Yên nhớ hình như mình đã trải qua một cơn ác mộng. Lúc người bạn đánh thức Yên dậy học bài như thường lệ thì đã hơn bốn giờ sáng. Trời se lạnh nhưng người Yên dâm dấp mồ hôi. Chân tay bải hoải như người vừa ốm dậy. Yên tựa người vào vách cố nhớ xem mình đã mơ những gì. Nhưng những hình ảnh vừa thoáng qua trong giấc mộng đã chìm sâu, không còn một dấu vết. Người bạn đã bật đèn ngồi trước bàn học, thấy Yên vẫn còn ngồi yên trong mùng ngạc nhiên:
- Không dậy ôn bài à?
Yên nằm xuống trả lời:
- Mệt quá. Tao ngủ tiếp đây.
Ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn làm Yên khó chịu. Yên quay mặt vào tường. Gian phòng tối mờ mờ. Mấy bức hình những cô diễn viên điện ảnh Thanh lượm từ một tòa soạn mà nó đang giữ việc xếp báo về treo rải rác trên vách trong ánh sáng mờ mờ nom có vẻ là lạ. Tiếng muỗi kêu vo ve bên tai như một điệu đàn. Một góc mùng đứt phủ xuống mặt Yên nhột nhạt khó chịu. Yên phủ chiếc mền lên mặt, nghe buồn không đâu.
Rồi Yên chợt thiếp đi. Một lần khác thức dậy thấy người bạn vẫn còn ngồi đó, mắt lim dim như buồn ngủ. Yên đoán đã gần sáng vì những tiếng động chung quanh đã bắt đầu. Tiếng ông Tàu già chặt xương nghe rốp rốp ở gian nhà gần đó. Buổi sáng khách hàng sẽ đầy quán, số tiền thâu vào làm đầy thêm cái bụng bự và mụ vợ cười nhíp đôi mắt híp. Cô con gái lỡ thời mặt đầy mụn bưng những tô mì đến từng dãy bàn. Bao nhiêu ngày tháng đi qua sao cô không tìm được một người chồng nào trong đám khách hàng mỗi khi ghé quán thường cười đùa trêu chọc? Bà hàng xôi bên cạnh cũng đã dậy, rá gạo nếp được gút bằng nước sông, tiếng vỗ gạo nghe bình bịch. Lần đầu tiên được trông thấy tận mắt cảnh bà nầy ngâm nếp bằng nước sông – một thứ nước sông đục ngầu các bẩn – Yên đã không khỏi rùng mình nhớ lại những lần trước mình đã từng mua thứ xôi đó ăn và thấy lợm giọng. Con Thanh làm ra vẻ sành sỏi:
- Chả có gì là bẩn cả, rồi mầy cũng sẽ quen đi, và cũng sẽ dùng nước sông nầy.
Đối với Yên, con sông chỉ có chút thơ mộng mỗi lần nước lên. Ban đêm hơi nước dâng lên man mác, khúc sông vắng vẻ và ánh sáng của ngọn đèn điện từ sân thượng của một cao ốc bên kia sông tỏa sáng cả một khoảng sông. Yên gọi đó là bóng trăng suông những đêm bỏ học bài ngồi tư lự trên sàn nước sau nhà. Những lúc đó Yên thấy nhớ nhà, nhớ khu vườn nhà mình với mùi hoa ngọc lan nồng đượm đêm đêm. Đi học xa nhà chịu đựng một cuộc sống không tiện nghi về mọi thứ, có lúc Yên thấy hối hận vì đã không chịu học đại học ngay trên thành phố quê nhà. Thấy những anh chị đi học xa nhà mỗi lần Tết được trở về nhà Yên thèm được như họ, vì thế Yên bất chấp những lời can ngăn của ba mẹ khi chọn học ở một thành phố xa nhà. Có nhiều lúc Yên thường nhớ da diết những đêm trăng trong vườn nhà. Đêm trong vườn nhà Yên bao giờ cũng có vẻ đẹp thật huyền ảo. Mẹ nói Yên sinh ra trong đêm 16 âm lịch – một đêm trăng tròn thật đẹp nên Quyên thường tổ chức sinh nhật ngoài vườn chỉ với và ba người bạn thật thân. Yên không thích tổ chức sinh nhật ồn ào như các bạn, Yên không hợp lắm với đám đông. Yên sống lặng lẽ, chỉ thích làm bạn với sách. Thư viện thành phố là nơi Yên thường lui tới những khi bài vở tạm rảnh rỗi. Có lần trời mưa to, thẻ thư viện của Yên ướt mèm, cô nhân viên thư viện cau mày nhìn tấm thẻ ướt với vẻ khó chịu. Môt anh chàng cao cao mang kính cận vội rút thẻ của mình ra chìa cho Yên xem và nói:
- Cô nên bọc thẻ như tôi nầy, bảo quản được lâu hơn.
Yên liếc nhìn tấm thẻ ép plastic phẳng phiu và thoáng thấy mấy chữ sinh viên y khoa. Bực mình, Yên nghĩ thầm: “À, thì ra muốn khoe mình là sinh viên Y khoa”.
Ý nghĩ đó làm Yên không thèm nhìn kỹ xem anh chàng tên gì. Chỉ lạnh nhạt cảm ơn rồi quay đi.
Một lần sau đến tiệm sách tìm mua một cuốn truyện của một tác giả nước ngoài mà Yên rất mê, lúc đến quầy trả tiền hiên thấy “kính cận“đã đứng sẵn đó, cũng đang cầm một cuốn sách y hệt mình. “Lại gặp anh chàng khoe thẻ đây”, Yên nghĩ thầm và bước ra. Kính cận bước nhanh theo làm quen:
- Cô bé thích đọc sách lắm nhỉ?
“Cô bé“, làm như mình là kẻ cả không bằng! Hiên bực mình thầm nghĩ. Thấy Yên không nói gì. Anh chàng vẫn không nản chí:
- Tìm được người cùng sở thích với mình là một điều hạnh phúc. Ở chỗ tôi còn nhiều sách lắm, hôm nào tôi đến nhà cho cô bé mượn sách nhé.
Yên bực mình hỏi:
- Sao anh biết nhà tôi?
Thật tình cờ anh nói cái điều mà Yên chưa hề biết:
- Tôi là hàng xóm của cô mà. Tôi và một người bạn cùng lớp thuê căn nhà trọ cách nhà cô vài căn.
“À, thì ra là hàng xóm. Sao mình chẳng thấy anh ta nhỉ. Không biết anh ta dọn đến từ bao giờ và anh ta có nghe mình hát không nhỉ.” Từ đó Yên không dám ngồi bên cửa sổ hát vu vơ nữa, sợ có người…rình rập làm khán giả! Tuy cố gạt ra ngoài nhưng hình ảnh của “kính cận“ vẫn ám ảnh Yên. Yên thấy bực với chính mình và tự trấn tĩnh: “Chỉ là một cơn gió thoảng qua thôi mà, không có gì đâu”.
Rồi quen nhau, Yên được biết “kính cận“ tên Thụy, còn tên Yên thì “kính cận“ đã biết tự bao giờ. “Con trai cứ như thám tử ấy“. Nhưng Yên vẫn thầm phục về kiến thức khá rộng của Thụy. Anh học một ngành khoa học vốn khô khan lại có vốn hiểu biết về văn học nghệ thuật rất khá. Những đêm khuya ngồi học bài, Yên vẫn thường nghe tiếng đàn guitar của Thụy vọng đến phòng cô. Bất giác Yên khe khẽ hát theo và nhận thấy tiếng đàn quyến rũ quá. Không hiểu vô tình hay cố ý mà Thụy hay đàn bài “Cô láng giềng“ của Hoàng Quý – bài hát mà Yên rất thích. Hát đến câu “Hai ta cùng đứng bên hàng tường vi“, Yên nghĩ thầm: “Không có hàng rào tường vi đâu, chỉ có xi măng cốt thép thôi”. Moị biến chuyển của Yên không qua được cặp mắt tinh đời của Thanh. Thanh trêu:
- Bây giờ mi còn ân hận vì đã đi học đại học ở Sài gòn nữa không?
Yên nguýt dài:
- Đoán sai rồi nhỏ ơi! Ta chỉ mê tiếng đàn chứ không mê người đánh đàn đâu.
- Lại thêm một Mỵ Nương nữa rồi.
Thanh vừa nói vừa tủm tỉm cười.
* * *
Những ngày cuối mùa đông trời Sài Gòn có thêm một chút đỏm dáng khác với ngày thường quanh năm nắng cháy. Đó là sương mù buổi sáng sớm lãng đãng trên thành phố như một chiếc khăn voan mỏng manh khoác trên vai một cô gái đẹp. Yên nôn nao với ý nghĩ sắp được nghỉ học về nhà. Vé tàu lửa về Quảng Ngãi thì hai cô gái đã mua trước đó cả tháng trời. Hôm qua Thụy sang nhà chơi, Yên hỏi:
- Anh Thụy đã mua vé tàu về Nha Trang chưa?
Thụy nói:
- Gì mà phải xếp hàng mua trước cả tháng như Yên và Thanh. Đến lúc cần về thì bọn anh nhảy tàu, hoặc đi xe hàng cho rẻ tiền. Con trai mà!
Cứ nghĩ đến xe hàng thì Yên đã nôn nao. Mỗi lần tình cờ đi ngang qua bến xe Yên đã có cảm giác say xe rồi, nói gì đến chuyện ngồi trên xe cả ngày đường.
Mười tám tháng Chạp âm lịch Yên đã có mặt ở nhà. Khỏi nói cảm giác được về nhà vui như thế nào. Việc đầu tiên, Yên đem mấy xấp vải mua ở Sài Gòn ra tự cắt thành những bộ y phục cho mình. Yên được trời phú cho sự khéo léo, nên cắt may rất có khiếu. Tuy đã là sinh viên, nhưng Yên vẫn giữ nguyên sở thích y như thời còn bé: Ngày Tết thì cái gì cũng phải mới, kể cả áo quần mặc ở nhà Yên vẫn may đủ ba bộ. Chị Vy thường trêu chọc Yên về chuyện nầy. Nghe mẹ nói máy may ở nhà bị trục trặc sao đó mẹ chưa kêu thợ sửa, Yên đến nhà Thảo may ké. Yên vừa may, Thảo vừa ngồi làm mứt. Mùi mức gừng cay cay, ngòn ngọt, bay khắp gian phòng nghe thơm lừng mùi…Tết. Hai đứa vừa làm việc, vừa nói chuyện rôm rả. Thảo nói:
- Trưa nay mi ở lại nhà tao ăn cơm, nghỉ ngơi để chiều may tiếp. Nhà tao đi vắng cả rồi, chỉ có mình tao, đừng ngại.
Buổi trưa, cơm nước xong hai đứa lên gác nằm nghỉ. Nhà Thảo ở mặt tiền con đường nẳm sát chợ nên những tiếng ồn ào của một phiên chợ Tết vẫn vọng đến tận phòng. Đã là chợ Tết thì náo nhiệt suốt ngày, người người như chạy đua với thời gian, tranh thủ từng giây, từng phút. Người Việt mình ăn Tết tưng bừng và trang trọng quá – nhất là với các thành phố miền Trung. Yên nghĩ đó cũng là một nét văn hóa cần phát huy, trong khi một số nước Châu Á - và ngay cả những thành phố lớn như Sài Gòn - đang ngày càng thờ ơ với cái Tết cổ truyền. Sau ngày hai mươi ba đưa ông Táo về trời xong, Yên theo chị Trân và anh Hải đi mua hoa Tết. Cây cảnh và hoa Tết phải mua sớm mới chọn được nhiều hoa đẹp. Những ngày giáp Tết bao giờ mẹ cũng bắt cả nhà phải tham gia tổng vệ sinh nhà cửa. Anh Hải vừa làm việc vừa nheo mắt hài hước:
- Sao mẹ không mua đồ mới có hơn không! Cứ chùi rửa thế nầy làm sao người ta bán được đồ.
Năm nào cũng làm cái việc dọn vệ sinh nhà cửa theo quan niệm của ba mẹ: nhà cửa sạch sẽ thì năm mới sẽ tốt đẹp hơn, may mắn hơn. Nhưng năm nay Yên làm việc tích cực hơn vì Thụy hẹn mùng bốn Tết sẽ từ Nha Trang ra xông đất nhà Yên, tiện thể đến nhà thăm một người cô ruột đang sống ở thành phố nầy. Yên chưa nói với ai tin nầy ngoại trừ chị Trân, vì chị bao giờ cũng thông cảm với Yên nhất. Chị Trân hỏi:
- Gì mà có vẻ quan trọng dữ vậy? Bạn trai hả? Hèn gì năm nay chị thấy Yên siêng làm bánh mứt nhiều hơn à nghen.
Yên đưa ngón tay lên miệng làm hiệu:
- Suỵt. Bạn bình thường thôi. Coi chừng mẹ nghe thấy lại rắc rối. “Hồi sau sẽ rõ”.
Những ngày Tết qua nhanh. Trưa mùng bốn Thụy xuất hiện ở nhà Yên. Hai người cùng ra vườn thưởng ngoạn vườn mai mà ba Yên đã trồng từ khi còn trẻ. Bây giờ những cây mai cũng đã già như tuổi ba, nhưng vẫn đủ sức vượt qua cái rét cuối Đông ở miền Trung để cho hoa mỗi độ Xuân về. Thụy nói nhà anh cũng có vườn và anh rất yêu những đêm trăng sáng trong vườn nhà. Anh thường thức thật khuya những đêm trăng sáng để thưởng thức thứ ánh sáng kỳ diệu ấy. Yên cười:
- Anh mơ mộng và hơi kỳ lạ. Yên cũng yêu trăng nhưng không đến nỗi như anh.
Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng hai người đã cùngđi với nhau trên những lối sỏi trong vườn. Sau đó Thụy đã bay cùng gia đình sang Mỹ và xa cách Yên nửa vòng trái đất để đoàn tụ với một người anh ruột. Không biết anh có còn thao thức trong những đêm trăng quê người? Và không biết anh có còn nhớ màu nắng trong vườn mai nhà Yên năm ấy?
* * *
Nhũng ngày cuối năm thường bắt đầu bằng một buổi sáng mịt mờ hơi sương và rét buốt. Mẹ đã đi chợ mua sắm mấy thứ cần dùng ngày Tết. Mới đó mà đã bốn năm, Yên đã tốt nghiệp ra trường về làm việc ở thành phố quê nhà như mong muốn của ba mẹ. Vả lại, nhà cũng đâu còn ai. Chị Trân đi lấy chồng ở một thành phố khác, anh Hải đi du học và ở lại làm việc bên Úc. Nhà vắng và buồn. Mỗi lần Tết đến bao nhiêu kỷ niệm của những cái Tết đông đủ lại quay về. Không gì vui bằng những cái Tết hồi nhỏ. Yên nhớ nhất là mỗi sáng ba mươi mẹ hay đi chợ Sông Vệ để mua thịt rẻ hơn và ngon hơn, và Yên thế nào cũng cố dậy sớm để đi theo cho bằng được. Bây giờ mẹ cũng đi chợ nhưng Yên ngồi nhà làm món dưa dầm dấm đường giúp mẹ. Hoa mai trong vườn đã nở thật nhiều, những cánh mai rụng rải xuống đất thành một tấm thảm vàng. Yên nhớ buổi sáng mùng bốn Tết năm nào xa lắc cùng đi với Thụy trong vườn nhà. Bây giờ Thụy đã xa vời như một khoảng đời đã khép lại sau lưng.
Thẩn thờ Yên bước xuống vườn. Khóm trúc đào vẫn nở hồng một góc giếng. Yên chợt thấy mình giống như anh chàng thư sinh trong thơ Đường một buổi sáng mùa xuân nào tìm về đào viên cũ, đứng ngẩn ngơ trước cổng lâu đài, đề thơ vào gốc đào năm ngoái:
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong. (*)
(Thôi Hộ).
{Xem thêm vài chi tiết về bài thơ nầy, click vào đây}
Anh chàng thư sinh ngày xưa đi tìm giai nhân đã gặp gỡ mùa Xuân năm trước. Nhưng khi trở về thì chỉ thấy một vườn đào nở trong nắng Xuân, còn người đẹp thì không biết đã đi về đâu. Còn Yên, Yên biết tìm kiếm ai và chờ đợi gì đây khi một thời đã qua, đã mất?
VƯƠNG HOÀI UYÊN.
(*) Dịch nghĩa:
Năm ngoái, ngày nầy, tại cửa nầy
Mặt người và hoa đào cùng màu hồng
Người cũ bây giờ không biết đi nơi đâu
Hoa đào vẫn như xưa cười trong gió đông.
* * *
Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem bài trên trang Văn, click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.net