Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
NGUYỄN BÁ NGHI & MẤY SUY NGHĨ VỀ ÔNG
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

 

Chân dung Nguyễn Bá Nghi

Ảnh: Wikipedia

 

Nguyễn Bá Nghi (1807-1870) là 1 trong số 11 người Quảng Ngãi thi đỗ đại khoa trong thời kỳ Nho học triều Nguyễn (1819-1918), gồm: 5 tiến sĩ và 6 phó bảng.

 

Ông được xem là người Quảng Ngãi đầu tiên và cũng là người Quảng Ngãi trẻ tuổi nhất thi đỗ đại khoa - thi Hội đỗ Phó bảng khoa Nhâm Thìn (1832) tại kinh đô Huế lúc vừa tròn 25 tuổi.

 

Nói về Nguyễn Bá Nghi, người ta cũng thường nhắc đến người con danh tiếng của ông, đó là Nguyễn Bá Loan (1857-1908), một trong những thủ lãnh của Phong trào Duy tân do Phan Châu Trinh khởi xướng và cũng là thủ lãnh Phong trào Kháng thuế tại Quảng Ngãi vào năm 1908. Nguyễn Bá Loan đã bị thực dân Pháp bắt và hành hình vào ngày 24-3-1908 tại phía đông thành cổ Quảng Ngãi.

 

Nguyễn Bá Nghi có hiệu là Sư Phần, sinh năm 1807 tại làng Lạc Phố, nay thuộc thôn Năng An, xã Ðức Nhuận, huyện Mộ Ðức, Quảng Ngãi.

 

Khởi đầu hoạn lộ với chức tri huyện (1833) và chấm dứt cuộc đời làm quan với chức Tổng đốc Sơn – Hưng - Tuyên (1870).

 

Ba mươi tám năm làm quan trải khắp ba miền của đất nước: An Giang, Hà Tiên (Nam), Bình Ðịnh - Phú Yên, Thuận Hóa (Trung), Sơn – Hưng - Tuyên [tức Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang] (Bắc).

 

Chỉ riêng về phương diện văn hóa và giáo dục, ông đã có những đóng góp đáng kể như sau:

 

Về giáo dục:

 

- Xin sửa đổi phép học, bỏ lối học từ chương, cổ vũ cho lối học thực dụng (Theo Huỳnh Thúc Kháng trong “Các nhà khoa bảng Nho học Quảng Ngãi”, Cao Chư)

 

- Ông từng được cử làm chủ khảo các kỳ thi hương: khoa Mậu Thân (1848) tại trường Gia Ðịnh, khoa Canh Tuất (1850) tại trường Hà Nội; Quan duyệt quyển các khoa thi Hội Giáp Thìn (1844), Chế khoa Tân Hợi (1851). (Theo “Các nhà khoa bảng Nho học Quảng Ngãi”, Cao Chư)

 

Về văn hóa:

 

- Thời gian làm Tổng đốc Sơn – Hưng - Tuyên, ông được vua Tự Ðức giao nhiệm vụ trùng tu khu di tích Quốc tổ Hùng Vương (toạ lạc trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, xã Sơn Tây, nay thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), đồng thời chế định việc tế tự các vua Hùng. Dấu tích trùng tu thời Nguyễn Bá Nghi còn dấu vết đến nay rõ nhất là ở đền Thượng và Lăng vua Hùng. (Trùng tu đền thờ Hùng Vương - Lê Hồng Khánh)

 

- Vận động các nhà khoa mục, văn thân ở quê nhà xây dựng văn chỉ huyện Mộ Ðức, tọa lạc tại thôn An Phong, xã Ðức Chánh làm nơi thờ chung cho 3 huyện phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi là Mộ Ðức, Ðức Phổ và Nghĩa Hành (Văn miếu - Văn thánh Quảng Ngãi kêu cứu - Nguyễn Cao Can)

 

Về triết học và văn học:

 

- Cùng Nguyễn Hữu Tạo lập thuyết chữ "quyền" về sách Luận Ngữ, phản với nghĩa của Chu Hy (Việt Nam văn hóa sử cương - Ðào Duy Anh).

 

- Làm sách chú giải lại Tứ Thư (Ðại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử), bỏ hết nghĩa của Tống nho (Việt Nam văn hóa sử cương - Ðào Duy Anh)

 

- Và một số tác phẩm văn học (chúng tôi sẽ bàn dưới đây)

 

Theo Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, ông từng kết bạn với các danh sĩ đương thời như Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), Phan Thanh Giản (1796-1867), Trương Quốc Dụng (1797-1864), Phạm Phú Thứ (1821-1882)...

 

Tháng 5 năm 1870, đang giữ chức Tổng đốc Sơn – Hưng - Tuyên, ông lâm bệnh và từ trần ngay tại nhiệm sở, được vua Tự Ðức cho quan quân mang di hài về an táng tại quê nhà.

 

Các sử quan triều Nguyễn, trong bộ sử Ðại Nam Thục Lục, đã đánh giá về Nguyễn Bá Nghi như sau: "Bá Nghi trải làm quan khắp trong ngoài, hầu 40 năm, ở triều giữ việc cáo sắc nhà vua, ra ngoài coi một phương diện, văn học đủ dùng, chính thuật khả quan, hai lần làm Tổng đốc hạt Sơn Tây, công lao tỏ rõ, tới nay người dân địa phương ấy vẫn còn truyền tụng."

 

VÀI ÐÍNH CHÍNH CẦN THIẾT VỀ TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN BÁ NGHI

 

Ngoài vai trò một vị quan lại của triều đình, Nguyễn Bá Nghi còn là một nhà thơ, một nhà văn. Vậy, ông đã để lại những tác phẩm nào cho hậu thế? Theo nhà thư tịch học Trần Văn Giáp (1902-1973) trong Lược truyện các tác gia Việt Nam (tập 1, 1971), Nguyễn Bá Nghi để lại 2 tác phẩm: Sư Phần thi văn tập (văn) và Ngự chế cổ kim thư pháp (văn, hiệu đính).

 

Các tác giả về sau, khi viết về tiểu sử Nguyễn Bá Nghi, đã theo Trần Văn Giáp và đều ghi Nguyễn Bá Nghi là tác giả của 2 tác phẩm kể trên.

 

Ngoài ra, Nguyễn Bá Nghi còn có một số bài ghi lại trong các tác phẩm sau đây còn lưu trữ tại Thư viện của viện Hán Nôm tại Hà Nội, đó là:

 

1. Biểu tấu tập (Chư thần tạ biểu)  gồm 42 bài biểu của các quan văn võ triều Nguyễn gởi vua Minh Mạng (1820-1840) và Thiệu Trị (1840-1847) để tỏ lòng biết ơn nhà vua nhân dịp được bổ dụng, được thăng quan, được cử đi sứ...trong đó có những bài biểu của Nguyễn Bá Nghi.

 

2. Cải định thí pháp tấu tập gồm có 2 phần, trong đó một phần gồm những bản tấu trình của Nguyễn Bá Nghi, Lâm Duy Nghĩa, Phạm Quỹ... gởi lên vua Tự Ðức nói về việc sửa đổi quy chế và nội dung thi cử...           

 

3. Chiếu biểu tịnh ngự chế thi gồm nhiều thể loại từ các thể văn hành chánh như chiếu, biểu, dụ...đến các thể loại văn chương như thơ, phú...của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức và một số các triều thần đương thời trong đó có những bài của Nguyễn Bá Nghi.

 

4. Ngự chế lịch đại sử tổng luận do vua Thiệu Trị soạn, bàn về các sự kiện lịch sử của các triều đại và các nhận vật lịch sử Trung Hoa từ thời Bàn Cổ đến thời nhà Thanh. Năm Thiệu Trị thứ sáu (1846) Nguyễn Bá Nghi và Vũ Phạm Khải được giao trông nom công việc hiệu đính cho tác phẩm này của nhà vua. 

 

5. Ngự chế cổ kim thể cách thi pháp tập (sẽ bàn đến trong một phần sau)

 

Sau này có một số tác giả giới thiệu thêm 2 tác phẩm nữa cho là của Nguyễn Bá Nghi, đó là: “Hành Thiện bản ấp lịch triều đăng khoa lục” và vở tuồng “Quần tiên hiến thụy”.

 

Không kể tác phẩm “Sư Phần thi văn tập” là tác phẩm trọn vẹn duy nhất còn lại của Nguyễn Bá Nghi, tên hiệu là Sư Phần, các tác phẩm khác có nhiều điểm cần phải bàn lại và đính chính.

 

* Về tác phẩm Ngự chế cổ kim thư pháp:

 

"Ngự chế" có nghĩa là do vua làm ra. Vậy theo đúng nghĩa, “Ngự chế cổ kim thư pháp chỉ” có thể là tác phẩm của một vị vua nào đó trong lịch sử Việt Nam. Sự thực như thế nào? Theo một trang web chính thức của Viện Hán Nôm ở Hà Nội, không có một tác phẩm nào mang tên “Ngự chế cổ kim thư pháp” của Nguyễn Bá Nghi mà chỉ có một tác phẩm mang tên “Ngự chế cổ kim thể cách thi pháp tập”. 

 

Viện Hán Nôm hiện còn giữ 5 tài liệu, ngoài 4 tài liệu chép tay, còn một tài liệu được in bằng mộc bản mang nhan đề “Ngự chế cổ kim thể cách thi pháp tập” mang số hiệu A.3052. Ðây là một thi tập gồm 157 bài thơ do vua Thiệu Trị (1840-1847) sáng tác (ngự chế), viết theo nhiều thể cách khác nhau có thể đọc xuôi, đọc ngược, đọc ngang, đọc vòng quanh... đều có ý nghĩa (cổ kim thể cách thi pháp). Tác phẩm nầy được 2 ông Nguyễn Bá Nghi và Vũ Phạm Khải (1807-1872) - một tác giả nổi tiếng đương thời - làm công việc hiệu khảo; có thể là 2 ông nầy làm nhiệm vụ phân giải cách đọc các bài thơ của vua Thiệu Trị theo những thi pháp đã được áp dụng trong từng bài thơ mà thôi.

 

Có thể nhà thư pháp học Trần Văn Giáp đã ghi "Ngự chế cổ kim thi pháp", nhưng do lỗi ấn loát nên "thi pháp" mới thành ra "thư pháp" và những tác giả về sau khi viết về tiểu sử Nguyễn Bá Nghi đã lấy một phần tài liệu về những tác phẩm của Nguyễn Bá Nghi dựa theo “Lược truyện các tác gia Việt Nam” nên đều ghi tên tác phẩm “Ngự chế cổ kim thư pháp!”.

 

Vậy ta có thể đi đến kết luận: không có tác phẩm “Ngự chế cổ kim thư pháp” mà chỉ có tác phẩm "Ngự chế cổ kim thể cách thi pháp tập", tác giả chính thức là vua Thiệu Trị. Phó bảng Nguyễn Bá Nghi (cùng Phó bảng Vũ Phạm Khải) chỉ làm công việc hiệu khảo. (Viết theo tài liệu của giáo sư Trần Huy Bích).

 

* Về tác phẩm Hành Thiện bản ấp lịch triều đăng khoa lục:

 

Trong trang Wikipedia, phần tiếng Việt (và một vài tác giả khác nữa), sau khi giới thiệu sơ lược tiểu sử của Nguyễn Bá Nghi (1807-1870), trong phần giới thiệu tác phẩm, thường được ghi như sau:

 

- Sư Phần thi văn tập.

- Ngự chế cổ kim thư pháp.

- Hành Thiện bản ấp lịch triều đăng khoa lục.

 

Ngự chế cổ kim thư pháp đã được bàn đến ở trên.

 

Tác phẩm "Hành Thiện bản ấp lịch triều đăng khoa lục" có thực là tác phẩm của Nguyễn Bá Nghi (1807-1870) người Quảng Ngãi hay không?

 

Chúng ta thử tìm hiểu.

 

Trong sách “Tìm Hiểu Kho Sách Hán-Nôm” (tập I) (1) ta thấy nhà thư tịch học Trần Văn Giáp đã giới thiệu tác phẩm "Hành Thiện bản ấp lịch triều đăng khoa lục" như sau:

 

"[Hành Thiện] Bản Ấp Lịch Triều Ðăng Khoa Lục (Văn Hội Thông Ký), 1 cuốn, Nguyễn Bá Nghi soạn, Nguyễn Xuân Tháp tục biên...".

 

Trong phần kế tiếp, tác giả Trần Văn Giáp nói rõ hơn: "Sách chép danh sách và lược truyện các cụ người làng Hành Thiện thi đậu tiến sĩ, phó bảng, hương cống, cử nhân, tú tài, v.v...từ khoa thi đầu tiên của làng Hành Thiện có người thi đậu, vào khoảng năm Thiệu Bình, Ðại Bảo (1434-1442) đến khoa thi quý mão Thành Thái thứ 15 (1903)" (tr. 307-308).

 

Hành Thiện là một làng cổ, trải qua nhiều danh xưng khác nhau, đến  năm Minh Mạng thứ tư (1823)  được đổi thành xã Hành Thiện, thuộc phủ Xuân Trường, nay là xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh. Trong thời Nho học, từ giữa thế kỷ thứ 15 thời nhà Lê đến đầu thế kỷ thứ 20 thời nhà Nguyễn, một làng Hành Thiện đã có trên 400 người thi đỗ, trong đó có 7 người đỗ đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), gần 100 người đỗ  cử nhân, trên 300 người đỗ tú tài.

 

Khi mô tả tác phẩm, tác giả Trần Văn Giáp đã ghi như sau: "...bài tựa của tác giả thứ nhất, đề năm Cảnh Hưng ất tị thứ 46 (1785): Cảnh Hưng tứ thập lục niên ất tị xuân giám sinh trúng thức Nguyễn Bá Nghi cẩn tự".

 

Cảnh Hưng là niên hiệu của vua Lê Hiển Tông (1740-1786) thời nhà Hậu Lê.

 

Theo như câu trích trên đây, tác giả thứ nhất là Nguyễn Bá Nghi đã viết lời tựa cho quyển "Bản ấp lịch triều đăng khoa lục" từ năm Ất Tị (1785) đời vua Lê Hiển Tông và khi viết lời tựa này, Nguyễn Bá Nghi chỉ là một "giám sinh trúng thức"; 22 năm sau, tức năm Ðinh Mão (1807) đời vua Gia Long (1802-1819) nhà Nguyễn, Nguyễn Bá Nghi người Quảng Ngãi mới sinh ra đời. Vậy Nguyễn Bá Nghi người Quảng Ngãi không thể là tác giả của Hành Thiện bản ấp lịch triều đăng khoa lục mà Nguyễn Bá Nghi, tác giả thứ nhất của tác phẩm này phải là người làng Hành Thiện (như nhan đề sách đã xác minh: Bản ấp lịch triều đăng khoa lục) và ta cũng không biết rõ năm sinh, năm mất cùng hành trạng của ông Nguyễn Bá Nghi nầy.

 

* Về tác phẩm “Quần tiên hiến thụy”.

 

Trong trang web Bách Khoa Trí Thức, phần Tự điển, khi giới thiệu về nhân vật Nguyễn Bá Nghi (?-1870), tác giả đã viết như sau: "Trong thời kỳ làm quan ở kinh đô, gặp lúc vua Minh Mạng tổ chức Ngũ tuần đại khánh, ông được cử làm chủ biên và cùng một số quan lại khác trong triều biên soạn vở Quần tiên hiến thụy để chúc mừng ngày lễ".

 

Vua Minh Mạng sinh năm Tân Hợi (1791), lên ngôi vua năm Canh Thìn (1820) và từ trần vào tháng chạp năm Canh Tý (1840)

 

Theo tiểu sử, Nguyễn Bá Nghi có 3 lần làm quan tại kinh đô Huế:

 

- Lần thứ nhất vào đầu năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), giữ chức thự Giảng học sĩ, tham biện việc Nội các, chưa bao lâu thăng thự Thị lang bộ Lại.

 

- Lần thứ hai vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), đang giữ chức Bố chánh An Giang (Nam Kỳ), Nguyễn Bá Nghi được vời về Kinh giữ chức Thị lang bộ Lễ (chánh tam phẩm), sung làm việc ở Nội các, đến năm 1848, Ông được bổ làm Tuần vũ Hưng Hóa (Bắc Kỳ).

 

- Lần thứ ba vào năm Tự Ðức thứ 12 (1859), Nguyễn Bá Nghi được vời về Kinh giữ chức Thượng thư bộ Hộ, sung Cơ mật viện.

 

Nếu là Ngũ tuần Ðại khánh, ngày lễ này phải được tổ chức vào năm Canh Tý - 1840 (nhà vua từ trần vào tháng Chạp năm này); thế nhưng, vào năm này (1840) Nguyễn Bá Nghi còn đang nhậm chức tại Vĩnh Long, đến đầu triều Thiệu Trị (1841) ông mới về nhậm chức tại Phú Xuân và do đó ông không thể được vua Minh Mạng ủy thác trông coi việc soạn vở tuồng “Quần tiên hiến thụy” để mừng thọ nhà vua được.

 

Có tác giả lại lùi sự kiện này 10 năm, tức mừng Tứ tuần Ðại khánh vào năm Canh Dần - 1830. Cũng theo tiểu sử, Nguyễn Bá Nghi đỗ cử nhân khoa Tân Mão (1831) và đỗ phó bảng khoa Nhâm Thìn (1832) và sau đó ông mới được bổ dụng làm tri huyện. Như vậy Nguyễn Bá Nghi cũng không thể là đồng tác giả của vở tuồng “Quần tiên hiến thụy” như đã dẫn để mừng thọ vua Minh Mạng được vì năm này (1830) ông còn đang lo "sôi kinh nấu sử" để năm sau (1831) kịp vào trường ứng thí.

 

* NGUYỄN BÁ NGHI, MỘT HỌC GIẢ NHIỀU TÂM HUYẾT BỊ LÃNG QUÊN?

 

Trong tác phẩm Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, xuất bản lần đầu năm 1938, học giả Ðào Duy Anh đã nhận xét về Nguyễn Bá Nghi như sau:

 

-"...Thỉnh thoảng cũng có một vài nhà lỗi lạc, như Lê Quý Ðôn là người bác học đa tài đã từng nổi tiếng khắp cõi Á đông, trước thuật rất nhiều sách về đủ các khoa: nho học, phật học, lão học, sử học, văn học, binh học (Hậu Lê); Nguyễn Bá Nghi có sách chú giải lại cả Tứ thư và bỏ hết nghĩa của Tống nho, cùng Nguyễn Hữu Tạo có thuyết chữ "quyền" về sách Luận ngữ, phản với nghĩa của Chu tử (Nguyễn triều)...". (2) 

 

Trong tác phẩm Các nhà khoa bảng Nho học Quảng Ngãi 1819-1918, tác giả Cao Chư đã trích lại lời nhận xét của Huỳnh Thúc Kháng về sở học của Nguyễn Bá Nghi như sau:

 

"Nguyễn Bá Nghi (...) chuyên việc học thực dụng, thường bác Tống nho, có làm sách và xin sửa đổi phép học, đương lúc bấy giờ, người ta cho ông là lập dị, mở đường kiêu ngạo cho bọn hậu học. Ông này học thức nhiều điều đáng phục...". (3) 

 

Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) là một chí sĩ tên tuổi của Việt Nam tiền bán thế kỷ thứ 20, đậu tiến sĩ Nho học khoa Giáp Thìn (1904) năm 28 tuổi, chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân tại Huế suốt 16 năm liền từ ngày ra mắt đầu tiên đến ngày bị chính quyền thực dân Pháp buộc phải đóng cửa (1928-1943).

 

Ðào Duy Anh (1904-1988) là một học giả tên tuổi của Việt Nam từ thời tiền chiến. Tuy xuất thân Tây học, nhưng ông cũng đã nghiên cứu khá kỹ về Nho giáo tại Việt Nam và là tác giả của tác phẩm Khổng giáo phê bình tiểu luận (1938).   

 

Hai học giả, một người xuất thân Nho học, một người nghiên cứu kỹ về Nho học đã có nhận xét như trên về nhà nho Nguyễn Bá Nghi, hẳn nhiên hai ông đã nghiên cứu kỹ về Nguyễn Bá Nghi chứ không phải chỉ nghe phong thanh qua lời đồn đãi trong chốn Nho lâm.

 

Chúng tôi nghĩ rằng các học giả Ðào Duy Anh, Huỳnh Thúc Kháng đã được đọc:

 

- Hoặc từ chính tác phẩm của Nguyễn Bá Nghi. Như ở trên đã nói, tác phẩm của Nguyễn Bá Nghi hiện còn là “Sư Phần thi văn tập” và một số sớ tấu còn lưu trong “Biểu tấu tập”, “Cải định thí pháp tấu tập”, “Chiếu biểu tịnh ngự chế thi”... Có thể trong các tác phẩm nầy, Nguyễn Bá Nghi đã để lại những bài viết phản bác Tống Nho, cổ xúy cho một nền giáo dục thực dụng.

 

- Hoặc đã đọc từ các tác giả lớp trước - những nhà nho đồng thời, hay những nhà nho hậu bối của Nguyễn Bá Nghi - có đề cập đến các tác phẩm thuộc loại nầy của ông.

 

Vì vậy, Ðào Duy Anh mới dám quả quyết "Nguyễn Bá Nghi có sách chú giải lại cả Tứ thư và bỏ hết nghĩa của Tống nho, cùng Nguyễn Hữu Tạo có thuyết chữ "quyền" về sách Luận ngữ, phản với nghĩa của Chu tử (Nguyễn triều)..." và cụ Huỳnh Thúc Kháng mới đi đến kết luận "Nguyễn Bá Nghi (...) chuyên việc học thực dụng, thường bác Tống nho, có làm sách và xin sửa đổi phép học...".

 

Vậy thì, căn cứ vào 2 đoạn tài liệu dẫn thượng ta có thể xác quyết, việc ông Nguyễn Bá Nghi làm công việc chú giải lại bộ Tứ Thư (Ðại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử) của Nho giáo là có thật. Ông Nguyễn Bá Nghi là một học giả nổi tiếng và có ảnh hưởng đương thời là có thật. Nếu không, tại sao khi giới thiệu một nhân vật "lỗi lạc" thời Lê  ông Ðào Duy Anh chỉ nhắc đến tên Lê Quý Ðôn và khi nhắc đến nhân vật "lỗi lạc" thời Nguyễn ông chỉ nhắc đến tên Nguyễn Bá Nghi? Và hẳn ông nghè Huỳnh Thúc Kháng đã tâm đắc với nhiều điều mà Nguyễn Bá Nghi đã viết nên mới mạnh dạn hạ bút viết "ông nầy {tức Nguyễn Bá Nghi} học thức nhiều điều đáng phục".

 

Có thể có 2 lý do khiến cho một số tác phẩm của Nguyễn Bá Nghi - đặc biệt là bộ “Tứ Thư chú giải” - không còn tồn tại.

 

- Sách của ông mang tinh thần bài bác Tống Nho là một hệ ý thức chính thống đang được triều đình nhà Nguyễn áp dụng và đa số nho sĩ đương thời đang theo đuổi. Tinh thần bài bác Tống Nho của ông qua việc chú giải "Tứ Thư và bỏ hết nghĩa của Tống Nho" có thể bị xem là một tư tưởng "phản động". Sách của ông mang tinh thần bài bác Tống Nho nên đã bị ngay giới nho sĩ bảo thủ tìm cách tiêu hủy vì nỗi lo sợ như Huỳnh Thúc Kháng sau này đã xác nhận "đương lúc bấy giờ, người ta cho ông là lập dị, mở đường kiêu ngạo cho bọn hậu học."

 

Chúng tôi ngờ rằng bộ Tứ Thư chú giải của ông chưa được khắc bản và chỉ mới là sách chép tay, do đó số lượng luân lưu trong quần chúng không nhiều.

 

Ngoài lý do nêu trên, sách của ông cũng có thể đã bị mất mát sau này vì lý do chiến tranh.

 

Trước khi xảy ra cuộc chiến tranh Việt - Pháp 1945-1954, tại Việt Nam có nhiều thư viện lớn lưu giữ các tác phẩm Hán Nôm, hoặc in mộc bản hoặc chép tay. Ðó là: Thư viện Trung ương Ðông Dương ở Hà Nội, Thư viện trường Viễn Ðông Bác Cổ ở Hà Nội, Thư viện Bảo Ðại ở Huế, Thư viện Thống đốc Nam Kỳ ở Sài Gòn... Ðó là chưa kể đến các thư viện tư nhân của các nhà trí thức như Long Cương Bảo Tàng Thư Viện của Cao Xuân Dục ở Nghệ Tĩnh hay thư viện của Thượng Chi Phạm Quỳnh ở Huế...

 

Như chúng ta đã biết, cái ngày thường được gọi là ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945, thì cũng trong ngày này và nhiều ngày sau đó đã xảy ra tình trạng nhiều kẻ lợi dụng tình thế rối ren, hỗn quân hỗn quan, đã xông vào những nhà giàu sang quyền quý để cướp của, trong đó có các thư viện bị phá và cướp bóc đến thảm hại. Người ta đã từng chứng kiến cái cảnh các người làm nghề bán ve chai đã đi thu mua các loại sách quý từ các thư viện mà người ta đã đánh cướp được đem đi bán làm giấy vấn thuốc hay giấy gói hàng ở chợ.

 

Nếu không xảy ra 2 tình trạng tang thương cho sách vở như vừa kể, thì những "sách chú giải lại cả Tứ thư và bỏ hết nghĩa của Tống nho" của Nguyễn Bá Nghi ngày nay nằm ở đâu? Chẳng lẽ đây chỉ mới là dự định của Nguyễn Bá Nghi và vẫn chưa được thực hiện thành sách?! Chẳng lẽ những ngòi bút cẩn trọng như học giả Ðào Duy Anh và tiến sĩ nho học Huỳnh Thúc Kháng chỉ vì nghe theo lời đồn mà viết những câu văn "chắc nịch" như đã được nêu lên trên đây!

 

Bàn về cái học của Tống Nho, học giả Trần Trọng Kim đã có nhận xét như sau:

 

"...thiên về mặt cư kính thượng lễ và cùng lý, thành ra một cái học rất chi li, hay câu nệ những tiểu tiết, vụn vặt, trái với tông chỉ khoan dung hoằng đại của Khổng giáo. Cái họa ấy đến đời Minh, đời Thanh hãy còn thịnh, gây ra cái lưu tệ đến bây giờ ta còn trông thấy..."(4) 

 

* "Ðời nhà Thanh tuy có phái Hán học, phái Kinh học, song những sĩ phu còn nhiều người vẫn tôn sùng cái học tinh lý, và triều đình vẫn lấy Tống Nho làm chính học và dùng về khoa cử lấy những lời chú thích của Tống Nho làm gốc". (5) 

 

Tống Nho đã du nhập vào nước ta ngay từ những ngày đầu tiên nó được hình thành trên đất nước Tàu. Từ thời nhà Lý, triều đình đã cho mở khoa thi tam trường để tuyển chọn nhân tài (1075) và mở Quốc tử giám cho con em vào học (1076). Thời gian đầu, trải qua 2 triều đại Lý (1010-1225), Trần (1225-1400), Nho giáo đã có những ảnh hưởng tích cực vào nền giáo dục và xã hội Việt Nam song hành với Phật giáo và Lão giáo, gọi là thời kỳ tam giáo đồng nguyên. Sang đến triều Lê, nhất là từ thời Lê Thánh Tông (1460-1497) trở về sau, Nho giáo giữ vai trò độc quyền, chỉ bo bo vào công việc dào tạo nhân tài bảo vệ cho đế quyền, nên Nho giáo, hay nói đúng hơn là Tống Nho, đã biểu lộ đầy tính phản động, đến nỗi sử gia Trần Trọng Kim phải ngậm ngùi nhận xét: "Từ đời Lê về sau, trải qua nhà Mạc, nhà Hậu Lê trung hưng, sự nho học ở Việt Nam tuy thật là thịnh, nhưng học giả trong nước thường có cái sở đoản rất lớn, là phần nhiều chỉ học lối khoa cử, vụ lấy văn chương để cầu sự đỗ đạt..." (6); học giả Ðào Duy Anh cũng phải than: "Ðến khi nhà Lê quang phục, những chế độ và thư tịch ở đời Lý Trần đã mất tích nên đành bắt chước chế độ của Minh triều, lấy khoa cử làm con đường dụng nhân duy nhất, dùng văn chương bát cổ để làm thước đo nhân tài, và lấy sách Tống nho làm chính thư. Nho học bấy giờ chỉ khư khư ở trong phạm vi cử nghiệp và nằm ép ở dưới quyền của Tống nho" (7) và chí sĩ Phan Châu Trinh trong bài thơ “Chí Thành Thông Thánh” cũng đã phải ngậm ngùi "vạn dân nô lệ cường quyền hạ, bát cổ văn chương túy mộng trung" (muôn dân chịu kiếp sống nô lệ dưới ách cường quyền, vậy mà sĩ tử vẫn mê say trong giấc mộng văn chương bát cổ).

 

Xem thế đủ thấy Nguyễn Bá Nghi đã có cái nhìn vượt thời đại trước cả Trần Trọng Kim, trước cả Huỳnh Thúc Kháng, trước cả Ðào Duy Anh... hàng trăm năm với đòi hỏi cải cách giáo dục, bỏ lối học trọng từ chương mà phải chú trọng vào cái học thực dụng, bài xích Tống Nho (theo HTK).

 

*  *  *

 

Trong bài viết trên đây, ngoài phần đính chính một số ngộ nhận về tác phẩm của Nguyễn Bá Nghi, chúng tôi cũng đã ghi lại một số suy nghĩ của mình về sự nghiệp văn hóa và giáo dục của Ông. Cứ theo như chỗ chúng tôi suy đoán, Nguyễn Bá Nghi quả là một nhà giáo dục nhiều tâm huyết và thực tế, một học giả lỗi lạc và can đảm, dám nêu ý kiến phản bác Tống Nho là một hệ thống triết lý chính trị mà triều đình phong kiến nhà Nguyễn luôn bảo vệ và đề cao để duy trì quyền thống trị của mình.

 

Vậy thì, phải chăng, Nguyễn Bá Nghi, một nhà giáo dục tôn trọng thực dụng, một học giả Nho giáo  lỗi lạc  của thế kỷ thứ 19 đã bị đám hậu bối chúng ta lãng quên? Và đây chẳng phải là điều đáng để cho chúng ta suy ngẫm lắm sao?

 

ÐÀO ÐỨC NHUẬN

 

Ghi chú:

 

(1) Trần Văn Giáp - Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 1 - tr. 307-308

(2) Ðào Duy Anh - Việt Nam văn hóa sử cương - tr. 238

(3) Cao Chư - Các nhà khoa bảng Nhoc học Quảng Ngãi 1819-1918 - tr. 109

(4) Trần Trọng Kim - Nho giáo, tập Thượng - tr. 190

(5) Trần Trọng Kim - Nho giáo, tập Thượng - tr. 340

(6) Trần Trọng Kim - Nho giáo, tập Thượng - tr. 369-370

(7) Ðào Duy Anh - Việt Nam Văn Hóa Sử Cương - tr. 237-238

 

(Trích trong Đặc san Xuân BÍNH THÂN - 2016 của Hội ĐH & TH Quảng Ngãi Nam California)

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Biên khảo: click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh