CHIẾN LƯỢC AN NINH BIỂN CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG: ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG MỤC TIÊU AN NINH QUỐC GIA CỦA MỸ TRONG MỘT MÔI TRƯỜNG ĐANG THAY ĐỔI.
Bộ Quốc phòng Mỹ – 21/08/2015
TLTKĐB – 28, 29, 30/8/2015
(Tiếp theo và hết)
Phúc trình của Bộ Quốc Phòng Mỹ
Tư thế lực lượng
Một trong những nỗ lực quan trọng nhất mà Bộ Quốc phòng đang thực hiện là tăng cường sự hiện diện ở tuyến đầu của chúng ta bằng cách đưa những khả năng, phương tiện và con người xuất sắc nhất của chúng ta đến khu vực châu Á – TBD. Sự hiện diện của quân đội Mỹ đã bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực châu Á – TBD trong hơn 60 năm. Sự hiện diện ở tuyến đầu của chúng ta không chỉ giúp ngăn chặn xung động và sự hăm dọa trong khu vực, nó cũng cho phép chúng ta đối phó một cách mau lẹ đối với các cuộc khủng hoảng trên biển. Làm việc phối hợp với các đồng minh và đối tác khu vực cho phép chúng ta đối phó hiệu quả hơn các cuộc khủng hoảng này.
Mỹ vẫn duy trì khoảng 368.000 quân nhân ở khu vực châu Á – TBD, trong đó khoảng 97.000 quân đóng ở phía Tây đường đổi ngày quốc tế. Trong vòng 5 năm tới, Hải quân Mỹ sẽ tăng số lượng tàu chiến được phân bổ cho Hạm đội TBD ở bên ngoài lãnh thổ của Mỹ lên khoảng 30%, cải thiện mạnh mẽ khả năng của chúng ta duy trì một sự hiện diện trên biển tường xuyên và liên tục hơn ở Thái Bình Dương. Và đến năm 2020, 60% phương tiện của hải quân và không quân ở nước ngoài sẽ được bố trí ở khu vực TBD. Bộ Quốc phòng cũng sẽ tăng cường sự hiện diện của lực lượng Thủy quân Lục chiến bằng cách phát triển một mô hình bố trí có tính phân bổ và bền vững hơn. Việc tăng cường sự hiện diện ở tuyến đầu của chúng ta cũng bao gồm cả việc sử dụng các phương tiện đang có theo những cách thức mới, trên toàn khu vực này, với sự chú trọng vào khả năng linh hoạt tác chiến và tối đa hóa giá trị của các phương tiện Mỹ bất chấp sự chi phối về khoảng cách. Đây là lý do tại sao Bộ Quốc phòng đang làm việc để phát triển một tư thế có tính phân bổ, kiên cường và bền vững hơn. Là một phần của nỗ lực này, Mỹ sẽ vẫn duy trì sự hiện diện của mình ở Đông Bắc Á, trong khi củng cố tư thế phòng thủ khắp Tây TBD, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.
Hòn đá tảng cho sự hiện diện ở tuyến đầu của chúng ta sẽ tiếp tục là sự hiện diện của chúng ta ở Nhật Bản, nơi Mỹ vẫn duy trì khảong 50.000 quân, bao gồm cả Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ và Đội hàng không mẫu hạm tấn công được bố trí ở tuyến đầu duy nhất trên thế giới, cũng như Lực lượng Viễn chinh biển thuộc lực lượng Thủy quân Lục chiến III của Mỹ và các phương tiện quan trọng của Không quân. Bộ Quốc phòng đang làm việc chặt chẽ hơn bao giờ hết với các đồng minh Nhật Bản của chúng ta, đẩy mạnh tiến bộ mà sẽ tăng nhanh trong những năm tới theo đường lối chỉ đạo quốc phòng mới được sửa đổi.
Trong một nỗ lực nhằm đảm bảo rằng sự hiện diện này là bền vững, chúng ta đã làm việc với Nhật để phát triển một sự bố trí mới cho lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ ở TBD. Kết quả là, Bộ Quốc phòng có thể sẽ chuyển sự hiện diện tập trung của lực lượng này ở Okinawa sang một mô hình có tính phân bố hơn bao gồm Australia, Hawaii, Guam và lục địa Nhật. Là một phần của chương trình này, Bộ Quốc phòng sẽ phát triển các đợt huấn luyện mới ở Quần đảo Bắc Mariana nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng ở tuyến đầu của chúng ta để đối phó với các cuộc khủng hoảng khu vực.
Sự hiện diện kết hợp với sự bố trí này sẽ giúp đạt được các khả năng, công tác huấn luyện chung và khả năng sẵn sàng chiến đấu cho thế hệ tiếp theo ở AOR USPACOM. Thông qua Thỏa thuận tư thế lực lượng (FPA) song phương với Australia và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) với Philippines, Bộ Quốc phòng sẽ có thể tăng cường sự hiện diện luân phiên đều đặn và lâu dài của chúng ta ở Đông Nam Á để huấn luyện mở rộng cho các đối tác khu vực.
Ở Australia, FPA sẽ cho phép thực hiện đầy đủ sự hiện diện luân phiên để huấn luyện và tiếp cận Không quân Mỹ và một Lực lượng Đặc nhiệm Hải – Lục – Không quân (MAGTF) lên tới 2500 Thủy quân Lục chiến. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng đang đi đúng lộ trình để đạt được các mục đích đã tuyên bố là triển khai luân phiên đồng thời 4 tàu tác chiến ven biển (LCS) ở Singapore vào năm 2017, điều sẽ đem lại sự hiện diện liên tục đầu tiên của Hải quân Mỹ ở Đông Nam Á trong hơn 20 năm. Bộ Quốc phòng cũng đang hiện đại hóa sự hiện diện trên biển của chúng ta ở Guam, như một phần trong các nỗ lực của chúng ta nhằm phát triển Guam thành một trung tâm chiến lược cho sự hiện diện quân sự chung của chúng ta ở khu vực. Điều này bao gồm cả việc bố trí ở tuyến đầu tàu ngầm tấn công thứ 4 đến Guam trong năm nay và triển khai tàu đổ bộ cao tốc vào năm 2018, trong khi đầu tư vào khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho các khả năng này. Guam là trung tâm khu vực đối với phi đội máy bay không người lái (UAV) Global Hawk của Không quân và Hải quân Mỹ sẽ triển khai phương tiện do thám trên không không người lái MQ-4C Triton từ Căn cứ không quân Andersen vào năm 2017. Không quân Mỹ đang tiếp tục một chương trình nhằm hiện đại hóa các nhà chứa máy bay và các cấu trúc hỗ trợ khác để tăng thêm khả năng quân sự đó và các khả năng quân sự khác của Mỹ.
Các hoạt động, diễn tập và huấn luyện
Các nỗ lực này nhằm củng cố tư thế lực lượng và sự hiện diện của chúng ta này cho phép Bộ Quốc phòng duy trì một nhịp độ cao hơn của các hoạt động hiện diện thường lệ và kéo dài trên biển. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đang duy trì một sự hiện diện mang tính định hình ở biển Trung Hoa, với các hoạt động từ huấn luyện và diễn tập với các đồng minh và đối tác, tới các chuyến cập cảng cho tới các chiến dịch tự do hàng hải và các hoạt động thường lệ khác. Các hoạt động này là trung tâm trong các nỗ lực của chúng ta nhằm ngăn chặn xung đột hay sự hăm dọa, bảo vệ quyền tự do trên biển và quyền tiếp cận của chúng ta đối với khu vực này, khuyến khích giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp trên biển, tuân thủ pháp trị, và củng cố quan hệ của chúng ta với các đối tác và đồng minh.
USS George Washington CVN-73
Là một phần trong các hoạt động hiện diện thường xuyên của Bộ Quốc phòng, Hải quân Mỹ, Không quân Mỹ và Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải. Các hoạt động tác chiến này đóng vai trò bảo vệ các quyền, quyền tự do và sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời được bảo đảm cho tất cả các nước theo luật pháp quốc tế bằng cách phản đối tất cả các tuyên bố chủ quyền trên biển quá mức mà một số nước ven biển ở khu vực này đưa ra. Tầm quan trọng của các hoạt động này không hề bị cường điệu.
Nhiều quốc gia ở khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương đưa ra các tuyên bố chủ quyền trên biển quá mức mà, nếu không bị thách thức, có thể hạn chế quyền tự do trên biển. Chẳng hạn, các tuyên bố chủ quyền quá mức này bao gồm các đường cơ sở thẳng được vạch ra không đúng cách, các hạn chế không thích hợp đối với quyền của tàu chiến đi qua vô hại lãnh hải của nước khác, và quyền tự do tiến hành các hoạt động quân sự bên trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác. Gộp lại với nhau, các EEZ ở khu vực USPACOM chiếm tới 38% đại dương trên thế giới.
Nếu các tuyên bố chủ quyền trên biển quá mức này không bị phản đối, chúng có thể hạn chế khả năng Mỹ và các nước khác thực hiện các hoạt động hay diễn tập quân sự theo thường lệ trên hơn 1/3 đại dương của thế giới. Trong 2 năm qua, Bộ Quốc phòng đã tiến hành một nỗ lực nhằm khôi phục chương trình tự do hàng hải của chúng ta, phối hợp với Bộ Ngoại giao để bảo đảm rằng chúng ta thường xuyên và kiên định phản đối các tuyên bố chủ quyền quá mức trên biển. Chẳng hạn, trong năm 2013, Bộ Quốc phòng đã phản đối 19 tuyên bố chủ quyền trên biển quá mức trên toàn thế giới. Năm 2014, Bộ Quốc phòng đã phản đối 35 tuyên bố chủ quyền quá mức – tăng 84%. Trong số 35 tuyên bố chủ quyền trên biển quá mức bị phản đối trong năm 2014, 19 tuyên bố là ở khu vực địa lý thuộc phạm vi trách nhiệm của USPACOM, và chương trình Tự do hàng hải mạnh mẽ này sẽ tiếp tục trong năm 2015 và xa hơn nữa.
Bộ Quốc phòng cũng đang theo đuổi một loạt cuộc diễn tập huấn luyện và can dự mạnh mẽ với các đồng minh và đối tác của chúng ta mà sẽ cho phép chúng ta thăm dò các lĩnh vực hợp tác an ninh hàng hải song phương và đa phương thiết thực mới, xây dựng khả năng tương tác cần thiết để thực hiện các hoạt động đa phương, và thúc đẩy lòng tin và sự công khai minh bạch trong khu vực. Chúng ta sẽ gia tăng quy mô, tần suất và độ tinh xảo của chương trình diễn tập khu vực, với một sự chú trọng đặc biệt vào việc phát triển các cuộc diễn tập mới với các đối tác Đông Nam Á và mở rộng chương trình diễn tập đa phương của chúng ta. Chúng ta cũng đã bắt đầu đưa sự chú trọng về hàng hải vào nhiều trong số các can dự này nhằm điều chỉnh công tác huấn luyện của chúng ta cho phù hợp với việc đáp ứng các đòi hỏi ngày càng tăng của các đối tác khu vực.
Ở Đông Bắc Á, Bộ Quốc phòng cũng tiến hành một số cuộc diễn tập thường xuyên với Nhật Bản và Hàn Quốc tập trung vào việc tăng cường các khả năng phối hợp của chúng ta để chống lại những sự khiêu khích và quản lý môi trường an ninh đang thay đổi của Đông Bắc Á. Mặc dù mục đích ban đầu là để chống lại các lực lượng tác chiến đặc biệt, cuộc tập trận song phương thường niên Giải pháp then chốt/ Đại bàng non với Hàn Quốc hiện nay bao gồm cả các hoạt động đổ bộ và tác chiến chống tàu ngầm để công nhận tầm quan trọng của lĩnh vực hàng hải trong việc bảo vệ Hàn Quốc. Tương tự, cuộc tập trận tác chiến chống ngầm Shin Kame giữa Mỹ và Nhật cũng được thiết kế nhằm cải thiện cách thức mà các lực lượng của Mỹ và Nhật chống tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel, một mối quan ngại ở khu vực này.
