Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
CẢI CÁCH GIÁO DỤC
LÊ VĂN CÔNG

 

Trong một cuộc trà dư tửu hậu, một người bạn bảo tôi, rằng:

 

-“Theo kiểu nói của nhà văn Lỗ Tấn Trung Hoa, anh thuộc cái típ người mà “hành trạng” được coi là có thể tự hào. Từ một cậu bé chăn bò ở thôn Cà Đó, Quảng Ngãi, anh đã phấn đấu tốt nghiệp bác sĩ, tiến sĩ y khoa trường Đại học Y Dược Sài Gòn, tu nghiệp ở Pháp rồi trở thành phó giáo sư tiến sĩ, làm chủ nhiệm bộ môn tại chính trường này.”

 

Lời tục có nói: giả vờ khiêm tốn cũng là một hình thức kiêu ngạo. Do đó, tôi không muốn tranh luận với bạn mình. Cũng như tôi chưa bao giờ che giấu cái quá khứ nghèo khổ của tôi.

 

Mặt khác tôi thấy cũng không nên cường điệu, rằng việc phấn đấu đi lên từ hoàn cảnh cơ cực là một cái gì ghê gớm, phi thường. Như chuyện vài năm trước, có một ông tổng giám đốc ngân hàng thuê người viết sách để tự PR, với nhan đề sách rất kêu: ”Từ một cậu bé chăn trâu, trở thành Tổng giám đốc ngân hàng Nông Nghiệp”.

 

Được biết, ông tổng giám đốc chăn trâu ấy, sau đó lại bị cách chức, đi tù vì sai phạm. Chắc là khi ra tù ông ta lại tiếp tục đi…chăn trâu.

 

Tôi rút ra kết luận, rằng xuất thân là gì không quan trọng bằng việc mình đã làm được gì trên cõi đời này.

 

Thế nhưng, nhiều khi ngồi kiểm điểm lại, tôi thấy trong cuộc sống đời thường, trong công việc, lúc nào tôi cũng phải đương đầu với nhiều trở lực, mà kết quả thường là…bất như ý. Có lẽ điều này bắt nguồn từ cá tính của tôi.

 

Tính tôi dị ứng với sự lươn lẹo, thất tín, và khi cần, đối diện với hiện tượng này, thì tôi không nể nang, bất chấp người đối diện là ai.

 

Tôi nhớ hồi đó, trong một cuộc hội thảo khoa học do trường Đại Học Y Dược tổ chức, có mời các quan khách và các giáo sư của trường. Tôi, vẫn với dáng dấp của một người không chú ý vế cách ăn mặc, xách chiếc cặp cà tàng vào dự hội thảo. Nhân viên tiếp tân, người của đại học y dược, vẫn quen cái kiểu đánh giá con người qua bề ngoài, có vẻ thiếu trọng thị, nhưng vẫn lễ phép với tôi:

 

- Mời thày cứ vào chỗ ngồi, lát nữa tụi em sẽ mang tài liệu và quà hội thảo vào tận chỗ.

 

Tôi vào, chăm chú theo dõi các đề tài khoa học đang được trình bày. Hết giờ, vẫn không thấy tài liệu và quà đâu. Nhìn quanh, đa phần khách mời đều có một chiếc cặp tài liệu và một phần quà. Đó là những vị khách ăn mặc chững chạc, veston, cravat. Còn những vị khách ăn mặc bình thường như tôi thì lại không có. Biết mình bị gạt, tôi rất bực mình, song chẳng lẽ lại đôi co với đám nhân viên.

 

Tôi gặp ông giáo sư, hiệu phó đại học Y Dược, người chịu trách nhiệm tổ chức hội thảo và thẳng thắn góp ý:

 

- Ban giám hiệu và nhất là anh, cần phải coi lại cái cách làm việc của các anh và của đám nhân viên dưới quyền. Tôi thì chẳng nói làm gì, nhưng những khách mời khác thì người ta sẽ khinh thường cả cái trường đại học Y Dược của chúng ta đấy.

 

Sau khi hỏi ra câu chuyện, giáo sư hiệu phó giả lả:

 

- Anh đừng quá lời nữa có được không? Anh nên thông cảm một chút. Nói cho cùng, quản lý con người là cả một vấn đề khó khăn anh ạ!

 

Tôi điềm nhiên, không tỏ vẻ gì giận dữ:

 

- Tôi hơi lạ với phát biểu của anh. Anh là giáo sư, hiệu phó một trường đại học danh tiếng, quản lý con người, mà toàn là những người có học, thế mà anh lại bảo rằng khó, là khó thế nào? Anh có biết, hồi đó tôi mới chưa đến mười tuổi, mà tôi phải chăn một lúc đến 8 con bò. Vậy mà đâu vẫn vào đấy cả thôi.

 

*   *  *

 

Đã lỡ lên mặt với hiệu phó đại học Y Dược, rằng mình là người có tài quản lý bò tài giỏi, tôi giật mình khi nghe tin nhà nước vừa phong Anh Hùng Lao Động lần thứ hai cho ông Hồ Giáo, người từng được tấn phong Anh Hùng Lao Động, nhờ tài nuôi bò. 

 

Vậy là, mùa hè năm ấy, tôi vượt gần nghìn cây số về thăm quê nhà và tranh thủ thời gian lên Nghĩa Hành thăm trại nuôi bò của ông Hồ Giáo.

 

Ông Hồ Giáo là người Quảng Ngãi cực kỳ nổi tiếng vì là người duy nhất được phong Anh Hùng Lao Động đến hai lần nhờ thành tích “nuôi  bò”.

 

Khi biết tôi là một bác sĩ, lại là giáo sư dạy ở đại học Y Dược từ Sài Gòn về thăm nông trường nuôi bò, vị anh hùng lao động đã tiếp đãi rất vui vẻ và tử tế. Ông nói:

 

- Bác sĩ cứ ngồi đây uống trà, để tôi kêu mấy đứa đệ tử của tôi đến ra mắt bác sĩ.

 

Ông buớc ra ngoài vổ tay ba cái và kêu lớn:

 

- Mộ Đức! Mộ Đức! Mộ Đức!

 

Từ ngoài vườn, một chú bò đen có một cái u thật bự, đang gặm cỏ bỗng ngẩng lên và thủng thẳng đi vào cạnh hè, chỗ ông Hồ Giáo đang đứng.

 

Ông lần lượt gọi từng con một theo cách vừa rồi, những chú bò mang tên Mỏ Cày, Lý Sơn, Đức Phổ, Tư Nghiã, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng, lần lượt đi vào trình diện.

 

Tôi quá đỗi khâm phục tài huấn luyện bò của vị anh hùng lao động trứ danh này. Ước gì mình có quyền, chắc tôi sẽ phong cho ông làm Anh hùng lao động lần thứ 3.

 

 

AHLĐ Hồ Giáo (áo đen) và GSTS y khoa Nguyễn Văn Chừng (áo trắng)

 

Vì trời sắp tối, ông Hồ Giáo mời tôi ở lại dùng cơm, và ngủ đêm ở nông trường. Tôi rất thích thú và cảm ơn về sự mời mọc chân thành.

 

Sau khi tắm rửa, chủ khách cùng ăn một bữa cơm đơn giản nhưng rất ngon miệng, có món gà ram mặn và canh cá trê nấu rau rừng.

 

Cơm xong, trăng vừa lên. Nông trường bộ có điện nhưng ông bảo anh công nhân khiêng hộ bàn ghế ra sân. Chúng tôi ngối uống trà, trò chuyện dưới ánh trăng. Không biết đã bao năm trôi qua, tôi mới được sống lại cái cảm giác yên bình của một đêm trăng tại một vùng quê yên tĩnh.

 

Tôi tâm sự với ông Hồ Giáo:

 

- Thú thực với anh, chuyến về Quảng Ngãi này, tôi chỉ có một mục đích lớn nhất là tìm gặp anh. Để xem đằng sau cái danh hiệu Anh hùng lao động 2 lần của anh là cái gì? Sở dĩ tôi tò mò và quyết tâm như vậy, vì đối với tôi, cái danh hiệu Anh hùng lao động là một biểu tượng quá sức cao xa, khó với. Ông hiệu trưởng trường tôi, một ông giáo sư tiến sĩ y khoa đàng hoàng, dân Bắc kỳ chính hiệu, thế lực kinh người, đã phấn đấu cả đời, giành được không biết bao nhiêu huy chương, huân chương, vậy mà bao nhiêu lần ông ấy vận động xin phong Anh hùng lao động, đều bị thất bại. Nay thì tôi đã tận mắt chứng kiến tài năng phi thường của anh, và xin khẩu phục tâm phục.

 

Ông Hồ Giáo chân thành một cách cảm động:

 

- Bác sĩ cứ nói thế làm tôi phát ngượng. Tôi chỉ làm công việc bình thường của một anh nông dân. Cấp trên thương thì cấp cho danh hiệu này nọ, thực tình tôi ái ngại lắm.

 

- Anh không cần khiêm tốn như vậy. Tối thấy sách giáo khoa các cháu đang học còn có bài viết về anh nữa đấy. Anh đã trở thành người nổi tiếng cả nước rồi đó.

 

Tôi ngừng một lát, nhấp một ngụm trà rối nói tiếp:

 

- Ngoài mục đích thăm viếng, tôi còn mong được anh truyền cho một vài bí kíp. Số là sinh viên đại học y dược của tôi, đầu vào rất cao, toàn tuyển trên 26, 27 điểm thi đại học, vậy mà không hiểu sao, khi tôi giảng bài, nói rất to, rất chậm rãi, họ chỉ toàn là không hiểu hoặc là hiểu ngược lại. Kể cả cái đám sinh viên hậu đại học cũng chẳng hơn gì. Nhiều lúc trong các kỳ thi, mình đành cắn răng cho qua, vì biết rằng nếu mình đánh rớt, thì sẽ đẩy các em vào một tương lai mù mịt, chứ thực lòng, đêm về, nằm suy nghĩ lại, thấy xấu hổ, ray rứt lắm. Giá như anh vui lòng truyền lại cho tôi một vài bí kíp mà anh đã áp dụng để huấn luyện cho…bò, thì chắc là thày trò chúng tôi đỡ khổ biết bao.

 

Ông Hồ Giáo nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên:

 

- Tôi không biết bác sĩ nói đùa hay nói thật?

 

Tôi khẩn khoản:

 

- Tôi xin nói với anh bằng tất cả sự nghiêm túc và chân thành.

 

Ông Hồ Giáo rót thêm trà vào tách của tôi, có vẻ trầm ngâm:

 

- Nói về phương pháp, bác sĩ cho rằng có một phương pháp nào như vậy chăng? Thử nghĩ mà xem: bò vốn không phải là động vật thượng đằng, tất nhiên trí khôn của chúng rất là hạn chế. Thường thì chúng sinh hoạt, phản ứng chỉ theo bản năng. Vậy thì làm cách nào khơi gợi phần ý thức của chúng? Muốn làm được điều này, tôi chỉ có việc gần gũi, thương yêu, chăm sóc chúng. Trong sự gần gũi, tôi đã tìm cách khơi gợi phần ý thức đang bị chìm trong bản năng  tăm tối, phát triển chúng thành cái gọi là “trí khôn” mà bác sĩ đã chứng kiến.

 

Tôi đưa ra thắc mắc của mình:

 

- Nhưng vấn đề chính là ở chỗ làm thế nào để phát triển cái phần chìm của ý thức để biến thành ý thức thật sự. Tôi gọi đó là phương pháp giáo dục. Và rõ ràng anh đã thành công với phương pháp đó. Nếu như anh có thể truyền đạt lại cho tôi phương pháp giáo dục của anh, thì chắc chắn sẽ giúp ích cho tôi rất nhiều trong công tác dạy dỗ đám sinh viên của tôi.

 

Ông Hồ Giáo dãy nảy:

         

- Thực tình tôi cũng hết lòng quý mến bác sĩ. Có điều, tôi thấy là không thể được. Thử nghĩ mà coi, nếu người ta biết được bác sĩ giáo sư đem phương pháp huấn luyện bò của tôi để dạy sinh viên y khoa thì… còn trời đất nào nữa. E rằng người ta sẽ không để yên cho bác sĩ đâu. Vậy tôi xin can cái ý định làm một cuộc cách mạng trong giáo dục của bác sĩ, bằng cách đem phương pháp huấn luyện bò, áp dụng cho người.

 

Tôi đành xuống nước năn nỉ:

 

- Tôi nghĩ là anh nên cố gắng giúp tôi, đừng có phụ lòng, tôi đã vượt cả ngàn cây số từ Sài Gòn về đây tầm sư học đạo. Anh nỡ lòng nào đứng nhìn sự xuống cấp của nền giáo dục, nhất là giáo dục y khoa, liên quan đến chuyện cứu chữa sinh mạng con người?

 

Ông Hồ Giáo vẫn tỏ ra cương quyết:

 

- Tôi rất hiểu và thông cảm với bác sĩ. Nhưng tôi nghĩ, dù bác sĩ có học được thì cũng không áp dụng được. Có lẽ cũng nên trao đổi thêm với bác sĩ về cái nhân sinh quan mà tôi theo đuổi. Tôi là người ái mộ Lão Tử. Trong Đạo Đức kinh của Lão Tử có một câu mà tôi rất tâm đắc: ”Tri nhân giả trí, tự tri giả minh”, nghĩa là “biết được sự vật và con người, thì gọi là trí, tự biết mình mới là người sáng suốt”. Tôi luôn tuân theo lời dạy của bậc thánh nhân: ”Rèn luyện trí tuệ đạt tới mức tưởng như ngu độn, đời sống không nên tranh giành, xử thế nên đơn giản, tính tình nên giản phác”. Chắc bác sĩ lấy làm lạ vì mối tương thông giữa tôi và đám bò của tôi. Có được điều này, là bởi chúng tôi sống trong một thế giới hoàn toàn khác với thế giới mà bác sĩ đang sống. Tôi coi đám bò kia là những học trò tâm huyết của tôi. Thầy trò chúng tôi sống gắn bó với thiên nhiên hoang dã của nông trại này. Ở đây không có sự bon chen, giành giật, không có chạy chức chạy quyền, không có chuyện thầy đem điểm đổi lấy tình của trò nữ. Đơn giản vì chẳng lẽ tôi lại đi chạy chức “giáo sư bò”, hoặc đem điểm để đổi lấy tình của một nàng bò cái? Chính vì vậy mà tôi chẳng cần bí kíp gì cả. Hay nói cho đúng hơn, bí kíp hoặc phương pháp của tôi chỉ đơn giản gói gọn trong bốn chữ “thuận theo tự nhiên“.

 

Ngừng một chút, ông rót cho tôi một tách trà ,rồi nói tiếp:

 

- Còn cái môi trường giáo dục mà bác sĩ, bạn bè của bác sĩ, sinh viên của bác sĩ đang ở trong đó thì sao? Tôi tuy ở chốn khỉ ho cò gáy này, nhưng có một cái đài bán dẫn và thường nhận được báo biếu, hằng ngày vẫn theo dõi tình hình chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong nước lẫn quốc tế. Và tôi hết sức đau lòng nhìn nhận là nếu coi thế giới của chúng tôi ở đây là thiên đường, thì bác sĩ và các bạn bè của bác sĩ đang sống rất gần với địa ngục vậy. Trên đường phố thì người ta lăn xả vào đâm chém nhau, sau một vụ va quẹt xe. Đang chạy xe trên đường thì bị chặt tay để cướp xe máy. Giết người rồi thì chặt khúc đem quăng mỗi nơi một miếng. Muốn xin việc làm thì phải bán nhà để hối lộ. Thầy thì gạ nữ sinh vào phòng nghỉ để đem điểm đổi lấy tình. Hiệu trưởng mà lại đi mua dâm nữ sinh mới học lớp 9 rồi đem nữ sinh của mình “cúng“ cho quan đầu tỉnh… Bằng cấp, học hàm học vị đều được coi là hàng hóa và có thể đem ra mua bán… Gần đây nổi lên vụ bác sĩ làm chết người rồi đem liệng xuống sông… Thử hỏi với môi trường như vậy, thì những phương pháp của tôi, vốn dành cho một môi trường tinh khôi, trong sạch, làm sao có thể đem ra mà áp dụng?

       

Tôi cảm thấy đuối lý và tắt tiếng, trước cái lý luận chân xác bất ngờ của ông Hồ Giáo. Vậy là đành ra về tay không, và chôn chặt cái ước nguyện muốn làm một cuộc đổi thay nho nhỏ về giáo dục, ít nhất là trong lĩnh vực chuyên khoa của mình.

 

LÊ VĂN CÔNG

(Ghi theo lời kể của Giáo sư Nguyễn văn Chừng)

 

Sơ lược về Giáo sư NGUYỄN VĂN CHỪNG

 

XUẤT THÂN:

- Trung học Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi.

- Đại học Y Dược Saigon.

- Tu nghiệp: Đại học Y Khoa Marseille (Pháp)

- Tiến sĩ y khoa, Giáo sư thực thụ ĐH Y Dược TPHCM.

- Chủ tịch Hội Gây Mê Hồi sức TPHCM

- Phó chủ tịch hội GMHS Việt Nam.

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh