Trong kho tàng ca dao Việt Nam có một số câu hay bài là ca dao lịch sử, trong ca dao lịch sử lại có một số câu hay bài được xem là "sấm ngữ".
Sấm là gì? Theo Lê Văn Đức trong Việt Nam Tự Điển, "Sấm: (dt) Lời đoán trước những việc lớn của nước non sẽ xảy ra sau này, ghi thành câu văn vần với ý nghĩa khó hiểu: Sấm Trạng Trình, Sấm Phật Thầy".
Những câu sấm này được gọi là sấm ngữ hay sấm ngôn. Những câu sấm được lưu truyền trong dân gian gọi là sấm truyền, khi đã in thành sách gọi là sấm ký.
Nhà biên khảo văn học Phạm Thế Ngũ (1921-2000) trong Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên (q.1), đã viết: “... có những câu ca dao đặc biệt gọi là sấm đoán định một việc tương lai về thời cuộc dưới những lời lẽ bí ẩn, thường lưu hành trong dân chúng ngày xưa.” (tr.33)
Trong tác phẩm Sấm Trạng Trình toàn tập, giáo sư Nguyễn Thiên Thụ đã nhận xét: “Sấm ký mang tính cách bí mật thuộc phạm vi quốc cấm… Thái độ của nhân dân đối với Sấm Ký khác với Lục Vân Tiên và Truyện Kiều. Ấy cũng bởi ngày xưa các nho sĩ dùng Sấm Ký để chống triều đình, chống Pháp, mà bọn tay sai cũng dùng Sấm Ký vu oan giá họa cho dân lành…” và “Nhiều người sau này sửa Sấm Ký hoặc bóp méo văn nghĩa cho vừa khuôn khổ quyền lợi của phe nhóm họ”. (Net)
Nhà biên khảo Lưu Văn Vịnh trong tác phẩm Việt Sử Siêu Linh cũng cho chúng ta biết: “Một nhà Nho cùng thế hệ với các cụ Sở Cuồng, Nguyễn Can Mộng... là cụ Ba La (1870? - 1973) cho biết thời 1930, để thức tỉnh lòng yêu nước và vận động tinh thần chống Pháp, một số nhà Nho đã đặt ra nhiều bài thơ loại bí hiểm như sấm ký để truyền trong quần chúng.”
Thêm vào đó, nhằm tránh những hậu quả không tốt, để nói lên quan điểm hay thái độ phản kháng của mình đối với một sự kiện hay một nhân vật đương thời quan trọng nào đó, người ta thường dùng lối nói ví von bóng gió, người đương thời có thể hiểu được, nhưng cho đến thời của chúng ta, cách biến cố có thể đến hàng trăm năm hay lâu hơn thế nữa, chúng ta không hiểu câu ca dao muốn nói gì hay có hiểu cũng chỉ hiểu một cách mập mờ. Đôi khi vì tính mập mờ của nó, người ta đã gán cho một số câu ca dao lịch sử là “sấm ngữ” mà thực ra, đây chỉ là những câu ca dao mang tính chép sử của dân gian ngày xưa!
Sau đây chúng ta lần lượt tìm hiểu về một số câu ca dao được gọi là “Sấm truyền”, “sấm ngữ” đã được ghi lại trong một số sách sưu tập ca dao hay trong các bài nghiên cứu về văn học hay sử học của các tác giả tên tuổi đáng tin cậy.
1. Trong Việt Nam Phong Sử, một tác phẩm giải thích 100 câu ca dao được coi như là ca dao lịch sử của Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại (1858-1945) có câu ca dao sau đây:
Bao giờ rồng đến nhà tôm
Rồng leo cây ngải thời con rồng vàng!
Tác giả Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại ghi: “Đây là lời sấm nói về cuộc hưng suy của họ Trịnh.
Theo ông, "Rồng chỉ họ Trịnh. Nhà tôm chỉ vực tôm. Cây ngải tức Nghệ An.
Nói vực tôm phát phúc, họ Trịnh bắt đầu hưng thịnh. Đồn binh ở Nghệ An, họ Trịnh cáo chung.
Vàng là nói con rồng họ Trịnh đến lúc ấy thì đã già suy không làm gì được nữa."
Chúng ta có thể giải thích rõ ràng hơn như sau:
Trịnh Kiểm người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tương truyền, Kiểm là người con chí hiếu. Vì nhà nghèo mà mẹ lại thích ăn thịt gà, Kiểm phải bắt trộm gà hàng xóm làm thịt cho mẹ ăn, hàng xóm giận lắm. Nhân một lần Kiểm đi vắng, hàng xóm bắt mẹ Kiểm dìm xuống vực Tôm vùng làng quê của Trịnh Kiểm. Khi về, Kiểm đến vực Tôm tìm xác mẹ thì thấy mối đã xông thành ụ. Theo quan niệm của người xưa, đây là điềm phát tích của các bậc đế vương! Sau đó, có nhà tướng số đi ngang phán rằng:
Phi đế phi bá
Quyền khuynh thiên hạ
Nhị bách dư niên
Tiêu tường khởi vạ
Nghĩa là:
Chẳng đế chẳng bá
Quyền nghiêng thiên hạ
Hơn hai trăm năm
Trong nhà dấy vạ
Theo một dị bản, câu thứ 3 lại ghi: Truyền tộ bát đại, nghĩa là: Truyền được tám đời.
Sau ngày mẹ chết không bao lâu, Trịnh Kiểm đầu quân dưới trướng Nguyễn Kim trong công cuộc khôi phục cơ nghiệp cho nhà Lê, được Nguyễn Kim tin dùng và gả con gái cho. Nguyễn Kim chết (1545), binh quyền về tay Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm mất (1570) quyền hành về tay Trịnh Tùng. Năm 1599, Trịnh Tùng tự xưng vương - Bình An vương - tạo nên tình thế vua Lê chúa Trịnh mà quyền chúa lấn át quyền vua. Đó là "ứng" vào câu "rồng đến nhà tôm" - rồng tượng trưng cho chân mạng đế vương đã kết tụ tại vực Tôm.
"Rồng leo cây ngải": Chữ "ngải" trong chữ Hán có tự dạng giống như chữ "nghệ" (Nghệ An). Câu này có ý chỉ việc Trịnh Sâm bổ dụng Hoàng Đình Bảo giữ chức trấn thủ Nghệ An vào tháng 6 năm Đinh Dậu (1777). Từ vai trò trấn thủ Nghệ An, Đình Bảo lập được nhiều công trạng và tiếng tăm để sau đó (1778) lại được Trịnh Sâm vời về Thăng Long phò trợ cho đứa con nhỏ là Trịnh Cán giữ ngôi thế tử và từ đó, chính Hoàng Đình Bảo đã lũng đoạn triều chính gây nên mối loạn lớn trong triều đình để rồi cuối cùng dòng họ Trịnh mất ngôi chúa.
Như vậy, nếu tính từ thời Trịnh Tùng xưng là Bình An vương (1570) đến đời Đoan Nam vương Trịnh Khải (1783-1787), dòng họ Trịnh xưng chúa là 227 năm.
Nếu tính theo câu trong dị bản "Truyền tộ bát đại = Truyền được tám đời) thì có lẽ phải bỏ hai vị chúa cuối cùng là Trịnh Cán (1783) và Trịnh Khải (1783-1787) vì từ đời Trịnh Cán lên ngôi chúa, quyền hành đã nằm hết trong tay Quận Huy Hoàng Đình Bảo, sang đời Trịnh Khải thì quyền bính lại lọt cả vào tay bọn lính Tam Phủ!
2. Vào mấy thập niên sau cùng của thế kỷ thứ 18, tình hình đất nước vô cùng rối ren. Nhà Tây Sơn dấy nghiệp (1771) kéo theo sự sụp đổ của dòng họ Lê và dòng họ Trịnh trên đất Bắc. Tuy Nguyễn Huệ của nhà Tây Sơn có tạo được những chiến công oanh liệt tiêu diệt 2 vạn quân Xiêm cùng với quân của Nguyễn Ánh trong chiến trận Rạch Gầm-Xoài Mút (1785) và triệt tiêu mộng xâm lăng của nhà Mãn Thanh với chiến thắng lẫy lừng diệt tan đội quân Mãn Thanh trên đất Bắc vào năm 1789, thì vì sự chia rẽ nội bộ, Quang Trung Nguyễn Huệ lại đột ngột từ trần (1792), Nguyễn Ánh từ đất Gia Định đã từng bước gầy dựng lại thanh thế và cuối cùng đã tiêu diệt nhà Tây Sơn tạo nên cơ nghiệp cho dòng họ Nguyễn vào năm 1802. Đây là khoảng thời gian có nhiều "sấm ngữ" xuất hiện nói về sự sụp đổ của vua Lê, chúa Trịnh cũng như sự suy tàn của nhà Tây Sơn!
Nguyễn ra rồi Nguyễn lại về,
Chúa Trịnh mất nước, vua Lê khó còn.
Đầu cha lấy làm chân con,
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi.
(Kho tàng Ca dao người Việt, q.2, tr.1601)
Vào những năm cuối cùng của vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đã nổi lên một nhân vật gây nên nhiều sóng gió. Nhân vật đó là Nguyễn Hữu Chỉnh.
Nguyễn Hữu Chỉnh (? -1787) người đất Nghệ An, tài kiêm văn võ, mới 16 tuổi đã đỗ hương cống (cử nhân) nên thường được gọi là cống Chỉnh. Lúc đầu cống Chỉnh theo phò Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc lập nhiều công trạng. Quận Việp chết, cống Chỉnh theo phò cháu Quận Việp là Quận Huy Hoàng Đình Bảo, phụ chính của ấu chúa Trịnh Cán. Năm 1782, quân Tam Phủ phế truất Trịnh Cán, giết chết quan phụ chính là Quận Huy Hoàng Đình Bảo, rồi đưa Trịnh Tông lên ngôi chúa. Sợ vạ lây, Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ đất Bắc chạy vào Quy Nhơn đầu quân dưới trướng Nguyễn Nhạc, rất được Nhạc tin dùng.
Năm 1786, theo lời Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ đem quân từ Bình Định đánh chiếm Thuận Hóa rồi, cũng theo lời bàn của Nguyễn Hữu Chỉnh lấy danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ kéo quân thẳng ra Thăng Long. Đoan Nam vương Trịnh Khải bỏ kinh thành chạy về Sơn Tây. Trịnh Khải bị bắt nộp cho quân Tây Sơn, sau đó Trịnh Khải tự vẫn (7-1786). Đang lúc đất nước rối ren, vua Lê Hiển Tông từ trần (8-1786), cháu là Lê Duy Kỳ lên thay tức vua Lê Chiêu Thống.
Thấy Nguyễn Huệ tự ý kéo quân ra Bắc, Nguyễn Nhạc sợ có biến bèn ngày đêm kéo quân ra Thăng Long. Sau khi gặp vua Lê Chiêu Thống, Nguyễn Nhạc tuyên bố đã dứt được dòng họ Trịnh và trả lại "nước" cho vua Lê Chiêu Thống, hai anh em Tây Sơn kéo quân về Nam. Thế là "Nguyễn ra rồi Nguyễn lại về".
Nếu vua Lê Chiêu Thống là người có tài và quả quyết, nếu đám quan lại của triều đình cùng đồng lòng giúp Chiêu Thống thì cơ nghiệp nhà Lê đã có thể cứu vãn lại được. Nào ngờ từ vua đến quan đều quá mềm yếu nên dòng họ Trịnh lại trỗi dậy hết Trịnh Lệ đến Trịnh Bồng. Bồng tự xưng là Án Đô vương áp chế vua Chiêu Thống. Chiêu Thống bèn mời Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An ra giúp. Chỉnh dẹp được đám họ Trịnh thì Chỉnh lại lộng quyền áp chế vua Lê. Nghe được tin này, quân Tây Sơn lại một lần nữa kéo ra Bắc (1787). Vua Chiêu Thống hoảng quá phải bỏ Thăng Long mà chạy (1-1788) rồi sau đó cho người cầu viện nhà Thanh. Quân Tây Sơn vào Thăng Long diệt quân Mãn Thanh. Vậy là từ đây dòng họ Trịnh thực sự biến mất và dòng họ Lê cũng không còn tồn tại được nữa: Chúa Trịnh mất nước, vua Lê khó còn!
Câu này có ý tương tự như một “sấm ngữ” khác: “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong” lưu truyền trong đám nhà nho và được chuyển sang thơ lục bát để dễ lưu truyền trong dân gian:
Lê còn thì Trịnh cũng còn
Lê mà sụp đổ, Trịnh khôn vẹn tuyền!
(Kho tàng Ca dao người Việt, q.2, tr.1270)
Câu "Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong" hay "Lê còn thì Trịnh cũng còn, Lê mà sụp đổ, Trịnh khôn vẹn tuyền" thực ra chẳng phải là một "sấm ngữ" nào cả ; đây chẳng qua chỉ là một nhận định dựa trên thực tế của lịch sử để đưa ra lời phán đoán. Trên thực thế lịch sử, vua Lê và chúa Trịnh là 2 thực thể chính trị phải luôn dựa vào nhau để mà sinh tồn. Vua Lê muốn diệt Trịnh cũng không thể nào diệt được vì lực của vua Lê quá yếu. Hơn thế nữa, sinh mệnh của vua Lê luôn nằm trong tay của chúa Trịnh. Chúa Trịnh cũng không thể diệt được vua Lê vì dù chỉ là những ông vua bù nhìn không có quyền hành gì thì đối với quảng đại quần chúng, dòng dõi vua Lê vẫn đã có công lớn đối với quốc gia dân tộc. Lê Thái Tổ đã có công đuổi bọn xâm lược nhà Minh đem lại độc lập cho quốc gia. Vua Lê Thánh Tông đã có công lớn mở mang bờ cõi về phương Nam và tạo cho nước Đại Việt có một thanh thế lớn đối với các quốc gia lân bang. Chúa Trịnh phải núp vào cái bóng của dòng họ Lê để giữ vững sự nghiệp nhà Chúa là vì thế. Thế nên, câu nhận định "Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong" thì bất cứ một người nào am hiểu thời cuộc đương thời cũng có thể đưa ra một nhận định tương tự như thế!
Câu thứ ba: “đầu cha” tức chữ “tiểu” trên đầu chữ “Quang” của Quang Trung, “chân con” tức chữ “tiểu” nằm ở phần dưới của chữ “Cảnh” của Cảnh Thịnh.
Câu thứ tư: “mười bốn năm tròn” là tính từ năm Mậu thân (1788) là năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tức vua Quang Trung đến năm Nhâm tuất (1802) là năm vua tôi Cảnh Thịnh bị bắt và bị hành hình, nhà Tây Sơn chấm dứt.
Đây không phải là câu “sấm tiên tri” mà chỉ là một cách ghi chép những sự kiện chính yếu của một vài biến cố lịch sử đã xảy ra và đã đến hồi kết thúc!
Lại có câu:
Đoài cung một sớm đổi thay,
Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn.
Đầu cha lộn xuống chân con,
Mười bốn năm tròn, hết số thì thôi.
(Kho tàng Ca dao người Việt, q.2, tr.746)
Hai câu đầu đã được giải thích như sau:
“Đoài cung” để chỉ phương tây tức ám chỉ nhà Tây Sơn và quẻ Đoài là quẻ cuối cùng trong Bát quái nên cũng tượng trưng cho người em, ý chỉ Nguyễn Huệ; “Một sớm đổi thay” có nghĩa là chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra những đổi thay lớn như chuyện xảy ra vào năm 1787 khi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ bất thần đem quân từ Phú Xuân vào Bình Định vây Hoàng đế thành của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, rồi tiếp đến vua Quang Trung từ trần (1792).
“Chấn cung” tức phương Đông là phương đứng đầu trong 4 phương để chỉ người anh tức Nguyễn-Nhạc; “sao cũng sa ngay chẳng còn” để chỉ sự từ trần của Nguyễn-Nhạc liền ngay năm sau tức năm 1793.
Tác giả Philippe Truong trong bài “Đồ sứ trong hậu cung phủ chúa Trịnh” (Net) cho rằng câu “Đoài cung một sớm đổi thay. Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn” là ứng vào phủ chúa Trịnh sau khi Trịnh Sâm mất (10-1782) và đây là câu ca dao đứng riêng biệt không dính dáng gì đến 2 câu lục bát tiếp theo.
Trong khi Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm đang bệnh nặng, Tuyên phi Đặng Thị Huệ đã âm mưu cùng Huy Quận công Hoàng Đình Bảo phế quyền Thế tử của Trịnh Tông để cho con của Đặng Thị Huệ tức Trịnh Cán giữ ngôi Thế tử. Trịnh Tông âm mưu đảo chính nhưng bại lộ nên bị truất xuống làm con út, đổi tên là Trịnh Khải và bị bắt giam (1780). Năm 1781, Trịnh Cán được lập làm Thế tử. Năm sau, Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm mất (19-10-1782), Trịnh Cán mới 6 tuổi lại bệnh hoạn lên ngôi chúa tức Điện Đô vương. Chỉ một tháng sau, ngày 28-11-1782, bọn lính Tam phủ phế truất Trịnh Cán, bắt giam Đặng Thị Huệ, giết Quận Huy Hoàng Đình Bảo rồi rước Trịnh Khải từ trong ngục lên ngôi chúa tức Đoan Nam vương. Hơn một tháng sau ngày bị phế truất, Trịnh Cán từ trần. Đặng Thị Huệ, sau một thời giam bị giam, được cho vào Thanh Hóa lo cho lăng tẩm của Trịnh Sâm. Nhân ngày giỗ của Trịnh Sâm, bà đã uống độc dược quyên sinh.
Và Philippe Truong đã viết: “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từng tiên đoán: “Đoài cung một sớm đổi thay. Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn” nói về cảnh rối loạn trong Trịnh phủ sau khi chúa Trịnh Sâm mất. Chấn cung là tên gọi khác của Đông cung (nơi ở của Trịnh Cán, con trai Trịnh Sâm), còn Đoài cung là nơi ở của Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Đoài là quẻ cuối của Bát quái và thuộc về hướng Tây. Do kỵ húy Tây Đô vương Trịnh Tạc (1657-1682), nên chữ Tây đã được các chúa Trịnh thay bằng chữ Đoài. Đoài cung là cung điện phía tây trong Hậu cung của chúa Trịnh.”
3. Trong tác phẩm Lịch sử nội chiến Việt Nam: 1771-1802, sử gia Tạ Chí Đại Trường đã viết: "Nho sĩ và Tây nhân thường không chú ý lắm hoặc ghi sót những câu ca dao, truyền thuyết của dân chúng. Có khi loại tài liệu này xuất hiện dưới hình thức những sấm ký có mục đích 'tuyên truyền chính trị' , nói theo lối bây giờ. Chẳng hạn như câu:
. . . . .
Cha nhỏ đầu, con nhỏ chân,
Đến năm Nhâm tuất (1802) thì thân chẳng còn".
Câu này được giải thích như sau:
“Nhỏ đầu” tức chữ “tiểu” trên đầu chữ “Quang” (Quang Trung), “nhỏ chân” tức chữ “tiểu” nằm ở phần dưới của chữ “Cảnh” (Cảnh Thịnh). Năm Nhâm tuất tức là năm 1802, năm Gia Long lên ngôi và nhà Tây Sơn hoàn toàn sụp đổ.
Mấy câu ca dao có liên quan đến nhà Tây Sơn trên đây chắc hẳn là của phe đảng Gia Long làm ra để tuyên truyền trong dân chúng nhằm 2 mục đích:
-“Sấm ngữ” của người xưa đã mách bảo là nhà Tây Sơn đã tận số rồi, đừng có ai dại dột tơ tưởng đến nhà Tây Sơn hay tìm cách khôi phục nhà Tây Sơn nữa.
-“Sấm ngữ” cũng đã báo trước là cha con nhà Tây Sơn “thân chẳng còn”, vậy thì vua Gia Long có những hành vi tàn tệ đối với vua tôi Cảnh Thịnh hay nắm xương tàn của vua Quang Trung Nguyễn Huệ, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc cũng là phù hợp với “sấm ngữ” mà thôi (!), chẳng có điều gì gọi là thất đức hay quá đáng!
4. Lại có những câu được sáng tác mượn danh “sấm ngữ” để kêu gọi dân chúng tham gia vào những phong trào chống lại triều đình.
Năm Bính Tuất, Minh Mạng thứ 7 (1826), Phan Bá Vành nổi lên chống triều đình ngay tại quê nhà. Năm trước đó tức năm Ất Dậu (1825), vào khoảng tháng 7 có sao Chổi (dân chúng còn gọi là sao Tua) xuất hiện mãi đến tháng 11 ngôi sao Chổi này mới lặn hẳn. Nhân biến cố thiên văn hiếm khi xảy ra này mà đối với quan niệm của dân gian, đây là một điềm lạ sẽ có nhiều thay đổi, bộ tham mưu của Phan Bá Vành đã cho loan truyền ngay trong dân gian mấy câu lục bát dưới đây và cho đó là lời sấm truyền của cổ nhân lưu lại:
Hải Dương tiết nghĩa có hai
Một mắt bà lão với hai con bò
Trên trời có ông sao Tua
Ở làng Minh Giám có vua Ba Vành
Phương Đông quật lũ hung tinh
Làm cho bảy viện tan tành ra tro
(Tục ngữ Phong dao 2, Nguyễn Văn Ngọc, tr. 89)
Quả thật có một chút gì bí hiểm! Chưa thấy ai giải thích rành rẽ hai câu “Hải Dương tiết nghĩa có hai – Một mắt bà lão với hai con bò!”. Có thể khi mới xuất hiện vào năm 1826, dân chúng hiểu hai câu này muốn nói gì. Hoặc là, do sự loan truyền tam sao thất bản mà ngày nay chúng ta phải đọc hai câu thơ bị sai lạc đến độ bí hiểm chẳng biết là có ý nghĩa gì chăng?
Minh Giám thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, quê hương của Phan Bá Vành.
Bài ca dao trên đây chỉ làm công việc của một cuộc vận động tâm lý trong chiến tranh, ta thường gọi là tâm lý chiến. Thực vậy, câu ca dao luôn thay đổi theo từng địa phương mà nghĩa quân đi qua để kêu gọi sự tham gia của quần chúng.
- Trên trời có ông sao Tua
Cầu Đông, bến Đá có vua Ba Vành
- Trên trời có ông sao Tua
Ở dưới mạn biển có vua Ba Vành
- Trên trời có ông sao Tua
Ba làng Trà Lũ có vua Ba Vành
* * *
Có một số giai thoại có liên quan đến một số câu ca dao mà người xưa vẫn gán cho là những câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
5. Về câu chuyện ngựa đá sang sông:
Chuyện kể rằng: Dân làng Vĩnh Lại của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi tiếng hiếu học nhưng lại không mấy người đỗ đạt cao và làm quan lớn, bèn hỏi Trạng. Trạng không trả lời, chỉ sai làm một con ngựa đá khắc trên lưng ngựa câu thơ:
Bao giờ thạch mã quá giang
Tứ Kỳ, Vĩnh Lại nghênh ngang công hầu
(TNPD 1, tr.45)
và cho đặt trên bờ sông Tuyết (còn gọi là sông Hàn) ngay trước mặt quán Trung Tân của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Hơn 200 năm sau, qua một trận lụt lớn, ngựa đá biến mất. Mấy năm sau người ta mới phát hiện ngựa đá nằm về phía bờ sông bên kia. Dân làng dựng lại ngựa đá và lập miếu thờ. Đến năm 1788, Tây Sơn một lần nữa đem quân tiến vào Thăng Long, vua Lê Chiêu Thống phải bỏ kinh thành Thăng Long mang ấn tín chạy về Hải Dương và trôi giạt về làng Vĩnh Lại. Tại đây dân làng kêu gọi nhau lo việc cần vương. Việc mới chỉ có thế mà họ đã đòi nhà vua phải ban chức tước cho họ. Bức bách quá, vua phải chiều lòng. Người này được, người kia cũng đòi thành ra chỉ mấy ngày dân làng Vĩnh Lại đã “nghênh ngang công hầu”. Ban chức tước xong nhà vua liền bỏ trốn. Quân Tây Sơn tiến về Hải Dương. Đám “quận công” Vĩnh Lại ra nghênh chiến đều bị bắt và bị giết sạch!
Đó là giai thoại. Thực tế lịch sử như thế nào? Trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục có nhắc đến sự kiện tháng 12 năm Đinh mùi (1787), quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm chỉ huy tiến vào Thăng Long, vua Lê Chiêu Thống bỏ kinh thành chạy về Kinh Bắc:“Nhà vua đến Kinh Bắc. Trấn thủ Nguyễn Cảnh Thước trước đó đã bí mật đầu hàng giặc; đến nay, đóng cửa thành, cáo bệnh, không ra đón tiếp. Nhà vua và Hữu Chỉnh bối rối, vội qua đò sông Nguyệt Đức. Đi theo nhà vua chỉ còn 6, 7 người văn thần là bọn Nguyễn Đình Giản, Phạm Đình Dữ, Chu Doãn Lệ, Trương Đăng Quỹ và Vũ Trinh mà thôi. Cảnh Thước tung thủ hạ ra chặn đường, cướp bóc những kẻ đi theo ngự giá. Chúng lại đuổi theo để cướp áo bào nhà vua. Nhà vua rớt nước mắt, phải cởi ra, trao áo cho chúng.
Khi nhà vua qua huyện Yên Dũng, Nguyễn Thảng, tri huyện huyện ấy, tuổi đã 60, đem binh chúng hộ giá, xin giữ sông Xương Giang làm căn cứ bền vững, lại xin giết Cảnh Thước và giữ lấy Kinh Bắc để toan tính công cuộc khôi phục. Nhà vua khen là hăng hái, phong Thảng là lại khoa cấp sự trung. Liền đó, sai hoàng đệ Duy Chi đem thị thần Lê Quýnh và tôn thất tất cả hơn 30 người rước thái hậu và nguyên tử đi Cao Bằng, vẫn cứ nắm quyền thống trị hai trấn Cao Bằng và Thái Nguyên, tụ tập vỗ về các phiên thần để thúc đẩy họ cố gắng trổ sức làm việc cần vương.
Nhà vua tiến phong Yên Thế. Dương Đình Tiến, thổ hào Mục Sơn, đem quân và dân đi lạy đón nhà vua ở bên đường…" (Net, tr. 984, 985)
Vậy là, theo sử, không thấy chỗ nào ghi lại chuyện vua Lê Chiêu Thống ghé qua làng Vĩnh Lại để sau đó phong tước "quận công" cho dân làng cả!
6. Về việc Nguyễn Công Trứ phá đền thờ Trạng Trình:
Giai thoại thứ nhất: Vào đời Minh Mạng (1820-1840), Nguyễn Công Trứ được bổ dụng làm Doanh điền sứ Nam Định. Tại đây, ông cho đào một con sông ngang qua làng Trung Am phạm vào đền thờ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khi phá đền người ta mới khám phá ra rằng trong bát nhang trong đền thờ của Trạng có tờ giấy ghi câu sau đây:
Minh Mệnh thập tứ
Thằng Trứ phá đền
Phá đền phải làm đền
Nào ai đụng đến doanh điền nhà bay!
Nguyễn Công Trứ lập tức cho dừng việc phá đền và sau đó đã cho xây lại đền cho Trạng!
Thế nhưng, câu này lại không hoàn toàn phù hợp với lịch sử. Bởi lẽ, đọc tiểu sử của Nguyễn Công Trứ ta sẽ thấy: Tháng 3 năm Mậu Tý, Minh Mạng thứ 9 tức năm 1828, Thị lang Nguyễn Công Trứ được triều đình bổ giữ chức Doanh điền sứ Nam Định và chỉ trong vòng một năm ông đã tạo được 2 huyện mới, đó là huyện Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương, Nam Định (tháng 10 Mậu Tý), qua tháng 3 năm sau (Kỷ Sửu, 1829) lập huyện mới Kim Sơn thuộc phủ Yên Khánh, Ninh Bình.
Như vậy, Nguyễn Công Trứ được bổ làm Doanh điền sứ vào năm Minh Mạng thứ 9 (1828) chứ không phải năm Minh Mạng 14 (1833)
Câu trên chỉ được người đời sau loan truyền mà không để ý đến chi tiết lịch sử quan trọng này.
Giai thoại thứ hai:
Tương truyền vào thời vua Minh Mạng (1820 - 1840) một sấm ngữ được cho là của Trạng Trình lưu truyền trong dân gian: "Gia Long nhị đại, Vĩnh Lại vi Vương". Câu này có nghĩa là vào đời thứ hai tiếp theo đời Gia Long (tức đời vua Minh Mạng), người đất Vĩnh Lại thuộc trấn Hải Dương sẽ lên làm vua. Vua Minh Mạng rất tin vào sấm Trạng Trình. Để vô hiệu hóa lời sấm truyền, nhà vua ra lệnh cho Tổng đốc Hải Dương lúc bấy giờ là Nguyễn Công Trứ phải lập tức phá bỏ đền thờ của Nguyễn Bỉnh Khiêm tại làng Trung Am thuộc huyện Vĩnh Lại.
Khi phá đền quân lính đã nhặt được một ống nứa trong đó cuộn tròn một tờ giấy bản do Trạng Trình ghi mấy câu sấm như sau:
Minh Mệnh thập tứ
Thằng Trứ phá đền
Phá đền rồi lại làm đền
Nào ai cướp nước tranh quyền của ai.
(Hương hoa đất nước, tr. 116)
Tổng đốc Nguyễn Công Trứ vội vàng hạ lệnh ngưng ngay việc phá đền, rồi cho người về triều đình báo rõ mọi việc và xin được phép dựng lại đền cho Trạng Trình.
Vào năm Minh Mệnh thứ 14, tức năm Quý Tị (1833), Nguyễn Công Trứ đang giữ chức Tổng đốc Hải An. Căn cứ theo Quốc Sử Di Biên của Thám hoa Phan Thúc Trực (1808-1852), một bộ sử tư nhân được soạn ra trong khoảng thời gian 1851-1852 trước khi ông từ trần không bao lâu nhằm ghi chép và bổ sung những sự kiện lịch sử mà sử thần của triều Nguyễn không ghi đến, trong tác phẩm này có đoạn ghi như sau:
“Ngày Ðinh Mùi mồng 8, tháng 6, năm Minh Mệnh thứ 14 [1833]; thành Hải Dương có cháy lớn từ giờ Mùi đến giờ Dậu. Tổng đốc Hải An [Nguyễn Công] Trứ bắt ngụy Hoành tại am Trung. Trước đây có hậu duệ của Trình Quốc công [Nguyễn Bỉnh Khiêm] tên Hoành, có dị tướng hai tai tựa ngọc rũ xuống, tay dài quá đầu gối; Hào mục am Trung nhân chuyện cành cây dung trước am sống lại, nên cho rằng đây là điềm lành hưng vượng, bèn suy tôn Hoành làm tướng, thiết triều, cử binh. Trứ vây bắt, lại kinh lược 17 am Trình Quốc công, bèn hủy am và cả tượng; rồi cho tu tạo lại.” (Hồ Bạch Thảo trong bài Sấm Ký Ca Dao & Lịch Sử)
Và trong bài “Sấm ký ca dao và lịch sử” này, Hồ Bạch Thảo đã kết luận như sau:
“Căn cứ vào sử liệu nêu trên, Nguyễn Công Trứ giải quyết vấn đề qua 2 giai đoạn:
- Thứ nhất là trấn áp, đánh dẹp, phá am Trình Quốc Công là nơi cơ sở nổi dậy.
- Sau đó cho tu tạo lại am, để cho dân thờ Trạng Trình, với ý nghĩa suy tôn một danh Nho trong lịch sử.”
Nếu xét về mặt lịch sử, câu này ăn khớp với sự kiện Nguyễn Công Trứ phá và xây lại đền cho Trạng Trình. Thế nhưng, đây có phải là “sấm ngữ” đã được Trạng Trình viết ra hay không?
Có hai điều khiến chúng ta có thể đi đến kết luận là “Không”:
- Nguyễn Bỉnh Khiêm từ trần ngày 28-11 Ất Dậu (17-1-1586) , qua năm sau, vua Mạc Mậu Hợp mới cho xây đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, chính tay Mạc Mậu Hợp viết mấy đại tự “Mạc Triều Trạng Nguyên Tể Tướng Từ” để thờ. Vua nhà Mạc cho xây đền thờ, vậy ai có thể để bản sấm ngữ ấy được?
- Thêm vào đó, Trạng Trình là một danh nho, học trò có nhiều người thành đạt nổi tiếng, không lẽ nào ông lại gọi một vị Tổng đốc, dù là hậu bối cách xa ông 250 năm bằng “thằng”?
Có thể là đám dân làng Trung Am, sau này giận cái việc Nguyễn Công Trứ phá đền để triệt hạ cuộc dấy loạn của họ nên họ đặt ra câu này và giả thác là sấm của cụ Trạng chăng!
7. Trong tác phẩm Kinh Thi Việt Nam, nhà biên khảo Trương Tửu đã nhắc lại một trò chơi trẻ con với bài đồng dao:
Chi chi trành trành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương lập đế
Ú tế đi tìm
Hú tim bắt ập…
Chứng kiến cuộc chơi trẻ con này, ngoài Trương Tửu còn có một nhà nho (ẩn danh). Theo nhà nho này, bài dồng dao trên là một bài sấm và bài sấm này phải được hát như sau:
Chu tri rành rành
Cái đanh nổ lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương tập đế
Cấp kế đi tìm
Hú tim òa…ập
Và dùng lịch sử (đã ứng nghiệm) để giải thích bài sấm đó như sau:
Chu tri rành rành: Báo cho mọi người được biết rõ ràng.
Cái đanh nổ lửa: Bọn thực dân Pháp đã cho nổ tiếng súng xâm lăng đầu tiên tại của bể Đà Nẵng năm 1858.
Con ngựa đứt cương: Vua Tự Đức bằng hà (19-7-1883) và triều đình trở nên rối loạn.
Ba vương tập đế: Hai quyền thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lũng đoạn triều đình, trong vòng 4 tháng phế lập và bức tử cả ba vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc rồi đưa Hàm Nghi lên thay (2-8-1884).
Cấp kế đi tìm: Hàm Nghi lên, 2 ông Tường Thuyết chủ trương tấn công người Pháp ở Huế bị thất bại phải đem vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị rồi hạ chiếu Cần vương. Quân Pháp lập tức ráo riết mở các cuộc săn lùng nhà vua.
Hú tim òa…ập: Cuối cùng, do sự phản trắc của tên Trương Quang Ngọc, vua Hàm Nghi bị bắt vào ngày 2-11-1888 sau đó bị bị đày đi Algéri (13-12-1888).
Đây là một trò chơi trẻ con qua một bài đồng dao có 6 câu thơ bốn chữ. Bài đồng dao này có nhiều dị bản trải qua thời gian và nhiều địa phương khác nhau. Tuy nhiên, xét về đại thể, chúng đều có thể chuyển tải cùng một ý như đã được trình bày trên đây.
Theo lời nhà nho nêu trên thì “…Nguyên nó là một câu sấm của cổ nhân truyền lại mãi đến gần đây mới thấy nghiệm.” Thế nhưng, theo Trương Tửu thì “Tôi không tin rằng bài hát “chu tri” là một câu sấm của người ẩn sĩ nào để lại. Theo ý kiến riêng, nó chỉ là một cách chép sử của dân gian. Nó không đáng coi như một tài liệu lịch sử chân xác. Giá trị đặc biệt của nó là một giá trị về tâm lý xã hội. Bằng cách ghi chép sự việc xảy ra ở chung quanh dân gian đã diễn đạt trung thành thái độ mình đối với đương thời.”
Sau này, có nhiều tác giả bàn về bài đồng dao đầy bí hiểm nầy.
Có người như ông Nguyễn Lân Dũng giải thích theo kiểu gom góp nhiều cách giải thích lại với nhau, chẳng hạn câu "cái đanh thổi lửa" chỉ việc quân triều đình nổ súng vào đồn Mang Cá của Pháp tại Huế năm 1885; "Con ngựa đút cương" chỉ việc vua Tự Đức từ trần, lại chỉ việc vua Hàm Nghi xuất bôn, chỉ cả việc vua Lê Hiển Tông mất năm 1786; "Ba vương ngũ đế" chỉ ba vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc hay chỉ ba vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, Quang Trung Nguyễn Huệ và Gia Long Nguyễn Ánh...
Có người như giáo sư Lê Quang Châu lại kéo lùi thời gian lịch sử về thời thượng cổ tận bên Tàu có liên quan đến Toại Nhân dùng lửa (cái đanh thổi lửa), liên quan đến chuyện Hiên Viên phản vua Thần Nông khiến người và ngựa chết thây phơi đầy đồng (con ngựa chết trương)...
Có người như Nguyễn Vũ Tuấn Anh dùng cả Kinh Dịch của Tàu để giải thích và bác sĩ Nguyễn Xuân Quang dùng quan điểm Việt Dịch của Ông để giải thích...
"Sấm truyền" là vậy đó! Hiểu theo cách giải thích nào đây?
8. Lại câu này nữa tiên đoán về cái chết của tên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương là Pierre Pasquier (1877-1934). Y là một tên thực dân khét tiếng thủ cựu. Thời y làm Toàn quyền Đông Dương (1928-1933) đã xảy ra cuộc khởi nghĩa Yên Báy của Việt Nam Quốc Dân Đảng (10-2-1930). Cuộc khởi nghĩa đã bị dập tắt trong máu lửa ngút trời. Sau đó, chính Toàn quyền Pasquier đã hạ lệnh tử hình 13 anh hùng Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Yên Báy (17-6-1930) và ra lệnh đày cả ngàn người yêu nước Việt Nam có dính líu đến các cuộc kháng Pháp, một số đày đi Côn đảo và một số khác bị đày sang tận vùng đất Guyane thuộc Pháp (Guyane Française) tận Nam Mỹ châu. Trong một chuyến bay về Pháp, máy bay chở Pasquier gặp nạn bốc cháy trên vùng trời Corbigny trên lãnh thổ nước Pháp và y bị chết cháy vào ngày 15-1-1934 nhằm ngày 1 tháng Chạp năm Quý Dậu. Ngay sau đó người ta loan truyền câu ca dao sau đây và bảo đó là lời sấm Trạng Trình tiên đoán về cái chết của Pasquier:
Giữa năm hai bảy mười ba,
Lửa đâu mà đốt tám gà trên mây
Câu này được giải thích như sau:
- Giữa năm hai bảy mười ba: Vào năm này (tức năm Quý Dậu) có nhuần 2 tháng Bảy, vì vậy năm này có 13 tháng (hai bảy mười ba)
- Lửa đâu mà đốt tám gà trên mây: “Tám” dịch ra chữ Hán-Việt là “Bát”, “Gà” dịch ra chữ Hán-Việt là “Kê”. Vậy “Tám gà” là “Bát kê” (Pasquier). Cả câu có nghĩa là Pasquier bị chết cháy trên máy bay (trên mây).
Toàn lời ca dao trên có nghĩa là: Vào năm Quý Dậu là năm nhuần 2 tháng Bảy, tên Toàn quyền Pasquier đã bị chết cháy vì tai nạn máy bay.
Quả thực năm Quý Dậu là năm nhuần, thế nhưng không phải là nhuần 2 tháng Bảy mà là nhuận 2 tháng Năm (âm lịch)
Theo nhà biên khảo Lưu Văn Vịnh trong tác phẩm Việt Sử Siêu Linh, thì hai câu trên là hai câu “sấm” được một nhà nho yêu nước, Phó bảng Nguyễn Can Mộng (1885-1953) “chế” ra để ghi lại cái chết của tên Toàn quyền Pasquier vì tại nạn máy bay vào năm 1934!
Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao một người đỗ đạt cao (Phó bảng) như Nguyễn Can Mộng lại không biết năm Quý Dậu (1934) nhuần 2 tháng Năm chứ không phải nhuần 2 tháng Bảy? Hoặc giả, câu “sấm” nguyên là “Vào năm Quý Dậu mười ba…” (có nghĩa là vào năm Quý dậu có 2 tháng nhuận thành 13 tháng) mà do truyền khẩu lâu ngày nên sai lạc đi chăng?
9. Cũng trong tác phẩm Việt Sử Siêu Linh, Lưu Văn Vinh nêu ra câu đồng dao:
“Bao giờ rừng Báng hết cây,
Đầm Long hết nước Lý nay lại về”
Và ông viết tiếp: “Rừng Báng và Đầm Long gần Đình Bảng, đất phát tích của họ Lý một ngàn năm trước. Nay rừng Báng cây đã chặt hết, đầm Long đã lấp từ lâu, vậy là tới chu kỳ họ Lý trở lại chăng?”. Tôi nghĩ, họ Lý đã trở về - không phải trở về để làm vua (!?) mà là trở về để thăm lại Quê Cha Đất Tổ sau non 770 năm xa cách! Đó là con cháu của hoàng tử Lý Long Tường, người đã bỏ nước ra đi năm 1226 để tránh bị diệt tộc bởi Trần Thủ Độ. Ông cùng con cháu đã sang định cư tại Cao Ly (Đại Hàn) và vào năm 1994, cháu đời thứ 26 của Lý Long Tường là Lý Xương Căn đã về Đình Bảng, vào bái yết lăng Lý Bát Đế (thờ 8 vị vua nhà Lý) và mấy năm sau đó nhiều người khác thuộc dòng họ của Lý Long Tường ở Đại Hàn đã rủ nhau về thăm Quê Cha Đất Tổ!
Trên đây là một số câu ca dao hay đồng dao đã được những nhà biên khảo văn học hay sử học cho là những câu sấm ngữ. Một phần trong những câu được bàn đến ở trên cũng xuất hiện trong những sách sưu tập sấm Trạng Trình.
Trong tác phẩm Sấm Trạng Trình Toàn Tập, nhà nghiên cứu sấm ký Nguyễn Thiên Thụ đã chọn lọc trong số 20 bản chữ Quốc ngữ và đưa ra 6 bản Sấm Trạng Trình tiêu biểu được in bằng chữ Quốc ngữ từ năm 1930 cho đến khoảng năm 1966: Bản Sở Cuồng Lê Dư (1930), bản Mai Lĩnh (1939), bản Hương Sơn (1950?), bản Anh Phương (1960?), bản Trịnh Vân Thanh (1966) và bản Trình Quốc Công Ký nguyên văn chữ Nôm được Nguyễn Thiên Thụ phiên âm năm 2011.
Bản Trình Quốc Công Ký là bản chép tay chữ Nôm của cụ Nghè Nguyễn Văn Bân (1868-1937). Tuy không ghi rõ năm chép nhưng chúng ta cũng biết đây phải là bản được chép trước năm 1937 là năm cụ Nghè từ trần. Bản gốc của bản này này hẳn là đã xuất hiện sớm hơn nhiều.
Đọc các bản Trình Quốc Công Ký, bản Sở Cuồng và bản Mai Lĩnh đều không thấy câu nào được chúng tôi trích dẫn trên đây có mặt trong các bản này. Mãi đến khoảng năm 1950, bản của nhà xuất bản Hương Sơn mới thấy xuất hiện mấy câu:
Đầu cha chắp lấy chân con
Mười bốn năm tròn hết số thời thôi.
Đến khoảng năm 1960, nhà xuất bản Anh Phương cho xuất bản tập Sấm Trạng Trình và tiếp đến năm 1966, Sấm Trạng Trình được in trong Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển, chúng ta sẽ thấy nhiều câu trong các sách này xuất hiện nhiều trong các sách sưu tập ca dao:
Lê tồn Trịnh tại,
Trịnh bại Lê vong.
Bao giờ ngựa đá sang sông,
Thì dân Vĩnh Lại Quận Công cả làng
Hà thời thạch mã độ giang,
Thử thời Vĩnh Lại nghênh ngang công hầu.
. . . .
Ðoài cung một sớm đổi thay,
Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn.
Ðầu cha lộn xuống thân con
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi.
. . . .
Giữa năm hai bảy mười ba,
Lửa đâu mà đốt tám gà trên mây.
. . . .
Thực ra, sấm ngữ ở đây chỉ là những câu ca dao lịch sử được sáng tác sau khi sự kiện đã kết thúc, hoặc có sớm cũng là ở giai đoạn chót của sự kiện lịch sử mà người sáng tác, với nhận định sắc bén của mình có thể thấy được kết cuộc. Phần lớn những câu ca dao lịch sử được xem là sấm ngữ vì cách chơi chữ lắt léo của nó trong câu ca dao khiến người nghe phải tìm hiểu, phải suy đoán và chủ ý của tác giả như muốn nhắn nhủ người được nghe câu ca dao rằng sự kiện mà tác giả nhắc đến giống như một định mệnh của lịch sử và đã là định mệnh thì không thể nào thay đổi, xoay chiều được.
Trên đây là những sấm ngữ đã được truyền tụng từ lâu trong dân gian và đã được các nhà sưu tập ca dao hay các nhà viết sử đưa vào sách của họ. Với những sấm ngữ nêu trên, chúng ta có thể đi đến một số nhận xét:
- Những sấm ngữ nêu trên đều nói đến sự suy tàn của vua Lê, chúa Trịnh và của nhà Tây Sơn và thời gian sau đó.
- Một số là sấm truyền không rõ tác giả, một số khác được xem là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà lý số đại tài của Việt Nam vào thế kỷ thứ 15.
- Một số khác nữa là những sấm ngữ được sáng tác trong giai đoạn người Pháp xâm lăng Việt Nam của các nhà Nho yêu nước.
- Giải thích sấm truyền cũng chỉ là một cách "người mù sờ voi", chẳng người nào giải thích giống người nào; câu sấm càng bí hiểm thì lời giải thích càng đi xa.
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Tài liệu tham khảo:
- Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (tập 1) - Phạm Thế Ngũ
- Việt Nam phong sử - Nguyễn Văn Mại
- Kinh thi Việt Nam - Trương Tửu
- Lịch sử nội chiến Việt Nam 1771-1802 - Tạ Chí Đại Trường
- Sấm Trạng Trình toàn tập - Nguyễn Thiên Thụ (net)
- Việt sử siêu linh - Lưu Văn Vịnh (net)
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục (net)
- Các tuyển tập Ca dao.
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Biên khảo: click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com