Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
NGHÊNH SẮC – HỒI SẮC; NHƯNG “NGHÊNH BÁC” LẠI KHÔNG “HỒI BÁC”
NGUYỄN VĂN NGHỆ

 

Trước đây đình làng nào cũng có một người“ Thủ sắc” (giữ sắc phong) cho đình làng đó. Hiện nay nhiều làng không còn người Thủ sắc nữa nên sắc phong của đình làng gởi ở chùa trong làng. Mỗi khi cúng Xuân, dân trong làng cử hành lễ “Nghênh sắc” (rước sắc). Đoàn Nghênh sắc khiêng long đình, cầm lỗ bộ, chiêng trống, cờ xí và ban nhạc cổ truyền đến nhà ông Thủ sắc hoặc chùa để nghênh sắc về an vị tại đình làng để tổ chức cúng tế. Sau khi đình làng cúng tế xong có lễ Hồi sắc ( đưa sắc về vị trí cũ) và nghi vệ cũng giống như lễ Nghênh sắc.

 

“Nghênh Bác” nhưng không“hồi Bác”

 

Xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa có hai ngôi đình, đó là đình Đại Điền Nam (còn gọi là đình Bàu Cỏ) và đình Đại Điền Tây (còn gọi là đình Bàu Vừng. Trước đây đình Đại Điền Tây nằm sau lưng nhà thờ Cây Vông khoảng vài trăm mét và có tên là đình Cây Da. Sau năm 1946, Việt Minh đã phóng hỏa thiêu rụi ngôi đình. Sau năm 1954 mới phục dựng lại đình tại vị trí hiện nay). Đình Đại Điền Nam hiện còn sắc phong và sắc phong an vị tại đình làng. Sắc phong của đình Đại Điền Tây đã bị thiêu hủy. Hai đình làng này không có lễ Nghênh sắc nhưng thay vào đó là lễ “Nghênh Bác Hồ”. Nghi thức cúng đình được tổ chức vào giờ Tý (nửa đêm), cho nên chiều hôm ấy một số nam phụ lão ấu đại diện cho làng khiêng long đình, chiêng trống, cờ xí cùng ban nhạc cổ truyền đến Ủy ban xã để nghênh tượng Bác Hồ về đình làng của mình. Do tượng Bác Hồ quá to không thể để vào trong long đình được nên phải để trước long đình và buộc lại để khi khiêng đi khỏi bị đổ ngã. Đi đầu đoàn rước là chiêng trống, rồi đến cờ xí, các bô lão, hai anh lực lượng (trước đây gọi là du kích) bồng súng đi trước long đình, sau long đình là các phụ nữ bưng mâm hoa quả. Đoàn rước đến đình, thì rước tượng Bác Hồ vào an vị trước bàn thờ Hội đồng để nửa đêm mới cúng tế.

 

Sau khi cúng tế xong thì sáng hôm sau đãi tiệc cho quan khách và dân trong làng. Đối với thần thánh, sau khi cúng tế, tiệc tùng xong thì bắt đầu lễ Hồi sắc. Riêng hai đình làng ở xã Diên Sơn có “nghênh Bác” nhưng lại không có “hồi Bác”. Khi “chưa ăn thì cha rìu, con rựa, ăn rồi cha ngửa, con nghiêng” nên đùn đẩy cho nhau công việc “hồi Bác”. Cuối cùng phải gọi hai thanh niên lấy xe mô tô, một anh lái, một anh ôm tượng Bác về lại Ủy ban xã. Và năm sau cứ “bổn cũ soạn lại” và đã thành lệ!

 

Đưa Bác ra khỏi đình làng

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn “giải phóng”, toàn bộ thần thánh được tôn thờ lâu nay trong các đình làng ở miền Nam Việt Nam cũng được chính quyền cách mạng “giải phóng” ra khỏi các đình làng. Các đình làng được chính quyền “cách mạng” trưng thu làm kho chứa vật liệu trong một thời gian dài. Ông Trời còn được chính quyền cách mạng “giải phóng” huống chi là thần thánh: “Thằng Trời đứng lại một bên/ Để cho nông hội thay Trời làm mưa”!

 

Vào những năm cuối của thập kỷ 80 của thế kỷ trước với chính sách gọi là “đổi mới” nên chính quyền “cách mạng” trả lại đình cho dân làng quản lý. Khi dân làng tiếp nhận thì đại đa số các ngôi đình đều xuống cấp trầm trọng và dân làng đã cùng nhau đóng góp để tu bổ lại mà không nhận được chi phí đến bồi nào từ chính quyền “cách mạng”. Dấu tích của việc dùng đình làng làm kho tàng vẫn còn di lụy đến ngày hôm nay mà vẫn không thể xóa hết dấu vết. Đình làng An Hải trên đảo Lý Sơn là một chứng tích cho thời kỳ đen tối ấy. Sau ngày “giải phóng” đình làng An Hải của đảo Lý Sơn tuy ở xa xôi ngoài hải đảo nhưng cũng chịu cùng chung số phận được dùng làm kho chứa phân thuốc trừ sâu. Do chứa phân thuốc lâu ngày nên phân thuốc ngấm sâu vào bên dưới nền đình. Hiện nay đình làng An Hải là di tích lịch sử cấp quốc gia và được trùng tu, nền đình được lát gạch bát tràng, tuy vậy hóa chất từ dưới lòng đất xông lên làm gạch bát tràng lát trong nền đình lúc nào cũng ướt nhẹp. Muốn khắc phục tình trạng này cần phải có các chuyên gia “xử lý” hóa chất vào cuộc mới mong giải quyết dứt điểm.

 

Sau khi giao trả đình lại cho dân làng và trong đình nào cũng có ảnh hoặc tượng Bác Hồ, nhưng sau đó các bô lão của một số làng (chẳng hạn như đình làng Phú Lộc kế cận đình làng Đại Điền Tây) đã âm thầm dời ảnh Bác ra khỏi đình làng. Vì sao họ lại dời ảnh Bác ra khỏi đình làng? Các bô lão lý luận: Bác Hồ là bậc đế vương, mà bậc đế vương phải thờ có nơi có chỗ, cũng như ở Huế vua chúa được thờ ở Thái miếu và Thế miếu, các vua của các triều đại trước thì thờ ở miếu Lịch Đại Đế vương, chớ không phải đình miếu nào thờ cũng được. Vả lại thần được tôn thờ trong đình là chủ của ngôi đình và mỗi khi cúng kính thì khấn vái mời thần về dự và khi thần về mà thấy có Bác Hồ hiện diện giữa đình thì làm sao thần dám vô đình được!

 

Lý luận một cách đơn sơ và dễ hiểu vô cùng!

 

Nguyễn Văn Nghệ

Tổ dân phố Phú Lộc Tây I, Thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa.

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh