu nghị
Nhân dân mỗi nước sẽ ghi công!!!
Đỗ Trọng Tầu
Bắc Giang 01/5/2015
Bài họa 5:
NGUYỄN TRUNG TRỰC
Nơi dòng Nhật Tảo gặp Vàm Đông (1)
Nước mất, nhà tan nỗi hận lòng!
Trung Trực tài cao, tàu Pháp cháy
Quản Chơn (2) chí lớn, giặc chìm sông.
Kiên Giang bốt địch, tiêu như khói (3)
Rạch giá quê nhà, mãi nhớ công (4).
Quỷ kế, mưu gian lừa chữ hiếu (5)
Cùng đường, Phú Quốc bị vào tròng! (6)
Lưu Xuân Cảnh
(1) Sông Nhật Tảo chảy ở phía Bắc huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, giao nhau với sông Vàm Cỏ Đông ở địa bàn xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ.
(2) Nhờ chiến công đốt tàu L’Espérance ngày 10-12-1861, ông được triều đình phong chức Quyền sung Quản đạo [3] nên còn được gọi là Quản Chơn (thuở nhỏ ông có tên là Chơn).
(3) Vào 4 giờ sáng ngày 16-6-1868, Nguyễn Trung Trực bất ngờ dẫn quân từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đánh úp đồn Kiên Giang (nay là khu vực UBND tỉnh Kiên Giang), do Trung úy Sauterne chỉ huy.
(4) Sau khi ông bị hành hình, dân chúng cảm thương vô cùng nên đã bí mật thờ ông như một vị anh hùng trong đền thờ Nam Hải đại vương (cá Ông hay cá Voi), chính là ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá hiện nay.
(5), (6) Tháng 9 năm 1868, chiếc tàu Groeland chở Lãnh Binh Tấn (tức Huỳnh Văn Tấn, còn được gọi Huỳnh Công Tấn, trước có quen biết ông Trực vì cùng theo Trương Định kháng Pháp. Sau này, Tấn trở thành cộng sự cho Pháp), cùng 150 lính ở Gò Công đến đảo Phú Quốc để bao vây và truy đuổi ông Trực.
Nguyễn Trung Trực chịu nộp mạng, chỉ vì thiếu lương thực và vì mạng sống của bao nghĩa quân đang bị bao vây hàng tháng trời ròng rã tại Phú Quốc. Nhưng có người lại cho rằng để bảo toàn lực lượng nghĩa quân, nhân dân trên đảo và lòng hiếu với mẹ (Pháp đã bắt mẹ của ông để uy hiếp), Nguyễn Trung Trực tự ra nộp mình cho người Pháp và đã bị đưa về giam ở Sài Gòn.
* * *
Xem trang tác giả Đức Hạnh: click vào đây
Xem trang của tác giả Vệ Trà: click vào đây
Xem thêm bài trên trang Thơ: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com