Hình bìa tác phẩm của Võ Chân Cửu
Trước năm 1975, Võ Chân Cửu sớm thành danh về thơ khi tuổi đời vừa chớm đôi mươi. Nhà thơ Võ Chân Cửu viết "Theo dấu nhà thơ", hẳn là có nhiều điều thú vị. Tập tản văn "Theo dấu nhà thơ" của Võ Chân Cửu được Công ty Sách Phương Nam liên kết với Hội Nhà văn xuất bản vào tháng 2/2015. Sách dày hơn 260 trang in với 31 bài tản văn, được viết theo kiểu "nhàn đàm" về đời, về thơ của một số nhà thơ miền Nam trước năm 1975, tiếp nối ấn phẩm "22 tản mạn" của anh được xuất bản vào tháng 4 năm 2013.
"Theo dấu nhà thơ", Võ Chân Cửu giới thiệu đến người yêu thơ những bài thơ hay, và hoàn cảnh ra đời của bài thơ, cũng như một quãng đời của các nhà thơ tài hoa trong cuộc sống, xoay quanh những câu chuyện văn chương.
Văn học miền Nam thời kỳ trước năm 1975 là một phần không thể thiếu trong di sản văn học Việt Nam. Văn học miền Nam giai đoạn từ 1954 đến 1975 đã đóng góp cho văn học Việt Nam thêm phong phú, giàu có và đầy màu sắc. Đọc "Theo dấu nhà thơ" của Võ Chân Cửu, chúng ta được biết ở nước ngoài vẫn có người dày công sưu tầm, tập hợp, in lại những tác phẩm hay của văn học miền Nam:
"...Trần Hoài Thư đang bị bệnh "gút" nên tự tay vợ anh - chị Nguyễn Ngọc Yến đã cầm lái. Suốt hàng chục năm qua, từ tình yêu với chồng và nền văn chương miền Nam, người phụ nữ ấy đã vào lùng sục khắp các thư viện có lưu giữ sách báo Sài Gòn cũ để chụp hay scan lại. Tất cả được sưu tập về để anh mua giấy, tự in thành tập cho bộ tủ sách Thư Ấn quán - di sản Văn chương Miền Nam. Các sách này chỉ để tặng người đọc và thân hữu. Cảm động biết bao tấm lòng "yến huyết ròng" của chị". (Trích trang 23 và 24 "Theo dấu nhà thơ").
Thật là một việc làm cao đẹp. Các thế hệ người Việt Nam sau này ở trong hay ngoài nước sẽ mang ơn những người đã có công sưu tầm, bảo tồn và truyền bá những tác phẩm văn chương đặc sắc của dân tộc, đất nước.
Khi viết về những bài thơ của Du Tử Lê, Nguyễn Đức Sơn, Trần Vấn Lệ, Hồ Ngạn Ngữ, Trần Tuấn Kiệt ..., Võ Chân Cửu đã nhận định thế nào là thơ hay:
-"Người đọc tinh ý sẽ nhận ra rằng cảm xúc thật sẽ tạo nên cái hay cái đẹp trong thơ".
Võ Chân Cửu cũng không quên cảnh báo về thái độ cư xử đối với thơ qua hình tượng của một con cá:
-"Chữ nghĩa như những chiếc vảy cá lấp lánh muôn màu. Nhưng khi bị đánh hết vảy đi, thì con cá chỉ còn trơ khối thịt...".
Với tư cách của một nhà thơ, Võ Chân Cửu không bình giảng lý luận văn chương, anh có cái nhìn riêng của mình về thơ ca. Có lẽ đây là cách nhìn thấu đáo, đầy tinh tế giống như cái nhìn của người nông dân chăm sóc cho cánh đồng của mình: "Hình như không có một công thức hay hình mẫu nào để khẳng định về cái hay, vẻ đẹp của thơ ca....
Bước ngoặt quay về với những cảnh tượng, cảm xúc nhỏ nhoi nhưng có thật trong đời sống mỗi người qua biểu hiện của các nhà thơ mới, nam cũng như nữ, là điều rất đáng mừng. Sau đó, xu hướng sáng tác có thể thay đổi, nhưng giá trị về sự chân thực trong đời sống là điều đã được khẳng định.
Đi qua những bãi hoang, núi đồi, cạnh các dòng sông, chúng ta gặp rất nhiều loài hoa đang nở. Có loài không có hương thơm nhưng với các nhà nuôi ong rất quý vì nó bí mật chứa nhiều phấn. Nên đàn ong mật vẫn tìm tới để tha về tổ khi các loài hoa nhiều mật đã cạn. Hoa còn hay không là tùy thuộc vào những dòng chảy của sông và những mạch ngầm đang giữ nước, nuôi cây...". (Trích trang 43 "Theo dấu nhà thơ")
Trong "Theo dấu nhà thơ", chúng ta bắt gặp những nghĩa cử và việc làm cao đẹp của những nhà thơ mà ta từng yêu mến. Các tập thơ: "Quá giang thuyền ngược" của Lâm Anh (Quảng Ngãi), "Thơ" của Vương Từ (ở Mỹ) và "Ngậm thẻ qua sông" của Phù Hư (Sài Gòn) được các bằng hữu tự nguyện lo thủ tục, chi phí, in ấn và phát hành.
Khi Lâm Anh qua đời vào năm 2014 ở Cát Tiên (Lâm Đồng), Võ Chân Cửu đã có 2 câu đối viếng Lâm Anh:
"Trà Khúc chảy xuôi dòng, đến bến Ba La muốn tránh đợt triều cường, phải Quá Giang Thuyền Ngược.
Cát Tiên cao mấy núi, qua ngã Lâm Anh để ngừa cơn lũ quét, sao đành bỏ cuộc chơi".
Chỉ với 2 câu đối, Võ Chân Cửu đã nói lên được cuộc đời thơ nhiều lận đận của Lâm Anh. Thật là xúc động!
Khi giới thiệu về những bài thơ lục bát hay của Du Tử Lê, Phạm Công Thiện, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Nguyễn Lương Vỵ..., Võ Chân Cửu tin rằng "Nếu trút bỏ gánh nặng về hình thức thì sẽ có nhiều tập thơ lục bát hay được ra đời...". Anh cũng không quên nhắc đến những cây bút thành danh trước năm 1975 ở miền Nam. Có người bị "nhát búa" cuộc đời, có lúc, phải mang "nỗi buồn vàng", tự bỏ hoang hóa mảnh vườn thơ của mình. Nhưng chúng tôi tin những câu thơ tài hoa của họ sẽ sống mãi với đời như Võ Chân Cửu đã từng nhận định: "Cõi thơ sẽ tạo dựng một "mặt tiền" trên con đường nghệ thuật của mỗi người".
Võ Chân Cửu còn giới thiệu thơ và những câu chuyện văn chương của các nhà thơ: Bùi Giáng, Hoàng Trúc Ly, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Thị Khánh Minh, Chu Ngạn Thư, Hoàng Xuân Sơn, Triệu Từ Truyền, Từ Hoài Tấn, Nguyễn Miên Thảo, Kim Tuấn, Đinh Cường, Lê Phương Châu...
Có lẽ, từ năm 1975 đến nay suốt một thời gian dài, số lượng sách viết về thơ và văn học miền Nam (trước năm 1975) xuất bản không được nhiều. "Theo dấu nhà thơ" là một tác phẩm hiếm hoi viết về thơ và những câu chuyện văn chương của miền Nam trước năm 1975 được viết bởi Võ Chân Cửu là một người cùng thời, cũng là người trong cuộc. Thật là hữu ích và đầy thi vị. Qua tác phẩm này giúp cho người đọc có thêm tư liệu văn học về một thời kỳ. "Theo dấu nhà thơ" của nhà thơ Võ Chân Cửu giúp cho chúng ta gặp lại những bài thơ hay - những viên ngọc quý mãi mãi ngời sáng theo thời gian trong kho tàng văn học Việt Nam.
Lê Ngọc Trác
Phố biển La Gi, 15/3/2016
* * *
Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com