Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
THƯ GỞI CHO MỘT NGƯỜI BẠN
NGUYỄN HÙNG SƠN
APACHE - Hank Marvin

 

Bài này tôi viết cho một người bạn cùng lớp khi học ở Viện Ðại Học Ðà Lạt. Hắn đỗ đạt thành công trong học vấn, không phải đi lính, lăn xả vào đời với ước vọng kinh doanh. Cuộc đời hắn tưởng chừng thênh thang dư giả. Tôi bỏ học vào lính mang giấc mộng "công hầu khanh tướng", chuyện của tôi ngỡ cũng vẫy vùng! Chúng tôi lạc nhau, mất hút trong bão lửa chiến tranh và tang thương của đất nước. Cho đến lúc tóc bạc màu, khi đời mình ở tuổi đã mỏi mòn, thì tình cờ được đọc một bài của hắn viết. Có ai ngờ đâu, cả 2 chúng tôi đều đã dở khóc, dở cười, lang thang phiêu bạt gian nan, theo phận đời kém may mắn của mình. Ước vọng và giấc mơ của tuổi trẻ bất chợt biến mất theo hoàn cảnh...

 

Mày thân,

 

Cám ơn mày đã chia sẻ những "ứ đọng" vui buồn bấy lâu! “Sợi nhớ, sợi quên”! Có ai giữ được mãi những cái mình có và những điều mong muốn! Trải qua một thời để thu nhặt và tích lũy, rồi cũng phải có một lần để lãng quên! Tình cảm cũng không ngoại lệ, sẽ theo mình mòn mỏi, sẽ giống như mình, già đi và để sau cùng sẽ được gói lại mang theo vào quá khứ. Chẳng ai muốn, nhưng sẽ là như vậy!  

 

Mày thấy đó, đâu phải một mình mày già đâu. Tụi nó, và tao cũng vậy, lười, không còn thích suy nghĩ, không còn khả năng cầm trí để nhớ lại những chuyện đã qua một cách rành mạch. Hả miệng tu một hơi bia để hoá giải cái gì đó trong lòng; đi du lịch để xin xỏ thiên nhiên, hay cõi người cho thêm nhựa sống. Làm chút việc thiện, để được phước sống thêm! Mày nghĩ xem, ngoài những cái lèng èng chạy trốn tuổi già của tụi nó, của mày và của tao, chúng mình còn gì khác hơn để kéo níu những trân trọng gọi là kỷ niệm?! 

 

Hồi trước tao hăng hái họp mặt, cụng ly, vẽ, làm thơ, viết lăng nhăng, lung tung mọi thứ thuộc về cuộc đời, như để khoe khoang, chia sẻ, tâm sự, than vãn, góp vui với bạn bè. Nhưng qua thời gian, mọi chuyện ồn ào dường như cũng đã rơi vào khoảng không! Im lặng, trống vắng, cho thấy "Sợi nhớ, sợi quên" của từng chúng ta đã rụng dần! Thật ra, cho đến bây giờ, tao vẫn làm những chuyện "ruồi bu" đó như đã nói với mầy, nhưng chỉ cho tao. Tao sẽ gói lại và chẳng biết để làm gì!

 

Thời gian 1972 đến 1979, khá dài phải không? Hai ngàn năm trăm năm mươi lăm ngày! Những chuyện đã qua, mày và tao đều khác biệt! Chúng ta có cùng thời gian, có cùng bầu trời hít thở, cũng sáng tối vui buồn, hạnh phúc, và khổ ải... Nhưng tiến trình và cảnh ngộ lại không giống nhau. Có phải đó là phần số hay là "định mênh"? Thú vị thật phải không?

 

1972, khi bạn bè cùng lớp tốt nghiệp, tìm việc, thì tao đã đi lính gần 3 năm. Ðó là những năm sóng gió, lửa đạn, căng thẳng không bình an. Lúc đó, buồn, bất mãn nhiều lắm! Ðất nước này đâu phải của riêng những thằng lính như bọn tao. Cứ mỗi lần nhìn xác anh em tử trận mà lòng đứt đoạn. Tội nghiệp quá!    

 

Tao đã bỏ lại Ðà Lạt nếp sống ham vui, vô lo và quên lãng cái thời đại học đầy tuổi trẻ lãng mạn. Kể từ sau 1969, tao làm quen với đời sống khác, đời sống súng đạn, lệnh lạc và sợ hãi. Khói lửa và chết chóc, càng lúc càng làm cho thằng lính nhóc tì như tao không muốn nhìn vào thực tế nữa. Tao không dám nghĩ đến "yêu" ai và "cưới" ai lúc đó! Kỷ niệm sách vở, đồi thông, giảng đường, má hồng khăn ấm của Ðà Lạt ngày nào, cứ như giấc mơ thần tiên đã qua. Thật tình tao đã quên trường lớp cũ!    

 

Ðời lính của tao lắm kinh hoàng, nhưng đầy thú vị và cũng không hẵn đánh mất tính lãng mạn trong cuộc sống! Cái lãng mạn thú vị của lúc vinh dự quỳ xuống đón nhận trách nhiệm và khi hãnh diện đứng lên sẵn sàng, trong ngày chính thức thành lính. Nhưng bản chất đời lính thì quá mộc mạc, đơn giản, bởi tính vô thường của nó. Nếu có mơ mộng, thì đó chính là lúc được gục đầu ngủ thẳng giấc, nếu có bận tâm thì cũng đã tan biến theo tiếng ngáy phì phò mỏi mệt. Thức dậy là hết, quên hết!   

 

Buồn, sợ, liều, chán, say, và "mau già"(?). Mới hai mươi mấy tuổi mà tao cứ tưởng như là đã "chững chạc" sành đời lắm rồi. Cũng như bọn mày, tao cố học để thành danh, nhưng không phải các môn Quản Trị, Chính Trị, Kinh Thương Kế Toán... mà là các trò chơi chiến tranh, hải pháo, chống máy bay, đánh tàu địch. Chiến tranh và tham vọng chính trị của những ai đó đã chia cả đám người VN hai miền ra: ta và địch. Cứu bạn và diệt thù, cùng lúc đều là công việc. Chuyện chết sống, là chuyện của mỗi ngày! Mang cái nghiệp lính thì phải dẹp đi cảm xúc yếu đuối, thương cảm. Phải chôn bản tính thư sinh lãng mạn, mơ mộng thật sâu, thật kỹ. Nhưng dù như thế nào, bọn tao cũng chưa bao giờ mang cái cảm giác của sự thù hận, mà đánh đấm chỉ vì khác lý tưởng phục vụ và ý chí quyết thắng trên chiến trường giữa những người lính.          

 

Mày tốt nghiệp, tìm việc làm. Chạy lên xuống Vùng 4, ra sức giúp cơ quan, sở làm, gầy dựng phát triển. Mày còn có dịp gặp vài thằng tụi nó, được làm việc và tín nhiệm của ông Thày. Tao thì không, nghiệp lính thủy kéo theo cái mạng của tao, khi thì cùng chiến đỉnh xông vào bẫy chết của sông rạch rừng rú sình lầy, khi thì "giam mình" trên chiến hạm lênh đênh sóng gió, "mút chỉ" công tác tuần tiễu và hành quân ở vùng biển Quảng Trị, Ðà Nẵng, Cam Ranh, Hoàng Sa, Trường Sa.

 

Hiệp Ðịnh Paris ký năm 1973, khiến cả chiến hạm, bọn tao mệt mờ người. Hải pháo liên tục 24/24, ngày này qua ngày khác trên các vùng ven biển Sa Huỳnh, Sa Hội, Bồng Sơn, Tam Quan, Ðức Phổ, Degi. Tụi tao ở biển bắn vào bờ, giải cứu các đơn vị BB trong các trận đánh chận đứng bọn VC vi phạm hiệp ước "Hoà Bình". Chúng nó gian, cướp đất giành dân! Tiên sư bọn chúng, luôn tráo trở đánh lén. Thật là khổ! Cần một giấc ngủ yên tĩnh mà không có, và những ngày ấy, cũng chẳng còn nhớ một chút gì về chuyện của tình yêu, chuyện của gia đình, ngoại trừ việc cầu mong quân bạn thoát khỏi vòng vây tiêu diệt của địch quân.  

 

1974, đang ở Vũng Tàu, tàu được lệnh ra Ðà Nẵng. Tham chiến hụt trận Hoàng Sa, tàu được chỉ thị công tác 2 tuần, vớt các anh em còn sống sót trôi trên biển. Chẳng thấy ai, chỉ có các phao nổi, áo phao và các vật dụng nhẹ trôi lềnh bềnh giữa vùng biển loang dầu. Thật đau lòng! Tàu nhận lệnh mới, đi thẳng ra Trường Sa và tuần tiểu ở đó. Sáu tháng không về bờ, nhớ đất liền kinh khủng! Nhớ loài người, nhớ phụ nữ, nhớ cây cỏ, nhớ nhà cửa, xe cộ và bụi cát...

 

1975-1977, mày ở Sàigon làm nhân chứng cho một giai đoạn bi thương của thành phố. Tao thì không, đang học khoá Tham Mưu Trung Cấp với ước vọng "thăng quan tiến chức". Gần xong thì mất Ban Mê Thuột. Khoá học ngưng, tao ra Phú Quốc coi một Trại Tạm Cư thuộc Trung Tâm Tiếp Cư An Thới. Ðồng bào mình khổ quá! Nhìn cái khổ đổ ập trên cuộc đời họ, mà ruột đau từng khúc cứ như khi khiêng xác mấy anh em tử trận ngày nào. Tao lúng túng, không có kinh nghiệm xã hội nhưng phải cố gắng. Việc điều hành cứu trợ thật khó gấp mấy lần so với việc dẫn tàu đi đánh nhau. Trong hoàn cảnh hỗn độn, lẫn lộn lính, dân, trộm, cướp, đĩ điếm, ma cô và cả Việt Cộng. Tao bù đầu cố tạo mọi sự an ninh, giúp cho những nạn nhân chiến cuộc bớt phần nào đau khổ, tìm gặp lại gia đình.

 

Khi cái ông Tổng Thống sau cùng ra lệnh đầu hàng, tao bỗng nổi khùng, ngây thơ và "cà chớn", không theo Hạm Ðội VNCH di tản, quyết định ở lại để tiếp tục làm con vật thí thân tử chiến. Nhưng chẳng còn ai để theo, chẳng còn ai để được tiếp tế. Thôi đành bó tay, chui vào rọ và để nhận ra cái bộ mặt thật đáng khinh bỉ, nguyền rủa của bọn người chiến thắng. Tao cứ tưởng họ còn có chút nhân tính. Nào ngờ...  

 

“Cải tạo” là một quãng đời khó quên! Chính thời gian này tao đã rơi vào sự thù hận. Không phải chỉ vì bị giam cầm, cũng không phải vì thiếu ăn, bệnh tật. Mà bởi chính sách gian xảo, lừa bịp cả nước, cả thế giới. Theo tao, cải tạo đúng nghĩa, phải được coi là hành vi trả thù hèn hạ nhất của bọn VC đối với những người ngã ngựa. Binh lính CS không phải và chưa bao giờ là những quân nhân anh hùng mã thượng của một quân đội chiến thắng, mà họ chính là công cụ võ trang độc ác của bọn người tham tàn, vô nhân, vô luân, dùng xảo trá, quỷ quyệt để đàn áp và chiếm đoạt. Họ đã đưa tất cả dân tộc và đất nước vào cảnh bi ai cùng cực của thế kỷ.       

 

1978-1979 mày chứng kiến những thay đổi xã hội, đời sống, luân lý và đạo đức của dân Sài Gòn. Mày còn được chút may mắn gặp lại hoặc nhận được sự giúp đỡ của những thằng bạn cũ. Lúc mày đang phấn đấu để được tiêu chuẩn gạo, để thêm thịt heo bồi dưỡng, để cuộc sống được ổn định và lập gia đình, thì tao đang ở một "thế giới" khác. Thế giới chỉ có tao và sự trốn chạy. Ba năm tù quá đủ cho một thằng liều mạng, tao đào thoát, tìm lại Sài Gòn, nơi sanh ra. Bỗng dưng tất cả trở thành xa lạ! Tao trốn nhủi lang thang bên ngoài xã hội như một gã vô gia cư. Không biết xài tiền và chẳng bao giờ có tiền HCM. Ngủ ở vỉa hè, sạp bán rau cải trong chợ Sài gòn hay An Ðông. Cơm mỗi ngày nửa bữa, uống nước phông tên. Sáng chiều quên đói, quên đời, nằm gải háng, gỡ ghẻ ở công viên, coi thiên hạ dung dăng dung dẻ trong cuộc sống lạ hoắc. Lắm khi bị mấy thằng công an con nít ngu đần nào đó đến đuổi đi! Có lần tao bất chợt gặp hai người bạn học cũ, tao mừng, nhưng họ lơ. Họ sợ vạ lây, làm mặt lạ. Tội nghiệp quá! Tao bỏ đi và quên bẵng! Thỉnh thoảng nghe nói đến những người vợ bỏ chồng “cải tạo” vì hoàn cảnh, đành đoạn theo thằng nón cối hợp thời, mà nghe lòng đau nhói. Có khi muốn vào tù lại cho yên thân. Có khi cũng muốn vào bưng, nhưng tin ai bây giờ? Tao vượt biên 6 lần! Hai năm trời thất bại trôi nổi, bị bắt lại 2 lần. Lần thứ nhất, 1979, bọn du kích tóm được vàng của ai đó trong đám vượt biên, chúng ém câu chuyện và tụi tao được thả trong đêm gần sáng. Lần thứ hai, 1980, thì ăn đòn nhừ tử, thừa chết thiếu sống. Xiềng xích ở chân tay, ở cổ thường xuyên, như kiểu trang sức "thời thượng" cho những thằng không lối thoát.

 

Tao viết để nhìn lại tụi mình. Hai thằng bạn cùng học ở Ðà Lạt, sống một thời, cùng một lứa tuổi, trên cùng một mảnh đất tên gọi Sài Gòn. Vậy mà trong thời gian dài, hai ngàn năm trăm năm mươi lăm ngày, mình chẳng có một lần thấy mặt nhau! Bây giờ qua quãng cách của nửa quả địa cầu, tụi mình lại tìm được nhau qua tư tưởng, trong một buổi chiều tà của "Sợi nhớ sợi quên"! Ðời sống thật là lý thú phải không?  

 

1981, thì mọi sự đã đổi khác hoàn toàn. Tao đứng dậy được, tìm lại được nụ cười, nhưng không phải ở nơi tao sanh ra, quê hương Sàigòn. Mà tận ở một bán cầu xa lắc.

 

Năm 2001, sau những năm dài cầu nguyện, tao thật hạnh phúc, khi vứt đi được sự thù hận. Tạ ơn Thượng Ðế, mọi sư, rồi cũng qua. Ngài đã cho tao tuổi già, Ngài cũng đã cho mọi người tuổi già. Những người tham tàn, thích cùm xích, gây thương tích, đau khổ cho người khác ngày đó, bây giờ cũng phải già! Họ đang sống ra sao? Có bình an, hạnh phúc hay đang ân hận, lo âu cho một buổi tối khi ánh hoàng hôn đang dần khuất sau chân trời. Có đáng thương không, một đời người?!  

 

Tao viết cho mày, nhưng ai đọc cũng được. 

 

Nguyễn Hùng Sơn

Cali, Aug. 13, 2014

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây

Xem trang Tạp văn, tùy bút, click vào đây

Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh