Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
NGHĨ VỀ MỘT CÂU CA DAO LỊCH SỬ CẬN ĐẠI
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

       

Trong quyển sử Đại Nam Thực lục Chính biên - Đệ lục kỷ Phụ biên viết về 2 triều đại Thành Thái (1889-1907) và Duy Tân (1907-1916) của Quốc sử quán triều Nguyễn do Học bộ Thượng thư Cao Xuân Dục làm Tổng tài, trong phần nói về việc viên Khâm sứ Georges Marie Joseph Mahé (1912-1913) đòi khai quật khu lăng mộ vua Tự Đức để tìm vàng vào cuối năm 1912 có nhắc đến một câu ca dao xuất hiện trong dân gian lúc bấy giờ "đương thời có câu “Bỏ vua không Khả (tức nguyên Thượng thư sung đại thần quản lãnh Thị vệ Ngô Đình Khả), bới mả không Bài" (1)  

 

Chúng ta thử tìm hiểu về câu ca dao nầy.

 

Bỏ vua không Khả”: (về sau trong dân gian có nơi dùng chữ "phế" thay cho chữ "bỏ": Phế vua không Khả) câu nầy liên quan đến 2 nhân vật: Vua Thành Thái (1889-1907) và Ngô Đình Khả.

 

Vua Thành Thái tên thật là Bửu Lân, con trai của vua Đục Đức, lên ngôi vào tháng 2 năm 1889 lấy niên hiệu Thành Thái lúc mới 10 tuổi. Ông là vị vua có tinh thần cấp tiến, thích khoa học, ưa học hỏi, giỏi cả chữ Nho lẫn chữ Pháp, tinh thần yêu nước cao độ luôn mưu tìm cách chống Pháp. Ông cho thành lập đội nữ binh trong cung. Bị thực dân Pháp để ý, ông giả điên giả dại. Chính vì sự giả điên giả dại này mà người Pháp đã tìm cách hạ bệ ông. Ngày 29-7-1907, nhân việc nhà vua không chịu phê chuẩn một số quan lại do viên Khâm sứ Fernand Ernest Lévecque và hội đồng Thượng thư thỏa thuận, Lévecque ngang nhiên truất quyền nhà vua và giam lỏng Ngài trong Đại nội, giao việc quản trị triều đình cho một Hội đồng Phụ chính do Thượng thư Trương Như Cương cầm đầu. Đến ngày 28-8-1907, Pháp cho một nhóm đại thần vào điện Càn Thành nơi nhà vua đang bị an trí dâng nhà vua bản chiếu thoái vị soạn sẵn có chữ ký của các quan đại thần đương thời, nhưng “không có chữ ký của Thượng thư sung Đại thần quản lãnh Thị vệ Ngô Đình Khả”. Kết quả là vua Thành Thái đành phải chịu thoái vị nhường ngôi cho người con trai thứ năm là hoàng tử Vĩnh San mới lên 7 tuổi lên ngôi vua vào ngày 5-9-1907, lấy niên hiệu Duy Tân.

 

 

Chân dung ông Ngô Đình Khả

 

Sau khi Duy Tân đăng quang, vào ngày 18-10-1907, vua Thành Thái bị Pháp đưa đi an trí tại Cap Saint Jacques (tức Vũng Tàu ngày nay) và khi cuộc chiến thế giới lần thứ 2 bắt đầu (1914) thì năm sau, 1915,  thực dân Pháp lập tức đày Ngài sang đảo Réunion thuộc châu Phi.

 

Ngô Đình Khả (1856-1925), người tỉnh Quảng Bình. Ông được gởi đi học trường nhà dòng tại Penang, Malaysia để trở thành tu sĩ Thiên chúa giáo nhưng về sau ông đã bỏ để làm việc cho triều đình nhà Nguyễn. Năm 1896, ông được vua Thành Thái giao phó cho thành lập trường Quốc học tại kinh đô Huế với chức Chưởng giáo. Năm 1898, vua Thành Thái phong ông làm Thượng thư Phụ đạo đại thần. Năm 1905 thăng chức Tổng quản Cấm thành lo việc bảo vệ hoàng thành và nhà vua. Năm 1907, như trên đã nói, vì ông không chịu ký vào bản thỉnh cầu vua Thành Thái thoái vị, nên sau khi vua Thành Thái bị phế truất (28-8-1907), không bao lâu sau, Ngô Đình Khả bị giáng 3 cấp rồi cho nghỉ hưu sớm ở tuổi 51. Sau khi về hưu, tên Khâm sứ F. Lévecque còn buộc triều đình không cấp tiền hưu bổng cho Ngô Đình Khả nữa (*). (1455). Mãi đến cuối tháng Chạp năm Quý Sửu, Duy Tân thứ 7 nhằm năm 1913 Dương lịch, triều đình mới "Chuẩn cho nguyên Thượng thư sung đại thần quản lãnh Thị vệ Ngô Đình Khả khai phục nguyên hàm Thượng thư, chiểu lệ mới cấp hưu bổng" (2) 

 

Như vậy, việc ông Ngô Đình Khả không ký vào bản thỉnh cầu vua Thành Thái thoái vị là ứng vào câu "Bỏ vua không Khả".

 

Ta thử bàn đến vế thứ 2:

 

Bới mả không Bài”: (về sau trong dân gian nhiều nơi thay chữ "đào" cho chữ "bới": Đào mả không Bài). Câu này nhắc đến một sự kiện lịch sử có liên quan đến một vị Thượng thư thời vua Duy Tân: Nguyễn Hữu Bài (1863-1935)

 

Cùng quê Quảng Bình với Ngô Đình Khả, cùng xuất thân từ trường dòng Pénang ở Malaysia, khi về nước cả hai cùng ra làm quan với triều Nguyễn.

 

Khởi đầu hoạn lộ, Nguyễn Hữu Bài nhận chức Thừa phái nha Thương Bạc tại kinh đô Huế, một cơ quan chịu trách nhiệm về công việc giao thiệp với người Pháp. Chỉ trong vòng 24 năm, từ chỗ giữ chân Thừa phái (1884), ông đã leo lên đến tột đỉnh danh vọng với chức Thượng thư bộ Công vào năm 1908 dưới thời vua Duy Tân.

 

Chúng ta thử tìm hiểu thực hư về câu chuyện "đào mả" nầy.

 

Giải thích bình thường, câu này có nghĩa là "bới mả (hay đào mả - đây nói về mả vua Tự Đức) không có sự tham dự của ông Bài, tức ông Nguyễn Hữu Bài". Câu này có liên quan đến một biến cố lịch sử xảy ra vào cuối năm 1912 tại Huế gây ra nhiều xúc động trong dân chúng.

 

Ta thử đọc lại một đoạn hồi ức của ông Huỳnh Côn, Thượng thư bộ Lễ triều Duy Tân, người có dính líu trực tiếp đến việc "đào mả" này qua lời thuật lại của tác giả Lê Nguyễn:

 

"...ông Huỳnh Côn kể rằng vào một ngày nọ, viên phó Khâm sứ Pháp de la Susse dùng ô tô đưa ông tới Khiêm lăng, nơi an táng vua Tự Đức, mà không nói trước mục đích của chuyến đi. Khi đến nơi, vừa bước xuống xe, de la Susse đã kề tai ông Côn nói nhỏ:

 

- Người ta cho tôi biết là có một kho báu chôn giấu ở chỗ này. Bây giờ chúng ta đi tìm công nhân, nhờ họ bới đất, và hai chúng ta sẽ biết được điều ấy có đúng không.

 

Trước một đề nghị khá bất ngờ, ông Côn cũng kịp trấn tĩnh và nói điều phải trái với de la Susse:

 

- Không được, trước hết phải bàn chuyện này với ông chủ tịch Tôn nhơn phủ.

 

- Tôi quên nói điều này. Chính ngài chủ tịch bảo tôi nói với ông.

 

Ông Côn tiếp tục phản bác ý định của de la Susse:

 

- Tôi không thể tự mình nhận lấy một trách nhiệm như thế. Đây là việc có liên quan đến tất cả các thượng thư. Cần có ý kiến của Thượng thư bộ Công, bởi vì phải đào bới; của Thượng thư bộ Hộ, bởi vì có liên quan đến của cải; của Thượng thư bộ Lễ, vì có đụng chạm đến lăng tẩm...". (3)         

 

Sau khi bị từ chối, viên Khâm sứ Georges Marie Joseph Mahé triệu tập ngay một số đại thần trong triều đến gặp Lễ bộ Thượng thư Huỳnh Côn buộc phải thảo ra một biên bản đồng ý cho việc khai quật khu lăng mộ vua Tự Đức.

 

 

Chân dung ông Nguyễn Hữu Bài

 

Sách Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên ghi chép về việc này như sau:   

 

"Khâm sứ đại thần Mahé hội thương nói nghe báo ở gian giữa điện Hòa Khiêm vốn có chôn nhiều vàng bạc, nên bàn ủy Hữu Tôn khanh Phủ Tôn nhân Ưng Hào, Tả Tham tri bộ Lễ Mai Hữu Dực, Phụng hộ Phó sứ Tùng Lễ hội đồng với hai viên Hội biện Lại Hộ lập tức tới nơi đào lên lấy số vàng bạc ấy giao cho Phủ Nội vụ để làm việc có ích.(...) "Sau đó hội đồng đào lên, qua hơn mười ngày không có gì cả, kế quý Tòa nói đã có lời Toàn quyền đại thần bàn dừng lại để khỏi ngờ vực náo động". (4)

 

Toàn quyền Đông Dương vào thời gian này là Albert Sarraut.

 

Công việc khai quật khu lăng mộ Tự Đức không có sự hiện diện của Thượng thư bô Công là Nguyễn Hữu Bài như chính sử của Nhà Nguyễn đã xác nhận, dù rằng, Thượng thư bộ Công mới là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc khai quật này. "...về việc này đại thần bộ Công Nguyễn Hữu Bài không dự, đương thời có câu "Bỏ vua không Khả (tức nguyên Thượng thư sung đại thần quản lãnh Thị vệ Ngô Đình Khả), bới mả không Bài" (5)  

 

Nhắc đến chuyện "đào mả" này, ông Nguyễn Đình Hồng, tác giả của sách “Sử Việt cận và hiện đại” đã viết như sau:

 

“...muốn tìm hiểu chuyện đào vàng này như thế nào thì phải lục lại văn khố quốc gia Pháp, hồ sơ số 9PA, C3.

 

Theo báo cáo của toàn quyền Albert Sarraut ngày 21-3-1913 thì cuối năm 1912, khâm sứ Pháp tại Huế là Mahé muốn quyên góp tiền để sung vào công quỹ chuẩn bị cho chiến tranh 1914-1918, thì có người chỉ cho Mahé nên đào mả vua Tự Đức để lấy vàng, vì lúc chôn Tự Đức có chôn theo rất nhiều vàng. Trước khi thực hiện, Mahé vào gặp triều đình Huế để hỏi ý kiến các quan trong Cơ Mật Viện do Trương Như Cương đứng đầu. Các quan trong Cơ Mật Viện không có ý kiến. Biết được việc này, thượng thư bộ Công là Nguyễn Hữu Bài vào triều chửi Trương Như Cương thậm tệ và hô hào chống lại việc đào mả...” (6)  

 

 

Phủ phụ chánh triều vua Duy Tân (Từ trái sang):

Tôn Thất Hân (thượng thư bộ hình) Nguyễn Hữu Bài

(thượng thư bộ lại), Huỳnh Côn (thượng thư bộ lễ)

Hoàng thân Nguyễn Phúc Miên Lịch, Lê Trinh (thượng thư

bộ công) Cao Xuân Dục thượng thư bộ học. Photo: Wikipedia

 

Như ở trên chúng ta đã thấy, chính sử nhà Nguyễn chỉ ghi Thượng thư bộ Công Nguyễn Hữu Bài không có mặt lúc khai quật khu lăng mộ của nhà vua, và hành động này của Nguyễn Hữu Bài dù chỉ như thế thôi cũng đáng để cho người đường thời và cả người đời sau khâm phục và ca ngợi. Còn chuyện "Biết được việc này, thượng thư bộ Công là Nguyễn Hữu Bài vào triều chửi Trương Như Cương thậm tệ và hô hào chống lại việc đào mả...” tôi e là có chút gì hơi cường điệu. Bởi, Nguyễn Hữu Bài, người đã từng được quan Lại bộ Thượng thư, Khâm sai Đại thần Bắc Kỳ là Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902) khen là người "tài đức, thâm trầm nhưng khí khái, sâu sắc, hòa nhã..." (7) thì không thể có hành vi "...vào triều chửi Trương Như Cương thậm tệ và hô hào chống lại việc đào mả...” được. Nguyễn Hữu Bài cũng thừa biết Trương Như Cương là người như thế nào. Vào lúc xảy ra sự việc "đào mả" này, Trương Như Cương đang là Thượng thư bộ Lại, Phụ chính Đại thần, đứng đầu Cơ mật viện mà ông Bài là một thành viên. Sử gia Phạm Văn Sơn đã nhận xét: "...tới khi Trương Như Cương nắm giữ guồng máy triều đình thì sức mạnh của chính quyền lọt hết vào tay bọn thân Pháp, người trung trực chỉ còn là những chiếc bóng mờ." (8) Vậy thì, một người "thâm trầm, sâu sắc, hòa nhã" như Nguyễn Hữu Bài đâu có thiếu khôn ngoan đến độ xốc nổi như ông Nguyễn Đình Hồng mô tả? 

 

Chúng ta thử tìm hiểu sự kiện "phế vua" hay "đày vua" trong câu ca dao nói trên.

 

Cùng trong trang mạng Wikipedia, khi viết về Nguyễn Hữu Bài (1863-1935), ta thấy câu: "Phế vua không Khả", nhưng khi viết về Ngô Đình Khả (1850-1925), ta lại gặp câu: "Đày vua không Khả".

 

Cả 2 sự kiện "phế vua" và "đày vua" đều đúng trong trường hợp vua Thành Thái. Nhà vua bị "phế" rồi sau đó bị "đày". Thế nhưng, đối với câu ca dao nêu trên, sự kiện "phế" vua đúng hơn vì nó có liên quan đến sự kiện Ngô Đình Khả không ký tên vào tờ biểu yêu cầu vua Thành Thái thoái vị.

 

Vậy mà, một số tác giả khi viết về câu ca dao nêu trên, phần lớn đều viết "đày vua". Chẳng hạn:

 

Sử gia Phạm Văn Sơn viết trong Việt Sử Toàn Thư:

 

"Màn cuối cùng của triều đại Thành Thái đã kết thúc ở chỗ các quan vào lạy nhà vua và đệ một tờ biểu yêu cầu Ngài thoái vị. Tờ biểu này đã có đầy chữ ký của họ. Riêng ông Ngô đình Khả không chịu ký vào tờ biểu trên đây, mặc dầu có sự dọa nạt của Pháp và bè lũ vong nô, cho nên sau này từ cửa miệng Sĩ phu Trung phần mới có câu: Đày vua không Khả.” (9) 

 

Nhà văn Tuệ Chương Hoàng Long Hải trong bài "Nói Chuyện Ngàn Năm" cũng đã viết:

 

"Thành Thái làm vua được 20 năm (1888-1908) thì Tây mượn cớ là nhà vua bị điên và truất ngôi, đưa đi đày. Khôn khéo tránh mặt, Pháp ra lệnh cho các quan  trong triều họp nhau lại để truất ngôi vua. Thủ đoạn của Pháp là ném đá giấu tay, để người ngoài nghĩ rằng đây là việc nội bộ Nam Triều, Pháp không xía vô. Nhưng có người trong triều không tuân lệnh Pháp. Đó là ông Ngô Đình Khả, ông cho rằng vua không tội gì để phải bị truất. Một mình ông Ngô Đình Khả chẳng làm được gì khi các triều thần đều theo Tây. Nhưng tiếng thơm thì còn đó, còn trong câu ca dao:

 

Đày vua không khả

Đào mả không bài (10)  

 

Trang mạng Wikipedia ghi: "Năm 1905 ông thăng chức Tổng quản Cấm thành, bảo vệ vua Thành Thái. Hai năm sau khi chính quyền Bảo hộ dưới sự vận động của khâm sứ Ferdinand Lévecque đòi truất vua Thành Thái, ông nhất quyết không chịu ký tên vào tờ biểu rồi bị cất chức. Vì vậy dân gian có câu truyền:

 

"Đày vua không Khả

Đào mả không Bài"

 

Chúng ta có thấy một điều lạ trong ba câu nêu trên hay không?

 

Sử gia Phạm Văn Sơn xác nhận "các quan vào lạy nhà vua và đệ một tờ biểu yêu cầu Ngài thoái vị"; nhà văn Tuệ Chương Hoàng Long Hải  cũng xác nhận "Pháp ra lệnh cho các quan trong triều họp nhau lại để truất ngôi vua"; trang Wikipedia quả quyết "khâm sứ Ferdinand Lévecque đòi truất vua Thành Thái". Vậy mà khi giới thiệu câu ca dao ghi lại sự kiện nêu trên, các tác giả không viết "Phế vua không Khả" mà lại ghi "Đày vua không Khả" .

 

Tại sao vậy? Quả khó tìm được một câu trả lời chính xác. Dưới đây chúng tôi chỉ dám xin đưa ra một vài ý kiến thô thiển.

 

Như ở phần trên chúng ta đã thấy, sử gia Phạm Văn Sơn đã viết: "...cho nên sau này từ của miệng Sĩ phu Trung phần mới có câu: Đày vua không Khả.”

 

Trong thời gian trị vì của 2 vị vua yêu nước - Thành Thái (1889-1907) và Duy Tân (1907-1916) - không phải chỉ có nho sĩ miền Trung, mà cả toàn dân Việt Nam vẫn luôn bị sự cai trị hà khắc của thực dân Pháp dày vò và ám ảnh. Vua Thành Thái bị truất phế, sau đó bị đày vào Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) để an trí và đến năm 1915 bị đày sang đảo Réunion ở châu Phi là một mối nhục. Trong sử Việt, không thiếu gì nhà vua bị "phế" nhưng sự phế truất là do triều đình của người Việt phế truất. Sử Việt chưa hề chứng kiến một vị vua bị lưu đày, ngoại trừ trường hợp vua Hàm Nghi vì ban chiếu Cần vương kêu gọi toàn dân chống Pháp nên sau khi bị Pháp bắt, Pháp đã đày Ngài sang  Algérie, một thuộc địa của Pháp thuộc Phi châu vào năm 1889. Đằng này vua Thành Thái vừa bị áp lực của Pháp mà phải thoái vị, lại do bàn tay của Pháp mà bị lưu đày. Thế nên nỗi nhục và nỗi đau lại càng lớn hơn. Vua bị ngoại bang phế truất nỗi nhục một thì nhà vua bị ngoại bang lưu đày nỗi nhục phải gấp nhiều lần hơn.

 

 

Vua Thành Thái

 

Nỗi đau, nỗi nhục nhà vua bị lưu đày không kém gì nỗi nhục nỗi đau khi biết lăng vua Tự Đức bị khai quật để tìm vàng. "Đào mả" không phải vì "cải táng" thì dù vì bất kỳ một lý do nào khác cũng không được người Việt Nam chấp nhận. Người Việt xưa vẫn ước mong "Sống có nhà, thác có mồ" hay "Sống cậy nhà, già cậy mồ". Người xưa vẫn quan niệm "sống gởi thác về" mà về là về cái nhà miên viễn của mình là cái mồ. Vậy nên, "đào mồ" là một việc ác không thể tha thứ được. Huống nữa việc "đào mả" vua lại do ngoại bang thực hiện!

 

Chính sĩ phu Trần Cao Vân, trong một lá thư gởi cho vua Duy Tân để kêu gọi nhà vua nhận làm lãnh tụ cho cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm 1916 cũng đã từng viết:

 

Phụ hoàng hoàng đế hà tội kiến thiên?

Dực Tôn tôn lăng hà cớ kiến quật?

 

(Vua cha - tức vua Thành Thái - có tội gì đâu mà phải chịu lưu đày?

Lăng vua Dực Tôn - tức vua Tự Đức - vì cớ gì mà bị đào bới?)

 

Việc vua Thành Thái bị lưu đày và việc lăng vua Tự Đức bị đào bới đã khơi dậy lòng căm phẫn chẳng những cho vua Duy Tân mà còn là nỗi đau, nỗi nhục  cho toàn dân Việt Nam  nên lúc nào họ cũng chỉ muốn nhắc đến việc vua Thành Thái bị lưu đày và khu lăng mộ của vua Tự Đức bị khai quật để khơi gợi lòng căm thù giặc của toàn dân. Tôi nghĩ, do vậy mà người ta vẫn thích đọc "Đày vua không Khả" hơn là "Phế vua không Khả".

 

Trong bài "Giải thích ca dao lịch sử: Những khó khăn" chúng tôi đã nêu lên một số câu hay bài ca dao, vì lý do nầy hay lý do khác,  đã có cách giải thích khác nhau. Tuy nhiên, dù cách giải thích có khác nhau cũng chỉ bắt nguồn từ quan niệm của người ở mỗi địa phương, hoặc vì lâu ngày, nên câu hay bài ca dao nhắc đến một sự kiện hay một nhân vật nào đó đã bị lãng quên để từ đó dẫn đến sự giải thích khác nhau. Trường hợp của câu ca dao được trích dẫn trên đây lại hoàn toàn khác. Sự khác nhau chỉ vì quan điểm chính trị đối nghịch, và câu ca dao đã bị thay đổi một vài chữ để đi đến kết quả ý tưởng của câu ca dao hoàn toàn đối nghịch với nhau, dù rằng sự kiện lịch sử đó xảy ra cách thời đại của chúng ta chỉ mới vào khoảng trên 100 năm.

 

Trong một bài viết nhan đề "Nghĩ về hai dòng họ thông gia ở Huế" của ông Nguyễn Hạnh Hoài Vy đã được ông Lê Hữu Dãn cho đăng trên tập sách "Tài liệu soi sáng Sự Thật 2003 (Evidence of The Truth 2003) đã viết như sau:

 

“Một tài liệu khác trong “Lịch sử Phật giáo Huế” của Thượng tọa Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (nhà XB thành phố HCM, 2000) lại trưng ra những chứng cớ đơn giản hơn, khẳng quyết Nguyễn Hữu Bài là kẻ đã đồng ý đào mả vua Tự Đức: “Nguyễn Hữu Bài là người đã ký giấy để bọn thực dân Pháp quật lăng vua Tự Đức. Điều này có thể không sai bởi vì ông đã nói với ông A. Delvaux là “nước Pháp đã mở rộng nền bảo hộ của họ một cách “cực chẳng đã”, nghĩa là điều nước Pháp không muốn, họ vẫn bị đẩy bởi sự vi phạm không ngừng các hiệp ước do triều đình vua Tự Đức gây nên”. Riêng Ngô Đình Khả “là người đã ký giấy cho bọn thực dân Pháp đày vua Thành Thái sang Réunion. Dân Huế còn truyền tụng “Đày vua ông Khả, đào mả ông Bài” (11)  

 

 

Vua Duy Tân

 

Và chính ông Nguyễn Hạnh Hoài Vy cũng đã viết: "Nhận định về công trạng của hai dòng họ Nguyễn Hữu - Ngô Đình đã đóng góp cho thế quyền (Đại Pháp) và giáo quyền (Giáo hội Công giáo Vatican) lớn tới đâu, chỉ có trong nội bộ của hai thế lực này biết thôi, nhưng có một câu vè trong dân gian ở Huế về hai nhân vật này "Đày vua có Khả, đào mả có Bài" vẫn còn là dấu hỏi. Dấu hỏi bởi, theo các tài liệu lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam viết thường là ca tụng hai nhân vật "độc đáo" này hết lời, và tất nhiên câu vè dân gian trên được sửa lại: "Phế vua không Khả, đào mả không Bài" (Nhân vật Giáo phận Huế...) để ám chỉ tới lập luận của chính họ: Bài đã từng "lên tiếng" ngăn chận, dù không thành khâm sứ Mahé ngang ngược bắt khai quật lăng Vua Tự Đức lấy vàng ngọc châu báu vào năm 1907(?), dưới triều Vua Duy Tân. Ông Thượng Ngô Đình Khả "phản đối" Pháp trong âm mưu truất phế và đày vua Thành Thái (cũng chỉ lên tiếng thôi mà không thành!)" (12)  

 

Hai ông Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm có quyền khẳng quyết (?), nhưng một câu hỏi được đặt ra: hai ông đã căn cứ vào nguồn sử liệu nào để "khẳng quyết": "Nguyễn Hữu Bài là người đã ký giấy để bọn thực dân Pháp quật lăng vua Tự Đức"? Trong khi đó, về Nguyễn Hữu Bài, chính sử triều Nguyễn lại ghi"...về việc này (tức việc khai quật khu lăng mộ) đại thần bộ Công Nguyễn Hữu Bài không dự, đương thời có câu "Bỏ vua không Khả (tức nguyên Thượng thư sung đại thần quản lãnh Thị vệ Ngô Đình Khả), bới mả không Bài" (13)  

 

Hai ông Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm còn quả quyết như đinh đóng cột rằng chính ông Ngô Đình Khả "là người đã ký giấy cho bọn thực dân Pháp đày vua Thành Thái sang đảo Réunion."?

 

Không biết 2 tác giả nêu trên đã căn cứ vào sử liệu nào? Cứ theo chính sử của triều Nguyễn thì, vào khoảng tháng 9 năm Đinh Mùi, Duy Tân thứ nhất, Tây lịch là khoảng cuối tháng 10, năm 1907, "Thượng thư bộ Lễ sung đại thần quản lãnh Thị vệ Ngô Đình Khả trí sự. Khâm sứ đại thần Levecque bàn nói chức vụ của Đình Khả không cần thiết, cần phải xử trí." (...)  "...chuẩn cho Đình Khả mang nguyên hàm về quê (Quảng Bình) trí sự, chước lượng cấp tiền bổng để tỏ rõ ý thể tất (về sau Tòa Khâm sứ bàn không cấp tiền hưu bổng nữa). (14)  

 

Mãi đến tháng 1-1914 mới "Chuẩn cho nguyên Thượng thư sung đại thần quản lãnh Thị vệ Ngô Đình Khả khai phục nguyên hàm Thượng thư, chiểu lệ mới cấp hưu bổng." (15) 

 

Nếu ông Ngô Đình Khả "là người đã ký giấy cho bọn thực dân Pháp đày vua Thành Thái sang đảo Réunion" thì việc làm này rất phù hợp với chủ trương của thực dân Pháp, vậy tại sao ông lại bị tên Khâm sứ Lévecque buộc triều đình phải cho Ngô Đình Khả về hưu non ở tuổi 51 và sau đó lại còn buộc triều đình không cho Khả nhận tiền hưu bổng? Vả lại, Ngô Đình Khả bị cho "trí sự" từ năm 1907 mà mãi đến năm 1915 vua Thành Thái mới bị đày sang đảo Réunion, vậy ông "ký giấy" cho phép đày vua vào khoảng thời gian nào?                 

 

Theo ông Nguyễn Hạnh Hoài Vy trong bài dẫn thượng, "có một câu vè trong dân gian ở Huế về hai nhân vật này "Đày vua có Khả, đào mả có Bài" ....

 

Chúng ta thử bàn về câu này:

 

Đày vua có Khả

Đào mả có Bài

 

Chữ "CÓ" trong 2 câu này có thể cho ta 2 cách hiểu (dĩ nhiên là miễn cưỡng):

 

* Theo cách hiểu của ông Nguyễn Hạnh Hoài Vy: Việc "đày vua" Thành Thái CÓ sự tham gia và đồng ý của ông Ngô Đình Khả, và việc "đào mả" vua Tự Đức của viên Khâm sứ Trung Kỳ Mahé CÓ sự tham dự và đồng ý của ông Nguyễn Hữu Bài.

 

* Theo cách hiểu của ông Nguyễn Hạnh Hoài Vy, ta cũng có thể hiểu chữ CÓ theo cách hiểu khác: Việc "đày vua" Thành Thái CÓ sự phản đối của Ngô Đình Khả và việc "đào mả" vua Tự Đức CÓ sự phản đối của ông Nguyễn Hữu Bài, bởi vì trong thực tế lịch sử có 2 sự kiện này xảy ra như chúng tôi đã chứng minh ở trên.

 

Trong phần trên đây chúng tôi đã đưa ra một số sử liệu căn cứ vào chính sử của quốc sử quán triều Nguyễn để chứng minh rằng Thượng thư Ngô Đình Khả đã không ký vào tờ biểu buộc vua Thành Thái phải thoái vị và Thượng thư Nguyễn Hữu Bài đã không dính dự vào vụ khai quật khu lăng mộ của vua Tự Đức. Hai sự kiện nầy đã chứng minh cho câu ca dao được dân gian truyền tụng từ ngay sau khi xảy ra 2 sự kiện nói trên "Phế vua không Khả - Đào mả không Bài" là đúng. Cũng trong bài viết này, chúng tôi cũng đã phê phán một vài ý kiến hoặc quá đề cao nhân vật trong sự kiện, hoặc dùng thủ thuật đánh tráo ngôn từ để hạ thấp nhân vật.

 

Cuối cùng, như đã lý giải ở trên, chúng tôi đề nghị nên dùng chữ "PHẾ" thay vì chữ "ĐÀY" cho đúng với thực tế lịch sử:

 

Phế vua không Khả,

Đào mả không Bài.

           

ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

Ghi chú:

 

* Đại Nam thực lục chính biên, Đệ lục kỷ Phụ biên của Quốc quán triều Nguyễn, do Cao Tự Thanh dịch, gồm hàng ngàn sự kiện được đánh số từ 0001 đến 2042. Khi trích dẫn, chúng tôi sẽ ghi theo những con số của mỗi sự kiện.

 

01. ĐNTLCB VI - điều 1815

 

02. - - - sđd- - - điều 1882

 

03. Sự thật về việc đào mả vua Tự Đức năm 1912 - Lê Nguyễn (Net)

 

04. ĐNTLCB VI điều 1815

 

05- - - sđd- - - điều 1815

 

06. Sử Việt cận & hiện đại - Nguyễn Đình Hồng - ND ngày 23-5-2009

 

07. Thân thế và sự nghiệp Phước Môn Quận công Nguyễn Hữu Bài - Lê Trọng Quát (net)

 

08. Việt Sử Toàn Thư - Phạm Văn Sơn - tr. 684

 

09. - - - sđd- - -     tr. 686

 

10. Hoàng Long Hải - Huế và Ngô gia - Đàn Chim Việt, ngày 23-7-2006

 

11. Nguyễn Hạnh Hoài Vy - Sự Thật 2003 - tr. 569

 

12.  - - - ntr - - -  tr. 568          

 

13. ĐNTLCB VI điều 1815

 

14. - - - sđd- - - điều 1455

 

15. - - - sđd- - - điều 1888

 

*  *  *             

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Biên khảo: click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh