Chuyến xe bus cuối cùng đưa khách về lại vùng ngoại ô chiều nay, không phải phiên chuyến của ông Tư Hậu theo cắt cứ của ban quản lý, mà do chính ông thương lượng hoán đổi cho một đồng nghiệp để ông có đủ thời gian chắp vá tu bổ cho chiếc xe “cà tàng” của mình, sau khi người hành khách cuối cùng xuống xe vào thành phố từ buổi sáng. Gọi là “tu bổ chắp vá chiếc xe cà tàng”, vì sau khi chiếm được miền Nam, thống nhất đất nước, bên thắng cuộc áp dụng ngay chính sách đóng cửa Quốc gia, hạn chế hội nhập quốc tế, không giao thương với phe tư bản thế giới, để nền tư bản miền Nam tàn lụi dẫn đầu cho “tư bản quốc tế đang giẫy chết trươc hệ thống vô sản chuyên chính toàn cầu đang hình thành” (sic). Kết luận quả quyết của những nhà lý luận và bảo vệ học thuyết Mác - Lê trong nước là như thế.
Tất cả những phụ tùng cho máy móc công nghiệp cũng như hàng hóa tiêu dùng cho người dân của miền Nam trước kia còn lại, khi thực hiện “cải tạo công thương”, họ quốc hữu hóa toàn bộ và mang về kho để thực hiên chế độ bao cấp, không bao lâu sau cũng cạn kiệt. Vì đã không có hàng tự sản xuât trong nước, lại cấm hàng ngoại nhập vào thay thế; còn phải cung cấp cho cả hai miền, mà miền Bắc suột một thời gian dài chỉ lo mỗi việc chiến tranh thôn tính miền Nam, chẳng làm ra được bất cứ một mặt hàng tiêu dùng đơn giản nào cho xã hội, nên hầu như chẳng có của cải vật chất. Thế là xem như cả một xã hội trở thành già nua tiều tụy vì thiếu thốn mọi bề, nếu không muốn nói bắt đầu quay về với thời kỳ lạc hậu thô lổ xa xưa. Chiếc xe ông Tư cũng trong vòng mê trận đó nên trở thành “cà tàng”.
Trước đây không lâu, từ những năm giữa thập niên 60 và đầu thập niên 70 thế kỷ XX, chiếc xe ông cũng cùng bè bạn một thời vang bóng. Hiên ngang trên đường dài, sẵn sàng phục vụ ăn sáng miền Trung, ăn tối miền Nam cho hành khách có nhu cầu đi lai nhanh chóng. Và mang những tên gọi hiển hách “Rồng bay”, “Tuấn mã” đầy kiêu hãnh. Vây mà, chỉ mấy năm trở lại đây thôi nó trở thành già nua tàn tạ vì không có phụ tùng thay thế. Nếu biết buồn, nó không khỏi ngậm ngùi cho thân phận, không biết mình còn cố lê tấm thân còm cõi nầy bao lâu nữa trươc khi chôn thân vào nghĩa địa để người ta cắt xé làm phế liệu chắp vá cho “anh em”.
Xe rời bến trời đã gần nhá nhem tối. Trên đường, người đi bộ vai gánh tay bưng cũng hối hả trước màn đêm. Khi xe đến trước cổng một bệnh viên, bên lề đường, người phụ nữ tuổi chưa đến bốn mươi, bận bộ quần áo bà ba vải đen lại bạc màu trông càng tàn tạ. Chị ngồi bệt trên bậc đá, nghiêng người dựa vào cây trụ mang tấm bảng “điểm dừng xe buýt”. Thấy xe, chi đứng lên có vẻ khó khăn lắm. Một tay chị vẫn bám cây trụ sắt han gỉ, tay kia cầm chiếc nón lá đã cũ yếu ớt vẫy đón. Chú Tư dừng xe lại và người phụ lái nhảy xuống giúp chị bước lên một cách chậm chạp.
Chuyến xe cuối ngày, thường đông khách, không còn ghế ngồi, nhiều người phải chen nhau đứng ở lối đi, chị không còn sức để đứng đành ngồi co ro dưới sàn, cằm tựa trên hai đầu gối. Đến khi người bán vé là một cô gái trẻ đến gọi, chị mởi hé mở hai mắt trông lên. Miệng thều thào:
- Chị biết tiền một chuyến xe là mười hai đồng, nhưng em ơi chị thật lòng xin em cho chị một lần, hoặc có lấy làm ơn cho chị trả một nửa, vì chị không có nhiều. Số tiền chị có được trong người cũng ít ỏi từ việc mới bán bớt máu cho bệnh viện cũng chỉ đủ để về góp vào vốn tạo nồi nước sâm bán kiếm sống qua ngày cho gia đình sau thất bại từ vùng kinh tế mới trong chủ trương bắt buộc để giãn dân thành phố vừa qua.
Miệng nói, tay chị cầm hai tờ giấy mệnh giá ba đồng run run đưa lên cao cho người nhà xe. Đây là đồng giấy mà từ khi loài người biết sử dụng tín chỉ bằng kim loại hay giấy in trong giao dịch giá trị vật chất hằng ngày, chưa một xã hội nào sử dụng đồng lẻ, vì không tròn “quan”, tròn “tiền”, tròn “ghim”, không “chia chẳn” được, duy nhất chỉ văn minh xã hội hôm nay áp dụng mà thôi. Từ hình thức đặc biệt đó, người ta luôn tự vinh danh là phát minh của những đỉnh cao trí tuệ để xây dựng nên xã hội tiến bộ nhất nhân loại hôm nay.
Cô gái bán vé phàn nàn:
- Không được đâu chị ơi, chúng em chỉ là những người làm công ăn lương mà thôi. Tiến trình “tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội”, xe cộ cũng không còn của tư nhân, tất cả phải đưa vào xí nghiệp “công tư hợp doanh” để “làm ăn lớn, tập thể” cả rồi, nên tiền vé về đến bến chúng em phải nộp đủ cho tài vụ.
Thấy vậy, một bà già ngồi ghế gần chị nghe câu chuyện của hai người, và thấy rõ chị quá tiều tụy, chạnh lòng lên tiếng:
- Thôi thì cháu không thể cho chị nầy nửa số tiền xe, bác tuy không dư dả gì nhưng cho bác giúp chị chút ít vậy.
Xong, bà móc túi lấy ra một giấy bạc cũng lại tờ ba đồng!
Thuở đó, Hồng (người khách lên xe trước cổng bệnh viện), một thiếu nữ vùng nông thôn xa xôi, kết quả của cuộc tình bình dị xây dựng thành một gia đình chân chất như nhiều gia đình khác sau lũy tre làng. Số phận không đãi người, Hồng mồ côi cha từ rất sớm, khi chớm lên ba. Người mẹ trẻ vì thương chồng thương con không đi bước nữa, ở vậy cùng con an phận đời người. Dù tần táo, lớn lên mẹ cũng cố cho Hồng vào trường học đến biết đọc, biết viết và làm xong các phép tính cộng trừ.
Năm Hồng mười bảy tuổi, đang ngày ngày theo mẹ ra đồng học nghề cấy hái. Bỗng một hôm có người bạn cùng làng lúc nhỏ của mẹ, sau có chồng lên thành phố về thăm, thấy Hồng càng lớn càng tỏ ra lanh lợi và đẹp người đẹp nết, thương số phận côi cút của con và góa bụa của mẹ, bà góp ý với bạn, khi về, cho bà được đưa Hồng lên theo, trước tìm việc làm nhẹ nhàng hơn, sau lần lượt tạo tương lai may ra có cơ hội mẹ nương con lúc về già, vì trên đó có chỗ tử tế đang cần người làm. Ban đầu, cả mẹ và Hồng không muốn vì nhà quá neo người, bấy lâu chỉ hai mẹ con sớm tối với nhau, nay khó xa nhau được. Nhưng rồi qua mấy đêm nghĩ lại, một lần nữa, mẹ Hồng lại quyết hy sinh tiếp cho con, cho núm ruột duy nhất của mình như trước đây bà đã từng chấp nhận cảnh đơn chiếc đến tận hôm nay để tình thương con không bị chia xẻ. Bà đổi ý, bấm bụng khuyến khích Hồng đi theo Dì bạn. Bà chỉ nghĩ, may ra đổi đời cho con khỏi phải như bà, quanh năm lam lũ mặt dán xuống đất, lưng dãi lên trời mà chẳng thấy tương lai nào khác.
Thế là vào một buổi sáng giữa mùa Hè năm đó, ruộng lúa đã gặt xong, cả cánh đồng mênh mông chỉ còn trơ lại gốc rạ xác xơ nghẹn ngào trong nắng chói chang cháy bỏng, dưới kênh, dập dìu ghe thuyền thương lái, Hồng gạt nước mắt cùng Dì bạn xuống bến qúa giang lên thị trấn đón xe đò. Ra đi trong vô vàn nỗi băn khoăn hòa lẫn ý chí cương quyết của người con gái tuổi mới lớn lần đầu tiên xa nhà xa mẹ. Hồng lên thành phố.
Đến nơi, dì bạn mẹ dẫn Hồng đến giới thiệu với người quen, nhưng lại dẫn về mà chưa cho làm việc ngay, vì bà nghĩ con bạn cũng như con mình, bà thật lòng thương yêu, nhất là ý thức được hoàn cảnh và tâm trạng Hồng hôm nay cũng giống như mình mấy mươi năm về trước. Từ tỉnh xa, quê mùa chân ướt chân ráo đến nơi đô hội làm sao không khỏi bỡ ngỡ lo lắng, bà muốn Hồng ở với mình mấy hôm để truyền dạy những điều cần thiết trước khi đến nhà người ta, và cách sống nơi thị thành nữa. Và cũng là giữ đúng lời hứa với mẹ Hồng hôm nọ, nhưng Hồng cũng không ở với dì bạn mẹ được lâu, vì chỉ hôm sau vợ chồng ông bà Đạm, người quen của dì, đến nhà nài nỉ cho Hồng qua với họ. Bà Đạm còn thật thà kể rằng hôm gặp Hồng chỉ trong chốc lát mà như có xui khiến nào đó bà bỗng thấy mến Hồng vô cùng, nên nóng lòng muốn có Hồng ngay. Ông Đạm, người có một phần tư dòng máu Trung Hoa, sau khi hỏi ra tuổi Hồng, ông tỏ vẻ mừng rỡ vì cho rằng tuổi Hồng rất hợp tuổi với vợ chồng ông, chắc khi có Hồng gia đình ông sẽ làm ăn buôn bán đắc thời hơn.
Thế là sáng sớm hôm sau, ông Đạm chay xe máy đến đón Hồng với lý do là “được ngày”, khiến dì bạn cũng không còn cách nào giữ Hông lâu đươc nữa.
Thêm một lần Hồng bịn rịn và dì bạn bùi ngùi giống như hôm Hồng và mẹ chia tay nơi bến nước quê nhà. Ông bà Đạm là chủ một cửa hàng tạp hóa chuyên bán sĩ và lẻ. Ông bà có con muộn, nên đã lớn tuổi chỉ có hai con, khi có con bà lại sinh năm một nên đứa trai đầu lòng sinh sau Hông hai năm, con em mới mười bốn tuổi.
Hồng đến vào tháng trường học còn nghỉ hè, suốt ngày các con bà Đạm ở nhà, có dịp gần gũi nhau, tuổi trẻ mau thân thiện với người lạ, luôn quấn quit khiến Hồng đỡ nhớ mẹ nhớ quê.
Vốn có lòng thật tình yêu thương người, bà Đạm càng tế nhị. Những ngày đầu không sai biểu Hồng làm gì nhiều, chủ yếu là dạy bảo chờ khi nào quen việc; tối đến còn cho Hồng ngủ chung phòng với con gái, tránh cho Hồng nỗi quạnh hiu khi lần đầu tiên không còn được ngủ với mẹ.
Lần lượt khi quen việc, Hồng ngoài làm việc nhà, lúc rảnh rỗi, bà Đạm chỉ vẻ thêm việc mua bán, tính toán và giao hàng cho khách. Đêm đêm, thằng Thanh con trai bà Đạm học bài, Hồng đến ngồi bên cạnh hỏi han để học hỏi. Nhờ lớn tuổi lại sáng dạ, không bao lâu Hồng đạt trình độ của một học sinh bậc tiểu học.
Không biết có đúng như lời ông Đạm nói lúc đầu hay không, kể từ ngày Hồng đến với ông bà, một thời gian sau đó, khách mua hàng bổng đông đúc đến trông thấy. Năm thứ hai Hồng ở với ông bà, lúc nầy Hồng đã mười chín tuổi, thành một cô gái thành phố trẻ đẹp và lanh lợi. Ông bà Đạm xem Hồng như con mình, bắt đầu thuê người làm việc nhà thay thế, Hồng trực tiếp phụ bà viêc bán buôn, để ông rảnh tay đến các nhà sản suất và nhập cảng chạy hàng. Lúc nầy Hồng như một thành viên cần thiết của gia đình.
Ông bà Đạm là người nhân hậu, cũng vươn lên và thành công trong khó khăn và bằng sức mình nên có lòng “thương người như thể thương thân” đối với Hồng. Nhất là ông, khi biết Hồng mồ côi cha từ tấm bé, ông có phần ưu ái hơn. Ông nghĩ, là đàn ông, may ra làm được chút gì bù đắp cho sự bất hạnh đó. Còn Hồng, tuy con nhà nghèo, trời sinh bản tính thật thà, lại được mẹ luôn dạy bảo phải “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, và dì bạn, người theo đạo của chồng cũng thường nhắc nhở “Đến Chúa cũng thương để tha thứ cho người chân thật biết xưng tội mình mà hối lỗi con à”. Dần dà, họ sống với nhau như tình ruột thịt, đến lúc gần như ông bà tin tưởng hoàn toàn quyết định của Hồng trong việc mua bán. Các con ông bà xem Hồng như chị cả trong gia đình, vâng lời chị.
Cứ thế, họ chung sống với nhau thành một gia đình hạnh phúc. Buôn bán luôn tiến triển đến nỗi ông bà Đạm phải thuê thêm hai người phụ cho Hồng. Lúc nầy nhà ông bà trở nên ít người vì cô con gái học xong một khóa cán sự y tế đi làm bệnh viện và có chồng là một Bác sĩ làm ở một bện viện Quân y, đã ở riêng; Thanh, con trai, lấy xong bằng Tú tài tình nguyện nhập ngũ. Hiện là sĩ quan hiện dịch xuất thân từ trường Võ bị Quốc gia, phục vụ tại một trong những binh chủng tổng trừ bị trong Quân lực VNCH, theo đơn vị đi khắp bốn vùng chiến thuật.
Cái thâm tình của ông bà Đạm và dì bạn, nhiều khi Hồng thấy mình đầy ắp tình thương yêu, hãnh diện khoe với bạn bè là Hồng có đến ba bà mẹ; mẹ đẻ ở quê nhà, mẹ dìu dắt là dì bạn và mẹ cưu mang là bà Đạm trên thành phố.
Cho đến năm Hồng đã hai mươi tám tuổi, bà Đạm thật sự tỏ ra lo lắng chuyện tương lai của Hồng, sau nhiều lần cố tạo điều kiện để Hồng đi chơi đây đó mong gặp người hợp ý xây dựng gia đình vẫn chưa thấy. Riêng Hồng cũng có lần nghĩ đến tương lai, nhưng đôi lúc nhớ về số phận hẩm hiu góa bụa của mẹ, rồi đang là thời chiến, mà những người làm ra chiến tranh mối ngày mỗi đẩy cường độ chết chóc lên cao. Hồng thấy trong lòng cả một nỗi phân vân đến hụt hẫng, nên chưa muốn quyết định trước nhiều thanh niên từng giao thiệp trong rạp hát hay ngoài công viên. Mẹ Hồng và dì bạn cũng luôn nhắc nhở.
Thế rồi việc đến phải đến. Một hôm, có người thanh niên lớn hơn Hồng độ bốn năm tuổi mạnh khỏe, vào xin báo giá một số phụ tùng cho nhà máy cưa gỗ đang hoạt động ở ngoại ô thành phố. Họ nhìn nhau và như định mệnh xui khiến những ánh mắt thiện cảm cũng bắt đầu. Mấy ngày sau anh ta thường lui tới hơn dù không mua bán gì, và tình yêu họ cũng chớm nở cùng thời gian. Được biết Toàn - người thanh niên - cũng là người dưới tỉnh, gốc ruộng, là thương binh loại hai trong thời kỳ thi hành quân dịch phục vụ Quân lực VNCH đã giải ngũ, hiện làm việc cho nhà máy cưa gỗ ven thành phố.
Lo cho Hồng, ông Đạm tiếp xúc thân tình người thanh niên để tìm hiểu kỹ hơn. Khi biêt Toàn đà hoàn thành quân dịch, lại là người có tố chất chân thật, biết lo làm ăn ông khuyên Hồng nên chọn anh ta gởi thân và báo tin cho mẹ và người thân biết, khi nào quyết định ông bà sẽ sẵn sàng đứng ra lo liệu chu đáo cho hai người. Chỉ mỗi việc Toàn kể những ngày nghỉ, anh sửa soạn những thanh gỗ phế thải được chủ cho thành củi đun bán cho người dùng để có thêm tiền gởi về giúp mẹ dưới quê, và góp vào lương tháng dành dụm làm vốn sau nầy đã chứng tỏ Toàn là người hiếu thảo và có ý chí lo tương lai.
Phần Hồng, ngay từ khi đến làm cho ông bà Đạm, biết hoàn cảnh hai mẹ con, ông bà bàn với dì bạn, vì mẹ con Hồng khó khăn, nên tiền lương hằng tháng ông bà sẽ chi ra một ít cùng với số ông bà biếu thêm gởi về giúp mẹ. Số còn lại ông bà giữ tích lũy để sau nầy Hồng làm vốn vào đời. Khi những người phụ thạo việc, thỉnh thoảng ông Đạm còn cho Hồng đi theo ông đến các nhà sản xuất nhận hàng, có hôm ông không đi được, Hồng thay thế, nơi đây Hồng còn được một khoảng tiền biếu của hãng, hay gọi là tiền “bo”. Vốn tính thật thà, lần đầu tiên được biếu như thế, Hồng mang về giao cho bà, bà Đạm không lấy còn giải thích:
- Đó là tiền người ta cho con, từ nay có bao nhiêu con cứ giữ lấy để sắm sửa và tiêu vặt khi cần.
Sau khi mẹ, dì bạn được Hồng thông báo việc Hồng chấp nhận lời xin cưới của Toàn, và có được sự khuyến khích của ông bà Đạm và sau những lần họ gặp nhau dưới quê cũng như tại nhà ông bà Đạm và dì bạn, thay cho những lễ nghi trước thành hôn. Vào một buổi sáng mùa Thu năm đó, do ông Đạm nhờ thầy chọn ngày giờ “hoàng đạo”, và đứng ra tổ chức lễ cưới cho hai người tại một nhà hàng trong thành phố. Hôn lễ trang trọng trong không khí đầm ấm và đầy ắp tình yêu thương. Ngoài mẹ đẻ, mẹ dìu dắt, mẹ cưu mang, còn rất đông người thân và bạn bè, có cả vợ chồng Bác sĩ quân y và cậu Sĩ quan mũ đỏ, quân phục rằn ri với cánh dù màu trắng trước ngực. Xong tiệc cưới, ho được rước về một căn nhà nhỏ thuê sẵn để bắt đầu sống đời vợ chồng.
Sau thời gian đầu cùng nhau về quê cúng bái tổ tiên, thăm biết bà con hai bên, họ trở lại đời sống thường nhật như cũ. Bây giờ Toàn không còn ở trong nhà máy cưa nữa, cùng vợ sau giờ nghỉ việc nhà ông bà Đạm, họ về sum họp trong tổ ấm đơn sơ của mình để cùng nhau bắt đầu xây dựng hạnh phúc đời người.
Cũng trong thời gian nầy, trong khi giao tiếp mua bán, Hồng nghe được hai người bạn hàng bàn luận với nhau, có ai đó cần bán một căn nhà cùng khu phố, cách nhà ông bà một con đường. Nhà thô sơ, mái tole, tường gạch xây dựng đã lâu nên hỏng hóc và loang lổ. Ưu điểm nhất là diện tích nền rất rộng, Hồng liền nghĩ, nếu ông bà mua được xây dựng thành cửa hàng vô cùng thuận lợi cho việc kinh doanh. Họ nói, bề sâu nhà đến ba mươi mét, mặt sau rộng năm mét, mặt trước đoạn sâu bảy mét rộng đến bảy mét rưỡi, Hồng báo với ông bà và góp ý nên mua ngay để có điều kiện khuếch trương buôn bán tận dụng cơ hội thời cơ, nhất là có chỗ rộng rãi vừa bán buôn vừa chứa hàng khỏi phải tốn tiền thuê nhà kho như bấy lâu. Ông bà Đạm gợi con gái về bàn tính và gởi thư hỏi ý Thanh. Tất cả đều đồng tình; vậy là ông bà Đạm bắt tay vào việc, mua nhà và xây dựng lại ngay.
Gần một năm rưỡi sau ngày Hồng có chồng nhưng vẫn tiếp tục công việc ở nhà ông bà Đạm, căn phố buôn hàng tạp hóa nội, ngoại nhập của ông bà chuyển về địa chỉ mới khang trang và bề thế không thua gì những phố lớn trước đây. Phần đất doi ra ở mặt trước, ông Đạm vẫn để nguyên vì theo quan niệm của người Hoa, nhà buôn bán làm ăn “nở hậu” mới tốt, “nở tiền” là điều cấm kị. Trong khi ông có dự tính sắp tới xây dưng trên rẻo đất 2,5m x 7m đó thành một kho hàng, vợ chồng cô con gái về góp ý:
- Hay là ba mẹ làm thành giấy tờ hẵn hoi bán đứt chỗ đó cho vợ chồng chị Hồng làm nhà ở. Chị khỏi tốn tiền thuê nhà, ở gần, ba mẹ còn có điều kiện giữ chân chị làm với mình. Biết đâu cái hợp tuổi như ba thường nói lại không tiếp tục phát đạt cho gia đình ta; còn giải được cái dở nhà đâu voi đuôi chuột nữa. Dẫu gì chị tuy không là họ hàng nhưng đã gắn bó với gia đình mình đên hơn nười năm rồi.
Sau vài hôm suy nghĩ, ông Bà Đạm thấy tính toán của con gái là hợp tình hợp lý. Một bữa nọ ông bà gọi vợ chồng Hồng ngồi lại và nói ra đề nghị của con gái và ý ông bà cũng rất sẵn lòng. Ban đầu vợ chồng Hồng không dám, vì xét thấy mình không đủ điều kiện hơn nữa làm sao có được giấy phép xây dựng.
Ông Đạm nói thêm về giấy phép. Trước tiên, ông sẽ tạm thời đứng ra xin làm nhà kho, tránh bớt các thủ tục tốn kém khi xây cất nhà ở trong thành phố. Khi nào vợ chồng Hồng có đủ tiền sang tên trươc bạ đất sẽ xin điều chỉnh sau cũng không trở ngại gì, bây giờ trong lúc còn khó khăn cứ ở. Dưới chế độ thực sự tôn trọng tự do, dân chủ của nhân dân như hiện tại, lấy cương lĩnh nhân vị làm tôn chỉ xã hội, mà không cần đến bất cứ một luận thuyết nào, chẳng những không ai có quyền hạch hỏi mình về quyền tư hữu, mà còn có trách nhiệm tạo điều kiện để mọi người có được đời sống càng ngày càng tốt đẹp hơn. Còn về phần đất đai, ông bà Đạm hứa sẽ lấy bằng một nửa giá bình thường hoặc ít hơn, và nếu góp chưa đủ cứ lần hồi trả sau, ông bà không hối thúc gì.
Về nhà vợ chồng suy nghĩ tính toán, cuối cùng Toàn đến Ngân khố rút hết số tiền mình mua công phiếu dành dụm bấy lâu gộp vào tiền ông bà Đạm ky cóp cho Hồng kể từ ngày đến làm, giao cho ông bà, tuy chưa đủ như con số trong giấy ông bà biên nhưng cũng không đến nỗi thiếu nhiều lắm. Thực chất ông bà tạo điều kiện hơn là bán mua. Thế là họ có được cơ hội buổi đầu ổn định cuộc sống.
Có được giấy phép làm nhà kho xong, ông Đạm gọi vợ chồng Hồng cho tất cả số gỗ nhà cũ còn dư hồi tận dụng làm mái che trên sân thượng. Xưởng cưa nơi Toàn làm cũng vui vẻ giúp họ một ít cây, ván đủ để làm nhà tạm theo dự định của Toàn chỉ xây mặt trước, bên trong dựng cột gỗ, gác ván, hai bên sẵn tường nhà ông bà và nhà kế cận, vừa ít tốn kém vừa khỏi mất diện tích vốn đã hẹp. Nhưng bà Đạm, tâm lý phụ nữ dị đoan theo tập quán dân gian chưa cho làm, vì Hồng đang có mang con đầu lòng.
Mấy tháng sau, trong căn nhà nhỏ gọn gàng và ngăn nắp, vợ chồng Toàn có được bằng mồ hôi, sức lao động và ý chí của mình còn có tiếng cười vui một thằng cu kháu khỉnh.
Ngoài xã hội, chiến tranh mỗi ngày mỗi khốc liệt. Theo thời gian, ở đây họ sống bình lặng với công việc làm như hồi đầu; lần lượt có thêm hai cháu bé cùng bà ngoại phải rời bỏ quê hương lên tỵ nạn khói lửa chiến tranh.
* * *
Chiến tranh kết thúc. Thành phố không còn lo đại bác bắn bừa bãi vào phố phường nữa, không còn nghe đài phát thanh “Mẹ Việt Nam” báo tin những cái chết thảm thương của những người trẻ “sinh Bắc, tử Nam” nhưng người dân ở đây lại hoang mang với những diễn biến mới, ngơ ngác trước thưc tại. Đường phố bắt đầu xuất hiện những người mới hôm nào còn bận áo cà sa đầu đội mũ len đan hình tượng tổ ong để nhắc nhớ đức từ bi của Đấng Thế tôn, hôm nay, có khi chưa kịp thay nâu sồng, đầu đã đội mũ tai bèo màu xanh cây rừng dẫn đầu một đoàn người phất cờ tung hô những khẩu hiệu nghe rất rõ nhưng không mấy ai hiểu rõ nghĩa lý. Đại loại “Toàn dân triệt để tin tưởng chủ nghĩa xã hôi để hưởng ứng xây dựng xã hội chủ nghĩa” hoặc “xây dựng xã hội chủ nghĩa để tiến lên chủ nghĩa xã hội”, v.v... Rồi một hai ngày tiếp theo, cũng những con người như thế, cùng với thành phần một thời to tiếng tự xưng yêu hòa bình, phản chiến tranh giăng dây mắc loa khắp phố phường để ngày ba buổi ra rả ca tụng những chiến công tiêu diệt những người cùng màu da, cùng tiếng nói là kẻ thù theo qui kết từ nước ngoài mang về.
Có người có công tất phải có kẻ có tội; công thưởng tội trừng, thế là từng đoàn người một thời chiến đấu bảo vệ tự do, sau khi loa gọi trình diện, lần lượt vào các trại tập trung dựng đầy trên khắp nước. Gia đình ông bà Đạm một con trai, một con rể có mặt trong số đông nầy.
Chợ vắng người, hàng hóa cạn kiệt. Đời sống trở nên khó khăn.
Khi trại tập trung đủ người, loa phóng thanh bắt đầu chuyển qua kêu gọi sản xuất để tự túc tự cường. Bốn thành phần căn bản của xã hội: Sĩ, Nông, Công, Thương có từ ngàn năm trước, nay chỉ cần mỗi Nông mà thôi, còn lại là thành phần ăn bám, là bóc lột. Vì vậy mọi người phải tham gia xây dựng vùng kinh tế mới, vừa làm ra của cải vật chất vừa loai được các thành phần “ngồi mát ăn bát vàng” trốn nấp đông đảo trong thành phố. Cũng không hiểu đây là chủ trương của lãnh đạo mới hay lãnh đạo mới chỉ nghĩ ra mỗi đường lối kinh tế như thế mà thôi. Gia đình Toàn Hồng tên được chiếu cố đầu danh sách, vì không có nghề nghiệp đủ tiêu chuẩn tiếp tục ở lại thành phó, Toàn thương binh cũ cũng nằm trong thành phần có tội.
Xưởng cưa không hoạt động, cửa hàng ông bà Đạm ế ẩm, lệnh ra đi liên tục thúc dục. Trong cơn bối rối họ đành đóng cửa nhà dắt díu nhau đi đến một vùng cao theo chỉ định. Không được tài trợ ban đầu, không được hướng dẫn căn bản, họ sống bơ vơ với núi rừng như những đứa con bị mang bỏ chợ.
Xong chương trình giãn dân thành thị, xây dựng kinh tế mới nông thôn, tiếp theo là cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản. Vì nhận thức hôm nay, tư sản là hiện thân của mại bản, là bán nước. Gia đình ông Đạm lại có chút ít dòng máu Hoa kiều, mà tại Trung Quốc đang hình thành một tham vọng bành trướng rất nguy hiểm chứ không còn là “vô sản anh em, môi hở răng lạnh” nữa. Khía cạnh khác, gia đình còn có con và rễ là thành phần “ác ôn” đang bị “tập trung”; cần phải đưa vào chiến lược trục xuất dưới danh nghĩa đưa về cố quốc để tránh hậu hoạn. Những qui kết như thế dẫn đến hàng hóa tài sản của ông bà bị tịch thu mang về kho, cơ sở nhà cửa kinh doanh quốc hữu hóa.
Vợ chồng Toàn Hồng suốt một thời gian dài không sống bằng nông nghiệp; chút ít hiểu biết về nghê nông buổi đầu đời chỉ là ruộng đồng cấy hái, hơn nửa đời người chưa một lần nhìn thấy đèo dốc, giờ lại buộc phải gắn bó với đá sỏi Trường sơn nơi núi rừng chập chùng heo hút.
Bước đường cùng họ phải cố!
Nhưng rồi cũng đến lúc lực bất tòng tâm, họ không còn cố được nữa, nhất là trước cái chết vì buồn phiền và không phù hợp thủy thổ của mẹ già, bệnh hoạn của chồng vì rừng thiêng nước độc và làm lụng quá sức, và con cái thất học. Trong chán nản, nhiều lần tâm trí lan man về thời gian có được cuộc sống ổn đinh khi làm cho xưởng gỗ, một hôm Toàn về thăm lại nơi làm xưa, hy vọng nếu cơ sở phục hồi hoạt động sẽ xin được tiếp tục làm việc cho đỡ vất vả vì mình là người cũ quen tay. Đến nơi, đúng là xưởng đã hoạt động trở lại, nhưng giờ là của Nhà nước, trong chủ trương không cho thành phần kinh tế tư nhân. Quốc hữu hóa tất cả. Hỏi ra, nếu có nâng đỡ thì cũng ưu tiên cho thương binh đương thời, còn Toàn là thương binh trong hàng ngũ ác ôn, không có tiêu chuẩn nào dành cho. Toàn lại trở về với núi rừng.
Phần Toàn thế là đã rõ. Đến lượt Hồng xoay xở lần cuối để tìm con đướng sống khác bằng chuyến về lại thành phố thăm ngôi nhà nhỏ thân yêu của mình và thăm ông bà Đạm. Đến nơi, chẳng những nhà ông bà bị niêm phong mà cả nhà mình cũng bị thay khóa cửa và dán giấy “CẤM MỞ”. Trước mắt Hồng như một vùng đom đóm, không còn thấy gì nữa; cả người run rẫy rồi đổ nhào xuống thềm nằm bất động. Người qua lại ngoài đường thấy vậy thương tình xúm xít đở lên vuốt ve hỏi han an ủi. Tỉnh lại, Hồng bươn bả đến nhà con gái ông bà Đạm để hỏi cho rõ mọi việc. Đến nơi, nhà không dán giấy niêm nhưng cửa khóa, không có người. Hồng đoán có thể em bận lên trại tập trung thăm nuôi chồng, hay đến chỗ ông bà Đạm sau tai họa quá bất ngờ giáng xuống cho gia đình nay phải ở một nơi nào đó,
Hồng quay lại nhà mình quyết tìm hỏi láng giềng cũ cho ra lẽ nỗi oan ức bỗng dưng biến mình thành trắng tay. Ở đây, bà con cũng người ở người đi; kẻ đi như Hồng, kẻ về lại nơi chôn nhau cắt rốn mà nay cũng gần như khách lạ, vì đã xa quê từ lâu lắm rồi, trong thời kỳ người dân được hoàn toàn tự do cư trú, xây dựng sự nghiệp. Một vài người còn ở kể cho Hồng nghe sau khi ban cải tạo công thương đến kiểm tra hàng hóa nhà ông bà Đạm đưa lên xe chở đi hết, tuyên bố tịch thu luôn nhà cửa là cơ sở của hệ thống tư sản mại bản. Chính quyền quân quản cũng niêm luôn nhà Hồng với lý do không thấy có ngươi ở, là nhà vắng chủ. Bà con tỏ ra xót xa với Hồng, một gia đình nghèo, có được nhà cửa tuy đơn sơ nhưng ổn định cuộc sống cũng nhờ lòng tốt đùm bọc của ông bà Đạm cùng ý chí và công sức của hai vợ chồng, rồi đây không biết sẽ thế nào. Nghe Hồng kể về cuộc sống vô cùng khổ sở kể từ khi gia đình lên vùng kinh tế mới, không ai khỏi chặc lưỡi cảm thông.
Làm theo lời khuyên, Hồng đến chính quyền khiếu nại. Tại cơ quan, cán bộ xác nhận quần chúng phản ảnh như thế là đúng, vì lúc đến kiểm tra nhà không có người, nay muốn xin lại phải làm đơn để Hội đồng xem xét. Hồng phân trần do phải đi xây dựng vùng kinh tế mới theo chủ trương của Nhà nước chứ Hồng có tự ý khóa cửa nhà để đi đâu. Cán bộ trả lời đó là kết luận của trên, họ không biết; muốn thế nào phải làm đơn. Hồng tức đến khóc la rống lên rồi vật vả kể lễ giữa cơ quan cũng là một căn nhà của dân mới tịch thu. Biết có nói gì cũng không được, Hồng đành ra về nhờ người viết đơn may ra có thể lấy lại được để cứu cánh cho hoàn cảnh bi đát hiện tại.
Mấy ngày sau, Hồng mang đơn về nộp, chính quyền nhận xong bảo về chờ, khi nào có kết quả giải quyết của Hội đồng sẽ thông báo đến nơi ở mới. Từ đó, mỗi tuần lễ Hông cố về lại một lần để đòi hỏi nhưng cũng chỉ nghe được những lời hẹn mà thôi. Lâu dần, và còn phải lo cuộc sống hằng ngày, những chuyến đi của Hồng cũng thưa. Một lần ghé ngang nhà, thấy người ta treo bảng, thiết kế nhà ông bà Đạm thành cửa hàng ăn uống, Hồng bước vào trong xem qua, bổng dưng rớm nước mắt rồi òa khóc nức nở, vội ra đi; người chung quanh ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Lần cuối cùng, cách sau đó mấy tháng, khi đi qua thấy nhà mình nay cũng mở cửa, Hồng liền vào hỏi. Một cô gái bận đồ “Đại cán” màu xanh kiểu cán bộ, trả lời giọng miền Bắc; cô là giám đốc cửa hàng liền kề, được lãnh đạo cấp cho căn hộ nầy. Hồng hốt hoảng vội chạy đến cơ quan cật vấn, cũng được cán bộ ở đây trả lời đó là quyết định của trên, họ không biết.
Uất quá, Hồng tiếp tục gởi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan khác nữa, kèm cả bản sao giấy bán đất của ông bà Đạm, cũng như biên bản ghi nhận cô con gái ông bà đến tận cơ quan ký giấy xác nhận là sự thật. Thế rồi, lần đên cơ quan sau cùng Hồng nhận được giấy thông báo, trong đó ghi nhà nguyên là kho hàng của tư sản mại bản kế bên, mà chủ có yếu tố nước ngoài đã bỏ trốn về xứ. Không có căn cứ để xem xét giải quyết cho Hồng.
Thế là không còn gì để hy vọng, bao nhiêu công sức của hai vợ chồng chung nhau tạo dựng nay không khác bọt biển, mây trời. Khi bị bắt buộc đi vùng kinh tế mới, Toàn và Hồng hy vọng sẽ có ngày về lại ngôi nhà thân yêu của mình nên không bán như nhiều người khác mà khóa cửa kỹ lưỡng để đấy; cũng như luôn tin tưởng dù có thế nào vẫn là nhà của mình, nhưng nay thì xem như vuột khỏi tầm tay.
Về lại vùng kinh tế mới với căn trại cây lá xiêu vẹo ven rừng, mỗi buổi chiều nhìn Toàn run rẩy lên cơn sốt rét, mặt mày xanh xao thân hình co rúm, Hồng như cũng đau nhức cả người. Xót xa nhất là ba đứa con èo uột vì thiếu dinh dưỡng lòng Hồng càng như quặn thắt.
Không còn hy vọng vào một cứu cánh nào nữa, cũng không thể nhìn cảnh gia đình con cái như thế nầy được, với chiếc xe đạp không lấy gì làm tốt, Hồng đi chạy hàng lặt vặt mắm, muối, cá khô về bán cho xóm nhà đồng cảnh ngộ. Phụ nữ sắp vào tuổi bốn mươi thế mà có ngày Hồng phải cố đạp xe đến ba, bốn mươi cây số đi về; sức khỏe Hồng vì thế mỗi ngày mỗi xuống.
Một buổi xế chiều nắng chói chang sau đó, sau mấy ngày người nhóm mệt, lại đạp xe ngược chiều gió, Hồng dừng nghỉ chân dưới bóng mát cây đa ven đường, nơi mỗi khi qua đây nhiều người thường có thói quen, tình cờ Hồng gặp lai người quen cũ. Chị lớn hơn Hồng mấy tuổi, nhà ở ven thành phố, chị đi thăm bà con về ngang qua thấy Hồng mừng quá liền ghé vào. Ngày xưa, nhà chị làm ruộng, nuôi bò, mỗi khi mùa vụ xong, chị chạy xe máy đến phố bà Đạm mua hàng về bán chợ quê. Lâu dần thành quen thân Hồng xin ông bà dễ dãi cho chị, lấy thêm hàng bán xong mới mang tiền trả. Kể từ ngày thành phố cũng như toàn miền Nam gọi là được “giải phóng”, không còn ai buôn bán, chị cũng không còn gặp Hồng. Có lần xuống phố thấy nhà bà Đạm và nhà Hồng đều đóng cửa, chị nghĩ bà và Hồng đã đi xa (tiếng lóng vượt biên lúc bấy giờ). Còn nhà chị cũng từ đó, ruộng phải đưa vào tập đoàn sản xuất, số riêng không còn nhiều, vì vậy cũng không còn nuôi bò nữa,
Nghe Hồng kể hoàn cảnh gia đình từ ngày đó đến nay, chị bùi ngùi đến ứa nước mắt, rồi hai người phụ nữ ôm nhau khóc nức nở. Cuối cùng chị đề nghị Hồng thu xếp về sống với chị, sau đó sẽ tính tiếp, chứ tiếp tục thế nầy sẽ đi đến nguy hiểm mất. Hết nuôi bò, chị dư chỗ nhà hồi xưa làm chuồng, nay dọn sửa lại cũng không tốn kém là bao nhưng có thể ở tạm được. Chuyến sau Hồng không đi lấy hàng mà cùng Toàn đến nhà chị bạn để gặp đủ đôi bên cho hãn hữu. Có lẽ sau lần gặp Hồng về, chị bạn kể tất cả mọi chuyện cho chồng nghe, từ việc chị quen Hồng ở nhà bà Đạm, Hồng giúp chị mua hàng thiếu, đến lần gặp nhau vừa rồi; nên khi gặp, anh chồng như rất thông cảm và quý mến, sẵn sàng giúp đỡ theo đề nghị của vợ. Anh sốt sắn dẫn vợ chồng Hồng ra xem và chỉ cách sửa chữa nhà.
Thế mà cũng mất đến hơn mười ngày sau vợ chồng Hồng mới thu dọn và chuyển về đến nhà bạn được. Vì còn phải chờ nhận số tiền sang lại mấy sào mía non và đậu nành tỉa vừa giáp tháng cho một người cũng khốn đốn như Hồng nhưng không có điều kiện thay đổi cuộc sống, vẫn phải chôn chân. Vốn liếng khi mang lên nay chỉ còn được số tiền nầy và những thân hình ốm đau tiều tụy.
Thời gian đầu, trong khi chờ sửa sang chuồn bò, vợ chồng chị bạn cưu mang ăn ở cho cả nhà Toàn. Khi dọn ra riêng, tiền túi hai ngưới cũng không còn là bao. Toàn nhờ uống thuốc Nam của một người từng mắc bệnh bày lại, bệnh sốt rét cũng không còn hành hạ nhiều như hồi trên rẫy. Vợ chồng Toàn lại được vợ chồng chị bạn giới thiệu, hàng xóm thương tình thuê làm đủ thứ việc, có được chút ít thu nhập lo cho gia đình. Tuy rất eo hẹp vì công việc làm bữa có bữa không nhưng vẫn thư thái hơn.
Qua năm sau, những đứa trẻ nay đã lớn, không thể để chúng chịu dốt, phải cho đến trường mặc dù có đứa đã trễ, chỗ ở hiện nay lại gần trường cũng là một thuận lợi. Mà cho chúng đi học nhà cần phải có một việc làm thu nhập tương đối đắp đổi được, từ đó, Hồng nhớ lại người hàng xóm ngày xưa, chỉ chiếc xe ép nước mía giải khát cũng đủ nuôi sống nơi thành phố, Hồng nay không còn đủ vốn làm xe nước mía, tìm học cách nấu nước Sâm chở bằng xe đạp đến cổng trường bán cho học sinh và người qua lại, lần hồi sẽ tính thêm. Thế là Hồng lặn lội xuống phố tìm người quen xưa học hỏi. Về nhà, trong khi đang chuẩn bị mua sắm các thứ cần thiết cho việc mua bán, thình lình đứa con nhỏ ngã bệnh co giât phải đưa đi bệnh viện. Hai mươi ngày nuôi con nằm bệnh viện, số tiền dự định làm vốn bán nước Sâm, lo thuốc thang cho con cũng cạn. Khi con xuất viện, Hồng đành phải đi bán bớt máu mình để làm vốn trở lại, nhưng vì mới phải tiếp cho con mấy ngày trước, nay lại lấy nhiều để đủ tiền làm vốn, nên Hồng mới ra nông nổi thế nầy; như người sắp đột quỵ.
* * *
Xe dừng ở đầu ngõ, Hồng cũng chỉ cố được ra đến bờ cỏ, ngồi bệt xuống thở dốc, có người thấy được chạy báo tin cho Toàn, cả nhà bạn cùng ra dìu Hồng vào.
Cả tuần lễ sau đó, mỗi lần chay xe ngang qua đoạn đường nấy, ông Tư Hậu và cô thu ngân cố ý nhìn xem người phụ nữ bán máu làm vốn bán nước Sâm đã hoạt động chưa, nhưng không thấy chị xuất hiện. Cho mãi về sau cũng vắng bóng, họ đâm ái ngại cho chị. Thật lâu, nghe được tin sau lần bán máu đó, chị yếu hẳn, không bán nước Sâm mà đi làm việc gì đó dưới phố, do con rể ông bà Đạm nguyên là Bác sĩ, sau hai năm ra trại tập trung được nhận lưu dung (dung tha sử dụng) phụ việc trong một trạm xá tìm gặp chị và xin cho.
Chuyện người sơ thành người thân, công dân và xã hội của hai gia đình ông bà Đạm và Hồng còn dài, nhất là từ khi Thanh đoàn tụ với ba mẹ trên đất Mỹ, sau tám năm ở trại tập trung về, có dịp sẽ kể tiếp.
Xuân Thới
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click tại đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com