Ở Đông Nam Á, Bộ Quốc phòng đang tăng cường một chương trình diễn tập song phương vốn đã mạnh mẽ với đồng minh hiệp ước của chúng ta, Philippines, để giúp nước này thiết lập một sự phòng thủ đáng tin cậy ở mức tối thiểu một cách hiệu quả hơn. Chúng ta sẽ thực hiện hơn 400 sự kiện đã được lên kế hoạch với Philippines trong năm 2015, bao gồm cả cuộc tập trận chung quan trọng nhất từ trước đến nay. Trong cuộc tập trận Balikatan của năm nay, hơn 15.000 quân Mỹ, Philippines và Australia đã thực hiện các hoạt động liên quan đến một kịch bản bảo vệ lãnh thổ ở biển Sulu, với các quan sát viên từ Nhật. Chúng ta cũng sẽ mở rộng những sự can dự trên biển với các đối tác như Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Ở Indonesia, phiên bản cuộc Tập trận giám sát biển (SEASUR VEX) diễn ra vào tháng 4/2015 cũng bao gồm một chuyến bay qua biển Đông lần đầu tiên, và mùa Xuân vừa qua, các lực lượng hải quân của chúng ta cũng đã kết thúc cuộc Tập trận tàu ngầm thương vong mô phỏng (SMASHEX) đầu tiên trên sa bàn của họ.
Chúng ta cũng đã xây dựng một cuộc tập trận chung mới với Malaysia được dự kiến sẽ diễn ra lần đầu tiên vào năm 2015, và trong năm 2014, lực lượng Thủy quân Lục chiến đã tham gia một cuộc tập trận đổ bộ với Lực lượng Lục quân Malaysia, trong suốt cuộc tập trận này các lực lượng của chúng ta đã tập luyện sát cánh bên nhau ở phía Đông tỉnh Sabah. Ở Việt Nam, chúng ta đang nhanh chóng phát triển công tác huấn luyện trên biển, gần đây đã kết thúc hoạt động trao đổi trong khuôn khổ Hoạt động can dự hải quân (NEA) thường niên lần thứ 6 vào tháng 3/2015, một sự can dự lịch sử kéo dài 6 ngày bao gồm cả các hoạt động trên biển diễn ra trong vòng một ngày. Chỉ trong vòng 6 năm, sự hợp tác hải quân của chúng ta với Việt Nam đã phát triển từ một chuyến ghé thăm cảng biển đơn thuần sang can dự kéo dài nhiều ngày cho phép các thủy thủ của chúng ta hiểu biết rõ hơn về các hoạt động và thủ tục của nhau.
Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), được tổ chức từ năm 1971, là cuộc diễn tập quân sự quốc tế lớn nhất trên thế giới. Phiên bản năm 2014 là cuộc tập trận lớn nhất được ghi lại, với sự tham gia của 22 quốc gia, trong đó có 49 tàu nổi, 6 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 quân nhân tại và xung quanh quần đảo Hawaii và Nam California. Các mục tiêu của cuộc tập trận này là tăng cường khả năng tương tác của các lực lượng RIMPAC phối hợp cũng như đưa các bên tham gia mới vào việc triển khai chỉ huy và kiểm soát đa quốc gia ở cấp độ chiến thuật và tác chiến. Năm 2014, TQ lần đầu tiên tham gia RIMPAC, mặc dù ở một mức độ hạn chế, và Bộ Quốc phòng đã mời TQ tham dự cuộc tập trận năm 2016, với mức độ tham gia tương tự như năm 2014. Là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới, RIMPAC đem lại một cơ hội cho Mỹ, TQ và các nước trên khắp khu vực châu Á – TBD để thực hiện các hoạt động thực tiễn và các thủ tục thiết yếu để đảm bảo rằng những hiểu lầm về chiến thuật không leo thang thành khủng hoảng.
[2] Xây dựng khả năng của đồng minh và đối tác
Do một loạt ngày càng gia tăng những thách thức mà Mỹ và các đồng minh của chúng ta phải đối mặt trong lĩnh vực hàng hải, một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng là tăng cường an ninh biển cho các đồng minh và đối tác của chúng ta, vừa để đáp trả các mối đe dọa bên trong các vùng lãnh thổ của họ vừa đem lại an ninh biển rộng lớn hơn cho toàn khu vực. Bộ Quốc phòng không chỉ tập trung vào việc đem lại các năng lực được tăng cường, mà còn giúp các đối tác của chúng ta phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ hậu cần cần thiết, củng cố các thể chế, nâng cao những kỹ năng thực tiễn nhằm phát triển các lực lượng trên biển có năng lực và có khả năng chống đỡ. Bộ Quốc phòng đặc biệt tập trung vào việc giúp các đối tác của chúng ta nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải và tạo dựng một bức tranh hoạt động chung trên biển, điều sẽ tạo thuận lợi cho khu vực có những phản ứng khu vực hiệu quả và kịp thời hơn trước những thách thức trên biển.
Tại Đông Bắc Á, Bộ Quốc phòng Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Nhật để tăng cường các lực lượng trên biển vốn đã rất có năng lực của nước này. Mỹ và Nhật gần đây đã công bố Đường lối chỉ đạo Hợp tác phòng thủ Mỹ – Nhật, theo đó sẽ cho phép Lực lượng vũ trang Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật (JSDF) hợp tác mật thiết hơn để hỗ trợ hòa bình và an ninh, kể cả trong lĩnh vực hàng hải. Quan hệ hợp tác song phương mở rộng của chúng ta hiện nay sẽ bao hàm một loạt rộng rãi các hoạt động từ hợp tác trong thời bình về nhận thức chung trong lĩnh vực hàng hải cho tới hợp tác trong một tình huống bất ngờ.
Chúng ta cũng đang hợp tác với Nhật để cải thiện các khả năng liên quan tới biển của JSDF, điều đặc biệt nổi bật theo Đường lối chỉ đạo hợp tác phòng thủ Mỹ – Nhật mới. Mỹ sẽ nâng cao các năng lực đổ bộ của Nhật để bảo vệ đảo, bao gồm thông qua việc bán cho Nhật các máy bay V-22 Ospreys và AAV. Thông qua thương vụ mua máy bay E-2D Hawkeye và các máy bay không người lái Global Hawk, Nhật đang cải thiện khả năng giám sát trên biển và trên không xung quanh nước này, một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt vì sự gia tăng với số lượng lớn các hoạt động trên không và trên biển của TQ và Nga tại khu vực này, trong đó có các vụ xâm nhập liên tiếp của TQ tại vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku.
Tại Đông Nam Á, ưu tiên số một của Bộ Quốc phòng là phối hợp cùng với các đồng minh và đối tác của chúng ta để phát triển phối hợp các năng lực hiệu quả nhất nhằm cung cấp khả năng phòng vệ và tuần tra trên biển đáng tin cậy. Tại Đối thoại Shangri-La diễn ra vào ngày 30/5/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã công bố Sáng kiến An ninh biển Đông Nam Á, một nỗ lực mới nhằm phối hợp với các đồng minh và đối tác của chúng ta ở Đông Nam Á để xây dựng khả năng khu vực lớn hơn nhằm đối phó với một loạt thách thức trên biển. Là một phần của sáng kiến này, Bộ Quốc phòng, phối hợp với Bộ Ngoại giao, sẽ tham vấn các đồng minh và đối tác của chúng ta để xác định những nhu cầu và những đòi hỏi của họ một cách hiệu quả hơn, và để thăm dò các cơ hội mới cho sự cộng tác hàng hải. Đặc biệt, chúng ta tập trung vào một số tuyến nỗ lực như: hợp tác với các đối tác để mở rộng năng lực nhận thức về lĩnh vực hàng hải trong khu vực bằng nỗ lực làm việc hướng tới một bức tranh hoạt động chung của khu vực; cung cấp sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và hậu cần cần thiết và các trình tự tác chiến tạo điều kiện cho các hoạt động ứng phó trên biển hiệu quả hơn; tăng cường hơn nữa khả năng tác chiến và sức chống chịu của quốc gia đối tác bằng cách làm sâu sắc và mở rộng các cuộc tập trận và can dự trên biển quy mô song phương và khu vực; giúp các đối tác tăng cường các thể chế hàng hải, sự quản lý và đào tạo nhân sự trong lĩnh vực hàng hải của họ; xác định những đòi hỏi về hiện đại hóa hay cơ chế mới đối với các năng lực an ninh biển trọng yếu. Để hỗ trợ sáng kiến này, Bộ Quốc phòng đang làm việc nhằm tối đa hóa và tái cân bằng các nguồn hợp tác an ninh theo Điều 10 để dành ưu tiên cho khu vực Đông Nam Á một cách hiệu quả hơn.
Thậm chí trước khi đưa ra sáng kiến này, cùng với Bộ Ngoại giao và Lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ, chúng ta đã mở rộng đáng kể sự hỗ trợ an ninh trên biển của mình trong những năm gần đây. Tại Philippines, Bộ Quốc phòng đang cung cấp các hệ thống radar bờ biển và trợ giúp Bộ Ngoại giao bằng việc xây dựng các năng lực duy trì hải quân cũng như cung cấp các tàu ngăn chặn, nâng cấp các hạm đội hải quân, thiết bị thông tin liên lạc và mua sắm máy bay. Chúng ta đang giúp Việt Nam nâng cao khả năng ISR, chỉ huy và kiểm soát hàng hải bên trong các cơ quan hàng hải của nước này, và chúng ta đang hợp tác với Malaysia để xây dựng năng lực huấn luyện thực thi pháp luật trên biển và phối hợp liên ngành nhằm giúp cải thiện nhận thức trong lĩnh vực hàng hải của họ. Bộ Quốc phòng cũng đang phối hợp với Indonesia để tăng cường năng lực tuần tra, khả năng hợp nhất và duy trì ISR của nước này. Trong năm 2015, chúng ta đã thành lập các nhóm làm việc song phương mới với cả Indonesia lẫn Việt Nam nhằm giúp xác định rõ những đòi hỏi về phòng thủ trên biển của họ.
Một ưu tiên nữa của Bộ Quốc phòng Mỹ là giúp các đối tác của chúng ta phát triển các cấu trúc và thủ tục mang tính thiết chế cần thiết cho việc quản lý hiệu quả các lực lượng trên biển ngày càng lớn mạnh của họ. Điều này bao gồm việc thành lập các cơ quan hàng hải thống nhất, như Cơ quan thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA), cũng như phát triển các quy ước và thủ tục huấn luyện mang tính tiêu chuẩn về nhân sự trong lĩnh vực hàng hải. Ví dụ, Cơ quan giảm thiểu mối đe dọa quốc phòng (DTRA) đang giúp Philippines xây dựng Trung tâm giám sát bờ biển quốc gia Philippines ở Manila mà sẽ hỗ trợ Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) đảm đương trách nhiệm lớn hơn trong việc tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp liên ngành trong các hoạt động an ninh hàng hải. Tương tự, Brunei, Indonesia, Malaysia và Việt Nam cũng đang cải thiện các năng lực biển của họ.
Một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng là thúc đẩy nhận thức lớn hơn về lĩnh vực hàng hải, vốn là khả năng cốt yếu đối với mọi quốc gia ven biển. Do quy mô của lĩnh vực hàng hải ở châu Á, không quốc gia ven biển nào có thể tự trang bị cho mình những nhận thức về lĩnh vực hàng hải hiệu quả. Đó là lý do vì sao Bộ Quốc phòng Mỹ đang làm việc chặt chẽ với các đối tác tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương để khuyến khích việc chia sẻ thông tin hơn nữa và thiết lập một mạng lưới nhận thức về lĩnh vực hàng hải mang tính khu vực có thể cung cấp một bức tranh hoạt động chung và phổ biến dữ liệu thời gian thực. Singapore đang là đối tác hàng đầu trong nỗ lực này. Cùng với nhau, chúng ta đã thiết lập Nhóm làm việc chia sẻ thông tin hàng hải Singapore, một diễn đàn lý tưởng để chia sẻ những thực tiễn và bài học tốt nhất đúc rút được từ các hoạt động hàng hải trong khu vực thời gian gần đây và tham dò các lựa chọn để tăng cường chia sẻ thông tin với tất cả các đối tác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Về ngắn hạn, đây sẽ là nhóm làm việc song phương và sau đó sẽ mở rộng để các đối tác khu vực tham gia cộng đồng lợi ích này. Mỹ và Singapore cũng đang cộng tác để hỗ trợ Singapore phát triển Trung tâm Hợp nhất Thông tin (IFC) thành một trung tâm chia sẻ thông tin liên ngành cho cả khu vực.
Một yếu tố then chốt trong cách tiếp cận của Bộ Quốc phòng đối với an ninh biển ở Đông Nam Á là phối hợp cùng với các đối tác khu vực có năng lực. Có một thỏa thuận khu vực rộng rãi về tầm quan trọng của an ninh trên biển và nhận thức trong lĩnh vực hàng hải, và chúng ta đang hợp tác chặt chẽ với bạn bè của chúng ta ở Australia, Nhật, Hàn Quốc và bất kỳ nơi đâu nhằm phối hợp và mở rộng các nỗ lực của chúng ta hướng tới thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại châu Á. Một phần, chúng ta đang có quan hệ đối tác ba bên nhằm đạt được các mục tiêu này. Vào tháng 11/2014, Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã tiến hành cuộc gặp ba bên đầu tiên và nhất trí mở rộng hợp tác hàng hải, tiến hành các cuộc tập trận ba bên và phát triển phòng thủ. Bộ Quốc phòng đang làm việc với hai đồng minh còn lại theo hình thức phối hợp để tối đa hóa hiệu quả và tác dụng của các nỗ lực xây dựng năng lực an ninh biển của chúng ta ở Đông Nam Á, bắt đầu với Philippines.
Tại Nam Á, Bộ Quốc phòng nhận thấy một sự hội tụ mang tính chiến lược giữa chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ và chính sách “tái cân bằng sang châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ, và chúng ta đang tìm cách củng cố các năng lực biển của Ấn Độ với tư cách là một bên đảm bảo an ninh quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương và xa hơn nữa. Do các lợi ích chung to lớn trong lĩnh vực an ninh biển, Bộ Quốc phòng đã phát triển cách tiếp cận 3 hướng với Ấn Độ: duy trì một tầm nhìn chung về các vấn đề an ninh biển; nâng cấp quan hệ đối tác an ninh biển song phương; và phối hợp xây dựng cả năng lực đối tác khu vực lẫn cải thiện nhận thức trong lĩnh vực hàng hải trong khu vực.
Thứ nhất, tầm nhìn chung giữa Mỹ và Ấn Độ về an ninh hàng hải trong khu vực được phản ánh trong Tầm nhìn chiến lược chung Mỹ – Ấn đối với khu vực châu Á – TBD và Ấn Độ Dương được đưa ra hồi tháng 1/2015. Ấn Độ và Mỹ khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải và đảm bảo tự do đi lại của tàu và máy bay ở khu vực này, đặc biệt là tại biển Đông. Tầm nhìn chiến lược chung này và Tuyên bố chung Mỹ – Ấn tháng 9/2014 cũng kêu gọi tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển, để giải quyết các tranh chấp trên biển và tránh sử dụng, hay đe dọa sử dụng, vũ lực.
Thứ hai, Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Ấn Độ đang nâng cấp quan hệ đối tác song phương trong lĩnh vực an ninh hàng hải, thông qua tăng cường các cuộc trao đổi song phương giữa quân nhân hai nước và tham gia các cuộc tập trận. Các chuyến thăm gần đây tới Ấn Độ của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương khi đó của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, và Bộ trưởng Hải quân Ray Mabus đã nêu bật tầm quan trọng của sự can dự của hải quân đối với mối quan hệ quốc nói chung. Nhằm thúc đẩy hợp tác hoạt động trên biển, Ấn Độ đã tham gia cuộc tập trận đa phương RIMPAC, và hai bên tiến hành cuộc tập trận hải quân thường niên MALABAR. Kể từ năm 2007, Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) cũng đã tham gia khi cuộc tập trận này diễn ra ngoài bờ biển Nhật và gần đảo Guam. Cuộc tập trận đã ngày một gia tăng độ phức tạp và cải thiện khả năng của các nước tham gia cùng nhau hoạt động trong một môi trường có sự phối hợp, và Bộ Quốc phòng đang khuyến khích các đối tác tham gia thường xuyên, hy vọng sẽ được chứng kiến sự trở lại của các đối tác trước đây trong các cuộc tập trận trong tương lai. Bộ Quốc phòng cũng đã tích cực làm việc để hỗ trợ Hải quân Ấn Độ thông qua Sáng kiến Công nghệ và Thương mại Quốc phòng (DTTI). Hai bên đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác công nghệ hàng hải, một phần bằng cách thành lập một nhóm làm việc để thăm dò khả năng chia sẻ công nghệ và thiết kế tàu sân bay.
Một số chiến hạm của Hạm đội 7
Hải quân Hoa Kỳ đang hải hành
Cuối cùng, cả Mỹ và Ấn Độ đều đang tích cực xây dựng năng lực đối tác khu vực và nhận thức về lĩnh vực hàng hải (MDA) trong khu vực. Hai nước đang đóng góp cho các mục đích này một cách riêng rẽ cùng với các đối tác khác, và đang cùng nhau đóng góp cho các nỗ lực chống cướp biển ở Ấn Độ Dương. Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội để tham vấn với các đối tác Ấn Độ về những nỗ lực này ở đâu có thể. Bằng cách làm như vậy, hai nước sẽ đẩy mạnh tầm nhìn chung do chính phủ hai nước đề ra và đóng góp cho hòa bình, an ninh của khu vực nói chung.
[3] Giảm bớt rủi ro
Bên cạnh việc xây dựng năng lực biển cho các đồng minh và đối tác nhằm ngăn chặn và giải quyết các mối đe dọa khu vực, Bộ Quốc phòng đang tích cực tìm cách giảm nhẹ các rủi ro trên biển châu Á. Bộ Quốc phòng đang theo đuổi một cách tiếp cận 2 hướng nhằm đạt được mục tiêu này, một hướng tập trung vào mối quan hệ song phương của chúng ta với TQ, còn hướng kia nhắm tới các biện pháp giảm bớt rủi ro trong toàn khu vực. Hai hướng tiếp cận này sẽ giảm bớt khả năng xảy ra các tính toán sai lầm hoặc xung đột, điều sẽ gây ra ảnh hưởng bất lợi cho Mỹ và khu vực.
Trung Quốc
Sự trỗi dậy của TQ với tư cách là một bên tham gia chính trị, kinh tế và quân sự là một đặc điểm mang tính xác định của thế kỷ 21; và chúng ta có một mối quan hệ lớn và phức tạp, bao hàm cả hai yếu tố hợp tác và cạnh tranh. Kết quả là, chiến lược can dự phòng thủ của chúng ta có tính tới cả hai yếu tố này. Bộ Quốc phòng đang theo đuổi một mối quan hệ giữa quân đội hai nước dựa trên các mục tiêu với TQ, tìm cách làm sâu sắc hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm và quản lý các cạnh tranh và bất đồng về an ninh theo cách thức hỗ trợ sự ổn định toàn diện. Để đạt được các mục tiêu này, Bộ Quốc phòng theo đuổi mối quan hệ phòng thủ với TQ dựa trên 3 trụ cột và các nỗ lực liên quan.
Thứ nhất, Bộ Quốc phòng theo đuổi đối thoại bền vững và thực chất thông qua sự can dự về chính sách và của lãnh đạo cấp cao nhằm phát triển tầm nhìn chung về môi trường an ninh quốc tế và những thách thức liên quan. Thứ hai, chúng ta đang cố gắng xây dựng các lĩnh vực cụ thể và thiết thực để phát triển khả năng hợp tác trong những lĩnh vực có lợi ích chung. Cuối cùng, Bộ Quốc phòng đang thúc đẩy các biện pháp giảm bớt rủi ro thông qua các hoạt động tập trung nhằm cải thiện sự an toàn tác chiến và để phát triển và thể chế hóa các phương thức (như Đường dây Điện thoại Quốc phòng) có thể giảm nguy cơ xảy ra các sự cố bất ngờ hay tính toán sai lầm vốn có thể làm chệch hướng quan hệ song phương toàn diện.
Trong các cuộc thảo luận song phương của mình, chúng ta tiếp tục bày tỏ quan ngại với phía TQ về cách hành xử của nước này ở biển Hoa Đông và biển Nam Trung Hoa, trong đó có việc ngăn chặn việc tiếp cận các ngư trường tại các vùng biển tranh chấp, tiến hành hoạt động thăm dò năng lượng đầy khiêu khích tại những Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà quốc gia khác tuyên bố chủ quyền, triển khai các hoạt động cải tạo đất gây chú ý trên các cấu trúc tranh chấp và đơn phương tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông. Các hành động của TQ có tác động làm gia tăng sự mập mờ trong các ý định của nước này và điều đó đang thu hẹp không gian cho các giải pháp ngoại giao xuất hiện. Vì thế, chúng ta tiếp tục hối thúc TQ có những bước đi tích cực để gây dựng niềm tin với các láng giềng của nước này, trong đó có việc làm sáng tỏ quy mô và bản chất các tuyên bố chủ quyền trên biển của mình phù hợp với luật biển quốc tế và cùng cam kết chấm dứt hành động cải tạo đất, xây dựng các cơ sở mới và gia tăng quân sự hóa các tiền đồn mà TQ chiếm đóng, nếu như các bên tuyên bố chủ quyền khác cũng cam kết có hành động tương tự.
Các hoạt động trong khuôn khổ quan hệ giữa quân đội hai nước Mỹ và Trung Quốc, được tiến hành phù hợp với Đạo luật phê chuẩn ngân sách quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2000, mục 1201 và các điều luật liên quan khác, đóng góp cho sự ổn định trên biển thông qua thúc đẩy việc chấp thuận và áp dụng trên diện rộng pháp luật và các tiêu chuẩn quốc tế. Kể từ năm 2012, quan hệ giữa quân đội hai nước đã có được đà tích cực được đánh dấu bởi việc tăng cường khả năng hợp tác và hỗ trợ trong các lĩnh vực quốc tế cùng quan tâm, cũng như ý định chung ngày càng lớn về việc quản lý và giảm thiểu rủi ro, nhất là trong lĩnh vực hàng hải. Tại thời điểm này, có một sự khôi phục các cơ chế giảm thiểu rủi ro, như Thỏa thuận Tham vấn Hàng hải Quân sự (MMCA), và thiết lập các cơ chế mới như sáng kiến về Bộ Quy tắc ứng xử vì sự an toàn của các vụ va chạm bất ngờ trên không và trên biển và sáng kiến Thông báo các hoạt động quân sự lớn.
MMCA, ký năm 1998, là một thỏa thuận giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng CHND Trung Hoa, theo đó thiết lập một cơ chế tham vấn đối với các vấn đề an toàn hàng hải. Dù thỏa thuận này đã trải qua nhiều khó khăn trong những năm đầu sau khi ký, song hiện nay MMCA đang được thúc đẩy bởi cam kết của hai bên đầu tư cho cơ chế này, với kết quả là các cuộc thảo luận hữu ích và mang tính xây dựng về một loạt vấn đề an toàn hành động nhằm đưa chúng vào hoạt động tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thảm họa.
Vào năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Chuck Hagel và người đồng cấp TQ đã ký một Bản ghi nhớ (MoU) lịch sử về Bộ quy tắc ứng xử vì sự an toàn của các vụ va chạm bất ngờ trên không và trên biển. Bản ghi nhớ này thiết lập một sự hiểu biết chung về các quy trình hoạt động khi máy bay và tàu biển chạm trán trên biển, đúc rút từ luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành đồng thời củng cố chúng, quản lý rủi ro bằng cách giảm khả năng xảy ra các hiểu nhầm và nhận thức sai giữa quân đội Mỹ và TQ. Cho tới nay, bản ghi nhớ này có một phụ trương dành cho các vụ va chạm bất ngờ giữa các tàu. Để thúc đẩy bản ghi nhớ này, Bộ Quốc phòng đã ưu tiên phát triển một phụ trương liên quan tới các vụ va chạm bất ngờ trên không trước cuối năm 2015. Theo kết luận của phụ chương cuối cùng này, các cuộc tham vấn song phương trong khuôn khổ Bộ quy tắc ứng xử theo MoU sẽ được tạo điều kiện trong khuôn khổ diễn đàn MMCA hiện nay.
Các kết quả khác của sự can dự giữa quân đội hai nước Mỹ – Trung khi chúng gắn liền với sự ổn định trên biển bao gồm: quy tắc hóa các liên lạc giữa các tàu hải quân với nhau; tiêu chuẩn hóa việc PLAN sử dụng Bộ quy tắc về các vụ đụng độ bất ngờ trên biển (CUES) của Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS); tăng cường hợp tác và phối hợp trong các chiến dịch chống cướp biển ở Vịnh Aden, kể cả việc tham gia các cuộc họp trong khuôn khổ sang kiến Nhận thức chung và Giảm xung đột (SHADE).
Các biện pháp tầm khu vực
Đạt được thỏa thuận về các biện pháp giảm rủi ro song phương với TQ là cần thiết, song như vậy vẫn chưa đủ. Trong tương lai gần, Bộ Quốc phòng cũng tập trung vào khuyến khích phát triển các cơ chế giảm rủi ro và xây dựng lòng tin trên thực tiễn trong toàn bộ lĩnh vực vực hàng hải châu Á – Thái Bình Dương.
Bộ Quốc phòng ghi nhận bước tiến quan trọng trong nỗ lực này vào tháng 4/2014 khi các lực lượng hải quân thành viên tham gia WPNS ở Thanh Đảo (Trung Quốc) thông qua CUES. CUES đưa ra các quy ước qua lại và thông tin liên lạc đã được tiêu chuẩn hóa để sử dụng khi tàu hải quân và máy bay gặp nhau trên biển, bao gồm cả một bộ quy ước hoạt động liên lạc không phụ thuộc vào ngôn ngữ được tiêu chuẩn hóa nhằm cho phép các lực lượng hải quân không sử dụng một ngôn ngữ chung có thể liên lạc với nhau.
Bộ Quốc phòng đang tiếp tục tìm kiếm các cơ hội thường xuyên để áp dụng trên thực tiễn những quy ước này. Vào tháng 7/2014, một tàu Hải quân Mỹ có thể đã sử dụng CUES lần đầu tiên trong một cuộc đối đầu bất ngờ với PLAN. Từ đó, CUES đượcsử dụng nhiều lần. Sắp tới, Bộ Quốc phòng cũng sẽ thăm dò các phương án mở rộng việc sử dụng CUES cho cả các tàu thực thi pháp luật trong khu vực và Lực lượng bảo vệ bờ biển. Do tình trạng sử dụng ngày càng nhiều các tàu thực thi pháp luật trên biển (MLE) để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền tại những vùng biển tranh chấp, việc mở rộng CUES đối với các tàu MLE sẽ là một bước đi quan trọng nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột ngoài ý muốn.
Chúng ta cũng đang thăm dò một loạt biện pháp giảm bớt rủi ro khác ở cả cấp độ song phương lẫn đa phương, và tích cực hỗ trợ các nỗ lực tương tự của các đồng minh và đối tác của Mỹ. Ví dụ, Bộ Quốc phòng Mỹ đang làm việc để giúp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác khác trong khu vực thiết lập các đường dây “nóng” cấp tác chiến nhằm xây dựng những cơ chế liên lạc khi khủng hoảng đáng tin cậy và đều đặn hơn, qua đó góp phần hạ thấp nguy cơ xảy ra các trường hợp tính toán sai lầm hoặc xung đột tiềm tàng.
Tại biển Hoa Đông, TQ và Nhật đang thăm dò thiết lập các đường dây nóng giữa PLAN và JMSDF. Bộ Quốc phòng Mỹ ủng hộ lời kêu gọi của Nhật Bản cần có những giải pháp ngoại giao và quy trình giải quyết khủng hoảng hiệu quả hơn ở biển Hoa Đông, và chúng ta khuyến khích cả Tokyo lẫn Bắc Kinh thực thi cơ chế liên lạc trên biển song phương. Nhật Bản và Đài Loan cũng đang có những bước đi tích cực hướng tới mục tiêu giảm bớt căng thẳng bằng việc ký một thỏa thuận về đánh bắt cá vào năm 2013, thỏa thuận chính thức đề ra các quyền cho các đội tàu đánh cá của mỗi bên tuyên bố chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku, Philippines và Đài Loan cũng đang theo đuổi một thỏa thuận đánh bắt cá tương tự.
Tại biển Nam Trung Hoa, Indonesia và Malaysia gần đây đã thông báo ý định của họ trao đổi các phái viên hàng hải trong một nỗ lực nhằm gia tăng tính công khai minh bạch từ cả hai phía. Tương tự, một số quốc gia thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa đang tích cực xem xét việc thiết lập các đường dây nóng song phương tại biển Nam Trung Hoa nhằm giúp cung cấp các kênh liên lạc rõ ràng trong trường hợp xảy ra các vụ khủng hoảng bất ngờ.
Chính phủ Mỹ hối thúc các nước không thực thi những hành động đơn phương làm xói mòn sự ổn định và niềm tin ở khu vực. Vào tháng 11/2013, TQ đã tuyên bố thiết lập một ADIZ ở biển Hoa Đông với phạm vi bao phủ chồng lấn lên quần đảo Senkaku và ADIZ của Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan, vùng nhận dạng phòng không mà TQ tuyên bố áp dụng thậm chí với cả máy bay không có ý định đi vào không phận quốc gia của họ. Cách thức hành động không có sự phối hợp như việc TQ tuyên bố thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông, trong đó bao trùm lên cả vùng lãnh thổ do các bên khác quản lý, không có ích gì cho việc thúc đẩy các mối quan hệ tích cực và hòa bình tại vùng biển châu Á. Mỹ đã thể hiện rõ ràng rằng kiểu hành động này đang gây bất ổn. Mỹ không công nhận ADIZ do TQ tuyên bố và nó sẽ không thay đổi được cách Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự tại khu vực này. Mỹ truyền đạt một cách nhất quán tới nhà chức trách TQ rằng bất kỳ ADIZ mới nào mà Bắc Kinh tuyên bố bên trên các khu vực tranh chấp khác, như ở biển Nam Trung Hoa, sẽ gây mất ổn định và sẽ là mối quan ngại sâu sắc đối với Mỹ và các nước láng giềng trong khu vực. Cùng nhau, những nỗ lực khuyến khích phát triển các biện pháp xây dựng lòng tin và giảm thiểu căng thẳng trên thực tiễn này sẽ giúp ngăn chặn các sự cố trên biển và xử lý tốt hơn khi chúng xảy ra.
[4] Xây dựng cấu trúc khu vực và ủng hộ pháp trị
Khi căng thẳng tại châu Á gia tăng và tình hình an ninh khu vực trở nên phức tạp hơn, có một nhu cầu ngày càng lớn về những thể chế khu vực đáng tin cậy và có năng lực nhằm cung cấp các diễn đàn để thẳng thắn thảo luận về những vấn đề hóc búa, tạo thuận lợi cho hợp tác an ninh đa phương trên thực tiễn và xây dựng lòng tin.
Can dự với các thể chế khu vực như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tạo cơ hội cho Bộ Quốc phòng Mỹ có những bước đi tích cực nhằm làm nổi bật tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế. Trong phạm vi các thể chế này, Bộ Quốc phòng thẳng thắn nêu các mối quan ngại của chúng ta với các đối tác khu vực về những tuyên bố chủ quyền trên biển quá mức và những phương thức mà họ theo đuổi chúng cũng như các tuyên bố chủ quyền của họ. Chúng ta cũng kiên định nêu bật tầm quan trọng của việc thể hiện kiềm chế, xây dựng lòng tin và sự công khai minh bạch, cũng như hành xử một cách có trách nhiệm trên biển và trên không.
ASEAN là một đối tác ngày càng quan trọng của Bộ Quốc phòng và Bộ đang làm việc để tăng cường sự can dự của mình cũng như ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực này. Bộ Quốc phòng tích cực hỗ trợ Nhóm Chuyên gia (EWG) về An ninh Hàng hải trong khuôn khổ ADMM+, vốn đang tìm cách tạo thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin, thiết lập các thông lệ tốt nhất và xây dựng các quy trình hoạt động hàng hải tiêu chuẩn giữa các quốc gia nhằm mục đích củng cố các chuẩn mực hành vi và giảm thiểu nguy cơ xung đột. Ví dụ, tại Đối thoại Shangri-La diễn ra hồi tháng 5/2015 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tuyên bố cam kết của Bộ Quốc phòng Mỹ triển khai một cố vấn kỹ thuật nhằm hỗ trợ các nỗ lực đảm bảo an ninh hàng hải của ASEAN. Bên cạnh đó, EWG về An ninh Hàng hải của ADMM+ đã tiến hành cuộc huấn luyện thực địa vào năm 2013, đồng thời đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc huấn luyện thực địa kết hợp chống khủng bố và đảm bảo an ninh hàng hải vào năm tới. Chúng ta cũng ủng hộ một loạt tổ chức bổ sung khác như Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng, Hội nghị Hải quân Ấn Độ Dương và Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương. Ví dụ, Hội nghị các tư lệnh lực lượng đổ bộ (PALS) thuộc USPACOM tổ chức lần đầu tiên vào tháng 5/2015, đã thu hút sự tham gia của 23 quốc gia đối tác ở Thái Bình Dương nhằm hợp tác phát triển các năng lực đổ bộ trong khu vực và phối hợp sử dụng các lực lượng đổ bộ trong các chiến dịch đối phó thảm họa.
Chúng ta cũng đang tận dụng các cơ hội không chính thức nhằm tăng cường hợp tác khu vực, như Diễn đàn Quốc phòng Mỹ – ASEAN lần thứ nhất do Bộ trưởng Quốc phòng khi đó Chuck Hagel chủ trì tại Hawaii hồi tháng 4/2014. Cuộc đối thoại này đem lại một cơ hội không chính thức để thảo luận thẳng thắn với các đối tác ASEAN của chúng ta về những thách thức chung trong lĩnh vực hàng hải và nhu cầu đẩy mạnh chia sẻ thông tin giữa các nước ASEAN. Tiếp sau những cuộc thảo luận này, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ tiếp tục tổ chức một cuộc hội thảo vào tháng 5/2015 để thảo luận các mô hình tiềm năng cho hoạt động chia sẻ thông tin và các cơ hội hợp tác trên biển lớn hơn giữa Mỹ và các nước ASEAN. Những người tham gia từ tất cả các nước thành viên ASEAN đều thừa nhận các mối đe dọa lớn đang hiện hữu tại vùng biển Đông Nam Á và các định nhu cầu không chỉ theo đuổi một khuôn khổ nhằm nâng cao nhận thức trong lĩnh vực hàng hải – điều sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng của họ xử lý các mối đe dọa – mà còn chia sẻ thông tin giữa các quốc gia trong khu vực.
Cuối cùng, Bộ Quốc phòng hoàn toàn ủng hộ các nước theo đuổi các thỏa thuận và dàn xếp đa phương nhằm tăng cường an ninh khu vực ở biển châu Á. Vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký DOC trong một nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực này. Mặc dù DOC không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, song Bộ Quốc phòng tiếp tục ủng hộ các nỗ lực hiện nay nhằm thực thi DOC, đồng thời ủng hộ ASEAN và TQ đạt được thỏa thuận về một COC có ý nghĩa, như một phần trong cách tiếp cận nhiều chiều nhằm hạ nhiệt căng thẳng và duy trì hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực.
KẾT LUẬN
Bộ Quốc phòng Mỹ đang nỗ lực đi tiên phong trong môi trường an ninh hàng hải đang tiến triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm đảm bảo duy trì quyền tự do trên biển, ngăn chặn xung đột và sự hăm dọa, thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế. Từ Ấn Độ Dương tới Đông Bắc Á, chúng ta đang tăng cường năng lực quân sự của mình nhằm thúc đẩy sự ổn định và phản ứng một cách dứt khoát trước các mối đe dọa; tạo điều kiện cho mạng lưới các đồng minh và đối tác của chúng ta có thể đối phó với các thách thức tại các vùng biển ở khu vực này; tạo lực đòn bẩy cho ngoại giao quân sự để thúc đẩy lòng tin, sự ổn định và các tiêu chuẩn hành vi; tăng cường khả năng của các tổ chức khu vực ứng phó với các mối quan ngại an ninh hàng hải chung.
Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ – 21/08/2015
TLTKĐB – 28, 29, 30/8/2015
Đề tài liên hệ:
NHỮNG KHÍA CẠNH QUÂN SỰ TRONG CHIẾN LƯỢC “XOAY TRỤC” CỦA MỸ SANG CHÂU Á: click vào đây
* * *
Xem bài liên hệ cùng chủ đề, click vào đây
Xem bài trang Kiến thức, tài liệu, click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net