NĂM MƯƠI NĂM SAU: TRĂM HOA ĐUA NỞ Ở VIỆT NAM 1954-1960
(Fünfzig Jahre danach: Hundert Blumen in Vietnam 1954-1960)
Chuyên mục: Hồ sơ Nhân văn - Giai phẩm
By Heinz Schütte
Bản dịch của talawas
Tác phẩm “Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954-1960” (Fünfzig Jahre danach: Hundert Blumen in Vietnam 1954-1960) của nhà nghiên cứu Heinz Schütte do Khoa Đông Nam Á, Đại học Hamburg xuất bản ở dạng tạp chí nghiên cứu (Hamburger Südostasienstudien, Band 3) năm 2009, ngày 15/3/2010 này sẽ được nhà xuất bản Regiospectra ở Berlin tái bản. Bản dịch tiếng Việt được thực hiện với sự cộng tác nhiệt tình của tác giả. Chúng tôi trân trọng cảm ơn tác giả đã dành cho talawas bản quyền tiếng Việt của tác phẩm này.
Nhà sử học Heinz Schütte hiện sống tại Paris. Tác phẩm đã xuất bản: Giữa hai chiến tuyến: Những người lính Đức và Áo chạy sang phía Việt Minh (Zwischen den Fronten: Deutsche und österreichische Überläufer zum Vietminh), Logos Verlag, Berlin 2006. Bài đã đăng trên talawas: “Vài lời về Brecht, nhìn từ Việt Nam” (Thuyết trình tại Viện Goethe Hà Nội ngày 6/12/2006). Talawas.
Hình bìa cuốn sách
* * *
PHẦN I
Để tưởng nhớ Lê Đạt (1930 - 2008)
“Về phần mình tôi chấp nhận tất cả những gì tôi chứng kiến. Tôi sống nhỏ bé và cố gắng làm theo các bậc hiền giả, những người luôn tránh can thiệp làm thay đổi thế giới bằng ý chí hàm hồ của mình”. Erwin Strittmatter, Der Laden, trang 291
Mục lục
1. Dẫn nhập
2. Giới trí thức. Cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954 và ảnh hưởng của Trung Quốc
3. Ẩn số Nguyễn Sơn
4. Văn nghệ sĩ kháng chiến
5. Nguyễn Chí Thanh, Trần Dần và Bản đề nghị 32 điểm
6. Những mâu thuẫn cơ bản của năm 1956
7. Giai phẩm
8. Nhân văn
9. Xét lại, tờ-rốt-kít, gián điệp
10. Bản án
11. Lời kết
Phụ lục 1: Trích lời ghi cuộc trò chuyện với Nguyễn Hữu Đang
Phụ lục 2: Bài trên báo Nhân dân ngày 19.01.1960
* * *
1. Dẫn nhập [1]
Ngay khi các binh đoàn bách chiến bách thắng của Quân đội Nhân dân trở về Thủ đô Hà Nội, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hình thành sau cuộc kháng chiến tám năm chống thực dân Pháp và Hiệp định Genève 1954, đã sớm phải đón nhận hai cuộc khủng khoảng nội chính nặng nề: một ở nông thôn và một ở thành thị, mà cuộc khủng hoảng ở thành thị phần nào là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở nông thôn. Cuộc khủng hoảng ở nông thôn là hệ quả của những sai lầm trong cuộc Cải cách Ruộng đất được tiến hành hối hả từ năm 1953. Nó dẫn tới sự khiếp hãi toàn diện, sự bất bình và các cuộc nổi loạn của nông dân ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, những cuộc nổi loạn đã bị quân đội dập tắt. [2] Cuộc khủng hoảng ở thành thị là do phản kháng của giới trí thức. Biểu hiện rõ ràng nhất của sự phản kháng này là phong trào Trăm hoa đua nở, hay phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Giai đoạn bừng nở ngắn ngủi và đầy sáng tạo này sẽ được trình bày trên những nét cơ bản và đặt trong bối cảnh lịch sử-chính trị của nó. Cuốn sách này là để chống lại sự lãng quên tập thể do Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành và chống lại cách diễn giải lịch sử theo quan điểm phục tùng ý thức hệ. [3] Đấy là điều mà tôi thấy mình phải đảm nhận trách nhiệm với người bạn quá cố: Georges Boudarel.
Cuốn sách miêu tả đầy đủ nhất về sự kiện này là cuốn Cent Fleurs écloses dans la nuit du Vietnam (Trăm hoa đua nở ở Việt Nam) [4] của Georges Boudarel xuất bản năm 1991, vốn không được biết đến ngoài một giới nghiên cứu hẹp. Những bài viết nhỏ hơn xuất bản cuối những năm 1950 và những năm 1960, [5] cũng như công trình Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí [6] xuất bản năm 1959 ở Sài Gòn, vào thời điểm chúng xuất hiện, có lẽ đã được độc giả hồi đó đọc như những tài liệu tâm lý chiến trong không khí Chiến tranh Lạnh (cũng có vài bài được viết cho mục đích ấy thật). Dưới những điều kiện đòi hỏi người ta phải tỏ rõ quan điểm trắng đen rạch ròi, “người ta” đơn giản là không tin vào những bài viết đó – người ta sống trong một cái credibility gap (sự khủng hoảng về tín nhiệm). Năm 1987, trong Chroniques Vietnamiennes có đăng một công trình với nhan đề “La Révolte des Intellectuels Communistes au Viet-Nam en 1956” (Cuộc nổi dậy của trí thức cộng sản Việt Nam năm 1956). [7]Trong một nghiên cứu gần đây về chính sách văn hóa của miền Bắc Việt Nam, tác giả Kim N. B. Ninh đã dành một phần dài đề cập tới phong trào Nhân văn–Giai phẩm. [8]
Tôi biết đến phong trào Trăm hoa đua nở lần đầu khi đọc cuốn sách của Boudarel năm 1997 và bắt đầu tiến hành những cuộc thăm dò ý kiến những trí thức thời Pháp thuộc ở Hà Nội trong khuôn khổ một nghiên cứu về đề tài lai tạp văn hóa. [9] Trong chuyến thăm Việt Nam tiếp theo, tôi đã cho copy cuốn sách làm 25 bản để đưa cho những người tôi phỏng vấn, và như vậy tôi đã đặt chân vào cái vùng chính trị nhạy cảm cho đến nay vẫn bị giới sử học chính thống Việt Nam sợ hãi che đậy và việc thảo luận về nó trước sau vẫn bị các nhà quản lý tư tưởng và cơ quan an ninh Việt Nam luôn sốt sắng và huy động nhiều công sức để trấn áp. Những bản copy của tôi được truyền tay đọc, được nhân tiếp ra làm nhiều bản, tạo ra một cuộc tranh luận và cho phép tôi tiếp cận được với giới trí thức phản kháng vốn khép kín với tôi trước đó, nhất là sau khi, qua một người trung gian, tôi được giới thiệu gặp nhà thơ Hoàng Cầm. Thế là tôi đã có thể tìm đến những người ly khai hiện còn sống và thu thập những hồi ức của họ trong những cuộc nói chuyện dài. Có thể nói rằng trong hoàn cảnh như thế, cái máy photocopy đã đóng vai trò như một công cụ khai sáng vậy. [10]
Tác giả (trái) và nhà thơ Hoàng Cầm
tại Hà Nội năm 2000 (ảnh do tác giả cung cấp)
Nguồn tư liệu tiếp theo là những kho lưu trữ của Cộng hòa Dân chủ Đức, đặc biệt kho lưu trữ của Ủy ban Trung ương Đảng Xã hội Thống nhất Đức (SED) và Bộ Ngoại giao CHDC Đức, nơi lưu giữ rất nhiều tư liệu về Việt Nam và các sự kiện tôi quan tâm. Việc phát hiện kho lưu trữ của CHDC Đức là điều hồi hộp và may mắn, bởi nó tái hiện và xác nhận lại những câu chuyện về Nhân văn – Giai phẩm mà tôi được nghe kể ở Hà Nội. Như vậy, các kho lưu trữ ở Berlin đã xác nhận một sự kiện có thật đến nay vẫn bị chính thức chối bỏ ở Việt Nam. Thế là tôi đã có thể bắt đầu với việc tái dựng lại sự kiện này, và qua đó thể hiện lòng kính trọng sâu sắc của tôi với những nhân vật chính của nó. Những con người này đã phải trả giá cay đắng cho những gì mà chúng ta, giới chính trị cánh tả phương Tây những năm 1960, đã đòi hỏi (được) một cách dễ dàng, quá trớn và ồn ã. Một phần cuộc đời họ là hiện thân cho phần lịch sử chính thống của Việt Nam – lịch sử của chủ nghĩa yêu nước, của cuộc kháng chiến dũng cảm giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng nửa kia là phần lịch sử mà tất cả chúng ta đều biết, nhưng chỉ rất ít người dám nói về nó. [11]
2. Giới trí thức. Cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954 và ảnh hưởng của Trung Quốc
Những người đàn ông (và rất ít phụ nữ) mà tôi có dịp trò chuyện ở Hà Nội đều sinh ra trong các năm từ 1906 đến 1930. Nền độc lập do Hồ Chí Minh tuyên ngôn ngày 2.9.1945 được họ cảm nhận như một sự thanh lọc tâm hồn – một sự khai mở tươi trẻ, tràn trề đến những bến bờ mới, với khát vọng xây dựng một thế giới mới, công bằng và bình đẳng, ấm no và hạnh phúc. Những trải nghiệm tập thể trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã được kết tinh thành những huyền thoại lập nước và ý thức hệ chung của nhà nước mới. [12]
Từ những năm 1950, khi quân du kích Việt Minh đẩy được quân viễn chinh Pháp ra khỏi các tỉnh biên giới phía Bắc, [13] và từ khi hình thành một vùng biên giới chung giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc, thì chủ nghĩa Mao đã xuất hiện trên vũ đài chính trị Việt Nam với các phương pháp chỉnh huấn của nó. Sự giúp đỡ của Trung Quốc được Mao nhìn nhận như nhiệm vụ tương trợ lẫn nhau giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Bởi cuối những năm 1940, quân Việt Minh đã giúp Hồng quân Trung Quốc lánh nạn do sự truy đuổi của Quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng. [14]
Nhưng không ít trí thức đã rời bỏ hàng ngũ kháng chiến, mặc dù phần nhiều đã ở lại trong tinh thần kỷ luật trước sau như một, với niềm tin rằng các biện pháp chỉnh huấn là cần thiết cho cuộc kháng chiến chống thực dân. Bởi vì sau chiến thắng của quân cộng sản năm 1949, Trung Quốc được Việt Nam rất kính nể, và Trung Quốc không chỉ xuất khẩu ý thức hệ hay gửi các chuyên gia sang giúp đỡ mà còn viện trợ rất nhiều của cải vốn có ý nghĩa sống còn với miền Bắc Việt Nam nghèo nàn. Sự giúp đỡ này đã cho phép các lực lượng Việt Minh chuyển từ chiến tranh du kích sang tổ chức quân đội chính quy. Khi đó Chiến tranh Lạnh đã bùng phát: Trong khi Việt Minh được Trung Quốc giúp đỡ thì Mỹ, vốn đã chia tay với chính sách chống thuộc địa của Roosevelt, quay ra ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến của người Pháp. [15] Thế giới chia làm hai phe. [16]
Đại hội III của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 1.1950 tuyên bố chính thức Việt Nam đi theo đường lối Trung Quốc [17] và đẩy mạnh chủ trương đấu tranh giai cấp trong cả nước. Điều này dẫn tới việc thủ tiêu những người bị cho là những “phần tử phản cách mạng”. Sách vở Trung Quốc, [18] đặc biệt những tác phẩm của Mao, được dịch ra tiếng Việt – vài tác phẩm do chính Hồ Chí Minh dịch – để truyền bá những phương pháp của Trung Quốc trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác-Lê-Mao, trong việc tiến hành cách mạng và cải tạo tư tưởng ở Việt Nam. Tại Chiến khu Việt Bắc, từ những năm 1951 đã có các khóa chỉnh huấn tư tưởng dành cho trí thức. Việc giải phóng vùng biên giới phía Bắc là bàn đạp quyết định cho cuộc cách mạng ở miền xuôi Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước kháng chiến của Việt Minh dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao đã chuyển thành chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa.
Cuộc Cải cách Ruộng đất được phát động mạnh mẽ năm 1953 nhằm tổ chức các lực lượng nông dân cho cuộc tấn công quyết định vào quân viễn chinh Pháp. Cùng với bước tiến của Việt Minh, cuộc Cải cách Ruộng đất lan rộng từ các tỉnh miền núi phía Bắc xuống đồng bằng. [19] Cải cách Ruộng đất được tiến hành theo cách phân loại sở hữu của Trung Quốc, mặc dù hoàn cảnh Việt Nam hoàn toàn không tương đồng với hoàn cảnh của người bạn đồng thời là kẻ thù truyền kiếp phương Bắc này. Ở Việt Nam, nhất là ở miền Bắc, chủ yếu chỉ có các tiểu nông và trung nông. [20] Hầu hết các đại địa chủ đã chạy trốn từ lâu. Mặc dù vậy, do sự chênh lệch sở hữu quá lớn, việc phân chia lại ruộng đất vẫn là cần thiết và không thể tránh khỏi. Cuộc kháng chiến của Việt Minh là một phong trào dân tộc, tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước thuộc mọi thành phần xã hội; ngược lại, cuộc Cải cách Ruộng đất là cuộc đấu tranh giai cấp với mục đích tối hậu là đánh đổ trật tự xã hội cũ. Nó hướng sự căm thù tới tất cả những ai không nghèo, không là bần cố nông, những người rốt cuộc bị coi là “những phần tử phản động”, có hại cho cách mạng. “Lòng căm thù giai cấp đã trở thành lòng căm thù giữa người với người”, một nhà văn lớn tuổi ở Hà Nội kể lại. [21]
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã không mang lại sự thống nhất cho Việt Nam. Việt Nam bị chia đôi theo Hiệp định Genève về Đông Dương, hiệp định mà miền Bắc Việt Nam đã phải ký dưới áp lực của Trung Quốc và Liên Xô dựa trên những điều kiện chính trị thực tiễn thời đó. Tuy nhiên giới lãnh đạo miền Bắc vẫn tin tưởng rằng cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong thời gian sắp tới theo thỏa thuận ở Genève sẽ mang lại chiến thắng cho miền Bắc và sự thống nhất đất nước. Phía bắc vĩ tuyến 17 hình thành một chính quyền cộng sản, còn phía nam là một nhà nước tư bản. Các cường quốc hiện diện ở cả hai miền, và Pháp lại tiếp tục gửi quân chiếm đóng một lần nữa. Sự lạc hậu dai dẳng từ những năm 1930, sự bóc lột tận xương tủy thời phát-xít Nhật, nạn đói 1944-45 với hơn 1 triệu người chết, những khó khăn thời hậu chiến do hệ quả của sự tàn phá, đói nghèo, các làn sóng di dân khổng lồ, những mâu thuẫn căng thẳng do Cải cách Ruộng đất, và vài năm sau là cải tạo tư sản, đã dẫn tới sự hình thành chế độ chuyên chế ở miền Bắc với sự thống trị của giới lãnh đạo theo lập trường tư tưởng sắt đá. Mục đích của họ không chỉ là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở phía bắc vĩ tuyến 17, mà, song hành cùng mục đích thống nhất đất nước, họ còn quyết tâm đưa chủ nghĩa xã hội vào phía Nam nữa. Chiến thắng Điện Biên Phủ, như Graham Greene [22] đã chỉ ra, là biểu tượng cho sự bất lực và là dấu chấm hết cho chủ nghĩa thuộc địa châu Âu. Tất cả những người mà tôi phỏng vấn ở Hà Nội đều đã ở trong cơn say chiến thắng – ivre de victoire – đó là cuộc chiến của họ, là chiến thắng của họ, mang lại tự do cho họ. “Một thời lãng mạn”, nhà thơ Huy Cận (1920 – 2004) đã nói với tôi như thế. Huy Cận, bên cạnh người bạn thân Xuân Diệu, là một trong những gương mặt lừng lẫy nhất của phong trào Thơ Mới những năm 1930. Huy Cận chưa bao giờ là một người ly khai, hơn thế, ông còn bị nhiều người xem như một “ông quan cách mạng”. Ông nói thêm, với chút cảm thán: “Ta lãng mạn, bởi vì ta yêu nước”. [23]
Sau khi cuộc cách mạng chính trị-dân tộc đã kết thúc ít nhất vào năm 1954 ở miền Bắc, người ta bắt đầu tiến hành cách mạng xã hội và cách mạng văn hóa. Tiếp theo cuộc Cải cách Ruộng đất ở nông thôn là cuộc đấu tranh chống phong trào Trăm hoa đua nở – Nhân văn–Giai phẩm ở thành thị, và cuộc đấu tranh này đã kết thúc bằng sự lãnh đạo độc tôn của Đảng và nhà nước trong các lĩnh vực trí thức, văn hóa và tư tưởng. Từ 1958 đến 1960 đã diễn ra cuộc cải tạo tư sản; [24] và cũng do thiếu một giai cấp tư sản thực sự, cuộc đấu tranh này đã nhắm cả vào những người buôn bán nhỏ, những người bị cho là “có biểu hiện tư sản”. [25] Trong những năm 1960 – không hẳn rốt cuộc chỉ vì cuộc chiến tranh mới bùng phát và sự leo thang ném bom của Mỹ – đã hình thành một nền kinh tế chiến tranh với sự loại bỏ giới tiểu thương và với sự thống trị của giới lãnh đạo gốc gác nông dân. Phong trào Việt Minh, Liên minh Kháng chiến Giải phóng Dân tộc từ những ngày đầu 1945/46 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, kể từ 1953/54, mà thực ra, như đã nói, từ 1950/51, nay bị thay thế bằng một cuộc đấu tranh giai cấp với mục đích thành lập chế độ chuyên chính mácxít–lêninnít trên khắp miền Bắc.
Không khí chính trị sau chiến thắng Điện Biên Phủ trở nên rất căng thẳng do hậu quả của những diễn biến gây thất vọng cho Việt Minh sau Hiệp định Genève, những diễn biến dẫn tới sự chia cắt đất nước. Trong nỗ lực xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, người ta đã cho tiến hành thô bạo cuộc Cải cách Ruộng đất cũng như thực hiện các cuộc thanh trừng trong Đảng và các tổ chức quần chúng sau chiến dịch cải tạo tư sản. “Trong bầu không khí của sự cảnh giác cao độ, của sự sợ hãi và của tương lai mờ mịt, đã xuất hiện những tín hiệu nghi ngờ đầu tiên trong giới trí thức”, [26] bởi lẽ, như đã nói, giới trí thức cũng có những kỳ vọng lớn vào chế độ mới, chế độ mà họ đã góp phần xây dựng sau những năm dài hi sinh gian khổ. Họa sĩ, nhà văn Trần Duy cho rằng sự li khai đã bắt đầu ngay trong kháng chiến, vì ngay từ thời đó đã có nhiều trường phái văn nghệ tỏ ra khác nhau rõ ràng. Ví dụ như người bạn mà ông ngưỡng mộ, nhà thơ Văn Cao, tác giả Quốc ca Việt Nam, ngay từ những năm 1952/53 – dù vẫn còn dè dặt – đã có những phát biểu thẳng thừng chống lại Tố Hữu. Theo đó, Tố Hữu không những là kẻ đa mưu quỷ kế, mà còn quị lụy Hồ Chí Minh trong những bài thơ của mình, [27] và, trung thành với đường lối của Tổng Bí thư Trường Chinh (tôi sẽ đề cập tới đường lối này ngay dưới đây), đã hạ thấp vai trò của thơ ca xuống mức chỉ còn là tuyên truyền – điều khiến cho rất nhiều văn nghệ sĩ và trí thức không thể chịu nổi.
Cuộc kháng chiến chống Pháp không chỉ diễn ra trên mặt trận quân sự, mà còn diễn ra trên mặt trận tư tưởng. Điều này hoàn toàn phù hợp với khẩu hiệu của Hồ Chí Minh trong một bức thư “gửi các đồng chí họa sĩ” tháng 12 năm 1951: “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận.” Cũng trong bức thư này, Hồ Chí Minh viết: “Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm. Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị.” [28]
Tháng 2 năm 1957, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã gửi thông điệp sau tới Đại hội 2 Hội Văn học và Nghệ thuật Việt Nam: “Nhân dân ta đòi hỏi các văn nghệ sĩ thực hiện trách nhiệm ‘kỹ sư tâm hồn’ của mình qua sự thể hiện triệt để các tư tưởng lớn, các tình cảm cao đẹp, đạo đức quý báu, thanh trừ các tình cảm xấu xa và thói hư tật xấu.” [29] Chính sách này đã được Tổng Bí thư kiêm nhà tư tưởng hàng đầu của Đảng, Trường Chinh (1907 – 1988), triển khai chi tiết qua hàng thập kỷ: trong bản Đề cương văn hóa năm 1943 cũng như trong bản báo cáo nhan đề Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam tại Đại hội Văn hóa Toàn quốc tháng 7 năm 1948 ở Việt Bắc. [30] Nguyễn Hữu Đang, người cộng tác thân cận với Trường Chinh từ những năm 1930 khi họ xuất bản tờ báo Tin tức của Đảng, cho biết Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đã được soạn thảo từ năm 1943 dưới nhan đề Đề cương văn hóa Việt Nam. [31] Bản đề cương này trình bày các tính chất của nền văn hóa Việt Nam và đặt nền tảng cho một nền văn hóa (mới) dân tộc và khoa học, và cụ thể là nhằm mục đích phối hợp cuộc cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa, thuyết phục giới trí thức tiểu tư sản thành thị ngả theo lý tưởng cộng sản. Đảng Cộng sản Đông Dương đã huy động một mặt trận văn hóa như vậy để giành giật sự ủng hộ của người dân từ tay Pháp và Nhật, những thế lực cũng đang tìm mọi cách lôi kéo dân chúng bằng những chính sách văn hóa của họ. [32]
Cuộc cách mạng ở Việt Nam đã không bắt đầu từ năm 1945, mà chúng ta phải tìm lại cội rễ của nó ở một thời điểm xa hơn thế nhiều. Những dấu vết của nó không chỉ hiện diện ở Đông Dương thuộc địa mà còn ở Thái Lan và đặc biệt ở Trung Quốc. Ngay từ những năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của cách mạng Trung Quốc và Liên Xô. Ví dụ Nguyễn Ái Quốc, [33] tức Hồ Chí Minh sau này, đã hoạt động với tư cách đại diện của Quốc tế Cộng sản tại Trung Quốc từ 1938 đến 1941, nơi ông giữ chức Thư ký Đảng, trước khi ông đảm nhiệm công tác văn hóa và tuyên truyền cho một đơn vị quân đội. [34] Thời gian này ông đã dịch một văn bản tiếng Trung về vấn đề nông dân, [35] tiếp theo là một bài viết về trường kì kháng chiến, cụ thể là bài Luận trì cửu chiến (Về chiến tranh trường kỳ) của Mao Trạch Đông tháng 5-1938. Trong đó Mao giải thích: “Kinh nghiệm…đã chứng minh rằng, cả hai chủ thuyết đều sai: thuyết về sự nô lệ không tránh khỏi của Trung Quốc cũng như thuyết về một chiến thắng nhanh chóng. Thuyết thứ nhất dẫn tới xu hướng thỏa hiệp, thuyết thứ hai dẫn tới việc coi thường kẻ thù. Cách tiếp cận vấn đề của các tín đồ hai thuyết này đều chủ quan, phiến diện, nói ngắn gọn: phi khoa học.” [36]
Những người cộng sản Việt Nam đã tin vào hình dung của Mao về cuộc đấu tranh cách mạng. Có thể nói rằng, họ cũng tin vào những quan điểm của Mao về một Chế độ dân chủ mới (Tân dân chủ chủ nghĩa luận, 1940) và vai trò của giới trí thức trong chế độ ấy. Trên thực tế, Trường Chinh đã tiếp nhận những quan điểm của Mao trong Tân dân chủ chủ nghĩa luận để đưa vào Đề cương văn hóa năm 1943 của mình, trong đó lần đầu tiên Trường Chinh nói tới văn hóa như một mặt trận mà ở đó người cộng sản phải hoạt động – bên cạnh mặt trận kinh tế và mặt trận chính trị. Nền văn hóa Việt Nam cần có tính dân tộc, khoa học và đại chúng, nghĩa là hướng tới đông đảo quần chúng. Và “quần chúng” có nghĩa là trung tâm văn hóa sẽ dời từ thành thị về nông thôn, cũng như cuộc đấu tranh sẽ dời từ các trung tâm đô thị về các làng mạc. Trong đó, cuộc kháng chiến sẽ là cỗ xe lịch sử chuyên chở cuộc cách mạng trong văn học nghệ thuật. Hội họa, thi ca và văn chương sẽ rời bỏ thị thành về nông thôn để xua tan bóng đêm và sự lạc hậu (của các chế độ phong kiến và thuộc địa) và thay vào đó là ánh sáng của văn minh và tiến bộ của thời đại mới, thời đại cách mạng. Đô thị bị bỏ lại trong tay đế quốc. Đô thị trở thành hiện thân của cái ác, của sự thoái hóa và suy đồi. Các hình thức văn hóa và xã hội mới sẽ được sinh ra từ khối quần chúng nông thôn, khối quần chúng xem ra còn lưu giữ được hồn cốt, tinh thần và bản chất của nền văn hóa Việt Nam. [37]
Các hoạt động văn hóa, dù đó là thi ca, hội họa hay âm nhạc, giờ đây đều được cấp cho chức năng đạo đức hay chính trị và không còn khác gì với tuyên truyền. Nhiệm vụ của các hoạt động văn hóa là thuyết phục dân chúng đi theo lý tưởng cộng sản, cho dù ban đầu chúng còn xuất hiện dưới hình thức chủ nghĩa yêu nước kháng chiến hay chủ nghĩa dân tộc. Để đạt được mục đích này, Hội Văn hóa Cứu quốc (1943 – 1948) đã được thành lập dưới sự lãnh đạo của một người cộng sự lâu năm của Tổng bí thư: Nguyễn Hữu Đang, nhân vật mà chúng ta sẽ phải nói tới rất nhiều dưới đây. Nhiệm vụ cụ thể của Hội Văn hóa Cứu quốc là thuyết phục trí thức đi theo Việt Minh.
3. Ẩn số Nguyễn Sơn
Như đã trình bày ở trên, ảnh hưởng Trung Quốc đã có từ rất lâu trước năm 1950. Trong một khảo luận xuất sắc về thế giới quan lưỡng cực và mục đích xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương, Tường Vũ đã chỉ ra rằng, từ những năm đầu 1940, Đảng Cộng sản Đông Dương luôn sử dụng các hình ảnh anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ hoặc Trần Hưng Đạo cho mục đích tuyên truyền của mình. Tuy nhiên trong các văn bản nội bộ, không được phổ biến cho quần chúng, giới lãnh đạo không bao giờ nói tới Quang Trung hay Lê Lợi mà luôn luôn là Mác, Lê-nin, Xta-lin. [38]Tôi muốn bàn tới điểm này trong mối liên hệ với vị tướng vừa bí ẩn vừa quen thuộc Nguyễn Sơn (1908 – 1956). Nguyễn Sơn trong mắt một số người là một nhà quân sự vô dụng và một nhà văn hóa tào lao, nhưng trong mắt một số người khác, ông lại được xem như một vị thánh, một nhà cách tân đầy hấp lực trong đời sống văn hóa Việt Nam. Vậy Nguyễn Sơn là ai?
Năm 17 tuổi, cậu sinh viên Nguyễn Sơn chạy trốn cảnh sát Pháp và đến Trung Quốc sau khi can dự vào một phong trào sinh viên. Tại đây ông theo học tại Học viện Quân sự Hoàng Phố, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, rồi trở thành ủy viên Trung ương Đảng và tham gia vào cuộc Vạn lý Trường chinh với tư cách một vị tướng chỉ huy. Nguyễn Sơn đã tổ chức nhóm kịch đầu tiên cho Hồng quân Trung Quốc và trở thành lãnh đạo một đơn vị tuyên truyền. Đáp ứng nguyện vọng của Đảng Cộng sản Đông Dương, vốn đang thiếu cán bộ lãnh đạo trầm trọng, Nguyễn Sơn đã trở lại Việt Nam cuối thu năm 1945 và trở thành ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Tuy nhiên, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, vốn e ngại không khí chính trị xấu tại Việt Nam – và chính Nguyễn Sơn cũng chia sẻ quan điểm này nên ông chỉ đồng ý trở về một cách miễn cưỡng – chỉ cho những người anh em Việt Nam “mượn” Nguyễn Sơn mà thôi. Bởi vậy ngay từ đầu, việc Nguyễn Sơn sẽ trở lại Trung Quốc là điều đã được thỏa thuận rõ ràng. [39] Ông được phong là Tư lệnh Quân khu Bốn với đại bản doanh ở Quảng Ngãi. Nguyễn Sơn đã ở đây tới khi trở lại Trung Quốc năm 1951. Theo như kể lại thì, vì lý do có khác biệt quan điểm cá nhân với Tướng Giáp và vì những bất đồng quan điểm không thể vượt qua được với đường lối chính thức của Đảng Cộng sản tại quê hương ông, Nguyễn Sơn đã đề nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi ông trở lại. [40]
Tướng Nguyễn Sơn.
Nguồn: Thể thao & Văn hóa 01/10/2008
Nhìn chung chúng ta biết rất ít về Nguyễn Sơn. Cho đến nay về cơ bản ông vẫn còn là một ẩn số, một huyền thoại dành cho mọi quan điểm và các diễn giải đủ kiểu. Chẳng hạn Ernst Frey (tên Việt Nam là Nguyễn Đan), một sĩ quan người Áo đào ngũ theo Việt Minh, một người biết Nguyễn Sơn khá tốt, phủ nhận quan điểm cho rằng Nguyễn Sơn chỉ giỏi chính trị chứ không giỏi quân sự. [41] Trong khi sử gia Đinh Xuân Lâm ở Hà Nội lại nói rằng, Nguyễn Sơn có đánh trận, nhưng không thắng trận nào cả. [42]
Hoàn toàn có khả năng Nguyễn Sơn đã kêu gọi hoặc tiến hành các lớp chỉnh huấn ở Việt Bắc từ năm 1947, [43] giống như Mao Trạch Đông đã tiến hành ở Tây An từ những năm 1940. [44] Các khóa cải tạo tư tưởng theo hình mẫu Trung Quốc cũng được tiến hành đặc biết với văn nghệ sĩ từ 1951. Trong các năm 1948/49, Nguyễn Sơn đã dịch nhiều tài liệu của Mao Trạch Đông sang tiếng Việt, đặc biệt là những bài viết về cuộc kháng chiến trường kỳ và chủ nghĩa duy vật biện chứng. [45] Tuy nhiên niềm đam mê của Nguyễn Sơn là kịch nghệ và văn chương. Trong các tác phẩm dịch của Nguyễn Sơn có cả Lỗ Tấn, và theo nhà văn Nguyên Ngọc thì đó là bằng chứng về tinh thần phóng khoáng của Nguyễn Sơn. [46] Và mặc dù có vẻ như không tự viết gì cả, nhưng theo các nhân chứng kể lại, Nguyễn Sơn đã nói rất nhiều về văn học nghệ thuật, trước công chúng cũng như trong nhóm bạn bè. Như thế, ông đã trở thành người kích thích, là nguồn gây cảm hứng và là người đỡ đầu cho các văn nghệ sĩ. [47] “Thính giả nhìn ông hồi hộp y như những người Ả-rập ngồi trước người kể chuyện cổ tích vậy”, một nhân chứng kể lại. [48] Cho tới nay, những khóa học văn nghệ kháng chiến ở Khu IV vẫn được các nhân chứng hồi tưởng lại như những cao trào trên con đường cách tân văn hóa cách mạng. Chủ nghĩa Mao avant la lettre, qua diễn giải của Nguyễn Sơn, đã hiện ra trong đời sống văn hóa Việt Nam như một mệnh lệnh đầy quyến rũ và kích động với giới trẻ, mệnh lệnh sẵn sàng hiến dâng đời mình cho cuộc đấu tranh vì cái mới, vì cách mạng, một cuộc phiêu du vì dân tộc và vì giấc mơ về một ngày mai chưa biết tới. [49]
Hôm nay nhiều người nói họ đã nhìn rõ những thủ thuật của Nguyễn Sơn, và rằng ngay từ đầu ông ta đã luôn là một tín đồ Mao-ít tới tận chân răng, kẻ chẳng làm gì khác hơn là nhai lại các học thuyết của Mao những năm 1940 ở Tây An, [50] và rằng ông ta chỉ là một con vẹt không hơn không kém. [51] Tuy vậy trong hồi ức của đa số những người đã gặp ông thì ông vẫn mãi là một người cách tân, người luôn động viên những thính giả nghe mình nhưng không bao giờ áp đặt quan điểm của mình. Như thế, nhìn lại, ông vẫn là một người dẫn đường và mở cửa cho giới trí thức, một huyền thoại trái ngược hẳn với Sa-hoàng văn nghệ Tố Hữu, người mà chúng ta sẽ nói tới nhiều dưới đây. Cái chết sớm của Nguyễn Sơn có lẽ cũng khiến cho việc đánh giá ảnh hưởng của ông trở nên khó khăn. Dù thế nào ông cũng là một kẻ khác người, một kẻ phiêu lưu và có sức mê hoặc phụ nữ, người luôn ý thức được hấp lực của mình. Ông sống thoải mái bình dân, mang một bộ ria mép kiểu Clark Gable – ông như một Robin Hood, người hút thuốc lá Tây, thứ hàng xa xỉ của kẻ thù và hoàn toàn không phù hợp với ý thức hệ. Những cá tính như Nguyễn Sơn thật hiếm gặp trong hàng ngũ những người cộng sản xta-lin-nít sắt đá. Họ có sức mê hoặc và kích thích trí tưởng tượng. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều nhà thơ và nghệ sĩ sau 1954 đã ngưỡng mộ coi ông như một người theo chủ nghĩa tự do và nhân bản [52] trong số những lãnh đạo cộng sản, nhất là khi đó ông đã rời xa Việt Nam từ lâu. Một số người khác lại cho rằng ông thiếu kỷ luật cách mạng, nhưng ngay cả những người này cũng vẫn nói tốt cho ông.
Những gì mà hôm nay chúng ta gọi là tư tưởng Mao Trạch Đông, hay là biện chứng lịch sử trong phê bình văn học, vào thời đó, khi được Nguyễn Sơn rao giảng, đã có tác động như một quả bom tấn về tính hiện đại. Thơ ca Việt Nam hồi đó, theo Lê Đạt, vẫn còn chìm trong bóng của Thơ Mới những năm 30, vần vè và cũ kỹ. [53] Những quan điểm của Nguyễn Sơn đã xuất hiện như một phản đề, chống lại nhãn quan văn học “tiểu tư sản” của giới trí thức Pháp thuộc trước 1945. Những nhận định về văn học của Nguyễn Sơn – đặc biệt là những bài phân tích Kiều – được xem như đồng nghĩa với sự phê phán xã hội Khổng giáo, và chúng khiến các thính giả trẻ tuổi đột nhiên nhìn thế giới bằng con mắt khác. Đối nghịch với phương pháp phân tích tâm lý kiểu Freud, Nguyễn Sơn đã diễn giải Kiều bằng phương pháp duy vật, và điều đó được xem như một sự khai sáng, bởi nó chỉ cho các trí thức văn nghệ sĩ trẻ tuổi khao khát lý tưởng hồi đó cái hiện thực về vật chất của quảng đại quần chúng Việt Nam, khối quần chúng mà họ muốn cùng hòa làm một. Chịu tác động của những trào lưu như thế, không ít trí thức thành thị đã ủng hộ xu hướng đại chúng hóa của cách mạng: họ đòi hỏi một nền “văn hóa mới”, không Khổng cũng không Pháp. Địa bàn ảnh hưởng trực tiếp của Nguyễn Sơn, khu IV, đã trở thành diễn đàn có một không hai của nền văn hóa mới đang còn ở giai đoạn phôi thai này. Khu IV đã từng là nơi hoạt động của nhiều trí thức ly khai sau này như Đào Duy Anh, Chu Ngọc và Trương Tửu, Nguyễn Sỹ Ngọc và Nguyễn Tiến Lãng, [54]…song cũng có nhiều trí thức trở thành các cây đa cây đề của trật tự xã hội mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, như Đặng Thái Mai.
Hồi đó Mao Trạch Đông là đại diện cho cuộc cách mạng còn đang ở giai đoạn trẻ trung hừng hực, cuộc cách mạng tuy đã giành được quyền lực nhưng vẫn còn khát vọng thay đổi thế giới. Ngược lại, Liên Xô, ngay dưới thời Khrushchev, là đại diện cho cuộc cách mạng đã trưởng thành với đầy đủ bộ máy hành chính quan liêu của nó, để hòa hợp với thực tế của cộng đồng thế giới và những đòi hỏi của một xã hội công nghiệp phát triển.
4. Văn nghệ sĩ kháng chiến
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, văn nghệ sĩ trở thành những cán bộ phục vụ cách mạng. Là những thành viên của Hội Trí thức Cứu quốc, họ thuộc về số những người canh giữ cho ngày mai chủ nghĩa xã hội. Theo quan điểm của Trường Chinh trong một bài viết về văn hóa kháng chiến năm 1947, thì nhiệm vụ của Mặt trận Văn hóa là chống lại những tư tưởng và hành động cổ hủ, phản văn hóa, phản tiến bộ. Hoạt động văn hóa được xem như đồng nghĩa với tuyên truyền, văn nghệ sĩ trở thành cán bộ văn hóa. Những “công nhân văn hóa”, “cần phải hết sức nỗ lực đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành một khối ủng hộ chính phủ, với niềm tin vững vàng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, không chùn bước trước mọi khó khăn gian khổ”. [55] Việc giải quyết các vấn đề văn hóa tư tưởng được xem như điều kiện tiên quyết cho chiến thắng quân sự và phát triển kinh tế. Bởi vậy, tư tưởng có ý nghĩa then chốt; thế giới được tạo dựng mới từ tinh thần.
Một phần lớn các văn nghệ sĩ trong quân đội được đào tạo trong các trường học thuộc địa của Pháp trước khi kháng chiến bùng nổ tháng 12 năm 1946. Họ chấp nhận kỷ luật và cuộc sống khắc khổ trong cuộc kháng chiến do Việt Minh lãnh đạo và biện minh cho lựa chọn của mình bằng cái mà chính họ cũng như lịch sử chính thống gọi bằng “chủ nghĩa yêu nước”, chủ nghĩa mà họ đã du nhập thêm các giá trị Pháp vào như là những giá trị riêng của họ. Nhiều người đã tham gia kháng chiến nhân danh Jean-Jacques Rousseau, nhân danh Cách mạng Pháp 1789, nhân danh quyền con người và quyền công dân, nhân danh nền cộng hòa và nền dân chủ. “Ils se sentent en parfaite communion avec la masse qui se reveille et qui lutte”, Đặng Thai Mai đã viết như vậy năm 1961, [56] và đây là một ví dụ thú vị cho nỗ lực của nhà tư tưởng mác-xít xuất thân Pháp học họ Đặng trong việc đơn cực hóa và chuyên chính hóa diễn ngôn cũng như việc diễn giải lịch sử dân tộc và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Như đã nói ở trên, chí ít là đến cuối những năm 1940, Giáo sư Đặng Thai Mai đã tham gia tích cực vào đời sống văn hóa ở Khu IV và có quan hệ gần gũi với tướng Nguyễn Sơn – tuy nhiên Đặng Thai Mai có chịu ảnh hưởng tư tưởng của Nguyễn Sơn hay không là điều chỉ có thể phỏng đoán. Những thi sĩ nổi tiếng những năm đầu 1940 như Huy Cận và Xuân Diệu (1916 – 1985) – kẻ lãng mạn mất mình trong việc phụng sự cái Tôi và sự tìm kiếm giải thoát – giờ đây được tái sinh nhờ có Đảng, Việt Minh và Cách mạng, đã tham gia vô điều kiện vào xã hội mới đang được tạo dựng. [57]
Nhưng không phải tất cả trí thức đều như vậy: Nhà thơ Hoàng Cầm (sn. 1922), Trần Dần (1924–1997) và Lê Đạt (1929–2008) hoặc các học giả như Phan Khôi (1887–1960), Đào Duy Anh (1904–1988), Nguyễn Mạnh Tường (1909–1994) và Trần Đức Thảo (1917–1993) chưa bao giờ chỉ là những con rô-bốt của Đảng, những người chỉ biết soạn thảo, tiếp thu và truyền bá những quan điểm của Đảng một cách vô điều kiện và không phê phán. Cho dù ở một thời điểm nào đó, họ cũng đã không chống lại sự cuồng tín tập thể trong kháng chiến, nhưng họ vẫn luôn là những con người trăn trở, phức tạp, những người luôn giữ được cái Tôi của mình.
Hầu hết các nhà ly khai sau này đều từng là đảng viên hoặc công tác ở những chức vụ cao liên quan mật thiết tới Đảng và giới lãnh đạo Đảng. Từ 1949 đến 1951, Lê Đạt là một trong những thư ký riêng của Tổng Bí thư Trường Chinh và chịu trách nhiệm về lĩnh vực văn hóa–văn nghệ. Từ 1952 ông là thư ký Ban tuyên huấn của Đảng. [58] Năm 1951, Lê Đạt tham gia tổ chức các khóa chỉnh huấn trí thức. “Anh ấy (Lê Đạt) đã truyền đạt chủ nghĩa Mao cho chúng tôi”, Nguyễn Đình Thi kể lại nhiều thập kỉ sau đó. [59] Hoàng Cầm, dù chưa bao giờ là đảng viên, đã tổ chức nhóm nghệ sĩ kháng chiến năm 1951/52 dưới quyền của tướng Chu Văn Tấn. Tháng 6 năm 1952, Hoàng Cầm được tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội kiêm Chủ tịch Hội Thanh niên Việt Nam, phong làm Trưởng ban Văn nghệ Quân đội gồm hơn 200 người. [60] Thế là suốt hai năm sau đó, cứ đều đặn hai ngày trong tuần, vào lúc 2 giờ chiều, vị tướng lừng danh lại có buổi gặp Hoàng Cầm và một số bạn bè văn nghệ [61] để được bổ túc thêm kiến thức về văn học nghệ thuật, những kiến thức mà ông cho rằng mình còn thiếu hụt ở vị trí lãnh đạo cao của ông. [62]
Nhà văn Phùng Quán (1932–1995) làm cán bộ giao liên giữa các đơn vị quân đội dưới quyền tướng Hà Văn Lâu. Người đồng nghiệp Trần Dần, người luôn quyết liệt và hăng hái, vốn được bạn bè hồi đó gọi đùa là “tướng cướp”, [63] thoạt tiên công tác tại một ban tin tức của Việt Minh trước khi gia nhập quân đội năm 1948. Trần Dần đã công tác tại nhóm văn nghệ đầu tiên của Quân đội Việt Nam. [64] Không lâu sau đó, vào khoảng năm 1950/51, trước khi trở thành Tổng Biên tập tạp chí Văn của quân đội – nơi ông làm việc cùng Vũ Cao và Từ Bích Hoàng – Trần Dần từng đảm nhận việc lãnh đạo một chiến dịch chỉnh huấn trí thức bằng công việc chân tay. [65]
Trong kháng chiến, một loạt trí thức thành thị đã kết hôn với những phụ nữ xuất thân từ tầng lớp nông dân nghèo (cốt cán). [66] Lê Đạt và Hoàng Cầm là những người như vậy. Bằng cách đó, họ muốn chứng tỏ sự cống hiến hết mình cho cách mạng và quần chúng nông dân – vì cá nhân, dân tộc và chính trị đã không còn khác biệt nữa mà đã hòa làm một với ý thức hệ và bầu nhiệt huyết của thời đại, biến thành cuộc phiêu lưu sôi động của tuổi trẻ. Sự hiến dâng cho Đảng soi đường không phải khi nào cũng tránh được những biểu hiện có tính lên đồng. Người ta muốn hòa mình làm một với quần chúng lao động – những người được cho là còn giữ được hồn cốt của văn hóa Việt Nam. Bởi vậy việc kết hôn với phụ nữ nông dân được xem như một hành động chính trị đầy tính biểu tượng, một sự biểu dương tinh thần yêu nước và yêu cách mạng. Thông qua “ba cùng” (cùng ăn, cùng sống, cùng làm) với nông dân, những trí thức thành thị sẽ vươn lên từ vũng lầy của nền giáo dục tư sản-thị dân để trở thành những nguồn lực mạnh mẽ của công cuộc canh tân và giải phóng dân tộc.
Nhà báo kiêm chính trị gia Nguyễn Hữu Đang, người sống độc thân suốt đời, người được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tổ chức Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945, đã lãnh đạo việc tổ chức Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần đầu tiên tại Hà Nội tháng 11 năm 1946 (Hội nghị đã bị rút ngắn do Toàn quốc kháng chiến sắp bùng nổ). [67] Sau đó Nguyễn Hữu Đang đã được Trường Chinh giao nhiệm vụ, thông qua Hội Văn hóa Cứu quốc (tồn tại đến năm 1948), lôi kéo trí thức đi theo kháng chiến. Rồi ông trở thành người tổng giám sát chương trình giáo dục quốc dân. Trong cương vị này, ông đã lãnh đạo phong trào xóa nạn mù chữ và phổ cập chữ Quốc ngữ. [68]
Họa sĩ Phan Kế An (sn. 1923), con trai của vị khâm sai Bắc Kỳ cuối cùng, lại là một ví dụ khác. Năm 1948, ông được Tổng Bí thư Trường Chinh giao nhiệm vụ sống cùng Hồ Chí Minh vài tuần tại Chiến khu Việt Bắc để vẽ chân dung Chủ tịch. 52 năm sau, Phan Kế An đã kể về cuộc gặp gỡ này với Hồ Chí Minh như một hoạt cảnh thần thoại mà ở đó, chàng họa sĩ trẻ tìm thấy sư phụ của mình – một người thầy về đạo đức, về lối sống giản dị và tính khiêm nhường. [69]
Nhưng không phải tất cả đều đã phục tùng vô điều kiện và hiến dâng một cách mù quáng cho lý tưởng yêu nước mà họ đi theo. Bởi ngay trong giai đoạn kháng chiến, nhiều văn nghệ sĩ đã phải chịu đựng những cách đối xử mất mặt, nhất là từ khi có sự xuất hiện và du nhập chủ nghĩa Mao. Họ chủ yếu xuất thân từ giới tiểu tư sản thành thị, và trong môi trường kháng chiến khắc nghiệt, nơi mỗi người đều muốn chứng tỏ, họ may lắm cũng chỉ được chấp nhận như những kẻ chậm tiến, còn thường thì họ bị các “cốt cán văn hóa” đem ra làm trò hề và phân biệt đối xử một cách có hệ thống với những “nghệ sĩ” có gốc gác vô sản hoặc nông dân. Điều này được Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003), Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ của Hội Văn học và Nghệ thuật Việt Nam hồi đó, vì những lý do nói trên, miêu tả trong một bản báo cáo giữa năm 1956 – một cách tự phê bình – rằng một nhà văn xin nghỉ phép để viết văn đã bị trả lời như sau: “Có lẽ anh bị bệnh tự do tư sản – tự do cá nhân”. [70] Điều này cũng được Nguyễn Tuân, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, xác nhận: “Quan điểm phổ biến hồi đó là chỉ những người lao động chân tay, tức công nhân và nông dân và những người lính xuất thân từ họ, mới có thể trở thành những nghệ sĩ chân chính của dân tộc. Bởi vậy trong hàng ngũ những người lao động chân tay đã hình thành thái độ cho mình là ưu việt hơn trí thức. Nhóm công-nông ngày càng lấn án.” [71]
Trong cuốn nhật ký mỏng của mình, Rudy Schröder (tên Việt Nam là Lê Đức Nhân), một trong những trí thức người Đức giữ chức vụ cao trong hàng ngũ Việt Minh, đã ghi nhận những cảm xúc trong một buổi chiếu phim về Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 tại chiến khu như sau: “Nỗi nhớ thành phố – thành phố của họ, Hà Nội thủ đô của họ, có thể thấy rõ ở sự cổ vũ nồng nhiệt khi các đoàn diễu hành đi qua, nơi mỗi hình ảnh ít nhiều đều gợi ra những con phố, những góc nhà, những công viên của Hà Nội… Ấn tượng nhất là cảnh reo mừng khích động khi nhóm những cô gái diễu hành xuất hiện, đặc biệt là nhóm những cô gái tiểu tư sản Hà Nội mà người ta dễ nhận ra ngay nhờ phong cách ăn mặc và những bộ quần áo sáng màu của họ. Sự cổ vũ nồng nhiệt cứ lặp đi lặp lại mỗi khi có nhóm diễu hành mới xuất hiện, kéo dài hơn hẳn đoạn chiếu về Chủ tịch, say sưa hơn và bộc phát hơn. Họ cười khóc, họ hét lên trong bóng tối, nơi chẳng ai phải sợ rằng mình bị người khác nhìn thấy. Một cơn thoát lộ cảm xúc tập thể với tất cả sự man khai không che đậy. Tất cả đều muốn xem bộ phim thêm một lần nữa, nhưng không được. Chỉ cần có mặt ở đó là ta đủ hiểu rằng, bộ phim thành công là nhờ các cô gái, chứ không phải nhờ ông Chủ tịch. Phải rồi, những chàng trai trẻ này – những chàng nho nhã, những kẻ bạt mạng, những con người gang thép – tất cả họ đều muốn sống để trở về. Tôi tự hỏi, ngày đó sẽ ra sao nhỉ…”. [72] Với sự trở về Hà Nội mùa hè năm 1954, khi sự căng thẳng chùng xuống và kỷ luật đột nhiên được nới lỏng, rốt cuộc cơ hội để nghỉ ngơi và tiếp quản đã tới. Đối với nhiều người thì mục đích sau nhiều năm khao khát đã đạt được, và với nhiều người khác thì đây là thời điểm thích hợp để tiến hành bước thứ hai của cuộc đấu tranh cho một xã hội thời hậu chiến, một xã hội mới, công bằng và dân chủ. Bởi vì sau cơn say chiến thắng, họ tỉnh dậy trong một hiện thực không hề giống như họ từng mơ ước.
Cho đến thời điểm đó, họ vẫn chỉ chấp nhận Ban Lãnh đạo Chính phủ như là những người duy nhất mà họ tin có khả năng giải phóng Việt Nam khỏi ách nô lệ. Họ chỉ biết rất ít về chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lê-nin, và họ cũng không xem trọng lắm, cho dù đồng thời họ vẫn coi nó như phương tiện không thể thiếu để đạt mục đích. Nhưng phần đông họ đã không hề xem chủ nghĩa Mác, dù là chủ nghĩa soi đường, như là mô hình cho một xã hội lý tưởng mà họ hướng tới một cách mơ hồ. Thực tế, họ đã đánh đồng chủ nghĩa Mác với lý tưởng Khai sáng và với Jean-Jacques Rousseau. Đối với nhà thơ Lê Đạt thì chủ nghĩa cộng sản đồng nghĩa với tình huynh đệ giữa tất cả mọi người. [73] Nhà sử học Đào Hùng (sn. 1932), con trai của học giả Đào Duy Anh, kể với tôi ở Hà Nội rằng, ông đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản khi còn là một chàng trai trẻ trong kháng chiến. Tôi hỏi, việc trở thành người cộng sản có nghĩa gì đối với ông? Đào Hùng nói: “Thời đó chủ nghĩa cộng sản đồng nghĩa với chủ nghĩa yêu nước – nghĩa là chống thực dân, và tất cả những người tốt đều trở thành cộng sản.” [74] Nói thế hẳn có phần đơn giản hóa và có tính biện giải, nhưng đúng là hầu hết trí thức kháng chiến – bao gồm cả những trí thức chống phát-xít gốc Đức-Áo bỏ hàng ngũ Lê-dương theo Việt Minh – đều là những người chống thuộc địa, những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người yêu nước, trong đó gồm cả những người có quan điểm chống cộng sản có gốc gác từ những gia đình trí thức tư sản thành thị hoặc địa chủ nông thôn. Đa phần họ xuất thân từ giới quí tộc cũ mà cha ông họ là những quan lại từng tham gia vào các phong trào chống Pháp từ thời Cần Vương năm 1880. [75]
Nhà thơ Hoàng Cầm năm 1954 tại Hà Nội
Năm 1954, trong men say chiến thắng, Hoàng Cầm được chính quyền ủy nhiệm tổ chức Lễ mừng Chiến thắng ở Hà Nội, và ngày càng có nhiều trí thức đòi hỏi, với tư cách là những công dân trưởng thành, được tham gia vào việc xây dựng một xã hội mới thời hậu chiến. Hoàng Cầm đã nói toạc ra điều mà nhiều trí thức kháng chiến thời đó cùng cảm nhận: “Bảy, tám năm kháng chiến đã mài tôi nhẵn như một viên bi, bây giờ là thời điểm mà tôi lại có có thể xù ra những cái gai nhọn của mình”. [76] Tuy nhiên Hoàng Cầm và những người bạn của ông sẽ sớm phải nhận ra rằng, trong những năm kháng chiến, một nhà nước đảng trị thần thánh đã được xác lập. Đảng hiện diện ở khắp nơi với các đại diện trực tiếp của nó, những nơi mà trước đây còn là không gian cho những thỏa thuận giữa người dân và quan lại, văn nhân hoặc sư sãi, những người nhờ những sân chơi rộng này mà đã từng có vai trò môi giới trong các lĩnh vực xã hội và chính trị, cũng như giữa các nhóm lợi ích khác nhau. Nhưng về phần mình, Đảng cũng đang trong cơn say chiến thắng đế quốc, tự thấy mình là bất khả chiến bại, và trong hoàn cảnh đất nước còn chưa thống nhất và được dẫn dẵn bởi mục đích xây dựng một xã hội cộng sản trên toàn Việt Nam, Đảng không thể chấp nhận bất kì thỏa hiệp nào. Trong các cuộc thanh trừng tiếp theo cuộc Cải cách Ruộng đất, sau khi loại bỏ các “phần tử phản cách mạng” ra khỏi hàng ngũ Đảng, nhà nước và các tổ chức quần chúng, những cán bộ quan liêu xuất thân từ giới tiểu nông, những người đã làm nên chiến thắng ở một nơi xa hẳn các đô thị, đã nhảy lên nắm quyền lực ở Hà Nội. [77]
Hà Nội tràn ngập nông dân, bộ đội và các cán bộ quan liêu mới trở về từ Việt Bắc sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhiều nhóm trí thức thành thị và giới buôn bán trung lưu đã bỏ vào miền Nam. Những người còn ở lại thuộc nhóm này sẽ bị vô hiệu hóa hẳn trong cuộc cải tạo tư sản vài năm sau đó. Năm 1956, triết gia Trần Đức Thảo đã nói tới một cuộc “côn đồ hóa giai cấp nông dân”. [78] Cách diễn đạt này không chỉ nói lên thái độ sợ hãi, phụ thuộc, khinh thường và kẻ cả của giới tinh hoa cũ đối với với nông dân, mà nó còn nói lên nỗi kinh hoàng mà những thành viên của giới tinh hoa này cảm nhận trước viễn cảnh họ bị tước mất vĩnh viễn địa vị xã hội cao hơn của mình.
Những cơ chế để quản lý từng cá nhân trong một tập thể, vốn được hình thành trong kháng chiến qua các khóa chỉnh huấn và sự phát huy chủ nghĩa Mao, vốn được giới trí thức ủng hộ như những biện pháp cần thiết để nâng cao tinh thần chiến đấu, giờ đây được nâng lên thành các nguyên tắc tổ chức của nhà nước và xã hội. Trong các khóa chỉnh huấn, con người cá nhân với óc phê phán của nó bị đẩy lùi khi nó chịu khuất phục hoàn toàn trước mệnh lệnh của kháng chiến và cách mạng của Đảng. Tinh thần chỉ huy và các nguyên tắc tổ chức trong kháng chiến giờ trở thành nguyên tắc tổ chức dành cho trí thức thông qua Hội Văn học và Nghệ thuật đầy quyền uy, dưới sự lãnh đạo của Tố Hữu, người không chấp nhận bất kì sự thiếu nhất quán nào. Tuy nhiên, những trí thức đã đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa hai phía chứ không chấp nhận sự áp đặt của Đảng và nhà nước. Sự thành công của Việt Minh (dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản) không chỉ có được nhờ khả năng loại trừ các nhóm chống Pháp theo đường lối chính trị khác một cách thô bạo, mà còn thông qua việc họ đã tập hợp được quảng đại quần chúng để đứng dậy giành độc lập năm 1945/46 và trở thành đại diện cho ý chí phản kháng của một dân tộc tủi nhục. Nhờ cắm rễ được vào khối quần chúng nông thôn và các khối dân thành thị, Việt Minh đã tìm được tiếng nói để diễn tả được nỗi nhục của người dân nô lệ, và, họ có khả năng tổ chức chiến đấu. Họ cũng biết kết nối những huyền thoại về tính đặc sắc văn hóa với khát vọng độc lập muôn thuở của dân tộc Việt Nam. Dự án này, mà giới trí thức đã toàn tâm ủng hộ, được đóng dấu vào ngày Tuyên ngôn Độc lập mùng 2 tháng 9 năm 1945, sự kiện đã đưa Việt Minh trở thành đại diện cho ý chí của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên tình thế năm 1954 lại khác. Mục đích mà người ta hằng khao khát bấy nay giờ đã đạt được. Song cái nửa tinh thần khác – nửa tinh thần của di sản giáo dục Pháp, của những giá trị vô chính phủ từ truyền thống nông nghiệp, những giá trị Phật, Lão dân gian, vốn chống lại sự khắc nghiệt của Khổng giáo và chế độ chuyên quyền [79] – vốn bị đè nén suốt 8 năm, giờ mới có dịp trỗi dậy. [80] Thắng Pháp, chủ nghĩa Mác đã chứng minh được tính khả tín của nó như một ý thức hệ (công cụ) trong kháng chiến, nhưng trong lĩnh vực văn hóa, nó đã không thể thành công trong việc tiêu diệt những giá trị của các huyền thoại và văn hóa tinh hoa cũng như văn hóa bình dân Việt Nam – bao gồm cả các giá trị của di sản thuộc địa nơi các trí thức Pháp học. Nhiều trí thức đã phản đối sự can thiệp chuyên chế của Đảng, những can thiệp khiến họ gần như ngạt thở. Trước kháng chiến họ đã có dịp đọc Từ Liên Xô trở về (Retour de l´URSS) của André Gide xuất bản năm 1936, và thậm chí vài người còn đọc được Trại súc vật (Animal Farm) của George Orwell xuất bản năm 1945. Thông điệp của những cuốn sách này hẳn không phải không để lại dấu vết nào trong họ.
Tuy nhiên, không có bất kì điều gì trên đời có thể khiến họ phủ nhận sự đóng góp cũng như sự tham dự của họ vào kháng chiến. Khi Huy Cận nói “đó là một thời lãng mạn”, thì ông đã nói thay cho hầu hết những trí thức cùng thời mình, trong đó có cả Lê Đạt, người đã miêu tả cuộc kháng chiến chống Pháp là “très romantique” (vô cùng lãng mạn), [81] cho dù những bài học mà hai người rút ra sau đó khác hẳn nhau. Nhà thơ Vũ Cận (1928-1999), nguyên Tổng Biên tập của Cơ quan Tuyên truyền của Đảng, đã miêu tả chính xác những mâu thuẫn của ông trong bài thơ tiếng Pháp viết năm 1992, La Condition, như sau:
La Condition
Jeune je vivais dans l’humiliation
Frustré de ma propre patrie comme j’étais
Elle pesait lourd la colonisation
Vietnamien elle m’avait fait sujet français
A la révolution j’allais adhérer
Tant pour laver ma honte que celle des miens
L’indépendance a redonné la dignité
L’ex-sujet français devient objet vietnamien [82]
5. Nguyễn Chí Thanh, Trần Dần và Dự thảo đề nghị 32 điểm
Trong cái mùa Đông buồn tầm tã năm 1954/55, một nhóm văn nghệ sĩ và nhà báo đã tụ họp lại, tất cả họ đều là thành viên của Phòng Văn nghệ Quân đội, để bàn về một định hướng tư tưởng-văn hóa mới và rốt cuộc, họ đòi lãnh đạo chấp thuận định hướng này. Quân đội miền Bắc hồi đó được xem như một “trường học về dân chủ”, [83] bởi vì ngay trong thời kỳ kháng chiến vẫn có những cuộc phê phán được phép diễn ra trong hàng ngũ quân đội. Thế nên giờ đây, khi hòa bình đã lập lại, những vấn đề bức xúc càng phải được mang gia thảo luận mạnh mẽ và gấp rút hơn bao giờ hết.
Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Phải chăng nhà nước đảng trị đã không nắm được các trí thức quân đội? Hay Đảng ngày đó (còn chưa) xuống tay ngay và đã chấp nhận đa nguyên tư tưởng? Điều chắc chắn là cuộc cách mạng khi ấy còn chưa kết thúc… Trong kháng chiến, trong hàng ngũ quân đội rõ ràng đã hiện diện đủ các thành phần trái ngược nhau và những đại diện cho những thế giới quan và những quan điểm nghệ thuật khác nhau. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi cách mạng bắt đầu thắt chặt quyền lực ở các tổ chức chính trị và quần chúng, những khuynh hướng này có cơ bung ra, tràn sang trận địa cách mạng xã hội – và rốt cuộc là trận địa cách mạng văn hóa. Cả bên ngoài quân đội, người ta đã không thể kìm hãm đòi hỏi về việc mở cửa văn hóa lâu hơn được nữa, và trong giới trí thức văn nghệ sĩ mà ai cũng biết ai ở miền Bắc Việt Nam hồi đó, những quan hệ cá nhân giữa nhóm trí thức dân sự và nhóm trí thức quân đội là rất phổ biến. Vài nhà thơ trong số những người tụ họp với nhau trong mùa Đông đầu tiên sau kháng chiến ấy đã biết nhau từ trước trong nhóm làm tạp chí tượng trưng Dạ Đài, tạp chí xuất bản ngay trước khi kháng chiến bùng nổ tháng 11 năm 1946. [84] Họ chịu ảnh hưởng của Verlaine và Rimbaud và họ tuyên ngôn: “Chúng tôi, một lũ người vong gia thất thổ, trót đầu thai nhằm lúc sao mờ…”.[85] Có thể nói rằng, những người đàn ông trẻ tuổi này chưa bao giờ đánh mất tính cá nhân mà họ thừa hưởng từ nền giáo dục “tự do” những năm 30 và 40, cũng như trong kháng chiến, họ đã phải kìm nén năng lượng và sức sáng tạo của mình dưới những đòi hỏi đôi lúc đến độ lên đồng về việc phải đập chết quá khứ. Một trong số những người đó là nhà thơ Trần Dần, người công tác tại Phòng Văn nghệ Quân đội của vị tướng kiêm chính ủy Trần Độ.
Sau chiến thắng, Trần Dần được tướng Trần Độ cử tới Trung Quốc để dựng kịch bản cho một bộ phim về Điện Biên Phủ. Trong chuyến đi này, Trần Dần đã có những va chạm với vị chính ủy quân đội đi cùng ông, người không chỉ canh chừng thái độ chính trị của nhà thơ nóng đầu mà còn đòi phải có tiếng nói quyết định trong các vấn đề nghệ thuật. [86] Sự tranh cãi này có lẽ không phải do mâu thuẫn cá nhân mà chủ yếu là về vấn đề nhiệm vụ của văn nghệ, vấn đề đã luôn được tranh luận gay gắt từ giữa những năm 1940. Ngoài ra, liệu Trần Dần khi ở Trung Quốc có tiếp xúc với những tư tưởng của nhà phê bình văn học mác-xít phóng khoáng Hồ Phong hay không, và do đó có thể coi Trung Quốc như là người cha tinh thần cho các nhà ly khai Việt Nam hay không, là điều có lẽ đã không xảy ra và hoàn toàn thiếu bằng chứng xác thực. [87]
Những kinh nghiệm của Trần Dần ở Trung Quốc, sự áp đặt quan điểm văn nghệ của hệ thống chuyên chế Việt Nam thông qua các cán bộ chính trị, và đời sống của văn nghệ sĩ bị kiểm soát chặt chẽ bởi kỉ luật quân đội – một thứ kỉ luật thép có lẽ đã không còn cần thiết sau khi hòa bình lập lại – là những tác nhân chính khiến Trần Dần đòi phải có canh tân (một cách có tổ chức). Khi những đòi hỏi này bị từ chối thì sự bất mãn đã chuyển thành hành động ly khai. Điều đó cũng có nghĩa là, trong những năm 1955-56, Đảng vẫn còn chưa xuống tay hẳn trong việc nắm trọn vẹn giới trí thức. [88]
Trần Dần trong phác họa của Nguyễn Sáng
(Nhân văn số 1, 20/9/1956)
Tạp chí Học tập của Đảng số tháng 3 năm 1958 (ngay sau các sự kiện kể trên) đăng một bài viết dài dưới nhan đề “Chống chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ” của nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Tổng Thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Bản dịch bài báo này được lưu tại Kho Lưu trữ của Bộ Ngoại giao CHDC Đức. [89] Đây là tài liệu duy nhất được lưu trữ mà tôi tìm được trong đó có nói về nhóm văn nghệ sĩ quân đội, lần đầu tiên đã phê phán cách quản lý cũng như chính sách văn hóa của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Như đã nói, việc phê phán ban đầu chỉ giới hạn vào các điều kiện sống và sáng tác của văn nghệ sĩ trong trong quân đội. Nguyễn Đình Thi cho biết: “Cũng lúc bấy giờ, trong quân đội, một nhóm văn nghệ sĩ như Trần-Dần, Tử-Phác, v.v… đã đòi lập một chi hội văn nghệ độc lập, không chịu sự lãnh đạo chính trị, và lãnh đạo về tổ chức của quân đội. Những quan điểm lệch lạc đó đã bị đánh bại trong một cuộc đấu tranh đầu tiên kéo dài mấy tháng, nhưng thực chất tư tưởng tư sản trong những luận điểm và chủ trương của Lê Đạt hay Trần Dần chưa bị vạch ra trước dư luận.” [90] Trong trích dẫn trên, phần thứ nhất là sự thật, dù thực ra Lê Đạt không phải người trong biên chế quân đội, nhưng phần thứ hai thì sai hoàn toàn. Bởi “những quan điểm lệch lạc” của những nhà canh tân đã không dễ bị đánh bại, cũng như họ đã không hề che giấu công luận hồi đó về “thực chất tư tưởng tư sản” của mình.
Vậy thực ra, điều gì ẩn giấu đằng sau phát biểu của Nguyễn Đình Thi? Đó là vào mùa Đông năm 1954-55, Trần Dần và những người bạn của ông: Tử Phác, Hoàng Cầm, Đỗ Nhuận, Trúc Lâm, Hoàng Tích Linh và vài người nữa đã cùng nhau soạn thảo một văn bản có nhan đề “Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hoá” gồm 32 điểm, trong đó Trần Dần đảm nhiệm vai trò biên tập chính. Họ đã quyết định không gửi Dự thảo này tới các cơ quan văn hóa hoặc các tổ chức Đảng, vì họ e ngại dự án cải cách của mình sẽ bị chìm trong đống giấy tờ hành chính. Thay vào đó, họ đã mời tướng Nguyễn Chí Thanh tới một cuộc gặp mặt không chính thức để lắng nghe và thảo luận về những đề nghị ấy. Tướng Thanh đồng ý. Buổi gặp mặt đáng nhớ ấy đã diễn ra vào một ngày tháng 2 năm 1955 tại tư gia của tướng Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội. Có vẻ như cả nhóm văn nghệ sĩ đều tin rằng, vị tướng quyết đoán và hào sảng này sẽ ủng hộ những đề nghị của họ. Họ cũng tin rằng tướng Trần Độ và đại tá Lê Liêm sẽ ủng hộ hoặc ít nhất cũng châm chước cho những quan điểm của họ. Bên cạnh tướng Thanh, buổi gặp mặt hội đủ các đại diện của nhóm văn nghệ sĩ [91] và còn thêm hai đại diện cao cấp của quân đội: tướng Lê Quang Đạo, Cục trưởng Cục Tuyên huấn Quân đội, và vị phó của ông, đại tá Võ Hương Cường.
Bản đề nghị 32 điểm này không bao giờ được công bố và hiện nay cũng không còn tồn tại bản viết nào nữa. Những người đã tham gia vào buổi gặp mặt đó ở Hà Nội kể lại rằng, Trần Dần đã đọc bản đề nghị một cách nhỏ nhẹ và chậm rãi, và tướng Nguyễn Chí Thanh đã chăm chú nghe. Nhưng khi nghe đến điểm thứ 14 thì vị tướng, luôn được xem là điềm tĩnh và quý trọng văn nghệ sĩ quân đội, đột ngột nổi trận lôi đình. Trước sự kinh hoàng của tất cả những người có mặt, ông đã giận giữ đấm lên mặt bàn và quạt các tác giả của Dự thảo đề nghị về tội tự do tư sản, và rằng họ đã nhiễm những viên đạn bọc đường của chủ nghĩa tư bản. “Mình là công – nông – binh”, ông run người lên, hoàn toàn mất bình tĩnh, “văn nghệ phải phục vụ công – nông – binh…”. Rồi ông vừa hét lên vừa lao ra khỏi phòng. [92] Thế là mối quan hệ đầy tin tưởng giữa vị tướng với các văn nghệ sĩ đã vĩnh viễn chấm dứt. Nỗ lực đối thoại với lãnh đạo quân đội, Đảng và Nhà nước về một chính sách văn hóa mới đã thất bại.
Phải chăng các văn nghệ sĩ đã quá cả tin và ngây thơ chính trị đến mức không nhận ra bản chất sắt đá của vị tướng chính ủy trong vẻ ngoài hào sảng của ông, người trong tư cách là đại diện cho Đảng và quân đội sẽ không bao giờ chấp nhận những đòi hỏi trái với đường lối văn nghệ của Đảng. Trong những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến, văn nghệ sĩ không chỉ được giảng về những nguyên tắc của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin và Xta-lin, và đặc biệt là chủ nghĩa Mao như hình mẫu cho các hoạt động văn nghệ. Song hình như họ vẫn còn hoàn toàn tin rằng, khi hòa bình lập lại thì việc tổ chức và quản lý trí thức sẽ được nới lỏng hơn và sự đa dạng tư tưởng sẽ được cho phép. Câu chuyện của các nhân chứng còn sống kể lại có vẻ phù hợp với giả định rằng, chính tướng Thanh cũng đã đột ngột bị hạ gục bởi những viên đạn tư tưởng đắng ngắt của người láng giềng phương Bắc, có điều các văn nghệ sĩ đã hoàn toàn không hay biết. Phải chăng các văn nghệ sĩ đã thực sự tin rằng, chủ nghĩa Mao và thứ chủ nghĩa cộng sản giáo điều chẳng qua chỉ là những công cụ nhất thời trong kháng chiến, và chúng sẽ hết ảnh hưởng khi chiến tranh kết thúc? Rằng chúng sẽ không phải là nền tảng cho một xã hội mới hậu thuộc địa và cách mạng sẽ chấm dứt khi họ trở về Hà Nội? Thực tế có vẻ đúng như vậy. Chẳng hạn Hoàng Cầm cho rằng, chủ nghĩa Mao chỉ mới xuất hiện ở Nguyễn Chí Thanh khi hòa bình lập lại và từ khi trở về Hà Nội. Trong kháng chiến không hề có sự khác biệt hay bất đồng nào giữa họ, vì tất cả đều hướng tới mục tiêu độc lập. Tất cả những thứ khác đều phải đặt dưới mục tiêu này. Ngược lại, sau Điện Biên Phủ, vấn đề là làm sao giữ được quyền lực, và khi đó người ta trở thành Mao-ít. [93] Rồi Hoàng Cầm giải thích khi hồi tưởng lại (như một lời biện hộ?): tư tưởng của nhà thơ không bao giờ chung sống được với ý thức hệ cộng sản. Vì vậy, rạn vỡ là đương nhiên và ly khai là không thể tránh khỏi. [94] Nhưng ông nhấn mạnh rằng, ông và những người bạn của mình chưa bao giờ chống Đảng cả. “Seulement, nous sommes autre que le Parti” – “Chúng tôi chỉ khác Đảng thôi”.
Tuy nhiên chúng ta phải đặt ra một câu hỏi, rằng liệu trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của quân đội hồi đó có những người ủng hộ các nhà canh tân, như nhiều người nói vậy, hay không? Đến nay tướng Giáp vẫn giữ im lặng. Cuối năm 1956, tại một doanh trại quân đội, tướng Giáp đã lưu ý rằng các văn nghệ sĩ Nhân văn – Giai phẩm là những người cá nhân chủ nghĩa. [95] Tuy nhiên, một đồng chí thân cận của ông, đại tá Lê Liêm, nguyên chính ủy mặt trận Điện Biên Phủ, đã nhân danh Bộ Chính trị đến gặp gỡ các văn nghệ sĩ “lệch lạc” và thuyết phục họ trở về với đường lối đúng đắn của Đảng. Cũng như tướng Giáp, Lê Liên và Trần Độ [96] sẽ sớm bị phê phán là ngả theo chủ nghĩa xét lại. Theo tôi, nếu trong giới lãnh đạo quân đội, Đảng và nhà nước có người có cảm tình với một chính sách văn hóa văn nghệ mới thì điều đó có lẽ cũng chỉ xảy ra trong tương quan với cuộc tranh luận về chủ nghĩa xét lại sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô. [97] Cuộc tranh luận này đã bộc lộ tất cả những vấn đề mâu thuẫn xung quanh chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa xét lại của Khrushchev. Còn thời gian sau chiến thắng 1954, trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng và nhà nước đã không hề có bất kỳ ai có ý định ủng hộ một chính sách văn hóa đa nguyên vì như thế nghĩa là cho văn hóa được giải thoát ra khỏi chức năng duy nhất của nó như là một mặt trận phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bản Dự thảo của Trần Dần và các văn nghệ sĩ xoay quanh ba điểm:
Thứ nhất: Trả lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ;
Thứ hai: Thành lập trong quân đội một chi hội văn nghệ trực thuộc Hội Văn nghệ, không qua Cục Tuyên huấn và Tổng cục Chính trị;
Thứ ba: Bỏ mọi chế độ quân sự hiện hành trong văn nghệ quân đội. [98]
Trần Dần đưa ra những đề nghị này nhân danh tập thể. Ông cổ vũ cho một thứ chủ nghĩa hiện thực trung thành với sự thực của xã hội, của con người, và đòi hỏi không gò bó sự thực vào chính sách. Ông nói, “chủ nghĩa hiện thực khuyến khích trăm nhà đua tiếng, cả về nội dung lẫn hình thức”. [99]
Ông cáo buộc các cán bộ chính trị đã dìm chết sáng tạo và nghệ thuật. “Người viết chỉ viết do thôi thúc từ thực tế”, ông viết tiếp,“không phải viết để vừa lòng tuyên huấn, vừa lòng cấp trên”. Và, “cách mạng không cần những người hoan hô nhắm mắt. Những anh hót ca chính sách. Thậm chí những anh ‘thày cúng chính sách’, leng keng bóp méo, nghèo nàn…”. Ông ghi nhận,“có thể nói văn chương hiện nay nhiều cái giả tạo (giả trá nữa)… Tức là người viết đặt ra một cái khuôn nhất định, rồi gò ép mọi sự thực vào đó…Tại sao không viết về cơ quan chẳng hạn? Tại sao sợ viết về tình yêu chẳng hạn? Mà viết tình yêu thì y như đưa ra ái tình hy sinh vì tổ quốc!… Tại sao cứ xuất thân công nông mới đáng viết?” Và ông đòi phải được nói thẳng, nói thật, nói hết. [100]
Những nhà cách tân tuyên bố chống lại thứ chủ nghĩa xã hội mà ở đó Đảng Lê-nin-nít kiểm soát toàn diện các lĩnh vực xã hội, kể cả đời sống riêng tư, nội dung cũng như hình thức sáng tác của văn nghệ sĩ. Bởi “chính trị không thể kiểm soát văn nghệ”, [101] và họ đòi phải có một thứ chủ nghĩa hiện thực cho phép trăm hoa đua nở – như mùa Xuân Praha vậy. Họ muốn có sự đa dạng, mâu thuẫn, khác biệt. Bởi vì “trong mỗi người cũng lại có triệu vấn đề, mỗi vấn đề là một sự thực… mỗi bộ đội, công chức, người viết đều mang trong mình một… tiểu thuyết.” [102] Về văn chương, họ cùng chịu ảnh hưởng của các nhà tượng trưng chủ nghĩa Pháp (Verlaine, Rimbaud), cũng như họ chịu ảnh hưởng của Mayakovsky.
Trong tất cả những cuộc trò chuyện của tôi ở Hà Nội với những nhân vật chính của thời đó, tôi luôn được nghe khẳng định rằng, họ chỉ mong muốn được phép có sự khác biệt, có dân chủ và mở rộng tổ chức văn nghệ trong khuôn khổ của chế độ, chứ họ tuyệt không chống Đảng và nhà nước. Điều này được xác nhận trong một báo cáo của Đại sứ CHDC Đức Pfützner về tình hình Hà Nội cuối năm 1955. Pfützner viết: “Sau khi hòa bình lập lại (Hội nghị Genève 1954), văn nghệ sĩ thuộc tất cả các nhóm khác nhau đều chờ đợi có sự thay đổi chính sách một cách cơ bản và mong được chính phủ và Đảng giúp đỡ. Những năm vừa rồi họ đã được phân cho đủ loại công việc khác nhau. Họ trở thành cán bộ hành chính, cán bộ tổ chức hoặc vẫn là sĩ quan trong quân đội. Ví dụ trong quân đội, họ phải chịu chính sách mệnh lệnh gò bó, khiến cho họ khó lòng mà sáng tác được, thậm chí họ cảm thấy ức chế và bị coi rẻ. Chẳng hạn họ không được thức khuya hơn 9 giờ để dành ít giờ ban đêm cho công việc sáng tác. Tại những cơ quan và tổ chức khác, văn nghệ sĩ cũng gặp phải sự quan liêu cứng nhắc như thế khi họ lặp đi lặp lại những đòi hỏi về việc phải tạo điều kiện cần thiết cho văn nghệ. – Đó là tình hình cách đây khoảng một năm khi các văn nghệ sĩ bắt đầu lớn tiếng bày tỏ sự bất bình.” [103]
Công (hay tội) của các văn nghệ sĩ quân đội là: với Dự thảo đề nghị 32 điểm, lần đầu tiên họ đã trình bày một giải pháp khác cho chính sách văn hóa của Đảng. Báo cáo của Đại sứ Pfützner được trích dẫn trên đây ghi nhận, sau những hy sinh gian khổ trong kháng chiến, giờ đây những “người làm văn hóa” trong quân đội cũng như trong khối dân sự mong Đảng nới lỏng chính sách, cũng như họ mong được cùng Đảng thực hiện sự mở rộng này. Đại sứ Pfützner cũng giải thích tiếp rằng, chỉ sau khi bị các cơ quan hữu trách và giới lãnh đạo tỏ thái độ từ chối một cách tiêu cực, phong trào mới trở nên cực đoan và giới văn nghệ sĩ ngày càng trở nên bất mãn.
6. Những mâu thuẫn cơ bản của năm 1956
Càng ngày càng rõ rằng, những cải cách mà người ta chờ đợi sẽ không được thông qua, bởi vì, như Nguyễn Đình Thi đã giải thích trong Báo cáo đọc tại Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ 2, năm 1957: “Nền văn nghệ dân tộc và nhân dân của chúng ta được sự lãnh đạo của Đảng tiền phong của giai cấp công nhân… Đảng lãnh đạo đã đem tới cho văn nghệ Việt Nam ánh sáng tư tưởng Mác-Lênin, soi rõ con đường phấn đấu để đổi mới xã hội, xây dựng con người mới Việt Nam. Đảng đã đoàn kết tập hợp mọi lực lượng văn nghệ Việt Nam thành một mặt trận ngày càng lớn mạnh. Đảng đã giới thiệu cho các nhà văn nghệ phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, là phương pháp sáng tác tốt nhất.” [104] Như vậy, những đề xuất của Trần Dần đã đi ngược lại với đường lối của Đảng và thách thức tính độc quyền của nó.
Mục tiêu cao nhất của Đảng và chính phủ vẫn là sự thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng (cuộc cách mạng này còn kéo dài tới năm 1975), và văn hóa cũng phải hoàn toàn phục vụ mục tiêu này. Sự lệch lạc về chính trị và lý tưởng sẽ tạo cơ hội cho kẻ thù lợi dụng. Hội nghị Trung ương 8 của Đảng Lao động Việt Nam năm 1955 đã thảo luận về “công tác chống gián điệp, chống phản bội; tăng cường công tác phòng gian, bảo mật. Và để phát triển cuộc đấu tranh này tại các đô thị, mọi người dân đều phải đăng kí hộ tịch. Các khóa học chỉnh đốn về chế độ bảo mật liên tục được tổ chức tại các xí nghiệp và các cơ quan Đảng, chính quyền, quân đội và dân sự.” [105] Sự tự do đi lại của dân chúng bị kiểm soát bởi chính sách hộ khẩu, và mỗi người đều bị quản lý bởi một quyển sổ lý lịch trong đó ghi rõ chi tiết tiểu sử bản thân và giai cấp của người đó. [106]
Tuy nhiên các văn nghệ sĩ và trí thức quân đội đã không chịu nhún, mà, cùng với các đồng nghiệp trong khối dân sự, họ đã cho xuất bản tạp chí Giai phẩm mùa Xuân tháng 3.1956. Giờ đây, những chỉ trích nhắm vào họ không chỉ dừng trong phạm vi tương đối an toàn của quân đội nữa, mà lan sang khối Đảng và khối dân sự, địa hạt quản lý của Tố Hữu (1920-2003), người được “thừa nhận là nhà thơ Việt Nam lớn nhất của thời đại”. [107] Tố Hữu là ủy viên Bộ Chính trị, nắm mảng tuyên giáo (tuyên truyền và giáo dục), một nhà thơ tiêu biểu cho thơ chính thống, một giáo hoàng văn nghệ, người đặt ra các chính sách, người canh gác việc thực hiện các chủ trương (thường do ông tự đặt ra), và như vậy, ông là một trong những người có quyền lực lớn nhất đất nước – một nhà tư tưởng sắt đá. Tố Hữu được xem là người thô bạo và không khoan nhượng về tư tưởng. Ở Hà Nội loan truyền câu chuyện, ông đã gọi các đồng nghiệp từng sát cánh bên ông trong kháng chiến lên và quạt: “Các anh viết cho ai? Viết cho tương lai hay viết cho công nông cách mạng? Sao các anh không ăn cho tương lai luôn đi!” Có thể thấy rằng, Tố Hữu, trong tư cách nhà thơ, đã cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm như thế nào khi Trần Dần và Lê Đạt đầu năm 1955 đã phê phán gay gắt tập thơ Việt Bắc của ông, tập thơ được trao giải Nhất của Hội Văn học và Nghệ thuật Việt Nam năm 1954-55. [108]
Sau năm 1954, Đảng đã đi một bước quyết định trong việc kiểm soát lĩnh vực tư tưởng và qua đó khẳng định quyền lực độc tôn của mình. Trong khi 10 năm trước, Việt Minh đã nỗ lực kiểm soát lĩnh vực chữ viết và tri thức bằng chiến dịch xóa nạn mù chữ, thì nay Đảng đã dấn thêm bước nữa bằng cách kiểm soát trọn vẹn tất các các khâu trong hoạt động chữ viết và hình ảnh. [109]
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã phải đón nhận những bất ổn do các vấn đề từ bên trong cũng như bên ngoài. Ở nông thôn, các vụ đấu tố trong cải cách ruộng đất, và kéo theo là các cuộc thanh lọc những “phần tử phản động” ra khỏi hàng ngũ Đảng và các tổ chức quần chúng, đã tạo ra sự đối lập và nổi loạn. Tình hình chính trị khắp nơi đều “căng thẳng”, [110] và ngay cả những gia đình đã tham gia kháng chiến cũng bị đấu tố không thương tiếc. Nạn đói năm ấy lại khiến cho tình hình xã hội càng thêm xấu. [111] Đã không hề có tăng trưởng kinh tế, cũng như không hề có những tiến triển tích cực về chính trị và đạo đức xã hội từ cuộc cải cách ruộng đất, như Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm kể với Đại sứ CHDC Đức tháng 10.1956. [112] Nhà thơ Phùng Quán miêu tả những gì ông chứng kiến tại nông thôn Bắc Bộ hồi đó:
Tôi đã đi qua
Nhiều xóm làng vùng Kiến An Hồng Quảng
Nước biển dâng lên ướp muối các cánh đồng
Hai mùa lúa không có một bông.
Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ.
Tôi đã gặp
Những đứa em còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu.
Cơm thòm thèm độn cám với rau… [113]
Ngày 29.10.1956, nhân danh Đảng và Chính phủ, đại tướng Võ Nguyên Giáp, người hùng của Điện Biên Phủ, đã tự phê bình công khai. Tháng 11 bắt đầu chiến dịch sửa sai. Chủ tịch Hồ Chí Minh thừa nhận những sai lầm trong cải cách ruộng đất, mặc dù về tổng thể ông vẫn đánh giá cải cách ruộng đất là tích cực. [114] Ông đã khóc trước mặt mọi người, và điều đó đến nay vẫn mang lại cảm giác về sự chân thành và chăm lo cho dân chúng của vị cha già. [115] Nhưng mặc dù đã có những cử chỉ hòa giải như vậy, tình hình vẫn tiếp tục căng, đến nỗi tháng 11.1956 – cùng thời điểm với “những sự kiện Hungary” – người ta đã phải huy động quân đội để đàn áp đẫm máu những cuộc nổi loạn của nông dân ở một loạt các làng tại Nghệ An, quê hương Hồ Chí Minh. Tình thế nguy ngập được đánh dấu bằng cuộc viếng thăm của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại Hà Nội ngày 18.11.1956. [116] Trước đó các văn nghệ sĩ và những thành viên khác của Hội Trí thức đã được phân công tới nông thôn để nắm tình hình cải cách ruộng đất. Tuy nhiên những kinh nghiệm ở nông thôn chỉ khiến họ thêm nghi ngờ vào hệ thống chính trị và hâm nóng không khí phản kháng ở đô thị. [117] Đường lối không tưởng của Mao Trạch Đông [118] thống trị miền Bắc, như Georges Boudarel chỉ rõ, đã dẫn tới các cuộc đấu tố trong cải cách ruộng đất và gây căm phẫn trong dân chúng, thách thức sự sống còn của chế độ. Điều này dẫn tới sự phân hóa trong hàng ngũ lãnh đạo thành hai phe: phe đa số theo đường lối giáo điều của Mao và phe thiểu số nghiêng về đường lối dân tộc thực dụng thân Moskva – phe của những người bị gọi là xét lại.
Năm 1956 là một năm nguy khốn của thế giới cộng sản. Ngay sau cái chết của Stalin năm 1953 đã bắt đầu hình thành một quá trình nới lỏng và đặt lại câu hỏi về chế độ toàn trị. Nhân Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 tại Moskva, ngày 24.2.1956, trong một báo cáo mật, Tổng Bí thư Khrushchev đã công bố những tội ác của Stalin, và qua đó đánh đổ thần tượng được coi là bất khả xâm phạm cho tới khi đó. Cuối năm 1956, sau bài phát biểu của Mao về các mâu thuẫn, Bắc Kinh kêu gọi các trí thức của đất nước – những người có vẻ thực sự tin rằng những mâu thuẫn cơ bản đã được giải quyết, còn những mâu thuẫn khác, không cơ bản, thì có thể bàn luận công khai – phê phán thói quan liêu và những điểm yếu khác của chế độ. Điều này dẫn tới phong trào trăm hoa đua nở ngắn ngủi kiểu Trung Quốc dưới khẩu hiệu “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh” [119] (Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng). Cuối tháng 6 xảy ra cuộc nổi dậy ở Poznan (Ba Lan) và đến tháng 10 thì xảy ra cuộc phản kháng ở Hungary, cuộc phản kháng sau đó đã bị dập tắt bởi quân đội của Khối Hiệp ước Warszawa.
Tất cả những sự kiện kể trên đã không phải không gây ra tiếng động nào ở Hà Nội. Đảng và Chính phủ đã tỏ ra rất lo lắng. Tháng 9.1956, trong “Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (mở rộng) về việc sửa sai trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức Đảng, quần chúng”, Đảng đưa ra nhận định: “Ảnh hưởng bất lợi từ nông thôn đang lan ra thành thị và tấn công vào tất cả các giai cấp và tầng lớp nhân dân, miền Bắc cũng như miền Nam. Tình hình đòi hỏi chúng ta phải sửa chữa sai lầm dứt khoát, khẩn trương và khéo léo”. [120] Trong một cuộc gặp trực tiếp với Đại sứ CHDC Đức ngày 7.1.1957, Thủ tướng Phạm Văn Đồng giải thích: “Cách đây khoảng 3-4 tháng,… tình hình ở nông thôn rất nguy ngập, nguy hơn mức người ta dám thừa nhận”. [121] Từ khi hòa bình lập lại tháng 7.1954, đời sống vật chất của dân chúng đã không hề được cải thiện. Theo báo cáo của Đại sứ CHDC Đức, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói tiếp: “Sự bất mãn này được biểu hiện trong các cuộc tấn công về tư tưởng nhắm vào Chính quyền Nhân dân. Ở đây Chính quyền phân biệt rõ hai loại bất mãn: loại kẻ thù chống chế độ và loại lầm đường lạc lối. Đối với loại kẻ thù, Chính quyền luôn sẵn sàng dùng mọi phương tiện để tiêu diệt.” [122]
Nhưng phải làm gì với những trí thức bất mãn, đặc biệt là những trí thức văn nghệ sĩ trong nhóm Nhân văn-Giai phẩm? Nguyễn Đình Thi đã giải thích với ông Đại sứ CHDC Đức tại Hà Nội ngày 20.10.1956: “Chính nội bộ Bộ Chính trị Đảng Lao động vẫn còn chưa có quan điểm thống nhất về việc này, mặc dù đại diện Bộ Chính trị đã có vài cuộc trao đổi với nhóm Nhân vănrồi.” [123] Sự ngập ngừng này đã cho phép những người nổi loạn một khoảng thời gian đàm phán nhất định, tuy nhiên điều đó đã nhanh chóng chấm dứt với cuộc đàn áp ở Hungary. Tháng 11.1957, trong một cuộc họp của các đảng cộng sản cầm quyền tại Moskva, người ta đã đưa ra quyết định sẽ dập tắt tất cả các phần tử dao động. Một thời kỳ đóng băng mới lại hình thành; [124] Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô và cuộc cải cách ruộng đất đã gieo sự hoài nghi vào các trí thức miền Bắc Việt Nam.
Quyền lãnh đạo của Đảng chỉ còn có thể duy trì bằng trấn áp. Nhưng giờ đây chính Đại hội 20 đã tự xác nhận những mầm mống hoài nghi vào chế độ. Ảnh hưởng của nó với Việt Nam, nhất là với giới trí thức, hoàn toàn không thể coi nhẹ. Thực ra, thoạt tiên đã không có ai đọc được bản báo cáo của Khrushchev, song những tin đồn – rò rỉ đây đó từ các nguồn sách báo tiếng Pháp hiếm hoi – khiến người ta nhận thức rằng điều mà họ hằng tin tưởng bấy nay đã không thể còn đúng nữa. [125] Và khi sự nghi ngờ đã được phép hiện diện ở Moskva thì hẳn nó cũng phải được phép ở Việt Nam. Bởi vậy ta có thể hiểu rằng, chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa dưới ảnh hưởng của Mao ở một số nhà các mạng trẻ tuổi, vốn đã bị nhạt đi phần nào do việc đọc các tiểu thuyết Xô-viết đầu những năm 50, [126] qua Đại hội 20 ở Moskva, đã rẽ sang một nhánh khác, với những giải pháp khác về một xã hội xã hội chủ nghĩa-cộng sản chủ nghĩa.
Những quá trình cởi bỏ ảo tưởng này cũng tạo ra sự khích lệ mới. Bởi lẽ đối với nhiều người Việt Nam thì những sự thật được phơi bày về Stalin và hệ thống Xô-viết từ trong chính nội bộ của hệ thống là bằng chứng về khả năng đổi mới của chủ nghĩa cộng sản, với Liên Xô cũng như với Việt Nam. “Kinh nghiệm Liên Xô luôn là ánh sáng tự do đối với chúng tôi”, nhà sử học Đào Hùng đã nói như vậy. [127] Và Đào Hùng so sánh kinh nghiệm Liên Xô với kinh nghiệm Trung Quốc: Người ta không bao giờ chờ đợi sự giải phóng từ Trung Quốc, mà luôn luôn là sự đàn áp và ngu dân – dĩ nhiên đây cũng là một cách nói có phần biện hộ khi nhìn lại. Triết gia Trần Đức Thảo cũng đã viện dẫn tới phong trào tự do dân chủ do Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô phát động, và ông cho rằng những thắng lợi của phong trào này đòi hỏi Đảng Lao động Việt Nam cũng phải mở rộng tự do dân chủ. Trần Đức Thảo giải thích, từ sau hòa bình lập lại, những phê phán lãnh đạo của công nhân và trí thức là hoàn toàn đúng: người ta không phát huy được khả năng của mình do tệ quan liêu, bè phái và sùng bái cá nhân. Chẳng hạn trong lĩnh vực văn hóa, người trí thức cần tự do như khí trời để thở, và Đại hội 20 đã bóc trần những kết quả tai hại của tác phong lãnh đạo vi phạm hình thức tự do. [128] Đại hội 20 rút cuộc đã củng cố niềm tin cho các nhà ly khai, khiến họ không nhượng bộ trong những đòi hỏi của mình. Vài năm sau, ngày 23.8.1963, Tham tán Đại sứ CHDC Đức Klaus Matzke đã có buổi trao đổi với người đồng chí Võ Kung Ky, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, và (Xuân?) Thủy. Ngài tham tán được thông báo rằng: “Văn nghệ Việt Nam vẫn còn một số ảnh hưởng tiểu tư sản”. Matzke hỏi, phải chăng “những quan điểm độc hại đó có nguồn gốc từ Thái Lan hay miền Nam Việt Nam”? Và ông được trả lời: “Nguồn gốc những quan điểm độc hại này không phải là Thái Lan hay miền Nam, mà chính là Liên Xô”. [129] Đây quả là những mâu thuẫn cơ bản.
7. Giai phẩm
Điều gì đã xảy ra trong giới văn nghệ sĩ và trí thức Hà Nội thời gian này? Như tôi đã nói, tạp chí Giai phẩm mùa Xuân do Hoàng Cầm chủ trương đã được xuất bản nhân dịp Tết nguyên đán tháng 3 năm 1956. Trong số báo này, các tác giả đã không viện dẫn đến Liên Xô hay Trung Quốc, mà họ chọn Trường Chinh, nhà tư tưởng hàng đầu của Đảng, bằng việc trích dẫn báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” năm 1948, trong đó Trường Chinh viết: “Không có phê bình, không có luận chiến, phong trào văn nghệ nước ta êm đềm quá, trầm mặc quá… Phê bình với thái độ phụ trách, với ý định chân thành, với lời lẽ khiêm tốn thì chẳng những không có hại mà còn giúp cho nhau thêm tiến bộ và hiểu nhau thêm. Xuất phát từ đoàn kết mà phê bình để tăng cường đoàn kết, như thế mới thật là đoàn kết chân chính.” Điều này thì giới văn nghệ đồng ý. Nhưng đây mới là điều Trường Chinh thực sự muốn nói: “Phê bình chúng tôi đề nghị đây là phê bình đúng nguyên tắc, phê bình trong kỉ luật dân chủ, không phải ‘tự do phê bình’. Có thể có những kẻ mang tâm mượn phê bình để gieo rắc sự chia rẽ, nghi ngờ trong hàng ngũ dân tộc, để cung cấp tài liệu cho địch hại ta. Những kẻ đó không phải là phê bình mà là quấy rối, không phải thật tâm cầu tiến bộ mà là khiêu khích. Địa vị của chúng không ở trên đàn ngôn luận của một nước dân chủ, mà phải ở trong nhà tù của chính quyền nhân dân.” [130] Định nghĩa của Trường Chinh về “phê bình” như vậy là hết sức rõ ràng, và cũng rõ ràng như vậy là số phận của tất cả những ai không chấp nhận định nghĩa đó.
Các văn nghệ sĩ của Giai phẩm mùa Xuân hồi đó đều là thành viên của một cơ quan hay tổ chức chính thống, như Phòng Văn nghệ Quân đội, Hội Văn học Nghệ thuật hay ban biên tập của một tờ báo nào đó. Có thể nói rằng, hầu hết họ đều đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp, trừ vài người tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève. Các tác giả của Giai phẩm đều khao khátchống công thức, tìm cái mới, nói tiếng nói chân thực của văn nghệ sĩ. [131] Đặc biệt có hai bài thơ trong tập này gây phẫn nộ cho giới lãnh đạo văn nghệ. Một là bài “Mới” của Lê Đạt với những câu như:
Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một chiếc bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lạ [132]
Trong Giai phẩm mùa Thu 1956, tập II, nhà giáo, nhà Hán học, nhà báo kiêm nhà hoạt động chính trị Phan Khôi (1887-1960, [133] trong bài xã luận “Ông bình vôi” đã giải thích bài thơ của Lê Đạt, đại ý, cái bình vôi thường dùng để ăn trầu, dùng lâu ngày thì trong lòng nó sẽ đầy cặn, còn miệng nó sẽ tum húm lại. “Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày,… cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng ông.” Và điều đó có nghĩa là Lê Đạt đã cả gan tấn công vào các bậc tiền bối, các đồng chí đàn anh trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng. Nhà thơ Xuân Diệu, người được “cách mạng tái sinh”, đã quật lại Lê Đạt như sau: “Được sự giáo dục của Đảng, những con người cũ trong chúng ta càng ngày càng bé lại thật, cố gắng thu hẹp cái cá nhân chủ nghĩa của mình càng nhỏ càng tốt, để cho con người mới, con người tập thể càng lớn mạnh lên: đó là điều đáng vui mừng của chúng ta!” [134] Khi Phan Khôi phê bình tập thơ được trao giải văn học năm 1954-55, tập Ngôi sao của Xuân Diệu, là có những câu “bí hiểm không hiểu nghĩa được”, thì bị một người trong Ban Tuyên giáo cãi lại: thế thì bao lâu nay Đảng giáo dục Xuân Diệu không có hiệu quả gì sao? Và Phan Khôi đã bật ra câu này: “Đảng giáo dục Xuân Diệu làm cách mạng, chứ có giáo dục Xuân Diệu làm thơ đâu…”. [135] Đây chính là điểm chia rẽ, dẫn tới một trường hỗn loạn các cuộc cãi vã với những quan điểm không còn dung hòa được với nhau.
Bài thơ thứ hai gây phẫn nộ là bài “Nhất định thắng” của Trần Dần, một bài thơ dài hơn 500 câu chịu ảnh hưởng phong cách của Maiakovsky. Giới lãnh đạo văn nghệ thấy đây là một tác phẩm “phản động một cách tinh vi”. [136] Bài thơ kể về cuộc sống và tình yêu của một cặp vợ chồng trẻ trong cái mùa đông mưa tầm tã ở Hà Nội năm đầu tiên sau chiến tranh, về sự chật trội, khốn khó của đời sống vật chất, về tương lai bất định và về cuộc di cư của hàng vạn người vào Nam để chạy chốn cái nghèo – những chủ đề cấm kị của một chế độ mới đang trên đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
Không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
Những hình ảnh đau xót được thay thế bằng đòi hỏi:
Đất nước khó khăn này
Sao không thấm được vào Thơ?
….
Tôi ước ao tất cả mọi người ta
Đòi thống nhất phải đòi từ việc nhỏ
- từ cái ăn
cái ngủ
chuyện riêng tư
- từ suy nghĩ
nựng con
và tán vợ…
Trần Dần đã không khắc họa những hình ảnh công nông binh anh hùng như bộ máy tuyên truyền đòi hỏi, bởi vì: “Những câu hỏi đi giữa đời chỏng ngỏng/ Ôi! Xưa nay người vẫn thiếu tin Người/ Người vẫn kinh hoàng trước Tương Lai”. [137] Trần Dần nói về quân đội anh hùng, về cuộc đấu tranh thống nhất, về niềm tin vào chính nghĩa của miền Bắc, nhưng: “… tôi cúi mặt trước đèn?/ Gian nhà vắng chuột đêm nó rúc./ Bao nhiêu lo lắng hiện hình ra./ Hừ! Chúng đã biến thành tảng đá// chặn đường ta! Em ơi thế ra/ Người tin tưởng nhất như anh// vẫn có những phút giây ngờ vực.” Hệ quả là, trong một cuộc họp của Ban Thường vụ Hội Văn học và Nghệ thuật tháng 2.1956, bài thơ đã bị đem ra phê phán và báo Văn học của Hội được lệnh phải vạch trần tính chất phản động của bài thơ cũng như con người Trần Dần. Trước đó, cuối tháng 1.1956, tạp chí Giai phẩm đã bị tịch thu. [138]
Ở Hà Nội tôi được nghe kể, hồi đó Trần Dần đang được cử đi tham quan cải cách ruộng đất ở nông thôn nên không hay biết về việc in bài thơ. Vào một ngày tháng 2 năm 1956, Trần Dần cùng Tử Phác bị bắt và đưa lên một chiếc xe nhà binh, vì “vi phạm kỉ luật quân đội” (ra khỏi trại ban đêm không có giấy phép). [139] Hồi đó Trần Dần sống cùng một cô gái tiểu tư sản theo đạo Thiên chúa (vì vậy cô gái bị cáo buộc là gián điệp) tại ngôi nhà nhỏ ở phố Sinh Từ, [140] và điều này bị xem như một sự phản bội giai cấp, [141] nhất là với một người vừa là đảng viên vừa là quân nhân như Trần Dần. Để thoát khỏi hầm giam nằm sâu dưới lòng đất, nhà thơ nhanh trí đã giả vờ tự tử bằng cách cứa dao lam vào cổ, khiến giới lãnh đạo Đảng và quân đội bị một phen bối rối. Trong thời gian bị cấm trại, Trần Dần đã phải viết kiểm thảo. Các cán bộ lãnh đạo tư tưởng-văn hóa muốn chỉ ra những nhận thức lệch lạc của Trần Dần và kéo ông về khối những người tin tưởng. Một mặt giới lãnh đạo không muốn mất thể diện (bởi nếu không thì chẳng khác gì họ chấp nhận sự nghi ngờ vào quyền lực của họ), mặt khác Trần Dần là một công cụ tuyên truyền đáng giá cho công cuộc giải phóng miền Nam và củng cố miền Bắc.
Nguyễn Đình Thi (cũng như Huy Cận) là người không bao giờ muốn từ bỏ niềm tin vào sứ mệnh của mình trong việc xây dựng một xã hội mới với những con người mới. Là một nhà thơ gốc tiểu sư sản, Nguyễn Đình Thi đã tìm thấy địa vị của mình ở chủ nghĩa xã hội và ông được Đảng – lương tâm của thời đại – ủng hộ về tinh thần. Suốt đời mình, Nguyễn Đình Thi luôn là người bạn trung thành của quyền lực. Ông không vòng vo, mà đi thẳng vào vấn đề: “Văn nghệ phải xây dựng được ý thức mới, tâm hồn mới cho nhân dân ta, theo phương hướng chủ nghĩa yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa”. [142] Văn nghệ sĩ dù ở vị trí nào cũng đều phải là cánh tay nối dài của Đảng, là những người góp phần xây dựng mục tiêu thần thánh của Đảng và chịu trách nhiệm trước Đảng. Song điều đó cũng có nghĩa rằng Đảng cũng chờ đợi sự tham dự của văn nghệ sĩ vào dự án của mình, vì như chúng ta đã thấy, văn nghệ sĩ được Đảng xem như những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (bên cạnh các mặt trận kinh tế, chính trị và quân sự). Chính điều đó đã cho phép các văn nghệ sĩ một không gian nhất định để đàm phán. Và lúc này họ vẫn quyết tâm tận dụng triệt để không gian này.
Giai phẩm là cuộc tấn công công khai đầu tiên của giới trí thức văn nghệ sĩ vào đường lối lãnh đạo công thức cứng nhắc của Đảng, và Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô đã tiếp cho họ thêm sức mạnh. Một ngày tháng 3 năm 2002, Nguyễn Đình Thi đã kể với tôi rằng, thời gian ngắn sau khi trở về từ Moskva, Trường Chinh có nói với ông thế này: “Mấy người làm Giai phẩm mùa Xuân thực ra đều là anh em kháng chiến mình cả. Cậu thấy ở Hà Nội này, cứ vào mấy hiệu sách mà xem, còn đầy sách của đế quốc đấy, đầy sách chống cộng đấy, vậy mà người ta có làm gì đâu. Lại đi thu cái tạp chí của anh em quân ta. Phải thay đổi gấp thôi.” [143] Và nhà văn Nguyễn Tuân, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, thời gian này cũng công khai tự phê bình: “Anh em văn nghệ không muốn quay lưng lại Đảng, họ thừa nhận Đảng đã cho họ hướng đi, họ chỉ mong có tự do trong nghệ thuật. Câu hỏi quan yếu nhất lúc này là liệu văn nghệ có được phép phát huy tất cả khả năng của mình hay không?” [144] Việc câu hỏi của Nguyễn Tuân sẽ nhận được câu trả lời tích cực, và phê bình lãnh đạo văn nghệ là được phép, là điều mà phần đông văn nghệ sĩ đã không còn nghi ngờ nữa, bởi vì “sau khi những sai lầm đẫm máu của Stalin bị vạch trần, sau những bi kịch trong cải cách ruộng đất và trong các cuộc thanh trừng của Đảng, tình hình đã thay đổi nhanh chóng”. [145] Giai phẩm ra liền hai số, số mùa Thu tập 1 và số mùa Thu tập 2. Tiếp đó, Giai phẩm mùa Xuân cũng được tái bản. Theo đề nghị của Nguyễn Đình Thi, tất cả văn nghệ sĩ đều được triệu tập tham gia lớp học 18 ngày do Hội Văn nghệ tổ chức từ 1 đến 18.8.1956 để học tập các quan điểm của Marx về dân chủ trong văn nghệ và tiến hành việc tự phê bình. [146] Lớp học này đánh dấu một bước ngoặt. Các bên tranh luận gay gắt. Đường lối lãnh đạo của Đảng và quan điểm của văn nghệ sĩ đối nghịch với nhau chan chát. Đối với các cán bộ văn nghệ thì thơ ca không phải là việc riêng tư mà là việc chung; thơ ca cần có tính phục vụ thay vì chỉ biểu lộ cảm xúc. [147]Trong một bài đăng trên Nhân văn số 3, họa sĩ Sĩ Ngọc viết rằng, những người viết Nhân văn-Giai phẩm bị gán cho danh hiệu“bất mãn” với cuộc sống khó khăn ở miền Bắc, và từ bất mãn đã nảy sinh phản ứng giai cấp. Đây là một sự kết án hết sức nặng nề, bởi những kẻ “bất mãn” thường được hiểu là chống cách mạng. Sĩ Ngọc lật ngược lại, bằng cách quy kết giới lãnh đạo là “những đứa con của phong kiến, đế quốc”, những kẻ quen dùng những luận điệu cũ là di chứng của thời thiếu dân chủ trước đây để kết tội những người dám phê bình mình là bất mãn. Sĩ Ngọc viết rằng, nếu những người Nhân văn sai thì quần chúng sẽ có đủ sáng suốt để nhận định. Trong khi giới lãnh đạo lại tìm cách bịt miệng những người phê bình mình, như thế là khinh thường quần chúng, hoặc sợ quần chúng sáng suốt mà biết sự thật. Vì vậy lúc này, lãnh đạo muốn giữ uy tín thì cần phải tự phê bình thành khẩn. Sĩ Ngọc cho rằng những sai lầm trong cải cách ruộng đất và những sai lầm trong chính sách văn nghệ và trí thức là rất nặng nề, và tất nhiên là giới văn nghệ sĩ bất mãn với những sai lầm này, những sai lầm làm tổn hại và kìm hãm văn hóa văn nghệ. Ông viết: “Bất mãn với những cái sai lầm là chính đáng. Chỉ có kẻ nào thỏa mãn với cái sai kẻ ấy mới là kẻ có tội.” [148] Sĩ Ngọc chống lại các cán bộ văn nghệ chỉ biết quan tâm lợi ích của mình.
Hội nghị Trung ương lần thứ 10 của Đảng Lao động Việt Nam đã tạo ra một “không khí dân chủ”, [149] vì vậy trong lớp học 18 ngày đáng nhớ đó, công tác trao giải thưởng văn học 1954-55, đặc biệt tập thơ Ngôi sao được trao giải Nhì của Xuân Diệu, bị phê phán gay gắt. Tờ Văn nghệ của Hội Văn học và Nghệ thuật đã mở ra cuộc tranh luận bằng những bài tự phê bình của các lãnh đạo văn nghệ. [150] Trong khoảng thời gian từ tháng 8.1956 tới đầu năm 1957 đã xuất hiện một loạt các tờ báo đầy tinh thần hứng khởi như Đất mới của Hội Sinh viên, Trăm hoa của Nguyễn Bính, [151] và những tờ khác như Nói thật, Tập san phê bình… Ngay cả những tờ báo chính thống như Nhân dân của Đảng hay Cứu quốc của Mặt trận Tổ quốc cũng không cưỡng được làn sóng tự do bày tỏ ý kiến và tự do thảo luận về các chủ đề như chính sách văn hóa, vai trò của trí thức trong chủ nghĩa xã hội và tự do dân chủ. Thậm chí những sinh viên và học sinh nôn nóng còn muốn xuống đường biểu tình, nhưng do một dịch cúm [152] bùng phát, các trường phổ thông và đại học ở Hà Nội đã bị đóng cửa ngày 2.5.1957.
Bài xã luận “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” của Phan Khôi đăng trên Giai phẩm mùa Thu tháng 9.1956 [153] phản ánh không khí ngột ngạt của đời sống trí thức văn nghệ sĩ hồi đó và phản ứng của họ với Đảng và các cơ quan lãnh đạo văn nghệ. Phan Khôi viết trên cương vị một nguời đã tham gia kháng chiến, người không nghi ngờ gì vào tính chính đáng của chế độ sau cuộc đấu tranh dài gian khổ giành độc lập. Đối với Phan Khôi thì chế độ miền Bắc đương nhiên là chế độ tốt. Tuy nhiên ông muốn xóa bỏ lối lãnh đạo mệnh lệnh trong văn hóa, kìm hãm tư tưởng, những lề lối hình thành trong những năm cuối của cuộc kháng chiến. Nhà văn lão thành này đòi hỏi phải có phê bình – không chỉ phê bình nội bộ – mà phê bình công khai. Ông viết: “Tôi muốn nói sự thực. Nhưng có người bảo rằng ‘có những cái sự thực không nên nói’. Tôi không tin. Đó là ở dưới chế độ nào kia, chứ ở dưới chế độ của chúng ta, đã lấy phê bình, tự phê bình làm võ khí, thì còn có cái sự thực nào là cái sự thực không nên nói?”. Về việc phê bình có thể bị địch xuyên tạc, ông nói: “Cái thời kì ‘đóng cửa dạy nhau’ đã qua rồi, ngày nay chính là ngày có mâu thuẫn gì giữa nội bộ cần phải giải quyết trước mặt quần chúng nhân dân, không nhờ ánh sáng của quần chúng nhân dân soi rõ cho, thì không thể giải quyết nổi… Còn như sợ ‘bên địch xuyên tạc’ thì chỉ là cái cớ mượn để mà giấu kín im ỉm. Bên địch hà tất đợi đến có cái gì mới xuyên tạc?… Đã là bên địch thì nó cứ dựng đứng chuyện lên…”. [154] Ông nhấn mạnh rằng không ai đòi hỏi tự do bừa bãi cả, mà nguời ta chỉ yêu cầu được tự do trong nghệ thuật. Bởi vì, “phần nghệ thuật nầy là phần riêng của văn nghệ, chính trị không bao biện được…”. [155]
Theo Phan Khôi, chính đường lối văn nghệ của miền Bắc sau khi hòa bình lập lại là lý do dẫn tới sự ra đời của Giai phẩm, mà trong đó các tác giả thể hiện sự bất bình với lãnh đạo. Ông đề cập đến trường hợp Trần Dần bị “hỏi tội” tại trụ sở Hội Văn nghệ vì trong bài thơ “Nhất định thắng” đã dám sử dụng chữ “Người” viết hoa, chữ lâu nay vốn chỉ để xưng Hồ Chủ tịch. “Tôi ngồi nghe mà tưởng như mình ở trong chiêm bao”, Phan Khôi viết, “chiêm bao thấy mình đứng ở một sân rồng nọ, ông Lê Mỗ tố cáo ông Nguyễn Mỗ trước ngai vàng, rằng trong phép viết, chỉ có chữ nào thuộc về hoàng thượng mới phải đài, thế mà tên Nguyễn Mỗ viết thư cho bạn, dám đài chữ không phải thuộc về hoàng thượng. Nhưng may cho tôi, tôi tỉnh ngay ra là mình ngồi trong phòng họp Hội Văn nghệ”. [156]
8. Nhân văn
Ngày 20 tháng 9 năm 1956, tờ báo tư nhân mang tên Nhân văn ra số đầu tiên ở Hà Nội (hồi đó báo tư nhân còn được phép xuất bản, bên cạnh báo nhà nước). Chủ nhiệm báo là Phan Khôi, một người rất có uy tín và tên tuổi của ông mang lại sức nặng cho tờ báo – Phan Khôi khi đó đang có một hợp đồng dịch Lỗ Tấn với sự trợ cấp kinh phí của chính phủ. [157] Nhà văn, họa sĩ Trần Duy (sn. 1920) đảm nhiệm chức vụ thư kí tòa soạn. Trong một cuộc trò chuyện với tôi vào tháng 10 năm 2000 ở Hà Nội, một trong những nhân vật chính của Nhân văn miêu tả: “Tờ báo là một công cụ hết sức quan trọng cho cuộc đấu tranh vì tự do và chống lại sự nô lệ hóa về tinh thần, vì dân chủ và chống lại sự độc tài mang danh chuyên chính vô sản.” Có lẽ cái mục đích chính trị được diễn đạt rõ ràng và thẳng băng ra như thế vào năm 2000 đã hoàn toàn không tương đồng với những mục đích vốn có tính bộc phát của Nhân văn vào thời 45 năm trước, giữa cái mùa Đông đầu tiên sau Điện Biên Phủ và 1956/57.
Người thực chất đứng sau dự án Nhân văn là nhân vật đã được nhắc đến nhiều lần ở trên: nhà báo, nhà xuất bản, nhà chính trị Nguyễn Hữu Đang. Trong kháng chiến, ông từng là cộng sự thân cận của Tổng Bí thư Trường Chinh – hai người có quan hệ với nhau từ thời Mặt trận Bình dân những năm 1930. Năm 16 tuổi (1929), chịu tác động của các sự kiện chính trị nóng hổi trong nước, và mặc dù chưa hiểu biết gì về chủ nghĩa Marx, Nguyễn Hữu Đang đã gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, một tổ chức do Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Trung Quốc. Sau một năm hoạt động bí mật, ông bị Pháp bắt và nhốt vào tù, nhưng vì còn ở tuổi vị thành niên, ông được Pháp thả cho về quê. Ông đã tìm thấy ở chủ nghĩa cộng sản con đường giải phóng dân tộc; chủ nghĩa cộng sản, như ông tự diễn giải, là phương tiện để đạt được mục đích. [158] Cùng với Trường Chinh trong ban biên tập tờ báo Tin tức của Đảng, ông có nhiệm vụ thuyết phục giới trí thức đi theo cách mạng. Theo sự ủy nhiệm của Hồ Chí Minh, ông đã tổ chức Lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945 [159] – giờ phút của định mệnh mà ở đó “những người An-na-mít… đã trở thành những người Việt Nam”, như Rudy Schröder (tức Lê Đức Nhân) đã miêu tả sau này. [160] Ông trở thành Bộ trưởng Bộ Thanh niên đầu tiên trong chính phủ Hồ Chí Minh. Tháng 11 năm 1946, ông đã lãnh đạo việc tổ chức Hội nghị Văn nghệ Toàn quốc lần thứ nhất ở Hà Nội (hội nghị bị rút ngắn do kháng chiến sắp bùng nổ). Như đã nói ở trên, Nguyễn Hữu Đang đã đảm nhiệm chức vụ Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ trong kháng chiến. Cũng vậy, như đã nói, đầu những năm 1940, ông vẫn được Trường Chinh tin cẩn giao nhiệm vụ, thông qua Hội Văn hóa Cứu quốc, huy động trí thức và văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến. [161] Tuy nhiên sau nhiều năm song hành cùng Tổng Bí thư Đảng tại những vị trí then chốt trong chính sách văn hóa, Nguyễn Hữu Đang dần trở thành một đối thủ cạnh tranh quyền lực và là một người đối lập về tư tưởng với Trường Chinh. Những gì diễn ra trong những năm sau Điện Biên Phủ cho thấy, những hình dung của Nguyễn Hữu Đang và Trường Chinh về một xã hội mới cũng như vai trò của văn hóa-văn nghệ trong xã hội ấy đã trở nên đối nghịch nhau. Thực ra, sự đối lập này có lẽ đã xuất hiện từ Đại hội Văn hóa Toàn quốc năm 1948. Khi hồi tưởng lại, Nguyễn Hữu Đang cáo buộc Trường Chinh ngày đó đã quá đặt nặng “vai trò của tư tưởng Mác-Lê để hạ thấp truyền thống tiếp nhận văn hóa từ hàng nghìn năm của Việt Nam”. Ít lâu sau đó, trong một tập san nội bộ của Đảng, ông bị Trường Chinh phê phán là “thiếu kiên định tư tưởng”. [162] Theo nhiều nguồn kể lại, từ đó Nguyễn Hữu Đang đã không còn giữ vị trí nào trong kháng chiến nữa mà rút lui về nông thôn cùng người bạn Trần Thiếu Bảo – người sau này sẽ trở thành giám đốc Nhà xuất bản Minh Đức. [163] Chỉ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Đang mới quay trở lại chính trường. Tuy nhiên khi được hỏi, ông luôn từ chối nói về những năm tháng này.
Những mâu thuẫn cơ bản của Nguyễn Hữu Đang giờ đây mới được thoát ra và chúng tìm được mảnh đất xã hội màu mỡ ở báoNhân văn. Ông tóm tắt mục đích của mình với tờ báo như sau: “Đấu tranh cho dân chủ, chống lại chế độ chuyên chế kiểu Stalin và Mao Trạch Đông, nghĩa là, chống lại xu hướng toàn trị; tự do văn nghệ chỉ là một mảng trong cuộc đấu tranh bao quát nhiều lĩnh vực này.” Ba đòi hỏi chính trị đặc biệt được Nguyễn Hữu Đang miêu tả như sau: “Đòi quyền tự do dân chủ cho toàn thể nhân dân; Đòi quyền tự do cá nhân cho mọi công dân phù hợp với nhu cầu từng người; Đòi chính trị phải tuân thủ luật pháp, bao gồm việc tái thực hành Hiến pháp 1946, vốn đã bị tạm đình chỉ hiệu lực do hoàn cảnh kháng chiến.” [164] Nếu như trước đây, có lúc ông còn những ảo tưởng nào đó thì bây giờ, ông dồn tất cả cho mục đích: tập hợp giới trí thức văn nghệ sĩ để chống lại khuynh hướng toàn trị của cách mạng và chủ trương đơn nhất hóa của các cựu đồng chí của ông. Phải chăng Nguyễn Hữu Đang đã thực sự tin rằng ông có thể thắng trận chiến này? Liệu ông có ý thức được rằng ông đang phải đối diện với những lực lượng nào hay không? Những người quy tụ quanh ông ở Nhân văn có vẻ đều tin tưởng ở ông và đi theo ông với tất cả sự hứng khởi… “Il faut développer à l’outrance l’individualisme”, Nguyễn Hữu Đăng tuyên bố [165] – và Lê Đạt đòi hỏi: “Un poète doit garder jalousement sa singularité”. Có nghĩa là, nhà thơ phải cảnh giác trước các nhà chính trị, những kẻ luôn lợi dụng thơ ca cho mục đích của họ. [166]
Sau Điện Biên Phủ 1954, Nguyễn Hữu Đang đã chuyển sang giai đoạn thứ hai trong sự nghiệp chính trị của ông: sự nghiệp đấu tranh vì dân chủ, dân quyền và nhân quyền. Ông coi mình như một thành viên của giới trí thức trưởng thành từ “trường học của Cách mạng Pháp 1789”. [167] Với tư cách một nhà tổ chức dày dạn kinh nghiệm, Nguyễn Hữu Đang đã quy tụ giới văn nghệ sĩ, như các nhà thơ quân đội Trần Dần và Hoàng Cầm, cũng như Lê Đạt, Trần Duy, và giới học giả, như nhà cựu học uy tín Phan Khôi, học giả Đào Duy Anh (1904-1988), triết gia Trần Đức Thảo và luật sư kiêm giáo sư văn chương Nguyễn Mạnh Tường [168], xung quanh tờ báo Nhân văn để làm một cuộc đột phá mới. [169] Tất cả các nhân vật chính của Nhân văn ở cả hai nhóm đều thuộc giới trí thức vốn quen biết nhau từ trước: họ cùng đi học với nhau, sống gần nhau, thậm chí có quan hệ cọc chèo với nhau. Để làm tờ tạp chí, Nguyễn Hữu Đang đã nhắm tới Hoàng Cầm, Trưởng đoàn Kịch Quân đội, “thầy giáo tư” của tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ của quần chúng (“Nhân dân yêu tôi lắm”, Hoàng Cầm tự nói về mình với chút châm biếm), bạn thân của Trần Dần, người đã từng trình bày bản Dự thảo đề nghị 32 điểm với tướng Thanh.
Tuy nhiên, khác với Giai phẩm, Nguyễn Hữu Đang không có ý định làm Nhân văn trước hết như một tạp chí văn học, mà ưu tiên cho các chủ đề về thời sự chính trị Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Từ số đầu tiên cho tới số cuối cùng với kết cuộc cay đắng, câu hỏi tờ báo nên nghiêng nhiều hơn về văn nghệ hay nghiêng nhiều hơn về chính trị đã luôn gây tranh cãi trong nội bộ ban biên tập, giữa một bên là nhóm các văn nghệ sĩ và bên kia là Nguyễn Hữu Đang, nhà chính trị và nhà tuyên truyền. Các văn nghệ sĩ rõ ràng muốn đấu tranh cho tự do biểu đạt trong văn nghệ, nhưng đồng thời họ cũng cảnh báo nhóm kia đừng tấn công trực diện vào chính trị. [170] Song lúc này, ngay cả các văn nghệ sĩ cũng đã sẵn sàng chống lại hệ thống chuyên chế, hệ thống không cho con người cá nhân một không gian tự do nào, không cho phép bất kì cái gì khác Đảng, bởi vì các phương pháp trong Cải cách Ruộng đất giờ đây đang được thực hành trong lĩnh vực văn nghệ, và giới trí thức văn nghệ sĩ ý thức được rằng, những phương pháp và mô hình tổ chức xã hội mà họ chứng kiến trong quá trình Cải cách Ruộng đất sẽ trở thành mô hình tương lai cho toàn thể Việt Nam. Cải cách Ruộng đất là biểu hiện bệnh hoạn của hệ thống chuyên chế và Nguyễn Hữu Đang đã xuất hiện đúng lúc, Lê Đạt giải thích, bởi phong trào ly khai đã bùng phát do thái độ cứng nhắc của Đảng, và nếu không có Nhân vănthì chắc chắn sẽ có cái gì khác tương tự. Đòi hỏi về tự do văn nghệ đã không thể kìm hãm lâu hơn được nữa. [171]
Những hoạt động chuẩn bị cho báo Nhân văn của Nguyễn Hữu Đang đã không thể qua mắt giới lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Những người này đã tìm cách phân hóa nội bộ các trí thức văn nghệ sĩ, bằng cách ngăn cản các cộng tác viên tiềm năng tham giaNhân văn. Như đã nói ở trên, đại tá Lê Liêm, Tổng cục phó Tổng cục Chính trị Quân đội dưới quyền tướng Nguyễn Chí Thanh, đã nhân danh Bộ Chính trị thực hiện vài cuộc nói chuyện với các văn nghệ sĩ vào tháng 6.1956, vài tuần trước khi số báo đầu tiên ra mắt. Lê Liêm khẳng định sự trân trọng của ông cũng như của các vị lãnh đạo khác với văn nghệ sĩ và ghi nhận đóng góp to lớn của văn nghệ sĩ với cách mạng. Như Hoàng Cầm nhớ lại [172], Lê Liêm cũng thừa nhận rằng, những đòi hỏi của các văn nghệ sĩ là hết sức chính đáng, và những “sai lầm” của Đảng trong chính sách văn nghệ là do trình độ yếu kém của các cán bộ văn nghệ, và nhìn chung thì Đảng đồng ý với nhiều điểm trong các đòi hỏi của các văn nghệ sĩ. Lê Liêm nhấn mạnh rằng văn nghệ sĩ là bạn (chứ không phải kẻ thù) của Đảng, và chính vì thế họ cần có sự cảm thông chia sẻ với Đảng và tha thứ cho những sai lầm của Đảng. Giới lãnh đạo cao nhất sẵn sàng lắng nghe ý kiến văn nghệ sĩ, tất cả đều có thể được thảo luận và xem xét, nhưng phải tuân thủ hai điều: thứ nhất, họ phải chấm dứt cộng tác với Nguyễn Hữu Đang, bởi vì, như Lê Liêm giải thích, mục đích của Nguyễn Hữu Đang không phải là đấu tranh cho việc nới lỏng trí thức văn nghệ sĩ, mà Đang có tham vọng chính trị với mục tiêu lật đổ chính quyền xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, các văn nghệ sĩ không nên công khai những đòi hỏi của mình bằng các bài viết đăng báo mà nên gửi kiến nghị tới lãnh đạo. Việc này cần phải giải quyết nội bộ (cũng như Đảng chỉ có thể thừa nhận những sai lầm của mình trong phạm vi nội bộ), bởi còn có vấn đề miền Nam và thống nhất đất nước. [173] Vì những lí do đó, văn nghệ sĩ trước hết cần phải đặt trọn niềm tin vào Đảng, bởi Đảng là lực lượng duy nhất có thể thống nhất đất nước. Trong hoàn cảnh hiện nay, mọi sự tự do đều phải đặt dưới kỉ luật Đảng, và chỉ có tuân thủ kỉ luật tư tưởng và kỉ luật đời sống mới mang lại tự do đích thực, trong đó có tự do văn nghệ. Ngược lại, nếu các văn nghệ sĩ công khai những đòi hỏi của mình trên báo chí thì quần chúng nhân dân miền Nam sẽ mất niềm tin vào Đảng. Phụng sự cho sự nghiệp của Đảng cũng đồng nghĩa với phụng sự cho sự nghiệp thống nhất đất nước (và hoàn thành mục tiêu cách mạng). [174] Thơ ca cần có tinh thần chiến đấu, nhà thơ cần phục vụ Đảng; thơ ca là vũ khí tuyên truyền, [175] hội họa là vũ khí cổ động.
Các văn nghệ sĩ đã không từ chối trực tiếp đề nghị này của Lê Liêm, mà họ đưa ra một số đề nghị ngược lại. Họ đồng ý sẵn sàng chấm dứt hợp tác với Nguyễn Hữu Đang, nếu giới lãnh đạo đồng ý kỉ luật những người chịu trách nhiệm trong vụ bắt Trần Dần và xin lỗi công khai về những sai lầm đã mắc phải từ trước đến nay trong chính sách văn nghệ. Nếu điều này không xảy ra, thì họ sẽ tự thực hiện bằng tờ báo sắp ra mắt. Trên thực tế, những đề nghị này không những đe dọa con người đầy quyền lực Tố Hữu mà còn đòi Đảng phải công khai xin lỗi. Nhưng đây lại chính là hai điểm không thể nào có thể thảo luận được. Báo Nhân văn phê phán giới lãnh đạo văn nghệ:
[…] còn một số người lạc hậu mang nặng tàn tích đế quốc và phong kiến, tuy đứng trong hàng ngũ cách mạng, nhưng vì quyền lợi, địa vị cá nhân, nên có hành động hoặc lời nói vu cáo, đe doạ định bóp nghẹt dân chủ bằng những phương pháp khi lén lút, khi trắng trợn… […] báo Nhân văn bao giờ cũng đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, kiên quyết đấu tranh cho thống nhất đất nước và dân chủ thực sự […] [176]
Ngay cả trong thời gian báo Nhân văn đã hoạt động vẫn có những cuộc đàm phán giữa những đại diện cao nhất của giới lãnh đạo với các thành viên Nhân văn. Trần Duy kể lại rằng, sau khi Nhân văn số 4 ra mắt, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cho mời ông lên nói chuyện và lưu ý ông không được quên “tình hình đất nước” và mục tiêu dân tộc, và đừng làm gì ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Phạm Văn Đồng đề nghị Trần Duy từ giờ nếu có kiến nghị gì thì cứ việc liên hệ trực tiếp với ông, và ông hứa sẽ đề đạt lại với Bộ Chính trị, ngoài ra ông còn cho biết sẵn sàng ủng hộ toàn bộ chi phí cho việc in ấn báo Nhân văn. Khi Trần Duy kể lại việc này, những người chủ trương Nhân văn đã cáo buộc ông bắt tay với chính quyền. Dù sao về phần mình, sau cuộc gặp gỡ này, Trần Duy quả thực cho rằng nên dừng Nhân văn (“vì tất cả đều quá mệt mỏi, mà chúng tôi đều không được chuẩn bị cho cuộc chiến đấu này”). Có vẻ như sau đó còn có những cuộc gặp giữa Trần Duy, Văn Cao phía bên này với Trường Chinh, Nguyễn Đình Thi phía bên kia. Nguyễn Đình Thi nói với Trần Duy: “Mình rất quí cậu, sao cậu lại làm chuyện rắc rối này, cậu là một họa sĩ, nghề của cậu là vẽ…”. Và Trường Chinh thì nói: chúng ta đã có tất cả các tờ báo cần thiết rồi, tại sao các cậu lại phải làm một tờ báo như thế. Và Trần Duy cho rằng cách bày tỏ thái độ của Trường Chinh như thế là “très, très raisonnable” (hết sức hợp lý), bởi vì “kẻ thù” sẽ lợi dụng, và Nhân văn sẽ phá hoại nền độc lập và sự nghiệp thống nhất đất nước. Theo Trần Duy thì Bộ Chính trị đã làm hết sức để can ngăn ông và những đồng sự của ông. [177] Như vậy, rõ ràng trong nhóm những nhà ly khai cũng có sự bất đồng và các quan điểm mâu thuẫn nhau; mối nghi ngờ của một số văn nghệ sĩ với Trần Duy, người bị họ coi là đầu hàng và thỏa hiệp, vẫn còn kéo dài cho đến nay. [178]
Nhân văn được xuất bản dưới hình thức báo và thoạt tiên được thực hiện từ tiền túi của các thành viên chủ trương. Tờ báo đã gặt hái thành công vượt bậc, gây chú ý và sợ hãi. Chỉ vài ngày, báo đã bán được 6.000-7.000 bản, một con số rất lớn ở Hà Nội hồi đó. [179] “Chúng tôi ngồi trên lưng hổ – nếu chúng tôi đứng im, con hổ sẽ hất chúng tôi xuống; nếu chúng tôi nhảy xuống, con hổ sẽ ăn thịt. Vậy là chúng tôi cứ bị đẩy đi”, Trần Duy nhớ lại. [180] Nhân văn số 1 đăng một bài viết dài của Hoàng Cầm kể câu chuyện bi kịch của Trần Dần. Bài viết có nhan đề “Con người Trần Dần” với một bức minh họa của Nguyễn Sáng vẽ Trần Dần với vết sẹo ở cổ từ lần (giả vờ) tự tử – một bằng chứng hùng hồn tố cáo giới lãnh đạo văn nghệ. Trong Nhân văn số 3, nhà thơ Chu Ngọc tuyên bố: “Chúng tôi chỉ muốn thực hiện đúng phương châm trong việc phê bình của chúng ta là: Nói thẳng, nói thật, nói hết.” [181] Nhưng, như Trần Duy đã viết trong bài “Phấn đấu cho trăm hoa đua nở” in ở trang đầu báo Nhân văn số 2 ngày 30.9.1956: “Thực tế ở xã hội chúng ta, vấn đề thực hiện trăm hoa đua nở không phải là một việc đơn thuần dễ dàng. Một khẩu hiệu không thôi, không đủ sức mạnh để khai thông tất cả những đầu óc bảo thủ, quan liêu, đã quen với những tác phong lãnh đạo lỗi thời, chỉ lăm le buộc văn học, nghệ thuật vào những khẩu hiệu khô khan, những chính sách cùng những nguyên tắc máy móc về kinh tế và xã hội.” [182] Còn Lê Đạt tuyên bố: “Người công an đứng ngã tư đường phố… rất cần cho việc giao thông… Nhưng đem bục công an… đặt giữa tim người… có thể gây rất nhiều chua xót…”. [183]
Các đòi hỏi ngày càng vượt ra khỏi lĩnh vực văn nghệ và lan sang các chủ đề chính trị-xã hội, như các thảo luận về tính chính danh của chính quyền, về nhân quyền và dân chủ, nghĩa là đòi canh tân hệ thống – và như vậy nghĩa là đòi có đa nguyên chính trị (dù chỉ úp mở). Ngay cả những người vốn né tránh hoạt động chính trị mà chỉ giới hạn hoạt động của mình như những trí thức hoặc văn nghệ sĩ thuần túy cũng không thể che giấu đòi hỏi này, nhất là sau các sự kiện ở Moskva, Hungary và Ba Lan (và dĩ nhiên cả những sự kiện ở Đại lộ Stalin ở Berlin tháng 6.1953). Báo Nhân văn số 5 có bài viết kí tên Người quan sát: “Bài học Ba Lan và Hungari”. Nhiều người ở Hà Nội cả quyết với tôi rằng tác giả bài viết đó là Lê Đạt. Trong bài viết này, tác giả phân biệt giữa dân chủ với nhân dân và chuyên chính với kẻ địch. Tác giả đòi hỏi phải nhanh chóng sửa chữa những sai lầm đã mắc phải, nâng cao mức sống nhân dân và mở rộng các quyền tự do dân chủ. Tác giả viết, ở Ba Lan và Hungary, “sự tôn sùng Sta-lin, và những sai lầm của Sta-lin ảnh hưởng sâu xa đến một số đông những đảng cộng sản và công nhân trên thế giới, đã vi phạm nghiêm trọng đến đời sống và quyền tự do của con người”. [184] Chủ trương hộc tiến lên chủ nghĩa xã hội, quá coi trọng công nghiệp nặng, coi thường nông nghiệp và tiểu thủ công đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân. Lý luận sai lầm cho rằng càng tiến tới chủ nghĩa cộng sản thì đấu tranh giai cấp càng quyết liệt đã dẫn tới áp dụng chuyên chính với cả đảng viên và quần chúng và vi phạm trầm trọng nền pháp trị xã hội chủ nghĩa. [185]
Bài viết “Cần phải chính quy hơn nữa” của Nguyễn Hữu Đang đăng ở trang đầu báo Nhân văn số 4 ngày 5.11.1956 đã đi quá giới hạn chịu đựng của Đảng. Nội bộ nhóm biên tập đã tranh cãi quyết liệt vì một số người cho rằng bài báo quá trực diện chính trị, và nếu cho in thì chính quyền có thể cho đóng cửa tòa báo. Nguyễn Hữu Đang viết: “Vì lòng khinh bỉ của chúng ta đối với pháp lý tư sản lớn quá đến nỗi ở một số đông người nó đã trở thành lòng khinh bỉ pháp lý nói chung. Vì trong cuộc kháng chiến kéo dài và gian khổ, chúng ta đã quen giải quyết mọi công viêc to nhỏ trong không khí gia đình, với tinh thần tuỳ tiện. Chúng ta đã quen dùng cái linh động để gỡ cho công việc trôi chảy được mỗi khi vấp phải điều quy định chính xác. Chúng ta đã quen dùng cái lập trường để thay cho luật lệ cụ thể […] Trong Cải cách Ruộng đất, những việc bắt người, giam người, tra hỏi (dùng nhục hình dã man), xử tù, xử bắn, tịch thu tài sản, hết sức bừa bãi, bậy bạ, cũng như việc bao vây đến làm chết đói những thiếu nhi vô tội trong các gia đình địa chủ (hoặc chính là nông dân mà bị quy sai thành phần), không phải chỉ hoàn toàn do sự lãnh đạo kém cỏi mà còn do thiếu chế độ pháp trị hẳn hoi.” [186]
Tiếp theo, Nguyễn Hữu Đang bàn về nhân quyền trong bài trang Nhất báo Nhân văn số 5 với nhan đề “Hiến pháp Việt Nam năm 1946 và hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào?”. Nguyễn Hữu Đang viết rằng, do hoàn cảnh chiến tranh, Hiến pháp 1946 đã tạm thời bị hoãn thi hành, nhưng nay tình hình miền Bắc đã dần trở lại bình thường, vì vậy cần cấp thiết xem xét thực hiện Hiến pháp, đặc biệt là Điều 10, quy định về các quyền tự do dân chủ của nhân dân. (Điều 10 Hiến pháp 1946: Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; Tự do xuất bản; Tự do tổ chức và hội họp; Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra ngoài nước.) [187] Bản can của số báo này (cũng như các số trước) được các cán bộ của xưởng in, vốn là những đảng viên đầy tinh thần kỉ luật, chuyển tiếp cho lãnh đạo Đảng, và số báo đã bị cấm ngay tập tức. [188] Trong một báo cáo gửi từ Hà Nội, phóng viên hãng thông tấn CHDC Đức (AND) Erwin Borchers (tên Việt Nam là Chiến Sĩ) viết: “Quan điểm chung là không thể để những kẻ phá hoại này tiếp tục lộng hành nữa […] và đã đình chỉ hai số báo”. [189]
Nhân văn số 6 đã lên khuôn và đang chuẩn bị in thì bị chặn lại. Ngày 15.12.1956, Ủy ban Hành chính Hà Nội đã ban lệnh đình bán và cấm lưu hành báo Nhân văn với lý do Nhân văn đã có những bài viết: “xuyên tạc sự thật, gây hoang mang chia rẽ trong dư luận, gieo rắc sự nghi ngờ vào chế độ dân chủ nhân dân, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, phá hoại trật tự và đời sống yên bình của nhân dân thành phố.” [190]
9. Xét lại, Trốt-kít, gián điệp
Mặc dù đã ban lệnh cấm Nhân văn, các tổ chức chính quyền vẫn tỏ ra khá dè dặt – những “sự kiện ở Hungary” đã gây ra bầu không khí hoang mang trong khối các nước xã hội chủ nghĩa khiến người ta phải đặc biệt cảnh giác. Báo Nhân văn bị cho là đã:
từ đối lập văn nghệ càng lúc càng (lấn sang)… chính trị, có tính phá hoại và gây chia rẽ, (vì vậy) các tổ chức Đảng và các cơ quan báo chí vẫn phải tiếp tục (bàn về) vấn đề trí thức. Chủ trương chung của các bài viết này là trí thức, nhất là những người đã tham gia kháng chiến, phải tin tưởng hơn vào Đảng. Trong một bài phát biểu không công bố của Trường Chinh, Đảng đã đề cập tới vấn đề trí thức, trong đó nhấn mạnh Đảng phải có thái độ thẳng thắn và rõ ràng với trí thức. Đây là nền chuyên chính của toàn thể giai cấp công nhân chứ không phải của một vài cá nhân. Nếu quả thực có hiện tượng đó thì đấy là sai lầm và cần phải sửa. [191]
Nhà thơ Hoàng Cầm kể rằng, không lâu sau khi Nhân văn bị cấm, Tố Hữu đã thúc ông viết một bài tự phê bình ngắn để đăng trên báo Nhân dân, theo đó Hoàng Cầm nên thú nhận ông đã mắc sai lầm với Đảng. Bởi vì, theo Tố Hữu, Nguyễn Hữu Đang đã là kẻ phá sản hoàn toàn về chính trị và không ai còn tin ông ta nữa, nhưng các nhà thơ thì khác. Thơ ca là vũ khí đích thực; mỗi nhà thơ là một đội quân, và điều này đã được chứng minh trong kháng chiến: “Khi chúng ta hết đạn, những bài thơ của cậu (Hoàng Cầm) đã động viên cả ngàn quân tuốt lưỡi lê xông lên, đánh giáp lá cà với quân Pháp…”, Tố Hữu nói. [192]
Tuy nhiên lệnh cấm Nhân văn ở Hà Nội cũng như việc quân đội đàn áp ở Đông Âu vẫn chưa buộc được các nhà đối kháng im lặng. Điều này được thể hiện trong thời gian diễn ra Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ hai ở Hà Nội từ 20 đến 28 tháng 2 năm 1957 với sự tham dự của trên 500 đại biểu. Bộ Chính trị Đảng Lao động đã gửi thông điệp sau tới “các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”: “Cách mạng tháng Tám đã chặt đứt xiềng xích cho dân tộc… đồng thời giải phóng cho văn nghệ sĩ…”. Tuy nhiên, “vẫn còn thiếu những tác phẩm thực sự xứng tầm với thực tế cách mạng của nhân dân ta”. Đảng thừa nhận đã mắc phải những sai lầm trong chính sách văn nghệ. Tuy nhiên về phía mình, văn nghệ sĩ cũng có những sai lầm như “lập trường tư tưởng còn chưa rõ ràng; còn nông cạn, hời hợt khi viết về đời sống của quần chúng nhân dân; nhiều tác phẩm còn mắc bệnh tự nhiên chủ nghĩa, hình thức, giáo điều…”. Và để đạt được “những mục tiêu vĩ đại” do Đảng đề ra, văn nghệ sĩ cần “nỗ lực nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, quan điểm và đường lối của Đảng và Nhà nước, giữ vững lập trường giai cấp, từng bước hoàn thiện tư tưởng và phương pháp sáng tác”. [193]
Tuy nhiên, những trí thức như Đào Duy Anh lại đòi hỏi phải có tinh thần khoa học: không biểu dương những sáng tác vội vã nếu như trước đó chưa có sự thẩm định nghiêm túc và khoa học về nội dung cũng như hình thức tác phẩm. Cảm hứng là tốt và cần thiết, nhưng chưa đủ. Chúng ta phải thừa nhận rằng, chúng ta rất thiếu…những người vừa có trình độ văn hóa và khoa học cao, đồng thời lại có óc sáng tạo. [194]
Hội nghị đồng thuận đưa ra nghị quyết, trong đó nhiệm vụ của văn nghệ được miêu tả như sau: “Cổ vũ miền Bắc từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và tích cực xây dựng một nền văn nghệ dân tộc tiến bộ”. [195] [v] Tuy nhiên cái được gọi là đồng thuận trong nghị quyết này vẫn không che giấu được những điểm khác biệt cố hữu, những điểm đã xuất hiện mạnh mẽ trong các cuộc tranh luận trong và sau hội nghị. Tổng Bí thư Trường Chinh, người miêu tả Nhân văn như một “cơ quan tác động tinh thần của địch” chống nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã phê bình gay gắt phong trào Trăm hoa đua nở: “Hoa nào tốt thì mới nên được nở, còn hoa thối, hoa độc thì phải loại bỏ. Và ngay khi Trường Chinh đang phát biểu, ông đã bị những người đối kháng phản đối mạnh mẽ”. [196]
Phan Khôi giơ tay phát biểu, và điều này “đã gây ra một không khí lộn xộn lớn trong phòng hội nghị”, bởi vì Phan Khôi đòi “tự do… trình bày quan điểm trên báo chí”, để quần chúng hiểu sự thật về những người bị cáo buộc. “Phan Khôi đòi những bằng chứng cụ thể cho những điều Trường Chinh nói mà không có bằng chứng. Một thành viên của chủ tịch đoàn cắt lời và đề nghị Phan Khôi trình bày vào dịp khác, vì thiếu thời gian.” Cả Phùng Quán, tác giả Vượt Côn Đảo, cũng tấn công Trường Chinh: “Người ta cứ nói mãi về sự thống nhất quan điểm giữa văn nghệ sĩ. Tôi xin nói rằng không hề có sự thống nhất. Sự thống nhất đó đã bị phá vỡ. Chúng tôi đều có những thắc mắc, những dằn vặt kìm nén chất chồng. Chỉ có một cách để thống nhất quan điểm, đấy là phải cho chúng tôi tự do nói ra quan điểm của mình. Nếu còn bắt chúng tôi im lặng thì không thể có sự thống nhất quan điểm hay đoàn kết được”. Về yêu cầu “loại bỏ những hoa thối” của Trường Chinh, Phùng Quán nói: “Cái khó là làm thế nào biết được hoa nào thối, hoa nào độc… Vì thế người ta phải để việc đó cho phê bình, cho nhân dân phán xét, chứ không phải một nhóm người nào đó không phận sự. Thật quá tiện khi bảo chúng tôi chống Đảng, thực tế chúng tôi chỉ chống lại những sai lầm của Đảng.” Báo cáo kèm ghi chú: “Im lặng, không ai vỗ tay”. Trong khi đó, khi nhạc sĩ Đỗ Nhuận hùng hồn phát biểu chống lại Phùng Quán và Nhân văn, ông “được vỗ tay nhiệt liệt. Không khí rất căng thẳng. Người ta sợ có xô xát.” [197]
Các cuộc tranh luận chẳng dẫn tới đâu và ban lãnh đạo Đảng và nhà nước vẫn giữ nguyên lập trường không thỏa hiệp. Tuần báoVăn của Ban Chấp hành Hội Nhà văn xuất bản tháng 7.1957, vốn được Đảng sắp đặt như một “cây gậy tư tưởng”, đã, tương tự như tờ Trăm hoa của Nguyễn Bính, sớm quật trở lại Đảng, và bị đình bản sau 37 số. Tuần báo Văn bị phê phán là “ảnh hưởng tư tưởng tư sản” và “xa rời đường lối văn nghệ phục vụ công nông binh”. [198] Theo đó, “nhiều văn nghệ sĩ… những năm qua đã xa rời thực tế chính trị và không hiểu được những thay đổi đang diễn ra. Họ không hiểu mục đích thực sự của cuộc đấu tranh chống sùng bái cá nhân mà lợi dụng nó để chống lại sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó nhiều nhà văn còn chịu dao động bởi những tư tưởng như của Sartre.” [199]
Các thành viên của Nhân văn bị cho là đã tìm được nơi “lẩn lút” bên cạnh các đồng nghiệp ở báo Văn, những người lâu nay vốn chưa bị qui là dao động, và tại nơi ẩn náu này, họ tiếp tục việc chống phá. Theo đó, báo Văn đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao trong việc: “tiếp tục cuộc thanh lọc tư tưởng, vốn bắt đầu từ Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô, từ khẩu hiệu Bách hoa tề phóng của Trung Quốc và sau những sự kiện Hungary (dù đã bị dập tắt nhưng chưa thể coi là đã xong hẳn)”. Tạp chí Cứu quốc, nơi đăng bài thơ “Gửi những người mai sau” của Bertolt Brecht, cũng bị phê phán nặng nề. Bài thơ của Bertolt Brecht được dịch từ tiếng Pháp và in ở Nhà xuất bản Hội Văn nghệ năm 1957 “được những kẻ xét lại, cụ thể là Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm ca tụng. Lời nói đầu do Huy Phương, cũng là một kẻ xét lại, viết.” Trong bản dịch của mình, Trần Dần đã “sử dụng thủ pháp biểu tượng hai mặt để xuyên tạc Bertolt Brecht, hòng lợi dụng Bertolt Brecht để ám chỉ chế độ ta”, bởi vì: “Quả tôi sống những ngày đen tối lắm / Những lời nói ngây thơ là những lời nói dại khờ… Thời thế gì/ Mà nói đến cỏ cây / Cũng như đã phạm vào tội ác”. [200]
Hội nghị Moskva của 12 Đảng Cộng sản cầm quyền thuộc khối Liên Xô–Trung Quốc nhân kỉ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười cuối năm 1957 đã dẫn tới sự đồng thuận hoàn hảo giữa Khrushchev và Mao Trạch Đông, ít nhất là ở quan điểm cần phải chấm dứt sự dao động trong lãnh đạo trí thức và văn nghệ. Ngày 6.1.1958, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô ra quyết định thắt chặt công tác trí thức. [201] Tại Việt Nam, các khóa chỉnh huấn “học tập các văn kiện Mạc Tư Khoa” được tổ chức dồn dập cho văn nghệ sĩ, giảng viên đại học và trí thức. [202] Bộ Chính trị tuyên bố “tiến hành chỉnh huấn toàn diện với các văn nghệ sĩ”, để văn nghệ sĩ “học tập sự khác nhau giữa quan điểm tư sản và quan điểm xã hội chủ nghĩa”. “Một số ‘lý luận gia’, ‘học giả’ của chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ như Trương Tửu, Phan Khôi là những người đã có nhiều ‘thành tích’ trong việc xuyên tạc chủ nghĩa Mác, hoặc chống lại chủ nghĩa Mác hàng chục năm nay”, Nguyễn Đình Thi phát biểu trong bài “Chống chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ” đăng trên báo Học tập số 3 năm 1958. Các khuynh hướng xét lại được thể hiện trong văn nghệ như thế nào? Theo Nguyễn Đình Thi, những điểm chính của nó là “chống lại đường lối văn nghệ phục vụ chính trị, phục vụ công nông binh, chống lại sự lãnh đạo của Đảng. Nó đưa ra nhiều khẩu hiệu trống rỗng về ‘tự do’, ‘chân thành’, ‘tìm cái mới’, v.v… thật ra đó chỉ là những khẩu hiệu của ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’ cũ rích.” [203]
Không lâu sau đó, tất cả đều rõ rằng người ta muốn phân biệt rạch ròi giữa gạo và cám: tại khóa chỉnh huấn ở ấp Thái Hà với sự tham dự của 304 văn nghệ sĩ, trong đó cũng có 20 người Nhân văn, tuy nhiên 4 thành viên khác của Nhân văn là Trương Tửu, Phan Khôi, Trần Duy và Nguyễn Hữu Đang thì không được phép tham gia, vì họ bị coi là “những phần tử chống đối ra mặt”, những kẻ phản bội lý tưởng chủ nghĩa xã hội và “bị báo chí vạch mặt trước công luận”. [204] Bốn người bị loại bỏ hiểu rằng, họ đã chính thức bị coi là kẻ thù của chế độ và chờ đợi sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất. Ví dụ Phan Khôi bị tố là một “tên phản trắc”, một kẻ đã luôn phản bội tổ quốc trong tất cả các phần đời của mình, là “gián điệp cũ của Pháp” và “kẻ thù công khai của chủ nghĩa cộng sản”. Trần Duy cũng bị cáo buộc “làm mật thám cho Pháp”. Giáo sư văn chương Trương Tửu bị chửi là một “kẻ bất mãn có lịch sử và là một tên tờ-rốt-kít vô tổ quốc”, kẻ ngay từ những năm 1932/33 đã có những bài phê bình văn học in tại một “nhà xuất bản của bọn tờ-rốt-kít” và năm 1945 đã dịch một tuyên ngôn của Romain Rolland về độc lập trí thức. [205] Rốt cuộc thì cả triết gia Trần Đức Thảo, sáng lập viên tờ Les Temps Modernes, cũng bị đưa ra đấu. Đầu những năm 1950, Trần Đức Thảo đã từ Paris trở về để gia nhập cách mạng. Trong thời gian giữa tháng 3 và tháng 4 năm 1958, ông đã phải chịu một cuộc đấu tố công khai không khoan nhượng tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, mà người đứng ra tố ông lại chính là Phạm Huy Thông, người bạn thân nhất của ông trong hàng thập kỉ. [206]
Đầu năm 1958 xuất hiện những bài viết tấn công gay gắt những quan điểm “xét lại” trên tuần báo Văn – “những quan điểm không thể chấp nhận được trong chế độ chuyên chính công nông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động… với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Đây là hệ quả của “những hoạt động lâu năm của một nhóm phản động gian ác với mục đích thủ tiêu những thành tựu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ Cách mạng tháng Tám tới khi hòa bình lập lại (1954), để lập lại chế độ tư sản”. [207] Ngôn từ được sử dụng trong các bài báo này không còn có tính xoa dịu và thỏa hiệp như vài tháng trước đây nữa, mà trở nên cứng rắn, giáo điều, đầy vẻ đe dọa. Từ tháng 7.1958, những trí thức liên quan bị “đưa đi thực tế”, nghĩa là bị đưa về các vùng nông thôn hoặc các xí nghiệp quốc doanh để làm việc chân tay dưới những điều kiện hết sức khắc nghiệt, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng – để họ có thể cải tạo thông qua việc tiếp xúc với quần chúng. Tất cả những người này đều phải viết tường trình thừa nhận tội lỗi và bày tỏ sự ân hận. Vài người bị liệt vào hạng ly khai và bị khai trừ ra khỏi Đảng. Báo chí không còn tờ nào dám hé răng phê phán gì nữa, nội dung báo chí trở nên “nghèo nàn, đơn điệu và không còn hấp dẫn bạn đọc”. [208]
Từ tháng 1.1958, thông qua phong trào “thực hành văn hóa”, tất cả các văn nghệ sĩ cần “có khả năng sáng tạo ra các tác phẩm xã hội chủ nghĩa chân chính” [209], bằng cách “hòa mình với quần chúng”. [210] Đặc biệt các văn nghệ sĩ ly khai cần phải “tìm thấy ở đó vũ khí giúp họ gột rửa những tư tưởng Nhân văn”. [211] Trường Chinh, người hẳn có ý thức rất rõ về vai trò của văn nghệ sĩ và trí thức đối với Đảng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã tỏ ra là người nhìn xa, bởi vì từ lâu ông đã thấy “giáo dục là phương tiện cơ bản để giúp các đồng chí lầm đường lạc lối có thể sửa chữa sai lầm”, với mục đích “loại bỏ bệnh tật, nhưng vẫn giữ được mạng sống cho người bệnh” [212]. Các khóa chỉnh huấn được diễn ra liên tục, và các văn nghệ sĩ và trí thức phải viết đi viết lại các bản kiểm thảo tự phê bình. Giáo sư Đặng Thai Mai, nhạc phụ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đề xuất các biện pháp thực tế. Trong bản báo cáo tại Đại hội Văn học Nghệ thuật tháng 1.1959, với tư cách Chủ tịch Hội, ông phát biểu: “Chỉ khi người văn nghệ sĩ cùng sống với dân, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm, anh ta mới nhận ra được bản tính thông minh, tâm hồn trong sáng và lối sống giản dị của họ trong những sinh hoạt hàng ngày. Người văn nghệ sĩ mới cảm nhận được sự kiên trì bền bỉ để vượt qua những khó khăn gian khổ của nhân dân, những người đang tích cực xây dựng một cuộc đời mới và một tương lai hạnh phúc trên đất nước ta theo tiếng gọi của Đảng.” [213]
Trên thực tế, các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ liên quan tới Nhân văn đều bị cấm xuất bản. Lương tháng của họ bị cắt giảm khiến họ bị rơi xuống mức sống gần như bần hàn, ngay cả phiếu gạo của họ cũng bị xà xẻo. Lê Đạt sống được là nhờ mẹ ông, một người buôn bán tháo vát. Các đồng nghiệp khác đều phải tìm mọi cách để kiếm thêm thu nhập. Suốt những năm dài, Hoàng Cầm đã bán hàng nước tại căn hộ ọp ẹp của ông ở Hà Nội, ở cái thời bao cấp mà tất cả hàng hóa đều bị cấm, và trong cái bầu không khí của Hà Nội “rầm rập lính tráng và cán bộ, sôi sục các hoạt động quân sự và chính trị”, [214] ông đã phải bán thêm rượu (lậu – dĩ nhiên). Một thời gian ông và Trần Dần đã phải kéo xe tay đến mức gần như kiệt sức cho một xưởng cưa để kiếm sống. Đối với các trường hợp có kết án chính thức, thường người ta chỉ không được hành nghề một hai năm. Tuy nhiên đối với hầu hết những người Nhân văn, bản án đó đã kéo dài ba mươi năm. Nhà thơ Lê Đạt bị đưa lên miền núi, tuy nhiên sau 10 năm, ông vẫn bị coi là “mal éduqué” – cải tạo không tốt. “Tôi bị người ta xem như một tên phản động, một kẻ bệnh hoạn. Tất cả đều tránh mặt tôi, cả bố tôi cũng vậy. Tôi bị đối xử như một kẻ tà đạo trong một tòa án dị giáo”, Lê Đạt hồi tưởng lại trong cay đắng. Ông đã phải sống bên lề xã hội ba mươi năm. [215] Người bạn Tử Phác của ông phải lao động 1 năm trong một trại nuôi bò ở Quảng Bình, trước khi được trở về Hà Nội. Họa sĩ Bùi Xuân Phái – giống như một số văn nghệ sĩ và trí thức khác, đã rời hàng ngũ kháng chiến cuối những năm 1940 để về thành, do không chịu được đói rét và bệnh tật [216] – Bùi Xuân Phái chỉ tham gia Nhân văn bằng một bức biếm họa. Tháng 10.1956, ông đã phải làm một cuộc tự phê bình nhục nhã và đánh mất vị trí giảng viên tại Đại học Mỹ thuật. Tranh của ông bị cấm trưng bày. Ông bị mất địa vị xã hội và nguồn thu nhập. [217] Các học giả tầm cỡ như Trần Đức Thảo, [218] Nguyễn Mạnh Tường hoặc Đào Duy Anh tuy được phép ở Hà Nội, nhưng họ bị cho “ngồi chơi xơi nước”, họ trở thành những người bị xua đuổi, những kẻ vật vờ, bị cách ly khỏi tất cả các tầng lớp xã hội, bị bỏ đói. Họ bị nghi ngờ, bị giám sát từng bước và bị các học trò và đồng nghiệp cũ xa lánh (với lời đe dọa tống vào hỏa lò), đến mức họ gần như trở nên mất trí. [219] Đến những năm 1970 và 1980, vài người trong số họ bị bỏ tù lâu năm mà không có án, ví dụ như nhà văn Phùng Cung bị giam từ 1960 đến 1972 ở Lào Cai. [220] Giữa năm 1982, nhà thơ Hoàng Cầm cũng bị bỏ tù 18 tháng – sáu tháng đầu ở Hà Nội và một năm sau bị nhốt ở nông thôn trong sự khủng bố tinh thần thường trực: Hoàng Cầm thường nghe thấy những âm thanh ghê rợn không rõ từ đâu. Vì có liên hệ với giới văn nghệ hải ngoại, Hoàng Cầm liên tục bị nghe lén, và ông đã phải viết đi viết lại những bản kiểm thảo, tới lúc ông phải “thú hết” theo yêu cầu. [221]
Tháng 6 năm 1958, nhà chính trị đầy quyền lực, nhà lãnh đạo văn nghệ kiêm nhà thơ Tố Hữu cùng người bạn thơ đồng thời là người đồng hành chính trị nhiều năm, Huy Cận, hồi đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, đã báo cáo về kết quả các hoạt động văn hóa những năm qua và đưa ra các nhiệm vụ trong những năm tới. Họ nói về những kẻ “phản bội” trong công tác văn hóa thông qua sự “gian trá” của nhóm Nhân văn – Giai phẩm. Hai tác giả lưu ý “đến nay… vẫn còn những sách báo phản động, chống Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và chống Hồ Chủ tịch” tại các quầy sách “tư nhân”. [222] Tuy nhiên, trong báo cáo tổng kết khóa họp thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, “những phần tử phản động đã bị đánh trả quyết liệt và sự tấn công của bọn tư sản đã bị chúng ta đập tan”. [223] Cùng thời gian này, thông tín viên của Thông tấn xã CHDC Đức AND ở Hà Nội, Erwin Brochers (tức Chiến Sĩ), báo cáo về Berlin: “… bọn chủ nhiệm và bọn cộng tác viên (của Giai phẩm và Nhân văn) đã ra sức làm rối loạn tư tưởng và làm suy giảm niềm tin của độc giả… bọn này đã không từ bỏ thủ đoạn nào trong việc xuyên tạc sự thật và phủ nhận vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam… cũng giống như các hoạt “tâm lý” của Cơ quan Tuyên truyền của Pháp trước đây… việc bình luận báo chí vô trách nhiệm và ủng hộ các quan điểm tư sản cũ rích về văn nghệ và tự do văn nghệ cho thấy bọn chúng là những tên xét lại đúng nghĩa.” [224]
Mục đích của Đảng là làm cho trí thức văn nghệ sĩ tin vào lý tưởng. Các văn nghệ sĩ có nhiệm vụ làm cho quần chúng tin rằng lý tưởng có thể đạt được, nếu tất cả đều phục tùng kỷ luật Đảng. Đồng thời việc này cũng củng cố niềm tin của Ban lãnh đạo Đảng và nhà nước vào sứ mệnh thần thánh của mình. Nếu như giới lãnh đạo chỉ xem các văn nghệ sĩ như những kẻ lầm đường lạc lối, những kẻ ngây thơ nhưng hữu dụng, những con cừu (cần thiết), những kẻ có thể (và cần phải) cải tạo, thì với một cái đầu chính trị tầm cỡ như Nguyễn Hữu Đang lại khác. Ông bị chính thức tuyên bố là “kẻ thù” của dân tộc. Ngày 11 tháng 3 năm 1958, Tố Hữu, “Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng Ban Văn hóa Bộ Chính trị”, đã thông báo cho các đại diện ngoại giao của các nước xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội về sự phân loại “các lực lượng chống đối trong văn nghệ”. Dưới đây tôi xin trích dẫn hồ sơ của Đại sứ quán CHDC Đức ở Hà Nội, bởi nó có thể rọi sáng vào phiên tòa kết tội Nguyễn Hữu Đang ở Hà Nội năm 1960. Nó cho thấy người ta đã chuẩn bị kĩ lưỡng như thế nào cho việc khởi tố ông:
Nhóm 1: Những tên phản bội, từng làm việc cho Pháp, có kinh nghiệm về chiến tranh tâm lý, có thời đã làm cho cơ quan thông tin và tuyên truyền của Pháp. Có tên từng là nhân viên Phòng Nhì của Pháp. Những tên này lợi dụng Hiệp định Genève để ở lại… hoặc trở lại miền Bắc. Núp dưới các hoạt động văn nghệ, chúng tiếp tục các hoạt động chống phá cách mạng trước đây.
Bọn này là những cái loa cho các chương trình phát thanh của Mỹ và ngụy quyền miền Nam.
[…] đối với mỗi tên này đều (có) một bộ hồ sơ đầy đủ về các quan hệ phản bội và các hoạt động chống nhân dân của chúng […]
Nhóm 2: Những phần tử tờ-rốt-kít, đặc biệt trỗi dậy từ hai năm cuối sau Đại hội 20 Liên Xô. Những tên này thường núp dưới lớp vỏ chống độc tài và chống chủ nghĩa Xta-lin để liên tục tiến hành các cuộc tấn công chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội và chống Liên Xô.
Vài văn nghệ sĩ bị nhiễm các lập luận tờ-rốt-kít, mặc dù chúng không thừa nhận là tờ-rốt-kít. Vài tên trong số này có vị trí trong ngành điện ảnh, hội nhà văn, các nhà xuất bản và các trường đại học.
Nhóm 3: Đây là những phần tử bất mãn, những kẻ bị mất quyền lợi cá nhân trong xã hội cũ. Đó là những tên bị mất quyền lợi trong Cải cách Ruộng đất hoặc là thân nhân của bọn địa chủ phong kiến cũ. Cũng có những tên bất mãn với vị trí xã hội hiện tại, trong đó có cả những tên từng là đảng viên. Một số tên trong đó có thể cải tạo được. Tuy nhiên Tố Hữu lưu ý phân loại, vài kẻ trong số này rất dễ bị mua chuộc. Điều tra cho thấy, những tên bỉ ổi nhất trong số này đã được bọn tư sản ủng hộ về tài chính, cho nhà cửa để làm nơi tụ họp cho các nhóm phản động. Một số ngôi nhà tư sản đã trở thành điểm trụy lạc cho một số văn nghệ sĩ. [225]
Đại sứ quán CHDC Đức ở Hà Nội báo cáo rằng, Đảng Lao động Việt Nam không còn cách nào khác là phải điều tra những tên phản động. Quá trình điều tra đã chỉ ra, “nhiều tên trong nhóm là gián điệp của Pháp, từng có liên hệ với những ông chủ cũ”, bởi vậy cơ quan an ninh Việt Nam bắt buộc phải “bắt ba tên thành viên của nhóm này”. [226] Và ngày 10 tháng 4 năm 1958, “ba tên bỉ ổi nhất” là Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thị Yến (tức Thụy An) và Trần Thiếu Bảo (tức Minh Đức) đã bị bắt giam tại Hỏa Lò và khởi tố vì tội phản động (chứ không phải vì tội tham gia Nhân văn – Giai phẩm). [227] Nhận được những tin báo cho thấy bị dồn vào đường cùng, Nguyễn Hữu Đang đã tìm cách đến Hải Phòng để bỏ trốn ra nước ngoài, nhằm tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh ở hải ngoại để thống nhất đất nước, tuy nhiên trong chuyến đi này ông đã bị phản bội và bị bắt. Có nhiều chỉ dấu cho thấy ông đã bị gài bẫy. Theo như Nguyễn Hữu Đang kể lại, ông đã muốn tới Ấn Độ và Nam Tư để gặp Nehru và Tito, những người mà ông “tin tưởng” như những đại diện cho một chủ nghĩa xã hội khác, một chủ nghĩa xã hội tự do hơn [228]. Để tiến hành “vạch mặt” Nguyễn Hữu Đang và hai người bị bắt trước công luận, ngày 15.4.1958, báo Nhân dân đăng bài của Mạnh Phú Tư, trong đó tác giả cáo buộc Nguyễn Hữu Đang là kẻ “đầu cơ cách mạng”, cả đời “mưu đồ làm phản, mưu đồ vương bá”, sau hòa bình lập lại đã không ngừng câu kết với “những phần tử tư sản phản động và bọn gián điệp của đế quốc để lại”. Nguyễn Hữu Đang đã trở thành một “tên phản cách mạng”, “tên phá hoại đầu sỏ rất nguy hiểm”. [229]
Tháng 10 năm 1960, tại Hội nghị Học tập Nghị quyết Đại hội lần thứ ba của Đảng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có bài phát biểu trước các văn nghệ sĩ (tức những người làm “công tác văn hóa”). Về “điểm nổi bật trong tình hình miền Bắc nước ta trong thời gian gần đây”, ông cho rằng đã “xuất hiện những bông hoa…, những cái chồi đầu tiên của chủ nghĩa xã hội”. Ông giao nhiệm vụ cho các văn nghệ sĩ: “… phải phản ánh được cái mới trong xã hội, làm sao cho mọi người thấy được cái nụ, cái chồi, cái bông hoa mới của chủ nghĩa xã hội… phải thấy được nó, diễn tả, biểu dương, ca ngợi nó, giúp cho nó sống và nảy nở… Diễn tả cho được nhất định là có sáng tạo”. Trong khi các văn nghệ sĩ tư sản cũng miêu tả cùng một hiện thực, nhưng họ miêu tả bằng tầm hồn và tư tưởng cá nhân, thì các nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa lại hoàn toàn khác, bởi họ “miêu tả và phản ánh hiện thực bằng tâm hồn và tư tưởng xã hội chủ nghĩa”. Văn nghệ sĩ phải luôn lạc quan và sống với hiện thực, họ phải miêu tả “những con người đương vươn lên với chế độ, với chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Đó là “những người công nhân, những người nông dân xã viên hợp tác xã, những người chiến sĩ bộ đội, những người trí thức cách mạng, những người thanh niên, những người phụ nữ”. Đó là những người lớn lên và trưởng thành trong cách mạng: “Phải thấy những con người mới này trong tư tưởng và tình cảm, trong đạo đức và nhân sinh quan mới của họ. Miêu tả những con người mới này là miêu tả xã hội mới, đời sống mới, làm nổi bật bản chất tốt đẹp của chế độ ta, lực lượng sáng tạo vô biên của nhân dân ta” – đó là nhiệm vụ chính của văn nghệ. Trong đó, “đường lối, chính sách của Đảng soi đường cho những người xây dựng chủ nghĩa xã hội và người hoạt động văn hóa nghệ thuật”. [230] Tư tưởng trong “Bức thư gửi đồng chí họa sĩ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 12 năm 1951, trong đó Chủ tịch nói rõ, văn nghệ cũng là một mặt trận trong kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội, vẫn còn nguyên giá trị.
Vài năm sau, tức năm 1964, Mao Trạch Đông được tôn vinh là “người thầy vĩ đại của thi ca”, bởi vì “trong hoàn cảnh cuộc đấu tranh chống Mỹ còn kéo dài và cuộc đấu tranh phức tạp bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, chống chủ nghĩa xét lại hiện đại, những bài thơ của Mao Chủ tịch có ý nghĩa giáo dục to lớn, bởi chúng thể hiện mạnh mẽ tinh thần cách mạng”. [231]
Xem tiếp Phần 2: click vào đây.
* * *
Xem bài liên hệ đến đề tài: click tại đây
Xem bài trên trang Tài liệu: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net