Bình minh Lý Sơn
Quảng Ngãi là nơi tôi đã trải qua 10 năm cắp sách đến trường từ lớp ba cho đến xong trung học; là nơi tôi đã có những ngày tháng vô tư hồn nhiên của tuổi ấu thơ và những tháng ngày mộng mơ của tuổi mới lớn. Vậy mà theo dòng đời xuôi ngược càng ngày tôi càng rời xa nó biệt tích mù khơi.
Năm 2002 nhân chuyến về thăm quê hương, tôi thuê một chiếc xe đi từ Sài Gòn ra Quảng Bình, dọc đường dừng chân thăm thắng cảnh. Đến Quảng Ngãi tôi nhờ tài xế cho xem một vòng thành phố. Xa lạ quá! Thành phố thay đổi quá nhiều! Tôi đi bất ngờ nên không thông báo bạn bè. Tôi ghé đến nhà Kim Cúc thăm bạn. Ngôi nhà này lúc xưa ngày hai buổi, sau giờ tan học tôi tung tăng theo Cúc về nhà trò chuyện, có khi ở lại ăn cơm mới về. Quen thuộc đến thế thì làm sao tôi quên lối về được. Đến nơi, em rể của Cúc cho biết là gia đình Cúc chuyển qua chỗ khác. Tôi cứ nhớ mãi giây phút gặp lại bạn cũ thân yêu sau 28 năm xa cách. Chúng tôi rời trường năm 1966 nhưng có gặp lại nhau một lần trong sân Toà Thượng Thẩm SG vào năm 1974.
Gặp Cúc ở Quảng Ngãi, trời mùa hè nóng như thiêu đốt nên tôi mặc bộ áo quần ở nhà bằng lụa, đội nón che mặt, bước vô nhà Cúc làm bộ hốt thuốc Bắc. Tôi nói với chồng Cúc, Cúc đứng gần đó:
- Anh làm ơn cho tui hốt thuốc
Cúc nghe giọng nói của tôi chạy ào ra
- Mi hả Hương?
Tôi bỏ nón xuống, Cúc chạy ào tới vừa ôm tôi vừa la:
- Con khỉ! Bày đặt giả dạng. Cái giọng nói của mi làm răng mà tau không biết.
Ôi giây phút gặp gỡ! Vui làm sao! Cúc thật là vui mừng vì được gặp lại thầy cũ, bạn cũ. Chúng tôi trò chuyện một lúc rồi tiếp tục lên đường. Từ ngày đó tôi nghĩ bụng là thế nào tôi cũng trở lại Quảng Ngãi gặp lại tất cả các bạn bè một chuyến. Vậy mà mãi đến mùa hè 2015 tôi mới thực hiện được.
Từ mấy tháng trước khi về Việt Nam, tôi và bạn Tần thân mến cứ bàn bạc mãi về phương tiện ra Quảng Ngãi và liên lạc bạn bè. Đêm ngày 2 tháng 7 chúng tôi đi xe lửa ra Quảng Ngãi. Tôi đi với người em gái. Tần đi với chồng và các em chồng. Bạn Tần, tôi, và em gái ở chung một phòng; mấy chị em đùa giỡn chuyện trò gần như suốt đêm. Khi tàu bắt đầu vào địa phận Quảng Ngãi, chúng tôi đã nôn nao bồn chồn. Tàu lướt nhanh qua những cánh đồng, những hàng dừa xanh tươi mát. Dòng sông Vệ với chiếc cầu sắt hiện ra trong tầm mắt của tôi làm tôi liên tưởng đên những ngày xưa ba tôi đưa cả gia đình đến đây ăn mì Quảng. Chúng tôi đứng sát cửa theo dõi tàu chạy. Núi Bút nơi chúng tôi cùng nhau đạp xe lên núi đùa vui đây rồi. Tàu càng đến gần ga, chúng tôi càng xôn xao hồi hộp. Tàu bắt đầu tiến vào ga Quảng Ngãi và dừng lại. Mọi người chỉ có mười lăm phút để lên xuống tàu. Chúng tôi xách hành lý đứng chờ sẵn ở cửa để tàu dừng là phải xuống ngay. Lòng nôn nao hướng về nhóm người đang đứng chờ đón người quen, tôi đã nhận ra ngay anh Nguyễn Tấn trong nhóm người đó. Chúng tôi vui mừng chuyện trò. Tôi cứ nghĩ là chúng tôi sẽ ở chung khách sạn và cùng đi chơi chung với nhau. Nhưng mấy người em chồng của Tần muốn ở khách sạn ngoài phố chứ không muốn theo anh Tấn về khách sạn ở La Hà nên chúng tôi đành phải chia tay. Tôi và anh Nguyễn Tấn cùng học chung lóp đệ thất 6 niên học 59-60 nên tôi phải theo anh Tấn về khách sạn của anh ấy, nơi các bạn lớp đệ 7/6 năm xưa sẽ tập trung gặp gỡ lại người bạn gái cũ năm nào.
Bé, Tần, TH, CT, Tấn, và Nhiệm
Trên đường về khách sạn, anh Tấn chỉ cho tôi xem con đường mà khi xưa ngày hai buổi tôi cắp sách đến trường. Bây giờ lạ quá, tôi gần như không nhận ra được chút gì quen thuộc của ngày nào, kể cả Bệnh Viện Quảng Ngãi là nơi ngày xưa tôi hay qua găp Ngọc Ẩn - con của bác Bá, Giám Đốc Bệnh Viện; ngay cả Ty Thú Y là chỗ ba tôi làm việc tôi cũng không nhận ra. Tôi muốn ghé xem bến Tam Thương như thế nào vì tôi không hình dung ra được chỗ này, anh Tấn lái xe qua đó cho tôi xem. Đến nơi tôi thất vọng vì đường sá đang được xây cất nên tôi cũng chẳng thấy bến nước gì cả.
Về đến khách sạn nghỉ ngơi ăn cơm trưa với anh chị Tấn xong thì anh Tấn đưa tôi đi thăm Tôn Long Nhượng và anh Trần Nắm - lớp trưởng của chúng tôi ngày xưa. Anh chị Trần Nắm qua Mỹ theo diện HO và bây giờ về hưu trở về Quảng Ngãi dưỡng già. Ngày xưa Tôn Long Nhượng được các bạn gọi là De Gaule vì cao nhất lớp và trắng giống như Tây. Nhượng nhắc lại “lúc đi học mỗi lần đến lớp là sợ T.H. lắm vì T.H. cứ dang hai tay chận cửa không cho Nhượng vào, Nhượng phải chờ các bạn khác mới dám vô”. Tôi mắc cười quá, thật sự tôi hoàn toàn không nhớ ngày xưa tôi lại làm thế. Tôi chỉ nhớ lúc đi học Nhượng hiền lắm. Có lẽ vì Nhượng hiền nên mới bị con gái bắt nạt. Tôn Long Nhượng đã hy sinh một cánh tay cho chiến tranh. Gia cảnh của Nhượng cũng khá, có tiệm tạp hoá, có cây xăng. Vậy là đủ sống!
Tôi đã được gặp lại các bạn cùng lớp: Nguyễn Bá Phổ, Cao Tấn Dũng, Phan Châu, Trần Được và đương nhiên các anh Trần Nắm, Tôn Long Nhượng, và anh Nguyễn Tấn là người đã lái xe đưa tôi đi khắp mọi nơi.
Trong buổi ăn chiều tại khách sạn của anh Nguyễn Tấn, chúng tôi cùng nhau hát karaoke cho nhau nghe. Ca sĩ hát hay nhất đêm đó là anh chàng Nguyễn Bá Phổ. Đặc biệt tôi được nghe các bạn đồng ca bản “Trần Quốc Tuấn hành khúc”. Điệu nhạc hùng hồn làm tôi nhớ đến những lúc ca hát ngày xưa dưới cột cờ của sân trường. Trong số các bạn tham dự có một anh rất lớn tuổi, hơn tôi cũng 7, 8 tuổi mà tôi quên tên. Trong lóp tôi nhỏ tuổi nhất, còn anh này là lớn tuổi nhất. Bạn Trần Được là người có trí nhớ “siêu phàm”. Bạn kể tên vanh vách tất cả các bạn trong lớp theo sơ đồ của lớp học. Tôi nghĩ có lẽ bạn này yêu lớp học nên đã giữ sơ đồ của lớp học rồi thỉnh thoảng ngồi ôn lại chứ làm sao mà nhớ hình ảnh ấy từ niên học 59-60 cho đến bây giờ! Anh chàng ni mà để ý tới ai thì người đó suốt đời chắc là khó thoát. Bái phục!
Tôi ngỏ ý với các bạn là tôi muốn được đi mấy chỗ trước khi tôi rời Quảng Ngãi: biển Mỹ Khê, đảo Lý Sơn, Batangan, và về món ăn thì là thưởng thức một tô don. Thế là anh Tấn sắp xếp. Đi Lý Sơn trước, về ghé qua Batangan, Mỹ Khê và cuối cùng sẽ đến Phú Thọ ăn don.
Sáng ngày 4/7 hai chị em dậy sớm sửa soan đi Lý Sơn. Anh Tấn nói là có thêm vài người bạn cùng đi Lý Sơn. Hai chị em ra xe thấy anh Tấn loay hoay gọi bạn bè và nói mấy người kia bận việc không đi nữa, chỉ có mỗi anh Tấn đi với hai chị em. Tôi e ngại nên đề nghị anh Tấn đưa hai chị em đến cảng Sa Kỳ và chỉ cách thức đi tàu đến Lý Sơn để hai chị em đi, anh Tấn khỏi đi theo. Thế là hai chị em vác ba lô lên vai đi đến một nơi chưa hề đặt chân đến. Tàu cập bến, tôi đi hỏi khách sạn, không có một chỗ nào trống, vì hôm đó là cuối tuần lại bất ngờ có một đoàn du lịch mấy trăm người. Tôi gọi một chiếc xe ôm hỏi tìm xem có khách sạn nào khác không. Ông tài xế cho biết là có phòng trọ cách đây 10 cây số. Thế là hai chị em leo lên xe đến phòng trọ. Đến nơi chủ phòng trọ thông báo hết phòng luôn! Ý chà! Làm sao đây! Chủ phòng trọ nói là: “hai chị cứ đi xem thắng cảnh trước, chiều về nếu có người không lấy phòng thì em để phòng cho hai chị, hoặc cùng lắm hai chị ngủ ngoài lan can trên lầu, mát lắm”. Thôi đành chịu vậy!
Hai chị em leo lên xe ôm đi khắp đảo Lý Sơn. Điểm đến đầu tiên là hang Câu với vẻ đẹp tự nhiên của một hang động bị nước xói mỏn sâu bên trong, nằm mơ màng bên bãi biển. Hôm đó là cuối tuần nên tôi đã gặp vài cặp cô dâu chú rể đến đây chụp hình. Sau hang Câu, chúng tôi đi xem chùa Hang. Muốn vào chùa, trước hết mọi người phải leo lên dốc cao bằng những bậc cấp. Nhìn xuống bên phải là biển với làn nước xanh tươi. Lên đến đỉnh, mọi người được chiêm ngưỡng tượng Phật Bà thật đẹp hướng nhìn ra biển. Bên cạnh tượng Phật Bà là những cây bàng cao xum xuê toả bóng mát. Muốn vào chùa Hang mọi người phải đi xuống mây tầng cấp, trần hang thấp, nền hang luôn ẩm ướt. Mọi người kinh cẩn thăp nhang, khói hương mù mịt. Cảnh đẹp thanh tịnh của chùa Hang làm tôi ao ước được tựa bên gốc bàng nhắm mắt mơ màng tận hưởng cảnh đẹp của thiên nhiên trong ngày hè nóng bức.
Đến giờ ăn trưa, anh tài xế xe ôm đưa hai chị em đến một quán ăn nằm trên đồi dọc theo đường đi. Quán nằm phía trong, bàn ăn được đặt bên kia đường dưới những tàng cây bàng rợp bóng mát. Thức ăn đồ biển có đủ, chỉ có một điều không có cơm, muốn có cơm phải đặt trước. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng không sao! Không có cơm thì ăn bánh tráng nướng cũng được. Chủ quán phải cho người đi mua bánh tráng về nướng vì tôi không muốn ăn bánh tráng mỏng cuốn thức ăn. Vừa ăn vừa ngắm biển xa xa dưới chân đồi thật là thú vị.
Ăn trưa xong chúng tôi lên đường đến chùa Đục. Nơi đây cũng có tượng Phật Quán Thế Âm cao 27 m nhìn ra biển. Muốn lên chùa thì phải đi hết hơn 100 bậc thang. Nơi đây phong cảnh đẹp, chùa vắng lặng trang nghiêm như chốn siêu phàm thoát tục. Chủa được đục sâu vào núi nên gọi là chùa Đục. Lên đến đình núi mọi người đựoc ngắm nhìn biển đảo Lý Sơn xa xa đẹp tuyệt vời! Suốt ngày lang thang ngoài trời tôi khát nước quá mặc dầu đã uống mấy chai nước, mồ hôi ra ướt đẫm. Nhưng đã ra đây là phải ngắm cho hết mấy thắng cảnh của Lý Sơn. Xuống núi tôi vào quán nước ngồi nghỉ. Cô chủ quán bé nhỏ mời chúng tôi ăn chè thạch màu vàng vì chè được nấu với nước gừng. Mới đầu tôi sợ bị đau bụng, nhưng cô chủ quán nói là cô tự nấu và bảo đảm rất sạch sẽ. Phần thì trời nóng khát nước, phần thì tin lời cô bé, tôi mạnh dạn ăn. Không phải ăn một ly mà ăn hai ly luôn! Ăn bao nhiêu cũng không đã khát, nhưng không dám ăn thêm.
Cô chủ quán còn mời tôi mua tỏi Cô Đơn. Tôi thắc mắc tại sao có cái tên kỳ vậy! Tôi được giải thích là vì mỗi củ tỏi chỉ có một tép tỏi thôi. Tỏi này rất quí, người ta mua về ngâm rượu làm thuốc. Cô ấy nói mấy chỗ khác bán một triệu một ký, nhưng cô bán cho tôi 800 ngàn thôi. Tôi hỏi tỏi thường giá bao nhiêu. “50 ngàn một ký” Trời đất ơi! Cái gì dzậy trời! Tỏi nhiều tép hay là một tép thì cũng là tỏi làm gì có giá chênh lệch kỳ lạ vậy! Tôi lấy một ký tỏi thường đem về làm quà cho mẹ. Tôi mà xách cái ký tỏi cô đơn kia về chắc là bị mẹ trợn mắt, vì mẹ tôi rất hà tiện; có mấy lần tôi đi chợ với mẹ, mẹ trả giá dữ lắm! Tiết kiệm từng xu dến nỗi tôi phải nói nhỏ “thôi cho họ đi mẹ” “không được mô tại con không biết!”
Rời chùa Đục chúng tôi đi xem giếng nước ngọt của Vua Gia Long. Giếng này cách biển it thước nhưng là nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân Lý Son đã mấy trăm năm qua. Khi tôi đến xem thi giếng hết nước. Anh xe ôm nói là mấy bữa rày trời nắng quá nên người ta lấy sạch nước, phải chờ đến đêm mới có nước. Tôi cũng được đến xem tượng đài của đội binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Dọc đường phượng nở đỏ rực trong cơn nắng hè! Chúng tôi thấm mệt và trời cũng đã chiều, phải trở về nhà trọ thôi.
Bước chân vào nhà trọ, chủ trọ nói là người giữ phòng chưa đến nên chúng tôi cứ vào phòng để nghỉ ngơi. Vô đến phòng thì tôi mới biết phòng này không có máy lạnh, hai quat máy chạy vù vù. Chủ trọ lo cơm chiều cho hai chị em. Ăn uống xong, hai chị em nằm ngoài võng sau vườn sát biển, nhìn trời hóng mát. Tôi vào phòng lấy áo quần đi tắm chuẩn bị ngủ. Vừa mở cửa ra, phòng nóng hực như là lò lửa. Nguyên do là vì phòng bit bùng thì quạt máy, thay vì đưa hơi mát thì nó lại làm ấm phòng. Tôi đề nghị chủ trọ cho hai chị em lên lầu ngủ ngoài lan can. Chủ trọ đồng ý vì căn phòng nóng đó người giữ phòng đã đến. Đó là một cặp vợ chồng hay là tình nhân rất trẻ nên hy vọng lò lửa cũng không sao!
Chủ trọ sắp hai ghế bố ngoài lan can cho hai chị em. Tuy đây không phải là phòng có khóa cửa then cài nhưng rất an toàn. Của ngoài cổng khoá người ngoài không vô được; đuờng lên lầu cũng khoá, khách trọ không héo lánh tới được vì lan can chỗ hai chị em ngủ là trước phòng thờ phụng ông bà của chủ trọ. Ban đêm gió mát lạnh, tôi tha hồ ngắm trăng sao. Bầu trời cao thăm thẳm, ánh trăng vời vợi, ngàn vì sao long lanh, mây hoà màu tim tím. Ôi! Cảnh sắc đẹp tuyệt vời! Ngắm cảnh say sưa, tôi đi vào giấc ngủ ngon lành sau một ngày rong chơi mệt mỏi. Hừng đông, tôi thức giấc! Ánh mặt trời hồng hồng ló dạng toả ánh sáng lên bầu trời màu xanh với những đám mây lượn lờ. Tôi đánh thức em gái xuýt xoa kêu lên:
- Dậy đi! Ngăm cảnh rạng đông! Đẹp quá! Đẹp quá! Dễ gì mà ngắm được cảnh đẹp này trên hòn đảo thơ mộng này chứ!
Hai chị em lấy cell phone ghi lại cảnh đẹp khó mà có dịp được chiêm ngưỡng.
Chúng tôi xuống lầu chuẩn bị ra bến cảng trở lại cảng Sa Kỳ. Nơi đây anh Nguyễn Tấn, Tôn Long Nhượng, và Nguyễn Bá Phổ đã chờ sẵn để đưa hai chị em đến Batangan chơi. Các bạn thấy hai chị em đi chơi vui khoẻ quá cứ trầm trồ “Thu Hương là nhất rồi! Các bạn ở Quảng Ngãi mà không phải ai cũng đi Lý Sơn như TH được đâu!” Chúng tôi dừng lại quán ăn đồ biển trước khi qua biển Mỹ Khê. Nơi đây tôi khát quá nên uống một hơi hết trái dừa luôn! Tại đây, anh Đặng Thanh Quang, Đỗ Đình Phát, anh Thọ và chị Vân cùng đến chung vui. Vừa mới ăn bên Batangan đến đây lại ăn nữa. Bụng tôi chứa đầy nước dừa nên đành ngồi nhìn các bạn vậy!
Nguyễn Tấn, Nguyễn Bá Phổ. T.H., Đỗ Đình Phát,
Đặng Thanh Quang, và Tôn Long Nhượng
Rời Mỹ Khê, hai chị em theo các anh bạn trở lại thị xã. Đường đi biển Mỹ Khê bây giờ êm ái bằng phẳng, xe chạy êm ru, cây cối hai bên đường rất đẹp làm tôi nhớ lại thuở xưa cùng các bạn cười đùa đạp xe đi biển trên đường đất chứ không phải đường nhựa rộng rãi như bây giờ. Tôi được dịp ngắm nhìn chiếc cầu tân tiến bắc qua sông Trà Khúc, và núi Thiên Ấn ẩn hiện xa xa. Đến thị xã, Nhượng xuống xe lấy xe gắn máy về nhà. Tôi chào từ giã Nhượng vì ngày mai tôi rời Quảng Ngãi. Anh Tấn chở hai chị em và Phổ đi Phú Thọ ăn don. Đây là lần thứ hai tôi được thưởng thức lại món don đặc biệt của Quảng Ngãi. Thế là tất cả những gì tôi yêu cầu, các bạn đều đáp ứng. Đêm nay hai chị em phải đi ngủ sớm để ngày mai lên đường ra Huế. Trước khi đi ngủ, tôi nói anh Tấn cho tôi gởi trả chi phí khách sạn, ăn uống xăng nhớt xe cộ mà anh Tấn đã chi phí, nhưng anh nhất định từ chối không lấy một xu. Sao anh hào sảng thế! Tôi đành nói anh không nhận thì tôi nhờ anh giao số tiền này lại cho anh Đinh Duy Đại là người bạn kém may mắn nhất trong nhóm bạn cùng lớp. Anh Tấn gọi điện thoại mời anh Đại đến thăm tôi và luôn tiện nhận món quà nhỏ. Anh Đại không bao giờ ra đường nên đêm họp mặt với các bạn không có anh dự.
Sáng ngày 6/7/15 anh Tấn đưa hai chị em lên ga xe lửa để đi Huế. Anh thật chu đáo, gởi mẹ tôi một hủ cá bống sông Trà Khúc, kẹo gương, mạch nha, và đường phèn. Trên đường đi, anh dừng lại chỗ ngày xưa gia đình tôi cư ngụ và cũng là nơi ba tôi làm việc từ năm 1956. Lòng bồi hồi nhìn chốn cũ với tất cả những đổi thay, hai chị em tôi chụp một tấm hình ghi dấu ngày trở lại.
Trở lại Quảng Ngãi thăm chốn xưa, tôi được các bạn tiếp đón nồng hậu quá. Không ngờ đứa bạn gái tinh nghịch ngày xưa không hề biết sợ bất cứ một nam sinh nào mà bây giờ các bạn không bực mình chuyện cũ mà còn đem tất cả tấm chân tình dành cho người bạn học cũ này. Thu Hương nợ các bạn lần này. Lần gặp sau các bạn không được quyền chi phí nữa nhé! Tội nghiệp bạn Tôn Long Nhượng thấy tôi băn khoăn thì nói nhỏ “TH đừng lo, nhóm bạn bè này bây giờ không giàu nhưng sống được.”
Chào tạm biệt Quảng Ngãi và các bạn thân yêu! Hai chị em chúng tôi lại tiếp tục leo lên xe lửa ra Huế ngao du 5 ngày. Ngày 11/7/15 chúng tôi trở lại Sài Gòn.
Trước khi rời Việt Nam, anh Khôi và bạn Tần thân mến của tôi tổ chức buổi họp mặt tại nhà ở Sài Gòn dành cho các bạn liên lớp đệ thất 59-60 và một số bạn khác. Tại đây tôi gặp lại các bạn 7/6 như Cao Xuân Thưởng, Hoàng Thái Huy, Nguyễn Thị Thọ, Phan Mỹ Nhân, Trần Hồng Việt, Phạm Ngọc Khuê; đặc biệt là anh Nguyễn Tấn từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn để gặp các bạn; và tôi lại được gặp anh thêm một lần nữa.
Hoàng Thái Huy, Nguyễn Tấn, Phan Mỹ Nhân,
Cao Xuân Thưởng, và Nguyễn Thị Thọ.
Đứng: Phước, Kim Cúc (7/5), Tần (7/4) Ngồi: Xuân Hoa, Minh Tánh,
Bích Tùng (7/4), Lợi (7/4), Hồng Việt (7/6), Thu Thủy, Nhan
Về thăm quê hương lần này tôi đã được gặp lại các bạn đã xa cách từ lâu. Chúng tôi đã có được những giây phút hàn huyên tâm sự. Tôi vui mừng khi biết một số bạn bình yên và cũng không khỏi ngậm ngùi khi biết một số bạn khác kém may mắn!
Dòng đời vẫn mãi trôi, một năm nữa lại sắp sửa ra đi, biết khi nào chúng ta mới có dịp gặp lại. Thôi thì chúng ta cứ giữ vững sức khoẻ để còn có cơ hội cùng nhau trò chuyện tại xứ Quảng mến yêu của chúng ta các bạn nhé!
Nguyễn Thu Hương
Cuối năm 2015
* * *
Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net