BÁO XUÂN: Một Đặc Sản Của Làng Báo Việt-Nam
Phạm Đông Văn
Thật khó tưởng tượng người Việt thời nay, nhất là những người thường ngày vẫn có thói quen đọc báo, lại có thể thiếu ít nhất là một tập báo Xuân để thưởng thức vào dịp Tết Nguyên đán. Báo Xuân thực sự đã trở thành một món truyền thống mỗi năm một lần để người Việt ăn Tết.
Báo Xuân có thể ví như thức ăn ngon và quí trong những ngày Tết đối với cả người giàu lẫn người nghèo, khác hẳn với những bữa cơm hằng ngày trong suốt năm cũng chỉ được ví như tờ nhật báo với những tiết mục đời thường. Hơn thế nữa, báo Xuân lại có thêm các hương vị ví như rượu trà mứt bánh để nhâm nhi dịp gia đình tụ họp hoặc đón chào quan khách, như hoa kiểng tốt tươi để ngắm, như hương trầm lãng-đãng để tưởng nhớ người xưa chuyện cũ, như tấm thiệp Tết gửi đến mọi người lời chúc về tình yêu và hy vọng về một năm mới an khang thịnh vượng...
Báo Xuân đã là một hiện tượng nở rộ tại miền Nam Việt Nam từ thời nửa sau thế kỷ XX, muôn màu muôn vẻ từ hình thức đến nội dung đáp ứng nhu cầu ăn Tết cho mọi thành phần độc giả có sở thích và trình độ thưởng ngoạn khác nhau. Báo Xuân lại không chỉ là sản phẩm Tết riêng của các báo chuyên nghiệp, mà cũng là đặc sản mỗi năm một lần xuất hiện khi Xuân về do các tổ chức văn hóa hoặc các học đường trung và đại học phát hành nội bộ qua hình thức giai phẩm hoặc đặc san. Báo Xuân cùng với những sản phẩm văn hóa truyền thống tốt đẹp khác của dân tộc cũng đã theo người Việt ra nước ngoài và cũng được các hội đoàn và hội đồng hương thực hiện và ra mắt trong những dịp họp mặt tất niên hay tân niên.
Đặc biệt, báo Xuân là một hiện tượng độc đáo vì là một sản phẩm văn hóa thuần túy của người Việt. Ngày nay, sinh hoạt báo chí đã phổ biến tại khắp các nước trên thế giới nhưng không dân tộc nào có sản phẩm “báo Xuân”. Thực vậy, người Việt có báo Xuân không do bắt chước người Trung Hoa là dân tộc mà người Việt đã chịu ảnh hưởng rất nhiều về ngôn ngữ và văn minh văn hóa, cũng không bắt cước người Pháp dù đã học từ họ nghề làm báo. Báo Xuân cũng không từng có ở Nhật, ở Nga, ở Mỹ... Báo Xuân mà người Việt có ngày nay là sáng kiến đặc sắc của một người Việt tài hoa: nhà báo học giả Phạm Quỳnh, người chủ trương và cũng là chủ nhiệm kiêm chủ bút Nam Phong Tạp Chí, đã tích lũy học thuật cổ kim trong hơn 200 số báo, cũng được coi là Hàn lâm viện Văn hóa Việt Nam thời đầu thế kỷ XX.
* * *
Số Tết của báo NAM PHONG - Mậu ngọ 1918: Tập Báo Xuân Đầu Tiên Của Việt-Nam
Tập báo Xuân đầu tiên của làng báo Việt Nam được phát hành nhân dịp Tết Mậu Ngọ 1918, theo cách đặt tên của Phạm Quỳnh là SỐ TẾT CỦA BÁO “NAM PHONG”. Chính Phạm Quỳnh đã quyết định cho phát hành tập báo Xuân nầy sau nửa năm đầu (1917) Nam Phong Tạp Chí ra mắt bạn đọc.
Thời trước đó chưa từng có báo Xuân dù đã có các báo chí quốc ngữ do các nhà văn hóa danh tiếng thực hiện, như: Đăng Cổ Tùng Báo (Nguyễn Văn Vĩnh, 1907), Lục Tỉnh Tân Văn (H. F. Schneider sáng lập, Gilbert Trần Chánh Chiếu làm chủ bút đầu tiên, 1907), Đông Dương Tạp Chí (Nguyễn Văn Vĩnh, 1913), và trước nhất là tờ Gia Định Báo (1865-1909), do Soái phủ Nam Kỳ cho ấn hành ấn bản đầu tiên ngày 15-4-1865, giao cho Ernest Potteaux làm chánh tổng tài và đến ngày 16-9-1869 thì giao chức vụ nầy cho Trương Vĩnh Ký với sự cộng tác của Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký...
Lời giới thiệu in ở trang đầu Số Tết Của Báo “Nam Phong” có thể được coi là tuyên ngôn cho công trình báo Xuân, một đặc sản độc đáo của nền báo chí Việt Nam, do đích thân chủ nhiệm kiêm chủ bút Phạm Quỳnh viết. Dịp Tết Mậu Ngọ 1918 ấy, nhà học giả nầy mới vừa tròn 26 tuổi! (Ông sinh năm Nhâm Thìn, 1892).
Trích lời giới thiệu:
-“Cả năm có ngày Tết là vui. Vui ấy là vui chung cả mọi người, vui suốt trong xã-hội, vui khắp mọi quốc dân; trong thế giới dễ không đâu có một cuộc vui hoàn toàn như vậy. Dẫu người buồn đến Tết cũng phải vui. Vui ngày Tết là cái vui dễ “truyền nhiễm” vậy.
Bản báo đối với các bạn đọc báo những ngày thường vẫn giữ một thái độ quá nghiêm, tự hồ như lạnh nhạt, chỉ chuyên trọng đường tư tưởng học vấn, không hề chú ý đến những lối văn chương tiêu khiển, như câu hát lẳng lơ, nhời thơ bay bướm. Sự đó là bản báo cố ý như thế: đã từng nhận cái tật hư văn, cái thói ngâm vịnh hại cho nước ta nhiều lắm, nên phàm lập ngôn khởi luận vẫn thiên trọng sự thực hơn là sự phiếm. Nhưng cái thái độ nghiêm khắc ấy tuy ngày thường là phải, mà gặp những thời tiết vui vẻ, như hội Tân Xuân nầy, đối với cảnh, đối với người, đối với lòng hoan hỉ của mấy triệu quốc dân, tựa hồ như gẩy khúc đàn sai dịp vậy.
Bản báo muốn cho khúc đàn riêng của mình không đến nỗi sai dịp với khúc cảm chung của xã hội trong buổi đầu năm Xuân mới, giời ấm khí hòa, cảnh vật tươi cười, lòng người hớn hở, lại muốn không trái cái chủ nghĩa lúc bình thường, bèn định in riêng ra tập ngày Tết nầy, ngoài những số báo thường, trước là để cùng quốc dân góp một phần vào cuộc vui chung, sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới.
Nhời bàn thiết thực, nghĩa lý sâu xa, đó là cái món ăn chắc bổ những ngày thường; của ăn sống người, nên trọng là phải. Nhưng thỉnh thoảng cũng phải nếm miếng bánh đường, nhắp chén rượu ngọt cho khoan khoái tinh thần, nên giọng hát êm tai, chuyện vui khoái trí cũng là một món không thể khuyết được...”
Kể từ Số Tết của Báo “Nam Phong” là báo Xuân đầu tiên của làng báo Việt Nam ra đời đến nay đã 87 năm. Kể từ khi số phận của Phạm Quỳnh đã an bài theo vận nước (1945 Ất Dậu 2005) đến nay đã vừa đúng 60 năm. Nay là lúc Xuân về Tết đến, cũng là dịp tưởng nhớ quê hương, tưởng nhớ công ơn tổ tiên và người xưa; lại nhân đọc báo Xuân, là một trong những di sản văn hóa giá trị của Phạm Quỳnh nay đã trở thành một sinh hoạt tốt đẹp trong ngày Tết truyền thống của dân tộc; cũng xin đốt một nén hương tưởng niệm bậc tài hoa đã góp công lớn bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, cùng xây dựng nền báo chí Việt Nam lúc tân học và chữ quốc ngữ còn sơ khai vào thời đầu thế kỷ XX.
PHẠM ĐÔNG VĂN