Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
VƯỢT THOÁT
NGUYỄN HÙNG SƠN

Mở speakers ON, click vào tam giác bên trái để nghe.

Muốn OFF, click vào hai gạch thẳng đứng bên trái.

QUÊ HƯƠNG ÔI! THÔI ĐÀNH XA

Sáng tác: Nhật Ngân 

Ca sĩ: Duy Khánh

 

 

Một vài ráng mây mỏng, đỏ nhợt nhạt đã xuất hiện ở chân trời. Vây quanh chúng tôi là những lượn sóng đập tới tấp vào mạn ghe làm tung tóe những bọt nước trắng xóa. Chiếc ghe nhỏ rống máy, lảo đảo lướt đi, nhào lên hụp xuống. Mọi người rạp mình trên sàn ghe! Đạn súng đại liên như đan lưới, từ 3 chiếc ghe Công an Biên Phòng đang đuổi theo phía sau, bắn tua tủa ngang dọc trên đầu chiếc ghe vượt biên, có tiếng hét lên: “Nó bắn! Nó bắn!”. Chúng tôi chạy như giông gió hướng ra cửa biển Vũng Tàu. Biển khá động, tôi theo hướng mặt trời mọc mà lái thẳng, không có hải bàn và hải đồ trong tay, phải đành liều mạng! Đi hướng Đông, ghe phải chịu sóng ngang, chòng chành rất khó lái, dễ bị lật chìm. Biết là gian nan, nhưng chúng tôi phó mặc để tránh đạn...   

 

Một giờ trước đó, chiếc xuồng nhỏ chở chủ ghe và toán người cuối cùng ra ghe vượt biên, chẳng may bị mắc cạn, tất cả "dụng cụ hải hành" theo chủ ghe, đều bị tịch thu lúc ông ta bị bắt. Tôi toát mồ hôi giữa đêm lạnh gần sáng, khi nghe tiếng súng và tiếng hò hét từ phía bờ vọng ra. Đã gần 4 giờ sáng, anh tài công phụ và tôi quyết định kéo neo, thoát chạy trước khi quá trễ. Mặc cho bà chủ ghe kêu khóc đòi trở lại vào bờ với chồng bà. Chúng tôi chạy như điên khùng, chỉ mong vượt thoát! Thật ra vùng biển chúng tôi đi chẳng lạ với tôi chút nào. Nhưng nếu so với những con tàu lớn, đầy đủ dụng cụ hải hành mà tôi đã từng đi như trước kia, lần này tôi vượt biển "tay không" với chiếc ghe chỉ dài 50ft và chứa đến 93 sinh mạng, thì đúng là một chuyện điên rồ, không tưởng. Khi bước xuống ghe, tôi đã nghĩ đến cái rủi nhiều hơn may!  Nhưng cố bám víu vào một niềm hy vọng cuối cùng, Trời thương!   

 

Sau 3 tiếng đồng hồ bị đuổi bắt, quay cuồng. Chúng tôi cơ hồ đuối sức, có  lẽ Công an cũng chẳng hơn gì, những làn đạn đi trật mục tiêu của họ, vung vải trên biển, trở nên vô hiệu, và họ bỏ cuộc, quay vào. Thoát nạn! Chúng tôi đổi về hướng Nam - Đông Nam chạy thẳng. Mặt trời, mặt trăng, sao Bắc Đẩu, gió và dòng nước, đã giúp tôi định hướng. Dựa vào chiều dài của ghe và thời gian, tôi ước tính vận tốc. Tôi cố nhớ nhớ và vẽ phác lại vùng biển Thái Lan - Mã Lai trên một tờ giấy. Những vị trí phỏng đoán từng giờ trên hải trình, thật ra không thể nào chính xác được, chỉ giúp cho tôi có một khái niệm "mình đang ở đâu". Tuy vậy, một cách ngạc nhiên, chúng tôi cũng đã đến được vùng biển Mã Lai gần đúng như thời gian dự trù.  

 

Đêm đầu tiên, biển động nhẹ, trời có lúc mưa. Hai ngày kế tiếp, biển trở êm, ghe giữ đều vận tốc, tốt cho việc ước định vị trí. Chiều ngày thứ 3, trời mưa giông, gió tạt mạnh. Bất ngờ ghe bị hư máy, trôi khoảng 4 tiếng đồng hồ. Chúng tôi đã phải vật lộn với sóng gió, gồng mình tát nước ra khỏi khoang, giúp anh tài công phụ sửa máy. Và rồi máy sửa xong, chúng tôi lại đi tiếp tục... Sau hơn 4 tiếng trôi dạt trong mưa mù, tôi chỉ còn cách ước định điểm đứng một cách may rủi, phỏng đoán theo vận tốc, độ dạt dòng nước của buổi sáng và ngày hôm trước. Tôi lái theo ước định và trong sự cầu nguyện! Cứ như thế, dò theo hướng gió và sóng mà đi. Đêm hôm sau, biển khá tốt, nhờ vào mặt trời và sao Bắc Đẩu, tôi ước định được nhiều vị trí liên tiếp ở mỗi đầu giờ. Nhưng về khuya thì có nhiều mây, đang đi bất chợt tôi thấy trời đổ sương mù, sóng lớn, thân ghe giật mạnh, rung bần bật, đảo qua lại, tôi cố kìm tay lái, nhưng sức nước khá mạnh, cuốn hút tụt lui, rất khó điều khiển. Tôi tăng tốc độ để cố vượt qua, nhưng càng tăng máy mạnh, thì "trục láp" lại rung nhiều hơn, khua bần bật những âm thanh như sắp gãy. Mặc dù vậy, sức máy chỉ đủ để giữ cho ghe ở vị thế bớt chao đảo, chứ không chạy tới được. Tôi có cảm tưởng như có một sợi dây "vô hình" nào đó đang kéo ghì chiếc ghe lại. Không thể tăng tốc độ thêm nữa! Tôi lo sợ "bạc đạn của trục láp" sẽ bể, nước tràn vào.     

 

Anh tài công phụ vào lái thay, tôi ra phia sau ghe quan sát, một cảm giác sợ hãi ập tới làm tôi choáng váng! Chúng tôi đang loay hoay nghiêng ngả trong vùng nước xoáy mạnh! Tiếng nước cuốn xoay ầm ầm, sóng xô dồn dập không phương hướng nhất định. Tôi hoảng hốt trước hoàn cảnh bất ngờ nguy hiểm này. Nhưng chẳng biết phải làm sao, ngoài việc cầu xin Trời thương cứu giúp! Anh tài công phụ cũng không hơn gì tôi, đang lầm thầm những gì không rõ, nhưng nhìn vào ánh mắt lạc thần lo âu của anh, tôi đoán anh ấy đang cầu nguyện!     

 

Ghe ráng sức rống máy chống chỏi quá lâu, khiến trục láp càng lúc càng khua nhiều, và tôi đã thấy nước rịn vào lườn ghe có vẻ nhiều hơn. Trong lúc nguy kịch, lo lắng, thì thình lình tôi nghe giọng nói đầy hậm hực của ai đó từ trong khoang vọng ra: “Nếu đến hết ngày thứ năm mà không thấy bờ, thì mình phải tính chuyện với thằng tài công này!”. Lời đe dọa bất chợt này, làm cho tôi giựt mình, bốc giận và thêm lo âu! Khi ấy thì tôi hiểu rằng, nếu sự việc chẳng may xảy ra, bất cứ vì lý do gì, tôi cũng là người phải chịu trách nhiệm. Người ta sẽ quy tội và có thể có một hành động nào đó đối với tôi ... Tôi cố lấy lại bình tĩnh, và cầu nguyện! Lạ lùng thay, một đợt sóng lớn chợt ào đến, đẩy mạnh sau lái chiếc ghe, đưa chúng tôi lên cao, ra khỏi vùng xoáy! Phía trước mặt, biển sóng nhẹ, không có sương mù. Và chúng tôi thấy ở cuối chân trời, ửng hiện một vùng sáng, như ánh đèn của một thành phố nhỏ. Anh tài công phụ mừng quá ôm chầm lấy tôi: “Gần đến bờ rồi!”.       

Bình minh ngày thứ năm, khi tôi được báo nguy là "máy bơm lườn" bị hư, nước biển đã vào ghe và ngập gần đến nửa hầm máy, thì đúng lúc chúng tôi cũng nhìn thấy một giàn khoan dầu với những khối lửa phụt lên trời sáng rực. Những khối lửa này đã làm chúng tôi tưởng lầm là ánh sáng từ một thành phố nhỏ của Mã Lai! Lửa của giàn khoan bất ngờ trở thành động lực mạnh mẽ làm mọi người trỗi dậy, góp sức thay phiên nhau, cố gắng tát nước ra khỏi khoang ghe. Chúng tôi trực chỉ về hướng ánh lửa khoảng thêm 2 tiếng đồng hồ nữa, thì được một tàu kéo (xà-lan dầu) đến cứu...    

 

Trên con tàu "cứu mạng" mang quốc tịch Mã Lai. Mọi người như choàng tỉnh cơn mê, những ánh mắt, đôi môi không kềm nổi nụ cười vượt thoát. Tôi nhận quả táo từ tay người thủy thủ Singapore mà muốn khóc! Kể từ 1975, ký ức của tôi không còn hình ảnh của quả táo nữa. Ngoài những người thân, bạn bè thân, không còn một ai đối đãi với tôi bằng cái tình cảm con người với con người, như anh chàng thủy thủ này! Thời gian đó, phía mà tôi phải đối diện và bị xã hội xô đẩy là chân tường. Cho nên vượt thoát đã trở thành một ước nguyện, nhưng chính vì thế mà cái giá tôi phải trả là sự vùi dập, hậu quả của những kẻ muốn bước ra khỏi cái "rảnh định mệnh".

 

Nhớ lại, một lần, sau chuyến vượt biên thất bại, tôi bị trói go nằm lo âu sợ hãi sau những chấn song sắt. Người ta, những người bắt được tôi, đứng tụm năm, tụm ba bên ngoài, họ như những tay thợ săn với dáng vẻ thích thú, thỏa mãn, trước con mồi vừa bắt được! Họ vui vẻ cười nói hả hê, chỉ chỏ về phía tôi, như khoe khoang với nhau về một thành quả. Còn tôi, bất chợt biến thành một con thú co ro nhớn nhác, khắc khoải trong chuồng!   

 

Chúng tôi được tập họp lại ở sân sau của tàu để tắm gội! Màn nước trắng xóa phun ra từ hai vòi sen lớn trên tàu, như một cơn mưa ân sủng đổ xuống trên thân thể dơ bẩn, lem luốc của chúng tôi. Tôi quỳ xuống giữa đám đông trên sàn tàu, dang thẳng hai tay, ngửa mặt lên trời, lòng như bay bổng, nổ tung trong niềm vui vượt thoát! Sức nước vừa đủ mạnh tạo thành một màn trắng đục hơi sương, mát lạnh đầy sảng khoái. Năm ngày, lênh đênh trên biển khơi, chen chúc nhau trong một chiếc ghe nhỏ chật chội hôi hám. Dòng nước mát giờ đây mang lại niềm sống, một cơn tắm mát diệu kỳ, đắm mình hạnh phúc, tẩy rửa mọi ô uế, nhục nhằn, đau khổ, lo âu của chúng tôi. Dưới màn nước, tôi quỳ tạ ơn, mà nghe lòng reo vui, sung sướng không tả! Giờ phút ấy, dường như Thượng Đế đang hiện diện. Ngài rất gần, như kề bên và đang chia sẻ niềm hân hoan với tất cả chúng tôi. Tôi cười, thật là cười, cười lớn! Và muốn la thật to, chúng tôi thoát được rồi!!!

 

Qua tia nắng, màn nước khi ẩn, khi hiện màu sắc của cầu vòng, tôi tưởng chừng chìm đắm vào một không gian sống động của sự reo vui mầu nhiệm! Chúng tôi thoát rồi! Chúng tôi được cứu thoát! Nhưng không, không phải chỉ thoát, không phải chỉ được cứu sống, mà đã được tái sinh! Ơn Tái Sinh! Một bắt đầu của đời sống khác, cuộc sống tự do của mơ ước! Bất chợt tôi thấy mình thật bé nhỏ, bất lực, vô năng, mọi chuyện đã xảy ra ngoài sức hiểu biết của tôi! Tất cả như một giấc mơ mầu nhiệm, chẳng thế nào giải thích! Nhưng dù thế nào, niềm vui đang có cũng không thể ngưng lại, tôi có cảm giác như đón nhận một Tình Yêu Thiêng Liêng đang ngọt ngào đổ xuống!! 

 

Từ năm 1978 và kế tiếp là những năm tháng mà tôi gọi là "gian truân". Tôi vượt ra khỏi ngục tù cải tạo, nhưng không thoát được vòng rào lớn của cả đất nước! Để rồi phải hứng chịu thân phận của kẻ homeless, sợ hãi, chui rúc! Một thời nào đó, tôi đã từng có sự tự tin, hy vọng cùng ước vọng, tôi đòi hỏi một khả năng định đoạt ở chính mình, rồi tôi tưởng sẽ mãi như thế, cuộc đời là của mình... Tôi bận tâm tìm kiếm những vinh quang mà nào biết đâu, bỗng dưng có một ngày đời mình thay đổi! Ở đáy xã hội, khi thân phận con người bị bẹp dí dưới chân thiên hạ, thì đời sống không còn thuộc về mình nữa mà là xin xỏ và ân ban. Hướng sống không còn xoay quanh tích lũy, mà là rẫy bỏ, và chờ đợi một cuộc hóa thân mộng ảo. Phải chăng vinh quang, quả thật, cũng chỉ là bọt nước, bồng bềnh một thời rồi vỡ tan?!

 

Bị tù vượt biên 2 lần, các kinh nghiệm bị cùm xiềng, đánh đập, nhốt phòng tối... đã quá đủ cho tôi lo lắng nếu chẳng may. Đó là chưa kể về những mối lo âu khác như hải tặc Thái Lan cướp của, giết người, hảm hiếp, bắt cóc... hay ghe bị chìm, chết ngoài biển. Vì thế, mỗi lần ai đó nói đến vượt biên, là tôi lên cơn đau bao tử ngay lập tức! Nhưng đành vậy, khi ở cuối đường, tôi nào còn có sự chọn lựa!  

 

Lần vượt biên năm 1980, là một chuyến đi kinh hoàng, luôn ám ảnh... Ghe đang ngon trớn, chạy được 3 ngày đường thì bất ngờ hư máy không sửa được, lương thực và nước uống mang theo hết cạn. Chúng tôi rơi vào một nỗi khiếp đảm trên con thuyền mong manh, trôi dạt giữa đại dương vô định. Trong cơn khủng hoảng ấy, một ám ảnh khiếp đảm của cái chết khô khốc - trôi dạt chợt dấy lên! Tôi cố gắng che đậy nỗi sợ hãi, cố trấn an những khuôn mặt thất thần, dộp nắng, mắt sưng, môi lưỡi lở loét. Cái chết đến đã gần, nhưng thật chậm, chậm một cách rợn người theo từng tiếng tích tắc đều đặn, lạnh lùng của thời gian! Người ta khóc than vật vã, cầu nguyện, đọc kinh vang rân cả một góc biển. Cầu xin cả Chúa lẫn Phật, người ta không còn dựa vào tôn giáo, tín ngưỡng của mình nữa, họ cầu bất cứ ai, kể cả Ma Quỉ, những ai có thể cứu vớt họ!! Có người ném ra biển từng bụm hột xoàn nữ trang, để xin "Thủy Thần" tha mạng! Rồi có lúc, người ta than vãn, chửi rủa, họ chửi tất cả những Đấng, những Vị mà họ đã cầu xin vào mấy ngày trước đó.

 

Một vài lần cũng có những con tàu qua lại, chúng tôi treo vải trắng S.O.S., vẫy tay, đốt lửa la hét kêu cứu. Họ thấy! Những con người có vẻ "bình yên" trên chiếc tàu tiện nghi khổng lồ, hướng ánh mắt thương hại (?) về phía chúng tôi, lẵng lặng vẫy tay đáp trả, và con tàu lướt qua, xa dần,... mất hút. Gởi lại cho chúng tôi thêm một nỗi thất vọng oan khiên, giữa biển trời nghiệt ngã! Hy vọng rồi thất vọng, cứ thế ngày đêm, theo từng bóng dáng của những thương thuyền xuất hiện và biến mất. Sự kiện xảy ra như trò trêu ghẹo oái oăm vô cảm của Thần Chết. Dưới khối nắng kinh hoàng, hừng hực đổ lửa chụp xuống, những cơn khát oằn mình, khô cứng lưỡi, như đang xé toạc cổ họng từng người... Giữa sự hỗn độn của âm thanh rên rỉ, thỉnh thoảng có tiếng hét quái đản, giựt mình mê sảng! Trẻ con cũng không còn sức để khóc nữa, chúng nó đã nằm im, thoi thóp bên cạnh những người thân cũng đang rũ rượi, chực chờ cái thời khắc chuyển mình vào hư vô!!!... Một người phun ra miếng vỏ chanh mỏng dính xuống sàn ghe, một người nhặt lấy, nhét nhanh vào miệng, nút lấy nút để chất nước còn lại. Không còn tình bạn bè hay nhân đạo trong lúc ấy. Không có ưu tiên cho trẻ con, đàn bà hay người già, yếu đuối bệnh tật nữa! Mạnh được yếu thua! Người ta cướp lẫn nhau, những muỗng cà phê nước uống, được cất từ biển mặn...Bất chấp tiếng kêu khóc van nài! Rồi cuối cùng, tất cả cũng rơi vào im lặng. Cái im lặng vô vọng của sự đầu hàng và chấp nhận! Khủng hoảng lẫn đói khát đã khiến mọi người gục ngã, tênh hênh trên sàn ghe như những xác không hồn.  

 

Thế rồi, theo dòng nước, ghe trôi dần vào lại hải phận Việt Nam. Biển lặng êm của ngày thứ 7, mang từng cơn gió nhẹ, như vuốt ve, tiễn đưa con thuyền oan nghiệt vào bất định! Thình lình hai chiếc ghe Công an Biên Phòng xuất hiện ở đường chân trời! Mọi người như chợt tỉnh:Thoát chết rồi! Ở tù cũng được!”. Tôi mừng trong sợ hãi! Một trạng thái cảm xúc rất kỳ quặc, có vẻ mâu thuẫn, giữa "thoát chết" và "tù ngục", nhưng chính cái mâu thuẫn đó lại là niềm vui khứng chịu của mọi người! Nheo mắt nhìn về hướng 2 chiếc ghe Công An Biên Phòng đang phun khói lướt tới, tôi mơ hồ về một cái gì đó thật lạ lùng, đầy thần bí! Không do tôi chọn lựa, không phải tôi định đoạt! Tôi chỉ kêu cứu và đã được thấy, dù rất xa, một chút "ánh sáng ở cuối đường hầm"! Mọi chuyện đã xảy ra thật ngộ nghĩnh, ngoài sức hiểu biết của tôi...

 

Tôi hít thật mạnh, đầy tràn không khí của sự sống. Lắng nghe tiếng rì rào bình an của biển, trong khi chờ đợi bị bắt!  

 

Trong suốt 3 năm, từ 1978, cuộc sống của tôi gần như chỉ xoay quanh chuyện vượt biên, bị bắt và ở tù... Sáu lần vượt biển, trong 6 lần đó, 2 lần bị bắt, 1 lần đói khát trên biển, và cuối cùng, mồng 2 Tết năm 1981, chúng tôi đến trại tỵ nạn trên đảo Paulo Bidong. Bãi biển với bờ cát trắng mịn trải dài, chen lẫn vào những gộp đá gồ ghề phủ màu rêu xanh. Xa ở tận mí nước cuối bãi, lú lên từ những đụn cát, lố nhố một vài xác ghe tàu gãy mục. Không biết từ lúc nào, người ta đã tụ tập rất đông trên bãi biển, những cánh tay vơ vẫy cùng nụ cười chào hỏi đón mừng. Những người tỵ nạn trên đảo luôn làm như thế, như một truyền thống, họ tiếp đón rất nhiệt tình đối với đồng hương mới tới. Tôi bước lên bờ, vùng đất lạ, trong tâm trạng của người đi không chạm đất, cái chơi vơi của nửa mơ nửa tỉnh! Tôi thật sự đã vượt thoát? Làm sao chuyện đó có thể xảy ra, khi mà các điều kiện thời tiết, bài toán hàng hải và phương tiện vận chuyển, đều có cùng một câu trả lời là không thể! Rõ ràng, không phải do khả năng của tôi, mà dường như ai đó đã cho tôi vượt thoát?! Tôi thấy niềm vui trong từng hít thở... Cánh cửa sống chợt mở ra, đánh dấu sự đổi mới, đã thay đổi tư duy và tầm nhìn của tôi về cuộc đời.  

 

Không khí Tết trên đảo Paulo Bidong thật nhộn nhịp, dân tỵ nạn đón Xuân với tất cả niềm vui "tìm được Tự Do" của họ. Tôi được tham dự buổi chào cờ đầu năm. Ở giữa một khoảng đất rộng, trước đám đông nghiêm chỉnh, im lặng, một bàn thờ Tổ Quốc với bản đồ Việt Nam, khói hương nghi ngút và lá Cờ Vàng lớn phía sau. Cảnh tượng đơn giản, nhưng thật thiêng liêng, bao trùm uy lực của cả Hồn Thiêng Sông Núi. Tâm hồn tôi dâng lên niềm xúc động mạnh mẽ! Một cảm giác khó diễn tả, vừa vui vừa bàng hoàng như người sắp chết đuối vớ được cái phao! Tôi cất tay chào theo quân cách mà không kềm được nước mắt, cổ họng chợt nghẹn ngào, hát không hết nổi bài quốc ca! Kể từ ngày rời khỏi tù “cải tạo”, tôi quên hẳn mình đã từng là một quân nhân. Buổi sáng chào cờ hôm đó, đã đánh thức và khơi lại trong tôi ý niệm danh dự của một người lính chiến. Sáu năm buông súng, tất cả là sụp đổ, đứt đoạn, và vùi dập. Tôi đã bị tước đoạt tự do, nhân phẩm lẫn quyền sống, cuộc đời tưởng chừng đã rả ra từng mảnh, tan tác, và héo khô trước hố sâu tuyệt lộ! Mãi cho tới lúc đó, tôi mới cảm nghiệm ra, có một "Tình Thương Hiện Hữu" dẫn tôi đến bờ hy vọng! Đó là lần thứ 6 và là lần sau cùng tôi vượt biên.

 

Thời gian và cuộc sống cho tôi rất nhiều suy nghĩ về một đời người, về những lần gặp gỡ tràn đầy thương mến, giúp nhau, cứu nhau. Nhưng cũng có những lần gặp gỡ trong sợ hãi kinh hoàng, đuổi bắn, giết nhau, đánh đập, cầm tù nhau!... Và để rồi, sau những lần gặp gỡ đó, người và tôi, trong chúng ta, đã có ai định đoạt được gì cho cuộc đời của mình chăng?! Những ai vì muốn vượt thoát mà cùng tôi trên chiếc ghe định mệnh năm ấy?! Những ai vì muốn lập công mà đuổi bắn, đánh đâp, cùm xích, giam cầm? Những ai vì nhân ái mà mở lòng bao dung cứu vớt và chia sẻ? Có lẽ mọi người cũng như tôi, đã làm tất cả những chuyện mà chúng ta nghĩ rằng, sẽ đem đến cho mình một cuộc sống tốt hơn?! Thế rồi qua thời gian, đoạn đường gặp gỡ của chúng ta biến thành câu chuyện của quá khứ, mờ dần với dãi dầu mưa nắng như các pho tượng công viên, có một thời để nhắc nhớ, rồi cũng sẽ có một thời bị phá hủy, để đổi mới theo dòng đời. Có ai trong chúng ta đã được thanh thản bình an? Còn ai trong chúng ta vẫn nặng lòng thù ghét? Sẽ còn gì, và sẽ là gì trong cuộc hành trình còn lại ở cuối đời?! Chúng ta vẫn còn đó, qua hôm nay, hay đã có người đi vào chung cuộc định đoạt, không còn nữa trên cõi đời này?... Tôi nghĩ mãi, cứ suy nghĩ vẩn vơ như đứa bé ngẩng cổ nhìn những ngôi sao trên bầu trời! Thằng bé kinh ngạc trước sự bao la mênh mông của bầu trời, nó tròn mắt khoái trá với ánh sáng lấp lánh diệu vợi của muôn triệu vì sao. Nó sẽ há miệng, sửng sốt về những điều chợt thấy, nhưng nó hoàn toàn không hiểu biết một chút gì về những điều đó!  

 

Ba mươi hai năm trên xứ người, sau một lần được cứu vớt trên biển, tôi vẫn nghĩ là mình đã vượt thoát. Nhưng thực tế, cuộc sống vẫn là biển cả thử thách mênh mông, và vượt thoát theo một ý nghĩa nào đó, có thể chỉ là vọng tưởng! Nơi xứ lạ lạc loài, đương đầu biết bao khó khăn, tìm sống. Có bao giờ mọi sự đứng lại trong ước muốn vượt thoát? Chiếc ghe chuyên chở "thân phận con người" của năm nào, vẫn nhào lộn lênh đênh. Vượt thoát, thật sự không ở thời điểm mà chúng tôi được tắm gội trên con tàu "cứu mạng". Nhưng có lẽ là chính lúc mà tôi nhận ra được sự sống đang có, không phải bởi sự tình cờ, cũng không phải do tài năng, mà là “ân sủng” được ban phát bởi một “Tình Yêu Hằng Hữu”, vô biên và huyền nhiệm! Cuộc sống của tôi lệ thuộc vào Tình Yêu ấy!

 

Tôi như thằng bé kinh ngạc dưới vòm trời sao đêm. Làm sao để hiểu về những dãy ngân hà lơ lửng! Làm sao để nói khi không thể đếm được hết các vì sao lấp lánh trên trời! Trước lúc nhìn thấy và sau khi thôi không nhìn nữa, bầu trời và các vì sao vẫn ở đó, và thằng bé sẽ chẳng thể nào vượt thoát ra khỏi những điều mà nó không thể biết.  Khi chuyển hoá được ý niệm tự “định đoạt” thành “hợp tác” và “tín thác” vào quyền năng của Thượng Ðế trong cuộc sống của mình, tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn. Thật ra ít ai nghĩ đến sự sống chính là hơi thở và không ai có thể tạo được hơi thở cho chính mình, vì thế, sống là "hàm ơn". Và qua ý niệm sống tạ ơn đó, tôi nghĩ, mình có được chút ít cảm nghiệm về hai chữ "vượt thoát".       

 

Nguyễn Hùng Sơn

(Viết xong ngày 26 tháng 4 năm 2013)

 

*  *  *

  

Xem bài cùng tác giả: click vào đây

Xem trang Tạp văn, tùy bút, click vào đây

Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh