Dẫn Nhập:
Ðã có sự ngộ nhận về lai lịch của trường Trung Học Lê Khiết, học đường trung học công lập đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi do đốc học Nguyễn Vỹ làm hiệu trưởng, từng hình thành và khai giảng từ niên khóa 1945-1946 tại địa điểm thời đó là trường Nam Tiểu Học Quảng Ngãi (École Primaire Complémentaire des Garçons de Quảng Ngãi), và cũng trong khuôn viên ấy nay là trường Trung Học Trần Quốc Tuấn (TH.TQT). Sự ngộ nhận này đã tồn tại suốt 70 năm kể từ 1945 đến nay, cụ thể như qua những bài viết đăng trong các cuốn kỷ yếu Lê Khiết hoặc tạp chí Xưa & Nay xuất bản sau khi trường Lê Khiết được tái lập năm 1990.
Sự thành lập trường Trung Học công lập Lê Khiết có thể coi là một sự kiện rất quan trọng trong lịch sử phát triển giáo dục của Quảng Ngãi, từ khi nền giáo dục tân học và chữ quốc ngữ bắt đầu 32 năm trước (1913) nhưng chỉ có học đường công lập bậc tiểu học được xây dựng; cũng có 3 trường trung học do tư nhân lập ra là Cẩm Bàng, Victor Hugo, và Trần Du, mà thật ra chỉ là các lớp dạy kèm cho các học sinh đã đậu bằng Tiểu Học nhưng thiếu điều kiện đi Quy Nhơn hoặc Huế để học lên trung học. Vì thế, việc xác định lai lịch của trường Lê Khiết là đặc biệt quan trọng và cần thiết.
A- Trích Dẫn Một Số Nhận Thức Chủ Quan & Khách Quan Tiêu Biểu Về Lai Lịch Của Trường Lê Khiết:
(Ðọc thấy trong những bài viết của các cựu giáo chức hoặc học sinh của trường, từ lúc thành lập năm 1945 đến 1954 trường ngưng hoạt động khi hiệp định Genève chia đôi đất nước được ký kết. Tác giả những bài viết ấy, sau năm 1975 thời Xã Hội Chủ Nghĩa là giới chức chính quyền hoặc trong ngành văn hóa giáo dục):
a- "...Trường Trung Học Lê Khiết - con đẻ của cách mạng Tháng Tám, tính đến nay đã tròn 60 năm..." (Lê Văn Vĩnh, Lời Mở Ðầu, trang 11, Kỷ Yếu 60 Năm Thầy Trò Trường Trung Học Lê Khiết, Sở Giáo Dục và Ðào Tạo Quảng Ngãi - 2005).
b- "...Năm 2005 kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và 15 năm ngày tái lập Trường Trung Học Lê Khiết - con đẻ của cách mạng Tháng Tám..." (Vài Lời Của Nhóm Biên Soạn, trang 13, kỷ yếu vừa dẫn ở trên).
c- "...Ðến cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng có Trường Trung Học Lê Khiết..." (Nguyễn Tấn Ðắc, Trên Nền Cũ của Trường TH.TQT, trang 55, Kỷ Yếu 50 Năm Trường THTQT Quảng Ngãi 1955-2005).
d- "...Việc thành lập trường Lê Khiết không tìm được tài liệu lưu trữ chứng minh, nhưng có hề chi. Ông hiệu trưởng đầu tiên, ông hiệu trưởng cuối cùng và hàng chục thầy còn sống đang làm việc, hàng ngàn học sinh với các cương vị khác nhau đang sống và làm việc trên cả nước. Trong trường hợp này việc tìm lại "giấy khai sinh" (quyết định thành lập) của Trường Lê Khiết có thì càng quý mà không có cũng chẳng sao..." (Nguyễn Quế, Trường Lê Khiết, trang 15, Xưa & Nay số 152 tháng 11-2003).
Chân dung giáo sư Nguyễn Vỹ
B- Phần Phản Biện:
Hai câu trích dẫn a và b cùng cho rằng:
Trường Lê Khiết là con đẻ của cách mạng Tháng Tám, cũng có thể được hiểu như là con đẻ của chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH). Ðây là lời khẳng định nhưng không kèm theo chứng cứ.
Câu trích dẫn c:
Có nội dung giản dị và khách quan không có gì để tranh luận. Nhưng thật đáng tiếc, ông Nguyễn Tấn Ðắc đã bỏ qua cơ hội trình bày cụ thể hơn về lai lịch của trường Lê Khiết, vì:
- Trong khuôn viên trường Lê Khiết vừa lập, cũng là trường Nam Tiểu Học Quảng Ngãi nơi ông từng theo học 6 năm bậc tiểu học thời những năm 1930; và trong niên khóa giao thời 1945-1946 chính thân phụ ông là trợ giáo Nguyễn Tấn Ðức vẫn đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng Trường Nam Tiểu Học Quảng Ngãi. Sau đó, ông lại được đốc học Nguyễn Vỹ mời vào ban giảng huấn trường Lê Khiết. Nhưng đáng nói hơn cả, chính ông Nguyễn Tấn Ðắc lại là một trong số người tham dự ngày Hội trường Lê Khiết tổ chức năm 1993, và đã nghe vị hiệu trưởng đầu tiên của trường là Nguyễn Vỹ - lúc ấy đã 93 tuổi được mời về từ Nha Trang - xác định lai lịch trường Lê Khiết.
XÁC ÐỊNH LAI LỊCH TRƯỜNG LÊ KHIẾT
Trích đoạn bài phát biểu "Trường Lê Khiết Thân Yêu Của Chúng Ta" của đốc học Nguyễn Vỹ, đăng trong ấn phẩm Trường Lê Khiết Từ 1945 Ðến Nay, trang 13-16, Sở Giáo Dục Ðào Tạo Quảng Ngãi phát hành năm 2003:
"...Tôi là người có hân hạnh góp phần vào việc thành lập trường Trung Học Lê Khiết trong những bước đầu, tôi xin phép ghi lại đây đôi nét về lịch sử nhà trường.
...Năm 1945, tôi đang dạy ở trường Khải Ðịnh - Huế, ông thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn, nhà toán học nổi tiếng nước ta, bộ trưởng bộ Giáo Dục trong chính phủ Trần Trọng Kim mời tôi lên phòng giấy:
- Bộ tôi dự trù lập một trường trung học cho tỉnh Quảng Ngãi, biết ông là người tỉnh ấy, ông có vui lòng nhận trách nhiệm đó không?
- Thưa ông bộ trưởng, tôi rất vui lòng.
. . . . . .
Lập một trường học phải có trường ốc, học trò, sách vở, và nhất là thầy giáo. Bình thường trung ương dự trù và quyết định. Bấy giờ khác hẳn, gần như tôi phải đơn thương độc mã chu toàn mọi mặt.
. . . . . .
Tôi lấy tên Lê Khiết đặt cho trường, không biết tên vị anh hùng có chữ lót "Tựu", nên đã không ghi vào, đó là một lỗi lớn.
. . . . . .
Về trường sở, tôi được phép ghép mấy lớp trung học vào trường Nam Tiểu Học Quảng Ngãi chỗ trường Trần Quốc Tuấn bây giờ." (hết trích)
Chân dung Lê Tựu Khiết
Ðể tìm hiểu lý do việc thành lập trường Lê Khiết không tìm được tài liệu lưu trữ chứng minh như đã nêu ở phần trích dẫn d, và tại sao đốc học Nguyễn Vỹ phải đơn thương độc mã chu toàn mọi mặt khi được bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn bổ nhiệm về Quảng Ngãi lập trường vào mùa hè năm 1945 để sẵn sàng khai giảng cho niên khóa 1945-1946. Hãy cùng lần giở những trang lịch sử nước nhà đang lúc xảy ra Một Cơn Gió Bụi (tên một thiên hồi ký ngậm ngùi của nhà học giả tài hoa chủ trương chính trị vương đạo là thủ tướng Trần Trọng Kim, kể lại thời thế nghiệt ngã của Việt Nam vào mùa hè năm ấy) khi trường Lê Khiết bắt đầu hình thành, cụ thể là từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 9-1945:
- Ngày 9-3: Nhật đảo chính Pháp.
- Ngày 11-3: Vua Bảo Ðại tuyên bố nước nhà độc lập (quốc hiệu Việt Nam, thủ tướng chính phủ là Trần Trọng Kim - tồn tại 159 ngày).
- Ngày 19-8: Việt Minh cướp chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim khi Nhật đầu hàng Ðồng Minh.
- Từ 19-8 đến 23-8: 5 ngày bàn giao chính quyền.
- Từ 23-8 đến ngày Chủ Nhật 2-9: chỉ có 9 ngày để chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành hình và trình diện.
. . . . . .
- Ngày Thứ Hai 3-9-1945: ngày khai trường đầu tiên trên cả nước thời chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, căn cứ theo "Thư Gửi Các Cháu Học Sinh" của chủ tịch Hồ Chí Minh đề ngày 3-9, nay còn lưu trong văn khố Hà Nội.
C- Kết Luận:
Như vậy, trường Lê Khiết rõ ràng đã có hạt giống lai lịch từ thời chính phủ Trần Trọng Kim trong đoạn văn mà ông hiệu trưởng Nguyễn Vỹ gọi là đôi nét về lịch sử nhà trường, nhưng lúc trường sắp hình thành thì chính phủ này mất quyền và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chưa cầm quyền đang cùng tiến hành thủ tục bàn giao. Người phải đảm đương mọi việc để thành lập và thậm chí lo đặt tên cho trường trong vòng 10 ngày để kịp khai giảng vào ngày Thứ Hai 3-9-1945, chính là người cha đỡ đầu cao quý của trường Lê Khiết - là ông hiệu trưởng Nguyễn Vỹ, rất xứng đáng được các thế hệ thầy trò trường Lê Khiết tôn vinh. Do đó, cũng có thể kết luận rằng trường Lê Khiết không phải là con đẻ của cách mạng Tháng Tám như sự ngộ nhận đã tồn tại suốt 70 năm, và chính quyền Việt Nam Dạn Chủ Cộng Hòa trên thực tế chỉ là cơ quan hành chính cấp giấy khai sinh cho trường Trung Học Lê Khiết mà thôi.
MỘT SỐ SỰ KIỆN & NHÂN VẬT LIÊN QUAN ÐẾN TRƯỜNG LÊ KHIẾT TRONG GIAI ÐOẠN HÌNH THÀNH
Mọi sinh hoạt học đường vẫn tương đối ổn định trong thời gian 5 tháng cầm quyền ngắn ngủi của chính phủ Trần Trọng Kim, quan đầu tỉnh Quảng Ngãi vẫn là Tuần vũ Lê Văn Ðịnh (tư liệu của cụ Phạm Am tức Thừa Am: danh tính của các quan Tuần vũ Quảng Ngãi thời vua Bảo Ðại). Niên học 1944-1945 đã qua gần hết, sau ngày Nhật đảo chánh Pháp 9-3 các trường học vẫn mở cửa. Giáo trình từ thời "Pháp bảo hộ" không có gì thay đổi, mặc dù bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn đã có kế hoạch cải tổ phổ cập Việt ngữ bậc tiểu học và cả bậc trung học dự trù thực hiện vào niên khóa tới. Ðiều khác biệt quan trọng nhất là vào ngày đầu tuần học trò không còn phải chào cờ tam tài và hát bài Marseillaise quốc ca của Pháp nữa, mà chào quốc kỳ màu vàng 3 vạch đỏ quẻ ly và hát quốc ca Này Thanh Niên Ơi (nguyên là bài hát Này Sinh Viên Ơi của Lưu Hữu Phước có đổi lời), và môn lịch sử Việt Nam bắt đầu được giảng dạy thay vì lịch sử Pháp. Ðốc học Nguyễn Ðịnh vẫn tiếp tục lãnh đạo học đường bậc tiểu học, và kỳ thi tốt nghiêp dành cho học sinh lớp Nhất của 8 trường tiểu học toàn tỉnh (hai trường ở thị xã và 6 trường ở 6 huyện đồng bằng) cũng được tổ chức vào đầu mùa hè. Những thí sinh thi đậu (chẳng hạn như Trương Quang Dư - sinh năm 1930 hiện cư ngụ ở Quảng Ngãi, và Tạ Công Soại - sinh năm 1932 hiện cư ngụ ở Nam California, trước năm 1975 từng là hiệu trưởng hai trường trung học ở Quảng Ngãi), sau đó được lãnh bằng khi trường khai giảng niên khóa 1945-1946 thời chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Những sự kiện thuộc lãnh vực giáo dục, như vậy, vẫn tuần tự diễn tiến qua các biến chuyển thời thế; và một chứng nhân đáng tin cậy là nhà giáo Tạ Thị Phương tức bà Võ Bảo (sinh năm 1924, hiện cư trú ở Bắc California, trước năm 1975 từng là thanh tra tiểu học tỉnh Quảng Ngãi) đã là một trong số những giám thị kỳ thi tiểu học mùa hè 1945 tại trường Nam Tiểu Học Quảng Ngãi - đối diện với nhà riêng của bà.
Kể từ niên khóa 1945-1946 thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, một trong những cải cách đáng kể, nhưng chỉ thực hiện ở liên khu 4 và liên khu 5 thuộc miền Trung, là cả hai bậc tiểu học và trung học chỉ có 9 lớp; nên trường Trung học Lê Khiết Quảng Ngãi, các lớp 5, 6, và 7 được coi là cấp hai, hai lớp 8 và 9 là cấp ba. Nguyên trước năm 1945, bậc tiểu học có đến 6 lớp (vì có hai lớp nhì nhất niên và nhì nhị niên), sau đó học sinh dự thi lấy bằng Tiểu học. Do từ niên khóa 1945-1946 bậc tiểu học chỉ còn 4 lớp, gọi giản dị là các lớp 1, 2, 3 và 4; nên khi đậu bằng Tiểu học các học sinh (như Trương Quang Dư và Tạ Công Soại nói trên) sẽ lên học lớp 7. Như vây, khi trường Lê Khiết khai giảng thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã có sẵn ba lớp cấp hai là 5, 6, và 7 chính là ý mà ông hiệu trưởng Nguyễn Vỹ nhắc đến trong bài phát biểu vào năm 1993 đã trích ở phần trên "tôi được phép ghép mấy lớp trung học vào trường Nam Tiểu Học Quảng Ngãi, chỗ trường Trần Quốc Tuấn bây giờ". Câu này đồng thời cũng cho thấy trường Nam Tiểu Học Quảng Ngãi vẫn ở chung địa điểm với trường Lê Khiết và về sau cùng sơ tán hoặc di chuyển đến địa điểm khác khi cơ sở này bị phá hủy theo lịnh "tiêu thổ kháng chiến".
Chắc chắn cả các vị thày cũng như học trò của trường Lê Khiết, vốn có lai lịch từ thời chính quyền Trần Trọng Kim, đã sớm tiếp thu nhiều kiến thức tân tiến của nền văn minh và khoa học Tây phương qua giáo dục theo mô hình của Pháp. Tuy nhiên, có thể tin rằng họ vẫn giữ được bản sắc Việt Nam nhờ truyền thống tôn sư trọng đạo; lại thấm nhuần tinh thần Quốc Văn Giáo Khoa Thư, do nhà giáo Trần Trọng Kim cùng các ông Nguyễn Văn Ngọc, Ðặng Ðình Phúc và Ðỗ Thận dày công biên soạn với hoài bão giúp các thế hệ thiếu niên thời nửa đầu thế kỷ XX trở thành người Việt chân chính và hữu dụng cho nước nhà. Thật vậy, đã có rất nhiều nhà giáo từ buổi đầu đến mãi về sau vẫn trung thành với sứ mạng cao quý ấy, điển hình như các vị: Nguyễn Biên, Trần Như Cảnh, Bùi Ðức Chu, Nguyễn Diễn, Lê Kỉnh, Thái Ðức Nhuận, Nguyễn Quới, Hoàng Ngọc Thành, Võ Thu Tịnh, Hoàng Tụy, Lê Trí Viễn, v.v... Nhưng đáng kể nhất chính là vị hiệu trưởng đầu tiên của trường Lê Khiết: Ðốc học Nguyễn Vỹ.
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ ÐỐC HỌC NGUYỄN VỸ (1901-2004)
Hiệu trưởng Nguyễn Vỹ quê ở Nghĩa Hành, sinh năm Tân Sửu 1901. Ông là một trong những học sinh đã bắt đầu theo học trường Tiểu Học Quảng Ngãi (École Officielle de Quảng Ngãi) từ niên khóa đầu tiên 1913-1914 là học đường tân học và chữ quốc ngữ vừa được thành lập trong thành cổ gần cổng Bắc môn (cửa Bức). Khi các bạn cùng lớp khác như Trần Châu, Thái Ðức Nhuận, Võ Ðình Dương, v.v... 8 năm sau trở về trường Tiểu Học Quảng Ngãi dạy học, ông Nguyễn Vỹ tiếp tục học ban Tú Tài và chuyên ngành sư phạm rồi trở thành giáo sư trường Trung Học Khải Ðịnh ở Huế. Ðến gần cuối niên khóa 1944-1945 sau khi Nhật đảo chánh Pháp, đốc học Nguyễn Vỹ được bộ trưởng giáo dục Hoàng Xuân Hãn trong chính phủ Trần Trọng Kim ủy nhiệm về thành lập và làm hiệu trưởng trường trung học công lập đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi, được chính ông đặt tên là trường Lê Khiết. Về sau, thời chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ông được thăng chức giám đốc giáo dục liên khu 5.
Sau hiệp định Genève 1954, đốc học Nguyễn Vỹ được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bổ nhiệm chức vụ trưởng ty Tiểu Học Quảng Ngãi, thời tỉnh trưởng Phạm Ðình Nghị nguyên là giáo sư trường Lê Khiết. Cùng làm việc ở ty Tiểu Học có trưởng phòng nhân viên là nhà giáo thâm niên Võ Ðình Dương, lại là bạn học xưa ở trường Tiểu Học Quảng Ngãi. Thời gian sau đó, ông thuyên chuyển vào Nha Trang nhận chức hiệu trưởng trường Trung Học Võ Tánh cho đến khi về hưu. Năm 1993, đốc học Nguyễn Vỹ còn khoẻ mạnh tinh tường ở tuổi 93 được mời về Quảng Ngãi dự ngày Hội trường Lê Khiết, đã có cơ hội trình bày về lai lịch trường Lê Khiết sau mấy năm trường được tái lập. Từ năm 1975 về sau ông vẫn sống ở Nha Trang tại số nhà 4 đường Trần Văn Ơn, cùng người con trai thứ là Nguyễn Duyên (em của giáo sư Nguyễn Quới) cũng là một cựu học sinh trường Lê Khiết. Ðốc học Nguyễn Vỹ mất năm Giáp Thân 2004 thọ 104 tuổi, là một trong hai vị thầy am tường nhất về lịch sử giáo dục Quảng Ngãi trong suốt thế kỷ XX, vị kia là trợ giáo Võ Ðình Dương qua đời năm Ðinh Hợi 2007 thọ 107 tuổi.
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỬ NHÂN LÊ TỰU KHIẾT (1857-1908)
Ông Lê Tựu Khiết sinh năm Ðinh Tỵ 1857 tại làng An Ba, nay là Hành Thịnh huyện Nghĩa Hành, là con của cử nhân Lê Văn Diễn. Ông tên hiệu là Dương Phong, tự Huy Thanh, đậu cử nhân khoa Nhâm Ngọ 1882, thường được gọi là Bố Khiết vì từng là quan Bố chánh Nghệ An (kiêm tổng đốc Nghệ Tĩnh). Sau khi thôi việc quan, cử nhân Lê Tựu Khiết về quê và mở tiệm thuốc bắc gần thành cổ Quảng Ngãi.
Năm 1908, ông là một trong những lãnh tụ phong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi tham gia vụ Trung Kỳ Dân Biến, còn gọi là Kháng Thuế ở Trung Kỳ cùng với Nguyễn Bá Loan, Lê Ðình Cẩn, Nguyễn Ðình Quản và bị bắt giam khi cuộc dân biến bị dập tắt. Ông bị tử hình ngày 23-4-1908 (Mậu Thân) ở phía đông thành Quảng Ngãi. Tên ông, Lê Tựu Khiết chính là Lê Khiết, đã được đốc học Nguyễn Vỹ đặt cho trường trung học công lập đầu tiên thành lập tại tỉnh nhà Quảng Ngãi năm 1945.
PHẠM ÐÔNG VĂN
(Trích Đặc san Xuân Bính Thân – 2016 của Hội ĐH & TH Quảng Ngãi Nam California).
* * *
Xem các bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang “QN: Đất nước, con người, click tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com