"Mẹ ơi, bìm bịp kêu chiều
Nắng mưa lụt bão liêu xiêu bãi đồng
Tiếng kêu khắc khoải bên sông
Tiếng kêu hoang lạnh mênh mông dạ sầu.
Dùng dằng dòng nước qua cầu
Con nay vắng mẹ nỗi đau trọn đời
Bìm bịp kêu lúc chiều rơi
Hoàng hôn chìm bóng về nơi cuối trời.
Mình con côi cút chơi vơi
Lời ru mẹ giấc ngủ vùi năm canh
Xa mẹ tóc hãy còn xanh
Giờ con tóc ủ trở thành pha sương.
Dòng sông xưa mẹ yêu thương
Bìm bịp kêu lạc cung đường con qua
Lặng lờ trong đục riêng ta
Tiếng chim vẳng lại biết là hồn quê."
(Bìm bịp kêu chiều)
Hình ảnh sông nước mênh mông, bến vắng đìu hiu, tiếng bìm bịp kêu chiều trong hoang lạnh, gợi cho chúng ta nỗi cô đơn, nhớ về quê hương và người mẹ hiền tảo tần suốt cả đời vì con. Bài thơ "Bìm bịp kêu chiều" chỉ với 16 câu lục bát bình dị, chân tình, Hồ Nghĩa Phương đã tạo được độ rung sâu lắng trong lòng người yêu thơ. Bài thơ nằm trong thi phẩm "Đối diện tôi" của Hồ Nghĩa Phương do Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi xuất bản vào cuối tháng 10 năm 2015. Đây là tập thơ thứ ba của Hồ Nghĩa Phương, sau hai thi phẩm: "Nhật ký thời gian" (2008) và "Dấu chân" (2011).
"Đối diện tôi" gồm 60 bài thơ, Hồ Nghĩa Phương viết về gia đình, tình yêu quê hương Quảng Ngãi và những vùng đất đã từng lưu lại trong anh nhiều kỷ niệm. "Đối diện tôi" - Hồ Nghĩa Phương độc thoại và trải lòng mình trong thơ với cuộc sống. "Chân tình, bình dị" là nét đặc trưng của thơ Hồ Nghĩa Phương. Chính vì vậy, qua thơ, người đọc dễ đồng cảm với Hồ Nghĩa Phương.
Hồ Nghĩa Phương sinh ra và lớn lên bên dòng sông Vệ Quảng Ngãi. Trong tập thơ "Đối diện tôi", Hồ Nghĩa Phương viết nhiều về miền quê xa lắc: Tây Nam Bộ. Trong "Đối diện tôi" Hồ Nghĩa Phương có nhiều bài thơ viết về sông nước Tiền Giang, Bến Tre xứ dừa thơ mộng... Đây là vùng trời, miền đất Hồ Nghĩa Phương nặng lòng với những kỷ niệm đẹp trong đời.
"Xa rất xa... kỷ niệm dẫu chưa mòn
Anh lại về quê em miền sông nước
Giề lục bình trôi tím chiều nhung mượt
Con sóng dập dềnh đò xuôi mơn man.
Về Miền Tây đường đi thênh thang
Lòng người rộng gió đồng thông thốc
Cánh chim bay cùng trời cuối đất
Dông bão nào mềm bước chân ta.
Rừng tràm ơi... mùa nắng trổ hoa
Vàng sắc thắm vùng quê ngập nước
Xuồng ba lá xé toang sóng bạc
Đời hải hồ phiêu bạt đó đây.
Ngã bảy, ngã năm... xanh mát vườn cây
Ra chợ nổi tìm người thương nhớ
Câu hò cũ gửi trao về phố
Anh tần ngần cầu khỉ chênh vênh.
Mảnh đất thiêng dịu ngọt sông Tiền
Thăm sông Hậu sao ngại ngùng con nước
Gọng vó cao hạ dần mấy lượt
Mây trên đầu bảng lảng lửng trôi.
Rượu nâng ly đêm nay mềm môi
Ngàn ánh điện lung linh nhật nguyệt
Anh cùng em say cuộc đời hư thực
Một lần về... đằm thắm khúc tri âm."
(Về miền Tây)
Người đọc còn bắt gặp Bến Tre xanh mướt bóng dừa, đầy hoài niệm:
"Nơi em ở xứ Dừa thơ mộng quá
Thấm phù sa vườn cây trái đôi bờ
Con nước lớn ròng xanh mát trời mơ
Câu vọng cổ nao lòng người viễn xứ."
(Quê em xứ dừa)
Hình ảnh bóng người con gái yêu thương mờ khuất bên bờ sông Tiền mênh mang làm cho người thơ chợt thốt lên trong lòng:
"Tiêng tiếc mối tình đầu
Thả vào dòng sông sâu
nỗi nhớ...
xin chớ bạc đầu!?"
(Sông Tiền)
Khép hờ tập thơ "Đối diện tôi", người đọc nghe vọng trong lòng khắc khoải tiếng bìm bịp kêu chiều hoang lạnh và chợt nghe se thắt mưa Thu:
"Chiều Thu tím bờ hoang lạ
Sương mờ rặng liễu đìu hiu
Bước chân dẫm mòn cỏ lá
Bóng người cuối phố liêu xiêu".
(Mưa Thu)
La Gi, cuối tháng 10/2015
Lê Ngọc Trác
* * *
Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com