Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
NAM TIỂU HỌC QUẢNG NGÃI
NGUYỄN DUY LONG

 

Ai cũng có ngôi trường quãng đời niên thiếu.

 

Ngày đó, ở Quảng Ngãi, các bậc sinh thành đều mong mỏi cho con mình khai tâm tại lớp Vỡ lòng, có khi gọi Mẫu giáo Nam Tiểu học. Nhưng lứa tuổi ấy, làm sao có được hình thức thi tuyển nào khả dĩ khách quan. Thước đo công bằng nhất là giao phó cho lá thăm may rủi như xổ số kiến thiết. Hình thức giản đơn mà không hề tốn kém, lựa ra số người trúng tuyển đã hạn định trước (Nghĩ đến cảnh nhốn nhào và lót tay chạy vào trường điểm bây giờ mới thấy cách làm này văn minh đến đâu!)

 

Trường chênh chếch trước mặt nhà nên đến bây giờ cảnh tượng quay số trúng thưởng còn vẩn vơ trong đầu tôi. Các bậc cha mẹ chen kín sân trường, ngửng đầu dõi theo từng lá phiếu rút ra từ lồng cầu quay, hồi hộp ngóng từng cái tên xướng lên qua loa phóng thanh. Đến cái tên cuối cùng. Ngẫu nhĩ duyên may đã mỉm cười, tôi cắp sách học con chữ đầu đời mà ngày ấy gọi là lớp vỡ lòng (lòng vỡ ra, dạ sáng dần, bước đầu đến với chữ nghĩa).

 

Trò vui chơi liên tu bất tận với con ngựa sắt lắc lư, cái cầu tuột thoai thoải, chiếc xích đu bập bênh. Nhà lục giác cân đối giữa sân trường. Cây cổ thụ linh thiêng cành rễ xum xuê, chẳng biết tự bao giờ, đàn chim vướng vít làm tổ trên ngọn chót vót. Chuyện ma quỷ huyền hoặc ngự trị trong đầu óc trẻ thơ. Rồi những buổi chào cờ giữa sân trường nghe huấn thị của thầy hiệu trưởng. Và những gương mặt bình yên, người chị, đứa em, người bạn gặp gỡ thì thầm trò chuyện. Những phiến đá, nhành cây, những chồi non, lộc biếc, những lá thắm, cỏ vàng trong chiều nghiêng nắng đổ. Rực hàng phượng rộ nở và hương dịu dịu len thoảng trong nắng ấm chan hòa.

 

 

Nam Tiểu học. Xin được vụng dẫn đôi lời tôi đã viết ở nơi khác, bằng bút danh khác:

 

(...) Ngôi trường hiện mang tên Tiểu học Nguyễn Nghiêm, có thể xem là hậu thân của ngôi trường mở đầu và làm chứng cho nền giáo dục tân học của Quảng Ngãi gần cả thế kỷ, Trường Công lập Quảng Ngãi (École Officielle de Quang Ngai) thành lập vào những năm 1910. Lịch sử của nó như một dòng chảy gần như liên tục, dù thay đổi tên trường, chuyển di tạm thời và có lúc đứt đoạn do biến cố thời cuộc. Học đường quy mô nhất Quảng Ngãi này dạy chữ Quốc ngữ bậc tiểu học dần thay thế cho nền giáo dục nho học đã tàn tạ. Ban đầu trường nằm trong khu thành cổ, thường gọi là Cẩm Thành, gần bến Tam Thương, cách cổng Bắc Môn (còn gọi là Cửa Bức) chừng 300 thước về phía tây rồi dời đến khu đất mà sau năm 1955 (và đến bây giờ) là nơi tọa lạc của Trường Trung học Trần Quốc Tuấn. Từ năm 1955, trường dịch chuyển vào phía nam, mang tên Nam Tiểu học Quảng Ngãi. Sau biến cố 1975, trường thay đổi tên nhiều lần, Trường Phổ thông cấp 1, số 1, Trường Phổ thông cấp 1 & 2 Nguyễn Nghiêm... (...).

 

Chút tình hoài niệm vừa đổi thay, vừa còn mãi và dường như trong lòng ai đó còn trà trộn cái gì khác nữa. Năm học 2013 – 2014, nhân dạng ngôi trường ăm ắp kỷ niệm dịu ngọt bỗng dưng ra “người thiên cổ”. Cả hai bị đốn ngã không thương tiếc để thành tòa thuế lạnh lùng. Một cục bê tông vuông vành vạnh. Một khối đá đồ sộ nặng nề và thô kệch. Lợi lộc nhãn tiền từ một ngôi trường thấm tháp gì với cục thuế. Ngôi trường sang nơi khác thành một tòa nhà khang trang, hiện đại hơn có hề gì đâu mà phải lâm ly. Vả chăng, không phải là một kiến trúc cổ xưa, trước kia đã chuyển vị rồi, bây giờ thiên di nữa, chả có chuyện gì, cũng thường tình thôi. Đã đành vậy nhưng đặt cục thuế chỗ nào cũng được song không phải bất cứ nơi nào cũng thích hợp cho ngôi trường. Huống chi ngôi trường bề thế, tuổi đời gần cả thế kỷ. Vậy hà cớ gì đục bỏ mà không cứu giữ và truyền lưu nền móng biểu tượng của lâu đài tân học xứ Cẩm Thành.

 

Đám học trò ngày xưa mỗi đứa một phương, nay trở lại tiếc nhớ những dấu vết rêu phong của lứa tuổi thơ ngây. Giá như vài chi tiết văn hóa và lịch sử kể trên được đặt lên bàn cuộc họp quyết định số phận Nam Tiểu học. Người ta đâu cần biết đến chữ nghĩa. Các chức vị chức sắc từ sở ban ngành trở lên ngồi trong cuộc họp ấy, không một ai từng học tại ngôi trường này đã đành, thậm chí cái tên Nam Tiểu học chắc cũng không biết nốt.

 

Nhưng ác thay, biết làm sao được, khối chuyện bể dâu chìm nổi giữa biển đời bất tận. Viện dẫn đâu cho xa xôi, năm nào Ngân hàng Nhà nước thế chân Trường Thu Lộ, năm nào Trường Thánh Tâm bị dọn dẹp thành Ngân hàng Nông nghiệp, năm nào Trường Tư Chánh A bị lấy làm Khách sạn Trung tâm... Nhìn đâu cũng thấy cơn lốc dai dẳng giữa quyền và lợi câu kết nhau trên những dự án trưng thu khu đất vàng. Chính sự tình ấy khiến không khỏi lẩn thẩn tự hỏi, bao giờ đến lượt những nơi đắc địa chịu cuộc vần xoay đổi chỗ sang tên trớ trêu. Rồi sự đỏng đảnh của tạo hóa mà bao giờ đến phiên Trường Trần Quốc Tuấn nhường cứ địa, biến thành đống xà bần như bao nhiêu “việc đã rồi” khác? (Năm 2010, số phận của nó đã đong đưa khi phải nép một phần dành cho con đường dẫn vào Siêu thị Co-opmart).

 

Cách đây không lâu, bạn hiền Phạm Hữu Hòa, từ Sài Gòn gọi ra, giọng bực bội: Riêng vụ này thôi cũng đủ đưa ông Cao Khoa vào “huyền thoại” khó gột rửa của ngành giáo dục Quảng Ngãi. Và châm thêm, sau này, cái tên chủ tịch thì vắt óc mới nhớ nổi còn sự kiện gắn với chức danh chủ tịch làm sao quên đàm tiếu được. Liệu quy đổ cho riêng một ông A hay ông B nào đó được không? Nhất định không rồi. Phải kể đến vị tiền nhiệm, lãnh đạo đương quyền và cả thuộc cấp hữu quyền nữa. Nghĩ đến tiếng vỗ tay và trò chơi bấm nút biểu quyết, ai cũng phải ngả mũ nghiêng mình trước họ Vũ biệt danh “Ông vua phóng sự đất Bắc”: “Cái giường của me Tây cũng giống như cái dùi cui của thầy cảnh sát, cũng giống như cái cổ của một ông nghị An Nam”. Ví von cái cổ gật đầu phục tùng của ông nghị nước Nam như công cụ hành nghề của me Tây thì chế giễu nào bóng bẩy và ý nhị hơn! 

 

Phỏng xét nét gì được kẻ chẳng buồn nhận thức lịch sử và hành xử thất thố với văn hóa. Mấy ai biết đến cái tên gần gụi Nam Tiểu học. Có ai kiêu hãnh là có gốc gác từ ngôi trường ấy? Có phải là vì không một ông cốp cỡ bự nào xuất thân từ đây? Hay chẳng học sinh nào vinh dự “gánh vác sứ mệnh xoay chuyển thời cuộc” ở tỉnh này. Phải chăng đó là nguồn cơn nhưng... dừng lại đi thôi. Bởi giọng đang mềm mại, xốn xang dâng trào bao cảm xúc mà lạc sâu vào, không kìm lòng được, dễ mất bình tĩnh mà buột miệng thốt lên vài câu đằng đằng hung hăng.

 

Đến đây, tôi chợt nhớ ông bạn cùng họ Nguyễn, cùng mài đũng quần lớp mẫu giáo xóm, trường làng Nam Tiểu học. Và trường huyện cấp II Nguyễn Nghiêm rồi lên trường tỉnh Trần Quốc Tuấn (Ước lệ gọi là “xóm” lên “tỉnh” chứ thực ra mấy ngôi trường này cách nhau không bao nhiêu bước chân). Rồi năm tháng cùng ở Y Huế và ra đến Y Hà Nội. Và bây giờ, không phải kẻ góc bể, người chân trời, muôn dặm quan san, cả hai cùng về tòng sự một nơi và dường như vẫn còn thủy chung với nơi ấy.

 

Tôi nhớ như in lễ trao bằng danh dự hàng tháng, thời khắc phát thưởng cuối năm. Và bất giác nhớ đến người luôn dẫn đầu lớp. Vậy là, tôi quấy quá nhờ ông bạn chụp bằng khen thưởng, bảng danh dự đã mấy chục năm rồi. Và nhặt nhạnh vài cái tên đã khuất lấp còn lưu lại ở đó. Cảnh cũ người xưa có khi mang tên Trường Nam Tiểu học Thị xã Quảng Ngãi, có lúc đổi thành Trường Tiểu học Cộng đồng Nam Tiểu học hay Trường Cộng đồng Nam Tiểu học Quảng Ngãi.

 

Từ ngôi trường, bắt qua người bạn, nhân thể chờ lấy cái cớ đẩy đưa về mình. Tưởng khéo té ra dại dột, tẽn tò che giấu đâu được. Xin được phép hết chuyện.

                                                                           

12.2014

NGUYỄN DUY LONG

 

(Trích Đặc san Xuân Bính Thân – 2016 của Hội ĐH & TH Quảng Ngãi Nam California)

 

*  *  *

 

Xem các bài cùng tác giả, click vào đây

Xem trang Đất nước, con người, click vào đây

Trở về trang chính http://www.nuiansongtra.net

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh