1. MỞ ĐẦU.
Từ khi con người bắt đầu có giao tiếp với nhau đã nảy sinh tính theo dõi nhau; rồi khi nền văn minh phát triển, đặc tính nầy tinh vi thêm; đến khi chiến tranh xảy ra, việc theo dõi, do thám lại là một nhu cầu cấp thiết. Đến khi con người biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào cuộc sống thì hệ thống gián điệp, tình báo tiến bộ vượt bực, vô cùng tinh vi, để rồi những cơ quan tình báo, điệp báo nổi tiếng ra đời. Ngày nay, khi nói đến chuyện “ăn cắp kỹ thuật của người khác” người ta liên tưởng ngay đến “ông tổ đạo chích” Tàu Cộng, còn nói đến kỹ thuật “nghe lén, nhìn trộm”, người ta nghĩ ngay đến CIA, một cơ quan điệp báo của Mỹ bề thế nhất thế giới trong những thập niên gần đây. Trong đề tài nầy, chúng ta lướt sơ lược về nguồn gốc và vài hoạt động điển hình nổi bật của C.I.A., một tổ chức nhiều tiếng tăm cũng nhiều tai tiếng; còn biết bao nhiêu chuyện khác, trong một bài ngắn ngủi không thể nói lên được gì nhiều.
Logo của C.I.A.
2. SƠ LƯỢC BIÊN NIÊN SỬ BAN ĐẦU CỦA CIA.
Nói đến những chữ F.B.I., C.I.A., K.G.B. (tiền thân của "The Federal Security Service of the Russian Federation", FSB, Cục An ninh Liên bang Nga ngày nay, thành lập vào ngày 3-4-1995), MI-6, Mossad, v.v... thì nhiều người đã từng nghe nói đến. Khi nghe đến ba chữ C.I.A., việc đầu tiên người ta liên tưởng đó là tổ chức chuyên về điệp báo, thứ nhì là đó là một tổ chức quy mô bề thế và thứ ba, đây là tổ chức chuyên gây nhiều biến động trên toàn thế giới. Khi nghe ở đâu có đảo chính, dù chưa biết ất giáp gì, việc đầu tiên người ta cứ liên tưởng ngay đó có thể là do CIA chủ xướng, giật giây, xúi giục hay chính họ tổ chức hoặc thi hành. Những điều vỏ đoán đó đôi khi đúng nhưng cũng có khi sai. Để đi vào đề tài, tưởng cũng cần biết sơ qua vài chi tiết cần thiết khi nói về CIA.
Theo Đạo luật An ninh Quốc gia (The National Security Act of 1947) hiệu lực ngày 18-9-1947 thì Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council, N.S.C.) và Cơ quan Tình báo Trung Ương (Central Intelligence Agency, C.I.A.) chính thức ra đời. CIA là cơ quan độc lập duy nhất của chính phủ Hoa Kỳ chỉ báo cáo mọi thông tin lên Giám đốc Tình Báo Quốc gia mà không chịu sự điều hành bất cứ cơ quan nào trong chính phủ Mỹ (có thay đổi ít nhiều sau vụ Wartergate). Phó Đề Đốc Roscoe Henry Hillenkoetter là Giám đốc đầu tiên của CIA. Điều lệ số 81-110 năm 1949 cho phép CIA được quyền "Sử dụng các thủ tục về mật vụ, tài chính, hành chính, được miễn hầu hết những hạn chế việc sử dụng ngân sách, khỏi công bố các thông tin về tổ chức, nhiệm vụ, văn tự, tiền lương, số lượng nhân viên...lên Bộ nào trong chính phủ Mỹ". Đặc biệt, chương trình “PL-110” cho CIA "Được phép tuyển dụng, thu nạp nhân viên, những kẻ đào ngũ từ các nước khác hay những cơ quan ngoại quốc, trả lương hay cung cấp tài chính để họ hoạt động". Trường hợp điển hình, năm 1949, cơ quan tình báo Tây Đức Bundesnachrichtendienst (do Reinhard Gehlen lãnh đạo) đã nằm dưới sự điều khiển của CIA và dĩ nhiên CIA phải tài trợ lương bổng. Một trường hợp khác, trong cuốn 'Bush At War" của Bob Woodward, một cuốn sách nói về vụ khủng bố 11-9-2001 tại Mỹ, tác giả hé lộ một "bí mật được giữ kín nhất của CIA" (nguyên văn), là sự tồn tại của 30 điệp viên CIA là người Afghanistan, hoạt động dưới mã hiệu là G.E/ các Trưởng lão, được trả lương $10,000 USD mỗi tháng, ròng rã 3 năm trước ngày 11-9-2001 (ngày al Qaeda tấn công nước Mỹ) chỉ để theo dấu Osama bin Laden rồi báo cho CIA vì CIA đã biết y là người cầm đầu tổ chức chống Mỹ nguy hiểm nhất. Đây là một số tiền không nhỏ để trả cho người ngoại quốc mà CIA không phải báo cáo việc tuyển dụng hay trả lương cho nhóm điệp viên nầy cho bất cứ Bộ nào trong chính phủ Mỹ. Trong cuốn sách viết về CIA, Andrew Tully cho biết “năm 1961, CIA nhận được ngân sách hàng năm là $1 tỷ Đô la trong khi Bộ Ngoại giao chỉ yêu cầu ngân sách để hoạt động dưới $250 triệu Đô la” (up to $1 billion a year as compared with State’s 1961 request budget od less than $250 million), điều nầy cho thấy số tiền chính phủ cấp cho CIA là con số khổng lồ.
Phó Đề Đốc Roscoe Henry Hillenkoetter
Giám Đốc (director) đầu tiên của C.I.A.
Dù ra đời muộn hơn Gestapo (Đức) hay KGB (Nga) nhưng CIA nhanh chóng trở nên nổi tiếng về: những hoạt động, mức độ ảnh hưởng đến tình hình chính trị thế giới, quy mô về nhân sự với một đội ngũ nhân viên đông đảo, thượng thặng, không chỉ là người Mỹ mà còn là dân của nhiều nước. Số lượng nhân viên và ngân sách hoạt động của CIA là vô cùng bí mật [việc rò rỉ của cựu nhân viên Mary Graham về ngân sách hàng năm của CIA khoảng 44 tỷ USD là điều hiếm xảy ra). Một điều chắc chắn, CIA là một cơ quan tình báo nổi tiếng nhất thế giới trong cộng đồng tình báo. Trên thực tế, ít ai biết CIA thực sự hoạt động ra sao, chỉ biết đại khái là: công khai hay bí mật thu thập tin tức từ ngoài nước có ảnh hưởng tới nước Mỹ, phân tích thông tin tình báo về các chính phủ, công ty và cá nhân nước ngoài về chính trị, văn hóa, công nghệ..., phối hợp hoạt động với các cơ quan tình báo khác trong nước, báo cáo những tin tức tình báo này đến các chức quyền hữu quan. CIA có nhiều đặc quyền, được trang bị những công nghệ hiện đại nhất thế giới, nhiều trang cụ đắt tiền, nhiều phương tiên do thám hoàn hảo nhất. Ngoài nhiệm vụ chính, CIA còn có bộ phận chiến lược để thi hành các nhiệm vụ khẩn cấp đòi hỏi sự can thiệp, ngăn chặn, giải trừ, đe dọa về vũ khí hoặc thay thế cho quân đội trong một số trường hợp để ngăn ngừa nguy cơ về chiến tranh. Ta hãy lần giở lại trang sử cũ của những ngày xa xưa của cơ quan nầy:
Một ngày của mùa Hè 1954, Otto Bauer, giám đốc một hãng chế tạo nút áo ở Đông Bá Linh nhắc điện thoại gọi cho một nhà thầu cung cấp vật liệu tại Tây Bá Linh. Khi đường dây điện thoại hoạt động, Bauer nói ngay, ngắn gọn đến công việc làm ăn: “Thưa ông Hauptman, tôi đã được phép thượng cấp cho thương lượng với ông. Nếu ông có thể đem mẫu hàng đến, chúng ta có thể bàn tiếp”. Một giờ sau, Hauptman và một “chuyên viên chất dẽo” đến. Họ bàn thảo với nhau về giá cả và ngày giao hàng. Khi rời văn phòng Bauer thì trong cặp của Hauptman, ngoài giao kèo về việc cung cấp chất dẽo để làm nút áo quần còn có thêm một bức thư riêng liên quan đến các điểm mà họ đã thỏa thuận. Đêm đó, Hauptman thức đến quá nửa đêm để nghiên cứu kỹ bức thư đó để rồi hôm sau chuyển nó đến cho “gã mập” chủ một tiệm bán quần áo may sẵn ở Marseille, Pháp. Khi bức thư có nội dung “đặt mua vài loại nhiên liệu hảo hạng” đến tay gã mập, một tuần sau nó đã về đến văn phòng ông Allen Welsh Dulles, giám đốc CIA ở Washington D.C. Tại đây, CIA hiểu rõ nội dung bức thư: “Chỉ rõ vị trí một hệ thống có 432 đường dây điện thoại của các văn phòng quân sự và chính quyền Đông Đức và Nga” tại Bá Linh.
Những cái tên Otto Bauer, Hauptman hay “gã mập”... đều là những nhân viên của CIA cả và cũng chẳng “ăn nhậu” gì đến chuyện làm nút áo hay quần áo may sẵn cả. Bauer là công dân Đông Đức, năm 1920 được cơ quan tình báo Anh gởi tới Bá Linh với một số vốn để mở một cơ sở kinh doanh trá hình. Bauer đã làm được rất nhiều việc: báo cáo cho CIA việc sụp đổ của chế độ cộng hòa Weimar, việc Hitler lên cầm quyền, việc Ba Lan bị chiếm đóng, các chương trình của Đức quốc xã v.v...Với vai trò là một kỹ nghệ gia cần thiết cho Đông Đức, Bauer đã cung cấp cho CIA và I.S (cơ quan tình báo Anh) rất nhiều tin mật tối quan trọng. Tuy tin tưởng Otto nhưng theo nguyên tắc, cần kiểm chứng nguồn tin ngay nhưng phải mất 3 tháng mới có kết quả.
Khi được xác nhận, lại gặp trở ngại: vào thời đó họ không thể thu băng trực tiếp các cuộc điện đàm qua các đường dây nầy. Cách dễ nhất là nối đường dây đó về tận căn cứ Mỹ, đây là việc rất phiền phức. Cuối cùng, CIA quyết định đào một đường hầm thông đến hệ thống đường dây điện thoại của khối Cộng để thu thập tin tức: chúng ta đang nói về điệp vụ của CIA mang tên “Đường hầm Bá Linh” (Berlin spy tunnel).
John Owen Brennan (sinh: 22-9-1955), đương kim
Giám đốc C.I.A., nhậm chức ngày March 8-2013 đến nay
Đầu tiên, phía Mỹ cho xây ở Rudow một căn cứ Radar cho Không Lực Mỹ, với nhiều cao ốc chung quanh để làm bình phong. Xây cất xong, công tác đào đường hầm mới bắt đầu. Ở một căn hầm trong đài radar, toán “thợ” bắt đầu đào đường hầm từ đó xuyên qua xa lộ Schoenefeld nối Radow với Alt-Glienike, hướng về một phi trường quân sự của Nga. Hàng ngàn tấn đất đá đào ra được đóng thùng chở ra ngoài bằng xe vận tải. Công tác tiến triển thuận lợi trong 5 tuần đầu nhưng khi đào đến xa lộ Schoenefeld thì nhân viên nghe "tiếng động lạ" trên đầu. Toán thợ lập tức ngưng việc và báo ngay tin nầy cho thượng cấp. Giới chức hữu trách Mỹ gọi ngay cho một “gián điệp đôi” ở Tây Bá Linh để điều tra về “tiếng động lạ” nầy. Tay nầy vốn thỉnh thoảng vẫn “chôm” vài tin vô hại của Tây Đức gởi cho khối Cộng và “thuổng” những tài liệu mật của khối Cộng gởi cho CIA. Sau khi điều tra sự việc, tay nầy trả lời rằng đấy là tiếng động của bọn thợ đang đào đất cạnh xa lộ để thay các ống nước. Thế là công tác tiếp tục và rồi đi đến hoàn thành: một đường hầm ở Đức nhưng mang “sắc thái Mỹ”: rộng gần 2 mét, bọc tole và bao cát, trang bị máy điều hòa không khí, máy bơm điện, hệ thống khuếch âm và 432 hệ thống nghe và ghi băng nối vào đường điện thoại của khối Cộng. Từ đó các chuyên viên Mỹ thu âm trọn vẹn trong một thời gian dài các cuộc điện đàm giữa các giới chức khối Cộng từ ngày hoàn thành, mãi đến ngày 22-4-1956 thì bị bại lộ.
Hôm đó, một toán lính Nga canh gác khu vực điện đài mới đổi phiên theo thường lệ, một viên hạ sĩ quan đi kiểm soát khắp nơi. Khi đến hành lang ngầm, y khám phá ra một sợi dây lạ (stray wire) và nơi tấm cửa sắt có hàng chữ Nga “Cấm vào, theo lệnh của Sĩ quan Chỉ huy” (No admittance by order of the commanding officer). Tấm bảng nầy do người Mỹ treo với chủ ý để ngăn chận lính Nga khi đường hầm chẳng may bị phát giác. Tên nầy báo cáo lên cấp chỉ huy, sau đó được lệnh khám xét sau cánh cửa sắt. May thay, phía Mỹ được báo từ trước đó nên đã thu dọn tất cả “đồ nghề” của họ ra khỏi đường hầm. Tuy vậy, chính phủ Nga cũng rõ Mỹ đã làm gì nên gởi một công hàm phản đối. Điều đáng nói là báo chí Đông Đức, Nga và khối Cộng đều khen ngợi việc đào đường hầm, cho là một công tác “dũng cảm, táo bạo, gan dạ, thiện nghệ và khó khăn” (bold, daring, audacious, skillful and difficult). Nga cũng mở cửa cho du khách phe Cộng vào xem, có hướng dẫn viên giảng giải, mãi đến ngày 9-6-1956 mới đóng cửa với lời tuyên bố “...40.000 đảng viên Đông Đức và Nga đã vào xem chiến thắng bọn gián điệp Mỹ (triumph of American espionage)”. Những du khách Cộng cũng không ngớt thán phục, họ cho đây là “một kỳ công trong thế giới gián điệp” (was one of the modern wonders of espionage). Người Mỹ tốn kém trong vụ nầy nhưng bù lại họ thu được nhiều tin tức quý giá, quan trọng.
Câu chuyện trên chỉ là một trong nhiều điệp vụ của CIA, đã thành công cũng lắm mà thất bại cũng không ít. CIA đã đưa dài cánh tay của mình vươn ra thế giới: can thiệp vào nội tình nhiều quốc gia, tạo biến động ở nhiều vùng, gây bất ổn, đổ vỡ nhiều xứ sở, phạm vào nhiều lỗi đến độ suýt gây ra nguy hiểm cho nền hòa bình thế giới bên cạnh những thành công đáng kể. Là một quốc gia non trẻ, người dân Mỹ không ưa hành động “nghe trộm, nhìn lén” hay đóng vai “cảnh sát quốc tế”, họ xem “gián điệp” là một hình thức ghê tởm (distasteful), trái với đạo đức (immoral), không thể chấp nhận, không như người Anh hay Tây Âu, các quốc gia “đế quốc” lâu đời sử dụng điệp báo từ nhiều thế kỷ nay, xử dụng quen thuộc đến độ coi như bình thường. Do vậy, họ muốn “biết” về CIA nhiều hơn mà điều nầy lại làm cho các giới chức ngồi trong Bạch Cung và điện Capitol điên đầu, khó xử khi không muốn cho công chúng Mỹ biết rõ về CIA vì họ biết gián điệp khối Cộng đầy dẫy trên đất Mỹ, dân Mỹ biết thì tình báo địch cũng thu lượm được tin tức. Tuy nhiên, từ trước nay, gián điệp là một khí cụ vô cùng quý báu. Chẳng phải Moise đã do thám lãnh thổ xứ Canaan (spy out the land of Canaan) theo như trong Kinh Thánh, hay là vào thế kỷ thứ 6 B.C., Tôn Tử (Sun Tzu) đã nói “Các vị hoàng đế hay tướng lãnh muốn tấn công chinh phục được địch mà không tốn quá nhiều xương máu của sĩ tốt thì cần phải biết rõ địch tình trước đã” (what enables the wise sovereign and the good general to strike and conquer and achieve things beyond the reach of ordinary men is foreknowledge) đó sao? Theo lịch sử, gián điệp viên đầu tiên đã “lôi Âu châu ra khỏi bóng đêm mờ mịt của thời Trung cổ” (the darkness of the Middle Ages) chính là Thượng Thư Sir Francis Walsingham dưới triều nữ hoàng Elizabeth đệ Nhất với quan niệm rất ư là “gián điệp”: “Muốn được tin tức của địch, đâu có gì quá đắt” (knowledge is never too dear), và ông đã bỏ một phần gia tài của mình (private fortune) để tạo nên một hệ thống điệp báo với nhiều phương tiện rắc rối về bí số và mật mã (elaborate system of codes and ciphers).
Chân dung Tướng Walter Bedell "Beetle" Smith, Giám đốc thứ nhì của CIA
3. LÝ DO RA ĐỜI.
Trở lại đề tài, người ta cho là CIA được ra đời sau khi bị Nhật tập kích vào Trân Châu Cảng (Pearl Habor) ngày 7-11-1941, đã không những gây xúc động cho dân Mỹ mà còn là một bài học cho chính phủ: “không có quyền để cho địch quân tập kích bất ngờ” (should never have been caught with its guard down). Các cuộc điều tra sau đó cho thấy trước đó có nhiều dấu hiệu về sự động binh của Nhật nhưng lúc đó Mỹ chưa có một tổ chức nào chuyên nghiệp để nghiên cứu các loại tin như vậy. Vì thế, ngay giữa thời chiến, T.T. Truman ra lệnh thành lập Cơ quan Tình báo Chiến lược (Office of Strategic Service, OSS) và sau chiến tranh cũng chính ông ra lệnh giải tán (abolished) tổ chức nầy vì thấy các chính trị gia vây quanh cơ quan nầy để lợi dụng và một phần do sự phản đối của F.B.I. Tuy nhiên những khó khăn xảy đến cho Truman trên mặt giấy tờ nên ông tuyên bố muốn có thật nhanh và thật sớm “một nhân viên một cơ quan nào đó có thể xắp xếp một cách minh bạch các loại giấy tờ lộn xộn đó” (somebody, some outfit, that can make sense out of all this stuff). Thế là “National Intelligence Authority, N.I.A.” ra đời, ít lâu sau lập thêm “Central Intelligence Group, CIG” do Đề Đốc Souers điều hành để hỗ trợ cho N.I.A. Sau nhiều thay đổi từ nhân sự đến tên gọi để rồi cuối cùng CIA là tên chính thức mãi đến nay.
Tưởng cũng nên biết qua, Hoa Kỳ có đến 16 cơ quan an ninh, tình báo, dưới sự điều hành của Cục Chỉ đạo Điều hành Tình báo Quốc gia, với ngân sách hàng năm lên đến hàng tỷ Đô la. Các tổ chức lớn có thể kể: CIA, FBI, Cục An-Ninh Quốc-Gia (National Security Agency, NSA), Cơ quan Trinh sát Quốc gia (National Reconnaissance Office, NRO), Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng (Defense Intelligence Agency, DIA), Bộ Nội An (Department of Homeland Security, DHS), Văn phòng Tình báo và Nghiên cứu (Bureau of Intelligence and Research, INR), Lực lượng Chống Ma túy (Drug Enforcement Agency, DEA)... cùng các đơn vị tình báo riêng của quân đội. Khi mới chính thức hoạt động, CIA có rất nhiều quyền hạn, nhất là thời gian Kennedy làm tổng thống và lúc John Foster Dulles là Bộ trưởng Ngoại giao. Vì thế, đôi khi quyền hạn của họ đụng chạm đến các cơ quan khác. Điển hình, với FBI, là cơ quan có nhiều hiềm khích với CIA nhất. Những người khôi hài thường kể nhiều chuyện giả tưởng về sự liên hệ giữa FBI và CIA. Một trong những chuyện tiếu lâm (gag) ấy kể rằng “Khi một điệp viên CIA bắt tay với một nhân viên FBI xong, khi rút tay về, cả hai vội đếm xem mình có mất ngón tay nào không” (After a CIA man and FBI agent shake hands, each quickly counts his fingers). Cho đến bây giờ thì các vụ bắt tay ấy chưa làm mất ngón tay nào nhưng hiển nhiên mối bang giao giữa hai bên không lấy làm thân thiện lắm. Nhân viên CIA cho rằng FBI thường tỏ vẻ khó chịu vì không được hoạt động trong lĩnh vực phản gián điệp quốc tế (international espionage) còn nhân viên FBI thì cho rằng họ có thể làm việc tốt hơn (CIA) và ít tốn kém hơn (could do CIA’s job better and wholesale prices).
Lúc ban đầu, CIA có rất nhiều quyền hạn đến độ ưu đãi, nhất là vị giám đốc: ông ta có quyền bãi chức một nhân viên mà không cần nêu lý do, có quyền sử dụng ngân sách khổng lồ mà không cần cho biết cách thức và nhu cầu phải sử dụng. Những điều nầy bị chế tài sau khi thất bại của CIA trong biến cố Vịnh Con heo tại Cuba và nhiều sai lầm sau đó. Một đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua nhằm ngăn cấm không cho CIA thành một Gestapo ở Mỹ: "Không được tham dự vào luật pháp, cảnh sát, các lực lượng hành pháp hay hoạt động dính líu đến an ninh quốc nội". Một sự phân định trách nhiệm rõ ràng: F.B.I. lo mọi việc về an ninh quốc nội, CIA lo tin tức ở quốc ngoại. Đạo luật nầy quy định: mọi cơ quan tình báo khác phải liên hệ với CIA nhưng FBI thì không bắt buộc điều đó; còn nếu CIA cần tin tức nào từ FBI thì có thể gởi công văn yêu cầu nhưng không nhất thiết bắt buộc FBI phải trả lời hay cung cấp theo nhu cầu; CIA không được can thiệp vào những vụ điều tra cá nhân.
Tổng hành dinh của C.I.A. ở Langley nhìn từ trên không
4. CIA HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
Tổng hành dinh CIA ở Langley, Virginia với chi phí xây cất ban đầu đã ngốn 46 triệu USD, là một cơ sở đồ sộ, bế thế đứng hàng thứ nhì (sau Ngũ Giác Đài) tại vùng thủ đô nước Mỹ: có 7 tầng, có 2 phòng ăn chứa cả 1.000 chỗ ngồi, mỗi tầng có thêm 1 snack-bar, phòng hội và chiếu phim chứa được 500 người, có 4 hệ thống thang máy, bãi đậu xe có 3.000 chỗ. Tổng số nhân viên không ai biết chính xác nhưng theo Andrew Tully, một tác giả viết một cuốn sách nói về CIA, ước chừng 10.000 người (ngang với một Bộ trong chính phủ). Ở đây, bất cứ ai ra vào đều phải xuất trình thẻ, mỗi thẻ khác nhau tùy theo nhiệm vụ của người đó. Bên trong là những văn phòng làm việc của các chuyên viên nghiên cứu. Họ là những chuyên viên giỏi, trẻ, thường là những người tốt nghiệp các đại học danh tiếng của Mỹ hay các nước khác sau khi qua nhiều lần sát hạch gắt gao. Tuy có nhiều chuyên viên CIA ở ngoại quốc gởi tin về nhưng một phần của sự thành công của CIA là từ đội ngũ ở Tổng hành dinh ở Langley. Sự kiên tâm trì chí của các chuyên viên ở đây mang lại thành công cho CIA mà điệp vụ “cái vòng gãy” đề cập vắn tắt sau đây là một điển hình:
Một nhân viên CIA hoạt động trong vai trò một nhân viên trong phi trường Vienna, Áo quốc. Hôm đó, sau khi một phi cơ của hãng Aeroflot (Nga) hạ cánh xuống phi trường, các lao công được lệnh lên lau rửa phi cơ. Đúng lúc đó, một người đàn ông lại gần người trưởng toán lao công, đưa cho người nầy mảnh giấy nhỏ. Thế là sau khi dọn dẹp xong, bọc giấy rác đồ dơ thu dọn từ trên chiếc phi cơ ấy được chuyển vào tay người đàn ông nầy và đêm đó ông ta tìm được vật cần tìm trong mớ rác đó: một chiếc vòng gãy (bent coat hanger). Thế rồi sau nhiều chặng chuyển, chiếc vòng nầy được nằm trên bàn giấy ở tổng hành dinh Langley. CIA hân hoan đón nhận nó vì thời gian qua họ đang tìm hiểu thêm vài đặc tính của một loại oanh tạc cơ tầm xa mới nhất của Nga sau khi đã khám phá hầu hết các chi tiết khác: đó là tầm hoạt động (range) và số bom nó có thể mang theo (bomb load). Từ chiếc vòng đó, họ dùng phương pháp phân tích bằng quang phổ và hóa học, họ xác định được nguyên liệu chế tạo cánh phi cơ, từ đó họ suy ra được tầm hoạt động và trọng lượng bom có thể mang theo. Đó, cách lấy tin của họ đại để như vậy.
Tổng hành dinh của C.I.A.
Là một cơ quan rất lớn nên việc tổ chức nhân sự là một trong những vấn đề then chốt. Nhân viên CIA đa số là người Hoa Kỳ nhưng không ít chuyên viên ngoại quốc, thế nên việc sắp xếp, phân bổ nhân sự sao cho nhịp nhàng, hợp lý, các ban ngành không được dẫm chân nhau để công việc trôi chảy là những bài toán khó mà những người cầm đầu phải giỏi mới điều hành nổi. CIA có rất nhiều chuyên viên giỏi về mọi việc, mọi ngành: từ chuyên viên về kim loại, hóa học, kỹ thuật đến giới luật sư, bác sĩ, chuyên gia tâm lý, bác học về nguyên tử, các nhà toán học, vật lý học, thể thao, võ nghệ, chuyên viên rành rẽ về các loại vũ khí, v.v... nghĩa là có đủ mọi ngành nghề như trong một xã hội nhỏ. Về ngữ học mới là điều đặc biệt, tất cả chuyên viên về ngữ học ít nhất phải biết “thành thạo” 4 ngôn ngữ [có người biết đến 23 thứ tiếng, số người biết 12 ngôn ngữ khá đông]. Họ được học thêm các khóa ngôn ngữ học và tuy đã làm việc trong ngành nhưng hàng năm phải qua một kỳ khảo nghiệm để soát xét lại khả năng. Ai không qua, phải học lại.
Việc tuyển chọn nhân viên thật kỹ lưỡng, qua nhiều giai đoạn, thủ-tục. Về lý lịch, ứng viên phải có lý lịch tuyệt đối trong sạch, có chứng cớ về sự trung-thành với nước Mỹ như: gia đình, huyết thống, bạn bè, trường học, khu vực gia cư...Về chuyên môn, họ phải là những chuyên gia giỏi, nổi tiếng về khoa-học, toán học, computer, radar, điện tử, ngôn ngữ học,... hay từ sinh viên giỏi tại các trường đại học nổi danh của Mỹ. Các sinh viên giỏi ở các trường Đại học Mỹ đâu biết họ đã được các “cặp mắt xanh” của CIA để ý họ từ lâu, chờ đến ngày họ tốt nghiệp. Họ đâu biết các giảng sư, các trợ giáo...của họ là những chuyên viên của CIA có nhiệm vụ theo dõi mọi sinh viên để tìm ra những nhân viên tương lai cho họ. Đến ngày tốt nghiệp, các sinh viên nầy được các chuyên viên CIA đến thẩm vấn sơ khảo. Sau đó, ai “khá” sẽ qua một kỳ sát hạch kỹ về khả năng do chuyên viên trắc nghiệm của Đại Học đường Princeton (Educational Testing Service at Princeton University), một Đại học tư ở Princeton, New Jersey đảm nhiệm. Nếu vượt qua được kỳ nầy, sinh viên sẽ được một ban giám khảo của CIA chọn lựa lại một lần nữa: từ huyết thống, con người đến cá tính, phản ứng cấp thời; tỷ như họ tìm hiểu xem sinh viên ấy có phải là hạng người: dễ gây được cảm tình với người khác không? nhút nhát không? uống rượu nhiều không? Có nói nhiều quá không? Lợi tức thế nào?
CIA rất ít khi chú ý đến những sinh viên nào không được xếp hạng từ 1 đến 10 trong lớp. Đôi khi họ vẫn loại bỏ sinh viên nhất, nhì lớp chỉ vì người đó có một tất xấu cỏn con, chẳng hạn: anh ta không thích bị người khác trêu ghẹo (doesn’t like to be kidded), đỏ mặt hay tái mặt khi tức giận, trả lời không tế nhị hay nổi nóng khi gặp một câu hỏi “chọc tức” của một người khác [do cơ quan tuyển chon đóng vai gài bẫy hỏi]. Trong 1.000 ứng viên ban đầu, khoảng 80% bị loại ngay đợt nhất, qua đợt nhì loại thêm khoảng 11% trong đó có 4% do lý lịch cá nhân. Một sự kiện được Tướng Walter Bedell Simth, (1) sau nầy là Giám đốc CIA kể lại, khi ông xin vào Cơ quan Tình báo Quân đội “G-2” khi Đệ nhất thế chiến, lúc đó ông mang Trung Úy. Tuyển trạch viên hỏi ông: “Ông có bao nhiêu lợi tức?” (How much private income do you have?), ông đáp: “Rất tiếc, tôi sống bằng tiền lương Trung Úy”, nhân viên đó nói ngay: “Thế thì về đi, Trung Úy. Ông không đủ điều kiện để làm điệp viên” (Then you’re out, Lieutenant. You can’t afford to be in intelligence). Thế nên khi là Giám đốc CIA, ông thay đổi cách tuyển chọn nhân viên, không còn đặt nặng tiêu chí lợi tức cá nhân mà lựa chọn theo khả năng và học lực.
Khi đã được thâu nhận, họ còn phải qua một kỳ khảo nghiệm bằng “máy khám phá nói dối”. Trong số nhiều câu hỏi, luôn có 2 câu: “Bạn có khi nào giao hợp với người cùng phái không?” (Have you had any homosexual relations?) và “Bạn có bao giờ nói chuyện bí mật trong sở với người khác không?” (Have you given any official information to anyone?). Cơ quan tuyển chọn không coi máy khám phá nói dối như một dụng cụ để tìm ra sự dối trá mà là một phương tiện “Để buộc ứng viên nói thật, một cách cưỡng bức với họ (ngoài ý muốn)” (It makes people tell the truth. It’s a kind of compulsion with them). Phương pháp nầy khiến cho nhiều người đang bị thử thách không chịu nỗi căng thẳng tinh thần nên bị loại vì lý do “thiếu cân bằng cảm xúc” (emotionally unstable). Phần đông người Mỹ bị loại qua các kỳ khảo nghiệm về tinh thần (nervous strain) hơn là về thể chất.
CIA huấn luyện nhân viên tương tự như cách huấn luyện của các binh chủng khinh binh, như Thủy quân Lục chiến, Nhảy dù, Lực Lượng Đặc Biệt... chẳng hạn. Nhân viên CIA chia làm 2 hạng: hạng “đen” chính là những điệp viên đúng nghĩa của nó (real cloak-and-dagger spies), những người "trong bóng tối", còn hạng “trắng” thì công khai (overts) chẳng cần dấu diếm gì, có thể tự nhận mình làm cho CIA. Hạng nầy thường là các chuyên viên thường, tuy vậy, tuyệt đối không được phép nói chuyện về công việc làm của mình cho bất cứ ai, dù người đó cùng chung sở, chung phòng, cho dù việc chẳng quan trọng gì, chẳng hạn về một quyển sách lịch sử Nga mà anh ta mới đọc được. Nhìn chung, cho dù lương bỗng không nhiều nhưng nhiều người Mỹ thích được làm việc cho CIA.
Những tin tức nhận được nhiều khi tầm thường nhưng qua phân tích mới thấy quan trọng. Trong hàng núi tài liệu gởi về tổng hành dinh để phân tích hàng ngày đó, thế nào cũng có tài liệu quan trọng, cần thiết. Trong tổng hành dinh Langley có đủ hạng người, đủ khả năng chuyên môn: Bạn muốn biết Trung Cộng gặp khó khăn nào trong công tác xây cất bằng bê tông cốt sắt ư? Sẽ có ngay người trả lời cho bạn. Chỉ cần xem qua một hột nút áo của Nga là các chuyên viên CIA có thể viết ngay 1 bản tường trình dày cộm về phương pháp sản xuất của Nga. Bạn chỉ cần đưa cho 1 nữ chuyên viên CIA tên họ của 1 người Ba Lan sống ở Đông Bá Linh đang làm việc cho một công xưởng chế tạo nông cơ của khối Cộng, vài giờ sau, cô ta sẽ đưa cho bạn bản lý lịch đầy đủ của người nầy: “Anh ta nguyên là binh sĩ Đức Quốc xã, di cư sang Nga, cộng tác với công an Nga, thích chơi cá ngựa, đã lấy vợ 2 lần, hiện đang sống với 1 cô gái Lỗ Ma Ni tóc đỏ, nhiệm vụ hiện tại là theo dõi công nhân nào có tư tưởng phản động đang làm việc trong ngành kỹ nghệ nặng Đông Đức để báo cáo cho công an”. Đại loại như thế.
Những nhân viên “trắng” sống cuộc sống bình thường, ngày 2 buổi đi làm rồi về nhà với vợ con như một công chức. Còn hạng “đen”, khi được chọn huấn luyện để gởi đi hoạt đông cho một điệp vụ nào, được biến đổi thành một con người khác hoàn toàn: tên, nơi sinh, gia đình (có hình ảnh đính kèm, có học bạ cũ...), có một quá khứ khác và họ phải thuộc lòng lý lịch mới (new identities) của mình. Tất cả các chi tiết không phải tự ý đặt ra mà đã nghiên cứu sao cho thích hợp cho điệp vụ. Khi điệp viên đã thuộc lòng lý lịch mới rồi, đôi khi họ bị “khảo hạch” lại: nửa đêm khi đang ngủ, họ bị đánh thức dậy để hỏi xem vài điểm, chẳng hạn: “Vì sao dì Olga tái giá lần nhì? Giờ đang sống ở đâu?” để biết chắc chắn anh ta thuộc kỹ. Họ phải học ngay cả những điều vặt vãnh, chẳng hạn như “thợ may Âu châu khi đính nút áo thường bắt chéo các đường chỉ, khác hẳn với thợ may Mỹ”. Họ còn phải học cách sinh hoạt theo phong tục, thí dụ ở Sofia, nếu “khi ăn mà sử dụng dao và nĩa bằng tay mặt” sẽ bị lộ tẩy ngay, ở Đông Bá Linh phải biết “loại bia nào các thợ nề ở đó ưa thích”. Công dân các nước CS phải luôn có căn cước trong người, điệp viên CIA phải biết tự làm giấy tờ giả: căn cước, thẻ thông hành, giấy kiểm nhân, phiếu tiếp tế, giấy phép làm việc, vé tàu điện v.v...để tiện dụng khi hữu sự.
Một điều cần biết nữa, người dân Mỹ có quyền từ chối khi cơ quan an ninh Mỹ đề nghị nhân chuyến du hành sang quốc gia phe địch nào đó hãy thu thập tin tức tình báo mang về cho họ nhưng phải hiểu rằng ở Nga thì người dân “không bao giờ dám từ chối” công việc do chính quyền giao phó, “trừ phi người ấy chán sống” thì không kể. Và hiếm có trường hợp từ chối nào vì họ thử muốn đến "thiên đường cộng sản để hưởng quyền lợi theo nhu cầu" như thế nào theo như tuyên truyền của chính phủ và họ đã quá sợ các trại tù ở Siberia dù chỉ nghe đến cái tên đã rét run rồi!
5. CIA, VÀI ĐIỀU CẦN BIẾT.
CIA chịu không ít tai tiếng, bị dư luận gán cho đã làm những chuyện xấu xa, trái đạo đức dù chưa ai biết rõ nội vụ và sự thật có như vậy hay không, có đáng trách không. Một phần của việc mang tai tiếng nầy là do họ, chính họ không chịu cởi cái dây người ta buộc vào cổ mình mà lý do sẽ nói đến ở đoạn sau. Xin nêu vài việc.
Trung Tướng Pedro Augusto del Valle
Đầu tiên là vụ Trung Tướng Pedro Augusto del Valle của TQLC Mỹ. Khi về hưu, vị tướng nầy đã kể lại với báo Washington Times Herald là "CIA mời ông tham gia vào việc lật đổ Tướng McArthur khi ông ta đang là Tư Lệnh tại Viễn Đông". Đây là một chuyện phe phái đối chọi nhau trong và sau thế chiến thứ hai giữa Hải Quân và Lục quân Mỹ, trong các vấn đề: quan niệm về chiến thuật chiến lược, về quyền hạn chỉ huy, phối hợp hành quân,… rồi lôi kéo những thế lực chính trị tại các quan trường, các nghị viên, các chính trị gia nơi bàn giấy vào phe nhóm của mình, do vậy, phe nào cũng có bè cánh riêng, đối chọi, tố cáo, tìm cách lật đổ hay bôi nhọ nhau mà Tướng McArthur là một mục tiêu.
Wataru Kaji và vợ, hình chụp năm 1935
Thứ hai là chuyện văn sĩ, chính trị gia người Nhật Wataru Kaji, đã kể với Quốc hội Nhật là trong suốt 7 tháng ông ta bị CIA thuyết phục trở lại Tàu để tiếp tục vai trò gián điệp mà ông đã tham gia trước đó, sau đó còn hăm dọa ông. Một chuyện khác, CIA mang tai tiếng trong vụ Giáo sư Owen Lattimore chuyên về Viễn Đông sự vụ của Đại học John Hopkins, bị kết tội "tiếp tay hoạt động với Nga". Nội vụ như sau: Henry Javinen 32 tuổi, người điềm chỉ, nhân viên một hãng du lịch ở Seattle đã cho nhân viên CIA biết là ông Lattimore đã mua 1 vé bí mật để đi Moscow. CIA liền thông báo cho Bộ Ngoại giao biết đồng thời yêu cầu cảnh sát Không cảng theo dõi Lattimore sau khi chỉ thị nhân viên mình theo dõi ông nầy. FBI liền cho nhân viên điều tra chuyến đi của Lattimore xuất phát từ Seattle. Tháng 6-1952 FBI phúc trình rằng mọi sự tố cáo về hành động của Lattimore là “không có chứng cớ” (wholly unfounded). Khi đó, điềm chỉ viên Henry Javinen thú nhận đó chỉ là câu chuyện giả tạo. T.T. Truman đòi ngay một bản phúc trình về vấn đề nầy và Bộ Tư Pháp cho thiết lập tại Seattle một tòa án đặc biệt để xét xử nội vụ. Henry Javinen bị coi là thủ phạm và bị tòa án kết tội còn Bộ Ngoại giao thì xin lỗi giáo sư Owen Lattimore. Trong phiên xử vào tháng 10-1952, Chánh án William J. Lindberg đã than phiền vì 2 nhân viên CIA là Richardson và Holland không ra hầu tòa trong vai nhân chứng với lý do là Tướng Smith, xếp CIA không chấp thuận cho họ có mặt ở tòa. Chính phủ Mỹ đề nghị sẽ rút bớt 1 nhân chứng buộc tội nếu tòa đồng ý không đòi hai nhân chứng này nhưng chánh án Lindberg không chấp thuận. Cuối cùng, tòa tha bổng Henry Javinen.
Một rắc rối khác dành cho CIA trong vụ cựu điệp viên Charles Edmundson [người từng hoạt động ở Bắc Hàn và có lần được chính phủ Mỹ cám ơn vì đã chỉ trích hợp lý chính sách của T.T. Eisenhower ở Trung Đông] được chương trình truyền hình “College Preess Conference” phỏng vấn. Ông ta nói rằng sở dĩ chính phủ Mỹ không dám cho ký giả Mỹ đến hành nghề tại Trung Cộng vì sợ các ký giả biết có nhiều điệp viên Mỹ bị cầm tù ở đó. Edmundson còn kể là y biết thêm 2 điệp viên là Richard Henry Fecteau ở Lynn, Massachusetts và John Downey ở New Britain, Connecticut và mỗi người nầy biết thêm 10 người khác cùng bị cầm tù ở Trung Cộng. Hai điệp viên trên đã bị bắt khi họ đóng vai nhân viên dân chính của Quân lực Mỹ. Thực hư về những tuyên bố nầy chẳng mấy người biết thực hư ra sao.
U-2, loại do thám cơ siêu đẳng vào thời đó
Một việc điển hình cuối trong tiểu mục nầy, đó là việc một chiếc U-2 do phi công Francis Gary Powers điều khiển, loại máy bay thám-thính cao độ (high-altitude reconnaissance), là một thành tựu công nghệ phức tạp (it was a sophisticated technological marvel) thuộc “Phân đội Do-thám bí-mật 10-10” (Secret 10-10 Reconnaissance Detachment) của CIA bị rơi trên đất Nga ngày 01-5-1960. Trong 4 năm trời trước đó [chuyến bay thám thính sào huyệt Nga bắt đầu từ năm 1956], những chuyến bay vượt qua lãnh-thổ Nga bao-la mà các phi-công U-2 gọi là “những chuyến đi dạo thường-xuyên” đã làm cho CIA có thể tự-hào và mãn-nguyện với những thành-quả của họ, đã thu lượm được hàng “núi” tài liệu: các máy chụp hình rất mạnh [mạnh đến độ có thể chụp được ảnh độ phân giải cao (high-resolution) thậm chí của cả tựa bài báo trên báo của Nga khi nó bay qua (of headlines in Russian newspapers as it flew overhead)], đã chụp những căn-cứ chứa phi-đạn, phi-trường quân-sự, trại đóng quân, kho tàng, công-binh-xưởng...của Nga; các máy vô-tuyến và máy ghi nhận luồng sóng điện tìm ra các căn-cứ Radar dù được ngụy-trang; những máy ghi âm điện-tử, những máy quay phim ghi nhận bằng dấu hiệu đã khám-phá được mọi hệ-thống phòng-không của Nga trong một vùng bán-kính đã được định trước trong máy. Các loại khí tài nầy vào hạng tối tân nhất vào thời đó.
Cao độ của U-2 lên đến 70,000 feet (21,3 km), ngoài tầm của các loại phi cơ và hỏa tiễn Nga thời đó. Khi chiếc U-2 bay qua Sverdlovsk Oblast, phi công Powers báo tin động-cơ bị trục-trặc khiến phi-cơ mất dần cao độ, khi còn 40.000 ft. thì đột-ngột mọi liên-lạc với Powers bị cắt đứt. Chiếc U-2 rơi xuống đất Nga, phi công bị bắt. Đây là “cơ hội bằng vàng” để Nga khoác lác tuyên truyền: do thám cơ của Mỹ bị radar phác giác rồi bị phi cơ Nga bắn hạ. Mãi đến nay, theo nguyên tắc cố hữu, CIA vẫn không lên tiếng cho biết lý do. CIA bảo đảm (assured) với Tổng thống của họ rằng Nga Sô không sở hữu loại vũ khí chống máy bay nào đủ phức tạp để bắn hạ các máy bay ở độ cao lớn (Soviets did not possess anti-aircraft weapons sophisticated enough to shoot down the high-altitude planes).
Thật ra, trước đó Nga đã biết một cách mơ hồ các phi-vụ do-thám của U-2, họ đặt tên là “Nữ gián điệp đen” (Black Lady of Espionage) nhưng chưa có bằng cớ xác-quyết, không biết đích-xác cách hoạt-động của U-2 vì ngoài tầm hiểu biết, ghi nhận của họ. Các phản kháng không “chính thức” (không có văn thư, không qua các tòa đại sứ, lãnh sự…), chỉ nói chung chung, ngay cả trên tập-san Hàng-không Nga vào những năm 1958-1959. Người Nga không làm gì được Mỹ, chỉ còn biết xử dụng miếng “võ...mồm” quen thuộc cho hả tức. Mỹ thì vẫn làm ngơ vì không có bằng chứng. Cần biết thêm, chiếc U-2 đầu tiên cất cánh vào ngày 15-7-1955 và được Hoa Kỳ dùng mãi đến ngày nay (2016) mà vẫn chưa chịu cho nó “về hưu” dù họ đã cho ra lò không biết bao nhiêu loại phi cơ do thám kiểu mới, cho dù khoa học tiến bộ vượt bậc so với thời nó “ra lò”, đủ thấy tầm diệu dụng của nó thế nào.
Dĩ nhiên, các việc rắc rối như thế sẽ lên trang nhất các báo và dư luận làm rùm beng, nhất là các báo lá cải, các tổ chức phản chiến, các tổ chức chính trị hoạt đầu, các nhóm chống đối chính phủ Mỹ lấy cớ để họ “mạnh miệng” tuyên truyền xuyên tạc. Tuy nhiên, trong các vụ như vậy, giới hữu trách CIA không tự biện giải cho mình, không chối cãi cũng không thừa nhận, tuyệt đối giữ yên lặng, làm như không phải chuyện của họ cho dù đôi khi đụng phải những nhà báo lão luyện soi mói hay các vụ “động trời” khiến họ phải rúng động. Thật ra, có người biết rõ hoạt động CIA - chẳng hạng các điệp viên hay trưởng nhóm trong một điệp vụ nào đó - nhưng thường họ không bao giờ nói ra sự thật, vì đã được huấn luyện như vậy. Các lãnh đạo CIA quan niệm rằng “càng ít người biết đến càng tốt”, đó cũng là mối bận tâm (bothered) của Dulles khi ông ta là xếp của CIA nên thời gian ông ta lãnh đạo, người Mỹ ít biết đến thành quả của CIA.
Trong một lần thổ lộ với tờ New York Times và tờ Christian Science Monitor, Allen Welsh Dulles nói: “Tôi điều khiển cơ quan nầy một cách thầm lặng và không muốn bày tỏ mọi việc cho người khác biết. Người ta đòi tôi phải cho biết về các việc đã xảy ra trên thế giới mà họ vốn không tưởng tượng nổi và nhiều người còn muốn chúng tôi phải giải bày mọi hoạt động ra trước công luận. Nhưng vì những lý do căn bản, chúng tôi phải hy sinh việc liên lạc với quần chúng để bảo đảm sự an ninh và bí mật cho các hoạt động của chúng tôi” (I’m the head of the silent service and cannot advertise my wares, sometimes, I admit, this is a bit irksome. Often we know a bit more about what is going on in the world than we’re credited with, and we realize a little advertisement might improve our public relations. For major reasons of policy, however, public relations must be sacrificed to the security of our operations). Một điều đáng lưu ý là đôi khi tin tình báo CIA cung cấp hay đưa ra một giải pháp cho chính phủ nhưng người điều khiển yếu kém hay không dứt khoát - như vụ độ bộ Cuba - cũng ảnh hưởng đến thất bại. T.T. John Kennedy, một tổng thống trẻ tuổi, chưa đủ kinh nghiệm trong nhiệm vụ tổng thống một siêu cường để giải quyết một biến cố lớn lao có tính lịch sử như Biến cố Vịnh Con heo, đã không tỏ ra được khả năng lãnh đạo và sự quyết đoán cần thiết. Ông ta đã lưng chừng, ngần ngừ khi quyết-định hủy bỏ cuộc không-tập lần thứ hai; thay vì có những quyết định dứt khoát thì ông ta cố tìm cách giảm bớt sự tranh nghị của các “cận thần”. Khi thất bại, “trăm dâu đổ đầu tằm”, CIA chịu hoàn toàn tai tiếng: đây cũng là thảm bại có lẽ là lớn nhất của CIA kể từ ngày ra đời đến nay.
Tóm lại, sự im lặng của CIA trong những sự việc điển hình nêu trên cho thấy vì sao bóng tối luôn bao trùm trong các hoạt động của CIA. Có lẽ “nghề điệp báo phải như vậy!”. Đó là câu trả lời cho việc CIA lắm khi chịu nhiều tai tiếng đã được ghi ở đầu phần nầy dù có những thất bại của họ không đáng để chịu nhiều “búa rìu dư luận” như thế.
Chiếc U-2 đang tung mây lướt gió
Một loại hoạt động của CIA thường gây nhiều rúng động cho đối phương mang tên “lực lượng thứ ba” (third force), là công tác bí mật nhất (top-secret activity) nhằm giúp các lực lượng khởi nghĩa làm “cách mạng” hay lật đổ chính quyền (sabotage government) hay dùng quân đội đảo chánh một nước nào đó mà Mỹ muốn. Giả sử Mỹ muốn “khuynh đảo” một nước nào đó họ bèn tạo nên một rắc rối, chẳng hạn họ tổ chức và xúi giục giới thợ thuyền đòi tăng lương, khi đó, “xịa” (CIA) gởi ngay chuyên viên về các cuộc tranh đấu nghiệp đoàn đến để hợp tác, hướng dẫn họ hầu gây ra cuộc đình công dây chuyền; hay họ gởi vũ khí, chất nổ...cùng chuyên viên hướng dẫn sử dụng hầu mang lại kết quả. Đây là ngón đòn ruột của CIA để khuynh đảo thế giới.
Còn chuyện tạo nên các cuộc đảo chánh, đa phần là việc làm tội lỗi, đáng trách của Mỹ mà nhân viên của CIA là nhân tố chính. Con bạch tuộc “xịa” đã vươn cái vòi ra tới nhiều quốc gia, tạo ra nhiều biến động toàn cầu, gây nhiều xáo trộn tại nơi họ đến, và Nam Việt Nam là một nạn nhân điển hình, mà niềm đau đó là một thảm họa: một Việt Nam điêu tàn từ ngày đó đến nay, sau vụ đảo chánh ngày 01-11-1963 lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm để rồi miền Nam phải mất vào tay Cộng sản mà chính quyền Hà Nội là tay sai thi hành âm mưu xích hóa thế giới của Nga Tàu. Trong lịch sử hoạt động của CIA, với những điệp vụ điển hình có thể kể: Cuộc âm mưu của 4 tướng ở Alger, cuộc đảo chánh ở Iraq, từ Guatemala đến Nhật, Kẻ điếc ở Bắc Hàn, điệp vụ Đồng tiền rỗng, vụ đổ bộ Cuba, điệp vụ U-2, Tổ ong ở Suez, điệp viên trong Điện Cẩm Linh, Tưởng Giới Thạch và Đài Loan, tạo hỗn loạn trong thiên đường Cộng Sản, làm thế nào để tạo thành Vương quốc Ba Tư, Người hùng, người hèn ở Congo và Lào v.v… nhưng nếu kể thành công lớn nhất thì điệp vụ U-2 là tiêu biểu, còn thất bại bi thảm nhất là Đại họa ở Cuba là điển hình.
6. ÔNG LÀ AI?
Trước khi đi vào kết luận, hãy tìm câu trả lời của đề bài. Trong suốt thời gian dài hoạt động trong căng thẳng, không nhân viên CIA nào không bị ảnh hưởng đến tinh thần, dù “trắng” hay “đen”. Trường hợp đó, các nhà thần kinh học và bác sĩ chuyên khoa được gọi đến để săn sóc bệnh nhân. Nếu bị bệnh, họ sẽ được điều trị ở bệnh viện với các bác sĩ riêng của CIA để phòng ngừa khi bệnh nhân mê sảng hay bị ảnh hưởng của thuốc men (side effect) có thể tiết lộ bí mật an ninh quốc gia. Nếu sống trong căng thẳng như thế ngày nầy qua tháng nọ, có lẽ ông vua gián điệp cũng phải suy yếu và mệt mỏi nhưng có một người không bao giờ kiệt lực cả, người đó được mệnh danh là “ông CIA” tức Allen Welsh Dulles (2) vậy (the man who became known as Mister CIA, Allen Welsh Dulles). Dulles là một điệp viên lên tới “tột đỉnh của nghề gián điệp”, hoạt động trong nghề suốt trong 2 cuộc thế chiến: thế chiến thứ 2 và chiến tranh lạnh, người bị người Nga ghét nhất, được họ xếp vào hạng “bực thầy gián điệp” (master spy). Ta hãy xem Ilya Ehrenburg, một nhà văn, nhà báo, nhà dịch thuật, nhà văn hóa của Nga sô đã viết về Allen Dulles trên tờ Sự Thật (Pravda) của Nga: “Nếu điệp viên Allen Dulles có lên tận trời để giải trí đi nữa thì hắn cũng sẽ phá nổ các đám mây, đặt mìn vào các ngôi sao và ám sát những thiên thần” (If the spy, Allen Dulles, should arrive in Heaven through somebody’s absent-mindedness, he would begin to blow up the clounds, mine the stars and slaughter the angels).
Nói đến gián điệp, ta nghĩ ngay đến CIA, nói đến điệp viên, ta sẽ không quên Allen Dulles, tay chúa tể ngành gián điệp, người đã điều hành “guồng máy CIA” trong 2 cuộc chiến đã lèo lái “con tàu gián điệp” Mỹ qua biết bao phong ba bão táp, đã được tổng thống Truman khen thưởng. Đó là vài dòng vắn tắt về “ông C.I.A.”, Master spy Allen Welsh Dulles.
Chân dung Allen Welsh Dulles, Giám đốc thứ 5 của CIA.
Còn những người đã hy sinh vì công vụ cho CIA thì sao, trước khi đi vào phần kết, cũng nên biết qua: Tên của họ được khắc trang trọng trên bức tường đá cẩm thạch ở ngay lối ra vào Tổng hành dinh CIA ở Langley. Tại đây, tên của những nhân viên CIA đã nằm xuống trong khi đang thi hành công vụ, nơi CIA nói riêng, chính phủ Mỹ và rộng hơn là dân chúng Hoa Kỳ tôn vinh những người đã vị quốc vong thân. Trong cuộc săn lùng al Qaeda và Taliban ở Afghanistan, ngày 25-12-2001, Johnny “Mike” Spann, một quân nhân đã 10 năm phục vụ trong Thủy Quân Lục chiến Mỹ trước khi gia nhập CIA, là một sĩ quan bán quân sự trong toán Alpha của CIA, khi tái chiếm Mazar đã vĩnh viễn nằm xuống, là người Mỹ đầu tiên đã tử trận trong cuộc chiến lần đó. Trái với truyền thống của CIA là giữ yên lặng, lần nầy, chính Giám đốc CIA là George J. Tenet đã công khai về tin tức của Spann và gần như tin nầy chiếm vị trí trang đầu của tất cả các báo chí, các hệ thống truyền thông ở Mỹ. Johnny “Mike” Spann là tên thứ 79 trong danh sách trên bức tường đá cẩm thạch ở Tổng hành dinh của CIA, tính đến cuối năm 2001.
7. LỜI KẾT.
Những hành động gián điệp, nghe lén, nhìn trộm, v.v... của CIA đã và đang làm là điều xấu xa, trái với đạo đức, như người Mỹ nhận xét, bị nhiều nước căm ghét, nhất là các quốc gia thù địch với Mỹ. Tuy nhiên, muốn sống còn, muốn vươn lên, lắm lúc người ta vẫn lờ đi chuyện công-ước, lương-tâm hay bị thù ghét,… một khi đã xem quyền lợi quốc gia là tối thượng. Không riêng gì Hoa Kỳ mà quốc gia nào cũng phải làm như thế. Nhiều chuyện mới nghe qua có vẻ như khôi hài nhưng là sự thật, chẳng hạn “xử dụng vũ khí để bảo vệ hòa bình thế giới” hay “tổ chức hệ thống gián điệp để bảo vệ an ninh quốc gia”. Hơn bao giờ hết, việc thu thập tin tức là một nhu cầu cấp thiết nếu không muốn bị tiêu diệt, đó là lý do mà vì sao CIA tồn tại, hướng cặp mắt và đôi tai của mình tới mọi nơi trên toàn cầu. Họ chỉ dừng tay khi nào nhân loại sống trong hòa bình, không còn tranh chấp, hận thù, không còn vũ khí, không còn lăm le hủy diệt nhau. Hãy đừng nên trách vì đó là nhiệm vụ đối với quốc gia dân tộc mà họ được giao phó! Cuối cùng, hãy suy gẫm câu châm ngôn (motto) được khắc trên bức tường tại đại bản doanh của CIA ở Langley như một lời nhắc nhở mọi người: “And ye shall know the truth and the truth shall make you free” (3) (Và bạn sẽ biết rõ sự thật và sự thật sẽ làm cho bạn tự do).
Bức tường có khắc câu châm ngôn lấy trong Thánh Kinh.
Lê Chánh Thiêm.
Tài liệu tham khảo:
- Central Intelligence Agency của Andrew Tully.
- Bush At War của Bob Woodward.
- Ask Jeeves - Wikipedia.
- Tài liệu tổng hợp.
Chú thích:
(1) Walter Bedell "Beetle" Smith (sinh: 5 October 1895, chết: 9 August 1961) Giám đốc thứ 2 của CIA, nhậm chức từ October 7, 1950 đến February 9, 1953.
(2) Allen Welsh Dulles (sinh: April 7, 1893, chết: January 29, 1969) Giám đốc thứ 5 của CIA, nhậm chức từ February 26, 1953 đến November 29, 1961.
(3) Ye là cổ ngữ, như chữ you, câu nầy trích trong Kinh Thánh, John: 8-32.
* * *
Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Kiến thức tài liệu, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com