Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Phiếm luận
BÁ-NHẠC VÀ THIÊN-LÝ MÃ
PHƯƠNG-ĐÌNH

Mở đầu:

Bá Nhạc (1) sống vào thời nhà Chu, trước xa Hàn-Dũ. Song nhờ có Hàn-Dũ thì “danh” Bá Nhạc mới được nhiều người biết đến.

Thiên-lý mã vốn có trước Bá-Nhạc. Song nhờ có Bá-Nhạc, “danh” thiên-lý mã mới được nhiều người nghe đến.

Hàn-Dũ (768-824) còn gọi là Hàn Xương Lê, vốn là đại thi-hào và đại văn gia đời Đường. Thơ ông nổi tiếng là hay. Về sự-nghiệp văn-chương, ông được xếp hàng đầu trong “Đường Tống bát đại gia” (2).

Chính Hàn-Dũ đã đem câu chuyện Bá-Nhạc và thiên-lý mã vào văn-học Trung-hoa, có thể gọi đó là tấc-lòng của một kẻ sĩ gửi cho người đồng-thời và cho cả đời sau.

Dưới đây là phần lược dịch nguyên-tác Hán văn của Hàn-Dũ để mời quý bạn đọc thưởng lãm.

BÁ NHẠC và THIÊN LÝ MÃ

Trong đời, trước có Bá-Nhạc rồi sau mới có thiên-lý mã. Thiên-lý mã thường có song Bá-Nhạc không thường có.

Cho nên, dù ngựa đã được biết tên chẳng qua chỉ để làm tôi-tớ cho người, cuối cùng rồi cũng chết thảm trong tàu, nào có xứng là thiên-lý mã?

Ngựa đích là thiên-lý mã, cứ mỗi lần cho ăn phải cấp cho nó một thạch (3) thóc mới vừa đủ no. Song chủ ngựa vốn không biết mỗi lần nó cần ăn bao nhiêu, vẫn cứ theo tiêu-chuẩn ngựa thường. Bởi thế, thiên-lý mã dù có sức chạy xa nghìn dặm, mà chỉ vì ăn chẳng được đủ, sức không được sung, so với ngựa thường cũng chưa hơn được thì làm sao ngày ngày cứ bắt nó phải chạy suốt hàng ngàn dặm?

Bắt nó đi không đúng cách, cho nó ăn không đủ no. Nó hí lên cũng chả biết tâm-lý nó muốn gì. Chỉ biết tay lăm-lăm chiếc roi da, đứng thẳng trước đầu nó mà hét: “Thiên-hạ làm gì có thiên-lý mã?”.

Than ôi! Đời vốn thực không có thiên lý mã sao? Hay kỳ thực vốn chẳng có ai biết được ngựa nào là thiên-lý mã vậy!


Phương-Đình dịch
(Theo Hàn-Dũ, Tạp thuyết từ)

LẠM BÌNH:

Trong bài tạp thuyết trên, Hàn-Dũ đã mượn câu chuyện “Bá-Nhạc và thiên-lý mã" đề-cập đến thái-độ xử-thế cùng mối tương-quan giữa con người với con người trong cộng-đồng xã-hội.

Bá-Nhạc vốn nổi tiếng xem tướng ngựa, biết rõ khả-năng, sở trường sở đoản của mỗi giống ngựa, rất sành việc giám-định ngựa để phát-hiện ngựa nào đích-thị là thiên-lý mã. Đời vốn không thiếu thiên-lý mã, song nếu không có Bá-Nhạc, thử hỏi mấy ai phân-biệt được ngựa nào là ngựa thường, ngựa nào là tuấn mã có thể chạy suốt nghìn dặm đường?

Liên-hệ vấn-đề con người lại càng khó-khăn phức-tạp hơn. Thiên-lý mã chờ có Bá-Nhạc nên xứng danh là: “ngựa chạy xa nghìn dặm”. Trong xã-hội, người đích-thực có tài trí, có đức-độ chân-chính hẵn không thiếu, tuy là số ít.

Song le, một thiểu-số nào đó, mà có người gọi là “ngụy trí-thức”, “ngụy quân-tử”, “ngụy chính-khách”... thì vẫn còn nghênh-ngang một cõi, khiến cho vàng thau lẫn-lộn, biết đâu mà lần?! Họ tha-hồ hò-hét, nhi-nhô, múa gậy vườn hoang, dọc ngang nào biết trên đầu có ai!...

Vì thế, cần có “Bá-Nhạc thời nay” vốn có con mắt tinh đời, có đức-độ, nhận chân thực giả, biện-biệt chính tà để giám-định phân-minh, hướng-dẫn quần-chúng hầu khỏi sa vào những sai-lầm tai-hại trong việc chọn người có chân tài thức đức, dốc lòng vì nước vì dân trong sự-nghiệp phục quốc, an dân trước cơn dầu sôi lửa bỏng này. Mong lắm thay!

Nhưng tìm đâu ra đối-tượng nào là “chân Bá-Nhạc thời nay”? Xem tướng ngựa để phát-hiện ra thiên-lý mã gẫm không khó hơn việc chọn người tài đức biết quí dân, yêu nước thực-sự; biết thực sự quên mình, hy-sinh cả thân-thế, quyền-lợi cá-nhân mình cho nước cho dân. Đã hơn nghìn năm qua rồi còn có bao người nhớ đến Hàn Xương Lê, nhớ đến Bá-Nhạc để suy-nghiệm về câu chuyện ngựa đi ngàn dặm trong khi tửu hậu trà dư??

Mãi đến ngày nay -thời-gian và cự-ly tâm-lý quá dài- kẻ ngụy phong mình là Bá-Nhạc hiện kim” vẫn còn lưa-thưa xuất-hiện đó đây. Với mớ kiến-thức “bách-khoa”, qua một cơn “mộng du”, vài cuộc phiêu-lưu đầy ảo-vọng..., có thể họ khoác lên mình chiếc giáp sắt Phù-Đổng Thiên Vương, tự ví mình như Bá-Nhạc của cuối thiên niên kỷ này, có con mắt nhìn suốt ba bốn cõi, trí tuệ siêu-quần, tài-nghệ tuyệt-luân!

Hàn-Dũ viết:

-“Ngựa đích là thiên-lý mã, cứ mỗi lần ăn phải cấp cho nó một thạch thóc mới vừa đủ no. Song chủ ngựa vốn không biết mỗi lần nó cần ăn bao nhiêu, vẫn cứ theo tiêu-chuẩn ngựa thường, thì làm sao ngày ngày cứ bắt nó phải chạy suốt hàng nghìn dặm?...”.

Nuôi thiên-lý mã như thế, thực chẳng khó. (Nuôi người thì khó hơn nhiều, bởi vì nuôi người nhất là nuôi kẻ sĩ, nuôi người có chí-khí, tâm-huyết, lý-tưởng không phải chỉ cần nuôi ăn là đủ). Nhưng chỉ vì không phân-biệt được giữa ngựa với ngựa nên nhầm lẫn lớn. Thiên-lý mã không chỉ có một, song Bá-Nhạc chỉ có một (hoặc không nhiều) mà thôi.

Cuối cùng -vì không muốn dài dòng- xin có vài ngu ý như sau:

Muốn tìm ra thiên-lý mã thứ thiệt, xin hãy tự xét mình có đáng được là Bá-Nhạc hay không? Nói cách khác, muốn tập-hợp được nhiều người tài để phò nguy cứu khổn, vận-trù quyết-sách, cứu nước cứu dân, xin hãy tri-kỷ tri-bỉ, khách-quan minh-bạch duyệt soi tự thân mình, thành-khẩn kiểm-điểm về phương-diện đức, tài, trí, lực để lượng-giá sở-trường, sở-đoản ngõ hầu mưu-đồ việc lớn thành-công.

Ngược lại, chớ nên như những tên chủ ngựa bất tài vô tướng, tầm-thường, hách-dịch kia, loại người mắt thịt, vốn đã không biết rõ loại ngựa nào có khả-năng chạy xa nghìn dặm, ngựa nào là “sấu mã” chỉ ăn hại đái nát, hí càn,...mới đi vài ba dặm đường đã nặm vạ, đòi ăn... mà mỗi sáng sớm tên chủ ngựa chỉ biết “tay lăm-lăm chiếc roi da, đứng thẳng trước đầu nó mà hét: Thiên-hạ làm gì có thiên-lý mã?”. Than ôi!

Phương-Đình
Manchester, NH

Chú thích:

(1) Bá-Nhạc: Họ Tôn tên là Dương, một chuyên-gia giám-định ngựa nổi danh triều nhà Chu, Trung-hoa. Có lần ông đi qua vùng Ngu Bản thấy một con tuấn-mã đang nằm dưới càng xe. Ngựa trông thấy Bá-Nhạc liền hí lên một tiếng lớn. Bá-Nhạc vội bước xuống xe đến vỗ-về, an-ủi. Ngựa liền cảm động chảy nước mắt.

(2) Đường Tống bát đại gia: Tám nhà văn thơ lớn của triều Đường và nhà Tống (Trung-hoa).
- Đời Đường có: Hàn-Dũ, Liễu Tông-Nguyên, Âu-Dương Tu.
- Đời Tống có: Tô Tuân (cha Tô Thức), Tăng-Củng, Vương-An-Thạch,Tô Thức (Tô Đông Pha), Tô-Triệt (Tử Do) là em của Tô Thức.

(3) là một đơn-vị đo-lường, tương-đương với 60- 70 kg.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh