Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
GÁI ĐÂU CÓ GÁI LẠ LÙNG...
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

Ngày 2-5 Nhâm Tuất (1-6-1802) tại Phú Xuân, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, xưng đế hiệu Gia Long.

 

Ngày 21-6 Nhâm Tuất (20-7-1802), Gia Long kéo đại quân vào Thăng Long ca khúc khải hoàn, tuyên bố đất Bắc Hà đã "đại định".

 

Ngày 5-11 Nhâm Tuất (29-11-1802) Gia Long làm lễ tế cáo Trời, Đất, Thần kỳ.

 

Ngày 6-11 Nhâm Tuất (30-11-1802) đem vua tôi  Cảnh Thịnh cáo trước Thái miếu để làm lễ hiến phù! Tất cả đều bị voi phanh thây!

 

Anh em Tây Sơn bị Gia Long trả thù một cách tàn nhẫn, trong lúc đó có tin đồn hoàng hậu Tây Sơn lại chịu làm tì thiếp của Gia Long và người ta nghĩ đó là Bắc Cung hoàng hậu tức công chúa Lê Thị Ngọc Hân con của vua Lê Hiển Tông!

 

Dân chúng Bắc hà dù không ưa gì anh em Tây Sơn, những người đã chấm dứt cơ đồ của vua Lê chúa Trịnh trên đất Bắc, nhưng dù sao họ cũng tôn kính Quang Trung hoàng đế, người đã đánh tan hai mươi vạn quân xâm lăng Mãn Thanh tránh cho họ cái ách bị Bắc phương đô hộ. Họ chỉ căm phẫn thái độ trả thù hèn hạ của Gia Long và giận lây bà hoàng hậu Tây Sơn chịu làm vợ Gia Long!

 

Vậy là từ đây trong dân gian loan truyền câu hát:

 

Gái đâu có gái lạ lùng

Con vua mà lấy hai chồng làm vua!

 

Hay:

 

Số đâu có số lạ lùng

Con vua lại lấy hai chồng làm vua!

 

Và họ đổ riệt cho vị hoàng hậu tai tiếng đó là Bắc Cung hoàng hậu tức Ngọc Hân công chúa!

 

Lại có một luồng dư luận khác cho rằng, Bắc Cung hoàng hậu đã đem hai con vào Quảng Nam, đổi tên họ để lẩn trốn nhưng về sau cũng bị Gia Long bắt và đem hành hình cả ba!

 

Sự thực nằm ở đâu?

 

Thử lần giở những trang sử.

 

Lê Thị Ngọc Hân sinh ngày 24-7 Canh Dần (13-9-1770), là con gái thứ 21 của vua Lê Hiển Tông (1740-1786) và chiêu nghi (*) Nguyễn Thị Huyền, người làng Phù Ninh, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm 1786, theo đề nghị của Nguyễn Hữu Chỉnh (Xem thêm về Nguyễn Hữu Chỉnh, click vào đây – webmaster chú), nguyên là tì tướng của Hoàng Đình Bảo ở đất Bắc vào hàng Tây Sơn, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc lấy danh nghĩa "phù Lê diệt Trịnh", và cũng theo mai mối của Chỉnh, Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ năm bà mới 16 tuổi và Nguyễn Huệ đã 33 tuổi. Năm 1788, trước khi đem quân ra Bắc đánh quân Mãn Thanh, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, niên hiệu Quang Trung, Ngọc Hân được phong Bắc Cung hoàng hậu.  

 

Bà có 2 con: công chúa Nguyễn Thị Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức.

 

Năm 1792, hoàng đế Quang Trung đột ngột từ trần, Quang Toản kế vị tức vua Cảnh Thịnh. Cảnh Thịnh là con của chánh cung hoàng hậu Bùi Thị Nhạn. Anh họ hoàng hậu Bùi Thị Nhạn là Bùi Đắc Tuyên, là cậu của vua Cảnh Thịnh, khuynh loát triều chính. Bắc cung hoàng hậu Lê Thị Ngọc Hân mới 22 tuổi phải đem hai con ra ngoài thành Phú Xuân sống ở chùa Kim Tiên gần điện Đan Dương để chăm sóc mồ mả cho chồng.

 

Ngọc Hân mất ngày 8-11 Kỷ Mùi (4-12-1799) khi chưa tròn 30 tuổi! Lễ bộ thượng thư triều Tây Sơn là Phan Huy Ích (1751-1822) có viết 5 bài văn tế để đọc trong tang lễ của Bà tại Phú Xuân:

 

- Một bài cho vua Cảnh Thịnh đọc.

- Một bài cho mẹ của Ngọc Hân là chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền.

- Một bài cho các công chúa con vua Quang Trung.

- Một bài cho tôn thất nhà Lê.

- Một bài cho đại diện quê ngoại Phù Ninh, Bắc Ninh.

 

Bà được truy tặng là Như Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu.

 

Theo tộc phả của dòng họ Nguyễn Đình, tức dòng họ của chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền ở làng Phù Ninh, cả hai con của Ngọc Hân đều yểu mệnh. Hoàng tử Nguyễn Quang Đức mất ngày 23-12-1801 lúc 10 tuổi và công chúa Ngọc Bảo mất ngày 18-5-1802 lúc vừa 12 tuổi. Năm 1804, bà Nguyễn Thị Huyền đã bí mật cho dời mộ mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về cải táng ở Phù Ninh (nay thuộc Hà Nội) và cải danh rồi cho lập đền thờ. Năm 1842, vua Thiệu Trị cho phá đền thờ và chính sử nhà Nguyễn là bộ Đại Nam Thực Lục Chính Biên (Đệ tam kỷ, quyển XXII) đã ghi:

 

"Tỉnh Bắc Ninh có dân xã Phù Ninh ngầm thờ ngụy quỷ. Việc bị phát giác. Vua sai hủy bỏ đền thờ.

 

(Nguyên người xã ấy là Nguyễn Thị Huyền, làm cung nhân của vua Lê Hiển Tông, có người con gái là Ngọc Hân, sau gả cho ngụy [Nguyễn] Huệ sinh được 1 trai, 1 gái. Ngọc Hân chết, trai gái cũng chết non cả. Khoảng năm đầu Gia Long, ngụy Đô đốc tên là Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm ở địa phận xã Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả dối, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích. Tới đây, việc ấy bị phát giác, vua sai hủy đền thờ, đào bỏ hài cốt kẻ ngụy đi)."  

 

Như trên ta đã biết, 2 con của Ngọc Hân và vua Quang Trung đều chết trước khi Gia Long lên ngôi cửu ngũ và chết cách nhau khoảng nửa năm (23/12/1801 - 18/5/1802), sử của nhà Nguyễn cũng đã xác nhận "Ngọc Hân chết, trai gái cũng chết non cả" như vậy cũng không có chuyện Bắc Cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân đưa hai con vào trốn ở Quảng Nam và về sau bị Gia Long bắt cả ba và cho hành hình!    

 

Bắc Cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân từ trần ngày 4-12-1799, trước ngày Gia Long lên ngôi cửu ngũ gần 3 năm. Như vậy, dư luận cho rằng Ngọc Hân bị Gia Long nạp làm cung phi cho ông ta là không đúng.

 

Vậy thì ai mới là "con vua lại lấy hai chồng làm vua?”.

 

Đó là công chúa Lê Thị Ngọc Bình, sinh năm 1783, con gái út của vua Lê Hiển Tông và bà chiêu nghi (*) Nguyễn Thị Điều và là em cùng cha khác mẹ với công chúa Lê Thị Ngọc Hân.

 

Sau khi Quang Trung băng hà, Bắc Cung hoàng hậu ra khỏi cung điện sống ẩn dật. Đến năm 1795, Thái sư Bùi Đắc Tuyên bị truất quyền, Ngọc Hân muốn Cảnh Thịnh lưu ý đến dòng họ Lê của bà nên bà đã làm mai người em gái cùng cha khác mẹ với bà là công chúa út Lê Thị Ngọc Bình cho hoàng đế Cảnh Thịnh. Ngọc Bình cùng tuổi với vua Cảnh Thịnh, được Cảnh Thịnh cất nhắc làm chánh cung hoàng hậu. Bà về làm vợ Cảnh Thịnh khoảng 6 năm, không thấy ghi có con cái gì hay không. Năm 1801, bị quân Nguyễn Ánh truy sát, vua tôi Cảnh Thịnh bỏ Phú Xuân chạy ra đất Bắc và tất cả bị quân Nguyễn Ánh bắt, kể cả vua Cảnh Thịnh và hoàng hậu Lê Thị Ngọc Bình.

 

Sách Quốc Sử Di Biên của  Phan Thúc Trực (1808-1852) ghi:

 

“Tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802) loan giá đức Thế tổ (tức vua Gia Long- TG) đến kinh thành Thăng Long... nhân dân hào mục bắt được anh em "ngụy quyền" Nguyễn Quang Toản và đem dâng lên nhà vua... Nguyên trước đó, Nguyễn Quang Thiệu và Nguyễn Quang Toản chạy về phủ Lạng Giang.

 

Lúc đi đến làng Phương Lan thì kẻ tùy tòng của Toản chỉ còn hơn trăm người mà thôi. Chánh tổng Yên Mẫu là Võ Thám và bọn Trần Huy Giao ở đất Kinh Than đốc suất các hào mục thuộc huyện Yên Lãng và huyện Lục Ngạn đến bao vây anh em Nguyễn Quang Toản, mãi về sau bọn Tổng Thám mới bắt được Quang Toản và Quang Thiệu đem dâng... Bọn Tổng Thám lại dâng nạp bà phi là Lê Thị Ngọc Bình vào trong nội cung nhà vua”.

 

Tháng 11 năm Nhâm Tuất (1802) vua Gia Long tổ chức lễ Hiến phù, cho đào mộ của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc (ở Bình Định), vua Quang Trung Nguyễn Huệ (ở Thuận Hóa). Đem 3 thủ cấp của 3 vua Tây Sơn giam vào vò, còn xương cốt của 3 vua và các tử tội khác thì bỏ vào giỏ mây, làm cho ô uế rồi bắn ra sông Hương cho trôi về biển...

 

Trong lúc đó, chánh cung hoàng hậu của vua Cảnh Thịnh là Lê Thị Ngọc Bình lại được vua Gia Long cho tuyển vào nội cung. Đám cận thần của Gia Long, đứng đầu là Tả quân Lê Văn Duyệt đã can ngăn: "Trong thiên hạ thiếu gì con gái đẹp mà Hoàng thượng lại lấy vợ thừa của giặc?". Vua Gia Long đã đáp ngay: "Tất cả giang san này cái gì không là của giặc để lại thì có lấy thêm một người đàn bà đẹp đã có gì là không phải!".

 

Tương truyền, Lê Thị Ngọc Bình là một thiếu phụ sắc nước hương trời, ăn nói dịu dàng, toàn thân nàng toát ra một mùi hương đặc biệt vô cùng quyến rũ.

 

Như ta đã thấy, Gia Long đã cho trả thù nhà Tây Sơn một cách vô cùng man rợ như trong lễ Hiến phù kể trên. Thế nhưng, nếu xét những hành động của anh em Tây Sơn trước đó đối với dòng họ Gia Long, thì việc trả thù của Gia Long không có gì đáng trách! Năm 1777, Nguyễn Huệ đem quân vào Vĩnh Long bắt được Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương và sau đó cho quân vào Long Xuyên bắt được Thái Thượng vương Nguyễn Phúc Thuần cùng 18 người thân thích của Thái Thượng vương và tất cả đều bị thảm sát, chỉ trừ Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát! Dân chúng trong Nam sau đó đã truyền tụng câu ca dao sau đây:

 

Ngồi buồn nhớ Chúa ta xưa

Long Xuyên hận cũ bao giờ cho nguôi!”.

 

Khi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ vào chiếm Phú Xuân rồi đóng đô luôn ở đây cũng đã cho phá hủy các tôn miếu, mồ mả của các chúa Nguyễn! Gia Long đã lặp lại những gì anh em Tây Sơn đã làm cho dòng họ ông ta - cũng chỉ là một cách "ăn miếng trả miếng" mà thôi!

 

Thế nhưng, có một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Gia Long cho đào mộ của bà Phạm Thị Liên người vợ thuở tào khang đã mất sớm của vua Quang Trung Nguyễn Huệ từ Bình Định đem ra Huế để làm lễ hiến phù, trong khi đó mộ của hoàng hậu Ngọc Hân, cũng là vợ vua Quang Trung và mộ của 2 con của Quang Trung Nguyễn Huệ là hoàng tử Nguyễn Quang Đức và công chúa Nguyễn Thị Ngọc Bảo ở ngay tại Phú Xuân lại không hề hấn gì? Câu trả lời chỉ có thể nằm ở sức mạnh vô hình của Lê Thị Ngọc Bình, người vừa mới được Gia Long tuyển vào hậu cung để sau đó trở thành Đệ tam cung Đức Phi, chỉ đứng sau Thừa Thiên cao hoàng hậu Tống Thị Lan, mẹ Hoàng tử Cảnh, Thuận Thiên cao hoàng hậu Trần Thị Đang, mẹ Hoàng tử Đảm sau kế vị Gia Long tức vua Minh Mạng. Chắc chắn phải có sự can thiệp của Lê Thị Ngọc Bình, người đàn bà chẳng những có sắc đẹp mê hồn, giọng nói quyến rũ mà còn có cả mùi hương của da thịt làm "chết điếng" lòng người! Gia Long đã lụy vì sắc đẹp đó, giọng nói đó và mùi hương kỳ ảo đó nữa. Và nhờ vậy mà Bắc Cung hoàng hậu Tây Sơn tức Lê Thị Ngọc Hân và 2 con vẫn được mồ yên mả đẹp cho đến khi được âm thầm cải táng về Phù Ninh, quê ngoại của Ngọc Hân.

 

Nếu không nhờ vào các yếu tố kể trên thì ngay cả Lê Thị Ngọc Bình, hoàng hậu của vua Tây Sơn Cảnh Thịnh làm sao có thể thoát khỏi bàn tay trả thù của Gia Long! Đã không bị hành hình lại còn được tuyển vào cung để sau đó trở thành người đàn bà có quyền lực thứ ba của Gia Long hoàng đế!

 

Lê Thị Ngọc Bình có 4 con với Gia Long: Công chúa An Nghĩa Ngọc Ngôn (sinh năm 1803), Công chúa Mỹ Khê Ngọc Khuê (sinh năm 1807), hoàng tử Quảng Oai công Nguyễn Phúc Quân (sinh năm 1809) và hoàng tử Thường tín công Nguyễn Phúc Cự (sinh năm 1810). Bà từ trần sau khi sinh hạ hoàng tử Nguyễn Phúc Cự lúc mới 27 tuổi!

 

Về hai vị công chúa Lê Thị Ngọc Hân và Lê Thị Ngọc Bình, đã có nhận xét như sau:

 

"Chị em Ngọc Hân và Ngọc Bình có nhiều điểm tương đồng: Hai bà đều là công chúa con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê, hai bà đều sinh trưởng ở ngoài Bắc, lớn lên hai bà đều lấy chồng là hoàng đế nhà Tây Sơn, cả hai bà đều là Hoàng hậu tại Phú Xuân. Do những điểm tương đồng căn bản đó mà những câu chuyện truyền tụng về cuộc đời hai bà, gây ra sự lầm lẫn giữa Ngọc Hân và Ngọc Bình." 

 

Vấn đề được đặt ra: Đây là sự nhầm lẫn vô tình hay sự nhầm lẫn cố ý?

 

Tôi nghĩ lúc đầu câu ca dao phải là:

 

Gái đâu có gái lạ lùng

Con vua lại lấy hai chồng làm vua!”.

 

Rõ ràng đây là một câu hát mỉa mai! Câu "gái đâu có gái lạ lùng" quả là một câu miệt thị chua cay. Quả có đúng vậy. Đối với dân chúng Bắc hà, một công chúa con vua Lê lại lấy hai đời chồng đều là vua mà là vua thù địch của nhau đến nỗi "chồng sau - vua sau" giết chết "chồng trước - vua trước" mà người vợ vẫn "điềm nhiên tọa thị"; điều này đối với họ không thể tha thứ được. Quan niệm "liệt nữ bất canh nhị phu", "gái chính chuyên chẳng lấy hai chồng" đã ăn sâu bén rễ vào đầu óc người dân Bắc hà. Lâm vào tình trạng phải "lấy hai chồng" đối với người đàn bà bình dân còn bị chê bai huống nữa lại là một vị công chúa được giáo dục hẳn hoi theo nếp Nho phong! Khi câu hát tung ra chắc hẳn người ta chĩa mũi dùi vào Ngọc Hân vợ vua Quang Trung. Có thể là họ không biết Ngọc Bình là ai. Mọi hiện tượng xảy ra trong triều đình đều phải được bảo mật! Sở dĩ có sự kín tiếng như thế là vì việc vua Gia Long tuyển một hoàng hậu của nhà Tây Sơn (hoàng hậu vua Cảnh Thịnh) xảy ra trong một tình huống khá phức tạp.

 

Sau khi vua Quang Trung từ trần, vua Cảnh Thịnh mới 9 tuổi kế vị, mọi quyền hành trong triều đều do người cậu họ là Bùi Đắc Tuyên nắm giữ. Thái sư Giám quốc Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền khiến các quan trong triều gây bè đảng làm cho triều đình Tây Sơn mỗi ngày một yếu dần. Dân chúng hoang mang chẳng còn biết tin vào thế lực nào nữa. Trong khi đó quân Nguyễn Ánh chiếm Gia Định, uy hiếp Quy Nhơn (1793). Trong lúc tình hình rối ren như vậy thì vua Cảnh Thịnh mới 12 tuổi cưới vợ là công chúa Ngọc Bình, em của Bắc Cung hoàng hậu Ngọc Hân. Thiên hạ chẳng ai để ý. Bốn năm sau, Bắc Cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân qua đời. Cũng chẳng ai buồn để ý. Sau đó vài năm, hai con của bà cũng lần lượt qua đời. Hình như cũng chẳng ai biết. Tình hình nội bộ của nhà Tây Sơn đến lúc này đã mục nát lắm rồi! Tình cảnh mua quan bán tước xảy ra nhan nhản khắp nơi. Đội quân bách chiến bách thắng ngày xưa thời vua Quang Trung còn tại thế nay đã là một đội quân ô hợp trông đến thảm hại:

 

Đô đốc tam thiên đô đốc

Chỉ huy bát vạn chỉ huy

Trung úy, Vệ úy chẳng kể làm chi

Cai đội, Phó đội lấy tàu mà chở

Mười quan thì đặng tước hầu

Năm quan tước bá ai hầu kém ai”.

 

Vậy nên người dân lúc này chỉ còn nghĩ một điều, còn mong một điều là đất nước thanh bình và hầu như mọi người đều hướng về Nguyễn Ánh:

 

“Lạy trời cho chóng gió nồm

Cho thuyền chúa Nguyễn thẳng buồm chạy ra”.

 

Thế nên, khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi vua rồi cưới một bà hoàng hậu Tây Sơn làm vợ thì người ta nghĩ ngay người đàn bà đó phải là vợ góa của vua Quang Trung, Bắc Cung hoàng hậu Lê Thị Ngọc Hân! Dư luận này trong quần chúng biết đâu chẳng là ý muốn của Gia Long? Bởi lẽ, như ta đã thấy, Gia Long cho quật mả của Phạm Thị Liên, người vợ đã khuất của Nguyễn Huệ khi ông chưa lên ngôi vua từ Bình Định đem về Phú Xuân để làm lễ hiến phù mà Gia Long lại quên Bắc Cung hoàng hậu Lê Thị Ngọc Hân sao? Vậy thì, cứ để yên dư luận rằng Gia Long đã nạp Lê Thị Ngọc Hân vào hậu cung và như vậy không còn ai đặt nghi vấn tại sao lại bỏ qua Ngọc Hân, vợ của Quang Trung Nguyễn Huệ mà không hài tội. Còn chuyện Gia Long cưới Ngọc Hân hay cưới Ngọc Bình cũng vậy thôi vì cả hai đều là vợ của vua Tây Sơn, vua cha hay vua con gì thì cũng thế, dư luận vẫn cho là ông hưởng thừa vợ của "ngụy Tây!". Vậy là thiên hạ không còn "lý" gì đến Ngọc Hân nữa. Một người đã chết chịu cái tiếng lấy hai đời chồng đều là vua mà là hai kẻ thù không đội trời chung! Chịu cái tiếng như vậy để mồ mả ba mẹ con được an toàn và lại còn được cải táng tử tế ở quê ngoại Phù Ninh! Chính bộ sử của nhà Nguyễn, bộ Đại Nam Thực Lục cũng đã ghi nhận việc này: "Khoảng năm đầu Gia Long, ngụy đô đốc tên Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm ở địa phận xã Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích". Theo Quốc Sử Di Biên của Phan Thúc Trực, mãi đến đời Thiệu Trị (1841-1847) mới khám phá ra vụ này, triều đình hạ lệnh triệt phá ngôi miếu, quật mồ mẹ con Ngọc Hân đổ hài cốt xuống sông Hồng, tổng đốc Bắc Ninh lúc bấy giờ là Nguyễn Đăng Giai bị giáng chức.

 

Bắc Cung hoàng hậu Lê Thị Ngọc Hân chịu tiếng oan cho đến khi các sử thần triều Nguyễn viết bộ Đại Nam Thực Lục, phần viết riêng về vua Gia Long. Bộ Đại Nam Thực Lục khởi thảo vào năm 1821 thời vua Minh Mạng (1820-1840). Chí ít cũng đến giữa thời Minh Mạng sự thực lịch sử này mới được phơi bày trên giấy trắng mực đen: Người đàn bà "con vua mà lấy hai chồng làm vua" chính là Đệ tam cung Đức Phi Lê Thị Ngọc Bình, con gái út của vua Lê Hiển Tông, từng là hoàng hậu của vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn và là em gái của Bắc Cung hoàng hậu Lê Thị Ngọc Hân!

 

Vậy mà hơn 100 năm sau ngày sự việc đã được phơi bày trên giấy trắng mực đen đó, tức vào năm 1941, ông Phạm Thường Việt lại viết một bài bằng tiếng Pháp hư cấu câu chuyện tình của hoàng đế Gia Long với bà hoàng hậu góa bụa Lê Thị Ngọc Hân đầy vẻ "lâm ly bi đát" đăng trên tờ Bulletin des Amis du Vieux Hué (Đô Thành Hiếu Cổ) để sau đó cũng có nhiều người tin theo để lại tiếp tục cho rằng câu ca dao "Gái đâu có gái lạ lùng - Con vua lại lấy hai chồng làm vua" là ám chỉ vào Bắc Cung hoàng hậu Lê Thị Ngọc Hân!

 

Trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử, đã có hai người đàn bà Việt Nam làm vợ của 2 vị vua, đó là hoàng hậu Dương Vân Nga, vợ của Đinh Tiên Hoàng và là mẹ của Vệ Vương Đinh Toàn vị vua cuối cùng của nhà Đinh (968-980) và hoàng hậu Lê Thị Ngọc Bình vào thời Tây Sơn.

 

Họ chỉ giống nhau một điểm: hai đời chồng đều là vua, nhưng khác nhau mấy điểm quan trọng: hoàng hậu họ Dương xuất thân giới bình dân, trong lúc đó hoàng hậu họ Lê xuất thân trong gia đình lá ngọc cành vàng con gái vua Hiển Tông nhà Lê - công chúa Lê Thị Ngọc Bình.

 

Chồng trước của hoàng hậu họ Dương là Đinh Tiên Hoàng và chính Bà khoác long bào của Đinh Tiên Hoàng lên mình Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn để sau đó Lê Hoàn lên ngôi vua tức Lê Đại Hành hoàng đế lại phong Bà làm Đại Thắng Minh hoàng hậu:

 

Vạc Đinh lại trở về Lê,

Nàng Dương khăn gói lại về chánh cung!

 

Trong lúc đó chồng trước của Lê Thị Ngọc Bình là vua Cảnh Thịnh lại bị vua Gia Long giết chết rồi lại phong vợ của kẻ thù là hoàng hậu Lê Thị Ngọc Bình  lên làm Đệ tam cung Đức Phi!

 

Thật là oái oăm!

 

ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

Chú thích:

 

Ở Việt Nam vào thời nhà Hậu Lê, Chiêu nghi đứng sau Hoàng hậu, Tam phi: “Quý phi, Minh phi, Kính phi, đứng đầu Cửu tần: Chiêu nghi, Chiêu dung, Chiêu viên, Tu nghi, Tu dung, Tu viên, Sung nghi, Sung dung, Sung viên, đứng trên 6 chức cung giai: Tiệp dư, Dung hoa, Tuyên vinh, Tài nhân, Lương nhân, Mỹ nhân”. (Trích bản thảo Tản mạn về Ca dao Lịch sử)

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Biên khảo: click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh