Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
NGƯỜI BẠN CHIẾN BINH – GÃ ĐẶC BIỆT MANG TÊN LƯU ĐÀY
NGUYỄN HÙNG SƠN

Mở speakers ON, click vào tam giác bên trái để nghe.

Muốn OFF, click vào hai gạch thẳng đứng bên trái.

BIỂN TÌNH

Sáng tác: Lam Phương

  Ca sĩ: Tâm Đoan

 

LTG: Bài viết theo ký ức, dựa trên câu chuyện thật đã nhiều năm, vì thế không thể nhớ đầy đủ các chi tiết. Những gì xảy ra đã thuộc về quá khứ, một giai đoạn của lịch sử. Người viết không chủ ý khơi dậy sự đau lòng phiền muộn, nhưng để nhớ lại kỷ niệm đời lính, về một người bạn thân, để thanh thoả chút ít chữ nghĩa “Lưu Ðày” và cũng để vinh danh tình chiến hữu. Trong sự vị nể, tế nhị, xin không dùng tên thật của các nhân vật trong chuyện. Mong quý độc giả thông cảm.

 

Ngày chia tay 1975, nước mắt ràn rụa, không ai nói với ai một lời. Năm 1979, sau thời gian bị giam cầm "cải tạo", hắn gặp lại Trần Sĩ, người bạn thân năm nào. Hắn rủ bạn tìm đường vượt biển. Nhưng Sĩ từ chối:

 

- "Mày đã có vợ con thì nên đi, tao độc thân chẳng có gì phải lo toan. Nếu ai cũng muốn được ăn, thì ai sẽ là người nấu? Tao ở lại và lót đường cho tụi mầy về. Tao sẽ vô rừng và sẽ không trở lại nếu chuyện không xong!"

 

Hắn cúi mặt xót xa cho thân phận của chính mình, của bạn và người lính VNCH sau cuộc chiến.

 

1982, hơn 1 năm sau khi đến Mỹ, hắn nhận được lá thư từ Ðà Lạt báo tin về Sĩ. Cô em gái của Sĩ nói rằng "anh ấy đã mất tích, không biết sống chết ra sao?" Hắn lặng người!

 

Suốt một thập niên sau khi Miền Nam mất, có nhiều những hoạt động kháng chiến chống lại Cộng Sản nổi lên, nhưng Sĩ ở đâu chẳng ai biết. Rất nhiều những vụ bắt bớ kháng chiến quân, thủ tiêu, tử hình, chung thân... Nhưng Sĩ ở đâu cũng chẳng ai biết! Ðã 33 năm qua, tin Sĩ mất tích vẫn không thay đổi, và cô em gái của anh cũng đã bặt vô âm tín!! Thời gian qua đã quá lâu để nói về Trần Sĩ, nhưng hắn vẫn không thể thoát ra được cảm xúc bàng hoàng, khi nghĩ về người bạn đã từng cùng nhau sống chết trong những giờ phút cuối cùng của chiến tranh, 40 năm về trước. Ngày 30 tháng 4 năm 1975.

 

Trần Sĩ và hắn là bạn thân, cùng thuộc tài nguyên khoá 21 SQHQ, khi cả hai tình nguyện vào Hải Quân (HQ), năm 1969, và họ cùng mang một thân phận "lạc loài" khi HQ gởi đi thụ huấn khoá 1/70 SQBB tại Thủ Ðức. Sau khi ra trường và suốt thời gian chiến đấu ở các giang đoàn tác chiến, họ biết nhau nhưng không thân thiết, cho mãi đến năm 1972, một cách bất ngờ, khi hai người cùng về Tuần Dương Hạm HQ2.

 

Ðối với hắn sự chọn lựa phục vụ trên một chiến hạm lớn như thế là một hãnh diện. Ðó là ước mơ của hắn. Không biết từ lúc nào, hình ảnh oai hùng của người lính VNCH đã làm cho hắn "đam mê" đời sống quân đội đến như vậy! Hắn bỏ học, chọn nghiệp lính và thật tâm với nghiệp dĩ đó! Cái nghiệp dĩ mà không mấy ai muốn dính dáng vào. Chưa bao giờ hắn nghĩ "đi lính" là công việc, một nghề nghiệp bắt buộc, mà là bổn phận, hay đúng hơn đó là sở nguyện và là đời sống của hắn! Hắn đi lính cũng bởi tính lãng mạn, muốn "vượt trùng khơi". Nên đã lý tưởng hoá ước vọng của mình!

 

Trong khi hắn hãnh diện như vậy, thì Trần Sĩ lại khác, rất thản nhiên, chẳng tỏ một chút thích thú nào. Cá tính của Sĩ là như vậy, im lặng, lạnh lùng, ít khi biểu lộ những cảm xúc riêng tư. Sĩ không thích chia sẻ nhiều về đời sống nội tâm và hoàn cảnh gia đình của anh ta. Thỉnh thoảng chỉ phớt qua, chẳng hạn như: “Nhà tao rất nghèo, ông già bịnh, tao phụ bà già làm nghề đốn củi thông, đem bán ở chợ Ðà Lạt. Em gái tao may vá mướn. Không đủ sống, tao đi lính để có lương phụ giúp gia đình!”.  Có lẽ vì bản tính lầm lì nên Sĩ có rất ít bạn bè, ngoài một vài bạn gần gũi cùng khoá, cùng đơn vị. Không mấy ai biết nhiều về Sĩ và cũng chẳng có ai muốn quan tâm đến một gã lạnh lùng như anh ta. Thường khi, ngoài những phiên hải hành hay công việc, trên tay Sĩ là một cuốn sách, và cũng có khi là cây đàn guitar. Nếu không nhờ vào mái tóc dợn sóng có vẻ nghệ sĩ và đôi mắt rất buồn, thì chắc không ai nghĩ rằng Sĩ biết đánh đàn, và còn viết nhạc nữa.

 

Ðời sống trên chiến hạm thật là quy cũ và kỷ luật. Hắn thích HQ, đi tàu biển, nhưng không thích cái môi trường lạnh lùng quan liêu, thứ bậc đó. Hạm Trưởng (HT) là người lãnh trách nhiệm hoàn toàn đối với chiến hạm, nên được tôn trọng như hình ảnh của một uy quyền tuyệt đối (!?). Ông ta là “số 1”! Ăn riêng, ngủ riêng, ghế của ông ta chẳng ai dám ngồi. Hạm Phó (HP), nhân vật "số 2" thì có vẻ "dễ” hơn, ông là gạch nối giữa HT và đám người trên tàu, nhưng chỉ trong công việc. Ngoài ra, ông ta cũng không mấy gần gũi với tập thể thuộc cấp trên chiến hạm.  

 

Khoá 1 Ðặc Biệt SQHQ Nha Trang (ÐB/SQHQ/NT) đã giúp bọn hắn trở thành những SQHQ đúng nghĩa theo hải nghiệp. Chọn về chiến hạm này, hắn cho đây là một thử thách đầy thú vị. Nhưng trước những ánh mắt có vẻ “lạ lùng lẫn ái ngại” (?) của những SQ đồng trang lứa trên tàu, làm cho hắn có chút e dè. Có lẽ mọi người đã nghe nói về bọn hắn, những SQHQ gốc "Chiến Binh" đầu tiên xuống chiến hạm. Không kể một SQ Hàng Hải Thương Thuyền, tất cả SQ trên tàu lúc đó đều xuất thân từ trường SQHQ/NT hoặc OCS Hoa Kỳ. Sự kiện "Chiến Binh" đi tàu biển là điều mới lạ! Họ biết bọn hắn đã tốt nghiệp khoá Ðặc Biệt HQ, nhưng "Ðặc Biệt" là như thế nào? Có lẽ sự tò mò chỉ đơn giản như vậy. Thế nhưng để giải thích thì thật không đơn giản chút nào!

 

Khi đón 176 SVSQ/HQ mà HQ đã gởi đi thụ huấn khoá 1/70 SQBB Thủ Ðức về lại BTL/HQ và ban cho cái tước hiệu "Chuẩn Úy Chiến Binh", thì hắn đã thấy nghiệp lính của hắn trở nên phức tạp và “oan nghiệt” rồi. Oan nghiệt ở chỗ tình nguyện vào "Thủy", tuân lệnh đi học "Bộ", để rồi chấp nhận sự phân biệt "Thủy" và "Bộ"! Và cũng bởi cái “oan nghiệt” ấy mà các SVSQ/HQ học Trường Bộ Binh (BB) khoá trước hắn đã tự trào là "Hải Quân Lưu Ðày" (HQLÐ)!

 

Từ ngữ "Chiến Binh" theo nghĩa của HQ, không phải là “chuyên môn”, mà là “gốc” Bộ Binh. Hiểu theo một nghĩa xa xôi hơn, đó là những người HQ không có kiến thức hàng hải quân sự. Trong vấn đề điều hành thuyên chuyển, bổ nhiệm... việc phân loại xuất thân là điều đương nhiên trong hồ sơ cá nhân. Nhưng tại sao lại công khai hoá trên các văn thư, công điện?! Hắn thật không biết! Ðể làm chi vậy? “Nhận diện” sự khác nhau giữa anh và tôi chăng?! Giữa xuất thân và xuất thân chăng? Hắn không thích cái nhìn "phân biệt" như thế! Tất cả đều cùng màu áo và chung lý tưởng phục vụ mà! Với hắn, có một cái gì đó không ổn, thiếu tế nhị, không tâm lý và chẳng khôn ngoan! 

 

Có người thắc mắc về điều kiện, tiêu chuẩn văn hoá để học khoá ÐB/SQHQ, có giống như các khoá thường xuyên không? Có người hỏi về chương trình học của khoá Ðặc Biệt ra sao? Thật ra điều kiện văn hoá và tiêu chuẩn huấn luyện để trở thành một SQHQ của Hải Quân VNCH, tùy theo thời điểm, nhưng đồng nhất và áp dụng chung cho tất cả mọi ứng viên trong thời điểm đó. Thời điểm của LÐ là thời điểm của các khoá SQHQ 20, 21, 22, và LÐ là SVSQ/HQ thuộc tài nguyên các khoá đó, vì thế họ cũng được tuyển mộ và thụ huấn theo cùng điều kiện và tiêu chuẩn như các SVSQ/HQ khác. Sự đặc biệt của LÐ là họ có 2 bằng tốt nghiệp, HQ và BB.

 

 Có một điều mà mọi người quên nghĩ đến là, HQ không thể thiếu trách nhiệm trong việc tuyển chọn và huấn luyện một nhân sự không thích hợp, không đáp ứng được yêu cầu cho Quân Chủng.

 

Sĩ không bận tâm đến những lời tò mò xầm xì. Anh ta coi cái chuyện “Chiến Binh”, “Ðặc Biệt”, “Truyền Thống”, hay học ở bất cứ quân trường nào không là quan trọng. Mà điều cần có là tài năng và nhân cách. Nói chung cái xuất thân không khẳng định được tài năng của một cá nhân. Một quân trường nổi tiếng sẽ đào tạo được nhiều cá nhân giỏi, nhưng ngược lại một người giỏi không cần phải xuất thân ở một trường nổi tiếng. Vấn đề là: Tài năng thuộc về cá nhân, quân trường chỉ trang bị một số vốn liếng kiến thức căn bản ấn định. Niềm tự hào về xuất thân không phải là kiêu ngạo, nhưng coi thường những người không cùng xuất thân là điều lầm lẫn tệ hại!

 

Bọn hắn xuống HQ2 được 6 tháng thì các SQ cấp Ðại Uý Trưởng Phiên Hải Hành lần lượt thuyên chuyển khỏi chiến hạm. Do đó HT mở một cuộc tuyển chọn trong nhóm các sĩ quan trẻ cấp Trung Úy, để tìm người thay thế. Cả 4 gã LÐ may mắn được vác “lều chõng” đi thi. Kết quả không có ai rớt! HT chỉ định theo sự nhận xét và tin tưởng riêng của ông. Trong số những trưởng phiên mới, có 2 gã LÐ. Hắn may mắn được chọn nhưng đã rất ngạc nhiên, khi được HT bắt tay và chúc mừng ngay trên Ðài Chỉ Huy. Hắn nhớ, hôm vào khảo hạch các nhiệm sở, bởi vài thiếu sót, hắn đã khiến cho HT nổi giận:

 

- Anh ngu như bò, mang cái lon trung úy mà không biết gì cả.

 

Lỗ tai của hắn đã lùng bùng trước câu mắng “thoải mái” ấy. Cái “tự ái hão” đang hừng hực dâng lên, muốn nổ tung. Và đến khi HT hỏi:

 

- Có gì muốn nói không?

 

Thì hắn không kềm lòng được nữa:

 

 - Thưa Commandant, những gì Commandant biết mà tôi không thì gọi là ngu như bò. Vậy những cái tôi biết mà Commandant không thì gọi là gì?!

 

Câu trả lời của HT là:

 

- Ði ra ngay!

 

Hắn ân hận nghĩ, thế là “tiêu ma” cuộc đời binh nghiệp rồi còn gì! Buồn bã trở về phòng. Ông Ðại Úy cùng phòng hỏi thăm, hắn thảm não kể lại chuyện “thi cử”, ông Ðại Úy cười to:

 

- Ông ngon lắm! Nhưng không sao đâu. HT tánh nóng mà ông ta tốt!

 

Quả thật, HT đã thân thiện bắt tay, và lòng hắn cũng đã bối rối vừa buồn cười, ngạc nhiên, vừa cảm phục.

 

 

HQ 2

 

Trần Sĩ được chỉ định làm SQ phụ tá cho hắn trong chi đội hải hành. Chính trong thời gian này, tình bạn khắng khít hơn. Sĩ khá về Anh Ngữ, rất ham học, thích đọc sách, có tâm hồn nghệ sĩ, và có đủ khả năng để làm một trưởng phiên hải hành. Nhưng có lẽ bởi tính khiêm nhường, cộng với một chút "ngông", Sĩ bất cần, không hề muốn tỏ lộ. Ðối với HT và vài SQ trên tàu, có thể họ đã nhầm lẫn trước cá tính "ít nói" của Trần Sĩ. Riêng hắn, học rất nhiều ở bạn mình, tính nhẫn nại, chịu đựng. Sĩ có cái nhìn vươn lên bằng con đường học vấn.

 

Sĩ vẫn nói: “Lãnh đạo mà không có kiến thức, trí tuệ, tổ chức sẽ rơi vào rối loạn, suy thoái. Chỉ huy, mà không có tâm thành, đức độ, sẽ biến tập thể ra côn đồ, nguy hiểm”.  

 

Sự trưởng thành qua quan niệm sống của Sĩ, làm hắn cảm thấy mình còn quá non trẻ. Thế nhưng có lúc hắn cũng bực mình vì cái tính "bất cần" của anh ta. Trong 2 năm phục vụ trên chiến hạm, qua 2 thời HT, hắn và các SQ khác lần lượt đảm nhận trưởng phiên hải hành hoặc những công việc, chức vụ cao hơn. Trong khi ấy Sĩ vẫn "đóng vai" phụ tá và “lãnh nhận” chức vụ rất khiêm nhường "SQ phụ trách xuồng và neo"! Hắn bất bình cho bạn mình, không hiểu HT nghĩ gì mà đành tâm “ban cho” Sĩ, một Trung Úy, cái chức vụ của Hạ Sĩ như vậy. Vẫn thế, Sĩ thản nhiên!

 

Chiến tranh càng lúc càng nặng nề khốc liệt, Sĩ thuyên chuyển đi và hắn cũng rời khỏi chiến hạm. Hắn biết Sĩ đang là Chỉ Huy Phó Ðài Kiểm Báo 403 (ÐKB) ở Phú Quốc. Nhưng rất ít dịp liên lạc. Cuối năm 1974, hắn xin đi học khoá Tham Mưu Trung Cấp với ý định về lại Hạm Ðội, sau một năm nhàm chán công việc tham mưu ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân Sài Gòn (BTL/HQ). Khoá học đang nửa chừng, phải đình lại vì sự nguy ngập của Miền Nam. CS đã chiếm Ban Mê Thuột và đang hùng hổ tràn về Sài Gòn. BTL/HQ điều hắn và một số SQ Khoá Sinh ra Phú Quốc, công tác trong Trung Tâm Tiếp Cư An Thới, giúp việc  tiếp cư đồng bào di tản từ Miền Trung. Hắn gặp lại Sĩ trong những ngày sôi bỏng ấy. Sĩ có vẻ đổi khác, nói nhiều hơn, không còn "bất cần", không còn "lầm lì" nữa mà dõng dạc kiên quyết, thể hiện khả năng của một người nắm quyền quyết định và đi đầu. Hắn có chút ngạc nhiên về người bạn gặp lại, nhưng không có dịp tìm hiểu nhiều hơn, ngoại  trừ tin mừng Sĩ đã xong Cử Nhân và đang học ban cao học.

 

Hắn được chỉ định làm Trại Phó một trại tạm cư trong 16 trại của trung tâm. Trại Trưởng là một Thiếu Tá Khoá Sinh khóa Tham Mưu Cao Cấp, công việc của hắn là lo về an ninh, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men... Ðây là công việc mà hắn chưa bao giờ đảm nhận. Hắn thật lúng túng, bù đầu từ sáng sớm cho đến khuya, bởi những chuyện cứu trợ, cứu cấp, cứu đói trong hoàn cảnh thật là hỗn độn bất an. Một tuần trước lệnh buông súng, các trại tỵ nạn gần như không thể kiểm soát được nữa. Các tàu từ Miền Trung vẫn ào ạt đổ người vào. Lẫn lộn trong những người dân di tản khốn khổ là những thành phần bất hảo, những tên lính đào ngũ, và cả Việt Cộng. Căng thẳng hơn, cũng trong những ngày đó, tại An Thới, các vụ công khai hành quyết, xử bắn hàng loạt những kẻ cướp, hãm hiếp đồng bào trên các tàu chở người tị nạn, sự việc càng làm cho không khí các trại tạm cư thêm xôn xao kinh hoảng. Ngày nào cũng có cấp cứu khẩn cấp, có người đánh nhau và cũng có người sắp chết.

 

Ông Thiếu Tá Trại Trưởng cứ lấy cớ phải đi họp ở BTL/HQ Vùng 4 Duyên Hải (BTL/HQ/V4ZH) nên thường vắng mặt, giao khoán trại cho hắn. Lại một rắc rối điên đầu khác đến với hắn trong thời gian ấy, khi ông Ðại Úy Trại Trưởng của trại kế bên bỗng dưng mất tích (?), không ai biết ông ta ở đâu. Dân tình nheo nhóc, đói rét chẳng có tiếp tế, họ ùn ùn kéo nhau tràn qua trại của hắn, không thể nào ngăn cản được.

 

Những lực lượng tăng phái đến giúp hắn gồm trung đội Chiến Tranh Chính Trị (CTCT), trung đội Cảnh Sát Dã Chiến, 4 Quân Cảnh (QC), 1 tài xế Biệt Ðộng Quân (BÐQ), 1 cán bộ Xây Dựng Nông Thôn (XDNT) và 1 anh Nhân Dân Tự Vệ (NDTV). Họ thuộc Vùng 4 hoặc đã được tái tổ chức gồm những quân nhân lạc ngũ từ Vùng 1 và Vùng 2, vì thế việc điều động phải tế nhị, sự tin tưởng vào nhau rất hạn chế, khác với các đơn vị cơ hữu. Cũng may, nhờ vào anh Trung Úy CTCT có thiện chí và kinh nghiệm cứu trợ, trung đội của anh ta giúp hắn tận tình. Ðến ngày 28 tháng 4, khi về BTL/HQ/V4ZH lãnh một xe gạo cho đồng bào, hắn được biết HQ Vùng 4 sẽ di tản. Nhưng hắn đã quyết định, không thể bỏ đi trước sự khiếp đảm, đói khổ cần cứu giúp của đồng bào di tản. Giữa lúc đó thì Sĩ xuất hiện, anh ta rất trầm tĩnh và nghiêm nghị hỏi hắn:

 

- Mày có ý định di tản không?

 

Hắn ngạc nhiên trước thái độ có vẻ lạnh lùng của bạn:

 

- Không, tao chẳng đi đâu cả! 

 

Sĩ thở nhẹ và giọng nói dễ chịu hơn:

 

- Ngày mai, hay bất cứ khi nào cần, gọi tao. Tụi tao còn đủ!

 

Sĩ đi rồi thì tối hôm đó, những người Cảnh Sát tăng phái cho hắn đã tự động biến mất! Nhưng những quân nhân tăng phái khác vẫn còn. Tình hình càng lúc càng rối ren hơn. Ðến ngày 30 tháng 4, lúc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, hắn đang trên đường từ BTL/HQ/V4ZH trở về trại với chuyến xe quần áo cứu trợ cuối cùng cho đồng bào. BTL/HQ/V4ZH bỏ ngõ! Hắn biết đã kết cuộc rồi! Sĩ gọi xuống bảo hắn kéo anh em còn lại lên núi 403 gấp để bàn chuyện "không buông súng". Nhưng hắn còn ai đâu, đến giờ phút đó 4 anh QC, anh BÐQ và trung đội CTCT cũng đã từ giã. Hắn chỉ còn lại anh cán bộ XDNT và anh NDTV quê ở Quảng Ngãi.

 

Cả đêm không ngủ, hắn và Sĩ gọi máy liên lạc thường xuyên với nhau. Sĩ nói tụi tao còn đủ lương thực, lực lượng phòng thủ gần như còn nguyên. Nhưng hắn thì lại nghĩ, không thể ở An Thới mà phải về đất liền ở Vùng 4, đầu quân với Tướng Nguyễn Khoa Nam chứ không thể làm gì hơn được. Ðến lúc này hắn mới thấy cái dũng khí của Sĩ, anh ta nói to, khẳng khái, đầy uy lực.

 

Sáng sớm, Sĩ đến gặp hắn, đồng bào lúc này đã tản mát, trại chỉ còn thưa thớt ít người với những mớ giày dép quần áo thùng bọng lổn ngổn trong sân. Sĩ “bốc” hắn, anh cán bộ XDNT và anh NDTV, chạy một vòng qua các trại tạm cư khác xem tình hình ra sao. Không còn bóng dáng một quân nhân nào. Dân tỵ nạn thì như kiến động ổ, chạy tứ tán, ẵm bồng, khóc lóc, kêu réo. Chẳng biết sẽ đi đâu, về đi đâu trên một hòn đảo lạ hoắc và xa lắc quê nhà của họ. Lúc ngang qua một nhà thờ đổ nát, Sĩ cho xe chậm lại vì dòng người hai bên đường đang hấp tấp qua lại hướng về ngôi nhà thờ đó. Một cảnh tượng chưa từng thấy! Hơn ngàn người tị nạn, mặc áo quần tươm tất, còn nguyên nếp gấp, chen chúc bên nhau, họ đang thành khẩn trong một Thánh Lễ, nhưng lời kinh họ dâng Chúa hôm đó rất khác thường. Họ khóc! Là những tiếng khóc sợ hãi ai oán! Tiếng nấc cùng cực nghẹn ngào. Cả ngàn tiếng khóc vang lên một lúc, sắt thép cũng mềm! Hắn, Sĩ và những người trên xe không kềm nổi nước mắt và những tiếng sụt sùi, ùng ục từ trong cổ họng.

 

Lên ÐKB 403. Từ trên núi cao, hắn nhìn thấy rất nhiều tàu nhỏ và ghe đang túa ra chạy về hướng các tàu lớn nằm ngoài khơi xa hơn. Thỉnh thoảng có những loạt tiếng súng liên thanh nổ ở ngoài biển, và hoạt cảnh ấy kéo dài cho đến ngày 3 tháng 5. Mặc dù vậy, tình hình trên đảo dường như yên tỉnh, chẳng thấy bóng dáng VC ở đâu. Mấy ngày đó, Sĩ bận lắm, anh ta đi kiểm tra lại các hệ thống phòng thủ, tổ chức các toán kích đêm bên ngoài, làm thêm công sự chiến đấu và phân công trực gác. Ngoài các anh em HQ phòng thủ ÐKB 403, còn có một vài anh em Bộ Binh, Nhảy Dù, BÐQ cũng đã ở đó với Sĩ. Họ đều một lòng không buông súng! Lá cờ Vàng 3 Sọc Ðỏ vẫn tung bay trước gió trên nóc ÐKB, như ngạo nghễ, chờ đợi một cuộc tử chiến.

 

Bầu không khí lúc bấy giờ căng thẳng tột độ. Hắn không còn đóng vai trò chỉ huy nữa mà là Sĩ, mọi chuyện Sĩ quyết định và trách nhiệm anh ta tự nguyện gánh vác! Hắn không thể tưởng tượng một người bạn lầm lì, ít nói, "bất cần đời", một gã Trung Úy chỉ có khả năng “phụ trách xuồng và neo” năm xưa lại có thể năng nổ, tháo vát, can trường, và hào hùng đến như vậy! Ðối với bọn hắn lúc bấy giờ, Sĩ là người "đứng mũi chịu sào", đầu đội trời, chân đạp đất. Dám lãnh trách nhiệm trong cái hoàn cảnh mà các cấp chỉ huy của anh ta đã âm thầm tự động biến mất. Hoàn cảnh của "đường cùng", của "sự chết”. Một SQHQ/LÐ chẳng có xuất thân sáng giá, lại có thể tạo được một khí thế chiến đấu của những người lính đáng lẽ ra đã bỏ chạy, như những cấp chỉ huy cao hơn của họ, khi mà một vị Tổng Thống của mấy ngày trước, đã cúi mặt chấp nhận đầu hàng. Hắn chợt nghĩ về 2 ông HT thuở nào, họ đang ở đâu giờ phút đó? Họ còn có uy quyền tột đỉnh, ăn riêng ngủ riêng, la hét thuộc cấp... Nếu họ ở đây, họ sẽ nghĩ gì về một gã LÐ chỉ có năng lực của một Hạ Sĩ như họ tưởng. Thật đáng tiếc, người ta thường dễ tính, đánh giá một người qua chức vụ, cấp bậc hay cái dáng vẻ oai phong, đạo mạo bên ngoài, mà quên đi cái trực tâm và nhân cách.

 

Chiều đến tối mịt, chẳng ai chợp mắt. Sĩ và hắn vào trung tâm kiểm báo, dò tìm các đơn vị VNCH, chẳng ai lên tiếng ngoài bọn VC. Ðến gần sáng mới nghe một ông xưng là Trung Tá HQ lên máy, kêu gọi Sĩ kéo cờ trắng đầu hàng, kẻo phi cơ từ Cần Thơ ra oanh tạc. Sĩ nổi nóng chửi thề rồi bỏ đi ra ngoài. Hắn cũng bực mình với những lời khuyến hàng “rất nhã nhặn” của một ông Trung Tá nào đó! Bên ngoài cửa, bất chợt hắn trông thấy viên Thiếu Tá Trưởng Trại, mấy ngày trước bỗng nhiên ông ta bỏ đi đâu mất, bây giờ lại ở đây. Sắc mặt ông ta lộ vẻ sợ hãi, cũng đang cố thuyết phục Sĩ đầu hàng. Hắn chỉ nghe Sĩ nói:

 

- Tôi chỉ huy. Ông sợ thì cứ đi đi! 

 

Sáng ngày 4 tháng 5, Sĩ lấy xe GMC cùng với hắn xuống BTL/HQ/V4ZH, dò la tin tức. Hắn đã cởi bỏ quân phục ngay từ ngày 30 tháng 4, nhưng còn giữ cây Carbine M2. Sĩ vẫn mặc quân phục nhưng không đeo lon, anh ta giắt sau lưng khẩu Colt 45 và phủ trên mình cái mền nhà binh mỏng như áo choàng của những hiệp sĩ phương Tây thời trung cổ. Khi đến ngã ba An Thới, một toán người võ trang, cầm cờ đỏ xanh và sao vàng, chận xe của Sĩ và hắn lại. Sĩ ngừng xe và định lôi khẩu Colt 45 sau lưng ra, hắn nhanh miệng cản lại:

 

- Từ từ để xem sao

 

Thì ra là một đám dân quân du kích, bọn họ có thái độ e dè, nhưng không gây hấn, không khám xét, chỉ có ý định “mượn xe”. Hắn và Sĩ đi bộ đến BTL/HQ/V4ZH, ở đây vắng lặng, tiêu điều. Bất chợt, một xe jeep ngừng lại. Một người mặc quân phục SQHQ không đeo lon nhưng mang băng đỏ trên cánh tay, nhảy xuống, rút súng K54 chỉa vào bọn hắn và ra lệnh:

 

- Tụi bây không được đi đâu hết. Ở đây nhận công tác và chờ Bộ Ðội HQ vào tiếp thu!

 

Bọn hắn bị giam lỏng trong một căn phòng của khu SQ Hải Ðội Duyên Phòng. Sĩ lầm bầm tức giận:

 

- Mẹ cha nó! Thật không ngờ!

 

Ðợi khuya trời tối, dựa vào bóng đêm, Sĩ dẫn hắn lẫn theo các lùm cây trở lại núi 403. Sự trở mặt (?) của tên SQHQ ngày hôm qua, làm cho Sĩ giận dữ. Nhưng anh ta cũng đã nhìn ra sự nguy hiểm trong hoàn cảnh hỗn loạn, chẳng biết ai là thù, ai là bạn. Cái nguy cơ bị giết, thủ tiêu có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu trên hòn đảo vô chính phủ này. Hắn bàn với Sĩ là nên về đất liền may ra mới có thể xoay sở, Phú Quốc là hòn đảo, đánh nhau không thuận lợi dễ bị tiêu diệt. Sĩ đồng ý, bọn hắn rút từng toán nhỏ ra bến đò ở bãi An Thới. Nhưng một số ít anh em đã bỏ đi khi biết Sĩ thay đổi kế hoạch.

 

Ðến Rạch Giá thì mọi người thất vọng hoàn toàn với tin Tướng Nguyễn Khoa Nam đã tự sát từ ngày 1 tháng 5. Trời hừng sáng, cảnh bến đò lưa thưa, buồn thảm, với loe hoe năm ba chiếc ghe đò, chiếc nào cũng có cờ đỏ xanh sao vàng. Xa xa ở những ngôi nhà, đâu cũng thấy bóng dáng những lá cờ đáng ghét đó. Hắn cảm thấy uất nghẹn bật khóc... Tướng Nam không còn. Sĩ muốn được chết như Ông! Nhưng anh em cản lại. Thất vọng đến bàng hoàng! Sĩ lắc đầu trong ngậm ngùi, buông lệnh giải tán, số anh em còn lại như bất động, dường như có vài người đi ngược về hướng bến đò .

 

Hắn và Trần Sĩ mất liên lạc cho đến hôm nay. Thời gian đã quá lâu, những nhắc nhớ cũng thưa dần, nhưng chẳng ai biết Sĩ ở đâu?!...

 

Âm vang bài hát “Hương Xưa” của Cung Tiến mà Sĩ đã đàn và hát cùng với hắn trong căn phòng nhỏ trên chiến hạm năm nào, như vẫn còn đâu đây, như quyện vào tâm hồn, tan vào mạch sống. Giọng hát của Sĩ, giọng Bắc lôi cuốn, trầm ấm, rất buồn… Hoài niệm về một quê hương xa vắng.

 

“Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ
Dù đã quên lời hẹn hò
Thời Hoàng Kim xa quá chìm trong phôi pha
Chờ đến bao giờ tái sinh cho người

 

Ðời lập từ những đêm hoang sơ
Thanh bình như bóng trưa đơn sơ
Nay đời tan biến trong hư vô,
chết đầy từng mồ oán thù.
máu xương tơi bời nhiều mùa thu...”. 

 

Hắn bâng khuâng nghĩ về một đời người, nghĩ về một người, có thừa nghị lực xuyên qua mọi thử thách. Dù đã chẳng được gì, nhưng nhân cách ấy để lại trong hắn một hình ảnh anh hùng. Một người bạn Chiến Binh, gã Ðặc Biệt mang tên Lưu Ðày.     

 

Nguyễn Hùng Sơn

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây

Xem trang H.Q.V.N.C.H.: click vào đây

Xem trang Tạp văn, tùy bút, click vào đây

Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh