Người Việt Nam chúng ta rất yêu thơ. Ca dao Việt Nam chính là thơ của người bình dân Việt Nam. Ca dao Việt Nam phần lớn là thơ lục bát và lục bát biến thể, một thể loại thơ riêng của người Việt Nam và một số cư dân vùng Đông Nam Á. Người mẹ Việt Nam ru con bằng những lời ca dao - và chỉ ru con bằng những lời ca dao lục bát hay lục bát biến thể.
Phạm Đình Toái (1817-1901), một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam vào hậu bán thế kỷ thứ 19, là đồng tác giả của cuốn Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca đã viết trong Lời tựa tác phẩm Quốc Âm Từ Điệu của ông về thể thơ lục bát như sau: "Thể lục bát đâu cũng quen thuộc, không hẹn mà giống nhau, tao nhân mặc khách mở miệng nên thơ, gái dệt trai cày nói lời hợp điệu, cho đến câu hát của xóm làng, lời đùa của con trẻ, cũng không gì là không nhịp nhàng, hợp điệu". Và ông khen thể thơ lục bát với lời tán thán thật thú vị: "Thể lục bát hay không tả hết!"
Như vậy, có thể hình thức thơ lục bát đã có mặt rất sớm trong đời sống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nhưng, để trả lời một cách chính xác ca dao lục bát Việt Nam đã có mặt từ lúc nào thì quả là khó có câu trả lời chính xác.
Chính nhà nho Phạm Đình Toái cũng trong bài tựa sách Quốc Âm Từ Điệu đã xác nhận: "...Ở thất ngôn thì có hình thức đối lập với nhau, ở lục bát thì có vẻ quanh co lưu chuyển, đó là chỗ khác nhau vậy. Nhưng biết thể thơ lục bát ấy sáng tác từ đời nào và ai là người đề xướng trước hết, sách xưa không nói đến, thật là đáng tiếc cho nền từ chương của nước nhà." (1)
Có nhiều nguyên do để chúng ta không thể biết được sự xuất hiện vào lúc nào của thể thơ lục bát trong văn chương Việt Nam. Nhưng theo chúng tôi, lý do quan trọng nhất vẫn là vì sự bảo lưu ca dao qua văn tự được thực hiện quá muộn màng. "Đối với phần lớn giới nho sĩ ngày xưa, ca dao không được xem trọng. Ca dao sử dụng tiếng nói của dân tộc, tức là nói "nôm" chứ không nói "chữ" ("chữ" ở đây là chỉ sự sử dụng chữ Nho hay còn gọi là chữ Hán), mà các nhà nho thì quan niệm bằng một vẻ khinh thường "nôm na là cha mách qué". Do đó, đối với họ, ca dao chỉ để dành riêng cho giới "đàn bà, con trẻ". (2)
Có những thời kỳ, ngay cả chính quyền cũng cấm dùng chữ Nôm. Trong quyển "Lược khảo vấn đề chữ Nôm", nhà thư tịch học Thúc Ngọc Trần Văn Giáp (1902-1973) đã đề cập đến vấn đề nầy như sau:
"Đời Trịnh Tạc (1657-1682), nhà Chúa có làm ra 47 điều giáo hóa để chỉnh đốn trật tự phong kiến bị suy vong sau hàng trăm năm loạn lạc. 47 điều giáo hóa này làm năm Cảnh Trị nguyên niên (1663), mùa thu tháng bảy, viết bằng chữ Hán, đến năm Cảnh Hưng 21 (1760), đem ra lục tống cho dân gian do Lại bộ Tuyên khảo ty lang trung Nhữ Đình Toàn diễn ra quốc âm. Trong bản diễn Nôm của Nhữ Đình Toàn có đoạn:
. . . . .
Kỳ như thích đạo phi kinh
Lời tà mối lạ tập tành truyện ngoa.
Cùng là truyện cũ nôm na
Hết thơ tập ấy lại ca khúc này.
Tiếng dâm dễ khiến người say
Chớ cho in bán hại nay thói thuần." (3)
Ca dao là lời ca nôm na của giới bình dân. Muốn chép ca dao phải chép bằng chữ Nôm. Vì vậy, các nhà nho đã có thể dùng chữ nho để viết lại những câu chuyện cổ tích của dân tộc ngay trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 13. Trong lúc đó, phải đợi đến những năm cuối thế kỷ thứ 18, mới có một nhà nho là Trần Danh Án (?-1794), hiệu Liễu Am mới sưu tập một số câu ca dao viết theo chữ Nôm, rồi dịch ra chữ Hán và viết theo hình thức sách Kinh Thi của Trung Hoa, về sau lần lượt được các tác giả Ngô Hạo Phu rồi Trần Doãn Giác bổ sung làm thành sách Nam Phong Giải Trào, sách sưu tập ca dao đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam. Rồi phải đợi gần 100 năm sau nữa, vào cuối thế kỷ thứ 19 sang đầu thế kỷ thứ 20 mới có nhiều nhà nho sưu tập ca dao và viết thành tác phẩm hoặc chép tay, hoặc cho in thành sách.
Về thơ lục bát có tác giả, đó là bài ca trù chữ Nôm Đại nghĩ bát giáp thưởng đào văn (Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào) của Lê Đức Mao (1462-1529) được xem là bài ca trù cổ nhất có nhiều câu thuộc thể lục bát trong song thất lục bát còn lại văn bản đến ngày nay cũng chỉ được sáng tác vào mấy năm cuối thế kỷ thứ 15 hoặc mấy năm đầu thế kỷ thứ 16.
Về ca dao, trong sách Nam phong giải trào của Trần Danh Án (?-1794) có ghi lại một số bài ca dao theo hình thức thơ lục bát ; các bài ca dao lục bát nầy được rút ra từ các bài hát cửa đình có từ đời Lê.
Như vậy, những câu thơ lục bát hay những câu ca dao lục bát còn tồn tại đến ngày nay có xuất hiện sớm nhất cũng chỉ từ đầu đời Lê. Nhà Lê khởi nghiệp năm 1428, tức vào đầu thế kỷ thứ 15.
Dưới đây chúng ta thử bàn về mấy câu ca dao tương truyền là đã xuất hiện vào thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, tức là cách chúng ta vào khoảng từ 1800 năm kể từ thời bà Triệu khởi nghĩa (năm 248) đến 2000 năm tính thời Hai Bà Trưng (năm 40-43).
Trong bài diễn thuyết có nhan đề “Nguồn gốc văn học nước nhà và nền văn học mới”, nhà biên khảo văn học Sở Cuồng Lê Dư (? - 1967) đã nói “Về văn thể của ta cứ xem quyển Thế Phổ Đời Trưng đã có câu ấy (tức câu: Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Người trong một nước phải thương nhau cùng), chắc lối văn lục bát có từ đời ấy.”
Trong tác phẩm "Việt Nam cổ văn học sử", Nguyễn Đổng Chi cũng xác nhận:
“Đời Trưng Vương (40-43) còn truyền ít câu:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng
“Đó là vận văn buổi đầu, nhưng vì sách vở khiếm khuyết chỉ là khẩu truyền mà thôi.” (tr.68)
Có người cho câu ca dao nầy là lời kêu gọi nhân dân đoàn kết để chống lại quân Tô Định của hai chị em Bà Trưng. Thế nhưng, có thực đây là câu ca dao xuất hiện dưới thời Hai Bà Trưng cách thời đại chúng ta gần 2000 năm chăng?
Theo học giả Sở Cuồng Lê Dư, câu ca dao trên được trích ra từ cuốn Thế Phổ Đời Trưng. Theo tên sách, đây là một tác phẩm được viết bằng chữ Nôm. Chúng tôi tra cứu trong danh mục các tác phẩm Hán Nôm đã được viện Hán Nôm tại Hà Nội thu thập không thấy tên tác phẩm này. Do đó, chúng ta khó tìm được thời điểm xuất hiện và nội dung của tác phẩm.
Như chúng ta được biết, chữ Nôm xuất hiện sớm nhất là từ cuối thời Lý (1010-1225), sang đầu đời Trần (1225-1400), nhiều nhất là vào đời Trần. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên chép về đời vua Trần Nhân Tông (1278-1292) đã xảy ra sự kiện "Mùa Thu, tháng tám...Bấy giờ có cá sấu đến sông Lô. Vua sai Hình bộ thượng thư Nguyễn Thuyên làm bài văn ném xuống sông, cá sấu bỏ đi. Vua cho việc này giống như việc của Hàn Dũ, bèn ban gọi là Hàn Thuyên. Thuyên lại giỏi làm thơ phú quốc ngữ. Thơ phú nước ta dùng nhiều quốc ngữ, thực bắt đầu từ đấy." (4). Sau này, có nhiều tác giả viết về lịch sử văn học Việt Nam quyết đoán rằng Hàn Thuyên đã làm bài Văn tế Cá sấu bằng chữ Nôm nhưng chưa một người nào có thể đưa ra bằng chứng xác đáng. Do đó đây cũng chỉ là một nghi vấn. Sử còn ghi Hàn Thuyên có để lại một tập thơ là Phi Sa Tập, làm theo thể Đường luật có cả thơ chữ Hán lẫn chữ Nôm. Rất tiếc tập thơ này đã bị thất truyền. Tuy nhiên, từ ngày được nhiều sĩ phu sử dụng, chữ Nôm cũng chỉ được dùng để làm thơ, phú hay viết truyện thơ Nôm. Có thể nói, mãi đến hậu bán thế kỷ thứ 18 mới thấy chữ Nôm xuất hiện trong văn xuôi. Đó là "Bài khải văn xuôi trình rõ công việc sứ bộ năm 1760 sang triều Thanh của Lê Quý Đôn" (5)
Đến đời Tây Sơn, nhất là vào thời Quang Trung Nguyễn Huệ, chữ Nôm mới được khuyến khích. Rất tiếc triều đại Tây Sơn không tồn tại được bao lâu!
Như vậy, cuốn "Thế phổ đời Trưng" xuất hiện sớm lắm cũng chỉ vào cuối thế kỷ thứ 18. Vậy câu ca dao "Nhiễu điều..." nêu trên cũng chỉ là khẩu truyền, không lấy gì làm bằng là đã xuất hiện vào thế kỷ thứ Nhất công nguyên.
Theo học giả Nguyễn Đổng Chi, cho rằng câu ca dao trên có từ thời Hai Bà Trưng cũng "chỉ là khẩu truyền mà thôi".
Theo chúng tôi, sau đây là một vài suy đoán để chúng ta có thể xác nhận câu ca dao nầy không thể xuất hiện vào thời Hai Bà Trưng cách chúng ta những 2000 năm!
Thứ nhất, thời Hai Bà Trưng việc thờ cúng còn thô sơ lắm. Nếu có bàn thờ gia tiên thì trên bàn thờ cũng chưa thể có "giá gương" được phủ khăn "nhiễu điều". Đó là chưa kể đến kỹ thuật thơ lục bát trong lời ca dao nầy đã đạt đến độ chín muồi về sự sử dụng hình ảnh để nói đến một nhu cầu tình cảm thiết thực cho tinh thần đoàn kết của toàn dân. Tôi nghĩ rằng óc tưởng tượng của người Việt cách đây 2000 năm chưa đạt đến trình độ cao như vậy.
Sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng hơn 200 năm là cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Sử chép rằng, vì sự cai trị hà khắc và tham tàn của tên Thứ sử Giao Châu là Lục Dận, người thời Đông Ngô (Tàu), bà Triệu Thị Trinh người Nông Cống, Thanh Hóa, xưa thuộc quận Cửu Chân, đất Giao Châu, đã cùng anh là Triệu Quốc Đạt chiêu mộ dân binh lập thành đoàn quân nổi lên chống lại Lục Dận. Thấy bà can đảm và có tài điều binh khiển tướng, quân sĩ tôn Bà làm thủ lãnh. "Trong chiến trận, bà tỏ ra can đảm phi thường nên được tôn làm chủ tướng. Bà mặc áo giáp vàng, cưỡi voi xông ra trước quân địch như đi vào chỗ không người. Tiếng "Nhụy Kiều tướng quân" một thời đã vang lừng cõi Giao Châu và từng làm khiếp đảm quân Ngô luôn trong 6 tháng." (6) Vì quân ít thế cô, Bà lui quân về xã Bồ Điền rồi tự tận năm mới 23 tuổi. Xã Bồ Điền về sau đổi thành Phú Điền, nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây còn có đền thờ Bà Triệu và câu ca dao sau đây được lưu truyền trong dân chúng để tưởng nhớ đến vị anh thư kiệt xuất của dân tộc:
Ai về Hậu Lộc Phú Điền
Nhớ đây bà Triệu trận tiền xung phong
Sau đây là bài ca dao nhắc đến sự kiện Bà Triệu khởi nghĩa nói trên:
Ru con con ngủ cho lành
Cho mẹ gánh nước rửa bành con voi
Muốn coi lên núi mà coi,
Coi bà quản tượng cưỡi voi bành vàng.
Có bản chép:
Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng
Túi gấm cho lẫn túi hồng
Têm trầu cánh kiếm cho chồng trẩy quân.
Đã có một số sách sưu tập ca dao cho đây là bài ca dao lịch sử xuất hiện dưới thời bà Triệu khởi nghĩa chống quân nhà Ngô vào năm 248.
Sở dĩ có sự ngộ nhận này là vì nhân vật của bài ca dao ở ngôi thứ nhất và thời gian là thời gian hiện tại, do đó người đọc tin là câu ca dao phải xuất hiện đồng thời với sự kiện lịch sử mà nó chuyên chở.
Sau đây là 2 đoạn thơ cùng nói về Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa năm 248:
1. Dưới cờ chúng biết mấy nghìn,
Giơ tay cầm đá cất lên qua đầu.
Thôi bèn huyết thệ cùng nhau,
Tôn nàng làm chủ để sau trị đời.
Nàng chịt hai vú, lên voi,
Trận ra, ai kẻ dám coi đâu là.
Tay cầm hoàng việt, kim qua,
Mình mặc áo giáp, quang hoa dậy dàng.
Ầm ầm thần vũ ai đang,
Gió đưa uy ngựa, sấm vang tiếng người.
Lục Dận mất vía binh lui,
Nàng xông voi sấn, thác tươi giữa đường . . .
(Thiên Nam Ngữ Lục, câu 2031 - câu 2042)
2.-...Binh qua trải bấy nhiêu ngày,
Mới sai Lục Dận sang thay phiên thần.
Anh hùng chán mặt phong trần,
Nữ nhi lại cũng có lần cung đao.
Cửu Chân có ả Triệu kiều,
Vú dài ba thước tài cao muôn người.
Gặp cơn thảo muội, cơ trời,
Đem thân bồ liễu theo loài bồng tang.
Đầu voi phất ngọn cờ vàng,
Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha.
Chông gai một cuộc quan hà,
Dù khi chiến tử còn là hiển linh.
(Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, câu 391 - câu 402)
Đoạn 1 được trích từ Thiên Nam Ngữ Lục là một bộ diễn ca lịch sử bằng thể thơ lục bát , không rõ tác giả, được soạn ra trong khoảng thế kỷ 17.
Đoạn 2 được trích từ Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, cũng bằng thể thơ lục bát được soạn ra vào thế kỷ 19.
Xét về mặt kỹ thuật thơ lục bát, lời thơ trong bài ca dao có phần chải chuốt hơn lời thơ trong Thiên Nam Ngữ Lục tuy không được mượt mà như lời thơ trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca. Điều nầy có thể đưa ta đi đến kết luận: bài ca dao được sáng tác sớm nhất cũng chỉ đồng thời với Thiên Nam Ngữ Lục, tức là vào thế kỷ 17 hay muộn hơn chứ không thể xuất hiện vào thế kỷ thứ 3 như có người đã lầm tưởng.
* * *
Trong khi bàn về "quốc âm từ điệu" về phần thơ lục bát, Phạm Đình Toái đã có nhận xét: "Từ các đời Trần, Lê tới đây, thơ lục bát được sáng tác rất nhiều, thơ hay cũng không phải ít, nhưng vì triều đại xa xưa, tác phẩm còn lại chẳng được là mấy. Những bài vở rơi rớt lại ngày nay, chúng ta có thể thấy: như bàiTiền triều tứ thời khúc lời và ý tuy vững mà dụng vần không được đồng đều, tận thiện..." (7) Như vậy là, từ thời nhà Trần (1225-1400) cách những câu ca dao "nhiễu điều phủ lấy giá gương..." hơn 1200 năm, và cách lời ca dao "Con ơi, con ngủ cho lành..." gần 1000 năm, vậy mà về phương diện nghệ thuật còn bị chê là "dụng vần không được đồng đều, tận thiện...".
Vậy thì những câu ca dao nêu trên với vần điệu thật sít sao làm sao có thể xuất hiện vào thời Hai Bà Trưng (giữa thế kỷ thứ nhất) và vào thời bà Triệu Thị Trinh (giữa thế kỷ thứ ba) được?
Ngoài mấy bài ca dao lục bát kể trên, tương truyền thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu còn để lại mấy bài ca dao khác nữa cũng có liên quan xa gần với những biến cố lịch sử thời này.
Theo Toan Ánh trong quyển Hội Hè Đình Đám (tập thượng), dân làng Hạ Lôi tức vùng đất Mê Linh xưa, quê của Hai Bà Trưng, thuộc Phúc Yên, nay nằm vào địa phận xã Mê Linh thuộc thành phố Hà Nội, hằng năm đến ngày lễ Thượng nguyên tức rằm tháng Giêng dân làng lại làm lễ tưởng niệm Hai Bà, tổ chức rước kiệu và hát bài ca dao dưới đây:
Ta lên núi,
Ta lên núi,
Đuổi đàn hươu,
Đuổi đàn hươu,
Chị em năm ba mặt cũng rầu rầu.
Ta lên núi,
Ta lên núi,
Đuổi đàn nai,
Đuổi đàn nai.
Nỗi niềm tâm sự than thở cùng ai?
Đoái trông phương Đông: nước rộng mênh mông.
Đoái trông phương Tây: đá trắng gồ ghề.
Đoái trông phương Nam: mây che đầu ngàn.
Đoái trông phương Bắc: núi cao cao ngất!
Theo ông Trịnh Đình Rư, một nhà báo, một dịch giả tên tuổi của Hà Nội trước năm 1945 thì đây là một khúc hát đã có từ thời Hai Bà Trưng đặt ra để quân lính hát trong khi trú quân trên vùng rừng núi (8). Và chắc chắn đây cũng chỉ là tương truyền!
Lại nói về một khúc đồng dao có liên quan tới cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu.
Dưới đây là một bài đồng dao trong một trò chơi của trẻ con. Tương truyền, đây là một trò chơi nhằm dạy cho con em nhớ đến cuộc khởi nghĩa của bà Triệu Thị Trinh chống quân Đông Ngô xâm lược vào năm 248:
Này cò nầy cấu
Này đấu nầy thưng
Lưng sào cánh ná,
Nầy lá nầy lao
Nghe cồng bà rao
Nghe lệnh ông gióng
Nghe voi ông rống
Chong chóng chạy về
Hề ... hề ... chạy...!
Lệnh và cồng là hai nhạc cụ được đúc bằng kim loại đồng pha thiếc. Âm thanh của cái "lệnh" không lớn bằng âm thanh của cái "cồng". Theo truyền thuyết từ dân chúng vùng núi Nưa, Thanh Hóa, nơi phát xuất cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, mỗi lần tập trung quân hay xuất quân, ông Triệu Quốc Đạt dùng cái "lệnh" và bà Triệu Thị Trinh lại dùng cái "cồng". Vì vậy dân vùng nầy vẫn tin câu tục ngữ "lệnh ông không bằng cồng bà" là để nói về oai quyền của bà Triệu Thị Trinh được quân sĩ tôn làm chủ tướng mạnh hơn oai quyền của anh bà là ông Triệu Quốc Đạt. Ngày nay, phần lớn những sách giải thích tục ngữ lại cho đây là câu tục ngữ nói lên quyền hành quán xuyến trong gia đình của người đàn bà quan trọng hơn người đàn ông, vì vậy các bà nội trợ thường được tâng bốc bằng danh xưng "nội tướng".
Tóm lại, những bài ca dao trên đây không thể được xem là sản phẩm từ thời kỳ Bà Trưng Bà Triệu mà thực ra đây chỉ là những bài ca dao được sáng tác khá muộn về sau nhằm kêu gọi tinh thần đoàn kết toàn dân chống xâm lăng hay ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của người phụ nữ Việt Nam nói riêng, và của toàn dân Việt Nam nói chung.
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Ghi chú:
(1) Từ trong di sản - tr. 197
(2) CDLS đã được đánh giá như thế nào? ĐĐN
(3) Lược khảo vấn đề chữ Nôm - Trần Văn Giáp- tr.02
(4) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (net) - tr.188
(5) Lược khảo vấn đề chữ Nôm - Trần Văn Giáp - tr.127
(6) Việt sử toàn thư - Phạm Văn Sơn - tr.128
(7) Từ trong di sản - 197-198
(8) Hội hè đình đám (tập thượng) - Toan Ánh - tr.63
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Biên khảo: click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com