Kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 195 ngày mất của Đại Thi Hào Nguyễn Du (01/07/1765 – 18/09/1820)
Dòng tộc nho phong
Gia môn thế phiệt.
Khí thiêng Hồng Lĩnh hun đúc nhân tài
Nguồn mạch sông La ươm mầm hiệt kiệt.
Nhớ người xưa.
Nức tiếng thơm cửa Khổng sân Trình
Nồng hương đạo Chu Công Phó Duyệt.
Bút nghiên nặng nợ chữ thánh hiền đậm chất thanh cao
Ơn nước đa mang câu thần tử trọn niềm khí tiết!
Kết nối gió trăng roi chầu phách nhịp gẫm nòi tình cũng lắm vẻ phong lưu
Giao hảo bạn bè thi họa cầm kỳ đường ứng xử nổi danh người lịch thiệp
Nào hay:
Cơn chính biến tông đường tan nát bước hoạn đồ thẹn với non sông
Buổi giao thời vận hội trớ trêu đầu bạch phát đau cùng tuế nguyệt. (1)
Mộng phù Lê hùng chí dẫu phai tàn
Thanh Hiên ký nỗi niềm lưu thống thiết.
Mười sáu năm phong trần luân lạc nỗi cơ cầu con tạo khéo trêu ngươi?
Năm lăm năm giông tố dập vùi thân đa bệnh trời già sao cay nghiệt!
Mũ cánh chuồn, lưng đai bạc chốn quan trường hổ cái dàm danh
Câu trung nghĩa ý can trường nơi chín bệ dằn lời tâm huyết.
Miếng đỉnh chung mỏi gối sân chầu
Mồi danh lợi mòn lưng cửa khuyết.
Thôi thì:
Tô cơm hẩm đọt rau rừng, vui cùng gió mát trăng trong
Chung rượu nhạt đĩa tinh diêm thoả với non xanh nước biếc.
Mượn khúc đoạn trường phổ cung bạc mệnh dụng thi thần khóc kiếp hồng nhan
Nương thiên tình sử hý họa nhân tình cậy bút sắc, giải điều oan nghiệp.
Cung trường hận, mắt hoen sầu vạn cổ xót Thuý Kiều chưa thoát nợ đa truân
Giây oan buồn, lệ đẫm tận thiên thu thương Từ Hải lỡ lầm mưu quỷ quyệt.
Trời tháng bảy mưa ngâu sùi sụt, cõi nhân gian thương kẻ lạc loài
Tiết thu phân gió bấc lạnh lùng, nơi âm cảnh oan hồn rên xiết.
Nỗi đau đời mãi day dứt khôn nguôi,
Lòng nhân ái sao ngậm ngùi da diết?
Cảm khái thay!
Bầu hận sự khôn giải bày tâm khảm, nén tủi hờn rũ áo từ quan
Mộng công khanh dù ngán ngẩm thế thời cảm ân sủng về kinh phụng tiệp.
Đường thiên lý “Bắc Hành” cống tuế mệnh quân vương ngộ biến tùng quyền
Chốn triều trung kết mối bang giao mang sở học trổ tài biện thuyết.
Viếng Lỗi Dương cộng cảm nổi ai hoài
Khấp Tử Mỹ nghẹn ngào lời “Tam Biệt…”. (2)
Chí đồng thanh muôn thuở kính bậc thầy
Dạ đồng khí trọn đời tôn thánh triết.
Hồn phấn đại còn nương làn sương khói, nghiệp văn chương thêm tỏ nét hình hài
Khách râu mày chạnh xót giải gò hoang câu phong vận mơ màng cơn mộng điệp.
Đời cuồn cuộn dương tà nguyệt khuyết nỗi oan khiên đâu chỉ gái Tây Hồ
Phận long đong gió giật sóng vùi chữ tài mệnh riêng gì trai Nam Việt. (3)
Cảm phục thay!
Hồng Sơn Liệp Hộ gót vân du còn lưu dấu thiên tài
Đoạn Trường Tân Thanh lời tao nhã hồn thơ bất diệt.
Kim cổ kỳ thư
Văn chương trác tuyệt.
Tài hoa chi cho con tạo ghét ghen
Đa tình lắm để ngàn sau tưởng tiếc.
Long Thành, ngày 27 tháng 07 năm 2015
Nhị Bách Ngũ Thập Niên Bái
Hậu bối Du Phong (Trần Ngọc Chí) cẩn bút
Chú thích:
(1) Nguyễn Du: thân thế và sự nghiệp:
Nguyễn Du sinh ngày 01/07/1765 mất ngày 16/09/1820, ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh tự Tố Như hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ.
Xuất thân trong một gia đình đại quý tộc thời Lê. Cha Nguyễn Nghiễm (1707-1775) đỗ tiến sĩ làm tới chức Tư Đồ Bình Nam Đại tướng quân, tước xuân Quận Công. Mẹ Trần Thị Tần (1740-1778) đẹp nổi tiếng đất Kinh Bắc. Anh cùng cha khác mẹ Nguyễn Khản (1734 - 1786) đỗ tiến sĩ làm đến chức Thượng Thư Bộ Lại tước Đoản Quận Công. Thủa nhỏ ông ở cùng cha và anh trai sống tại Kinh Thành Thăng Long. Lên 10 tuổi cha mất và 3 năm sau mẹ ông cũng qua đời. Năm 1783 ông đi thi và đậu tú tài; Nguyễn Du sống phong lưu không được bao lâu thì dinh cơ của Nguyễn Khản bị kiêu binh nổi dậy đập phá tan tành. Nguyễn Khản chạy lên Sơn Tây rồi về Hà Tĩnh đau bệnh và mất.
Năm 1786 Bắc Bình Vương ra Bắc Hà dẹp loạn lần thứ nhất, ông chạy về Thái Nguyên sống với người cha nuôi họ Hà. Năm 1788 nhà Thanh cử Tổng Đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân xâm lược nước ta. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế lấy hiệu là Quang Trung đem quân thần tốc ra Bắc đánh tan tác 20 vạn quân Thanh vào mùa xuân 1789, cơ nghiệp nhà Lê chấm dứt vào mùa xuân Kỷ Dậu lịch sử. (Từ Thế Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi đến Lê Chiêu Thống 361 năm 1428 – 1789).
Nguyễn Du về quê vợ ở Thái Bình ẩn náu, 10 năm sống trong cảnh bần hàn cơ cực, bệnh tật làm tóc ông bạc phơ khi chưa tròn 30 tuổi. Ông rời Thái Bình về quê cha Hà Tĩnh 6 năm, nhưng cuộc sống cũng chẳng khá gì hơn. Không như anh ông là Nguyễn Nễ và anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn ra làm quan cho nhà Tây Sơn. Một người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Quýnh nổi lên chống lại Tây Sơn 1796 bị giết chết. Lúc này dinh cơ của Nguyễn Tiên Điền ở Hà Tĩnh bị quân lính Tây Sơn phá sạch. Phần ông toan vào Nam phò Nguyễn Ánh vì ông nghĩ dù sao Nguyễn Ánh cũng là tôi thần nhà Lê. Ông bị tướng Tây Sơn là Nguyễn Thận bắt, vì là bạn của Nguyễn Nễ hơn nữa cũng tiếc tài ông nên giam ba tháng rồi cho về.
Năm 1802 khi vua Gia Long thống nhất giang san xuống chiếu mời cựu thần nhà Lê ra giúp nước, không dám kháng chỉ trái mệnh triều đình ông về kinh, được vua Gia Long phong làm tri huyện Phù Dung thuộc Khoái Châu nay là tỉnh Hải Hưng, ba tháng sau thăng tri phủ Thường Tín, Sơn Tây. Trong 19 năm làm quan cho triều Nguyễn ông đã 3 lần xin từ quan, lần thứ nhất vào mùa thu năm 1804; lần thứ hai 1808 và lần thứ ba năm 1812. Và cả ba lần sau vài tháng vua Gia Long lại có chiếu chỉ vời ông về kinh thăng chức cho ông: Lần thứ nhất thăng Đông Các Học Sĩ năm 1806, lần thứ hai thăng Cai Bạ Quảng Bình (bố chánh) 1808, lần thứ 3 thăng Cần Chánh Điện Học Sĩ năm 1813, sung chức chánh sứ sang Trung Quốc lần thứ nhất và sau khi đi sứ về nước năm 1814 lại thăng chức Hữu Tham Tri Bộ Lễ. Mặc dù đã làm quan đến chức tòng nhị phẩm triều đình, nhưng ông biết đây là chính sách khôn khéo dùng người của vua Gia Long đối với nhân sĩ Bắc Hà, còn quyền chính thực thụ bàn việc cơ mật quốc gia nằm trong tay những công thần Vọng Các. Buồn chí ông lại xin về trí sĩ. Khi vua Gia Long băng hà 1820, hoàng tử Đảm lên kế vị, hiệu là Minh Mạng, lại vời ông về triều đi sứ lần thứ 2, ông bệnh và qua đời vào ngày 18-09-1820. (nhằm ngày 10-8 năm Canh Dần) hưởng thọ được 55 tuổi.
(2) Sự nghiệp văn học:
Trong những năm tháng về sống ở Hà Tĩnh, ông ngao du cùng phường thợ săn khắp 99 ngọn núi Hồng Lĩnh nên có biệt hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ, gặm nhấm nỗi buồn về sự suy tàn của một vương triều và gia thế, ông đã để lại cho đời tập Thanh Hiên Thi Tập.
Sau khi về làm quan cho triều Nguyễn tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh được ra đời từ một tiểu thuyết có tựa đề Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân Trung Quốc, bằng ngọn bút tài hoa, ông đã chuyển thể thành thơ lục bát, và một tác phẩm nữa cũng bằng tiếng nôm “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” bằng thể thơ song thất lục bát, hai thể thơ đặc trưng của Việt Nam, bắt nguồn từ ca dao tục ngữ. Sau khi đi sứ trở về với thi phẩm Bắc Hành Thi Tập đã làm nổi bật tên tuổi của ông trong giới văn học của đầu thế kỷ thứ 19.
Kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 195 năm ngày mất. Dù đã trải qua bao nhiêu biến động của thời cuộc, tiếng thơ của ông đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam dù bất cứ thể chế nào. Không biết bao nhiêu văn gia, thi sĩ và những học giả phê bình lý luận văn học tốn bút mực viết về ông, không những trong nước và cả nước ngoài. Tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh đã được chuyển ngữ truyền bá trên khắp thế giới: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Ý, Mỹ, v.v… Đã nâng tầm tên tuổi ông đứng ngang hàng với những đại thi hào của nhân loại.
3. Đỗ Phủ: (712 – 770) tự Tử Mỹ hiệu Thiếu Lăng người sau còn gọi là Đại Đỗ để phân biệt tiểu Đỗ (Đỗ Mục). Mùa Xuân năm 759, trên đường lưu lạc trong loạn An Lộc Sơn từ Lạc Dương đến Hoa Châu ông có sáu bài thơ nổi tiếng: Thạch Hào Lại, Tân An Lại, Đồng Quan Lại, Tân Hôn Biệt, Vô Gia Biệt, Thùy Lão Biệt. Tố cáo giai cấp thống trị, vua quan thối nát, hoang dâm vô đạo, tàn ác gây chiến tranh để lương dân lâm vào cảnh bần cùng cơ cực, cửa nát nhà tan.
“Chu môn tửu nhục xú
Lộ hữu đống tử cốt”.
(Trích “Tự Kinh Phó Phụng Tiên” của Đỗ Phủ)
Dịch:
Cửa son rượu thịt ôi
Ngoài đường xương chết buốt
Năm 1813 Nguyễn Du làm chánh sứ sang Trung Quốc, ông ghé Lỗi Dương viếng mộ Đỗ Phủ. Trong Bắc Hành Thi Tập còn lưu lại bài:
Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ
Thiên cổ văn chương thiên cổ si (sư).
Bình sinh bội phục vị thường ly.
Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ,
Thu phố ngư long hữu sở ti (tư).
Di đại tương liên không sái lệ,
Nhất cùng chí thử khởi công thi?
Trạo đầu cựu chứng y thuyên vị?
Địa hạ vô linh quỷ bối xi.
Dịch nghĩa
Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ
Văn chương lưu muôn đời, bậc thầy muôn đời
Bình sinh bái phục không lúc nào ngớt
Cây tùng cây bá ở Lỗi Dương, không biết ở nơi nào?
Cá rồng trong bến thu, còn có chỗ để tưởng nhớ
Ở hai thời đại khác nhau, thương nhau, luống lệ rơi.
Cùng khổ đến thế há phải bởi tại thơ hay?
Chứng bệnh lắc đầu ngày trước, bây giờ đã khỏi chưa?
Dưới địa phủ đừng để cho lũ quỷ cười.
Bản dịch của Quách Tấn:
Thơ thiên cổ cũng thầy thiên cổ,
Vốn một lòng ngưỡng mộ bấy nay.
Lỗi Dương tùng bá đâu đây?
Cá rồng thu lạnh sông đầy nhớ thương,
Há văn chương lụy người đến thế?
Chạnh nghìn xưa dòng lệ khôn ngăn,
Lắc đầu bệnh cũ còn chăng?
Suối vàng chớ để mấy thằng quỷ trêu.
Độc Tiểu Thanh Ký
Tây Hồ mai uyển tẩn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Nguyễn Du: Bắc hành Thi Tập)
Bản dịch của Quách Tấn:
Tây Hồ hoa kiểng giải gò hoang
Cửa hé trang thơ chạnh nhớ nàng
Hận luống vương mang hồn phấn đại
Tro chưa tàn hết nghiệp văn chương
Thanh thiên khéo hỏi oan chồng chất
Phong nhã đành cam nợ vấn vương
Rồi Tố Như này ba kỷ nữa
Trần gian ai kẻ ngậm ngùi thương.
Độc Tiểu Thanh Ký: Tiểu Thanh: một giai nhân tài sắc sinh vào thời nhà Minh, vào khoảng năm 1460-1513 (Từ Minh Thành Hóa đến Minh Hoằng Trị) ở làng Tây Hồ Trường An, Trung Quốc. Năm 42 tuổi mà chưa lập gia đình đành làm lẽ một viên quan tri phủ. Vợ cả vì ghen tuông âm mưu sai người đêm đến thiêu rụi nhà cửa và bà qua đời. Thương tiếc người tài hoa bạc mệnh, khi đi sứ ông đến Tây Hồ thăm mộ bà, vào khoảng trên dưới 300 năm vì cảm thương khách má hồng gặp điều oan nghiệt ông viết bài thơ trên khóc người xưa, và thầm hỏi 300 năm sau có ai còn khóc mình không?
Bất tri tam bách dư niên hậu.
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Du Phong Trần Ngọc Chí
* * *
Xem trang tác giả Đức Hạnh: click vào đây
Xem các bài trang Văn học: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net