1. Đại cương:
Khoa học kỹ thuật nhân loại phát triển không ngừng để đáp ứng nhu cầu của con người, trong đó có cả nhu cầu cho chiến tranh. Trong các cuộc chiến gần đây, để khắc chế nhiều trở ngại, con người đã phát minh ra các khí tài chiến tranh được gọi là “tân kỳ” và đã đem lại nhiều kết quả như mong muốn, trong đó, loại hỏa tiễn “Tầm xa (long-range), mọi thời tiết (all-weather), hành trình cận âm (subsonic cruise)” Tomahawk, được kể là loại vũ khí hiệu quả nhất (most effective) với độ chính-xác “tuyệt-đối” (extreme accuracy) hiện nay. Được phát minh vào năm 1972, đưa vào xử dụng trong quân đội Mỹ năm 1983 nhưng đến 1991 mới thực thụ sử dụng nhiều trong cuộc chiến Vùng Vịnh lần đầu. Tomahawk do hãng General Dynamics (lúc đầu) và Raytheon/ McDonnell Douglas (hiện nay, bản-doanh tại Tucson, Arizona) sản xuất với nhiều lần cải tiến sau đó.
Hỏa tiễn BGM-109 Tomahawk đang bay. (Ảnh: Wikipedia)
Thông thường, các loại khí tài chiến tranh, sau một thời gian xử dụng sẽ bị thay thế nhưng với hỏa tiễn Tomahawk, tuy giá cả có đắt một chút (khoảng $1,59 triệu USD vào năm 2014) nhưng tầm hữu hiệu và thực dụng của nó buộc chính quyền Mỹ “phải cải tiến”. Trong bài nầy, chúng ta lướt qua những đặc tính, các thông số về kỹ thuật v.v… của nó từ lúc được “ra đời” mà chỉ đề cập những “cải tiến” gần đây nhất làm cho nó mang danh “sát thủ” trên mọi chiến trường, như lời của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Bob Work, tại hội nghị WEST 2015: “Hỏa tiễn hành trình Tomahawk là một phần của "Chiến lược Đối trọng thứ 3” của Ngũ Giác Đài. Một phần trọng yếu của chiến lược này là phải tìm ra những cách thức mới và sáng tạo để phát huy các công nghệ đầy hứa hẹn. Những thử nghiệm thành công này, đi vào thực tiễn chiến đấu sẽ có khả năng thay đổi “cuộc chơi” mà không tốn kém thêm nhiều chi phí".
2. Những cải tiến mới.
Trong biên niên sử của Tomahawk, trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, có 297 quả Tomahawk đã được bắn đi. Quả Tomahawk đầu tiên được phóng từ Tuần dương hạm USS San Jacinto CG-56 ngày 17-01-1991, các tàu ngầm tấn công USS Pittsburgh CA-72 và USS Louisville SSN-724 bắn những quả tiếp theo. Hỏa tiễn Tomahawk, được thiết trí ở phần trước mũi hệ-thống DSMAC (Digital Scene Matching Area Correlation), một hệ-thống nhiều máy quay phim. Nhờ hệ-thống này, các “mắt thần” sẽ ghi lại hình-ảnh mục-tiêu và nó sẽ “đối-chiếu” với các dữ-kiện về mục-tiêu đã được gài trước vào bộ nhớ của nó. Khi “cảnh thật” của mục-tiêu xứng hợp với “dữ-kiện”, máy tính sẽ ra lệnh tấn-công và hỏa-tiễn sẽ lao vào mục-tiêu. Nhờ những thiệt-bị tinh-vi như vậy, Tomahawk hoạt-động trong bất cứ tình-huống thời tiết nào (gió mưa, giông bão, băng tuyết, trời tối hay sáng, sương mù hay trời trong) hoặc mục tiêu được ngụy trang. Nhìn chung, phần đầu là hệ-thống hướng-dẫn (hệ-thống cửa sổ) rồi đến hệ-thống điều-khiển, kế đến là ngăn chứa thuốc và các chất liệu để đánh phá mục-tiêu, phần cánh để giữ hướng bay, phía sau là khoang chứa nhiên-liệu cung-cấp cho hệ-thống đẩy hỏa-tiễn bay, tiếp theo là ngăn chứa hệ-thống computer, software cùng các thiết-bị điện-tử, là ngăn quan-trọng nhất để điều-khiển, hướng-dẫn hỏa-tiễn. Ngăn sau cùng là hệ-thống máy móc giúp hỏa-tiễn bay đến đích. Hỏa-tiễn Tomahawk được gắn động-cơ Williams International F 107-WR-402 Cruiser Turbo-fan Engine và CDS/ ARC Solid-Fuel booster.
Cấu tạo chung Tomahawk BGM-109
Kiểu Tomahawk đầu tiên được dùng trong cuộc hành quân Bão-táp Sa-Mạc (Operation Desert Storm); kiểu thứ 2 (cải tiến năm 1986) được gắn thêm TERCOM (Terrain Contour Matching) và DSMAC (Digital Scene Matching Area Correlation), những hệ-thống điều-khiển để đánh chính-xác hơn; kiểu thứ 3 (năm 1994) thêm vào GPS (Global Positioning Satellite) trong hệ-thống hướng-dẫn của TERCOM và DSMAC, kiểu thứ 4 (gọi là Tactical Tomahawk) có thêm Infra-Red, hệ-thống hướng-dẫn tinh khôn khi bay. Ngoài việc có thể đổi hướng bay để tránh né hệ-thống radar đối phương hoặc thay đổi vận-tốc tùy lúc tùy thời, nó còn biết tạo các đường bay giả để đánh lừa radar và trước khi đến mục-tiêu, nó mới trở về đường bay thật. Trường hợp đang bay, đối phương lập hai hay nhiều hệ-thống radar để theo-dõi nó, hệ-thống máy tính trên nó sẽ biết và tìm đường bay “an-toàn” theo từng đoạn đường được đối-phương thiết-trí radar hay trạm quan-sát, nghĩa là nó biết “luồn lách” để tránh bị bắn hạ. Nói vắn tắt, đường bay của nó không cố định.
Để thích ứng với những nhu cầu mới như việc đối phó với những vũ khí đối phương bắn phá Tomahawk trên đường đang bay khi họ biết ít nhiều về đặc tính của nó và để nâng hiệu suất tấn công, việc cải tiến là điều cần thiết. Các chuyên viên Mỹ còn cải tiến kỹ thuật để tầm hoạt động của nó xa hơn với các tính năng khác nhau. Loại đầu tiên, BGM-109A Tomahawk Land Attack Missile – Nuclear (TLAM-A, Block II, tấn công mặt đất – Hạt nhân, tầm xa 1,350 n.mi. (nautical miles) [1,550 miles; 2,500 km]), đã “về hưu” từ 2010; thứ hai là RGM/UGM-109B Tomahawk Anti Ship Missile (TASM, chống tàu), thứ 3 là BGM-109C Tomahawk Land Attack Missile - Conventional (TLAM-C, Block III, tấn công mặt đất - Quy ước, 900 n.mi. [1,000 mi.; 1,700 km]); thứ tư là BGM-109D Tomahawk Land Attack Missile - Dispenser (TLAM-D, Block III, tấn công mặt đất - Phân tán, 700 n.mi. [810 mi.; 1,300 km]); thứ năm là RGM/UGM-109E Tomahawk Land Attack Missile (TLAM Block IV, tấn công mặt đất, Block IV, 900 nmi [1,000 mi; 1,700 km]); thứ sáu là BGM-109G Ground Launched Cruise Missile (GLCM); thứ bảy là AGM-109H/L Medium Range Air to Surface Missile (MRASM, không đối đất tầm trung).
Chưa hết, để đáp ứng cho nhu cầu mới, Hải quân Mỹ đã biến đổi loại Tomahawk thành loại “tấn công kép” tức là có thể “tấn công mặt đất” (land-attack missile, TLAM) và có thể tấn công mục tiêu đang di chuyển (như tàu thuyền, phi cơ, xe cộ v.v…) và nâng tầm hoạt động xa hơn, lên đến 1.850km, Block IV, với hệ thống đa năng sẵn sàng kỹ thuật cấp 6 (Technical Readiness Level 6). Trước nay, Hải quân Mỹ chỉ có loại hỏa tiễn Harpoon để chống tàu (hạm đối hạm), phạm vi hoạt động chỉ 67 n.mi. (124km), giá mỗi trái là $1,2 triệu USD. Nếu chiến tranh xảy ra, nhu cầu tăng cao nên họ có giải pháp để đáp ứng nhu cầu cần thiết, về lượng cũng như về phẩm.
Hỏa tiễn Harpoon (Ảnh: Wikipedia)
Các kỹ sư của Raytheon gắn thêm một đầu tự dẫn trên loại Tomahawk Block IV với hệ thống module thế hệ mới với anten thụ động. Đầu tự dẫn thụ động và bộ xử lý nầy cho phép nhận các tín hiệu từ các mục tiêu trong tình huống điện từ phức tạp. Hệ thống thông tin này tăng cường khả năng theo dõi và tiêu diệt mục tiêu di chuyển trên mặt đất, trên không và trên mặt nước. Ngoài ra, nó còn có những đặc tính hết sức mới mẻ và cần thiết. Tomahawk Block IV không chỉ có thể thay đổi mục tiêu sau khi bắn đi mà còn có khả năng gửi các hình ảnh thời gian thực về mục tiêu nhằm đánh giá hiệu quả sau trận chiến, đây là điều cần thiết để các chiến thuật gia nghiên cứu kế hoạch tác chiến cho lần sau. Tomahawk Block IV còn có thể nhận các thông tin về mục tiêu từ hệ thống máy bay không người lái, có hệ thống định vị bằng camera có tên “hệ thống so sánh điện tử - quang học” cũng như có bộ chống nhiễu GPS để có thể hoạt động nếu hệ thống GPS bị gây nhiễu không thể hoạt động hiệu quả mà nó không bị ảnh hưởng. Đặc biệt, BGM-109F là loại hỏa tiễn dùng để tấn công các sân bay, gắn các đầu đạn casset BLU-106B, có thể xuyên phá các đường băng bê tông để vô hiệu hóa các phi đạo.
Tomahawk được phóng đi từ tàu ngầm
Có thể nói hiện nay Tomahawk là vũ khí lợi hại nhất: vừa dùng để tấn công vừa là công cụ phòng thủ; có thể phóng đi từ mọi phương tiện: từ bệ phóng cố định tại các căn cứ hay đặt trên xe cộ để di chuyển; gắn trên nhiều loại phi cơ; đặt trên mọi loại tàu bè. Hiện tại, với Hải quân Mỹ, Tomahawk được xem là vũ khí tiêu chuẩn của các chiến hạm, như: 63 khu trục hạm, 22 tuần dương hạm, 72 tàu ngầm tấn công [lớp (class) Los Angeles 39 chiếc, Seawolf class 3 chiếc, Virginia class 12 chiếc, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Ohio class 18 chiếc] và chiến hạm của một số quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ. Sau cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991, trong các cuộc hành quân tại các mặt trận khác (Iraq tháng 12-1998, Serbia 4 & 5-1999, Afghanistan 10-2001, Iraq 3 & 4-2003…), Tomahawk được xem là vũ khí chiến lược và chiến thuật của Mỹ và NATO bởi sự hiệu quả và tiện dụng của nó. Cũng nên biết thêm, ngoài Tomahawk ra, các loại vũ khí sau đây (đã được phổ biến) được xem là uy lực nhất của Hải quân Mỹ: Ngư lôi hạng nhẹ MK 50, Ngư lôi hạng nặng MK 48, hỏa tiễn Standard, hỏa tiễn đạn đạo Trident II, Hệ thống Vũ khí Laser và Súng Điện từ (Railgun) cùng các vũ khí còn trong vòng bí mật khác.
Lời kết:
Cho đến nay, chưa có loại vũ khí nào thay thế, hỏa tiễn đa năng hiệu quả Tomahawk, được gọi là “chiếc rìu có độ chính xác cao của người Indian” (the Indian’s ax with high precision) đã và đang làm chủ chiến trường trong tấn công và phòng thủ nhưng vẫn đang được cải tiến để đáp ứng cho nhu cầu chiến tranh của quân đội Hoa Kỳ. Chúng ta xem câu trả lời với tờ Aviation Week của Phó Đô đốc Thomas Rowden thuộc Hải quân Mỹ: "Những phiên bản hỏa tiễn Tomahawk cải tiến sẽ buộc các đối thủ của Mỹ thức tỉnh và thay vì lo ngại về những hàng không mẫu hạm hay ngư lôi phóng đi từ tàu ngầm, họ phải bận tâm về những tàu chiến của chúng tôi và khả năng tấn công của chúng" để thay cho lời kết. Sự thật có như vậy hay không khi nó “lên tiếng” trên các chiến trường trong tương lai, chúng ta hãy chờ xem.
Lê Chánh Thiêm
10-2015
Tài liệu tham khảo:
- USNI News
- General Dynamics
- Raytheon/ McDonnell Douglas
- Wikipedia, the free encyclopedia
- The National Interest - Tin tổng hợp.
* * *
Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Tài liệu: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net