Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
CHIỀU CHIỀU TRƯỚC BẾN VĂN LÂU
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

Trong bài "Tìm về xuất xứ của một số câu ca dao", chúng tôi đã đưa ra một số câu hay bài ca dao có nguồn gốc từ thi ca của các tác giả cổ điển hay hiện đại. Chẳng hạn, một số câu trong "Bài ca gia huấn" của Đỗ Huy Uyển (1815-1882), bài thơ "Hà Nội tức cảnh" của Dương Khuê (1839-1902), các bài thơ được gọi là phong dao hoặc mang hình thức phong dao của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939), Á Nam Trần Tuấn Khải (1895-1983), hay những bài viết theo thể loại dân ca xứ Huế của Ưng Bình Thúc Giạ Thị ...

 

Trong những câu thơ hay bài thơ về sau được xem là ca dao đó, bài thơ viết theo thể điệu dân ca hò mái nhì của Ưng Bình Thúc Giạ Thị được nhắc đến nhiều nhất và chính tác giả hay người thân của tác giả còn nhắc đến cả lý do sáng tác bài ca dao bất hủ nầy.

 

Chiều chiều trước bến Văn Lâu,

Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,

Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông.

Thuyền ai thấp thoáng bên sông,

Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

 

Ưng Bình, với tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ưng Bình, hiệu Thúc Giạ Thị, cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh, một thi hào lừng danh thời Tự Đức. Ông sinh năm 1877, đỗ cử nhân vào năm 1909 và ra làm quan trải qua 3 triều vua Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Ông về hưu năm 1933 lúc 57 tuổi với hàm Thượng thư trí sự. Ông sáng tác rất nhiều thơ và đã lần lượt cho xuất bản: Tình Thúc Giạ (1942), Bán buồn mua vui (1954), Đời Thúc Giạ (1961), Tiếng hát sông Hương (1972, do Tôn Nữ Hỷ Khương xuất bản). Ngoài ra ông còn là tác giả của Lộc Minh Thi Tập bằng chữ Hán và 2 tuồng hát bộ: tuồng Tào lao và tuồng Lộ Địch phỏng theo kịch thơ Le Cid của kịch tác gia lừng danh người Pháp Pierre Corneille (1606-1684). Ông từ trần ngày 4-4-1961 tại Vỹ Dạ, Huế.      

 

Như chúng ta đã biết, đã có nhiều tác giả nhắc đến bài ca dao bất hủ này.      

 

Trước hết, chúng tôi muốn nhắc đến một lời phát biểu có phần trái chiều với nhiều phát biểu trước đó và sau đó của nhiều người về nguyên ủy phát sinh bài ca dao nầy. Đây là lời phát biểu của ông Hoàng Chương, Giám đốc "Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc" trong một cuộc Hội thảo do Trung tâm này tổ chức vào ngày 7-10-2011 tại Hà Nội, "nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh và 50 năm ngày mất của soạn giả tuồng Ưng Bình Thúc Giạ Thị." Ông Hoàng Chương đã phát biểu như sau:

 

"Tuy làm quan trong triều nhà Nguyễn, nhưng Ưng Bình Thúc Giạ Thị vẫn mang tâm sự buồn vì đất nước đang bị thực dân Pháp thống trị. Tâm hồn đó, tư tưởng đó được bộc lộ trong câu hò: "Chiều chiều trước bến Vân Lâu/ Ai ngồi ai câu, ai sầu, ai thảm/ Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông/ Thuyền ai thấp thoáng bên sông/ Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non...”. Theo một số nhà nghiên cứu, thì đây là tâm sự của ông đối với nhà chí sĩ Phan Bội Châu trong cuộc hành trình Đông Du tìm đường cứu nước nhưng không thành. Câu hò này đã trở thành câu cửa miệng của người dân xứ Huế." (1)           

 

Đây không phải là lời tuyên bố của một nhà biên khảo nào đó trên một tờ báo văn học hay lịch sử nào đó, mà là lời tuyên bố của vị Giám đốc một cơ quan văn hóa của nhà nước Việt Nam hiện tại có nhiệm vụ "nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc" trong một cuộc Hội thảo chuyên biệt về Tuồng của Ưng Bình Thúc Giạ Thị.

 

Trước khi đứng ra tổ chức cuộc hội thảo, dù chỉ để tìm hiểu về một khía cạnh của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị tài hoa này - khía cạnh soạn tuồng - ít nhất người tổ chức cũng phải tìm đọc những tài liệu viết về Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã được xuất bản trước đó. Nói cho đúng, theo lời ông, ông có tìm đọc (?) hoặc đã thảo luận (?) với "một số nhà nghiên cứu" để ông đi đến kết luận "đây là tâm sự của ông đối với nhà chí sĩ Phan Bội Châu trong cuộc hành trình Đông Du tìm đường cứu nước nhưng không thành". Thế nhưng, chúng tôi tin là ông chưa được đọc 2 tác phẩm sau đây: quyển Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị của Tôn nữ Hỷ Khương xuất bản lần đầu năm 1996 tại Sài Gòn hay quyển Khảo luận về Ưng Bình Thúc Giạ Thị của Hà Xuân Liêm được xuất bản năm 2005 tại Huế. Nếu ông Hoàng Chương đã đọc, dù chỉ là 1 trong 2 tác phẩm này thôi, hẳn ông đã không có lời phát biểu đáng phàn nàn như trên.

 

Vả lại, nếu không được đọc 1 trong 2 tác phẩm nêu trên mà chỉ cần chịu khó suy nghĩ khi đọc bài ca dao này, người đọc phải nghĩ chữ "ai" được lặp đi lặp lại đến những "9 lần" trong một câu hò chỉ dài vỏn vẹn có 36 chữ phải nhằm ám chỉ một nhân vật nào đó. Nhân vật được ám chỉ đó phải là  nhân vật đang ngồi trên một con đò neo trước bến Phu Văn Lâu, chứ chữ "ai" này không thể ám chỉ nhân vật Phan Bội Châu bôn ba hoạt động cách mạng tại hải ngoại, càng không thể ám chỉ tác giả của câu hò được!

 

Trong phần viết về Ca Dao của tác phẩm Tuyển Tập Văn Học, bằng phương pháp văn học so sánh và ký hiệu học, tác giả Hoàng Trinh đã phân tích một cách cặn kẽ bài ca dao "Chiều chiều trước bến Văn Lâu". Qua bài phân tích này, Hoàng Trinh chỉ xác nhận "Đây là những câu hò mái nhì nổi tiếng ở Huế. Lấy bức tranh "sơn thủy", lấy cảnh bến, nước, thuyền và qua những câu hò man mác không gian, thời gian, để nói lên một nỗi niềm về đất nước" (2), ông Hoàng Trinh không hề nhắc đến nguyên nhân nào đã khiến tác giả sáng tác câu hò mà chỉ nhắc "xuất xứ của nó là một bài thơ sau thành bài hát dân gian, bài hò chung, nổi tiếng, của một địa phương và của cả nước." (3)         

 

Trong bài “Câu Hò Trên Sông Hương” đăng trên báo Saigon Times số ra ngày 9-6-2000, Giáo sư Trần Văn Khê đã viết:

 

“Năm 1994, trong tạp chí Asian Arts and Cultures, số đặc biệt nói về Việt Nam, Vol. VII, số 1 Winter 1994, ông Balaban đăng một bài về ca dao Việt Nam. Khi dịch lại câu hò Trước Bến Văn Lâu, ông có viết thêm “ Câu “thơ” ấy do cụ Thúc Giạ Thị (tên thật là Ưng Bình) đặt ra trong lúc vua Duy Tân bỏ kinh thành, hoạt động bí mật chống Pháp”.

 

John Balaban là giáo sư văn chương tại Đại học North Carolina. Ông rất mê chữ Nôm và thơ ca Việt Nam, đặc biệt là thơ Hồ Xuân Hương và ca dao. Ông đã cho xuất bản một tập thơ Hồ Xuân Hương dịch ra tiếng Anh và tập ca dao song ngữ Anh-Việt nhan đề Ca Dao Vietnam: Vietnamese Folk Poetry được xuất bản vào năm 2008.

 

Tuy có đi gần với ý hướng sáng tác của tác giả hơn một chút, song John Balaban cũng rất chừng mực khi viết "Câu thơ ấy do cụ Thúc Giạ Thị (tên thật là Ưng Bình) đặt ra trong lúc vua Duy Tân bỏ kinh thành, hoạt động bí mật chống Pháp".

 

Trong tác phẩm “Cố đô Huế” của Hương Giang Thái Văn Kiểm, do nha Văn hóa, bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản năm 1960, sau khi giới thiệu cầu Trường Tiền của xứ Huế thơ mộng với bài ca dao:

 

Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp,

Anh qua không kịp, tội lắm em ơi!

Bấy lâu ni chịu tiếng mang lời,

Dẫu có xa nhau đi nữa, cũng bởi ông Trời mà ra!

 

Nhà biên khảo Hương Giang Thái Văn Kiểm, trước khi giới thiệu bài hò "Chiều chiều trước bến Văn Lâu" đã viết tiếp đúng với ý hướng sáng tác bài thơ của tác giả Ưng Bình Thúc Giạ Thị: “Cầu này bị bao phen nước cuốn hoặc bị chiến tranh tàn phá, chứng kiến và đau lòng trước bao cảnh hưng vong của lịch sử cận đại.  Con thuyền trôi dưới cầu tuy có vẻ mơ màng vô định, nhưng nó cũng có thể chở một Trần Cao Vân giả ngồi câu cá, để cùng vua Duy Tân bàn việc phục quốc chống xâm lăng (1916)..." (4)

 

Trong bài "Kỷ lục gia - Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương và những dòng thơ đi vào lòng người", Khánh Bình đã phỏng vấn nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, con gái út của Ưng Bình Thúc Giạ Thị và đã được ghi lại như sau:

 

"Thưa bà, có phải một bài thơ đúng hơn một bài hò của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã được lưu truyền, nhiều người thuộc lòng cứ ngỡ là ca dao?

 

- Đó là bài "Chiều chiều trước bến Văn Lâu, Ai ngồi, Ai câu, Ai sầu, Ai thảm, Ai thương, Ai cảm, Ai nhớ, Ai trông. Thuyền Ai thấp thoáng bên sông, Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non”. Những câu thơ này Ưng Bình Thúc Giạ Thị, cha tôi viết về vua Duy Tân. Thuở ấy vua Duy Tân có khi giả dạng thường dân ra ngồi câu cá ở bến Phu Văn Lâu chờ gặp Trần Cao Vân để mật bàn chuyện quốc sự. Không ngờ vận điệu của câu hò được truyền tụng trong dân gian và vô hình chung trở thành ca dao in trí nhớ nhiều người. Nỗi niềm của người viết trong khung cảnh đó đã làm câu hò trở nên bất hủ." (5)  

 

Trong quyển "Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị", nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương cũng đã xác nhận:

 

"Vào năm 1954, khi tôi hò đến câu:

 

Chiều chiều trước bến Văn Lâu

Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,

Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông

Thuyền ai thấp thoáng bên sông,

Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

 

Bỗng thầy tôi chợt hỏi: "Con có biết chữ ai trong câu này là ai không?" Tôi chưa kịp thưa, mà có lẽ Người cũng hiểu là tôi không thể nào biết được, nên người bỗng hạ giọng thong thả nói, với vẻ mặt trầm tư, mà tôi nghe gần như một lời tâm sự: “Thuở ấy, có tin vua Duy Tân giả dạng thường dân ra ngồi câu cá ở Phú Văn Lâu, chờ gặp Trần Cao Vân để mật bàn quốc sự.” Tôi nghĩ cái tin nầy đã làm cho thầy tôi vô cùng xúc động nên mới có thể viết thành câu hò bất hủ ấy” (6)

 

Như vậy, Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã sáng tác bài hò bất hủ nầy là căn cứ theo nguồn tin "vua Duy Tân giả dạng thường dân ra ngồi câu cá ở Phú Văn Lâu, chờ gặp Trần Cao Vân để mật bàn quốc sự.”

 

Trên bờ phía bắc sông Hương và nằm về phía tây cầu Tràng Tiền, có một ngôi lầu nhỏ 2 tầng xây vào cuối đời Gia Long (1919) gọi là Phu Văn Lâu mặt nhìn về hướng sông Hương. Tất cả các chiếu chỉ của triều đình và danh sách các sĩ tử trúng tuyển các kỳ thi Hội và thi Đình đều được niêm yết ở đây.

 

Phu Văn Lâu nằm ngay trước mặt Kỳ Đài và Ngọ Môn, vì vậy dân gian Huế vẫn nhắc câu ca dao sau đây:

 

Ngọ Môn năm cửa chín lầu,

Kỳ Đài ba bậc, Phu Văn Lâu hai tầng.

 

Trước mặt Phu Văn Lâu có Nghinh Lương Đình, bên cạnh có bến, thuở trước dành riêng cho thuyền vua đậu, về sau cho dân chúng được đến tắm và câu cá. 

 

Chúng ta thử tìm hiểu sự kiện lịch sử nầy.

 

Vào khoảng tháng 5 năm 1915, Việt Nam Quang Phục Hội - một tổ chức cách mạng do Phan Bội Châu thành lập năm 1912 và Kỳ Ngoại hầu Cường Để được bầu làm Hội chủ, nhằm mục đích đánh đuổi thực dân Pháp giành lại độc lập cho nước Việt Nam và sẽ thành lập một nước Việt Nam Dân Quốc - họp đại biểu tại Phú Xuân. Theo đề nghị của Nguyễn Thụy và Lê Ngung, đại biểu Quảng Ngãi, hội nghị quyết định tiến hành cuộc võ trang khởi nghĩa, đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho Tổ Quốc. Được biết vua Duy Tân là một nhà yêu nước, toàn thể đại biểu đồng ý mời vị vua trẻ tuổi nầy đóng vai trò thủ lãnh làm linh hồn cho cuộc khởi nghĩa, giao cho Trần Cao Vân và Thái Phiên, hai đại biểu của Quảng Nam, lãnh trách nhiệm vận động.

 

Qua trung gian tài xế của nhà vua là Phạm Hữu Khánh, một thành viên của Việt Nam Quang Phục Hội, vua Duy Tân nhận được bức thư tâm huyết do Trần Cao Vân gởi. Trong thư có những câu đã làm cho nhà vua vô cùng xúc động:  

 

...Thiên khải thánh minh hữu bài Pháp hưng binh chi khí;

Địa sinh tuấn kiệt hữu truất dân thảo tặc chi quyền.

 

...Phụ Hoàng Hoàng đế hà tội khiến thiên?

Dực Tôn tôn lăng hà cớ kiến quật?

 

...Tha Mỹ quốc hắc nô chủng tộc, ngũ thập niên du khả tự cường;

Huống ngô dân hoàng đế tử tôn, niệm ngũ triệu khởi cam chung nhược!

 

(...Trời sinh vua thông minh sẵn có tài chí cử binh chống Pháp.

Đất sinh người tài giỏi có quyền đuổi giặc thương dân.

 

...Đức vua cha của ngài vì tội gì mà bị đày?

Lăng tẩm của vua Dực Tôn (vua Tự Đức) cớ gì mà bị đào bới?

 

...Kìa nước Mỹ dòng giống rợ đen, năm mươi năm còn có thể tự cường;

Huống dân ta con cháu nhà vua, hai mươi lăm triệu nỡ đành hèn yếu!).

 

Sau khi đọc xong lá thư, nhà vua vô cùng xúc động và muốn được gặp ngay người gởi thư. Vậy là,  do sự sắp xếp và hướng dẫn của đội trưởng thân binh Nguyễn Quang Siêu và thị vệ Tôn Thất Đề, Trần Cao Vân nhiều lần giả dạng người câu cá để được gặp được vua Duy Tân mật bàn kế hoạch khởi nghĩa. Và theo đề nghị của nhà vua, cuộc khởi nghĩa sẽ được ấn định vào ngày 3-5-1916. Do cuộc gặp gỡ quan trọng nầy, lệnh khởi nghĩa đã được thông báo cho các cơ sở cách mạng ở các tỉnh.

 

Tại Quảng Ngãi, sau khi nhận được lệnh chuẩn bị khởi nghĩa, tên lính khố xanh Võ Huệ là người của Quang Phục Hội đã báo cho người em là Võ An, cũng là một tên lính khố xanh đang phục vụ tại dinh Án sát Phạm Liệu biết để tìm cách phòng thân. Trước ngày khởi nghĩa một ngày, tên Võ An vào gặp Án sát Phạm Liệu xin nghỉ phép. Thấy tên An có vẻ bối rối, Án sát Phạm Liệu liền hỏi dồn. Sợ quá, tên An khai hết sự thật. Phạm Liệu tức tốc báo cho tên Công sứ Pháp tại Quảng Ngãi lúc bấy giờ là De Tastes. De Tastes điện ngay cho Khâm sứ Trung Kỳ là François Charles. F. Charles ra lệnh thu toàn bộ vũ khí của hơn 2 ngàn lính tập đang đồn trú tại Huế chờ ngày sang Pháp và ra lệnh cấm binh. Vua Duy Tân và những lãnh tụ khởi nghĩa không hay biết gì hết. Đến ngày giờ đã hẹn, vua theo đội Siêu và thị vệ Tôn Thất Đề ra khỏi hoàng thành đến bến Thương Bạc để gặp Trần Cao Vân và Thái Phiên đang neo thuyền ở đây. Chờ mãi không thấy phát súng lệnh, biết cơ mưu bị bại lộ, Trần Cao Vân cùng Thái Phiên định đưa vua trốn vào Quảng Nam. Do sự phản bội của tên phán Trứ, nhà vua và đoàn tùy tùng bị bắt vào sáng ngày 6-5-1916. Cuộc khởi nghĩa coi như hoàn toàn thất bại. Trần Cao Vân và Thái Phiên bị kêu án tử hình. Vua Duy Tân sau đó bị đày sang đảo Réunion mãi tận châu Phi.

 

Vậy thì, đội Siêu và thị vệ Tôn Thất Đề đã đưa Trần Cao Vân và vua Duy Tân gặp nhau ở đâu? Trên một chiếc thuyền câu lơ lửng trước bến Phu Văn Lâu như lời của Ưng Bình Thúc Giạ Thị hay một nơi nào khác?

 

Qua bài biên khảo "Huyền thoại bến Văn Lâu", với những lập luận chính xác bằng nhiều tài liệu khả tín và bằng xem xét tại chỗ từng địa điểm một, nhà văn Võ Hương An người xứ Huế cho biết, vua Duy Tân đã nhiều lần gặp nhà cách mạng Trần Cao Vân không phải ở bến Phu Văn Lâu trên sông Hương mà là ở Hậu Hồ nằm trong Đại Nội qua trung gian của hai tay chân thân tín của nhà vua, đó là đội Siêu và thị vệ Tôn Thất Đề. Và chính bản nghị án của triều đình Huế trong vụ xét xử các lãnh tụ cách mạng Trần Cao Vân, Thái Phiên và các đồng chí cũng đã nói lên điều này: 

 

“Thủy nhi Hậu Hồ thùy điếu, thiện tả chiếu văn, nhi Thương Bạc đình thuyền, yêu nghinh Thánh giá. Hà Trung mạch phạn, Ngũ Phong kê thang, Thánh thể phong trần, giai bỉ bối vi chi tội nghiệt.” (Nghĩa là: Ban đầu buông câu ở Hậu Hồ, chuyên quyền tả lời chiếu, kế đến đậu thuyền ở bến Thương Bạc, đón rước nhà vua. Thết vua cơm nếp làng Hà Trung, cháo gà núi Ngũ Phong, mình rồng phải chịu dãi dầu gió bụi, tội nghiệt ấy đều do bọn kia gây ra cả.” (7)

 

Từ những dữ kiện đáng tin cậy, nhà văn Võ Hương An đã xác quyết: "Vậy thì vấn đề coi như đã rất sáng tỏ: những cuộc tiếp xúc bí mật của vua Duy Tân và Trần Cao Vân đã diễn ra tại Hậu Hồ sau lưng điện Kiến Trung trong Đại Nội (Hoàng thành), chứ chẳng phải hồ Tịnh Tâm, sông đào Ngự Hà, bến Phu Văn Lâu hay một nơi nào khác".

 

Trở lại với câu hò - ca dao bất hủ.

 

Cứ theo sát ý câu văn của nhà thơ Tôn nữ Hỷ Khương "Tôi nghĩ cái tin nầy đã làm cho thầy tôi vô cùng xúc động nên mới có thể viết thành câu hò bất hủ ấy", chúng ta cứ ngỡ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã sáng tác bài thơ nầy trước ngày xảy ra cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân (tức  trước ngày 3-5-1916) là khoảng thời gian vua Duy Tân được gặp nhà cách mạng Trần Cao Vân để bàn về kế hoạch khởi nghĩa. Sở dĩ chúng tôi giới hạn trong khoảng thời gian nầy là vì nếu cái tin nầy xảy ra sau ngày tòa án Nam triều mở ra thì hẳn nhiên Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã biết vua Duy Tân gặp Trần Cao Vân không phải ở bến Phu Văn Lâu mà là ở Hậu Hồ nằm sau lưng điện Kiến Trung như bản án của tòa án Nam Triều đã xác nhận.

 

Thế nhưng, thực tế không đúng như vậy.

 

Theo Hà Xuân Liêm trong cuốn "Khảo luận về Ưng Bình Thúc Giạ Thị",  tác giả  đã sáng tác bài hò mái nhì "Chiều chiều trước bến Văn Lâu" này vào năm 1937. Như vậy, Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã sáng tác bài hò này sau biến cố vua Duy Tân gặp Trần Cao Vân một khoảng thời gian khá lâu.         

 

Biến cố vua Duy Tân gặp Trần Cao Vân là vào khoảng trước tháng 5 năm 1916. Năm này Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã 39 tuổi và đang giữ chức tri phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

 

Ưng Bình Thúc Giạ Thị sáng tác câu hò bất hủ nầy vào năm 1937, năm này ông đã 60 tuổi và đã về hưu được 4 năm.

 

Có thể nói, suốt cuộc đời làm quan 24 năm, là một vị quan thanh liêm và cần mẫn, Ưng Bình cứ thủng thẳng thăng quan tiến chức không gặp bất cứ trở ngại nào, từ tri huyện rồi tri phủ lên án sát, bố chánh rồi tuần vũ và cuối cùng là phủ doãn Thừa Thiên (1932) năm 1933 về hưu được thăng hàm Lại bộ thượng thư trí sĩ.

 

Từ sau ngày về trí sĩ, cuộc sống của một vị hưu quan thanh bạch trong một hoàn cảnh xã hội tuy gọi là thanh bình nhưng vẫn nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp ; vẫn còn những người Việt Nam đem chính máu xương của mình để đổi lấy Độc lập và Tự do cho dân tộc như các anh hùng của Việt Nam Quốc Dân Đảng ung dung bước lên đoạn đầu đài tại Yên Báy vào sáng ngày 17-6-1930 ; vẫn còn một Kỳ Ngoại hầu Cường Để với một chí sĩ Phan Bội Châu cùng các đồng chí vẫn còn bôn ba đâu đó trên đất nước Tàu hay Xiêm (Thái Lan ngày nay) để vận động phong trào kháng Pháp giành Độc lập cho Tổ quốc ; vẫn còn các nhà vua yêu nước của Việt Nam như Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân đang bị thực dân Pháp giam cầm tại một vùng đất xa xôi mãi tận miền Bắc châu Phi...

 

Nỗi đau đó có lẽ vẫn còn ray rứt mãi trong tâm khảm của nhà thơ, để rồi... vào một buổi chiều nào đó của mùa Hè năm 1937, trong lúc đang thơ thẩn trong ngôi vườn Chu Hương Viên ở thôn Vỹ Dạ nhìn ra dòng Hương Giang lững lờ trước mặt, chợt chủ nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị nghe văng vẳng đâu đây giọng hò mái nhì não nuột buông ra từ một chiếc thuyền câu trước mắt, và...trong một phút giây kỳ diệu như vang vang trong tâm thức của nhà thơ  hình ảnh "vua Duy Tân giả dạng thường dân ra ngồi câu cá ở Phú Văn Lâu, chờ gặp Trần Cao Vân để mật bàn quốc sự" mà ông được nghe  lần đầu tiên cũng vào một buổi chiều Hè năm 1916 đã lóe lên thành những câu thơ trác tuyệt để rồi từ đó loan truyền mãi trong dân gian thành một câu hò mái nhì , một lời ca dao bất hủ!

 

Chiều chiều trước bến Văn Lâu

Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,

Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông,

Thuyền ai thấp thoáng bên sông

Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non!

 

Cái ấn tượng ban đầu về hình ảnh bi tráng của một vị vua yêu nước mới 16 tuổi  ngồi trên chiếc thuyền câu thả neo trên bến Phu Văn Lâu chờ gặp nhà cách mạng Trần Cao Vân "để mật bàn quốc sự" đã khắc sâu vào tâm khảm của Ưng Bình Thúc Giạ Thị và nằm yên ở đó. Vậy nên, 21 năm sau, khi sáng tác bài hò mái nhì bất hủ này, nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị vẫn còn mang nguyên vẹn nỗi xúc động của 21 năm về trước khi có người báo tin cho ông biết rằng "vua Duy Tân giả dạng thường dân ra ngồi câu cá ở Phú Văn Lâu, chờ gặp Trần Cao Vân để mật bàn quốc sự".

 

Và chúng ta cứ ngỡ như cụ Thúc Giạ đã sáng tác câu hò này ngay vào khoảng thời gian cụ nhận được nguồn tin nêu trên giống như ý của câu văn mà cô con gái của nhà thơ đã nhắc "Tôi nghĩ cái tin nầy đã làm cho thầy tôi vô cùng xúc động nên mới có thể viết thành câu hò bất hủ ấy". Cái hay của câu hò, cái thần tình của bài ca dao cũng nằm ở chỗ này. Bài thơ được sáng tác đã gần 80 năm, được phổ biến ở vùng Thừa Thiên nó là câu hò mái nhì, nằm trong bộ nhớ của dân gian cả nước nó là bài ca dao, trở thành tài sản chung của văn hóa dân tộc, vậy mà mỗi khi đọc lên, ta cứ ngỡ như bài ca dao mới được sáng tác, và "ai" đó thấp thoáng trong bài ca dao là mỗi con dân Việt Nam còn đang thao thức về đất nước của mình đã bao nhiêu năm rồi vẫn thấy "chạnh lòng nước non"!

 

Tại sao là Phu Văn Lâu mà không phải là Hậu Hồ?

 

Để kết luận bài "Huyền thoại Phu Văn Lâu", nhà văn Võ Hương An đã trả lời nghi vấn này như sau:

 

"Cụ Thúc Giạ, tác giả câu hò mái nhì nổi tiếng, Chiều chiều trước bến Văn Lâu…, là người làm quan đương thời, chả lẽ không biết rõ vụ vua Duy Tân xuất cung chống Pháp hay sao mà lại viết về bến Văn Lâu, thay vì Hậu Hồ hay Thương Bạc?

 

Theo thiển ý, cụ dư biết, nhưng nói ra sự thật thì “động thời văn”, cho nên mượn lời bóng bẩy gởi gắm tâm tình. Nhân bến Thương Bạc ở cùng một phía và không xa Phu Văn Lâu bao nhiêu nên nhà thơ mượn Phu Văn Lâu để ký thác tâm sự cho đặng thoải mái mà  khỏi lo “động thời văn”. Phu Văn Lâu trong câu hò là hình ảnh phóng chiếu của một Hậu Hồ ra khỏi cái bóng âm u của Hoàng thành, mở ra một chân trời tưởng nhớ bát ngát, mênh mông. Phu Văn Lâu cũng có thể là sự nhắc khéo về một Thương Bạc gần đó,  nơi một đêm kia có đấng quân vương trẻ đã dám coi nhẹ chiếc ngai vàng khi cất bước xuống thuyền, ra đi cứu nước cùng hai nhà cách mạng họ Trần họ Thái. Có lẽ hiểu như thế thì không phụ  lòng tác giả câu hò tiếng tăm của bến Văn Lâu đã gắn liền với Huế và đã đi vào văn học."

 

Ưng Bình Thúc Giạ Thị sáng tác bài hò này vào năm 1937, sợ "động thời văn" là điều có thể chấp nhận được.

 

Thế nhưng, đến năm 1954, bóng ma thực dân Pháp không còn nữa, vậy mà khi nói chuyện với cô con gái là nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, Ông vẫn xác nhận “Thuở ấy, có tin vua Duy Tân giả dạng thường dân ra ngồi câu cá ở Phú Văn Lâu, chờ gặp Trần Cao Vân để mật bàn quốc sự”?

 

Chúng tôi nghĩ đây là một nghi vấn khó tìm ra câu trả lời chính xác. Chỉ có tác giả mới có thể trả lời mà tác giả thì đã rời xa chúng ta hơn nửa thế kỷ rồi!          

           

ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

Ghi chú:

 

(1) Hoàng Chương - Ưng Bình Thúc Giạ Thị: Vương tôn suốt đời cống hiến cho Văn hóa Dân tộc (net)

(2) Hoàng Trinh - Tuyển tập Văn học - tr. 331

(3) Hoàng Trinh - Tuyển tập Văn học - tr. 361

(4) Thái Văn Kiểm - Cố đô Huế - trích theo Võ Hương An trong "Huyền thoại bến Văn Lâu" (net)

(5) Khánh Bình - Nhà thơ Tôn nữ Hỷ Khương và những dòng thơ đi vào lòng người - Blog Ban Mai Hồng

(6) Hà Xuân Liêm - Khảo luận về Ưng Bình Thúc Giạ Thị - tr. 154-155

(7) Trích lại từ Võ Hương An trong bài "Huyền thoại bến Văn Lâu" (net)

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Biên khảo: click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh